Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

“Văn hóa từ chức”



Ngụy Văn Thà bất diệt!

Thư gửi bà Huỳnh Thị Sinh, vợ cố trung tá Ngụy Văn Thà
Bà Huỳnh Thị Sinh, vợ trung tá Ngụy Văn Thà
Bà Huỳnh Thị Sinh, vợ trung tá Ngụy Văn Thà
Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2013
 
 Kính gửi Bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh, vợ cố Trung tá Ngụy Văn Thà;
 
Thưa Bà;
 
Chúng tôi những người con nước Việt, trong những ngày này, lòng đang hướng về Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc xin gửi đến Bà cùng gia đình lời thăm hỏi ân cần và lời chúc an lành, hạnh phúc!
 
Cách đây 39 năm, ngày 19/1/1974, trong một cuộc chiến không cân sức với quân xâm lược Trung Cộng để bảo vệ Hoàng Sa, Trung tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Chiến hạm Nhật Tảo HQ-10 đã tử trận cùng 73 đồng đội của Ông. Từ đó, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã rơi vào tay quân xâm lược.
 

Chúng tôi vô cùng xúc động trước sự hy sinh anh dũng của Ông nhà. Ông đã hiến thân vì Tổ quốc – một sự hy sinh vẻ vang nhất, hơn bất cứ một sự hy sinh nào. Sự hy sinh ấy là một tấm gương cho các thế hệ sau noi theo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam.
 
Thưa Bà;
 
Chúng tôi rất vui vì những năm gần đây, sự kiện Hoàng Sa được nhắc lại và lần đầu tiên, nhiều người mới biết đến. Các giá trị dần dần được trả lại đúng bản chất của nó.
 
Ngày 24/7/2011, một cuộc biểu tình tại Hà Nội đã tôn vinh Ông nhà cùng những chiến sĩ đã ngã xuống Hoàng Sa và những chiến sĩ đã ngã xuống Trường Sa 14 năm sau đó.
 
Ngày 27/7/2011, Lễ tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc đã được tổ chức tại Sài Gòn mà bà là nhân vật được mời dự. Buổi lễ đã tri ân tất cả các chiến sĩ hy sinh trong các cuộc chiến chống xâm lược tại biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, tại Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Những người đã ngã xuống vì Tổ Quốc đều chung trong người dòng máu Lạc Hồng, không có lý do nào để phân biệt người của chế độ này hay chế độ khác.
 
Chúng tôi tin rằng sớm muộn rồi Tổ Quốc sẽ vinh danh xứng đáng Ông nhà cùng đồng đội của Ông đã ngã xuống trong cuộc Hải chiến Hoàng Sa.
 
Trung tá Ngụy Văn Thà và nhiều đồng đội của Ông còn nằm lại nơi biển cả. Nhưng dù sao, Ông và đồng đội vẫn được nằm trong lòng Đất Mẹ, dù nơi ấy đang bị kẻ thù chiếm đóng.
 
Trong ngày giỗ của Ông, chúng tôi sẽ hướng về Biển Đông cầu mong cho linh hồn Ông cùng đồng đội được siêu thoát, để bày tỏ lòng tri ân những người đã ngã xuống trong cuộc Hải chiến Hoàng Sa.
 
Dù đảo không giữ nổi nhưng dân tộc ta, đời này và các đời sau sẽ tìm mọi cách lấy lại quần đảo Hoàng Sa, thu hồi về với đất Mẹ thân yêu.
 
Thưa Bà;
 
Chúng tôi được biết sau khi Ông nhà mất đi, dù tuổi đời còn rất trẻ, bà đã ở vậy nuôi ba con gái, cuộc sống của Bà hiện còn nhiều khó khăn. Lại nghe nói căn nhà chung cư nơi Bà ở đã phá đi làm lại, không biết bây giờ thế nào. Nhưng dù sao, chúng tôi luôn mong Bà sống thanh thản. Bà hãy tự hào vì Bà là vợ của một người anh hùng.
 
Ký lá thư này là những người yêu Tổ Quốc Việt Nam, yêu đồng bào Việt Nam đến cháy bỏng, trong đó có cả những người lính từng là những người khác chiến tuyến với Ông nhà lúc sinh thời. Nhưng tất cả những người lính chỉ đơn thuần làm nghĩa vụ công dân trong chế độ mà họ sống, dù bên này hay bên kia trong giai đoạn đau thương của lịch sử dân tộc không bao giờ có lỗi và giờ đây, khi ngộ ra, họ không coi những người ở bên kia chiến tuyến là kẻ thù.
 
Kính chúc Bà sang năm mới bình an, có nhiều sức khỏe để làm những việc hữu ích phụng sự cho Tổ quốc Việt Nam.
 
Chúng tôi nhờ Bà chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng năm mới đến ba con gái của Bà, do sự hiến thân cao cả của Ông nhà mà sớm mồ côi cha.
 
Xin cùng Bà hô lên một câu khẩu hiệu mà chúng tôi
 
từng hô trên đường phố Hà Nội trong ngày 24/7/2011:
 
NGỤY VĂN THÀ BẤT DIỆT!
 
Kính thư
Nguyễn Tường Thụy
Phạm Thị Lân
Phạm trọng Khang
Nguyễn Thị Dương Hà
Hoàng Cường
Hoàng Hà
Văn Dũng
Ngô Duy Quyền
Trương Văn Dũng
Nguyễn Lân Thắng
Lê Thị Bích Vượng
Lã Việt Dũng
Nguyễn Thành Tiến
Một số hình ảnh tại lễ kỉ niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh bảo vệ biên cương, hải đảo do nhân sĩ trí thức Sài Gòn tổ chức ngày 27 tháng 7 năm 2011
Ông Lê Hiếu Đằng
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (bìa trái), kế bên là BS Huỳnh Tấn Mẫm, GS Tương Lai (bìa phải)
Nhà thơ Đỗ Trung Quân
Nhà thơ Nguyễn Duy
Bà Quả phụ Ngụy Văn Thà
GS-PTS Nguyễn Phương Tùng



Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam từ chối giải thưởng Hội nhà văn


Bia The ky bi mat 3 okNQL: Theo tôi được biết, tiểu thuyết Thế Kỷ Bị Mất của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam được hội đồng văn xuôi đánh giá rất cao, với 6/7 phiếu ( Một người không bỏ phiếu vì chưa đọc) cuốn tiểu thuyết được xếp đầu bảng giải văn xuôi năm nay. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã phải thốt lên:” Lâu lắm rồi mới đọc được cuốn sách hay như thế này”. Thế nhưng lên  BCH, cuốn sách đã bị đánh tuột khỏi giải chính thức, chỉ được cái bằng khen.
Thực ra các nhà văn nước ta đều có con mắt xanh, bảo họ ngu là không đúng. Nhưng khi bình xét giải thưởng họ không dám dùng con mắt xanh trời cho mà dùng cái tai văn nô để nghe ngóng từ phía cấp trên. Vì thế nhiều giải thưởng văn chương không còn tính văn chương nữa, tính hay dở đã bị tư tưởng đúng sai ném vào sọt rác. Than ôi!
Sau đây là thư ngõ của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam:
Thư ngỏ gửi Hội Nhà Văn VN
 Tôi Phạm Ngọc Cảnh Nam, người vừa được HNV VN công bố  tặng bằng khen năm 2012 cho cuốn tiểu thuyết “Thế Kỷ Bị Mất” của tôi.
Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen nầy của HNV .
Lý do đơn giản, mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học.
Phạm Ngọc Cảnh Nam
Tác giả gửi cho QC
Ý kiến của nhà văn Trần Kỳ Trung
 Tôi được một nhà văn trong Hội đồng văn xuôi của HNV cho biết, khi bỏ phiếu để đề nghị Ban chung khảo HNV trao giải thưởng chính thức năm 2012, quyển tiểu thuyết ” Thế kỷ bị mất” của Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam với đa số phiếu của hội đồng văn xuôi đề nghị trao giải thưởng, còn tập truyện ngắn ” Thành phố đi vắng” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ được số phiếu thấp hơn. Không biết do nguyên nhân nào, quyển tiểu thuyết ” Thế kỷ bị mất”, như nhà thơ Văn Công Hùng cho biết, chỉ trao “bằng khen…”. Và giải văn xuôi về tiểu thuyết của HNV, năm 2012, không có giải thưởng chính thức!!!
 Nghĩ về nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tôi thực sự khâm phục sức viết và sức sáng tạo của anh. Với cuốn tiểu thuyết ” Thế kỷ bị mất” anh “phục dựng” lại phong trào Duy Tân, những tính cách bất chấp, tầm tư tưởng vượt thời đại của các lãnh tụ lớn, lãnh đạo phong trào này. Một giai đoạn cam co lịch sử mà dân tộc phải tự vận hành tìm hướng đi, được Phạm Ngọc Cảnh Nam viết với bút pháp sinh động.
 Tính thời sự của cuốn tiểu thuyết rất lớn.
 Tôi nghĩ, đây là ý kiến cá nhân, quyển tiểu thuyết này trao giải thưởng chính thức của HNV là xứng đáng.
 Nhưng rất tiếc…!
 Tôi cũng nói thêm, tên cuốn tiểu thuyết là ” Thế kỷ bị mất” theo thông báo của HNV qua blog một Ủy viên ban chung khảo lại biến thành là ” Một thế kỷ bị mất ” khiến cho nhà văn Phạm Ngọc Cảng Nam cũng ngỡ ngàng. Tôi giải thích cho nhà văn biết: Ban chung khảo của HVN không phải ai cũng am hiểu văn xuôi như các anh, chị trong hội đồng văn xuôi, nên lẽ nhầm tên sách là thường!!!
 Tôi cũng đề nghị nhà văn Nguyễn Khắc Trường, chủ tịch hội đồng văn xuôi, nên có trong ban chung khảo của HNV . Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã nói: ” Không phải dễ có cuốn tiểu thuyết hay như cuốn ” Thế kỷ bị mất”, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
 Nhiều người cũng ủng hộ quan điểm này.



Một bài rất lạ trên Tạp Chí Cộng Sản: “Văn hóa từ chức”


Quyền Duy
NTDungthoatHN6 NQL:Thật bất ngờ trên tạp chí cộng sản lại có bài này. Đọc đến đoạn:”Nếu ai đó là đảng viên thì viện dẫn đây là nhiệm vụ Đảng giao, nếu từ chức lại coi là không có tinh thần đảng viên, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu…, từ chức là để trốn tránh trách nhiệm, để thoát tội, để hạ cánh cho an toàn…” thì bất kì ai cũng hiểu bài báo đang muốn nói đến đồng chí X.
Từ chức được hiểu xin thôi không làm chức vụ hiện đang giữ. Như vậy, từ chức chỉ có thể xảy ra ở những người có chức, có quyền. Từ chức một cách tự nguyện, tự giác là thái độ trung thực với chính mình, biết xấu hổ khi làm điều trái với đạo lý, đi ngược lại nguyện vọng của cơ quan, tổ chức và cộng đồng, là biểu hiện của sự cao thượng, dũng cảm, tự trọng. 
Hiện nay, vấn đề văn hóa từ chức ở nước ta đang được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Từ chức chỉ được xem là một hành vi có văn hóa khi người ta tự nguyện và mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho xã hội. Ở các nước phát triển, từ chức là văn hóa hành xử của những người có chức, có quyền và đã trở thành trách nhiệm của người có chức, có quyền, được dư luận xã hội chấp nhận.
Từ xưa, nước Việt ta có khá nhiều người tài giỏi nhưng đã treo ấn từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… Các ông từ chức không phải không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn mà phần nhiều là do khảng khái, không đồng ý với quan điểm của vua. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở Việt Nam từ xưa đã có văn hóa từ chức rồi thì chưa hẳn đúng.
Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức và coi từ chức – thuộc khía cạnh văn hóa của chế độ công vụ – là một nội dung nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 –  2020.
Tại sao Chính phủ lại phải xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức? Theo tôi là do những nguyên nhân sau đây:
Một là, công tác tổ chức cán bộ của chúng ta còn yếu kém, nhất là trong việc giáo dục, lãnh đạo, quản lý đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính và thiếu gương mẫu, không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn nhưng hầu như không thấy ai có lời xin lỗi hoặc từ chức cả.
Hai là, chúng ta chưa có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với lãnh đạo, quản lý nên thiếu cơ sở để người dân hoặc các tổ chức, cơ quan giám sát.
Ba là, việc từ chức hiện nay khó quá nên không thấy ai tự nguyện từ chức nên phải có quy định, đồng thời ở nước ta hiện nay chưa hình thành văn hóa từ chức. Điều đó có nghĩa là một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa có lòng tự trọng, thiếu trung thực, ứng xử chưa liêm khiết.
Tại sao việc từ chức lại khó và ở ta chưa có văn hóa từ chức? Qua nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu có thể khái quát như sau:
- Chức tước thường đi đôi với quyền lực, thường gắn với lợi ích, bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi. Nếu từ chức có nghĩa sẽ không còn gì cả.     
- Học để “làm quan” đã ăn sâu, bén rễ trong tâm thức người Việt và vì thế truyền thống coi “làm quan” là một sự thành đạt cao nhất.
- Dư luận xã hội chưa được định hướng để đồng tình hay ủng hộ việc tự nguyện từ chức. Nếu ai đó là đảng viên thì viện dẫn đây là nhiệm vụ Đảng giao, nếu từ chức lại coi là không có tinh thần đảng viên, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu…, từ chức là để trốn tránh trách nhiệm, để thoát tội, để hạ cánh cho an toàn…
Rõ ràng, quyền lực thể chế nào cũng liên quan tới lợi ích cá nhân. Một khi động cơ lợi ích cá nhân lớn đến mức, nhà tư sản “sẵn sàng treo cổ khi lợi nhuận tới 300% – Các Mác”, thì người có quyền, có chức càng không thể dễ dàng từ bỏ nó, nếu quyền lực chính là phương tiện có thể “vinh thân, phì gia”.
Văn hóa từ chức là một dạng văn hóa cá nhân của những người có chức, có quyền. Họ được cơ quan, tổ chức và xã hội tôn trọng khi ở họ có nhân cách đạo đức, biết lãnh đạo bằng tấm gương. Nếu không có nhân cách và gương mẫu thì không thể thuyết phục được mọi người. Để có văn hóa từ chức theo tôi cần:
- Phải có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý. Xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức phải dựa trên nền tảng cải cách, xây dựng được quy chế công chức thật chuẩn về tiêu chuẩn của từng chức vụ, từng vị trí công tác.
- Đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về văn hóa từ chức; nên khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức, đồng thời định hướng dư luận xã hội cũng không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức.
- Bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải tự nhận thức rằng chức vụ không chỉ đi liền với quyền lợi, mà cao hơn phải thấy chức vụ đi liền với trách nhiệm, với tinh thần, thái độ cống hiến, hy sinh.
Việc từ chức tự nguyện của người có chức, có quyền sẽ tạo cơ hội cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ của cơ quan, tổ chức nghĩa là tạo ra sự hợp lý tốt hơn trong xã hội. Điều đó giúp những người thực sự có nhân cách, tài giỏi, có trình độ, năng lực thực tiễn có thể phát huy cao nhất năng lực của mình nếu ở đúng vị trí, đồng thời cũng giúp cho cơ quan, tổ chức và xã hội tránh được những thiệt hại không đáng có.
Văn hóa có mặt trong tất cả những hoạt động sống của con người và là tất yếu của cuộc sống, thế nên, văn hóa từ chức cũng biểu hiện sự tất yếu của cuộc sống. Thiết nghĩ, từ chức sớm trở thành cách ứng xử bình thường trong đời sống lãnh đạo, quản lý ở nước ta, đồng thời, văn hóa từ chức cũng từ đó mà hình thành và phát triển./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét