Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Nhật ký LS Trần Duy Chiến -p2

Phần thứ hai
Vùng đất đỏ cao nguyên Buôn Mê Thuột

“Thị xã Buôn Mê Thuột này có lẽ lớn hơn Hội An đôi chút. Ở đây thôi thì đủ thứ, có quốc doanh, có điện, có rạp xi nê, có nước đá nữa. Rẻ nhất là chuối, gói chuối ép cỡ 1 kg chỉ hai đồng ăn no đến chết… Nhưng ở đây lại thiếu đi một thứ, anh đố Trực biết là thứ gì đó? Thôi để anh nói hộ cho, đó là cá tươi! Thứ này mà thắp đèn đi tìm cả tháng trời ở cái thị xã Buôn Mê Thuột này thì cuối cùng chỉ xách giỏ về không! Có lúc ăn cơm, anh tưởng mình là nhà sư chớ, vì bữa ăn nào cũng chỉ có món chay thôi”.
(Trần Duy Chiến, 3-11-1978)


29-10-1978

Thế là tôi lại phải rời xa mảnh đất Đà Thành nơi đã cho tôi bao kỷ niệm…

Tôi có cảm tưởng giờ đây đang ngồi trong mảnh đất Quảng Nam nhưng không, tôi đã nhầm. Hiện giờ tôi đang đứng trên một vùng đất đỏ của quê hương tôi, vùng đất mang tên Buôn Mê Thuột.

Đây là một dịp để tôi được nhìn rõ quê hương tôi qua đôi mắt. Cứ lần lượt những vẻ giàu đẹp của Tổ quốc tôi lại hiện ra dưới tầm mắt. Tôi cố gắng nhìn và nhìn thật kĩ để rồi đừng quên. Kia là rừng dừa bạt ngàn, những cây dừa cao có, thấp có đang cố mang những chùm quả nặng trĩu. Còn kia là rừng cà phê xanh ngút, kéo dài ra xa tít đến nỗi tôi không nhìn thấy được. Rừng cao su mới đẹp làm sao, những thân cây cao su thẳng tắp hàng ngay ngắn kéo dài ra như không bao giờ dứt, không biết ai trồng, sao mà nó thẳng như giăng dây vậy đó.

Tôi được bổ sung vào đơn vị truyền tin mới khoái chứ, lại càng khoái hơn là được ở với cậu Hồng. Kể ra ở đây cũng không có gì gọi là buồn, chỉ cách thị xã Buôn Mê Thuột chưa đến 500 mét, lại có điện và có xinê nữa.


30-10-1978

Ở đây kể cũng vui vui.

Hôm nay trời mừa suốt, lạnh-cái lạnh buốt xương của Tây Nguyên mới ớn. Ai đã ở đây thì mới biết, sáng chẳng muốn dậy, mắc tiểu cũng chẳng muốn đi. Ớn cái nữa là đất đỏ, hở đâu là dính đó. Trời nắng là bụi bay tứ tung, hít vào mũi đỏ lòm, nhưng hễ mưa xuống là chẹt chẹt. Càng đi ta có cảm tưởng như càng cao lên. Mà thật sự cũng thế, đất nó bám vào giày dép dữ tợn, giống như nó chực sẵn, hễ mình đặt chân xuống là nó bám vào ngay.

Ở đây có đặc điểm rất hay, nó trái ngược với cái quan điểm thường tình của dân gian là “làm gì ăn nấy”. Đây là sản xuất ra cà phê, nhưng chẳng có quan nào bán cà phê cả. Không hiểu sao Nhà nước lại cấm bán cà phê?

Phải nói đất ở đây tốt thiệt, cỏ mọc quá đầu là thường. Mới đặt chân về đây, tôi có cảm tưởng như chung quanh đây đều là rừng cả. Nhưng thật ra đâu phải thế, cỏ mọc tốt quá mình tưởng là rừng đó.

Phải nói đất ở đây tốt thiệt, cỏ mọc quá đầu là thường. Mới đặt chân về đây, tôi có cảm tưởng như chung quanh đây đều là rừng cả. Nhưng thật ra đâu phải thế, cỏ mọc tốt quá mình tưởng là rừng đó.



3-11-1978

Vùng đất đỏ Buôn Mê Thuột…

Trực thân!

Đang ngồi thảo luận chính trị “Tình hình và nhiệm vụ mới”, anh thấy nhớ quê hương, nhớ Đà Thành, nhớ chợ chiều, nhớ nhà, nhớ đến Trực, nên anh viết thư cho Trực đây!

Trực thân! Thế là chẳng bao giờ anh được trở về Đà Thành, về Chợ Chiều quê ngụ để anh được gặp Trực một lần, dù chỉ dăm ba phút.

Lúc này, cái tên Chợ Chiều, tên Trực chỉ là giấc mơ trong anh, anh biết ngồi đây hồi tưởng lại rồi thầm gọi tên chứ chẳng bao giờ anh lại được bước chân về nơi đó.

Giờ đây đối với anh là súng đạn, là núi rừng, là những tiếng nổ ghê hồn vậy thôi. Anh đang mang nặng trên mình nhiệm vụ thật là to tát và thiêng liêng mà Tổ quốc đã giao cho anh. Tổ quốc đã cho anh bộ quân phục màu xanh với chiếc quân hàm đỏ chói. Anh không lấy thế làm buồn. Anh tự hào hãnh diện cho mình là đã trực tiếp cầm súng đứng bên lề biên giới, để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc mình.

Đôi lúc ngồi một mình, anh cảm thấy nhớ, nhớ những ngày xa xưa, nhớ nhà, nhớ Trực. Những gì có thể nhớ anh đều nhớ, cũng như hôm nay.

Nãy giờ anh nói dóc quá phải không Trực? Thôi kệ, cố gắng thông cảm cho bộ đội xổ chút chính trị cho vui. Giờ để anh kể chuyện Tây Nguyên cho Trực nghe nhé!

Anh đặt chân đến thị xã Buôn Mê Thuột này hôm 29-10-1978 (Chủ nhật), đến nay cũng được sáu ngày rồi. Hôm mới đặt bước chân đến, anh tưởng đây là rừng chứ. Nhưng không, đây là thị xã Buôn Mê Thuột. Nơi đây chỉ cách thị xã cỡ cây số, bằng chỗ Chợ Chiều mình đến Sơn Trà.

Vừa lên đến nơi, anh và Chính chuồn ngay ra thị xã làm một chầu “quốc doanh” vui ghê.

Thị xã Buôn Mê Thuột này có lẽ lớn hơn Hội An đôi chút. Ở đây thôi thì đủ thứ, có quốc doanh, có điện, có rạp xi nê, có nước đá nữa. Rẻ nhất là chuối, gói chuối ép cỡ 1 kg chỉ hai đồng ăn no đến chết… Nhưng ở đây lại thiếu đi một thứ, anh đố Trực biết là thứ gì đó? Thôi để anh nói hộ cho, đó là cá tươi! Thứ này mà thắp đèn đi tìm cả tháng trời ở cái thị xã Buôn Mê Thuột này thì cuối cùng chỉ xách giỏ về không! Có lúc ăn cơm, anh tưởng mình là nhà sư chớ, vì bữa ăn nào cũng chỉ có món chay thôi.

Tây Nguyên về mùa này lạnh lắm.

Mưa cứ rơi mãi. Nếu Trực xem sách thì hẳn biết cái lạnh Buôn Mê Thuột này. Sáng dậy không muốn đánh răng rửa mặt đâu. Lại thêm cái đất màu đỏ au này thì càng ớn. Nếu sáng ra mặc chiếc áo trắng đi, thì chiều về chiếc áo lại là màu đất. Nhưng hễ mưa xuống là nó lại nhão nhẹt ra, đụng đâu là nó dính dẻo đeo vào đó.
Bây giờ kể về anh nhé! Anh với Chính ở chung một đơn vị, được vào truyền tin. Hiện giờ thì đang học nghiệp vụ truyền tin, chưa đi chiến đấu. Sức khoẻ vẫn bình thường, chỉ thấy nhớ nhà thôi. Còn Trực dạo này vẫn khoẻ chứ? Chợ Chiều mình kỳ rày có gì thay đổi không? Có mưa có lạnh lắm không?

Thư đến, Trực nhớ kể rõ nhé, kể dài như anh vậy! Sắp đến giờ nghỉ thảo luận, anh xin dừng bút. Chúc Trực và gia đình được khoẻ, vui.


Địa chỉ của anh:
Trần Duy Chiến
H.T: 5A.2029
Buôn Mê Thuột-Đắk Lắk.
Anh gởi lời thăm Tuân-Trực-Diệu-Hải.
Chúc vui+khoẻ



3-11-1978

Cậu Thưởng Thân!

Thế là chẳng có bao giờ tớ được gặp lại cậu, tán gẫu cùng cậu một lúc, dù là ngắn ngủi chỉ dăm ba phút. Giờ đây giữa tớ và cậu cách nhau 700 cây số. Tớ thấy nhớ cậu thật! Nhớ những lần tớ cùng cậu lang thang nơi phố chợ. Bộ thường phục ngày nào tớ mặc, nay nó đã xa lánh tớ rồi và cả cuộc sống nữa nó cũng đã khác luôn.

Tớ cũng thấy luyến tiếc ghê, nhưng làm sao bây giờ? Nó đã vụt khỏi tầm tay của tớ mất. Tớ không tài nào giữ nó lại được. Thôi tớ cho luôn cậu đó! Bộ thường phục đắt tiền với những đêm lang thang tán gẫu, tớ cho cậu hết. Tớ chả cần dù chỉ một tí. Tớ đã có cái mới rồi, bộ quân phục, chiếc quân hàm, khẩu súng, kỷ luật gò bó, giờ giấc cộng với chiếc đầu húi cua trông ngô ngố ra làm sao. Thế thôi, cái mới của tớ đó cậu ạ!

Tớ còn nhớ bữa hôm trước vui hết sức. Tớ cùng cậu Chính ra phố Buôn Mê Thuột chơi, gặp mấy cô ả. Cậu Chính chọc mấy câu gì đó. Họ chả cần nói lại, chỉ sờ sờ cái đầu của nó rồi xúm nhau cười. Tớ và cậu Chính quê ra mặt. Cậu biết sao không? Ý họ bảo là tớ và cậu Chính đều là “carê ba phân” cả. Đó, cậu thấy không, tớ thiệt ớn đó cậu.

Còn cậu mấy kì này khoẻ không? Vẫn đi làm đều chứ, đủ tiêu hay phải chĩa thêm? Từ ngày tớ đi đến giờ, cậu có hay “bang” xuống phố chợ đẻ chơi, để lướt sang nhà mà cậu muốn vào nhưng lại chẳng dám? Có ghé mua thuốc ở đó không? Nếu không thì cố lên, chẳng có thời gian nào gọi là thuận lợi đâu, bỏ mất dịp may thì ân hận về sau đấy!

Mấy lời thăm cậu, chúc cậu khoẻ vui, can đảm nhiều hơn, đạt thắng lợi nhất! Tớ dùng bút.

Duy Chiến

Địa chỉ H.T: 5A.2029
Buôn Mê Thuột-Đắk Lắk.


4-11-1978

Vùng đất đỏ Buôn Mê.

Cái đất Buôn Mê Thuột này lạnh thiệt, tháng này đâu đã phải mùa lạnh mà sao nó lại lạnh ghê. Chiều xuống thì sương cũng xuống dày đặc. Hôm qua lúc chiều, mặc dù lệnh cắm trại nhưng tôi cũng liều chuồn ra phố Buôn Mê Thuột chơi. Vui thiệt, mấy cô dân tộc quá xinh, ôm cặp đi học lại càng xinh hơn, không khác gì người Kinh. Nhưng có cái dễ nhận ra là mấy cô ả còn mặc váy. Chơi chán gần đến giờ sinh hoạt tôi về. Bị cậu Hai-Tiểu đội trưởng chửi. Kể cũng vui, thà là ra phố chơi rồi bị chửi, còn hơn ngồi nhà cù rũ như cu đất. Bằng mọi giá phải giải phóng tầm nhìn của tôi một tí.

Sáng nay ngồi thảo luận, tôi cảm thấy nhớ nhà ghê. Không biết ngày nào tôi được về lại quê hương, để nhìn lại ngôi nhà thân yêu đã từng che nắng che mưa cho tôi? Để tôi gặp lại mấy đứa em dễ thương suốt ngày đùa giỡn, để gặp lại cu út mới bập bẹ luôn mồm kêu “anh Hai!”, để gặp lại mẹ tôi-người mẹ hiền mà tôi luôn yêu mến đã nuôi tôi lớn khôn, đã thuốc men săn sóc cho tôi những lúc tôi ốm đau? Bây giờ giữa tôi và mẹ có một khoảng cách quá xa, gần 700 cây số, tôi không thể nào vè thăm lại mẹ. Tôi nhớ mẹ, nhớ em! Ngồi nơi đây tôi viết thư về mẹ!



4-11-1978

Mẹ thân yêu của con!

Nơi quê lạ, xứ người con viết thư về mẹ đây! Mẹ thương yêu của con! Con luôn cầu mong mẹ khoẻ và trẻ mãi. 

Mẹ ơi, con xa quê hương xa mẹ, con thấy nhớ và thương mẹ ghê. Con chẳng biết làm sao về để được nhìn mẹ, xem mẹ có già đi tí nào không? Giờ đây đứa con thân yêu của mẹ đã không còn ở bên mẹ nữa, nó đã có đôi cánh cứng, nó đã bay đi, bay xa… Nhưng không một lúc nào nó quên được hình bóng và gương mặt mẹ hiền của nó!


Mẹ thương yêu! Chắc là mẹ cũng hiểu, đâu phải nó bay đi để xa mẹ, để tìm một cái gì sung sướng, khoái lạc cho bản thân nó. Nó đi để làm nhiệm vụ của nó. Mẹ ơi! Nhiệm vụ của nó thật là thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân đã giao cho. Nó không thể nào rời bỏ nhiệm vụ để trở về với mẹ được.


Mẹ kính yêu! Rồi mai đây trên vạn nẻo đường đất nước, lúc đứng bên lề biên giới, lúc ngoài biển khơi, lúc trên hải đảo xa xôi, lúc đứng trước mặt quân thù. Hay lúc con gục xuống trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc… con đều thầm gọi tên mẹ. Lúc đó mẹ sẽ hiện ra trước mặt con như một bà mẹ tiên hiền dịu, an ủi con, khuyên nhủ con. Thế là con lại có đầy đủ nghị lực, xông ra phía trước tiêu diệt quân thù, hay đứng vững trước gió mưa lạnh buốt.


Mẹ thân yêu của con ơi! Mẹ đừng buồn đừng nhớ và đừng khóc nghe mẹ. Ngày mai đây, khi dân tộc mình đã thoát khỏi vòng điêu linh chết chóc, đất nước mình thoát khỏi nạn ngoại xâm. Lúc đó, con sẽ về bên mẹ, để mẹ được nhìn kỹ đứa con của mẹ sinh ra.


Mẹ ơi! Giờ đây, đứa con thân yêu của mẹ đang đứng trên mảnh đất của Tổ quốc, gần biên giới Tây Nam, đó là Thị xã Buôn Mê Thuột, Tỉnh Đắk Lắk. Về mùa này trời lạnh, cái lạnh của Tây Nguyên thì ớn lắm mẹ ạ! Đất nước mình nếu không nói tới ngoài Bắc, kể từ Cà Mau đến Đà Nẵng thì nơi đây là lạnh nhất.


Hôm trước con ra phố Buôn Mê Thuột chơi, con gặp bà dì nào đó, sao mà giống mẹ ghê. Thoạt nhìn con tưởng mẹ, con mừng hụt! Mẹ ơi, làm sao con nói hết được những tình thương con dành cho mẹ! Mẹ ơi! Mẹ là những gì quí báu nhất của đời con… “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào”…

Mẹ thân yêu của con! Con xin dừng bút. Con cầu mong mẹ sẽ hạnh phúc mãi trong cuộc sống!

Hôn mẹ!

Con trai của mẹ.


Địa chỉ của con
H.T.5A2029
Buôn Mê Thuột-Đắk Lắk.



5-11-1978

Chủ nhật này là một ngày đáng nhớ!

Một ngày mà trong suốt thời gian 30 ngày mới có ngày hôm nay. Một ngày mà tôi vui và thanh thản nhất. Một ngày trí óc tôi vô cùng thoải mái kể từ khi tôi bước chân vào đời quân ngũ.

Sáu giờ sáng tôi đã có mặt tại thị xã Buôn Mê. Tôi đi mãi, đi hoài trên đường phố. Đi cho biết tất cả, đi để được nhìn những gì đẹp và dễ thương của phố núi, đi cho hết ngày. Phố Buôn Mê Thuột càng lúc càng thu ngắn lại dưới đôi chân tôi: Quốc doanh, hàng quán, chợ, rạp chiếu bóng… hiện ra trước mắt tôi. Đi khuất rồi lại hiện ra, cứ thế tôi đi mãi. Phố Buôn Mê Thuột không rộng, không lớn như Đà Thành, nhưng tôi đi hoài không hết, bởi vì tôi cứ đi vòng qua, rồi vòng lại. Phố Buôn Mê Thuột không đẹp, không giàu như Đà Thành, nhưng tôi vẫn thấy đẹp hơn nơi nào hết.


Những cô gái Tây Nguyên, con người mà tôi đã từng ấn tượng bởi những điều “xấu xí”, thì hôm nay lần lượt hiện ra trước mặt tôi. Tôi không ngờ họ lại xinh và dễ thương đến thế!

Trong bọn chúng tôi gồm năm đứa: tôi, cậu Chính, cậu Hồng, cậu Hải, cậu Trung. Cứ thế, bọn tôi đi mãi, đi chán lại rúc vào rạp xinê.

Cũng may cậu Hải có chị quen ở Đà Nẵng lên đây sinh sống. Thế là cả bọn ùa vào đó, “đá” bữa trưa vui ghê. Suốt một tháng trời trong quân đội, trưa hôm nay mới được ăn một bữa cơm trắng không ghế, thật không gì ngon bằng!

Đến 4 giờ chúng tôi về đến đơn vị.


7-11-1978

Thế là hôm nay tôi lại biết thêm một nghề nữa-nghề gọi máy. Tôi ham quá, những mật hiệu cứ lộn xộn trong đầu, sao mà rắc rối thế!

Lúc chưa học, tôi cứ tưởng là học xong cách sử dụng thì sẽ gọi được ngay chứ, không ngờ càng học càng thấy khó. Cái gì cũng dùng bằng số cả, mà số thì dễ lộn lắm. Tôi ngó vào số, tôi đọc mà còn lộn, huống chi là nhớ mà đọc. Khó thì khó thật, nhưng tôi tin tưởng là sẽ thành công. “Ở đời không có việc gì khó, chỉ em lòng ta ngại khổ”-Nghĩ thế, nên tôi càng cố gắng.

Ngày đầu học gọi máy sao mà rắc rối thế. Những con số không chỉ rắc tối mà còn lộn xộn. Nhưng tôi vẫn phải thuộc lòng, nhẩm đi, nhẩm lại, thế mà vẫn lộn, vẫn quên! Lúc nào và bất cứ lúc nào cũng phải nhẩm học thuộc những số 189-130-161-223-234-244-284 v.v… còn nhiều, nhiều vô kể. Nói chung cái gì cũng bằng số cả. Cứ chấp chới, chập chờn trước mắt tôi, không lúc nào không nghĩ đến những số, thật là rắc rối.

Kể từ ngày tôi nhập ngũ đến nay đã một tháng. Một tháng mà sao tôi thấy lâu, có cảm tưởng như là đã 2 hay 3 tháng qua rồi. Mới một tháng trôi qua mà biết bao nhiêu là điều đổi thay trong tôi. Từ một cậu thanh niên sống tự do thoải mái ngoài đời, đổi qua nếp sống khuôn khổ kỷ luật làm tôi trở nên nhanh nhẹn lạ thường. Những cái chậm chạp trong tôi biến đâu mất hết, sáng dậy nghe kẻng, dù trời rất lạnh nhưng không thể thiếu tôi được. Có lúc tôi muốn báo ốm để ngủ tí nữa, nhưng sao tôi lại không thể nào làm thế được. Mỗi sáng tôi không tập thể dục là tôi như thiếu một thứ gì, cứ ray rứt tôi mãi.



8-11-1978

Truyền tin-cái danh từ thông dụng, bất cứ ai khi nhắc đến cũng biết được cái nghĩa của nó nhưng nó lại rất khó, khó với những ai muốn đi sâu vào nó. Và nó thật là khó đối với tôi. Giờ đây, đầu óc tôi không còn nhớ gì ngoài những chữ đúc. Chao ôi sao nó lại xộn quá vậy. Cả mấy trang dài mà tôi phải thuộc.

Thật là một điều quá mệt óc đối với tôi. Mấy cậu cùng đơn vị thường đùa “mòn quần chai đít-thưởng ít phạt nhiều” thật là đúng. Tôi không một tí nào gọi là ý kiến về cái câu nói đùa ấy.

Lúc chiều, tôi được biết là sẽ hành quân vào sáng nay, tôi vội viết thư cho mẹ.


9-11-1978

Mẹ kính yêu của con!

Mẹ ơi! Khi mẹ nhận được cánh thư này của con thì con đã không còn có mặt ở Ban Mệ nữa. Con tiếp tục đi và tiếp tục xa mẹ hơn. Con cũng chẳng biết đi đâu, chỉ biết là sáng mai cả đơn vị con hành quân. Con đoán là lên biên giới mẹ ạ!

Con nói thế để mẹ được biết, chứ mẹ đừng lo cho con nghe mẹ. Bây giờ con như cánh chim, cứ bay, dừng rồi lại bay, bay cho hết vạn nẻo đường.

Trên đất nước mình hễ nơi đâu có bóng quân thù là con sẽ đến đó.

Con xin dừng bút để sắp xếp hành trang ba lô.

Đứa con của mẹ.

Trần Duy Chiến

Khi nào đến nơi con sẽ biên thơ về mẹ.
Ân, Hưng cố gắng viết thư cho anh với nhé!


11-11-1978

Đăk Cơ, Gia Lai-Kon Tum.

Đây là Đăk Cơ, tôi đã đến đây, không phải đề thưởng thức vẻ đẹp của núi rừng. Tôi đến đây không phải để tìm một món thuốc quý, tôi đến đây với trách nhiệm thật là cao cả là bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Giờ đây, quanh tôi chỉ có núi rừng, muỗi độc, sốt rét và súng đạn. Tôi nằm đây trên chiếc võng đu đưa với nhiều suy nghĩ miên man mà chính tôi cũng không sao hiểu được.

Tôi giở lại những trang đã viết trong quyển nhật ký ra xem, từng quãng đời lại hiện về. Vui có, buồn có, đau khổ có. Bất chợt một trang nhật kí cũ mà mình viết vào một chiều lòng mình buồn nhất, mình ghi lại vào đây gọi là để nhớ!


10-11-1978

Hoà Nhơn, Đà Nẵng.

Đoản văn không tên!

Tôi viết những dòng mà tim tôi không muốn viết. Tôi đọc những lời mà chính tôi không muốn đọc. Tôi đang nghĩ những lời mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi đã nói những lời mà hình như không phải tôi nói. Tim tôi còn đó hay đã mất rồi người ơi, tôi đang là tôi chăng?!

Trái tim đang đập là tim của tôi chăng? Tôi không được biết nữa. Tôi đang sống cho người khác. Thân xác tôi không còn là của tôi. Đôi mắt tôi không còn nhìn thấy chung quanh. Mắt thấy chỉ còn là mắt người. Giờ đây tôi không còn là tôi nữa!

Không tôi không còn là tôi nữa. Tôi đã chết rồi, người ơi!

Người ơi! Sao người đến như giấc mơ, rồi ra đi cho sụp đổ cả lâu đài tình ái trong tôi? Người ác quá! Tôi không hận thù, người ghét người. Tôi vẫn là tôi, ô hay-sao thế nhỉ? Tôi đã và đang làm gì cũng không biết. Quanh tôi chỉ có tôi, bầu trời, sự vắng lặng quạnh quẽ khiến tôi phải ghê sợ!

Tim tôi giờ đây còn hay mất? Nó đang đập thôi thúc hay đã chết lịm từ lâu? Tôi cố quên những điều mà tôi không muốn quên, cố nhớ những điều mà tôi không cần nhớ tới. Tôi quên người tôi không bao giờ quên. Tôi quên tiếng nói ngọt ngào mà tôi đã nhớ. Tôi quên và thật quên dáng người trong mắt tôi. Tôi không còn nhớ gì nữa!

Người ơi! Cứ đi thật xa, đừng bao giờ trở về, dù chỉ một phút giây để cho tôi chết, chết thật tình cờ, chết như cơn mơ, chết vật vờ bên thung lũng hun hút buồn phiền, đìu hiu và vắng lặng.

Người ơi! Cứ đi.

Một chiều Hoà Vang.



12-11-1978

Buôn Loók, Đăk Cơ, Gia Lai.

Tôi bắt đầu đi từ lúc sáng, đến trưa tôi mới về nhà. Tôi đi tìm mua ít nải chuối về ăn nhưng đi mãi vẫn về không. Ở đây tôi chẳng thấy một cây chuối nào, rốt cuộc nhịn đói về không. Cậu Dũng mua có 5 hào mướp. Tôi với cậu khiêng mệt đừ, vì nó nhiều quá, gần 1 bao 50 kg.


13-11-1978

Đêm!

Tôi cùng mấy cậu lội xuống buôn tìm mua rượu, chuối về ăn cho vui. Đến nơi hỏi nhà nào cũng chẳng có thứ gì, chúng tôi liền tạt vào trung đoàn nữ đi làm kinh tế ở đây chơi. Ở đây toàn là nữ khoảng từ 30 tuổi trở lại. Có nhiều cô xinh ghê! Họ lên đây từ năm 1975, sau khi đất nước được giải phóng. Qua ít phút trò chuyện thăm hỏi, tôi cũng biết ít nhiều về họ. Có cô từ lúc xa gia đình lên xây dựng ở đây chưa có một lần về thăm nhà.

Càng hiểu về họ, tôi càng thấy thẹn cho tôi. Họ là nữ mà sao họ lại như vậy? Còn tôi thì lúc nào cũng nhớ nhà, nhớ cuộc sống cũ của tôi. Vậy là tôi hèn quá. Tôi nghĩ như vậy và sẽ cố gắng khắc phục.

Đến chín giờ tôi mới về tới doanh trại, nhận được cái tin không làm tôi hài lòng tí nào: Tôi được điều sang quay viên cho 15W. Buổi 15 phút…

Anh quay viên thì nhàn thật, súng đạn khó mà hỏi thăm. Thế nhưng chả thích tí nào. Thà ra ngoài chiến trường cầm súng bắn thẳng vào mặt quân thù, còn sướng hơn là làm cái anh quay viên này. Phải chi tôi được ở 2W như cũ thì khoái thật. Mang máy ra chiến trường phục vụ cho bộ binh để tôi được nhìn thấy rõ hơn về cuộc sống của người lính ngoài mặt trận. Tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ trong suốt quãng đời bộ đội của tôi sẽ chẳng bao giờ được cầm súng bắn thẳng vào mặt quân thù, được nhìn quân thù gục xuống, được thấy tận mắt súng nổ, đạn reo…


14-11-1978

Rừng biên giới.

Gia đình 15W này gồm 3 người, cậu Trung lính mới như tôi, cậu Tải, cậu Ngợi lính cũ, cộng thêm 2 người mới điều sang (cậu Lệ và tôi) nữa là 5. Tôi, cậu Lệ, cậu Trung-3 tay quay phim (quay máy nguồn để phát ra điện, tụi tôi đặt là “quay phim” cho oai một tí), 2 tay kia là tín hiệu viên quê ở Bắc. Nói chung đều vui tính cả.

Đêm. Tôi phải thức đến gần 12 giờ để quay nguồn cho cậu Tài đánh điện. Tôi quay không quen nên rất mau mệt, nhưng chẳng biết đổi cho ai, vì các cậu kia đều ngủ cả. Tôi ráng quay cho xong, bức điện sa dài quá, đôi tay tôi rã rời, miệng thở dốc. Người tôi bây giờ rõ mệt, đầu óc cũng quay cuồng theo tay, chẳng biết làm thế nào để được nghỉ đôi chút. Giá như việc này là của tôi, làm cho tôi thì tôi đã ngừng tay từ lúc nãy, đằng này không phải làm việc cho tôi mà nghỉ thì chả được nên tôi đành chịu. Tôi vẫn quay túi bụi. Đến một lúc nào đó nghe cậu Tải bảo “Thôi!”, tôi liền buông tay quay ra. Người tôi lúc này ướt cả, mồ hôi tuôn ra như tắm. Tôi vớ vội chiếc khăn lau mấy giọt mồ hôi sắp rơi xuống trên trán, trên cằm.

Tôi bước ra khỏi ghế quay, ngước mắt nhìn trăng qua khe hở của lá. Trăng nơi rừng cao nguyên đẹp thật. Trăng đứng ngay đỉnh đầu tôi. Mấy cụm mây lại hiện ra. Trăng soi sáng cảnh rừng núi âm u, tĩnh mịch. Những giọt trăng vàng yếu ớt, như tâm sự cùng tôi. Tôi thấy lòng tôi lại rộn lên nhớ tới những mùa trăng sáng mà tôi yêu…

Đang thả hồn theo trăng, nghe cậu Tải gọi:

-Đi ngủ chứ, thất tình hả cậu?

Tôi giật mình, phân bua vài câu cho đỡ thẹn, rồi quay về ngủ với hiện tại: chiếc tăng, cái võng, cái mùng, chiếc ba lô và cả cuộc đời chinh chiến!

Nhật Ký LS Trần Duy Chiến -p1

Phần thứ nhất
Những ngày mới nhập ngũ ở Quân trường Mỹ Thị

“Có lúc tôi muốn vụt bay ra khỏi quân trường này, nhưng liền sau đó lại thôi. Tôi không thể làm như thế được. Mọi người thanh niên đều nghĩ rồi làm như tôi, thì lấy ai đứng ra cầm súng giữ nước? Tôi không phải là cách mạng, nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu mình không trực tiếp cầm súng đứng lên để bảo vệ Tổ quốc, thì mình cũng sẽ chết sau khi giặc ngoại xâm chiếm được Tổ quốc mình.
… Tôi sẽ không bao giờ từ giã cây súng khi đất nước vẫn chưa yên. Tôi sẽ dẹp bỏ mọi tình cảm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ mà chính tôi đã giao cho tôi.”
(Trần Duy Chiến, 24-10-1978)


7-10-1978

Chào tạm biệt mái tóc mình thường vuốt ve âu yếm! Mình trả lại tự do cho các bạn đó. Các bạn có thích không? Chắc là thích lắm nhỉ. Khỏi còn bận bịu gì đến mình nữa, khỏi bị mình dày vò đến nát. Mình chả cần các bạn. Mai đây, mình lại có bạn mới rồi. Mình đoán chắc là không hợp với mình tí nào đâu, nhưng mình phải làm bạn. Người ta bắt mình làm bạn mà!


Chiếc mũ cứng-người bạn mới này trông oai vệ ghê. Nó không yểu điệu, mềm mại đâu. Đừng có giỡn với mấy ông bạn đó. Đấy mấy chàng “bớm”, khéo vỡ đầu đấy. Ông bạn carê ba phân trông mới ngộ nghĩnh làm sao ấy. Mình tức cười quá. Trông ổng cụt ngủn, ngô ngố ra làm sao. Nhưng ông này trông vậy mà tốt ghê. Ông không đổ xoà xuống làm vướng mắt mình, ông không bắt mình phải chải chuốt làm gì. Ông hiền thiệt, sao cũng được. Lúc tắm vô làm biếng không lấy khăn lau không chải, ổng cũng chả nói chi. Có đâu lại khó tính như cái ông bạn trước, lâu lâu không chải tức thì ổng rối tung lên trông thấy là ghét. Lại còn cứ chực đổ xoà xuống che cả mắt nữa chứ!


Còn cái “ông bạn Quân phục” lại vui tính ghê! Ổng to lớn thùng thình giống như chàng hề. Ông này thôi khỏi phải nói sao cũng được. Trong chúng bạn trông có vẻ ông này là hiền nhất đấy. Có khoẻ thì đôi ba ngày tắm rửa cho ông một lần cũng tốt, mệt mỏi lười thì mười ngày nửa tháng làm qua loa một lần cũng chả sao. Tắm bằng xà phòng lại tốt hơn, lại khỏi phải ủi đi ủi lại cho thẳng gì cả. Nói chung thì mình thương sao, ông bạn này được nhờ vậy.


9-10-1978

Mình mới vào ngày đầu, ngày sau tiểu đội mình lại đến phiên phục vụ “Lê Anh Nuôi” mới vui chứ. Mình lại gặp con Tám, (í quên, đồng chí Tám) ở chợ chiều lúc trước. Bây giờ đồng chí đã trở thành bộ đội đàn chị mình rồi, trông đồng chí có vẻ khác hẳn ngày xưa nhiều quá mình nhìn không ra thế nhưng chẳng mấy chút là thông cảm ngay.


10-10-1978

Thời gian bây giờ đối với mình thật là quý giá vô cùng. Một phút rảnh rỗi nghĩ thật là hay, có đâu mà ngồi suy nghĩ tính toán để nhớ lại quá khứ. Sáng 5 giờ đã dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn bánh mì, dọn dẹp nội vụ xong thì đã 6 giờ 30. Nghỉ ngơi 20 phút đến 7 giờ kém 10 tập họp làm công tác, đến 11 giờ nghỉ. 11 giờ 30 đi ăn cơm đến 12 giờ, nghỉ trưa đến 1 giờ tập họp đi làm, 5 giờ về. Nào là thể thao, tắm giặt, họp tổ, họp A, họp B, họp C… đến 9 giờ nghỉ, 9 giờ 30 ngủ. Sáng hôm sau dậy lại tiếp tục chu kỳ như vậy…


Nếu bất phước có gia đình hay người yêu tới thăm hỏi “anh có nhớ đến em không?” hay “con có nhớ người yêu không?” thì đây cũng trả lời dứt khoát là không, vì đâu có thời gian nào rảnh rỗi để nhớ tới người yêu hay gia đình!


11-10-1978

Khiêm tốn, nhường nhịn được bạn thương bạn mến.
Nhẫn nại, cần cù vượt muôn khó khăn gian khổ.
Tự phụ là sâu thất bại, là cổ hủ xã hội sẽ đào thải.


12-10-1978

Cho tôi xin một lần chờ em dưới ánh trăng mờ sáng con đường cát dẫn vào nhà em. Xin một lần hẹn em để rồi em không đến, để rồi em trễ hẹn và chỉ còn một mình tôi dưới trăng mờ soi mỗi hồn tôi với nỗi cô đơn chồng chất trong lòng. Em yêu ơi, sao em không đến?


Cho tôi xin một lần dìu em đi dưới trăng, con đường cát nhộn đầy yêu thương, vạn vật đều chìm đắm trong giấc ngủ say sưa. Chỉ còn hai đứa lang thang dưới trăng tìm sức sống. Cuộc sống sẽ đẹp như mơ khi đôi môi quyện chặt. Tôi không còn cô đơn, bên mình tôi đã có em-em yêu!


Cho tôi xin một lần ngồi bên em, một lần ru em ngủ trong vòng tay ấm. Tóc em buông xuống, mùi hương của tóc toả ra làm tôi ngây ngất. Em sẽ ngủ và ngủ mãi trên tay tôi để tôi được nhìn em một cách say sưa. Tôi không còn cô đơn nữa. Em yêu ơi! Sao em dễ thương! Cho tôi xin một lần em hờn dỗi làm tôi phải dỗ dành. Em yêu ơi! Nín đi em, thôi đừng khóc nữa, anh sẽ đền em cái gì mà em yêu nhất.


Cho tôi xin một giấc mơ tuyệt đẹp, em sẽ đến bên tôi khi trời vào cuối thu, mưa bay trên đường phố. Em yêu ơi! Em có lạnh lắm không?

Cho tôi xin một lần dìu em vào chốn hư vô, đắm chìm đe mê tuyệt đỉnh. Em yêu ơi! Anh sẽ mãi mãi bên em!



13-10-1978

Từ hôm mình nhập ngũ đến giờ chưa học tập gì cả. Ăn rồi cứ ra làm lao động miết, chẳng rảnh giờ nào. Muốn biên thư hay giặt đồ thì đừng ngủ trưa thôi. Kể ra cũng vui, tối tối sinh hoạt mới nhộn chứ. Mình hát không được, chứ hát được thì mình cũng sẽ hát như anh em. Mình thổi sáo như con khỉ. Thế mà anh em cứ yêu cầu mình thổi miết. Mình nhất định không thổi. Quê quá! Ai mà thổi cho được. Mình phải tập, tập thổi cho thật hay, sau này mình mới dám thổi trước anh em.

Một điều cốt yếu là mình quyết tập làm sao cho thân mình được dẻo dai để sau này mình ứng dụng vào chiến đấu cho vững.


15-10-1978

Chủ nhật thật là buồn. Mình ngồi nhìn thiên hạ đang vui cười… lòng mình lại rộn lên nhiều nỗi nhớ! Mình nhớ lại tất cả những gì đã qua, không bao giờ mình có trở lại dù chỉ một chút trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Mình đã để nó trôi qua một cách lãng phí, bây giờ mình thấy hối tiếc. Mình lại viết thư, viết cho mấy đứa bạn cho qua thời gian buồn tẻ. Mình viết cho cậu Thanh.


15-10-1978

Cậu Thanh thân!

Thế là hết rồi cậu nhé! Đâu còn những ngày rong chơi tán ngẫu vẩn vơ. Nó đã trôi qua một cách quá nhanh làm tớ tiếc rẻ mãi. Giờ đây tớ đã bước sang một khúc ngoặt của một con đường mới. Tớ đã bỏ đi tất cả. Thôi cho luôn cậu đó. Tớ chẳng cần nó làm gì nữa. Tất cả mọi thứ đó đối với tớ giờ đây hình như vô nghĩa.

Thanh thân! Dạo này vẫn khoẻ chứ, có gì thay đổi nhiều không? Đợt nghĩa vụ quân sự này cậu có được vinh dự đứng vào hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam không? Nếu có nhớ thư cho tớ biết với nhé!

Còn phần tớ, hẳn nhiên thì thay đổi nhiều. Từ cặp đồ “xivin” của lứa tuổi thanh niên, đổi lại bộ quân phục màu xanh thùng thình, cộng thêm với chiếc đầu húi cua trông ra phết. Nếu có dịp nào đó cậu gặp tớ, chắc hẳn cậu nhìn tớ không ra. Nếu nhận ra, cậu cũng được một mẻ cười đến vỡ bụng.

Thôi tớ dừng bút vì thời gian có hạn. Hẹn gặp lại cậu thư sau. Tớ chúc cậu vui khỏe. Trần Duy Chiến.
Địa chỉ HT.5A.430D

Vui quá! Vui quá! Trực ban gọi tên mình. Mình không biết có nhầm tên ai không. Thôi kệ! Mình cứ ra thử.
“Bà nội”! Mình nghẹn ngào gọi. Bà nội mình đến thăm. Bà nội mình khóc. Mình thấy thương bà mình. Mình hỏi vớ vẩn về chuyện gia đình. Mình được biết gia đình vẫn khoẻ, không có gì thay đổi. Mình rất mừng. Ở ngoài ấy được một lúc mình vô liền, í quên, mình phải đi mượng cái rựa đẽo đôi guốc cái đã, kẻo lại quên. Mai thứ hai thì không đẽo được rồi. Đẽo guốc xong, mình vô viết tiếp lá thư cho anh Công.


15-10-1978

Anh Công thân!

Hôm nay, người tổ viên của tổ I (cũ) viết thư thăm anh đấy.

Lời đầu tiên gởi đến anh, cậu em luôn chúc anh những gì tươi đẹp nhất.

Anh Công thân! Dạo này vẫn khoẻ chứ? Có gì thay đổi không hay vẫn còn như ngày nào-mỗi chiều lại đúc bánh tráng?

Cậu em buồn giỡn tí cho vui, đừng giận nghen anh. Nhưng nếu anh có giận thì cũng để bụng thôi, vì cậu em chẳng có bao giờ gặp lại anh để anh được nhìn và mắng cậu em đâu. Vì hiện nay cậu em của tổ trưởng ngày xưa đã trở thành một quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam rồi. Nếu có một sự may mắn nào anh được gặp lại em ngày xưa, chắc anh nhìn không ra đâu, vì cậu em nay đã đổi khác quá nhiều, xúng xính trong bộ quân phục màu xanh rộng thùng thình, cộng với chiếc đầu húi cua (3 phân) trông ngộ nghĩnh và ra phết hết sức đó cậu em à!


Hơn thế nữa là cậu em hôm nay nhanh nhẹn lắm. Đang ngủ, nghe tiếng còi tức thì tung mền chạy ra sắp hàng ngay, không phải lề mề chậm chạp như ngày nào đâu. Sắp đến giờ tập họp đại đội, xin tạm dừng bút. Chúc anh khoẻ nhiều!

Cậu em gởi lời thăm bà chị và mấy bạn trong đội.

Cậu em Duy Chiến
Địa chỉ: HT.430b-5A



17-10-1978

Tôi đang viết thư cho mẹ với tất cả những sự suy nghĩ, sự thương mến, lòng thương yêu với niềm nhớ thương vô tận!

Mẹ ơi! Mẹ có hiểu cho con không. Con đang ngồi đây, đang nhớ lại những ngày còn sống gần bên mẹ. Nhớ bóng dáng mẹ hiền, mẹ gầy và thấp còng với màu sa sạm nắng vì đã chịu bao phong sương vất vả cho đàn con được khôn lớn. Mẹ đã chắp cánh cho con!


Mẹ ơi! Đừng buồn nghe mẹ! Đừng khóc nghe mẹ! Con ra đi vì tiếng gọi của non sông đất nước, con ra đi giữ từng tấc đất của Tổ quốc, quyết không để cho ngoại bang đụng đến. Con ra đi làm tròn bổn phận của một người thanh niên, con phải xa mẹ.

Đâu phải vì quá đam mệ những thú vui của riêng, mà con ra đi xa mẹ.

Mẹ ơi! Mẹ là dòng suối hiền ngọt ngào của đời con. Mẹ là tất cả!

Cứ mỗi lần con hát bài “Lòng mẹ” là con lại thấy gương mặt dịu hiền của mẹ hiện ra đang cười nói với con. Và bây giờ con cảm thấy mình bơ vơ, trống trải, hình như đang thiếu một cái gì đó.

Mẹ ơi! Một ngày nào đó, khi học xong khoá huấn luyện, con sẽ phải đi xa mẹ hơn. Trên mọi nẻo đường đất nước, biết khi nào con lại trở về với mẹ, mẹ ơi! 

Rồi một mai đây lúc con đau con ốm, sẽ chẳng có mẹ bên con để cho con những gì mà con cần đến.

Mẹ ơi! Con vẫy chào tạm biệt mẹ. Con ra đi. Mẹ đừng buồn và đừng khóc nghe!


22-10-1978

Mới đó mà hôm nay đã Chúa nhật lại rồi. Mình chả trông mà nó cứ đến. Thật tình mình chả thích nó đến tí nào. Nó đến, mình lại buồn. Nó lại ra đi, thế thôi!

Mình ngồi đây nhẩm lại từng ngày, từng ngày…

Chốc lát, cái quá khứ đau đớn đầy tủi hận lại ào đến với mình. Mình hận, hận tất cả những gì mình có thể hận được. Mình nghĩ đến những điều vu vơ, mình ước mình là người có một quyền thế. Lúc đó mình sẽ bắt người mà mình hận đến đây!

Ngồi một mình buồn quá, mình ta tà ra ngoài phòng khách thử có ai quen không. Mình hy vọng trong đám người đó sẽ có người mình quen mặc dù họ chẳng có mục đích để đến thăm mình.

Mình lại gặp mẹ và em đến thăm. Vui ghê!

Báo động! Báo động! Mình bỏ mặc mẹ và em ngồi đó. Mình chạy về tập họp.


24-10-1978

Hôm nay anh em đi tập cả, chỉ còn một mình tôi ở nhà. Ngủ miết từ tối đến 8 giờ sáng mới dậy, nhưng cái đầu vẫn còn nặng trĩu.

Thật ra, nếu mình cố gắng thì cũng đi tập được. Nhưng thôi, mình ở nhà tiếp tục đọc cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” cho hết.

Vào quân đội kỷ luật thiệt. Lần trước tôi có đi một dạo rồi, cũng đã biết thế nào là quân đội. Nhưng lần này kỷ luật càng cứng hơn. Đơn vị chẳng cho ai đi đâu một tí, cả ngày chủ nhật nữa chốc chốc lại báo động.

Hôm chủ nhật vừa rồi mẹ tôi có ra thăm, nhưng chỉ đừng với mẹ được một lúc thì lại có kẻng báo động. Bực ghê! Gặp tôi, mẹ không khóc như những người đàn bà khác. Mẹ chỉ buồn nhìn tôi. Tôi rất hiểu tính mẹ tôi. Tôi vẫn thích mẹ tôi thế. Tôi chẳng biết nói gì khi gặp mẹ. Tôi nhìn mẹ một cách chăm chú và say sưa. Gương mặt mẹ thoáng nét lo âu, tôi động viên để mẹ khỏi lo.


Chiều đến, nghe trực ban gọi tên, tôi ra. Gặp Kha và Thôi đến thăm. Mừng quá! Tôi thương mấy đứa bạn đã băng bộ đến đây thăm mình. Thương nhất là Thôi người bạn gái mới 19 tuổi đầu. Thôi đã đem cho tôi và Chính một tình càm hết sức đậm đà, đó là tình bạn thắm thiết. Tôi không ngờ là như vậy!


Bây giờ tôi ngồi đây, đang suy nghĩ về tôi thật nhiều… Cuộc đời tôi sẽ ra sao? Thật là khó giải đáp được!
Có lắm lúc tôi muố vụt bay ra khỏi quân trường này, nhưng liền sau đó lại thôi. Tôi không thể làm như thế được. Mọi người thanh niên đều nghĩ rồi làm như tôi, thì lấy ai đứng ra cầm súng giữ nước? Tôi không phải là cách mạng, nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu mình không trực tiếp cầm súng đứng lên để bảo vệ Tổ quốc, thì mình cũng sẽ chết sau khi giặc ngoại xâm chiếm được Tổ quốc mình.


Thế là tôi lại vững tâm hơn. Tôi sẽ không bao giờ từ giã cây súng khi đất nước vẫn chưa yên. Tôi sẽ dẹp bỏ mọi tình cảm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ mà chính tôi đã giao cho tôi.

Tình cảm đồng đội, bạn bè là một cái gì quý giá ghê. Bây giờ tôi mới hiểu, tôi bắt đầu thấy thương cậu Huynh. Mặc dù cậu có cái tính khó mến kia. Sáng nay, trước khi đi tập, cậu qua hỏi han tôi, đưa dầu cho tôi xức, bắt gió cho tôi. Trong khi tôi không mở miệng nhờ cậu ta một tí nào, thế mà cậu vẫn cứ làm. Chắc cậu mong muốn tôi mau hết bịnh lắm. Tôi biết đồng đội vẫn là thế. Nhưng riêng tôi thật sự chưa làm được như vậy. Có chăng chỉ là những người bạn mà tôi cho là thân nhất.


Thật là bực ghê, hôm trước đến nay tôi chưa nhận được một cánh thư nào, mặc dù tôi đã viết rất nhiều thư cho cả những người tôi đã quen, mới quen hay quen lâu. Mấy đứa bạn ở cùng tiểu đội đã nhận được thư nhiều rồi, riêng tôi không nhận được một lá nào cả để đọc cho vui. Hay là mấy đứa bạn thấy mình đi bộ đội rồi lơ luôn không thèm làm bạn với mình nữa chớ gì? Tôi không nghĩ xấu cho mấy đứa bạn thế!

Đúng hơn là trong này tôi thèm đọc thư hết sức. Có thư đến là vui, khỏi cần biết người gởi đó là ai, trong thư nói gì.

25-10-1978

Khoá huấn luyện tôi học này thật gấp. Chưa kịp học hết môn này thì đã đến môn học khác liền. Môn ngắm súng đáng lẽ phải học đến 3 ngày mới gọi là hiểu hết chi tiết, đằng này chỉ học có hai giờ và các môn khác cũng thế, chỉ đến một ngày là tối đa đối với các môn căn bản.

Hôm nay, đại đội tôi bước qua học môn “cách sử dụng và sự sát hại của lựu đạn”. Sau 45 phút nghe giảng viên chỉ dẫn thì chúng tôi được quan sát giảng viên ném lựu đạn thật.

Đây là lần đầu tiên tôi được quan sát trái lựu đạn nổ. Tôi đứng cách xa đích ném chừng 100 mét, hồi hộp chờ đợi, cố mở mắt nhìn thật kĩ thử xem. Dứt tiếng nổ của Đại đội trưởng, giảng viên ném liền trái lựu đạn về phía trước, nơi đó có mấy tấm bia để sẵn, một vầng lửa đỏ loé lên, tấm bia vụt bay đi. Lúc đó tôi mới hoàn hồn, đã lấy lại bình tĩnh nhưng vẫn sợ.

Hôm nay có một điều làm cho tôi buồn là phải xa mấy cậu bạn. Cậu Chính, cậu Hồng mấy lúc nay ở trung đội của tôi, giờ phải chuyển qua trung đội khác. Trong tiểu đội tôi thân cậu Hồng nhất, cậu nhỏ hơn tôi đến ba tuổi, xác lớn hơn tôi. Cậu rất hợp với tôi, thân nhau từ ngày nhập ngũ đến giờ, hôm nay phải xa. Cậu buồn cũng chẳng kém tôi tí nào.


27-10-1978

Típ típ típ… típ típ típ… Tiếng còi thổi lung tung, báo động! Tôi tung mền, vụt ngồi dậy, nhìn đồng hồ mới 4 giờ 30 phút.

Cuốn vội chiếc mùng mền nhét vào ba lô với mấy thứ còn vung vãi lung tung xong, tôi khoác ba lô lên vai, vớ cây RPD và chiếc mũ, vụt chạy theo anh em. Mới được mấy bước đã mệt nhừ. Sau lưng chiếc ba lô cứ lắc qua lại khó giữ quá, lại thêm cây RPD trên vai nữa. Khẩu súng cứ nhảy lên, xuống theo nhịp chân, đánh vào vai đau điếng. Nhưng tôi vẫn cố bám sát anh em. Đây là lần tập báo động đầu. Mệt nhưng lại vui vui làm sao.

Mấy hôm nay tôi cứ đau miết, không biết cái căn “bịnh” ác nghiệt này đến bao giờ mới chịu rời khỏi tôi? Xoay đi xoay lại mới đây, hôm nay đã thứ sáu, mai thứ bảy, mốt thế là chủ nhật lại đến.

Nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến -TT01



Ngoài tình cảm dành cho mẹ, Trần Duy Chiến cũng lãng mạn trong tình yêu như những người lính trẻ khác. Anh cũng nhớ nhung một "bóng hồng" ở hậu phương xa xôi, cũng mơ những giấc mơ của ngày trở về.... Nhưng người con gái mà Chiến hướng tới chỉ là một hình ảnh tưởng tượng ra như tiểu thuyết, để Chiến có thể bay bổng, mộng mơ quên đi tháng ngày đang trôi qua buồn bã nơi đất khách: "Cho tôi một ngày Chúa nhật đẹp trời rong chơi nơi phố cảng quê hương tôi sẽ lang thang mãi trên đường để ngắm thành phố đẹp và tôi thấy yêu cuộc sống hơn. Để chiều chiều khí tan sở tôi đạp xe trên con đường tráng nhựa thẳng tắp về nhà, gặp người yêu nhỏ bé của tôi đi về ngược chiều. Em cười. Ôi! Nụ cười xinh quá tôi ngắm đến say sưa. Để màu mắt tôi không vướng buồn khi nhìn dải mây chiều lang thang ở cuối chân trời xa tít. Để tôi chẳng bao giờ rơi một giọt lệ nào trên lứa tuổi đôi mươi, khi đêm nằm tôi nhớ về người mẹ hiền của tôi nơi quê hương xa mù đó. Ôi! Ước mơ của tôi đã bay vào hư không mất rồi”. (2-1- 1979). 


Ước mơ nhỏ bé của Trần Duy Chiến không "bay vào hư không", nhưng anh đã không thực hiện được, khi càng ngày đơn vị anh càng đi sâu vào những nơi nguy hiểm, cái chết lúc nào cũng rình rập bên mình. Cứ xong mỗi nhiệm vụ, họ lại cùng nhau lên đường đến những vùng chiến sự khó khăn gian khổ hơn của nước bạn. Đôi bàn chân các anh đã in dấu lên nhiều nơi trên quê hương Chùa Tháp này; Lâm Phát, Buôn Lung, Tà-keo, Lô-via, Tam-vi-leng... rồi Mung, Phô-xít-đây, Trà-mốc, Phờ-ray-chít, Tà-lá, Phum-phênh, Xay-cờ-rơn, Long-cóp, Tà-sanh... Đến đâu các anh cũng gặp toàn là "những bộ quần đen kín và những chiếc xe 2 bánh do bò kéo đứng gần toát ra mùi hôi hám khó chịu. Khi chạy thì phát ra tiếng gỗ nghiến ken két ken két, oái ăm nức nở...". Suốt dặm đường gian khổ ở cái đất nước mà lúc đầu anh đã ao ước được đặt chân đến để biết thêm cái mới cái lạ, bây giờ nó không thu hút anh như cái lúc đầu nữa. Không phải vì anh đã đi khắp, nhìn thấy hết nền văn hoá của đất nước Ăng-ko này rồi mà vì anh nhớ quê hương của mình một cách day dứt. 


Xin đừng bao giở nghĩ rằng anh không xác định được nhiệm vụ của lứa tuổi thanh niên đối với đất nước, mà tất cả chỉ vỉ anh mong muốn được làm một người dân bình thường để được sống trong sự hoà bình, không tang thương, chết chóc, để được gần quê hương, bạn bè thân thiết, gần những cái mà người lính nơi rừng núi xa thẳm không sao có được. Có đọc những đoạn tâm sự rất thật này mới hiểu lòng anh: “... Quay viên thì nhàn thật súng đạn khó mà hỏi thăm. Thế nhưng tôi chả thích tí nào. Thà ra ngoài chiến trường cầm súng bắn thẳng vào mặt quân thù còn sướng hơn làm cái anh quay viên này. Phải chi tôi được ở 2w như cũ thì khoái thật. Mang máy ra chiến trường phục vụ cho bộ binh để tôi được nhìn thấy rõ hơn về cuộc sống của người lính ngoài mặt trận. Tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ trong suốt quãng đời bộ đội của tôi sẽ chẳng bao giờ được cầm cây súng bắn thẳng vào mặt quân thù, được nhìn quân thù gục xuống, được thấy tận mắt súng nổ, đạn reo... “ (13-11-1978). 


Những nỗi gian khổ thiếu thốn, sự tàn bạo khốc liệt của chiến tranh, những cảnh chết chóc khủng khiếp trên "đất nước Chùa Tháp" đã làm anh lính trẻ phần nào chai dạn - như anh từng giãi bày ở không ít đoạn trong nhật ký. Nhưng từ trong sâu thẳm của tâm hồn và trái tim anh vẫn đầy những khúc ngân trong trẻo an lành, xen lẫn những dòng buồn thương của anh. Đấy là những đoạn anh viết về chú sáo nhỏ “Chú sáo nhỏ xinh của tôi ơi! Hãy theo tôi nhé! Tôi sẽ bắt cào cào, dế cho chú ăn suốt ngày. Chú cần gì tôi sẽ làm vừa lòng chú ngay, đừng bỏ tôi mà đi nghe chú sáo thương yêu. Tôi sẽ nhớ chú lắm đấy" (ngày 20-7-1979); về "đất nước Chùa Tháp" với những cánh rừng, "những cánh đồng rộng mênh mông bát ngát cộng với những con đê to, chạy dài, thẳng tắp" đã khiến anh "phải rùng mình khiếp sợ và cảm phục cho cái sức lực nhỏ bé của con người, chỉ dùng hai bàn tay đắp từng nắm đất nhỏ" (ngày 14-8-1979)... Đó là những câu anh viết về cây thốt nốt với "những tàu lá to tướng giống như chiếc quạt khổng lồ", về "con đường cái bên bờ hồ nằm lặng lẽ" về trăng “nơi rừng cao nguyên"... 


Và nhất là những khúc đoạn anh viết về thiên nhiên đất nước quê hương "Cứ lần lượt những vẻ giàu đẹp của Tổ quốc tôi lại hiện ra dưới tầm mắt. [...] Kia là rừng dừa bạt ngàn [...] kia là rừng cà phê xanh ngắt kéo dài ra xa tít [...] Rừng cao su kéo dài ra như không bao giờ dứt, không biết ai trồng, mà thẳng như giăng dây" (ngày 29-10-1978). 


Yêu quê hương, yêu thiên nhiên, yêu trăng... Trăng tràn trề lấp lánh trong những trang thơ và trong cả những dòng nhật ký của anh: "Trăng nơi rừng cao nguyên đẹp thật. Trăng đứng ngay đỉnh đầu tôi. Mấy cụm mây dật dở bay không định hướng. Trăng trốn vào mây rồi lại hiện ra. Trăng soi sáng cảnh rừng núi âm u, tĩnh mịch. Những giọt trăng vàng yếu ớt, như tâm sự cùng tôi” (ngày 14-11-1978); “Lắm lúc ôm súng ngồi gác dưới khuya, ánh trăng chập chờn nghiêng vành mũ” (ngày 18-6-1979)... 


Đọc nhật ký của Trần Duy Chiến, ta thấy thiên nhiên, con người của Tổ quốc mến yêu và của cả nước bạn trong chiến tranh hiện ra dưới những dòng ghi chép đơn sơ của anh với cả cái dáng vẻ hồn nhiên của nó. 
Không chủ tâm, hoàn toàn hồn nhiên, Trần Duy Chiến đã phác hoạ cảnh vật anh từng nếm trải bằng cả tấm lòng yêu thương tha thiết, bằng cả trái tim thổn thức thương nhớ, bằng cả nỗi lòng trăn trở cùng niềm khao khát một cuộc sống hòa bình, yên lành và bình dị của anh. 


Trong cuốn nhật ký này, có nhiều đoạn là những lá thư độc lập viết cho mẹ, cho bạn bè, cho anh em. Với giọng văn tình cảm, dí dỏm, xen lẫn hài hước, Trần Duy Chiến đã không chủ ý cung cấp cho bạn đọc những thông tin tình cảm riêng tư của mình, nhưng đọc lại, đôi khi ta có cảm giác anh không chỉ viết riêng cho một người cụ thể nào đó, mà còn viết cho cả những bạn đọc hôm nay: "Con cũng chẳng biết giờ đây con đang vui hay đang buồn nữa. Con đang ở nơi xa lắm, muốn viết về cho mẹ với những gì thương yêu nhất của đời con. Con thấy mình yếu mềm đi một cách lạ thường. Mắt con bỗng nhòa đi. Con đang trở về với mẹ, với ước mơ bằng tiềm thức suy tư và thương nhớ'. (28-1-1979).



Khi viết nhật ký, Chiến thích dùng đại từ nhân xưng "tôi" thay cho "mình"; ở một số trang anh tự xưng là "tớ" và đôi khi còn xưng mình là "lính": "Giờ đây giữa lính và các bạn có một khoảng cách quá xa. Lính chỉ gặp được các bạn qua nét chữ thân quen. Mỗi lá thư đến rơi tuyến lửa này là một nguồn vui to tát đến với lính". (10-12-1978). 


Còn đây nữa: "Có những lần ngồi gác muỗi vo ve dày đặc muỗi chích từ phía, nhưng lính ta đâu dám đập mạnh. Trên đoạn đường hành quân gặp địch, ai cũng phải nhoài người nằm xuống đâu kể hục bùn, bãi cứt hay là hang kiến, mặc kệ! Cả tháng trời không đánh răng, không tắm rửa, áo quần lên men bốc mùi khét khó chịu, lính vẫn mặc đâu kể nhớp nhúa". (25-5-1979) 


Nếu Trần Duy Chiến không phải là một người lính trực tiếp chiến đấu ở vùng cực tây Cam-pu-chia đầy khó khăn gian khổ và chết chóc, thì chắc anh không thể định nghĩa về biên giới độc đáo như thế này: "Chắc mẹ của con chưa biết biên giới là gì? Để con kể cho mẹ nghe: biên giới nó ngoằn ngoèo và ghê rợn. Nó là một dãy rừng rậm mịt mùng đầy bụi và gai. Nó là một con sông, một đỉnh đồi, hay một bãi cát. Nó chứa trong mình đầy rẫy thứ giết người: nào mìn, nào thuốc nổ, nào chông. Nó là cái gì ghê sợ, mỗi khi người lính bước chân vào đó". (3-6-1979). 


Tuy nhiên, trong nhật ký cũng không hiếm những hồi ức đẹp, buồn và xúc động: "Mùa hè qua mau, xác phượng rơi đầy sần trường át tiếng ve than. Màu áo trắng thư sinh vấy mực vì đùa nghịch với bạn bè cũng dần trôi qua. Tủ sách ngày thêm nhiều, cậu đã lớn, cậu nhìn xác phượng rơi sân trường không là những cánh hoa màu đỏ, tiếng ve than không là thú vui tai. Cậu biết buồn vào những đêm mưa, nụ cười nở trên môi cũng giấu thêm một chút gì e thẹn. Cậu biết ngại ngùng mỗi khi đứng trước mặt người con gái cùng lứa tuổi. Ôi cái tuổi đáng yêu, cậu thấy trái tim rộn ràng từ đó...". (10-10-1979). 


Nhưng trên hết, cái quý giá nhất của thể loại nhật ký vẫn là sự thật và tính trung thực, như chính cuộc sống đã đang và sẽ diên ra. Đọc những trang viết của Trần Duy Chiến, có lúc ta không khỏi bật cười đến rơi nước mắt. Đó là đoạn mấy anh ình thèm thuốc hút, đơn vị không có cung cấp, vào dân xin chẳng được chợ không có bán, chẳng tìm đâu ra, đành phải cùng nhau đi bới rác: "Bươi hoài, có khi cũng chả được vì đâu phải chỉ có một vài người bươi, cả chốt cùng bươi tìm mẩu. Cái đống rác bị trộn xới liên tục, kể gì nhớp nhúa. Cái mẩu thuốc đã lên mốc vì nằm ngoài trời ẩm ướt thế, nhưng tìm được ôi thôi là mừng vô kể, xúm lại mỗi người hút chỉ được một hơi gọi là đỡ ghiền". (14-4-1980). 


Cũng vì tôn trọng sự thật và tính trung thực, nên trong cuốn nhật ký này chúng tôi đã để nguyên văn cả những đoạn Trần Duy Chiến nhận xét về đồng đội. Những chuyện tốt đẹp có, mà hạn chế, khuyết điểm cũng có. Cứ nghĩ sao là anh viết vậy, không giấu lòng mình. Ví dụ như ngày 20-12-1979, Chiến nhận xét về những tính cách của anh cán bộ A trưởng có tên là Đại Bảng. Anh đã thống kê, đúc kết thành "bảy điểm" hạn chế của người cán bộ này... Vẫn biết rằng đó chỉ là cảm nhận nhất thời, chưa thật chính xác của Chiến về một sự vật, hiện tượng, con người cụ thể nào đó mà anh có quyền viết ra cho riêng mình. Và mặc dù đã 25 năm, nghĩa là một phần tư thế kỷ trôi qua - Thời gian đủ để ta bình tĩnh suy xét và chiêm nghiệm về sự gian khổ hy sinh, cái mất còn của cả một thế hệ cha anh ngày ấy - Nhưng chúng tôi vẫn phải thành thật mong các nhân vật của Trần Duy Chiến thứ lỗi, nếu như có ai đó còn sống, trở về và đọc được những trang viết đầy máu lửa của cuộc đời anh. 


Sáng sớm ngày 20-7-1980, trên đường đi truy quét định, tiểu đội của Trần Duy Chiến đã không may sa vào ổ phục kích của chúng. Tiểu đội chỉ có 5 người, mỗi người đi cách nhau 10 mét, Chiến là A trưởng nên đi đầu. Một quả mìn địch gài trên đường bất ngờ phát nổ, đã khiến một đồng đội đi sau Chiến bị thương vào đầu, còn anh bị trọng thương, nát chân phải. Đồng đội kể lại: Trước khi kiệt sức vì mất máu nhiều, Chiến còn bắn hết một băng AK về phía bọn địch, rồi mới gục xuống. Khi lực lượng tiếp viện của ta lên tới nơi, thì Trần Duy Chiến đã hy sinh. Khuôn mặt của anh bị bọn địch bắn nát, không thể nhận ra. 


Anh Nguyễn Văn Chính, người bạn đồng hương thân thiết nhất, cùng đại đội, mà nhiều lần Trần Duy Chiến đã nhắc tới trong nhật ký, kể lại: Chính anh là người đã trực tiếp vuốt mắt cho Chiến. Hồi đó, mặt trận này rất ác liệt, mấy ngày sau, khi chiếc xe tô chở thi hài Chiến và một số liệt sĩ khác về gần tới Pai-lin, lại bị trúng mìn chống tăng lần nữa. Xe cháy và hỏng hết. Thêm một cán bộ của ta hy sinh. Như thế, có thể nói Trần Duy Chiến đã hy sinh tới hai lần! 


Năm 1984, hài cốt của Trần Duy Chiến được quy tập từ Cam-pu-chia về nước. Hiện ngôi mộ của anh được đặt tại nghĩa trang Thuận Giao, tỉnh Sông Bé. 

Từ 25 năm trước, vào đúng ngày Trần Duy Chiến hy sinh, đồng đội phát hiện trong ba lô di vật của anh có một cuốn sổ bìa xanh, đã ghi chép gần kín. Lẽ ra, cuốn sổ này đã bị đốt đi, nhưng một chiến sĩ đã giữ lại chỉ với mục đích để... xé dần làm giấy cuốn thuốc lá. Biết đó là cuốn nhật ký quý báu của Chiến, anh Nguyễn Văn Chính đã phải liều lấy 8 quả pin đèn (dùng cho thông tin) để đổi, khiến sau đó anh suýt bị kỷ luật. (Hồi đó ở chiến trường Cam-pu-chia, pin để nghe đài rất quý hiếm). Nhưng cũng nhờ thế, mà cuốn sổ ghi chép 186 trang, dày đặc chữ, nhiều chỗ đã ố vàng, nhoè mờ vì mồ hôi và mưa nắng của Trần Duy Chiến, đã còn lại cho đến hôm nay. Và bạn đọc đã biết đến tập nhật ký đang có trên tay. 


Để bạn đọc dễ theo dõi, khi biên soạn cuốn sách này, chúng tôi đã chia nội dung nhật ký ra làm 12 phần nhỏ và phần phụ lục thơ. Mỗi phần, chúng tôi đặt tên theo từng chủ đề khác nhau và trích một đoạn nhật ký ấn tượng nhất, in chữ đậm để thay lời dẫn. 


Thật tình cờ và ý nghĩa, qua một số đồng nghiệp, chúng tôi đã liên hệ được với Đại tá Nguyễn Văn Hồng (tác giả của cuốn hồi ức "Cuộc chiến tranh bắt buộc" - NXB Trẻ, năm 2004; nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 4), người chỉ huy cao cấp của anh lính Trần Duy Chiến năm xưa tại chiến trường Cam-pu-chia. 


Đại tá Nguyễn Văn Hồng hiện đã nghỉ hưu và đang sống tại số 212, đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh (điện thoại: 0913957777). Rất có thể tại chiến trường nước bạn cách đây 25 năm, vị Đại tá Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh anh hùng ấy chưa gặp Trần Duy Chiến lần nào. Nhưng khi nhận được bản thảo chúng tôi chuyến đến, ông đã rất xúc động, dành thời gian nghỉ ngơi của mình nhiệt tình đọc, góp ý, sửa lỗi chính tả và viết thêm chú thích cho cuốn sách này (những đoạn in nghiêng, bằng co chữ khác). 
Không chỉ có vậy, bằng tất cả tình cảm của một vị chỉ huy sư đoàn dành cho người lính của mình đã ngã xuống tại chiến trường năm xưa, Đại tá Nguyễn Văn Hồng đã gửi cho chúng tôi một số ảnh tư liệu của Sư đoàn 309 và viết những dòng cảm nhận dưới đây: 

"Qua những trang nhật ký xúc động lòng người của liệt sĩ Trần Duy Chiến, một lần nữa cho ta thấy ý chí chiến đấu, niềm ước mơ khao khát, lòng nhớ thương cháy bỏng quê hương, gia đình của tác giả. Anh đã đại diện cho một thế hệ làm nên lịch sử của quân đội ta, dân tộc ta. Giai đoạn lịch sử nào cũng có những lớp người làm nên lịch sử. Thế hệ của Chiến là thế hệ sau 30-4-1975, lẽ ra phải được ngồi trong giảng đường là trụ cột trong công cuộc kiến thiết đất nước sau ngày giải phóng... 

Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, theo tiếng gọi của Đảng, lớp thanh niên ấy lại xung phong ra trận. Trong mọi hoàn cảnh gian khổ, hy sinh... họ vẫn yêu đời, tin tưởng vào ngày toàn thắng, làm xong nhiệm vụ mới trở về quê mẹ thân yêu. 

Là người chỉ huy của một sư đoàn đảm nhiệm trên một hướng then chốt của mặt trận, tôi thực sự xúc động và cảm phục những người lính như Trần Duy Chiến. Tôi đánh giá cao sự hy sinh của những đồng đội như các anh. 

Qua những trang nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến, thay mặt các thế hệ chiến sĩ của Sư đoàn bộ binh 309, một lần nữa, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, người thân của anh. Chúng tôi cũng rất mong thế hệ trẻ hôm nay hãy đọc cuốn nhật ký này, học tập, noi gương những người lính như Trần Duy Chiến, để Tổ quốc ta mãi mãi được sống trong hoà bình và thịnh vượng". 


Xin được mượn lời của Đại tá Nguyễn Văn Hồng để thay cho đoạn kết bài giới thiệu cuốn sách này.

Nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến



« vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 10:19:51 PM »


Tác giả: Nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến
Biên soạn: Đặng Vương Hưng
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Năm xuất bản: 2005
Số hoá: ptlinh

Có một người lính xa Đà Thành “Tây tiến”, mang tên Trần Duy Chiến

Lời tựa của nhà thơ
Đặng Vương Hưng

Xin được nói ngay rằng: Trần Duy Chiến không phải thế hệ những người lính cùng thời với nhà thơ Quang Dũng - tác giả của bài “Tây tiến" bất hủ. Bởi Quang Dũng viết "Tây tiến" trong kháng chiến chống Pháp, còn nhật ký của Trần Duy Chiến được viết trong Cuộc chiến tranh giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Cam-pu-chia. Cuộc chiến đấu của họ cách nhau gần 30 năm, nhưng lại có một điểm chung, đó là: Cùng hành quân về phía Tây, cùng chiến đấu xa Tổ quốc, cùng tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế cao cả và bảo vệ quê hương yêu dấu... Vì thế, chúng tôi xin được mượn tứ của bài thơ để làm đề tựa cho cuốn sách này. 


Trần Duy Chiến sinh năm 1957, quê gốc tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhưng sinh trưởng tại, thành phố Đà Nẵng, (trong những trang viết của mình, Chiến rất thích gọi là “Đà Thành"). Chiến không phải là người lính của Cuộc kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ cứu nước. Nhưng anh được kế thừa và sinh trưởng từ hai cuộc kháng chiến đó, được ấp ủ bởi những giấc mơ và niềm tự hào của một dân tộc anh hùng. Và cuối cùng, anh đã trở thành một trong hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, tham gia “Cuộc chiến tranh bắt buộc" với tất cả tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh và ý nghĩa cao cả của nó. 
Những trang nhật ký của Trần Duy Chiến trong cuốn sách này mờ ra từ ngày 7-10-1978, khi anh mới nhập ngũ, huấn luyện tại Quân trường Mỹ Thị (Đà Nẵng) và khép lại vào ngày 25-6-1980, (trước khi anh hy sinh gần một tháng) tại vùng biên giới cực tây của đất nước Cam-pu-chia. 


Đọc nhật ký của Trần Duy Chiến, ta bắt gặp một con người lạ, một giọng điệu lạ, không khiên cưỡng trong một thể loại văn học hay nghệ thuật gì và cũng chẳng gò bó trong một cái khuôn khổ hay một sự chi phối nào,... tất cả cứ hồn nhiên mà giãi bày cảm xúc, nghĩ suy của cá nhân mình với cây cỏ, với thiên nhiên và với con người của một thời... 


Có thể nói qua những trang nhật ký của Trần Duy Chiến, lần đầu tiên bạn đọc hiểu được những tâm trạng, suy nghĩ, hành động rất thật của một người lính đã từng sống, chiến đấu và ngã xuống tại mặt trận 479 năm xưa. Hãy nghe anh tâm sự từ những ngày đầu nhập ngũ: "Có lắm lúc tôi muốn vụt bay ra khỏi quân trường này, nhưng liền sau đó lại thôi. Tôi không thể làm như thế được. Mọi người thanh niên đều nghĩ rồi làm như tôi, thì lấy ai đứng ra cầm súng giữ nước? Tôi không phải là cách mạng, nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu mình không trực tiếp cầm súng đứng lên để bảo vệ Tổ quốc, thì mình cũng sẽ chết sau khi giặc ngoại xâm chiếm được Tổ quốc mình."


Trần Duy Chiến đã quyết định ra đi chiến đấu từ những suy nghĩ giản đơn nhưng rất ý nghĩa như thế. Tuy anh chưa thật sự hiểu hết tính chất của cuộc chiến mình đang sắp tham gia. Không sục sôi như những tình khúc của tuổi trẻ một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai...”, nhưng sự ra đi của lớp thanh niên lúc bấy giờ mà Trần Duy Chiến là một đại diện vẫn chứa đựng nhiều chất bi hùng...


Xuyên suốt nhật ký của Trần Duy Chiến, là nỗi nhớ quê hương da diết đến khắc khoải - cái tâm trạng của những người đi xa... Những ngày đầu từ giã gia đình đến Tây Nguyên, thiên nhiên và con người nơi đây đã để lại trong anh những ấn tượng đẹp, nhẹ nhàng, bởi anh luôn nghĩ rằng đâu cũng là quê hương, là đất nước thân yêu của mình. Song từ trong sâu thẳm trái tim của người lính trẻ vẫn khôn nguôi day dứt khi nhớ về Đà Thành - nơi chôn rau cắt rốn, nơi tuổi thơ anh trôi qua thật êm đềm và đầy ắp kỷ niệm... 


Đến khi đã thật sự rời xa Tổ quốc, sống trong những khu rừng biên giới của Cam-pu-chia, nỗi nhớ ấy càng nhân lên đến xót xa, thậm chí có lúc còn tạo nên tâm lý u uất, chán chưởng không thể diễn tả được... Nhưng cũng như đồng đội, Trần Duy Chiến luồn xác định được vị trí và nhiệm vụ vẻ vang: Chiến đấu tiêu diệt kẻ thù cho bạn cũng chính là bảo vệ hòa bình cho quê hương Tổ quốc mình. Cho dù cuộc sống của người lính viễn chinh vô cùng gian khổ, khó khăn và thiếu thốn trăm bề. Ở những nới ấy, các anh hầu như không còn ý niệm về thời gian, mà dường như chỉ còn chỉ nhớ mang máng về những thời điểm, thời khắc, những đoạn đường mình đã đi qua, những ấn tượng ban đầu... Và tất cả những điều đó được Trần Duy Chiến diễn tả rất tự nhiên, rất sống động trong nhật ký.


 Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn

Ngày đầu ngồi gác trong đêm, giữa rừng sâu, lúc nào anh cũng nơm nớp lo sợ địch (trong nhật ký, anh thường ghi tắt là "K" - tức lính Pôn-pốt) mò đến phục kích. Chỉ cần một con sóc, con chồn lướt trên lá khô cũng làm anh giật mình thảng thốt... Cái chết luôn rập mình và nằm trong gang tấc: "Cứ mỗi chiều, khi chút nắng vàng còn đậu lại trên chóp đầu cây thốt nốt trước nhà, là tôi lại một lần lo lắng: không biết đêm nay địch có tập kích vào nơi tôi ở không? Đó là câu hỏi thường hiện lên trong tôi vào những lúc trời chập choạng tối. Để đến lúc ông mặt trời ló chiếc đầu đỏ hói từ phương đông nhìn sang, thì câu hỏi của tôi mới được trả lời - đêm qua địch không tập kích tôi vẫn còn sống và tiếp tục một ngày mới. Cứ thế ngày này nối ngày kia trôi nhanh qua trong sự lo lắng khiến tôi chẳng nhớ rõ ngày nào là ngày nào cả." (2-8-1979). 


Vậy mà sau những ngày dài hành quân truy quét địch mệt mỏi, tận mắt chứng kiến những xác người bị lính Khơme đỏ giết một cách man rợ trong những khu rừng, người lính ấy chai dạn dần, tự đặt ra những tình huống xấu sẽ xảy ra với mình, đón nhận những điều đau thương nhất một cách bình tĩnh... Chiến tranh dường như đã giết đi một phần tâm hồn của người lính trẻ. 


Tuy nhiên, không phải vì thế mà Trần Duy Chiến thôi không suy nghĩ, thôi không ước mơ. Những lúc rãnh rỗi, vắng tiếng súng địch, thậm chí ngay cả lúc đang đi truy quét hay phục kích anh vẫn đều đặn ghi nhật ký. Nhiều trang viết của anh thật sự là những trang ghi chép văn học với những cảm nghĩ đẹp lạ lùng: "Tôi như cánh cò hoang dưới chiều nhạt nắng, lang thang tìm chút dư hương trên đồng vắng lững lờ, không nơi trú ẩn. Cò bay mãi cho tôi được nhìn quê hương qua đôi mắt nhỏ. Tôi không mơ bạc vàng hay châu báu. Tôi chỉ giữ lại trong tôi một buổi chiều khi nắng vàng len lén vướng hồn tôi”. (11-12-1978). 


Một phần lớn những trang sổ ghi nhật ký của Trần Duy Chiến dành để chép những bài thơ do anh sáng tác. Bài ngắn chỉ có 4 câu, bài dài nhất "Một cuộc tình" anh viết ngày 8-2-1979 "để kỷ niệm mối tình tan vỡ" của mình dài tới 140 câu! Hơn 70 bài thơ như thế đã được Chiến làm trong khoảng thời gian hơn một năm. Rất tiếc, vì khuôn khổ số trang có hạn, nên trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ giới thiệu được 40 bài thơ của anh. Nhưng chừng ấy cũng đủ để chứng minh phẩm chất thi sĩ trong con người anh lính trận Trần Duy Chiến. 


Tôi có cảm giác Chiến làm thơ rất dễ dàng: Đi nướng sắn trong rừng, bỏ quên chiếc khăn tay, bị chỉ huy đơn vị phê bình, đi phục bị muỗi đốt... Hình như nỗi buồn vui nào cũng có thể khiến anh viết thành thơ. Tôi không vội vàng khi khẳng định rằng: nếu như không hy sinh, rất có thể Trần Duy Chiến sẽ trở thành một nhà thơ tài danh của đất nước! Những bài thơ có trong phần phụ lục của tập sách này chỉ là hé mở tài năng của anh - Một tâm hồn thi ca có thật, đã mãi mãi ra đi cùng hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Cam-pu-chia ngày ấy. 


Vì là người thích làm thơ, nên nhiều đoạn nhật ký của Chiến cũng viết như thơ văn xuôi. Đó chính là những trang "đoản văn" có rất nhiều trong nhật ký này. Và điều đó đã giúp cho những trang sách mềm mại, có không ít những giọt nước mắt và cả những nụ cười: "Tôi viết những dòng mà tim tôi không muốn viết. Tôi đọc những lời mà chính tôi không muốn đọc. Tôi đang nghĩ những lời mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi đã nói những lời mà hình như không phải tôi nói. Tim tôi còn đó hay đã mất rồi người ơi, tôi đang là tôi chăng?! 
Trái tim đang đập là tim của tôi chăng? Tôi không được biết nữa. Tôi đang sống cho người khác. Thân xác tôi không còn là của tôi. Ai đó đã lấy mất trái tim tôi, cướp mất hơi thở tôi. Đôi mắt tôi không còn nhìn thấy chung quanh. Mắt thấy chỉ còn là mắt người. Giờ đây tôi không còn là tôi nữa!" (10-11-1978). 


Để bạn đọc dễ theo dõi, tham khảo, chúng tôi đã dành toàn bộ phần phụ lục của cuốn sách để trân trọng giới thiệu một số bài thơ của Trần Duy Chiến. 

Có thể nói mà không sợ quá lời rằng những trang hồi ức xúc động và hay nhất có trong cuốn nhật ký này chính là những trang Trần Duy Chiến viết về mẹ. Và người mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của anh - nơi anh muốn chia sẻ những cảm xúc thật của lòng mình nhiều nhất: "Mẹ ơi! Con bắt đầu sợ cái bộ chiến y màu lá thắm mà con đang mặc. Nó là cái gì làm ngăn cách giữa con và mẹ? Nó ôm kín và dìu con vào những nơi có tiếng súng nổ, có sự chết chóc. Con sợ nó lắm mẹ ơi! Con muốn cởi trả nó lại cho đất nước để được về gần bên mẹ. Lúc mẹ ốm đau có đứa con trai bên mình cơm cháo thuốc thang, để chiều mưa không làm con ướt, để chiếc ba lô và khẩu súng không đè nặng mãi hồn con và lẽo đẽo theo con suốt cả tháng trời hành quân. Để đêm đêm con được yên lành trong giấc ngủ, để cánh rừng rậm không phủ kín được ước mơ của con... 


Tôi tin rằng những trang chữ ấy, đã được Trần Duy Chiến viết bằng cả trái tim và tấm lòng kính yêu mẹ, bằng tình ruột thịt mẫu tử mà không phải người mẹ nào cũng hạnh phúc có được "Mẹ kính yêu! Rồi mai đây trên vạn nẻo đường đất nước, lúc đứng bên lề biên giới, lúc ngoài biển khơi, lúc trên hải đảo xa xôi lúc đứng trước mặt quân thù. Hay lúc con gục xuống trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc... con đều thầm gọi tên mẹ. Lúc đó mẹ sẽ hiện ra trước mặt con như một bà tiên hiền dịu, an ủi con, khuyên nhủ con. Thế là con lại có đầy đủ nghị lực, xông ra phía trước tiêu diệt quân thù, hay đứng vững trước gió mưa lạnh buốt. 


Mẹ thân yêu của con ơi! Mẹ đừng buồn đừng nhớ và đừng khóc nghe mẹ. Ngày mai đây, khi dân tộc mình đã thoát khỏi vòng điêu linh chết chóc, đất nước mình thoát khỏi nạn ngoại xâm. Lúc đói con sẽ về bên mẹ, để mẹ được nhìn kỹ đứa con của mẹ sinh ra". (4-11-1978).

Góp Nhặt ...Một Thời Hoa Lửa...04



Dạ, xin chào anh alik21,

Trần Hữu Long về D3 đang trong thời gian tôi là B phó quyền B trưởng 12.7, và không ít lần đi phối thuộc với 3 C của D3. Có thể nói, thời điểm đó C nào cũng có thời gian nghỉ dưỡng, các B trực thuộc D, trừ 12.7  (cối 82, DKZ, 12.7, thông tin, trinh sát, vận tải) chỉ đi tác chiến khi đi cấp D. Hồi đó, trận nào cấp C mấy sếp cũng xin 12 phối thuộc. Lính 12.7 đi miệt mài sương khói, không thoát được trận nào.

Về các chi tiết mà anh nói, có thể do Trần Hữu Long nhớ lầm, hoặc do Huy Đức ghi lầm (ít có khả năng). Thể hiện ở mấy điểm như sau:

Quân số mỗi C bộ binh lúc đó không thể quá 40, và tổng vũ khí không quá 35, tôi nói là có căn cứ, vì tôi làm quân lực kiêm quân khí D3 một thời gian. Trí nhớ hay phản bội chúng ta, nhưng trong những lá thư tôi gửi về nhà, em gái tôi còn giữ lại, và hiện tại tôi giữ, có hai trang nháp của một tờ Báo cáo Quân số, Vũ khí trang bị, thời điểm 06-1985, (tôi chỉ viết thư trên một mặt) bản nháp này tôi ghi bằng bút chì, phần quân số tự tôi đã xóa ngay lúc đó, nhưng về phần vũ khí trang bị còn nguyên, xin ghi lại để các anh tham khảo:

C11: tổng VK=29 (K54=1; AK=21;RBD=3; cối 60=1; B40=3
C12: tổng VL= 31 (K54=1; Ak=23; RBP=2; cối 60=1; B40 = 3; B41=1
C13: tổng VK =31 (K54=1; AK= 23;RPD=3; cối 60=1; B40=2; B41=1

Theo báo cáo. tổng bộ đàm PRC 25 là 4

Nhìn vậy, đủ biết quân số và vũ khí trang bị của chúng ta eo hẹp thiếu thốn cỡ nào, nhưng quyết tâm chiến đấu vẫn cao. Thời điểm Trần Hữu Long về D3, lực lượng có bổ sung thêm nhờ đợt lính 86 đầu năm, nhưng quân số mỗi C vẫn không quá 50 được. Vũ khí thì khi diệt địch thu súng, ta vẫn phải nộp lên trên. Tôi nhớ thời gian làm quân lực D3, từ 06-85 đến 03-86, mỗi lần anh em thu súng AK bá gấp của địch, tôi lại thu súng AK bá gỗ Nga trả lại E và nhập sổ súng mới thu. Gần như sau này các C có nửa phần AK là bá gấp TQ mới toanh.

C12 (không phải C11) đúng là bị địch vây và trận đó đúng như Huy Đức ghi lại về thương vong và tên tuổi. Nhưng chi tiết thì tôi thấy buồn cười.
C12 không phải là đơn vị duy nhất bị tấn công ở thời điểm đó, D bộ, C11, C13 đều bị tập kích, nhưng không có thương vong. Tôi xin trích một phần nhật ký của mình để các anh hình dung tình thế hồi đó (tháng 12/86-tháng 1/87):

"Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là cái tết thứ ba của tôi ở đất nước này. Nhưng cái tết năm nay đến thật nặng trĩu. Tết của người lính thì vẫn vậy rồi, mà tình hình xem ra căng quá. Mối đe dọa đè lên từng giấc ngủ chập chờn. Thà là chúng đánh ngay, để rồi có như thế nào cũng được, sống trong tình trạng chờ đợi phập phồng thật là ức lòng quá lắm. Hừ, nếu có chết đi thì ta cũng sẽ chết ngay trên chiến hào đẫm máu của bọn bây thôi, lũ vô nhân khát máu! Mũi súng này chưa hề biết run sợ trước mặt quân thù."

Trận ngày 29 tháng 11 năm 1986 tổng số hy sinh là 39 chứ không phải 40, trong số 40 cán bộ chiến sĩ C13 vượt suối, chỉ còn sót lại một xạ thủ đại liên, còn lại một B bên này bờ suối (tôi nhớ hình như là B9). Trong số đó có Thượng úy Phan Đức Thành (anh em thường gọi là Thành Bụp), D phó, Trung úy Đặng Đức Thụ C trưởng, và một chiến sĩ thông tin E.

Có một chi tiết nữa trong Bên thắng cuộc, trước khi Trung úy Thụ đi, Long tháo băng đạn K54 của mình trao cho Thụ. Tôi cho đó là chi tiết xạo sự. Long là lính mới qua, chiến tích chưa nhiều, vả lại, có thu đạn thì thứ khác chứ K54 địch làm gì có. Long cho Thụ băng đạn của mình (nên nhớ, khi đó chưa ai biết là hậu quả tang thương đến thế) thì Long còn gì nữa? Đạn K54 phát rất hãn hữu. Tiêu hao báo cáo suốt thời gian tôi làm quân lực không hề có mục đạn K54. Trước và sau hầu như cũng thế, nhưng tôi chỉ dám chắc những gì mình biết. Đạn K54 đó. nào phải chiến lợi phẩm của Long để muốn cho thì cho, mà cho cũng chả có ý nghĩa gì. Tôi nghĩ đây là một chi tiết phịa nhất, tầm phào nhất trong chương 11 của Bên thắng cuộc.

Nói chung, Huy Đức chỉ là người ghi chép, tôi nghĩ anh ta không có lý do gì để bịa đặt, người bịa đặt là người kể chuyện. Trần Hữu Long là người cùng thời với tôi. Tôi không biết hiện anh đang ở đâu, nhưng nếu anh tình cờ đọc được mấy dòng này, tôi sẵn sàng đối chứng .

« Sửa lần cuối: Hôm nay lúc 08:38:03 AM gửi bởi nguyenthanhnhan »






  Nhân ơi, vấn đề là tác giả - theo như tự bạch - đã từng là lính, mà là lính ở K cũng tầm thời điểm đó (dù được đào tạo để làm nhiệm vụ khác chứ kg phải lính bb) tại sao kg nhận rõ cái khập khiểng số liệu quân số giữa các C bb trong cùng 1 D, cùng 1 thời điểm. Cụ thể C 13 trong trận phục kích đó được cho là hi sinh gần như cả C 39 người (kể cả khẩu đội 12ly8) vậy thì với quân số 110 người C 11 bằng 3 lần C 13 còn gì? Lại còn chuyện C mở kho vũ khí cấp thêm súng cho ae nữa kìa... có dữ kg?
Alik21
CÂU CHUYỆN VIẾT TIẾP...(TT).

    Đều đặn như thế, lại gần một tuần trôi qua, ngày nào chúng tôi cũng bị mìn trong nhiệm vụ thông, chốt bảo vệ đường nầy. Vẩn là tử sĩ đa phần hơn, vì hầu như ta không có bất kỳ loại phương tiện nào che chở người lính vào thời điểm đó chống lại những mảnh mìn KP2 nổ gần. Tuy nhiên cũng có một số ca bị thương, nguyên nhân không phải vì mìn bọn chúng gài bị lép hay vì sức sát thương của mìn bị giảm. Mà vì một là một số trái chúng bố trí không được vững chắc, nên khi kéo dây bị lệch vị trí trước khi nổ, khiến mìn lệch, mảnh mìn tập trung về hướng khác. Thứ hai, là một số tên có vẻ tâm lý không cứng nên giật mìn hơi sớm. Rồi một nguyên nhân nữa, là bọn chúng lấy điểm chuẩn để giật mìn chưa chính xác. Sau nầy khi chúng tôi bắt đầu lùng sục vào các vị trí nằm phục kích của chúng, thường là các ụ mối hay gốc cây to. Mới phát hiện thường chúng chiếm lỉnh xong vị trí, chúng sẻ chặt một thân cây nhỏ phía trước làm điểm ngắm chuẩn. Sau đó chúng gióng ra trục đường đến một điểm chuẩn nào đó rồi ghi nhớ. Xong chúng rải dây, vận động ra gần trục đường bố trí mìn, rồi quay về vị trí ẩn nấp chờ đợi. Muốn giật mục tiêu nào chúng chờ mục tiêu đi tới điểm chuẩn là giật. Do có lúc khoảng cách khá xa, chúng xác định không chính xác. Hoặc quá trình vận động ra, chúng chọn vị trí giật không đúng với xác định ban đầu.

   Chỉ có vài trường hợp thoát chết trong gang tấc đó thôi, được anh em đánh giá là quá cao số. Nhưng rồi ai cũng biết cơ hội nầy chắc chỉ có một lần. Vì trong những lần công tác sau khi tới lượt nữa, chưa chắc anh lại có cái may mắn lần thứ hai. Những thằng lính mới có vài tháng va chạm như chúng tôi thì hầu như chấp hành nhiệm vụ tốt đến mù quáng, chỉ có tới lượt là đi, tâm trạng cứ phập phòng, sợ bị giật mìn, lại sợ bị kỷ luật nếu nổ súng bừa bải nên vẩn còn rất thụ động. Nhưng các đàn anh trong đơn vị chúng tôi bắt đầu có những phản ứng rất điên người. Có người đi đầu chẳng thèm rà mìn gì hết, cứ vác cây lên vai mà bước xăm xăm, có anh mang theo 5, 6 băng đạn, vừa đi vừa bắn từng loạt về hướng địch, miệng thì la:" Thằng nào nhát thì đi xa tao ra..." Nói chung là có lúc cũng đủ trò, đủ kiểu. Đời lính nghĩ lại nhiều lúc thật buồn cười, lúc có thể núp né gì được thì tìm mọi cách để né tránh, còn không né đâu được thì mặt mủi lại lạnh tanh, chẳng sợ thằng nào.

   Nhưng gì thì gì, đa phần chúng tôi đều hiểu rằng, không thể lấy thịt xương để đối chọi với mảnh mìn, mà lại là mảnh mìn KP2, nên nhiều khi nhìn những hành động điên rồ kia thật tình không cảm thấy thích thú lắm.

   Rồi lại đến lượt duc thao làm nhiệm vụ thông đường. Từ vạch xuất phát vẩn bài bản như mọi khi. Vẩn 5 tay súng hai hỏa lực, vẩn đi thứ 2 không có gì thay đổi. Chỉ có lúc nầy bắt đầu biết quan sát, hổ trợ đồng chí đi đầu khi cần, và có thể gở được mìn trái với cách gài đơn giản của địch. Chúng tôi lặng lẻ vượt qua chốt c5 với một tâm trạng khá bình thường, vì đã bắt đầu quen với công tác. Qua những đoạn rậm rạp như mọi khi chúng tôi bắt đầu đi thật chậm lại. Đồng chí đi đầu thì dùng cây rà thật kỷ từ dưới lên trên, quan sát kỷ trên đường và bước lên từng bước một. Với khẩu B40 trên tay, duc thao lại quan sát ra xung quanh, nhất là hướng bắc đường. Lúc nầy đã tập được một số phản xạ, nhất là mắt nhìn đâu, đạn quay đến đó. 

  Bất ngờ một tiếng nổ vang lên phía trước. Vừa nghe tiếng mìn nổ, duc thao vội ngồi thụp xuống quan sát lên trên. Không biết có ai đã từng gặp hoàn cảnh như duc thao lúc nầy không ? Đầu tiên duc thao rất mừng khi nghe phía trước từng loạt AK vang lên, chứng tỏ đàn anh phía trước không hề gì. Nhưng sau đó bắt đầu phát hoảng khi nghe tiếng AK chói tai hướng về phía mình. Vội nằm sát xuống đất quan sát, duc thao thấy một khuôn mặt đầy máu đang nhìn về phía mình. Rồi rất nhanh chóng anh lại quay về hướng khác nổ súng tiếp. Một cảm giác sợ đến thót ruột xuất hiện trong bụng duc thao, khi lúc nầy phát hiện ra đàn anh của mình đã bị thương khá nặng và đang mê sảng, không còn phân biệt gì hết, cứ giương súng bắn ra xung quanh. Lấy hết hơi duc thao gào thét mong anh nghe thấy. Nhưng vô ích, anh vẩn đều đặn bắn ra mọi hướng mà anh xoay được. Cứ mỗi lần anh quay về hướng nầy, thì duc thao như thót tim, thậm chí mấy anh em phía sau cũng vậy. Nhưng do không thấy rỏ chuyện gì, mỗi lần bị nổ súng, anh em lại gào thét ỏm tỏi.

   Chỉ vài phút đồng hồ nhưng đối với duc thao lại là một quảng thời gian quá dài lúc đó. Cho đến khi anh không còn bắn được duc thao vẩn không dám mò lên. Ba lần ám hiệu bắt liên lạc không thấy anh phản ứng gì, lúc đó những anh em phía sau mới dám vận động lên, thì anh đã tắt thở.

   Cho mãi đến bây giờ, không còn sâu đậm như xưa, nhưng phải nói nhắm mắt lại duc thao vẩn còn hình dung ra cảnh tượng kinh hoàng đó.

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Ngôn Ngữ Gổ ....




Khói lửa Dương Nội

Th138heo Cầu Nhật Tân ( tại đây):” Đúng 9h30 sáng nay, ngày 31/1/2013, một cuộc tấn công phối hợp đa binh chủng đã được chính quyền phát động nhằm chiếm lĩnh cứ điểm mà dân Dương Nội đang cầm cự. Quan sát lực lượng chính quyền như sau: hơn 200 lính đủ các binh chủng hợp thành như công an, dân phòng, đầu gấu, thanh tra giao thông với vũ khí nóng, lạnh hiện đại. Ngay từ đầu, chiến sự đã diễn ra vô cùng ác liệt trong thế giành giật một mất một còn. Sau gần 1 tiếng đánh giáp lá cà với nông dân chỉ có trống kẻng, hoả công, phân thối thì lực lượng đa binh chủng của chính quyền đã buộc phải tháo chạy. “
Những hình ảnh trong clip dưới đây cho thấy cuộc đấu tranh sinh tử của bà con giữ đất. Nếu biết đó là  cuộc đấu tranh trong tuyệt vọng, sẽ ít ai cầm được nước mắt.

http://youtu.be/0AeAAcwRYlY


Từ đất mà ra


Nguyễn Vạn Phú
IMG_4309NQL: “Nếu chúng ta để cho tư nhân chiếm đất thành địa chủ, và để cho tư nhân chiếm đoạt, khai thác tài nguyên, trở thành tư sản, thì còn gì là Xã hội Chủ nghĩa, còn gì là Đảng Cộng sản nữa?!” Ai nói câu này? Xin thưa, đó là lời vàng ngọc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Lào Cai ngày 6/1/2013. Theo đó thì những kiến nghị về sửa đổi luật đất đai chỉ là nước đổ lá khoai.
Trường hợp 1: Doanh nghiệp A. viết một dự án rất thống thiết, xin địa phương cấp đất để xây nhà máy, hứa hẹn đem lại nhiều công ăn việc làm cho địa phương. Sau khi được cấp đất, doanh nghiệp này bèn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dùng phần lớn diện tích để “phân lô bán nền”. Người dân trước đó bị giải tỏa nhường đất để xây nhà máy nay khiếu kiện liên miên vì không chịu nổi sự bất công mất đất cho người khác làm giàu.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp B. được cấp một mảnh đất với tổng giá trị 80 tỷ đồng. Ngay sau đó một thời gian doanh nghiệp này sang nhượng mảnh đất này cho một doanh nghiệp khác, có dây mơ rễ má với nhau, với giá được kê khống lên thành gần 600 tỷ đồng. Mảnh đất được dùng để thế chấp, vay tiền ở ngân hàng đến 300 tỷ đồng. Dù đất đóng băng, hai doanh nghiệp này vẫn đã hưởng những khoản lời khổng lồ còn ngân hàng ôm một cục nợ xấu.
Trường hợp 3: Công ty địa ốc C. lập dự án bất động sản, chi phí ban đầu bỏ ra chừng 100 tỷ đồng nhưng nhờ cơn sốt đất đai mấy năm trước định giá dự án đến 500 tỷ đồng. Bản thân dự án được thế chấp để vay vốn ngân hàng được đâu 300 tỷ đồng. Công ty này thu hồi ngay 100 tỷ đồng chi phí ban đầu, bỏ túi thêm 100 tỷ đồng tiền xem là lãi, còn 100 tỷ đồng đang xây dựng dở dang. Nay thị trường suy sụp, công ty bỏ mặc dự án cho ngân hàng; ngân hàng không thu hồi được nợ, cũng không dám xem nó là xấu vì như thế phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều. Họ cứ tìm cách đảo nợ, nuôi dự án chờ bất động sản được cứu.
Đây chỉ là một vài ví dụ minh họa cho muôn vàn bi hài kịch mà nền kinh tế và người dân đang gánh chịu, tất cả cũng vì đất mà ra. Mặc dù những trường hợp này được công khai trên báo chí trong thời gian gần đây, thiết tưởng nó là loại chuyện ai cũng biết từ lâu. Vì sao không ai can thiệp?
Với địa phương, tiền sử dụng đất thu từ những dự án trên địa bàn là nguồn thu ngân sách béo bở, dễ kiếm, dễ thu, chiếm một tỷ trọng lớn trong ngân sách, không ai dại gì bỏ qua. Có dự án, có ký giấy tờ tức là có xin-cho, một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng được khích lệ phát triển ở khắp mọi nơi.
Với ngân hàng, những năm chạy đua tăng trưởng tín dụng, nhất là những năm kích cầu bù lãi suất, họ không dại gì không cho vay nhất là khi cứ tưởng nắm chắc thế chấp là đất đai đang lên giá từng ngày là nắm đằng chuôi. Không loại trừ tín dụng ngân hàng còn đổ vào các công ty địa ốc sân sau của một số cổ đông lớn bất kể thiệt hại trong tương lai cho ngân hàng. Cuộc đua này làm nảy sinh tình trạng sở hữu chéo giờ vẫn còn là mớ bòng bong.
Với doanh nghiệp, một khi mức lợi nhuận từ hoạt động truyền thống không bao nhiêu, lại nóng ruột vì đồng nghiệp lao vào địa ốc đang thắng lớn, rất dễ bị cám dỗ đổ vốn vào địa ốc. Đây là một canh bạc đang làm nhiều doanh nghiệp thua trắng khi đồng tiền lãi ít ỏi của hoạt động chính phải gánh chi phí tài chính nặng nề từ những dự án địa ốc dang dở.
Chừng đó thực tế cũng đủ để mọi người phải thức tỉnh để ít nhất lần sửa Luật Đất đai sắp tới phải cân nhắc những điều khoản nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đất để thao túng nhiều hoạt động kinh tế.
Trước tiên, không ít thì nhiều, cố tình hay ngẫu nhiên, chính những bên tham gia, gồm doanh nghiệp, ngân hàng và chính quyền địa phương đã thay nhau đẩy giá đất lên cao, tạo ra bong bóng bất động sản. Cứ tưởng giá cao giúp thu được nhiều thuế, tăng lợi nhuận nhưng thật ra rốt cuộc giá cao gây thiệt hại cho tất cả. Chi phí làm ăn ở Việt Nam ngày càng lớn một phần do giá đất tăng vọt trong nhiều năm trước, không nhà đầu tư nghiêm túc nào chịu nổi.
Chuyện đó cũng chưa quan trọng bằng số phận của những người dân có đất bị thu hồi, đang chịu phần thiệt thòi nhiều nhất, đang cầm đơn đi khiếu kiện khắp nơi. Đây là nơi chất chứa mọi sự bất công của một thị trường méo mó, nhân danh phát triển để hưởng lợi trên lưng người dân. Áp lực xã hội, sự đổ vỡ về văn hóa, niềm tin đang là vấn đề gay gắt nhưng thường bị bỏ qua.
Phải sửa luật sao cho việc thu hồi đất của người dân là chuyện “vạn bất đắc dĩ” và không được dùng hai chữ “thu hồi”. Nếu có trưng mua đất của dân thì phải thương lượng với họ một cách sòng phẳng, quyền lợi của người có đất bị trưng mua phải được bảo vệ một cách chặt chẽ. Luật Đất đai 2003 quy định bốn trường hợp cụ thể Nhà nước “thu hồi” đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế gồm: “Đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ” nhưng thực tế chính quyền địa phương nhiều lúc cứ mạnh tay thu hồi đất của dân chỉ để trao cho một doanh nghiệp nào đó. Hạn chế quyền thu hồi đất của chính quyền cơ sở để luật pháp khỏi bị lợi dụng là một bước khởi đầu cần thiết.
Cao hơn hết, nếu đất có chủ thật sự, tức người dân được trao quyền sở hữu mảnh đất họ đang sử dụng lâu dài và hợp pháp, phần lớn các câu chuyện lợi dụng đất nói trên đã không thể xảy ra. Ngược lại, lúc người dân được làm chủ thật sự mảnh đất của họ, đất sẽ sản sinh sự giàu có cho xã hội tương tự câu chuyện khoán 10 năm xưa. Chúng ta đã không thừa nhận “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” cho nền kinh tế thì tại sao không áp dụng tinh thần này cho người nông dân vì đất chính là tư liệu sản xuất chủ yếu của họ. Hiến pháp đang được sửa đổi, bổ sung. Tại sao không nhân cơ hội này sửa điều 57 để không nói đất đai “là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” nữa mà thừa nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai, gồm cả sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước.
h138
9h30 sáng nay, ngày 31-1 chính quyền phường Dương Nội đề nghị quận Hà Đông ra quân đàn áp dân giữ đất. Lực lượng hơn 200 gồm dân phòng, đầu gấu, công an, thanh tra giao thông. Sau gần 1 tiếng với trống kẻng, hoả công, phân thối thì lực lượng đàn áp đã tháo chạy“. ( Theo BS)



những dấu hỏi

từ trái tim trong veo những vần thơ lả tả rơi như lá mùa thu
lá đến kỳ phải rụng
và thơ cũng thế.

những lá rụng có thể trở thành dưỡng chất cho mùa sau
còn thơ thì sao?

từ đôi mắt trong veo những giọt lệ rưng rưng, đầy tràn và chạy dài xuống mặt
nước mắt bắt nguồn từ buồn đau
người già không còn nước mắt nữa, em yêu thương
nỗi đau có còn đường nào để chảy tới đại dương?

nỗi buồn của nhà thơ không còn làm được bài thơ nào
nỗi buồn của thằng bé đánh giày một ngày thất thu
nỗi buồn của em bé bán vé số một ngày ế ẩm
nỗi buồn của cô điếm già tê chân đứng mãi ở một góc phố tối
nỗi buồn nào lớn hơn?

những thằng chính khách đang bán đứng đất nước
có bao giờ trong đầu chúng nảy ra những câu hỏi
có bao giờ trong đầu chúng tồn tại nỗi buồn
như nỗi buồn của nhà thơ, của em bé bán vé số, của thằng bé đánh giày, của người điếm già nấp mình dưới bóng tối ô nhục?