Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

SUY GẨm . . .



KHI ĐẤT NƯỚC KHÔNG THỂ ĐỨNG LÊN

Tản văn của Thùy Linh
Picture 605Hôm nay, khi đất nước tôi không thể đứng lên. Thét vào mặt quân xâm lược những lời yêu nước.
 
Biển Đông không thể dậy “sóng Bạch Đằng” chôn thây kẻ cướp.
 
Tiếng sóng biển xa không còn hát những khúc tráng ca bi hùng thuở những đoàn lính Khao thề ra giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa không về. Những góa phụ đêm đêm nhìn ra biển ngóng chồng hết những mùa trăng thời con gái.
 
Biển Đông giờ ngập tràn tàu giặc, hung hăng, ngạo mạn, lớn giọng chửi càn.
Hôm nay, Đất nước tôi vẫn không thể đứng lên, dù một lần được thét gào “Nam quốc sơn hà nam đế cư” vào mặt quân cướp nước. 
 
Đất nước tôi quằn quại dưới sự thờ ơ, dối trá, ươn hèn. Những kẻ cam tâm bán Tổ quốc cho những dự án lớn nhỏ, những đồng tiền nhơ nhớp lót dưới những chiếc ghế chức quyền.
 
Bắt biểu tình viên lên xe bus
Bắt biểu tình viên lên xe bus
Đất nước tôi không biết đi về đâu khi tứ bề thọ địch, lòng người hoang mang, tức tưởi, phẫn uất bởi những kẻ ươn hèn, tham lam, khốn kiếp. Những kẻ đang được gọi là đồng bào nhưng dị mộng.
Đêm đêm những câu hát yêu thương về Hoàng Sa, Trường Sa thành tiếng ru thầm bên tai trẻ ngủ. Mai này lớn lên con có còn thấy được hình hài Tổ quốc nhìn từ nơi đảo xa? Con có được đứng lên vì Đất nước nhưng Ông Bà thở trước? Mong được như Triệu Thị Trinh “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Hải kình ở biển Ðông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối…”?
Nhưng con hãy giữ giấc mơ này trong tim vì Đất nước không thể không đứng lên vì nhân dân không biết sống quì dù quân thù lớn gấp trăm ngàn lần quê hương nhỏ bé. Hãy để những Trần Ích Tắc về bên kia Yên Kinh sống ô nhục với bầy quỉ dữ. Trả lại Đất nước thanh bình cho những mùa trăng.
 
Nhưng con hãy ghi sâu hôm nay Đất nước đã không thể đứng lên…

Nước dân ơi, thương biết bao nhiêu

Thơ Nguyễn Thông
Tôi viết entry ngắn này
Như đặt vòng hoa tang cho lòng yêu nước
Thương đất nước tôi
Thương dân nước tôi
Thương lòng yêu nước tôi
Bị những kẻ táng tận lương tâm chà đạp
Bị loài vô liêm sỉ vứt vào sọt rác
Biết bao giờ đất nước ngẩng đầu lên
Biết bao giờ
Hay không bao giờ nữaChủ nhật buồn
U ám dưới mặt trời
Lũ giặc Tàu cười khe khé đây đâu
Bọn tay sai ngọt ngào giấu dao sau lưng
Xô người yêu nước yêu dân xuống vực
Thương nhân dân tôi
Thương đất nước tôi
Biết bao nhiêu
Thương biết bao nhiêu…
9.12.2012
  Theo blog NT


SÀI GÒN MIT TINH


Huỳnh Ngọc Chênh
Anh Huỳnh Tấn Mẫm , nhà báo Lê Phú Khải, Lưu Trọng Văn...đã đến địa điểm mit tinh
Anh Huỳnh Tấn Mẫm , nhà báo Lê Phú Khải, Lưu Trọng Văn…đã đến địa điểm mit tinh
NQL:Ai buồn vì biểu tình bị chính quyền chặn đứng nhưng mình lại vui, niềm vui khó nói nhưng rất vui.
—————
4 giờ sáng đã nhận tin nhắn của Lê Hiếu Đằng: CA vây quanh nhà. 5g nhận tín nhắn của Cao Lập: CA vây quanh nhà.
Trên đường ra quận 1 cà phê thì nghe tiếp thông tin của nhiều người. Anh Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng, Cao Lập bị vây tại nhà, CA vòng ngoài, vài người quen biết vào trong nhà…chuyện trò đấu lý với nhau. Riêng nhà anh Đằng bị khóa cửa ngoài. Rồi lại nhận được tin anh Huỳnh Tấn Mẫm thoát ra khỏi nhà, đi được đến nhà hát lớn, GS Tương Lai bị bắt trên đường đi đến điểm Mit Tinh.
Đang ngồi trong quán cà phê trên đường Lê Lợi từ rất sớm, đến lúc 8g kém, định tính tiền để bước ra thì nhà văn Nguyễn Viện tới và ngay sau đó rất nhiều người mặc thường phục xuất hiện khắp nơi trong, ngoài quán cà phê. Nguyễn Viện gọi nước chưa kịp uống đã lo đi. Ngay sau đó hai “anh bạn” ập vào ngồi kèm hai bên tôi, giới thiệu danh tính rồi nói nhẹ nhàng nhưng rất kiên quyết mời tôi ra về. Tôi nói chỉ ngồi đây uống cà phê, không ra ngoài nhưng hai anh bạn vẫn kiên quyết mời  ra về ngay tức khắc. Đành về thôi, lúc ấy vừa đúng 8g30.
Bị áp tải về đến nhà, vào mạng thấy anh Huỳnh Tấn Mẫm, Phạm Đình Trọng, Lê Phú Khải, Lưu Trọng Văn và nhiều người khác đã vào được khu vực mit tinh. Các bạn trẻ không vào được thì tụ tập rất đông bên ngoài và tổ chức mit tinh bên ngoài. Sau đây là một số hình ảnh mit tinh tại Sài Gòn lấy từ trên mạng.
Anh Cao Lập không ra được khỏi nhà nên gởi mail thông báo mit tinh tại nhà với nội dung sau:
Công an ngồi quanh nhà hơn chục … cán bộ phường vào nhà vừa doạ bước ra khỏi nhà là bị bắt ngay lại vừa năn nỉ với tư cách là những người từng công tác chung ở Quận 5. Mời họ ra nói là để đi nghỉ mà tiếc cho buổi sáng nay .Lên phòng viết mấy chữ và biểu tình chống Tàu một mình ở nhà
Anh Cao Lập lại thông báo:
Giờ này 10g30 công an , an ninh các loại vẫn ngồi trước nhà , quân số giữ nguyên .Lấn thêm một bước là đem áp phích dán trước cửa nhà và nói với anh em đang thi hành nhiệm vụ là khẩu hiệu này nói thay cho nhiều người kể cả các bạn .Vậy là vẫn an vị tại gia và nói đươc điều cần nói với bà con trong khu phố đi qua đi lại và cả các sai nha của nhà càm quyền nữa .Tự an ủi cho đỡ buồn phần mình , dù sao sự xuất hiện của anh Mẫm là cũng đủ rồi .Đúng là lãnh tụ phong trào đô thị miền 
Còn nhà thơ Đỗ Trung Quân thì bắt đền Ba Sàm như sau:

lỗi tại Ba Sàm

bởi Trung Quan Do vào 9 tháng 12 2012 lúc 10:06 ·
Thức trắng vì bồn chồn.cảm giác chưa từng vì không phải lần đầu tiên xuống đường.5g30 sáng tôi lững thững đi bộ lên Sài Gòn,nhập vào một vài người chạy thể dục .[ mình chỉ đi thôi ,không chạy …nổi ].nhảy vào công viên chi lăng cũ nay là Vincom center ngồi quan sát.Barie và lực lượng dân quân đã được huy động vào nhiệm vụ
Trời đã sáng rõ.
Tôi đi vòng ra Hai Bà Trưng lên phía sau Nhà Hát Thành Phố cũng vẫn trong vai người tập thể dục, buộc tóc đuôi ngựa và bỏ kính cận vào túi [ thấy gì cũng lờ mờ ] phải thế vì hy vọng cái bản mặt quá quen của tôi an ninh chìm nổi rải chung quanhsẽ không nhân ra trừ để y như cũ. Tôi mò vào được continental chỉ duy nhất mình ngồi,chọn chỗ khuất sau rèm quan sát lực luộng áo vàng xám đang tụ tập giao nhiệm vụ , lẫn an ninh chìm ngồi rải rác bên công viên đối diện.tôi có điện thoại , anh Cao Lập cho biết các anh Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu và Cao Lập đang bị an ninh chốt giữ tại nhà.Anh Lập dăn tôi cẩn thận bị định vị nếu gọi điện trong khu vực phong tỏa .ttước đó vài phút,tôi cũng cho anh Ba Sàm biết một ít tin tức quanh khu vực và chỗ tôi ngồi.
7g 00 vẫn còn vắng.trước Nhà Hát Thành Phố đang xếp những dãy ghế nhưa cho cuộc hòa nhạc nào đó.Tôi phóng ra chặn hai người khách du lịch nước ngoài nhờ họ bấm nhanh cho vài pô ảnh trước khi lực lượng an ninh phát hiện ra mặt tôi rồi trở và continental tiếp tục uống cà phê và quan sát.
Nhưng rồi an ninh thường phục xuất hiện ngay bên cạnh “ anh Q ! tôi nói chuyện “ trong tíc tắc tôi nghĩ thầm an ninh sài gòn cực giỏi ,góc khuất thế , sau tấm rèm che mà vẫn túm được tôi. Vị trung tá tên Tg tự giới thiệu và yêu cầu tôi về nhà.tôi từ chối “ tôi đang cà phê sáng.” Ông trung tá nói chúng tôi biết anh.việc này để nhà nước lo và anh đừng để kẻ địch lợi dụng.hôm qua thành phố đã làm việc với các vị khác,nếu anh từ chối rời chỗ chúng tôi áp tải anh về.luận điệu“ để nhà nước lo…” khiến tôi ngao ngán tới nỗi không còn muốn tranh cãi điều gì ngoài khẳng định chúng tôi chống bọn xâm lược , đấy mới là bọn xấu. vị an ninh bỏ ra ngoài và yêu cầu tôi ngồi yên đấy. sau 15 phút một an ninh thường phục phóng xe đến.Tôi đề nghị tôi tự về, nhưng an ninh không đồng ý “ chúng tôi sẽ đưa anh về tận nhà.” Điện thoại tôi tắt và ra xe. 9g kém 20 p.
 Giờ đọc anh Ba Sàm tôi mới than trời biết được cái lý do mình bị phát hiện nhanh đến thế .ối anh Ba Sàm ôi ! anh đưa tin thế này có khác gì chỉ chỗ tôi khi họ vẫn theo dõi web của anh từng phút hôm nay: Nhà thơ Đỗ Trung Quân từ KS Continental-Saigon điện thoại cho biết: “Khắp khu vực quanh Nhà hát Lớn TP đã bị rào chắn, công an dày đặc. Ngoài 2 vị Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, còn có ông Cao Lập đã bị công an chặn lối ra khỏi nhà. Ông Huỳnh Tấn Mẫm có thể đã thoát, gọi điện thoại ông không nghe, có lẽ để tránh bị công an dùng kỹ thuật định vị”.
Tôi bắt đền anh công thức trắng , 6g30 sáng đi bộ khắp nẻo sài gòn để lọt được vào vị trí quan sát và tham gia số một này . Anh cứ đưa tin “ từ Sài Gòn…nhà thơ…” có phải ổn không nào.Hu! Hu!.
Tôi về rồi và điện thoại cũng được trả lại .
Giờ tôi cũng đang làm quan sát viên qua trang của anh đây.hix!
Nhưng An ninh vẫn ngồi ngoài kia !
Đóng chốt.







TUYÊN BỐ CỦA HỒ NGỌC NHUẬN – PHÓ CT UBMTTQVN-TPHCM


211  NqL: Thật sự bất ngờ và xúc động khi biết ông Hồ Ngọc Nhuận đương giữ chức Phó chủ tịch UBMT Tp HCM. Thật đúng như Ba Sàm đã bình luận:ông Hồ Ngọc Nhuận sẽ đi vào lịch sử trong vai trò một giới chức cao cấp nhất đương tại vị trong hệ thống chính trị do ĐCSVN cầm quyền, lần đầu tiên công khai lên tiếng, kêu gọi mít tinh (biểu tình) chống bọn bành trướng Bắc Kinh
Hoan hô ông Hồ Ngọc Nhuận!
1/ Trước hành động ngày càng ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc Kinh, ngày càng leo thang khiêu khích và phá hoại đất nước chúng ta trên tất cả các mặt, thì người Việt Nam nào còn chút hơi tàn đều phải tỏ thái độ ít nhất là phản đối bọn chúng.
2/ Tôi kêu gọi lãnh đạo Đảng, chánh quyền Thành phố, các đại biểu gọi là của nhân dân, Quốc Hội, Hội Đồng, Mặt Trận Tổ Quốc các cấp hãy đứng về phía nhân dân, cùng họp mết tinh với nhân dân để biểu thị sự đồng tâm nhất trí của nhân dân và chánh quyền Việt Nam, không chấp nhận dã tâm bành trướng của bọn cầm quyền Bắc Kinh, muốn bằng mọi cách thôn tính nước ta.
 3/ Nếu Chánh quyền Thành Phố, Chánh quyền Việt Nam có cùng quyết tâm và tiếng nói với nhân dân thành phố, với nhân dân Việt Nam thì phải ủng hộ tiếng nói của nhân dân, phải cùng đứng chung với nhân dân, chớ không nên cản trở.
4/ Nhân dân ta có sự thật, có lẽ phải thì ta phải được nói, ta phải có quyền nói. Và nói mãi.
Không ai được bụm miệng chúng ta. Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam. Biển đảo Việt Nam là của dân Việt Nam. Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam. Đó là sự thật, đó là di sản ngàn đời do ông cha chúng ta để lại. Không liên tục nói lên sự thật nầy, và để cho bọn bành trướng Bắc Kinh liên tục khua môi múa mỏ nói láo trước thiên hạ về những điều chúng không có, về những gì chúng cướp giựt của chúng ta … là đắc tội với tổ tiên, là đắc tội với các thế hệ mai sau.
5/ Người Việt Nam yêu nước luôn đông hơn “kẻ xấu” và ngày càng đông hơn bao giờ hết trước âm mưu thôn tính nước ta của bọn cầm quyền Bắc Kinh. Ta không nên núp dưới chiêu bài “sợ kẻ xấu lợi dụng” để ngồi yên nhìn đất nước mất dần về tay bọn bành trướng Bắc Kinh. Kẻ xấu ngày nay chính là kẻ đã và đang muốn bụm miệng nhân dân Việt Nam, và bụm miệng cả chánh quyền Việt Nam. Kẻ xấu ngày nay chính là nhà cầm quyền bành trướng Bắc Kinh.
6/ Cá nhân tôi và nhiều người Việt Nam như tôi một ngày gần đây sẽ có tiếng nói với đại diện nhà cầm quyền Bắc Kinh tại Việt Nam và tại Thành phố Hồ chí Minh. Trước mắt, tôi yêu cầu ông Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ chí Minh hãy đến trực diện với nhân dân thành phố tại cuộc mết tinh để trực tiếp nghe và báo cáo phản kháng của chúng tôi đến chánh quyền của họ ở Bắc Kinh.
Thành phố Hồ chí Minh ngày 08-12-2012
Hồ Ngọc Nhuận
Địa chỉ 199/57B đường Lê Quang Định, Phường 7 Quận Bình Thạnh, TP Hồ chí Minh.




Giáo sư Tương Lai cấp báo


gs-tuong-laiGS Tương Lai, một trong 5 người ký tên đại diện cho 42 nhân sĩ trí thức trong bản Thông báo vừa gửi Cấp báo: Ngày hôm qua Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM Lê Minh Trí tiếp chúng tôi với thái độ rất hòa nhã. Những tưởng sau cái bắt tay nồng nhiệt với người đại diện cho chính quyền Thành phố, chúng tôi sẽ được tự do biểu thị lòng yêu nước của mình trước những hành động láo xược của nhà cầm quyền Trung Quốc, vi phạm trắng trợn chủ quyền của  đất nước ta. Nhưng sáng nay, ngay bây giờ, trên đường đi đến Nhà hát Thành phố, chúng tôi bị an ninh vây quanh xe taxi, không cho  chuyển bánh. Chúng tôi được biết các anh Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng cũng đang bị an ninh vây chặt, không cho ra khỏi nhà. Vậy xin cấp báo cho công luận trong và ngoài nước được biết. Tương Lai.”
8h05′: 1 CTV cho biết, “GS Tương Lai và vợ chồng ông Tống Văn Công bị bắt vào CA phường Tân Phong, Quận 7″.
NQL: Đương khi ông Hồ Ngọc Nhuận ra lời kêu gọi chính quyền hãy đứng về phía nhân dân thì hôm nay chính quyền vẫn ngang nhiên chặn đứng cuộc biểu tình chống bành trướng Trung quốc.
Uất nghẹn vì xấu hổ và nhục nhã!





Việt Nam là một trong những nước 'ít cảm xúc' nhất thế giới

Việt Nam đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc nhất, theo một cuộc khảo sát quốc tế.
Người Việt hạnh phúc thứ nhì thế giới

Người Singapore được đánh giá là "vô cảm nhất thế giới". Ảnh: informationnigeria
Theo kết quả được hãng khảo sát quốc tế Gallup công bố cuối tháng 11, chỉ có 40% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ trải qua nhiều cảm xúc trong một ngày.
Với tỷ lệ trên, Việt Nam xếp thứ 13 trong số những nước ít cảm xúc nhất, sau các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Madagascar, Belarus, Nepal...
Giữ danh hiệu "quốc gia ít cảm xúc nhất thế giới" là Singapore. Chỉ 36% người Singapore cho hay họ có những cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực mỗi ngày. Trong khi đó, Philippines được đánh giá là "quốc gia nhiều cảm xúc nhất thế giới" khi cứ 10 người được hỏi thì có tới 6 người chia sẻ rằng họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc mỗi ngày.
Để có được kết quả trên, Gallup đã tiến hành khảo sát ở 150 quốc gia trên thế giới bằng cách hỏi người dân ở những nơi đó rằng họ có trải qua 5 cảm xúc tích cực và 5 cảm xúc tiêu cực ngày hôm trước hay không. Các cảm xúc tích cực bao gồm được nghỉ ngơi đầy đủ, được tôn trọng, được hưởng thụ, cười nhiều, biết hoặc làm một điều gì đó thú vị. Các cảm xúc tiêu cực gồm giận dữ, căng thẳng, buồn phiền, đau đớn về thể chất và lo lắng.
Cảm xúc tiêu cực xuất hiện nhiều nhất ở vùng Trung Đông và Bắc Phi. Các nước Mỹ Latin lại dẫn đầu thế giới về niềm vui, với Panama, Paraguay và Venezuela giành ba vị trí cao nhất.
"Nếu xem xét Singapore bằng những chỉ số truyền thống, họ có vẻ là một trong những quốc gia tốt nhất thế giới", ông Jon Clifton, đại diện Gallup nói. "Nhưng nếu xét một cách tổng thể những điều tạo nên giá trị của cuộc sống thì họ chưa làm tốt".
Nhiều người Singapore thừa nhận họ gặp vấn đề về bày tỏ cảm xúc. Họ không được khuyến khích tạo ra sự khác biệt khi lớn lên. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và bình quân GDP trên đầu người cao, 5,2 triệu dân Singapore làm việc 46,6 giờ một tuần, giờ làm việc dài nhất trên thế giới.
"Chúng tôi được dạy tiến lên và không nên gây nhiều ồn ào", Leong Chan-Hoong, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore nói.
Businessweek cho biết các lãnh đạo Singapore đang cố gắng tạo ra một "xã hội thoải mái hơn". Tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Lý Hiển Long đã kêu gọi các bậc cha mẹ Singapore thả lỏng cho con cái họ được tận hưởng tuổi thơ. Tuy nhiên, theo ông Clifton, các lãnh đạo nước này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nhân Mã

Người Việt ta có vô cảm thật không?


Phương Bích
questionỜ, đọc bài Việt Nam là một trong những nước ‘ít cảm xúc’ nhất thế giới ( tại đây) mình thấy hơi tự ái. Sao họ lại đánh đồng tất cả thế nhỉ? Mình là người mau nước mắt, thấy từ con mèo con chó bị ngược đãi là mình nước mắt nước mũi dầm dề. Thấy kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu thì mình ước có võ để trừng trị kẻ côn đồ. Hễ nhắc đến chuyện bộ đội mình bị bắn ở Gạc Ma là nước mắt mình lại ngắn dài. Vậy mà họ dám đánh đồng mình vào nhóm người vô cảm nhất thế giới là thế nào?
Nhưng nói vậy, chứ nếu mình không vô cảm mà là “có cảm” thì làm gì được? Rất là lực bất tòng tâm, chứ chả phải là vô cảm.
Dây cà ra dây muống. Một người bạn nhắn tin:
-  Trên mạng vừa có kêu gọi biểu tình đấy!
-  Thế hả, ở đâu?
Hừ! Phen này dù đi Thanh Hà hay Lộc Hà cũng đành lòng.
Đừng nói là mình hiếu chiến, cứng đầu, thích quậy. Mình có tuổi, lại đau chân, đi lại lạch bà lạch bạch, nhưng mà thực sự là bực lắm rồi đấy! Suốt hai tuần nay, hết vụ Trung Quốc đóng cái hình lưỡi bò lên hộ chiếu của họ, lại đến vụ cắt cáp tàu Bình Minh làm dân tình sôi lên sùng sục. Nghe nói đến cả người Trung Quốc cũng không hài lòng về mấy cái vụ này, cớ gì dân ta cứ tự sướng thế nhỉ?
Ai chả nhớ hồi đầu năm nay, ở Hà Nội có 2 cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Ban đầu chính quyền không thích lắm, nhưng cũng chỉ lo dẹp đường khỏi “tắc”. Chỉ có mỗi cái hành động ngăn không cho đoàn biểu tình tiến đến trước sứ quán Trung Quốc là dở ẹc. Dân ta biểu tình phản đối rầm rầm, sứ quán Trung Quốc có đui mù gì đâu mà không biết. Vậy thì có đứng xa hay gần thì khác gì nhau mà phải ngăn? Để dân riếc cho đến nhục.
Đến cuộc thứ ba thì hẳn chính quyền lo ngại nó lại trở thành phong trào biểu tình như năm ngoái, nên lập tức ra tay trấn áp ngay từ đầu. Lại giở cái trò không được tụ tập đông người, công an thì đông hơn cả dân, cứ tóm lấy tống bừa lên xe buýt đưa sang Lộc Hà. Không phải ai cũng “hiền” như mình, bảo lên xe là lên, Thế nên mới có màn lôi kéo, khiêng vác, bế ẵm diễn ra trước bàn dân thiên hạ.
Mình cứ nghĩ bây giờ nếu bị bắt, nhất loạt người biểu tình cứ nằm lăn kềnh ra mặt đất thì sao nhỉ? Để khiêng một người ít nhất cũng cần có 2 người, vị chi là lực lượng bắt người cũng phải gấp đôi. Nhớ lại vụ ngày 5/8 năm nay, một cô bé bị bắt về Lộc Hà nghe lỏm được chuyện lập danh sách mỗi người  500. Chả biết 500 gì nhưng tiếng Việt ta thì chỉ có thể hiểu được là mỗi xuất 500 ngàn đồng. Thế thì là mỡ nó rán nó à? Tiền mình đóng thuế để họ đi bắt mình chứ họ lấy đâu ra để mà chia nhau? Đau thật! Vậy mà cái bọn bất lương nào đó lại ra rả bảo là đi biểu tình được tiền.
Nói thật là mình cũng chả thích biểu tình lai rai. Biểu tình là phải có sự vụ nào đó, vụ nào đi vụ đó, chứ biểu tình có phải là một nghề đâu mà đi liên miên cho được. Thế nhưng thói đời có tật thì giật mình, trong bối cảnh kinh tế xuống dốc, tham nhũng tràn lan, thất nghiệp thì sinh ra đói kém, trộm cắp, và đủ mọi thứ tội phạm nhan nhản…nên chính quyền cứ lo nơm nớp bị dân biểu tình đòi lật đổ. Cơ khổ, nếu xã hội chủ nghĩa tốt đẹp như các vị vẫn ca ngợi thì việc gì phải sợ?
Nhưng nói gì thì nói, mấy cái vụ hết sức láo toét của gã láng giềng to xác xấu tính gần đây là không thể chấp nhận được. Ngư dân sợ mất mạng nhưng vẫn ra khơi vì miếng cơm manh áo. Mình đi biểu tình chống Trung Quốc ở Thủ đô mà sợ công an hơn cả ngư dân thì hèn lắm. Mới đây mình giận dỗi bảo, cứ để đảng và nhà nước lo. Nhưng tất cả dân mình mà dỗi thế thì nguy to. Dỗi bố dỗi mẹ, dỗi người yêu thù còn được, chứ dỗi với đảng và nhà nước, để cho mỗi 3 triệu đảng viên lo chuyện quốc gia đại sự thì hỏng bét, thế thì chả phải chỉ có ải Nam quan, Gạc Ma, Bản Giốc …sẽ biến mất trên bản đồ Việt Nam thôi đâu. Thế nên lần này trên mạng kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc, mình không thể không đi. Mới tâm sự được đến đây, chợt ngó vào mạng thì thấy thông báo của 42 nhân sĩ trí thức Sài Gòn, bảo cũng sẽ tổ chức mít tinh phản đối Trung Quốc. Hoan hô Sài Gòn, thương Sài Gòn quá đi thôi.
Bận rộn mấy việc nên chưa kịp post bài. Cuối ngày về, nhận được mấy tin nhắn hỏi :
- Có dạt vòm không?
- Không! Sao phải dạt? Mình làm gì khuất tất mà phải dạt?
- Nhưng nhỡ bốn năm “thằng” nó chặn ko cho mình đi thì sao?
- Thì kêu ầm làng nước lên. Sao lại ngăn sông cấm chợ thế được.
Ờ, lần trước tôi trốn nhà để thử cảm giác xem nó như thế nào thôi, chứ có hoạt động bí mật gì đâu mà phải trốn chui trốn nhủi? Tôi đã quyết đi thì có mà giời ngăn. Giỏi thì các anh đưa lệnh cấm ra đây. Các anh dùng vũ lực giữ được thân thể tôi chứ làm sao giữ được những ý nghĩ và tiếng nói của tôi được. Hôm nay các anh ngăn cấm những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, ngày mai lịch sử sẽ phán xét hành động của các anh. 









“ĐÃ CÓ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO”: MỘT MỆNH ĐỀ SAI TRÁI TOÀN DIỆN

Đào Tiến Thi
C1210212-305[1]Vấn đề này cũng đã có nhiều người đề cập nhưng tôi thấy vẫn cần phải nói thêm nhiều điều, vì nó hết sức sai trái. Vì nếu vẫn tiếp tục được vận dụng thì hậu quả hết sức tai hại.
Không rõ cau khẩu hiệu này xuất hiện từ ngày tháng năm nào nhưng chắc chắn chỉ mới gần đây, khi lực lượng chức năng phải trấn áp những cuộc biểu tình chống sự xâm lược của nhà nước Trung Hoa Cộng sản (Trung Cộng). Trước đó ít năm, từ thời đói ăn bước sang thời kỳ đổi mới, một khẩu khẩu hiệu mọi người lấy làm phương châm nằm lòng là “Hãy tự cứu mình”. Nghĩa là ngay trong việc kiếm miếng ăn hằng ngày, Đảng và Nhà nước cũng không lo thay được người dân (hay chí ít mỗi người dân phải cứu mình trước khi được Đảng và Nhà nước cứu). Trước đó nữa, khẩu hiệu/ phương châm mà ai cũng phải thuộc lòng là “Mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người”. Câu ấy suy rộng ra nghĩa là: Đảng và Nhà nước vì nhân dân, và nhân dân cũng vì Đảng và Nhà nước, không ai được phép bỏ mặc ai.
  Thế thì vì lý do gì mà bây giờ người ta lại lấy câu “Đã có Đảng và nhà nước lo” làm khẩu hiệu, làm chân lý để giải tán biểu tình chống xâm lược?
Ta hãy bàn về chữ “lo” trước. “Lo” theo Từ điển Tiếng Việt có các nghĩa sau: 1. Ở trong trạng thái phải bận tâm, không yên lòng vì việc gì đó vì cho rằng có thể xảy ra (Con ốm, mẹ lo cuống quýt). 2. Suy tính, định liệu, chuẩn bị điều kiện, biện pháp để có thể làm tốt việc gì đó thuộc về trách nhiệm của mình (Lo xa). 3. Để cả tâm trí và sức lực vào nhằm làm tốt và thực hiện cho được một công việc cụ thể nào đó (Lo học).
Như vậy, từ “lo” trong câu đang bàn thuộc nghĩa thứ hai. Đảng và Nhà nước “lo” tức là đề ra chủ trương (chiến lược, sách lược) và chịu trách nhiệm về những thành bại do chủ trương ấy.
Đảng và Nhà nước lo việc chống xâm lược thì đúng rồi, nhưng chỉ có (và chỉ có) Đảng và Nhà nước mới có quyền được lo việc chống xâm lược thì lại sai.
182158_10151035638612328_681421634_n
1. Về lý thuyết, mệnh đề “Đã có Đảng và Nhà nước lo” trái với tất cả các nguyên lý (đã được nêu thành khẩu hiệu) trước đó. Ví dụ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; Quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử (triết học duy vật lịch sử của CN Mác – Lênin), Dễ muôn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong, v.v.. Ngoài ra nó còn trái với cả Hiến pháp hiện hành. Điều 73 của Hiến pháp  viết: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Và Điều 53: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân”.
Ở đây cũng cần phải xác định rạch ròi “Đảng” là ai, “Nhà nước” là ai, “nhân dân” là ai.
Nhân dân thì thật dễ xác định. Đó là tất cả những người lao động không nằm trong bộ máy quyền lực. Nhưng “Đảng”, “Nhà nước” thì không đơn giản. Một đảng viên sai trái mà kết luận rằng Đảng sai trái thì sẽ là không “biện chứng”. Đảng ở đây là Đảng Cộng sản Việt Nam, là một thực thể nhưng là một thực thể khá trừu tượng. Vì Đảng cầm quyền thông qua bộ máy Nhà nước. “Đảng lo” phải chăng tất cả các đảng viên của Đảng đều lo? Không phải. Vì chỉ một số ít đảng viên giữ các chức vụ trong bộ máy Nhà nước, còn đa số không có quyền lực gì hơn người ngoài Đảng, nên họ chỉ là Đảng “làm”, không phải Đảng “lo” (có muốn lo cũng chịu), cho nên thực chất những đảng viên này cũng là nhân dân. Vậy Đảng “lo” là các cán bộ có chức có quyền? Cũng không hẳn. Vì hệ thống Đảng là một hệ thống tuân thủ theo thứ bậc rất chặt chẽ, nhất nhất theo chỉ đạo của cấp trên, không thể tự mình “lo” (việc của mình) được. Mỗi cấp uỷ Đảng lo cho cấp dưới còn việc của mình thì lại có cấp trên của mình lo. Cứ dồn ngược mãi lên thì Đảng “lo” là 14 vị U.V. Bộ Chính trị hoặc chỉ là ông Tổng bí thư. Nhưng Điều lệ Đảng lại không quy định ông Tổng bí thư hay Bộ Chính trị, hay BCH Trung ương phải chịu trách nhiệm về những điều nói trên.
Tóm lại, vẫn biết “Đã có Đảng lo” nhưng cụ thể ai lo thì không xác định được!
Tình hình đối với Nhà nước cũng tương tự như vậy. Tuy Nhà nước là một thực thể dễ xác định hơn (có bộ máy hành chính – công vụ, có quân đội, có luật pháp, có ngân khố quốc gia và nhiều tài sản khác), nhưng Nhà nước (ở ta) lại chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; nói cách khác, tất cả bộ máy Nhà nước là nơi hiện thực hoá chủ trương của Đảng. Cho nên Nhà nước cuối cùng cũng không phải chịu trách nhiệm về chính mình. Một chứng cớ hùng hồn chứng minh cho điều này là trường hợp đồng chí X vừa rồi, sau khi bị phê phán, đồng chí X đã nói rất rành mạch, tự tin (và có lý nữa), rằng tất cả do Đảng phân công, do Đảng chủ trương chứ đồng chí ấy không xin Đảng cái gì, cũng không làm trái Đảng điều gì.
Cho nên, vẫn biết “Đã có Nhà nước lo” nhưng khó mà truy ai lo, ai phải chịu trách nhiệm việc gì.
2. Về thực tế, chỉ trong mấy năm gần đây đã cho thấy Đảng và Nhà nước không thể tự mình lo được việc chống giặc ngoại xâm.
Chỉ tính từ khi nhà cầm quyền Trung Cộng có nhiều hành động xâm phạm quá đáng chủ quyền của Việt Nam, và vì thế xảy ra biểu tình chống Trung Cộng, bắt đầu từ 12-2007, và do đó xuất hiện khẩu hiệu “Đã có Đảng và Nhà nước lo”, đến nay vừa 5 năm, thì tình hình chả hề tốt lên; trái lại ngày càng xấu đi. Việc bắt bớ ngư dân hồi 2007 trở về trước còn lẻ tẻ thì nay xảy ra như cơm bữa. Riêng năm ngoái hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta. Còn tính riêng từ cuối tháng 6 đến nay, trong vòng 6 tháng, Trung Cộng đã liên tiếp vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam:
- Mời thầu 9 lô dầu khí trên vùng biển của Việt Nam.
- Đưa hàng nghìn tàu thuyền rầm rộ vào đánh trong vùng biển của Việt Nam.
- Nâng cấp huyện Tam Sa (gồm Qđ. Hoàng Sa và Qđ Trường Sa của Việt Nam) thành thành phố Tam Sa, xây dựng trên đó ngày càng đầy đủ một đầu não hành chính, kinh tế và quân sự.
- Lần thứ ba cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta. Đáng chú ý là nó diễn ra tại địa điểm gần bờ của Việt Nam hơn hai lần trước và tàu vi phạm là tàu cá chứ không phải tàu hải giám. Đáng chú ý hơn nữa là: trong ba ngày đầu khi ta im lặng thì Trung Cộng cũng im lặng, nhưng sau khi chính phủ ta tuyên bố phản đối thì họ đổi trắng thay đen, chối phắt chuyện cắt cáp và dựng chuyện tàu thăm dò dầu khí của ta xâm phạm vùng biển của họ.
- Và sắp tới đây, nhà cầm quyền Trung Cộng còn cho phép cảnh sát tỉnh Hải Nam lục soát, chiếm tàu hoặc tịch thu các hệ thống liên lạc trên tàu trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (toàn bộ đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tich Biển Đông). Nếu chủ trương này không bị ngăn chặn thì khu vực nằm trong đường lưỡi bò chẳng bao lâu sẽ thuộc về Trung Quốc.
Tục ngữ Anh có câu “Cái tường thấp mời kẻ trộm”. Những hành động ngày càng trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Cộng ngoài lý do tham vọng quá lớn ở Biển Đông còn có lý do quan trọng là do Đảng và Nhà nước Việt Nam phản ứng quá yếu ớt. Và xu hướng không hề sáng sủa. Có lẽ chúng tiến đến đâu thì ta lùi đến đó!
Vì sao có tình trạng ấy? Vì Đảng và Nhà nước gần như đối đầu với nhân dân trong vấn đề chống xâm lược. Nhà nước đàn áp khốc liệt các cuộc biểu tình chống Trung Cộng. Vậy làm sao Trung Cộng không được đà lấn tới? Chúng ngày càng coi Đảng và Nhà nước Việt Nam không ra gì hết, nên cứ thỉnh thoảng lại “bóp mũi” để ra một yêu sách mới.
Vì Đảng và Nhà nước tự cô lập mình nên trở nên đơn độc. Mà đơn độc thì yếu đuối. Vả lại, không có nhân dân hậu thuẫn nên cũng không có áp lực về vấn đề chịu trách nhiệm. Mất toàn bộ Qđ. Hoàng Sa năm 1974 không ai chịu trách nhiệm. Mất đảo Gạc Ma trong Qđ. Trường Sa năm 1988 không ai chịu trách nhiệm. Những năm gần đây tàu Trung Quốc tự do ra vào đánh cá trên vùng biển của ta, 3 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta, liên tiếp bắt bớ đánh đập ngư dân ta, rao bán các lô dầu khí của ta,… nhưng cũng không quan chức nào phải chịu trách nhiệm.
Ngược lại lịch sử trước đó chưa lâu, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân lo đánh giặc thì khác hẳn. Dưới đây xin trích một số câu thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mấy năm đầu kháng Pháp cũng đủ thấy cái không khí “toàn dân lo” chứ chẳng bao giờ chỉ có Chính phủ lo: Toàn dânkháng chiến, toàn diện kháng chiếnChí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào! Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/  Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!(Xuân Đinh Hợi, 1947). Toàn dân đại đoàn kết/ Cả nước dốc một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công. (Xuân Mậu Tý, 1948). Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua(Xuân Kỷ Sửu, 1949).
Nhìn lại lịch sử Việt Nam, triều đại nào dựa vào dân thì mạnh, xa dân, đối đầu với dân thì yếu và quân xâm lược thừa cơ đó mà thôn tính. Chỉ xin lấy hai triều đại làm ví dụ.
Thời nhà Trần (thế kỷ XIII), do “vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước góp sức” (lời Trần Quốc Tuấn) nên ba lần đánh thắng giòn giã quân Mông – Nguyên, một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới đương thời, một đội quân gây tang tóc cho cả hai châu lục Á – Âu.
Thời nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX) do chính sự hà khắc, nhân dân oán thán, cho nên triều đình tuy có kháng chiến nhưng do dự, lừng chừng, trong lúc có giặc ngoại xâm mà vẫn đàn áp nhân dân một cách khốc liệt, do đó không bao giờ dám kiên quyết với giặc, làm cho quân Pháp có điều kiện gặm dần nước ta. Một điều gần như quy luật trong cuộc chiến này là: khi quân Pháp yếu, bị các đội nghĩa binh tự phát của nhân dân bao vây, đánh tỉa thì chúng tìm cách “hoà” với triều đình; khi chúng mạnh thì chúng mở rộng xâm lược, bất chấp những hoà ước đã ký. Còn phía triều đình thì lúc nào cũng chỉ lo cầu “hoà”, thậm chí để được lòng quân Pháp, có lúc triều đình tìm cách hạn chế hoặc đàn áp các đội nghĩa binh đang tích cực kháng chiến. Nguyên nhân sâu xa là do vua quan quá nhiều quyền lợi phi nghĩa, dẫn đến tư tưởng sợ dân hơn sợ giặc. Đi với giặc vẫn tưởng bảo tồn quyền lợi nhưng rút cục khi đủ mạnh, quân Pháp đánh một đòn quyết định buộc triều đình đầu hàng (điều ước Harmand, 25-1883). Một cuộc phản công muộn màng do phái chủ chiến tiến hành sau đó (7-1885) không lấy lại được thế thất bại.
Khẩu hiệu “Đã có Đảng và Nhà  nước lo” hiện nay còn nguy hiểm ở chỗ nó tạo nên sự lười nhác và vô trách nhiệm trong mỗi công dân. Tình trạng vô cảm mà ai cũng có quyền kêu than chắc chắn có sự góp phần của cái mệnh đề trên. Điều này trái hẳn với truyền thống dân tộc khi cha ông vẫn dạy “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Thật xấu hổ khi chúng ta nhắc đến cậu bé Trần Quốc Toản bóp nát quả cam lúc nào không biết vì mải nghe các vương hầu luận bàn kế đánh giặc, hay chàng trai đan sọt Phạm Ngũ Lão mải lo việc nước mà ngựa của Hưng Đạo Vương đi qua không biết cho đến khi bị quân lính đâm giáo vào đùi.
Chỉ nhắc đến thế thôi cũng đã thấy cái cực kỳ vô lý và phản động của câu khẩu hiệu “Đã có Đảng và Nhà  nước lo”. Ai là người đề xướng ra khẩu hiệu này? Tôi nghĩ chắc chắn không phải các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước mà chỉ do ai đó “sáng tạo” trong quá trình thực thi công vụ phi lý là dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Cộng mà thôi. Thật là lợi bất cập hại cho chính Đảng và Nhà nước. Tới đây chẳng lẽ lùi mãi trước những hành động ngang ngược của Trung Cộng? Cuối cùng khi đã bị dồn đến chân tường, tôi nghĩ Đảng và Nhà nước vẫn phải chống Trung Cộng xâm lược. Nhưng lúc ấy liệu nhân dân còn ủng hộ? Giả sử lúc đó quân đông, vũ khí tốt thì còn làm được gì? “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”, bi kịch ấy của Hồ Nguyên Trừng, một vị tướng tài ba xuất chúng thời nhà Hồ chả lẽ không khiến ai hôm nay mảy may xúc động?
ĐTT

Tham nhũng và… tham Biển Đông.


Kỳ Duyên
384689_508572339169518_1134843707_nNQL: Có lẽ đây là bài viết hay nhất trong năm 2012 của nhà báo Kỳ Duyên, hoa khôi Hà Thành những năm bảy mươi, cựu phóng viên báo nhân dân. Bài viết có tên: ‘Bản năng’ và những phát ngôn ấn tượng.
 Có dân tộc nào mà lịch sử lập nước, giữ nước lại luôn phải đối đầu với “lòng tham” như dân tộc Việt Nam? Tham nhũng và… tham Biển Đông.
 Trong tuần này, có một câu chuyện nhỏ, mà phạm vi bàn luận của nó vô tình lại rất lớn
Nỗi S ám ảnh
Đó là bài văn nghị luận của một nữ sinh phổ thông về chủ đề: Sợ.
Chỉ có mỗi chữ Sợ, nhưng nó “gói trọn” cả hiện tượng tâm lý loài người, mang tính bẩm sinh và bản năng, trước cái đa dạng, đầy bất ổn của đời sống. Từ thuở hồng hoang ở trần, mặc áo vỏ cây đến thời hiện đại, con người có đủ các thương hiệu thời trang nức tiếng thế giới Gucci, Versace, Louis Vuitton, Dolce Gabbana (D&G), DKNY…
Nhưng nỗi sợ vẫn cứ là một tâm thức thường trực khi đời sống ngày càng văn minh. Có nỗi sợ của con người mang tính phổ  biến: Sợ chết, sợ thất bại, sợ khó khăn…. Cũng có cái sợ cao quý- “sợ phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Để cuối cùng bài viết bàn về cái sợ “phải đạo”- biết sợ pháp luật. Thực chất, đó là nỗi sợ khi phải đối diện với “tòa án lương tâm”.
Những nỗi sợ mang tính thuận lẽ đời.
Có điều, em nữ sinh chưa biết giờ đây, khoa học còn chứng minh, có những nỗi sợ quỷ quái ám ảnh con người. Bởi thế  giới thì vô cùng rộng lớn, còn con người lại vô cùng mong manh, bé nhỏ. Thế giới vô hạn, còn con người hữu hạn.
Đó là sợ Thứ 6 ngày 13, cái ngày mà những người phương Tây đặc biệt kiêng kị, xa lánh, lo rủi ro. Đặc biệt, có những nỗi sợ rất ngược với niềm đam mê của người Việt, người phụ nữ Việt. Đó là: Sợ số 666. Sợ…tiền. Sợ soi gương…
Có những người sợ thứ 6, ngày 13
Cũng có nỗi sợ chung, mang tính phổ biến của thời công nghệ điện tử phát triển – nỗi sợ phải sống “thiếu điện thoại di động”. Đó là nỗi sợ không có thông tin. Con người ta hoặc giầu lên, hoặc nghèo đi về trí não, hoặc thành công, hoặc rủi ro, thất bại trong sự nghiệp nhiều khi cũng bởi hai chữ – thông tin này đây!
Có cả nỗi sợ rất đáng thương, làm cư dân mạng xôn xao như mới  đây. Đó là người hành khất Jeffrey Hillman trên  đường phố New York được người cảnh sát tốt bụng Lawrence DePrimo tặng cho đôi giầy mới trị giá 100 USD, khi thấy ông chân trần giữa giá rét.
Dù vậy, người hành khất tội nghiệp này đã không dám xỏ chân vào giầy. Đơn giản, ông sợ bị mất, hoặc bị mất mạng vì món ”tài sản” lớn bất ngờ. Lòng tốt đặt đúng chỗ, nhưng sự hàm ơn thật cay đắng làm sao. Đó là nỗi sợ của con người khốn cùng, không nơi bấu víu, dù ông có hai đứa con đã trưởng thành.
Nhưng có một nỗi sợ rất “nghịch lý”, từ lâu, trở thành nỗi ám ảnh chung với nhiều người trong xã hội. Bởi tính vô đạo của nó. Và nó tàn phá niềm tin ở không ít con người lương thiện.
Đó là nỗi sợ của người ngay sợ kẻ gian, người chính trực sợ kẻ ăn cắp, tham nhũng, người đứng đắn sợ kẻ “Chí Phèo”.
Bài viết của cô nữ sinh chưa trải nghiệm, vô tình chạm đến nỗi đau sâu sắc của cả xã hội.
Đó là mới đây, các báo liên tục đưa tin người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng gặp gỡ các cử tri Hà Nội sau Kỳ họp Quốc hội khóa XIII.
Chưa bao giờ, những bức xúc của cử tri lại bộc lộ thẳng thắn đến thế. Vì họ chưa hài lòng với kết quả phê bình và tự phê bình theo NQ Trung ương 4. Bởi phát động thì rầm rộ mà…. Thậm chí, nhiều vị ra trước QH chỉ “nhận trách nhiệm” là xong.
Nhiều cử tri còn đề nghị vạch rõ đích danh chân tướng “một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái”.
Ông Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai), nguyên Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch, thế hệ những con người một lòng một dạ đi theo lý tưởng vạch rõ: Đó chính là những kẻ tranh thủ một thời làm quan, cậy quyền, cậy thế để vơ vét, đục khoét tiền của dân, của nước. Lớp người này lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, cái lọng để che thân, làm cán cân của công lý, làm cái cần cho lý trí, tiền là hết ý…
Dân không hiểu vì sao cả bộ máy lại không có sự chuyển biến? Thất thoát cả trăm nghìn tỷ đồng mà chỉ cần một lời xin lỗi là xong? Như vậy thì muôn thuở không chống được tham nhũng mà chỉ mở đường cho tham nhũng.
Ông Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) e chủ trương này lại tiếp tục “ngâm tôm” kéo dài như rất nhiều Nghị quyết khác của QH, lúc ban hành thì rất rầm rộ nhưng hiệu quả chưa thấy đâu vv…và…vv…
Đó là những phát ngôn của người dân đầy ấn tượng.
Là những nỗi sợ cay đắng.
“Nếu chỉ có sự kiên nhẫn, bền bỉ, chống tham nhũng khó đạt hiệu quả triệt để”
Nhưng vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng cũng có phát ngôn ấn tượng không kém: Rất khó để ai đó tự nhận ra khuyết điểm của mình. Đụng đến lợi ích là va chạm, là phản ứng, nhất là khi lợi ích đã thành nhóm. Ông còn mượn một câu vè của dân gian, thâm thúy: Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.
Đụng đến miếng ăn- miếng nhục, dù là miếng tồi tàn, đâu dễ. Có lẽ chưa bao giờ vị cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng lại phải thú nhận đau xót về sự băng hoại đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đến như vậy.
Nhưng ông cũng đủ già đời, cái già đời của người chuyên hoạt động ở chính trường, khi cảnh báo: Không nên xem chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm vừa được QH thông qua là “cây đũa thần”, đưa ra là giải quyết ngay được nhiều vấn đề. Bởi trong thực tế vẫn còn có nhiều người không chịu thừa nhận khuyết điểm, sai lầm của mình.
Đó là một nỗi sợ khác, sợ nhận… khuyết điểm!
Nhưng xin đừng tưởng đó là nỗi sợ yếu đuối. Đó đích thị là nỗi sợ của sự gan lì, trơ trẽn, vừa bản lĩnh, vừa dày dạn cuộc đời. Nỗi sợ đó có hai mặt: Mặt bên này là sợ, vì sĩ diện cho thanh danh. Nhưng mặt bên kia, là… không hề biết sợ.
Cái sự ”không hề biết sợ” đó được sản sinh ra trên nền tư pháp chưa đủ mạnh. Bởi lợi ích nhóm vốn là thứ lợi ích chằng chịt, xen kẽ, không dễ bóc tách, như vị cán bộ cao cấp nhất từng chia sẻ. Mà nỗi sợ “đụng chạm” cũng là nỗi sợ cố hữu của người Việt, từ lâu. Rút cục, dĩ hòa vi quý.
Bởi nếu biết sợ, ”một bộ phận không nhỏ cán bộ” đã không suy thoái đến mức tham nhũng trầm trọng, tàn phá niềm tin của người dân, đặt miếng ăn lên trên hết!
Vì thế, mới đây, tại cuộc Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 11 vừa tổ  chức, ông  David John Whitehead, Chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Hà Nội (Auscham) cũng cho rằng nếu chỉ có sự kiên nhẫn, bền bỉ, chống tham nhũng khó đạt hiệu quả triệt để.
Không biết những ngọn lửa chống tham nhũng được nhóm lên trong lò, có đủ sức nóng lan tỏa làm ”tan” tảng băng tham nhũng chình ình trên mặt nước không?
Giữa lúc ”văn hóa từ chức”  còn… nhùng nhằng, kiểu anh hai “về”, quan họ chúng em vui mừng, thì mới đây, Huấn luyện viên bóng đá Phan Thanh Hùng, sau thất bại của Đội tuyển VN ở AFF Cup 2012, đã thẳng thắn tuyên bố từ chức. Bóng đá VN có thể có nhiều đường đi… lắt léo, nhưng cái sự từ chức vì chưa tròn trách nhiệm, hoặc do bất lực, lại rất thẳng thắn, đàng hoàng, đáng mặt quân tử!
Đó mới chính là lòng tự trọng, là biết sợ với lương tâm của mình trước xã hội.
Sự thách thức của chữ Sợ?
Nhưng cả xã hội Việt Nam chúng ta những ngày này, cũng dường như đang phải đối mặt với sự thách thức cân não của chữ Sợ? Khi mà vụ việc hộ chiếu “lưỡi bò” còn chưa lắng xuống, gây nên nỗi tổn thương lớn trong lòng mỗi người Việt yêu nước, yêu tự do, độc lập dân tộc, thì mới đây, một vụ việc cố tình gây tổn thương khác của Trung Quốc lại xảy ra.
Đó là sự cố ”gây đứt cáp” tàu Bình Minh 2 tại vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Theo VietNamNet, ngày 6/12, 4 giờ 05 phút, rạng sáng 30/11, tàu Bình Minh 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị các tàu Trung Quốc phá hoại cáp thu nổ địa chấn tại gần vùng biển gần đảo Cồn Cỏ.
Một quan chức của PVN cho biết, hàng mấy chục tàu cá Trung Quốc “bủa vây” tàu Việt Nam, không chỉ xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, với số lượng rất lớn, tập trung ở khu vực từ Cồn Cỏ đến Nam Tri Tôn, có ngày lên tới hơn 100 lượt chiếc. Lần này là thủ đoạn mới, vừa đánh bắt hải sản trái phép, vừa cản trở, xâm hại tài sản của PVN ngay trong vùng biển Việt Nam.
Sự ngang ngược, cố tình xúc phạm, và xâm phạm chủ quyền này xảy ra giữa lúc đoàn đại biểu nhà nước TQ vừa có chuyến đi thăm VN, do một quan chức cao cấp dẫn đầu.
Thật lạ cho cách ứng xử  vừa vi phạm luật pháp quốc tế, vừa vi phạm đạo lý của con người ở thời đại văn minh: Miệng nói lời hữu hảo, hành động xâm phạm chủ quyền nước chủ nhà. Tìm trong từ điển, thật khó có một khái niệm nào, nói về “tình bạn” lại trái ngược đến thế: Lời nói hay và việc làm dở. Lời nói đẹp và việc làm xấu.
Ngay tờ New York Times của Mỹ, ngày 5/12 mới đây cũng phải dẫn lời Giáo sư ĐH Bắc Kinh Zhu Feng: Hành động gây đứt cáp tàu Bình Minh 2 là “rất phản cảm”.
Tàu Bình Minh 2 bị “gây đứt cáp” tại vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam.
Có dân tộc nào mà lịch sử lập nước, giữ nước lại luôn phải đối đầu với ”lòng tham” như dân tộc Việt Nam? Tham nhũng và…tham Biển Đông.
Tham nhũng chưa có phương cách diệt được, bởi lợi ích nhóm có nhiều chiếc vòi bạch tuộc. Mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố về nạn tham nhũng, Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 11 bậc so với năm ngoái.
Thì nay, đất nước lại phải tiếp tục đối mặt với lòng tham “cường quốc đại dương” của Trung Quốc. Với những chiếc vòi bạch tuộc còn thâm hiểm hơn, bất ngờ hơn và  ghê gớm hơn, đe dọa an ninh quốc gia, chủ quyền độc lập dân tộc, đe dọa cả các nước trong khu vực có lợi ích từ Biển Đông.
Đó là Chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh kinh tế. Điều đó, đòi hỏi dân tộc Việt không bao giờ được cả tin, không bao giờ được ngây thơ vào “lòng tốt” đầu môi chót lưỡi. Và phải có nhiều phương án đối phó khôn ngoan, tỉnh táo, trong một thế giới nhiều bất an, bất ổn, phải giao hảo với “bạn láng giềng” nhiều mẹo lắm mưu, mà mưu nào cũng hiểm.
Để có thể chung sống trong thế giới đó, bảo vệ được độc lập, chủ quyền, mà không bao giờ đánh mất mình, như câu kết của bài văn về nỗi sợ.
Nhưng dân tộc Việt chúng ta có S không?
Câu trả lời mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Không thể chấp nhận các hành động của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, tính từ bờ biển, theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc.
Trước đó, Việt Nam không đóng dấu vào hộ chiếu của du khách, mà cấp thị thực rời, không rơi vào cái bẫy thừa nhận yêu sách đường lưỡi bò. Cũng tức là không công nhận bản đồ chín đoạn.
Sâu xa hơn, câu trả lời của dân tộc Việt còn nằm ở lịch sử hàng nghìn năm bị Bắc thuộc, vậy mà đất nước Việt Nam vẫn mãi thuộc về người Việt Nam. Nằm ở lòng yêu nước Việt muôn đời mạnh mẽ như những con sóng bạc đầu. Nhất là những ngày này, hàng trăm, hàng nghìn bài viết trên các trang mạng, mạnh mẽ và quyết liệt một tinh thần giữ nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Câu trả lời của dân tộc Việt nằm ở ý chí bảo vệ độc lập tự do dân tộc mãi sáng lòa và sắc nhọn. Ở bản sắc văn hóa Việt chưa bao giờ bị đồng hóa. Ở tiếng nói Việt kiêu hãnh và ở đức tin mãnh liệt từ trong quá khứ, cái Thiện vẫn sẽ chiến thắng cái Ác.
Xã hội sẽ  ra sao nếu như ai ai cũng không biết sợ pháp luật? Xin mượn câu hỏi của em nữ sinh, tác giả bài văn nghị luận về nỗi sợ, để làm cái kết của bài này.
Chỉ xin sửa lại một chút: Xã  hội sẽ ra sao, thế giới này sẽ ra sao, nếu như có những kẻ tự cho mình cái ”đặc quyền” không hề coi pháp luật xã hội, pháp luật quốc tế là ”cái đinh gì”?