Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

SUY GẨM . . . . .




Có nhiều thứ đã từ lâu tận thế

Tác giả bài thơ này là bạn của Hiền Giang
h319NqL: Chẳng biết Hiền Giang là ai, càng không biết bạn của Hiền Giang là ai. Nhưng bài thơ thì thật hay, xin cảm ơn tác giả bài thơ này.

Tận thế ư? Thật tình tôi chả sợ
Báo mỗi ngày đăng toàn những chuyện buồn
Khi cuộc sống hắt những ngày nặng trĩu
Thì có khi tận thế lại còn hơn
Tôi thấy quanh tôi hàng triệu nỗi buồn
Những câu hỏi im lìm trong đáy mắt
Những dối trá đang nhấn chìm sự thật
Những lời hứa vô tâm, những dự án vô hồn
Lên mạng online để càng thêm cô đơn
Nhà cửa càng rộng lòng người càng chật
Tiền vào túi mà chữ tình rơi mất
Ôi cuộc đời vụng dại những vòng si
Tận thế ư, tôi chả thấy sợ gì
Có nhiều thứ đã từ lâu tận thế
Người ta đua nhau mua gạo, mua mì
Tôi nhắm mắt thấy thiên đường hết vé
Tận thế ư? Bạn làm ơn nói khẽ
Kẻo tôi giật mình vỡ mộng Nam Kha …
15.12.2012


TRỞ VỀ VỚI TRÁI TIM RỈ MÁU


Đào Tiến Thi
7 Giọt máu oan cừu đỏ núi sông 
(Võ Liêm Sơn)
Tôi bước ra cổng trại “phục hồi nhân phẩm” khoảng 4 rưỡi, thấy nhiều người đã được ra trước và rất nhiều biểu tình viên quen thuộc đi đón. Con trai tôi chạy lại ôm lấy bố. Tôi không ngờ nó đã chờ ở đây suốt từ 11g30, nghĩa là đi thi về là bổ sang luôn, “quên” ngay lời dặn của cô giáo bí thư đoàn “không được đi đâu”. Sự có mặt của cụ Lê Hiền Đức (ngoài tám mươi) và cụ Ngô Đức Thọ (gần tám mươi) trong đoàn đi đón khiến chúng tôi rất cảm động. (Cụ Đức bị gọi “làm việc” suốt sáng nay, được thả là đi ngay sang đây). Giáo sư Ngô Đức Thọ đọc tặng tôi bài thơ: 
Chúng bắt anh rồi, Đào Tiến Thi
Biểu tình yêu nước tội tình chi?
Hô vang phản đối quân xâm lược
Bành trướng khôn hồn hãy cút đi!
Trong lúc chờ đón anh Nguyễn Tường Thuỵ, người bị giữ cuối cùng thì xảy ra cuộc cãi cọ với mấy an ninh mặc thường phục. Mấy tay này đã từng rất hung hăng lúc trong trại với cháu Phương, rồi lại ra gây sự với những người đi đón ngoài cổng từ lúc trưa, giờ lại tiếp tục phá đám bằng việc ngăn cản mọi người chụp ảnh, quay phim. Lời qua tiếng lại, anh Trương Văn Dũng chúng bị lôi trở lại trong trại. Thế là bùng lên cuộc đấu tranh đòi thả người. Những tiếng hô “thả người”, “trả người” ào lên từng đợt rồi tạm nghỉ, rồi lại ào lên. Khổ thân Giáo sư Ngô Đức Thọ cứ giải thích mãi cho mấy chú công an xã đứng canh vòng ngoài về sự bắt người, giữ người vô lý, dù mấy chú này cứ lắc đầu “chúng cháu chỉ biết gác đây thôi, chúng cháu không có quyền gì cả”. Cụ Lê Hiền Đức thì liên tục gọi cho công an các cấp chất vấn lý do bắt giữ người đồng thời cụ trả lời các đài báo khắp nơi về sự việc đang diễn ra. Thời đại thông tin cũng thú vị thật: một bà già ngoài tám mươi mới bập bõm sử dụng công nghệ thông tin nhưng đã làm cho cả thế giới phải quan tâm!
Trời xám xịt rồi tối hẳn. Con gái anh Ngô Nhật Đăng đi mua bánh mì mời mọi người. Mấy cậu an ninh chìm (nhưng lộ mặt ai cũng biết) sau mấy hồi gây sự cũng chẳng còn việc gì làm, ngồi ngồi xuống vệ cỏ, buồn thiu. Cứ tình hình này không khéo hai bên lại thi gan nhau như hôm giam cụ Lê Hiền Đức ở Sở 4T (1-6-2012). Xem ra giờ này công an Hoàn Kiếm đã về hết. Mấy chuyến xe lúc nãy chắc là cuối cùng rồi, vì lâu lắm rồi không có xe nào ra nữa. Chúng tôi tiếc không chặn mấy xe đó lại. Lần này nếu có xe nào ra nữa sẽ chặn. Quản nhiên có một xe kia rồi. Chúng tôi dàn hàng ngang, khoác tay nhau chặn lại và hô khẩu hiệu đòi người. Xe này không thể tiến lên được. Có người bảo trong xe là nhân viên y tế, không phải công an. Cũng có thể thế, vì thấy mặc áo trắng. Nhưng dù xe nào thì cũng phải chặn, vì chúng tôi không còn cách nào khác. Chán sau xe này phải chạy vào. Cuối cùng thì chúng cũng phải thả anh Trương Dũng. Lúc này mọi người đã rất mệt mỏi, chỉ tập trung hô vài câu chống xâm lược rồi về. Cảm giác không được mạnh mẽ như hôm 5-8-2012, hôm ấy người bị bắt và người đi đón trước khi về còn làm một cuộc biểu tình hoành tráng tại cổng trại giam này khiến bà con chung quanh rất ngưỡng mộ.
So với cuộc biểu tình hôm 17-7-2011, một trong những cuộc biểu tình bị đàn áp dã man nhất của năm 2011, với số người bị bắt là 46 người trong đó có tôi thì cuộc đàn áp biểu tình hôm nay còn khinh khủng hơn nhiều. Ngoài việc độc giả đã thấy qua lược thuật ở các phần trên, tôi có thể nêu một số nhận xét dưới đây.
1. Kỹ thuật bắt người mang tính chuyên nghiệp hơn hẳn. Nếu hôm 17-11-2011 huy động rất nhiều dân phòng (trong đó có nhiều người lớn tuổi) tham gia bắt người dẫn đến có một số người bị bắt nhầm, một số người bị xây sát thì lực lượng bắt người lần này toàn thanh niên to khoẻ. Họ rất đông, di chuyển nhanh, chộp người rất nhanh, kết hợp khống chế với dụ dỗ “Mời lên xe”, việc bắt do đó gọn hơn, nhanh hơn. Điều này khiến tôi và một số người phải nghĩ khả năng họ được tập huấn ở nước ngoài, hay được chuyên gia nước ngoài huấn luyện[1].
2. Thái độ của lực lượng tham gia bắt cũng như xét hỏi tỏ ra lạnh lùng, sắt đá hơn tất cả mọi lần.
Trước khi bắt không có màn ngăn chặn, cãi lý, thuyết phục như nhiều cuộc biểu tình năm ngoái. Nghĩa là hoàn toàn không còn chuyện hai bên có sự thừa nhận, cảm thông nào nữa. Cuộc bắt người ngày 17-7-2011 chí ít cũng là dân phòng mang sắc phục. Cuộc bắt người ngày 21-8-2011 chí ít an ninh cũng núp dưới “thanh niên tình nguyện” mang băng đỏ. Lần này thì chẳng sắc phục, chẳng băng đỏ gì hết. Cuộc bắt người ngày 12-9 diễn ra bất ngờ, lạnh lùng, tàn bạo, trâng tráo.
Khi đưa về trại giam cũng vậy. Nhớ hôm, 17-7-2011 khi về Mỹ Đình, chúng tôi “đấu khẩu” với các công an viên ở đây kịch liệt, cũng có lúc căng thẳng nhưng nhìn chung họ chỉ im lặng hoặc chỉ cười trừ, thậm chí về sau còn có phần thân thiện[2]. Còn lần này, tất nhiên vẫn không loại trừ có những cá nhân người công an nào đó đi làm cái việc phản dân hại nước này một cách miễn cưỡng, nhưng nhìn chung lực lượng công an đã rõ ràng là một bộ máy công cụ, đối lập với nhân dân, tức tối khi thấy nhân dân kiên quyết chống xâm lược. Những người công an này khi xét hỏi chả thèm quan tâm gì đến chuyện chống Trung Quốc, chỉ nhăm nhăm buộc tội người biểu tình vào tội “gây rối trật tự công cộng”. Một sự buộc tội trâng tráo, trơ trẽn nhưng họ cũng chẳng lấy làm xấu hổ. Như tôi đã kể trong phần 1, tôi nói với tay công an tên Dũng: “Tôi đi biểu tình, chứ tôi không rồ mà đi “gây rối trật tự”. Nếu có đi “gây rối trật tự” thật thì các anh cũng chả thèm bắt, đúng không? Độc giả hãy xem bài Bật cười đám đông hò hét rèn “tự tin” giữa đường Hà Nội” để lời nói của tôi được chứng minh ngay.
Trong khi đó ngoài Biển Đông, tàu hải giám Trung Cộng và ngư dân Trung Quốc ngang nhiên vào vùng biển của ta, đã thế chúng còn quấy rối, hành hung tàu của ta. Đối chiếu hai hình ảnh – công an đàn áp biểu tình và Trung Cộng hung hăng ngoài biển, lòng tôi đau thắt và không thể nào không liên hệ đến một chi tiết trong phóng sự Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng (1936), ấy là hình ảnh con sen Đũi bị con mụ chủ nhà nhét giẻ vào mồm, đồng thời giữ chân nó để cho một thằng Tây đen hiếp. Không chỉ đau nữa mà là ghê tởm!
3. Lực lượng nhân, sỹ trí thức Hà Nội tham gia biểu tình chống xâm lược ngày càng ít, nói chính xác là trí thức “thượng lưu” – những người có học hàm học vị và vị trí xã hội cao – ngày càng ít. Một số vị đã tham gia mùa hè năm ngoái sang năm nay đi được đôi buổi hoặc vắng bóng hoàn toàn. Cho đến cuộc 9-12, hình như chỉ còn trí thức bình dân – những blogger, kỹ sư, biên tập viên, giáo viên phổ thông,… Điều này khác khác với Sài Gòn, nhân sỹ trí thức xuống đường ngày càng nhiều, trong đó có nhiều người đã từng giữ những chức vụ nhất định trong bộ máy nhà nước. Chưa rõ nguyên nhân vì sao.
4. Một số người vẫn cho rằng nhà nước ta sợ từ biểu tình chống xâm lược mà trở thành biểu tình chống nhà nước cho nên quyết dẹp bằng được. Tôi thì không nghĩ thế. Những cuộc biểu tình của dân oan mất đất diễn ra như cơm bữa nhưng đâu có bị đàn áp mạnh mẽ và phải dẹp triệt để như biểu tình chống xâm lược. Ở đây chỉ có thể là đã có sự cam kết với Trung Cộng. Điều này chính ông Nguyễn Chí Vịnh đã nói thẳng ra từ năm ngoái khi tham gia Đối thoại chiến lược quốc phòng – an ninh Việt Trung. Trong đối thoại đó, ông Vịnh đã “thông báo về chủ trương xử lý việc tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn” (Xem Tuổi trẻ online thứ sáu, 28-10-2011).
Sự thoả thuận đó không xấu nếu lẽ ra trong khi Trung Cộng ép ta phải dẹp biểu tình thì ta ta ép được Trung Cộng phải chấm dứt những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Nhưng ở đây lại không hề có sự trao đổi cân bằng đó. Thế là Việt Nam vừa bị đánh vừa bị bịt mồm, không những không được kêu đau mà còn phải tiếp tục ca ngợi Trung Cộng!
Có điều không phải chủ trương đó đã thành hiện thực ngay. Những cuộc đàn áp khi mạnh, khi nhẹ năm ngoái và hè năm nay cho ta phỏng đoán rằng, trong “triều đình”, có thể có hai phái, “chủ hoà” và “chủ chiến” (chủ trương chống xâm lược Trung Cộng, không phải chủ trương chiến tranh) và ban đầu hai phái còn ngang sức nhau, nhưng từ cuộc đàn áp 5-8 đến cuộc này cho thấy phái “chủ hoà” đã thắng thế.
5. Cứ đà này đủ biết tiền đồ dân tộc ta đi về đâu. Xem video quay cảnh người Bùi Thị Minh Hằng gào khóc thê thiết giữa đưường phố Hà Nội (sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp dữ dội: “… nói lên tiếng nói yêu nước thì bị trả thù, tra tấn… Trời ơi, dân tộc Việt Nam tôi, bốn nghìn năm lịch sử của dân tộc tôi…” tôi trào nước mắt. Tiếng kêu xé lòng và bất lực của Minh Hằng cũng là tiếng kêu xé lòng và bất lực của hàng triệu người yêu nước hiện nay.
Báo chí chính thống gần đây có một số bài phê phán sự tham lam vô độ của Trung Cộng, điều này cho thấy sự mâu thuẫn trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Đã biết Trung Cộng nó tham lam như thế thì còn hy vọng gì “đối thoại hoà bình” và sao lại chỉ có duy nhất một biện pháp là “đối thoại hoà bình” bằng ngoại giao, còn lại đàn áp bất cứ một biện pháp nào khác (trong khi biểu tình cũng là một một biện pháp hoà bình) thì hy vọng giải quyết cái gì. Thực tế đã chứng minh biện pháp “đối thoại hoà bình” với Trung Cộng đã trở nên vô nghĩa, xấu hổ.
Đứng ở phía lợi ích dân tộc thì sự tham lam ấy của người Trung Quốc kể ra cũng là lẽ thường tình. Vì như Charles Darwin đã nêu, bản chất sự sống là cuộc cạnh tranh sinh tồn[3], và trong cuộc cạnh tranh ấy, quy luật là “mạnh được yếu thua”. Từng cá thể như vậy mà trên phạm vi dân tộc cũng như vậy. Dân tộc nào yếu hèn thì sẽ bị tiêu diệt. Lịch sử loài đã ghi lại hàng trăm dân tộc đã vĩnh viễn không còn trên bản đồ thế giới. Các nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, khi “chiêu hồn nước” đều lấy quy luật “mạnh được yếu thua” để thức tỉnh mỗi người dân của đất nước. Thực tế lịch sử các quốc gia cũng cho thấy: Nhượng bộ ngoại bang không bao giờ là phương sách giữ nước của bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời đại nào, trái lại chỉ kích thích thêm lòng tham và quyết tâm theo đuổi mục tiêu thôn tính của kẻ mạnh. Thực tế trong mấy năm qua, Trung Cộng đã tiến những bước dài trong việc lấn chiếm Biển Đông của Việt Nam, chỉ vì Việt Nam cứ lùi mãi.
Chẳng lẽ 90 triệu người Việt Nam bây giờ cứ khoanh tay đứng nhìn Trung Cộng nẫng dần mảnh đất mà cha ông mấy nghìn năm qua đã đổ cả núi xương, sông máu để gây dựng và gìn giữ?
==========
[1] Nước ngoài đây là nước có kinh nghiệm đàn áp biểu tình nhưng không phải nước văn minh, vì những nước văn minh, nhiều nhất họ chỉ giải tán bằng vòi rồng phun nước, bằng lựu đạn cay. Nếu có bắt người thì chỉ bắt những phần tử quá khích có hành động đập phá hoặc đánh nhau với cảnh sát.
[2] Hôm đó công an Mỹ Đình chỉ đáng chê trách một điểm, là họ hứa cho xe đưa trở lại vườn hoa Lenin nhưng cuối cùng đánh bài lảng, thế thôi.
[3] Ngày nay ở nhiều nước người ta còn giáo dục ý thức canh tranh sinh tồn cho trẻ em. Xem: http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2675




Biểu tình rầm rộ trước Sứ quán Trung Quốc trưa nay, công an không kịp trở tay?!


226Không phải tin vỉa hè, tin ABS đưa hẳn hoi (tại đây):Và đây là lời của CTV vừa gửi ảnh tới: “Thật bất ngờ… hôm nay lúc 12h45 pm một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra rầm rộ trước cửa đại sứ quán Trung Quốc… Tham gia cuộc biểu tình có đông đảo các thành phần khác nhau trong thế giới … đồ chơi. Rất nhiều khẩu hiệu đã tung bay ngạo nghễ trước cửa đại sứ quán Trung Quốc… các lực lượng chức năng đã không kịp trở tay… Kết quả: không biểu tình viên nào bị bắt, tất cả ra về yên ổn mà không phải sang Lộc Hà… 
142




Yêu nước và bán nước, chuyện xưa và nay


Nguyễn Hồng Tâm
TQToan2TcVào mạng thấy  ngay tít ” Chủ tịch Trương Tấn Sang: Anh đi bộ đội sao trên mũ”, tôi đọc và chú ý đoạn này: “Trước hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo.
Dù còn những khuyết điểm, yếu kém, nhưng Đảng và Nhà nước ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.
Hành động bán nước hay những việc làm tương tự sẽ chịu sự nguyền rủa, oán hận của các thế hệ sau này, cũng như chúng ta đã từng phê phán nghiêm khắc những nhân vật và những chế độ như thế trong lịch sử.
Non sông đất nước ta, khắp nơi, những cảnh, những người, những phong tục tập quán, đâu đâu cũng đẹp và lòng chúng ta đau đớn khi nghĩ đến những nét đẹp ấy có thể bị vùi dập hay thậm chí bị lãng quên. Chúng ta không thể để cho viễn cảnh đen tối đó trở thành hiện thực.”
      Tôi tin những dòng trên đây là tâm huyết của Chủ tịch nước. Tối hôm qua, nghe  lõm bõm qua buổi phát thanh thời sự tối của VTV1, tôi cũng biết đây không phải là một bài chào mừng sáo rỗng theo khuôn phép như thường lệ.
     Nhưng chỉ cách đây mấy ngày, chủ nhật ngày 12/12 vừa rồi ấy, thật  chua xót cho cái chuyện cuộc biểu tình hai đầu đất nước  chống Tàu gây hấn  bị vùi dập ! Liệu Chủ tịch có biết và quan tâm đến điều này không?
    Cái thời còn nhỏ đi chăn trâu, rất thích đọc chuyện sử của Nguyễn Huy Tưởng, trong đó có cuốn ” Lá cờ thêu Sáu chữ vàng“. Tự nhiên tôi liêu tưởng đến chi tiết Trần Quốc Toản làm loạn ở bến Bình Than.
Trong một dịp vào cung vua được sống và sinh hoạt với vua và các vị Vương hầu triều đình,một hôm ngủ dậy,Quốc Toản thấy vắng tanh, hỏi ra mới biết vua quan đang đi dự họp bàn việc đối phó với quân Nguyên ở bến Bỉnh Than. Quốc Toản phi ngựa tới và đòi xuống dự họp. Vì còn nhỏ tuổi nên chưa được phép họp và được giải thích : ” Việc này đã có Quan gia (vua) và triều đình lo(câu này nghe quen quá!), nên Quốc Toản đã có xô xát tùm lum với Thánh dực quân(lính bảo vệ vua), sau đó xông thẳng xuống thuyền rồng chỉ để nói với vua : ” Xin bệ hạ cho đánh! Cho nó mượn đường là mất nước”. Nói xong quỳ xuống đặt thanh gươm lên gáy chịu tội.Vua mỉm cười nhìn Hưng Đạo Vương và Hai vị đứng đầu triều đình cùng gật đầu như đồng tình với lời tâu của chú bé thiếu niên dũng cảm. Lúc đó, Chiêu Quốc Vương Trần ích Tắc (kẻ chủ hòa với giăc) đã thét : “Quân pháp vô thân, xin bệ hạ cho chém đầu để nghiêm quân lệnh!”. Vua Thiệu Bảo (Trần Nhân Tông) đã phân tích rất rõ ràng công và tộ :”Hoài Văn gây chuyện với Thánh dực quân, tội ấy đáng trị. Nhưng,em ta còn nhỏ tuổi mà đã biết lo cho nước, cho vua, việc này thật là quý giá” Sau đó tha bổng cho Quốc Toản và thưởng cho trái cam quý. Kẻ thét chém Quốc Toản là Trần Ích Tắc sau đó ít lâu trở thành kẻ bán nước!
      Đem so sánh chuyện xưa với chuyện nay: Người biểu tình chống quân xâm lược bị coi là những kẻ gây rối giống như hành động tại bến Bình Than của Trần Quốc Toản bị coi là gây rối? Hành động đàn áp biểu tình chống Tàu xâm lược liệu có tương tự như Trần Ích Tắc đã đòi vua xử tội trần Quốc Toản không? 
Cho nên bài viết trên dù hay đến mấy thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chưa thể làm được như vua Thiệu Bảo là bảo vệ người yêu nước !
Tác giả gửi cho Quê choa

Phương Uyên và 144 nhà trí thức

Việc các nhà trí thức ở trong và ngoài nước ký tên đòi trả tự do cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên là việc làm đúng, mặc dù họ nêu lên những lý do trong việc bắt bớ khác với những điều mà nhà cầm quyền sau đó đã đưa ra.
Xin tóm tắt vụ bắt bớ cô Nguyễn Phương Uyên. Giữa Tháng Mười năm 2012, công an tới bắt cô Nguyễn Phương Uyên tại phòng trọ của cô; các bạn học cùng trường cho biết công an nêu lý do bắt bớ vì cô viết những lời chống nhà cầm quyền Trung cộng, cho nên họ cần hỏi để điều tra. Công an không đưa ra một giấy tờ hợp pháp nào trong vụ này. Cha mẹ cô không biết tin tức của con, đi hỏi hai nơi, công an đều chối, nói họ không bắt cô, tin tức được loan truyền coi như cô bị bắt cóc. Sau khi các đài phát thanh ở nước ngoài loan tin và bình luận, sau 10 ngày gia đình cô mới được công an tỉnh Long An thông báo là cô Phương Uyên, 20 tuổi, bị bắt, cùng với Ðinh Nguyên Kha, 24 tuổi, vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” tức là vi phạm điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự.
Dựa trên những thông tin đó, một số nhà trí thức ở trong và ngoài nước đã viết thư gửi ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, để yêu cầu can thiệp trả tự do cho sinh viên Phương Uyên. Công an đi bước kế tiếp là trưng bày “bằng chứng” để tố cáo Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha đã liên quan đến một nhân vật khác, không bị bắt, cùng tổ chức phổ biến truyền đơn chống chế độ cộng sản; cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa, và có cả 2 ký chất nổ nữa. Họ bị buộc tội theo điều 88 Luật Hình Sự. Họ không nói gì đến “tội” chống Trung Quốc cả; mà lại trưng bày cả những lời thú tội của sinh viên Phương Uyên.
Chứng kiến màn trình diễn sau cùng này, nhiều người nghĩ rằng 144 nhà trí thức ký tên gửi Trương Tấn Sang đòi trả tự do cho cô Phương Uyên đã sai lầm. Ðó là một cách đánh hạ uy tín của giới trí thức, để sau này những người trí thức nói gì người ta cũng không muốn nghe nữa.
Nghĩ như vậy là nhầm. Người có học và biết suy nghĩ phải bày tỏ thái độ, chống bất công, đòi tự do cho tất cả những người bị bắt bớ giam cầm phi lý và phi pháp. Công an bắt giam người một cách bí mật, được hỏi thì chối là không bắt để lừa gạt gia đình nạn nhân, riêng hành động đó đã vi phạm tất cả các quy tắc pháp lý của loài người văn minh, đáng lên án ngay.
Khi công an trình bày lý do việc bắt bớ giam cầm vì “tội tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự, thì người trí thức càng có lý do để phản đối và đòi trả tự do cho nạn nhân. Bởi vì điều 88 Bộ Luật Hình Sự là một điều vừa sai trái về pháp lý, vừa mơ hồ để ngỏ cửa cho người cầm quyền lạm dụng. Trong xã hội văn minh, việc phản bác những chủ trương, chính sách sai lầm của nhà nước là một quyền tự do của mọi công dân. Nếu một công dân kêu gọi dùng võ lực lật đổ nhà nước thì có thể áp dụng những đạo luật khác để buộc tội, nhưng quyền tự do ngôn luận phải được tôn trọng vì quyền đó quan trọng hơn cả nhà nước. Người ta có thể thay thế nhà nước này bằng một nhà nước khác; nhưng bất cứ lúc nào cũng phải kính trọng quyền tự do phát biểu, một trong những quyền làm người căn bản.
Ðiều 88 đúng là hai cái còng số tám sẵn sàng khóa tay, khóa miệng tất cả mọi người Việt Nam. Vì vậy việc kết án nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã bị những người biết suy nghĩ phản đối ngay. Kêu gọi người Việt Nam yêu nước, bây giờ bị gán cho tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Nếu áp dụng chính sách bỏ tù vì tội viết bài ca đề cao lòng yêu nước, nghĩa vụ chống ngoại xâm, thì tác giả những bài Bạch Ðằng Giang, Gò Ðống Ða, Nước Non Lam Sơn đều có tội hết! May mắn cho các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Hoàng Quý, họ không sáng tác các bài ca đó dưới thời chế độ xã hội chủ nghĩa của các đồng chí ếch ngồi đáy giếng.
Ðúng ra, các nhà trí thức nước ta phải lên tiếng đòi tự do cho tất cả các anh chị Ðiếu Cầy Nguyễn Văn Hải, Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, v.v… Không những thế, họ phải lên tiếng phản đối cả chính sách bắt bớ người yêu nước theo lối bắt cua trong rọ mà nhà báo Người Buôn Gió mới vạch ra. Theo Người Buôn Gió nhận xét, việc xử án Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, cùng việc bắt giam Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha có thể được “lên chương trình” đúng trước ngày đại hội của đảng Cộng sản Trung Quốc. Có phải đó là những món quà của đảng Cộng sản Việt Nam tặng cho các đồng chí anh em vĩ đại hay không?
Mọi người trí thức có lương tâm, yêu nước và yêu tự do dân chủ ở trong nước đều biết số phận của mình, như Người Buôn Gió mô tả: Tất cả đều nằm trong một cái rọ và “người ta thò tay vào rọ và chọn ai đó trong số chúng ta” đem bỏ tù bất cứ lúc nào cũng được. Không riêng các người có tư tưởng, ý kiến khác với các đồng chí ếch ngồi đáy giếng mới phải đóng vai những con cua trong rọ, tất cả 90 triệu người Việt Nam đều chung số phận đó. Người bị công an trung ương hay cấp tỉnh bố ráp cũng chung số phận với những người bị công an xã nhũng nhiễu hàng ngày. Nếu suy nghĩ cho sâu sẽ thấy rằng cái việc nay nộp một cái đơn xin tổ chức biểu tình, mai gửi một bức thư xin trả tự do cho một sinh viên, cuối cùng không thay đổi được gì cả, mà những hành động đó chỉ xoa dịu tâm tư mỗi người, nhưng muốn cải thiện đời sống của 90 triệu người dân Việt Nam thì phải cần những người trẻ ở lớp tuổi 20, 30 ý thức và hành động./.
Ngô Nhân Dụng
http://www.tuoitreyeunuoc.com/nguyen-thien-thanh-la-diep-vien-cong-an-csvn-hay-thanh-nien-yeu-nuoc-chong-cong.html 
>>>>>>>>>>>>>>>>>>






Hỏng cả rồi anh Tư ơi!


Nguyễn Trung Chính

CTN-56Truong-Tan-Sang_6f182(Nhân đọc bài Mãi mãi là sao sáng dẫn đường của Chủ tịch Trương Tấn Sang đăng trên báo Tuổi trẻ nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân 22/12)
Mở đầu anh Tư rào trước: “Quý vị độc giả hãy miễn thứ và nếu có thể, hãy chia sẻ với tôi nếu như đôi chỗ trong bài viết này không đi theo khuôn mẫu thường thấy. Sự dè dặt, thận trọng quá mức và khuôn mẫu thường đem đến cảm giác an toàn cho người phát biểu, nhưng trong nhiều trường hợp nó thật sự chưa thể lột tả được bản chất của vấn đề”. Nhưng anh Tư ơi, làm quan mới phải nói theo khuôn mẫu thường thấy chứ dân chúng tôi không có khuôn mẫu gì cả, nhất là người Nam bộ, giận thì nói giận, tức thì nói tức, đôi khi còn dám đù cha mẹ kiếp cái bọn giọng lưỡi ngon ngọt mà hành động xảo trá nữa kia. Nhưng thôi, anh Tư đã nói thế thì dân này sẵn sàng giúp anh phá khuôn mẫu thường thấy để đọc tiếp, đọc đến cùng, đọc để chia sẻ bài Mãi mãi là sao sáng dẫn đường anh vừa viết.
Trước hết xin cám ơn anh đã nhắc lại : “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dân giàu, nước mạnh và đặc biệt là đoàn kết toàn dân tộc thì kẻ thù nào cũng sẽ không dám xâm lược nước ta, nếu có, chúng chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi”. Nhưng Dân chúng tôi đâu có bao giờ quên mà phải nhắc lại ! Anh nhắc lại phải chăng anh thừa nhận đoàn kết toàn dân tộc hiện nay đang có vấn đề?
Mà vấn đề lắm chứ. Đoàn kết như MTTQ hiện nay là lắm vấn đề vì chưa thoát được ách đô hộ. Đoàn kết gì mà các ông Tương Lai, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Ngọc Nhuận là những người có vai có tiếng trong MTTQ bị công an dùng các biện pháp côn đồ, phạm pháp, ngăn chặn giữa đường hay không cho ra khỏi nhà để đi biểu tình chống bọn bành trướng Trung Quốc mà MTTQ và báo Đại Đoàn Kết không hề lên tiếng.
Đoàn kết toàn dân tộc kiểu gì mà những người nói trên, và đông đảo thanh niên trí thức đi biểu tình chống xâm lược thì bị đàn áp quá thể như thế? Người dân tự hỏi hay là các quan đang đoàn kết nhầm hướng vì thế nên không đứng cùng chiến tuyến với nhân dân Việt Nam và cho phép bọn công an ngang ngược côn đồ, phạm pháp đối những người yêu nước.
Anh Tư lên giọng rằng: “Vì thế hơn lúc nào hết, luật pháp và kỷ luật cần phải được tôn trọng triệt để”. Hay là hay quá hay, chúng tôi ủng hộ anh đó anh Tư, nhưngCông an vẫn ngang nhiên phạm pháp khi kè cấm người ta ra khỏi nhà trong ngày 9/12/2012 mà các ông Tương Lai, Lê Hiếu Đằng vừa la lên kêu cứu có lọt tai anh không? Việc cụ thể và trong khả năng quyền hạn của anh Tư chứ có khó khăn gì đâu. Anh chỉ cần nói lên một tiếng với bọn công an: cấm xấp nhỏ không được làm bậy  thì chúng phải sợ chứ. Chúng chưa sợ vì anh không chỉ mặt chúng, hoặc những quan ra lịnh cho chúng. Vậy nếu anh không dám chỉ mặt thì anh nên câm lặng luôn chứ đừng lên giọngnghe quá chối tai, quá bực tức, người ta càng thêm nghi ngờ anh nói dzậy mà không phải dzậy.
Sẵn đây tôi cũng tuôn ra luôn: về chống tham nhũng, tôi phê bình anh là anh làm việc không hiệu quả: anh cóc bắt được con sâu nào ráo mặc dù nó nhan nhản ra đấy! Đầu năm 2013, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm, tôi tin rằng các đảng biểu rồi cũng sẽ tín nhiệm anh cùng đồng chí X của anh vì “phải thương yêu đồng chí” chứ chẳng ai thương dân chúng tôi.
Anh lại viết tiếp: “Về tư tưởng, chưa bao giờ như trong vòng một năm qua xuất hiện rất nhiều dư luận, trong đó có những tư tưởng và dư luận nguy hiểm, gây chia rẽ trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân; cá biệt có người đòi “phi chính trị hóa quân đội”. Thử hỏi trên thế giới này có ở đâu và bất cứ việc gì lại ít nhiều không mang tính chính trị?… Đã là người sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân thì phải luôn đề cao tính chính trị, tuyệt đối trung thành với nước, với dân, với Đảng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Anh lại nhầm nữa rồi đó anh Tư, nếu có người nói “phi chính trị hóa quân đội”, họ không cá biệt chút nào đâu, dân đều nói cả đấy, là muốn nói quân đội chỉ làm bổn phận bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc như tất cả quân đội của các nước văn minh tiên tiến trên thế giới. Các anh buộc quân đội phải bảo vệ và trung thành với Đảng là các anh chính trị hóa quân đội theo hướng lấy nó làm của riêng, bắt nó làm thêm nghề tay trái.
Với một người chức vụ cao nhất nước như anh thì tôi tự hỏi anh nhầm hay anh cố tình nhầm? Các anh cứ rao giảng nào là phải học theo văn minh tiền tiến… nhưng lại làm ngược lại những gì các nước văn minh tiền tiến trên thế giới đang làm. Anh cho tôi biết có nước nào trên thế giới văn minh buộc quân đội phải bảo vệ, trung thành với một đảng nào đó (ngoài vài nước không thể gọi là văn minh, đồng hội đồng thuyền đồng chí của anh)?
Anh viết thêm: “Không thể không đề cập đến một mối lo ngại trong xã hội về khả năng xảy ra xung đột trong khu vực, liên quan đến Việt Nam; lo ngại về khả năng ứng phó của Đảng, Nhà nước, quân đội ta trong tình hình thế giới rất khó lường hiện nay. Đã có nhiều cuộc đối thoại trong, ngoài nước và nhiều bài viết trên báo chí về chủ đề này. Một số hãng tin nước ngoài đã dùng chủ đề này như một phương tiện hữu hiệu để chuyển sự chú ý của dư luận theo hướng phục vụ cho ý đồ của họ. Có những trang mạng xã hội còn gây nghi ngờ trong nhân dân về chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thậm chí họ còn vu cáo, xuyên tạc rằng Đảng ta “bán rẻ đất nước”. Những luận điệu kiểu đó rất nguy hiểm, cần phải cảnh giác bởi nếu không nó sẽ gieo những mầm mống độc hại, cùng với những áp lực xuất phát từ những khó khăn trước mắt về kinh tế và tư tưởng làm cho đất nước ta càng thêm khó khăn.
Trước hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo.
Dù còn những khuyết điểm, yếu kém, nhưng Đảng và Nhà nước ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân”.
Anh Tư ơi, chính anh đã chỉ trích bọn “cõng rắn cắn gà nhà” trong các quan làm cho người dân sợ rằng Đảng đang “bán rẻ đất nước”. Nỗi sợ này có căn cứ:
- Thứ nhất là hiện nay bọn cõng rắn cắn gà nhà có thực quyền chứ đâu phải anh.
- Thứ hai là bọn cõng rắn cắn gà nhà đàn áp không thương tiếc những người yêu nước, mà anh không dám một lời than thở.
- Thứ ba là “Đã có Đảng và Chính phủ lo” tức là loại nhân dân ra khỏi sự tồn vong của đất nước để bọn cõng rắn cắn gà nhà tự tung tự tác.
- Thứ tư là bọn cõng rắn cắn gà nhà ngụy ngôn, cố tình giảm tình tiết bao che cho Trung Quốc như gọi “tàu lạ” thay vì “tàu Trung quốc”, gọi “làm đứt cáp” thay vì “cắt cáp”, để tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải hằng ngày và cố tình che giấu tin tức.
- Thứ năm là các chiến sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 bị cấm truy điệu.
- Thứ sáu là Đảng vẫn tiếp tục ôm hôn khắng khít các đồng chí Trung Quốc trong khi chúng đang đàn áp ngư dân Việt Nam.
- Thứ bảy là…
Nhiều thứ lắm anh Tư ơi, kể ra không xiết. Vì thế mà anh có khẳng định này nọ, thề chết thề sống dân cũng không dám tin mà trao thân gửi phận cho anh. Anh thông cảm nhé.
Cuối cùng tôi xin trích thêm bài viết của anh:”Thái độ cần thiết hiện nay, dù có khác biệt nào chăng nữa, thì tất cả các giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân cần hành động với một động cơ duy nhất, đó là vì lợi ích của dân tộc, vì sự ổn định chính trị, vì sự bình yên của xã hội để làm ăn và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đại đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc”. Nói thế tưởng đủ rồi, nhưng anh lại phán thêm :”Mọi hành động phá hoại mục đích đó hoặc khoét sâu thêm những bất đồng để đẩy đất nước đến bờ vực của sự hỗn loạn phải bị loại trừ và lên án”.
Vậy các anh đàn áp những người biểu tình yêu nước là thực hiện câu cuối này chăng? Xấu xa ở mình nhưng ai nói ra đều bị “loại trừ và lên án” thì những chữ anh dùng như  “khác biệt nào chăng nữa, đại đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc” trở thành rỗng tuếch vì các anh tự cho mình độc quyền phán xét người khác và dùng bạo lực công an đàn áp.
Sau hội nghị TƯ6, với 126 Ủy viên Trung ương Đảng không đồng lòng kỷ luật đồng chí X và tập thể Bộ Chính trị, người dân chúng tôi đều hiểu rằng cái hội nghị này đã chôn vùi Nghị quyết TƯ4. Quả như vậy,  học tập cấp trên, không một đảng ủy nào kỷ luật một ai, thậm chí không phát hiện ra tham nhũng. Nghị quyết TƯ4 trở thành một đòn gió.
Tham nhũng sẽ làm mất Đảng, điều này đối với chúng tôi không còn quan trọng như trước kia nữa vì Đảng không trị được mình thì có chết cũng là luật xử phạt của tạo hóa, nhưng tham nhũng sẽ làm yếu đất nước và đất nước này sẽ mất về tay Trung Quốc đang hùng hổ áp đảo chúng ta. Tội Đảng trong trường hợp này sẽ lớn lắm, trời không dung đất không tha, lòng người oán hận.
Anh Tư ơi, có lẽ anh chưa thấy  nên vì lòng thương yêu đồng chí, tôi buộc lòng phải nói thẳng với anh: Anh nói đủ rồi, những gì anh nói dân chúng tôi đều hiểu trước khi anh nói, anh đừng mất nhiều thì giờ thêm nữa. Anh phải có những cú huých cụ thể chứ đừng huých gió.
Pháp luật hiện nay đủ cho anh trị ít nhất là 60% tham nhũng, anh hãy làm chứ đừng nói gì thêm nữa, để cho dân tin. Anh cứ xem tấm gương Thủ tướng, ông ấy nói nếu không trừ được tham nhũng ông ấy sẽ từ chức, ông ấy  có từ chức đâu. Dân thấy và có đánh giá cả đấy chứ. Anh cứ xem gương Tổng Bí thư, ông ấy nói phải kỷ luật những cán bộ tham nhũng, lên án gay gắt một bộ phận không nhỏ đảng viên có chức có quyền, đến khi dân hỏi chúng nó là ai thì ông ấy không nói tên và đành thú nhận đang “nhóm lò”.
Con chim trước khi chết kêu những tiếng bi ai, đất nước sắp chết nói những lời thành thật. Xin anh Tư nghe cho.
15/12/2012
N.T.C.