Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Ngôn ngữ gỗ



Tướng Lê Văn Cương: “Tại sao Việt Nam mạnh? Tại sao Việt Nam yếu?”

Phúc Hưng thực hiện
Le-Van-Cuong-1-fa05eNQL: Việt Nam mỗi năm có cả trăm người được phong tướng nhưng hỏi có tướng nào có trí lự và bản lĩnh như tướng Lê Văn Cương? Chắc không.
Ông có bất ngờ trước việc Philippines xúc tiến khởi kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài Liên hiệp quốc?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi không bất ngờ về việc này. Tranh chấp biển đảo, biên giới lãnh thổ thông thường trên thế giới có 3 cách giải quyết. Cách thứ nhất là thương lượng, nhân nhượng nhằm đi đến kết cục hóa giải được mâu thuẫn. Trong trường hợp Philippines, Manila có đủ niềm tin rằng Bắc Kinh sẽ không nhân nhượng và thương thảo sẽ không có hiệu quả. Họ quyết định chọn phương thức thứ 2, mang ra tòa án quốc tế hy vọng vào cán công công lý sẽ giúp đỡ.
 Trường hợp Philippines với Trung Quốc rơi vào tranh chấp chênh lệnh nhiều mặt. Phải tranh chấp với một bên lớn hơn nhiều lần, trong hoàn cảnh Philippines, lựa chọn như vậy là hoàn toàn đúng.
 Còn phương thức thứ 3 là sử dụng vũ lực để giải quyết thì thời điểm hiện nay, đây chưa phải giải pháp thích hợp.
 Dĩ nhiên, dù có đưa ra tòa án quốc tế thì Manila vẫn không thể từ bỏ quan hệ song phương với Trung Quốc và không loại trừ phương thức thương thảo.
 Nhiều người dân đang tự đặt câu hỏi: Tại sao bấy lâu  nay Việt Nam không làm như Philippines?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cũng biết nhiều người quan tâm và đặt vấn đề như vậy. Họ có thể sốt ruột nhưng trong vấn đề chủ quyền, cần phải tỉnh táo, căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ không từ bỏ phương thức kiện ra tòa án quốc tế nhưng tôi cho rằng, lúc này chưa phải thời điểm thích hợp. Lý do là vì, mối quan hệ Việt – Trung có 3 khác biệt.
 Thứ nhất, Việt Nam là láng giềng trực tiếp với Trung Quốc, hai quốc gia có đường biên giới đất liền 1435 km, điều này Philippines không có. Dù một triệu hay một tỷ năm nữa, người hàng xóm đó với chúng ta vẫn là “núi liền núi, sông liền sông”.
 Người ta có thể thay đổi bạn bè nhưng láng giềng thì không. Điều này không bao giờ được phép lãng quên trong quan hệ Việt – Trung.
 Thứ 2, trong lịch sử, rõ ràng Trung Quốc và Philippines cũng không có ân oán gì cả, còn Việt Nam và Trung Quốc thì có hơn 1000 năm quan hệ song phương với bao trắc trở. Đặt dấu mốc năm 1859 khi Pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam, trở về trước đó dân tộc Việt Nam chủ yếu đương đầu với tham vọng xâm chiếm cương thổ của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
 Trong cuộc trường chinh kháng chiến chống Pháp 1945- 1954, rồi sau đó là kháng chiến trường kỳ chống Mỹ đến năm 1975, chúng ta được Đảng và nhân dân Trung Quốc ủng hộ rất tuyệt vời, cả về vật chất, tinh thần, chính trị, an ninh, văn hóa… Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên ân tình này.  Điều đó, quan hệ Trung Quốc – Philippines không bao giờ có được.
 Thứ 3, Việt Nam và Trung Quốc nằm trong hệ thống chính trị gần gũi nhau. Và đương nhiên, điều này cũng khác với Philippines.
 Với 3 điểm khác này, mặc dầu Philippines lựa chọn như vậy nhưng Việt Nam chưa thể làm điều đó, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay.
 Ta vẫn tối đa vận dụng khai thác mối quan hệ song phương để giải quyết khác biệt. Nhưng cùng với đó, việc chuẩn bị thật tốt cho phương thức mà Philippines đang áp dụng, cũng là điều dễ hiểu.
 Vậy theo ông, điều mà Philippines đang rốt ráo làm sẽ mang lại cho Việt Nam bài học, kinh nghiệm gì?
 Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi xin khẳng định, cũng chẳng cần Manila kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế thì chúng ta mới có bài học, hay chuẩn bị hồ sơ cho khả năng phải kiện. Trong hơn 1000 năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã được tôi luyện qua rất nhiều bài học trong quan hệ với “người hàng xóm” Trung Quốc.
 Tôi khẳng định, phương án này luôn được chúng ta chuẩn bị chu đáo.
 “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
 Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có nhiều đồng bào hỏi tôi rằng, trong mối quan hệ Trung – Việt hiện nay, 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” nên hiểu và vận dụng như thế nào? Tôi trả lời rằng, có 2 điều chúng ta luôn nói công khai: thứ nhất, Việt Nam không bao giờ kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc. Và thứ hai, Việt Nam không kéo bè kéo cánh, liên kết với bất kỳ quốc gia nào để chống Trung Quốc.
 Theo 2 điều này, chúng ta có quyền làm mọi việc chúng ta cần phải làm để giữ gìn phẩm giá dân tộc, công lý, bảo vệ cho được đất đai hương hỏa của cha ông. Chúng ta phải làm để nhà cầm quyền Trung Quốc thấy rằng đó là cương thổ của một quốc gia có chủ quyền; họ phải thấy rõ, Trung Quốc là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc thì càng phải làm gương.
 Khi họ làm sai, chúng ta phải phản đối với lý lẽ sắc sảo, chứng lý rõ ràng như tôi nói ở trên, để cả thế giới biết. 
 Và 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dầu, hướng tới tương lai” là sách lược nhưng tuyệt đối không được để ai lợi dụng 16 chữ ấy để xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. 16 chữ ấy là “ứng vạn biến”, “dĩ bất biến” là chủ quyền, không kẻ nào được phép bán rẻ chủ quyền quốc gia.
 Tuyệt đối không được để “ứng vạn biến” thay thế cho những điều thuộc về “dĩ bất biến”.
 Trong bối cảnh đó, nhiều người đang lo ngại, những phát biểu cứng rắn từ các giới chức quân sự “diều hâu” của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ Việt – Trung?
 Trước thái độ hung hăng hiếu chiến của một số người Trung Quốc, chúng ta phải bình tĩnh. Trong số hơn 1 tỷ 300 triệu người Trung Quốc, tuyệt đại đa số là người tốt, nhân hậu. Những người này không có lợi ích gì trong việc Trung Quốc gây hấn với Việt Nam cũng như gây hấn với các nước khác.
 Và tôi tin rằng, trong hơn 3 triệu quân nhân Trung Quốc, tuyệt đại đa số trong số đó cũng không muốn gây sự với Việt Nam bởi bản thân họ không được lợi gì cả. Ngay trong lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thì không phải tất cả họ đều muốn gây sự với Việt Nam. Chúng ta không vơ đũa cả nắm.
 Trong công tác đầu tranh, chúng ta phải đấu tranh bằng nhiều cách: con đường ngoại giao và tận dụng mọi cái có thể tận dụng được.
 Nếu họ có các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thì phải triệu Đại sứ của họ lên để phản đối, gửi Công hàm và tuyên bố cho cả thế giới biết. Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc để chống lại Trung Quốc nhưng trách nhiệm của Nhà nước ta là phải nói để cho dân biết, thế giới biết.
 Một đại thi hào Trung Quốc đã từng nói đại ý rằng: “Triều đình phong kiến (Trung Quốc – PV) một vạn năm nay, người ta tàn bạo như con hồ ly nhưng nhát gan như con thỏ rừng trước kẻ mạnh”.
 Hàng nghìn năm nay, Trung Quốc là quốc gia mềm nắn rắn buông: nước nào không vững vàng thì Trung Quốc tiến, còn nước nào vững thì Trung Quốc cũng không dám tiến. Trung Quốc có thói quen bắt nạt các nước yếu và đó là sở trường của họ.
 Ông đánh giá gì trước bình luận: Trung Quốc như một chú hổ vừa thức dậy sau khi giấc ngủ dài, nay sẵn sàng giương móng vuốt?
 Đó là sai lầm và những ai tin vào sức mạnh của thứ móng vuốt đó sẽ phải trả giá về điều này. Thời buổi này, không phải muốn làm gì thì làm.
 Sắp tới đây, nếu họ mà giương cung ra, họ sẽ chuốc phải thất bại thảm hại.
Thời gian vừa qua, Trung Quốc liên tục thông tin về việc diễn tập quân sự tại Biển Đông, bổ sung tàu lớn cho lực lượng Hải giám, Ngư chính hoạt động tại Biển Đông… Ông nhận định gì về động thái này?
 Tướng Lê Văn Cương: Trước các động thái của Trung Quốc ta phải phân biệt rõ ràng. Nếu việc tập trận trong phạm vi lãnh hải của họ và không ảnh hưởng gì đến các nước khác thì đó là quyền của họ. Trung Quốc là quốc gia biển và việc người ta thực hiện công tác quản lý nhà nước trên biển bằng cách dùng tàu hải giám, ngư chính trong khu vực cho phép theo Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) là bình thường.
 Vấn đề ở chỗ, nếu tàu này tàu kia của Trung Quốc lao vào cắt cáp tàu thăm dò dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì chúng ta kiên quyết phản đối.
 Chúng ta phải phản đối với nhiều hình thức, cấp độ khác nhau: thứ nhất là triệu đại sứ, gửi công hàm phản đối. Nếu nghiêm trọng hơn, ngoại trưởng, thủ tướng, chủ tịch nước có thể gửi công hàm phản đối Trung Quốc.
 Trong đó, chúng ta phải ghi rõ sự việc vi phạm nghiêm trọng đó xảy ra tại khu vực nào, tọa độ nào, tham chiếu vào luật pháp quốc tế là vi phạm điểm nào. Đặc biệt, điều này phải công bố rộng rãi cho toàn dân ta và thế giới biết.
 Thời gian gần đây, một số học giả đưa ra chủ đề tranh luận “Việt Nam lớn hay nhỏ?” Ông đánh giá gì về điều này?
 Đưa ra bàn luận như vậy là dở. Tại sao lại đưa ra vấn đề này, nếu chỉ nhìn vấn đề như thế thì làm sao giải thích được trường hợp của Israel. Đất nước với chưa đến 9 triệu dân này, nằm trong lòng 170 triệu người dân Ả Rập nhưng bao năm vẫn vững vàng sau bao sóng gió.
 Điều cần phải bàn là “Tại sao Việt Nam mạnh? Tại sao Việt Nam yếu?”.
 Nhiều người trong nước đang ngụy biện rằng, Trung Quốc lớn quá, Việt Nam không thể làm gì hơn được. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Trong lịch sử, từ năm 179 trước Công nguyên, khi An Dương Vương thất bại trước Triệu Đà, đến giờ đã hơn 2200 năm, không có lúc nào Trung  Quốc yếu hơn Việt Nam.
 Thậm chí, thời nhà Minh Trung Quốc, tương quan chênh lệch với Việt Nam lên tới 100 lần. Từ thời điểm đó, tướng Trịnh Hòa – Trung Quốc đã dong thuyền tới châu Mỹ. Nhưng họ vẫn đại bại trong cuộc kháng chiến của dân tộc Việt, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi.
90 triệu dân Việt đã luôn chứng tỏ sức mạnh của mình trước giông bão lịch sử. Đúng như Đức Thánh Trần, trước lúc lâm chung có nói với vua Trần: “Khoan thư sức dân, trên dưới đồng lòng anh em hòa mục”. Và Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, gắn bó máu thịt với dân, nhà nước mạnh, quan chức công chức đều là công bộc của dân… đó là khi Tổ quốc ta mạnh nhất, sẽ không kẻ nào dám xâm phạm bờ cõi.



Suy nghĩ từ tuyên bố đầy khí phách của Tổng thống Aquino


Bùi Chí Vinh
Bui Chi Vinh 1Khi đưa vấn đề Trung Quốc xâm lược biển Đông ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Tổng Thống Philippines đã làm thay rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tổng Thống Aquino đã tuyên bố như sau: “Chúng tôi không đe dọa ai cả, bởi nếu chúng tôi không đứng lên đòi hỏi quyền lợi, ai sẽ đứng lên làm điều đó ?”
Ai sẽ đứng lên làm điều đó thay chúng tôi?
Nước Mỹ ư? Chẳng ai cho không lòng hào sảng
Mất Scarborough nghĩa là mất luôn cả bầu trời
Nghe đồn láng giềng Việt Nam có câu “Đèn nhà ai nhà nấy sáng”
Đâu phải một quốc gia lắm quần đảo như Philippines là được quyền quên luôn bãi cạn
Bãi cạn Scarborough đẻ ra san hô, quặng mỏ, linh hồn
Bãi cạn của nhân dân không phải là món quà mua bán
Cho thứ đất nước đẻ ra ác mộng đường lưỡi bò liếm từ đỉnh đến… trôn !
Chúng tôi không đứng lên đòi hỏi quyền lợi thì ai sẽ đứng lên?
Nhật Bản, Hàn Quốc ư ? Những đồng minh chỉ quan tâm thị trường chiến lược
Hiểm họa trên biển Đông không phải… “phần mềm”
Mà thuộc “ổ cứng” trường kỳ của đại cường hào Trung Quốc
Thà làm “châu chấu đá xe” còn hơn chịu 1000 năm Bắc thuộc
Chịu khống chế bởi truyền thông, chịu áp lực bởi truyền hình
Tại sao không dám đứng thẳng người mà cúi đầu khiếp nhược
Mà rên rỉ đớn hèn rằng “tàu lạ”… linh tinh!
Giặc đến nhà, đàn bà cũng chấp nhận hy sinh
Chúng tôi không đe dọa ai” không thích làm con… ngáo ộp!
Đánh giặc là đánh từ Tổng Thống tới dân đen chứ không đánh một mình
Cám ơn Aquino dạy bài học danh dự vỡ lòng về tình ái quốc!
28-01-2013
BCV




Đảng cần phải làm gì?


Trao đổi với ông Bùi Đức Lại và ông Trần Mạnh Hảo về điều 4 Dự thảo Hiến pháp
1277712861_luat 020Nguyễn Huy Canh
Ông Trần Mạnh Hảo vừa có bài viết trên trang của n/v Phạm Viết Đào về nền tảng của HP92 (hiện nay ta gọi là Dự thảo sửa đổi HP) bị phá hủy bởi chính điều 4 của nó. Toàn bộ bài viết chặt chẽ, chính xác của ông chỉ nhằm đi tới một kết luận, một đòi hỏi xóa bỏ điều 4 của DT. Đòi hỏi này phù hợp với tâm nguyện của nhiều nhân sĩ trí thức từ Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, GS Nguyễn Minh Thuyết, TS Nguyễn Thanh Giang cho đến cựu lãnh đạo Ban tổ chức TW Bùi Đức Lại…
Trước hiện thực nhiều đau buồn, nhức nhối của đất nước như sự nghèo khó cùng cực của người dân, những bất công và nỗi oan trái, sự tha hóa mạnh mẽ của Đảng…, những nguyện vọng trên đã nhìn thấy rất đúng rằng nó là hệ quả của việc áp đặt quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Nhưng từ đó tiếc rằng, các ý kiến đó lại đẩy tới một nguyên nhân cội nguồn sâu sa hơn từ trong điều 4HP.
Trong chiều suy tư và kinh nghiệm đầy máu lửa và nước mắt của nhân loại đã rút ra được một kết luận có tính nguyên lí: mọi lí thuyết xét theo nguồn gốc hình thành của nó, ít ra, nó đều phải là hình ảnh của hiện thực, của đời sống hiện thực.
HP là một lí thuyết, một nguyên lí được xây dựng trong hình thức là các qui định có tính chất pháp luật. Và vì vậy 1/Những phân tích dựa trên qui luật của tư duy logic rất đúng đắn, chính xác của ông TMH không phải đã là chân lí, là ý nghĩa trong sự tồn tại của nó. Và 2/Tính chân lí của một hệ thống lí thuyết không bao giờ được chứng minh chỉ từ những tiên đề của hệ thống ấy.
Vì thế cái ý muốn bác bỏ điều 4 DT(dự thảo) của ông để nhằm có được một bản HP logic và hoàn hảo là một sự phiến diện và vô nghĩa: Tính chân lí của HP sửa đổi phải là đích tìm kiếm và vận động của chính hiện thực lịch sử này, chứ không phải ở sự chặt chẽ có tính hình thức của tư duy chúng ta.
  Cùng trong chiều hướng bác bỏ điều 4HP được đặt trong hình thái của câu hỏi về lí do tồn tại của nó, ông Bùi Đức Lại đã đi xa hơn một bước khi ông không bị vướng vào định đề của logic hình thức của bản HP, mà là sự đặt thành vấn đề cơ sở cho sự tồn tại của nó bằng việc yêu cầu phải luật hóa được điều 4.
Ông đã rất đúng khi cho rằng sự lãnh đạo của Đảng sao cho không phải là sự áp đặt lên xã hội và nhân dân mà phải trên cơ sở tín nhiệm, ủy quyền của người dân được xác lập ngay từ trong thủ tục lập hiến. Có như thế thì theo ông, đảng sẽ nằm ngay trong HP, chịu sự qui định của nó…
Có một thực tế này tôi muốn nói với ông, trong cơ cấu tồn tại của mình, Đảng và nhà nước đã là hai thực tại. Và quyền lực của Đảng đã được đảng xác lập từ các Đại hội và các trung tâm như mộtquyền lực bóng tối. Người dân hoàn toàn đứng ngoài quá trình chính trị đó, họ chỉ như những kẻ xa lạ. Bởi vì, ngay từ đầu như một mặc định, họ chỉ được xem như một đối tượng được chăn dắt,chỉ dẫn, giáo dục và ban cho (xin nói thêm, đó cũng là lí do vì sao các cán bộ chỉ cần bằng cách nào đó được vào cấp ủy thì coi như đã chắc chắn 99% được cơ cấu vào trong bộ máy đảng, chính quyền hoặc đoàn thể, còn lá phiếu sau này của người dân như thế nào thì hoàn toàn không quan trọng, và do đó họ đã mắc phải bệnh khinh miệt,coi thường nhân dân như một gien di truyền vậy). Vậy thì làm sao có thể nói được là nhân dân ủy quyền cho đảng trong thủ tục lập hiến trong cái cấu trúc quyền lực còn nguyên vẹn sau hơn 50 năm ấy?
Vì quá mơ hồ như thế nên ông cho rằng phải luật hóa điều 4HP. Cách lí giải của ông mắc phải hai sai lầm nghiêm trọng, một là ông đã lấy luật làm cơ sở cho sự tồn tại của điều 4, và do đó cho HP-đó là điều chưa bao giờ thấy!
Thứ hai, ông đã không nhìn thấy trong sự hiện ra của mình, đảng đã như một tổ chức quyền lực: thể chế chính trị trong đó chúng ta đã và đang sống là đảng trị hiểu theo nghĩa của hình thái “quân chủ chuyên chế” đã biến dạng. Do đó, Đảng đã đứng trên, và ngoài HP và PL từ trong cơ cấu tồn tại của mình. Vậy làm sao nhân dân thông qua QH viết ra những điều qui định cho sự lãnh đạo của đảng được. Không có một đạo luật nào làm được điều đó ngoài những ý nghĩ điên rồ.
Thực tiễn chính trị của đất nước đang đặt ra những thử thách nghiêm trọng cho đảng và dân tộc chúng ta lúc này, rằng cần phải thiết kế những con đường, những dự án, những bước đi thích hợp cho một cuộc cách tân lớn hơn là những tranh cãi “kinh viện”cho những qui định của HP như một không gian riêng của lí tính thuần túy.
Nhân dân, sự chịu đựng như đang chạm đáy bởi sự nghèo khó, bất công, bị áp bức và khinh rẻ cùng nhiều giá trị của giáo dục, đạo đức bị đảo lộn.
Về phía Đảng là một quá trình tha hóa diễn ra ngày một mạnh mẽ như một sự kiện khách quan của lịch sử. Cái tha hóa được hiểu ở đây là một cuộc chuyển hóa, chuyển biến của Đảng thành cái khác mình trước đó. Công cuộc tha hóa này được đánh dấu về mặt lịch sử bắt đầu từ thời kì đổi mới: thực tiễn và pháp luật thừa nhận sở hữu tư nhân, chế độ sở hữu tư nhân như một tất yếu khách quan của sự tồn tại phát triển xã hội, và do đó quyền sở hữu tư nhân của mọi người dân là chính đáng. Cùng với điều đó là quyền sản xuất và kinh doanh của công dân là không hạn chế và được pháp luật bảo hộ. Những đảng viên của Đảng, với tính cách là công dân, sau này cũng đã được thừa nhận quyền tổ chức kinh doanh theo phương cách tư nhân tư bản chủ nghĩa. Có nghĩa là đảng viên cũng được suy nghĩ làm giàu cho bản thân mình, và hoàn toàn được tham gia vào quan hệ bóc lột khách quan giữa người và người diễn ra trong quá trình tổ chức lao động và sản xuất.
Đảng từ trong máu lửa là một Lí tưởng cứu đời, vì dân vì nước; và mỗi một đảng viên là một bộ phận, một thành tố, yếu tố cấu thành hệ thống lí tưởng đó-cái lí tưởng xóa bỏ chế độ tư hữu và mọi khác biệt về gia cấp, và vì thế mỗi một con người đảng viên là một vô thân, vô ngã . Phấn đấu hi sinh vì dân tộc, vì người khác, vị tha đã trở thành phẩm chất, thành đặc trưng riêng biệt của Đảng và của những đảng viên. Qúa trình biến đổi lịch sử nói trên, đối với mỗi đảng viên  cũng  đồng thời là quá trình chuyển hóa, tha hóa, nói theo ngôn ngữ triết học, là từ vô ngã, vô thân đến hữu ngã, có bản ngã. Lo toan, thu vén, quan tâm cho lợi ích của bản thân, của vợ con và những thú vui trần tục được thỏa mãn cùng diễn ra trong mối quan tâm, bận tâm tới hạnh phúc của người khác đã trở thành nhu cầu chính đáng của đảng viên, và được xã hội và pháp luật thừa nhận. Nhưng cái quá trình tha hóa khách quan này của Đảng cũng đã kéo theo nó một quá trình tha hóa kép hiểu theo nghĩa hẹp là một sự hư hỏng, suy đồi của phẩm chất một con người khi toàn bộ cấu trúc và vận hành của Đảng đã không có một sự thay đổi tương ứng nhằm đáp ứng quá trình tha hóa khách quan đó của mình. Thành ra sự biến đổi này từng ngày, từng giờ đã biến thành đe dọa sự tồn vong của Đảng. Đó là điều mà TBT đã cảm nhận thấy một cách rõ ràng và đau đớn, còn tân trưởng ban nội chính TW thì nhìn thấy sự lâm nguy đang đến rất gần.
Nhưng tiếc rằng, các vị lãnh đạo cao cấp của đảng đã không nhìn thấy được mặt khách quan, lịch sử của những diễn biến đó, của công cuộc tha hóa đó đang nằm ngay trong cơ chế, cơ cấu kinh tế- xã hội đã thay đổi theo hướng qui hồi bản ngã chân chính của mỗi con người, cùng với một thể chế quyền lực phi dân chủ, khép kín vẫn được giữ nguyên của đảng.
Vì chỉ nhìn thấy mặt chủ quan, chủ thể của quá trình tha hóa, nên TBT đã kiến tạo nên nqtw4 xem việc tự nêu gương, tự rèn luyện, tự nhận lỗi của quan chức là điều kiện tiên quyết ngăn chặn sự suy thoái của đảng…Nhưng tư tưởng về con đường của TBT đã thất bại. Cái còn lại chỉ là một lò lửa đang tắt dần cùng với một chiến lược củng cố vị thế và quyền lực trong cái cấu trúc đã cũ của đảng. Còn tân trưởng ban nội chính thì đưa ra quyết sách gì? Ông kêu gọi cần đến một sự “chiến đấu” để lấy lại lòng tin của nhân dân.
Chiến đấu để làm trong sạch Đảng-đó là một điều quí. Nhưng tôi e rằng với con đường này, có thể ông sẽ đẩy Đảng vào trạng thái tê liệt, hoặc khủng hoảng. Đó là điều mà TBT đã cảm nhận được khi ông nói về “ân oán, cừu thù…”.
Đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của nhân dân về một xã hội công bằng, dân chủ, nhân ái và phát triển; đồng thời ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đang lâm nguy của Đảng song song với nhu cầu ổn định đất nước, xã hội, tôi cho rằng giai đoạn hiện nay không có con đường nào khác bằng việc thay thế thể chế chuyên chế, phi dân chủ đã cũ và lạc hậu của Đảng bằng một thể chế dân trị: nhân dân toàn quyền lựa chọn những đảng viên ưu tú của Đảng vào nắm giữ 2 cơ quan lập pháp (với một tỉ lệ thích hợp từ 60%->65% số ghế trong QH) và hành pháp thông qua bầu cử QH và nguyên thủ QG được tổ chức bởi hội đồng bầu cử quốc gia (độc lập). Tuy rằng một dự án cho công cuộc chuyển đổi thành công đó không phải là mục đích của bài viết, nhưng tôi hiểu từ 2 cơ quan này, đặc biệt với cơ quan quyền lực hành pháp, Đảng sẽ thực hiện được vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo quốc gia của mình trong thể chế cộng hòa-dân chủ bởi một chế độ nhất đảng…
                                                                   
Ngày 28/1/013
      H.C.





Vấn đề Đảng trong Hiến pháp Liên Xô


Hồ Anh Hải
Stalin bỏ phiếuPhần lớn các nước tự nhận là dân chủ đều do một (hoặc một liên minh vài đảng) cầm quyền. Nhưng Hiến pháp hầu hết các nước đều không nói gì về đảng cầm quyền, trừ một số nước xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói Điều 4 Hiến pháp Việt Nam là học theo Điều 6 Hiến pháp Liên Xô. Vậy Hiến pháp Liên Xô nói về vấn đề đảng cầm quyền như thế nào ?
Liên Xô trong thời gian tồn tại 1917-1991 chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản và đã sử dụng 4 bản Hiến pháp, trong đó hai bản Hiến pháp đầu không đề cập tới Đảng Cộng sản Liên Xô, dù Đảng đã lãnh đạo nhà nước ngay từ sau Cách mạng Tháng Mười. 
1- Hiến pháp 1918 (còn gọi là Hiến pháp Lê-nin) có tên làHiến pháp (Luật cơ bản) nước cộng hòa XHCN Liên bang Nga.[1]
Hiến pháp 1918 do Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ 5 thông qua ngày 10-7-1918, là bộ Hiến pháp XHCN đầu tiên trên thế giới, gồm Lời Nói Đầu (rất ngắn, không thuộc chính văn) và 6 phần, cộng 17 chương, 90 điều. « Phần Một : Tuyên ngôn quyền lợi của nhân dân lao động bị bóc lột » do Lê-nin tự tay soạn thảo, gồm 4 chương.
Toàn bộ chính văn Hiến pháp 1918 không thấy chỗ nào nói tới từ « đảng cộng sản »
2- Hiến pháp 1924 (Lê-nin có chỉ đạo soạn thảo) có tên là Hiến pháp (Luật cơ bản) Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết, được  thông qua ngày 31-1-1924 [2].
Hiến pháp gồm hai phần. Phần Một là Tuyên ngôn thành lập Liên bang các nước cộng hòa XHCN Xô Viết. Phần Hai là Hiệp ước thành lập Liên bang, gồm 11 chương, cộng 72 điều. Hiến pháp này không có các quy định về chế độ xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân ; những nội dung đó do Hiến pháp của từng nước cộng hòa quy định riêng.
Toàn bộ chính văn Hiến pháp 1924 không có từ « đảng cộng sản »
3- Hiến pháp 1936, còn gọi là Hiến pháp Xta-lin [3], giữ tên gọi như cũ, gồm 13 chương, cộng 146 điều, được Đại hội đại biểu bất thường lần thứ VIII của Xô Viết Liên Xô thông qua ngày 5-12-1936. Tại đại hội này Xta-lin tuyên bố Liên Xô đã xây dựng xong chế độ XHCN, hiện tượng người bóc lột người đã bị tiêu diệt. Điều đáng quý là Hiến pháp có quy định « Các Thẩm phán viên được độc lập, chỉ phục tùng pháp luật » ; « Các cơ quan kiểm sát độc lập hành xử quyền hạn ».
Đây là bộ Hiến pháp tồn tại lâu nhất (41 năm) và lần đầu tiên nói tới vấn đề vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Đáng chú ý là vấn đề này không nói tại các chương trình bày về cơ cấu xã hội và nhà nước, mà chỉ nói một cách sơ lược, không có tính chất quy định pháp lý chặt chẽ tại một phần trong Điều 126 thuộc « Chương X — Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân ».
Điều 126 viết : « Để phù hợp với lợi ích của người lao động và nhằm phát huy tính tự lập về tổ chức và tính tích cực về chính trị của quần chúng nhân dân, công dân Liên Xô được đảm bảo có quyền tập hợp trong các tổ chức xã hội như : công đoàn, hợp tác xã, đoàn thanh niên, các tổ chức thể thao và quốc phòng, các hội văn hóa, khoa học và kỹ thuật ; và những công dân tích cực và giác ngộ nhất trong hàng ngũ giai cấp công nhân, nông dân lao động và trí thức lao động tự nguyện tập hợp lại trong Đảng Cộng sản Liên Xô, là đội ngũ tiên tiến của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội cộng sản và là hạt nhân lãnh đạo của tất cả các tổ chức của nhân dân lao động, gồm các tổ chức xã hội cũng như các tổ chức nhà nước. » 
[ARTICLE 126. In conformity with the interests of the working people, and in order to develop the organizational initiative and political activity of the masses of the people, citizens of the U.S.S.R. are ensured the right to unite in public organizations--trade unions, cooperative associations, youth organizations,' sport and defense organizations, cultural, technical and scientific societies; and the most active and politically most conscious citizens in the ranks of the working class and other sections of the working people unite in the Communist Party of the Soviet Union (Bolsheviks), which is the vanguard of the working people in their struggle to strengthen and develop the socialist system and is the leading core of all organizations of the working people, both public and state.]
Như vậy Điều 126 không nói Đảng Cộng sản là đảng lãnh đạo nhà nước mà chỉ là một tổ chức đoàn thể có tính chất là hạt nhân lãnh đạo tất cả các tổ chức đoàn thể khác của người lao động, gồm các tổ chức đoàn thể xã hội (như các hội nghề nghiệp, câu lạc bộ…) và các tổ chức đoàn thể do nhà nước lập ra (như công đoàn, đoàn thanh niên v.v…).
4- Hiến pháp 1977 còn gọi là Hiến pháp Brê-giơ-nep [4], gồm 9 phần, 21 chương, cộng 174 điều, được thông qua ngày 7-10-1977. Nó thừa kế các tư tưởng và nguyên tắc cơ bản của 3 bộ Hiến pháp trước, nhưng có một số phát triển và thay đổi, chủ yếu là : 1) Tuyên bố Liên Xô là Nhà nước XHCN toàn dân, Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Liên Xô. 2) Quy định cơ sở chế độ kinh tế  Liên Xô  là chế độ sở hữu XHCN về tư liệu sản xuất, gồm hai hình thức : nhà nước (toàn dân) và tập thể.
Hiến pháp 1977 làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô bằng Điều 6 ở « Chương I — Chế độ chính trị » :
« Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Xô viết, là hạt nhân của hệ thống chính trị, của nhà nước và các tổ chức xã hội. Đảng Cộng sản Liên Xô tồn tại vì nhân dân và phục vụ nhân dân. Đảng Cộng sản Liên Xô được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin quyết định chính sách đối ngoại, đối nội của Liên Xô, lãnh đạo các hoạt động sáng tạo vĩ đại của nhân dân Liên Xô, làm cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho chủ nghĩa cộng sản có đặc điểm là có kế hoạch, có căn cứ khoa học. Mọi tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp Liên Xô. » 
Quy định này có tính pháp lý rõ rệt, khác với Điều 126 Hiến pháp 1936.122
Hiến pháp 1977 ra đời khi Đảng Cộng sản Liên Xô, từ sau ngày Xta-lin mất, đang trượt dài trên con đường suy thoái biến chất, uy tín Đảng giảm sút, tình trạng dân không nghe Đảng tăng dần. Có lẽ vì thấy tình trạng bất lợi này mà Brê-giơ-nep chủ trương dùng Hiến pháp để buộc mọi tổ chức nhà nước và xã hội phải tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhưng ý định bảo vệ đặc quyền ấy lại gây phản tác dụng. Một số đảng viên đã lợi dụng Điều 6 làm phương tiện tìm kiếm đặc quyền đặc lợi cho mình, làm giàu bất chính. Chính con trai và con rể Brê-giơ-nep đều thăng tiến nhanh, con gái ông trở thành triệu phú đô-la.
Báo Thời Nay viết : Tầng lớp đặc quyền trong Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ từng bước hình thành sau khi Brê-giơ-nep nắm quyền, nhất là vào giai đoạn cuối. Dưới thời Brê-giơ-nep, tình trạng tham nhũng tại Mat-xcơ-va và các nước cộng hòa ngày càng nghiêm trọng. Đặc quyền còn trở thành “lá bùa hộ mệnh” để cán bộ lãnh đạo mặc sức tham nhũng mà không bị cản trở. Đối với tầng lớp đặc quyền, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đi từ chỗ ít ngăn chặn đến không tấn công, rồi bao che, thậm chí dung túng, khiến cho khối u ác tính này phát triển và lây lan nhanh chóng trên chính cơ thể của mình. [5] 
Hậu quả làm Đảng càng biến chất, suy thoái, tham nhũng nặng, nảy sinh bè phái, những kẻ nịnh bợ Brê-giơ-nep thăng tiến nhanh. En-xin Bí thư Thành ủy Mat-xcơ-va đã lợi dụng việc phê phán tình trạng đó để tạo uy tín cá nhân, khuynh đảo dư luận, góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của Đảng Cộng sản.
Chủ trương hạn chế tự do ngôn luận đã gây phản tác dụng. Trong khi truyền thông chính thống lớn tiếng ca tụng Brê-giơ-nep và Đảng Cộng sản thì nhân dân ngày càng ớn ghét tình trạng tham nhũng trong Đảng, nhưng họ bị bịt miệng không được nói, vì thế Brê-giơ-nep không nắm được lòng dân. Mãi cho tới trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ không lâu, qua một cuộc thăm dò dân ý về chủ đề « Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho ai ? » người ta mới biết có tới 85% số người được hỏi cho rằng Đảng đại diện cho quan chức, cán bộ và nhân viên nhà nước. [5] Nghĩa là Đảng Cộng sản đã xa rời lợi ích của nhân dân. Và cái gì phải đến ắt sẽ đến.
Tháng 3-1990, Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô thông qua quyết định sửa đổi Hiến pháp, hủy bỏ quy định về địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, tuyên bố tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các chính đảng tham gia xây dựng và quản lý nhà nước, xã hội. Sau sự kiện 19-8-1991, Đảng Cộng sản Liên Xô tự giải thể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định rất đúng: Liên Xô tan rã « có một nguyên nhân rất cơ bản chính là vì Đảng Cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi… » [6].
Đặc quyền sẽ tạo ra đặc lợi. Khi có đặc quyền, những đảng viên phẩm chất kém lập tức sử dụng nó để kiếm đặc lợi cho mình, khiến cho tham nhũng tràn lan như một bệnh dịch, làm hư hỏng cả một đảng cách mạng vĩ đại. Điều 6 Hiến pháp tạo ra đặc quyền cho nên làm hại Đảng. Ý định của Brê-giơ-nep rốt cuộc chẳng những không bảo vệ được vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn góp phần làm Đảng nhanh chóng suy thoái, trượt dài tới chỗ cuối cùng Đảng Cộng sản tan rã, nhà nước XHCN hùng mạnh nhất thế giới sụp đổ trong sự thờ ơ của 280 triệu công dân Liên Xô, trong đó có 21 triệu đảng viên. Hậu quả vô cùng đau xót : người bị thiệt hại nhất chính là nhân dân Liên Xô chứ không phải những kẻ đã vơ vét đầy túi nhờ đặc quyền đặc lợi.
Tổng Bí thư Brê-giơ-nep đã quên mất một chân lý : lòng dân mạnh hơn mọi thứ, kể cả Hiến pháp ; được lòng dân thì mới giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng ; mất lòng dân thì mất tất cả. 
Ghi chú :







Huy Đức sẽ không đơn độc


Lương Kháu Lão
373111_513382712014083_581802536_nLà một trong những người sống gần trọn đời trong chế độ cộng sản, tôi chỉ đọc, chỉ biết những gì báo chí của Đảng viết ra . Một thời tôi đã từng say mê những bài viết của Thép Mới, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Hữu Chỉnh , Hữu Thọ, Hoàng Tùng, và cả Bùi Tín nữa khi anh ta còn làm Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân phụ trách tờ Nhân dân chủ nhật . Có lúc chợt nghĩ nếu Olimpic có môn viết xã luận thì chắc chắn Việt Nam sẽ có huy chương vàng !
Sau năm 1975, một thế hệ các nhà báo trẻ xuất hiện. Họ trưởng thành ở một thành phố gặp muôn trùng khó khăn nhưng cũng mạnh mẽ trỗi dậy và đi đầu trong công cuộc đổi mới . Đó là Đỗ Trung Quân, Nguyễn  Ngọc Châu, Lê Thọ Bình, Bùi Thanh, Thủy Cúc , Lưu Đình Triều ,Tâm Chánh,  Đà Trang… ở tờ Tuổi trẻ, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Văn Thịnh, Danh Đức … ở tờ Thanh Niên ; Trong số đó người nổi tiếng nhất là Huy Đức . Tôi đã có nhiều lần cộng tác với số nhà báo trẻ sớm thành danh nói trên nhưng với Huy Đức thì chưa một lần gặp mặt. Chỉ “ gặp” anh trên các bài viết nóng hổi tính thời sự và nhân văn . Sau khi buộc phải rời các tờ báo khá mạnh bạo ở Sài Gòn, Huy Đức nổi tiếng với blog “lề trái” Osin , nhưng tôi cũng ít đọc cho tới khi Bên thắng cuộc ra đời thì nó như một quả bom nổ giữa sự nhàm chán của dư luận làm rúng động cả “quân ta” lẫn “quân địch”.
Huy Đức tung ra ánh sáng biết bao chuyện được gọi là “thâm cung bí sử” mà cả hai bên chiến tuyến, hai bên cựu thù  đều  dấu kín . Huy Đức viết những điều mà nhiều người đương thời còn “sống nhăn răng” ra đó” nên người khen kẻ chê, người phản ứng gay gắt khi chạm nọc là điều không tránh khỏi .
Với một số bà con định cư ở Quận Cam và nhiều thành phố bên nước Mỹ xa xôi, những cay đắng họ phải gánh chịu từ chuyện cải tạo tư sản, cải tạo ngụy quân ngụy quyền, từ chuyện đổi tiền, chuyện vượt biên với biết bao rủi  ro và mất mát … sẽ không bao giờ nguôi ngoai sự uất hận trong lòng họ cho dù hòa bình đã hơn ba chục năm rồi và nhiều người đã lần lượt trở về quê hương đoàn tụ gia đình tìm cơ hội làm ăn, thậm chí nhiều người già trong đó có những người nổi tiếng  là tướng lĩnh là nhà chính trị trong quân đội Việt Nam cộng hòa, là văn nghệ sĩ nổi danh đã xin được về chết trên mảnh đất quê hương bởi vì như Đỗ Trung Quân đã viết khi còn là phóng viên Tuổi trẻ “Quê hương là chùm khế ngọt” . Ấy là lúc Trung Quân còn trai trẻ và tương lai của dân tộc cũng như tình yêu quê hương đất nước còn đang cháy bỏng trong trái tim anh chứ không phải của Đỗ Trung Quân chín chắn và trưởng thành như bây giờ .
Cho nên một số bà con Việt kiều dù chưa đọc một dòng Bên thắng cuộc nhưng nghe lời xúi dục của các phần tử quá khích đã đi biểu tình chống Bên thắng cuộc là một điều đáng tiếc . Nếu họ đọc , đọc thật kĩ và suy ngẫm về những điều Huy Đức nói về những “người thua cuộc” thì họ sẽ từ chối đi “biểu tình “ như vậy. Quả thật, nhờ những thông tin mà Huy Đức cung cấp trong kho sử thi đồ xộ của đất nước trong hơn ba chục năm qua , chúng ta bây giờ mới có thể biết được vì sao Cộng sản giải phóng được Sài Gòn và toàn Miền Nam. Không chỉ là chuyện hai miền “nội chiến”” nồi da xáo thịt”  mà  có sự can dự và hưởng lợi của các nước lớn mang danh đồng minh với cả hai phía của cuộc chiến dai dẳng ba chục năm
Tất cả các câu chuyện về thành phố Sài Gòn sau giải phóng đã được Huy Đức giải mã một cách đầy đủ và chân thực. Tại sao những người chịu đau thương và mất mát trong các sự kiện kể trên lại có thể phản đối tác giả khi anh đã giúp họ nói lên một phần sự thật để phần nào nguôi ngoai nỗi đau thương dấu kín bấy lâu. Có lẽ chỉ vì chuyện Huy Đức đã mô tả rất chi tiết việc quân đội Việt Nam cộng hòa tan rã nhanh chóng trước sức tấn công như vũ bão của quân đội miền Bắc chăng ? Lúc đó ở Hà Nội, tôi thắc mắc tại sao Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vốn là một vị tướng lại ra lệnh “tùy nghi di tản” dẫn đến cuộc tháo chạy ồ ạt từ Ban Mê Thuột, đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng …cho đến tận Sài Gòn. Nếu chỉ bằng những thông tin trên báo chí Miền Bắc thì ta có thể suy ra rằng quân đội cộng hòa Sài Gòn là đội quân bạc nhược sau khi bị Mỹ bỏ rơi. Nhưng Huy Đức đã chỉ ra rằng có rất nhiều tướng lĩnh và sĩ quan đã “tử vì đạo”. Có người đã bắn chết cả gia đình sau đó tự sát như các võ sĩ Nhật Bản . Đáng lẽ người Việt phải rời quê hương ra đi phải  biết ơn Huy Đức đã cho tòan thế giới biết bên cạnh những tướng lĩnh bạc nhược vẫn có những người “anh hùng” như vậy chứ. Vậy thì cớ gì phản đối Bên thắng cuộc ?
Năm 1995, trên tờ Tuổi trẻ chủ nhật nhân kỉ niệm 20 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước tôi đã viết bài “Sài Gòn 1975-1995 dưới con mắt một người Hà Nội” . Bài viết kể chuyện về ông chú vì đói thông tin đã bán hết hàng hóa ôm một đống tiền, khi chính quyền quân quản đổi tiền ông mất trắng. Trong khi người cháu là sĩ quan quân đội, là đảng viên cộng sản ngày 30-4 vào tiếp quản thành phố đã không dám đến gặp người chú vì sợ bị liên lụy. Chuyện của người anh trai của tôi với ông chú không chỉ là chuyện cá biệt trong trận chiến ba mươi năm giữa những  người cùng dòng máu đỏ da vàng , cho nên chuyện cha con Lưu Quý Kỳ và Lưu Đình Triều cũng chẳng có gì là khó hiểu và anh Triều không nên có phản ứng với người đồng nghiệp một thời cùng chung lưng đấu cật làm nên thương hiệu của tờ Tuổi trẻ . Cuộc chiến Nam Bắc không chỉ hy sinh hàng triệu nhân mạng những người con ưu tú của dân tộc mà còn là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa một bên là cộng sản một bên là cộng hòa mà cuộc chiến về ý thức hệ này còn dai dẳng đến tận bây giờ. Nếu nó không chấm dứt với một bên thắng một bên thua hoàn toàn thì sẽ không bao giờ có hòa hợp dân tộc một cách đúng nghĩa
Nếu như phần I của Bên thắng cuộc với tiêu đề “ Giải phóng” làm cho ai đó bên thua cuộc phản ứng là điều có thể hiểu được thì phần II có tiêu đề “ Quyền bính” đã và sẽ làm cho nhà cầm quyền Hà Nội, bên thắng cuộc phát điên . Bao nhiêu chuyện thâm cung bí sử dấu lẹm đã bị Huy Đức phơi bày. Huy Đức “khôn “ lắm, anh chỉ cung cấp thông tin có dẫn chứng người nói, dẫn chứng từ các văn bản “mật” chứ không bình luận. Tự thân các sự kiện nói lên tất cả tùy nhận thức của người đọc. Cũng không ai có thì giờ và tâm huyết đi kiểm chứng xem những thông tin Huy Đức tung ra là đúng hay sai, đúng bao nhiêu phần trăm, sai bao nhiêu phần trăm. Cho nên nói như Bùi Tín rằng Huy Đức mới chỉ nói 30% sự thật là nói đại. Còn 70% nữa Bùi Tín có giỏi thì nói nốt đi. Cần biết rằng để viết Bên thắng cuộc, Huy Đức không chỉ dành 3 năm để viết và chỉnh sửa, anh đã dành gần cả trọn cuộc đời làm báo của mình để tích lũy sử liệu , để thẩm tra các dữ kiện, để phỏng vấn các nhân vật và nhờ có internet, anh đã lưu trữ được nó trong một chiếc laptop nhỏ bé để mang theo nó sang nước Mỹ rồi tung nó ra toàn cầu bằng giải pháp kĩ thuật số, điều mà ở trong nước anh không thể làm được.
Sau một thời gian im ắng, các báo trong nước chủ yếu là các tờ báo công an bắt đầu phản côngBên thắng cuộc và tác giả Huy Đức. Đọc qua một vài bài tôi thấy hình như họ viết theo sự chỉ đạo của cấp trên nên gò ép và thiếu sự thuyết phục. Những “dư luận viên” mà ông Trưởng ban tuyên huấn thành ủy Hà Nội nói theo sự chỉ đạo của cấp trên không đủ tâm và đủ tài để chọi với các bài phản biện của các tay bút bên lề trái. Nó tương tự như bài của ông nghị Hoàng Hữu Phước viết trên blog của mình đại ý rằng một thằng nhóc mới 13 tuổi khi Sài gòn giải phóng thì biết gì mà viết nhăng viết cuội. Cái ông nghị rởm này như có bạn viết trên Facebook là đã bị ung thư dây thần kinh giai đọan cuối này làm sao có đủ trình độ và tư cách phê phán Bên thắng cuộc .
Chúng ta phải cám ơn Bên Thắng cuộc và tác giả Huy Đức đã dũng cảm giải mã biết bao sự thật ở Ba Đình . Ví dụ người có công tiến hành đổi mới đất nước là ông Trường Chinh về lí luận và ông Võ Văn Kiệt về hành động chứ không phải ông Nguyễn Văn Linh với mấy bài “Những việc cần làm ngay”. Ví dụ vì sao các lãnh đạo Việt nam từ thời ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu, ông Nông Đức Mạnh , đến ông Nguyễn Phú Trọng hôm nay đều “kiên trì” định hướng xã hôi chủ nghĩa cho dù mang tiếng là giáo điều . Bởi vì tuy Huy Đức không nói ra nhưng nếu không bám vào cái  lí thuyết không tưởng đó thì không có lí do gì tồn tại  Đảng Cộng sản mà nếu không còn Đảng thì còn đâu mảnh đất tham nhũng như ngày hôm nay . Cho nên nói chống tham nhũng mà vẫn khư khư theo đuổi định hướng XHCN một cái rất mơ hồ thì chỉ là nói chống cho vui vậy thôi. Bây giờ bên Đảng có Ban nội chính chống tham nhũng, bên chính quyền lại mới đẻ thêm Ban chỉ đạo gì đó tương tự thì chỉ là cuộc chiến giữa Đảng và Chính quyền chứ bè lũ tham nhũng vẫn phè phỡn ngoài vòng pháp luật vì các ông đang kềm chế nhau chứ có đánh gì tham nhũng đâu
Trong hai thứ những người cộng sản sợ nhất là chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều. Xét lại hiểu theo một cách nào đó là một sự đổi mới chủ nghĩa Maxk đã lỗi thời còn giáo điều là cố níu kéo cái đã lỗi thời đó để thể hiện mình là người trung thành tuyệt đối với lí tưởng mà thời trai trẻ mình đã mù quáng tuyên thệ . Tất cả những gì làm trái quy luật dù cố níu kéo bằng lý thuyết ma giáo hay bằng chuyên chính vô sản tàn bạo , mà tàn bạo nhất là chiến tranh đều không thoát khỏi sự phán xét và trừng phạt của lịch sử mà lịch sử thì rất công bằng.
Nhiều thế hệ người Việt nam phải biết ơn “sử gia” Huy Đức bằng những thông tin mà anh cung cấp . Những đời tư của các nhân vật quyền thế từ Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Hoàng Văn Thái,  Lê Trọng Tấn, Văn Tiến Dũng, Đoàn Khuê, Võ Nguyên Giáp , Đinh Đức Thiện , Mai Chí Thọ, Nguyễn Hà Phan, Trần Xuân Bách,  Nông Đức Mạnh … Tất cả những sự kiện hư hư thực thực kể cả chuyện Hồ Chí Minh có vợ đăng trên tờ Tuổi trẻ -lí do mà Tổng biên tập Kim Hạnh mất chức và suốt đời không được làm báo , những chuyện Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng có bố có mẹ chứ không phải là con ông nọ bà  kia đều đã được Huy Đức công khai danh tính và có thể đó là lí do mà các “dư luận viên” viết theo Lề Đảng sẽ vin vào đó để kết tội Huy Đức làm lộ bí mật quốc gia và bí mật đời tư chiểu theo nghị định này nghị định nọ để có thể bỏ tù khi Huy Đức về tới sân bay Tân Sơn Nhất
Huy Đức đã không thể từ trong nước phát hành Bên Thắng cuộc, anh cũng chưa thể in thành sách . Anh lựa chọn phát hành trên mạng. Cách phát hành này có thể không mang lại cho anh nhiều tiền bạc tương xứng với công sức anh bỏ ra và giá trị của quyển sách mà anh mang đến cho độc giả nhưng bằng cách này sẽ có nhiều người trên thế giới tìm đọc quyển sách đang rất hot này. Càng có nhiều người khen kẻ chê càng có nhiều người tìm đọc. Đó là quy luật mà những người làm công tác tuyên giáo của Đảng Cộng sản rất biết nhưng họ vẫn cứ phải lên án nếu như không muốn bị cấp trên khiển trách , mắng mỏ . Và tôi nghĩ như ai đó đã từng viết rằng các lãnh đạo Việt nam, các Trung ương ủy viên, các ủy viên Bộ Chính trị càng nên đọc sách này để biết một phần sự thật mà họ chưa được biết . Biết để mà phòng thân và tránh các sai lầm khuyết điểm mà tư tưởng giáo điều đã ám ảnh họ , Trên hết ông Nguyễn Phú Trọng cần đọc quyển sách này . Và nếu là người thực sự cầu thị, thì ông phải khuyến khích các đảng viên của ông cùng đọc mới đúng . Và tôi tin lịch  sử sẽ rất công bằng với Huy Đức, một nhà báo dấn thân.
Tác giả gửi cho QC






Ngôn ngữ gỗ


Lê Minh Tiến
langue_boisĐến giờ này nhiều người trong chúng ta đều đã quá quen thuộc với những câu văn, cụm từ như “sẽ xử lý nghiêm bất kể đó là ai” hoặc “không có vùng cấm trong xử lý…” và còn nhiều cụm từ, câu văn khác nữa vốn đã và đang được dùng đi dùng lại thành sáo ngữ khiến ai cũng có cảm giác nhàm chán khi nghe đến.
Xét về mặt lịch sử, sáo ngữ hay “ngôn ngữ gỗ” (lange de boyse) đã xuất hiện từ thế kỷ 16 tại nước Anh nhưng sau đó được dùng nhiều trong thời Liên Xô cũ. Khi bàn về sáo ngữ, người ta nhận thấy loại ngôn ngữ này thường xuất hiện trong lĩnh vực chính trị và tất nhiên việc sử dụng loại ngôn ngữ này là một “biệt tài” của các chính trị gia, bởi nó là một trong những kỹ thuật dùng để lái hiện thực sang một hướng khác nhằm đánh lạc hướng nội dung lẽ ra cần phải được đề cập. Do đó gần như tất cả người tham gia hoạt động chính trị đều thuộc nằm lòng những “công thức” phát biểu cho từng loại vấn đề, từng loại sự việc.
Tại sao giới chính trị gia hay sử dụng sáo ngữ? Trả lời câu hỏi này quả thật là điều không hề dễ dàng, nhưng việc sử dụng loại ngôn ngữ này trước hết có thể là một sự phản ánh của tình trạng bất lực trong giải quyết vấn đề. Chẳng hạn như việc xử lý sai phạm đối với những quan chức cấp cao luôn gặp nhiều khó khăn, do đó cách nói chung chung như “xử lý nghiêm bất kể đó là ai” là một cách nói nhằm trấn an dư luận hơn là có giá trị hiện thực trên thực tế. Và chúng ta cũng thấy những câu nói kiểu như vậy thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu của một sự việc nào đó, còn khi kết thúc thì có được xử lý nghiêm hay không, có vùng cấm hay không là chuyện khác, bởi lúc đó công luận cũng không còn quan tâm hay thắc mắc về việc có nghiêm hay không nghiêm nữa.
Mặt khác, sáo ngữ còn là một ẩn chứa cho việc thiếu khả năng xác định đâu là sự việc cần ưu tiên trước, ưu tiên sau trong việc hoạch định chính sách của những cơ quan có trách nhiệm. Chính vì vậy có lúc người ta đã nói về cách làm chính sách theo kiểu “múi mít” vì cái nào cũng thuộc loại “trọng tâm”, “quan trọng nhất”, “hàng đầu”, “then chốt”… cả. Tất nhiên cách nói như thế sẽ khiến những thành phần có liên quan hay bị tác động cảm thấy vui tai, cảm thấy được an toàn về mặt tâm lý vì dù sao chính sách liên quan tới mình cũng thuộc loại “hàng đầu” hoặc “trọng tâm”.
Tất nhiên, sáo ngữ cũng có tác dụng tốt khi nói về một số vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế, vì thông thường nội dung của những phát biểu kiểu “ngôn ngữ gỗ” thường là “hòa cả làng” và như vậy sẽ không làm mất lòng bất cứ bên nào.
Thế nhưng việc dùng quá nhiều sáo ngữ sẽ có tác dụng ngược trong cai trị và điều hành bởi dần dần dân chúng sẽ không còn lòng tin, không tin tưởng vào những phát biểu của giới lãnh đạo nữa. Chính vì vậy hiện nay dư luận thường ít quan tâm đến những ngôn từ được liệt vào loại “chém gió” nữa bởi chỉ mang lại sự “sảng khoái tâm lý” nhất thời, cái mà họ muốn thấy đó là làm thật sự trên thực tế.
Làm sao để sáo ngữ ngày càng ít hiện diện trong thực tế? Một số cách đã có xuất hiện như mục “chuyện ấy bây giờ” trên tờ Tuổi Trẻ nhằm xới lại những vấn đề cũ xem chúng được giải quyết, xử lý thế nào, sẽ buộc người có trách nhiệm phải “có trách nhiệm” trên thực tế nhiều hơn và từ đó có thể sẽ buộc họ giảm dần những phát biểu sáo ngữ trong tương lai.