Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Câu hỏi về niềm tin . . .



Thưa Thủ tướng, lỗi ở chúng ta

Nguyễn Thanh Hà
question[1]Vâng, theo suy nghĩ của tôi, đi vào nền kinh tế thị trường, dù có định hướng xã hội chủ nghĩa thì vẫn có những quy luật riêng của nó. Không nói đâu xa, nước phát triển nào bây giờ mà không có “tập đoàn” kinh tế. Tất nhiên, họ có thắng có thua, nhưng chủ yếu là thắng và nếu có thua cũng không đến nỗi “thua” đậm như tập đoàn ở Việt Nam. Lý sự về vấn đề này thì xin cắp sách đến học nhiều năm các nhà kinh tế, các tiến sĩ, giáo sư kinh tế hiện có hàng vạn hàng chục vạn, nghe đâu có cả những nhà kinh tế đã từng học ở Hoa Kỳ về nữa. Nhưng vì sao, tập đoàn kinh tế Việt Nam những năm qua lại “đổ vỡ”, “nợ xấu, thất thoát” nhiều đến thế, con số 1,33 triệu nghìn tỷ đồng không phải là con số nhỏ, trong khi đất nước ta, nông dân và nhân dân lao động ta hằng ngày chắt chiu từng đồng. Nguyên nhân do đâu, ai chịu trách nhiệm ? Lâu nay ta có thói quen dưa cho nhau, đổ lỗi cho nhau, chẳng anh nào dám đứng ra chịu trách nhiệm trước những thất bại của phát triển kinh tế. Rồi cuối cùng là “hoà cả làng” và “để rút kinh nghiệm !”
Rút kinh nghiệm đến 1,33 triệu nghìn tỷ đồng thì quả là “to gan lớn mật”. Hay là, tiền của dân, muốn đốt vào cái “rút kinh nghiệm” bao nhiêu thì đốt. Đau lòng xong lại đi uống bia và ngủ giường đệm ngoại thì, nói thực tôi xin tự nguyện “mỗi ngày đau lòng vài ba lần”. Tiền bạc của dân, nghĩa là tiền mồ hôi nước mắt thậm chí cả máu của nhân dân chứ không phải là chuyện nói cho vui, hoặc “bông phèng” chốc lát ? Cũng may mà Thủ tướng của chúng ta bắt đầu thấy “đau lòng”. Vâng xin thưa, lẽ ra Thủ tướng phải đứng ra trước bàn dân thiên hạ mà nhận lấy trách nhiệm, và đền nữa…
Tuy nhiên, theo tôi, cãi vã nhau mãi về chữ nghĩa danh từ, khái niệm chỉ tổ mất thì giờ và chẳng có ai nghe đâu. Ở nước ta bây giờ, người nói thì nhiều, thậm chí nói ngày này sang tháng khác, những lại có rất ít người nghe. Vì nghe những điều “nghịch nhĩ” thì một là “luận điệu của kẻ thù đich” hai là của những người “mất lòng tin vào Đảng” ! Tuy thế, tôi là một công dân nay đã 78 tuổi, đã từng được học lý luận Mac-Lê-nin, Lịch sử Đảng, những phạm trù và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội…Bây giờ mới thấy thấm thía rằng, chung quy vẫn chỉ tại “quan điểm” mà ra cả. Ta có các tập đoàn kinh tế Nhà nước, tức là kinh tế quốc doanh, thuộc quyền quản lý của Nhà nước, cứ tưởng như thế là nó sẽ mạnh lên, sẽ là những “quả đấm thép” là “chủ đạo” của nền kinh tế quốc dân. Bây giờ nhìn lại, hầu hết các tập đoàn kinh tế Nhà nước, nghĩa là “kinh tế quốc doanh” không còn là “chủ đạo” nữa mà là “chủ đạo làm hại quốc gia !” Chính một số báo cáo kinh tế của Chính phủ vừa qua đã khẳng định: trong suy thoái kinh tế toàn cầu, nước ta có bị ảnh hưởng, nhưng không nên đổ tại cái “toàn cầu ấy” mà phải nhìn vào chính mình, phân tích cái được, cái chưa được về quan điểm xây dựng kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế, chứ không phải “xây dựng chủ nghĩa xã hội” riêng của nước ta, do đảng ta lãnh đạo. Trong suy thoái ấy, tại sao nền kinh tế nông nghiệp nước ta, mặc dù còn bị coi nhẹ “tam nông” trong những năm qua, lại là “chỗ dựa” cho ta vượt qua suy thoái. Vì sao ? Vì, nhìn chung, nông nghiệp ta còn lạc hậu, khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp chưa phát triển mạnh, chủ yếu vẫn dựa vào lao động cơ bắp của mấy chục triệu nông dân và đất đai mầu mỡ của Việt Nam. Thế mà, do “nông nghiệp đã khoán hộ, khoán đến hộ nông dân, sức lao động tuy còn đơn giản và lạc hậu nhưng vẫn là sức mạnh chiến thắng thiên tai, giành mùa màng bội thu, giành sản phẩm thuỷ hải sản xuất khẩu nhiều đô la và nhiều loại sản phẩm khác từ nông nghiệp…Do đó nông nghiệp, nông dân và nông thôn lại trở thành “chỗ dựa’ cho phát triển kinh tế nước ta. Rõ ràng ta chưa có một tập đoàn kinh tế nào thuần tuý nông nghiệp, không cần tập đoàn kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo, mà chúng ta vẫn gặt hái được kết quả nhỡn tiền. Bây giờ, riêng lúa, cả nước đạt trên dưới 45 triệu tấn quả là con số lịch sử. Còn nhớ dạo còn Phó Thủ tướng Lê
Thanh Nghị, nông dân làm ăn tập thể, bao cấp, không năm nào Chính phủ không cử Phó Thủ tưởng ra nước ngoài để xin viện trợ lương thực bảo đảm dân ta không bị đói, nhưng ăn không no, chưa nói là ăn ngon. Bây giờ khoán hộ sản xuất nông nghiệp, chúng ta có được 45 triệu tấnthóc/năm. Như thế mới có 7,7 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2012. Gạo Việt Nam không chỉ nuối sống 90 triệu người Việt Nam mà còn góp phần nuôi nhiều triệu nhân dân thế giới. Tự hào lắm. Nếu đảng và Nhà nước thay đổi quan điểm nhìn nhận nông dân, đầu tư, giúp đỡ nông dân nhiều hơn, chắc chăn nông dân sẽ làm nên nhiều điều kỳ diệu hơn nữa.
Thứa hai, cũng theo báo cáo chính thức, đến nay có khoảng 54.000 doanh nghiệp vỡ nợ hoặc phá sản, hàng chục vạn công nhân lao động thất nghiệp hoặc không có việc làm. Nhưng cũng trong hoàn cảnh này, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, làm các mặt hàng thiết yếu, vẫn đứng vững và có phần phát triển. Còn to tát như “tập đoàn” thì mọi người đã thấy, đổ vỡ, nợ xấu, thất thoát quá nhiều. Vậy thì quan điểm của chúng ta trong thời kỳ phát triển kinh tế này nên xác định quan điểm như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, không nên và không thể cứ áp dụng theo một mớ lý luận đã lỗi thời.
Sang năm 2013, hội nghị nào cũng nói đến “tái cấu trúc” “tái cơ cấu”, nhưng tái thế nào thì dường như chúng ta còn bề tắc, lối ra chưa rõ ràng, chưa thấy rõ “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Nông nghiệp nước ta đã cho một số bài học thiết thực. Các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cho ta một số bài học. Và các tập đoàn “anh cả đỏ” cũng cho một số bài học “thất bại cay đắng”.
Vậy thì, thưa ông Thủ tướng, ông chịu trách nhiệm về vấn đề này hay là “trách nhiệm của các Bộ, ngành” hoặc trách nhiệm của các tỉnh uỷ, thành uỷ, quận uỷ, huyện uỷ và cho đến xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm. Ấy là chưa nói đến nạn tham nhũng, nạn vơ vét của cải của Nhà nước và của nhân dân còn hoành hành dữ lắm. đấy cũng là một yếu tố làm suy giảm, đổ vỡ nền kinh tế gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” của chúng ta !
Sau gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã “cởi trói” rất nhiều, nhưng cởi trói rồi thì phải “ra roi” cho dân làm ăn. Chứ bây giờ thì ở đâu cũng có tham nhũng, cũng có mua quan bán chức, cũng có ức hiếp dân…nhìn chung là không dân chủ hoặc mất dân chủ một cách nghiêm trọng, người dân không mảy may còn một chút quyền làm chủ nào, nên trong dân, mạnh ai nấy làm, chẳng ai lo cho ai, ai cũng vô cảm, hỏi rằng ta có sức mạnh nào để vực dậy nền kinh tế vốn nhiều “yếu kém” như hiện nay.
Nhân đây, theo tôi, tất cả đổ vỡ, thất bại của tập đoàn kinh tế và nhiều mặt khác nữa, ta không thể chỉ đổ tại các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế mà chỉ nên đổ tại chúng ta khư khư bám lấy một mớ lý luận, một mớ quan điểm đã lỗi thời mà lại cứ cho là đúng, đến khi đổ bể thì đổ vấy cho nhau, không ai chịu trách nhiệm, không ai bị nghiêm trị. Chỉ có người dân là bị điêu đứng mà thôi !


60 tỷ đô la có nhiều không?


Hiệu Minh
bill_franklinTin tức cho hay, tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp nhà nước ở thời điểm này là hơn 1,33 triệu tỷ đồng, tức hơn 60 tỷ đôla.
Đây là con số gây chấn động được đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hôm thứ Tư 16/1 tại Hà Nội.
 Nhiều bạn tự hỏi, số tiền 60 tỷ trên có nhiều không. Việc này tùy vào bạn đang đứng ở chỗ nào trên trái đất.
Hoa Kỳ có GDP (nominal) năm 2012 là 15 ngàn tỷ đô la, Việt Nam có khoảng 138 tỷ. 60 tỷ tương đương với hơn một nửa GDP của Việt Nam.
Doanh thu của Starbucks hàng năm khoảng 10 tỷ đô la và lãi khoảng hơn 1 tỷ. Như vậy tương đương với 60 năm làm việc của Starbucks với 150 ngàn nhân viên. Với người Mỹ thì không nhiều.
Dân thường ta thì sao. Nếu chia đều số tiền 60 tỷ đô la trên cho 90 triệu dân, mỗi người được 666$ (15 triệu đồng VN), chia cho dân số Mỹ 305 triệu, mỗi người được 197$.
Mỗi xuất McDonald (Big Mac) khoảng 5$ bao gồm bánh mỳ kẹp thịt, coca cola uống mệt nghỉ và gói khoai tây chiên. Với số tiền trên toàn dân Mỹ có thể sống được khoảng 40 ngày, không cần làm gì, mỗi ngày hai bữa fast food nhòe.
Nếu 90 triệu dân ta ăn phở, mỗi người 15 triệu đvn (25.000-30.000 đồng/bát), cũng được cỡ 500 bát. Nghĩa là gần cả năm liền, cả nước ta mỗi ngày hai bát phở, không phải một nắng hai sương, ra đồng cầy cấy.
Chiều dài, rộng và bề dầy của tờ 1$, 5$, 10$, 20$, 50$ và 100$ hoàn toàn như nhau (0.0043″ dầy X 2.61″ rộng X 6.14″ dài).
Nếu xếp những tờ 100$ lên nhau thì 60 tỷ đô la có chiều cao tương đương với 65,5km.
Xếp nghiêng toàn tờ 100 $ bằng đoạn đường từ Hà nội về chỗ Phủ Lý giáp Ninh Bình. Nếu xếp tờ 10$ thì ngang đoạn Hà Nội – Huế.
Một tỷ người hiện dưới mức nghèo (thu nhập 1$/ngày) trên hành tinh thì có thể sống trong 60 ngày.
Quả đấm thép của Việt Nam ảnh hưởng mạnh như thế đó.




Đừng như những con vẹt


Bùi Văn Bồng
vetTrong chuyện kể ở nước Nga, có câu chuyện “Con vẹt quý”. Một nhà kia nuôi con vẹt, chỉ dạy cho nó nói rất thạo hai từ конечно, tạm dịch ra La tinh ngữ: “ka’nhets’ner” (nghĩa Việt là tất nhiên). Con vẹt suốt ngày chỉ nói được hai từ “tất nhiên” (конечно), khá rõ ràng, nghe rất hóm hỉnh và có khí chất như là cũng thông minh. 
Thấy khách đến nhà, nó vội hót lên: “Tất nhiên”. Khách chửi nó là đồ ngu, nó cũng gật cái đầu có lông ngũ sắc rất sặc sỡ: “Tất nhiên”. Khách bảo: “Vặt lông mày bây giờ”, nó cũng: “Tất nhiên”. Ông chủ có lúc bí tiền, đem con vẹt ra chợ bán. Có một ông khách sộp đến mua. Chủ hàng giới thiệu: “Ông mua đi, hơi đắt một chút, nhưng con vẹt của tôi khôn lắm, hỏi cái gì nó cũng biết”. Khách hàng nhìn như xoáy vào con vẹt, hỏi: “Đúng không mày, cái gì mày cũng biết hả?”. Con vẹt phát âm: “Tất nhiên”. Ông khách mừng quá, đồng ý mua với giá cao. Ông chủ khoái chí nhét tiền vào túi.
          Đó là câu chuyện ngụ ngôn con vẹt ở nước Nga xa xôi. Chuyện ở xứ Việt ta, lại thế này: Ông Bảy Nhị giật mình vì hiện tượng con vẹt. Tôi được nghe câu chuyện do Ts. Tô Văn Trường kể lại: Ông Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch kỳ cựu của UBND tỉnh An Giang kể lại rằng, một đoàn cán bộ Trung ương về An Giang, rất sâu sát cơ sở, làm việc có trách nhiệm và hăng hái. Sau khi làm việc ở tỉnh, về huyện, rồi về xã, lại gặp cả đảng viên thường ở xóm, ấp. Hỏi về chuyện gì, thấy các cán bộ, đảng viên từ tỉnh xuống tận cơ sở đều nói rất giống nhau. Không thấy ai nói khác.
Trước khi rời An Giang, ông trưởng đoàn cán bộ Trung ương khen: “Công nhận ở Đảng bộ An Giang có tính thống nhất rất cao, hỏi từ trên xuống dưới, thấy vấn đề gì cũng thấu đáo, thống nhất từ dưới lên trên”. Lúc đó, ông Bảy Nhị cũng mừng thầm. Nhưng đoàn đi rồi, nghĩ lại lời khen đó, ông Bảy Nhị mới chợt giật mình: “Thôi chết, không khéo mình đang chỉ đạo, điều hành cả một “lũ vẹt”. Cán bộ, đảng viên đã rất “ngoan Đảng” nói không sai với những phổ biến của trên. Trên đã nói sao, đi học tập, bối dưỡng, tập huấn về, cứ y nguyên thế mà phát ra, không ai dám nói khác. Dù họ có nghĩ thật đến mấy, thực tế có khác đến mấy, nhưng khi phát ngôn, họ đều nhất nhất nói đúng với ý chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là với các đoàn kiểm tra xuống, với nhà báo, phải phát ngôn đúng như hướng dẫn. Thế thì nguy, ai mà nắm được thực trạng, thực tế, nắm đúng bản chất thực tế, thực trạng để giải quyết”. Khi đó, với cương vị đang là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Bảy Nhị đã biết giật mình đúng cái việc, cái chuyện phải giật mình, Vậy cũng mừng.
          Mừng bởi vì có những người lãnh đạo như anh Bảy Nhị, rất cần và tôn trọng sự chân thực, cần cái vốn có trong tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của mỗi người. Cuộc sống trong mỗi chúng ta, làm gì có ai giống ai. Từ nhìn nhận, xem xét, đánh gia một vần đề gì đó, bên cạnh sự thống nhất chung, nhận diện chung, còn có cái riêng, mỗi người có cách ghi nhận tầm mức, đặc tả, phân tích vấn đề khác nhau. Vậy mới là xã hội. Ngay trong gia đình cũng vậy, ruột thịt đấy, nhưng đâu phải ai cũng như ai, kể cả anh chị em sinh đôi. Và ngay trong mỗi con người cũng vậy, luôn luôn có diễn biến tự mâu thuẫn thực thể. Tức là mọi sự, kể cả nhận thức, đâu phải lúc nào cũng  y hệt nhau. Đó là quy luật của phép biện chứng, đứng im chỉ là tạm thời, vận động là liên tục. Tư tưởng con người là đồ thị biến thiên không ngừng, luôn luôn mở theo hình xoáy trôn ốc. Tư duy con người là hình nón, đâu phải hình que? Cái duy lý, duy ý chí, rập khuôn, khô cứng cũng là do nếp quen không mang tính cách mạng, là trên nói sao, dưới phải nghe vậy, rồi nói cho dưới nữa cùng phải như vậy. Thế nên, đi đâu, đến đâu, gặp ai, tình huống, bối cảnh nào cũng nói một kiểu không đổi, thì là con vẹt chứ còn gì (?!). Tuy là xã hội đã tiến tới thời đại văn minh, hiện đại, nhưng cái lối ngu trung từ thời phong kiến xa xưa cũng từ đó xuất hiện trở lại và tồn tại. Thật là tai hại, kìm hãm sự phát triển tự nhiên, hạn chế năng động, khó đổi mới.
          Tháng trước, ngồi uống cà phê với một vị đương chức là Phó Ban tuyên giáo thành ủy. Tôi hỏi: “Cái vấn đề (này, kia) hôm trước ngồi mấy anh em thân thiết, ông nói khác, tại sao trong hội nghị không thấy ông nói ra được những cái hay như thế?”. Nhà Tuyên giáo nói: “Anh ơi, đó là chuyện nói ở bàn trà, nó thật lòng như thế, nhưng nói ở Hội nghị, với bàn dân thiên hạ phải nói theo chỉ đạo của trên. Nếu như nói trật, có mà gay”.
Tôi hỏi: “Gay, là sao?” Vị cán bộ nọ nhìn quanh quất trước, sau, rồi mới nói: “Nói phải đúng như chỉ đạo, nói sai bị phê bình đấy, mà còn dọa cách chức hoặc điều chuyển việc khác”…
          Lần này, lại đến tôi giật minh. Ô, hóa ra Đảng ta vẫn đặt ra đường hướng là làm cách mạng phải sâu sát thực tế, đi sát cơ sở, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến và những phát sinh mới từ trong thực tiến. Qua đó cần biết tự chủ phát huy nội lực, tự thân vận động, nỗ lực chủ quan của mỗi người là rất cần thiết, khuyến khích và đề cao sáng tạo ở mỗi con người, mỗi cơ sở. Nghị quyết, chủ trương là vạch đường, chỉ lối, còn đi thế nào, làm cách nào cho có hiệu quả, đạt chất lượng cao thì mọi người (mỗi thực thể cá nhân, mỗi ngành, địa phương, cơ sở)  phải biết phát huy sảng kiến, mạnh dạn sáng tạo, lấy hiệu quả, chất lượng cuối cùng làm trọng. Đó cũng là Nghị quyết, là đường lối của Đảng, chứ có khác gì đâu?
Tại sao tư duy và phát ngôn của cán bộ, đảng viên ta lại bị rơi vào sự “khung kín”, bị rập khuôn, máy móc như thế? Đi họp, dự các hội nghị lại ít tập trung theo dõi, không vận hóa tư duy, lười suy nghĩ đóng góp ý kiến (nhiều vị thậm chí cũng không bết nên góp ý kiến thế nào). Họ cứ ngồi, hỏi thì nói mỗi hai từ quen thuộc: “Nhất trí”, cần thì giơ tay biểu quyết, cho xong việc. Họp xong, về không lắng đọng được bao nhiêu, không cần suy nghĩ nhiều, lo việc khác cần hơn, mọi việc đã có bộ máy cơ quan, có các trợ lý, có văn phòng. Nếu có cán bộ nào hỏi: “Làm như thế liệu có được không anh?” -  “Tât nhiên, cứ thế mà làm”. Đi họp như thế quả là việc nhẹ nhàng. Xem ra, con vẹt, dạy sao, chỉ biết phát ngôn như vậy, khó mà hơn được. Chẳng lẽ miệng con người mà lại không hơn được mỏ vẹt?
          Có ông cán bộ cấp Trung ương, trong các cuộc đi thăm, đi dự hội nghị, dự các lễ lạt ở các tỉnh, thành, đến các Bộ, ngành, ở đâu cũng phát biểu rất chuẩn, không cần chính: “Chúng ta phải luôn nhớ lời Bác dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.Đúng như vậy, nhưng có gì mới đâu. Các cháu học sinh tiểu học đã thuộc lòng câu nói quý báu đó, cũng như chân lý rồi. Mọi người dân ai cũng thuộc nhằm lòng. Thế mà từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, ở đâu ông ta cũng nói vậy. Suốt nhiện kỳ vị quan khách ấy giữ chức, đài truyền hình cũng tường thuật y nguyên vậy hàng trăm lần, bạn xem đài cũng phát phì cười: “Biết ngay mà, thể nào ông ta cũng nói câu ấy, không khác được”. Thấy ở dưới nhiều người cười, ông ta tưởng hay, cứ cái đà đó nói hoài.
Lẽ ra, cũng nói về đoàn kết, rất cần, nhưng khi đến mỗi nơi có hoàn cảnh, đặc điểm riêng, phải chỉ ra cần đoàn kết ở chỗ nào, thống nhất về vấn đề gì, làm thế nào để đoàn kết tốt hơn và từ đoàn kết phat huy sức mạnh. Có những địa phương nội bộ đang đoàn kết, đâu cần phải nói điều đó. Nhưng cái “chất vẹt” trong ông ta cũng còn di chứng đâu đó, nên ông ta không nói thế, cho là điều trọng yếu không thể thiếu khi phổ truyền nghị quyết Đảng, thể hiện tiếng nói lãnh đạo, chắc ngoài ra không biết nên nói gì. Mà thậm chí có hiểu cơ sở đượcmấy mà biết nói gì để đi vào cuộc sống, đi vào lòng người?
          Lại có những nhà giáo suốt đời dạy ở trường chính trị, giáo án soạn cả mấy chục năm trước, thuộc lòng, nói không cần nhìn sách vở mà cứ vanh vách. Ngay như những câu kinh điển của các triết gia, của các lãnh tụ, nhà cách mạng  nổi tiếng ông ta nói không sai một chữ. Học viên nghe mà phục thầy, giỏi thế, những câu mình học trần thân khó thuộc mà ông ta nói giỏi thật. Nhưng lớp nào, khoa nào, ở đâu cũng vậy, giảng và thuyết có mở ra được gì mới đâu. Lớp trước tiếp thu sao, lớp sau học lại đúng bài như thế. Nếu cần minh chứng từ thực tế, và nếu hỏi trong thực tế có chuyện như thế, khác lý luận như thê, ông giải thích sao? Thầy giáo giỏi kia đành bó tay, không biết giải thích, phân tích thế nào.
Thế mà năm nào ông ta cũng là giáo viên dạy giỏi, còn được nhân vinh danh Nhà giáo ưu tú, cứ thế theo thời hạn được tăng lương ngon lành. Hết việc về nhà lo việc riêng, nghỉ ngơi, đi chơi, không cần đọc báo, ít nghe đài, ti vi mở ra thì phim hay mới xem. Nhàn hạ lắm. Đời được thế là lên hương. Ôi, thật tai hại cái bệnh giáo điều, sách vở. Thế nên, bài bản lý luận trở thành thứ lương khô, lúc nào, ở đâu cũng đem ra xài được.
Nhắc lại, ông Bảy Nhị nói đúng quá, chuyện gì mà cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới đều đồng loạt nói giống nhau thì báo động sự đứng im trơn lì của một khung hệ thống chính trị kém vận động, thiếu năng động, ít sáng tạo. Mà đó lại chính là nguyên nhân tạo ra động thái gò ép, bắt buộc kiểu “dậm chân tại chỗ” như tập điều lệnh đội ngũ của anh lính binh nhì, trái ngược hoàn toàn với nhu cầu của động lực phát triển xã hội. Tự do tư tưởng, nói thẳng nói thật, quyền bộc lộ chính kiến của mỗi con người trong nền tảng xã hội đã mang bản chất tốt đẹp tự do, dân chủ, mà vẫn khó như vậy sao?






“ Các ngươi chớ quên:…”


 Nguyễn Hồng Tâm
Bài viết  về cuộc trò chuyện của Thượng tướng Nguyễn Chí Vĩnh  với báo Tuổi trẻ trước thềm năm mới 2013  với nhan đề “Không ai quên lợi ích Quốc gia ,dân tộc “ báo mạng đã bình luận quá nhiều rồi ! Nói thẳng ra đó là sự ngụy biện cho vị thế hèn kém của Nhà nước  Việt Nam trước sự chèn ép xâm lấn biển đảo ngày càng trắng trợn của Chính quyền Bắc Kinh hiện nay.
    Cái tính ngụy biện lên đến cực điểm là mục nói về “ý thức hệ”, Thượng tướng nói rằng: “Di sản quý báu hàng đầu của Việt Nam và Trung Quốc là sự tương đồng của ý thức hệ”. Nôm na có thể hiểu ra rằng : Quan hệ của Hai nhà nước  Trung- Việt hiện vẫn là quan hệ của những người cộng sản, cùng chung lý tưởng là “đồng chí”, là 16 chữ vàng v.v…Mà đã là hướng về lý tưởng cộng sản thì tâm điểm là quyền lợi giai cấp, biên giới quốc gia so với quyền lợi giai cấp không là cái đinh gì cả ! Tôi không dám tranh luận về những vấn đề cội nguồn của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và ý nghĩa thực tiến của nó. Nhưng trong cái thực tế của mối quan hệ Trung-Việt và cái gọi là cùng chung một di sản quý báu –“ý thức hệ”,tôi xin có vài lời bàn như sau:
           Năm 1969, lúc đó tôi 12 tuổi học lớp 5, dù  còn nhỏ tuổi nhưng cũng như bao đội viên TNTP khác cùng  thế hệ, tôi cũng đã nhận biết thế nào là “phe ta” và “phe địch”, CNXH và CNCS tốt đẹp ra sao. Chính vì vậy mà đọc di chúc Bác Hồ tôi vẫn cứ vấn vương hoài với đoạn: “Tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”. Tại sao đều  xây trên nền tảng là Chủ nghĩa Mac-Lê Nin mà sao họ cứ bất hòa cứ mất đoàn kết hoài, thế thì “phe ta” bao giờ mới thắng được? Rồi khi bình bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu đến hai câu thơ : “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” thì thầy giáo có “nói nhỏ”  tức là nghe thôi, đừng có ghi : đó là sự so sánh giữa Bác Hồ của chúng ta với Mao Trạch Đông.
Thầy giải thích :ở Trung Quốc, tượng Mao dựng đầy đường, huy hiệu Mao các cỡ nhiều vô kể, đến nỗi tràn sang cả vùng ven biên giới nước mình, trẻ con mình chơi trò đánh đáo, lấy Mao to đè lên Mao nhỏ …Tức là thầy phê phán chủ nghĩa sùng bái cá nhân bên đó. Và từ đó , chúng tôi không còn hát bài “ Việt Nam- Trung Hoa núi liền núi ,sông liền sông” nữa. 1972, khi Ních Xơn sang thăm Bắc Kinh,ông nội tôi mở lén nghe đài BBC và…người lớn (tuy ở nông thôn) biết hết, bàn tán về sự phản bội của Bắc Kinh về sự kinh bạc của họ đối với Việt Nam.
Vào đại học, dạy môn Triết chúng tôi là một thầy giáo rất hay, đến bây giờ những bài học về Duy vật biện chứng tôi còn nhớ được rất nhiều, như các cặp phạm trù, như” cái chung nằm trong cái riêng’ , như “hình thức và nội dung” v.v…Khi giảng về Mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn , thầy có nói về quan điểm sai lầm của Trung Quốc là mâu thuần đối kháng liên tục, triệt tiêu nhau mãi cho đến khi còn lại ….mỗi mình Mao ! Chúng tôi biết thêm về hồng vệ binh công cụ đàn áp của CCVS Trung Quốc trong Đại cách mạng văn hóa, biết thêm về những cuộc hành xác kinh khủng đối với đội ngũ trí thức bên họ, biết thêm về những chiến dịch kiểu như diệt chim sẻ. Thầy nói đó là sự ấu trĩ, duy lý trí…Thế mà một lần thăm thầy tại một khu tập thể giáo viên tồi tàn, thầy tâm sự: “Tôi dạy về chủ ngĩa Mác –Lê Nin nhưng tôi lại thấy rất …mơ hồ”.
 Nhưng nói gì thì nói chứ không thể phủ nhận được sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc, chúng tôi biết trang bị của các anh bộ đôi lúc bấy giờ từ đầu đến chân là của ai chứ? Chúng tôi biết trong cuộc sống hàng ngày, cái kim sợi chỉ là của ai chứ ! Và có lẽ mọi người Việt Nam, từ nguyên thủ quốc gia cho đến dân thường , vẫn chỉ nghĩ những mâu thuẫn, bất hòa trong “phe ta” chỉ là tạm thời thôi, chưa ai nghĩ đến một chữ “ngờ”.
 Sang năm 1975, mọi hoạt động học tập và lao động của chúng tôi hòa chung với không khí chiến thắng của dân tộc. Chúng tôi đã có cảm xúc vỡ òa sung sướng khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Tôi nhớ như in, những lời của thầy hiệu phó trong một buổi sinh hoạt chính trị của toàn khoa: “Lần này là độc lập chắc chắn ! Hòa bình vĩnh viễn!”  Và chúng tôi cũng như toàn thể người dân Việt Nam lúc đó đều có niềm tin như thế ! Một niềm tin gần như tuyệt đối vào ánh hào quang của chiến thắng của Đảng, của lý tưởng.
      Nhưng, tiếp theo như thế nào? Tôi có thể trích đoạn trong bài thơ “Tản mản thời tôi sống” của Nguyễn Trọng Tạo :
       “ Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
          Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ,
         Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
          Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn
                  Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
                  Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
                  Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
                  Tay ta treo đâu có nghĩ một lần
         Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
         Nhận ra chúa chỉ ghép bằng đất đá
         Thời tôi sống thêm một lần nổ súng
         Trái tim đau rỏ máu dọc biên thùy “
    Bài thơ này chắc không vừa lòng các vị lãnh đạo Đảng qua nhiều thế hệ. Nhưng Nhà thơ đã nói lên nỗi lòng của chúng tôi –một thế hệ phải đau đớn để nhìn ra những điều mình đã ngộ nhận. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra ngay sau ngày Việt Nam thống nhất.  Mà do ai gây ra? Đó là những người cùng “ý thứ hệ”  sau trở thành “ bọn diệt chủng Khơ me đỏ”. Đứng sau chúng là ai? Đó là những kẻ sau này phát động Chiến tranh biên giới phía Bắc  1979 . Ông  Đặng Tiểu Bình không biết thuộc “ý thưc hệ” nào mà đòi dạy cho các đồng chí mình ở Việt Nam “một bài học”!  Rồi đã trải qua hơn 10 năm sau, đất nước không bao giờ ngừng tiếng súng, Nghĩa trang Liệt sĩ lại dày thêm trên khắp miền đất nước hình chữ S này.
       Giờ thì tôi thấm một điều: Mọi chủ thuyết, tôn giáo đều hướng về cái chân, cái thiện. Kể cả cái khái niệm Nhà nước  “vì dân, do dân”  đâu phải là mới đâu phải là đặc sản của một “ý thức hệ” nào !
 Trong Bốn ngàn năm lịch sử Việt Nam, Những thắng lợi của các cuộc đấu tranh giành và giữ nước đều  mang đậm dấu ấn tư tưởng vì dân của các vị lãnh tụ. Trong đó tiêu biểu là vua Trần Nhân Tông. Nhân chuyện học sử tôi có đố con gái tôi : Nước ta ai từ Sư trở thành Vua và ai từ Vua trở thành Sư. Con tôi trả lời đó là Lý Công Uẩn(Lý Thái Tổ) và Trần Nhân Tông. Tôi hỏi thêm: Con thích vị nào hơn thì nó trả lời là thích vua Trần Nhân Tông hơn.
 Đương nhiên so sánh như thế là khập khễnh nhưng cái quyền yêu ghét nó là vậy. Nói về Trần Nhân Tông, ngoài sự nổi bật là vị vua gắn liền với chiến công hiển hách của dân tộc chiến thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông , người ta còn biết đến đó là vị vua nhân từ, hết mực vì dân, yêu hòa bình. Thương dân, yêu hòa bình nên phải chịu nén, chịu nhún trước sự nghênh ngang của sứ giặc. Rất đắn đo trước thế giặc mạnh vì chỉ sợ dân đen phải chịu cảnh chết chóc hung tàn. Là vua với quyền lực tối thượng, nhưng  ông coi việc chống giặc ngoại xâm là việc đại sự của muôn dân nên mới  có hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than để cùng dân và tướng sĩ bàn việc giữ nước.
          Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm,Trần Nhân Tông là người tiêu biểu cho chính sách hòa hợp dân tộc kết hợp với chính sách ngoại giao đúng đắn để xây dựng và gìn giữ đất nước trong bình yên.Nhưng là người đã từng nếm mật nằm gai cùng tướng sĩ và nhân dân kháng chiến, hai lần buộc lòng phải  bỏ Thăng Long chạy giặc ,chứng kiến cảnh hoang tàn của quê hương và nỗi cùng cực đau thương của người dân trong chiến tranh,Nhà vua   hiểu  thấm thía và không bao giờ quên được cái dã tâm của bọn giặc Phương Bắc.
        Kết thúc bài này, tôi muốn nhắc lại di chúc của vị vua Trần nổi tiếng Nhân Nghĩa này :
 “Các ngươi chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ tự cho mình cái quyền nói một đường, làm một nẻo. Vả lại, phải xem đây là mưu của người Trung Quốc. Chỉ người Trung Quốc mới nghĩ ra các thứ mẹo vặt ấy. Loại trừ những điều nhân nghĩa ra, thì các nhà cai trị Trung Hoa không việc gì mà họ không làm. Từ những việc kinh thiên động địa đến việc tán tận lương tâm, miễn sao họ có lợi. Cũng nên nhớ, đây còn là quốc sách truyền thống của người Hoa Hạ từ ngày họ mới lập nước tới nay. Các ngươi có nhớ, hồi đánh giặc Thát ta chỉ ngại cái đám mưu sĩ người Tống, hàng nhà Nguyên, lẫn vào trong đó. Cho tới khi trừ được bọn Lý Hằng, Lý Quán rồi ta mới yên tâm đánh bọn Thoát Hoan, Tích Lệ Cơ Ngọc. Bọn người Thát trước sau gì rồi cũng không nuốt nổi Trung Hoa. Cho nên cái họa lâu dài của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp, không thôn tính được ta thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lần lần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các ngươi phải nhớ lời ta dặn: –Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác–. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó, như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.
      Đã bảy trăm năm trôi qua rồi mà tôi thấy đó như chính là lời nhắc nhở nghiêm khắc trước những lời ngụy biện kiểu như : “ Không ai quên lợi ích Quốc gia và dân tộc…” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vĩnh.
Tác giả gửi QC






NGẠT


Võ Trung Hiếu
5pfrepzk0wprja0xlormTôi thấy mình đi qua thành phố
Còn dở hơi hơn cả đàn bò
Chỉ cần cỏ là đàn bò hạnh phúc
Chỉ cần rơm là đàn bò hoan hô
Có con đường xác xơ lẽo đẽo theo tôi
Khóc nấc lên sau những lần bị đem ra đào bới
Những vết thương nhói lên sau những xẻng xà bần lấp vội
Triệu bàn chân sớm mai lại bước vô tình
Tôi thấy những nàng Tấm thị thành
Đi chơi game show, may áo dài sát nách
Mặc xường xám vô tư đi dự hội non sông
Sáo chửa sang sông, nàng đã vội theo chồng
Tôi thấy giữa công viên là những bàn cờ thế
Những đàn ông trẻ già nét mặt đăm chiêu
Những nước cờ trí tuệ biết bao nhiêu
Mà thế sự hết quẩn rồi lại bí ?
Tôi cố hít thở bằng cái gọi là không khí
Cũng có vẻ oxy mà sao rất nặng nề
Giữa ban ngày mà nửa tỉnh nửa mê
Thành phố chắc lại đang cần dưỡng khí
Tôi giãy dụa giữa một ngày vô vị
Thoi thóp cùng tôi là cả triệu người
Đàn bò đi qua và ré lên cười
” Làm người đếch gì khổ thế ? “
18.4.2012
Tác giả gửi cho Quê choa







Hoài cổ


Võ Trung Hiếu
questionTự dưng ngồi nhớ ngày xưa
Cái thời đất nước còn chưa giàu – nghèo
Cái thời tình người trong veo
Cái thời mảnh ruộng con heo nuôi người
Cái thời nghèo rách mồng tơi
Nhưng rất ít những chuyện đời trái ngang
Cái thời quan chưa kịp tham
Và dân thời ấy chưa gian chưa liều
Cái thời mà người ta yêu
Không cần phải tốn thật nhiều đô-la
Cái thời hiếu với mẹ cha
Kính thầy yêu bạn, kính bà thương ông
Cái thời tấm áo manh quần
Vá lên vá xuống mà tâm nguyên lành
Cái thời rau đắng nấu canh
Đơn sơ mà đượm thắm tình quê hương
Cái thời thong thả ra đường
Còn chưa có lũ bất lương hoành hành
Cái thời êm ả hoà bình
Đi đâu cũng gặp xông xênh nụ cười
Giá mà đất nước của tôi
Người ta sống được như thời ngày xưa
29.10.2012
VTH
Tác giả gửi cho Quê choa








Nhân cách cao quý của người nghệ sĩ


Mặc Lâm thực hiện
imageCâu chuyện vừa rồi của người nữ nghệ sĩ mang tên Kim Chi đã làm những ngươi theo dõi các sự kiện trên Internet trong và ngoài nước sửng sốt và xúc động.
Sửng sốt vì chị đã có một hành động rất anh dũng khi viết thư gửi cho Hội Điện Ảnh Việt Nam từ chối không chấp nhận một bằng khen có chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thẳng thắn viết rằng “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.
Người biết chuyện xúc động vì nữ nghệ sĩ Kim Chi làngười tập kết ra bắc khi tuổi còn xanh đến nay đã hơn 70 nhưng tấm lòng với đồng đội với đất nước của chị vẫn giữ vững như ngày đầu bước chân lên dãy Trường sơn trình diễn những vở kịch giúp vui cho bộ đội. Những con người một thời cống hiến ấy nay đang sống thiếu thốn chật vật và thậm chí bị chính người đồng chí của mình bóc lột, chèn ép.
Mặc Lâm tiếp nối câu chuyện của chị dưới những góc nhìn khác để chúng ta hiểu thêm cá tính một con người như thế nào mà lại đủ can đảm thốt lên một câu có sức mạnh lay động cả triệu con tim như thế.

Từ chối chứ không chống dối

Mặc Lâm: Thưa chị Kim Chi, rất cám ơn chị đã nói giúp rất nhiều người cái ý nghĩ của họ đối với một lãnh đạo đã đánh mất toàn bộ niềm tin trong lòng nhưng do lo sợ bị trấn áp cách này cách khác đã không đủ can đảm để phát biểu như chị. Xin chị cho biết bắt đầu từ yếu tố nào khiến chị phản ứng mãnh liệt đến như thế?
Nghệ sĩ Kim Chi: Phản ứng vừa rồi của chị vì chị nghĩ là một ông Thủ tướng mà ông ấy làm ra bao nhiêu vụ như Vinashin rồi thứ nọ thứ kia, tỷ này tỷ kia bây giờ ký một cái bằng để khen chị thì chị cảm giác tổn thương nên chị từ chối vậy thôi chứ không phải là thái độ chống đối hay gì cả.
Cuộc đời này “sắc sắc không không” lắm nhưng dẫu như vậy thì cũng không nên để cho người dân khổ. Chị đa cảm lắm, khi nhìn thấy ngày ngày những chuyện người ta bị mất đất mất đai, bị tranh giành bởi một nhóm người nào đó thì nhiều khi chị ngồi chị khóc ngon lành. Chị nghĩ nếu người điều hành đất nước mà để xảy ra những việc đó thì đâu có giỏi, đâu có hay mà nắm quyền làm gì?
Chính xuất phát từ xem TV, đọc báo thấy những chuyện ấy nó đau lòng quá nên chỉ mong mỏi nếu bỗng dưng ngủ dậy nghe ổng làm đơn từ chức thì mình cảm ơn ổng lắm. Để ai đó có năng lực có tâm, có tài người ta thay thế. Chính vì thấy những điều đó nên chị hành động như vậy thôi.
Mặc Lâm: Chị có thể cho biết việc làm ngoại mục này của chị chỉ một mình chị thôi hay có sự đồng cảm của gia đình, đặc biệt là người bạn đời của chị hiện nay, người mà nếu có gì xảy ra cho chị thì anh ấy cũng không thể tránh phiền hà…
Nghệ sĩ Kim Chi: Ông xã bây giờ của chị ổng dạy tại Đại học Bách khoa ổng rất là ủng hộ chị. Khi cái thư của chị viết “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của người làm nghèo đất nước”, ổng bảo cho anh thêm một câu nữa là “làm khổ nhân dân”…Chị bảo đúng, đúng, hay quá! Cho nên ngay trong gia đình thì ông chồng chị rất là ủng hộ chị với một thái độ cương trực thẳng thắn như vậy.
Mặc Lâm: Vậy thì cũng phải chia lời cám ơn và sự ngưỡng mộ đối với ông xã của chị nữa! Sau khi câu chuyện lan rộng trên Internet chị có nhận được những phản hồi gì hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Từ mấy hôm nay rất nhiều người gọi điện tới hầu hết tỏ lòng ủng hộ, ngưỡng mộ chị. Có một vài bạn hơi lo lắng cho chị nhưng chỉ chả thấy sao cả. Quan niệm đầu tiên của chị là: sống phải tử tế. Sống trung thực, không cúi đầu trước bất cứ cái gì. Nói về sự nghiệp điện ảnh thì chị có đóng góp nhưng chị thấy không có gì quá nhiều đâu nhưng nếu cộng với lĩnh vực sân khấu thì rõ ràng là mình có con số cộng.
Mặc LâmChị có thể cho thính giả biết một ít về những hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh và sân khấu cũng như quá trình công tác sau khi chị tập kết hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Sau khi chị tốt nghiệp lớp diễn viên đầu tiên, lúc đó chị đi tập kết ba chị là liệt sĩ chống Pháp. Sau đó chị thi vào trường điện ảnh, tốt nghiệp khóa diễn viên đầu tiên nhưng thấy miền Bắc lúc đó rất là ít phim, mỗi năm chỉ có một phim thôi, mình chen lấn chờ đợi thì khó mà lúc ấy chiến trường miền Nam thì cần văn nghệ, thế là chị xung phong ra chiến trường nên chị là người nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt Trường sơn.
Hồi đó có cái vui là chị đóng nhiều vai chính làm MC cho nhiều đoàn Văn công Giải phóng. Đi đến đâu thì bộ đội rất yêu quý và đặt cho biệt danh là “Người đẹp rừng xanh”! Chị hay nói giỡn là xanh với khỉ dọc thì em đẹp hơn là cái chắc rồi đó…
Nói vui để em thấy rằng chị có những ký ức lớn lao và sâu xa nhiều thì phải nói là sân khấu. Chị ở sân khấu chiến trường 10 năm, phục vụ đồng bào và chiến sĩ, đuổi giặc ngoại xâm dành lại đất nước.

Nghệ sĩ ưu tú

Mặc Lâm: Được biết chị đã từng nhận danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, cảm giác khi nghe tin mình được một giải thưởng danh giá như vậy của chị ra sao?
Nghệ sĩ Kim Chi: Chị phải nói như thế này, khi chị nghe mình được phong “Nghệ sĩ ưu tú” thì cảm xúc đầu tiên là chị khóc. Chị khóc không phải cho chị nhưng chị nghĩ mình may mắn là chị còn trở về để thấy thắng lợi thấy mọi thứ. Hôm nay dẫu muộn màng vẫn còn được ghi nhận. Chị thương những người đồng đội của chị, những người mà đến bây giờ họ rất là thiệt thòi thậm chí họ gửi hài cốt lại chiến trường. Có những người cho đến bây giờ họ không có một quyền lợi gì hết.
Thương chớ, xót xa chớ. Thương những người đồng đội của chị họ không được trở về như chị. Chị may mắn tốt nghiệp ở miền Bắc rồi đi vào chiến trường, đi diễn và có nghề có nghiệp còn các đồng đội của chị thì họ ở dưới ruộng họ lên họ vào đoàn cho nên trình độ họ thấp kém họ không được như chị. Cho nên khi hết chiến tranh các bạn chị chỉ về vườn vì họ đi chiến đấu chỉ bằng tinh thần yêu nuớc thôi chứ còn sự nghiệp thì họ không có cho nên rất tội nghiệp.
Tuy nhiên chị nghĩ rằng những người đã ra đi thì không toan tính đâu. Hôm nay chị trả lời với em chị cũng nói rằng tuổi trẻ của chị không hề biết suy tính bất cứ cái gì được hay mất mà khi đi thì bom đạn dọc đường cái chết nó rình rập. Đã là dấn thân thì cảm thấy rất tự hào vì được hiến dâng cho đất nước, thật sự như thế.
Mặc LâmCó một quãng thời gian rất dài chị theo chân nhiều binh chủng trên con đường Trường Sơn, trong ngần ấy tháng năm ký ức lớn và sâu đậm nhất của chị còn lắng lại là gì?
Nghệ sĩ Kim Chi: Ký ức sâu đậm nhất trong cuộc đời của chị thì đó là chị đã từng diễn trong lúc pháo bầy bắn tới, khán giả chết nhưng mà mình không chết. Chị di chuyển với đồng đội thì đồng đội bị bắt, bị giết, bị mổ vú bị Tàu ăn thịt nhưng chị vẫn còn sống. Tất cả những cái đó nó thành ký ức rất sâu đậm. Chiến tranh khắc khoải trong lòng chị cho nên chị nghĩ bây giờ mình sống thì phải tiếp tục làm điều gì đó cho con người khỏi giết hại lẫn nhau. Để cho người với người thương nhau cho nên ký ức sâu đậm nhất của chị là ký ức chiến trường.
Mặc Lâm: Chị đóng phim cũng nhiều mà diễn trên sân khấu cũng không ít. Xin chị nhắc lại cho người hâm mộ một vài tác phẩm mà chị có tham gia.
Nghệ sĩ Kim Chi: Phim thì chị đóng hơn 20 phim mà trong đó các vai bà Chín trong “Biển sáng”, Sáu Hiền trong “Bài ca không quên”, rồi “Biệt Động Sài Gòn” đóng vai vợ của tướng Nguyễn Ngọc Liên, rồi một loạt những vai mà chị kể ra không hết…nếu em hỏi vai nào làm chị hài lòng nhất thì chị buồn cười lắm không biết sao cứ mỗi lần xem lại thì chị thấy mình có những cái dở. Lại không bằng lòng mình, lại muốn một cái gì mới hơn…tức là thật tình mà nói chưa bao giờ chị bằng lòng với những cái vai nào của mình hết.
Những năm đi chiến trường chị đóng một số vai trên sân khấu như Bà giáo Minh Tú trong “Trận đấu thầm lặng”, hay “Đêm nay ngày mai” đóng vai cô gái diễn viên không chuyên nghiệp, rồi đóng một loạt các vai khác.
Khi chị ốm thì không ai thay thế được hết! Coi như chị không diễn thì vở đó bỏ! Có những hôm chị đang nằm bệnh viện thì cơ quan, đoàn hát phải đến xin phép rồi phải dìu chị đến sân khấu, bắt võng cho chị nằm…tới vai thì nhảy ra… lúc đó tự nhiên như lên đồng không còn thấy ốm đau gì nữa. Diễn xong thì lại sốt đùng đùng và mọi người lại đưa về! Đấy là những ký ức sâu đậm.
Mặc Lâm: Cuộc sống nghề nghiệp của chị hiện nay ra sao? Chị đã về hưu chưa và đời sống kinh tế của gia đình như thế nào? Chị có sống nổi với tiền nhuận bút mà nhiều nghệ sĩ vẫn cho là đồng lương rất hạn hẹp hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Bây giờ công việc của chị hiện nay là viết. Chị viết kịch bản nhiều tập, rồi chị viết sân khấu. Năm rồi chị cũng được cái giải nho nhỏ đó là giải khuyến khích cho vở “Sao hôm sao mai”. Công việc của chị bây giờ chủ yếu là viết nhưng chị viết chủ yếu để tự hoàn thiện mình và cũng để kiếm sống nếu như người ta dàn dựng thì mình cũng có thu nhập. Đồng lương của đất nước mình đối với mọi người, đối với văn nghệ sĩ nó rất khiêm tốn như em đã biết. Mình nằm chung trong cái mặt bằng chung của đất nước thì mọi gnười đều như thế chứ không phải riêng mình nên chị không thấy thiệt thòi gì bởi vì mình đâu thoát ra khỏi cái cộng đồng người Việt mình. Mọi người đều giống như thế trừ những người buôn bán người ta giàu có thì mình phải chấp nhận thôi.

Bằng lòng với hiện tại

Mặc LâmHiện nay chị đang giảng dạy bộ môn gì và công tâm mà nói chị có bằng lòng với những gì chị đã và đang có hay không, đặc biệt là sự nghiệp sân khấu và điện ảnh?
Nghệ sĩ Kim Chi: Năm qua chị mới đựơc xét là nghệ sĩ ưu tú thôi còn trứơc đây không được bởi vì người ta đòi hỏi phải có huy chương, huân chương vàng hay bạc nhưng như em biết chiến tranh thì ai người ta dại gì tổ chức hội diễn để cho bom đạn giết chết! Cho nên chị chả có huân chương huy chương gì cả.
Sau này khi chị đi học đạo diễn sân khấu ở Bungary thì chủ yếu chỉ giảng dạy. Giảng dạy về diễn viên và học trò chị bây giờ đã rất nhiều em thành đạt có cả nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú nữa. Thành ra chị thấy rất vui, hạnh phúc nên tóm lại nếu em hỏi chị ấn tượng gì trong cái nghề nghiệp của mình thì chị nói chung như thế.
Chị có thời gian giảng dạy tại thành phố Hồ Chí Minh, vừa giảng dạy vừa đi đóng trong những vai nó vừa phải thôi chứ không có gì lớn cho nên chị thấy là thành tựu đóng phim mình không có nhiều đâu. Nếu so với chị Trà Giang thì chị không bằng người ta đâu cho nên có lần báo chí hỏi chị tại sao chị đi chiến trường, chị có nghĩ là nếu ở lại thì chị cũng vượt lên đỉnh vinh quang như chị Trà Giang…Chị bảo không đâu, mỗi người có một số phận, chị không dám so sánh, hơn nữa chị thấy chị Giang rất là giỏi và khi cái may mắn nó đến nó còn có việc qua tay đạo diễn giỏi, kịch bản tốt nữa chứ không phải ai ở lại miền Bắc đóng phim cũng đều đạt đỉnh cao như vậy hết.
Chị bằng lòng về mình, bằng lòng mọi cái bởi vì thế này, không phải chị thỏa mãn nhưng vì chị đã cố gắng hết mình nhưng chỉ tới được mức đó thôi, chị rất vui và không có sự bất mãn nào hết.
Thật lòng chị rất yêu đất nước yêu nhân dân và yêu tất cả. Chị làm nghệ thuật cho tới bây giờ sáng tác, viết lách cũng với cái tâm làm thế nào cho con người biết yêu thương nhau. Chứ bây giờ người ta đang xâu xé, tranh dành mọi thứ khiến chị đau đớn khắc khoải lắm.
Mặc LâmChị cũng biết đấy, “lời nói thẳng cho một nhà độc tài không khác gì thọc tay vào ổ kiến lửa để tìm sự thật”! Chị có lo lắng về những gì sắp xảy ra sau khi câu nói nổi tiếng của chị được hàng triệu người biết tới hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Cũng có người lo là bây giờ người ta đưa lên mạng như thế thì có thể bị tù, bị bắt, bị còng đầu hay không thì nói thẳng ra là chị không sợ. Chị tin vào chân lý. Nếu thật ra một chính quyền mà bắt chị bỏ tù thì đúng là cái chính quyền đó có vấn đề lắm rồi phải không? Vì vậy chị không sợ, chị không tin là có chuyện đó xảy ra.
Chị vững tin như thế vì con người có lương tri còn nhiều lắm. Lẽ phải còn nhiều lắm vì vậy những người mong cái gì tốt đẹp cho quê hương cho đất nước vẫn còn rất nhiều.
Chị với tư cách của một người cộng sản, mà một người cộng sản chân chính thì mong những đìều tốt đẹp cho dân tộc mình, cho nhân dân mình. Chị hành động như một người cộng sản vì chị nghĩ rằng nếu họ rút lui thì đó là hành động yêu nước. Yêu nứơc lớn lắm chứ không phải lúc nào nhận nhiệm vụ cũng là yêu nước đâu. Nhiều khi rút lui lại càng yêu nước hơn.
Hiện nay bất ngờ chị thấy mấy ngàn người lên mạng ủng hộ, thế thì chị rất vui vì thấy rằng mình không cô đơn và trong cuộc sống này nếu mình nói tiếng nói phải thì được rất nhiều người đồng tình.
Mặc Lâm: Dựa vào niềm tin nào mà chị cho rằng mình sẽ không thể bị bách hại hay ngay cả ném đá nếu người ta muốn, trong đó có cả yếu tố chụp mũ cho rằng chị bị mua chuộc bởi nước ngoài?
Nghệ sĩ Kim Chi: Khi chị hành động thì chị nói thật với Lâm là chị tin vào lẽ phải, tin vào số đông người. Chị đã nói người tốt còn nhiều lắm. Cũng có thể ai đó người ta lo lắng người ta nói em làm cho đài hải ngoại có thể em khai thác thế này thế kia nhưng chị không tin, vì nếu mình cứ nghĩ như thế thì mãi mãi thế giới này không bao giờ hiểu nhau hết.
Chị không sợ gì cả vì chị có chính kiến, có suy nghĩ riêng của chị. Đừng nghĩ là người ta ở nước ngoài là người ta xấu. Hiện nay Việt kiều bao nhiêu người gửi tiền gửi của về ủng hộ xây dựng đất nước, làm bao nhiêu điều lớn lao. Chị rất cảm phục, ngưỡng mộ bởi vì chị coi là người ta yêu nước bằng nhiều con đường, nhiều cách.
Mặc LâmXin cám ơn nghệ sĩ Kim Chi về cuộc nói chuyện ngày hôm nay.