Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Câu hỏi về niềm tin




Nhân cách cao quý của người nghệ sĩ

Mặc Lâm thực hiện
imageCâu chuyện vừa rồi của người nữ nghệ sĩ mang tên Kim Chi đã làm những ngươi theo dõi các sự kiện trên Internet trong và ngoài nước sửng sốt và xúc động.
Sửng sốt vì chị đã có một hành động rất anh dũng khi viết thư gửi cho Hội Điện Ảnh Việt Nam từ chối không chấp nhận một bằng khen có chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thẳng thắn viết rằng “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.
Người biết chuyện xúc động vì nữ nghệ sĩ Kim Chi làngười tập kết ra bắc khi tuổi còn xanh đến nay đã hơn 70 nhưng tấm lòng với đồng đội với đất nước của chị vẫn giữ vững như ngày đầu bước chân lên dãy Trường sơn trình diễn những vở kịch giúp vui cho bộ đội. Những con người một thời cống hiến ấy nay đang sống thiếu thốn chật vật và thậm chí bị chính người đồng chí của mình bóc lột, chèn ép.
Mặc Lâm tiếp nối câu chuyện của chị dưới những góc nhìn khác để chúng ta hiểu thêm cá tính một con người như thế nào mà lại đủ can đảm thốt lên một câu có sức mạnh lay động cả triệu con tim như thế.

Từ chối chứ không chống dối

Mặc Lâm: Thưa chị Kim Chi, rất cám ơn chị đã nói giúp rất nhiều người cái ý nghĩ của họ đối với một lãnh đạo đã đánh mất toàn bộ niềm tin trong lòng nhưng do lo sợ bị trấn áp cách này cách khác đã không đủ can đảm để phát biểu như chị. Xin chị cho biết bắt đầu từ yếu tố nào khiến chị phản ứng mãnh liệt đến như thế?
Nghệ sĩ Kim Chi: Phản ứng vừa rồi của chị vì chị nghĩ là một ông Thủ tướng mà ông ấy làm ra bao nhiêu vụ như Vinashin rồi thứ nọ thứ kia, tỷ này tỷ kia bây giờ ký một cái bằng để khen chị thì chị cảm giác tổn thương nên chị từ chối vậy thôi chứ không phải là thái độ chống đối hay gì cả.
Cuộc đời này “sắc sắc không không” lắm nhưng dẫu như vậy thì cũng không nên để cho người dân khổ. Chị đa cảm lắm, khi nhìn thấy ngày ngày những chuyện người ta bị mất đất mất đai, bị tranh giành bởi một nhóm người nào đó thì nhiều khi chị ngồi chị khóc ngon lành. Chị nghĩ nếu người điều hành đất nước mà để xảy ra những việc đó thì đâu có giỏi, đâu có hay mà nắm quyền làm gì?
Chính xuất phát từ xem TV, đọc báo thấy những chuyện ấy nó đau lòng quá nên chỉ mong mỏi nếu bỗng dưng ngủ dậy nghe ổng làm đơn từ chức thì mình cảm ơn ổng lắm. Để ai đó có năng lực có tâm, có tài người ta thay thế. Chính vì thấy những điều đó nên chị hành động như vậy thôi.
Mặc Lâm: Chị có thể cho biết việc làm ngoại mục này của chị chỉ một mình chị thôi hay có sự đồng cảm của gia đình, đặc biệt là người bạn đời của chị hiện nay, người mà nếu có gì xảy ra cho chị thì anh ấy cũng không thể tránh phiền hà…
Nghệ sĩ Kim Chi: Ông xã bây giờ của chị ổng dạy tại Đại học Bách khoa ổng rất là ủng hộ chị. Khi cái thư của chị viết “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của người làm nghèo đất nước”, ổng bảo cho anh thêm một câu nữa là “làm khổ nhân dân”…Chị bảo đúng, đúng, hay quá! Cho nên ngay trong gia đình thì ông chồng chị rất là ủng hộ chị với một thái độ cương trực thẳng thắn như vậy.
Mặc Lâm: Vậy thì cũng phải chia lời cám ơn và sự ngưỡng mộ đối với ông xã của chị nữa! Sau khi câu chuyện lan rộng trên Internet chị có nhận được những phản hồi gì hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Từ mấy hôm nay rất nhiều người gọi điện tới hầu hết tỏ lòng ủng hộ, ngưỡng mộ chị. Có một vài bạn hơi lo lắng cho chị nhưng chỉ chả thấy sao cả. Quan niệm đầu tiên của chị là: sống phải tử tế. Sống trung thực, không cúi đầu trước bất cứ cái gì. Nói về sự nghiệp điện ảnh thì chị có đóng góp nhưng chị thấy không có gì quá nhiều đâu nhưng nếu cộng với lĩnh vực sân khấu thì rõ ràng là mình có con số cộng.
Mặc LâmChị có thể cho thính giả biết một ít về những hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh và sân khấu cũng như quá trình công tác sau khi chị tập kết hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Sau khi chị tốt nghiệp lớp diễn viên đầu tiên, lúc đó chị đi tập kết ba chị là liệt sĩ chống Pháp. Sau đó chị thi vào trường điện ảnh, tốt nghiệp khóa diễn viên đầu tiên nhưng thấy miền Bắc lúc đó rất là ít phim, mỗi năm chỉ có một phim thôi, mình chen lấn chờ đợi thì khó mà lúc ấy chiến trường miền Nam thì cần văn nghệ, thế là chị xung phong ra chiến trường nên chị là người nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt Trường sơn.
Hồi đó có cái vui là chị đóng nhiều vai chính làm MC cho nhiều đoàn Văn công Giải phóng. Đi đến đâu thì bộ đội rất yêu quý và đặt cho biệt danh là “Người đẹp rừng xanh”! Chị hay nói giỡn là xanh với khỉ dọc thì em đẹp hơn là cái chắc rồi đó…
Nói vui để em thấy rằng chị có những ký ức lớn lao và sâu xa nhiều thì phải nói là sân khấu. Chị ở sân khấu chiến trường 10 năm, phục vụ đồng bào và chiến sĩ, đuổi giặc ngoại xâm dành lại đất nước.

Nghệ sĩ ưu tú

Mặc Lâm: Được biết chị đã từng nhận danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, cảm giác khi nghe tin mình được một giải thưởng danh giá như vậy của chị ra sao?
Nghệ sĩ Kim Chi: Chị phải nói như thế này, khi chị nghe mình được phong “Nghệ sĩ ưu tú” thì cảm xúc đầu tiên là chị khóc. Chị khóc không phải cho chị nhưng chị nghĩ mình may mắn là chị còn trở về để thấy thắng lợi thấy mọi thứ. Hôm nay dẫu muộn màng vẫn còn được ghi nhận. Chị thương những người đồng đội của chị, những người mà đến bây giờ họ rất là thiệt thòi thậm chí họ gửi hài cốt lại chiến trường. Có những người cho đến bây giờ họ không có một quyền lợi gì hết.
Thương chớ, xót xa chớ. Thương những người đồng đội của chị họ không được trở về như chị. Chị may mắn tốt nghiệp ở miền Bắc rồi đi vào chiến trường, đi diễn và có nghề có nghiệp còn các đồng đội của chị thì họ ở dưới ruộng họ lên họ vào đoàn cho nên trình độ họ thấp kém họ không được như chị. Cho nên khi hết chiến tranh các bạn chị chỉ về vườn vì họ đi chiến đấu chỉ bằng tinh thần yêu nuớc thôi chứ còn sự nghiệp thì họ không có cho nên rất tội nghiệp.
Tuy nhiên chị nghĩ rằng những người đã ra đi thì không toan tính đâu. Hôm nay chị trả lời với em chị cũng nói rằng tuổi trẻ của chị không hề biết suy tính bất cứ cái gì được hay mất mà khi đi thì bom đạn dọc đường cái chết nó rình rập. Đã là dấn thân thì cảm thấy rất tự hào vì được hiến dâng cho đất nước, thật sự như thế.
Mặc LâmCó một quãng thời gian rất dài chị theo chân nhiều binh chủng trên con đường Trường Sơn, trong ngần ấy tháng năm ký ức lớn và sâu đậm nhất của chị còn lắng lại là gì?
Nghệ sĩ Kim Chi: Ký ức sâu đậm nhất trong cuộc đời của chị thì đó là chị đã từng diễn trong lúc pháo bầy bắn tới, khán giả chết nhưng mà mình không chết. Chị di chuyển với đồng đội thì đồng đội bị bắt, bị giết, bị mổ vú bị Tàu ăn thịt nhưng chị vẫn còn sống. Tất cả những cái đó nó thành ký ức rất sâu đậm. Chiến tranh khắc khoải trong lòng chị cho nên chị nghĩ bây giờ mình sống thì phải tiếp tục làm điều gì đó cho con người khỏi giết hại lẫn nhau. Để cho người với người thương nhau cho nên ký ức sâu đậm nhất của chị là ký ức chiến trường.
Mặc Lâm: Chị đóng phim cũng nhiều mà diễn trên sân khấu cũng không ít. Xin chị nhắc lại cho người hâm mộ một vài tác phẩm mà chị có tham gia.
Nghệ sĩ Kim Chi: Phim thì chị đóng hơn 20 phim mà trong đó các vai bà Chín trong “Biển sáng”, Sáu Hiền trong “Bài ca không quên”, rồi “Biệt Động Sài Gòn” đóng vai vợ của tướng Nguyễn Ngọc Liên, rồi một loạt những vai mà chị kể ra không hết…nếu em hỏi vai nào làm chị hài lòng nhất thì chị buồn cười lắm không biết sao cứ mỗi lần xem lại thì chị thấy mình có những cái dở. Lại không bằng lòng mình, lại muốn một cái gì mới hơn…tức là thật tình mà nói chưa bao giờ chị bằng lòng với những cái vai nào của mình hết.
Những năm đi chiến trường chị đóng một số vai trên sân khấu như Bà giáo Minh Tú trong “Trận đấu thầm lặng”, hay “Đêm nay ngày mai” đóng vai cô gái diễn viên không chuyên nghiệp, rồi đóng một loạt các vai khác.
Khi chị ốm thì không ai thay thế được hết! Coi như chị không diễn thì vở đó bỏ! Có những hôm chị đang nằm bệnh viện thì cơ quan, đoàn hát phải đến xin phép rồi phải dìu chị đến sân khấu, bắt võng cho chị nằm…tới vai thì nhảy ra… lúc đó tự nhiên như lên đồng không còn thấy ốm đau gì nữa. Diễn xong thì lại sốt đùng đùng và mọi người lại đưa về! Đấy là những ký ức sâu đậm.
Mặc Lâm: Cuộc sống nghề nghiệp của chị hiện nay ra sao? Chị đã về hưu chưa và đời sống kinh tế của gia đình như thế nào? Chị có sống nổi với tiền nhuận bút mà nhiều nghệ sĩ vẫn cho là đồng lương rất hạn hẹp hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Bây giờ công việc của chị hiện nay là viết. Chị viết kịch bản nhiều tập, rồi chị viết sân khấu. Năm rồi chị cũng được cái giải nho nhỏ đó là giải khuyến khích cho vở “Sao hôm sao mai”. Công việc của chị bây giờ chủ yếu là viết nhưng chị viết chủ yếu để tự hoàn thiện mình và cũng để kiếm sống nếu như người ta dàn dựng thì mình cũng có thu nhập. Đồng lương của đất nước mình đối với mọi người, đối với văn nghệ sĩ nó rất khiêm tốn như em đã biết. Mình nằm chung trong cái mặt bằng chung của đất nước thì mọi gnười đều như thế chứ không phải riêng mình nên chị không thấy thiệt thòi gì bởi vì mình đâu thoát ra khỏi cái cộng đồng người Việt mình. Mọi người đều giống như thế trừ những người buôn bán người ta giàu có thì mình phải chấp nhận thôi.

Bằng lòng với hiện tại

Mặc LâmHiện nay chị đang giảng dạy bộ môn gì và công tâm mà nói chị có bằng lòng với những gì chị đã và đang có hay không, đặc biệt là sự nghiệp sân khấu và điện ảnh?
Nghệ sĩ Kim Chi: Năm qua chị mới đựơc xét là nghệ sĩ ưu tú thôi còn trứơc đây không được bởi vì người ta đòi hỏi phải có huy chương, huân chương vàng hay bạc nhưng như em biết chiến tranh thì ai người ta dại gì tổ chức hội diễn để cho bom đạn giết chết! Cho nên chị chả có huân chương huy chương gì cả.
Sau này khi chị đi học đạo diễn sân khấu ở Bungary thì chủ yếu chỉ giảng dạy. Giảng dạy về diễn viên và học trò chị bây giờ đã rất nhiều em thành đạt có cả nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú nữa. Thành ra chị thấy rất vui, hạnh phúc nên tóm lại nếu em hỏi chị ấn tượng gì trong cái nghề nghiệp của mình thì chị nói chung như thế.
Chị có thời gian giảng dạy tại thành phố Hồ Chí Minh, vừa giảng dạy vừa đi đóng trong những vai nó vừa phải thôi chứ không có gì lớn cho nên chị thấy là thành tựu đóng phim mình không có nhiều đâu. Nếu so với chị Trà Giang thì chị không bằng người ta đâu cho nên có lần báo chí hỏi chị tại sao chị đi chiến trường, chị có nghĩ là nếu ở lại thì chị cũng vượt lên đỉnh vinh quang như chị Trà Giang…Chị bảo không đâu, mỗi người có một số phận, chị không dám so sánh, hơn nữa chị thấy chị Giang rất là giỏi và khi cái may mắn nó đến nó còn có việc qua tay đạo diễn giỏi, kịch bản tốt nữa chứ không phải ai ở lại miền Bắc đóng phim cũng đều đạt đỉnh cao như vậy hết.
Chị bằng lòng về mình, bằng lòng mọi cái bởi vì thế này, không phải chị thỏa mãn nhưng vì chị đã cố gắng hết mình nhưng chỉ tới được mức đó thôi, chị rất vui và không có sự bất mãn nào hết.
Thật lòng chị rất yêu đất nước yêu nhân dân và yêu tất cả. Chị làm nghệ thuật cho tới bây giờ sáng tác, viết lách cũng với cái tâm làm thế nào cho con người biết yêu thương nhau. Chứ bây giờ người ta đang xâu xé, tranh dành mọi thứ khiến chị đau đớn khắc khoải lắm.
Mặc LâmChị cũng biết đấy, “lời nói thẳng cho một nhà độc tài không khác gì thọc tay vào ổ kiến lửa để tìm sự thật”! Chị có lo lắng về những gì sắp xảy ra sau khi câu nói nổi tiếng của chị được hàng triệu người biết tới hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Cũng có người lo là bây giờ người ta đưa lên mạng như thế thì có thể bị tù, bị bắt, bị còng đầu hay không thì nói thẳng ra là chị không sợ. Chị tin vào chân lý. Nếu thật ra một chính quyền mà bắt chị bỏ tù thì đúng là cái chính quyền đó có vấn đề lắm rồi phải không? Vì vậy chị không sợ, chị không tin là có chuyện đó xảy ra.
Chị vững tin như thế vì con người có lương tri còn nhiều lắm. Lẽ phải còn nhiều lắm vì vậy những người mong cái gì tốt đẹp cho quê hương cho đất nước vẫn còn rất nhiều.
Chị với tư cách của một người cộng sản, mà một người cộng sản chân chính thì mong những đìều tốt đẹp cho dân tộc mình, cho nhân dân mình. Chị hành động như một người cộng sản vì chị nghĩ rằng nếu họ rút lui thì đó là hành động yêu nước. Yêu nứơc lớn lắm chứ không phải lúc nào nhận nhiệm vụ cũng là yêu nước đâu. Nhiều khi rút lui lại càng yêu nước hơn.
Hiện nay bất ngờ chị thấy mấy ngàn người lên mạng ủng hộ, thế thì chị rất vui vì thấy rằng mình không cô đơn và trong cuộc sống này nếu mình nói tiếng nói phải thì được rất nhiều người đồng tình.
Mặc Lâm: Dựa vào niềm tin nào mà chị cho rằng mình sẽ không thể bị bách hại hay ngay cả ném đá nếu người ta muốn, trong đó có cả yếu tố chụp mũ cho rằng chị bị mua chuộc bởi nước ngoài?
Nghệ sĩ Kim Chi: Khi chị hành động thì chị nói thật với Lâm là chị tin vào lẽ phải, tin vào số đông người. Chị đã nói người tốt còn nhiều lắm. Cũng có thể ai đó người ta lo lắng người ta nói em làm cho đài hải ngoại có thể em khai thác thế này thế kia nhưng chị không tin, vì nếu mình cứ nghĩ như thế thì mãi mãi thế giới này không bao giờ hiểu nhau hết.
Chị không sợ gì cả vì chị có chính kiến, có suy nghĩ riêng của chị. Đừng nghĩ là người ta ở nước ngoài là người ta xấu. Hiện nay Việt kiều bao nhiêu người gửi tiền gửi của về ủng hộ xây dựng đất nước, làm bao nhiêu điều lớn lao. Chị rất cảm phục, ngưỡng mộ bởi vì chị coi là người ta yêu nước bằng nhiều con đường, nhiều cách.
Mặc LâmXin cám ơn nghệ sĩ Kim Chi về cuộc nói chuyện ngày hôm nay.



A.Q & Luẩn quẩn


Võ Trung Hiếu
A.Q
Khi_dotLẽ ra theo thuyết tiến hoá
Loài khỉ rồi sẽ biết nghĩ bằng não và đi bằng hai chân
Con người rồi sẽ chui ra khỏi hang và trở thành bộ lạc
Bộ lạc rồi sẽ trở thành vương quốc
Vương quốc rồi có thể sẽ thành một nền cộng hoà
Lẽ ra theo khoa học
Loài khỉ được dẫn dắt bằng những con khỉ thông minh nhất
Bộ lạc hùng mạnh được cai quản bởi những tù trưởng thông thái nhất
Vương quốc hùng mạnh được trị vì bởi vị hoàng đế anh minh nhất
Quốc gia hùng mạnh được lãnh đạo bởi những con người ưu tú nhất
Nhưng vì sao
Có những loài khỉ như không hề tiến hoá
Có những bộ lạc chết dần chết mòn
Có những vương quốc suy vong cùng kiệt
Có những đất nước thiếu ánh bình minh
Có lẽ lỗi tại loài khỉ đã lỡ chạy theo con khỉ ngu xuẩn đầu đàn
Có lẽ lỗi tại bộ lạc đã lỡ cả tin ông tù trưởng dốt
Có lẽ lỗi tại đế chế xưa nay không cho phép thần dân chọn vua
Có lẽ lỗi tại nhân dân dân trí làng nhàng không chọn nổi những người tài đức
Ừ, mà có khi thế thật
Nghĩ làm chi cho mệt đầu
Các VIP nào có lỗi gì đâu
Lỗi tại chúng mình cả đấy
Tất cả những dòng sông đều chảy
Lịch sử vốn luôn công bằng
Nhân dân đều biết
Hôn quân, minh quân sinh – tử với thời gian
Chuyến đò xuôi giữa mênh mang
Cánh đồng vẫn hẹn mùa vàng tương lai …
9.1.201
LUẨN QUẨN
quyen-luc-ao1Trong vương quốc Facebook
Tôi nhìn thấy quá nhiều sự e dè, nghi ngại
Tôi đánh hơi thấy quá nhiều Tào Tháo cài đặt trong những bộ óc Việt
Tôi cảm giác thấy quá nhiều cảnh giác
Kiểu như ” once bitten, twice shy “…
Có những người đến ” Like” cũng không dám enter
Vì sợ có kẻ khác Unlike
Có những người dù rất muốn cũng chỉ comment trong đầu
Vì cứ lăn tăn mãi, ” Đó là ai ? Tà hay chánh ? Ma hay người ? “
Có những người đến ” :-) ” cũng không dám cười
Vì sợ sếp mình ” :-( ” nhăn nhó
Có những người đến ” Fuck ! ” cũng không dám chửi
Vì sợ đánh rơi cái gia giáo nết na đang đẹp đẽ khoác trên người
Có những người thấy chướng, thấy sai nhưng chọn lựa im lặng
Vì đã thoả hiệp với chính mình, co quắp mãi thành quen
Có những người thấy tốt, thấy đẹp, thấy chính nghĩa – lẽ phải rõ ràng cũng chẳng dám khen
Vì sợ bỗng dưng tai bay vạ gió
Thuở nhiễu nhương
Đèn nhà ai nhà ấy tỏ
Vợ/chồng/bồ – quê hương xứ sở đứa nào đứa ấy khen …
Ôi Facebook ! Trắng đùa với đen
Tốt xấu, sang hèn, lạ quen đủ cả
Nhưng vẫn là cuộc đời – không hề là phép lạ
Dù ảo nhưng luôn rất rất rất người
Vẫn cần niềm tin và sự thật bạn ơi
Tôi bước ra cuộc đời
Hình như còn buồn và nhiễu nhương hơn thế
Cá sấu sẵn sàng hồn nhiên nhỏ lệ
Con rắn độc uốn lưỡi dịu dàng thỏ thẻ
Con sói đeo mặt nạ cừu hiền hậu thôi rồi
Con cháu Thạch Sanh thất chí vào chùa
Hậu duệ Lý Thông bèn thừa cơ giảng đạo khắp nơi
Mona Lisa thì khúc khích cười
Quả táo đời ” imported from China ” ba tháng vẫn nguyên tươi
Ăn vào cả đời ngộ độc …
Tôi lại quay về trốn vào Facebook
Vẽ nên một vòng luẩn quẩn chẳng đầu đuôi
Vẽ nên một phần bi kịch của chính tôi
Và hàng chục triệu người
Đang hít thở và tưởng mình đang sống
Nối vòng tay – bao giờ cho đủ lớn ?
Nghĩ mà thương ông Trịnh Công Sơn …
17.5.2012




Hiện tượng Kim Chi


Võ Văn Tạo
130109140818_nghe_sy_dien_vien_dien_anh_kim_chi_304x171_anhtulieu“Sấm sét giữa trời quang”
Một ngày sau khi lá thư gửi hội Điện ảnh Việt Nam của nữ diễn viên khóa 1 – đạo diễn điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, cảm ơn Hội quan tâm, nhưng từ chối làm hồ sơ nhận bằng khen của thủ tướng, với lý do xác đáng: “tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo Đất nước, làm khổ Nhân dân. Với tôi, đó làmột điều rất tổn thương vì cảm giác bị xúc phạm” đăng tải trên mạng, đài BBC có bài phỏng vấn chị. Hàng trăm bạn đọc trong và ngoài nước, trong đó có nhiều trí thức tên tuổi và cương trực, bày tỏ kính phục, ngưỡng mộ nhân cách cao cả, khí phách phi thường của chị. Không ít « mày râu » thổ lộ tự lấy làm hổ thẹn trước một « quần hồng » Kim Chi, hết dám nghĩ phận đàn bà, “xướng ca vô loài”. Nhiều người biết ơn chị can đảm thét lên từ lồng ngực đất nước bị đè nặng lâu nay bởi khốn khó, nguy cơ giặc trong, thù ngoài. Đó cũng là tiếng lòng của hàng triệu con dân đất Việt. Rõ ràng, đây không chỉ đơn thuần chuyện nghệ sĩ với danh hiệu khen thưởng.
Có người gọi đây là sự kiện “sấm sét giữa trời quang”, làm không ít trí thức, văn nghệ sĩ – vẫn chỉ chăm chăm tỉa tót cho « bộ lông cánh » của họ – giật mình, thất kinh.
 Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ
Ở nửa bên kia của cuộc đời, nữ nghệ sĩ hẳn tường tận số phận bị khủng bố, đọa đày, trù dập, hành hạ đủ kiểu hèn hạ và ti tiện nhất suốt nhiều thập niên của rất nhiều văn nghệ sĩ tài hoa và gia đình, thậm chí cả con cháu, bạn hữu họ, chỉ vì muốn phản ánh sự thật, tự do tư tưởng, đề cao nhân phẩm… qua cái gọi là vụ án “Nhân văn – Giai phẩm”; tai nạn giao thông “khó hiểu” của vợ chồng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh bạc mệnh… nhưng khi BBC đề cập đến hiểm họa bị trả thù, hãm hại hèn hạ, Kim Chi – từng 10 năm bom đạn ở chiến trường miền Nam – bộc bạch: “mọi cái bây giờ nhẹ như lông hồng. Vì tôi muốn sống ngay thẳng, sống cho tử tế”.
Chị bảo chị là công dân, có quyền thích hay không thích, mà không thích thì không nhận”. Nhiều người nghĩ, không đơn giản vậy. Không thích, chỉ cần “tế nhị” (như nhiều nghệ sĩ khác) nại lý do muốn nhường, đại loại như thấy đồng nghiệp khác xứng đáng hơn…
Đồng ý để các bạn trẻ post lá thư lên facebook, có lẽ chẳng quá lời khi nói Kim Chi có cái dũng của kẻ sĩ “trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ” (Lỗ Tấn).
Hãy đặt thái độ của chị bên cạnh động thái của không ít “mày râu” văn nghệ sĩ, trí thức có danh, cam chịu buông bút tắt tiếng lòng, thậm chí nhiều người “sám hối” – tự sỉ vả vô lối, vu khống đồng nghiệp, mong qua cơn bĩ cực Nhân văn – Giai phẩm. Chưa bàn đến đám “văn nô chém cả tuần không hết”, leo lẻo đầu độc nhân dân, bưng bô hót giọng “tiếng đầu lòng, con gọi Xtalin”.
Hãy đặt thái độ của chị bên cạnh động thái bi hài vừa qua của tổng bí thư, chủ tịch nước, tập thể bộ chính trị, ban bí thư, trung ương đảng “quần nhau” suốt mấy tháng ròng, mà chẳng thể xử lý kỷ luật, thậm chí không dám nêu đích danh, chỉ ỡm ờ “một đ/c trong bộ chính trị”, hay “đ/c X”! Chưa bàn đến động thái các nhân vật cấp cao, báo chí “kỵ húy” gọi thẳng tên kẻ thù Trung Quốc xua quân xâm lược, bắn giết, chèn ép dân ta; và cả với sự kiện này, giả điếc trước “sấm sét giữa trời quang”.
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng
Nếu chỉ nhìn nội dung khước từ chữ ký thủ tướng, hẳn có người muốn chụp lên chị cái mũ “quá khích”, hoặc muốn nổi danh, chơi trội.
Xin cùng lắng nghe chị bộc bạch: “Phù du hết! Tôi thế này là may mắn lắm rồi, đồng đội có người còn đi mãi, không về”. Chị không quên ơn hội Điện ảnh từng quan tâm, dù lớn, dù nhỏ: “ủng hộ tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, cá nhân xuất sắc năm 2011, được tham dự Trại viết điện ảnh năm 2011. Hội viên hội Điện ảnh có hàng nghìn người, tôi nghĩ mình được quan tâm như thế cũng đã nhiều, và tôi thấy vui. Nếu Hội khen tôi, có chữ ký anh Xuân Hải, chị Hồng Ngát, chị Cẩm Thúy (lãnh đạo Hội- TG) thì tôi cũng đã thấy vui và hạnh phúc lắm rồi – tôi nói thật tình lòng tôi. Tuy các anh, các chị không quyền cao chức trọng gì, nhưng là đồng nghiệp thân thương của tôi. Được đồng nghiệp có tâm – tài khen ngợi, mới thật là điều vinh dự”.
Ấm áp trân trọng đồng nghiệp, khiêm nhường và can đảm hiếm có; chắc chắn cái mũ “qúa khích” hay “chơi trội” không hợp với cái đầu cứng hơn gang thép cùng trái tim hồn hậu của chị.
Xin đừng khắt khe
Bên cạnh đa số cảm kích, khâm phục, cũng có người chỉ trích khi nghe chị nói với BBC: “Tôi cũng nói thẳng, tôi là nghệ sĩ cộng sản chính hiệu. Và cho tới bây giờ, trái tim tôi là tim của một người cộng sản, mong đất nước này sẽ được hòa nhập được với thế giới, tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và dân không khổ nữa”.
Xin hiểu Kim Chi, theo quan niệm của chị, đã là người cộng sản là phải sống và cống hiến sao cho xứng đáng với lý tưởng mà chị trân quý. Chính vì vậy, chị mới thẳng thắn bày tỏ không muốn nhìn thấy trong nhà chị có cái chữ ký của một người mang danh ủy viên bộ chính trị ĐCSVN, nhưnglàm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân.
Trên thực tế, không ít người chống cộng gắt gao nhất, cũng nhìn nhận nét nhân văn cao đẹp của lý tưởng cộng sản (“lý tưởng” thôi nhé!). Xin phân biệt thật rành rẽ sự khác biệt như ánh sáng với bóng tối, như nước với lửa, như thiện với ác, giữa tính nhân văn của lý tưởng cộng sản với luận điệu tuyên truyền bịp bợm, mị dân của những kẻ khoác áo cộng sản, nhưng độc tài, cơ hội, tham nhũng, bất tài, dốt nát, trơ trẽn tham quyền cố vị, vô cảm – đè đầu bóp nặn nhân dân, kìm hãm đất nước, cốt vinh thân phì gia, cùng cái gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hết sức méo mó như họ đã và đang áp đặt ở nhiều quốc gia.
Mặt khác, nữ diễn viên – đạo diễn Nguyễn Thị Kim Chi đâu phải triết gia, hay nhà nghiên cứu xã hội học, để có thể/và cũng không phải dịp thích hợp để dài dòng về chủ nghĩa cộng sản dưới con mắt kinh tế – chính trị học trong vụ này.
Chỉ chừng nửa trang giấy A4, một cách thẳng thắn, dễ hiểu và trên hết là trách nhiệm với nhân dân, với đất nước, nữ nghệ sĩ đáng kính nói được điều cốt tử hệ trọng của nhân dân và đất nước (không cần quá thông minh để hiểu phía sau những câu, chữ súc tích trong lá thư – câu hỏi: tại sao một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, vẫn chễm chệ ghế Thủ tướng?), mà hàng chục cuộc họp, hàng vạn trang nghị quyết, hàng nghìn buổi diễn thuyết vô bổ, rối rắm, vẫn không bật ra nổi.
Xứ ta, nghệ sĩ, trí thức phẩm trật mũ cao áo dài lòe loẹt đông như châu chấu, mấy người làm được như chị? Thậm chí, sau sự kiện Kim Chi, mấy ai lặng lẽ (chỉ “lặng lẽ” cũng đã tốt) tháo xuống, đem “phi tang” cái “của nợ” đã “trót” treo lên? Sắp tới, mấy ai khước từ trước tình huống tương tự? Rồi đây, có giảm đáng kể kẻ bon chen, chạy chọt lo lót mua danh phù phiếm? Khó nói trước, nhưng chắc chắn không ít người chẳng dám lấy làm vênh vác sở hữu kiểu chứng chỉ “vinh danh” tương tự.
Cùng cảnh chị, là học sinh miền Nam tập kết, rồi người lính Sư đoàn 304, may mắn trở về từ “cối xay thịt” Quảng Trị – B5 1972, người viết bài này tự hào là đồng đội thời thanh xuân đẹp nhất của chị – chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Nơi sâu thẳm trái tim tôi, cái tên Nguyễn Thị Kim Chi lấp lánh trong số rất hiếm Nghệ sĩ cao quý đích thực của Nhân dân…
V.V.T.
Thư  từ chối Thủ tướng khen của đạo diễn NTKChi





Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, tôi kính phục chị!


Xung quanh việc NSUT Kim Chi từ chối bằng khen của Thủ Tướng
KC1Nguyễn Văn Thiện
Nói thật, xưa nay, trong mắt của nhiều người, vẫn coi văn nghệ sĩ là đám háo danh, nhiều khi chỉ vì cái danh hão mà khom lưng quỳ gối trước mọi thứ, đặc biệt là trước quyền lực. Người ta vẫn kể cho nhau nghe nghệ sĩ nọ chạy vạy để được giải thưởng, nhà thơ kia luồn lách bằng đầu gối để được kết nạp vào hội kia. Trong bối cảnh như vậy, việc NSUT Nguyễn Thị Kim Chi từ chối bằng khen của thủ tướng quả là một chuyện “xưa nay hiếm”.
Không những từ chối, chị còn tuyên bố rõ ràng: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.
Xin lỗi chị, tôi và những người thuộc lớp hậu sinh, không rõ lắm những cống hiến trước đây của chị, thậm chí không từng nhớ là chị đã từng đóng những vai nào trong những phim nào. Nhưng với hành động hôm nay, chị đã dạy cho chúng tôi một bài học về lòng tự trọng của người nghệ sĩ chân chính. Người có lòng tự trọng thời nào cũng hiếm, đặc biệt thời này lại càng hiếm.
Trong bối cảnh giả dối tràn lan, cái ác tràn lan, sự vô liêm sỉ tràn lan như một căn bệnh trong xã hội thì hành động của chị chẳng khác nào một lời tuyên chiến. Trả lời BBC, chị cho rằng mình có thể bị phiền hà, bị gây khó dễ, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng vì hành động của mình, nhưng chị không sợ.
Đến đây, tự dưng tôi nhớ đến “Thất trảm sớ” của thầy giáo Chu Văn An ngày trước. Hai hành động khác nhau nhưng cùng thể hiện cốt cách của kẻ sĩ, của người trí thức trước cuộc đời. Quả thật, cuộc đời vẫn còn có người tốt và vẫn còn những điều tốt đẹp đang chờ chúng ta phía trước, miễn là chúng ta dám đứng thẳng trước cường quyền.
 GS Nguyễn Huệ Chi
Những cái chết như của BS Thùy Trâm và nhiều người khác có vô ích hay không? Có lẽ đến thập niên đầu của thế kỷ XXI này, các câu hỏi đại loại như trên dần dần tích tụ lại, đang trở thành một băn khoăn quặn lòng lúc nào cũng mơ hồ đặt ra trong tâm trí những người đã từng sống hết mình cho một quá khứ mà họ tin là tốt đẹp. Hành động mới đây của nghệ sĩ điện ảnh ưu tú Nguyễn Thị Kim Chi là câu trả lời sáng rõ nhất: nếu ta đã sống, đã hành động với tất cả niềm tin trong sáng và giữ được đến cuối đời phẩm chất lương thiện của mình, thì sự đổ vỡ của cái hiện thực mà mình từng dâng trọn niềm tin chỉ có ý nghĩa của một bi kịch chứ không bao giờ là hài kịch. Mà đối với bi kịch, phẩm giá con người chỉ càng được tôn lên  chứ không bao giờ bị hạ thấp xuống. “Không nghi ngờ gì nữa, bi kịch là một điều gì đó của CÁI ĐẸP, khi chính nó bị đụng chạm ghê gớm” (La tragédie, sans doute, est quelque chose de beau quand elle est bien touchée – Molière).
Ba Sàm
Nó vạch trần, bằng hình ảnh tương phản bi hài giữa tư cách của kẻ ban ơn, khen tặng người xứng đáng được khen, về sự nguy hại của cả một hệ thống khổng lồ được gọi là “thi đua khen thưởng” đã bị lạm dụng, biến thái cao độ, dùng chính tiền của người dân để tạo ra môi trường sống cho bầy sâu mọt, cho thói đạo đức giả, thói háo danh, làm băng hoại đạo đức toàn xã hội với quy mô chưa từng thấy trong lịch sử đất nước. Nó giáng xuống đúng lúc người ta vừa cố diễn màn tấu hài, vội vã gắn huy hiệu 65 tuổi đảng cho Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tại giường bệnh trước khi ông lìa đời đúng một ngày.
Cuối cùng, nó góp phần thức tỉnh giới văn nghệ sĩ đang “sống trong sợ hãi” và danh lợi, các đấng nam nhi, hãy bằng tri thức và tiếng tăm của mình, nói thay, dẫn dắt dân chúng cùng lên tiếng, thức tỉnh những người cầm quyền, rằng thời cơ đã đến rồi, hãy biết sám hối bằng quyết tâm tự gột rửa, hành động vì dân, vì nước, trước khi quá muộn.
Sao Hồng
Một tập thể lãnh đạo đầy quyền lực của một đất nước có thể không kỷ luật nỗi một cá nhân “làm nghèo đất nước và làm khổ nhân dân”.
Nhưng một “Nghệ sỹ cộng sản chính hiệu” với “trái tim của một người cộng sản” có thể đã khơi nguồn cảm hứng cho một trào lưu trong mọi tầng lớp nhằm tẩy chay (và bất tín nhiệm) những lãnh đạo đã, đang và sẽ làm giàu cho “nhóm lợi ích”, dòng họ gia đình của mình mà “làm nghèo đất nước và làm khổ nhân dân” !
Họa sĩ Đỗ Đức:
Tôi đã xem Kim Chi trong những phim chị sắm vai, nhớ nhất phim Cánh đồng hoang đóng cùng Lâm Tới. Thành thực từ lâu đã yêu quí chị với những gì chị đã thể hiện. Hôm nay tôi kính trọng chị hơn, con người nhỏ bé yếu đuối về thể lực nhưng là một nhân cách đàng hoàng. Rồi lâu rầy mọi người sẽ hiểu. Còn bây giờ tôi chắc theo thói quen lâu nay, sẽ nhiều người coi chị là xấc xược điên khùng vì dám thóa mạ người đứng đầu chính phủ.
 Ừ, dân là con sâu cái kiến thật, nhưng vẫn có những con kiến lửa, kiến bọ giọt biết giữ mình, chứ không phải toàn kiến gió!
 Nhà thơ Đỗ Trung Quân
Chị  Kim Chi. Chị đáng kính trọng hơn biết bao thằng đàn ông vừa hèn vừa nịnh, chúng có tất cả trừ nhân cách.






Câu hỏi về niềm tin


Bùi Văn Bồng
209000_338116992929912_25277236_nNhững câu xưa của các thế hệ tiền bối: “Một lần không tin, vạn lần bất tín”; “mất niềm tin là mất tất cả”;… Đức tin trong Kitô giáo cho rằng người tu hành, ‘con chiên của Chúa’ luôn luôn cần đức tin: Tin vào điều ai đó nói, chấp nhận một lời tuyên bố;  tin cậy người nào, khác với tin suông một điều gì. Đức tin cần có cho sự cứu rỗi bao gồm “tin rằng” và “tin vào”, “lấy gì để tin”, “tin thì được cái gì”, tức là phải có sự hiện hữu sự thật đủ sức thuyết phục để người ta chấp nhận một và tin cậy một người nào đó. Nhất thiết cả bốn căn nguyên đó  phải được làm rõ trong thực tiễn cuộc sống, phải cho con người, vì con người.
 Có người hỏi: “Tại sao không cần nhiều Viện nghiên cứu, tài liệu, giáo trình, nghị quyết, tập huấn, họp hành mà các dân tộc trên thế giới, đời này sang đời khác có rất nhiều tín đồ tự nguyện tự giác tôn thờ các tôn giáo mà họ chấp nhận, họ đặt niềm tin?”. Bởi lời dạy và các chỉ giáo đạo đức đi đúng nguyện vọng con người, lý giải có căn nguyên, đúc kết quy luật phù hợp tâm nguyện người đời. Hơn nữa, các đấng mà họ tin theo dù là người có thật hay nhân vật siêu  nhiên, thần thoại đều chưa có biểu hiện thất hứa, chưa thấy làm điều gian ác, dối trá, không có sự hứa hão, nói mà không làm, hoặc nói một đường làm một nẻo. Lời nói và uy danh của họ vẫn giữ được đức tin. Và trong các đấng được tôn thờ, không có ai trong “một bộ phận không nhỏ”. Các thầy tu, thầy chùa giảng đạo, nhưng sau khi giảng họ không đi làm các việc gian tham, lừa dối, ác độc. Như Samuel Johnson, học giả người Anh thế kỷ thứ 18 nói: “Chúng ta thường dễ tin người chúng ta không biết bởi họ chưa bao giờ lừa dối chúng ta”. Còn nhà tâm lý học và triết học người Mỹ, ngài  William James nói: “Luôn luôn, ở bất cứ đâu, và đối với bất cứ ai, thật sai lầm khi tin vào bất cứ thứ gì khi không đủ bằng chứng”.
ừ nhiều thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam bị xói mòn dần và nhiều mảng lớn đã mất niềm tin trong nhân dân. Như vậy, chủ thuyết, đường lối, phương hướng vạch ra rất hay, hứa hẹn nhiều, quyết tâm dày đắp, quyết liệt hô vang, nhưng cuối cùng: “Không có gì”!, còn bị mất thêm. Thế thì bảo người dân phải tin tưởng, mà con tin tưởng tuyệt đối, vững chắc, thì ai mà chịu được. Đâu phải cứ ngồi trên ghế cao, đứng trên bục uy nghi nói hay mà không làm gì hoặc bắc loa hô khẩu hiệu là người đời phải tin, phải nghe. Nói thì dễ, làm mới khó. Vấn đề là anh nói như vậy, nhưng hành động cụ thể ra sao, kết quả thế nào, làm có đúng, có được như nói không?
Trong năm qua, nhiều bài phát biểu khai mạc, bế mạc các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, phát biểu và gặp gỡ cử tri nhiều nơi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không quên nhấn mạnh thực trạng đã đến mức cấp bách và báo động nguy cơ mất chế độ chính trị-xã hội do Đảng lãnh đạo bởi dân đã mất hết niềm tin rồi!
Ngày 9/1, tại lễ kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống HS, SV (9/1/1950 – 9/1/2013) ở ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói nghe sang sảng: “Việc giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, trách nhiệm tiếp bước cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt lên vai mỗi chúng ta. Dù còn nhiều điều trăn trở, hãy giữ vững niềm tin và truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.
Nghe những lời phát biểu như vậy, bà con cả nước lại thêm một lần nữa thấy lãnh đạo ta nói rất thông thạo lý thuyết, đúng đường lối, có bài bản, và người nghe cũng thuộc hết rồi. Ai còn lạ gì những phát biểu như thế cả mấy thập kỷ xuống cấp nhiều mặt vừa qua?
Nhưng tin vào đâu, tin ở ai, tin cái gì, tin thế nào? Đó là những câu hỏi đang đặt ra rất nóng hổi và gay gắt về niềm tin. Hàng loạt sự kiện ầm ĩ, vụ việc long trời lở đất như năm 2012 vừa qua, hỏi người dân còn tin vào đâu mà giữ vững niềm tin? Nghị quyết Trung ương 4 hay, trúng, thiết thực, quyết tâm cao như thế, sau Hội nghị Trung ương 6 mọi người mới thấy là bị thua đau cả ván “bài cào”, tức là chẳng mạng lại kết quả gì, thêm mất công, tốn tiền, sinh ra nhiều hệ lụy phức tạp thêm. Có không ít người còn chút niềm tin nay cũng dốc hết sạch luôn. 

Hết ông Bộ trưởng này đên nhà chính khách kia hứa ngon hứa ngọt, nói cứ vanh vách, nhưng làm được những gì? Các đơn, thư, kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, kể cả những thư gửi thẳng Chủ tịch nước, như có ai thèm trả lời không? Ngay như kiến nghị của tập thể sinh viên gửi Chủ tịch nước yêu cầu can thiệp vụ bắt nữ sinh  Phương Uyên, nhưng vụ việc đúng-sai, phải-trái thế nào, có ai thấy Chủ tịch nước trả lời chưa? Thái độ dửng dưng, bàng quan, MACKENO, thiếu trách nhiệm, coi thường công luận và dư luận, biểu hiện khinh thường dân, vi phạm dân chủ rất rõ nét như vậy, ai tin được? Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói đó là sự “im lặng đáng sợ” cách đây 27 năm, nhưng nay thấy thực tế trên đời “đáng sợ hơn”! Cần nhắc lại: Lấy gì để tin? Tin cái gì? Tin vào đâu? Tin ai?
Chủ tịch nước nói: “Truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”. Truyền lửa bằng cách nhồi nhét vào đầu đứa trẻ lớp 3 “Hai Bà Trưng đánh giặc lạ, đánh kẻ xấu”; Anh hùng biên phòng Lê Đình Chinh bị “côn đồ” đánh chết; rồi: Trung Quốc đánh ta, xâm lược nước ta, nhưng ta phải ghi ơn họ? Truyền lửa bằng cách cho công an đến các trường đại học, cấp ủy và chính quyền nhắc nhỏ các tổ  chức Đoàn không cho sinh viên, thanh niên bày tỏ lòng yêu nước hay sao? Truyền lửa bằng cách ngăn chặn, trấn dẹp, răn đe những người bộ lộ thái độ yêu nước. Rồi đến cự sinh viên đấu tranh chống Mỹ nổi tiếng năm xưa, người có nhiều công lao đóng góp như ông Huỳnh Tấn Mẫm cũng bị công an theo dõi, chế ngự, hạch sách, ngăn cản, bắt, đe dọa hay sao? Truyền lửa bằng cách Đại tá Trần Đăng Thanh ngênh ngang “coi Trời bằng vung” giao nhiệm vụ cho các trường Đại học, cao đẳng về việc chặn đứng lòng yêu nước của sinh viên hay sao? Vân vân, rất nhiều chủ trương, chỉ đạo, động thái, kế hoạch, lực lượng, vụ việc theo kiểu đó…
“Xã hội tồn tại nhờ niềm tin, và phát triển nhờ khoa học” (Henri Fredẻic Amiel, nhà phê bình, triết gia Thụy Sĩ). Nhưng vơi snhững niềm tin như thé, xã hộicó tồn tại không? Văn minh, khoa học có phát triển không? Cho nên, từ những câu hỏi về niềm tin, Tiến sĩ Albert Schweitzer, nhà triết học, thần học Đức, mang quốc tịch Pháp đã nói: “Con người cần ít đổ rắc rối của mình lên môi trường xung quanh, và học cách thể hiện ý chí – trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực niềm tin và đạo đức”.








Lẩu dư luận


Nhà văn Thùy Linh
73229_133026546849276_1425516899_nMấy hôm nay giới bloggers có vẻ hồ hởi đón nhận diễn đàn sẽ mở ra nay mai giữa họ và các “dư luận viên” của chính quyền đang thành lập. Dòng sông cuộc sống mải miết trôi, càng ngày bên bồi, bên lở khiến hai nhóm người đứng hai bên bờ càng xa cách. Khó tắm chung dòng và khó nghe nổi lời của nhau là sự thật bấy lâu nay giữa hai phía. Đáng lẽ diễn đàn tranh luận các quan điểm đối ngược phải có từ lâu rồi.
Trước hết cần thống nhất với nhau đây thực sự là các cuộctranh luận, chia sẻ về các quan điểm, cách nhìn, những ước muốn, hy vọng về sự đổi thay tốt đẹp cho đất nước. Hết sức tránh những từ “đấu tranh”; “phê phán”…Bởi người ta chỉ đấu tranh, phê phán với những cái xấu xa, tồi tệ. Hơn nữa hiện giờ thế giới hãn hữu mới dùng đến phương pháp bạo lực, nghiêm khắc khi muốn thay đổi cái xấu. Thay vì đấu tranh, phê phán, lật mặt cái xấu, kẻ xấu, người ta cố gắng khơi gợi điều tốt đẹp trong con người, cuộc sống để thay thế dần sự bất cập, tồi tệ.
Một điều kiện tiên quyết để có thể tranh luận, chia sẻ các quan điểm giữa hai (hay nhiều) phía, tạm gọi là lề trái, lề phải, trung dung có hiệu quả là, không nên bắt đầu bằng các kết luận, cũng như sự dè chừng cảnh giác như với “thế lực thù địch” nào đó. Khi bắt đầu bằng những kết luận thì cần gì, còn gì để tranh luận, chia sẻ nữa? Điều này phía “lề phải” hay mắc phải, hay áp đặt cho “lề trái” nhân danh chính quyền. Ví dụ chưa bước vào các tranh luận thì các nhà quản lý đã bắt đầu bằng sự răn đe, rào chắn như: đấu tranh với các luận điểm sai trái; ngăn ngừa các hành vi lợi dụng để xuyên tạc chính sách, đường lối của đảng; kịp thời sẽ ngăn chặn kẻ xấu kích động nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; xử lý kịp thời những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc danh để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân…
Theo ông Hồ Quang Lợi, trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội tuyên bố thì thành phố đã chuẩn bị được 900 dư luận viên, các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh và “nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng…Giới bloggers rất mong muốn được tranh luận với những ai có chính danh chứ không thể nói với người đối thoại mà không chịu trách nhiệm lời nói của mình. Nếu 400 tài khoản trên internet chỉ để làm các “còm sĩ” ảo như lâu nay thì đương nhiên sẽ có các “còm sĩ” ảo phía bên kia tiếp chiêu mà chính quyền không được phép bắt họ khai báo tên thật. Tranh luận phải công bằng từ việc nhỏ đó. Không nên dùng ngụy danh để tranh luận với chính danh.  
Việc nữa thiết tưởng không cần nói nhưng vì đã và đang lan tràn trên mạng khiến nhiều người khó chịu, nhất là “còm sĩ” của lề phải. Các “còm sĩ” này khi lên tiếng bênh vực chính quyền, cạn lý thường chửi tục và nói tục không kiêng dè. Nếu có thể bảo vệ các quan điểm của mình bằng chửi tục, thóa mạ lẫn nhau thì không cần tranh luận, chỉ cần mở cuộc thi chửi. 
Trong tranh luận tránh hướng đến việc thóa mạ, bới móc đời tư cá nhân, nhất là người đang tranh luận với mình. Trừ khi những vấn đề cá nhân của ai đó ảnh hưởng đến việc chung, thậm chí vận mệnh đất nước. Cần loại bỏ sự thành kiến về hành vi, sai lầm trong quá khứ của cá nhân khi mọi việc đã kết thúc, đã trả giá…Chắc chắn dân oan mất đất có quyền được biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chứ không thể nói rằng họ lợi dụng việc biểu tình để chống chế độ. Cũng như thế, một blogger có thể là tù hình sự trước đây, hoàn toàn có thể là chính danh tử tế, đàng hoàng đối thoại với “dư luận viên” của chính quyền mà không bị bới móc chuyện cũ ra như một bằng chứng rằng anh ta là người không đủ tư cách tranh luận, phản biện.
Đã chấp nhận tranh luận cởi mở thì không nên giới hạn vấn đề và vùng “nhạy cảm” bắt buộc phải tránh né, không được đề cập. Càng nhạy cảm càng nên tranh luận minh bạch để tiệm cận đến gần sự thật nhất. 
Bởi ai cũng hiểu, tranh luận là để tìm ra sự thật. Sẽ có người nói sự thật của ai người nấy biết, vì đứng ở góc nào sẽ nhìn sự vật bắt sáng ở góc đó. Đúng vậy, thế gian không có bản chất riêng của nó. Nó được xác quyết do tâm trí của con người. Con người càng ít vô minh thì thế gian càng sáng tỏ với họ, bằng không sẽ chỉ nhận những sai lầm bởi những ham muốn cuồng dại. Mà muốn ít vô minh thì rất cần dẹp bớt tham-sân-si.
Không lẽ sẽ là những cuộc tranh luận bất tận khi thế gian lệ thuộc vào sự tiếp nhận của con người? Và sẽ là thất bại thảm hại nếu kết quả các cuộc tranh luận khi “lề trái” bị qui kết như sự dè chừng, răn đe, cảnh giác ban đầu đưa ra: luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tán phát tài liệu xấu, xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân…v.v.vv…
Có một điều chắc chắn, sự thật nào gần với lẽ phải nhất thì sẽ được mọi người đồng tình nhiều nhất. Nhưng lại có người căn vặn, thế nào là lẽ phải? Bởi những gì người ta nghĩ về các vấn đề của thế gian đều bị chi phối của dục vọng người đó. Cho nên lẽ phải chắc chắn sẽ phản chiếu rất ít (hoặc không còn) lòng tham, sự ích kỉ của con người. Nếu ai suy nghĩ, hành động vì lợi ích của người khác, vì sự phát triển chung, vì thiện tâm, chí thành thì chắc chắn đó là lẽ phải, là sự thật. 
900 dư luận viên (có thể sẽ nhiều hơn) nên bắt đầu thu thập lý lẽ biện minh cho chính thể có nạn tham nhũng gần như đứng đầu thế giới, thay vì tìm cách “chiến đấu, “phê phán” các luận điệu bị cho là thế lực thù địch chống phá…Vì chính nạn tham nhũng, độc tài đã tạo ra một thế gian bị méo mó, sai lạc do lòng tham của con người. Có một câu chuyện thế này…
Ngày xưa có một vị vua anh minh, cai trị thần dân bằng sự sáng suốt của mình. Vương quốc vì thế rất thịnh vượng, bình an. Nhà vua treo giải thưởng cho những ai đưa ra những lời dạy quí giá. Sự thành tâm của nhà vua được thần thánh chú ý, nhưng vẫn muốn thử thách nhà vua. Một vị thần biến thành quỉ sứ xin yến kiến nhà vua và hứa cho nhà vua lời khuyên quí giá. Nhà vua rất vui mừng nên đón tiếp quỉ sứ ân cần. Đầu tiên quỉ sứ đòi ăn thịt người. Thái tử hiến thân, rồi đến hoàng hậu, nhưng quỉ sứ vẫn còn muốn ăn thịt nhà vua. Trước khi nộp mạng cho quỉ, nhà vua đề nghị nói cho biết lời dạy kia. Vị thần nói: “Đau khổ và sợ hãi bắt nguồn từ nhục dục. Những ai đã diệt dục thì không còn sợ hãi hay đau khổ”. Và vị thần trở lại hình dạng thật của mình. Thái tử, hoàng hậu cũng sống trở lại như cũ…
Nếu người cai trị thế gian tuân thủ nguyên tắc cai trị bản thân mình trước hết, giảm thiểu tối đa dục vọng, lòng tham thì dân chúng hà cớ gì không hạnh phúc, noi gương?
Nhân gian lại dạy rằng, có 7 lời dạy đưa đất nước đến thịnh vượng:
Thứ 1, dân chúng phải thường xuyên tập hợp bàn chuyện chính sự và bàn chuyện quốc phòng.
Thứ 2, dân chúng trong mọi giai tầng xã hội nên họp lại, bàn bạc chuyện quốc gia.
Thứ 3, dân chúng nên kính trọng tập quán lâu đời và không nên thay đổi tập quán này một cách phi lý. Dân chúng nên tuân thủ qui định nghi lễ và duy trì công lý.
Thứ 4, dân chúng phải nhận biết sự khác nhau của giới tính và thâm niên, giữ vững sự thuần khiết của gia đình và công cộng.
Thứ 5, dân chúng phải hiếu thảo với cha mẹ và trung thực với thầy giáo, các bậc cao niên.
Thứ 6, dân chúng nên kính trọng đền thờ tổ tiên và duy trì lễ nghi hàng năm.
Thứ 7, dân chúng phải coi trọng luân thường đạo lý, kính trọng cách hành xử có đức hạnh, lắng nghe những bậc thầy đáng kính.
Tạo cho dân chúng thói quen quan tâm vận mệnh quốc gia khi họ được tự do thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình không chút sợ hãi. 
Liệu sắp tới đây các cuộc tranh luận (hay như ông Hồ Quang Lợi gọi là đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến) trên internet có được xem mở màn cho sự lên tiếng, thể hiện đa nguyên về tư tưởng mà nhiều người mong mỏi đã lâu?
Liệu kết quả qua các cuộc tranh luận có giúp phá vỡ nhiều bức tường bưng bít những sự thật cần bày tỏ? Bởi nếu không làm được việc này thì việc chính quyền lập nên các trang web, đào tạo các dư luận viên, các chuyên gia tham chiến chỉ là cách lùa “cua vào giỏ” để dễ lôi từng con ra vặt càng, hoặc cho vào cối giã nát theo ý muốn của chính quyền khi cần thiết?
Nhưng dù thế nào thì nhu cầu được bày tỏ đã tới lúc khó kìm nén hơn được nữa…Cho nên món “lẩu dư luận” dù chính quyền muốn định hướng gia vị thì từng người vẫn sẽ gia giảm theo khẩu vị của họ. Chỉ có lẽ phải, sự thật thì dù dư luận ngang tắt ra sao nó vẫn sẽ bất diệt. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét