Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Nhóm BTX - Xuất Hành Đầu Năm 2013



PHẢN HỒI TỪ LỜI KÊU GỌI CỦA BẠN NGUYỄN THÀNH NHÂN, NHÓM YAMAHA ĐÃ GỞI TẤM LÒNG THIỆN NGUYỆN BẰNG TIỀN MẶT ĐƠN GIẢN. VỚI SỐ TIỀN 1 TRIỆU 900 NGÀN, SÁNG 17/02/2013, BẠN NGUYỄN VĂN HAY ĐÃ ĐẾN NHÀ VÀ TRAO TẬN TAY ANH XUÂN. BTX CÁM ƠN TẤM LÒNG NHÂN ÁI CỦA CÁC BẠN..





Thăm Cô Huỳnh Mai chiều mùng 02 Tết





                                                        Chúc tết nhà bạn









                                                      Ngày mùng 04 tết ......

Nhà Hửu Thực




Nhà Cường



Nhà Hường



Nhà Vượng






Nhà bác ba Phi









Nhà Xuân






Nhà Ng Bích






Qua những miền xuân cũ



Đêm Mồng Một. Ngồi trước màn hình. Đọc loăng quăng này khác. Rồi thừ người ra. Những miền xuân cũ lần lượt quay về tâm trí. Không liên tục về thời gian. Ký ức của tôi đúng là hoạt động thiếu quy củ và trật tự đến chết người.
Cái Tết đầu tiên là Tết Mậu Thân 1968. Má tôi gánh một cái gánh, hai anh em tôi, thằng anh bốn tuổi, nhỏ em hơn kém một tuổi ở một đầu, mấy thứ quần áo đồ đạc linh tinh gì đó ở đầu kia, chạy từ nhà lên chỗ bây giờ là Ủy Ban Quận Bình Thạnh. Xóm tôi thuở ấy vẫn còn hoang vắng, đất rộng người thưa, với những cụm tầm vông và vài cây cổ thụ. Tiếng súng nổ đì đùng. Mọi người, già trẻ, lớn bé, gái trai nháo nhác… Đó là những gì còn lưu lại trong trí nhớ. 
Cái Tết thứ hai hiện lên trong trí nhớ, không rõ năm nào. Hình như là năm tôi lên tám  chín tuổi. Ba má và hai em tôi về quê ngoại. Tôi bướng bỉnh không chịu đi vì một lý do gì đó mà tôi không còn nhớ. Và rốt cuộc ba má tôi bực mình bảo tôi cứ ở lại trông nhà nếu không muốn đi. Nhà tôi lúc ấy còn một mảnh sân sau khá rộng trên đó ông nội tôi trồng hoa cúc vạn thọ và vài thứ khác. Tôi ra ngồi ngó những con bướm vàng bay chấ chới trên những đóa hoa vàng, và nảy ra một vài câu thơ xuân đầu tiên trong trí óc. Tôi chép lại mấy câu thơ đó và còn giữ được chúng vài năm, lý do để giờ đây còn nhớ tới sự tích ra đời của chúng, nhưng chẳng thể nào nhớ nổi mình đã viết gì. Chao ôi, tôi chỉ có tâm hồn thi sĩ, nhưng lại chẳng có thi tài. Từ bài thơ đầu tay đó tới giờ tôi làm thơ không nhiều, không liên tục nhưng cũng kha khá. Dạo sau này toàn là những bài thơ tình dấu trong cặp sách mà chả dám trao tay cho “người trong mộng”. Một trong số đó có mấy câu này mà tôi nhớ mãi, vì nó nằm ép trong quyển vở, “mãi trăm lần viết lại” nhưng chẳng bao giờ đưa đi! Thơ vầy nè:

Đường trưa mưa nhỏ bay bay
Trời làm ướt cả tóc mây bé rồi
Chán ghê, chả thấy mặt trời
Chứ mà bé thấy, bé cười cho xem
Anh chàng coi vậy mà gan
Trời mưa lất phất lang thang theo hoài
Người ta đã bảo : “Đường dài…”
Ngày mai nhỡ bệnh có người buồn hiu….

Tiếc là chúng chỉ ở mức của những bài thơ con cóc mà thôi. Dù sao, chúng cũng là nền tảng để xây đắp trong tim tôi một tình yêu thiết tha, vô vụ lợi đối với văn chương cho tới tận hôm nay.
Thời gian trôi… trôi… Tôi qua thêm nhiều miền xuân nữa, nhưng không còn gì lưu lại trong trí nhớ. Cho tới cái tết đầu tiên ở một góc rừng xa xôi gần biên giới Thái. Ở đó, tôi đã viết hai bài thơ dưới đây, dở hay gì không biết, nhưng tôi rất yêu mến chúng.

Xuân này nhớ ai

Mùa xuân đến bao giờ tôi chẳng biết
Gió quê hương không đến tận phương này
Tôi chờ mãi trong niềm đau không dứt
Một mai này chinh chiến sẽ tàn phai

Xuân về hay chưa, tôi vẫn ngờ không thật
Giữa rừng già không én báo tin vui
Không có những cành hoa tươi khoe sắc
Làm sao tôi quên thực trạng quanh người

Giữa rừng chỉ có chúng tôi
Những người đi giữ đất trời quê hương
Bạc rồi những tấm áo xanh
Mà chưa thấy lại mùa xuân quê mình
Nghĩ gì những lúc thâu canh
Sương rơi ướt lạnh một vầng trăng xa
Sao đêm thắp lửa mong chờ
Bâng khuâng người lính xa nhà nhớ thương

Nhớ mẹ hiền tóc bạc với thời gian
Chắc mẹ vẫn chiều chiều ra ngõ đứng
Dõi mắt phương xa mong chờ, trông ngóng
Một dáng hình, một tiếng nói thân thương

Ạ à ơi...
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau
Con đi chinh chiến dài lâu
Mẹ ơi ! Đừng khóc những chiều nhớ con
Mẹ ơi ! Đừng thức thâu canh
Trở trăn vì bước quân hành của con
Con đi xuôi ngược hành quân
Mang theo lòng mẹ, niềm tin trọn đời.

Mẹ ơi, nếu có một ngày
Chợt nghe tin dữ con trai không còn
Mẹ đừng nước mắt trào tuôn
Con yêu mẹ đã làm tròn ước mơ
Mẹ đừng thắp nến, chưng hoa
Chỉ thêm buồn nhớ, xót xa nghẹn ngào...
Giờ con nhớ mẹ biết bao
Giờ thương hơn hẳn lúc nào, mẹ ơi !..

***

Mùa xuân về mọi nơi
Nhưng ở đây mùa xuân không có mặt
Cả bầu trời và mặt đất
Đều khô cằn, ảm đạm, hoang vu...

Ở đây, những người lính nhớ
Thành phố quê nhà những ngày cuối năm
Có chợ tết, chợ hoa xôn xao, lộng lẫy, tưng bừng
Những màu áo, mái tóc dài tha thướt
Những tiếng nói, giọng cười trong vắt
Thân quen vô cùng, mà xa quá là xa...
Những con đường lá đổ ngày xưa
Và những cơn mưa đi về bất chợt
Màu áo học trò ngây thơ, dịu mát
Suối tóc ai dài chảy suốt mùa Ngâu ..

Và đôi khi...giữa đêm lắng sâu
Niềm tiếc nuối thời ấu thơ ray rứt
Con nhện giăng tơ trên cành trước mặt
Tò vò nào cứ vỗ cánh chờ mong ...

Bạn bè ơi ! Một mái trường
Bao nhiêu kỷ niệm âm thầm chết đi
Bao nhiêu người hãy còn ghi
Tình yêu, lý tưởng vun từ ngày xưa
Ai còn cháy bỏng ước mơ
Và ai đã chịu đẩy đưa dòng đời..

Bâng khuâng người lính đêm dài
Từng khuôn mặt cũ quay về … mông lung…

01-1985

Lá thư con gửi mẹ


Giữa rừng con viết thư thăm mẹ
Nét chữ rưng rưng những nỗi niềm
Con ươm thương nhớ vào trang giấy
Gửi về cho mẹ rất xa xăm

Mẹ yêu chắc nhớ con nhiều lắm
Và vẫn đêm đêm khóc một mình
Tóc mẹ bạc dần theo năm tháng
Trán hằn thêm những vết lo toan?

Mẹ đừng khóc nhé, mẹ yêu ơi!
Đừng để lòng đau, nhức nhối hoài
Ba mùa xuân nữa về qua ngõ
Con sẽ về bên mẹ suốt đời

Con sẽ về đem bao nhớ mong
Chở ra nguồn lớn cuối dòng sông
Quỳ bên gối mẹ con quên hết
Gian truân trong những chuyến quân hành

Con sẽ về xây tổ ấm xưa
Sẽ dệt tơ thương đã nhạt nhòa
Khói ấm chiều lên sau cửa bếp
Mẹ sẽ cùng con ôn chuyện qua

Con sẽ mang về cho lũ em
Thơ ngây thêm một suối yêu thương
Một niềm tin với nhiều an ủi
Đã lâu không có ở người anh

Rồi con sẽ cuốc mảnh sân con
Ươm vào cho mẹ luống rau hành
Con sẽ đào thêm ao thả cá
Mẹ ngồi mẹ ngắm lúc chiều lên

Con sẽ đi tìm lại dấu xưa
Tìm lại người thương đã đợi chờ
Con tìm cho mẹ nàng dâu thảo
Và đàn cháu bé đẹp như mơ

Mẹ sẽ không còn vất vả lo
Một nắng hai sương với tuổi già
Mẹ sẽ ngồi hiên chiều vá áo
Và kể êm đềm những chuyện xưa

Rừng lạ đêm về con nhớ thương
Bóng mẹ bao la rất dịu hiền
Và đàn em dại xa vời vợi
Nước mắt rưng rưng ngậm nỗi buồn

Thôi mẹ xa thương,đừng khóc nữa
Để lòng con trẻ khỏi nao nao
Con đi, tim chói bừng tia lửa
Hẹn một ngày mai rất ngọt ngào

Ampil, 02-1985


Và sau đó, ngày tháng lại trôi. Nhiều mùa xuân nữa trôi qua, nhiều cái tết nữa trôi qua. Điểm lại, chỉ có một số mùa xuân đọng lại trên trang viết (lại là những bài thơ tình con cóc! Khổ thế đó!). Cũng xin được viết ra đây để các anh chị, các bạn đọc chơi cho vui:



Qua phố chiều xuân

Phố xuân xanh ngắt
Chim sâu hiền lành
Lao xao lộc biếc
Nhà ai khói lên

Đi qua mùa xuân
Tim tràn mộng ước
Đi qua ngày lành
Bình an thơm ngát

Mùa xuân mùa xuân
Em cài nơ đỏ
Môi mềm lá non
Một loài hoa cỏ

Từ em về qua
Từ em sông nhỏ
Tình anh biển tràn
Sóng ru lời nhớ

Chiều nay vắng em
Phố vừa lên đèn
Hàng cây mong gió
Anh về… mong em…

02/2003

Ngày Valentine trắng

Rạng sáng
Con phố mờ mờ ánh đèn vàng
Ngày chưa kịp lên
Quán café nhỏ lề đường nghi ngút khói

Ngày chưa lên
và tình chưa tới
Em bây giờ nơi đâu?
Em xa xôi trong giấc mơ nào
Tôi đi mãi mà tìm em không gặp
Những con đường tôi đi
Những con đường trải bằng nước mắt
Thinh lặng mênh mông
Không gặp nụ cười.

Để giờ đây trong rạng sáng chơi vơi
Tôi ngồi nhớ tuổi trẻ mình đơn độc
Có tiếng thở nào mong manh sợi tóc
Đang luồn qua... luồn qua... tim tôi

Và nắng lên. Ngày lại đến rồi.
Ngày ngập nắng.
Ngày đẹp như một nàng tiên áo trắng
Những hạt răng lấp lánh đỉnh hàng me
Những hạt răng trong veo rơi khắp các vỉa hè
Môi son mặt trời mềm không thể tả.

Giọt café buồn đọng vào nỗi nhớ
Từng giọt chậm rơi
Từng giọt chậm rơi

Ngày tinh khôi
Nhưng tim quá rã rời
Tim mệt mỏi muốn ngủ vùi miên viễn
Ngày lên mau
Nhưng tình không đến
Tình yêu tôi trôi giạt phía vô cùng.
Sương khói buồn chợt phủ trắng mênh mông
Trắng. Trắng quá ! Một ngày Tình yêu trắng
Ngày sẽ trôi qua
Tôi chờ đêm đến
Ru êm tôi trong giọng hát hồ ly

...Đêm đến. Còn tôi, tôi vẫn đi
Những bước chân lạc loài hè phố
Có lời ca nào chao nghiêng nỗi nhớ
Con thuyền hồn bỡ ngỡ lạc sông Trăng

Và sông Trăng vẫn trắng. Trắng yêu tinh
Trắng rờn rợn
Trắng khôn cùng. Lạnh lẽo
Đêm trắng
Tôi tan ra thành cơn bão
Vũ trụ mênh mông
Trắng một tinh cầu.

14/2/2003


Cuối năm


Chiều cuối năm
Ngồi một mình lẩn thẩn
Tôi chuyện trò với những vật quanh tôi

Tôi hỏi cành mai vừa rụng lá
Xuân về hay chưa?
Tôi hỏi cây mận già trước ngõ
Chim còn ghé qua?
Tôi hỏi bức tường rêu xám
Bao giờ thôi chờ mưa?

Hỏi để mà hỏi
Vì mai rung ngậm ngùi
Hỏi để mà nhớ
Vì cây nào hé môi
Hỏi để mà lắng
Vì tường rêu không lời

Chiều cuối năm
Buồn vui ngập vàng như lá
Mà xuân ơi, xa quá
Xuân còn đi hoang trên những tháng năm
Chuỗi mê chìm
theo tiếng thở dài lặng lẽ...

02/2005

 

Tìm


Tìm dưới nhành xuân chút xanh
Vai em khói tóc vương mềm
Ngày buông trên vòng tay lạnh
Ngựa hồng đã chết đồi hoang

Tìm trong nắng hạ mùi hương
Trời xanh qua mắt ai tròn
Ta hái một chùm lá nhớ
Về ươm túi mộng đêm đêm

Tìm trong mưa thu màu quên
Chiều lên môi nhỏ ngoan hiền
Sợi cỏ bay vào cõi lạ
Ta về hát vọng tên em

Tìm trên đỉnh đông trời cũ
Trời êm của thuở mười lăm
Tóc em cài hoa mắc cỡ
Mùa ơi chảy mãi cho đành

4/2005

 

Có con đường


Có con đường về nơi rất êm
Đàn rung thơ rũ khói ưu phiền
Cỏ lá xanh hiền lên cõi mộng
Cho tôi thương những thoáng niềm riêng

Có con đường về nơi rất hoang
Ngày đi réo gọi tuổi thơ tàn
Hắt hiu một nhánh sầu bên gió
Tôi về chôn xác lá trần gian

Có con đường về nơi rất xa
Cho tôi đi trọn tuổi xuân ngà
Thăm thẳm buồn trầm sâu đáy vực
Cheo leo dốc nhớ chẳng người qua

Có con đường về nơi rất xanh
Bình an tôi ngủ giấc âm thầm
Chiều lên đỉnh nhớ còn ai đó
Hái giùm tôi sợi cỏ ăn năn...

3/2005


Hoa/Lá/Người


những chiếc lá xanh nằm khóc
lệ của lá mềm hơn giọt sương khuya
những đóa hoa trao đi
tức tưởi giữa thềm nhà lạ

đôi khi tôi tự hỏi
đời là gì và tình yêu là gì

câu hỏi vĩnh viễn không lời giải đáp

như tối nay về
buồn chập chùng dâng kín ngõ
... ngày xưa có người từng cắc cớ
buồn anh chia nửa được không?...

buồn rơi như tơ chăng kín một miền
cõi buồn như lá chết
buồn rơi như mưa một chiều xa tịch mịch
kẻ xa nhà không biết sẽ về đâu

buồn không màu
hay quá nhiều màu tối
buồn năm bảy đường
sầu trăm nghìn lối
chở tôi đi hun hút cõi không người

tối nay về
ngôi nhà đèn sáng
trên bậc thềm
bó hoa khóc bơ vơ

những lá xanh mềm hơn hơi thở
hoa, lá, người...
cũng một thoáng mà thôi

032011

 


Xuân muộn

môi hồng nho nhỏ
nụ cười ngoan ngoan
xuân vừa chạm ngõ
tình dâng ngỡ ngàng

bé à, mây trắng
còn bay trên đầu
bé à, nắng ấm
vẫn tươi tình sau

bé à, tôi khóc
mắt còn chưa khô
bé à, tôi học
đánh vần chữ “vô”

sao em chợt đến
sao em chợt về
trái tim mềm quá
thêm lần u mê

mặc trời, mặc đất
mặc cả cõi trần
yêu em tình thật
việc gì băn khoăn

25/01/2010

 

Gửi em

giờ là đầu hay cuối năm hở em?
một thằng say không biết cuối hay đầu
nhưng trong giấc mơ (giờ xa vời vợi)
có một đường về cho hai đứa thương nhau

đêm rất thâu và buồn rất nhàu
đêm tơi tả và tôi tơi tả
tình trôi đi vĩnh viễn một màu

tôi nhớ ngày và tôi nhớ giờ
có thằng bạn này và thằng bạn kia
tôi quên tháng và tôi quên năm
những tình xưa lịm chết âm thầm

giờ là đầu hay cuối năm hở em?
em ở đâu tôi nhớ đến ngây khờ
em là gió qua? em là nắng?
sao đậu hồn tôi rồi bay xa

tôi nhớ quá. Đêm nay tôi nhớ quá
nhớ thét gào nổi bão trong tôi
tôi nhớ quá... em đâu... người rất lạ
hai đứa mình chưa gặp... đã xa nhau

đây là cuối hay đầu hở em
xuân, thu, đông, hạ... tôi vẫn say mèm
tình có là đầu hay là cuối
tôi vẫn thèm cất tiếng ngợi ca em

những mùa đi và những tháng trôi
tóc em dài thêm, tóc tôi bạc rồi
hồn dù ngây như những ngày xưa đó
tim bây chừ đã héo hắt, em ơi

xuân về rồi hay chưa hở em
mùa mở ra hay khép bên thềm
tình dịu vợi không ngày bày tỏ
chỉ biết rằng tôi đã yêu em

3.1.2012

Nói là đọc chơi cho vui, mờ nhìn lại, hầu hết toàn những khúc tình buồn! Rất mong các anh chị và các bạn không bị buồn theo.

Kính chúc Xuân Quý Tị 2013 an vui hạnh phúc đến với tất cả mọi người.


Nguyễn Thành Nhân




Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Ngôn Ngữ ... Gỗ ...







Nhiều báo im lặng trong ngày 17/2


Một số nhân sĩ trí thức ở Hà Nội phải đứng ngoài đài Tưởng niệm các liệt sỹ cuộc chiến Việt - Trung 1979 để bái vọng
Một số nhân sĩ trí thức ở Hà Nội phải đứng ngoài đài Tưởng niệm các liệt sỹ cuộc chiến Việt – Trung 1979 để bái vọng
Nhiều báo chính thức của Việt Nam đã im lặng trong ngày 17/2, ngày đánh dấu 34 năm xảy ra cuộc chiến Việt-Trung ở biên giới phía Bắc, trong khi một đoàn tưởng niệm do một cựu bộ trưởng dẫn đầu bị “ngăn chặn” và “làm khó dễ” ở Thủ đô.
Tính tới cuối giờ chiều ngày Chủ Nhật, hàng loạt các tờ báo và trang tin điện tử chính thức của Việt Nam như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam (Vov online), Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam (vtv.vn) cho tới các tờ báo khác như Sài Gòn Giải Phóng, Cựu Chiến Binh v.v… chưa thấy đưa tin, bài nào về ngày tưởng niệm cuộc chiến, cũng như chưa thấy có tin lãnh đạo đảng, nhà nước, hay quân đội thăm viếng, tưởng niệm sự kiện.
Tuy nhiên, cũng có tờ báo chẳng hạn như Bấm Thanh Niên online, đã dành một bài dài trên trang chính ôn lại sự kiện. Bài báo trên tờ này dẫn lời một vị tướng ngành công an, ông Lê Văn Cương, khẳng định việc cho rằng “nhắc đến cuộc chiến” có thể “kích động tinh thần dân tộc” là “ngụy biện.”
Tướng Cương cũng nói với tờ báo ông tin rằng cần đưa sự kiện cuộc chiến này vào sách giáo khoa của học sinh như một phần của “lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc” khi ông quan sát thấy rằng phần lớn học sinh phổ thông, kể cả “phần lớn 1,4 triệu sinh viên” cao đẳng, đại học “không biết gì về cuộc chiến này.”
Trong khi đó, một đoàn các nhân sỹ, trí thức và quần chúng có sự hiện diện của một cựu bộ trưởng và một cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, đã không được phép mang vòng hoa với băng đen tưởng niệm vào hành lễ ở một đài tưởng niệm quốc gia ngay trước lăng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn tưởng niệm có sự tham gia của cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Trung, ông Trần Đức Nguyên, Giáo sư Phạm Duy Hiển, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà văn cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy và các thành viên khác.
Họ đã không được phép chụp hình lưu niệm ở tượng đài với băng tưởng niệm ghi dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ chống Trung Quốc xâm lược” và “Tưởng niệm các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên mặt trận chống quân Trung Quốc xâm lược.”
Tại Sài Gòn, một đoàn tưởng niệm khác với các trí thức, nhân sỹ, quần chúng, trong đó có sự hiện diện của một nguyên thứ trưởng và nhiều cựu quan chức đã tới một tượng đài anh hùng dân tộc để tưởng niệm.
Theo trang blog Basam, đoàn gồm 30 thành viên, trong đó có sự hiện diện của nguyên Thứ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường Chu Hảo, luật gia Lê Hiếu Đằng, Giáo sư Tương Lai và các thành viên khác, tuy “không bị lực lượng an ninh ngăn cản” như ở Hà Nội, nhưng cũng “có hành động gỡ bỏ một số băng rôn.”

‘Phải đăng ký trước’

Đoàn tưởng niệm ngày 17/2 trước tượng Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn
Đoàn tưởng niệm ngày 17/2 trước tượng Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn
Trong một video xuất hiện trên YouTube hôm Chủ Nhật, một nhân viên an ninh đã yêu cầu đoàn nhân sỹ, quần chúng tới thắp hương tưởng niệm trước đài liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, trước Lăng Hồ Chí Minh phải “đăng ký trước” và “qua thủ tục kiểm tra vòng hoa”.
Họ cũng không được phép mang vòng hoa lễ cùng các băng đen, băng tưởng niệm vào làm lễ, hoặc quay phim chụp ảnh trong địa điểm này.
Một độc giả của BBC Việt ngữ cho hay, đầu ngày Chủ nhật, một đoàn quần chúng đã bị ngăn chặn khi tới viếng và làm lễ trước Tượng đài Liệt sỹ “Quyết tử cho Tổ quốc Quyết sinh” ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, với khu khuôn viên tượng đài bị các lực lượng an ninh rào chắn lại.
Một độc giả khác nhận xét với BBC về sự “im lặng” được cho là bất thường của truyền thông chính thức trong nước, trong ngày này.
“Không hề có một lời nhắc nhở nào trên các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam trong ngày 17/2 này… Máu xương của nhân dân sao mà rẻ mạt vậy?” độc giả này đặt câu hỏi.
Vài ngày trước dịp kỷ niệm nổ ra cuộc chiến tranh của Trung Quốc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc mùa Xuân năm 1979, truyền thông mạng không chính thức của người Việt Nam trong và ngoài nước cũng đã xuất hiện một thông điệp kêu gọi người dân tưởng niệm sự kiện này.
Trên trang Facebook và một số trang mạng xã hội khác, các công dân mạng truyền nhau biểu tượng “hoa sim” với “màu tím” đặc trưng mà các thành viên mạng lựa chọn như một biểu trưng cho “biên giới” và kỷ niệm “cuộc chiến biên giới.”
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, với sự tham gia được cho là của gần mười quân đoàn với hơn hai mươi sư đoàn tác chiến, với tổng quân số hàng chục vạn được hàng trăm xe tăng và hỏa lực yểm trợ.
Sau khi gặp phải sự kháng trả quyết liệt của các lực lượng Việt Nam, ngày 18/3 cùng năm, Trung Quốc tuyên bố rút quân sau khi đã “dạy cho Việt Nam một bài học.”
Cả hai bên đều tuyên bố giành lợi thế trong cuộc chiến đẫm máu vốn gây thêm các xung đột vũ trang trong hơn mười năm sau đó và làm hai nước gián đoạn quan hệ ngoại giao bình thường và niềm tin trong dài hạn.





Những ngày căm hận của sinh viên Việt nam tại Liên xô


Nguyễn Hưng Đạt
Tác giả và các sv Việt Nam du học tại Liên Xô 1979
Tác giả và các sv Việt Nam du học tại Liên Xô 
20 giờ tối thứ bảy 17.02.1979 ,tin Trung quốc ào ạt xâm lược Việt nam được chương trình Thời sự của Truyền hình Liên xô truyền nhanh như một tia chớp.Tại nhiều ký  túc xá ,sinh viên Việt nam chạy rầm rập đến thông báo cho nhau tin dữ.Các bạn Liên xô và một số nước khác cũng đến các phòng có người Việt chia sẻ mối lo lắng này.Người Việt loay hoay mắc dây anten cho những chiếc Radio Rigonda lớn để thu sóng phát thanh từ quê nhà.
  1.Anh chị em sinh viên Việt nam ngày ấy
  Sáng Chủ nhật 18.02,một số sinh viên thuộc các trường Đại học tại Maxcva đã kéo nhau lên Đại sứ quán Việt nam và Phòng Quản lý sinh viên ở đường Bolsaya Piragovskaya và Dokuchaev .Tại đó,nhiều người muốn bày tỏ nguyện vọng của mình được quay về Việt nam  cầm súng chiến đấu.
   Ngày Thứ hai 19.02 là ngày sôi sục nhất với người Việt nam ở khắp Liên xô.Tất cả các trường có người Việt và nhiều nhà máy đã diễn ra nhiều cuộc mít tinh lớn chống Trung quốc xâm lược.Tại nhiều nơi,các biểu ngữ ‘’Ruki proch ot Vienam’’ (Không được đụng đến Việt nam),’ Doloi Kitaiskix Agressorov’(Đả đảo bọn Trung quốc xâm lược) đã được treo cao.Nhiều nơi,thậm chí cả trường phổ thông cũng mời sinh viên Việt nam đến thuyết trình và bày tỏ sự thông cảm sâu sắc.
2.Biểu tình trước cửa Sứ quán Trung quốc tại Maxcva
  Thứ ba,20.02 một cuộc biểu tình lớn nhất chống sự xâm lược lược của Trung quốc được Thành đoàn Thanh niên Comxomol  Maxcova tổ chức cho sinh viên Việt nam và bè bạn.Đúng 8.30 sáng,17 chiếc xe bus Chaika đón sinh viên ở các trường ĐH Năng lượng,Giao thông vận tải,Kinh tế Plekhanov,.. tập trung tại trường ĐH Tổng hợp Lomonosov để cùng đến trước cửa Đại sứ quán Trung quốc ở gần trường.Hai biểu ngữ màu đỏ thẫm,mỗi cái được căng ra bởi trên 20 người các nước ,nổi bật dòng chữ Nga : ‘Phản đối Trung quốc xâm lược Việt nam’,‘Trung quốc phải rút hết quân đội khỏi Việt nam’.
 Sau khoảng 15 phút hô khẩu hiệu,các hộp các ton loại 25 lọ mực viết do người Nga chuẩn bị sẵn được khiêng ra. Sinh viên nhất loạt ném các hộp mực này lên cửa kính và tường của Đại sứ quán Trung quốc.Ném mạnh nhất là các sinh viên Châu Phi.Nhiều cửa kính vỡ tan,các bức tường loang lổ các loại mực.Không khí rất sôi sục.Trời rất lạnh,băng đóng dầy,nhưng nhiều người ném hăng quá nên cởi phắt áo khoác ngoài. Tiếng hò la,tiếng hô khẩu hiệu vang rền. Bạn N,nữ sinh dân tộc Tày vừa hô vừa khóc nức nở làm tinh thần của ta và Tây càng lên cao nữa.
  Có một điều lạ là Sứ quán Việt nam như lệ thường,án binh bất động trước những đề nghị biểu tình hay kháng nghị của các tập thể sinh viên.Các chú Sứ đó có thái độ hệt như năm 1965-năm có cuộc biểu tình đầu tiên của sinh viên Việt nam phản đối Mỹ đổ quân vào Việt nam cửa Sứ quán Mỹ : thái độ lảng tránh.Thái độ của chính phủ Liên xô lúc này cũng khác truớc một trời một vực.
3.Nhớ lại cuộc biểu tình trước cửa Sứ quán Mỹ 1965
   Lúc đó,hưởng ứng lời kêu gọi của một nhóm cán bộ Đoàn Việt nam tại Lenigrad gần hai trăm bạn từ khắp các nơi đã kéo về Maxcva,tập hợp phía bên kia đường Smolen,đối diện Sứ quán Mỹ hô khẩu hiệu phản đối.Cảnh sát Nga phi ngựa xông thẳng vào đám đông.Trong lúc lộn xộn,một chỉ huy cảnh sát bị vật nhọn bắn ra từ dây cao su làm vỡ nhãn cầu.Họ điên tiết như một bầy thú,bắt đi toàn bộ anh chị em .26 người bị đưa vào đồn công an.Trong số bị đánh đập dữ dội nhất có anh Th. Anh này tự nhận là người tổ chức biểu tình,và chỉ duy nhất anh ta thôi.Nhưng cảnh sát Liên xô không tin và cho rằng có bàn tay của Sứ quán Việt nam nên bắt anh phải ký biên bản ép cung như vậy.Không khuất phục được anh Th ,họ cho anh này đội mũ sắt rồi xoáy  bu long ép chặt 2 bên thái dương đến lồi mắt ra.Số còn lại các xe tải chở anh chị em ra thẳng một nông trường ngoại ô rồi đẩy họ xuống tít ngoài cánh đồng,xa trạm xe bus.Những người cảnh sát hèn hạ này thu tất cả giầy của mọi người và đạp họ xuống đất.Anh chị em phải cởi áo panto ra cuốn xuống chân làm giày.Gần hai trăm người thất thểu,ngã dúi dụi trong băng tuyết mãi mới về được thủ đô.Nhiều người ốm nặng phải đi viện.
 Nhưng ngày 20.02.1979 này lại khác.
4.Mấy ngày sau cuộc biểu tình đó
Chính phủ Liên xô tổ chức cuộc biểu tình này cho người Việt và động viên các sinh viên ngoại quốc khác tham gia.Không những vậy,công an gác cửa Sứ quán Trung quốc cũng như công an thành phố tảng lờ,không đáp lại những cú điện thoại kêu cứu và phản đối của Sứ quán Trung quốc.Báo chí thậm chí còn nhắc lại khiêu khích và khủng bố ngoại giao trắng trợn mà phía Trung quốc từng làm với Liên xô.
 Mấy hôm sau anh  em  đi qua Sứ quán Trung quốc để xem mực loang lổ thì vẫn thấy một số phòng treo chăn chăng kín cửa sổ.Chắc chắn rằng phía Liên xô đã mặc kệ không cho người đến sửa nên Sứ quán đó phải bịt chăn trong cái lạnh dưới -10oC.
 Từng ngày,anh chị em mong ngóng tin từ Tổ quốc.Tin chiến thắng làm nức lòng mọi người qua thông báo của chương trình phát thanh dành cho người Việt nam ở xa Tổ quốc và báo chí Nga.Tuy nhiên những thiệt hại và mất mát to lớn làm người Việt hết sức lo âu.Hàng ngày tin chiến thắng không thể che lấp thực tại là quân Trung quốc không bị chặn lại sau khi vào sâu 15km qua biên giới,mà đã chiếm được toàn bộ Lào cai và thị trấn Sapa.Mỏ Apatit bị san bằng.Quân Trung quốc đã vào sâu tới 60km và đang tiến về phía Nam.
  Theo lời kể lại,tấm gương của kỹ sư  Nguyễn Bá Lại làm mọi người hết sức cảm động.Anh Nguyễn Bá Lại là cựu sinh viên trường Đại học Mỏ- Địa chất Maxcva nằm ở khu vực Yugo-Zapadnaya của Thủ đô.  Là một học sinh chăm chỉ và sáng tạo,sau khi tốt nghiệp,anh Lại lên tận miền rừng núi Lào cai công tác tại mỏ Apatit.Sáng 17.2.1979 khi những tên xâm lược tràn vào đốt phá mỏ,anh đã anh dũng cầm súng tiêu diệt quân thù. Sau khi tiêu diệt nhiều tên bành trướng,một quả lựu đạn đã rơi đúng hầm của anh.Nguyễn Bá Lại nằm đè sấp lên nó để cứu 6 anh em đang núp trong hầm.
 Trường ĐH đã đặt ảnh viền đen của anh tại nơi trang trọng.Hàng trăm sinh viên Việt nam đã kéo đến viếng.
5.Chính phủ Liên xô phản ứng ra sao
 Không chỉ tổ chức các cuộc mít tinh khắp nơi trong nước,ngày 19.02.1979 chính phủ Liên xô đã ra tuyên bố phản đối chính phủ Trung quốc.Bản tuyên bố ca ngợi tinh thần anh hùng của nhân dân Việt nam ,cảnh cáo những kẻ đang lèo lái chiến tranh Bắc kinh cũng như tái khẳng định nhiệm vụ thực thi Hiệp định Hữu nghị và hợp tác Xô-Việt./1/.Tờ Pravda,phát ngôn chính thức của ĐCS Liên xô không ngần ngại nêu ra một cuộc tấn công vào phía Bắc Trung quốc ,mở màn là các chiến dịch hủy diệt Lopno và các Trung tâm công nghiệp-quân sự  Bắc Trung quốc
6.Thái độ của Mỹ và các nước phương tây thân Mỹ
  Liên xô đã đưa Nghị quyết phản đối sự xâm lược Việt nam của Trung quốc ra Đại hội đồng Liên hiệp quốc /2/.Tuy nhiên,trái với những động thái đã từng làm như vậy của Mỹ khi Việt nam đưa quân vào Campuchia,Mỹ và đa số các nước phương Tây tại đó tảng lờ trước đau khổ của hàng triệu người Việt nam đang gánh chịu.Bắc Triều tiên công khai hưởng ứng cuộc xâm lăng đó.
 Qua báo chí,cũng như tin tức của các cán bộ từ Âu-Mỹ quá cảnh qua Maxcva về nước,thái độ của Mỹ là hết sức tiêu cực.Mỹ hoàn toàn ủng hộ cuộc tấn công xâm lược này bằng cách cung cấp các không ảnh và tin tức tình báo cho Trung quốc về các cuộc chuyển quân của Việt nam và Liên xô trên lãnh thổ của mình.Qua đó,Mỹ khẳng định với họ rằng không có khả năng Liên xô mở cuộc tiến công vào phía Bắc Trung quốc.Những động thái quân sự cho thấy,mặc dù Đài phát thanh Tiếng nói Việt nam liên tục thông báo đang có 7 quân đoàn Trung quốc tập trung tại biên giới phía Bắc của họ nhưng không có dấu hiệu các cuộc điều quân lớn từ Campuchia để ứng phó.Anh em sinh viên nói với nhau:’’ Như vậy là Mỹ lại giúp Tàu xâm lược Việt nam lần thứ hai .Mới 5 năm trước nó ngơ đi để cho thằng khuligan này chiếm đảo,bây giờ nó chủ động giúp tên lưu manh đó thịt đất’’.Anh em ĐH Lômnosov đã viết kiến nghị  gửi Sứ quán Mỹ bằng tiếng Nga nhưng không thấy hồi âm.
 7.Trung quốc rút quân
  Qua báo chí tại Liên xô,đặc biệt là tờ Time của Mỹ  và tin tức từ Việt nam,Liên xô đã thành lập cầu hàng không vận chuyển trang thiết bị đến Việt nam/3/ và chuyển quân từ các nơi lên phía Bắc.Có tin 2 tiểu đoàn tên lửa Grad,loại pháo phản lực đã tiêu diệt nhiều lính Trung quốc trong chiến tranh Xô-Trung 10 năm trước đó đã sắn sàng  hủy diệt địch.
 Đột ngột,Trung quốc tuyên bố rút quân ngày 16.03.1979 sau khi đã sát nhập một số cao điểm vào bản đồ của mình.Họ phá hủy 2 thành phố ,45 ngàn ngôi nhà,900 trường học,428 bệnh viện,25 mỏ,55 công ty lớn.Số người bị giết gồm 20 ngàn bộ đội ,45 ngàn dân thường Việt nam.Trung quốc tuyên bố mất 10 ngàn lính Quân giải phóng Trung hoa.
  8.Còn đó nỗi băn khoăn nhức nhối.
Một điều băn khoăn và khó hiểu nhất được nhiều người đặt ra từ đó : Tại sao Trung quốc lại có thể dễ dàng triệt thoái được 300000 lính và chừng đó dân binh mà không bị tấn công tiêu diệt? Gần như đa số các chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược Trung hoa của Việt nam là đều đánh vào lúc quân họ rút lui? Một vài sư đoàn rút còn che dấu được,đằng này nhiều quân đoàn cùng rút trên một diện tích rộng lớn,núi rừng hiểm trở,đường độc đạo cheo leo núi-vực ,tại sao Việt nam không đánh? Tại sao pháo phản lực chiến dịch từ Liên xô  không khai hỏa ?
 Cho đến nay người viết cũng như các cựu sinh viên cũ vẫn tìm kiếm câu giải đáp nhưng chưa có thông tin cụ thể.
  Những ngày sôi sục căm hận đó mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm những người cựu sinh viên Việt nam tại đó.Họ đã gửi hàng trăm lá đơn tình nguyện và đề nghị chính phủ thực hiện lời hứa của mình mới ký mấy tháng trước với Việt nam nhưng Liên xô không trực tiếp động thủ.Họ giúp và cho chứ không trực tiếp tham chiến.Có nhiều sự giải thích qua báo chí .Nào là Liên xô thấy Việt nam đánh được thì chỉ giúp của thôi chứ không cần người.Nào là cũng như năm 1969,chính quyền Ních xơn tuyên bố sẽ đánh đòn hạt nhân vào hàng trăm thành phố lớn của Nga nếu Liên xô đánh vào Trung quốc.Nào là hai thằng đó nó thỏa thuận ngầm với nhau là bạn và chống Nga từ 1965 nên nay đánh thằng này thì thằng kia sẽ đánh lại v.v.Nhưng với anh em cựu sinh viên Việt nam,các điều đó,dù là sự thật đi chăng nữa cũng không thỏa đáng.Nó đánh mất vị thế của Liên xô trước hết về lòng tin của các dân tộc khác,sau đó tự bộc lộ cũng như đẩy nhanh đà suy thoái của chính mình. Lòng tự băn khoăn như thế,nhưng cũng không phủ nhận được công lao của người Nga giúp Việt nam trong năm 1979.Còn mãi hình ảnh người nhiếp ảnh già về hưu đã từng sang Việt nam nay lặn lội đến Sứ quán Việt nam xin sang đó chiến đấu hay làm bất cứ việc gì có ích.
 Kỳ sau : Cầu hàng không và hàng  hải chống chiến tranh xâm lược của Trung quốc.
Tác giả gửi cho Quê choa
 …………………………………………………….
Tham khảo
  1. Tuyên bố của Chính phủ Liên xô 19.02.1979
  2. Các chiến dịch giúp đỡ Việt nam của hải quân Liên xô. Tư liệu Quân đội và Hải quân Liên xô .Maxcva .1979.






Ghi trong ngày 17 tháng 2


Thanh Thảo
product_s26Lời dẫn của Vũ Thị Phương Anh (tại đây) : Tổ quốc và toàn dân luôn ghi công các anh hùng, liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược, cho dù chỉ là lặng lẽ trong lòng, hoặc nói ra bằng lời và đưa ra đến công chúng. Như bài thơ của nhà thơ Thanh Thảo mà tôi vừa tìm thấy trên mạng hôm nay.
Nhà thơ Thanh Thảo kết thúc bàithơ bằng câu hỏi: “Nên gọi cái này là gì nhỉ?” Nhưng thực ra là ông đã trả lời rồi: Đó chính là sự phản bội.
Người Việt Nam vốn vẫn tự hào vì mình là những con người chung thủy. Chúng ta sẽ không bao giờ phản bội. Chúng ta sẽ không quên ngày 17/2.
I
thú thật, có một nhà lãnh đạo Việt Nam
ngày trước tôi không mấy yêu quí:
đó là Tổng bí thư Lê Duẩn
bây giờ biết những điều ngày xưa chưa biết
bỗng thấy quí Ông vô cùng
dù đời Ông không ít sai lầm
thì đó vẫn là lãnh tụ duy nhất chống Trung Quốc bành trướng từ trong máu
người đầu tiên thoát Hán
người nhìn thấy dã tâm của “anh bạn lớn” từ rất sớm
người thề quyết chiến với một triệu rưỡi quân Tàu
ngay lúc họ mới tung chiêu “nạn kiều”
II
tháng 6/1978 tôi có mặt ở bến Nhà Rồng
chờ xem chiếc tàu Trung Quốc đón “nạn kiều”
rất nhiều người đứng trên bến tàu mặt căng thẳng
không biết họ đang nghĩ gì
tôi cũng không biết mình đang nghĩ gì
chỉ biết lúc ấy
chưa ai nghĩ có một ngày 17/2/1979
Lê Duẩn đã nghĩ
vậy mà ngày 17/2/1979
Ông vẫn bất ngờ
III
những ai đã khiến Tổng bí thư ngày ấy bất ngờ ?
trả lời câu hỏi này, là tìm ra kẻ phản bội
IV
chỉ một gã thượng tá Tám Hà chiêu hồi
đủ cho cả đợt 2 Mậu Thân tơi bời
V
xưa nay, tởm nhất là bọn phản bội
nhưng đáng sợ nhất, cũng là chúng
VI
17/2/2013
những “cuộc chiến tranh mềm”
những lệnh miệng khuất lấp từ đâu đó
những ấp ứ trong cổ
báo in sợ viết hai chữ “Trung Quốc” như sợ phỏng lửa
giặc rập rình ngoài ngõ
đêm thanh vắng “người nhái Tàu” trồi lên từ chân sóng Trường Sa
cười dọa và giết
trong nhà cứ ăn nhậu vô tư
nên gọi cái này là gì nhỉ?
17.2.2013
………………………………………….
Nguyễn Thông: Nhà thơ Thanh Thảo gửi trực tiếp bài này cho tôi khi thời gian đã bước qua ngày 17.2.2013, tức là chỉ ít phút sau khi anh viết xong những dòng thơ trên. Chân thành cám ơn nhà thơ Thanh Thảo, người mà tôi rất kính trọng, quý mến
…………………………………….



NGÀY 11 THÁNG 2 NĂM 2013


Joseph S. Nye - Cách mạng thông tin trở thành cách mạng chính trị


Phạm Nguyên Trường dịch

Ngày kỉ niệm lần thứ hai “Mùa xuân Arab” ở Ai-cập, được đánh dấu bằng những vụ bạo loạn trên quảng trường Tahrir, nó làm cho nhiều nhà quan sát lo sợ rằng những dự đoán đầy lạc quan của họ trong năm 2011 đã bị đổ vỡ. Một phần của vấn đề là kì vọng đã bị ngôn từ mang tính ẩn dụ - mô tả những sự kiện trong ngắn hạn - làm cho méo mó. Nếu không gọi là “Mùa xuân Arab” mà gọi là “Cuộc cách mạng Arab” thì những kì vọng của chúng ta đã có tính hiện thực hơn. Các cuộc cách mạng thường diễn ra trong hàng chục năm chứ không phải trong một vài mùa hay một vài năm. 

Xin hãy xem xét cuộc Cách mạng Pháp bắt đầu vào năm 1789. Ai có thể đoán được rằng chỉ trong vòng một chục năm, anh lính quèn vùng Corsic có thể đưa những đoàn quân của nước Pháp đến bờ sông Nile hay những cuộc chiến tranh của Napoleon sẽ tàn phá châu Âu đến tận năm 1815? 
Nếu chúng ta nghĩ về những cuộc cách mạng Arab thì sẽ có nhiều chuyện bất ngờ trong tương lai. Cho đến nay, đa số các vương triều Arab vẫn còn khá nhiều tính chính danh, tiền bạc và lực lượng để có thể vượt qua những đợt sóng mà những cuộc khởi nghĩa của nhân dân đã lật đổ được những nhà độc tài trong các nước cộng hòa thế tục như Hosni Mubarak ở Ai-cập hay Muammar el-Qaddafi ở Libya, nhưng quá trình cách mạng mới diễn ra được có hai năm thôi. 
Đằng sau những cuộc cách mạng chính trị ở Arab là quá trình thay đổi triệt để, lâu dài hơn và sâu sắc hơn, đôi khi được gọi là cách mạng thông tin. Chúng ta còn chưa thể hiều hết được hàm ý của nó, nhưng nó đang làm thay đổi tận gốc rễ bản chất của quyền lực trong thế kỉ XXI, từ nay tất cả các quốc gia sẽ phải sống trong một môi trường mà ngay cả những chính quyền mạnh nhất cũng không thể kiểm soát được hoàn toàn như họ đã từng làm trong quá khứ nữa. 
Các chính phủ bao giờ cũng lo lắng về luồng thôn tin và tìm cách kiểm soát nó, và đây cũng không phải là lần đầu tiên thế giới bị tác động bởi những thay đổi đầy kịch tính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Máy in của Gutenberg là một trong những cội nguồn quan trọng của cuộc Cải cách Tin lành và cuộc chiến tranh diễn ra sau đó ở châu Âu. Nhưng hiện nay số người, cả ở trong từng nước lẫn trên trường quốc tế, có thể tiếp cận với quyền lực nhờ nắm được thông tin đã tăng lên rất nhiều. 
Cuộc cách mạng đang diễn ra trên toàn thế giới hiện nay dựa trên sự phát triển như vũ bão của công nghệ, làm cho giá thành của việc tạo lập, tìm kiếm và chuyển tải thông tin giảm đi một cách cự kì nhanh. Trong suốt 30 năm qua, cứ 18 tháng khả năng tính toán của máy tính lại tăng lên gấp 2 lần, và đến đầu thế kỉ XXI giá thành chỉ còn bằng một phần ngàn năm 1970 mà thôi. Nếu giá ô tô cũng giảm nhanh như giá bán dẫn thì ô tô hiện chỉ còn 5 USD. 
Mới gần đây thôi, tức là vào năm 1980 một cuộc điện thoại dài 1 giây truyền qua dây dẫn bằng đồng chỉ mang được thông tin trên 1 tranh giấy, còn hiện nay, sợi cáp quang mỏng dính có thể truyền được thông tin chứa trong 90.000 tập sách trong vòng có 1 giây. Năm 1980 bộ nhớ chứa một gigabyte số liệu choán hết cả một phòng, còn hiện nay bộ nhớ 200 gigabytes có thể đút vừa túi áo. 
Quan trọng hơn, giá chuyển tải thông tin đã giảm đáng kể, rào cản giảm đi, người ta dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Cùng với việc giảm giá thành và máy tính thu lại bằng một chiếc mày điện thoại và những thiết bị di động khác, hậu quả của việc phi tập trung hóa càng kịch tính hơn. So với vài chục năm trước. quyền lực đối với thông tin hiện nay được phân bố một cách rộng rãi hơn nhiều. 
Kết quả là nền chính trị thế giới không còn là lĩnh vực độc quyền của các chính phủ nữa. Các cá nhân và tổ chức tư nhân – trong đó có WikiLeaks, các công ty đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ (NGO), bọn khủng bố hay các phong trào xã hội tự phát – đã có cơ hội “chơi” trực tiếp ngay trong lĩnh vực này.  
Sự lan truyền thông tin có nghĩa là những mạng lưới phi chính thống phá vỡ vai trò độc quyền của bộ máy quan liêu truyền thống, các chính phủ ít có khả năng kiểm soát chương trình nghị sự hơn. Các nhà lãnh đạo chính trị có ít tự do hơn trước khi họ phải phản ứng trước các sự kiện và buộc phải liên lạc không chỉ với các chính phủ khác mà còn phải giao tiếp với xã hội dân dự nữa. 
Nhưng quảng bá quá mức cho những bài học mà các cuộc cách mạng Arab đã dạy cho chúng ta về thông tin, công nghệ và quyền lực thì cũng là sai lầm. Trong khi cuộc cách mạng thông tin, về mặt nguyên tắc, có thể làm giảm quyền lực của các nước lớn và gia tăng quyền lực của các nước nhỏ hay những tác nhân bên ngoài nhà nước thì chính trị và quyền lực là những hiện tượng phức tạp chứ không phải như thuyết quyết định luận công nghệ mường tượng. 
Giữa thế kỉ XX người ta sợ rằng máy tính và các phương tiên liên lạc khác sẽ tạo ra một hệ thống kiểm soát tập trung, tương tự như hệ thống mà George Orwell mô tả trong tác phẩm 1984. Và trên thực tế, các chính phủ độc tài ở Trung Quốc, Saudi Arabia và những nước khác đã sử dụng công nghệ mới để tìm cách kiểm soát thông tin. Điều khôi hài đối với những người mộng mơ trên không gian ảo là những dấu vết điện tử do các mạng xã hội như Twitter and Facebook đôi khi còn làm cho công việc của cảnh sát mật trở thành dễ dàng hơn. 
Sau một vài lúng túng do Twitter gây ra vào năm 2009, vào năm 2010 chính phủ Iran đã có thể đàn áp được phong trào “xanh”. Tương tự như thế, trong khi Vạn lí tường lửa của Trung Quốc còn lâu mới được coi là hoàn hảo, nhưng chính phủ vẫn giải quyết được vấn đế, ngay cả khi mạng Internet bắt đầu lan tràn vào trong nước. 
Nói cách khác, trong khi một số khía cạnh của cuộc cách mạng thông tin giúp cho những tổ chức nhỏ bé thì một số khía cạnh khác lại giúp cho những tổ chức lớn, đầy sức mạnh. Quy mô vẫn còn giá trị. Trong khi tin tặc và chính phủ có thể vừa tạo ra thông tin vừa sử dụng Internet thì vấn đề là các chính phủ lớn có thể triển khai hàng chục ngàn người đã được huấn luyện và tiếp cận với những máy tính lớn nhằm bẻ khóa và thâm nhập vào hệ thống máy tính của các tổ chức khác. 
Ngoài ra, trong khi việc truyền bá thông tin là tương đối rẻ thì việc thu thập và sản xuất tin mới lại thường đòi hỏi những khoản đầu tư lớn và trong những hoàn cảnh có cạnh tranh thì thông tin mới là tác nhân quan trọng nhất. Thu thập thông tin tình báo là ví dụ tốt, con sâu máy tính Stuxnet khá tinh vi từng làm hỏng các máy li tâm trong chương trình hạt nhân của Iran dường như được làm theo đơn đặt hàng của chính phủ (Mĩ  - ND). 
Các chính phủ và các nước lớn vẫn có nhiều nguồn lực hơn những tổ chức tư nhân và cá nhân nắm được thông tin, nhưng vũ đài hoạt động của họ đã trở nên chật chội hơn. Vở kịch sẽ diễn ra như thế nào? Ai sẽ thắng còn ai sẽ thua? 
Phải mất hàng chục năm chứ không phải một vài mùa mới có thể trả lời được những câu hỏi này. Như các sự kiện ở Ai-cập và những nơi khác đã cho thấy, chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được ảnh hưởng của cuộc cách mạng thông tin đối với quyền lực trong thế kỉ này mà thôi. 
Joseph S. Nye là cựu thứ trưởng quốc phòng Mĩ và cựu chủ tịch Hội đồng tình báo Mĩ. Hiện nay ông là Giáo sư ở đại học Harvard (Harvard University). Tác phẩm mới nhất của ông: Tương lai của quyền lực (The Future of Power).
  




Simon Roughneen - Những sắc lệnh khắc nghiệt bịt tiếng nói trên mạng tại Việt Nam

Simon Roughneen
Diên Vỹ chuyển ngữ
11.02.2013
“Kẻ cầm đầu tổ chức phản động bị tuyên án tù chung thân” báo chí nhà nước đã đăng những tựa đề như thế vào đầu tuần này.
Những tường thuật như thế hé lộ việc giới truyền thông hoạt động ra sao trong một quốc gia độc đảng, nơi mà việc viết lách trên mạng giúp bù lấp khoảng trống này. Trong giới truyền thông nhà nước chính thống, những đề tài như tranh giành quyền lực bên trong nội bộ Đảng Cộng sản và quan hệ với Trung Quốc luôn là điều cấm kỵ, và những thách thức đối với chế độ độc tài luôn bị qui chụp bằng những vu khống kiểu Xô Viết xưa.
Giáo sư Ben Kerkvliet, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Quốc gia Úc nói với MediaShift rằng “cảm giác của tôi là mạng Internet đã tăng cường hiểu biết và nhận thức của nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ và các cư dân thành thị, về những yếu kém trong các tầng lớp của chính quyền. Nhiều người Việt giờ đây thu thập tin tức từ nhiều nguồn khác nhau, từ báo chí, tạp chí của chính phủ và đảng cho đến những trang blog bị cấm đoán cũng như báo chí của các hãng tin quốc tế.”
Nhưng những biện pháp mới mà chính quyền đang muốn sử dụng có thể thắt chặt giới hạn đối với những người Việt nào muốn bày tỏ quan điểm của mình trên mạng.
Vào tháng Tư 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Nghị định Quản lý, Cung cấp, Sử dụng Dịch vụ Internet và Nội dung Thông tin trên mạng mà ngay từ đầu đã bắt buộc các nhà cung cấp nội dung thông tin nước ngoài phải tăng cường hợp tác với các quan chức Việt Nam bằng cách cắt bỏ những nội dung được cho là bất hợp pháp và có thể phải chuyển các những trung tâm dữ liệu vào trong nước. Quy định được đề xuất này yêu cầu người sử dụng phải cung cấp tên thật của mình trên mạng nhằm trấn áp quyền tự do ngôn luận.
Mâu thuẫn trong việc đưa tin
Phan Văn Thu, người đứng đầu tổ chức được đề cập trên các tựa báo, là một trong nhóm 22 người bị chính quyền qui kết tội lật đổ chế độ. Những người trong nhóm bị Toà án Nhân dân Phú Yên tuyên án từ 10 đến 17 năm tù sau một phiên toà kéo dài một tuần.
Theo truyền thông Việt Nam, “các bị cáo đã bị truy tố về tội thành lập tổ chức chính trị phản động từ năm 2004 đến tháng Hai 2012, hoạt động dưới vỏ bọc của một công ty du lịch sinh thái.” Và với chi tiết mà chính quyền Việt Nam thường cho là nguy hiểm, bài báo nói rằng tổ chức này “nhận được đóng góp tài chính từ một số người Việt ở nước ngoài.”
Ngược lại với báo chí trong nước, các tường thuật quốc tế lại nói rằng nhóm người này, có tên gọi “Hội đồng công luật công án Bia Sơn,” là những nhà hoạt động chống đối -- những người mới nhất nằm trong nỗ lực của Đảng Cộng sản trong việc đè bẹp các tổ chức nào không đồng ý với cách vận hành đất nước.
Với những người Việt nào có liên hệ với các tổ chức từ nước ngoài mà Đảng Cộng sản xem như là những mối đe doạ đến quyền lực của họ -- ví dụ như tổ chức Việt Tân ở Hoa Kỳ -- họ thường bị kết án tù giam.
Bill Hayton, tác giả cuốn “Việt Nam: Con Rồng đang lên,” nói với MediaShift rằng “trong khi bộ máy an ninh Việt Nam đang nới lỏng đối với việc biểu tình và chỉ trích, nó hoàn toàn không chấp nhận những người chống đối nào liên hệ với các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức có cơ sở từ Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng thái độ và quyết định trong việc nên bắt giữ loại người chống đối nào là cố tình tách bạch rõ ràng giữa chống đối “chính danh” và tội phản bội “bất chính”.
Sau buổi tuyên án, Nguyễn Hương Quê, luật sư do nhà nước bổ nhiệm để bào chữa cho các bị cáo nói rằng “các bản án phù hợp với tội danh của họ .”
Điều đáng lưu ý là nhóm người này được các nhà hoạt động nhân quyền miêu tả như là những người sùng bái Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà tiên tri Việt Nam ở thế kỷ 16, người “từng mơ ước xây dựng một ‘Xã hội không tưởng’ hoà hợp giữa khoa học, thiên nhiên và con người”.
Bắt giữ thêm
Vào tháng Giêng, 14 nhà hoạt động và người viết blog đã bị tuyên án lên đến 13 năm tù, mặc dù trong lúc ấy chính quyền Việt Nam đã trả tự do cho một công dân Hoa Kỳ, thành viên của Việt Tân là Nguyễn Quốc Quân sau chín tháng giam giữ. Sau đó vào ngày 6 tháng Hai, luật sư Lê Công Định cũng được trả tự do, ông bị giam từ tháng Sáu 2009.
Tuy nhiên, bất chấp những việc phóng thích này, tình hình nhân quyền của Việt Nam lại trở nên tồi tệ hơn, học giả Carl Thayer, một bình luận gia nổi tiếng về nền chính trị Việt Nam nói “Chỉ trong năm nay đã có ít nhất 36 người bị kết án tù theo những tội danh bịa đặt là tìm cách lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa,” ông viết trong một nghiên cứu mới đây.
Trong một nền văn hoá pháp lý thiếu rõ ràng, khi người dân giận dữ lên tiếng về nạn cướp đất và tham nhũng tại Việt Nam, đôi khi họ được nhân nhượng, đôi khi lại không. Đôi khi các nhà báo của ngành truyền thông chính thống tường thuật các vấn đề trên -- mặc dù không rõ là việc tường thuật này được chính quyền cho phép trước hay không, hoặc những tường thuật này có liên quan đến tranh chấp phe phái hoặc trả thù trong nội bộ Đảng Cộng sản hay không.
Nhưng với những ai viết bài chỉ trích gay gắt những điều được xem là sai trái của chính quyền, kết quả thường là những án tù. Lê Anh Hùng đã bị bắt vào cuối tháng Giêng và bị giam giữ tại một bệnh viện tâm thần tại Hà Nội - một hình thức tương tự như những hoạt động thời kỳ Xô Viết. Hùng sau đó đã được trả tự do vào ngày 5 tháng Hai.
Lê Quốc Quân, một luật sư tại Hà Nội đã nói với MediaShift vào năm 2012 về tầm quan trọng của truyền thông mạng ở Việt Nam, nơi báo giấy và truyền hình bị Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị duy nhất trong nước điều phối.
“Việc người dân làm báo, báo chí không chính thức, những bài viết đăng trên các mạng xã hội, tin nhắn, Facebook, và blog đang tiếp tục tiến triển và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội,”Lê Quốc Quân nói vào tháng Chín năm ngoái. Ông đã bị bắt vào cuối tháng Giêng về tội trốn thuế - một tội danh mà các tổ chức nhân quyền cho là bịa đặt - và đã bị biệt giam từ lúc ấy.
Những biện pháp mới
Các nguồn thông tin trực tuyến đã khoả lấp khoảng trống tạo ra bởi truyền thông do đảng điều khiển, nhưng điều này cũng đang bị đe doạ. Với những người Việt đã quen thuộc với các cấm đoán, điều luật đang được đề nghị có thể bắt buộc người sử dụng phải dùng tên thật của mình trên mạng và những blogger phải kê khai tên thật cũng như thông tin liên lạc trên các trang blog của mình -- một tiềm năng thay đổi lớn đối với những người Việt đang bị kẹt giữa việc không muốn vào tù và muốn viết một cách trung thực nên đang phải dùng bí danh khi viết bài trên mạng.
Một động cơ trong việc chính quyền nỗ lực bắt buộc người dân phải dùng tên thật có thể là những cáo buộc đăng trên các trang blog vào năm ngoái - sau này đã bị bác bỏ - rằng con gái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đầu tư tiền bạc vào một dự án phát triển chung cư đầy tai tiếng ở ngoại ô Hà Nội.
Tuy nhiên, bản dự thảo đầu tiên của nghị đính lại gồm những điều khoản bao trùm dường như nhắm vào việc ngăn chặn những ý kiến thách thức chính quyền, cấm người sử dụng Internet“phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” hoặc “phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc” cũng như “lạm dụng việc cung cấp và sử dụng Internet và thông tin.”
Ngay sau khi nghị định được công bố, 12 nhà lập pháp Hoa Kỳ bao gồm đảng Dân chủ lẫn Cộng hoà đã viết thư đến Facebook, Google và Yahoo nói rằng, “Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi quí vị ủng hộ quyền tự do ngôn luận của các công dân Việt Nam bằng cách tiếp tục cung cấp kỹ thuật của quí vị đến người dân Việt Nam với thái độ tôn trọng quyền tự do và riêng tư của họ.”
Phản tác dụng?
Một phần nguyên nhân trong việc chính quyền Việt Nam dường như cố tình đàn áp những ai đề xướng một hình thức nhà nước khác là kinh tế -- vô số những vụ tham nhũng tai tiếng cũng như lượng đầu tư nước ngoài chậm lại đã khiến cho đảng cầm quyền phải công khai xin lỗi trước công chúng vào mùa thu trước và đã dẫn đến những dự đoán rằng nếu kinh tế chững bước lâu dài, sẽ có thêm nhiều người Việt đặt vấn đề về thể chế độc đảng.
Nhưng nếu thắt quá chặt mạng Internet cũng có thể dẫn đến phản tác dụng đối với “nền kinh tế đang lên” của Việt Nam.
Nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey & Co dự đoán rằng mạng Internet “trung bình đóng góp khoảng 1,9 tổng GDP tại các nước đang phát triển,” con số này dựa trên một thăm dò trong chín quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Ba, 12/02/2013










Từ Hiệp định Paris đến “Bên Thắng Cuộc”


Nguyễn Ngọc Giao *
23759_4184221720949_371302794_nVà cứ như thế, mấy thế hệ liên tiếp đã phải ăn cháo lú lịch sử, không biết gì về những trang sử kì vĩ và đầy đau thương của dân tộc mình, những trang sử đã góp phần thúc đẩy dòng chảy của lịch sử nhân loại thế kỉ XX
Hiệp định Paris “về kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam” đã được kí kết ngày 27 tháng giêng năm 1973 tại đại sảnh đường Trung tâm Quốc tế Hội nghị ở đại lộ Kléber. Cách Khải hoàn môn vài trăm mét, tòa nhà này thường được người dân Paris gọi bằng cái tên lịch sử là Hôtel Majestic. Trong Thế chiến lần thứ hai, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, Khách sạn Majestic trở thành trụ sở của bộ tư lệnh quân đội Đức quốc xã. Sau ngày giải phóng, Bộ ngoại giao Pháp sử dụng cơ ngơi này làm trung tâm hội nghị quốc tế. Trong gần năm năm trời, từ ngày 13.5.1968 đến ngày 27.1.1973, hội trường là nơi diễn ra cuộc thương lượng chính thức giữa Việt Nam và Mĩ. Hơn một tháng sau ngày kí kết Hiệp định Paris, Khách sạn Majestic cũng là nơi họp Hội nghị quốc tế về Việt Nam với sự tham gia của tổng thư kí Liên Hợp Quốc Kurt Waldheim và phái đoàn đại diện của 12 chính phủ (4 bên tham gia Hội nghị Paris : Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Hoa Kì, Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời CHMNVN, Việt Nam Cộng Hòa ; 4 đại cường thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ : Pháp, Anh, Liên Xô, Trung Quốc ; 4 nước thành viên Ủy ban giám sát quốc tế : Ba Lan, Canada, Hungary, Indonesia). Gần 20 năm sau, đây cũng là nơi diễn ra Hội nghị quốc tế về Campuchia (1991).
 Ngày nay, Majestic lại trở thành khách sạn, một trong mấy “palace siêu hạng” của Paris, nhưng đã đổi chủ. Cũng như đội bóng đá PSG (đội này vừa sắm David Beckham), chủ nhân là người vương quốc dầu hỏa Qatar. Bốn mươi năm đã trôi qua, số người Việt Nam ra đời sau ngày 27.1.1973 dễ lên tới hai phần ba dân số Việt Nam. Từ đó, bao nhiêu biến cố đã dồn dập xảy ra : ngày giải phóng miền Nam (đối với cả triệu người là ngày “mất nước”, hay “quốc hận”), cải tạo xã hội chủ nghĩa, trại “cải tạo”, chiến tranh với Pol Pot, chiến tranh với Trung Quốc, liên minh Washington – Bắc Kinh bao vây, cấm vận, thuyền nhân, khủng hoảng, rồi đổi mới, mở cửa, tự do hóa về kinh tế, thối nát tham nhũng tràn lan, đàn áp chính trị, khối Liên Xô sụp đổ, khấu đầu với Trung Quốc, khủng hoảng toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị… , cái mốc Hiệp định Paris 1973 bị đẩy xa vào quá vãng, hai trong bốn bên ký kết Hiệp định — Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN và Chính phủ Việt Nam cộng hòa — đã biến mất trên bản đồ chính trị địa lý Việt Nam.
Điều đáng quan ngại, thậm chí bi thảm, là Việt Nam trở thành một dân tộc không có ký ức lịch sử, ít nhất về  lịch sử một trăm năm gần đây. Thử hỏi chín mươi triệu người Việt Nam, ai muốn tìm hiểu lịch sử thế kỉ XX của nước mình, thì kiếm đâu ra sách ? Tủ sách sử học Việt Nam đã có những công trình giá trị về khảo cổ học, về thời Lý, Trần, Lê. Nhưng từ thời Nguyễn trở lại đây, tuyệt nhiên không. Cách đây hơn bốn năm, Hội sử học Việt Nam đã tổ chức hội thảo về nhà Nguyễn tại Thanh Hóa. Cho đến nay, báo chí “lề phải” vẫn không được nói tới cuộc hội thảo khoa học này, chỉ vì những mặt tích cực của nhà Nguyễn được nêu lên ở hội thảo không phù hợp với “đánh giá của Đảng về nhà Nguyễn”. Lịch sử Việt Nam thế kỉ XIX và XX là vùng cấm đối với giới sử học người Việt, là vùng “khai thác độc quyền” (nói cho chính xác : độc quyền không cho khai thác) của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng. Hệ quả của quy định này là : sách giáo khoa lịch sử chỉ sao chép những câu kinh kệ của “sử đảng”, nghĩa là một cách viết sử bóp méo, đầy lỗ hổng (chỉ cần đọc những trang “sử” ấy về ĐCS Đông Dương và Nquyễn Ái Quốc từ năm 1930 đến đầu năm 1941). Hệ quả của hệ quả : một học sinh có suy nghĩ, một độc giả có chút ít tinh thần phê phán, chỉ có thể rút ra một kết luận, là “không thể tin được” những thứ sử sách chính thống ấy (mặc dù trong đó không thiếu những khẳng định đúng đắn tuy sơ lược), và nguy hại hơn nữa, chỉ cần nhẹ dạ một chút, là sẵn sàng tin những khẳng định ngược lại. Và cứ như thế, mấy thế hệ liên tiếp đã phải ăn cháo lú lịch sử, không biết gì về những trang sử kì vĩ và đầy đau thương của dân tộc mình, những trang sử đã góp phần thúc đẩy dòng chảy của lịch sử nhân loại thế kỉ XX.
Giữa chốn mịt mù ấy, hai tập “Giải Phóng” và “Quyền Bính” của Bên Thắng Cuộc (BTC) mà nhà báo Osin Huy Đức xuất bản qua mạng đã nhanh chóng đi tới (nếu không tới mắt thì tới tai) hàng trăm ngàn, có lẽ cả triệu, người Việt Nam, từ nam chí bắc, từ Orange County đến Tokyo, Melbourne, qua Washington DC, Paris, Berlin, Moskva… với tốc độ và khả năng quảng bá của internet. Đây không phải là một công trình nghiên cứu sử học (những ai phê phán nó vì nó không phải là tác phẩm sử học, chẳng qua là cố ý đâm giáo vào cối xay gió), mà một pho sử liệu, chứng từ trung thực, phong phú, đồ sộ, mà chưa bao giờ một nhà sử học hay một nhà báo điều tra, đã thu thập, phỏng vấn, ghi chép được, liên quan tới thời gian phần tư cuối của thế kỉ XX. Đó là thời gian mà đất nước, xã hội và mỗi con người Việt Nam (còn sống) đã trải qua những đổi thay ghê gớm, sâu sắc, dư chấn của những cuộc “động đất lịch sử” ấy bây giờ vẫn chưa dứt mà vẫn còn sẽ tiếp tục. Cho nên, sự đánh giá BTC sẽ dao động giữa hai thái cực : một mặt là “ngợp” trước những thông tin chưa từng thấy hoặc rất ít người biết, mặt khác là “thất vọng” hay “mong mỏi” những tác phẩm của tác giả hay của người khác về những giai đoạn, những sự việc mà BTC chưa đề cập. Đây là tôi chỉ nói tới nhận định của người đọc muốn khách quan tiếp nhận công trình này. Còn phản ứng của độc giả, phản ứng thiện cảm (với ít nhiều bảo lưu) của tuyệt đại đa số, cũng như phản ứng Pavlov của các “dư luận viên” mà nhà nước đang huy động để “đánh Huy Đức” và của các chuyên gia “chống cộng tới chiều” đã tổ chức biểu tình ở Khu Bolsa, lại là một chủ đề khác, đối tượng của một điều tra xã hội học, mà nếu làm được, sẽ giúp chúng ta hiểu thêm rất nhiều về não trạng Việt Nam ngày nay. (xin xem bài của Hòa Vân : Bên Thắng Cuộc và dư luận).
Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi sẽ không làm được việc nào trong hai việc kể trên (nhận định về tác phẩm, phân tích phản ứng công chúng). Chỉ xin đề cập tới một vấn đề, liên quan tới Hiệp định Paris và cuốn sách BTC mà kỉ niệm 40 năm và xuất bản lại trùng hợp trong thời gian. Vấn đề ấy cũng là nền tảng cho phần lớn các cuộc tranh luận và sự mâu thuẫn giữa các lập trường. Đó là : tính chất cuộc chiến tranh Việt Nam (dù ta quy định thời gian là 1945-1975, hay 1955-1975, hay 1960-1975). Chiến tranh giải phóng, nghĩa là chiến tranh giành độc lập, thống nhất ? Hay nội chiến (Quốc Cộng) ? Hay chiến tranh ủy nhiệm (War by Proxy) nằm trong bối cảnh thế giới Chiến tranh lạnh ?
Thật ra, trong một cuộc đối thoại bình tĩnh hay khi ta bình tâm tự vấn, chắc ít ai phủ nhận một trong ba yếu tố kể trên (chiến tranh giải phóng, chiến tranh ủy nhiệm, nội chiến), nhưng khi bàn tới bản chất của từng yếu tố, và nhất là quan hệ tương tác của ba yếu tố ấy (cái nào là chính, là quyết định…) thì chắc chắn là mỗi người một ý (có khi ý kiến của một người cũng thay đổi theo thời gian). Ngày nào chưa có một cuộc thảo luận thật sự, trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau đi tìm sự thật, thì khó xác định và “khoanh” lại những khác biệt không thể hóa giải. Và chỉ có ý muốn chung là xây dựng trong sự tôn trọng khác biệt mới cho phép chúng ta vượt qua những khác biệt để đi tới tương lai.
Trong tinh thần ấy, xin nêu lên một vài suy nghĩ và nhận định, nhằm đóng góp vào cuộc thảo luận chung :

Chiến tranh giải phóng 1945-1975 ?

Giải phóng gắn liền với tự do, người chiến thắng năm 1975 lại là cộng sản, nên dễ hiểu là nhiều người dị ứng với cụm từ “chiến tranh giải phóng” mà từ khước mọi cuộc đối thoại. Chính xác phải nói “chiến tranh giải phóng dân tộc”, đối tượng của sự giải phóng là dân tộc, mục tiêu của nó là chấm dứt sự thống trị của nước ngoài. Chiến tranh giải phóng thắng lợi, dân tộc tự do, nhưng người dân không nhất thiết được tự do : điều này đã từng thấy trong nửa sau thế kỉ XX tại các nước thuộc địa, trong đó có nước ta. Phân biệt tự do cho dân tộc và tự do cho công dân, chúng ta mới bình tĩnh đọc câu nói ý nhị của Huy Đức trong lời mào đầu tập 1 : “Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975 — ngày nhiều người tin là Miền Bắc đã giải phóng Miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là Miền Bắc”. Tác giả chơi chữ, nhờ đó mà nhiều người hả hê, không ít người bực bội, nhưng đằng sau sự chơi chữ là một sự thật khó chối cãi (chỉ lấy một thí dụ cụ thể : tự do báo chí ở Sài Gòn (mặc dầu chính quyền Thiệu chuyên nghề “hốt cắt đục”) đã biến mất sau ngày 30.4.75, về sau đã nhen nhúm một chút trên báo chí cả nước, bắt đầu từ những tờ báo Thành phố như Tuổi Trẻ). Tất nhiên, điều này không liên quan tới nền độc lập dân tộc mà chúng ta cần trở lại để bàn về bản chất cuộc chiến tranh.
Có người thừa nhận rằng cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) là chiến tranh giải phóng dân tộc chống lại cuộc tái chiếm có tính chất thực dân chủ nghĩa của quân đội Pháp, nhưng cuộc chiến tranh sau 1955 là nội chiến Nam Bắc, dù không phủ nhận vai trò và sức nặng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến này.
Cả hai vế đều có chỗ không ổn. Đúng là chiến tranh 45-54 là chiến tranh giải phóng, nhưng ta không nên quên rằng khi Điện Biên Phủ được giải phóng, hai bên chiến tuyến phần lớn là người Việt Nam : bên chiến thắng là Quân đội Nhân dân Việt Nam (có cố vấn người Trung Quốc, nhưng họ chỉ là cố vấn, và không có vai trò quyết định : ngày 25 tháng giêng 1954, khi Võ Nguyên Giáp quyết định “rút pháo ra”, ông đã cưỡng lại ý kiến của đoàn cố vấn Trung Quốc), bên thất trận 2/3 là người Việt, 1/3 người Âu Phi. Vũ khí và trang bị của bên thất trận là của Mĩ, vũ khí bên thắng trận là của Liên Xô (qua Trung Quốc), Trung Quốc và… Mĩ (hơn một nửa vũ khí thả dù sau ngày 13.3.54 rơi vào tay kháng chiến). Còn cuộc chiến tranh thứ nhì, có yếu tố nội chiến (chúng tôi sẽ phân tích ở một phần dưới), nhưng khách quan mà nói, vai trò của Hoa Kì liên tục từ 1950 đến sáng ngày 30 tháng tư 1975 không thể chối cãi là vai trò của một siêu cường, muốn quyết định số phận của Việt Nam, thông qua những chính quyền mà họ đã tạo dựng và khi cần thiết thì trừ khử, bãi bỏ hay bỏ rơi (mà Mĩ bỏ thì chỉ có rơi, không thể gì khác).
Do đó, cuộc chiến tranh 1945-1975, dù có yếu tố chiến tranh ủy quyền, chiến tranh ý thức hệ, và nội chiến, vẫn liên tục từ đầu chí cuối, là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mà mục tiêu tối hậu là độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia. Thừa nhận điều đó không có gì sỉ nhục đối với những người ở “bên thua cuộc” nếu lí do khiến cho họ đứng bên này chiến tuyến, chống lại những người chống lại ngoại bang, là lý tưởng tự do, dân chủ thực sự, điều mà rõ ràng Đảng cộng sản Việt Nam, cho đến hôm nay, chưa hề mang lại. Phủ nhận điều đó, sợ rằng bản thân những người tuyên bố ra lời cũng không thuyết phục được chính mình, mà mãi mãi hận thù “Việt cộng cướp nước”, oán hận “Mỹ bỏ rơi”.

Nội chiến ?

Đối với quan điểm tuyên truyền “chính thống” của Đảng Cộng sản Việt Nam, “nội chiến” là một điều cấm kị. “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”, câu hát của Trịnh Công Sơn đã khiến cho tác giả nhiều phen điêu đứng sau 1975, cho đến nay vẫn bị cấm. Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu là tay sai của Pháp và Mỹ, họ được sử dụng để phục vụ cho chính sách của Pháp, rồi của Mỹ, rồi khi nào họ không phục vụ như ý nữa, thì bị loại bỏ không thương tiếc, dù khi bị loại bỏ rồi, sẽ có những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn (trường hợp Ngô Đình Diệm). Điều đó khó ai phủ nhận, nhưng với bộ máy tuyên truyền, họ phải được mô tả như những tay sai đơn thuần, những con rối không xương sống. Lối tuyên truyền đơn sơ thô bạo đó sẽ phản tác dụng khi nó gặp phải những thực tế mà nó không thể lí giải. Sự kháng cự của Nguyễn Văn Thiệu trước ngày khai mạc Hội nghị Paris (cuối năm 1968, đầu năm 1969), hay cuối năm 1972, khi hai phái đoàn Lê Đức Thọ – Xuân Thủy và phái đoàn Kissinger đã đi tới thỏa thuận về văn bản Hiệp định Paris, bỗng nhiên được nhìn nhận như bằng chứng của sự “dũng cảm” (chữ dùng của Huy Đức). Tất nhiên rồi, “dũng cảm” không phải là thuộc tính độc quyền của “ông chủ” (khỏi cần kể ra đây những thí dụ về những ông chủ thiếu dũng cảm) : tay sai có thể dũng cảm phi thường khi thấy ông chủ bỏ rơi.
Nói chuyện nghiêm chỉnh hơn : ý thức hệ quả nhiên đã chia rẽ hàng ngũ những người Việt Nam mong muốn độc lập, trong đó có ý thức hệ “quốc-cộng”. Tôi để hai chữ “quốc-cộng” trong ngoặc kép, vì hai lẽ : tuyệt đại đa số, nếu không nói là tất cả, những người Việt Nam cộng sản là những người quốc gia chủ nghĩa (nhiều khi quá khích), còn trong hàng ngũ những người tự nhận hay được xếp là “quốc gia”, những người phản quốc hơi bị nhiều. Khó ngược dòng thời gian để kết án ai là người bắt đầu chạy theo ý thức hệ, bỏ quên quyền lợi quốc gia. Người chống cộng thường đổ thừa cho “chủ nghĩa cộng sản ngoại lai”, quên rằng nếu chủ nghĩa cộng sản được du nhập vào Việt Nam sau năm 1920 (khi Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp, tháng 12.1920), thì chủ nghĩa chống cộng đã được du nhập vào nước ta vài năm trước đó (ai không tin, cứ tìm đọc tạp chí Nam Phongtừ năm 1917).
Xung đột ý thức hệ và nội chiến tồn tại khi ở hai bên chiến tuyến có sự tham gia của những bộ phận quan trọng của dân tộc hay giai cấp, đẳng cấp, với những chính kiến đối chọi nhau. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ năm 1945 ở Nam Bộ và từ cuối năm 1946 trên toàn quốc, không hề có yếu tố nội chiến (mặc dầu đã có những cuộc thanh trừng, tàn sát lẫn nhau giữa các phe phái). “Nam Kỳ tự trị” năm 1946, “Quốc gia Việt Nam” năm 1948 (với lá cờ vàng ba sọc đỏ) không đại diện cho ai khác hơn là thế lực thực dân và vài nhúm chính khách bị dư luận quốc dân khinh miệt. Vậy thì nội chiến ở Việt Nam bắt đầu bao giờ và như thế nào ? Sẽ cần những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc để làm sáng rõ vấn đề, nhưng ở đây và bây giờ, người viết bài này muốn khẳng định, với tất cả tinh thần trách nhiệm : từ chính sách mao-ít của Đảng cộng sản Việt Nam sau năm 1950.
Với chủ trương quy định thành phần giai cấp một cách thô bạo (có thể nói : lưu manh, ít nhất trong cách thực hiện) trong cuộc chỉnh huấn quân đội, chỉnh đảng, rồi cải cách ruộng đất, ĐCSVN đã đi ngược lại chính sách đoàn kết dân tộc chống thực dân đế quốc, xua đẩy sang hàng ngũ đối phương các thành phần trung phú nông, tiểu tư sản, tư sản, nhân sĩ, trí thức…
Chính đường lối “tả khuynh” theo kiểu Stalin và Mao thực hiện từ năm 1951 này đã “bưng mâm bầy cỗ” cho Mĩ một cơ sở xã hội rộng rãi mà họ chưa từng dám mơ ước : gia đình một ông quan chỉ được tiếng “chống Pháp” vì Pháp đã không chọn mà chọn người khác làm thượng thư bộ Lại, bỗng trở thành nguyên thủ một “quốc gia” với đầy đủ những thành phần xã hội thượng lưu và trung lưu mà phần lớn (nếu không nói là đa số) đều ngả về “phe kháng chiến” nhưng lại bị chính kháng chiến xua đẩy !
Trong những người, năm 1955-56 ở Sài Gòn, không thấy được điều này, may thay, có ông Ngô Đình Diệm. Với tầm nhìn bảo thủ của một ông quan xa lạ với thế kỉ XX (với cả xu hướng đổi mới của Giáo hội Công giáo dẫn tới Công đồng Vatican II), xa lạ với xã hội Việt Nam, ông tổng thống của “đệ nhất cộng hòa” đã tự cưa chân ngai vàng của mình, đàn áp những người kháng chiến, đàn áp cả những giáo hữu Nam Bộ thuộc xu hướng tự do…  Ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam sở dĩ đã tập hợp được khá rộng rãi các thành phần xã hội ở miền Nam, liên kết được với phong trào Phật tử, khơi dậy được phong trào đô thị… có thể nói chính là nhờ chính sách ngu muội của các chính quyền Sài Gòn hơn là nhờ sự sáng suốt của Đảng cộng sản.
Nói như vậy có cường điệu lắm không ? Tôi chỉ xin nêu ra hai thí dụ để bảo vệ cho luận điểm này : một điều may thay không xảy ra, và một điều không may đã xảy ra. Điều không xảy ra : đầu năm 1967, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bí thư Trung ương cục Miền Nam, đã có chủ trương phát động “cải cách ruộng đất toàn diện và triệt để” (với ý đồ dễ đoán : phát huy sức mạnh của nông dân, chủ lực của cách mạng, chuẩn bị tổng tấn công năm 1968). Những cán bộ Ban nông thôn (xem hồi kí của ông Nguyễn Thành Thơ) và những người như ông Trần Bạch Đằng kiên quyết phản đối, Cụ Hồ gửi điện vào “can chú Thanh”, cuối cùng tướng Thanh đã từ bỏ ý nghĩ này. Một ý nghĩ rất “triệt để mao-ít”. Các nhà văn chính trị dự tưởng (politique fiction) có thể hình dung ra tình hình Việt Nam sau cuộc “cải cách ruộng đất triệt để và toàn diện” ở miền Nam năm 1967 với hơn nửa triệu quân Mĩ, Úc, New Zealand. Còn điều đã xảy ra (khi đất nước vắng bóng quân đội Mĩ) : xin mời độc giả tìm đọc những chương về “cải tạo công thương nghiệp” do ông Đỗ Mười trực tiếp tiến hành với sự ủy nhiệm của tổng bí thư Lê Duẩn, với những hệ quả như thế nào.

Chiến tranh ủy nhiệm, ý thức hệ ?

Chiến tranh Việt Nam bị lồng vào cuộc chiến tranh lạnh, đối đầu hai khối tư bản và cộng sản, diễn ra trên bình diện thế giới từ năm 1947 trở đi, là điều hiển nhiên, không cần bàn cãi. Việc tham chiến của Mĩ ở Việt Nam từ năm 1950 đến năm 1975 không có mục đích thực dân, gắn liền với sự khai thác tài nguyên của Việt Nam, điều đó cũng rõ ràng không kém. Mỹ nhảy vào Việt Nam, kiên quyết biến miền Nam thành “tiền đồn thế giới tự do” đứng trên quan điểm đối đầu quốc tế, ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản Xô-Trung mà họ coi Hồ Chí Minh là “tay sai” (“agent” của cộng sản quốc tế). Khi Robert McNamara phát hiện ra sai lầm của mình thì Hoa Kì đã thất trận. Khi Kissinger (tháng 2 năm 1973) trông thấy bốn câu thơ “Nam quốc sơn hà…” của Lý Thường Kiệt ở Viện bảo tàng lịch sử Hà Nội, thì mấy tuần trước đó, ông ta đã phải ký tắt vào Hiệp định Paris, thừa nhận “độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” (ông ta cũng đủ dí dỏm để,  đứng trước câu thơ Lý Thường Kiệt, thốt ra lời bình : “Ô, đây là điều 1 Hiệp định Paris”).
Vậy thì, về phía Mỹ, dùng Quốc gia Việt Nam, Việt Nam cộng hòa, hay ồ ạt đưa đại quân sang Việt Nam (dù ông Diệm cưỡng lại) là để đánh Liên Xô, đánh Trung Quốc. Trong ý nghĩa này, chiến tranh Việt Nam là “chiến tranh ủy nhiệm”, “chiến tranh ý thức hệ”.
Về phía đối phương, hiển nhiên, lực lượng chống Mĩ không thể đánh Mĩ nếu không có sự viện trợ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc. Và khi Việt Nam thắng Mĩ, người hưởng lợi là cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, nhất là Trung Quốc. Điều đó cũng rõ ràng.
Sai lầm, nếu có, là nghĩ rằng chiến tranh Việt Nam do xung đột quyền lợi giữa các cường quốc, người Việt Nam (cả hai phe) là những con bài được “ủy nhiệm” để phục vụ cho quyền lợi và chịu sự chỉ huy của nước ngoài.
Điều đó đúng cho một bên, thiết tưởng không cần phải chứng minh. Nhưng lầm to, nếu nghĩ nó đúng cho cả bên kia. Các công trình nghiên cứu (ít nhất của các tác giả quốc tế) cho thấy : khi Đảng CSVN quyết định tiến hành chủ trương “bảo vệ và xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, phải trầy trật lắm, họ mới tranh thủ được sự ủng hộ (hay đúng hơn, không phản đối) của Liên Xô, và cũng phải khôn khéo ghê gớm, họ mới làm chủ được nhịp độ, cường độ cuộc đấu tranh võ trang ở miền Nam (hơn một lần, nó không “ăn giơ” với tính toán của Mao Trạch Đông mà mục tiêu là hạ bệ Moskva và móc ngoặc với Mĩ). Ít người biết hơn, là : sau Hiệp định Paris, toàn bộ vũ khí sử dụng để đánh bại quân lực VNCH đều đã được tích lũy từ trước, Liên Xô không hề giúp thêm vũ khí thiết bị nào, còn tìm cách ngăn cản. Câu nói của Mao với Phạm Văn Đồng năm 1974 “chổi ngắn không thể quét xa” không chỉ là một lời nói suông).

Yếu tố quyết định

Giải phóng dân tộc, đương nhiên. Nội chiến, không thể chối cãi. Chiến tranh ủy nhiệm, hiển nhiên. Nhưng ba yếu tố ấy, cái nào là quyết định ? Cuộc chiến tranh 1945-75, tính chất cơ bản của nó là gì ?
Thật ra, nếu đồng ý với nhau về cả ba yếu tố, với nội dung của từng yếu tố như kể trên, thì cuộc tranh luận xem yếu tố nào quyết định, mỗi yếu tố đã tác động lên hai yếu tố kia như thế nào, cũng rất quan trọng, nhưng không ngăn cản sự thông hiểu nhau (trong sự bất đồng).
Thành thực mà nói, người viết bài muốn đưa ra một tiêu chí để xem xét sự tương tác giữa ba yếu tố. Đó là : nhìn lại lịch sử cuộc chiến tranh, từ mùa thu 1945 đến mùa xuân 1975, đâu là nơi quyết định các lựa chọn chiến lược, các biện phát tác chiến, các cuộc tổng tiến công ?
Xét từ góc độ ấy, cuộc chiến tranh đã mở đầu từ những quyết định ở Paris và Hà Nội. Khi cuộc chiến tranh lần thứ nhất kết thúc, quyết định đã được lấy từ Moskva, Bắc Kinh, Việt Bắc một bên, và từ Washington DC, London, Paris, thể hiện ở Genève ngày 21.7.1954. Còn toàn bộ cuộc chiến tranh lần thứ nhì, từ năm 1955 đến đêm 29.4.1975, hai trung tâm quyết định, và chỉ có hai trung tâm đó thôi, là Hà Nội và Washington DC.
Hiệp định Paris được ký kết tại đại sảnh đường Khách sạn Majestic sáng ngày 27 tháng giêng 1973 sau gần năm năm thương lượng, chủ yếu là giữa phái đoàn VNDCCH và phái đoàn Hoa Kỳ. Hơn một tháng sau, ngày 2 tháng 3, cũng tại phòng hội nghị đó, diễn ra Hội nghị quốc tế về Việt Nam, với ông Tổng thư ký LHQ Kurt Walheim, thêm bốn tứ cường (nghiã là đầy đủ ngũ cường đã quyết định ở Geneve năm 1954) và bốn nước thành viên của Ủy ban quốc tế giám sát. Hội nghị long trọng chỉ họp một ngày là xong, mục đích duy nhất là để tổng thư ký LHQ và 12 ngoại trưởng ký vào bản “Định ước quốc tế”, tức là đơn thuần “chứng giám” sự thỏa thuận Viêt-Mĩ. Thời Geneve, cái “thế chiến quốc” ở Genève năm 1954 đã qua rồi.

Từ Hiệp định Paris đến kết cuộc

Cần nói gì thêm sau ngày 27.1.1973 ? Trong khuôn khổ bài viết này, có lẽ chỉ cần nêu hai điểm :
Hiệp định không thể có số phận nào khác hơn là số phận hai năm sau của nó, nghĩa là mục tiêu của nó chỉ có thể thực hiện thông qua một phương thức không do nó quy định. Thật vậy, Mĩ kí kết Hiệp định chỉ cốt để có thể rút hết quân và đón hết tù binh Mĩ một cách an toàn. Một giải pháp chính trị (hai bên miền Nam thương lượng, thành lập chính phủ ba thành phần) không thể đạt được khi mà đối với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đó là bản án tử hình chính trị. Không những thế, trong việc này, Mĩ và Thiệu thống nhất quyền lợi với nhau : một chính phủ liên hiệp, một cuộc bầu cử tự do, sự tham gia của cộng sản trong một chính quyền dân cử là một điều tối kị, ô nhục hơn cả một chiến thắng quân sự của cộng sản. Không đời nào nước Mĩ của Nixon-Kissinger chấp nhận một chính quyền “cộng sản” thành lập qua bầu cử. Không đời nào có thể để cho một Salvador Allende xuất hiện ở Dinh Độc Lập. Không phải ngẫu nhiên mà chưa đầy 8 tháng sau, Mỹ đã lật đổ tổng thống Chile và đẩy đất nước này vào một thảm họa kéo dài hơn hai thập niên. Cùng lắm, Mỹ có thể ngậm quả bồ hòn là sự sụp đổ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thông qua thất bại quân sự, sau một “khoảng thời gian vừa phải” (a decent interval). Hai năm, trong ngôn ngữ cynic của Kissinger, là một thời gian “decent”.
Người ta có thể phản biện : nếu chính quyền ông Thiệu chịu thi hành Hiệp định chăng nữa, nếu một chính quyền ba thành phần được thành lập đi nữa, thì chẳng chóng thì chầy, cộng sản cũng làm một cú đảo chính như ở Tiệp Khắc năm 1947 chứ sao ? Bằng chứng là, sau ngày 30.4, cứ xem cộng sản đối xử ra sao với thành phần ba, cứ xem chính sách “cải tạo” thế nào ! Lý luận này không phải không có cơ sở (ông Đỗ Mười chắc không phản đối), nhưng hơi bị yếu, ở một điểm : cái có thể sẽ xảy ra không bao giờ biện minh cho một điều đã xảy ra. Vả lại, một quá trình diễn ra trong hòa bình, trong tự do ngôn luận (tương đối) là một trường học cho mọi lực lượng trong một xã hội chưa bao giờ có dân chủ thực sự.
Vả lại, đây là một tranh cãi vô bổ. Có ích hơn, đối với mọi người Việt Nam, bất cứ ở đâu, đang gần trời hay gần đất, là : cùng nhau tìm hiểu sự thật lịch sử, nhận thức những yếu tố khách quan đã chi phối lịch sử dân tộc, ghi nhận khác biệt trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, để tìm ra mẫu số chung. Cho một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, dân chủ và tự do.
Trong cuộc tìm hiểu ấy, Bên Thắng Cuộc là một đóng góp quan trọng và dũng cảm của nhà báo Huy Đức.
Berlin, 8.2.20
…………………………………….
Ghi chú: GS Nguyễn Ngọc Giao, từng là Phó Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp, tham gia phiên dịch cho Phái đoàn VNDCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam.