Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

CẦU 3 CẲNG CỦA SAIGON XƯA _ Khám phá 'làng Nga' ở Việt Nam


CẦU 3 CẲNG CỦA SAIGON XƯA

"dân chơi cầu ba cẳng" , bây giờ mới biết có cây "cầu ba cẳng" thật .... cám ơn anh Nguyễn Vô về những bài viết rất hay của anh.


SAIGON XƯA
BÀI 342: BỒI HỒI NGẮM LẠI CÂY CẦU 3 CẲNG CỦA SAIGON XƯA
(Ảnh chụp năm 1950)
Đây là tấm hình hiếm hoi còn sót lại của cầu Ba Cẳng, một cây cầu chẳng có mấy quan trọng, nhưng nó đã trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, với cái tên nghe thật dân dã và cũng có lắm chuyện xưa liên quan đến nó, như chuyện "Dân chơi cầu Ba Cẳng" của nhà văn Trương Đạm Thủy: “Ở vùng Quận 6 Chợ lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt có hình dạng rất lạ có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Chà Và, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận ... nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức cầu Ba Cẳng” – trích lời nhà văn Trương Đạm Thủy.
Cầu Ba Cẳng ở quận 6 Chợ Lớn, bắc qua rạch Bãi Sậy, gần Chợ Bình Tây, và gần phía sau chợ Kim Biên (chợ Kim Biên chỉ mới có sau 1975, trước đó vị trí chợ là một công viên). Chân cầu bên phải là đường Gò Công ngày nay.
Phía sau chợ Kim Biên, nối 2 bờ rạch Hàng Bàng. Gần cầu Ba Cẳng, ở ngã ba rạch Bãi Sậy từ kênh Tàu Hủ và rạch chạy đến đường Kim Biên (tiếng Quảng Đông nghĩa là Cao Miên, vì trước đây gọi là đường Cao Miên hay rue de Cambodge) là đường Gò Công, đây là đường từ Chợ Lớn đi xuống Gò Công (cầu Ba Cẳng có bậc đi xuống đường Gò Công).
Trụ sở và xưởng sản xuất “xà bông Việt Nam” nổi tiếng của ông Trương Văn Bền trong những thập niên giữa thế kỷ 20 nằm ngay trên đường Kim Biên.
Cầu Ba cẳng nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ, hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành và chân kia ở bến Vạn Tượng. Đoạn cuối rạch này vẫn chưa lấp, và Cầu Ba Cẳng tồn tại đến năm 1990 thì bị sập không còn và rạch phía sau chợ Kim Biên đã bị lấp.
Phía sau chợ Kim Biên vẫn còn một đoạn rạch rất ngắn khoảng 30m rộng 3m, trước đổ ra thẳng kênh Tàu Hủ.
Cầu ở đầu đoạn rạch Bãi Sậy, rạch Bãi Sậy hay kênh Hàng Bàng ngày nay đã lấp đến 90% trở thành đường Bãi Sậy và đường Phạm Văn Khỏe, Quận 6, chạy từ rạch Lò Gốm (phía bên trái) ngang qua chợ Bình Tây, tới chỗ cầu Ba Cẳng rẽ phải một đoạn ngắn chảy ra rạch Tàu Hủ. Đây là con đường chính để đưa hàng hóa đến chợ và hàng hóa từ chợ sau đó lại tỏa đi khắp nơi khi vận tải đường bộ còn chưa phát triển trong nửa đầu thế kỷ 20.
Kênh Bonard, tức rạch Bãi Sậy, Chợ Lớn, cũng được gọi là kênh các lò gốm. Cái cẳng thứ 3 của Cầu 3 cẳng là hướng thẳng vào trục đường Trịnh Hoài Đức. Và đúng là rạch Lò Gốm và Bãi Sậy là 2 rạch khác nhau. Nhiều rạch xưa nay đã bị lấp, nên trên các bản đồ Sài Gòn mới sau này không còn tìm thấy chúng. Trong phần chú thích tiếng Pháp có ghi rõ: "Đường nhà buôn (tức là đường Nguyễn Văn Thành). Kênh Bonard, cũng được gọi là kinh các lò gốm, là một huyết mạch thương mại chính của Chợ Lớn".
Đoạn cuối rạch Bãi Sậy gần Cầu Ba Cẳng, nhìn từ cầu Palikao. Cầu Palikao là cầu qua rạch Bãi Sậy trên đường Ngô Nhân Tịnh. Cầu Palikao được người Pháp đặt tên theo một câu gần Bắc Kinh, gọi là Bát lí kiều (cầu tám dặm), nơi liên quân Anh-Pháp vào năm 1860 đánh với quân nhà Thanh
Gần cầu Palikao và chợ Kim Biên hồi xưa có ngôi nhà lớn của một trong bốn người giàu nhất Sài Gòn, đó là ông Trần Hữu Định, cũng được gọi là Bá hộ Định, người được xếp thứ tư trong "Tứ đại Phú Gia Sài Gòn": Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.
Cầu Ba Cẳng nhìn từ đường Trịnh Hoài Đức (là con đường chạy thẳng ở cuối rạch Bãi Sậy). Đi về phía phải của Cầu Ba Cẳng trong hình này vài chục mét là tới chợ Kim Biên ngày nay, còn về phía trái khoảng 200m là tới Đại lộ Đông Tây và kênh Tàu Hủ. Hình này chụp khoảng đầu thập niên 1950, ngày nay cầu này không còn nữa. Cái cẳng trong hình này là cẳng đi xuống đường Yunnan, tức đường Vân Nam (sau 1955 là đường Vạn Tượng), còn hai cẳng kia thì bắc qua hai con đường hai bên rạch Bãi Sậy: bên trái xuống bến Bãi Sậy, bên phải xuống bến Nguyễn Văn Thành nơi đầu đường Cambodge (sau 1955 là đường Kim Biên).
Cầu có “3 cẳng” đều giống nhau nên khó phân biệt được cẳng nào với cẳng nào.

>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>




Khám phá 'làng Nga' ở Việt Nam


Hình bóng xứ sở bạch dương, hương vị Nga, những sứ giả của văn hóa Nga xa xôi đang từng ngày, từng giờ hiện diện trên đất nước Việt Nam, thật gần gũi thân thương.
Cuộc sống thường ngày của người Nga tại Vũng Tàu
Cuộc sống thường ngày của người Nga tại Vũng Tàu.
Vào đầu những năm 1980, các chuyên gia Liên Xô trước đây (chủ yếu là người Nga và người A-déc-bai-dan) đầu tiên đến Vũng Tàu làm việc trong Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro. Năm 1985, khu A thuộc chung cư 5 tầng xây dựng hoàn thành, các chuyên gia chuyển về sống tập trung tại đây. Có lúc, người Nga ở Vũng Tàu lên tới 2.300 hộ với gần 5.000 nhân khẩu.
Gọi 'Làng' thay 'Phố'
"Làng Nga" ở TP biển Vũng Tàu, danh xưng do người Việt Nam đặt, thật ra là khu dành cho các chuyên gia, kỹ sư Nga trong lĩnh vực dầu khí cùng gia đình sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Người Việt Nam cũng lạ. Những khu có đông người Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước khác thì gọi là phố Hàn, phố Nhật, phố...Tây.
Thế nhưng với người Nga lại gọi là làng. Cái tên gọi quê mùa này hẳn phải xuất phát từ căn nguyên sâu xa lắm. Người Việt Nam đề cao tình làng nghĩa xóm, cởi mở chia ngọt sẻ bùi một cách vô tư không vụ lợi. Và tên gọi làng Nga được ra đời với ý nghĩa như vậy. Gọi làng, cho thêm gần gũi, cảm mến nhau hơn.
Chị J.B Pô-bờ-ra ngoài nhiệm vụ phụ trách nhà ăn, còn có thêm vài chức danh "đình đám" nữa. Nhưng gần gũi, trước hết, bởi ấn tượng chị không ngồi tiếp khách ở bàn giấy! Xăng xái dẫn tôi đi xem lò bánh mì, nhà ăn, quầy bar, quán cà-phê, chị bảo "phải đích thân dẫn đến từng nơi mới cảm nhận được mùi thơm của những chiếc bánh nóng". Xen giữa câu chuyện về các công đoạn làm bánh, các loại bánh, chị dúi vào tay tôi một gói bánh che-nhe.
Kể về đường đi của những nguyên liệu Nga thuần chất vượt bao cách trở đến tận đây, chu trình làm các loại bánh với hương vị Nga không trộn lẫn để làm sao cho những người Nga luôn cảm giác sống giữa quê nhà. Cái cách chị đưa tôi gói bánh thật thân thiết, không cần đưa đẩy, rào đón khách sáo, những cử chỉ, ánh mắt, nụ cười cuốn chúng tôi vào câu chuyện như thể người một nhà lâu ngày gặp lại. Thích thật đấy! Tôi muốn bóc gói bánh ấy ra ăn ngay tại chỗ.
Mùi bánh mới thơm đến mức làm tôi lú lẫn. J.B Pô-bờ-ra, chị làm khổ mắt, mũi tôi rồi! Bếp ăn của "làng Nga" luôn phảng phất mùi vị chua chua đặc trưng dễ chịu. Không phải mùi dưa cải muối, mùi củ kiệu. Không phải mùi dấm hay dưa chuột. Đó là mùi bột lên men lẫn với mùi thơm của bột mì, mùi bơ sữa, nước sốt.
Hương xa-lát làm tôi muốn điên lên. Bánh kếp, cháo đặc, súp bắp cải, súp củ cải đường, kem chua cùng mùi thịt cừu với nấm, nước sốt pho-mát, đậu hầm, cà tím nhồi thịt, cá trích... khiến tôi đi từ tò mò đến thích thú.
Giá mà được dùng hết tất cả các món ấy cùng một lúc. May quá, chị Ô-li-a phục trách quán cà-phê đã dứt tôi ra khỏi cái bảng màu, mùi, vị của đồ ăn dào dạt như sóng biển Vũng Tàu. Vào giờ làm việc, quán không có khách. Chỉ có mấy chị em ngồi "buôn chuyện" kinh doanh với nhau. quán thiết kế theo phong cách Nga, có sân khấu nhỏ, nơi khách hàng đồng thời cũng là ca sĩ.
Họ hát các bài hát hiện đại nhưng chưa bao giờ thiếu vắng âm hưởng của các bản dân ca Nga. Sinh nhật hay chiêu đãi bạn bè cũng đều đến đây, bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành các đêm live show cây nhà lá vườn. Những bản nhạc như Ca-chiuxa, Triệu đóa hồng... lại vang lên.
Vui lắm. Cuối cùng chị Ô-li-a nhắc tôi: "Mình chỉ làm ở phòng bếp thôi!". Ô, thế à? Tôi ngạc nhiên nhưng không muốn đính chính lại.
Có lẽ Ô-li-a phải yêu cái quán cà-phê này lắm, nơi mà chị được thả hồn theo những giai điệu, được hòa giọng với những bản tình ca Nga.
Thôi kệ, cứ hiểu vậy đi! Không yêu, không gắn bó, lấy đâu ra nhiều cảm xúc đến vậy?
Qua Trung tâm thương mại, qua quán cà-phê tôi đến một bàn gỗ trong một căn phòng mà tôi không nhớ phòng gì. Phạm Trí Cường đi cùng bảo, "các chị ấy muốn anh ngồi nghỉ tý, anh vất vả, vừa phải ghi chép, chụp ảnh, vừa phải nghĩ câu hỏi. Các chị cũng muốn nói chuyện về Tết".
Nom thế, chứ các chị, người nhiều đã có mười mấy năm, phổ biến cũng mười năm, ít nhất cũng năm năm sống ở Vũng Tàu. Đã ăn nhiều cái Tết Nga bên này, cũng thưởng thức nhiều cái Tết Việt Nam nữa. Tết Dương lịch, các bạn người Nga mời người Việt Nam qua nhà chơi vui, rồi họ tặng nhau quà.
Tết Việt Nam thì chậm hơn, người Nga sang chúc vào ngày 30 hoặc mồng 2, mồng 3 Tết, vì tôn trọng bởi quá hiểu phong tục, mồng Một là ngày thiêng liêng, người Việt ở đâu cũng dành riêng cho gia đình, đi lễ chùa.
"Món bánh chưng thích lắm, đó là món ăn bí mật". "Đầu tiên phải mở lạt, bóc lá xanh kết dính với gạo.
Bên ngoài xanh mướt mầu lá, gạo trắng bên trong, đậu vàng, thịt đỏ.
Ăn vậy cũng được, chấm mật ngọt cũng thích, mà ăn kèm với củ cải muối, chả giò càng ngon". "Món bánh số một đấy" - một chị người Nga khẳng định. Một chị còn giơ tay ra hiệu, giải thích: "Đó là món bánh được thờ cúng trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết". Một thảo luận nhỏ về bánh chưng, thứ bánh nằm lòng tôi vẫn ăn mà chưa hề để ý đến các chi tiết như các chị. Câu chuyện ở "làng Nga" chợt gợi câu thơ từng đọc: "Khắc khoải tràn bờ ký ức/Nhớ hoài ơi cánh đồng Nga/Như bản tình ca rạo rực/Chiều nay nghe giữa quê nhà".
Quê nhà
Buổi sáng với ông Y.S.Sô-lô-khốp, Chủ tịch Công đoàn Nga ở Vũng Tàu như dài thêm. Ông Sô-lô-khốp rất tự hào và mãn nguyện về khu người Nga lưu sống. Đây là khu vực mang đậm nét Nga cho người Nga xa quê hương. Trường học có 250 học sinh Nga và 20 học sinh Việt Nam theo học.
Vị Chủ tịch Công đoàn khoe từng đi đến nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Ông cũng từng ăn phở trong quán phở vỉa hè Hà Nội do một người bạn đưa đi. "Ngon hơn các quán trong cửa kính sang trọng".
Với ông, thành phố thú vị nhất là Hà Nội, nơi có nhiều chùa cổ và là một thành phố tương phản; với một Hà Nội cổ kính bên một Hà Nội rất hiện đại. Và Tết Âm lịch, Tết Dương lịch năm nào ông cũng ở Việt Nam. Tết Nguyên đán Việt Nam ông dành thời gian lên TP Hồ Chí Minh xem lễ hội hoa.
Ở Vũng Tàu ông được nhiều người Việt Nam mời đến nhà ca hát và lì xì mừng tuổi. "Ngày mồng Một Tết lạ lắm, không gặp được bất cứ ai, nhưng cứ lên chùa thì gặp họ".
Chị Ga-li-na Vla-đi-mia dẫn chúng tôi rong ruổi khám phá "làng Nga". 16 năm sống và làm việc ở đây, tư cách "thổ công" đã cho chị sự tự tin: "Chị thích nhất đó là cá biển ở chợ Vũng Tàu". Nói đến chợ ở thành phố biển này, cả ngày cũng chưa hết chuyện. Dọc các con phố chung quanh "làng Nga" có nhiều biển bán hàng bằng tiếng Nga.
Số nhà 78, phố Nguyễn Văn Trỗi có hiệu sửa chữa xe đạp đề chữ Nga rất oách. Ở đây, các mặt hàng xa xỉ đề biển bằng chữ Nga đã đành, đến hiệu chữa xe đạp cũng làm biển hiệu tiếng Nga, tưởng chuyện nhỏ mà không nhỏ. Ông chủ không biết tiếng Nga nhưng khách Nga mang xe đến chữa thì hiểu tất, phanh, côn, xích, líp làm sao, chỉ ra hiệu bằng tay là hiểu.
Chị Huệ bán bánh mì ở phố Cô Giang kể, tâm lý mua bán của người Nga cũng không khác người Việt Nam mình. Tham khảo giá từ chợ này sang chợ khác, người Nga cũng vậy. Mặc cả cũng thôi rồi. Có thể nói chợ Vũng Tàu sẽ mất đi hồn vía ít nhiều nếu không có người Nga.
Đôi khi đến chợ, thấy họ mua mình cũng vào mua và ngược lại, thậm chí có những lúc chả biết mua về để làm gì. Không hiểu nhau, không biết tiếng, nhưng thấy vui, lạ. Đi chợ không chỉ mua, bán mà còn ngắm sắc mầu váy áo, còn nghe ríu rít nói cười, giao lưu nữa.
Ở làng Nga, không bỏ sót bất cứ lễ hội nào của người Nga sở tại. Lễ hội sáng tạo, lễ hội bánh khu-lít, lễ hội múa lân do học sinh Nga biểu diễn. Chị An-na rất tự hào về các giải thưởng, trong đó có giải thưởng Grand Prix cho phụ nữ dầu khí với văn hóa ẩm thực.
Ở đâu có phụ nữ ở đó ăn uống lên ngôi. An-na khoe, chị sang Việt Nam lần này là lần thứ hai và ở được 12 năm rồi. Lần đầu sang đây, từ những năm 1990-1991, đường sá đi lại rất khó khăn, không được như bây giờ. "Bằng ấy thời gian, tôi xem Việt Nam như quê hương thứ hai" - chị nói. "Được ở Việt Nam, lựa chọn số một là Vũng Tàu, lựa chọn số hai vẫn là Vũng Tàu!".
Quán cà-phê trong
Quán cà-phê trong "làng Nga".
Chị Ca-li-na, Giám đốc Nhà văn hóa chờ chúng tôi đã lâu nhưng rất tận tình, hiếu khách. Ở đây không phải chỉ có chuyện dầu khí, kỹ sư, chuyên gia. Con người còn có phần năng khiếu nội tại, nhu cầu bày tỏ cảm xúc, giao tiếp và nhất là một không gian văn hóa. Cũng chính từ những nhu cầu đó đã ra đời Nhà văn hóa Nga ở Vũng Tàu.
Họ tổ chức các sự kiện văn hóa, tìm kiếm tài năng. Chị I-li-na lo kịch bản. Sảnh của nhà văn hóa trưng bày hình ảnh của dân tộc thiểu số của Việt Nam. Đêm thơ Puskin đang được chuẩn bị ráo riết, các diễn viên trình diễn thơ, đọc thơ trong niềm hâm mộ, kính phục thi sĩ của xứ sở Bạch dương. Tôi, vị khách không mời, họ vẫn nhiệt tình đọc cho nghe đến mức cảm động. Thơ Nga, văn học Nga vốn lung linh trong chúng tôi qua các bản dịch của dịch giả Thúy Toàn, Bằng Việt, Thái Bá Tân...
Vậy nhưng, qua cuộc trò chuyện, các anh, các chị cứ nhiệt tình mời tôi trở lại dự đêm thơ và các chương trình văn hóa khác, lại còn muốn tôi cho lời nhận xét. Tôi đáp lại bằng một câu thơ trong bài thơ Sông Đôngcủa Puskin: "Tôi đến đây ngả mũ xin chào". Tất cả hòa trong tiếng cười vui.
Chiều chầm chậm qua biển Vũng Tàu. Đêm ngập ngừng về bên làng giữa phố. Chị Ga-li-na Vla-đi-mia vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi vào thăm trường học. Trường học hiện đại, có nhiều món quà của học sinh Việt Nam tặng các bạn học sinh Nga. Lớp học đã tan từ lâu, cô hiệu trưởng vẫn nán lại chờ chúng tôi đến. Cô đưa chúng tôi qua các phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện... thấy nhiều thầy giáo, cô giáo và phụ trách vẫn ngồi lại. Tôi hỏi, "học sinh về hết rồi, các thầy, cô còn ngồi lại làm gì?".
Tất cả đều bật cười! Không ai trả lời.
Tôi đành mang về câu hỏi đó. Đơn giản, họ ở lại chờ tôi, đưa tôi đi tham quan, thế thôi! Còn tôi, sau câu hỏi "thừa" ấy, mới nhận ra một điều giản dị ở nơi sự tận tình hiếu khách diễn ra sao mà tự nhiên và cảm động đến thế. Một cộng đồng người Nga gắn bó và thân thiết, bằng những ký ức, những tình cảm ràng buộc tự nhiên.
Họ vẫn đang sống hòa đồng trong một "ngôi làng" nhỏ, ở một phường, giữa một thành phố mà ba mặt là biển với các bãi tắm: Trước, Sau, Dâu, Dứa quanh năm ngập tràn nắng ấm.
Theo Nhân Dân