Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Những Bài Báo Cần Suy Gẩm _ Trực Ngôn ???




Làm thế nào để Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Dân?

Mai Thái Lĩnh
NQL: Có nhiều bình luận, phân tích chung quanh chất vấn của bác DTQ và trả lời của TT. Bài viết của bác Mai Thái Lĩnh mình cho là xác đáng nhất. Đúng là có ở trong chăn mới biết rận thế nào.
Sáng ngày 14-11-2012, trong phiên chất vấn tại Quốc hội Việt Nam, đại biểu Dương Trung Quốc đã đề nghị Thủ tướng nên từ chức để làm gương tốt, mở đầu cho “một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm”.
Ông đặt hai câu hỏi: (1) Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân? (2) Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?
Trong phần trả lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đề cập gì đến việc “hướng tới một văn hóa từ chức”, cũng không nói gì về “trách nhiệm với dân”. Thay vào đó, ông nhắc đến quá trình “51 năm theo Đảng hoạt động cách mạng” qua đó ông trần tình: “Và Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi”.
Về việc đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, ông lập luận: “Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công. Và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi. Tóm lại có thể nói là gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo Đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của Đảng, tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi”.
Từ đó, ông khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua”
Phản ứng chung của dư luận là không hài lòng với phong cách và nội dung trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhà báo Trương Duy Nhất bình luận trên blog của ông: “Nghe Thủ tướng nói càng thấy đúng là ông chỉ nói về trách nhiệm trước đảng, về sự tận tụy, lòng trung thành với đảng mà không hề ý thức được trách nhiệm trước dân. Tôi có cảm giác dường như Thủ tướng nhầm lẫn quốc hội với đảng. Quốc hội là đại diện của dân, trả lời chất vấn trước quốc hội là trách nhiệm trước dân chứ không phải trách nhiệm trước đảng”

1) Tại sao Thủ tướng lại nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với Dân?
Vấn đề đặt ra là: tại sao Thủ tướng lại có thể “nhầm lẫn Quốc hội với Đảng”, đặt nặng trách nhiệm với Đảng mà xem nhẹ trách nhiệm với Dân?
Để có thể hiểu rõ điều này, có lẽ chúng ta phải trở lại với cuộc “chỉnh đốn Đảng”, mà trọng tâm là Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (từ 1-10 đến 15-10-2012). Căn cứ vào Thông báo cuối hội nghị, chúng ta được biết kết quả của “việc xem xét trách nhiệm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư” trong đợt “chỉnh đốn Đảng” vừa qua là như sau:
“Bộ Chính trị đã thống nhất cao tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét có hình thức kỷ luật khiển trách về trách nhiệm chính trị đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”. Nhưng: “Sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”
Mặc dù trong thông báo chỉ nói đến “một đồng chí trong Bộ chính trị” và trong cuộc tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 17-10-2012, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cũng không nêu đích danh mà chỉ gọi là “đồng chí X”, hầu như  mọi người dân trong nước – và ngay cả báo chí nước ngoài, cũng có thể đoán ra “đồng chí X” đó chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Như vậy, “cuộc chỉnh đốn Đảng” từng được quảng cáo rầm rộ đã dẫn đến kết quả “Ban chấp hành Trung ương biểu quyết không kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. Bình luận về sự kiện này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh có nhận xét:
“Việc Bộ Chính trị không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương là điều khiến mọi người ngạc nhiên. Đây là điều mà tôi thấy hiện nay chưa giải thích được, và chưa biết được rằng hệ quả sẽ như thế nào ? (…) Tôi nghĩ rằng, đây là một điều rất không bình thường, và không biết rằng là sắp tới đây Bộ Chính trị sẽ thực hiện sự lãnh đạo của mình như thế nào, nếu như mà việc Bộ Chính trị quyết định 100% đồng ý rồi, mà ra đến Trung ương lại không thuyết phục được. Đây là điều mà cá nhân tôi, đã từng phục vụ cho một số đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong một thời gian tương đối dài, hết sức lấy làm chú ý. Và hiện nay tôi chưa có thể giải thích được điều này”
Việc Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam biểu quyết “không kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Tấn Dũng” đã dẫn đến hệ quả “Quốc hội không thể tiến hành biểu quyết bất tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người đặt lòng tin vào cuộc “chỉnh đốn Đảng” cảm thấy hụt hẫng.
Xét về mặt hình thức, nếu căn cứ vào điều 84 của Hiến pháp 1992 (bản sửa đổi, bổ sung năm 2001), chúng ta thấy Quốc hội có quyền “bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm” một số chức vụ – trong đó có chức vụ Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cũng có quyền “ bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” (trong số đó có chức vụ Thủ tướng). Thế nhưng, mặc dù quy định về thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm” đã được ghi trong Luật Tổ chức Quốc hội 2002 và cả trong bản sửa đổi năm 2007, Quốc hội lại không thể tự mình thực hiện quyền này. Thực tế cho thấy chế độ “đảng trị” đã vô hiệu hóa công cụ hữu hiệu nhất của Quốc hội để kiểm soát quyền lực của bộ máy hành pháp.
Cách đây hai năm, vào ngày 1-11-2010, tại Quốc hội khóa trước (khóa XII), đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã từng đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ nhưng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác bỏ. Giải thích sự khó khăn của việc tiến hành thủ tục này, đại biểu Lê Văn Cuông đã có nhận xét: “Điều này đúng với pháp luật Việt Nam và điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện nay thiết chế ở Việt Nam là một đảng duy nhất lãnh đạo toàn xã hội trong đó có Quốc hội, cho nên Quốc hội muốn “quyết” thì cũng phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền là Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương, những nơi này cân nhắc vấn đề sau đó có chủ trương để cho Đảng đoàn Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ theo qui định pháp luật và điều lệ đảng cộng sản Việt Nam”
Có thế nói nhận định hết sức thẳng thắn và trung thực của vị cựu đại biểu Quốc hội này đã nói lên thực chất của Quốc hội Việt Nam: đó chỉ là một cơ quan “đóng dấu” (rubber stamp) nhằm hợp pháp hóa các quyết định của Đảng Cộng sản. Vì thế cho dù Hiến pháp và Luật có quy định, việc “bỏ phiếu tín nhiệm” cũng chỉ có thể tiến hành một khi có lệnh của Bộ Chính trị hoặc Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Điều này giúp chúng ta hiểu được thái độ “tự tin” (mà những người không hài lòng có thể coi là “ngạo mạn”) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Quốc hội. Là người theo Đảng lâu năm, ông hiểu rất rõ một điều: nếu Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định không kỷ luật ông thì không bao giờ Quốc hội có thể tiến hành bất cứ thủ tục pháp lý nào để buộc ông phải từ chức. Thái độ xem thường Quốc hội (đồng nghĩa với xem thường Dân) bắt nguồn từ nhận thức đó.
2) Làm thế nào để buộc Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Dân?
Trái với suy nghĩ của một số người, tập quán từ chức (tức là cái mà ở nước ta những người sính chữ nghĩa hay gọi là “văn hóa từ chức”) không chỉ là kết quả của một nền giáo dục, mà chủ yếu là kết quả của việc áp dụng các nguyên tắc dân chủ trong một thời gian dài. Không phải người nắm quyền lực nào cũng sẵn sàng tự nguyện từ chức, nhất là người đứng đầu một chính phủ. Sau vụ bê bối Watergate, Tổng thống Richard Nixon từ chức vào ngày 9-8-1974 là nhằm để tránh nguy cơ bị Quốc hội Hoa Kỳ xét xử, nhất là sau khi Ủy ban Tư pháp của Hạ viện đã bắt đầu tiến hành thủ tục luận tội Tổng thống. Tại các quốc gia theo chế độ đại nghị, có lúc chính phủ chưa bị Nghị viện “biểu quyết bất tín nhiệm” nhưng Thủ tướng vẫn từ chức, nhường chức vụ đó cho một người khác trong đảng cầm quyền để tránh cho đảng không bị mất phiếu trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới.
Nói cách khác, tập quán từ chức – một đặc điểm của “văn hóa chính trị” (political culture) tại các quốc gia dân chủ, chịu ảnh hưởng của quy trình “bỏ phiếu bất tín nhiệm” (vote of non-confidence) hay thủ tục “luận tội” (impeachment) đối với các quan chức cao cấp trong bộ máy hành pháp. Vì thế, thay vì “kêu gọi” hay “van xin” các quan chức cao cấp từ chức, cách tốt nhất là khởi động các biện pháp chế tài để khi cần thiết, có thể bãi nhiệm, cách chức hay luận tội bất cứ nhân vật nào trong chính phủ, để không ai có thể đứng trên pháp luật hoặc ngoài pháp luật.
Xét về nguyên tắc, dưới chế độ đại nghị, người dân không trực tiếp bầu người đứng đầu chính phủ mà chỉ bầu các thành viên của cơ quan lập pháp (Nghị viện hay Quốc hội). Chính Nghị viện (hay Quốc hội) – với tư cách là cơ quan được nhân dân giao quyền lực, mới là cơ quan duy nhất có thẩm quyền chọn bộ máy hành pháp (Thủ tướng và Nội các) để điều hành các công việc của đất nước. Vì lẽ đó, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện (hay Quốc hội) và bất cứ lúc nào, Nghị viện (hay Quốc hội) cũng có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm để buộc Thủ tướng từ chức nếu xét thấy Thủ tướng không hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên, để bảo đảm sự công bằng giữa hai bên, Thủ tướng có quyền đề nghị với nguyên thủ quốc gia (Vua, Nữ hoàng hay Tổng thống) một giải pháp khác: giải tán cơ quan lập pháp để bầu lại một Nghị viện (hay Quốc hội) khác. Trong trường hợp này, quyền lực được giao trả lại cho nhân dân và cử tri cả nước sẽ trở thành trọng tài phân xử: một Nghị viện (hay Quốc hội) mới sẽ hình thành để làm nhiệm vụ bầu chọn Thủ tướng và Chính phủ mới.
Kiến nghị về một cuộc “bỏ phiếu bất tín nhiệm” có thể xuất phát từ hai phía. Nếu xuất phát từ Nghị viện nhằm chứng minh sự bất tín nhiệm của Nghị viện (hay Quốc hội) đối với Thủ tướng hay một Bộ trưởng nào đó, kiến nghị này được gọi là kiến nghị bất tín nhiệm (motion of non-confidence)hoặc kiến nghị khiển trách (motion of censure). Nếu xuất phát từ phía ủng hộ chính phủ nhằm hỗ trợ cho một dự án hay một dự luật được đánh giá là cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ, kiến nghị này được gọi là kiến nghị tín nhiệm (motion of confidence). Để tạo điều kiện cho mỗi nghị sĩ hay dân biểu có thể tự mình đề xuất việc bỏ phiếu tín nhiệm, tại nhiều quốc gia có quy định một “ngưỡng tối thiểu” về số chữ ký ủng hộ để kiến nghị có thể được Nghị viện hay Quốc hội xem xét. Vd: tại Thụy Điển, điều 4 chương 12 của “Văn kiện về chính quyền” (Instrument of Government) – một trong bốn luật cơ bản hợp thành Hiến pháp Thụy Điển, quy định: “Một kiến nghị làm căn cứ cho một tuyên bố bất tín nhiệm chỉ được xem xét khi nó được đề xuất bởi ít nhất 10% số thành viên của Nghị viện”.
Có thể nói “bỏ phiếu bất tín nhiệm” chính là cơ chế vận hành then chốt của các chế độ đại nghị trên thế giới. Không thực hiện được điều này, Nghị viện hay Quốc hội không thể bãi nhiệm chính những người mình đã giao trách nhiệm điều hành bộ máy hành pháp.
Cũng cần lưu ý một điều: “bỏ phiếu bất tín nhiệm” ở các quốc gia theo đại nghị chế trên thế giới hoàn toàn khác với kiểu “lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” mà Quốc hội Việt Nam sắp thực hiện – sau khi đã thông qua đề án trong kỳ họp cuối năm này. Sự khác nhau căn bản nằm ở chỗ: biểu quyết bất tín nhiệm dưới chế độ đại nghị là một quy trình do Nghị viện tự định đoạt, nhằm mục đích kiểm soát Thủ tướng và Nội các – những người được Nghị viện giao trách nhiệm điều hành bộ máy hành pháp. Không có cá nhân, tổ chức nào đứng trên Nghị viện, kiểm soát Nghị viện trong việc thực hiện quy trình này. Còn quy trình “lấy phiếu tín nhiệm – bỏ phiếu tín nhiệm” ở Việt Nam hiện nay – với thủ tục cực kỳ rườm rà, lại là một quy trình chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản (nhất là của Bộ chính trị). Quy trình này sẽ có tác dụng như thế nào trong việc răn đe, ngăn chặn nạn lạm quyền, tham nhũng? Về điều này, ngay cả Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – một người ít nhiều vẫn còn tin vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, cũng tỏ ý hoài nghi. Theo đài BBC: “Giáo sư Thuyết cũng nói ông nghi ngờ khả năng nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh trong đó có cả Thủ tướng và Chủ tịch nước mà Quốc hội đang bàn luận sẽ thay đổi được tình hình hiện nay”
Mặt khác, cũng cần phải phân biệt giữa “bất tín nhiệm” và “luận tội”: khi Nghị viện hay Quốc hội bất tín nhiệm Thủ tướng thì điều đó chỉ có nghĩa là Thủ tướng không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ năng lực, đánh mất sự tin cậy của cơ quan đại diện nhân dân, chứ không có nghĩa là Thủ tướng “phạm tội”. Điều này hoàn toàn khác với trường hợp của Tổng thống trong các chế độ tổng thống hay nửa-tổng thống. Ở Hoa Kỳ, Quốc hội không thể bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống vì Tổng thống do toàn dân bầu, chỉ có cử tri mới có quyền thay đổi Tổng thống trong các cuộc bầu cử theo định kỳ. Nhưng Quốc hội (cả hai viện) lại có quyền luận tội Tổng thống nếu xét thấy Tổng thống “phạm tội”. Dựa theo thủ tục luận tội (impeachment) tại Hoa Kỳ, Hạ viện được quyền luận tội (nghĩa là lập cáo trạng, indictment) và Thượng viện được quyền xét xử. Hình phạt được áp dụng là bãi nhiệm Tổng thống, và có thể cấm đương sự giữ chức vụ đó trong tương lai.
Các chế độ cộng sản (vd: Việt Nam và Trung Quốc) mặc dù xét về mặt hình thức khá giống với mô hình đại nghị chế nhưng trong thực tế quyền hành lại không nằm trong tay Quốc hội mà nằm trong tay Đảng.
Theo định kỳ, cứ 5 năm một lần, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành một kỳ Đại hội Đảng toàn quốc; đại hội này bầu ra Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị. Và trong suốt thời gian giữa hai kỳ Đại hội, Ban chấp hành Trung ương trở thành một thứ “Quốc hội” của Đảng, trong khi “Bộ chính trị” trở thành một cơ quan hành pháp của Đảng. Chính hai cơ quan này điều khiển tất cả các công việc của Đảng và thông qua bộ máy Nhà nước điều khiển tất cả các công việc của đất nước.
Có thể nói ở các quốc gia cộng sản, các Đại hội Đảng thay thế cho các cuộc tổng tuyển cử. Sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, vấn đề nhân sự có thể coi như đã được giải quyết xong – nhất là những chức vụ then chốt trong bộ máy Nhà nước. Vì thế, Đại hội Đảng mới thực sự là “tổng tuyển cử”, còn Bầu cử Quốc hội chẳng qua cũng chỉ là một màn kịch mà hồi kết là phiên họp đầu tiên của Quốc hội nhằm “đóng dấu” hợp thức hóa các chức vụ đã được Đảng chọn trước. Chỉ cần nhìn sang Trung Quốc – một đất nước với một hệ thống chính trị giống với nước ta “như một cặp song sinh”: mặc dù đến năm 2013, Đại hội Đại biểu Toàn quốc (tức Quốc hội) khóa XII mới được thành lập, ngay từ bây giờ người ta cũng có thể đoán trước chức vụ Chủ tịch Nước sẽ do Tổng bí thư Tập Cận Bình đảm nhiệm và ông Lý Khắc Cường sẽ là người nắm giữ chức vụ Thủ tướng.
Chính việc Đảng Cộng sản giành quyền chọn lựa Quốc hội, giành quyền bố trí các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước là nguyên nhân sâu xa khiến cho Quốc hội trở thành “Quốc hội của Đảng”, chỉ biết làm theo lệnh Đảng chứ không thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Có thể nói việc các nhà lãnh đạo không phục tùng Quốc hội hay không tôn trọng nhân dân bắt nguồn từ chỗ: nhân dân không có quyền chọn lựa một Quốc hội xứng đáng và có đủ uy quyền để thực hành quyền lực do nhân dân trao cho.
Vì thế, chỉ có một Quốc hội của Dân (chứ không phải là một Quốc hội của Đảng) mới có thể lựa chọn một Thủ tướng và một Chính phủ đáng tin cậy và đủ năng lực để điều hành các công việc của đất nước – dưới sự kiểm tra, giám sát của Quốc hội (chứ không phải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Chỉ có một Quốc hội của Dân mới có thể buộc Thủ tướng và Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội (chứ không phải trước Đảng). Và một khi Thủ tướng hay bất cứ thành viên nào trong Chính phủ tỏ ra không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ hoặc phạm sai lầm trong công tác, Quốc hội có thể tự mình tiến hành “bỏ phiếu bất tín nhiệm” để bãi nhiệm thành viên ấy, thậm chí bãi nhiệm cả Thủ tướng (có nghĩa là bãi nhiệm toàn bộ Chính phủ). Trong trường hợp cần thiết, nguyên thủ quốc gia có thể tuyên bố giải tán Quốc hội nhằm giao lại quyền lực cho nhân dân và bằng một cuộc tổng tuyển cử mới, nhân dân sẽ bầu ra một Quốc hội mới, từ đó hình thành nên một Chính phủ mới.
Đó chính là cách tốt nhất để buộc Thủ tướng phải xem trọng “trách nhiệm với Dân”, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên quyền lợi của gia đình và quyền lợi của đảng phái. Đó cũng là cách tốt nhất để buộc Thủ tướng phải tôn trọng Quốc hội – cơ quan đại diện nhân dân đã tín nhiệm mình. Một Quốc hội của Dân sẽ là một Quốc hội có thực quyền, có đủ khả năng kiểm tra, giám sát Chính phủ do mình bầu chọn và khi cần thiết, “đuổi Chính phủ” một cách nhẹ nhàng, đúng theo Hiến pháp và pháp luật, không cần lựa chọn giải pháp cách mạng, không cần dựa vào bạo lực.
Không có được một Quốc hội của Dân, người dân chỉ còn là những kẻ mất quyền làm chủ ngay trên quê hương mình. Không có được một Quốc hội của Dân, chúng ta “sống một đời sống chính trị trung cổ” ngay trong một thế giới văn minh, để “việc nước” rơi vào tay những kẻ đầu cơ chính trị, lạm quyền và tham nhũng. Không có một Quốc hội của Dân, dân oan chỉ có thể khóc thầm hay chết một cách oan khuất vì không thể trông cậy vào bất kỳ một vị “đại biểu nhân dân” nào. Không có một Quốc hội của Dân, những người tù chịu những bản án bất công sẽ không thể lên tiếng đòi lại sự công bằng. Không có một Quốc hội của Dân, chúng ta không thể biểu tình một cách ôn hòa cho dù “tên láng giềng đê tiện” ngang nhiên xây công sở, lập nhà máy, thậm chí tổ chức đi du lịch trên những hòn đảo bị hắn chiếm đóng bằng vũ lực ngay trước cửa nhà mình.
Không có Quốc hội của Dân, chúng ta sẽ không bao giờ có được người đứng đầu chính phủ biết chịu trách nhiệm trước Dân, hết lòng bảo vệ Tổ quốc!
Đà Lạt ngày 19-11-2012
M.T.L.





LỜI NÓI DỐI CHÂN THÀNH CỦA TÔI…


Hạ Đình Nguyên
Giả định tôi là TBT Đảng, là Chủ tịch Nước, hoặc là Thủ tướng Chính phủ, tôi sẽ là người nói dối một cách chân thành rằng, tôi đang lo cho nhân dân, đang điều hành một guồng máy hướng tới trong sạch, thực hiện rất tốt nền dân chủ, và cũng đang đảm bảo vấn đề nhân quyền, đang quyết tâm từng bước đưa đất nước tiến lên, cũng đang lo cho đất nước trước họa ngoại xâm, ngày đêm chăm lo cho hạnh phúc, ấm no cho nhân dân…rằng chúng tôi sống và làm việc theo tấm gương đạo đức của Cụ Hồ, luôn lấy phê và tự phê để răn mình và củng cố, tăng cường đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng một cách vững chắc và ổn định !
 Tôi cũng tự hỏi, trong mọi điều nếu gọi là giả dối kia, có điều nào mà không chân thành không ? Chân thành quá đi chứ, phải không các đồng chí ? Tất nhiên nhiều lúc tôi cũng cảm thấy bực bội, có khi là căm ghét đến mức đưa tôi đến chủ trương bạo hành, có biện pháp trừng trị cứng rắn và thích đáng đối với những ai có những lời mỉa mai, châm biếm, hoặc có hành vi không tuân theo những chủ trương, lại cứ chăm chăm bới móc những mặt trái đang diễn ra đầy dẫy trong xã hội. ? Dù rằng những mặt trái đó, tôi thừa nhận một cách nghiêm túc rằng, nó đang tự phơi bày sờ sờ, tuy là ngoài ý muốn, nhưng là có thật, không thể che đậy, không thể phủ nhận.
 Vậy có điều gì đây ? Hay tôi đã “tự diễn biến”, phân thân thành hai con người, có hai mặt, hai lòng, hai lời ? Hay lý trí đã đánh lừa tôi, một tốt một xấu chen lấn nhau, và tôi đã rơi vào một thế giới hoang tưởng, hay là tự huyễn hoặc mình ? Cũng có thể vì lòng tự trọng chăng, mà tôi nhận bất cứ nhiệm vụ nào Đảng giao, quyết không từ chối ?
Tôi chân thành, hay không chân thành, khi nghĩ rằng, Đảng của tôi, là đại diện thật sự quyền lợi của giai cấp công nhân, của toàn thể người lao động, của công nông trí thức, tức toàn thể lợi ích của cả dân tộc ? Thực tế diễn ra là không đúng như vậy, nhưng mà tôi cứ tin, như đã từng tin, và tôi phải nói như thế, nói mãi .Vì nó là tiền đề thật sự quan trọng, không có tiền đề nầy thì tất cả đảo lộn hết, tôi cũng không còn là tôi, được ngồi yên trên chiếc ghế lãnh đạo để thực hiện trách nhiệm chính trị mà đảng đã giao . Phải chăng, tôi đang nói dối trên nền của sự thật. Tôi đang tin tưởng trong nỗi hoài nghi, dao động của bản thân ?
DÂN CHỦ

Tôi đã cùng bộ máy của tôi, đang tiến hành xây dựng một cơ chế dân chủ thật sự. Tất cả các tầng lớp nhân dân đều có tổ chức riêng của giới mình, theo lứa tuổi, theo giống tính, theo nghề nghiệp, tổ chức ấy được chọn lọc từ những hạt mầm tinh hoa nhất. Tuổi nhỏ, có đội Thiếu niên Tiền phong. Lớn, có Đoàn Thanh niên CS, có Hội Phụ nữ, có đầy đủ các Hội nghề nghiệp. Nhiều vô kể !. Đến tuổi già thì có Hội Người Cao tuổi, Hội Cựu chiến binh… đến từng địa phương nhỏ thì có Tổ dân phố…Có cả những nghĩa trang, được tổ chức khang trang đẹp đẽ, do những người được Đảng tin cậy đứng ra tổ chức kinh doanh và quản lý. Những người, gọi là “nhân sĩ, trí thức”, là thành phần đáng lẽ không nên có, thì nó cứ tòi ra, nên cũng được đưa vào các Hội trí thức nầy nọ. Nhưng để có tiếng nói chung, mạnh mẽ, thống nhất, tất cả được gom vào một tổ chức có tầm cở, gọi là Mặt Trận Tổ quốc. Có các cấp, từ Trung ương đến địa phương, nhỏ nhất là Mặt trận Tổ quốc Phường, do nhà nước trực tiếp cử cán bộ ra chăm lo. Thế sao có người vẫn cho là thiếu dân chủ ? Như thế nào mới đủ ? Người ta nói, vì nó có một chiều, được điều khiển và kiểm soát chặt chẽ, nó chính là mạng lưới vây hãm, trói cột toàn diện sự tự do của mọi tầng lớp nhân dân.
Nhưng tôi vẫn tin là nó dân chủ, dân chủ ở mức cao cấp. Ai lọt ra ngoài hệ thống dân chủ nầy, có hành vi khác, thì đó là phản động, nếu chưa phải là phản động, thì cũng sẽ bị bọn phản động lợi dụng, và chóng chầy sẽ trở thành phản động là cái chắc. Nói theo ngôn ngữ mới, mang tính khái quát rộng rãi, do “bạn” truyền cho ta, là cụm từ “Thế lực thù địch”. Cụm thuật ngữ nầy dễ sử dụng, vì không nhất thiết phải chỉ rõ là ai, nhưng ai cũng có thể bị tống vào cái rọ nầy đều được cả. Ngoài cái thế lực phản động mênh mông nầy, còn lại là dân chủ. Tôi chân thành tin như vậy ! Đó là niềm tin mà tôi không thể xa rời, dù đúng hay sai. Có cái gì lệch lạc trong hệ thống tổ chức nầy không, khi vai trò của nó là hổ trợ cho nền “dân chủ tập trung” theo chuyên chính vô sản nầy ?
Tuy nhiên, hiện nay, cái mạng lưới ấy, ngày càng kém hiệu quả, càng trở nên không giá trị trước cái nhìn thờ ơ của các tầng lớp nhân dân..Tuy nó bao phủ khắp, nhưng không giúp ích được gì ! Nên  làm vất vả ngày đêm cho các lực lượng an ninh cảnh sát để  canh giữ và bảo vệ chế độ.
Công thức của định chế dân chủ hiện tại : “Đảng cử, dân bầu” là công thức xem ra tiên tiến nhất, chắc ăn mà ăn gọn, không phí công sức của nhân dân. Thế mà, cả cái thế giới nầy thật là buồn cười, hồ hởi, phấn khích theo dõi cuộc tranh cử Tổng Thống Mỹ, như xem trận đá bóng đầy gay cấn, sôi nổi,  hấp dẫn trí tuệ của nhiều người ! Nên nhớ đây là cái trò chơi dân chủ thật ngô nghê mà đầy tốn kém của chủ nghĩa tư bản thời thượng và hãnh tiến!  
Tuy vậy, trong những phút lắng lòng, tôi lại thấy hay, có rất nhiều cái hay. Theo dõi những hoạt động và các bài diễn văn của họ, tôi có cảm xúc, cảm nhận như mình lớn thêm lên, khá hơn một chút về sự lương thiện. Họ lương thiện trên cơ sở lợi ích của nhân dân họ. Nhưng họ có tiến hành chủ nghĩa bành trướng bá quyền không ?. Có thể lắm ! Nhưng nếu so sánh, thì thấy cái bành trướng nầy có vẻ dễ chịu hơn cái bành trướng, thói tham lam nguyên thủy nọ. Bởi lẽ cái bành trướng nầy có văn minh và văn hóa, có minh bạch và sòng phẳng, chống cái ác và bảo vệ nhân quyền, chống sự tham nhũng và độc tài, đem lại hữu ích cho họ và cho nơi mà họ bành trướng thò chân đến . Nó mang theo cả những phát kiến mới mẻ, sáng tạo khoa học, và văn hóa…Vì thế mà tôi và các đồng chí của tôi, từ trung cấp tới cao cấp, và các gia đình cán bộ giàu có khác, đều tranh thủ cho con cái sang bên đấy học hành…(15.572 SV), trừ những đứa trượt lứa, lỡ thì. Có điều gì mâu thuẩn ở đây không ?
SỰ ỔN ĐỊNH.
 Nhưng đó là chuyện ở nước Mỹ xa xôi. Tại Việt nam, thì tôi nghĩ khác, rằng trí dân ta còn thấp kém lắm, nên chỉ làm theo cách mà lâu nay chúng ta đang làm vẫn tốt hơn, nhất là vì sự ổn định. Ổn định là quan trọng nhất, nó bao gồm sự ổn định cho bản thân tôi và các đồng chí của tôi, cả gia đình, của cải, sự nghiệp. Đó là suy nghĩ chân thành dù không nói ra lời. Vì chúng tôi, Đảng Lãnh đạo, là những người đại biểu tinh hoa cho lợi ích của toàn dân tộc, cho nên chúng tôi phải là đối tượng ưu tiên, được quan tâm trước, và phải được ổn định tuyệt đối. Với sự ổn định đó, nghĩa là không ai được chống đối, cả phản biện, góp ý cũng không nên, chúng tôi mới có đủ điều kiện đưa đất nước tiến lên giàu mạnh theo cách riêng XHCN. Dù cách riêng nầy dân chúng chưa hiểu được bao nhiêu cũng chả sao. Đảng phải tuyển chọn những con người có giòng máu thuộc nhóm “CM”, (nằm ngoài các nhóm máu A,B,C,D mà y học đã phân loại), được tuyển chọn đào tạo ở trường Đảng, để có suy nghĩ cùng một cách, nói năng cũng phải thống nhất chung một số từ ngữ, phải thử thách lòng trung thành theo một lô gíc đã định sẵn, bất kể trời đất thế nào ! Cũng có một số cán bộ ngoại lệ, được thăng chức bất thường, có đi tắt, đón đầu một chút, vì số người ấy có chỉ số IQ khá. Nếu có sự nhầm lẫn về chỉ số cũng không sao, từ từ các “cô cậu” ấy sẽ quen dần, ông bà vẫn thường nói “nghề dạy nghề” trong trường hợp nầy là rất đúng. Tiếng nói phản biện, thường hay phiến diện, cho rằng như vậy là không bình đẳng, thiếu cơ hội cho người có tài năng tham gia việc nước. Nói thế là không ổn, chẳng lẽ mọi người đều thành lãnh đạo hết sao ? Cơ hội đồng đều sẽ sinh ra phức tạp, đó là mô hình dân chủ phương Tây, không phù hợp với đất nước ta. Cho nên việc o bế, sắp đặt trước vẫn hay hơn, vì thế mới có sự “quy hoạch”, “cơ cấu” mà BCH Trung ương liên tục bàn bạc thương lượng, thường là căng thẳng. Các nước bạn của mình vẫn làm thế, như TQ, Bắc Triều Tiên đấy. Nhưng việc quy hoạch đã dễ đâu, có khi trục trặc bất ngờ vì sự đoàn kết không đủ, tức là thiếu, có khi “mất” một cách nguy hiểm vì đấu đá tranh giành quyền lực phe nhóm. Lắm lúc phải đưa liều một anh nào đó lên, dù có “tiên thiên bất túc” chút đỉnh. Đất nước dù có tụt hậu vài mươi năm, lệ thuộc đôi chút vào tay bành trướng, thì kết quả Đảng vẫn tồn tại ngon lành, để tiếp tục dẫn dắt nhân dân tiến lên đâu đó. Hơi đâu mà tranh cử ồn ào, ra vẽ ta đây dân chủ như cái nước Mỹ ! Đó là sự thật, chẳng lẽ lời nói nầy không chân thành sao, mặc dù lúc nói thì có nhiều cách khác nhau.
SỰ PHÁT TRIỂN VÀ ĐIỀU HÀNH QUỐC GIA.
 Chúng tôi vẫn quyết tâm ngày đêm đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như khẩu hiệu từng nêu lên trong khắp các văn kiện. Nội dung viết trong các văn kiện cũng đã tỏ rõ quyết tâm, còn việc làm cụ thể thì có hạn chế, đôi khi vì quá nhiệt tình nôn nóng, muốn đuổi kịp châu Phi, châu Mỹ La tinh, nên bị sơ sẩy mà mất hết vốn liếng quốc gia mới vừa gầy dựng, tiền mất tiếng mang. Đầu đuôi do cái việc quy hoạch nhầm mấy cháu “tiên thiên bất túc”, chỉ số IQ bị thấp, nhưng lòng tham lại cao, nên gây ra nông nỗi. Đành xin lỗi quốc dân đồng bào để tôi làm tiếp tục, vì Đảng thì đã hiểu rõ tôi hơn ai hết, dù khả năng, hiểu biết có hạn chế, quản lý có phần nặng tình cảm trên mức quy định, lắm thương tật nhưng quyết tâm của tôi thì bao la. “Các cháu” thì đương nhiên cũng phải rút kinh nghiệm. Việc xin lỗi nầy cũng chứng minh lòng tự trọng của tôi, bằng chứng là tôi vừa mới khuyên nhủ Sinh viên ở trường ĐH QG TP HCM phải biết xây dựng lòng tự trọng. Dù biết rằng, việc xin lỗi nầy không giống trường hợp của một người dân bình thường, thậm chí là nghèo khổ, lỡ đi nhầm đường cấm, không thể xin lỗi rồi quay lui, mà vẫn phải nộp tiền phạt cho cảnh sát giao thông, sau đó cũng phải quay lui, chứ không được đi tiếp. Người ta nói rằng, qua cách tổ chức, xử sự, tuyển dụng theo cơ cấu như trên, là xem đất nước nầy là của riêng của Đảng, nhân dân nầy là công bộc của Đảng, mà Đảng cấp dưới là sai nha của Đảng cấp trên, xã hội là nơi để thí nghiệm và thưc tập tài năng của một số người…Quan điểm như thế là lệch lạc vì không đọc báo Nhân dân, báo Đảng rồi ! Chúng ta đã chẳng từng nói, Đảng luôn thống nhất một tiếng nói, nhân dân với đảng là một, đảng từ con em của nhân dân mà ra, do nhân dân mà có, phục vụ lại nhân dân, là công bộc của nhân dân chứ !. Chúng tôi và con cháu chúng tôi cũng thuộc về nhân dân thôi, cũng là công dân của đất nước nầy, có giấy khai sinh ở đất nước nầy, nó được quyền mưu cầu hạnh phúc, như cái Tuyên ngôn Nhân quyền gi đó đã công bố hơn thế kỷ nay. Công bằng, bình đẳng là ở chỗ, sau khi sàng lọc theo cách như trên, ai biết chấp hành, biết ăn giỏi, nói giỏi thì lên nắm vai trò lãnh đạo. Chả phải Ông bà chúng ta từng có câu dạy con gái về nhà chồng : “biết ăn, biết nói, biết gói, biết đùm” là gì !. Làm cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, trong thời đại dân chủ của thời kỳ quá độ nầy, chẳng phải là làm dâu trăm họ đâu. Các quốc gia khác còn lâu mới sánh được !. Vì văn hóa truyền thống ở nước ta là đặc thù, phải kết chặt cùng nhau trong một mối dây đoàn kết. Tính gia đình, tính địa phương là quan trọng lúc khởi đầu, rộng ra là tính đảng, tính phe, siết chặc lại là tính nhóm, nhất là nhóm lợi ích, nó kết được nhiều thứ tính khác, nên có vai trò quyết định. Tuy rằng các tính nầy, tạm thời có gây trở ngại chút ít cho mục tiêu to lớn là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng rõ ràng là chúng ta có tính toán quy hoạch. Nếu quy hoạch sai, thì quy hoạch lại. Năm 2015 chúng ta sẽ…Năm 2020 chúng ta sẽ.. Năm 2030 chúng ta sẽ…Chúng ta có cả tầm nhìn chiến lược vươn tới 2050 và hàng trăm năm sau…Dù là có phần quờ quạng một chút, vì chưa biết làm gì vào sáng mai đây, nhưng lâu dài thì xin hứa là rất quyết liệt…Tôi nói như thế là rất chân thành, phải thông cảm khi có sự chênh nhau giữa lời nói và thực tế diễn ra như một điều đương nhiên trong cuộc sống . Nhưng phải nói thế.! Nhân dân cũng hiểu cho, trong kim chỉ nam của chủ nghĩa ta đang theo đuổi, có nói rằng “nhận thức là một quá trình”, nên sự việc không khớp nhau cũng là chuyện bình thường. Tôi không vì cá nhân mình, xét về mọi phương diện. Tôi được Đảng giao vai trò và Quốc hội đã đồng ý vỗ tay, thế là tôi quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao. Lòng trung thành theo Đảng 51 năm và còn dài dài nữa, thì đã tỏ rõ, có gì sai Đảng sẽ kiên trì chịu trách nhiệm, còn dân thì chịu khó một chút. Vã lại trước khi làm, mọi việc tôi đều có trình báo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính Trị , lắng nghe ý kiến của các đồng chí trong ban chấp hành TƯ, những đồng chí lão thành của Đảng. Mặt khác, phải hiểu rằng Đảng biết rõ tôi mới giao nhiệm vụ tôi, vì Đảng là người lãnh đạo toàn diện và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng nước ta !
Cho dù là Thủ tướng, là Chủ tịch Nước, hay Tổng bí thư, thủ trưởng các cấp, thì cũng vậy thôi, đến lượt mình cũng sẽ phải nói như tôi thôi. Tập thể lãnh đạo, không có vấn đề cá nhân ở đây, dứt khoát ! Xét kỹ, tôi không có liên quan gì với anh nông dân, cậu thợ hồ, hay cô bán cháo vịt cả. Nếu bảo rằng thế là có sự lừa dối với nhân dân ư ? Tôi không tin. Tôi chưa từng hứa trực tiếp với nhân dân điều gì, và nhân dân cũng chưa từng bỏ phiếu bầu tôi . Chẳng phải Quốc hội, cái gọi là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, sẵn sàng “bấm nút đồng ý” theo chỉ đạo và chỉ thị của Đảng ban xuống đó sao? Cũng xin hiểu cho, lời nói – nếu gọi là dối trá– thì hôm nay nó rất chân thành. Tôi đã nói “toạt móng heo”, không còn gì úp mở. Có người nghĩ, qua lời phát biểu công khai, đàng hoàng, rất nghiêm túc trước Quốc hội như vậy, không khác chi là đưa dao vào tận cổ Đảng về mặt lý luận, và đặt chỗ đứng của Đảng trên đường dây WIFI. Nhân dân không thể có cái thang nào để trèo lên trên cõi thinh không ấy được. Nhưng phải thừa nhận, đó là lời nói chân thành, dù có dối hay không. Điều nầy chính tôi cũng còn phân vân tự vấn !
BIỆN CHỨNG VÀ HAI KẺ THÙ
 Về vấn đề an ninh và độc lập dân tộc, phải thừa nhận rằng, vận mệnh của đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng, còn nguy hiểm hơn các giai đoạn trước, về mặt an ninh trong nước và chủ quyền quốc gia.. Chúng ta có hai loại kẻ thù chính, loại vô hình và loại hữu hình. Loại vô hình thì không có địa chỉ rõ ràng, không có tên gọi, tuy vậy, chúng lại có thế, có lực, mà ngay cái thế và cái lực nầy cũng biết thế thôi, chứ không rõ mặt mày. Ta gọi chung là “Thế lực thù địch”. Nó chống báng ta, và ta thù địch nó. Có lẽ nó biết ta, mà ta không biết rõ nó, nên ta có thể đặt nghi vấn nó ở khắp nơi : bên kia đại dương, ở các lục địa, ở trên biển, trên không, trong núi, trong đất liền, lẫn lộn trong dân chúng, trong các đám biều tình, trong các đơn khiếu nại đất đai, trong mạng internet…Có khi, nó được cài cắm trong bộ máy tham nhũng, trong cả cơ chế chống tham nhũng, khai thác các mâu thuẩn của tham nhũng đang làm ruỗng nát xã hội…, trong mọi tiếng nói chạm phải sự ổn định thiêng liêng của quốc gia. Có người nghĩ, nếu cái thế lực thù địch mà nó mơ hồ như thế, thì bỏ qua đi, tức bỏ cái từ ngữ nầy thôi, để cho nhân dân không bị ám ảnh, mà chính chúng nó – thế lực thù địch – cũng không hưởng được cái cảm giác là mình to rộng mênh mông đến thế. Lực lượng An ninh của chúng ta rất giỏi, nắm chắc, biết chắc, phân biệt rõ ràng với sự cảnh giáo cao độ một cách chuyên nghiệp, tài tình…, vì thế cũng nên chớ dùng Tuyên giáo, có “tuyên”(nói nhiều một cách ồn ào và cao đạo) nhưng không “giáo” được ai, mà ngược lại làm nhão hết lòng dân! Nói thế là chưa hiểu gì. Cần phải có phạm trù “Thế lực thù địch” làm đối trọng răn đe nhân dân, để nhân dân biết mà cảnh giác và biết sợ. Nếu không, nhân dân tưởng đâu là thời buổi thái bình, mà không biết bộ máy an ninh ta làm gì mà đông thế! Nó nặng nề to lớn, tiêu tốn không ít tiền thuế nhân dân, đang cần mẫn làm việc ngày đêm theo lý tưởng rõ ràng kiên định “còn đảng còn mình”. Đây không phải là lời nói thật sao ! Loại thù địch hữu hình, thì rõ nhưng khó nói ra lời. Chúng có lực lớn hơn, có thế lớn hơn, nói giỏi hơn. Chúng tràn ngập mọi phương diện, khi ẩn khi hiện, khi công khai trắng trợn bằng vũ khí, khi nhẹ nhàng êm ả thân thiết anh em. Người dân nước nó, gọi nó là “con quỷ”. Nó ẩn dưới nhiều mỹ từ, mà mỹ từ ấy ta nghe hấp dẫn, nên ta mượn dùng: “Diễn biến hòa bình”, “Tự diễn biến”, “Thế lực thù địch”, “Mười sáu chữ vàng”, “Bốn tốt”, “Sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan”,“Gác lại Biển Đông vì đại cục”, “môi hở răng lạnh”, không “Âu hóa”, “Tây hóa” “Định hướng”, “Ba đại diện” (từ nầy ta không dùng nhưng nội dung thì có cóp). Y như nó làm cả sách cho ta học vậy : từ ngữ, nội dung, tư tưởng…nên nhiều chuyện nó trước ta sau, cứ na ná tựa nhau. Nên chi, bây giờ chống nó, y như chống mình. Chống nó thì im lặng, thì thầm, không rõ. Chống, nhưng không được làm phương hại đến tình hữu nghị tạm thời bền vững. Thậm chí, ai dám phản biện, động chạm đến những điều cấm kỵ này đều phải xem là thế lực thù địch. Báo chí nước ngoài nói VN là lệ thuộc Nó. Từ lệ thuộc là không chỉnh lắm, phải gọi là “chư hầu”. Mà gọi là chư hầu thì cũng nhục lắm người dân không chịu, nên không gọi là chư hầu, mà gọi là láng giềng hữu nghị, anh em thế thôi ! Có người dân nông nổi, đề nghị, gom chung lại một mẻ: “Thế lực thù địch – Láng giềng hữu nghị” để nhân dân hiểu rằng, trong thù địch có láng giềng, trong láng giềng có thù địch. Thế mới là cảnh giác đầy đủ, lại có tính biện chứng nữa. Tôi cũng từng nói về “phép biện chứng”, vì đảng ta vốn là đảng biện chứng. Các vấn đề nêu trên có cái nào là không biện chứng không? Nhờ biện chứng mà đảng ta tồn tại. Thời điểm nầy chúng ta đang ở vào tình thế biện chứng rất gay go, nên cái câu biện chứng đề nghị trên không thích hợp. Biện chứng lúc nầy chỉ thích hợp trong ứng dụng vào “chống tham nhũng” trong nông dân thôi. Tức chống cái vô hình. Nhưng chống tham nhũng cụ thể, nếu không khéo ứng dụng, , tham nhũng nó sẽ chống lại “quyết liệt” hơn! Phải thận trọng, vì cái ta muốn phát triển thì nó không phát triển, cái ta muốn không phát triển thì nó nẩy nở, phình trương ngày càng tinh vi. Thật đấy!. Dù sao, những tỏ bày trên đây của tôi (gồm các tư cách giả định đã nêu), là rất chân thành, nhưng có là lời nói dối chăng như đánh giá của lãnh đạo đảng là “một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất” nhưng báo cáo tổng kết cho biết có hơn 99% cơ sở đảng ở các cấp là “trong sạch vững mạnh” ! Nói thật hay dối trá rất có lý này cũng cần phải …suy nghĩ thêm.
Sự tự trọng rất là quan trọng !
 HĐN





Có một người dân kiện vừa chết, thưa Quốc hội!


Đào Tuấn
 Có ĐBQH từng phát biểu “Biểu tình là sự ô nhục”. Có nghị sĩ khẳng định: “Chưa nói đến biểu tình, để cho quần chúng đi ăn xin giữa đường đã là không được”. Rồi Thị trưởng Hà Thành có lần ta thán “Mặc áo màu Quốc kỳ, mang theo khẩu hiệu đòi đất làm xấu hình ảnh Thủ đô”.
Nhưng thưa với Quốc hội, một người phụ nữ, cụ Hà Thị Nhung, vừa chết ngay tại vườn hoa Lý Tự Trọng- Hà Nội vào lúc 9h sáng ngày 12.11.2012.
Cụ Nhung 75 tuổi là một dân kiện đến từ Thanh Hóa.
Ai không đau lòng khi nhìn hình ảnh “manh chiếu tận mạng” cũng chính là những biểu ngữ khiếu kiện.
Nói cách gì, cái chết của một cụ già 75 tuổi, đến ngày cuối cuộc đời vẫn chưa ngừng đi kiện, cũng có lỗi của “chúng ta”. Ở tuổi 75, cha mẹ chúng ta đang làm gì? Chúng ta có muốn các cụ, ở tuổi cổ lai hy đến như vậy, phải khốn khổ và uất ức theo đuổi những vụ khiếu tố chưa bao giờ có hồi kết?
Trong suốt những ngày QH họp, đã có hơn 50 đoàn và vô số các “cụ Nhung” khác với biểu ngữ quấn người, đơn kiện trên tay ngày ngày khiếu kiện ở Thủ đô mà hầu hết liên quan đến đất đai.
Ngày mai, các vị ĐBQH sẽ bàn về Luật Đất đai trong một phiên thảo luận lần đầu được truyền hình trực tiếp.
Câu hỏi “vì sao” đã được đặt ra rất nhiều. Nỗi bức xúc của dân chúng cũng là âm hưởng trong hầu hết các phiên thảo luận liên quan đến bộ luật này. Và ngày mai, cử tri và nhân dân chờ đợi các vị ĐBQH sẽ tiếp tục trả lời câu hỏi Luật đất đai sẽ sửa “như thế nào”.
Nói đi nói lại, bàn đi bàn lại, nâng lên đặt xuống chán nhưng dường như những “cụ Nhung”, những người dân vẫn cứ có cảm giác những bức xúc của họ, nguyên nhân của 70% các vụ khiếu nại, vẫn chưa được điều chỉnh trong luật.
Nghị quyết TƯ đòi hỏi lần sửa luật này phải “có sự thay đổi cơ bản”.
QH bàn nhiều làm gì khi đối với người dân, sự “thay đổi cơ bản” đó chỉ đơn giản nằm trong mấy chữ “giá thị trường” và hai chữ “thu hồi”.
Bởi thật khó chấp nhận thứ luật đẻ ra tình trạng người mất 100m2 đất lại chỉ được đền bù với giá trị chỉ đủ để mua 30m2 đất.
Bởi 2 chữ “thu hồi” đã cho thấy trong nó sự bất bình đẳng với quyền về tài sản của người dân. WB từng đưa ra khuyến nghị: Trong tất cả các dự án phát triển, mọi người đều phải được hưởng lợi ích chứ không thể để những người bị thu hồi trở thành nạn nhân của sự phát triển.
Nếu muốn có một “thay đổi cơ bản”, thậm chí, một cuộc cách mạng trong luật Đất đai, đơng giản chỉ cần bỏ đi hai chữ “thu hồi”. Thay vào đó là trưng thu, trưng mua, hay gì cũng được, miễn đó không phải là sự tước đoạt. Và đã là đền bù, thì tối thiểu cũng phải là nguyên tắc thị trường thế nào, đền bù thế đó.
Không phải đơn giản, mà là quá đơn giản.
Nhưng giải quyết vấn đề đơn giản đó không hề đơn giản khi thiếu đi sự thấu hiểu, đồng cảm giữa các vị ĐBQH và những người cầm lá phiếu bầu mình. Bởi việc bỏ đi hai chữ “thu hồi”, bởi việc bấm nút với nguyên tắc “giá thị trường” khi đền bù thu hồi chỉ có thể được thực hiện khi các vị đại biểu cảm thấy “ô nhục”. Ô nhục khi 3-4 lần sửa, thứ luật mà chính họ bấm nút thông qua là một trong những nguyên nhân khiến những người dân hiền lành như cục đất, vì đất, phải lê la khiếu kiện trên những đường phố thủ đô. Có ở nơi nào trên thế giới có hẳn một tầng lớp những người “dưới 0” như ở Việt Nam? Chỉ khi, trước nghị trường, các nghị sĩ sẽ nói rằng: Chưa nói đến biểu tình, để cho quần chúng phải đi kiện giữa đường đã cho thấy chính quyền có lỗi, đã thấy hàm chứa sự bất công trong xã hội chúng ta.
Và hình ảnh Thủ đô ngàn năm sẽ đẹp, sẽ sạch, sẽ làm thỏa mãn các vị thị trường khi không còn những đoàn khiếu tố quấn cờ, mặc áo đỏ, không phải vì họ bị dẹp cho sạch, mà vì luật Đất đai mà các vị ĐBQH bấm nút thông qua đã trả lại cho họ có quyền tài sản với mảnh đất, như khẩu hiệu “dân cày có ruộng” của cuộc cách mạng giành lại độc lập dân tộc từ 66 năm trước.




Bộ GDĐT tiết kiệm rứa?


Tối qua nhà bác Tâm Sự Y Giáo đưa bài: 20-11: KHÔNG NHẬN HOA, CHỈ NHẬN PHONG BÌ ! ( tại đây) nói chuyện “Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành một văn bản phổ biến đến các Sở, các trường việc không tiếp khách, không nhận hoa ngày 20-11 năm nay tại VP Bộ và VP đại diện tại TPHCM.” Mình không tin lắm, mò vô mạng tìm cái văn bản kia xem thế nào, té ra thiệt. Thì đây này, trang mạng Bộ GDĐT loan tin:Không tổ chức tiếp khách, nhận hoa nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ( tại đây):”Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao”, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay (20/11/2012), Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở Cơ quan Bộ và Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh.”
Mình dò Wikipedia thử  coi người ta điịnh nghĩa Ngày nhà giáo Việt Nam ra răng, thấy định nghĩa như ri: “Ngày nhà giáo Việt Nam (hay ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 tại Việt Nam. Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục và là ngày “tôn sư trọng đạo” nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành này. Ngày này là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy. Trong ngày này, các học sinh thường đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy cô giáo. Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục.”
Như rứa là, xét theo định nghĩa của Wikipedia thì bằng cái công văn 7522/BGDĐ T- VP  Bộ GD ĐT đã hủy bỏ luôn Ngày nhà giáo Việt Nam, một ngày lễ vô cùng có ý nghĩa đối với dân tộc ta, dân tộc biết tôn sư trọng đạo. Đừng nói chúng tôi chỉ không tiếp khách và nhận hoa ở Bộ thôi chứ có cấm giáo dục nước nhà tiếp khách nhận hoa đâu. Xin thưa: Bộ không làm thì Sở có ba đầu chín tay cũng không dám, Sở không dám thì phòng không dám, nhà trường không dám và đến cô thầy cũng không dám nốt. Xong om Ngày nhà giáo Viêt Nam.
Lý do để Bộ có công văn kì khôi nói trên là để chấp hành chỉ thị của BCT và Thủ tướng về thực hành tiết kiệm. Nhưng bảo đảm khi thấy Bộ GDĐT thực hành tiết kiệm bằng cách không tiếp khách và nhận hoa trong Ngày nhà giáo Việt Nam thì BCT và Thủ tướng cũng ngả ngửa người ra, nói trời ơi ai bảo chúng mày tiết kiệm kiểu đó. Sao không tiết kiệm hàng trăm cái dự án giáo dục giùm tao? Năm nào chúng mày cũng in SGK khiến ngân khố quốc gia rỗng đi một ít, sao chúng mày không tiết kiệm giùm tao? Lại còn dự án 70 ngàn tỉ cho bộ SGK mới, sao chúng mày không tiêt kiệm giùm tao?
Hi hi khổ thân Bộ GDĐT, đến bây giờ vẫn không chui đầu ra khỏi chủ nghĩa hình thức lại còn đòi nói chuyện đổi mới.
Đom!
Nguyễn Quang Lập





Dấu ấn,nụ cười và nỗi niềm Võ Văn Kiệt


Nguyễn Minh Nhị (Chủ tịch tỉnh  An Giang)
NQL: Đã lâu lắm rồi mình mới đọc bài viết của một ông quan có chữ nghĩa sáng sủa thế này. Ông dùng chữ không kém gì giới viết lách loại sừng sỏ. Nếu không ai viết giùm ông Nhị thì bái phục ông quá trời luôn.
Tôi có thói quen từ nhỏ là hay cảnh giác với người và hoàn cảnh lạ, đặc biệt là luôn giữ khoảng cách với người có nhiều quyền và nhiều tiền. Sau nầy, đối với lãnh đạo tôi cũng giữ khoảng cách như vậy. Từ đó nảy sinh tính khắc khe với lãnh đạo và dễ dãi với bạn bè, thuộc cấp.
Dấu ấn
Tôi biết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu (1988) tạicuộc hội nghị mà ông là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng chủ trì tại dinh Thống Nhất. Lần ấy tôi mới là giám đốc sở nông nghiệp, nhưng được thay mặt Ủy ban tỉnh làm trưởng đoàn đi dự hội nghị, với tâm trạng nặng nề về chánh sách đất đai mất lòng dân và không nhất quán lúc đó cũng như những chủ trương chánh sách cải tạo công-nông-thương nghiệp, cấm chợ ngăn sông… còn ràng ràng đây, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước qua hơn 10 năm nên khi nghe ông phê phán”cán bộ miền Tây nhậu quá trời, lãng phí vô biên”. Tôi như bị “chạm nọc”. Không phải tôi ở trong phe nhậu, nhưng chữ “lãng phí” nói ra đây là chuyện vặt. Chuyện lớn tày trời là sự lãng phí ghê gớm về thời gian và vật chất với những cơ chế chánh sách làm nghèo dân chúng và làm đất nước bị tụt hậu xa lắc so các nước trong vùng từng nghèo và lạc hậu hơn – cũng mới hơn một thập kỷ nay thôi – mà nay ta mơ được như họ. Khi lên phát biểu tôi nhấn mạnh khuyết điểm nầy của trung ương, gây lảng phí không thể chỉ tính bằng tiền và đặc biệt là vấn đề đất đai thì cả nước như “gà mắc tóc”. Tuy biết tôi không ám chỉ cá nhân ông, nhưng tôi thấy ông có vẻ bực bội vì lời lẻ nặng nề, thậm chí có ông phó bộ văn phòng Trung ương hỏi một anh trong đoàn An Giang dự họp: “Thằng đó là ai mà ngang tàng vậy?!”. Tôi biết mình bị mếch lòng cấp trên nhưng không sao, quen rồi!.
Cập nhật thông tin về ông từ khi ông còn làm Bí thư Khu ủy Khu 9 với thành tích oanh liệt chống bình định lấn chiếm sau Hiệp định Pari, rồi khi ông về làm Chủ tịch rồi Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh với táo bạo “xé rào” tìm cách cho dân có gạo ăn và khôi phục sản xuất, lưu thông hàng hóa, kể cả xuất nhập khẩu (mà cả nước đang tắt tị) … Điển hình là Thành phố tự đầu tư làm thủy điện Trị An và chiêu an được giới trí thức – văn nghệ sĩ trước 1975 còn ở lại thành phố. Thành phố còn cố giử được những gì tốt đẹp mà nó từng có như trật tự, vệ sinh đường phố; văn hóa ứng xử phóng khoáng, thân thiện, chân thành của “tuýp” người Nam Bộ. Tôi bắt đầu chú ý ông với lòng thiện cảm. Rồi ông về Trung ương làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì tôi lại không nghe thêm tin lành về ông mà thậm chí có thông tin “trái chiều”. Tôi như xe bị “trả số” vào thời điểm tôi dự hội nghị như vừa kể và cho rằng người ta chỉ cần lóe sáng một lần thì cũng đã quí lắm rồi.
Rồi ông lại tiếp tục gây sự chú ý cả nước bằng công trình đường dây 500 Bắc – Nam, bằng thành công bước đầu của Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, chương trình phủ xanh đồi núi trọc, chương trình thóat lũ ra biển Tây, chương trình làm nhà vượt lũ cho dân nghèo và cụm-tuyến dân cư vượt lũ… Đặc biệt chỉ thị 200 về nước sạch và môi trường: cấp nước sạch cho dân nông thôn và xóa nhà vệ sinh trên ao-hồ-sông-rạch cũng như chỉ thị cấm tiệt được việc đốt pháo Tết mà nhiều người không cho là thành công vì tập quán ngàn đời trong dân chúng. Con cá Tra, Ba-Sa được “sạch”, thoát khỏi hình ảnh cây cầu “tỏm” và xuất khẩu thu về hàng tỷ đô-la/năm trước hết là nhờ chỉ thị 200 của ông. Tôi lại tiếp tục cập nhật những chủ trương của ông có liên quan đến vùng sông nước vì nó đều xuất phát từ An Giang lan tỏa ra cả đồng bằng Sông Cửu long, có cái ra cả nước như trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc. Nhưng mãi đến ngày 2/9/1998 tôi mới bắt đầu vỡ òa niềm tin đối với ông.
Hôm ấy ông đi thị sát tình hình lũ lụt bằng trực thăng. Khi vào hội trường Ủy ban tỉnh họp với lãnh đạo An Giang, câu đầu tiên ông nói: “Dân mình còn nghèo quá!. Từ trên máy bay nhìn xuống tôi thấy còn quá nhiều là “chòi mòng”, nhà gì mà trống huơ trống hoác”. Câu nói ấy gây cho tôi xúc động kỳ lạ!. Tôi bắt đầu nhớ lại những gì ông làm cho An Giang, cho đồng bằng Cửu long và cho cả nước mà khi thực hiện tôi chỉ biết lo làm cật lực, không kịp suy nghĩ, không cảm nhận được hết ở giác độ nhân văn và tầm cao trí tuệ của một lãnh đạo. Có lần tôi nghe kể lại rằng khi được bầu làm Thủ tướng, ông nói với các đồng chí lãnh đạo cấp cao (đại ý): “Bác Hồ là lãnh tụ, nay không còn. Anh em mình không ai là lãnh tụ cả, chỉ có cùng nhau gồng gánh sự nghiệp nầy thôi”. Thủ tướng mà tự nhận mình chưa phải là hàng lãnh tụ. Và, từ câu đầu tiên sau khi xuống trực thăng, ông như bất chợt cho tôi cái tứ thơ. Về nhà tôi làm ngay bài thơ tặng ông với tựa đề “Thủ tướng của nhân dân” và câu đầu tiên là từ ngữ cảnh ấy: “Trên cao nhìn thấu những lều tranh”. Có thể tạm ngắt đoạn nầy là 10 năm kể từ khi tôi gặp ông lần đầu.
Cuối năm 1999, trong lần về lại An giang chủ trì hội thảo “Kinh Vĩnh tế – Thoại Ngọc Hầu”, lúc nầy ông là Cố vấn Ban chấp hành TW Đảng. Hôm ấy, sau bửa cơm thân tình còn lại chỉ mấy người, tôi đọc bài thơ làm năm trước và hát bài “Người lính già vui vẻ” tặng ông. Ông thật sự xúc động về bài thơ và có lẻ cả bài hát của nhạc sĩ Thanh Trúc nửa. Ông thân tình nhìn tôi: “Mầy tổng kết cuộc đời tao hả!”. Khi về thành phố, thư ký ông điện thoại nhắn tôi xin bài hát ấy. Sau nầy nghe anh em cận vệ nói lại là thỉnh thoảng ở nhà không ai, ông lấy bài hát ra hát (đọc) khe khẻ một mình!. Sau nầy có lần hát lại bài nầy tự nhiên tôi như thấy ông đang lắng nghe. Và tôi lại thấy mắt mình cay cay, không hát được hết bài – và từ đó tôi không hát bài nầy nữa!.
Tôi làm Phó Chủ tịch tỉnh 10 năm – cho đến khi ông không còn làm Thủ tướng – tương ứng chặng đường kể trên. Thời gian ấy An Giang trực tiếp nhận chỉ đạo từ ông, bản thân tôi làm đầu tắt mặt tối nhưng cảm thấy hứng khởi lạ thường. Tiếc rằng không có điều kiện tiếp cận nhiều hơn để học ông nhiều điều mà sau nầy thấy không còn cơ hội. Khi tôi làm chủ tịch tỉnh (2001 – 2004) thì cũng là lúc ông không còn là Cố Vấn BCH TW, nhưng những gì học được ở ông trong thời gian 10 năm ấy đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ khá thuận lợi, được nội bộ và nhân dân ghi nhận. Thỉnh thoảng có khó khăn tôi lại gặp ông nhờ chỉ bảo. Tuy không là người trực tiếp lãnh đạo, nhưng ông là chổ dựa tin cậy cho tôi – mà chắc là cũng của nhiều người lắm!. Không tin sao được, chỉ kể về nông nghiệp đồng bằng Cửu Long trong thời gian 10 năm ấy, riêng chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã làm cho sản lượng lúa các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và một phần ở hai tỉnh Tiền Giang, Long An những năm sau đó tăng thêm khỏang 10 triệu tấn, chiếm 50 phần trăm sản lượng toàn vùng và bằng toàn bộ sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của cả nước. Tôi nghĩ đây là dấu ấn xóa đói nghèo ở Việt Nam sẽ được ghi vào lịch sử phát triển của đất nước và cũng là bài học xóa đói nghèo mà Liên Hiệp Quốc từng hết lời ca ngợi Việt Nam!. . Khi còn sanh tiền, kể cả lúc đương chức, người ta hay nói “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” khi đề cấp đến những công trình, những chủ trương, quyết sách của ông mang lại ích nước lợi nhà như là một sự tôn vinh hiếm có. Chỉ riêng công trình thoát lũ ra Biển Tây mà cái trục là kinh Vĩnh Tế – T5 – Tuần Thống, nếu không phải là ông thì chưa biết bao giờ mới có, và phèn trong cái rốn Tứ giác Long Xuyên biết bao giờ rửa sạch. Vì vậy Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân An Giang đặt tên kinh T5 là kinh Võ Văn Kiệt với cụm bia – tượng ghi dấu ấn của ông trên vùng sông nước một thời cơ cực mà nay thành trù phú với một vạn héc-ta đất lúa 2 -3 vụ/năm và hai xã mới ra đời với cả vạn dân tứ xứ nghèo khổ về đây lập nên cơ nghiệp – chỉ kể riêng ở An Giang. Đây cũng là một dấu ấn son ông để lại tặng đời!
Nụ cười
Mười năm sau – cho đến ngày ông về với “Thế giới người hiền”, tôi mới có thời gian chiêm nghiệm, khám phá về ông, những tố chất của một lãnh tụ: Nói ít, hỏi nhiều, biết im lặng lắng nghe và nhất là sự gắn bó thân tình, trân trọng mà giản dị giửa lãnh tụ với quần chúng; tình yêu thương, lòng vị tha – hóa giải, chân thành mà thẳng thắng, bộc trực mà tế nhị, thủy chung mà đúng mực với mọi người. Lòng tin của tôi đối với ông nó đến một cách tự nhiên, bắt đầu từ câu chuyện ông kể tôi nghe về công lao của các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân yêu nước ở Miền Nam trong hai cuộc kháng chiến rồi kết luận: “Người ta theo cách mạng nếu mất là cả sự nghiệp làm ăn giàu có, vợ đẹp con xinh, còn mình nếu có mất chỉ mất có cái quần đùi, vậy mà lại nói người ta yêu nước, có công không bằng mình. Chính chổ nầy lại mới thấy uy tín Bác Hồ lớn lắm”. Trong khi người ta hay giành công, câu nói ấy đối với tôi như mở ra bầu trời rộng, là mới nghe lần đầu, hay lắm, hay đến tôi phải ngẩn ngơ và nghiệm mãi!.
Tranh thủ những lần gặp gỡ, tôi hỏi ông nhiều chuyện “xưa và nay” về những khúc quanh lịch sử của Đảng, về những lãnh đạo cấp cao nhất có vai trò gắn liền với những khúc quanh ấy, cả về ông mà tôi chỉ nghe qua tin đồn, về những nhân sĩ – trí thức-văn nghệ sĩ Miền Nam một thời, kể cả một vài nhân vật có vai vế trong chánh quyền Sài gòn … Đặc biệt là với các Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn cũng như các công thần thời ấy mà nay vẫn còn tranh cải công và tội. Ông từ tốn sẽ chia mà không hề giữ kẽ, có đoạn ông dừng lại rồi như bâng khuâng, dằng dặc nỗi niềm. Tôi thắc mắc tại sao anh em Nam Bộ được rút về Trung ương phần nhiều làm cấp phó?. Ông không trả lời thẳng mà kể lại chuyện những cán bộ, có cả nữ rất xuất sắc, là nhân tài, là dân miền ngoài, có người còn huyết thống hoàng tộc, nhưng ông chỉ đề lên cấp thứ trưởng mà không được, trong khi Thủ tướng Ý khen ông: “Có một nữ ngoại trưởng xuất sắc”. Tôi trở thành học trò ông hồi nào không biết, học trò đúng nghĩa. Chỉ một thầy một trò. Có buổi “học” suốt hơn ba tiếng đến mức bảo vệ phải can để cho ông được nghĩ. Tôi thấy mình trưởng thành hơn về mọi mặt.
Từ công trình thoát lũ ra Biển Tây tôi mới hiểu những công trình lớn của cả nước trước đó như thủy điện Trị An, đường dây 500 Bắc Nam, khai thác hai “rún phèn” ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, quyết định đầu tư lọc dầu Dung quốc…là những công trình có rất nhiều ý kiến khác nhau giửa các nhà khoa học và các nhà quản lý. Vậy mà ông dám quyết định, trong khi bản thân không có một mảnh bằng bảo chứng. Đó là do ông có cách để các nhà khoa học: các kỷ sư, tiến sĩ, viện sĩ; các nhà quản lý: bộ trưởng, thứ trưởng; các vụ, viện và các nhà đầu tư; các cán bộ địa phương và cả dân chúng có hiểu biết, tin ông mà bộc lộ hết kiến thức, kinh nghiệm và cả suy nghĩ của họ với nhiều chiều khác nhau, không lo sợ, không rào đón. Cái hay của tầm lãnh đạo là biết tin, biết lắng nghe, chịu khó lắng nghe từ nhiều phía, hỏi nhiều lần để nghe cho kỷ…và để rồi có đủ tự tin và tự trọng, năng lực và trách nhiệm quyết đoán chuẩn xác. Đó là bản lĩnh lãnh đạo, bản lĩnh Võ Văn Kiệt – Thủ Tướng của nhân dân. Lãnh đạo có nhiều bằng cấp có khi chưa đủ, có bằng khoa học chuyên ngành thì thường thiếu tổng quát. Nhưng là lãnh đạo, trước hết phải có “bằng cấp dùng người“, để như ngày xưa ” Chúa sáng có tôi hiền“. Ngày nay cũng vậy. Ông là người được nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học cả ba miền đều mến phục. Bạn bè tôi có cả ba miền đều nói với tôi câu ấy. Thật hiếm có người như vậy!. Và tôi thấy người nào trân trọng ông thì chính họ, ít lắm cũng có cái làm cho tôi trân trọng. Hôm quốc tang ông, có ngôi chùa nổi danh ở miền ngoài, sư trụ trì đọc ai điếu có dùng câu: “Ngài băng hà” mà ngày xưa chỉ dùng cho hoàng đế, nay lại dùng để chỉ cái chết của vị Thủ tướng của mình. Thật là chưa từng có!.
Ông có phong cách hơi lạ so nhiều người. Có mấy lần sau khi làm việc, ông bảo tôi đưa ông đến nhà thăm mấy người bạn cũ. Tôi định rước họ lại cho ông thăm, nhưng ông không chịu. Kể cả cháu của người vợ quá cố, ông cũng bảo tôi đưa ông đến nhà thăm họ. Còn khi tôi đưa ông đi thăm nông dân và cán bộ tận xã, ấp, họ đãi ông món của ruộng đồng, uống rượu đế…ông rất vui, và cũng đủ sức uống “với mổi cậu một ly”. Khi vui như vậy ông hay trách bảo vệ và thầy thuốc đi cùng: “Tao bị mấy tay nầy làm khó. Làm như thịt tao thơm lắm nên luôn luôn sợ có người muốn làm thịt (ám sát), còn tao ăn chớ có biểu nó ăn đâu mà nó sợ đủ thứ, không cho”. Ông thủy chung, khiêm tốn, chân tình và giản dị vậy đó.
Ông có nụ cười sảng khoái, độ lượng, truyền cảm hiếm có như ta thường thấy qua hình ảnh ông xuất hiện trước công chúng, nhất là với lực lượng Thanh niên xung phong, các nhân sĩ, trí thức Sài gòn những năm đầu sau giải phóng. Có lần tôi hỏi ông về Trịnh công Sơn sao không được vinh danh chi cả, ông nói: “Nó cũng hỏi tao câu đó: Em có tội tình gì mà anh S. đì em hoài? – Mầy biết tao trả lời sao không? – Tao nói vậy chớ tao còn bị ổng đì nửa mà!”. Ông lại cười tự nhiên vui vẻ rồi tiếp: “Tao trả lời vậy rồi tự nhiên tao thấy hay!”. Có lần tôi nghe một người kể lại: Có nhà nghiên cứu lý luận chê ông cùng một số lãnh đạo cấp cao không có đọc nguyên tác Mác-Lênin, ông cũng cười sảng khoái thay cho câu trả lời. Mùa nước năm 1998, chúng tôi đưa ông đi bằng tắc ráng thăm trung tâm Tứ Giác Long Xuyên. Sau khi rời bến, ông hỏi Bí thư tỉnh ủy (Ba Đức): “Đất hoang còn không”. Anh báo hết rồi. Trời xuôi, anh em dẫn lạc đường, chạy lòng vòng qua các con kinh cấp 2, cấp 3 trong vùng mất cả tiếng. Tôi bực quá cự nự anh em được tôi phân công đi tiền trạm một ngày trước. Ông lật đật đở lời anh em: “Cũng hay, nhờ lạc mới biết đất còn hoang nhiều quá”. Tôi bị “bể” bất ngờ và nhìn qua thấy ông Bí thư của tôi cũng cười sượng ngắt. Khi qua dưới cây cầu khỉ ông chỉ và hỏi tôi: “Nghe nói hết rồi mà?”. Tôi lật đật: “Chổ nầy không có đường vào hai bên cầu. Và cũng phải còn vài cây để biết nông thôn mình một thời có cây cầu loại nầy hay lắm. Và, để làm thơ nửa ông Sáu ơi!”. Ông cười: “Cũng là một lời giải thích”. Nhẹ nhàng vậy mà nhớ hoài!. Hôm từ Côn Đảo về ghé An Giang làm việc, Chánh văn phòng Đoàn Mạnh Giao mang về con kỳ đà. Vào mâm, một lát sau anh Giao mới khệ nệ bưng thịt kỳ đà lên. Anh nói: “Nhà bếp không biết làm, tôi phải phụ, sợ dai nên nấu hơi lâu”. Nói rồi anh đưa đủa gắp trước như để “nghiệm thu”. Tôi lẹ miệng hỏi: “Dai không?”. Anh chau mày nói: “Trời ơi! 50 tuổi Đảng”. Ý anh nói nó già quá nên rất dai, nhưng lỡ lời. Tôi chờ phản ứng của ông. Nhưng ông nhìn anh Giao rồi cười độ lượng và mắng một câu nhẹ nhàng: “Cái thằng nầy!”. Những khi đi kiểm tra thực hiện chỉ thị 200 về vệ sinh – môi trường, khi anh em báo cáo khó khăn do dân chưa quen, thậm chí có cán bộ về hưu trí còn cự nự; trước khi chỉ đạo phải tiếp tục quyết liệt với giải pháp làm nhà vệ sinh tự hoại rẻ tiền và phải cho dân nghèo vay tiền để làm, ông tỏ ra cảm thông: “Tụi mình quen làm “quận công” rồi” – và cười hiền, nhắc lại nguyên câu: “Nhất quận công/ Nhì i… a đồng mà”. Năm con gái tôi 18 tuổi đi bầu cử Hội đồng tỉnh. Trước khi đi nó hỏi ai cấm đốt pháo hở ba?. Tôi hỏi chi vậy?. Nó nói để con gạt tên ông đó. Tôi kể chuyện ấy cho ông nghe. Ông cười hiền: “Tao cũng thấy buồn. Mà anh em đề nghị thay vào bằng kéo hết còi xe, tàu, đổ chuông ở các nhà thờ, thánh thất…lúc giao thừa. Như vậy sao cũng thấy lơm cơm quá. Chưa được!”. Ông có những nụ cười như vậy đó, thay cho lời mà ta cảm nhận được ý hay tứ đẹp. “Nụ cười Võ Văn Kiệt”!.
 Nỗi niềm
Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi thấy ông buồn. Đó là khi ông kể về cái nghèo của bà con dân tộc huyện Mường Tè mà ông chọn làm huyện điểm xóa đói nghèo. Rồi chuyện nâng cấp đô thị SaPa. Ông nói: “Đô thị phát triển, các khu kinh tế mở ra người dân tộc mình lại lùi xa vào rừng trở lại. Tao có ông bạn người dân tộc ở Mường Tè nói với tao như vậy, và mổi lần đến thăm đều mang nếp, gà xuống cho. Ông nhận tao là anh em kết nghĩa”. Ông luôn băn khoan về sự “tăng trưởng kinh tế cả nước đang làm một bộ phận không nhỏ dân nghèo bị dạt ra lề cuộc sống”. Có lần ông gọi tôi đến nhà bảo về bàn với anh em ra tờ báo cho nông dân đọc, lúc đầu là cho, dần dần quen rồi sẽ bán. Ông than: “Báo mình có đến sáu bảy trăm tờ mà không tới nông dân, vì báo kinh doanh, ít viết về nông dân nông thôn quá”. Về quan hệ với nước lớn láng giềng và các nước lớn khác, ông có vẻ nặng nề, day dứt về những cú lừa và bắt nạt trắng trợn của họ trong quá khứ, hiện tại và lo lắng cho tương lai .
Về công tác cán bộ, có lần ông nói đầy vẻ ưu tư: “Quyền lực là ma túy, nó làm cho người ta say và biến chất dễ nhất. Quyền lực và tham nhũng cách nhau cái ranh rất mỏng. Cán bộ mình loại ấy nay không ít đâu. Có cậu biết ý tôi không tán thành loại đó nên đều né tôi hết”. Khi tôi hỏi ông về mối quan hệ giửa ông với cố Tổng bí thư Nguyễn văn Linh và sự kiện đường dây 500 ông không trả lời mà chỉ nói: “Ổng kêu tao là cậu em của bả”, rồi kể tôi nghe đoạn cuối câu chuyện mà tôi muốn biết. Đó là sáng sớm trước giờ khánh thành đường dây, người ông nhớ đầu tiên và mang chai sâmpanh vào trại giam thăm là anh Vũ Ngọc Hải đang lúc anh Hải còn tập thể dục. Rất cảm động và bất ngờ!. Ông gắn huy hiệu kỷ niệm công trình đường dây lên ngực anh Hải rồi khui rượu, cùng chúc mừng thắng lợi!. Nhưng có lẻ sâu lắng nhất là câu chuyện ông kể về phu nhân của ông cùng con trai hy sinh trên chuyến tàu Thuận Phong vào thăm ông bị trực thăng Mỹ bắn là tôi thấy ông buồn rưng rưng nước mắt!. Lần cuối cùng tôi gặp ông tại 16 Tú Xương là sau Đại hội XI mấy tháng. Lần ấy ông nói với tôi là phải cùng anh em lo nước ngọt cho dân và đối phó với biến đổi khí hậu sẽ nhận chìm đồng bằng sông Cửu long. Ông ưu tư và như đang bận rộn suy nghĩ cho một công việc gì trọng đại lắm. Hóa ra là chuyện đó, chuyện lũ bão, nước biển dâng, chuyện lo cho dân nghèo, kể cả chuyện lo cho nông dân có báo đọc… Nó chiếm hết nỗi niềm của ông – Nỗi niềm Võ Văn Kiệt!.
Những câu chuyện trên có thể bổ sung cho những “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”, “Nụ cười Võ Văn Kiệt” mà sách báo đã viết nhiều . Và cũng còn nguyên đó “Nỗi niềm Võ Văn Kiệt” lặng lẽ theo ông về bên kia thế giới. Tôi nghĩ vậy!.
Về cá nhân tôi, khi sắp hết nhiệm kỳ Chủ tịch, cấp trên tính rút tôi về làm Phó cho một Ban. Khi xin ý, ông khuyên tôi làm Trưởng ấp sẽ thiết thực hơn. Nhưng khi biết trên rút tôi về làm chuyên trách chống tham nhũng đến 65 tuổi mới nghỉ mà tôi từ chối thì ông lại động viên: “Làm đi, chổ nầy máu lửa đó”. Nhưng khi tôi kiên quyết xin nghỉ hưu luôn thì tôi thấy ông hơi buồn và nói như vớt vát: “Nghỉ, nhưng nhớ mầy còn làm nhiệm vụ Đảng viên nghe”. Tôi thấy như mình có lỗi với ông và tôi luôn cảm thấy day dứt.
Hôm trò chuyện cùng cô phóng viên đài truyền hình Vĩnh Long để cô viết bài về ông nhân kỷ nệm ngày sinh lần thứ 90, trước khi kết thúc, cô hỏi tôi nếu phải dùng một từ để nói hết tấm lòng mình đối với Chú Sáu?. Tôi không đủ khái quát trong một từ, chỉ có thể nói ông là người lãnh đạo cao nhứt mà tôi biết, duy nhất với tôi không có khoảng cách, duy nhất mà tôi TIN CẬY !. /.
 Long Xuyên, ngày 25/10/2012.



THƯA GS. LÊ VĂN LAN, NƯỚC TA CẦN CÓ THÊM BẢO TÀNG CHỤC NGHÌN TỈ ?





THƯA GS. LÊ VĂN LAN, NƯỚC TA CẦN CÓ THÊM BẢO TÀNG CHỤC NGHÌN TỈ ?


Tâm Sự Y Giáo
Mấy ngày nay thấy báo chí nói nhiều về dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với kinh phí trên 11.000 tỉ đồng. Quả thật lâu lâu cứ nghe những vụ này vụ kia hàng chục ngàn tỉ đồng, cảm giác của mình cũng đã bắt đầu “quen quen” với những con số khủng như thế. Ấy, đó là nói “quen” những con số trên báo, chứ còn trong đời thực, giá như mình có nửa tỉ, nửa tỉ thôi nhé, thì chắc mình cũng đã yên tâm về tương lai và sung sướng lắm lắm rồi.
Nhưng chiều nay đọc bài VnExpress phỏng vấn GS. Lê Văn Lan: “Xây bảo tàng nghìn tỉ tốn kém, nhưng có ích”, mình bỗng cảm thấy giật mình, cái giật mình cố hữu trước đây, về nội dung trả lời của GS Lan. Tự mình sau khi trấn tĩnh lại, thấy cần phải đi tìm câu trả lời cho một loạt vấn đề xung quanh chuyện này.
Thổi bùng sự nghiệp bảo tàng
GS Lan mạnh mẽ khẳng định: “Thực trạng này cắt nghĩa được vì sao công chúng, nhất là thanh niên đang kêu ca ít hiểu biết về lịch sử, thậm chí thờ ơ, quay lưng lại với lịch sử. Chúng ta cần có đột phá, như ngòi nổ để thổi bùng sự nghiệp bảo tàng”.
Có lẽ GS Lan là chuyên gia về sử học nên mới giải thích cái sự công chúng, nhất là thanh niên thiếu hiểu biết về lịch sử, thậm chí quay lưng lại với lịch sử,  là do thiếu bảo tàng! Nguyên do của chuyện “quay lưng” này thì có nhiều, nhưng trước hết chính là do ngành sử học của chúng ta có vấn đề, chứ chẳng phải là do thiếu bảo tàng đâu ạ. Hơn ai hết, hẳn GS hiểu rõ những vấn đề này là gì, chứ để kẻ ngoại đạo như chúng tôi bàn vào thì bất tiện lắm.
TSYG không biết chính xác rằng hiện nay nước ta có bao nhiêu bảo tàng, nhưng con số từ năm 2009 là 127. Chỉ biết ở ta, tỉnh nào cũng có một nhà bảo tàng tỉnh, gần đây rất nhiều huyện cũng bắt đầu xây bảo tàng huyện. Nhiều ngành đang rục rịch xây bảo tàng cho ngành mình.
Riêng bên quân đội, tất cả binh chủng, quân chủng, quân khu, quân đoàn đều có bảo tàng. Tổng cục II, Tổng cục Hậu cần cũng có bảo tàng, còn Bào tàng của Tổng cục Kỹ thuật thì có tên là Bảo tàng Vũ khí – Đạn… Thậm chí có quân chủng còn có thêm Bảo tàng chi nhánh phía Nam của quân chủng mình.
Chỉ trừ một số ít nơi như  Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… là thu hút được sự quan tâm của công chúng và khách du lịch nước ngoài, còn lại hầu hết các bảo tàng đều giống nhau ở những đặc điểm: 1- Khuôn viên lớn, vị trí đẹp và đắc địa, 2- Hiện vật ít, đơn điệu, 3- Rất ít khách tham quan.
Đó là sự lãng phí vô cùng  lớn. mà chưa ai (dám) thống kê. Có gì đảm bảo Bảo tàng “lớn nhất Việt nam 11.000 tỉ” sẽ được sử dụng hiệu quả hay là sẽ được “trùm chăn” như Bảo tàng Hà nội, để rồi tiếp nối vào danh mục lãng phí vô cùng lớn của các bảo tàng hiện nay?
Cứ đà lãng phí như thế, e rằng “ngòi nổ” này không phải là “thổi bùng” đâu, mà là sẽ “thổi bay” sự nghiệp bảo tàng, lơ mơ là nó “thổi bay” luôn sự nghiệp của nhiều người nữa đó, thưa GS!
Không được so sánh với Vinashin
GS Lan nói (lớn tiếng) rằng: “Nền kinh tế Việt Nam khó khăn có nguyên nhân thất thoát từ những tập đoàn như Vinashin. Nếu viện kinh tế khó khăn để không xây bảo tàng là không công bằng. Bào tàng xây dựng tốn kém song là có ích, không được so sánh như những thất thoát, lãng phí từ Vinashin”.
Có thể GS Lan là người hết lòng với ngành lịch sử nước nhà nên mới nói vậy nhằm bảo vệ cho quan điểm nên xây bảo tàng này. Thực ra đâu chỉ có Vinashin mới thất thoát, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty như Vinalines, EVN, Than-Khoáng sản, Dầu khí … đều thế cả. Các doanh nghiệp nhà nước hiện đang nợ hơn một triệu tỉ đồng.
Mới đây thôi, Bảo tàng Hà Nội được hoàn thành với kinh phí “chỉ” 2.300 tỉ đồng nhưng rất vắng khách tham quan vì thiếu hiện vật, các sảnh chủ yếu được dùng vào việc cho thuê tiệc cưới.
 Kim Tự Tháp lộn ngược 2.300 tỉ : Bảo tàng Hà Nội
Trước khi nhập tiệc, thể nào khách chẳng đi tham quan một vòng? Sau đó lại tham quan tiếp vì “chỉ có bụng mới biết, bia đi đâu về đâu”. Quả là “nhất cử đại tiện”, hi hi!
Vậy thì con số 11.000 tỉ đồng đổ ra để xây thêm một bảo tàng đều làm cho bất cứ người dân bình thường nào nghe xong cũng phải xây xẩm mặt mày, và phải liên tưởng ngay tới các vụ án “khủng”. Sao lại cấm người ta: “không được so sánh như những thất thoát, lãng phí từ Vinashin”, thưa GS?
Chuyên gia hàng đầu về bảo tàng, di sản?
GS Lan khẳng định như đinh đóng cột: “Tôi biết những người chuẩn bị cho dự án Bảo tàng Lịch sử là những chuyên gia hàng đầu về bảo tàng , di sản”.
Họ là những ai vậy, thưa GS?
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, v/v thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia, số 1690/QĐ-TTg ngày 27/12/2006, thì thành phần của Ban Chỉ đạo này gồm:
Trưởng ban: PTT Thường trực Nguyễn Sinh Hùng
Phó Trưởng ban thường trực: Ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ VH-TT.
Phó Trưởng ban: Ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Các ủy viên:
1. Ông Trần Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
2. Ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Ông Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
4. Ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT.
5. Ông Cao Lại Quang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
6. Ông Trần Đức Cướng, Phó Chủ tịch Viện KHXH VN.
7. Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà nội.
8. Ông Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản  văn hóa quốc gia.
9. Giám đốc Ban Quản lý dự án.
Phải chăng cả 12 vị nói trên, trước khi đảm nhiệm những chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước, đều là những chuyên gia hàng đầu về bảo tàng, di sản? Hay đây là kiểu nói lấy được?
Qua những phân tích trên, có thể nhận thấy GS Lan đã cố bảo vệ cho quan điểm cho rằng việc xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cần thiết, nhưng lại bằng những lý lẽ hết sức thiếu thuyết phục.Tiếng nói của GS Lan đang đi ngược lại với suy nghĩ của rất nhiều người dân hiện nay. Theo TSYG, đây là một bài trả lời phỏng vấn đáng thất vọng.
Việc qui hoạch, sắp xếp lại hệ thống bảo tàng trên cả nước dường như là một yêu cầu tất yếu, và rất cần có ý kiến của các nhà chuyên môn trong ngành sử học, bảo tàng, di sản, khảo cổ…
Nhưng việc xây thêm một bảo tàng với kinh phí khổng lồ như thế trong điều kiện khó khăn hiện nay của đất nước, có lẽ nên để người dân góp tiếng nói của mình. 11.000 tỉ không phải là lá đa, cũng chẳng phải là vỏ hến, mà là những đồng tiền đẫm mồ hôi và nước mắt, được trích ra từ tiền thuế của những con dân Việt còn nghèo khó, kính thưa GS Lê Văn Lan!





Từ một bài báo nhỏ


Tống Văn Công
Hôm đó, tôi đang dự họp ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì có điện của anh Trần Đức Chính, trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ báo Lao động gọi (anh Trần Đức Chính sau này là Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận , là cây bút Lý Sinh Sự nổi tiếng hiện nay). Anh cho biết: “Có anh Đỗ Văn Phú, sĩ quan của A.25 tới tòa báo, yêu cầu cho xem bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc đã gửi đăng báo. Tôi định trả lời là tôi không có quyền cho anh ấy đọc, bởi vì Tổng biên tập chưa đọc. Nhưng nghĩ lại, chuyện này để Tổng biên tập quyết định mới đúng. Vậy ý anh thế nào?” Tôi hỏi: “Bài viết về vấn đề gì vậy?” Anh Chính đáp: “Đổi mới ở một vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nói chung là một bài vui vẻ, không có gì gay cấn.” Tôi nói: “Theo mình thì người ta đã biết và đòi được xem, nếu mình không cho xem, họ sẽ nghi ngờ, rồi suy đoán lung tung, quan hệ hai bên căng thẳng vô ích! Cứ cho họ xem đi, Chính ạ! Chuyện phải quấy rồi sẽ có dịp bàn bạc lại với nhau!” Anh Trần Đức Chính có vẻ miễn cưỡng: “Tùy anh. Vậy thì tôi lấy bài cho họ xem.”
Tuy đã khuyên anh Chính cho cán bộ A.25 xem bài, nhưng thực bụng tôi rất băn khoăn: Vì sao bên công an lại có cách hành xử thiếu tôn trọng đối với Tổng biên tập một tờ báo đến như vậy? Chẳng lẽ, các anh ấy cho rằng tôi không biết đánh giá một bài báo tốt hoặc có hại? Chẳng lẽ một người như nhà văn Nguyên Ngọc, đã bao lần vào sinh ra tử suốt hai cuộc kháng chiến vẫn có thể bị nghi ngờ cố ý gây mất an ninh chính trị?
Tôi ra nhận công tác ở báo Lao động tháng 12 năm 1988, lúc ấy đang ồn ào vụ anh Nguyên Ngọc bị buộc “thôi giữ   chức Tổng biên tập báo Văn nghệ để nhận công tác khác” bởi một quyết định của Ban Thường vụ Hội Nhà văn. Dư luận gọi đó là “một quyết định cách chức trá hình”. Không chỉ giới cầm bút mà bạn đọc cả nước đều phản ứng bởi lòng yêu quý nhà văn có tài, có tâm và tư tưởng tiến bộ. Nhiều tờ báo phản ánh ý kiến không đồng tình với Ban thư ký Hội Nhà văn. Để chống đỡ búa rìu dư luận, hai ông Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu thay mặt Ban Thường vụ Hội Nhà văn gặp gỡ Tổng biên tập các báo chí, đài phát thanh, truyền hình để trình bày nội dung Nghị quyết Ban Chấp hành Hội Nhà văn với nhận định: “Vừa qua, tuần báo Văn nghệ đã có một số đóng góp tích cực trong công tác đổi mới, song bên cạnh đó, tuần báo Văn nghệ đã có những khuyết điểm lệch lạc nghiêm trọng. Ban chấp hành giao cho Ban Thường vụ uốn nắn, chấn chỉnh tờ tuần báo Văn nghệ về nội dung và tổ chức nhằm nâng cao chất lượng của tuần báo Văn nghệ theo hướng đổi mới.” Hôm đó, nhiều anh chị lãnh đạo các báo, đài yêu cầu cho biết   cụ thể “những khuyết điểm lệch lạc nghiêm trọng” là gì. Ông Nguyễn Đình Thi và ông Chính Hữu thay nhau nói rất dài, nhưng chỉ nêu rõ mỗi truyện ngắn Phẩm tiết của nhà văn trẻ Nguyễn Huy Thiệp, cho đó là ảnh hưởng xu hướng “hạ bệ thần tượng” của các nước phương Tây. Hai ông cho biết có một nhà thơ nổi tiếng đã tỏ ý lo ngại: “Hôm nay nói xấu Quang Trung, rồi ngày mai sẽ nói xấu Bác Hồ.” Nhiều người vẫn tỏ ý băn khoăn, vì cho rằng báo Văn nghệ vừa qua đã làm được nhiều việc lớn mà lâu nay chưa làm được: phát hiện Nguyễn Huy Thiệp một cây bút tài năng; đưa ra ánh sáng những cường hào mới trong Cái đêm hôm ấy… đêm gì ? (của Phùng Gia Lộc kể chuyện ở Thanh Hóa), vực dậy những hoàn cảnh thấp cổ, bé họng bị áp bức Người đàn bà quỳ (Bút ký của Trần Khắc)…
“Những khuyết điểm, lệch lạc nghiêm trọng” của báo Văn nghệ đã không bào chữa được việc “cách chức trá hình” đối với Tổng biên tập Nguyên Ngọc. Báo Tuổi Trẻ đăng thư ngỏ của 12 nhà văn thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ Tổng biên tập đổi mới Nguyên Ngọc. Phụ bản tạp chí Cánh Énở miền Trung ra chuyên đề ca ngợi Nguyên Ngọc đổi mới báo Văn nghệ và lo ngại cho số phận tờ báo sẽ xuống dốc khi bản thân Tổng biên tập bị trù dập. Nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi, nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt gửi thư ngỏ phản đối việc cách chức trá hình đối với Tổng biên tập Nguyên Ngọc.
Sau đó ít lâu, nhà thơ Bùi Minh Quốc đến tòa soạn báo Lao động cho tôi biết, anh đã bị Tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định khai trừ Đảng và cách chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, do viết thư ngỏ và ký kiến nghị phản đối cách xử lý đối với nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi thay mặt báo Lao động gửi văn thư kèm theo đơn thư của nhà thơ Bùi Minh Quốc về kỷ luật khai trừ Đảng đối với anh, gửi lên Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Văn thư có đoạn: “Không nên khai trừ Đảng đối với một nhà thơ chiến sĩ, cả hai vợ chồng đã gửi lại đứa con nhỏ, cùng xông ra chiến trường, có những tác phẩm mạnh hơn bom đạn và người vợ đã là liệt sĩ…”
Bên an ninh đòi xem bài báo của nhà văn Nguyên Ngọc trước khi tôi đọc, phải chăng vì tôi đã có biểu hiện lệch lạc ký một văn thư như thế?
Việc “chấn chỉnh tờ báo Văn nghệ về nội dung và tổ chức” gây cơn sốt ngầm trong giới cầm bút Việt Nam một thời gian dài. Tuy nhiên, đối với nguyên Tổng biên tập báo Văn nghệ mọi việc đã qua, anh thanh thản sắp xếp cho mình và bạn bè những cuộc thâm nhập thực tế lý thú. Riêng tôi, cũng được anh mời cùng tháp tùng về làng Thổ Tang, một làng làm kinh tế thị trường ngay giữa thời bao cấp. Làng này là quê hương của hai lãnh tụ Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học, Vũ Hồng Khanh, là nơi Cô Giang tự bắn vào đầu mình để được chết theo người yêu cùng lý tưởng. Làng này dân đông đất ít, không có nhiều sản vật, nhưng cả làng đi mua sản vật mọi vùng đem về chế biến thành nhiều loại sản phẩm có phẩm chất cao, rồi bán ra khắp nước. Bà   con ở đây kể: Sau khi Huế giải phóng, Thổ Tang đoán chắc, sắp tới đồng bào miền Nam sẽ có yêu cầu rất lớn được cung cấp lập   tức cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ. Cả Thổ Tang trở thành đại công xưởng kiêm đoàn vận chuyển phân phối cờ và ảnh đáp ứng yêu cầu đột xuất của đồng bào miền Nam mà các cơ quan xuất bản và phát hành của Nhà nước chưa kịp nghĩ ra. Từ đầu tháng 4 năm 1975, quân giải phóng tiến tới đâu, đại diện Thổ Tang mang cờ, ảnh Bác Hồ tới kịp ngay sau đó. Mười năm sau đổi mới, làng Thổ Tang đã trở thành một thị trấn to đẹp. Nhà văn Nguyên Ngọc chính là người đầu tiên phát hiện điển hình kinh tế thị trường Thổ Tang. Cá nhân tôi cũng được mở mang cách nhìn cuộc sống từ những chuyến đi do anh tổ chức.
Biết đâu sự hứng thú thái quá của tôi trong cuộc tháp tùng nhà văn đã bị xem là không đủ bản lĩnh chính trị để đọc bài viết của anh? Theo gương anh trong chuyện này, tôi cũng sẽ không chấp nhận sự xúc phạm!
Nhân ngày Quốc khánh, Tổng biên tập báo Lao động gửi thư mời Cục trưởng và Cục phó A.25 là hai đồng chí Lê Kim Phùng và Khổng Minh Dụ đến dùng bữa cơm thân mật. Hôm đó, thay mặt Ban biên tập báo Lao động tiếp khách có tôi và hai phó Tổng biên tập là anh Huy Đan và anh Phạm Văn Nhàn. Giữa tiệc vui, tôi nói: “Có chuyện này, tuy tế nhị, nhưng là anh em, đồng chí với nhau, tôi muốn được hỏi thẳng hai anh.” Cả Cục trưởng và Cục phó đều tươi cười chờ đợi. Thấy tôi ngần ngừ, Cục trưởng Lê Kim   Phùng khuyến khích: “Anh em mình hiểu nhau quá có gì mà anh Công ngần ngại, cứ nói thẳng với nhau đi mà!” Cục phó Khổng Minh Dụ nói thêm “Tôi đã hoạt động khá lâu ở Bến Tre quê anh, các mẹ ở Bến Tre nhận tôi là con. Tôi rất thích tính dân Nam Bộ mình, cứ thẳng băng. Anh coi tôi như anh em đồng hương đi nha.” Tôi nói: “Hỏi chuyện này tôi cũng rất ngại. Dù vậy, cứ xin hỏi thiệt tình như anh em trong nhà! Có phải các anh đã gài đặc tình ở cơ quan chúng tôi?” Cả hai người sửng sốt   nhìn tôi, rồi cùng hỏi: “Sao anh Công lại hỏi như vậy? Vì sao chúng tôi lại phải gài đặc tình vào cơ quan báo Lao động ?” Tôi nói: “Tôi biết hỏi như vậy thật là là… kỳ cục lắm, đường đột lắm, cũng có thể coi là mất lịch sự nữa. Chuyện thế này, vừa qua, nhà văn Nguyên Ngọc có gửi tới một bài báo về đổi mới ở một địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi chưa biết, chưa đọc bài này, nhưng các anh đã biết, và cử anh Đỗ Văn Phú đến xin đọc trước. Tôi không giải thích được, nên cứ băn khoăn, đành hỏi thẳng hai anh. Tôi không lo chuyện có đặc tình của các anh đâu, vì chúng tôi đâu có làm gì khuất tất mà phải sợ và che giấu. Chúng tôi chỉ sợ các anh chọn nhầm một anh nào đó đang có thắc mắc cá nhân, thì sẽ thiếu công tâm. Nếu các anh dựa vào cấp ủy và các đoàn thể của báo Lao động mà chọn người làm đặc tình thì tôi hoàn toàn yên tâm!”
Cả hai người lãnh đạo A.25 đều quả quyết với tôi là không hề có điều tôi lo nghĩ, chuyện anh Phú biết có bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc và xin được đọc, có lẽ do sự ngẫu nhiên nào đó. Ở đời, đâu có thiếu những trường hợp ngẫu nhiên! (Khi định viết lại chuyện này, tôi gọi điện hỏi lại anh Phú, nay đang là Ủy viên Ban biên tập phụ trách kinh doanh của báo Lao động . Anh Phú cho biết, lãnh đạo Cục phân công anh đến xin báo Lao động cho đọc bài của nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng nay đã qua 20 năm, anh không còn nhớ rõ nội dung bài).
Sau khi tôi hỏi chuyện cắm “đặc tình”, không khí cuộc gặp gỡ có hơi trầm lắng so với lúc đầu. Hôm sau, rút kinh nghiệm chuyện này, hai anh phó Tổng biên tập (tuy là phó, nhưng đều có thâm niên công tác lâu hơn tôi) đều cho rằng cách đặt vấn đề   của tôi như vậy là quá “căng”, e từ nay quan hệ hai bên sẽ xấu đi! Tôi cũng thấy như vậy, nhưng không nghĩ ra cách nào tốt hơn! Tuy nhiên sau vụ này, cả hai anh Lê Kim Phùng và Khổng Minh Dụ đều tiếp tục gần gũi, giúp đỡ tôi và hoạt động của báo Lao động , không chỉ như trước mà còn tốt đẹp, thân tình hơn. Trong nhiều vụ việc rắc rối, nếu hai anh ấy có định kiến không hay, thì tôi sẽ gặp khó khăn rất lớn. Ví dụ, năm 1994, có người xấu tố cáo với Bộ Chính trị là Tổng biên tập báo Lao động đang làm bình phong cho một nhóm ngưới có âm mưu “diễn biến hòa bình”, đứng đầu là Tổng thư ký tòa soạn Lý Quý Chung (nguyên Tổng trưởng Bộ Thông tin chính phủ Dương Văn Minh). Anh Khổng Minh Dụ đã dũng cảm khẳng định với trên: “Ở báo Lao động không có âm mưu chính trị nào cả. Chỉ là do một cá nhân bất mãn tố cáo bậy bạ” Tôi nghĩ, cách xử sự thẳng thắn, trung thực, tuy tạm thời có gây sốc, nhưng cuối cùng sẽ được cảm thông.
Cuối năm đó, có cuộc Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc, do ông Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ chính trị phụ trách khối Tuyên – Văn – Giáo của Đảng chủ trì (cùng với các ông Trần Trọng Tân, trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và ông Trần Hoàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin). Tôi xin lên diễn đàn hội nghị này, trình bày chuyện cán bộ A.25 yêu cầu đọc bài báo của nhà văn Nguyên Ngọc trước Tổng biên tập, để xin Hội nghị xem xét. Tôi cho rằng cách làm như vậy không hợp lý và có hại, vì gây cho cán bộ, phóng viên thắc mắc, lo lắng, xì xầm: “Tại sao cơ quan an ninh đòi duyệt bài trước Tổng biên tập?” Tôi nhận định: “Nếu đây là một cơ chế quản lý báo chí chính thức thì sẽ gây nhiều tác dụng xấu: Một là trách nhiệm và quyền hạn của Tổng biên tập báo không rõ ràng; Hai là gây bất ổn tư tưởng trong cán bộ phóng viên của tờ báo; Ba là gây ra   sự chồng chéo trách nhiệm quản lý, đưa tới mất đoàn kết giữa Ban biên tập của báo với cơ quan an ninh… Tôi đề nghị: “Nếu Tổng biên tập không đủ độ tin cậy thì nên thay người khác. Còn nếu Đảng cho rằng cần có một cơ chế để cả hai bên, Tổng biên tập báo và cơ quan an ninh cùng chịu trách nhiệm, thì nên thực hiện công khai. Mỗi tòa soạn báo đều có bố trí một gian phòng cho cán bộ A.25 làm việc song song với Tổng biên tập, để cùng duyệt bài, cùng chịu trách nhiệm”.
Tôi nhìn xuống thấy các đồng nghiệp cả nước chăm chú lắng nghe với vẻ đồng cảm. Ông Trung tướng Dương Thông ngồi ở hàng đầu cau mày đăm đăm. Khi tôi dứt lời, chủ tọa Hội nghị, ông Đào Duy Tùng không tỏ thái độ tán thành hay phản đối mà cho nghỉ giải lao.
Gặp tôi ở bàn nước, anh Vũ Tuất Việt, Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng lôi tay tôi ra ngoài, góp ý: “Ông ơi, hôm nay hình như ông ấm đầu phải không? Hết chuyện rồi sao ông đi gây sự với cơ quan an ninh?” Tôi nói: “Chết! Vậy là bạn mà cũng hiểu lầm ý mình rồi. Mình đâu có gây sự với cơ quan an ninh! Mình kiến nghị với Bộ Chính trị để đổi mới cách quản lý báo chí, làm thế nào cho sự cộng đồng trách nhiệm hợp lý hơn, không chồng chéo, không gây hiểu lầm thôi mà!” Anh Vũ Tuất Việt vẫn chưa chịu: “Để rồi coi! Ông sẽ thấy hậu quả việc này!” Sau giờ nghỉ giải lao vào, và cho tới kết thúc Hội nghị, ông Đào Duy Tùng vẫn không đề cập đến vấn đề này.
Sáng hôm sau, khi tôi vừa bước vào cửa cơ quan báo Lao động thì anh Phạm Văn Nhàn phó Tổng biên tập chờ sẵn, kéo tôi đi gặp riêng, hỏi: “Hôm qua, anh phát biểu ở Hội nghị tổng kết báo chí, nêu lại chuyện A.25 yêu cầu cho duyệt bài của nhà văn Nguyên Ngọc trước phải không?” Tôi ngạc nhiên: “Vì sao   anh biết mà hỏi vậy?” Anh Nhàn đáp: “Anh Đức Lạc nhà mình cho biết” (Anh Đức Lạc anh ruột anh Nhàn, là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Thành phố Hà Nội). Anh Nhàn kể tiếp: “Tối qua, anh Đức Lạc gọi mình, kể: Sau khi rời Hội nghị Tổng kết báo chí, ông trung tướng Dương Thông trên đường về đã ghé nhà anh Đức Lạc với vẻ mặt bực tức chưa nguôi. Ông ấy kể cho anh Đức Lạc nghe nội dung phát biểu của anh, rồi nhận xét:   “Tôi chưa từng thấy tay nào ăn nói láo lếu quá sức như cái tay Tổng biên tập này!” Nghĩ cũng lạ, người đáng giận tôi là hai anh Lê Kim Phùng và Khổng Minh Dụ thì lại không hề giận. Tại sao ông trung tướng này lại giận dữ tới mức như vậy? Tôi liền gửi ngay cho ông một lá thư:
“Kính anh Dương Thông,
Được biết anh rất khó chịu đối với phát biểu của tôi ở Hội nghị Tổng kết công tác báo chí toàn quốc?Anh đã hiểu lầm là tôi công kích ngành an ninh! Thưa anh, tuy không tán thành cách làm như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ đưa chuyện đó ra với bên ngoài. Cuộc Hội nghị này do đại diện Bộ Chính trị là đồng chí Đào Duy Tùng chủ trì, nhằm rút kinh nghiệm để cải tiến cơ chế quản lý báo chí sao cho phù hợp với Đổi mới. Tôi nêu vấn đề nhằm mục đích góp phần cùng với Đảng tìm ra cách làm tốt hơn, có sự phối   hợp   giữa người làm báo và cơ quan an ninh sao cho tốt đẹp hơn, khắc phục được sự chồng chéo, dẫm chân nhau, gây ra hiểu lầm. Anh đừng nghĩ, phát biểu của tôi ở Hội nghị là nhằm phê bình cách làm việc của các anh.
Rất mong được trao đổi ý kiến thêm với anh để thông cảm nhau hơn.”
* * *
Đáng tiếc là tôi không nhận được hồi âm của trung tướng Dương Thông. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ rằng giữa ông và tôi không có chút hiềm khích cá nhân nào. Khoảng cách giữa ông và tôi chỉ là một câu hỏi: “Cỗ xe báo chí trên con đường tự do, cần bao nhiêu tay lái?” Câu hỏi này chắc sẽ làm cho các quốc gia có nền báo chí tự do vô cùng kinh ngạc!
Anh Nguyên Ngọc cũng vấp bước trên con đường tự do ấy, chuyện báo Văn nghệ chỉ là giọt nước tràn ly. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn đã hi sinh cả tuổi trẻ, ấp ủ “Đề dẫn tự do sáng tạo những tác phẩm xứng tầm thời đại” nghĩ rằng, đã đến lúc nói to ước mơ cao cả đó với đồng nghiệp. Anh đã nhầm! Tiếng nói của quyền lực lập tức át giọng anh : “Thời đại là thế nào hè!… Thực tế của ta bây chừ là rất đẹp, có thể nói là tuyệt diệu. Tại sao các đồng chí ngại ghi chép hả? Thậm chí sao chép cũng đẹp!” (Lời Ủy viên Bộ chính trị Tố Hữu tại cuộc họp các nhà văn đảng viên tháng 6 năm 1979, bác bỏ Đề dẫn sáng tác văn học của Nguyên Ngọc. Nhớ lại của Đào Xuân Quý).
Biểu hiện mới nhất của khoảng cách về tự do là chuyện nhà văn Nguyên Ngọc cùng các bạn ông biểu tình chống Trung Quốc gây hấn đã bị xếp vào rọ với bọn phản động. Tôi lại có lời khuyên gửi tới các đồng nghiệp Hà Nội ngày 01.9.2011 là: “Nên xin lỗi!”. Nhưng cuối cùng tôi đành chia sẻ với anh nỗi thất vọng khi bến bờ tự do còn xa tít. Nay mừng anh tròn 80 xuân, với hai phần ba thế kỷ cầm bút, cầu mong sẽ đến một ngày những bài viết đau đáu vận nước của anh được vang lên trong tự do.





Một điểm cộng (+) cho Tổng Bí thư. Mấy điểm trừ (-) cho Thủ tướng.


Người Lót Gạch
Tuần qua có 2 chuyện nổi bật của lãnh đạo xứ ta.
-TBT đi Sing. TBT đi thăm Singapour. Có người trách rằng, tình hình đất nước đang rối ren, nông dân nhiều nơi nổi dậy đòi đất, bọn xấu thì cướp của giết người, công an đây đó thì đánh chết dân, Việt kiều bị chết cháy, ngân hàng, tài chánh đang lao đao…,bên ngoài thì giặc thù đe dọa. Thế mà, TBT lại đi thăm thú, xem hoa lan, thưởng ngoạn đền đài dinh thự. Nói như vậy là oan ! TBT đi làm ngoại giao, kết nối chiến lược, quan sát và học tập cái hay của người, rất đáng hoan nghênh. Singapour, một đảo quốc nhỏ bé mà phồn vinh, sạch đẹp, tự chủ và dân chủ. Mấy thập niên qua là điểm thu hút thanh niên ta sang du học, vì có nền giáo dục tốt. TBT cất bước sang thăm là hợp lý. Ngạn ngữ VN có câu : “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Vậy nên hoan hô TBT và ghi điểm cộng (+). Dân chúng theo dõi bước đi của ngài Tổng, mừng rơn vì không nghe bài diễn văn quan trọng như dạo nọ ở Cuba. TBT cam kết với ông Lý(Hiển Long) rằng sang năm 2013 quan hệ VN-Sing sẽ được nâng lên tầm đối tác chiến lược mặc dù chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau ? Hơn thế nữa, trong cuộc nói chuyện tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu có tiêu đề “Vì một Đông Nam Á hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển” có điều hơi lạ là ngài TBT không hề đề cập một chữ đến vấn đề chủ quyền của VN đang bị TQ chiếm đóng bằng vũ lực vào năm 1974 đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần của quần đảo Trường Sa vào năm 1988, xem như “tạm quên” vì nhạy cảm chăng hay vì một lý do nào khác ? Lẽ nào biển đông đối với VN chỉ có vấn đề quyền chủ quyền trong vùng 200 hải lý thuộc thềm lục địa (EEZ) theo UNCLOS và tự do hàng hải là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế ? Trong những phát biểu của TBT khi sang thăm Singapour , về quan hệ với TQ, ngài cũng có tuyên bố rằng “giải quyết vấn đề biển giữa Việt Nam và Trung Quốc” theo thỏa thuận giữa cấp cao hai nước Việt-Trung vậy xin hỏi “Vấn đề biển..” này mang một nội hàm như thế nào, cách nói úp mở như thế liệu người dân Sing và lãnh đạo Sing có hiểu không trong khi ngài TBT mong muốn được họ “chia sẻ”?
–Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chiêu bằng chỉ thị siết mồm báo mạng phản động, cấm mọi người – cán bộ, đảng viên,dân chúng – xem và lưu truyền những tin tức xuyên tạc, bôi đen chế độ…, cụ thể 3 mạng : quanlambao, danlambao, biendong. Nhưng có đôi điểu khuất tất : danlambao chống “đa chiều”, quanlambao thì có chống Đảng (cụ thể TT Nguyễn tấn Dũng), có chống Chính phủ (cụ thể T T Nguyễn tấn Dũng). Nhưng Biển Đông thì chẳng chống ai, là hồ sơ khá phong phú về Biển Đông và chỉ chống Bành Trướng BK, sao lại ghép chung vào một giuộc “phản động” ? Phản ứng : mạng biendong, xem chỉ thị như chuyện gió thổi mây bay, phớt lờ không quan tâm. Mạng danlambao, quanlambao thì thách thức, đương đầu. Cuộc chiến bằng mồm bổng nặng nề bạo lực. Mệnh lệnh hành chánh đi cùng bạo lực, xem chừng thay thế vai trò ngòi bút. Nói như ông Phạm Viết Đào, là Thủ Tướng hơi thiếu bình tỉnh, nóng giận rồi đấy. Thủ tướng bảo cán bộ không được xem, loan truyền phổ biến thông tin trên các mạng phản động(**) nhưng hình như ông quên nói rõ là làm sao kiểm soát và khống chế việc họ lên mạng đọc thông tin lề trái? Phải tìm mua con chip “mã độc”(*) bắt buộc gắn vào các máy tính hay laptop của cán bộ công viên chức, máy sẽ tự động báo cho trung tâm theo dõi những IP nào thường vào đọc để có biện pháp chế tài mới mong hiệu quả!
Túm lại ngòi bút phải liệu chừng.
Có một câu nói có thể phù hợp hoàn cảnh nầy : “Khi chỉ có cái búa trên tay, người ta thấy mọi vật đều giống cây đinh”.
 ”Người vỉa hè” ghi mấy điểm trừ (-) cho TT tuần qua./.



Thư hỏa tốc gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Châu Minh Hùng ( http://quechoa.vn/2012/09/17 )
Kính gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng,
Tôi, Châu Minh Hùng, chủ Blog Chu Mộng Long,
Học vị: Tiến sĩ Ngữ văn
Chức vụ: Ủy viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Thanh tra Nhân dân Trường Đại học Quy Nhơn, Phó Ban Nề nếp Nhà trường. Hội viên Hội cựu chiến binh Việt Nam. Một người đang phục vụ trung thành trong hệ thống chính quyền của Thủ tướng!
Đọc Công văn hỏa tốc số 7169/VPCP-NC, ngày 12 tháng 09 năm 2012 do Chính phủ ban hành về việc xử lí thông tin chống Đảng và Nhà nước, mặc cho dư luận bàn tán đa chiều, riêng tôi thấy cần thiết và hết sức đồng tình!
Một là, việc bảo vệ Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ hết sức khẩn cấp trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Thông qua công văn chỉ đạo trên, tôi hình dung, các thế lực thù địch đã lợi dụng tự do dân chủ, lợi dụng internet ráo riết tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước với âm mưu lật đổ ngày một rõ ràng. Cụ thể là: “đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội”.
Hai là, cũng qua công văn này, tôi cũng như mọi trí thức được trang bị bởi ý thức hệ của chủ nghĩa Marx chân chính, cảm thấy hệ thống tuyên truyền của Đảng ta đang trục trặc, có vấn đề. Chúng ta có một hệ thống tuyên truyền đồ sộ, từ Ban tuyên giáo trung ương và các cấp, đến mấy trăm tờ báo lề Đảng mà không đủ trình độ, năng lực tuyên truyền, tạo ra một niềm tin thật sự đối với nhân dân, để cho vài ba trang mạng như Dân làm báo, Quan làm báo, Biển Đông nào đó gây mất niềm tin trong nhân dân, nhiễu loạn xã hội như công văn trên kia đã đưa ra.
Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng:
Một là, tổ chức điều tra, truy tận hang ổ các thế lực thù địch, lôi chúng ra ánh sáng để trừng trị nghiêm minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Hai là, chỉnh đốn ngay hệ thống tuyên truyền của Đảng, bắt đầu từ Ban tuyên giáo trung ương và các cấp, đến tất cả các báo do Đảng nuôi dưỡng. Trong cuộc chỉnh đốn này, phải đặt ngay vấn đề, hoặc là đội ngũ tuyên truyền của chúng ta ngu dốt, hoặc là cũng đang âm mưu “tự diễn biến” tiếp tay cho kẻ thù lợi dụng chống phá Đảng và Nhà nước ta!
Kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm nhất của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, theo tôi, không phải là thế lực bên ngoài nào mà là thế lực bên trong, kẻ giả danh chủ nghĩa Marx để ngầm chống Đảng do Marx khai sinh, giả danh tư tưởng – đạo đức Hồ Chí Minh để ngầm chống Nhà nước do Hồ Chí Minh sáng lập ra. Kẻ ấy, không phải ai khác chính là những kẻ nấp trong bộ máy tuyên truyền của chúng ta.
Những kẻ này không đứng ra tuyên truyền công khai chống phá Đảng và Nhà nước mà dùng thủ đoạn làm suy yếu Đảng và Nhà nước, bằng cách lợi dụng chiêu bài chống tiêu cực và tham nhũng thọc gậy bánh xe vào những đơn vị sự nghiệp đang ổn định và phát triển, bới móc đời tư cán bộ lãnh đạo, loan tin bạo lực, giật gân… không chỉ nhằm mục đích “vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội” như Thủ tướng đã nói, mà còn thực hiện động cơ trục lợi, kinh doanh thông tin một cách bất chính, vô đạo đức của các nhóm lợi ích tư bản đang thao túng chính quyền!
Tuy nhiên, để cho hoạt động này có hiệu quả, tôi đề xuất với Thủ tướng giải pháp sau:
1. Muốn đập tan các thế lực thù địch bên ngoài, trước tiên, chúng ta phải dùng vũ khí tuyên truyền để chống lại tuyên truyền, dẹp ngay cách tuyên truyền phản tuyên truyền của đội ngũ tuyên giáo dốt nát, mở ra một cuộc tuyên truyền thật sự trí tuệ, bản lĩnh để dập tắt tiếng nói của các thế lực thù địch này!
Để làm được điều đó, đề nghị Thủ tướng ra lệnh rút bỏ ngay mục 4 của công lệnh trên, cái mục mang nội dung coi thường dân trí và tổn hại uy tín ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Hơn nữa, một khi lệnh cấm này có hiệu lực, những trí thức chân chính chúng tôi “không xem, không sử dụng” thông tin phản động của bọn phản động, tức là bị bịt mắt hoàn toàn, làm sao chúng tôi có thể nhìn thấy địch mà đánh địch, trong khi bộ máy tuyên truyền của Đảng và Nhà nước đang bất lực bởi tiếng nói thâm độc, nguy hiểm của chúng!
2. Đối với các thế lực bên trong, ít nhất, thực hiện biện pháp mạnh các chế tài trong Nghị định 02/2011 do Thủ tướng ban hành xử phạt nghiêm khắc chính những tờ báo chính thống đã sai phạm và vi phạm pháp luật. Quan trọng hơn, rà soát ngay những trang mạng, trang báo của hệ thống tuyên truyền mang danh lề Đảng có dấu hiệu âm mưu “tự diễn biến” bằng cách lợi dụng chiêu bài chống tiêu cực và tham nhũng, nhưng không chống tiêu cực và tham nhũng một cách đường hoàng, mà thọc gậy bánh xe vào những đơn vị sự nghiệp đang ổn định và phát triển, bới móc đời tư cán bộ lãnh đạo, loan tin vặt vãnh, bạo lực, giật gân… làm rối loạn xã hội để đưa ngay vào danh sách cần tố cáo và tiêu diệt. Hiện tại, tôi đề xuất bổ sung vào danh sách hai trang độc hại nhất là báo Thanh Niên và Vnexpress với vụ loan tin bậy bạ “thầy giáo ngủ một lúc với ba nữ học viên” vừa rồi, ngoài động cơ trục lợi bất chính, còn nhằm mục đích chia rẽ nội bộ lãnh đạo cơ quan, tuyên truyền cuộc sống trụy lạc, xấu xa bẩn thỉu, gây dư luận hoang mang trong ngành giáo dục, tiếp tay thực hiện âm mưu lật đổ, mặc dù mới chỉ dừng lại cục bộ tại Trường Đại học Quy Nhơn!
Đọc công lệnh trên của Thủ tướng, tôi hiểu Thủ tướng đang phẫn nộ cũng như tôi đang phẫn nộ. Thủ tướng đang bị chúng bôi bẩn “vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo” của Thủ tướng, cũng như chúng tôi đang bị những tờ báo mang danh lề Đảng bôi bẩn “vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo” tại trường đại học của chúng tôi!
Lí trí của sự phẫn nộ bao giờ cũng hiệu quả hơn sự phẫn nộ của lí trí. Chúng ta cần tỉnh táo và quyết liệt trong cuộc chiến truyền thông khốc liệt này!
Thừa lệnh Thủ tướng, tôi xin góp phần tham gia đập tan chiến dịch bôi bẩn này!
Tôi hứa với Thủ tướng, bằng vũ khí phê bình của chủ nghĩa Marx, tôi sẽ chiến đấu quyết liệt như một người cộng sản chân chính!
Trân trọng và chia sẻ với Thủ tướng!
Bình Định ngày 12 tháng 09 năm 2012
TS. Châu Minh Hùng