Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Một số bài thơ ......tt 02



Trăng hạ tuần

Khuya rồi trên chốt gác dưới trăng
Ngước mắt nhìn xem dáng chị hằng
Hôm trước vừa xuân nay đã hạ
Nghĩ đời sao ngắn quá ơi trăng

Mải miết đùa vui nơi phố thị
Núi rừng hiu quạnh nhớ mà chi
Chắc giờ nơi ấy đà hoang vắng
Nên mới ngại ngùng bước chân đi

Làm lính tiền đồn yêu mến trăng
Yêu từng giọt sáng ánh vàng trong
Giận trăng vì cớ gì đền trễ
Cho núi đồi mê mải chờ trông.
Tà Nghẽn, 10-10-1979


Chuyện con đường

Anh không về quê hương kể em nghe
Chuyện con đường in bóng hàng tre
Con đường nhỏ như nụ cười tươi trẻ
Dấu bàn chân che bóng anh qua
Quê hương ta...
Đâu thiếu những con đường
Nhuộm lá yêu thương
Đêm trăng về hai đứa mình mơ ước
Bên em anh kể chuyện ngày xưa
Em mỉm cười mái tóc đong đưa

Hôm nay anh kể chuyện con đường
Anh đã đi qua em chưa lần đến
Con đường nhỏ nhuộm màu lá đẹp
Ghi lòng anh trên những bước chân
Có lá có hoa ngát hương thơm dào dạt
Có chú nai tơ nhìn ánh mắt ngỡ ngàng

Đâu phải đường Trường Sơn
                     nhuộm nắng ban mai
Con đường dẫn đến tương lai
Anh đang đi và đang đi mãi
Con đường không tính bằng cây số
Đi bằng ngày đường in nét kẻ bản đồ
Ô nối tiếp ô
Vạch bút chì cắt từ ô nhỏ
Trinh sát đi đầu cỏ tre gục xuống
Tranh nghiêng người né bước chân qua
Suối róc rách chào anh chiến sĩ
Chim rừng vui hót chúc người đi
Vượt núi băng sông
Con đường dẫn anh đi tìm cuộc sống
Cho đất người nở cánh hoa tươi
Cho dân Campuchia thoát vòng diệt chủng
Em nhé! Anh sẽ hẹn một ngày xa tới
Về quê hương anh kể em nghe
Chuyện con đường có bóng hàng tre
Anh đi qua bằng bước quân hành tuổi trẻ.
Chốt Tà-nghèn,16-10-1979.
Xa chốt

Chào chốt nhé ta đi
Chào tất cả những gì
Trong căn nhà hầm ta dựng nên
Mai này ta lại đến
Nơi ta chưa một lần đến
Nơi ấy cũng rừng núi cũng đồi cao
Nóng bỏng thay đoạn giao thông hào
Chiếc áo giáp che từng viên đạn địch
Mai đây giã biệt
Nghe lòng mình xao xuyến bước chân
Đời lính chiến buồn vui trên vạn nẻo quân hành
Xa rồi ta nhớ...
Ghi lòng ta bao kỷ niệm nên thơ
Sáng mai chốt rồi
Lưỡi cuốc mang theo lật thêm màu đất mới
Đất xa ta nhưng ta vào đất lạ
Bên ta đất che chở cho ta
Ta giữ đất đất nuôi ta sống
Đất nuôi đời ươm lá mầm non
Ta sẽ đến nơi đâu còn bóng giặc
Biên giới này biên giới quê hương
Đẹp sao như những con đường
Màu đất đỏ dẫn ta vào chốn mới
Ta đứng vững vì ta chiên thắng
Ta sẽ vui và đang đi tới
Đất nước này đẹp những cánh hoa tươi
Đêm xa chốt, 18-10-1979.


Tình đồng đội

Này bạn, này đồng chí tôi ơi!
Nhanh lẹ vào đây vui với tôi
Một mẩu thuốc tàn vừa kiếm được
Bên trong đống rác ở ven đường
Đồng chí làm hơi, tôi làm hơi
Hút cho quên lãng cả đất trời
Cho bay tâm trí cho quên hết
Quên hết mộng mơ, quên hết đời
Ta chỉ còn đây ta với ta
Quạnh hiu giữa chốt tháng ngày xa
Lúc ghiền bươi rác tìm mẩu thuốc
Nhớp nhúa vi trùng ta cho qua
Trên chốt B6 14-4-1980.

Nhật ký mang theo
Xa quê hương đánh giặc tận trăm miền
Bút mực nào kể hết chuyện hôm nay
Nhật ký mang theo là những gốc cây
Ghi bao kỷ niệm mến thương đời lín
Đường hành quân xuyên qua từng giấc ngủ
Vo ve nhạc muỗi ngỏ lời ru
Lưỡi lê súng bỗng dưng thành bút sắt
Viết vào đây dòng nhựa đỏ chảy ra
"Kỷ niệm một chiều tháng ba..."
Bao nhiêu ấy cũng làm tôi nhớ mãi
Bóng mẹ hiền vào trận chiến hôm nay
Phút giải lao cũng vội vàng để lại
Kỷ niệm tháng ngày hai tiếng "Mẹ ơi!"
Mẹ ơi! Con nhớ mẹ đêm này...
Lúc leo dốc xung phong vào đồn giặc
Súng địch im rồi đi vào chiến thắng
Buổi sáng phục kích

Mặt trời còn ngủ say
Đã thức dậy vội vàng
Bao xe đạn gọn gàng
Chúng tôi đi phục kích
Trên con đường tĩnh mịch
Dấu mòn bước chân qua
Rừng xanh ru tiếng lá
Vui vui con chim nào
Tiếng hót thánh thót cao
Chim vui chim có hay
Những chàng trai chiến sĩ
Không quê hương nơi đây

Chim vui chim có hay
Lũ bạo tàn Pôn-pốt
Không một chút nương tay
Giết người không gớm tay
Đập đầu thiêu tro đốt
Tàn ác hơn Hít-le
Chim vui chim có nghe
Tiếng người dân vô tội
Rên xiết khắp đất trời
Chúng muốn biến Ăng-ko
Xinh tươi thành địa ngục
Cái mưu đồ diệt chủng
Đã hai triệu người dân
Thành tro than bón ruộng
Chim vui chim có hay
Nghìn em bé "chăn thay"
Tuổi đầu vừa lên bảy
Bơ vơ khắp mọi miền
Cha mẹ bị chúng giết
Búa đập đầu máu rơi
Giờ ta nói chim ơi!
Cuộc vui thôi hãy tạm
Theo ta làm cách mạng
Quét sạch lũ hung tàn
Cho đất nước ngàn năm
Trời xanh tươi thế kỷ
Muôn hoa thơm đua nở
Lung linh bóng Ăng-ko
Cho trăm nghìn em nhỏ
Tung tăng dưới mái trường
Mùa xuân về trở lại
Đất nước đẹp ước mơ
Việc cách mạng còn nhiều
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Chim bay chim dẫn dường
Ta đi vào phục kích
Chim bay trên đầu địch
Chim báo hiệu cho ta
Đường dài đường còn xa
Ta đi thôi chim hỡi
Lào xào lá dưới chân
Điểm phục đã đến gần
Mìn địch giăng ta gỡ
Nắng hồng đẹp nên thơ
Ta như người thợ săn
Đang rình mồi thằng địch
Bên gốc cây im lìm
Chờ nghe tin chiến thắng...
Tình đồng chí

Cơm ăn chung, chiếu ngủ chung
Bót kem khăn mặt vẫn dùng đôi ba
Thuốc rê một điếu phì phà
Tới năm bảy miệng có là sao đâu
Lúc công tác lúc ốm đau
Lúc thương, lúc bệnh giúp nhau từng giờ
Tình đồng chí là bài thơ
Dệt vần tha thiết dưới cờ tự do.
Ngày 11-7-1980


Mẹ có biết không?

Mẹ có biết không đêm nay trời trở lạnh
Đứa con trai đang ngủ giữa rừng xanh
Chiếc võng tấm tăng không ngăn nổi gió mùa
Cơn rét buốt mưa ngày chưa ngớt
Mỗi bước chân đi đất nhầy trơn trợt
Bộ chiến y thấm ướt bốc lên mùi

Đường hành quân đi nối bước cha ông
Con lớn lên trong dạn dày mưa nắng
Mang chí căm hờn trên đôi vai nặng
Đi diệt thù giữ đẹp giữ màu xanh
Cho đất nước Ăng-ko tươi đẹp yên bình
Đường thốt nốt ngọt ngào đoàn kết
Điệu múa lăm thôn thêm tha thiết dịu hiền
Con của mẹ đã lớn lên từ chiến trường lửa khói
Bởi đoạn đường đi có thấm máu rơi
Có trong tim tình yêu bất diệt muôn đời
Yêu tổ quốc yêu những người cùng khổ
Lòng ấm lại trên đoạn hào biên giới
Con đi theo lời Đảng gọi
Tự do, áo ấm cơm no
Cho những ai còn khổ
Tuổi thanh xuân con xin dâng trọn
Cho Tổ quốc mình, cho Đảng quang vinh
Dù mưa tuôn, dù đất nhầy trơn trợt
Lắm muỗi rừng lắm vắt lẫn máu rơi
Dù phong ba bão táp đầy trời
Đi theo Đảng con nguyện lòng đi tới

Con của mẹ đã lớn lên rồi trong ấy
Khói lửa chiên trường mẹ chưa lần trông thấy
Đêm nay trời lạnh gió đông
Nơi quê nhà mẹ có biết không?
9-7-1980
Thư gởi mẹ

Con gởi mẹ lá thư viêt từ biên giới
Nơi chiến trường nơi lửa khói máu rơi
Súng nổ rền vang từng giờ từng phút
Đồng chí của con vừa ngã xuống rồi
Quê hương mình giờ có nắng mẹ ơi?
Giữa đỉnh Pai-lin chiều nay mưa vội
Áo trận ướt mềm con ngồi phục kích
Bên kia biên giới thằng địch
Biết chiều nay chúng có lội sang?
Khẩu súng bao xe con đã sẵn sàng!

Gió thổi mạnh không xua tan bầy muỗi đói
Con vắt thật nhiều hút máu chảy đỏ tươi
Lòng mênh mang nhìn chiếc lá vàng rơi
Nơi đây là vùng biên giới
Điểm chốt trên đồi cao lắm mẹ ơi!
Ngày nắng mòn lưng theo gùi nước
Đất khô đâu thấy bóng cải trời
Bữa canh rau phải từ xa đem tới
Ăn quá ngon hơn mọi thứ trên đời

Con vẫn khỏe mẹ ơi con nhớ!
Tháng ngày xưa như những giấc mơ
Áo ướt chiều mưa tan trường nghịch nước
Mẹ thay cho con chiếc mới vội vàng
Đâu rồi một khoảng thời gian
Con của mẹ lớn lên đi làm chiến sĩ
Mưa ướt áo hoài vạn nẻo quân hành đi
Đâu có mẹ bên chiều nay thay áo mới
Nhớ thương ơi, cao ngất đất trời.
Con nhớ mẹ nhưng mẹ ơi có nhớ
Có thương con xin hãy yên lòng
Đất nước thanh bình nhiệm vụ làm xong
Ngày trở lại quê hương sum họp
Con sẽ kể thật nhiều chuyện trên đỉnh chốt
Có vắt có muỗi rừng nhiều lắm mẹ ơi!
Có súng nổ đạn rền và có máu rơi
Đất khô không có cải trời
Nhưng tình yêu có trăm nơi chất chồng
Điểm cao B6, 9-9-1980


Viết cho em

Anh việt cho em giữa đất này
Pai-lin-biên giới nắng ngày đêm mưa
Anh viết cho em vào lúc ban trưa
Lửa khói chiến trường còn vương mùi khen khét
Thằng địch bò vào tập kích
Đất đá tung trời những quả đạn B40
Vội vàng ôm cây súng ra công sự
Đồng đội anh đã dừng lại giữa chiến hào
Nghe đau thương căm giận nghẹn ngào ~

Anh viết cho em giữa trời biên giới
Nơi đây nhiều cạm bẫy giết người
Đi cải thiện vướng mìn máu chảy
Thịt người còn lủng lẳng cành cây
Và viết cho em bên gốc cây
Trong rừng thẳm anh ngồi phục kích
Đâu rồi dấu chân thằng địch
Lén lút từng nơi đi phá yên lành

Anh viêt cho em giữa trời li loạn
Miền biên thùy sương gió đời trai
Nhớ thương cao vút trời mây
Em ơi hãy đợi đến ngày đoàn viên
13-7-1980

Đất kim cương

Ngồi trông xa vùng trời Pai-lin
Mảnh đất cuối cùng của đất nước bạn
Mảnh đất cuối cùng chứa chất đầy bom đạn
Bẫy chông, mìn giăng khắp đó đây
Ai bảo kim cương trên chốt đất này?
Chỉ thấy máu hoà cùng máu chảy
Núi chất chồng cao lên vun vút
Xanh um rừng rậm cỏ cây
Mỗi bước chân đi gập ghềnh chiếc bẫy
Mìn nổ vang rền, thịt nát xương bay
Kim cương đâu trên mảnh dết này?
Trên con đường đỏ ngầu máu chảy!

Anh chưa về thăm em
Anh chưa về thăm em
Khi chiến trường ngập lửa từng đêm
Đạn réo bom rơi súng nổ vang rền
Máu vấy máu trong những giờ xung trận

Anh chưa về thăm em
Lúc chiều sương thấm ướt mềm
Phục kích từng đêm tròn xoe đôi mắt
Cái rét run run nhưng thêm bầy muỗi vắt

Giữa rừng khuya anh nhớ đến em
Kỷ niệm nào thật đẹp những đêm trăng
Dối cha hai đứa vờ đi học tổ
Có ai biết mình mang theo sách vở
Để ghi chuyện tình và chuyện lứa đôi
Trao nhau từng ánh mắt bờ môi
Nghe trái tim yêu thương

Đêm nay ngồi phục kích giữa mùa trăng
Bỗng vang bên tai lời em dặn
Nhớ về thăm em, ôi thương quá
Màu áo học trò em gái phương xa

Anh chưa về thăm em
Khi chiến trường đạn bom réo gọi
Máu vẫn chảy giữa rừng biên giới
Khi mảnh đất còn khét mùi thuốc súng
Anh chưa về thương quá em ơi!
14-7-1980
Bạn hy sinh

Trưa hôm nay
Con chim rừng không hót
Mây buồn ôm kín núi non
Tin anh mất bay vội về trên chốt
Tôi ngẩn ngơ như kẻ mất hồn
Anh ơi! Đồng chí!
Giọt lệ nhoà thương tiếc người đi


Sáng hôm nay

Cục cơm vắt và khẩu súng trong tay
Anh đi vào trận tuyến
Nơi phục kích là nơi nhận diện
Quân thù kia có mặt giữa rừng xanh
Tiếng xung phong vang dội âm thanh
Anh xông tới quân thù bạt vía
Anh xông tới anh là người chiên thắng
Anh ngã xuống rồi cho đẹp mãi đêm trăng
Anh ơi anh! Ơi người đồng chí
Vội vàng sao một sớm ra đi
Tuổi thanh xuân anh tô thắm đất trời
Mãi nhớ trong tôi tên anh người chiến sĩ


Nghĩ về cái chết

Đời người ai không một lần chết
Chết sao cho rạng rỡ thanh danh
Chết ốm đau, cái chết đã đành
Chết vì già yếu là trời định
Chết trước quân thù mới chết vinh
Chết không khúm núm không sợ sệt
Trước súng giặc thù vẫn đứng lên
Chết như thế ta không tiếc chết
Chết để cho đời mãi nhớ tên
Chết rủi ro ấy trời đã định
Chết vì tự tử chết đáng khinh
Cho thiên hạ suốt đời mai mỉa
Nhục nhã nghìn thu tiếng để đời
Đời chỉ một lần chết ai ơi
Chết sao cho xứng với cuộc đời
Ta hãy hiên ngang dù phải chết
Để người mãi nhớ sử ghi danh.
Réo gọi

Tôi réo gọi từng lời trong nhịp thở
Trả lại đây ngày ấy còn thơ
Tuổi rong chơi tôi lỡ lần đánh mất
Tiếc thương sao cho mãi đến bây giờ
Trả lại đây áo học trò trong trắng
Bên bạn, bên thầy, bên tấm bảng đen
Hè vội đến ve sầu gọi nắng
Tiếng chia ly phượng nở đỏ sân trường

Trả lại đây dòng sông bao mến thương
Với cây đa che bóng bên đường
Buổi đi học về vui mải đánh bi
Quên cả cơm trưa mẹ phải đi tìm

Trả lại tôi tiếng cười vô tư ấy
Không vướng buồn khi nhìn dải mây bay
Mùa xuân đến mẹ may áo mới
Lỡ một lần đánh mất tuổi thơ

Ôi thời gian xin một lần dừng lại
Quay ngược về chốn cũ xa xưa
Ôi nàng tiên huyền diệu ngày xưa
Cho tôi trở lại tuổi thời niên thiếu.
16-7-1980


Tôi đi

Tôi đi vào ngày ấy
Hồn theo gió xa bay
Trong khung trời xanh thẳm
Nhìn nắng xuống cuối ngày

Tôi đi vào cõi ấy
Mùa thu nghe lá bay
Một lần ôm kỷ mềm
Vùi chôn thoáng dâu đây

Tôi đi vào chốn cũ
Chiều mây đến âm u
Thôi rồi tan vỡ mộng
Vào một ngày cuối thu

Tôi đi vào cõi chết
Mang theo nhiều dấu vết
Người yêu nhỏ quay lưng
Tan rồi bao mộng dệt

Tôi đi vào nẻo vắng
Nhìn lá úa băn khoăn
Một lần mơ lá chết
Hồn thấm lạnh cô đơn

Tôi đi vào biển hát
Một chiều rơi nắng vàng
Hàng dương mờ bóng dỗ
Ngoảnh mặt nhớ bàng hoàng

Tôi đi vào dĩ vãng
Dư hương rộn tiếng vang
Con đường yêu đã chết
Chân bước mau vội vàng

Tôi đi vào kỷ niệm
Khơi nhịp đập con tim
Nhìn con thuyền lờ lững
Gió lặng sóng im lìm

Tôi đi vào chiều hẹn
Đầy trời mây nhuộm trắng
Hồn vương bao nỗi nhớ
Gió đưa nắng xuống thềm

Tôi di vào trong mơ
Nhìn thấy em đứng chờ
Bên kia dòng sông vắng
Tôi chợt thấy bơ vơ

Tôi đi vào quên lãng
Mùa xuân phơi nắng vàng
Con đường nhuộm bóng mơ
Qua rồi bao dĩ vãng!
Tặng vật quý giá của một thời lịch sử

Lời bạt của nhà thơ
Phạm Tiến Duật


Qua nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng và anh Trần Duy Dũng, em trai liệt sĩ Trần Duy Chiến, tôi được cầm trên tay tập nhật ký của một trong những người con của Đà Nẵng anh hùng. 

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, tôi đã nhiều lần đến với các tỉnh miền Tây Cam-pu-chia, và ở chặng đường sau, chặng đường tình nguyện quân giúp bạn chống lại bọn Pôn-pốt diệt chủng, tôi lại có dịp trở lại Cam-pu-chia. Áy là năm 1986, khi đó Trần Duy Chiến đã hy sinh 6 năm rồi. 


Năm 1986 là năm nhân dân Cam-pu-chia đã gần như làm chủ được vận mệnh của mình, đội quân của Pôn-pốt đã tan tác thành các tốp phỉ trôi dạt trong các cánh rừbg bên kia biên giới phía Tây của họ. Thế mà tôi còn thấy bao mất mát, còn thấy bao gian lao. Năm 1986 còn thế, huống hồ những năm 1978 - 1980, những năm Trần Duy Chiến trực tiếp chiến đấu. 


Với riêng tôi, cuốn nhật ký và thơ sáng tác tại trận này trở nên hấp dẫn lạ thường, bởi phải lần theo bàn chân người chiến sĩ để nhớ lại những năm tháng lạ lùng, không thể gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới này, không thể lặp lại ở bất kỳ thời gian nào. 


Tại Nông Pênh, đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia (chặng đường sau đồng chí là Chủ tịch nước) và đồng chí Đoàn Khuê, Tham mưu trưởng (chặng đường sau là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đều cùng đặt câu hỏi với tôi là tại sao, tại sao, tại sao bọn Pôn-pốt lại có thể giết hại đồng bào của chúng tàn ác đến thế 


Trong nhật ký ngày 15-9-1979, có đoạn Trần Duy Chiến ghi: "… Hôm ở Long-cóp, khi đi truy quét qua một khu rừng, tôi có dịp chứng kiến những cảnh tượng ghê rợn: Người bị chết dưới hục nước chưa tan, có kẻ thịt đã bấy ra như mắm. Con nít có, người lớn có, chín mười xác người bị chất chồng lên nhau để đốt. Có người chỉ cháy cái đầu, cái mình còn lại khô queo và vàng cháy như một khối thịt quay. Nhiều lắm, cả một khu rừng chớ đâu phải ít. Đi ngang khu rừng, cả đơn vị như chạy. Cái khăn ướt luôn che kín mũi, tuy thế mùi thối nồng nặc vẫn xông lên tận óc". 


Đất nước ấy đã trải qua những năm tháng rùng rợn của nạn diệt chủng nhưng cũng không làm mất đi cảnh sắc hùng vĩ của một mảnh đất văn hoá dày dặn. Đọc nhật ký, tôi bắt gặp cảnh tượng Trần Duy Chiến đứng ngạc nhiên trước các con đê khổng lồ của đất nước ấy. 


Vâng, tôi đã nhiều ngày bay trên trực thăng dọc dài biển hồ Tông-lê-sáp và đã trông thấy hệ thống thuỷ lợi của Cam-pu-chia. Biển hồ của đất nước ấy cho người dân bao nhiêu là cá, là đất mùm phì nhiêu, nhưng cũng gây họa không ít. Mỗi khi Biển Hồ dâng nước ngập đến các tỉnh miền Tây. Khi nước rút, để lại một vùng đất phèn mênh mông. Múc bát nước ở bất kỳ nơi nào, để một lát đã thấy đầy cặn vàng. Và muỗi, sốt rét ác tính dữ dội. 


Trong nhật ký, ngoài cái bệnh đau bụng, chính Trần Duy Chiến cũng bị các cơn sốt hoành hành. Trần Duy Chiến còn phải băng qua những gì của những tháng ngày gian nan ấy? Anh và đồng đội phải băng qua một vùng đất bị gài mìn khắp nơi. Có một thời, Cam-pu-chia là bãi mìn rộng nhất và dày đặc nhất thế giới. 


Năm 1986, tôi sang lại, năm mà bộ đội tình nguyện của ta sắp rút về nước mà tôi không thể nào thăm được Ăng-ko-thom. Chỉ có thể bay trực thăng xung quanh mà ngắm. Bộ đội không cho tôi vào: Xung quanh đền tháp đầy mìn! Tôi đã đặt chân vào Ăng-ko-vát, hiểu được một phần về các triều đại Gia-y-a Vác-man và Xu-ri-a Vác-man; hiểu một phần về các phiếm đá khổng lồ của các đền mộ táng mà không hiểu được cái tai hoạ ghê gớm mà nhân dân Cam-pu-chia phải chịu đựng mà những người chia sẻ là biết bao người con ưu tú của Việt Nam ta, trong đó có Trần Duy Chiến. 


Cũng như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm, Hoàng Kim Giao, Hoàng Thượng Lân, Trần Minh Tiến... và bao người con ưu tú khác của Đất nước, Trần Duy Chiến mãi mãi tuổi 20, mãi mãi đồng hành cùng tuổi trẻ và nhân dân cả nước. Những câu văn chưa kịp sửa, những dòng thơ chưa kịp chiết, dường như còn lấm đất chiến hào của Trần Duy Chiến sẽ là tặng vật quí giá của một thời lịch sử gửi tới bạn đọc 

Hà Nội, tháng 12-2005
P.T.D
 Logged

Một số bài thơ trong sổ nhật ký của Trần Duy Chiến



Phần phụ lục
Một số bài thơ trong sổ nhật ký của Trần Duy Chiến



"Trên chốt, tôi làm thơ cho tôi
Không hay, không dở cũng chẳng tồi
Không đăng báo được, tôi hút thuốc
Có thế thôi mà, có thế thôi..."
(Trần Duy Chiến, 15-9-1979)



Tạm biệt

Tạm biệt người thân, tạm biệt em
Thôi anh đi đừng buồn nghe bé
Cố vui lên vui để tiễn anh
Đừng khóc làm chi dị lắm nè
Thẹn với quê hương với bạn bè
Bé ơi! Sao bé cứ mãi nhè
Bé khóc làm anh ríu bước chân
Nửa hồn cho bé nửa bâng khuâng
Anh đây nào phải chẳng biệt buồn
Chẳng biết lòng mình réo gọi tuôn
Anh nghe hồn nhỏ từng giọt lệ
Nghe cả tim anh dậy yêu thương
Nhưng vì nhiệm vụ với quê hương
Có lẽ nào đâu chỉ ngồi nhìn
Đồng bào biên giới chịu tang thương
Giờ đây anh quyết phải lên đường
Đánh cho quân giặc chẳng lăm le
Giang sơn Tổ quốc vẹn mọi bề
Nhiệm vụ làm xong anh lại về
Vui buồn quân ngũ kể bé nghe
Yêu thương nối lại tơ lòng cũ
Tình sẽ mặn nồng ngát bể dâu.
6-10-1978.



Nhớ quê hương

Đà Thành ơi! Quê hương yêu nhớ!
Đã từng giờ nhắc nhở trong tôi
Từ đây cách trở phương trời
Xa rồi nhớ mãi những lời mến thương
Nhớ đêm trăng vấn vương mong đợi
Những chiều về phơi phới hồn tôi
Biển Đông nối tiếp chân trời
Bao la một dải sáng ngời hương quê
Nhớ Mỹ Khê nắng về tắm mát
Nhớ Bạch Đằng thơm ngát hương yêu
Sông Hàn đón gió hiu hiu
Đò ngang cập bến những chiều đón em
Nước trong xanh êm đềm sóng vỗ
Hồn Phật Đài khẽ bảo hồn ta
Mây chiều phủ kín Sơn Trà
Khói lam ôm ấp mái nhà thân yêu
Cầu tên anh mấy nhịp cô liêu
Hai đứa hẹn rồi dìu nhau bước
Quang Trung xanh mướt con đường
Kiền kiền bóng mát yêu thương nhộn đầy
Ngũ Hành Sơn trời mây sừng sững
Vươn cao mình thẳng hướng tương lai
Thằn lằn suối Đá chạy dài
Cho tôi nước mát nắng mai ấm lòng
Gió Thăng Bình ước mong rộn rã
Liễu Nam ô buông xoã tóc thề
Chuông chùa chiều xuống lê thê
Gió đông thức dậy sóng về cù lao
Hùng Vương đây ồn ào tấp nập
Sân Chi Lăng chủ nhật vui sao
Chợ Cồn lắm cảnh ra vào
Quốc danh chiếu bóng xôn xao rộn ràng
Còi tàu đến vang vang giục giã
Nắng xuân về ấm cúng sân ga
Lòng tôi rộn những thiết tha
Nhớ chi như nhớ đậm dà quê hương.
(Viết vào ngày Tết nhớ nhà)


Tôi mơ

Tôi có trong tôi một ước mơ
Không hiểu xây nên tự bao giờ
Có lẽ mùa đông vào năm ấy
Quân trường lộng gió thấy bơ vơ

Tôi mơ Tổ quốc sớm thanh bình
Mơ đất mơ trời thôi chiến chinh
Mơ một loài hoa rừng đẹp mãi
Tôi về nối lại khúc dây tình

Tôi còn mẹ già sống bơ vơ
Tháng năm mòn mỏi mắt trông chờ
Đứa con chinh chiến ngoài biên ải
Ghé về thăm mẹ đến bao giờ

Tôi có người thương nhỏ dễ thương
Ngày xưa hai đứa học chung trường
Hôm đi em tiễn nhòa lệ thắm
Giờ đây xa vắng nhớ thương thương

Có bạn bè tôi dăm bảy đứa
Đứa ra biên ải đứa Cà Mau
Đánh giặc giữ nhà đôi đứa mất
Đứa đi đứa ở vắng tin nhau

Rồi có ngày mai tan chiên tranh
Quê hương đẹp mãi thắm màu xanh
Súng đạn này đây tôi xin trả
Màu xanh áo trận tháng ngày xa

Trả lại những ngày sống quạnh hiu
Khói đắng vờn bay dưới nắng chiều
Hành quân vai nặng mồ hôi vã
Cục cơm ngày rưỡi bốc mùi thiu

Trả hết không còn giữ trong tôi
Tháng năm chinh chiến đã qua rồi
Còn đây kỷ niệm đời binh nghiệp
Vui buồn quân ngũ lắm chia phôi

Tôi trở về quê trở lại nhà
Tìm gặp em tôi, gặp mẹ già
Quỳ dưới chân người tôi sẽ nói
Mẹ ơi ngày tháng nhớ đã qua!
Định nghĩa tình yêu

Yêu là khi nhạc lòng lên điệu
Là tâm hồn ghi khắc hình ai
Là nhớ nhung mơ mộng suốt đêm dài
Là mong đợi bước chân người thương mến

Yêu là khi mắt nhìn nhau đầy âu yếm
Môi ngập ngừng mà nói chẳng nên câu
Mắt nhìn nhau như quên vạn u sầu
Và thấy cả cuộc đời lên sắc thắm

Yêu là khi kẻ xa người nhớ
Là mỏi mòn chờ đón bóng dáng quen
Là trao nhau bằng nụ cười ánh mắt
Là dìu nhau vào cõi mộng tình yêu.
Đêm 25-2-1979


Chuyện đêm

Chuyện đêm nay trên chột
Thì thầm vang dưới trăng
Chụm đầu năm ba thằng
Ngồi buồn buồn tâm sự
Cho vơi nỗi nhớ thương
Nó bảo nó xa vợ
Năm nay bốn năm tròn
Có được hai đứa con
Đứa sau chưa thấy mặt
Đứa trước nay chẳng còn
Nó bảo còn mẹ già
Đôi mắt đã mù loà
Hôm đi mẹ sờ nó
Nước mắt bà rưng rưng
Nó nói mẹ yên lòng
Con đi tròn một năm
Con lại về thăm mẹ
Nhìn xa vời ánh trăng
Tính chỉ còn ba hôm
Bốn năm tròn vừa chẵn
Nó chưa ghé lại nhà
Vợ nó thương nhớ nhiều
Viết thư bảo nó liều
"Anh cố... về thăm em "
Nó bảo thương thật nhiều
Nhưng chưa về thăm được
Khi trên mình đất nước
Còn mang bao vết thương
Khi lửa khói chiên trường
Cướp đi đồng đội nó
Nó kể chuyện quê hương
Giờ làm ăn tập đoàn
Sướng khổ hay gian nan
Mọi người cùng chung hướng
Ra đi rồi không lo
Gia đình gặp việc khó
Giúp đỡ có địa phương
Ngoài trời rơi hạt sương
Rừng khuya im lắng đọng
Phía hàng rào bố phòng
Mìn giăng cành khô rơi
Thỉnh thoảng nổ "ầm oang "
Giật mình trong bàng hoàng
Thương nó thương thật nhiều
Nhớ!

Quái, nhớ làm sao, nhớ nhớ hoài
Nhớ đàn em nhỏ, mẹ già nua
Năm canh trằn trọc nào đâu ngủ
Khi gió lẻn vào mái hiên thu

Nhớ nhớ làm sao, nhớ nhớ nhiều
Nhó bạn, nhớ thà lại nhớ quê
Nhớ chiều bơi !ôi trên sông nhỏ
Nhớ tối rong chơi nhớ nhớ ghê

Nhớ nhớ làm sao nhớ nhớ ai
Nhớ ai sao nhớ cả đêm dài
Nhớ làn môi thắm tóc ngang vai
Nhớ nhớ thương thương suốt đêm trường

Nhớ nhớ làm sao nhớ nhớ thương
Nhớ chiều kỷ niệm trên bờ mắt
Nhớ nửa đêm nao ai vấn vấn vương
Nhớ quá làm sao nhớ nhớ thương.


Bắt dế
(Viết cho những ngày không có thuốc hút)

Mỗi bước chân đi mỗi cái nhìn
Thử xem con dế nhỏ xinh xinh
Có nằm rơi rải lăn trên đất
Ta chộp cho vào túi ni lông
Dế mẹ, dế con lẫn dế cha
Dế than, dế đất đến dế bầu
Dế già, dế trẻ bắt hết
Tóm gọn vào bao đem về nhà
Ô kìa con dế chết nằm lăn
Đủ cánh còn râu lại nguyên răng
Vui sao ta đến chộp ngay chàng
Dế im thiêm thiếp chẳng hung hăng
Dế được đầy bao vui quá ta
Hai con nhập một rồi cho đá
Dế reo dế nhảy cho ra khói
Dế giúp cho ta đỡ khát thèm
Một cuộc tình

Một sáng mây trôi thấy hững hờ
Thu sang chợt lạnh lòng bơ vơ
Người công nhân trẻ quay về xóm
Mong gặp mẹ hiền thấy em thơ

Đâu đó xong xuôi bước vội vàng
Nhà Hà em gái ghé qua ngang
Vui vui trò chuyện ngày xa cách
Nào biệt tình yêu khẽ bước sang

Em kể đây rồi đất An Cư
Nơi người con gái tuổi yêu thương
Xuân xanh mười tám hoa ươm nở
Khơi rộn lòng tôi nỗi vấn vương

Tôi gởi hồn tôi đến nơi em
Thảm len chân bước vội ghé lên
Xem qua tường tỏ người trong mộng
Cho được thỏa lòng nỗi ước mong

Từ đó rồi đêm lại nôí đêm
Trăng thu soi mói chiếu bên thềm
Hồn như thoang thoảng cung trời ấy
Biệt tỏ cùng ai nỗi nhớ này

Một tối nghe lòng thúc giục tuôn
Nhạc tình bừng dậy réo điên cuồng
Băng xe tôi dêll tìm em để
Tỏ hết nỗi lòng dậy yêu thương

Cũng con đường cũ cũng lối mòn
Bao lần cùng bạn ghé qua ngang
Sao nay chân bước nghe khang khác
Nghe cả con tim đập rộn ràng

Vì chữ yêu kia réo gọi vang
Khiến tôi bất chấp ghé vô càng
Trước nhà khe khẽ run run hỏi
Ai đó hộ tôi chỉ giúp nàng?

Như chú nai vàng trông bỡ ngỡ
Ngước thìn người khách mắt thờ ơ
Mỉm cười em hỏi người dâu đó
Có việc chi cần hay đến chơi?

Ôi nụ cười xinh xinh quá xinh
Khiến tôi như máu ứ lên mình
Vận dòng can đảm đâu còn sót
Khẽ trả lời em anh đến chơi!

Từ đó rồi đêm lại nối đêm
Trăng vui trăng chiếu sáng bên thềm
Tình vui thoang thoảng hòa theo gió
Bên cạnh cuộc đời đã có em.

Đêm xuống cầu đen hai dứa hẹn
Ngồi nhìn sóng gợn nước tung tăng
Ru hồn vào mộng tình ân ái
Siết chặt đôi môi nguyện suốt đời.

Nho nhỏ thẹn thùng em vội hỏi
Vì sao hai đứa lại quen nhau
Vì sao đêm đền ở nơi cầu
Có kẻ đang hoà chung nhịp thở

Chẳng biết vì sao nữa em yêu
Có lẽ vì mây gặp gió chiều
Vì hoa nên bướm tìm bay dện
Vì bên yên bình thuyền ghé neo

Thẹn thẹn thùng thùng em quay mặt
Nhìn dòng nước chảy ánh sao giăng
Sương đêm ôm trọn hai hồn nhỏ
Đôi mái đầu xinh dưới ánh đèn

Chiều hẹn mây trôi trắng lững lờ
Phật đài hếu réo gió bâng quơ
Chim vui đôi lứa chim quên hót
Hai đứa bên nhau dệt ước mơ

Theo gió tình bay chót vót cao
Bướm xinh vui lượn vẫy cánh chào
Ngũ Hành Sơn dó dìu em bước
Dốc đá gập ghềnh em khẽ chao

Nhìn chiếc lá vàng rơi theo gió
Bồi hồi linh cảm nói trong lo
Nếu mai hai đứa mình xa vắng
Những kỷ niệm này em giữ cho

Quay mặt làm ngơ em dỗi hờn
Trách anh cứ mãi nghĩ đâu không
Yêu anh em nguyện yêu anh mãi
Đừng nói chúng mình đứa đôi nơi

Đừng nói mai kia rồi xa cách
Sẽ làm em khổ lắm nghe anh
Sẽ vùi chôn mât loài hoa nhỏ
Chôn mất hồn em mất tuổi xuân

Đôi mắt vướng buồn em cúi mặt
Giọt sầu lăn nhẹ thấm ướt khăn
Quàng tay ôm trọn đôi vai nhỏ
Khe khẽ hôn lên suối tóc mơ

Thôi nhé đừng buồn nữa nghe em
Đừng rơi giọt lệ lắm yếu mềm
Tình vui mình hãy vui lên đã
Vui mãi cho tình ta thắm hoa

Lặng lẽ chiều buông tự lúc nào
Chia tay lòng thấy quyến luyến sao
Tiễn chân em gái về xóm nhỏ
Nghe trái yêu thương chín ngọt ngào

Từ đó rồi tôi lại đi xa
Nhớ sao em gái ở quê nhà
Bước chân vồn vã quay về xóm
Gặp lại người thương mãi nhớ mong

Vẫn cái nhìn xưa đôi mắt xưa
Vẫn là làn môi đỏ hay hờn dỗi
Nhưng nay sâu kín buồn chan chứa
Bao nỗi sầu thương tận đáy lòng

Nghẹn ngào dòng lệ rơi trên má
Em kể đây rồi chuyện xảy ra...!
Tôi nghe tim vỡ tan từng mảnh
Và tựa hồ đang sống trong mơ

Đâu biết chiều kia là lần cuối
Gặp em rồi để mãi xa em
Tương tư ai gảy đàn ngăn cách
Giết chết hồn tôi giữa tuổi xanh

Thôi hết rồi đò đã sang sông
Người xưa nay dã bước theo chồng
Tập thơ ngày cũ em trao lại
Tình đã lỡ làng kẻ sang ngang

Đâu biết tình yêu là gian dối
Là buồn là hận lúc chia phôi
Là thương nhớ mãi người bên ấy
Là oán cho đời lắm chua cay

Từ đó rồi đêm lại nối đêm
Trăng lên trăng chiếu sáng bên thềm
Buồn ơi man mát lòng tôi nhớ
Một chút hương tình thoáng gợi lên

Tôi đứng đây hồn để đâu đâu
Dư hương ngày cũ bước qua cầu
Thuyền ai lơ lửng lòng tan nát
Lá rụng lìa cành thắm nỗi đau

Rồi một tình cờ tôi ghé lại
Trong chiều biển cát dưới Phật đài
Nhìn dòng nước biết buồn nhung nhớ
Nhìn nắng nhạt nhòa sóng lao xao

Kỷ niệm ngày xưa lại hiện về
Liễu buông tóc xõa đứng lê thê
Chim ơi đừng hát bài xa cách
Để kẻ tương tư phải chạnh lòng

Ai biết chiều nay tôi khổ mãi
Bồi hồi thầm gọi đền tên ai
N... ơi! Bên ấy còn thương nhớ
Những kỷ niệm đầu nay đã phai

Ôi đớn đau cho kẻ đợi chờ
Nhìn thu mây trắng thấy bơ vơ
Nghe từng giọt lệ rơi thương nhớ
Nghe cả linh hồn khóc trong mơ.
(Viết xong ngày 8-2-1979 để kỷ niệm mối tình tan vỡ).
Lưu niệm

Bạn hỡi, mai đây mình xa vắng
Còn gì buồn nhớ đền tao chăng?
Bên đơn vị ấy chiều xanh biếc
Có dừng nhìn mây trắng băn khoăn

Rồi một đêm nào gió Tây Nguyên
Len lén lùa vào thấm lạnh tim
Còn ai chung chiều chung chăn nữa
Lòng tưởng trong mơ tay với tìm.

Hay lúc trăng về buồn rưng rức
Nhớ đâu hai đứa chui rừng
Nơi trường ông Thịnh đi tìm sắn
Bụng đói kể gì vui nướng ăn

Buồn lắm bạn ơi! Lúc chia tay
Ta xa ta nhớ nhớ những ngày
Vui buồn học tập cùng bè bạn
Nắng sớm thao trường tiếng cười vang

Ôi! kỷ niệm nào không luyến tiếc
Không để giọt sầu lại trong tim
Bùi ngùi cũng chịu tìm đâu thấy
Bóng dáng người thân mãi nơi đâu

Rồi mai đây trên vạn nẻo đường
Bạn thấy lòng mình bỗng vấn vương
Nhìn đây dòng chữ mình ghi lại
Một chút gọi là nhớ nhớ thương.
Trưa 10-2-1979

Trong cơn mơ
Trong nắng vỡ chiều nay
Hồn mây nhỏ bay bay
Say sưa tròn nỗi nhớ
Gió ru nắng cuối ngày

Long đong từ sợi khói
Hồn bay bỗng trên cao
Con đường mơ lá chêm
Nghe hơi thở thì thào

Em ơi cuối chân trời
Chiều nay mây buồn tím
Tôi đi tìm kỷ niệm
Bằng những phút chơi vơi

Thương em nỗi nhớ không rời
Thương em trong giọt chiều rơi cuối ngày
Cây gầy bóng nắng đìu hiu
Em ơi hơi thở tình yêu bồi hồi


Nắng tàn phai

Chiều nay nắng cũng tàn phai
Theo trăm nỗi nhớ đổdài bóng mơ
Gọi em ngôn ngữ là thơ
Hẹn nhau sau dải sương mờ rất xa
Hồn ta thành những bóng ma
Tình cảm như thoáng mây pha tím sầu
Giờ em hiện diện nơi đâu?
Trong khung trời ấy có sầu hay chăng?
Chiều nay tím lạnh kết băng
Những làn mây trắng về giăng cuối trời
Dang tay nhặt mảnh tình rơi
Tên em khẽ gọi bằng lời hư không
Em như lụa trắng tơ hồng
Giờ đây ngập tắt cho không gian buồn


Phân trần

Anh sợ tình đầu mong manh như lụa trắng
Để rồi thương yêu như nước mắt tan nhanh
Anh yêu em yêu em rất chân thành
Phải chăng nhớ thương bây giờ...
Chỉ như hình hài in trên cát?
Cơn sóng vô tình đã làm tan biến thật nhanh
Anh sợ tình đầu xanh như màu lá
Sẽ úa vàng khi mùa đổi thu sang
Bao năm tháng em trông đợi mỏi mòn
Sẽ phai mờ mùa thu trở lại
Ta nhìn nhau giây phút ngỡ ngàng
Em cúi mặt quay lưng về nẻo khác
Để cho anh ôm chết cõi lòng yêu
Đức Cơ, đêm 10-02-1979


Rồi một hôm

Rồi một hôm nghe dđi như hoang phế
Và cuộc tình bỗng chắp cánh bay xa
Ta đứng đây trông bóng đổ nhạt nhoà
Gọi tên nhau một lần như vĩnh biệt

Rồi một hôm cuộc tình lên cỏ biếc
Nén hương tàn nguội lạnh những thương yêu
Em vẫn vui nhìn mây khói trong chiều
Cho bia mộ một lần vương bụi cát

Rồi một hôm gió reo buồn khung nhạc
Anh vẫn còn nghe khúc hát ngày xưa
Và bây giờ hồn chợt đổ cơn mưa
Ta xa lạ như chưa lần quen biên

Rồi một hôm mây buồn trôi li biệt
Kỷ niệm đầu dẫu đã cố chôn sâu
Vẫn còn đây cho ta những thương sầu
Đứng với gọi tên nhau buồn năm tháng

Rồi một hôm tưởng tình vùi quên lãng
Nhưng đâu ngờ tình sống dậy trong nhau
Khi gặp anh em ngượng ngập cúi dầu
Ôi chua xót cho tình ta khờ khạo.
Nhớ 10-2-1979

Trả em về ngày tháng chưa quen
Trả em về ngày tháng chưa quen biê
Trời sẽ buồn đêm không một ánh sao
Quả yêu thương chưa chín chẳng ngọt ngào
Anh lỡ hái trên môi mềm vị đắng
Anh không vui cũng chẳng buồn câm lặng
Vì cuộc đời còn nhiều nẻo chia xa
Anh đem thơ vào những khúc tình ca
Để một lần tạ ơn chân thành nhất
Khi gặp nhau em ơ hờ cúi mặt
Anh mỉm cười xóa vội nét buồn đau
Thôi bây giờ xin đừng nhắc tên nhau
Cho kỷ niệm trôi mau vào quên lãng
Ngày cũng sẽ chia ra chiều sáng
Trả em về với những ước mơ son
Anh lang thang trên những lối rêu mòn
Và bỏ lại sau lưng nhiều nỗi nhớ
Nhớ 10-2-1979


Trên cát biển

Em đếm dấu chân mình để lại
Rồi mỉm cười hát khẽ một bài ca
Tiếng thanh êm loang nhẹ giữa bao la
Đứng bất động nhìn biển trời xanh biếc
Trong bỡ ngỡ nghe hồn trôi nuối tiếc
Sóng vào bờ xoá vội những dấu chân
Và tên em viết lên cát mờ dần
Rừng dương liễu gió lên buồn tiếng nhạc
Tà áo trắng em bay tung gió mát
Nắng đổ dài bóng nhạt biển chiều mơ
Với cung trầm em đọc những bài thơ
Bằng mực tím ghi vào trang nhật kí
Theo lối nhỏ đi vào trong mộng mị
Sóng thì thào như muốn gọi tên
Em chạy nhanh cho kỷ niệm vùi quên
Như dấu chân nhạt nhoà trên cát biển.


Vẻ đẹp tâm hồn

Lòng em trắng hơn màu trinh áo lụa
Tim em hồng hơn sắc thắm môi hoa
Đây lời em như tiếng hát xa xôi
Và ánh mắt long lanh vì sao lạ
Tóc em xanh, xanh màu xanh của lá
Những sợi mềm vui đón gió mơ bay
Bàn tay thơm ươm mộng ước thơ ngây
Mười ngón nhỏ ôm thời gian níu kéo
Cho nhạc guốc mừng vui thêm vạn nẻo
Cho em cười trọn nụ thắm môi hoa
Khi hoàng hôn nhuộm tím khoảng trời xa
Không vương vấn mây buồn trong biển mắt
Những dòng máu trong tim về họp mặt
Như nhảy mừng đều nhịp cất tiếng ca
Em thánh thiện thiên thần mang áo trắng
Ôi linh hồn ngàn vẻ đẹp kiêu sa!
10-2-1979.


Trong một phút mơ

Trong một phút mơ bay về dĩ vãng
Thấy em cười duyên dáng cưới chiều mơ
Liễu ru hồn gió hát dệt thành thơ
Khung trời tím nhạt mờ trong sương khói

Trong một phút mơ bay về vạn cõi
Con đường xưa mòn mỏi ngóng trông em
Trời trong xanh nghe nhạt guốc khua đều
Em đã khuất em theo nhiều nỗi nhớ

Trong một phút mơ bay về nhắc thở
Gió ru chiều than thở thấm hồn anh
Tiếng biệt li em vội bước qua nhanh
Về chốn cũ một lần ôm kỷ niệm

Trong một phút mơ bay về xâm chiếm
Cả khung trời rộn tiếng nói yêu ai
Đường mưa bay cây đứng lặng u hoài
Nắng chết lịm hoàng hôn mờ phủ bóng

Trong một phút mơ bay về bên ấy
Thấy em cười tay vẫy khẽ chào nhau
Ánh mắt biết vùi chôn kín thương đau
Và cố giấu u sầu trong giọt lệ.
Đức Cơ, 10-2-1979.
Viết cho tôi

Tôi viết bài thơ cho chính tôi
Run run nét chữ rối dăm lời
Âm thầm lặng lẽ nhìn năm tháng
Nước lững lờ trôi in dáng tôi

Bỗng thấy chơ vơ giữa khoảng đời
Bấp bênh thuyền nhỏ sóng mù khơi
Mà sao mưa gió như gào thét
Đánh sập thuyền tan vỡ ước mơ

Từ đó tôi xa dáng mẹ hiền
Xa người em gái nhỏ tôi yêu
Cuộc vui tan vỡ thôi đành hẹn
Hẹn lại kiếp sau sẽ nên duyên

Tôi bước đi theo nhịp quân hành
Chiến y màu lá thắm rừng xanh
Mà nghe chân bước buồn sao ấy
Nghe trái tim rung chặng đường trường

Vẫn biết vì tôi với quê hương
Làm trai nối chí bước lên đường
Theo lời Đảng gọi tìm no ấm
Hạnh phúc đong đầy cho núi sông

Nhưng sao hồn mãi nhờ bâng khuâng
Kỷ niệm ngày xa thoáng hiện gần
Bên hàng thốt nốt chiều nay vắng
Bóng mẹ hiền tôi bóng người thân

Mẹ ơi! Tôi gọi mẹ thật nhiều
Tên người đẹp mộng biết bao nhiêu
Lo tôi từng bát cơm manh áo
Lo miếng quà xinh buổi chợ chiều

Tôi đứng đây trông bóng nhạt nhoà
Nắng chiều ôm núi đứng xa xa
Đàn cò trắng hỡi về đâu nhỉ
Có ghé ngang nhà nhắn hộ tôi

Rằng kẻ ra đi dạo ấy rồi
Phương trời cách biệt sống trăm nơi
Vẫn còn thương lắm con đường nhỏ
Thương lắm quê hương một góc trời

Chiều nay bên ấy buồn không nhỉ?
Và có nhớ thương kẻ ra đi
Đất khách ôm người trai viễn xứ
Quê hương biền biệt buổi chia ly

Ơi cả trời xuân ơi nắng xuân
Hãy hôn lên má má môi hồng
Hôn lên suối tóc mơ huyền diệu
Của người em gái nhỏ tôi yêu

Còn tôi đã quen cảnh núi đồi
Quen hành quân nặng dưới mưa rơi
Quen đôi chân nhỏ luôn nhịp bước
Và cũng quen luôn súng đạn rồi

Trời xa đất lạ dấu chân in
Long-cóp, Tà-sanh, hay Pai-lin
Ba lô con cóc gùi đi mãi
Sống biết ngày nay chẳng biết mai

Súng nổ rền vang xa tận đâu
Chắc là bên ấy lại đánh nhau
Cầu xin Thượng đế bình yên đến
Cho đứa con trai thôi khổ sầu

Hỡi ước mơ xuân xin đừng đến
Với tôi giữa lúc đạn bom rền
Cho tôi yên sóng đời lính chiến
Tháng ngày hiu quạnh giữa rừng thiêng

Tuổi mơ tôi lỡ lần đánh mất
Áo trắng thư sinh đã nhuộm màu
Ngày xa xưa ấy vào quên lãng
Đành thôi chấp nhận những gian nan.
19-6-1979
Ngày tôi đi

Mẹ hiền rưng nước mắt
Sáng sương mờ theo bước tiễn chân tôi
Bàn tay gầy ghi một đời lam lũ
Trên đôi vai mẹ nhắn nhủ mấy lời
"Cố lên con phải xứng đáng là người "
Sao tha thiết hơn một bài chính trị.

Tôi hiểu mẹ vì tôi biết mẹ
Mẹ hiền ơi con nguyện mãi nhớ ghi
Thương mẹ quá làm sao tôi nói hết
Chỉ ngước nhìn bằng ánh mắt xa xăm
Tôi không khóc mà sao môi thấm mặn
Nghe giữa trời trông trải hoang vu
Con chim nhỏ rời xa tổ ấm
Có khi nào còn nhớ tiếng Mẹ ru
"Ầu ơ… con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non"

Tạm biệt người lên xe về chốn lạ
Tay vẫy chào lưu luyến tôi đi
Đường hành quân qua núi rừng xa quá
Thâu đêm dài xuyên gian khổ bước chân
Cơm vắt, muối rang sương chiều ôm lá
Giấc ngủ ngồi lưng gối ba lô
Tôi nghe bên tai lời mẹ dặn dò
"Cố lên con phải xứng đáng làm người"
Lời khuyên ấy như một liều thuốc bổ
Mạnh đôi vai trên vạn nẻo đường dài
Tôi bước tiếp đi như lời mẹ dặn.

Hôm qua nhận được thư mẹ gởi
Sau bốn tháng dài truy quét khắp nơi
Môi ngập ngừng trên nét chữ run run
Lời mẹ khuyên "Đừng nản chí con ơi"
Con của mẹ xứng đáng là con mẹ
Nghe trong ấy cả trời thương mến
Chiều mưa tuôn không thấm lạnh tim tôi
Bởi trong tôi luôn có dáng Mẹ hiền
Khi xung trận bên tôi từng bước tiến
Phiên gác dài trăng nghiêng nòng súng
Mắt quan sát thù, thương nhớ xa xăm
Quê hương đó mẹ tôi còn thức đó
Đang làm gì, ru giấc ngủ em thơ?
Tôi thương lắm người mẹ hiền năm tháng
Nuôi đàn con đâu ngại gian nan
Một nỗi mong con lớn con khôn
Mong xứng đáng làm trai đất Việt
Tôi chiên đấu vì tôi yêu cuộc sống
Của mẹ hiền của đất nước quê tôi
Môi bước chân đi thêm vững bước núi đồi
Như mẹ dặn dò tôi thuở trước.
Thương lính

Có những ai qua rồi trong cuộc chiến
Mới nghe lòng thương kiếp sống chinh nhân
Cơm vắt muối rang ấm lòng người linh trận
Giấc ngồi bên sáo muỗi vi vu

Tôi thương lắm vì tôi là lính đó
Áo trận bạc màu sờ rách đôi vai
Tôi biết yêu từng giọt nắng ban mai
Yêu hoa cúc để lòng thương hoa cúc
Hé nở hồng nhưng phải đợi xuân sang
Để thu qua thêm nhuộm úa lá vàng
Cho tơi tả màu trinh trong sương gió…

Tôi thương lắm từng trang sách nhỏ
Ghi tuổi học trò ghi tiếng ve kêu...
Hoàng hôn buông vi vút khúc sáo diều
Cho tôi biết yêu quê hương từ đó...

Tôi thương lắm bụi cây lùm cỏ
Con sông dài dòng nước mát trong xanh
Khói lam chiều ôm ấp mái nhà tranh
Đàn cò trắng lững lờ bay trong nắng

Tôi thương lắm người mẹ hiền khuya vắng
Ngồi ru con dỗ giấc ngủ thâu canh
Tiếng em thơ nhõng nhẽo gọi anh anh
Mỗi tôi đến bên gia đình sum họp

Tôi thương lắm bạn bè dăm bảy đứa
Sông xa phương nơi đây đó đất trời
Thương cho tôi thương cả cuộc đời
Làm lính chiến tôi thương màu áo trận.
Long-cóp, 29-8-1979.


Rồi từ đó

Khoác áo chinh nhân tôi làm người linh chiến
Bước quân hành trên khắp đó đây
Kia núi nọ đây rừng cây lá xếp
Dặm trường in đôi gót nhỏ tôi qua
Chú nai con ngỡ ngàng ánh mắt xa xa
Tôi đền ở, ra đi không biết
Chẳng ngày giờ cũng chẳng cữ kiêng
Bởi tôi là người lính chiến
Lấy đất làm giường thay nệm gối chăn bông
Ánh sao đêm thắp sáng cho đời
Vũng nước bùn say tợ bia hơi
Đường hành quân nắng đốt cháy da
Đêm ngủ dưới trời mưa rơi tầm tã
Gió reo lưng đồi ru kiếp sống chinh nhân
Núi rừng này và nối tiếp bước chân
Tôi đi mãi trong mùi khói đắng
Rồi một chiều trong dạ bâng khuâng
Tôi ra đứng nhìn xa phương trời ấy
Thương cuộc đời phiêu bạt gió mây.
2-9-1979
Thơ vui về Tiểu đội súng cối

Tiểu đội tôi đây có sáu người
Siêng siêng cũng có lắm người lười
Vui vui tôi kể cho đời biết
Có biết thì im chớ chớ cười

Đại Bảng quê hương đất Tam Kỳ
Khoai mì ngập nước phải ra đi
Nghe đâu vào lính năm bảy sáu
Trung sĩ phong rồi phấn đấu mau

A phó Phượng ròm xếp theo sau
Quê hương Nghệ Tĩnh ấy quê choa
Đôi chân nghịch ngợm hay bươi phá
Vui tính anh em đặt hiệu "Gà"

Quang Mập người trai Phú Khánh đây
Núi đồi lồng lộng chẳng đất cày
Củ khoai củ sắn rồi cũng hết
Tình nguyện xin đi bộ đội này

Lộc ngõng quê tận chốn sông Cầu
Đẹp trai nhưng ngặt nước da nâu
Nghe đâu vừa bị con bồ đá
Khiến cậu hận đời xung lính chăng?

Tám út hiệu là sĩ A tôi
Mấy hôm đau bụng đi viện rồi
Vì ăn thịt vịt không nhai nhỏ
Xương xóc phải vào bao tử đau

Thừ sáu là tôi đất Quảng Nam
Mới về A Cối chẳng bao hôm
Tháng trước vừa phong nhầm hạ sĩ
May mắn nào đâu có mấy khi

Tóm tắt đời tư tôi kể hết
Kẻ Nam người Bắc họp lại nên
Sáu người đều trống chưa ai vợ
Nên cũng lạnh lòng với gió đông

Rất muốn quen vài cô gái Miên
Tâm tâm sự sự bớt ưu phiền
Nhưng đều sợ cái đầu xa cổ
Đành phải lặng thinh liếc mắt thèm

Sợ cảnh cô đơn nhìn cuộc sống
Nên Nhà nước nghĩ cũng thương tâm
Cưới liền hai vợ cho năm đứa
Trò chuyện yêu đương với tháng ngày...

Vợ họ màu da đẹp trắng xinh
Vợ tôi lại khác nước da xanh
Ngườỉ ơi đừng nghĩ cho là sốt
Bởi sức vợ tôi có ai bằng

Cả hai cùng chỉ có một tên
Nghe qua sao lắm vẻ êm đềm
Ôm tròn bụng vợ tôi thầm nói
Yêu quá em ơi! "Cối sáu mươi"

Tôi kể người nghe nghe đừng cười
Trong A tổng cộng đủ sáu người
Mà hai con vợ chia sau khắp
Tỷ số quân bình đứa một con

Chọn mặt gởi vàng trên xét ai
Đẹp trai khoẻ mạnh cộng thêm tài
Đào hoa có số trao thân gái
Tôi cũng tự hào được một cô

Chẳng biết vì sao con vợ tôi
Có chân có cẳng lại biếng lười
Đi đâu tôi cũng nai lưng vác
Suốt cả đoạn đường mệt đứt hơi

Lại cái ì lưng không tắm nữa
Nằm chờ con sét nó đền ăn
Vì yêu quý vợ nên tôi phải
Ôm ấp lau chùi bóng nhoáng thôi

Từ lúc có thêm hai cô vợ
Anh em tiểu đội lại vui hơn
Ngày ngày tám tiếng chung trò chuyện
Độ hướng-thước tầm, tiếng thương yêu

Tôi kể chuyện A tôi là thế
Người ơi xin chớ có cười chê
Nếu chê thì hãy ra chỗ khác
Kẻo nó giận rồi nổ thân tan...
Long-cóp + Tà-sanh 12-9-1979
Bài thơ viết vội

Thiên hạ làm thơ tôi cũng thơ
Chẳng trong không sáng được thì mờ
Không hồn không ý tôi còn xác
Mấy chữ ngoằn ngoèo cũng gọi thơ

Bát cú thất ngôn kèm tứ tuyệt
Tự do song thất đền trường thiên
Thơ tôi sành lắm nhưng không nhớ
Bởi vậy đừng cười nhé bạn ơi

Giờ tôi tả đến cảnh núi đồi
Không biết đầu đề lấy sao thôi?
Sao ở xa xôi sờ không tới
Lấy đại đề thơ “Trên chốt tôi"

Cây lá ôm ghì màu đất đỏ
Núi rừng trùng điệp xứ Ăng-co
Ngoằn ngoèo con suối không róc rách
Giữa đỉnh đồi cao chục nóc nhà

Buồn đời xe hết dám ngang qua
Chỉ có đồi cao dưới xóm nhà
Vui buông quấn quít cùng năm tháng
Buồn với chiều mưa vui với trăng

Vững giữa đồi cao mà đứng gác
Cắt đường thằng địch hết qua ngang
Cho đời yên sống vui hạnh phúc
Cho các em thơ đến dưới trường

Thằng địch nếu đêm tập kích vào
Chốt tôi vững chắc há nung nao
Sẵng sàng tay súng tôi bắn trả
Đã có quanh tôi những chiên hào

Trên chốt, tôi làm thơ cho tôi
Không hay, không dở, cũng chẳng tồi
Không đăng báo được, tôi hút thuốc
Có thế thôi mà, có thế thôi...
Trên chốt, 15-9-1979.


Đêm trên chết

Đêm trên chốt nghe lạ lùng chẳng biết
Những người dân chưa một lần chinh chiến
Đêm trên chốt quen tên vần thơ truyện
Và quen thân người lính biên cương
Cả cuộc đời bạn với gió sương
Bạn với rừng cây con suối quả đồi
Màu đất đỏ hòa chung màu máu
Đổ xuống nơi đây cho cây lá đâm chồi

Súng ăn no đạn lên nòng chờ sẵn
Hướng bìa rừng nhìn gấp mấy lần căng
Lắng đôi tai qua từng tiếng động
Và chờ nghe tiếng giặc xung phong

Khuya rồi vai áo ướt
Gió ru lạnh đêm sương
Gió khuyên người chiến sĩ
Ngủ đi và ngủ đi
Sáng mai nhiều việc còn
Giữ chốt vững thành đồng
Xứng đáng với núi sông

Đêm trên chốt êm đềm hoang vắng
Có tiếng côn trùng hoà khúc nhạc quen tai
Từng đêm từng đêm nối tiếp đêm dài
Người lính chiến vẫn bên đoạn hào trên chốt
Thức đôi tai và tròn xoe đôi mắt
Súng bên người lạnh từng cơn gió rét
Đạn sẵn lên nòng chờ tiếng giặc xung phong
Chốt Tà-nghèn, 5-10-1979.











Ngôn Ngữ ... Gổ





Mùng 1 Tết năm Quý Tỵ nói về kẻ thù đất nước


Bùi Chí Vinh
Bui Chi Vinh 1Năm 1978 hồi xưa tôi đánh giặc ngoại xâm bằng súng
24 tuổi vác AK đi kiếm bọn Tàu
24 tuổi bỏ Thành Đoàn đâm đầu đi lính
Bọn Tàu vẫn còn nguyên còn tôi bị nhốt quân lao
Hồi đó tôi đa tình và hào khí ngất cao
Đọc thơ trước hàng ngàn hồng binh như tráng sĩ
3 thằng Sáu Quốc, Bảy Dũng, Hai Long cùng cắt máu ăn thề
3 thằng vất sau lưng chính trị
Năm 1979 xác Sáu Quốc ở mặt trận Kampuchea không tìm thấy
Năm 1980 Bảy Dũng vô kỷ luật ở tù
Năm 1981 tôi lãnh đủ hồ sơ loại ngũ
Giấc mộng anh hùng trở thành ác mộng đạp xích lô
Kể từ đó tôi sống bằng Thơ
Thơ tình, thơ du côn, thơ bại trận
Tôi làm thơ để trả nợ giang hồ
Trả nợ cho những thằng bị bắn
Tôi trả nợ cho những thằng bị bán
Tuổi thanh xuân bị bán giữa chợ đời
Bọn “quan chức con buôn” không một ngày cầm súng
Ngồi phòng máy lạnh hậu phương gác cẳng duyệt thơ tôi
Năm 1978 hồi xưa đốt cuốn “Sông Đông Êm Đềm” chơi
Thiêu cháy nhân vật lãng tử Grigori rồi ra trận
Cái chết xem nhẹ hơn lông hồng
Làm thơ thua xa siết cò súng
Năm nay 2013 tự nhiên mê tập bắn
Bia bắn giờ đây là bọn xâm lược cường hào
Bia bắn giờ đây là lũ tay sai bán nước
Thèm bắn một lần xuyên thấu tận ngàn sau !
Mùng 1 Tết Qúy Tỵ
Theo DL




Quốc nạn loạn chức danh, học vị và danh hiệu ở Việt nam


Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc
  b48af1a7dde34768be286ae2ae1cd3151.Tôi chỉ là Ashkenazy!
Tôi xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu chuyện có thật xảy ra ở TP Hồ Chí Minh vào năm 1995. Chuyện như sau: Trong một chuyến đi bằng đường hàng không, do trục trặc, nghệ sỹ Piano lớn của thời đại chúng ta là Vladimir Ashkenazy đã phải dừng lại ở TP HCM hai ngày.
Tất nhiên một nghệ sỹ lớn như Ashkenazy khó lòng mà không bị phát hiện ra trong thế giới nhiều thông tin này. Và ông đã được mời tổ chức một buổi hoà nhạc nho nhỏ cho những người hâm mộ. Với sự khiêm tốn vốn có ở những người vĩ đại, ông chỉ muốn biểu diễn ở phòng nhỏ trong Nhạc viện TPHCM và chủ yếu dành cho một công chúng hẹp, trong giới nhà nghề .Việc này tất nhiên được nhạc viện TP chú ý ngay và họ muốn biến chuyến thăm bất đắc dĩ này quảng cáo thêm cho uy tín của nhạc viện.
Người lãnh đạo nhạc viện lúc đó là một Giáo sư, Tiến sỹ, nghệ sỹ Nhân dân đã dẫn đầu một nhóm giáo sư, tiến sỹ của nhạc viện TPHCM đón tiếp Ashkenazy.
Trong buổi tiếp, sau khi trân trọng giới thiệu với Ashkenazy từng thành viên của ta với đầy đủ chức danh, học vị, thì việc mà phía ta muốn hỏi ông ta, để đưa vào Programe (tờ in chương trình) và giới thiệu khi biểu diễn là : Ashkenazy là gì ? Thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa ? Và câu trả lời là : Tôi chỉ là Ashkenazy.
Tưởng khách không hiểu. Chủ lại hỏi lại và gợi ý thêm cho dễ hiểu hơn : chắc một nghệ sỹ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Câu trả lời vẫn không thay đổi : Tôi chỉ là Ashkenazy.
Ô hay! lạ cái ông này, cỡ như ông ta ít nhất cũng phải có một chức danh gì chứ? hay ông ta giấu? Và cuộc gặng hỏi vẫn tiếp tục. Tuy vậy, truy mãi, cuối cùng, dù đông người, ta đã phải chịu thua một mình ông, vì câu trả lời vẫn chỉ có thế, dù đã được pha thêm chút khó chịu :
 Tôi chỉ là Ashkenazy!
 2. Một cuộc chạy đua chức danh trên toàn quốc
 Ta tự hào về chế độ ưu việt Xã hội chủ nghĩa (mà hiện nay chỉ có người dân ở một số ít nước được hưởng là: Triều Tiên, Cu ba, Lào và Trung Quốc) mọi người đều bình đẳng. Nhưng thực chất thì người ta đang dựa theo chức quyền để phân chia đẳng cấp, quyền lợi, tất nhiên chức càng cao, bổng lộc càng lớn. Lúc sống đã vậy, tận tới lúc chết chôn ở đâu cũng có tiêu chuẩn dựa theo chức tước. Vì thế cả xã hội đều trọng chức quyền. Mà muốn có chức quyền thì cần có bằng cấp, cộng thêm danh hiệu Đảng viên, là người ta có thể tiến thân, có thể trở thành lực lượng lãnh đạo với nhiều bổng lộc mà không cần phải có thực lực. Đó là nguyên nhân sâu xa đã và đang dẫn đến việc nhiều kẻ cơ hội đổ xô đi săn bằng cấp bằng mọi giá. Đua bằng cấp, chức danh chứ không đua tài năng. Bởi đua tài năng, cuộc đua dưới ánh mặt trời, thì khó hơn nhiều, dễ lộ chân tướng và dễ bị thua. Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môm, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp. Nhìn vào con đường để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ hiện nay ở nước ta đã bị biến chất. Nhiều người có lòng tự trọng không khỏi ngại ngùng và muốn lánh xa.
Bản thân bằng cấp và chức danh chân chính, lương thiện thì rất có ích cho xã hội. Trước kia, số giáo sư, tiến sĩ ở ta không nhiều, nhưng đó là những tên tuổi như: Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Mạnh Tường… Còn ngày nay thì đúng là “Ta tự hào đi lên. Ôi Việt Nam” giáo sư nhiều đến mức có thể “Ra ngõ gặp giáo sư”. Với thực trạng này thì nền học thuật của nước nhà có nguy cơ trở thành Hữu danh, Vô thực.
Trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, để chơi đàn, hát, làm được concert thì khó quá, muốn thế phải rèn luyện hàng ngày, phải hy sinh rất nhiều mà lại không oai bằng rẽ ngang đi làm tiến sỹ, đơn giản hơn, chóng được thăng chức với nhiều bổng lộc hơn. Kết quả là: mục đích cuối cùng và duy nhất của âm nhạc là tiếng đàn, tiếng hát, những buổi concert và viết những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp thì dần dần không còn ai làm, thay vào đó là rất nhiều Tiến sỹ âm nhạc ra đời. Có được cái bằng Tiến sỹ, phần lớn không ai chơi đàn và hát nữa. Tiền của nhân dân bỏ ra đào tạo họ để mang lại tiếng đàn tiếng hát cho đời đã trở thành vô ích vì sai mục đích. Trồng lúa thì lại thu hoạch khoai
3. Các danh hiệu, giải thưởng, câu chuyện cười ra nước mắt
 Định kỳ một hai năm gì đó, ta có những đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân và trao tặng các giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Việc này không phải do người Việt Nam ta nghĩ ra, mà do chúng ta học tập từ Liên Xô cũ. Họ phong nghệ sỹ Công Huân, nghệ sỹ Nhân dân, giải Xtalin, giải Lê nin về văn học nghệ thuật ( ví dụ Giao Hưởng số 11 của Shotstakovich được giải Xtalin năm 1953 vv…). Sau khi Liên Xô tan vỡ, họ đã bỏ thói quen đã có từ hàng chục năm này. Rất nhiều cách tổ chức dập theo kiểu Liên Xô cũ như : nền kinh tế có kế hoạch, hành chính bao cấp, phân phối theo tem phiếu v.v… ta đã bỏ. Nhưng không hiểu vì sao cái thói quen trao những danh hiệu và giải thưởng văn học nghệ thuật học từ họ thì ta lại vẫn duy trì, bởi nó là một phần đồng bộ trong tư duy cấu thành chế độ bao cấp, cơ chế xin cho??? Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh bằng máu và nước mắt một quy luật là : những chính sách dập khuôn theo ngoại bang sớm muộn rồi cũng gây những hậu quả xấu, thậm chí là những thảm hoạ dân tộc.
Về việc phong danh hiệu nghệ sỹ, hãy để chính những nghệ sỹ, bằng tài năng, họ làm nên tên tuổi riêng của mình (như Ashkenazy) thì nó mới có giá trị thực, bền lâu và duy nhất. Không ai có thể ghen tỵ với ai được, vì không ai giống ai. Hàng ngàn nghệ sỹ tài năng, thì sẽ có hàng ngàn cái tên khác nhau, có giá trị khác nhau, giống như vườn hoa với muôn hoa, muôn màu khoe sắc, chứ không phải chỉ có 2 loại hoa Ưu tú và Nhân dân. Mà muốn được hưởng các danh hiệu này, phải làm đơn xin, cùng sự “vận động” để được phong (ban) tặng từ trên xuống. Trong hoàn cảnh đất nước ta tệ nạn xã hội tràn lan. Khó có thể tránh khỏi nhiều sự tiêu cực trong sự ban tặng danh hiệu, nếu vẫn giữ kiểu cơ chế ban phát như cũ.
Về việc trao giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, đây cũng là một kiểu cơ chế xin cho với những thành phần Ban giám khảo hoàn toàn được chỉ định từ trên, với những tiêu chí chấm giải tuỳ hứng. Người xin trao giải cũng phải làm đơn và “vận động”. Riêng trong ngành nhạc đã xảy ra những câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc trao giải thưởng này. Điển hình là trong đợt đua tranh phong tặng năm 2006 (đây nên là đợt phong tặng cuối cùng) cả nước đều biết tới những chuyện “đồng nghiệp tương tàn” mà báo chí gọi là “cơn điạ chấn trong làng nhạc”. Nếu ta lại cứ tiếp tục trao giải thì không ai có thể khẳng định rằng những cơn “địa chấn” sẽ không trở thành “động đất”!
Nói tóm lại: Nhà nước ta nên bỏ lối tư duy kiểu dập theo Liên Xô cũ này!
 4.Kết
 Hãy để cho mọi người đánh giá tài năng và giá trị con người qua công việc. Dù anh có độn vào trước cái tên của anh hàng trăm danh vị đi nữa mà sản phẩm anh làm ra cho xã hội không có, hoặc tồi, hoặc có hại, thì khác nào gỗ mục được sơn son thếp vàng? Một xã hội lành mạnh và có tương lai, là một xã hội biết tôn trọng những tài năng và những giá trị thực, bất kể họ có hay không có bằng cấp danh vị cao, tiền của nhiều, chức tước lớn.
Đối với người làm nghề nhạc chuyên nghiệp, thì đó là tiếng đàn, tiếng hát của người biểu diễn và tác phẩm của người sáng tác. Anh hãy tự hào về điều đó, và hãy gắn nó với cái tên cha sinh mẹ đẻ, chứ không phải là những thứ bằng cấp, danh hiệu (mà ở nước ta hiện nay của rởm nhiều hơn thật) và chức vụ quản lý anh đang có, đó chỉ là những thứ son phấn nhất thời. Bảng giá trị tưởng như là chân lý đơn giản và hiển nhiên này lại đang bị lật ngược. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền. Nó đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm? Với tiềm năng trí tuệ thế này, rồi dân tộc Việt nam ta sẽ đi đến đâu? “Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh)
Là một người hoạt động trong nghề nhạc, tôi thấy cần phải viết bài này chỉ vì trách nhiệm công dân, với mong muốn nền học thuật nước nhà -nhất là âm nhạc- ngày càng trở nên lành mạnh và thực chất hơn. Tôi không nhằm vào bất cứ ai và cũng mong đừng ai giật mình bởi tôi luôn luôn kính trọng sâu sắc những Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ chân chính. Tuy không nhiều, nhưng họ có lương tri và trình độ chuyên môn thực sự. Tôi chắc rằng những người này sẽ ủng hộ những ý kiến trên của tôi.
Vì chúng ta đã nói dối quá nhiều và quá lâu rồi, nên những lời nói tử tế bây giờ lại trở nên hài hước. Tuy vậy -dù chỉ nhỏ bé như con Dã Tràng- tôi vẫn muốn nói rằng : Đừng sợ thay đổi vì chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân, hãy nghĩ tới một tương lai tốt hơn cho tất cả. Đừng sợ ánh sáng, sợ thuốc đắng và sự thật.
Để kết bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều của : [Giáo sư, tiến sỹ] Nguyễn Du (xin tạ tội với bậc tiền nhân vì sự xúc phạm này) : “Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”*
Tác giả
…………….
*Chữ “Con đen” ở đây được hiểu là những người dân bình thường





Công lý thất bại trong việc giải quyết tranh chấp đất đai ở Việt Nam


Tác giả/ hiệu đính: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan
h33Ở Việt Nam “vấn đề đất đai” có nhiều bộ mặt.
Đối với nông dân, vấn đề là quyền được canh tác trên mảnh đất của mình với niềm tin rằng đất đai sẽ không bị thu hồi, ngoại trừ đúng thủ tục và được đền bù với giá cả hợp lý. Đối với các nhà thầu công trình, vấn đề là nắm được quyền kiểm soát bất động sản để xây dựng nhà ở biệt thự, khu công nghiệp, đường cao tốc hay sân gôn.  Đối với nhà nước Việt Nam, đó là một vấn đề làm cản trở tòa án, làm hư hỏng quan chức, và làm chậm sự phát triển. Và đối với Đảng Cộng sản, không quản lý được vấn đề đất đai một cách công bằng và hiệu quả sẽ hủy hoại sự kiên nhẫn của công chúng đối với sự độc quyền [lãnh đạo] của họ.
Năm ngoái, một cuộc đối đầu giữa một gia đình nông dân nuôi cá tuyệt vọng với hàng trăm công an, tập trung sự chú ý trên cả nước. Đánh giá ý nghĩa của “sự kiện Tiên Lãng,” nhiều nhà bình luận coi sự bất lực — hay sự thất bại — của chính quyền trung ương trong việc ngăn chặn các quan chức địa phương thao túng chế độ sở hữu đất đai vì lợi lộc của họ, phá hoại nông dân, là “vấn đề sống còn của chế độ”.
Lúc đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh trong Luật Đất đai. Được thông báo rằng Bộ Chính trị và Chính phủ quyết tâm sửa đổi luật pháp triệt để. Công việc soạn thảo đã được triển khai vào giữa năm 2012, nhưng sau một sự kiện xung đột ở vùng ngoại ô thủ đô đã tạo ra mối nghi ngờ về sự chân thành đối với quyết tâm đó của chế độ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm khắc phê phán Chính quyền Thành phố Hải Phòng hồi tháng 2 năm 2012 vì đã cho công an và lực lượng dân phòng cưỡng chế đầm cá của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng. Liệu ông Dũng có thất vọng hay không khi chính quyền tỉnh Hải Dương triển khai 1.000 công an hôm 24 tháng 4 vừa qua, đuổi vài trăm nông dân cầm xẻng khỏi các thửa ruộng và vườn cây tại công trường “Ecopark,” một khu đất vườn phía đông nam Hà Nội? Có thể là không.
Kế hoạch tổng thể cho dự án 250 triệu đô la này ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho thấy một sự pha trộn hấp dẫn các biệt thự với các tòa nhà cao tầng trải rộng trên một khu đất 500 ha trồng nhiều cây xanh, kênh nước, gồm 20 ngàn căn hộ tổng cộng. Các nhà thầu xây dựng có thể đạt được “sự hòa hợp hoàn hảo giữa con người và thiên nhiên” như hứa hẹn trong tài liệu quảng cáo, vì đất giàu phù sa ở vùng này đã cho thu hoạch nông nghiệp cao, ít nhất cả ngàn năm.
“Giải toả đất” là thách thức cốt lõi của việc phát triển bất động sản ở Việt Nam. Đối với dự án Ecopark, 3.900 gia đình nông dân, cư dân của ba ngôi làng, phải được thuyết phục từ bỏ mảnh ruộng màu mỡ của họ và định cư ở nơi khác. Các nhà thầu dự án đề xuất với tỉnh Hưng Yên: giao đất cho chúng tôi và chúng tôi sẽ xây dựng một con đường dài 21 km. Chính quyền tỉnh đồng ý, nhưng gặp phải sự phản kháng của địa phương. Đến mùa xuân năm 2012, sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng đã làm dự án Ecopark chậm hơn hai năm so với kế hoạch. Và, mặc dù chỉ có 20% hộ gia đình đã không chấp nhận các khoản đền bù, những người phản kháng đã quyết tâm giữ vững lập trường của mình.
Vài điều đã gây ra sự lo lắng cho những người phản kháng. Trước hết, họ bị ép giao đất với giá 138.000 đồng cho mỗi mét vuông, thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật, dù là đất nông nghiệp màu mỡ sản xuất hay là địa điểm xây dựng biệt thự sang trọng.  Hơn nữa, vì không thấy có cơ hội nhận được nhận công việc tốt hoặc nhận đất canh tác ở gần nhà như đã được hứa hẹn, họ cảm thấy tương lai quá mù mịt. Một người đã nói với nhà báo: “xã chúng tôi có 8.000 người, một nửa thì quá già không làm việc được, chấp nhận đi, nhưng còn 4.000 người kia sẽ kiếm sống ra sao? Sau khi từ bỏ quyền sở hữu đất đai của mình, đã có quá nhiều người không có việc làm. Họ chỉ lẩn quẩn trong làng. Họ phải làm gì bây giờ?”
Các quan chức địa phương cũng rất tức giận. Ngày 2 tháng 5, nhiều tin tức về sự đối đầu này đã được đưa lên Facebook, bắt đầu thu hút sự chú ý của cả nước, một quan chức cấp cao của tỉnh giải thích rằng: “Vụ việc nầy có sự móc nối các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin được tường thuật tại chỗ, từng giờ để xuyên tạc, dàn dựng các video clip giả nhằm vu khống, bôi nhọ chính quyền”.  Cũng theo quan chức này, dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) có trình bày “thủ tục đúng pháp lý, cơ chế đền bù tốt, tạo đà phát triển cho tỉnh.  Song qua hơn tám năm, tỉnh vẫn chưa hoàn thành giao đất cho chủ đầu tư do người dân khiếu kiện liên tục, tập trung đông người, lôi kéo, kích động cản trở không hợp tác, gây tình hình phức tạp kéo dài…”
Có rất nhiều dự án giải toả đất nông nghiệp để sử dụng cho mục đích khác. Chúng âm ỉ qua nhiều năm và sôi sục lên khi các quan chức địa phương, sau khi đã thuyết phục hầu hết nông dân phải chấp nhận đền bù bắt buộc, chính quyền địa phương gửi công an tới.
Cuộc đàn áp tại dự án phát triển Ecopark có thể là một chuyện thường tình trừ ba điểm đặc biệt. Thứ nhất, mặc dù đại diện Nhà nước nắm quyền kiểm soát báo chí đã cảnh báo các phóng viên không được đụng tới chuyện này, nhưng lệnh ém miệng này vẫn không hiệu quả. Thứ hai, việc thu hồi đất đai của nông dân trên thực tế trông giống như sự can thiệp của chính phủ vào một vụ tranh chấp tư nhân giữa các nhà phát triển và người dân chứ không phải như lập luận của các quan chức cấp tỉnh là tước quyền sở hữu đất để phát triển cơ sở hạ tầng. Và thứ ba, các báo cáo (sau này được cho thấy là sai) sớm lan truyền trong thế giới blog cho rằng, Nguyễn Thanh Phượng, con gái của Thủ tướng, là một người bảo trợ tài chính của dự án Ecopark.
Sự đổ vỡ trong việc điều khiển báo chí có thể phản ánh các căng thẳng bên trong chế độ sẽ sớm lôi kéo ông Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào một cuộc đấu tranh tệ hại úp úp mở mở trong việc tranh giành quyền lực. Hai ngày sau cuộc đối đầu, báo Nông Nghiệp đã đăng một bài báo dài về nỗi bất bình của nông dân Văn Giang.  Sau đó, tờ báo Pháp Luật TPHCM hăng hái bắt đầu một loạt bài bốn phần về vụ Văn Giang. Khi chính quyền trung ương không có phản ứng, các báo chính thống tranh nhau đăng các bài điều tra riêng của mình, tất cả có xu hướng đổ lỗi cho các cơ quan có thẩm quyền — như là một bản tuyên ngôn của một nhóm trí thức quy kết — “cho phép các nhóm lợi ích đặc biệt lợi dụng pháp luật để ăn cắp đất của dân với mức giá thấp”.
Năm tuần sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Công an xem xét tính hợp pháp của “những hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh người trong việc tổ chức cưỡng chế ngày 24 tháng 4″. Tám tháng sau, điều tra vẫn đang tiến hành. Nhóm nông dân từ Văn Giang thỉnh thoảng mang biểu ngữ lên Hà Nội để phản đối ở những nơi công cộng. Được biết, việc bán các căn hộ $100.000 và biệt thự $300.000 tại Ecopark là khá phát đạt.
Và vụ việc Tiên Lãng cũng chưa hoàn tất.  Đầu tháng Giêng, đúng một năm sau khi gia đình ông Đoàn Văn Vươn sử dụng một quả mìn tự chế và súng hoa cải gây thương tích năm công an đến cưỡng chế trại nuôi cá 20 hecta của họ, Viện Kiểm sát thành phố Hải Phòng đã công bố rằng, ông Vươn cùng 3 anh em sẽ bị buộc tội âm mưu giết người thi hành công vụ. Ba người vợ của họ cũng sẽ phải đối mặt với các tội nhẹ hơn, chống lại các nhân viên đang thi hành công vụ. Đó là một sự quay ngược đáng ngạc nhiên về một vụ án mà Thủ tướng Dũng, vào tháng 3 trước đó, đã gọi là do “sai lầm” có tính hình sự của một số quan chức địa phương phạm phải và đã chỉ đạo nhà chức trách Hải Phòng lập thủ tục khởi tố các quan chức địa phương và xem xét các tình tiết giảm nhẹ trong vụ xét xử ông Vươn.
Các quan chức đã không thể thoát khỏi sự trừng phạt hoàn toàn. Bốn cán bộ cấp xã sẽ bị đưa ra toà xử vì “phá hoại tài sản công dân”, tức là san bằng nhà ông Vươn, trong khi Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền phải đối mặt với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo báo cáo, do không đủ chứng cứ để truy tố, bí thư huyện ủy Bùi Thế Nghĩa đã bị cách chức, lôi theo nhiều viên chức thấp hơn chịu cùng số phận.
Điều này có nghĩa là công lý không thiên vị chăng? Các bình luận viên Việt Nam không nghĩ như vậy, nhưng họ cũng không ngạc nhiên.
Cũng như với vụ đối đầu náo loạn ở Văn Giang, cách xử lý gần đây về sự cố Tiên Lãng làm nản lòng những người, cả trong lẫn ngoài Đảng, đang vận động cho cải cách cơ bản Luật Đất đai quốc gia.






Ba câu hỏi dành cho nguyên Trưởng ban Biên giới Chính Phủ


Nguyễn Hồng Kiên
10-cau-hoi12Nguyên trưởng ban biên giới, tiến sĩ Trần Công Trực đã có 2 bài về Biển Đông trên Infonet:
Không thể “làm ngơ” với mặt trận truyền thông chứng lý Biển Đông (Bài 1)
“Thành lập một bảo tàng số tập hợp chứng lý về Biển Đông là nhu cầu tất yếu, vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay”- Đó là khẳng định của TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ khi đề xuất công bố ý tưởng này với Infonet. (http://infonet.vn/Thoi-su/Khong-the-lam-ngo-voi-mat-tran-truyen-thong-chung-ly-Bien-Dong-Bai-1/57860.info)
- 5 lý do cần có kho tư liệu số về chứng lý Biển Đông (bài 2)
Như Infonet đã đưa tin, chúng ta không thể làm ngơ với mặt trận truyền thông chứng lý Biển Đông, từ thực tiễn và yêu cầu của cuộc đấu tranh chủ quyền, TS Trần Công Trục tiếp tục nêu ra 5 lý do cần có Bảo tàng số về chứng lý Biển Đông. (http://infonet.vn/Thoi-su/5-ly-do-can-co-kho-tu-lieu-so-ve-chung-ly-Bien-Dong-bai-2/58095.info)
Và đây là ba câu hỏi dành cho nguyên trưởng ban biên giới Trần Công Trực:
154880_373013966139551_492518280_n







Thế sự


Võ Trung Hiếu
nước mắt Tiên LãngTôi nhắc đến chính trị
Đồng nghiệp tán theo vài câu rồi lảng sang chuyện khác
Nhầm chỗ rồi tôi ạ
Có người ví chính trị là con đĩ
Mà chuyện ấy ai đem vào office bao giờ
Không cẩn thận có ngày vạ miệng
Tôi nhắc đến biển Đông
Bạn tôi nghệch mặt khi nghe về Gạc Ma
Bạn tôi ngẩn ngơ khi nghe về hải chiến Hoàng Sa năm 1974
Bao nhiêu con người ngã xuống giữa trùng vây
Sách giáo khoa không nhắc
Đài báo hiếm thấy đưa tin
Nhưng lịch sử sống mãi vì viết bằng máu xương
Lẽ nào sách không nói, đài báo không đưa
Thì chúng ta có quyền thờ ơ không biết ?
Tôi kể em tôi nghe về nước Việt
Từng có hoàng đế Quang Trung
Chiến tích một thuở lẫy lừng
Đánh trăm trận là trăm trận thắng
Cho dù kẻ địch là phương Nam hay phương Bắc
Đánh thắng trận rồi bàn ngay chuyện ngoại giao
Thế nước vận nước có lúc thấp cao
Nhưng lãnh thổ thiêng liêng
Quyết không để ngoại bang lớn nhỏ nào xâm phạm …
Bạn tôi nghe và lặng im
Em tôi xem chừng cũng se se đồng cảm
Đồng nghiệp tôi nghe xong nhìn xa xăm lãnh đạm
Đủ cho tôi cảm nhận nỗi buồn …
Thời buổi này nhìn có vẻ  bình yên
Nếu chúng ta đừng đọc báo, nghe đài và đừng quan tâm thời sự
Nếu chúng ta chỉ chăm chú mưu sinh, nhà-xe-áo-quần, cơm ngày ba bữa
Và dõi mắt theo những gameshow tivi vui vẻ suốt tuần
Nếu chúng ta cầm chứng minh nhân dân
Mà ngờ ngợ chuyện mình còn tổ quốc
Mà ngờ ngợ chuyện cha ông ngày trước
Mà ngờ ngợ có một dòng máu Việt
Đang chảy trong tim từ thuở các vua Hùng …
Tôi nhìn thấy những đám đông
Lặng im chìm giữa sắc-không sự đời
Tôi nhìn thấy những con người
Cũng hít thở, cũng nói cười, cũng như …
Giá gì biển cũng vô tư
Và đừng có sóng dữ từ phía xa …
Tác giả gửi QC









Câu đối Mừng Xuân Quý Tỵ


Hà Sĩ Phu kính chúc
clip_image001_thumbCâu đối 1:
RẮN độc cuốn vòng hai số Tám, chặn lối nhân quyền!                                                    
    * RỒNG thiêng bay tạc một chữ Đồng, phá vòng nô lệ! [1]                                                       
                                                                      Hà Sĩ Phu
   ———————————————————————————————–
với ngót 4 ngàn chữ ký, yêu cầu Quốc hội Việt `Nam hủy bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự về “tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam

 Câu đối 2:
- Nhâm Thìn nở rộ  “In-tờ-nét” !
- Quý Tỵ phơi trần “Sí-hảo-lin” !
  (Sí hảo lin = tứ hảo lân = 四好鄰 = láng giềng 4 tốt)
  
Câu đối 3:
Chuyện Rồng-Rắn lên mây, thầy thuốc ấy đòi công ba(từng) khúc ruột!
Tình Việt-Trung xuống dốc, bạn vàng đây xiết nợ một (cả) sơn hà?
              
Câu đối 4:
- Thắng đã thua chưa, “Bên thắng cuộc” nổi lên… “Đồng Chí Ếch” (X)?
- Thành hay bại nhỉ, “Cuộc Thành đô” dẫn xuống… “Quảng Nam Khu”!
(Quảng Nam khu sẽ sánh vai cùng Quãng Đông, Quảng Tây)
               
Câu đối 5:
- Điệu La Thăng mà Giáng mà SI, sinh quái vật “xe không chính chủ”!
- Dáng Hiền Đức vừa Nhân vừa Dũng, diệt mãng xà “sở hữu toàn dân”!
               
Câu đối 6:
*   Cái không nhỏ lộ hàng coi dễ sợ !
* Thằng rất to thoái hóa nghĩ mà kinh !
                
Câu đối 7:
- Thấy Rồng đen lộn xộn mà ghê, trần trụi lột nhau, mt thưng cấp
lộ hàng coi dễ sợ!                                                                                        
- Nghe Rắn hổ phì phì cũng tởm, ngang nhiên cướp đất, khố dân nghèo xơ xác nghĩ mà thương!
                 
Câu đối 8:
- Giặc 4 tốt vả mồm quân bán nước!
- Cờ 6 sao lột mặt lũ buôn dân!
Mời đối  
Xuất đối 1
* Vận nước chẳng lo, rượu Rắn cứ say tràn quý tỵ!
(Thành ngữ tràn quý tỵ do nạn lụt lịch sử năm Quý Tỵ 1893, nước tràn lênh láng khắp nơi, có thể chở thuyền trong đường phố, dân chết rất nhiều).

 Xuất đối 2
 * Rắn độc cuộn vòng hai số Tám, khóa chặt Nhân quyền?

 Xuất đối 3
 * Đầu xuân quan Ếch (X) vi hành, Ếch đi kiệu Ếch không sợ Rắn!
     (dưa hành và dưa kiệu là hai món không thể thiếu trong ngày Tết, kiệu vừa là cái kiệu vừa là bước ngựa đi thủng thẳng ung dung)

 Xuất đối 4
 *Thắng đã thua chưa, “Bên thắng cuộc” nổi lên…“Đồng Chí Ếch” (X)?
 Xuất đối 5
* Ếch “tha” cổ Rắn ra đồng, Ếch “tha” Rắn, Rắn không “tha” Ếch?
      (lưu ý chữ THA hai nghĩa ngược nhau)

 Xuất đối 6
* Xuân Quý Tỵquý vị tỵ nhau, ngôi thấp ngôi cao, đồng Rắn tỵ đồng chí Ếch!

 Nhân Tết Con Rắn xin có mấy câu xuất đối nôm na, mong được các thi hữu cho lời xướng họa để thêm phần vui vẻ ngày xuân, có điều gì sơ xuất xin rộng lòng lượng thứ.                                                                     
HÀ SĨ PHU
Trân trọng