|
BaoBinhDinh>>Bình Định nguyệt san |
Nhà thơ "Thưa mẹ, Trái tim"- Chuyện bây giờ mới kể |
15:38', 29/1/ 2005 (GMT+7) |
Khi còn là học sinh cấp ba ở Quảng Bình, một đêm khuya ở làng cát Thượng Luật, tôi nghe Đài phát thanh Giải Phóng ngâm bài thơ "Thưa mẹ, Trái tim" của Trần Quang Long với tất cả niềm xúc động sâu sắc. Tôi rất ngạc nhiên khi biết nhà thơ mới 25 tuổi đã có những câu thơ gan ruột, nổ vang như súng trận:
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
... Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện trọn đời
Dùng chính quả tim làm trái phá
Sống chết một lần thôi!
 |
Nhà thơ Trần Quang Long - ảnh chụp năm 1965
|
Thơ Trần Quang Long ám ảnh tôi từ đó. Những năm sau này ở Huế, tôi luôn tìm hiểu về đời và thơ Trần Quang Long để yêu thêm nhà thơ tài hoa, mệnh yểu này. Ở Huế hiện còn nhiều người thân và bạn bè của anh Long như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Đắc Xuân,… Đặc biệt là vợ chồng anh Nguyễn Hữu Ngô - Trần Thị Kiên Trinh. Họa sĩ Nguyễn Hữu Ngô vừa là bạn rất thân, vừa là em rể của Long, anh từng làm biên tập viên ở Đài phát thanh Giải Phóng, người đã từng đưa thơ Trần Quang Long lên sóng phát thanh thuở ấy. Còn chị Trần Thị Kiên Trinh là em thứ 12 trong số 18 người con của ông Trần Quang Minh (Long là con thứ 5, sinh ngày 6-2-1941). Ông Minh thường đặt tên tất cả con gái của mình là "Liên". Riêng cô em này, Long đã xin phép cha được đặt tên khai sinh. Cái tên Kiên Trinh đặt cho em gái chính là lời nguyện của Long trước con đường đã chọn: Con đường dấn thân vì sự tồn vong của Tổ quốc!
Trần Quang Long làm thơ từ năm 17 tuổi, khi anh học lớp đệ nhất (lớp 12) Trường Quốc học Huế. Những bài thơ "học trò" lúc ấy đã chứng tỏ khả năng thơ tinh tế, bẩm sinh của Long: "Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón…" hay "Bước nhẹ nghe em kẻo động vỡ tơ chiều…" (Nghiêng nón). Đó là bài thơ được chép vào sổ tay của rất nhiều thế hệ nữ sinh Đồng Khánh. Đọc địa danh và ngày tháng ghi dưới các bài thơ Long làm trong năm 1963, khi đang học đại học, tôi thấy Trần Quang Long giang hồ suốt từ Huế, vô Quy Nhơn, Tuy Hòa, Vũng Tàu, Sài Gòn…
Những năm 1960-1962, trong thơ học trò của Trần Quang Long đã xuất hiện những hình ảnh nhận chân thời cuộc: Ừ thôi em ở lại/ Còn gì nữa mà mong/ Quê hương mình điêu đứng/ Nhạt phai những má hồng… Học ở Đại học Sư phạm, mới năm đầu Long đã thể hiện ý thức phản kháng. Các năm từ 1963-1968 thật sự là giai đoạn dấn thân quyết liệt cho tranh đấu, cho thơ của Trần Quang Long. Chỉ hơn 5 năm ngắn ngủi, nhưng là 5 năm rực sáng trên vòm trời của tuổi trẻ miền Nam "xuống đường", của "ngôi sao" Trần Quang Long! Anh làm thơ, đấu tranh, diễn thuyết, ra sách báo, bị bắt tù, thả ra lại đấu tranh, rồi vào chiến khu… trải hết niềm vui, nỗi đau của người chiến sĩ! Đêm Phật Đản 1963 dù không theo đạo Phật nhưng Long cũng dắt một người bạn gái xuống bờ sông Hương xem thả đèn. Đến đầu cầu Trường Tiền, chứng kiến cảnh lính Ngô Đình Diệm dùng xe tăng, lựu đạn đàn áp dã man tín đồ Phật giáo, thế là Long sát cánh cùng lực lượng sinh viên Phật tử đấu tranh chống Diệm từ đó! Anh là sáng lập viên Ban vận động phong trào sinh viên, học sinh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm; phụ trách báo chí của Tổng Hội Sinh viên Huế, chủ trương ra tạp chí "Đất mới", sáng lập "Nhóm thanh niên chống xa hoa phóng đãng"và mở "Quán bạn Huế", nơi lui tới của sinh viên, học sinh Huế. Thực chất đây là các tổ chức chính trị của sinh viên chống âm mưu của Mỹ - ngụy ru ngủ thanh niên. Tháng 8-1963, Trần Quang Long bị chính quyền Diệm bắt bỏ tù. Khi Long bị giam ở Huế có một mục sư thân chính quyền ngụy đến nhà giam đề nghị anh ký vào tờ cam đoan để được bảo lãnh về với gia đình. Trong tờ cam đoan có câu "… chúng tôi trẻ người non dạ, bị Việt Cộng lợi dụng…", thế là Long từ chối ký tên, nói diễu cợt: "Bạn bè ở tù hết, về trước một mình chơi với ai! ". Đến cuối năm, khi Diệm bị giết, anh mới được thả. Ra tù, anh tiếp tục ra các tờ báo và biên tập các tập thơ"Sinh viên Huế", "Đất mới", "Dân" (1964). Anh Nguyễn Hữu Ngô kể, có lần ra Quảng Trị, Long đã đến đầu cầu Hiền Lương, đăm đắm nhìn lá cờ Tổ quốc to lớn bay trên đỉnh cột cờ bờ Bắc. Anh vội bảo anh Ngô chụp cho tấm ảnh mình đang đứng dưới bóng cờ đỏ sao vàng ở bên kia giới tuyến!
Năm 1964, khi sắp tốt nghiệp đại học, Long lại bị ngụy quyền bắt bỏ tù lần nữa vì bài thơ "Hồi kết cuộc" đăng trên tờ báo Dân số 3 với bút danh Cao Trần Vũ. Bài thơ phản đối việc "triển lãm xác Việt Cộng" mà tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh quân đoàn I ngụy tổ chức. "Những tử thi ngổn ngang/Không còn nhìn ra mặt/ Cũng không có áo quần/ Nằm chung một dải đất/ Nghèo đói và lầm than/ Bà mẹ già chống gậy/ Nước mắt chảy hai hàng…". Bọn địch cho rằng, tác giả bài thơ "Ăn cơm Quốc gia, thờ ma Việt Cộng", nên bắt giam Long. Cả nhà hoảng hốt vì nếu Long bị tù dài ngày, thì không thể thi tốt nghiệp đại học được. Anh Nguyễn Hữu Ngô cho biết, lúc ấy gia đình phải bán một ngôi nhà mới đủ tiền để "chạy" cho Long trắng án! Năm 1965, Trần Quang Long chính thức gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên-Học sinh-Sinh viên Giải phóng Trung Trung Bộ. Anh được đưa vào vùng giải phóng Điện Bàn, Quảng Nam tập huấn một thời gian.
Cuối năm 1965, tốt nghiệp Đại học, Trần Quang Long được bổ vào dạy học tại Trường Trung học Cường Để - Quy Nhơn (nay là Trường THPT Quốc học). Tại đây, anh vừa dạy học vừa là ngòi nổ của phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Quy Nhơn. Anh thảo truyền đơn, viết biểu ngữ chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình, tổ chức cho cả ngàn sinh viên-học sinh biểu tình chống Mỹ - ngụy và tham gia phong trào "Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc tỉnh Bình Định". Bằng thơ ca, Long đã khơi lên sự thức tỉnh trong ý thức học sinh. Bài thơ "Buổi sáng ở đống rác" mô tả cảnh cụ già tóc bạc, người đàn bà, thằng bé gầy nhom đang tranh nhau bới rác. Bài thơ "Bài học cuối năm", anh tổng kết chỉ trong một năm đã có 12 em trong lớp bỏ học để đi bới rác, đi bụi đời, đi làm sở Mỹ… Những bài thơ đã hun nóng ý thức dân tộc của tuổi trẻ. Cuộc đấu tranh của tuổi trẻ Quy Nhơn bị đàn áp dã man. Địch dùng lưỡi lê, báng súng tấn công các thầy giáo trường Bồ Đề, Cường Để. Trần Quang Long bị chúng dùng báng súng đánh gãy chân, té xỉu. Đêm đó, 119 thầy giáo và học sinh Quy Nhơn bị bắt, trong đó có thầy giáo trẻ Trần Quang Long. Trước khi vào tù, một học sinh trường Bồ Đề đã cởi chiếc áo trắng đầy máu me đang mặc trên người đưa cho thầy Long đề bài thơ bốn câu ca ngợi tinh thần đấu tranh của học sinh Quy Nhơn. Chiếc áo có bài thơ đẫm máu chuyền tay nhau, 119 học sinh và giáo viên đều ký tên xung quanh bài thơ của thầy Long (anh Ngô cho biết, cách đây hơn chục năm, chiếc áo thơ - máu vô giá ấy vẫn còn được giữ tại nhà anh Lương Quang Phúc ở Quy Nhơn). Đây là lần thứ tư Long bị địch bắt. Khi Long lành chân, gia đình lại một lần nữa bỏ tiền "vận động" cho Long ra tù và được đi dạy ở Cần Thơ. Lúc đó là mùa đông năm 1966. Có lẽ ngụy quyền muốn đưa Long vào Cần Thơ để cách ly anh với phong trào tranh đấu của tuổi trẻ Huế, Quy Nhơn.
Nhưng vào Cần Thơ, ngay lập tức Long nối đường dây hoạt động với phong trào. Anh là sáng lập viên Hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Anh tuyển chọn và xuất bản tập thơ sinh viên "Tiếng hát những người đi tới" để cổ vũ đấu tranh. Đây là thời kỳ sáng tác của Trần Quang Long nở rộ nhất. Anh viết với nhiều bút hiệu khác nhau như Trần Quang Long, Cao Trần Vũ, Chánh Sử, Thảo Nguyên, Trần Hoàng Phong. Hình như linh cảm thấy thời gian của mình đang ngắn dần phía trước, nên anh muốn trút tâm hồn, trí lực của mình trên từng trang viết. Anh viết ngày viết đêm, trong hơn một năm mà hàng trăm bài thơ ra đời, trong đó có những bài nổi tiếng như "Thưa mẹ, Trái tim", "Lớn lên không ngừng", "Nụ cười chiến thắng"… Riêng bài "Nụ cười chiến thắng" dài 60 câu, viết về chị Võ Thị Thắng, nữ sinh trường Gia Long - Sài Gòn, tham gia đấu tranh, bị tòa án quân sự ngụy quyền xử 20 năm khổ sai: Mang trong tim mình ngọn lửa trung kiên/ Chị thắp sáng nụ cười Chiến Thắng… Chính tứ thơ "Nụ cười chiến thắng" của Trần Quang Long đã trở thành hình tượng nổi tiếng của tuổi trẻ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vang vọng cho đến ngày nay.
Thời kỳ này, Trần Quang Long kết hôn với Tôn Nữ Quỳnh Như. Quỳnh Như dòng hoàng tộc Huế, con của nhà giáo Tôn Thất Dương Kỵ, giảng viên Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, một gia đình rất có danh tiếng thời đó. Trần Quang Long dạy học ở Cần Thơ, Quỳnh Như thì ở Sài Gòn, xa nhau gần 200 cây số. Xa vợ, lá thư nào của Long cũng thấm đẫm yêu thương và trách nhiệm. Thư riêng nhưng Long cũng bộc bạch hết với vợ những suy nghĩ của mình về việc chung: "… nhưng vì nghĩ tới bạn bè anh em, những người thân yêu của mình đang chịu hy sinh quá nhiều, mình lẽ nào chỉ bận tâm lo lắng cho cá nhân…" (thư ngày 19-11-1967). Kinh tế gia đình hai vợ chồng thời kỳ này khá lắm, Quỳnh Như thì con nhà khá giả, có xe máy để đi, còn thầy Long ở Cần Thơ thu nhập rất cao. Theo thư Long viết cho vợ thì, ngoài lương chính 7.800 đồng (tiền ngụy) một tháng, anh còn nhận tiền dạy thêm mỗi tháng 6.500 đồng nữa. Anh thu nhập mỗi tháng hơn 14.000 đồng! Vào năm 1967, ở Sài Gòn một gia đình 6 người, đi chợ nấu ăn thoải mái, một tháng chỉ hết 600 đồng; một chiếc xe Honda đam Nhật đập hộp giá 20.000 đồng. Dạy mấy tháng Long đã có tiền mua một ngôi nhà ở Thanh Đa - Sài Gòn để chuẩn bị đưa vợ con đến ở. Đời sống như thế, nhưng Trần Quang Long vẫn không rời bỏ con đường mình đã chọn. Đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc!
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam ra đời, ông Tôn Thất Dương Kỵ - cha vợ của Long - là Tổng thư ký. Còn Trần Quang Long là Ủy viên Mặt trận Liên minh Dân tộc Dân chủ Sài Gòn. Anh xông xáo cùng nhiều bạn bè tổ chức lực lượng đấu tranh. Địch phản công, không bắt được Trần Quang Long, chúng bắt Quỳnh Như đang mang thai vào tù, còn anh thoát về Cần Thơ, rồi vào chiến khu.
Ở chiến khu, Trần Quang Long làm rất nhiều thơ gửi ra miền Bắc. Năm 1974, Nhà xuất bản Giải Phóng in tập thơ "Thưa mẹ, Trái tim" của Trần Quang Long, do Mãn Khánh Dương Kỵ, cha vợ anh đề tựa!
Tài năng đang ở độ sung mãn, thì Trần Quang Long hy sinh cùng với một số đồng chí tại Bộ chỉ huy Miền (R) ở Tây Ninh ngày 11-10-1968 do một trận bom B52 của giặc Mỹ rơi trúng miệng hầm. Như thế là Trần Quang Long ra đi ở tuổi 27, khi chưa thấy Tổ quốc thống nhất sau Đại thắng Mùa Xuân 1975. Cuộc đời Trần Quang Long quả thật ngắn ngủi, nhưng trái tim thơ của anh mãi đập với đất nước này, với cuộc đời này, vì đó là trái tim biết đập vì con người, một trái tim bất diệt!
. Ngô Minh
Trần Quang Long và Quán Bạn
15:37 | 23/09/2011
TRẦN THỊ KIÊN TRINH Đã không ít lần tôi được nghe những câu chuyện của các anh kể về một thời trai trẻ. Tuổi trẻ hiến dâng, tuổi trẻ xuống đường, tuổi trẻ lên rừng kháng chiến và những đêm không ngủ.
Nhà thơ Trần Quang Long - Ảnh: TL
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
Khi kể về anh Trần Quang Long, anh Nguyễn Hữu Ngô như có cả một kho chuyện mà có lẽ ai cũng muốn nghe.
Thời đó, hai anh vẫn thường gặp nhau: ăn cơm ở nhà nhau, đi chơi với nhau, ngủ ở nhà nhau. Café Dung ở Thành Nội là nơi hai anh vẫn thường lui tới nhất.
Quán café Dung hồi đó rất đông khách. Bên tách café các anh vẫn luôn bận tâm làm thế nào để có phương thức đấu tranh chống chính quyền tay sai của Mỹ một cách hiệu quả nhất.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, hai anh tự hỏi: Tại sao mình không mở quán café để tụ tập anh em?
Và điều đó đã thành hiện thực.
Vào khoảng tháng 8 năm 1964, Quán Bạn ra đời.
Quán là một căn nhà nhỏ có gác gỗ khiêm tốn nằm trên phố Đào Duy Từ, thành phố Huế (23 Đào Duy Từ, Tp Huế. Nay là 39 Đào Duy Từ, Tp Huế).
Quán Bạn đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè.
Những ngày đầu quán thật sơ sài, chỉ mấy bộ bàn ghế sẵn có hai anh đã mang từ nhà đến. Ngay cả ly cốc, phin lọc café các anh cũng lấy ở nhà mình tới.
Bạn bè biết tin kéo đến mở hàng thật đông. Không đủ điều kiện phục vụ, một số anh em đã chung tay góp tiền mua sắm thêm nhiều đồ dùng khác...
Hăng hái hơn cả phải kể đến anh Hồ Đăng Định (Định Lạc Thành) hiện đang định cư tại Mỹ, anh Lê Văn Sâm (hàng xóm của Quán Bạn), nay đang sống ở Sài Gòn.
Quán ngày càng đông vui, quy tụ được nhiều bạn bè anh em, chủ yếu là tầng lớp thanh niên tiến bộ: sinh viên, giáo sư đại học, bạn bè văn nghệ (anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan...).
Quán thường xuyên có mặt giáo sư Đỗ Long Vân. Thỉnh thoảng anh Lê Hiếu Đằng (luật sư - nguyên Phó Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh) hồi đó ở tù ra cũng đến với anh em.
Từ khi có Quán Bạn hai anh ít khi về nhà. Các anh ăn và ngủ qua đêm ở đó - trên căn gác gỗ.
Ở Quán Bạn, anh Long phụ trách mảng văn hóa, văn nghệ, anh Ngô được giao nhiệm vụ quản lý quán kiêm thủ quỹ.
Cung cách phục vụ ở quán thật không giống ai. Khách đến uống café có thể tự tay pha lấy theo sở thích. Có người hào phóng còn từ chối số tiền thừa mà chủ quán trả lại.
Quán thường đông khách vào khoảng từ 7 đến 8 giờ tối.
Hồi đó, ở Huế đang có phong trào chống chính quyền tay sai của Mỹ do bác sĩ Lê Khắc Quyến - Chủ tịch Hồi đồng Nhân dân Cứu quốc lãnh đạo.
Để ủng hộ phong trào này, anh Trần Quang Long và Nguyễn Hữu Ngô đã thảo ra những tuyên cáo phản đối các tướng: Khánh, Khiêm, Trí, Mậu - những tay sai đắc lực của chính quyền thân Mỹ thời bấy giờ.
Bản tuyên cáo được in ra thành nhiều bản áp phích và nhanh chóng được dán khắp nơi trong thành phố với sự tham gia của nhiều anh em trong Quán Bạn. Đề tài bên ly café của các anh không gì khác ngoài khẩu khí chống chính quyền tay sai của Mỹ.
Quán Bạn cũng đã từng tham gia đoàn biểu tình do bác sĩ Lê Khắc Quyến tổ chức. Trước khi xuống đường nhóm Quán Bạn đã in thông báo số 1 chống Mỹ và bọn tướng lĩnh Cần Lao dán trước cửa quán:
“Đả đảo Nguyễn Khánh”.
“Đả đảo độc tài quân phiệt”.
“Xé bỏ hiến chương Vũng Tàu”.
Giữa dòng người biểu tình của nghiệp đoàn xích lô chở thương binh, xe lam chở học sinh, giáo sư đại học trong chiếc áo choàng đen, là anh em nhóm Quán Bạn đi sau biểu ngữ với dòng chữ “Đả đảo Đỗ Mậu hiếp dâm văn hóa”. Thỉnh thoảng nhóm dừng lại, tách ra khỏi đoàn biểu tình đọc to tuyên cáo số 1 thật hùng hồn càng thu hút sự chú ý của mọi người.
Quán Bạn trở thành cái gai trước mắt chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ.
Phải nhổ bỏ cái gai này thôi!
Chúng dùng những thủ đoạn quen thuộc.
Khoảng chục tên du đãng, mặt mày thô lỗ, ồn ào tiến vào quán. Chúng quậy phá dọa đập quán. Cũng may trong quán lúc đó có một nhân vật rất thiện cảm với các anh có biệt danh “Năm Móng Rồng” có uy tín với nhóm giang hồ đứng ra can thiệp nên mọi chuyện được dẹp yên.
Nhưng chỉ mấy ngày sau, anh Trần Quang Long đã bị cảnh sát ngụy quyền bắt tại nhà riêng khi quán còn chưa mở cửa.
Hay tin, anh Nguyễn Hữu Ngô vội rời Huế, vào Tuy Hòa lánh nạn. Nhưng ba ngày sau anh Ngô cũng bị bắt tại Tuy Hòa.
Sau khi anh Long và anh Ngô bị bắt, Quán Bạn hoạt động một thời gian nữa do anh Lê Văn Sâm làm chủ quán, nhưng cuối cùng cũng buộc phải đóng cửa theo lệnh của tướng Nguyễn Chánh Thi ở Huế.
Thời gian thật ngắn ngủi, nhưng Quán Bạn đã gây ra tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh chống chính quyền tay sai ngày ấy. Lại thêm một mốc son in đậm dấu ấn một thời trai trẻ các anh đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ Quốc.
Để rồi hôm nay, trong lòng thành phố Huế thân yêu đã có thêm một con đường mang tên anh - đường Trần Quang Long, như một tình cảm ấm áp người dân xứ Huế dành cho anh.(Viết theo lời kể của Nguyễn Hữu Ngô, 12/4/2011) T.T.K.T(271/09-11)
Thứ Bảy, 08/01/2005, 00:04 (GMT+7)
Nhớ Trần Quang Long
 |
Trần Quang Long ghi phía sau tấm ảnh: Chiều thứ sáu 22-5-1964 "thằng tù trong và thằng tù ngoài". Lê Hiếu Đằng (bên phải) đang bị giam tại lao Thừa Phủ được can thiệp ra dự thi tú tài năm 1964 |
TT - Tôi gặp Trần Quang Long trong phong trào học sinh sinh viên chống chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh của những năm 1963 - 1964 ở Huế. Lúc ấy tôi học đệ nhị Trường Quốc Học Huế, còn Long đã là sinh viên Đại học Sư phạm Huế, chủ biên tạp chí Đất Mới, tiếng nói của Tổng hội Sinh viên Huế. Long hơn tôi hai tuổi.
Những ngày ở Huế, Sài Gòn...
Lúc ấy chúng tôi hướng về miền Bắc, hướng về Hà Nội với biết bao hi vọng... Chúng tôi đã quen nhau và đấu tranh trong bối cảnh đó.
Và cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in một kỷ niệm sâu sắc về Long. Trong một đêm tối mịt mùng, Trần Quang Long và tôi thoát khỏi vòng vây của công an, cảnh sát của chính quyền Huế - lúc bấy giờ, vượt qua cầu Bạch Hổ, đi thẳng lên chùa Thiên Mụ.
Ngồi bó gối bên nhau, mải miết nhìn dòng sông Hương chảy dịu dàng trong đêm tối cô tịch, chúng tôi nhớ đến bạn bè, những nam nữ sinh viên học sinh Huế đang tiếp tục bị tù tội, đàn áp. Bỗng có một vị sư trẻ đến ngồi cạnh Long và tôi, nói nhỏ nhẹ bằng một giọng Huế khá nặng: “Hai anh là sinh viên ở mô mà lên cõi đây lánh nạn?”...
Một lúc lâu, sau một phút ngần ngại, vị sư nọ chậm rãi thì thầm nói cho chúng tôi nghe về phong trào đấu tranh của nhân dân các thành thị miền Nam cùng với Huế nổi lên chống lại chế độ Ngô Đình Diệm, về phong trào đấu tranh của nông dân ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng miền Trung và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức yêu nước nổi tiếng làm chủ tịch.
Và lần đầu tiên chúng tôi được nghe bài Giải phóng miền Nam của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc ấy lấy tên là Huỳnh Minh Siêng). Long và tôi lặng đi vì xúc động. “Vận nước đã đến rồi. Bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện đem tươi sáng đến cho muôn người...”. Giọng đồng ca hùng tráng, tiếng kèn vang lên thúc giục, xóa tan đi mọi nỗi u uất, sợ hãi trong lòng chúng tôi. Long và tôi như được hồi sinh.
Và ngay rạng sáng đêm hôm ấy mặc dù thành phố còn giới nghiêm, Long và tôi vẫn liều lĩnh vượt cầu Bạch Hổ về lại khu Trường đại học Y khoa, Đại học Sư phạm, Trường Đồng Khánh, Quốc Học, tiếp tục cùng bạn bè chuẩn bị các cuộc xuống đường, hội thảo với một sinh lực mới...
Đầu năm 1964 tôi bị bắt. Ba tôi đã biết bao lần khổ cực vượt qua cánh đồng An Cựu trong mưa gió để thăm nuôi tôi. Nay ông lại bảo lãnh đưa tôi đi thi tú tài II. Đến ngày thi, tôi thấy ba tôi cùng Trần Quang Long đứng trước cổng nhà tù để đón tôi.
Thấy tôi, Long mừng rỡ ôm chầm lấy. Không bao giờ tôi quên buổi sáng mai hôm ấy... Hình ảnh của một Trần Quang Long chí tình với bè bạn, say sưa với phong trào đấu tranh, không chịu khuất phục, luôn luôn lạc quan tiến về phía trước...
Năm 1967, Long dạy học ở Cần Thơ. Thời gian này Long thường xuyên về Sài Gòn nên Tổng hội Sinh viên Sài Gòn mời Long làm ủy viên văn nghệ của tổng hội và là chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác, chuẩn bị cho sự ra đời của tuyển tập Tiếng hát những người đi tới.
Trong không khí sôi sục của Sài Gòn những năm 1966, 1967, Long đã sáng tác Thưa mẹ, trái tim..., một bài thơ có sức lay động dữ dội mà sinh viên học sinh Sài Gòn cũng như ở các thành thị miền Nam đã trích một số câu để sử dụng như là khẩu hiệu hành động, thúc giục sinh viên học sinh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại mà tiến lên...
Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho việc tập hợp lực lượng quần chúng phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Tập thơ Tiếng hát những người đi tới ra đời trong bối cảnh đó mà người đã đem hết tâm sức ra để làm nên tập thơ này chính là Trần Quang Long. Tập thơ đã trở thành người bạn đường của sinh viên học sinh Sài Gòn trong những ngày đấu tranh quyết liệt trên đường phố, trong giảng đường, trường học, trong những đêm không ngủ bên ánh lửa bập bùng...
 |
Trần Quang Long (ngồi, bên trái) tại bệnh viện, sau vụ biểu tình bị đàn áp tại Qui Nhơn 1966 |
Những ngày cuối cùng ở chiến khu
Đầu năm 1968, trong khói lửa mịt mù của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, tôi rời Sài Gòn để tham gia Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN.
Thời gian sau, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật (sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn và là một cây bút sinh viên hết sức sắc bén trong các bài chính luận) cũng lên đến địa điểm tập kết.
Tôi mừng rỡ ôm chầm lấy hai anh, cảm giác lẻ loi trong những ngày đầu ở chiến khu không còn nữa. Biết hoàn cảnh Long và Luật nên tôi càng cảm phục hai anh. Riêng hoàn cảnh Trần Quang Long càng thương hơn. Anh ra đi trong lúc vợ anh, chị Quỳnh Như, đang mang thai cháu Xuân Thắng.
Đêm đầu tiên nằm kề nhau trên cánh võng, Long đã nói hết cho tôi nghe những đấu tranh, dằn vặt, đau đớn của anh khi phải rời xa người vợ yêu thương đang mang thai đứa con đầu lòng để ra đi mà không biết bao giờ sẽ trở về... Như là một định mệnh, Long đã có những câu thơ như báo trước số phận của mình:
Ta đi không kịp ẵm con thơ Không kịp về thăm người vợ chờ .... Bao năm biền biệt chẳng tăm hơi Em chắc ngờ ta đã chết rồi Chôn chặt căm thù trong đất lạnh Rừng chiều núi sớm vọng hồn ai... (Tiếng hát của người tù - Trích Vực thẳm và hi vọng)
Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Long gạt bỏ mọi nỗi buồn, lao vào cuộc sống ở chiến khu như một chiến sĩ. Anh lấy bí danh là B40, tên của một loại vũ khí chống tăng có sức xuyên phá rất hiệu quả của quân giải phóng. Chắc hẳn thơ anh giờ đây không chỉ là chông “xuyên gan lũ giặc”, không chỉ là kiếm sắc “chặt đầu văn nghệ tay sai” mà còn dữ dội như khẩu B40 có sức công phá phi thường.
Sau đại hội thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN, tôi và một số thành viên trong liên minh được phân công qua Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam (B9) để thực hiện giờ phát thanh của liên minh trên đài Giải phóng. Tổ gồm nhà giáo Thiên Giang, nữ văn sĩ Vân Trang, kỹ sư Trần Thiện Tứ, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật và tôi.
Có những buổi chiều Long và tôi ra ngoài trảng trống, im lặng ngồi bên nhau nhớ về Sài Gòn.
Thế rồi như là một định mệnh, thơ anh đã thành hiện thực: Long không bao giờ gặp lại Quỳnh Như và đứa con đầu lòng được nữa. Thật kỳ lạ, đêm trước buổi sáng oan nghiệt đó, Long nhận được thư của Quỳnh Như và hình của đứa con trai đầu lòng mới được mấy tháng tuổi.
Long vui như mở hội đem khoe với chúng tôi. Quỳnh Như đã đặt tên cho con là Xuân Thắng, như là một thông điệp gửi cho Long và bạn bè trong chiến khu niềm tin về một mùa xuân thắng lợi. Nhưng đau đớn và xót xa biết bao khi Long đã cùng Trần Triệu Luật ngã xuống vào buổi sáng 11-10-1968 sau một trận đánh bom ác liệt của máy bay Mỹ vào căn cứ của Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (B9).
Quả bom 500kg của máy bay phản lực F105 của Mỹ đã rơi trúng ngay căn hầm của Long và Luật, đào thành một hố sâu hoắm, chỉ cách căn hầm tôi núp 15m. Trần Quang Long, Trần Triệu Luật đã hi sinh như thế đó...
Tôi viết những dòng hồi ức này về những chặng đường đã qua của Trần Quang Long như là một nén hương tưởng nhớ đến anh, đến Trần Triệu Luật và biết bao bạn bè, người thân trong phong trào học sinh sinh viên đã nằm xuống mãi mãi vì lý tưởng công bằng xã hội, vì một miền Nam hoàn toàn được giải phóng.
Đã 36 năm ngày Long, Luật hi sinh (11-10-1968 - 11-10-2004), đã gần 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất một nhà, khoảng thời gian dài của nửa đời người nhưng mỗi chúng ta đã làm được gì?
Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi mãi và những gì mà anh và biết bao người đã ngã xuống để lại cho đời, cho đất nước này luôn nhắc nhở chúng ta, những người còn sống sót sau những năm tháng chiến tranh, không thể vô ơn, quên lãng nỗi khát khao cháy bỏng của biết bao thế hệ tuổi trẻ VN về một xã hội công bằng, một xã hội mà “Đến con trâu cũng nghé ngọ yêu người” (thơ Thiết Sử - Thư gửi các bạn sinh viên), về một đất nước VN thật sự độc lập - tự do - hạnh phúc.
Hãy nghĩ đến họ mỗi khi thấy lòng ta bắt đầu nguội lạnh, thờ ơ trước cảnh các em bé gầy còm tranh nhau kiếm sống trên các bãi rác ở ngoại ô thành phố mỗi lúc hoàng hôn xuống. Hãy nhớ đến họ mỗi khi chúng ta cơ hồ xuôi tay, bất lực trước những bất công xã hội, trước những tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí... Hãy cùng nhau tiếp tục đi theo con đường mà cả một thời trai trẻ chúng ta đã chọn lựa...
Tháng 10-2004
LÊ HIẾU ĐẰNG (Trích trong tập Trần Quang Long - cuộc đời và tác phẩm - NXB Thuận Hóa - 2005)
Trần Quang Long sinh ngày 6-2-1941 tại Huế. Anh học Trường Quốc Học và sau đó tốt nghiệp khoa văn ĐH Sư phạm Huế. Trong thời gian dạy học ở Qui Nhơn và Cần Thơ, anh đã tham gia phong trào đấu tranh chống độc tài áp bức của thanh niên đô thị miền Nam và dùng thơ văn của mình như một vũ khí sắc bén để vạch trần tội ác của chính quyền tay sai, hâm nóng nhiệt tình yêu nước của tuổi trẻ học đường.
Là chủ tịch sáng lập Hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, anh đã chủ trương, biên tập với nhiều tờ báo của phong trào đấu tranh như: Sinh Viên Huế, Đất Mới, Dân (Huế), Sinh Viên Sài Gòn hoặc cộng tác với các tờ báo ở Sài Gòn như: Tin Văn, Đất Nước... Anh hi sinh khi mới 27 tuổi.
|
Thưa mẹ, trái tim
Thưa mẹ, ... Mẹ ơi con của mẹ Chỉ còn có trái tim Sẽ sống nhờ trái tim Sẽ chết nhờ trái tim Là tâm hồn con đó Là vần thơ con đây Bài học i tờ ngày xưa mẹ dạy Con viết thành lời đắng cay Dòng máu anh hùng cha con kháng Pháp Con luyện thành lời hăng say
Con sẽ vót nhọn thơ
thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
Trả thù cho cha, rửa hờn
cho nước
Cho con ngửng đầu
nhìn thẳng tương lai
Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện trọn đời
Dùng chính quả tim làm
trái phá
Sống chết một lần thôi
Con sẽ chết như những người đã chết và những người
đang chết
Nhưng trái tim con
Sẽ đời đời bất diệt
Dẫu đã nổ tan tành
Dẫu đã khô máu hết
Vì mẹ ơi con biết
Trái tim con là thơ
Trái tim con là rừng là núi
Là lúa là ngô là cam là bưởi
Là quá khứ, là tương lai
Là khổ đau, là hạnh phúc
Là đấu tranh, là bất khuất
Trái tim con là của con người Viết lịch sử mình trên mặt đất Bằng từng nét máu thắm tươi
(Trích)
|
|
|
|
|