Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Sách Mới _ Chết dưới tay Trung Quốc



Web: boxitvn.net
Blog: boxitvn.blogspot.com



Chết dưới tay Trung Quốc

ĐỐI ĐẦU VỚI CON RỒNG TRUNG QUỐC – LỜI KÊU GỌI THẾ GIỚI PHƯƠNG TÂY HÀNH ĐỘNG
Peter Navarro
Dịch giả: Nhóm dịch thuật cựu học sinh AIT
Kỳ 1 – Những lời khen ngợi dành cho “Chết dưới tay Trung Quốc”
Từ 5/11/2012 đến nay Bauxite Việt Nam đã đăng rải rác một số chương của cuốn Chết dưới tay Trung Quốc với bản dịch của TS Lê Minh Thịnh và nhóm của ông. Vừa đây, chúng tôi nhận được bản dịch toàn bộ cuốn sách Chết dưới tay Trung Quốc của Nhóm dịch thuật cựu học sinh AIT. Bauxite Việt Nam xin lần lượt đăng lại từ đầu cuốn sách này mỗi ngày một kỳ cho đến hết để độc giả tiện theo dõi. Rất cám ơn Nhóm dịch thuật cựu học sinh AIT đã gửi tặng bản dịch.
Bauxite Việt Nam
“Bản thân tôi đã thoát khỏi nanh vuốt của đảng Cộng sản Trung Quốc và bây giờ được hưởng một cuộc sống tự do ở Mỹ. Tất cả mọi người ở đất nước mà tôi yêu mến này cần phải hiểu rằng sự xâm lăng đối với quyền con người của chính phủ Trung Quốc không chỉ dừng lại ở biên giới Trung Quốc. Các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc tin rằng họ đang chiến đấu chống nền dân chủ và tự do, và chống lại bất kỳ chính phủ nào đang hỗ trợ các giá trị này. Chết dưới tay Trung Quốc là cuốn sách hoàn hảo để giải thích những nhà chiến lược của Bắc Kinh đang chiến đấu và đưa cuộc chiến tranh đó ra toàn thế giới như thế nào”.
 Li Fengzhi, cựu đặc vụ, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc

“Tại thời điểm có nhận thức cho rằng Trung Quốc là cường quốc tiếp theo của thế giới, cuốn sách này sẽ đặt sự chú ý vào một khía cạnh khác của Trung Quốc, một đất nước dường như không sẵn sàng là một thành viên có trách nhiệm của tình hữu nghị và tôn trọng giữa các quốc gia. Thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc xem xét hiện thực Trung Quốc này không chỉ gây bất lợi cho phần còn lại của thế giới, mà chủ yếu cho người Trung Quốc, Tây Tạng, và những người đang phải hàng ngày đối mặt với các hậu quả này”.
 Bhuchung K. Tsering, Phó chủ tịch, Chiến dịch quốc tế vì Tây Tạng
“Là một nhà báo được sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc và đã viết báo về Trung Quốc trong nhiều năm, tôi rất ấn tượng với sự hiểu biết rộng lớn của các tác giả về các vấn đề của Trung Quốc và quan trọng nhất là sự hiểu biết rõ ràng và sáng suốt nội tình Trung Quốc và mối quan hệ với Mỹ”.
— Simone Gao, Người dẫn chương trình và nhà sản xuất giành nhiều giải thưởng của chương trìnhZooming In, TV triều đại Đường mới
“Sự mở mắt quan trọng cho tất cả người Mỹ, Chết dưới tay Trung Quốc là một cuốn sách phải đọc trước khi đi mua sắm tiếp ở Walmart – hay có thể là đi xếp hàng người thất nghiệp”.
— Stuart O. Witt, Tổng giám đốc, Cảng hàng không và vũ trụ Mojave; Phi công thử nghiệm; tốt nghiệp USN TOPGUN
“310 triệu người Mỹ nên bắt đầu nghe những gì Peter Navarro và Greg Autry viết trong Chết dưới tay Trung Quốc - về việc 1,3 tỷ người dân Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của một chế độ độc tài toàn trị đang hủy hoại kế sinh nhai của họ như thế nào. Tiếng chuông tự do của cuốn sách này nên đánh thức các nhà lãnh đạo Mỹ ra khỏi giấc ngủ của họ để họ cuối cùng – cuối cùng – nhận ra rằng các chính sách kinh tế của Trung Quốc đang làm phá sản Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Navarro và Autry mô tả việc này đơn giản nhất có thể, và quan trọng là chỉ ra cách để Mỹ đối phó với mối đe dọa này”.
 Richard McCormack, Nhà xuất bản và biên tập, Manufacturing & Technology News
“Giống như Paul Revere thời hiện đại, cuốn sách này đưa ra những cảnh báo khẩn cấp nhất về một Trung Quốc với tư tưởng con buôn, bảo hộ và đang quân sự hóa nhanh chóng, đang phá hủy một cách có hệ thống nền kinh tế Mỹ dưới biểu ngữ giả dối về “tự do” thương mại – và cùng lúc đó làm suy yếu nghiêm trọng phòng thủ quốc gia của chúng ta. Mọi người dân Mỹ cần đọc cuốn sách này và tất cả các Nghị sĩ Mỹ phải luôn mang nó bên mình”.
Ian Fletcher, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng
“Một phát súng trường cực mạnh nhắm trúng điểm chết ngay hồng tâm Bắc Kinh”.
 Dylan Ratigan, Người dẫn chương trình MSNBC’s The Dylan Ratigan Show

Chết dưới tay Trung Quốc là minh chứng tiếp theo cho việc chúng ta đang gieo những hạt giống cho sự sụp đổ của chính chúng ta. Navarro và Autry thể hiện chi tiết cách thức mà cộng sản Trung Quốc ăn cắp công ăn việc làm và công nghệ Mỹ, bán lại cho chúng ta sản phẩm kém chất lượng, và sau đó sử dụng lợi nhuận thu được để chế tạo các loại vũ khí đe dọa toàn thế giới. Cuốn sách này gây sốc và là một cuốn sách phải đọc đối với tất cả mọi người”.
 Paul Midler, Tác giả của Sản xuất kém chất lượng tại Trung Quốc

Chết dưới tay Trung Quốc không chỉ mô tả chính xác tầm cỡ các mối đe dọa quân sự và kinh tế của một Trung Quốc đang lớn mạnh. Các tác giả còn chỉ ra một cách chính xác và dứt khoát những doanh nhân phản bội và những kẻ biện hộ cho Trung Quốc ở Mỹ, những người đang giúp đỡ mọi mặt cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, trừ hòa bình”.
                                                                             — Alan Tonelson, Chuyên gia nghiên cứu, Hội đồng thương mại và công nghiệp Mỹ, AmericanEconomicAlert.org

“Lời kêu gọi hành động này nghiên cứu một cách cẩn thận và đưa ra chi tiết về những hiểm họa hiện hữu và rõ ràng – mà một Trung Quốc đang lớn mạnh nhưng không đếm xỉa đến hòa bình, gây ra cho thế giới. Bằng cách đó, nó khiến cho chúng ta phải đối mặt với sự thật không thể tránh được: Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ phải đối mặt gần như chắc chắn với cái Chết dưới tay Trung Quốc”.
 Nghị sĩ Dana Rohrabacher, Quận 46 (Đảng Cộng hòa, CA)

“Tôi đã từ lâu quan tâm đến thách thức quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Mỹ và các đồng minh của chúng ta, nhưng “Chết dưới tay Trung Quốc” tiết lộ chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc hiệp đồng tấn công trên nhiều mặt trận. Các tác giả đưa ra các tài liệu chứng tỏ Bắc Kinh đang sử dụng các vũ khí kinh tế của chủ nghĩa con buôn và thao túng tiền tệ kết hợp với hoạt động gián điệp, chiến tranh internet, vũ khí không gian, độc quyền nguồn tài nguyên, và trộm cắp công nghệ để đạt được sự thống trị như thế nào. Trong quá trình này, các thế mạnh kinh tế và địa chính trị cơ bản làm nền tảng cho ưu thế quân sự của Mỹ đang bị xói mòn một cách có hệ thống trong khi Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán trong các tranh chấp trong khu vực. Mỗi nhà lãnh đạo chính trị và quân sự phương Tây nên đọc cuốn sách này. Ngay bây giờ!”.
— Jon Gallinetti, Thiếu tướng, Lính thủy đánh bộ Mỹ, đã nghỉ hưu
“Một tài liệu tổng kết lạnh người về sự tích tụ cơn bão Trung Quốc. Cú rơi tự do trong không gian mà cá nhân tôi đã từng trải qua được thể hiện rất phong phú. Cú rơi tự do mà tôi cảm nhận nước Mỹ đang phải đối mặt dưới sự thống trị của Trung Quốc thực sự đáng lo ngại”.
Brian Binnie, Sỹ quan chỉ huy Hải quân Mỹ, đã nghỉ hưu; phi công thử nghiệm;
phi hành gia thương mại và người giành giải thưởng Ansari X

“Xin được cảnh báo trước: Một khi bạn bắt đầu đọc, bạn sẽ không muốn dừng lại. Chết dưới tay Trung Quốcphơi bày những nước cờ quan trọng, thường bị bỏ qua, và đôi khi cố tình bị che giấu trong một ván cờ toàn cầu tầm cỡ. Navarro và Autry đã lên tiếng báo động, kêu gọi thế giới tự do hãy hành động vì lợi ích và tương lai của mình. Thật ấn tượng, họ cũng kêu gọi cả Trung Quốc”.
 —Damon DiMarco, Tác giả của Các câu chuyện về các tòa tháp: lịch sử bằng lời nói của sự kiện 9/11 và đồng tác giả Hai nước Trung Quốc của tôi: Hồi ức của một người Trung Quốc phản cách mạng với Baiqiao Tang
“Tại thời điểm này, các quan chức Trung Quốc đang đầu độc thuốc của bạn, gây ô nhiễm không khí của bạn, và phá hoại các quyền tự do của bạn. Nếu bạn là người Mỹ, Ấn Độ, hay Nhật Bản, họ đang có kế hoạch gây chiến với đất nước của bạn. Bây giờ là thời điểm tốt để đọc cuốn sách này”.
Gordon Chang, Tác giả của Sự sụp đổ đang đến của Trung Quốc

Nhóm dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Ai bảo vệ . . .????



12-07-2013

Chặt cờ và treo cờ…

Hà Văn Thịnh 

Tàu cá  QNg 36382 TS bị bắn cháy rụi ca bin tại ngư trường HS ngày 20/3/2013
Một người bạn được mời dự Hội thảo về Biển Đông ở Quảng Ngãi cách đây ít lâu có kể với tôi rằng, điều đau đớn và nhục nhã nhất là khi biết chuyện ngư dân ta, mỗi lần đi đánh bắt xa bờ,muốn sống, an toànPHẢI treo cờ Tàu (!)? Tôi hỏi lại tại sao chẳng thấy báo chí nói gì thì “bị” ngộ tiếp là Hội thảo đó có cho báo chí tham dự đâu mà tin với tức!


Câu chuyện khó tin ấy cứ ám ảnh, làm tôi băn khoăn mãi cho đến ngày đọc thấy trên BBC, 9.7.2013: Tàu cá Việt Nam “bị tấn công, chặt cờ”. Thì ra, cái sự thật kinh hoàng đó bị bưng bít, để hóa thành “đối tác chiến lược toàn diện” với kẻ láng giềng tham lam, độc ác, tráo trở rất có thể là chuyện thường ngày…

Bài báo của BBC cho độc giả biết thuyền trưởng tàu QNg 96787 TS, ông Võ Minh Vương, nói tàu của ông bắt đầu ra khơi từ ngày 4/7 và đến ngày 9/7 thì dừng lại gần đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa… Ông Vương cho biết khi tàu của ông đang neo đậu thì một chiếc tàu trắng xuất hiện và thả ca nô xuống bám theo tàu của ông.

Sau 15-20 phút truy đuổi, những người này đã “leo lên tàu và dùng dùi cui điện để đánh thuyền trưởng và thủy thủ trên tàu, đồng thời đập phá tàu và tịch thu toàn bộ số cá mới đánh bắt được”.

Khi được hỏi những người này nói tiếng gì, ông Vương cho biết là họ “nói tiếng Trung Quốc”.

Ông Vương cũng cho biết thêm những người này mặc đồ “sỹ quan hải quân”, và một số khác thì mặc “đồ lính rằn ri”.

“Họ chỉ hướng Việt Nam nhưng không nói là Việt Nam”, ông Vương nói.

“Tôi không chịu thì họ mới chặt hai cây cờ [treo trên tàu], vứt xuống nước“.

“Tôi chạy tới lấy cờ lên thì họ đánh tôi ngất xỉu”.

           Chắc chắn, không một lương tri nào của Trái tim Việt, Hồn Việt có thể chịu nổi sự thật kinh hoàng về nỗi đau đớn nhãn tiền: Muốn đánh cá trên biển trời của ta thì phải hạ cờ ta, treo cờ Tàu; không hạ thì bị chặt, vứt xuống nước; muốn không bị sỉ nhục để lấy cờ lên thì thân tàn, ma dại!

Có còn gì để nói nữa không về cái đểu cáng, thâm độc của 4 tốt, 16 chữ vàng; về sự im lặng lì lợm của các quan chức có tránh nhiệm trước vận nước, lòng dân?

Làm sao có thể biện minh nổi khi sự thật đắng cay rành rành như thế mà vẫn khua mép, cong môi bảo vệ cho cái gọi là “tình hữu nghị”; vẫn đàn áp bất cứ ai dám đau nỗi đau quốc thể bị sỉ nhục, hiểm hỏa mất biển, mất nước cận kề?

Nếu nối các sự kiện từ việc TQ chiếm Hoàng Sa ngày 19.1.1974, chiếm một phần Trường Sa, đảo Ba Bình, 1956; Gạc Ma, 14.3.1988; thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, 24.7.2012; chuyện hạ cờ ta, treo cờ tàu trên Biển Đông…, thì ngay một đứa trẻ cũng biết rõ rằng âm mưu xâm lược, cướp bóc nước ta của nhà cầm quyền TQ (và Đài Loan) là bản chất, không bao giờ thay đổi. Làm sao có thể thay đổi được bản chất của kẻ thù truyền kiếp hàng ngàn năm?

Sự thâm độc, tinh vi của “Tàu khựa chết đi” (cách diễn đạt của Phương Uyên, Nguyên Kha) thì không bút nào có thể tả nổi. Joseph Needham (1900-1995) – người bỏ cả đời để nghiên cứu TQ có nói rằng dù có sống thêm vài trăm năm nữa cũng không thể hiểu hết cái thâm hiểm đến mức huyền bí của “tư duy Tàu”. Cái “tư duy Tàu” ấy đang “chơi” nước cờ tàn độc nhất: Làm cho tư duy Việt coi việc hạ cờ ta, treo cờ Tàu là chuyện… bình thường! Một khi quốc thể, lòng tự tôn dân tộc bị vô cảm hóa, hèn hạ hóa, câm lặng hóa trước lợi ích của cá nhân hay một nhóm người mà vẫn chưa coi đó là hiểm họa sao?

Xin bày tỏ sự tri ân và khâm phục trước lòng dũng cảm của ông Võ Minh Vương và các thuyền viên của tàu QNg 96787 TS. Chính chiếc tàu cá bé nhỏ ấy cho chúng ta thấy rõ vẫn còn đó những con người yêu Tổ Quốc hơn cả tính mạng và của cải của mình. Họ sẵn sàng đương đầu với nguy hiểm, mất mát để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu không còn những người như thế, thử hình dung Biển Đông đang tràn ngập cờ Tàu?

Huế, 11.7.2013

H.V.T.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


12-07-2013

Ai bảo vệ ngư dân?

Nguyễn Văn Tuấn 

Cứ mỗi lần ngư dân của mình bị bọn hải giám của Tàu tấn công và cướp bóc, câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi: chẳng lẽ chẳng có ai bảo vệ ngư dân? Mới ngày hôm kia, một đám hải quân trong chiếc tàu gọi là “hải giám” của chúng đánh đập ngư dân ta, đập phá và ăn cướp ngư cụ, và còn chặt cột cờ. Hành động chặt cột cờ rõ ràng là một sự khiêu chiến. Chợt nhớ hôm nào có ngư dân bảo vệ lá cờ và sau này được trao huy hiệu. Không biết những người theo chủ nghĩa hình thức (trao huy hiệu đó) sẽ làm gì khi kẻ thù ngang nhiên khiêu chiến chặt quốc kì? Vậy mà cho đến nay, sau hai ngày sự việc xảy ra, Chính phủ chẳng hề có một phát biểu chính thức. Chỉ có “Hội nghề cá” lên tiếng một cách yếu ớt.


Những hành động đó của quân Tàu chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: cướp biển. Bọn cướp biển này có tổ chức và được Chính phủ Tàu bảo trợ. Tiếng Anh có một chữ dành cho những kẻ này: state-sponsored piracy. Cũng có thể xem cướp biển là khủng bố, nên chúng ta cũng có thể dùng chữ state-sponsored terrorism – khủng bố do Nhà nước bảo trợ.

Điều đáng nói là những hành động cướp biển / khủng bố này xảy ra chỉ vài tuần sau chuyến viếng thăm Tàu của ngài Chủ tịch Nước và đoàn quân sự Việt Nam. Chắc có lẽ chúng ta không bao giờ biết được những gì được bàn luận và thoả thuận trong chuyến viếng thăm, cũng như chẳng bao giờ biết được những gì được thoả thuận trong cuộc gặp gỡ Thành Đô trước đây. Những gì viết trong thông cáo báo chí chỉ là “phải đạo” thôi. Nhưng những gì xảy ra trong thực tế cho thấy hình như những hội nghị đó chẳng đem lại lợi ích và an toàn gì cho ngư dân Việt Nam.

Hành động cướp biển / khủng bố mới nhất có lẽ chưa phải là lần sau cùng. Chúng ta còn nhớ trước đây Tàu đã 2 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Vài tuần trước, chúng manh động đến độ bắn cháy cabin tàu đánh cá của Việt Nam. Còn những vụ chúng rượt đuổi, cho tàu đụng phá tàu của ngư dân Việt Nam thì đếm không xuể. Có khi chúng ngang nhiên vào tận bờ biển của Việt Nam để gây sự. Tất cả những hành động này cho thấy chúng chẳng xem chủ quyền biển của Việt Nam ra gì (chứ chưa nói đến tôn trọng).

Và hình như chúng có lí do để hành xử lưu manh như thế. Lí do chính là sự khiêm cung của phía VN. Cứ mỗi lần sự việc xảy ra thì phản ứng của phía VN có thể nói là rất “truyền thống” và có thể đoán được. Đầu tiên là các lực lượng chức năng xác minh (làm rõ) sự việc. Phải mất một ngày thậm chí vài ngày thì mới xác minh được thủ phạm “lạ” đó chính là Tàu – kẻ thù của VN. Kế đến là người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu những câu chữ mà có lẽ chúng ta đã nghe qua nhiều lần đến độ nhàm (nên không cần lặp lại ở đây). Sau đó thì bên Tàu chúng nó phản bác lại phát biểu của phía VN. Thế là kết thúc. Hậu quả là ngư dân mất của, tổn hại tinh thần. Những ngư dân khác thì ái ngại hơn, suy nghĩ đôi ba lần trước khi đi biển. Dần dần chúng ta mất chủ quyền biển.

Song song với những hành động cướp và khủng bố, chúng còn gia tăng cường độ xâm lấn. Chúng xua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, tàu cá xuống vùng biển VN để đánh bắt. Chúng cho tàu hải quân theo để hộ tống cho đoàn tàu ăn cướp. Thật khó hình dung nổi còn hành động nào du côn hơn? Hành động du côn đó xuất phát từ một chính quyền tự gắn (hay trói) những chữ “tốt” và “vàng” với Việt Nam!

Ngư dân VN chắc ước mong được như ngư dân Tàu. Ngư dân Tàu được quân đội Tàu bảo vệ dù họ cũng chỉ là cướp biển. Còn ngư dân VN thì chẳng có ai bảo vệ họ. Mới tháng 5/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sau khi nhận định rằng việc Tàu hành hung ngư dân VN là nghiêm trọng, ông tuyên bố rằng “Nếu có những vi phạm vào vùng biển của Việt Nam thì các lực lượng chức năng của ta sẽ có trách nhiệm bảo vệ.” Thế nhưng sự việc xảy ra ngày hôm qua thì chúng ta mới biết chẳng có ai bảo vệ ngư dân ta cả. Người bình thường nhất, bàng quan nhất nhất cũng phải đặt câu hỏi: lực lượng hải quân VN ở đâu và đã làm gì trong khi ngư dân lâm nạn?

Hiện nay, Việt Nam có 4 lực lượng có chức năng bảo vệ ngư dân: Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng, và Hải quân. Nhưng như chúng ta thấy trong thời gian qua, mỗi khi ngư dân lâm nạn là chẳng thấy bóng dáng các lực lượng này ở đâu. Thật ra, những người đi đánh cá cho biết họ “Bảo vệ gì đâu! ra đó làm sao mà đụng được với Trung Quốc mà bảo vệ? Chỗ đó đâu có ra được chỉ có dân ra chứ bên quân sự đâu có ra được. Khu vực đó thằng Trung Quốc nó quản lý hết làm sao mà ra. Đánh cá thì đánh chui ở Hoàng Sa chớ cảnh sát biển không tới mép nước nữa, do cũng chưa thấy nó. Cảnh sát biển của Trung Quốc thì có. Nếu bảo vệ thì bảo vệ một khúc nào đó thôi, ở vùng nhất định thôi chứ làm sao vô khu vực Hoàng Sa bảo vệ được? Khu vực san hô mới có cá còn ngoài khu vực đó thì nước nó sâu, có rạng không có san hô cho nên đâu có cá.” (trích lời của một ngư dân trả lời phỏng vấn báo chí). Thế thì đã rõ, các lực lượng chức năng chẳng bảo vệ gì được ngư dân cả. Nhưng khi ngư dân có một hành động dũng cảm bảo vệ chủ quyền thì đại diện của các lực lượng chức năng xuất hiện trong đồng phục đẹp và chụp hình trao cái gì đó làm vật lưu niệm.

Không bảo vệ được, nên có lúc người ta nghĩ đến chuyện trang bị vũ khí cho ngư dân. Thật là một ý tưởng lạ lùng và nguy hiểm! Ý tưởng này biến ngư dân thành "món mồi" cho hải quân của kẻ thù vì một khi ngư dân có súng thì chúng càng có thêm lí do để nổ súng. Thật là điên rồ!

Chúng ta nói Hoàng Sa là của Việt Nam và điều đó thì chắc chắn là sự thật. Nhưng giặc Tàu đã chiếm Hoàng Sa và đó cũng là sự thật. Ngày nay chỉ có ngư dân đánh bắt chung quanh ngư trường Hoàng Sa, thì chính những người này mới là “lực lượng” bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam. Vậy mà không ai bảo vệ được họ! Cũng chẳng có chính khách nào đến thăm hỏi và biểu dương họ. Thật là trớ trêu. Nghĩ đến đây tôi càng thấm và chua xót khi đọc cái tít của báo chí “Ngư dân thả trôi tính mạng trên Biển Đông”.

Tôi nghĩ đơn giản rằng nếu mình không chống trả nổi sự tấn công của một tên du côn to con thì ít ra mình cũng có thể la lớn để gây chú ý. Tương tự, nếu các lực lượng chức năng không đương đầu được với kẻ thù và giới chức ngoại giao không nói gì, thì chính quyền cũng phải cho phép người dân có tiếng nói để thế giới chú ý. Trong khả năng của mình, tôi chỉ biết mỗi khi thấy cái bản đồ 9 đoạn trên các tập san khoa học thì lập tức phản đối, và phản đối phải kèm theo những thông tin cụ thể về sự khủng bố của Tàu. Có lẽ chúng ta nên làm một database để hệ thống hoá những hành động khủng bố của Tàu chống ngư dân Việt Nam từ trước đến nay. Tôi nghĩ các bạn ở nước ngoài cũng có thể lên tiếng phản đối hành động khủng bố của Tàu đến ngư dân Việt Nam, những người thực sự đang bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Việt Nam.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

    Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

    Góp Nhặt . . . Suy . . . Gẩm . . . .



    Chủ nhật, ngày 19 tháng tám năm 2012


    SÁCH TIẾNG VIỆT LỚP 3: KẺ THÙ CỦA HAI BÀ TRƯNG LÀ KẺ THÙ NÀO?


    Chuẩn bị bước vào năm học mới, mẹ của cu út nhà minh (tức là vợ mình) ra hiệu sách mua về cho con một bộ sách lớp 3 mới tinh, giao nhiệm vụ cho bố nó (tức là mình) : “Anh phải sắp xếp thời gian, lên kế hoạch để khẩn trương tiến hành việc bọc sách cho con. Mà anh phải bọc cho đẹp nhằm tạo điều kiện cho con chúng mình học giỏi”.
    Như bao lần khác, tất nhiên là mình răm rắp tuân lệnh. Trong nhà, việc mình luôn luôn nghe lời và kính trọng vợ đã trở thành một qui luật, một tất yếu mang tính khách quan. Thấy mình nhanh chóng thi hành, vợ mình vui lắm, vừa quét nhà vừa huýt sáo và cười bảo: Anh mà không nghe lời em thì em sẽ tiến hành cưỡng chế đấy, em là em không có dọa anh đâu.
    Đang thao tác ngon trớn, bọc đến quyển TIẾNG VIỆT 3 – Tập Hai thì bỗng phát hiện ra một vấn đề mình cho là quan trọng. Mình đăng lại đây để nhờ bà con cho ý kiến nha, đó là: KẺ THÙ CỦA HAI BÀ TRƯNG LÀ KẺ THÙ NÀO?
    Chủ điểm đầu tiên của cuốn sách này là Bảo vệ Tổ Quốc. Bài đầu tiên của chủ điểm và cũng là của cuốn sách là bài “Hai Bà Trưng”, kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
    Các địa danh trong bài được nêu ra cụ thể là: Mê Linh, thành Luy Lâu.
    “Phe ta” có các nhân vật:Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thi Sách, đoàn quân khởi nghĩa.
    “Phe địch” được liệt kê theo thứ tự trong bài: giặc ngoại xâm, quân xâm lược, tướng giặc Tô Định, kẻ thù, giặc, quân thù và cuối cùng lại là ngoại xâm.
    Tội ác của “địch” được vạch trần, tố cáo mạnh mẽ trong đoạn đầu tiên: “Chúng thẳng tay chém giết dân lành, cướp hết ruộng nương màu mỡ. Chúng bắt dân ta lên rừng săn thú lạ, xuống biển mò ngọc trai, khiến bao người thiệt mạng vì hổ báo, cá sấu, thuồng luồng”, từ đó “Lòng dân oán hận ngút trời, chỉ chờ dịp vùng lên đánh đuổi quân xâm lược”.
    Đọc đi đọc lại cả bài bao nhiêu lần, quên cả việc bọc sách cho thằng cu, mình cũng không thấy chỗ nào nói rõ kẻ thù của Hai Bà Trưng, cũng là kẻ thù của đất nước ta hồi đó, là kẻ thù nào. Đây là bài nằm trong chủ điểm Bảo vệ Tổ Quốc, lại không dám nêu rõ danh tính kẻ thù của Hai Bà Trưng, là làm sao?








    Đanh thép tố cáo tội ác của giặc ngoại xâm nhưng không muốn cho các cháu biết đó là giặc nào? Rồi ‘lòng dân oán hận ngút trời’, các cháu cũng không được quyền biết lòng dân oán hận ai? Rồi thì ‘chỉ chờ dịp vùng lên đánh đuổi bọn xâm lược’, các cháu cũng mù tịt luôn, chẳng được quyền hiểu rõ là đánh đuổi bọn xâm lược nào?
    Lẽ nào trong SGK dành cho các cháu nhi đồng, người lớn lại tiếp tục thể hiện sự né tránh, sợ hãi, hèn nhát?
    Muốn tránh cũng chẳng được. Các cháu khi học bài này chắc chắn sẽ hỏi cô giáo: “thưa cô, kẻ thù của Hai Bà Trưng là giặc nào?”, và chắc chắn cô giáo phải trả lời thẳng vào câu hỏi, không thể né tránh sự thật lịch sử như SGK được. Rôi theo thời gian, chắc chắn tự các cháu cũng sẽ tìm ra được danh tính kẻ thù của Hai Bà Trưng.
    Trước tâm hồn bé bỏng trong trắng của các cháu mà người lớn dám cắt xén, bưng bít sự thật lịch sử, thì đó là một cái tội không nhỏ. Cái tội này đối với tiền nhân, đối với lịch sử dân tộc còn to hơn nhiều.
    Từ những năm tháng đầu tiên dưới mái trường, các thế hệ con cháu của chúng ta phải được học, được biết sự thật lịch sử này.
    SGK Tiếng Việt 3 không được lươn lẹo né tránh nữa, mà phải nói cho rõ rằng: Kẻ thù của Hai Bà Trưng chính là GIẶC HÁN!




    CHƠI VỚI KẺ CÔN ĐỒ KHU VỰC


    Theo ANHBASAM
    Theo Mỹ mất Đảng; theo Tàu mất nước. Câu nói phổ biến này ở ViệtNam đã cô đọng lại nan đề địa chính trị mà Đảng Cộng sản đang phải đối mặt. Bốn mươi năm sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, cái Đảng đã giành được độc lập và thống nhất cho đất nước đang mất đi phần lớn tính chính danh của mình. Dường như có quay ra đề cao đạo đức của Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông đến mấy cũng không thể khôi phục lại lòng nhiệt huyết của Đảng cũng như loại bỏ được nạn tham nhũng đã bắt rễ tràn lan trong guồng máy. Trách nhiệm lớn nhất của chế độ là đã thất bại trong việc chỉnh đốn nền kinh tế sút kém. Nhưng ngoài ra, dư luận cũng xem thường sự bất lực của Đảng trong việc bảo vệ các lợi ích của Việt Nam trước Trung Quốc.
    Theo cách nhìn nhận của những người dân thường ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, Bắc Kinh đã rũ bỏ vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” và quay lại với vai trò lịch sử của mình là kẻ côn đồ trong khu vực. Tuyên bố nực cười của họ đối với tài nguyên khoáng sản biển trên toàn bộ biển Đông chỉ là một ví dụ nổi trội nhất. Việc Trung Quốc xây dựng một chuỗi các con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam và hậu thuẫn cho kế hoạch xây dựng thêm mười một con đập phía hạ lưu ở Lào đe dọa làm mất đi đợt lũ lụt hàng năm vốn mang lại sự màu mỡ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang săn đón các nguồn tài nguyên khoáng sản và lâm sản của Lào, thách thức quyền bá chủ của Việt Nam ngay tại sân sau của họ. Còn ở ngay tại Việt Nam, sự gia tăng đầu tư của các công ty kỹ thuật, xây dựng và khai thác mỏ Trung Quốc — đáng chú ý nhất là dự án bauxite nhiều tỷ đô la của Chinalco ở Tây Nguyên — đã thu hút sự chỉ trích nặng nề. Hàng hóa giá rẻ và thường là kém chất lượng của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Việt Nam, đè bẹp các nhà sản xuất nội địa.
    Những người dân thường ở Việt Nam muốn trả đũa. Họ không nghĩ đến việc lực lượng vũ trang của Việt Nam không sánh được với Trung Quốc hay Việt Nam rất dễ bị tổn hại trước các cuộc trả đũa kinh tế. Các nhà phân tích phương Tây thường lý giải “sự lấn lướt” của Trung Quốc bắt nguồn từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc trong dân chúng và sự tận tụy thái quá của các cơ quan an ninh Trung Quốc. Thế nhưng đối với những người dân Việt Nam bình thường thì rõ ràng là sự gây hấn của Trung Quốc có sự điều phối từ Bắc Kinh. Điều đó không có gì mới: chủ đề lớn xuyên suốt lịch sử đất nước này, điều mà mọi người đều được học ở trường, là sự chống trả ngoan cường và cuối cùng giành thắng lợi trước những kẻ xâm lược. Và hầu hết các đạo quân tràn qua biên giới Việt Nam trong 2.000 năm qua đều là quân Trung Quốc. Chẳng có lý gì để tin rằng lần này sẽ khác.
    Quan hệ đối tác gai góc
    Việt Nam và Trung Quốc có chung 1.350 km đường biên giới và nhiều thứ khác. Cả hai nước đều là những nước theo chế độ cộng sản kiểu Lenin với một nền văn hóa chính trị được định hình bởi các khái niệm tân Nho giáo về hệ thống thứ bậc sắp xếp theo tài năng và các mối quan hệ xã hội. Đảng cộng sản cầm quyền ở mỗi nước đã trụ lại được bằng cách rũ bỏ nền kinh tế kiểu Mác-xít trong khi vẫn dung dưỡng một bộ máy an ninh nhà nước rộng khắp. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của họ cho phép các thị trường tự do, năng động cùng tồn tại với hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước thống trị lĩnh vực công nghiệp nặng. Cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều đang bị công kích không ngớt bởi những lời chỉ trích mạnh bạo của những người bất đồng chính kiến trên mạng Internet. Những yếu tố văn hóa và chính trị chung này là nền tảng cho một mạng lưới các mối quan hệ tham vấn giữa hai Đảng và hai Nhà nước nhằm vào việc duy trì sự hợp tác giữa hai chế độ.
    Tuy nhiên, quan hệ song phương thường là gai góc. Sự chênh lệch quá lớn về tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam nói lên một điều rằng mối quan hệ này về cơ bản là không bình đẳng. Họa hoằn có khi nào đó người Trung Quốc chú ý đến Việt Nam, thì họ thường chỉ coi đó như là một tỉnh lị ngang ngạnh mà bằng cách nào đó đã vuột khỏi tầm tay của mình. Ngược lại, 90 triệu dân Việt Nam luôn thường trực thái độ dè chừng trước những người hàng xóm phương bắc, vốn đông hơn họ gấp 15 lần và có nền kinh tế lớn gấp 50 lần. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không cúi đầu khuất phục Bắc Kinh khi sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa. Ngoại trừ Hồ Chí Minh, những vị anh hùng vĩ đại nhất của họ đều là những viên tướng đã làm quân xâm lược Trung Quốc từ triều đại này đến triều đại khác phải thoái lui. Gần đây nhất là năm 1979, khoảng 20.000 binh sĩ Trung Quốc đã phải thiệt mạng khi Đặng Tiểu Bình tìm cách “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã cả gan lật đổ chế độ Pol Pot do Bắc Kinh bảo trợ ở Campuchia và trở thành đồng minh của Liên Xô.
    Vào giữa thập niên 1990, quan hệ Trung Quốc và Việt Nam đã trở lại êm dịu hơn. Cả hai nước đều bận rộn với cải cách kinh tế trong nước, Liên Xô đã giải thể, và Trung Quốc thì quảng bá việc “trỗi dậy hòa bình” của họ với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), giờ đây bao gồm cả thành viên mới là Việt Nam. Thương mại song phương dần mở rộng, hai nước thảo luận về việc nâng cấp các “hành lang thương mại” từ vùng tây nam Trung Quốc không tiếp giáp biển tới các cảng biển của Việt Nam, và đàm phán về việc phân định biên giới trên đất liền. Thậm chí những tuyên bố xung khắc về quyền sở hữu các rặng san hô, bãi đá và bãi ngầm ở biển Đông dường như đang được xử lý một cách hài hòa, nếu không nói là gần đạt tới giải pháp cuối cùng.
    Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong năm 2009. Dù là do tính toán hay sự cố ngoại giao, Trung Quốc không còn bằng lòng với việc gác lại các yêu sách chồng lấn. Tháng 5 năm đó, Trung Quốc đã đưa ra trước Liên Hiệp Quốc một tấm bản đồ mập mờ tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với trên 80% diện tích biển Đông. Sau đó căng thẳng leo thang nhanh chóng, thách thức mức độ gắn kết của ASEAN, và lôi kéo các nước ngoài khu vực – gồm cả Hoa Kỳ — vào cuộc. Việt Nam và Philippines phải gánh chịu phần lớn áp lực từ bước tiến này của Trung Quốc muốn ngụy tạo các “bằng chứng” mà, cho dù không phù hợp với luật pháp quốc tế, rất khó để bác bỏ. Tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang sục sôi ở cả ba nước, đe doạ gây ra xung đột vũ trang trên biển. Chính sách phục tùng trước Trung Quốc của Hà Nội bị phá sản.
    Nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, cũng như một số bên trong Đảng, tin rằng giải pháp là tìm kiếm một liên minh kinh tế và quân sự trên thực tế (de facto) với Mỹ. Tuy nhiên, những thành viên cao cấp trong Đảng còn rất hoài nghi về ý định của Mỹ, họ vẫn tự coi mình như còn bị trói chặt trong cuộc xung đột một mất một còn với chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Họ chỉ miễn cưỡng thực hiện những cải cách nhắm tới việc xây dựng khả năng cạnh tranh kinh tế toàn cầu của đất nước và lôi kéo Hoa Kỳ vào làm đối trọng lại với Trung Quốc. Nhóm “bảo thủ” trong Đảng ngậm miệng trước các đòi hỏi của Hoa Kỳ muốn Việt Nam tôn trọng các quyền tự do dân chủ, vì sợ rằng mục tiêu thực sự của Washington là lật đổ chế độ cộng sản. Bất chấp tất cả những xích mích gần đây, họ vẫn không tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phản bội lại một đảng cộng sản cầm quyền rất giống với chính Đảng Cộng sản Trung Quốc.
    Vẫn đang trông ngóng miếng bánh từ trên trời rơi xuống
    Thật ra, hiện nay Trung Quốc chẳng mấy quan tâm tới việc giúp các anh bạn cộng sản bám lấy quyền lực so với việc khai thác tài nguyên trong khu vực và vươn vòi bạch tuộc kinh tế ra xa. Với nguồn tín dụng xuất khẩu dồi dào và khả năng vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng nhà nước, các công ty Trung Quốc đã trở thành những đối thủ đáng gờm trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Nói chung, các công ty Trung Quốc không chèn ép các nhà thầu Việt Nam, mà thay vào đó họ giật lấy các hợp đồng từ tay các đối thủ cạnh tranh từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ hoặc châu Âu bằng cách chào thầu với giá thấp. Thế nhưng các nhà phê bình cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc về việc sử dụng lao động đồng hương, hoàn thành công việc với chất lượng thấp, thường xuyên chậm tiến độ và vượt dự toán tổng kinh phí. Phe diều hâu ở Việt Nam còn khẳng định thêm rằng sự phụ thuộc vào các nhà thầu Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
    Một chủ đề tranh cãi khác là thâm hụt thương mại tăng cao của ViệtNam với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ mà nhà kinh tế Trần Văn Thọ gọi là “cơn sóng thần công nghiệp”. Cán cân thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN khác và với Nhật Bản là tương đối cân bằng, và có thặng dư lớn với Liên minh châu Âu và Mỹ. Nhưng với Trung Quốc lại bị thâm hụt 16,4 tỷ USD vào năm 2012, giúp cho Trung Quốc có thặng dư thương mại song phương là 40%. Phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc đều ở dạng bán thành phẩm để gia công tiếp trong các nhà máy chế biến xuất khẩu của ViệtNam: vải vóc, khóa kéo, khuy, dây điện, bảng mạch và đủ loại vật tư khác. Nhưng Trung Quốc cũng cung cấp các loại máy móc thiết bị để trang bị cho các nhà máy và xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Cấu phần thứ ba và rất dễ thấy là hàng tiêu dùng, được bán với giá rẻ hơn các đối thủ nội địa. Báo chí Việt Nam thường xuyên đăng các bài cáo buộc Trung Quốc tuồn hàng độc hại hoặc chất lượng kém vào Việt Nam, còn bất cứ động thái khiêu khích nào của Bắc Kinh ở biển Đông cũng lập tức dẫn đến việc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
    Lẽ ra mọi việc phải diễn ra theo chiều hướng khác. Theo dự đoán của các nhà kinh tế, tới lúc này đáng ra Việt Nam đã phải giành trọn miếng bánh khỏi tay Quảng Đông. Với chi phí lao động thấp hơn đáng kể, Việt Nam là một lựa chọn hợp lý cho các nhà máy từ trung tâm chế xuất của Trung Quốc khi cần di dời tới nơi rẻ hơn. Các ngành công nghiệp may mặc và giày dép cần nhiều lao động từ lâu đã chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; các ngành này đã có được bước khởi đầu trong thâp niên 1990 khi hàng may mặc và giày dép xuất khẩu của Trung Quốc bị EU và Mỹ áp hạn ngạch. Tuy nhiên, năng suất lao động vẫn còn thấp, tiền lương thực tế tăng ở mức 10% một năm trong giai đoạn 2006-11, và Việt Nam nhìn chung là đã thất bại trong việc thu hút các nhà sản xuất vốn dĩ đóng cơ sở tại Trung Quốc. Do chi phí lao động tiếp tục tăng ở cả Trung Quốc lẫn ViệtNam, các nhà máy đang chuyển sang CampuchiaBangladesh, hay thậm chí Myanmar thay vì Việt Nam.
    Tình hình kinh tế Việt Nam không phải là hoàn toàn xấu. Cùng với việc kinh tế toàn cầu dần phục hồi, khu vực đầu tư nước ngoài của Việt Nam lại đi lên một lần nữa. Thay vì chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, một số công ty đa quốc gia và các nhà thầu của họ đã đa dạng hóa bộ phận sản xuất bằng cách mở thêm các nhà xưởng tại Việt Nam. Theo những chứng cứ chưa đầy đủ hiện có, dường như đang hình thành một xu hướng đầu tư rõ rệt vào các dự án có chất lượng cao hơn mà có thể được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế hào phóng. Các hãng thiết lập hoặc mở rộng nhà máy lắp ráp bao gồm những cái tên nổi tiếng như Canon, Samsung, Intel và IBM, Hitachi, Panasonic và Nokia. Tuy nhiên, gần như tất cả các vật tư đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là nhập khẩu, một phần từ Trung Quốc. Những gì được thêm vào ở Việt Nam chủ yếu chỉ là sức lao động chân tay – điều Trung Quốc có thể làm hiệu quả hơn và trên một quy mô lớn hơn nhiều.
    Sai lầm chiến lược toàn diện
    Năm 2008, khép lại một giai đoạn nồng ấm trong quan hệ song phương, hai tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Nông Đức Mạnh tuyên bố xây dựng một “quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện”. Và nếu Trung Quốc thực sự quan tâm đến việc vun vén một mối quan hệ đặc biệt với chế độ cộng sản duy nhất khác trên thế giới theo đuổi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” — và qua đó củng cố ảnh hưởng ngoại giao ở Đông Nam Á — thì Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng giúp đỡ. Mặc dù các nhà cầm quyền Việt Nam thừa nhận không lo lắng về sự mất cân bằng thương mại song phương, đó vẫn là một trách nhiệm chính trị kinh niên. Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn cao su, than, dầu, gỗ, nông sản, và thậm chí các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng lại chẳng màng tới hàng công nghiệp của ViệtNam. Một động thái thân thiện như gia tăng nhập khẩu hàng công nghiệp sẽ không gây tốn kém nhiều cho Trung Quốc, mà lại là tin rất tốt lành cho Hà Nội. Trên hết, một đề nghị chân thành về việc cùng khai thác tài nguyên khoáng sản và cùng quản lý nguồn hải sản trong khu vực tranh chấp song phương ở biển Đông có thể trở thành một bước đi làm thay đổi cục diện – cho quan hệ của nước này với ViệtNam và cả với ASEAN.
    Tuy nhiên, thực tế là quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã trở nên bất ổn một cách nguy hiểm kể từ thỏa thuận năm 2008. Sức ép của Trung Quốc về các vấn đề chính trị và chiến lược đã o bế các nhà lãnh đạo Việt Nam có lẽ đến mức đe dọa sự sống còn của họ. Chế độ Bắc Kinh đã tăng cường được vị thế của mình trước những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc bằng cách phô trương sức mạnh của họ ở biển Đông. Trong khi đó những nỗ lực kháng cự lại một cách thiếu hiệu quả của Hà Nội trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc đã dần làm xói mòn vị thế của nhà cầm quyền Hà Nội trước công chúng Việt Nam. Ngoại trừ xung đột vũ trang, rất khó hình dung ra Trung Quốc còn có thể làm điều gì nữa để đẩy nhanh sự thất bại của những người lẽ ra đã vừa là bạn bè, vừa là đồng minh về mặt ý thức hệ của họ ở Việt Nam. Rất có thể, nếu các lãnh đạo Việt Nam hiện nay mất vị trí của mình, lớp lãnh đạo thay thế họ sẽ tìm cách hâm nóng quan hệ với Hoa Kỳ – một kết cục thất bại hoàn toàn do Trung Quốc tự chuốc lấy.
    Đáng lo ngại hơn, một cuộc xung đột vũ trang không phải là điều viễn tưởng. Trung Quốc có hỏa lực áp đảo so với Việt Nam, nhưng Hà Nội đang nhanh chóng gia tăng khả năng răn đe trên không và trên biển. Nếu bị dồn vào chân tường, lịch sử cho thấy rằng người Việt Nam sẽ đánh trả. Một tính toán sai lầm của bên này hay bên kia đều có thể dẫn đến đụng độ vũ trang. Nó sẽ diễn ra gay gắt và đẫm máu, với những hậu quả không thể lường trước. Trung Quốc có thể tiếp tục thủ vai kẻ bắt nạt – nhưng cũng có nghĩa họ đang tiếp tục đùa với lửa.
    Tác giả: David Brown
    Người dịch: Huỳnh Phan, THA
    Hiệu đính: David Brown, THA
    06-07-2013
    David Brown là một nhà báo tự do đã từng sống ở cả miền Nam và Bắc Việt Nam, từng là nhà ngoại giao Mỹ (từ thời chế độ Sài Gòn), và trong những năm gần đây đã quản lý dự án bảo tồn môi trường, biên tập báo chí và dạy học ở Việt Nam. Hiện nay ông Brown đang sinh sống ở California, Hoa Kỳ.
    Bài viết này được đăng tải lần đầu tiên trên số tháng 6, 2013 của tạp chí điện tử China Economic Quarterly, do công ty Gavekal Dragonomics (Hương Cảng) xuất bản.
    (Tựa đề do TSYG đặt)