Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Liên kết . . . Sự kiện . . .



Lơ mơ

Võ Trung Hiếu
questionThành phố lơ mơ đợi mưa tháng Tư
Mùa hè lờ đờ lơ mơ ngủ gật

Các nhà thơ lơ mơ trên Facebook
Lơ mơ cãi nhau thế nào là thơ
Lơ mơ không biết thơ đực hay cái
Lơ mơ thơ tồn tại đến bao giờ
Lơ mơ nhân sinh, lơ mơ nghệ thuật
Lơ mơ nên viết bằng tim hay đầu
Lơ mơ sứ mệnh, lơ mơ bản ngã
Lơ mơ không biết gieo vần vào đâu

Các sử gia lơ mơ trước sự thật
Thời buổi thông tin lan trong tích tắc
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi
Lịch sử càng lúc càng thêm minh bạch
Đây đó xuất hiện ngã ba ngã tư
Đâu là giả thiết, đâu là mệnh đề ?
Đứng trước lịch sử hưng thịnh – suy vong
Đâu là sự thật nghĩ mà ngao ngán ?

Các nhạc sỹ đang lơ mơ thăng giáng
Thời buổi nhạc viết theo đơn đặt hàng
Thời buổi nhạc đạo không bằng đạo nhạc
Thời buổi nghị quyết hát bằng nhạc rap
Nhạc đỏ cau có nhìn nhạc thị trường
Lơ mơ giận hờn nhớ thương vu vơ
Lơ mơ ca tụng những điều vụn vặt

Các nhà giáo dục lơ mơ gà gật
Giáo sư, tiến sỹ càng ngày càng nhiều
Mà sách giáo khoa bao lần cải cách
Vẫn lỗi chính tả, bàn dân xì xào
Vẫn phí hàng đống tiền của đất nước
Vẫn chưa sánh kịp bạn bè năm châu

Các kinh tế gia lơ mơ gãi đầu
Giá cả loạn tăng, dân tình ta thán
Chứng khoán đóng băng cùng bất động sản
Giá vàng bỗng dưng đắt nhất hành tinh
Mặc những nào là bình ổn, cứu trợ
Mặc những tuyên ngôn trên đài truyền hình
Mặc những chính sách “kịp thời, đúng lúc”
Những tréo ngoe ấy từ đâu mà nên ?

Thành phố lơ mơ đợi chiều vào đêm
Ve sầu lơ mơ đợi hè thoát xác
Tôi lơ mơ viết bài vè lơ mơ
Tặng cho một thời lơ mơ ngơ ngác …
 29.4.2013
 VTH
Tác giả gửi Quê Choa


30/4 lại đến rồi!


Viết theo lời thương của hai vợ chồng bà má Nam Bộ
Đặng Huy Văn
209000_338116992929912_25277236_nLời Tác Giả: Nhân mừng thọ tuổi 70 của tôi lại vào dịp nghỉ 30/4, các con tôi đã quyết định cho bố một chuyến đi dối già vào Sài Gòn và Miền Tây Nam Bộ. Tình cờ, tại vùng sông nước cuối cùng của Tổ Quốc, tôi đã được đến thăm nhà má Năm ngay gần bờ sông. Rồi má đã kể cho chúng tôi nghe những tháng năm trước 30/4/1975, ba má đã cưu mang cán bộ và bộ đội như thế nào. Má còn kể về một đứa con nuôi của má nay đang “làm vua” ở Hà Nội, đứa mà ngày xưa má đã suýt chết vì che dấu nó dưới hầm bí mật ra sao. Trời ơi, má Năm nay đã ngoài 90 mà vẫn còn minh mẫn lắm.Má cười, ba má chỉ tội nghèo nhưng nhờ sống thoải mái nên giữ được sức khỏe. Câu chuyện về đứa con nuôi “làm vua” của má nghe thật lạ! Má vừa kể vừa lau nước mắt hình như sau 38 năm biền biệt xa đứa con mà nay má vẫn thương yêu và lo cho tính mạng của nó như hồi còn trong Bưng vậy. Má nói, tình hình này thể nào cũng sẽ có một cuộc 30/4 nữa! Má sợ lúc đó ba má sẽ không còn đủ sức để cưu mang được nó. Rồi bỗng má thở dài: “Ôi sao nó không về trước đi! Cứ dại dột ngồi mãi đó lại như cái ông “Ca” gì đó ở bên Li-bi thì khổ!” Tôi chưa kịp hỏi họ tên đứa con nuôi “làm vua” của má là gì thì đã phải lên ca nô để đi sang vùng khác. Bài viết này chỉ ghi lại những lời thương của má để nhắn nhủ đứa con nuôi một thời ba má đã yêu thương như con ruột, xin được trân trọng sẻ chia cùng quí vị.
Từ ngày 30/4/1975 con chào ba má về thành phố
Ba mươi tám năm trôi qua ba vẫn sống kiếp cơ hàn
Các em con lớn lên nay vẫn chưa có việc làm ổn định
Má che chở con ngày xưa giờ vẫn sống lầm than!

Hồi trong Cứ con thưa, rồi má ba sẽ thay đời đổi kiếp
Độc lập rồi dân sẽ ấm no hơn, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn!
Vậy mà nay các đồng chí của con đang làm dân chết khiếp
Khắp nơi nơi đâu cũng thấy người dân đang phỉ nhổ căm hờn!

Ngày còn ở trong Bưng má thấy con hiền lành như thế
Mỗi lần về làng gặp du kích con thỏ thẻ với má ba
“Con đi chiến đấu quên thân để cứu dân cứu nước
“Đưa lại Độc Lập, Tự Do cho tổ quốc, quê nhà!”

Nay Độc Lập có rồi nhưng Tự Do đâu chưa thấy
Chỉ thấy ai nói hơi trái ý con là con bắt nhốt tù rồi
Người dân muốn nói thật để cho đất nước mau tiến tới
Vì họ đã từng đổ máu xương để giờ con hưởng đó con ơi!

Má biết con đã sớm phải vô Bưng nên học hành lởm khởm
Lẽ ra nay làm vua, con phải biết khiêm tốn lắng nghe dân
Dân thật thà góp ý giúp con thì con kêu “bầy phản động”
Còn mấy đứa nịnh hót tâng bốc thì con lại chơi thân

Sao dưới triều đại con, người có tài thì con không trọng dụng?
Chỉ bổ nhiệm một lũ cúi luồn bằng cấp có, kiến thức không
Làm đất nước lộn tùng phèo người mù lại đi dắt người sáng
Người tâm huyết tài năng lại phải về cày ruộng nuôi tôm!

Mà nuôi tôm, các đồng chí của con cũng không cho yên sống
Anh em Đoàn Văn Vươn hai mươi năm trời đã lấn biển quai đê
Xây đầm nuôi tôm bằng chính sức mình làm giàu cho đất nước[1]
Các bạn con lại dùng bộ đội công an định cưỡng cướp mang về!

Má ba chưa thấy lịch sử nước nhà có thời đại nào như thế
Mồm “lấy dân làm gốc” tay lại cướp bóc và đàn áp dân lành
Chuyện ba ngàn công an đánh một ngàn nông dân năm ngoái[2]
Cướp đất Văn Giang xây “thiên đường” là một “trang sử liệt oanh”

Dân đóng thuế được bao nhiêu thì bọn nịnh thần vơ vét hết
Rồi cố tình đẻ thêm ra chước quỷ mưu ma để trấn lột tiền dân
Hết bày đặt nào thuế xăng xe, thuế đường bộ, thuế ô tô xe máy…
Bệnh viện nằm bốn người một giường cũng phải nộp thuế thân!

Ba má muốn gặp tận mặt con để nói cho con nghe sự thật
Nhưng từ ngày con làm quan rồi làm vua đâu ló mặt về thôn
Má ba đã ngoại cửu tuần rồi không thể ra thăm con được nữa
Sợ ít nữa dân phẫn uất lên, má ba không còn cơ hội để cứu con!

Ba ruột con danh tính là gì và ở đâu má ba không được biết
Chỉ thấy má đẻ con một mình lam lũ nuôi con nên má ba thương
Có phải “ông ấy” nhận ra con không mà nâng con lên nhanh thế?
Làm vua mà không được học hành sao con có thể đảm đương?

Ba má đã sống hơn nửa đời người trước 30 tháng Tư nên hiểu
Thời trước người ta biết trọng nhân tài nên xã hội văn minh
Người giàu biết thương yêu người nghèo, tạo việc làm cho họ
Chứ không như bọn tư bản đỏ bây giờ làm dân ghét, dân kinh

Thời trước Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là của ta tất cả
Ngư dân ta đánh cá ngoài khơi có ai dám trấn giết cướp tàu
Thời nay ngày nào Hán tặc cũng bắn giết ngư dân trên biển
Mà ba má đã bao giờ được nghe con lên tiếng cứu dân đâu?

Má ba cùng đồng bào đã 20 năm cưu mang con trong lửa đạn
Hôm con chui xuống hầm cạnh bồn cầu, má cứ phải “ngồi” coi
Nếu không có nhân dân hi sinh thì 30/4 các con sao thắng được
Mà nay các đồng chí của con đối xử với dân tàn ác thế con ơi!
 Sài Gòn, 28/4/1013
Tác giả gửi Quê Choa
……………………………………..
 [1]- Ngày 5/1/2012, chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã dùng hơn 100 công an và bộ đội có trang bị vũ khí đến đập phá nhà và định cướp trắng đầm tôm của gia đình anh em ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, Tiên Lãng một cách trái pháp luật.
 [2]- Ngày 24/4/2012, hơn ba ngàn công an và đầu gấu được UBND huyện Văn Giang, Hưng Yên thuê để đàn áp cuộc biểu tình của hơn một ngàn nông dân tại xã Xuân Quan, Văn Giang để giữ ruộng đất và mồ mả tổ tiên của bà con đang bị giải tỏa mặt bằng để xây dựng “Thiên đường Ecopark”của một chủ đầu tư giấu mặt. Cuộc biểu tình của bà con Văn Giang đã bị đàn áp dã man trong đó có rất nhiều người dân và hai phóng viên VOV đã bị đánh trọng thương.





Lý luận và cuộc sống ngày càng xa nhau, phản bội nhau.


Đoàn Vương Thanh
cau-hoi-thiet-ke-websiteXưa nay lý luận chỉ có thể đúng khi nó có tác dụng soi đường cho thựctiễn. Nếu chừng nào nó xa rời thực tiễn, xa rời cuộc sống thì nó trở thành vật cản, trở thành tai hại và cứ nhắm mắt theo nó thì cuộc sống sẽ đi vào bế tắc, thậm chí những thành quả mà trước đó có thể  bị mai một hoặc mất đi.
Ở Việt Nam ta,  từ lâu, mỗi khi đảng viên mới được kết nạp, dứt khoátphải đi học một lớp “bồi dưỡng đảng viên mới” với những bài học lý thuyết gần như bất biến, nói về “Đảng kiểu mới” về “sự ra đời và hoạt động của Đảng”, “sự cần thiết phải có đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam” và toát lên một cách tổng hợp là kể lể công lao của Đảng, coi Đảng như một vị cứu tinh, đảng chỉ có đúng không bao giờ sai, hoặc “trung ương đúng, đường lối chủ trương, chính sách của Đảng lúc nào cũng đúng, chỉ có chỉ đạo, thi hành là sai và có sai, thậm chí nghiêmtrọng…” Và dấu ấn để “trói” đảng viên vào với Đảng là lời thề “tuyêt đối trung thành” với Đảng, nguyện hi sinh phấn đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp của Đảng !” Chính cái đó đã tạo nên những con người của Đảng, lúc đầu rất trung thành, và trong thực tế có nhiều đồng chí nêu gương hi sinh trước bom đạn, trước đòn tra tấn dã man của quânthù, giữ vững khí tiết. Nhiều đồng chí thể hiện sự thương yêu đồng chí, thương yêu nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Đảng giáo dục đảng viên và quần chúng trung kiên theo đảng phân biệt rõ bạn thù, thậm chí chỉ mặt từng loại kẻ thù từ bên ngoài và từ bên trong. Phải chấp hành chủ nghĩa Mac-Lenin, chủ nghĩa Lenin, sau này lại còn tôn thờ chủ nghĩa Mao Trạch Đông, tức là Maoits. Tất cả toát lên là phân chia giai cấp, không chỉ hai thành phần giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột mà còn chẻ nhỏ, “cụ thể hóa” tiêu chuẩn từng giai cấp nữa, để khi “đánh” cho trúng. Một thời khẩu hiệu “Trí phú địa hào, đào tận gốc, chốc tận rễ” không những “tiêu diệt” những tên trùm sỏ mà còn tiêu diệt cả những kẻ liên quan. Trong việc giải quyết mâu thuẫn đối kháng giữa “giai cấp bóc lột” ở nông thôn là địachủ, phú nông, còn phân ra cụ thể: “địa chủ cường hào gian ác”, “địa
chủ cường hào gian ác đầu sỏ”, “địa chủ thường” địa chủ kháng chiến” thậm chí có nơi còn có “địa chủ kiêm tư sản”, “địa chủ phản động”…nghĩa là muốn tiêu diệt giai cấp địa chủ phải tiêu diệt đủ
loại địa chủ.
Với phú nông cũng vậy, có phú nông bóc lột, có phú nông lao động. Cả đến trung nông, nghĩa là người nông dân chịu khó lao
động có bát ăn bát để, cũng là “trung nông lớp trên, trung nông lớp dưới. Trung nông không được liệt vào “giai cấp bị bóc lột”. Chỉ có bần nông và cố nông mới là giai cấp bị bóc lột, vì thế họ nghèo nhất ởnông thôn, bị áp bức nhất ở nông thôn. Nay nhờ có cách mạng, đúng ra nhờ có giảm tô, cải cách ruộng đất mới được chia ruộng , mới được mở mày mở mặt, phải gọi họ là cốt cán, phải đưa đi đào tạo trở thành cán bộ nòng cốt lãnh đạo ở nông thôn. Khi phân chia các loại thành phần, Đội cải cách ruộng đất không căn cứ vào cái gì cả, chủ yếu là căn cứ vào lời khai của mấy ông bà, cô cậu cốt cán, mà khi về làm việc giảm tô cải cách, Đội đã dựa vào họ. Như ở quê tôi, đội đã “dựa”vào cả ngụy binh, cả gái làm tiền.
Cái mớ lý luận về giai cấp đấu tranh ấy hoành hành ở nước ta khá nhiều năm, gây ra vô vàn tai hại, khi biết sai lầm, đảng chỉ sửa những cái đảng cho là đã sai, còn những điều làm mất cả tình làng nghĩa xóm, hỏng cả tình máu mủ… thì không. Con gái, con dâu đấu tố vu khống cha mẹ mình, cha mẹ chồng, bới móc ông bà cụ kỵ nhà chồng để lại sự oán ghét năng nề đến mấy chục năm chưa hề phai nhạt thì đảng chưa bao giờ đặt vấn đề sửa sai và sửa sai đến nơi đến chốn.
Độ khoảng ba bốn thập kỷ gần đấy, nghĩa là sau thống nhất nước nhà, những mớ lý luận cũ rích từ thời tám hoánh nào , thậm chí từ hồi cải cách giảm tô, từ khi thực hiện “cải tạo tư sản” vẫn được mang ra áp dụng. Nhưng thực tế cuộc sống, đặc biệt  ở miền Nam, dân  không chịu “nuôt” cái lý luận gàn dở của đảng, nên không tiếp thu và không thực hiện một cách tự giác mà chủ yếu là bị bó buộc, bị cường quyền áp đảo. Ngày nay, những nhà lý luận “cộm cán” có bằng Tiến si lý luận hẳn hoi không chỉ lên lớp về “chủ nghĩa xã hội” đối với cán bộ đảng viên và lớp trẻ trong nước mà còn đi “rao giảng” ở một Trường Đảng cao cấp nước bạn, làm cho người hàng xóm nghe mà rùng mình ghê sợ
Từ ngày “đổi mới và hội nhập” cái mớ lý luận cũ của ta tỏ ra không thích hợp, phải chuyển đổi, nhưng chủ yếu vẫn là chuyển về những nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản mà thôi, chứ có sáng tạo ra thứ chủ nghĩa nào khác hơn đâu. Những người đã qua các lớp “bồi dưỡng chính trị” cho cán bộ đảng viên ở ta đều được nghe giảng về những nguyên tắc lớn của hai thứ chủ nghĩa này. Chủ nghĩa tư bản là “người bóc lột người”, chủ nghĩa xã hôi” ngàn lần tươi đẹp hơn, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng mọt xã hội công bằng dân chủ gấp vạn lần chủ nghĩa tư bản.
Ta thử nhìn qua lại một chút xem sao. Bây giờ ở Việt Nam không còn giai cấp tư sản theo kiểu cũ nhưng lại xuất hiện giai cấp tư sản kiểu mới, mà phương tây gọi là “tư bản đỏ”, thực hiện “xóa bỏ khoảng cách giầu nghèo” nhưng ta lại đào sâu hơn, giãn độ ngăn cách xa hơn giữa giầu và nghèo, để rồi lại “la lên” “xóa đói giảm nghèo”. Vậy ở Việt nam ta đang theo Đảng xây dựng chủ
nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản?
Xây dựng chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế quốc hữu hóa đất đai, nhà máy, công nông trường xí nghiệp, toàn bộ là “quốc doanh” nhưng quốc doanh đâu có biết quản lý, cung cúc chấp hành lệnh trên, chỉ lo thu vén cá nhân, dựa dẫm vốn liếng của Nhà nước để mọi thứ đều thua lỗ.
HTX nông nghiệp cả làng bậc thấp rồi lên bậc cao, tất cả là “cha chung không ai khóc” chẳng ai có sáng tạo, chẳng ai chịu làm việc cho ra hồn, lúc nào cũng hô hào thi đua, hết “phong trào Đại Phong” lại “phong trào 5 tấn” mà năng suất cây trồng, năng suất lúa vẫn cứ tụt dài, đồng đất thì hoang hóa, sản lượng lương thực èo ẹt ở con số không đủ ăn, công lao động gia trị bằng 2 lạng thóc, cái nghèo cái đói cứ theo rịt người nông dân. Thế mà chỉ thực hiện hai lần “khoán” khoán100 và khoán 10, nông dân một phần được cởi trói, bà con cả nước đã làm ra 45 triệu tấn thóc, trong khi ruộng canh tác lại bị thu hồi hàng vạn ha cho “dự án”, lại có 7,5 triệu tấn lương thực quy gạo xuất khẩu.
Tuy nhiên đấy mới chỉ nhìn sơ qua vào nông nghiệp hay rộng ra một chút là “tam nông thôi”, chứ còn các mặt kinh tế khác hễ cứ dính vào “quốc doanh” là y như đổ bể, thụt két, lỗ vốn, nợ xấu, nợ công…nghĩa là làm không có lời mà chỉ có rạn nứt và đổ vỡ. Nói ra thì lại bảo tại “suy thoái kinh tế toàn cầu” nó ảnh hưởng. Ngụy biện. Vậy mà những nhà lý luận lâu nay không thấy có phát kiến gì mới để mà soi đường, để mà ngăn cản sự suy thoái?
Một tầng lớp cán bộ các cấp từ những người chưa giầu hoặc còn là người nghèo nay bỗng “đứng dạy sáng lòa” để rồi có
tiền hàng trăm tỷ xây dựng biệt thự, xây dựng nhà thờ tổ, cho các con đi học nước ngoài và cho con “phè phưỡn” ở đâu đó, mấy năm trở về bố đã chọn cho những cái ghế “ngon” rồi tha hồ mà sung sướng. Vậy các nhà lý luận của ta bây giờ, giải thích thế nào về phân chia giầu nghèo mới,phân chia giai cấp mới và có cần tiến hành đấu tranh giai cấp nữa hay không ?
Độ khoảng hai chục năm nay, chúng ta được LHQ ghi nhận “thành tích “xóa đói giảm nghèo”, nhưng lại không thấy ghi nhận “xóa no giảm giầu” nguyên nhân gây ra các giai cấp đối kháng nhau, sinh ra đấu tranh giai cấp?…
Vậy thời đại hiện nay, mô hình của chủ nghĩa xã hội ở nước ta là những vấn đề gì ? Kinh tế thì trở lại những yếu tố thị trường của tư bản chủ nghĩa, xã hội thì phân chia đẳng cấp, phân chia giầu nghèo ngày càng sâu sắc, các quan chức từ xã trở lên trở thành “giai cấp khác”, còn nhân dân lao động vẫn là “giai cấp lao động”. Giai cấp công nhân để tạo ra nhân tố lãnh đạo cách mạng có còn không? Công nhân, nhân viên trong thời buổi kinh tế thị trường không khác mấy kẻ đi làm thuêcho các ông chủ lớn nhỏ trong mọi lĩnh vực, trong mọi doanh nghiệp, làm tốt chưa chắc được khen, làm chưa tốt bị đuổi việc ngay lập tức.
Xã hội đã và đang hình thành ‘tầng lớp đại gia” ăn không bao giờ hết của ngon vật lạ, ở không bao giờ hết nhà, biệt thự và vi la, đi toàn xe con trị giá hàng nghìn con trâu của nông dân, con cái đi học, chơi game ở nước ngoài…Những điều này đang diễn ra tại xã hôi xã hội chủ nghĩa của chúng ta, các nhà lý luận thử giải thích xem sao !
Chúng ta không chỉ có nạn nói dối hoành hành, nạn tham nhũng hoành hành, xã hội đen đang làm loạn đất nước mà còn tạo ra rất nhiều giai tầng xã hội không còn ở cái mức “trí phú địa hào” nữa mà là những ông vua lớn nhỏ. Nhiều khi, tôi hơi lẩn thẩn nghĩ đến nước ta hiện có 9068 xã, phường, thị trấn, thì có đến gần 19.000 “ông vua, bà chúa” ở cơ sở, ấy là chưa nói đến các “ông vua bà chúa cấp huyện, quân, thị xã, thành phố tỉnh thuộc trung ương. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, cho đến giám đốc các sở bây giờ cũng trở thành “những ông vua địa phương, vua ngành” cát cứ rất dữ dội. Vậy kính nhờ các nhà lý luận thử đưa ra những luận điểm để dùng lý luận soi sáng thực tế xem sao!
Vậy mà  CNXH, cái danh hiệu hão huyền của đất nước, nhiều người góp ý bảo bỏ đi vì nó chưa có thì vẫn bị “các nhà lý luận bảo thủ” khư khư giữ lấy.Giữ lấy cái không có, cái mà thế giới loài người đã vứt nó vào đống rác rồi , hỡi ôi…
Tác giả gửi cho Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả




Nhìn cách hành xử của thủ tướng Nhật Bản mà thèm


Shinzo Abe tai dai hoi Dang Tu do Dan chu 3.2013Đáp trả mạnh mẽ. Đó là tuyên bố của thủ tướng Nhật Bản sau khi Trung Quốc cho tàu lượn lờ vùng biển hai nước tranh chấp.
     Đối phương chỉ mới ra đòn gió, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đã tỏ rõ sự bảo vệ chủ quyền một cách quyết liệt. Đích thân thủ tướng chính phủ lên tiếng, chứ không cần dùng cái loa người phát ngôn bộ ngoại giao.
     Nhìn cách hành xử của thủ tướng Nhật Bản mà thèm, mà ao ước, mà so sánh.
     Nhật Bản không có những chữ vàng, chữ tốt trong quan hệ với Trung Quốc. Những chữ ấy (16 chữ vàng, 4 tốt) chẳng là gì cả, cách chơi chữ chỉ là trò thư giãn mà thôi. Giống như đội bóng chuyên nghiệp, Nhật Bản ra sân sòng phẳng và chơi hết mình với Trung Quốc. Về lĩnh vực bóng đá, đẳng cấp Nhật Bản đứng trên Trung Quốc, kể cả khu vực cũng như thế giới. Tiềm lực quốc phòng Nhật Bản cùng với đồng minh thân cận, ai dám bảo thua kém Trung Quốc.
     Biển Đông như là cái ao làng, xảy ra tranh chấp tứ phía. Trung Quốc là gã tự xưng anh chị gây chuyện với mọi láng giềng. Philippines đệ đơn lên tòa án quốc tế, không để Trung Quốc ỷ thế nước to bắt nạt nước nhỏ. Nhật Bản có cách làm khác. Vẫn mềm dẻo trong quan hệ ngoại giao, nhưng khi đối phương giở trò luật rừng, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản ngay tức thời dõng dạc tuyên bố: Nhật Bản sẽ đáp trả mạnh mẽ.
    Trung Quốc gây chuyện với Việt Nam còn ghê gớm hơn so với các nước trong khu vực. Chiếm đảo. Cướp tàu và bắt ngư dân. Phong tỏa ngư trường… Trung Quốc dùng mọi thứ, làm mọi cách bắt nạt Việt Nam. Bị o ép quá thể nhưng cách phản ứng của Việt Nam xem ra không tương xứng. Thường thì, mỗi khi Trung Quốc lấn tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lại có dịp lên tiếng. Nhưng chưa khi nào thấy những người đứng đầu đất nước tỏ rõ thái độ kịp thời và đanh thép như thủ tướng Nhật Bản. Hành xử thế nào là quyền của các vị nhưng đừng để những cái đầu sặc mùi đại Hán nghĩ rằng Việt Nam khiếp sợ Trung Quốc.
      Có thể có những kẻ vì lợi ích riêng mà cam tâm theo đuôi bọn bành trướng. Nhân dân Việt Nam thì ngược lại, không sợ và không thua bọn xâm lược, kể cả những kẻ tự cho là hùng mạnh. Sự kiện biên giới phía Bắc tháng 2.1979 vẫn còn nguyên giá trị.





Ba mươi tám năm nhìn lại.


Đoàn Nam Sinh
hien luong_1Chỉ tính từ cuối thời Lê sơ đến nay, nước ta đã xảy ra những cuộc chia lìa đau đớn. Lê Mạc chia ra Nam Bắc Triều đều có sự tham gia của nhà Minh. Trịnh Nguyễn phân tranh cũng có sự hà hơi của nhà Thanh, tiếp theo Nam Minh, duy trì nhà Mạc ở Cao Bằng. Sau đó nhà Thanh đã đưa quân sang với cớ khôi phục nhà Lê, bắt tay với Chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh Tây Sơn, khiến Nguyễn Huệ phải hành quân cấp kỳ ra Bắc để phá tan liên minh đó.
Mưu mô đô hộ của Trung quốc thường xuyên bị chống trả bởi một dân tộc có truyền thống bất khuất, nên mọi vương triều Trung quốc đều muốn sử dụng bài bản nuôi dưỡng mâu thuẫn, khoét sâu bất đồng rồi ra oai phúc “thiên triều” để phiên thuộc hóa nước Nam, đồng hóa dân tộc Việt. Bài học “chia để trị” này cũng đã được nước Pháp tiến hành và đã cùng với Trung Công, Nga, Mỹ áp dụng khi ký kết hiệp định Genève 1954.
Hơn ai hết, người Trung quốc đã thấm đẫm kinh nghiệm chia cắt và đồng hóa, gần nhất là triều đại Mãn Thanh phi Hán cai trị nước họ. Bao nhiêu tiểu quốc với các công trình truyền đời đã bị san bằng. Bao nhiêu dân tộc cùng văn hóa, ngôn ngữ của họ đã tan biến. Do đó, việc chia cắt Việt Nam là bước đi căn bản nhất mà nhà cầm quyền Trung Cộng thực hiện, để “phủ sóng”lên một nửa đất nước, bước đầu cho cuộc mở đường thoát xuống phương Nam. Hình ảnh Phạm văn Đồng bật khóc trong hòa hội Genève và ông Hồ gằn giọng khẳng định với phóng viên phương Tây sau đó- Jamais ! – khi nói về khả năng lệ thuộc vào Trung cộng, đã cho thấy cuộc chia cắt này có quá nhiều hệ lụy.
Thoạt đầu, ai cũng cho rằng cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa Thiên Chúa giáo với phi Thiên Chúa giáo, hữu thần với vô thần là nguyên cớ chia rẽ dân tộc, chia đôi đất nước. Nhưng suốt 10 năm chiến tranh sau đó, người ta lờ mờ hiểu ra rằng hai miền chỉ là những quân bài trên canh bạc toàn cầu đã được cường quốc phân định và tiếp tục giằng giật. Chỉ khi áp lực phải giải kết chiến cuộc, phía Mỹ bắt tay với Trung cộng- Mỹ rút đi, Trung Cộng chiếm Hoàng sa- thì miền Nam mới thấy đau đớn khi bị bỏ rơi. Tiếp tục, khi Đặng trở cờ thăm Mỹ, phát động chiến tranh Tây Nam đồng thời xua quân đánh chiếm các thị tứ biên giới Việt – Trung thì người dân miền Bắc cũng tĩnh ngộ- trái ngược với giọng lưỡi bao năm bưng bít tuyên truyền “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Rồi sau nữa, năm ’88 Trung Cộng chiếm Gạc-ma,” liên minh chiến lược Việt- Xô” đã hiện nguyên hình là chỉ có dầu khí.
30-04-1975_1Hôm nay đi ngang qua trụ sở công quyền, câu khẩu hiệu mừng ngày thống nhất và giải phóng miền nam khiến mình nghĩ lại. Giang sơn liền một dải nhưng lãnh thổ đã vẹn toàn chưa ? Trăm họ cùng một Tổ nhưng đã đoàn kết thương yêu nhau chưa ? Quyền hiến định của toàn dân được công khai thống nhất ý chí xây dựng Hiến Pháp đã thực hành chưa ? Truyền thống văn hiến trong văn hóa giáo dục thống nhất chưa ? Còn rất nhiều câu hỏi căn bản mà có cùng câu trả lời là chưa thống nhất.
Bài học “ôn cố nhi tri tân”/ ôn việc cũ thì biết chuyện mới, buộc phải nhìn lại nguyên nhân của tồn tại phi lý này, hầu mong tìm ra một kiến giải phù hợp: Bớt đi những thay đổi trái khoáy thoạt đầu dựa vào cứu cánh “cách mạng”, càng về sau mới hay là đi lùi rồi đi vòng khiến bao cơ hội vụt qua, tài nguyên lẫn vốn xã hội cạn kiệt vì manh động.
Chỉ với 20 năm thực hành cải cách ruộng đất rồi xây dựng hợp tác xã theo mô hình Trung Cộng, đã khiến cho kinh tế miền Bắc sa sút, lạc hậu. Nông thôn thời bình tan nát cả về cấu trúc văn hóa làng xã, truyền thống đến đạo đức xóm giềng, mà tới nay vẫn chưa hồi phục được. Nền kinh tế nông nghiệp thôi, cũng còn khó đồng hành, huống hồ biết bao ngành nghề khác mà miền Bắc vẫn còn thua sút về công nghệ và lệ thuộc vào chiêu bài “vùng kinh tế giáp biên”.
Ngày thống nhất, riêng việc dạy dỗ có biết bao điều vênh váo, chênh chao không dễ gì thống nhất. Từ cách đánh vần, cách học, cách thi, cho đến cách viết cách đọc từng chữ (như bảo đảm hay đảm bảo) rồi đồng phục học sinh, giáo viên hay các khẩu hiệu lạc hậu như 5 điều bác Hồ dạy, như đoàn thể với chuyên môn, như đảng lãnh đạo giáo dục đào tạo,… Chỉ cái nền ấy thôi, phải 20 năm sau mới thấy lại câu “tiên học lễ hậu học văn”trong nhà trường, nhưng chưa hết, học gì thi nấy hay như năm nay là bốc thăm môn thi- một việc làm ấm ớ mà lẽ ra không để xảy ra trong môi trường giáo dục. Còn khẩu hiệu “tôn sư trọng đạo” chẳng hề có ai thực hiện, quá 3 năm rồi mà chế độ vẫn chưa thanh khoản nợ “lương đủ sống” cho nghề giáo. Trong lúc tham ô, lãng phí, bất công, tai ác tràn ngập khắp nơi, làm sao giáo dục được trẻ nên người, đừng nói chi thành thày thành thợ.
Cách ứng xử của một nước Nam văn hiến đâu rồi ? Thời tiêu thổ lấy đình chùa làm trụ sở, sau làm bãi đấu tố, rồi làm kho hợp tác. Suốt thời đô hộ có khi không có vua nhưng chẳng mất làng. Còn thời này họ đã quét sạch cơ tầng từ văn hóa làng xã, cái gốc của văn minh lúa nước. Đô thị bao đời thanh lịch cũng bị “nông thôn bao vây” theo đường lối Mao, cái mương không nắp, cái vỉa hè long đường là bãi rác, là toa-lét, là chỗ “tự do oanh tạc”, khạc nhổ. Thủ đô nhếch nhác với “phở quát cháo chửi”, thị tứ nhớp nháp đầy những “dân ngụ” bát nháo, vô tình. Văn hóa văn minh kêu hoài chẳng sửa, ngày càng tệ ra.
Nhưng điều đau nhất là chưa ai chịu thống nhất về thân phận. Nếu chấp nhận thân phận là một quốc gia nhược tiểu thì mọi người phải đồng lòng chọn đường đi lên độc lập phú cường. Là thân phận con dân một nước nhược tiểu thì hãy quên ngay đi những tai họa đã ụp xuống bao thế hệ, có cả tan tác chia ly, có đầu rơi máu chảy, có oán thù mà không ai muốn gây ra, để cùng ôm nhau nhỏ lệ sẻ chia thông cảm. Trong khi kẻ đã gây ra oan khiên thật sự lại không quyết nhận chân ra chúng mà cứ rêu rao vẫn tốt vẫn vàng, vẫn hòa bình hữu nghị (?!).
Còn giải phóng, có lẽ bài ca Giải phóng Điện Biên dùng từ này sớm và phổ biến rộng nhất. Năm ’54 có thấy khẩu hiệu giải phóng thủ đô. Ý là cởi mở ra khỏi sự bó buộc, trói xiềng của thực dân đế quốc nhưng gốc gác cũng là vay từ Trung Cộng.
hien_luong_bridgeNếu giải phóng miền Nam với nghĩa là giúp miền nam thoát khỏi sự phủ trùm về kinh tế, văn hóa, chính trị,… của tư bản phương tây thì chắc không phải; hay là công nhân không bị giới chủ bóc lột, lại càng không phải. Vậy chắc giải phóng là gỡ ra khỏi sự ràng buộc, lệ thuộc vào Mỹ ? Thế thì đưa cả nước vào tròng nô dịch, lệ thuộc vào Trung Cộng là đúng chăng ? Hàng triệu người đang rên siết trong tăng ca, hàng chục vạn người đang phải bán sức lao động xứ người, làm nô lệ tình dục xứ người,… là nhờ ai giải phóng,… Rồi mai ai sẽ giải phóng ai ?
Hàng năm anh em cựu binh chúng tôi tụ tập nhau lại ăn bắp Mỹ bung tro dịp 30/4, để nhớ những ngày đói lả trong chiến trường, nhắc lại ai còn ai mất, ai lên hương ai tắt lửa,… Quá phân nửa đều kêu lên, ngày càng nhiều- nếu phải hy sinh tất cả để có một đất nước như thế này thì quá phí, quá tội nghiệp cho những bà mẹ, những đứa con ra đi mà chỉ biết tao bóp cò trước thì mẹ mày khóc và ngược lại.
Ba mươi tám năm, gần với mốc 50 năm của “độ lùi lịch sử”- không thể lấp liếm điều gì. Anh chị em chúng tôi đã thấy, đã nhận thức lại ngày qua, đời mình và đoán định về tương lai con cháu, thấy rằng: Lòng nhân hậu đồng bào như câu “bầu ơi thương lấy bí cùng”,… mà một cộng đồng ngót trăm dân tộc, rải khắp ba miền vẫn kỳ thị nhau, xa cách nhau vì đâu; hay “gà cùng một mẹ”…mà cả bốn biển năm châu đi đâu cũng thấy sự cực đoan, cuồng tín chỉ vì những tín lý, chủ nghĩa xa lạ mà tự hay bị “bôi mặt đá nhau”, vì đâu ? Thực sự chúng ta chỉ còn những giá trị vĩnh cửu là dòng giống Lạc Hồng, văn hiến Việt Nam và giang sơn toàn vẹn biển trời. Cùng siết chặt tay nhau, nhìn thẳng vào mắt nhau, thương yêu chia sớt cho nhau. Ai cố phá ra, làm hỏng đi, xấu đi là tội đồ của dân tộc.
Sài gòn, 26/4/’13.
Đ.N.S.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiên văn phong và quan điểm riêng của tác giả







Nợ công: cần minh bạch, rõ ràng


nocong-largeNQL: Liệu bài này có bị bóc xuống không?
Cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn. Đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học “Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và những vấn đề gợi mở đối với VN” do Viện hàn lâm Khoa học VN tổ chức ngày 25-4.
Các đại biểu cũng đề nghị để khỏi bị động trong việc xử lý, VN cần theo thông lệ quốc tế trong cách tính nợ công.
 Thế giới nói 128,9 tỉ USD, VN tính 66,8 tỉ USD
 Dẫn tính toán của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, TS Nguyễn Trọng Hậu, Đại học Almamer, Ba Lan, cho biết nếu theo chuẩn quốc tế thì nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, bằng khoảng 106% GDP năm 2011 – gần gấp đôi mức VN công bố chính thức.
 TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch – đầu tư), cũng đồng tình và chỉ ra rằng năm 2011, ước tính theo quốc tế thì nợ công của VN là 128,9 tỉ USD, tương đương 106% GDP. Nhưng con số mà Bộ Tài chính công bố chỉ 66,8 tỉ USD và bằng 55% GDP.
 Các nhà khoa học cũng đồng tình với nhận định của TS Hồ khi cho rằng cái khó nhất nói về thực trạng nợ công của VN là thiếu số liệu và không đủ tin cậy. Thời gian cập nhật nợ công của các nước là hằng quý, còn ở VN Bộ Tài chính mới chỉ công bố đến năm 2010 và ước tính đến năm 2011 thôi.
So sánh mức nợ công, nợ nước ngoài của Việt Nam với một số nước ASEAN ((tính đến ngày 31-12-2011)) - Nguồn: Vụ tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước - Đồ họa: V.CƯỜNG
So sánh mức nợ công, nợ nước ngoài của Việt Nam với một số nước ASEAN ((tính đến ngày 31-12-2011)) – Nguồn: Vụ tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước – Đồ họa: V.CƯỜNG
Box 1
“Cứ thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại, cứ vay nợ không sử dụng hiệu quả chắc chắn khủng hoảng nợ công sẽ xảy ra”
PGS.TS Nguyễn An Hà
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ThS Đinh Mai Long – Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước – nêu trong 10 năm trở lại đây, nợ công tại VN tăng nhanh một cách đáng lo ngại và có cơ cấu kém bền vững, bị tác động mạnh của những cú sốc từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các cú sốc tỉ giá. Cơ cấu đồng tiền vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là các đồng tiền chủ chốt như JPY chiếm khoảng 39%, bằng SDR khoảng 27%, bằng USD khoảng 22%, bằng EUR khoảng 9%. Đối với vay nước ngoài của doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước – DNNN) được Chính phủ bảo lãnh) chủ yếu tập trung vào USD (chiếm từ 70-80%). Kể từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 6-2011, ba đồng tiền chủ chốt gồm EUR, USD và JPY trong giỏ nợ nước ngoài của VN đã lên giá lần lượt khoảng 12%, 13% và 26% so với VND. Điều này cho thấy gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ đang tăng với tốc độ chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.
Mặt khác, ông Long cũng lưu ý là vay nợ từ Trung Quốc gia tăng nhanh trong mấy năm gần đây – khoảng 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, tốc độ gia tăng nợ công khoảng 15%/năm đang dần “bắt kịp” tốc độ tăng thu ngân sách khoảng 17-21%, có nghĩa là vài ba năm nữa nguồn tăng thu chỉ đủ để bù trả nợ – ông Long nhấn mạnh.
Nợ công của VN năm 2011
Chỉ số
Tỉ đồng
Tỉ USD
So với GDP
Nợ công theo định nghĩa của VN
1.391.478
66,8
55%
Nợ của Chính phủ
1.085.353
52,1
43%
Nợ của Chính phủ bảo lãnh
 292.210
14,0
12%
Nợ của chính quyền địa phương
 13.915
 0,7
 1%
Nợ công theo định nghĩa quốc tế
2.683.878
128,9
106%
Nợ công theo định nghĩa của VN
1.391.478
66,8
55%
Nợ của DNNN (trong và ngoài nước)
1.292.400
62,1
51%
Nguồn: Vũ Quang Việt, “Nợ công, nợ ngân hàng VN được hé mở”, tạp chí Diễn Ðàn, 25-11-2011
Bỏ qua nợ của DNNN
Nợ công của VN vì sao lại chỉ bằng một nửa so với cách tính của thế giới? TS Nguyễn Trọng Hậu cho rằng thế giới có tiêu chí nợ công chung, họ có năm thành tố thì VN chỉ có ba. Có hai yếu tố chưa được tính vào nợ công của VN đó là nợ của DNNN và khoản Nhà nước vay của quỹ hưu trí. Ông Hậu cho rằng với cách tính nợ công của VN thì thực tế những khoản nợ nước ngoài cả tỉ USD như của Vinashin không được tính vào nợ công trong khi các nước, doanh nghiệp nào có vốn nhà nước dù chỉ một vài phần trăm, khi vay nước ngoài cũng phải tính vào. Một khoản nữa VN chưa tính vào nợ công là khoản tiền Nhà nước vay của quỹ hưu trí (nếu có), vì về thực chất đây cũng là nợ của dân.
Cũng theo ông Hậu, kinh nghiệm hiện nay cần cảnh giác là rất nhiều khoản nợ tư cũng có thể biến thành nợ công. Như hiện nay có rất nhiều “đại gia” bất động sản có thể vay nợ nước ngoài. Đây không phải nợ công nhưng khi các “đại gia” phát triển đến quy mô rất lớn mà nếu để các doanh nghiệp này đổ vỡ có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy cho nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các “đại gia” không trả được nợ, Nhà nước sẽ phải đứng ra cứu. Như thế cũng tạo nguy cơ rất lớn khiến phình nợ công rất nhanh.
Còn ông Long thì cho rằng trên thực tế, dù được hay không được Chính phủ bảo lãnh nhưng nếu những DNNN không thể thanh toán một phần hoặc toàn bộ thì Chính phủ với vai trò chủ sở hữu vẫn phải gánh nợ cho các DNNN này.
ImageView.aspx
Vinashin là một trong những tập đoàn kinh tế làm ăn thua lỗ mà Chính phủ phải trả nợ thay các khoản vay quốc tế. Trong ảnh là mô hình một con tàu được trưng bày trong trụ sở của Vinashin + Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cần tính theo chuẩn quốc tế
Ông Hậu khuyến cáo VN cần theo thông lệ quốc tế trong cách tính nợ công bởi để đến khi “cái kim trong bọc lâu ngày lộ ra” thì khi đó ứng xử rất bị động. Đặc biệt, ông Hậu khuyến cáo nguy cơ vay nợ nhiều nhưng nếu sử dụng không hiệu quả thì rất nguy hiểm. Trong khi đó, nhiều khoản vay nợ của VN được phân bổ bởi Nhà nước lại có hiệu quả sử dụng không cao…
PGS.TS Nguyễn An Hà – Viện Nghiên cứu châu Âu – cho rằng với tình hình nợ công và quản lý nợ công của VN có thể thấy rằng nền kinh tế VN hiện đang có một số đặc điểm giống với các nước PIIGS (các nước châu Âu có tỉ lệ nợ cao, bao gồm Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý) khi lâm vào khủng hoảng nợ công. Đó là tăng trưởng GDP giảm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đến nay, lạm phát luôn có xu hướng tăng mạnh, luôn cao trên 8% kể từ năm 2006-2011… Do vậy, cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn.
Theo GS.TS Đỗ Hoài Nam – chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội VN, điều quan trọng là tìm ra được nguyên nhân của tình trạng đáng báo động về nợ công ở VN. “Phải chăng đó là vấn đề liên quan đến mô hình tăng trưởng kinh tế quá nóng, dựa quá nhiều vào vốn, phát triển theo chiều rộng. Điều đó đúng nhưng đã đủ chưa. Người ta còn nói mô hình tăng trưởng dựa vào DNNN làm ăn kém hiệu quả. Gần như là con nợ lớn nhất của nợ công. Thế thì chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu?” – ông Nam băn khoăn.
Ông Nguyễn An Hà cũng cho rằng nợ công là nguồn lực quan trọng nhưng chất lượng sử dụng nợ còn quan trọng hơn. Rút ra các bài học từ nghiên cứu, ông Hà cho rằng con số tuyệt đối nợ công cần minh bạch, rõ ràng. Trong hội nhập quốc tế, VN phải theo luật chơi quốc tế. Bởi theo ông Hà, các khoản vay đến hạn thì nước ngoài họ xiết nợ theo luật quốc tế. VN sẽ khó lờ đi được bởi ông Hà ví dụ trường hợp Vinashin, khi phải trả lãi, ban lãnh đạo mới của Vinashin lờ đi, nhưng chỉ cần các tổ chức xếp hạng đưa định mức tín nhiệm của VN xuống một bậc, thành B- lãi suất cho các khoản vay đến VN tăng, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều.
Box 2
Đầu tư công cho nông nghiệp, y tế, giáo dục giảm
Ngày 25-4, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch – đầu tư) cùng Đại sứ quán Ireland đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả đầu tư công. Theo báo cáo nghiên cứu, tỉ trọng đầu tư công của VN còn bất cập. Ví dụ, trong giai đoạn 2006-2010, đầu tư công cho nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 6,51% trong tổng đầu tư công thì đến năm 2011 chỉ còn 5,6%; giáo dục – đào tạo giai đoạn 2006-2010 là 3,1% thì năm 2011 chỉ còn 2,93%; y tế và hoạt động trợ cấp xã hội từ 4,62% xuống 4,05%. Trong khi đó, đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế lại theo xu hướng tăng, ngay khách sạn nhà hàng cũng tăng từ 0,76% giai đoạn 2006-2010 lên mức 1,39% vào năm 2011. Cao nhất là vận tải, kho bãi, thông tin – truyền thông với tỉ lệ 22,95% lên 23,3%…
Báo cáo cũng khẳng định đầu tư công đã tác động tích cực tới tăng trưởng của VN nhưng chỉ tác động trong khoảng thời gian năm năm, sau đó giảm dần. Trong dài hạn, đầu tư tư nhân mới là yếu tố tác động mạnh nhất đến tăng trưởng kinh tế VN.
- Nợ 128,9 tỉ USD mà tính láo là 66,8 tỉ USD ?
- Cố tình trì hoãn đến 3 năm mới công bố chỉ số nợ công để dễ bề che đậy, lẩn tránh trách nhiệm?
- Nguy cơ nợ tư thành nợ công vì phải bỏ tiền ra cứu rất nhiều “đại gia” bất động sản vỡ nợ!
- Chỉ 3 năm nữa là rơi vào tình cảnh làm ra đồng nào phải đem trả nợ đồng ấy.
- Vay nợ Trung Quốc gia tăng nhanh!
- Tương lai sẽ trở thành một “Hy Lạp thứ hai” (?), để rồi cầu cứu “bạn vàng”, chịu quy phục bằng mọi giá? “Bán” biển đảo hay chấp nhận trở thành một kiểu “khu tự trị”?
Còn “kịch bản” nào tuyệt vời và “êm thấm” hơn cho kế hoạch hai đảng cùng dắt tay nhau tiến lên “thiên đường XHCN”? “Chiến công” này phải thuộc về “đồng chí X”, không phải “đồng chí Lú”!








Nhân dân muốn được biết một phần nghìn sự thật


Đoàn Vương Thanh
ares2Thông tin Nhà nước và thông tin nhiều chiều những ngày gần đây phản ảnh nhiều vấn đề có liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Những sức ép về suy thoái kinh tế sâu, về đe dọa ở biển đông, về quản lý và phát triển kinh tế vĩ mô, về bộ máy quản lý đất nước đang chia rẽ và rệu rã : Mua quan bán chức, tha hóa một bộ phận lãnh đạo, mất đoàn kết, nghi kỵ và kích bác nhau, có đến 30% công chức Nhà nước “ngồi chơi xơi nước, nhiều quan chức cấp cao “lấy tiền ở đâu” xây biệt thự, xây nhà thờ giá hàng trăm hàng nghìn tỷ, trên không bảo được dưới, kỷ cương phép nước bị lỏng lẻo, thậm chí ngấm ngầm chống đối nhau… Dân chúng tôi nghe tin mà rầu rĩ ruột gan, ngơ ngác hỏi nhau: đất nước mình sẽ đi đến đâu nếu cứ để tình trạng này kéo dài.
Mấy hôm nay, chung quanh tôi các cụ hưu trí hễ gặp là bị túm áo: “Bao giờ thì bị cắt lương hưu hả ông ?” Tôi cũng như các cụ hưu khác làm sao mà biết được, chỉ nghe quỹ lương hưu bị người ta “cho vay” có thể trở thành “nợ xấu”. Đã là “nợ xấu” thì khó đòi hoặc không đòi được. Tám chín triệu cán bộ nhân viên, quân đội nghỉ hưu, nói chung đang sống bằng “đồng lương trợ cấp xã hội ít ỏi trong thị trường giá cả tăng cao” thì băn khoăn của các cụ hưu là chính đáng, cần có sự giải đáp thỏa đáng.
Trong cái sự “rối như tơ vò”, nhìn vào đâu cũng có hư hỏng hiện nay, các nhà chèo chống đi đâu làm gì? Không có đủ trình độ và cũng không có tham vọng đặt vấn đề nhiều vì có viết có nói những chắc gì đã có người nghe và quan tâm giải quyết, hay lại bị cho là“thế lực thù địch” nói xấu chế độ thì oan gia !
Cái miếng “bất động sản” từ nhiều năm nay, người ta tưởng bở dễ ăn, dồn sức đầu tư, mong có lãi cho đất nước và lãi cho nhà đầu tư, cho quan chức đứng đằng sau, đứng bên cạnh. Tham vọng (kể cả tham lam) vẫn chỉ là tham vọng. Các cụ ta đã dạy: “Tham thực cực thân”, đấy là “thamthực, nghĩa là tham ăn” thôi chứ tham vàng, tham tiền, tham đất…thì ôi thôi không chỉ là cực thân đâu.
Vài ba năm nay, người ta nói rằng “bất động sản bị đóng băng” vậy thì băng giá ấy lấy ở đâu để “nó” bị đóng băng ? Trong bất động sản” và đầu tư “bất động sản” có chuyện mua (và cướp) đất của nông dân, của người nghèo dưới cái mũ “dự án phát triển công nghiệp dịch vụ” phát triển kinh tế xã hội, với giá bèo, nhưng khi đưa vào kinh doanh “bất động sản thì đẩy giá lên chín tầngmây”. Gần 400 ha, trong số 450 ha đất canh tác của xã quê hương tôi đã “được chuyển nhượng đúng chính sách” cho các doanh nghiệp ở đẩu ở đâu ấy vào đầu tư.
Công bằng mà nói có một số ít họ làm ăn đứng đắn, đã đầu tư và bắt tay vào sản xuất (gần đây có bị đình đốn). Nhưng cũng có những dự án đầu tư chiếm đến 200 ha, vừa rồi lại chiếm thêm gần 50 ha nữa, nhưng 7 năm rồi, khu đất ấy “nội thì có xuất người ra, nhưng ngoại thì bất nhập, nghĩa là cấm người “không có nhiệm vụ miễn vào !” 200 ha được rào kín, không rõ ở trong đấy “chủ dự án” làm gì mà bảy năm rồi vẫn án binh bất động. Một khu khác rộng 12 mấu Bắc Bộ (mỗi mấu Bắc Bộ là 3600 mét vuông, họ đưa vào dự án, đến bù cho nông dân 69 triệu một mẫu, 13 năm rồi chưa thấy họ làm gì, chỉ thấy chuột chạy ra chạy vô nhởn nhơ trên “bất động sản” ấy.
Trong mười mấy năm qua, Nhà nước ta (do nhiệm kỳ, cũng còn do năng lực cán bộ và do nhu cầu điều chuyển cán bộ), chúng ta đã thay đến ba bốn vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Dưới cái ô của Ngân hàng Nhà nước, đã xuất hiện hàng chục Ngân hàng thương mại cổ phần, ngay ở một thị trấn nhỏ quê tôi đã mọc lên chất ngất hoành tráng chục trụ sở các loại ngân hàng.. Cũng nhờ có cái ô của Ngân hàng Nhà nước, một số “Quỹ Tín dụng nhân dân” mọc lên để “bóp hầu bóp cổ nhân dân” để “nặn tiền” vốn nhàn rỗi của một số người và cho vaynăng lãi, hàng năm tổng kết rất rôm rả, khách khứa đông nghìn nghìn, cấp trên đủ loại đến dự và nhận quà, còn cán bộ tín dụng thì giầu lên nhờ “buôn tiền”.
Ngày nay, Ngân hàng các loại, nhất là khu vực Ngân hàng cổ phần thương mại đã và đang bị một số người có thế lực và được tạo thế lực khống chế như Bầu Kiên, Trầm Bê v.v…Thực ra, người cần vốn sản xuất kinh doanh thì tiếp cận Ngân hàng rất khó, xem ra chỉ rót tiền cho “cánh hẩu” thôi và rồi chính Ngân hàng gánh chịu hậu quả “nợ xấu”. Những người đi vay để kinh doanh “đểu” vênh cái mặt lên thách thức,chưa có trả thì Ngân hàng ăn thịt được à? Thịt người không ăn được đâu!
Chưa biết thực hư thế nào, trên một số tờ báo chính thống và trên một số trang mạng ồn lên tin Ngân hàng Nhà nước và đứng sau là nhiều vị tai to mặt lớn đang cấu kết, tổ chức các đường dây buôn lậu vàng. Chỉ khổ những người “rửng mỡ vì tiền đi mua vàng dự trữ !” Vì sao giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới, vì sao nhập hàng chục tấn vàng cho ai và ai được nhập, vì sao có “đấu thầu vàng” vì sao lại giao độc quyền sản xuất vàng miếng?  Có “sự loạn” ngân hàng ở tầm vĩ mô không? Tại sao lại như vậy ?
Về các tập đoàn kinh tế quốc doanh thua lỗ, xập xệ, trong đó có một số tập đoàn, cực chẳng đã phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, dân chúng nghe thông tin Nhà nước rất hạn chế hàm lượng thông tin, nghe thế nào thì biết thế ấy, trong khi mọi người muốn biết nhiều hơn, bản chất hơn. Chỉ nghe láng máng thì không bao giờ tin và không đủ cơ sở để tin, nên nhân dân cứ cho là mình bị lừa.
Những con số thất thoát không rõ ấy phải chăng không phải là tiền đóng thuế của dân ? Vinasin bây giờ ra sao? Ông Nguyễn Sinh Hùng lớn tiếng cách đây một năm là sẽ khôi phục và phát triển, nhưng bây giờ sau một năm rồi, sau xử án Tổng giám đốc rồi, còn hình thù nó ra sao, còn thấtthoát nữa không, dân mù tịt không biết.
Dân không được biết Chính phủ mình, tỉnh mình, huyện xã mình làm gì sử dụng tiền ngân sách để làm gì thì làm sao dân tin được.  Nhiều vấn đề hiện nay thông tin chính thống cũng mập mờ “đánh lận con đen” cứ coi dân là một lú “cừu non” hoặc là dốt nát không biết gì. Như vậy, khi cần phải huy động sức dân để đối phó với thiên tai, lụt lội, chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi thì lại to mồm “nhân dân là sức mạnh quyết định”.
Vì thế, để củng cố lòng tin với nhân dân, và để nhân dân tin vào Đảng và Nhà nước, nhất là sắp họp Quốc hội kỳ thứ 5 và họp BCH trung ương Đảng lần thứ VII (Khóa 11), chắc là có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến tồn vong đất nước, chế độ và sự nghiệp của Đảng. Nhân dân muốn được biết độ một phần nghìn sự thật quanh ba vấn đề lớn chúng tôi nêu trên đây, chứ cũng không dám biết tất cả mọi vấn đề đâu. Tất nhiên, dân cũng biết không thể công khai nhiều vấn đề thuộc về an ninh quốc phòng và bí mật quốc gia. Liệu các nhà lãnh đạo tầm vĩ mô có dám làm chuyện này không?
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
…………………………………………………………..
Đoàn Vương Thanh, tức Nguyễn Thanh Hà, 79 tuổi, cựu phóng viên TTXVN,
ĐT 0166 83 83 020 và 0321 6295 440. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com