Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Ngôn Ngữ... Gổ....





Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Đắc Kiên – Nhà báo, báo Gia Đình & Xã Hội
imagesLời bình của nhà báo Huy Đức: Tôi cực lực phản đối những người phê phán nặng lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông gọi những người góp ý sửa hiến pháp theo hướng tam quyền phân lập, đa nguyên chính trị và phi chính trị hóa quân đội là suy thoái đạo đức. Điều này chỉ làm tổn hại uy tín của cá nhân Tổng bí thư (dân gian gọi là tự bắn vào chân mình). Ông Trọng không nói thì rất ít người tin nhận thức chính trị của một nguyên thủ trong thời đại ngày nay lại chỉ như tuyên huấn huyện ủy hồi thập niên 1980s. Theo tôi, chúng ta chỉ nên phê phán Tổng bí thư về hành vi tiết lộ bí mật quốc gia là được.
Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”(*)
Bằng tất cả sự tôn trọng với người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:
Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.
Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc VN? … Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sản của các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?
Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à? Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin, ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng…  đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy thoái. Ông đương kim tổng bí thư ĐCS VN thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.
Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn:
1- Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới để Hiến pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.
2- Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.
3- Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.
4- Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
5- Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
—–
(*) Nguồn: Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2; phần âm thanh và gỡ băng của Anhbasam.

Sơn Tinh đã từng thỏa hiệp với Thủy tinh như thế nào


Võ Đắc Danh
285682_480766458651077_1839659030_nViện khảo cổ học NGỌC DƯƠNG TRUNG SƠN ( trên đường Dương Bá Trạc – quận 8 ) vừa công bố kết quả khôi phục và giải mã bộ đĩa DVD hóa thạch  được khai quật dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, trong đó có nhiều tài liệu liên quan đến truyền thuyết về Sơn Tinh và Thủy Tinh như sau: Đời Hùng Vương thứ 18, vào một sáng tinh mơ, vừa đến giờ nhập chầu thì có hai chàng trai lái hai chiếc Rolls-Royce đến, quỳ gối trước nhà vua mà tâu rằng:
-Thần là Sơn Tinh, chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty Sơn Lâm, chuyên kinh doanh gỗ nhóm một và thú rừng quý hiếm.
-Thần là Thủy Tinh, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Vinasiba, kinh doanh tất cả những gì liên quan đến biển.
Nói xong, hai chàng trình lên nhà vua bản khai tài sản có công chứng. Nhà vua xem xong rồi ra chiều bối rối:
-Cổ phiếu bằng nhau, bất động sản cũng bằng nhau. Tài nguyên rừng và tài nguyên biển, cái nào cũng quý. Sừng tê, cao hổ cốt, mật bò tót ta cũng thích mà hải mã ta cũng mê, nhưng khổ nỗi ta chỉ có một nàng công chúa . . .
Sơn Tinh liền nói:
-Tâu bệ hạ, sừng tê, cao hổ cốt, mật bò tót của thần thì  bao la, còn hải mã, tuy không có nhưng thần vẫn mua được.
Thủy Tinh nguýt Sơn Tinh:
-Ta không bán, giá bao nhiêu cũng không bán
Nhà vua can:
-Thôi được rồi, hai khanh đừng cải vả, Bây giờ ta quyết định thế nầy, sáng mai, ai đến sớm thì được cưới công chúa. Bãi chầu !
Theo truyền thuyết thì đêm ấy Sơn Tinh ém lại dưới chân núi Nghĩa Lĩnh nên đến sớm, còn Thủy Tinh về tới vịnh Hạ Long nên đến trể, bị phổng tay trên. Nhưng theo tài liệu lưu lại trong bộ DVD hóa thạch – có cả âm thanh thì ngay trong buổi sáng hôm ấy, Sơn Tinh mời Thủy Tinh đi nhậu và massage ở Đồ Sơn
-Lúc nảy, ngươi có thấy Mỵ Nương núp sau rèm nhìn ra hai đứa mình không ? – Sơn Tinh hỏi.
-Thấy chớ sao không.
-Ngươi thấy nàng thế nào ?
-Cũng thường thôi, chẳng hơn gì mấy cô người mẩu.
-Vậy thì ngươi quyết làm phò mã để làm gì ?
-Ngươi trả lời xem ?
-Với ta, mục tiêu của ta là giang sơn chới không phải là mỹ nhân
-Thì ta cũng như ngươi thôi.
Ngẫm nghĩ một lúc, Sơn Tinh nói:
-Ta có cách, chẳng cần thi thố gì cả mà ta với nhà ngươi, mỗi thằng một nửa giang sơn, với điều kiện là, Mỵ Nương phải thuộc về ta.
-Cách nào ? Thủy Tinh lo lắng hỏi.
Sơn Tinh ra hiệu cho hai ẽm tiếp viên rời khỏi bàn rồi nói nhỏ với Thủy Tinh.
Khi giải mã đến đoạn nầy thì phần âm thanh không nghe được vì họ nói với nhau quá nhỏ, chỉ nghe được đoạn cuối khi họ chia tay, Sơn Tinh nói:
-Thế nghen, khi tiệc cưới sắp tàn thì ngươi xuất hiện, quậy cho tưng bừng lên, nhớ xả đập sông Đà. Ta nghĩ rằng chỉ có cách nầy thì nhà ngươi mới mong trả được món nợ Vinasiba.
 Đám cưới của Sơn Tinh và Mỵ Nương đang vui say thì bất thần giông gió cuồng phong nổi lên, nước lũ dâng cao tràn ngập cả đồng ruộng, phố phường.
- Thế là thế nào ? – Vua Hùng hỏi.
- Tâu phụ vương – Sơn Tinh đáp – Thủy Tinh ghen tức vì không cưới được Mỵ Nương nên nhậu say rồi quậy phá.
- Vậy khanh tính sao ?
- Tâu phụ vương, con sẽ lập dự án chống lại Thủy Tinh.
- Thì làm nhanh lên, nước dâng sắp ngập ngai vàng ta rồi !
- Nhưng muôn tâu phụ vương, dự án nầy rất tốn kém mới có thể chống lại được sức mạnh của Thủy Tinh.
- Tốn bao nhiêu cũng phải làm !
- Nhưng con e rằng số vàng bạc dự trữ trong ngân khố của chúng ta sẽ không đủ để đầu tư cho dự án.
Vua Hùng trầm ngâm một chút rồi bảo:
- Không sao, để chống lại Thủy Tinh bảo vệ muôn dân, bảo vệ mùa màng, cứu lấy nền kinh bang tế thế, ta có thể vay vốn ODA của các nước lân bang. Hoặc cắt giảm một số dự án giáo dục và y tế.

Sơn Tinh triển khai dự án rầm rộ chưa từng có. Từ kinh thành cho đến các vùng nông thôn sâu xa, đâu đâu cũng thấy nào là xáng cạp, xáng thổi, xe ủi, xe cuốc, xe bel, kobe, cần cẩu . . . thi công sáng trời sáng đất. Chẳng bao lâu, đường xá, đê điều, cầu cống, kinh thủy lợi, các cụm tuyến dân cư vượt lũ mọc lên như nấm. Kèm theo đó là một loạt khu Rì-sọt, sân gôn mọc tơi tới. Nhiều căn hộ chung cư cao cấp giá triệu đô được mưng lên. Sơn Tinh lái trực thăng đưa vua Hùng đi tham quan, thị sát. Qua các khu Rì-sọt, các khu đô thị mới, những tòa nhà chọc trời, nhà vua ngạc nhiên hỏi:
-Chỗ đó là gì mà uy nghi quá dzậy khanh ?
-Tâu phụ vương, đó là những khu nhà dành cho người có thu nhập thấp.
Nhà vua lấy làm mừng rỡ, vừa đưa tay vuốt chòm râu bạc, lại đưa tay vỗ vỗ vào vai Sơn Tinh mà khen rằng:
- Ôi, trời ban phúc cho ta, ta đã chọn được hiền tài làm phò mã ! Ngươi muốn ta ban thưởng gì thì cứ tâu, ta sẵn sàng chuẩn tấu.
Sơn Tinh khiêm tốn thưa rằng:
- Dạ muôn tâu phụ vương ! Phụ vương đã ban cho con công chúa Mỵ Nương xinh đẹp là phần thưởng lớn nhất đời con rồi, con chỉ mong đền ơn cho phụ vương thôi chớ đâu dám đòi hỏi gì hơn nữa.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, vua Hùng nói:
- Hay là ta phong cho con cái danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ… tiền sử ” nghen !
- Dạ, vạn tạ phụ vương !
Sơn Tinh sung sướng định quỳ xuống cabin lạy tạ, nhưng vừa buông tay thì chiếc trực thăng chao đảo. Vua Hùng hốt hoảng nói:
- Đừng con, coi chừng rớt máy bay !
****
Trong khi triều đình đang chuẩn bị làm lễ ăn mừng chiến thắng Thủy Tinh và trao danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ . . . tiền sử” cho Sơn Tinh thì quan cơ mật và quan thống đốc tối cao pháp viện trình lên nhà vua bảng cáo trạng dày 400 trang, kèm theo chứng cứ bằng ảnh chụp và video kỹ thuật số, rằng: Sơn Tinh đã móc nối với Thủy Tinh để lập dự án nhằm rút ruột công trình. Tất cả các công ty, tổng công ty, các tập đoàn thi công các công trình hầu hết là sân sau của Sơn Tinh được giao cho Thủy Tinh nắm quyền cai quản. Quan cơ mật chứng minh gía thi công mỗi khối đất của các nước lân bang là năm lạng bạc, trong khi đó Sơn Tinh kê khống là mười tám lạng. Giá mỗi dặm đường cao tốc của nước Kiệu là 80 ngàn lạng thì Sơn Tinh kê lên cho Thủy Tinh thi công là 250 ngàn lạng. Lại còn gian dối, những công trình bê tông thay vì đúc bằng cốt thép thì Sơn Tinh lại cho đúc bằng . . . cốt tre tầm vông. Đặc biệt một vài nơi đúc bằng cốt … mía. Sơn Tinh lập dự án trồng cao su, cà phê xuất cảng nhưng thực chất là để khai thác gỗ quý và đặc sản rừng. Thủy Tinh câu móc với Sơn Tinh lập dự án đóng tàu thủy nhưng thực chất là mua tàu phế liệu của các nước lân bang. Trong khi nhà vua đi vay vốn của nước Tề thì Sơn Tinh lại ôm tiền đi gởi nhà băng bên nước Kiệu . . .
Quan thống đốc tối cao pháp viện mới đọc được một phần tư cáo trạng và chiếu vài đoạn phim thì vua Hùng đã ngất xỉu. Mười ngày, mười đêm qua đi một cách nặng nề. Triều đình trong tình trạng u trì, ngưng trệ. Tất cả các tụ điểm vui chơi, văn hóa, biểu diễn thời trang vắng hoe như chùa bà Đanh. Khi tĩnh dậy, Vua Hùng vương vươn vai, người run rẩy, hét:
- Chém ! Chém !
Công chúa Mỵ Nương quỳ xuống van xin:
- Tâu phụ vương, con biết tội của Sơn Tinh trời không dung đất không tha. Nhưng nếu ta đem ra xét xử công minh thì sẽ gây tai tiếng cho triều đình, lại còn uy tín với các nước lân bang, sắp tới ai mà dám cho ta vay tiền vay bạc. Vết nhục nầy dẫu có lấy hết nước sông Hồng, sông Lô, sông Đà Rằng cũng không rửa sạch, để lại tấm bia miệng cho muôn vạn đời sau. Con vật đầu xin phụ vương cho xử lý chuyện nầy theo quy ước “Xử lý nội bộ” của triều đình, để con không phải mang tiếng là gái góa chồng, để phụ vương còn mặt mũi mà thay trời trị dân trị nước . . .
- Trẫm . . .
Vua Hùng vừa nói, vừa thở hổn hển, vừa ôm ngực ho sù sụ. Mỵ Nương và các bá quan văn võ hồi hộp chờ sự phán quyết của người.
- Trẫm . . . trẫm chuẩn tấu !
Tất cả đồng thanh:
- Thánh thượng vạn tuế ! Vạn vạn tuế !
Hôm sau, quan cơ mật và quan thống đốc tối cao pháp viện bị bắt giam về tội tiết lộ bí mật quốc gia. Mỵ Nương cũng cảnh báo với các  văn võ quần thần rằng, ai tiết lộ bí mật nầy, sẽ bị tru di tam tộc. Lễ ăn mừng chiến thắng Thủy Tinh và trao danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ . . . tiền sử” cho Sơn Tinh cũng được tổ chức theo nghi thức quốc lễ. Trước đó ba tháng, Mỵ Nương đã phát động toàn quốc cuộc thi sáng tác ca khúc theo chủ đề ca ngợi Sơn Tinh để chọn một bài hay nhất đem ra trình diễn trong ngày lễ. Bài hát như sau:
Đất nước gấm hoa, đất nước Âu Lạc thái bình, thái thái bình.
Muôn hoa xinh tươi, có một cô Mỵ Nương tuổi xuân vừa đang đôi tám.
Xinh như tiên nga, đẹp như trăm hoa, da nàng trắng tinh, da nàng trắng tinh.
Cho đến một hôm, đâu đó xuất hiện hai chàng, hai chàng.
Vai mang cung tên, đến xin cầu hôn Mỵ Nương công chúa
Hai trai hiên ngang, liệt oanh như nhau, vua Hùng bó tay, vua Hùng bó tay.
Ôi khó làm sao, vua biết phân xử thế nào, thế thế nào
Ta đây Thủy Tinh, có tài gọi mưa kêu gió
Ta đây Sơn Tinh, có tài đốn cây, có tài đốn cây
Cao kiến làm sao, vua mới ra lệnh thế nầy, thế thế nầy
Mỵ Nương con ta, từ lâu thèm ăn thịt chó
Ai đem ra đây con cầy sáu cái chân
Con cầy là sáu cái chân.
Sáng sớm hôm sau, Sơn Tinh vớ được một con chó dại, chó chó dại
Đến trước Thủy tinh, dắt tay nàng tiên mơ ước
Đi trong muôn hoa
Muôn chim reo ca buôn lời ái ân
Buôn lời ấn ấn ai
Thôi thôi thôi thôi, Thủy Tinh đến chậm mất rồi, mất mất rồi
Sơn Tinh kia ơi, thù sâu ngàn năm ghi nhớ
Mỵ Nương em ơi, thôi rồi chết ta, thôi rồi chết ta
Ơi hỡi Sơn Tinh, mi giết chết ta rồi, ta ta rồi
Biển khơi bao la, hỏi ta mò đâu ra chó,
Vua cha đi ra, Thủy Tinh kêu la
Kêu rằng chết cha, kêu rằng chết cha.




Thấy vậy mà không phải vậy


Võ Trung Hiếu
questionKhông phải cứ sáng dậy chải đầu láng mượt
Khoác lên người bộ com-lê ngoại xám đen
Thắt cà vạt màu đỏ và trịnh trọng xách cặp da loại sang
Bên trong lấp ló một mớ tư tưởng nọ chủ nghĩa kia
Mặt mày tỏ vẻ nghiêm túc, cầu thị, chân thành
Trèo lên chiếc xe màu đen có biển số xanh
Thì bạn trở thành chính khách
Không phải cứ ngồi chễm chệ giữa công đường
Cứ tóc bạc hoặc huy huân chương lủng lẳng đầy mình
Cứ là chuyên gia đầu ngành
Cứ làm ở bộ này viện nọ cục kia
Thì bạn có quyền vung tay chém gió giữa hội trường
Được rao giảng, tuyên ngôn hay hăm he này nọ
Với đám đông u mê này bạn là thánh là thần
Với đám- sáng – suốt – không – đông kia bạn có thể chỉ là đồ phải gió
Không phải có học hàm giáo sư hay tiến sỹ
Không phải được nhà nước này tổ chức nọ trao giải nọ giải kia
Không phải luôn mẫn cán hoàn thành những công việc được giao cho đến lúc về hưu
Không phải có chân trong hội này nhóm kia
Không phải cứ ” cựu” hay ” nguyên “
Thì bạn đương nhiên được là trí thức
Không phải có thần kinh bình thường
Không phải viết thư cho Saddam Hussein hay Liên Hiệp Quốc, đòi xoá sổ Israel
Không phải ngồi gật gù lim dim ở giữa nghị trường
Thỉnh thoảng đứng lên, ” Tôi cơ bản tán thành … “
Thì bạn đủ tư cách trở thành nghị sỹ
Không phải đeo quân hàm sỹ quan tướng tá
Đi đâu có mô – tô cảnh sát dẹp đường
Không phải lăm lăm dùi cui hay súng lục bên mình
Không phải ngồi trong xe chống đạn hay có nhiều vệ sỹ xung quanh
Thì bạn là kẻ mạnh
Thời buổi khủng hoảng những điều khả tín
Nghịch lý đang như bệnh dịch lan tràn
Lẫn lộn giả chân, khấp khểnh thau vàng
Lịch sử nhấp nha nhấp nhổm định sang trang
Cái này lăm le đòi phủ định cái kia
Ở dải đất này
Bình minh mỗi sáng vẫn hừng lên
Nhưng những giọt nước sinh ra
Có thể là đại dương
Có thể là cống rãnh
Thiếu vắng niềm tin vào khẩu hiệu, băng rôn
Thiên hạ đổ xô khói hương, vái thần lạy thánh
Những hiệu ứng rất con người
Có phải họ đùa đâu
22.2.2013
VTH
Tác giả gửi QC






Cảm xúc ngày 17 tháng 2


Nguyễn Huy Canh
images Ngày 17/2 là một ngày vinh quang của dân tộc chúng ta, vì chúng ta đã đánh bại nửa triệu quân xâm lược TQ được trang bị vũ khí hiện đại tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Nhưng đó cũng là một ngày buồn, vì đã có hàng vạn người con của đất nước này đã hi sinh, đã phải ngã xuống cho chúng ta hôm nay. Buồn, vì hôm nay, vào ngày này lãnh đạo và nhân dân ta không có được nén hương thơm tưởng nhớ đến hương hồn các anh, các chị nơi chín suối!
Thật không thể nào hiểu được. Có thể vì thế này thế kia trong ứng xử ngoại giao với nước lớn láng giềng, các nhà lãnh đạo không tiện tổ chức lễ tưởng niệm long trọng trên toàn quốc, thì ít ra các vị nguyên thủ quốc gia cũng cần có nén hương thơm dâng lên vào ngày này để tưởng nhớ các vong linh đồng bào, các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc. Đó cũng là cái đạo phải làm của các nguyên thủ của một quốc gia có chủ quyền. Thử hỏi có nhà lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới ngày nay mà không hành xử như vậy?
Đã như vậy, các vị lãnh đạo còn để cho tại Thủ đô-trung tâm của đất nước nghìn năm văn hiến có những hành vi gây khó dễ, cản trở các nhân sĩ, nhân dân vào thắp hương nơi đài tưởng niệm. Họ phải dâng hương và đứng từ bên ngoài vái vào!
Ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trương Tấn Sang vẫn giảng dạy mọi người, đặc biệt thế hệ trẻ về lòng yêu nước, lòng biết ơn, về uống nước nhớ nguồn, về những điều thiêng liêng trong văn hóa tâm linh người Việt đối với người đã khuất, về những việc làm không hổ thẹn với tiền nhân mà sao ngày hôm nay lại không thấy bóng các vị nơi chân đài tưởng niệm hay trên truyền hình bày tỏ chút lòng tri ân và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ?
Tôi là người cũng đã vào chiến trường vào những năm đầu của thập niên 70, cũng vào sinh ra tử. Tôi biết cái giá và nỗi đau của sự hi sinh: mẹ già mất con và mòn mỏi trông chờ, người vợ trẻ mất chồng, những đứa con thơ dại mất bố trong nỗi đau chung của dân tộc.
Ông Trọng, ông Hùng, trong cuộc đời các ông chưa một lần biết mùi khói súng, chiến tranh, nên có thể các vị chưa biết được, chưa cảm nhận được những nỗi đau của sự hi, mất mát đó. Các vị không bồi hồi, xúc động, không thành kính tưởng nhớ đến tiền nhân và những người cùng trang lứa đã ngã xuống cho mảnh đất nhiều khổ đau này thì còn có thể hiểu được, cảm thông được. Nhưng còn Chủ tịch nước, còn Thủ tướng thì sao? Tôi biết các vị cũng lăn lộn, cũng vào sống ra chết nơi bom đạn, nơi các chiến trường ác liệt như tôi và hơn tôi, và giờ đây lại ở trên cương vị nguyên thủ quốc gia mà sao cũng không thấy các vị, bóng dáng các vị đại diện cho toàn dân nước Việt cúi mình trước vong linh các liệt sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc nơi chân đài tưởng niệm hay trên truyền hình?
Đối với văn hóa người Việt, một nén hương và lòng thành kính đối với người đã khuất vào ngày mất không chỉ biểu thị lòng biết ơn với tiền nhân, nhắc nhở với những người đang sống như các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới, mà cao hơn nó, đối với chúng ta, còn là tâm tưởng của con người hướng tới những điều linh thiêng, bất tử -đó chính là cái Ý nghĩa, dù là mỏng manh, trong đời sống nhiều khốn khó của người Việt chúng ta.
Lẽ nào các vị đại diện cho văn hóa dân tộc này, các vị lại không có được cái tâm linh đó? Câu hỏi đó cứ xoáy vào trong tôi, day dứt không lí giải nổi!
Cho tôi được thành kính bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ tới tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc và nhiều nhân sĩ khác trong ngày 17/2 đã kính cẩn nghiêng mình với nén hương thơm lòng tưởng nhớ các liệt sĩ thay cho đồng bào cả nước.
Qua dòng cảm xúc này, cho tôi được thắp nén hương lòng cúi mình trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến tranh ấy.
Tác giả gửi cho Quê choa






17-2, không chỉ một ngày


Lê Đức Dục
3a.jpg;pvd7c4145b19909a25Vậy là sau bao nhiêu năm im ắng mỗi khi ngày 17-2 đến, hôm qua và hôm nay,đúng dịp kỷ niệm 34 năm cuộc chiến đấu chống quân bành trướng Bắc Kinh xâm lược Việt Nam, báo chí đã có thể gọi đích danh “Trung Quốc xâm lược” mà không ngán gì cái thòng lọng “16 chữ vàng -4 tốt” treo lơ lửng trên đầu.
Phải cảm ơn các đồng nghiệp báo Thanh Niên đã dũng cảm có bài phỏng vấn thiếu tướng Lê Văn Cương, ý kiến của tướng Cương cũng là ý nguyện của đông đảo người dân Việt trước sự im lặng bao nhiêu năm qua về cuộc chiến tranh năm 1979 và kéo dài thêm gần 10 năm tiếp đó.
Bài phỏng vấn đại tá Nguyễn Mạnh Hà trên Tuổi Trẻ sáng nay (18-2) cũng nhấn mạnh thêm một điều khác: “Là một người nghiên cứu lịch sử, nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.
Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau.”
Sau nhiều năm lòng dân ấm ức trong im lặng, cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1979 được nhắc lại công khai, gọi đích danh “quân xâm lược Trung Quốc” chứ không là “tàu lạ, nước lạ” đã mang lại sự phấn khích cho bạn đọc, nghĩ kỹ cũng thấy “lạ”, bởi chỉ cần gọi đúng tên một sự việc thôi đã được cho là dũng cảm-điều này khiến tôi nhớ đến ý một câu thơ ai đó :“Thời chúng tôi đang sống thật lạ lùng /chỉ sống lương thiện thôi đã là người dũng cảm”. Chỉ cần lương thiện là dũng cảm, chỉ cần nói đúng tên sự việc là dũng cảm, biết như thế để hiểu hơn niềm vui sướng của hàng vạn bạn đọc trong ngày hôm qua khi dòng chữ “Quân bành trướng (quân xâm lược) Trung Quốc điềm tĩnh xuất hiện trên những trang báo .
Nhưng cuộc chiến tranh biên giới ấy không chỉ được nhớ đến trong một ngày, không chỉ nhắc trong một bài và càng không chỉ nằm trên chữ nghĩa. Những ngày qua,trên mạng xã hội chúng tôi biết có nhiều bạn trẻ, cùng với gia đình lang thang qua những nghĩa trang nơi biên ải để khói nhang cho những nấm mồ người lính hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc.
Những nén nhang của lòng dân, những chữ nghĩa gọi tên các anh có thể khiến các anh ấm lòng một chút dưới thẳm sâu đất đai kia. Nhưng có lẻ mơ ước lớn nhất của người lính không phải được nhắc tên hay vinh danh chiến công. Đất nước lâm nguy, họ lên đường ra trận, từ thuở vua Hùng đánh giặc Ân, những nông dân của nước Văn Lang cũng lên đường như thế, thuở Quang Trung đánh quân Thanh cũng thế, và năm 1979 những người lính Việt cũng cứ như thế lên đường. Không ai muốn chiến tranh, bởi bây giờ có chiến tranh xảy ra, người lên đường đầu tiên cũng là con em “áo vải” . Hy sinh đầu tiên cũng là họ, như tổ tiên xưa máu đã thấm bao áo vải cờ đào. (Chuyện đời , áo vải luôn chết trước, và áo gấm …chết sau (!)
Cái điều, vì nó người lính hy sinh, chính là độc lập tự do, là cơm no áo ấm cho cha mẹ mình, gia đình mình, đồng bào mình.
Mong ước ấy là mảnh đất của cha mẹ mình không bị lấy đi để thay bằng dự án sân golf rồi sau đó ban cho những đồng tiền với giá đền bù rẻ mạt.
Mong ước ấy là trường học con cháu mình không phải lợp bằng bạt nhựa che chắn gió mưa mà phải khang trang nhà ngói tường xây.
Mong ước ấy là những em bé nơi lớp học bản xa không phải đu dây qua sông trong khi người ta mãi mê với dự án cao tốc ngàn vạn tỷ đồng. 

Cứ lên những bản làng, những điểm trường rẻo cao biên cương, bạn sẽ thấy khát vọng được đổi bằng của máu xương người lính năm xưa,có nhiều nơi giờ vẫn chỉ là khát vọng!
Nhiều năm qua, chúng tôi đã lặng lẽ đến với những điểm trường biên ải xa thẳm ấy, không chỉ là món quà nhỏ cho học sinh và thầy cô giáo (thật lòng là chỉ như muối bỏ bể ) không chỉ là những suất học bổng “Gần lại với biên cương” dành cho con em cán bộ chiến sĩ biên phòng, không chỉ là những mái ấm bán trú hay ngôi trường mầm non được xây lên từ tấm lòng những bạn đọc thân yêu của Tuổi Trẻ!
Chúng tôi hiểu làm như thế cũng là góp một chút tâm nguyện của mình trang trãi cùng khát vọng mang theo của những người lính trước lúc hy sinh. 
Bạn đã đi dọc biên giới phía Bắc, nhất là từ Lao Cai lên Lũng Pô-đúng điểm đầu tiên sông Hồng chảy vào đất Việt chưa? Bạn sẽ thấy dọc theo bờ sông Hồng, nhìn sang đất Trung Quốc phía bờ bên kia với con đường cao tốc bề thế từ Côn Minh chạy về Hà Khẩu như khoe sự giàu mạnh của họ, bạn sẽ như tôi, thấm thía nỗi buồn của những con đường biên ải phía ta, những bản làng nghèo khó bên đất Việt. 
Chăm lo cho biên ải phía Bắc cũng là để trao gửi thêm tin yêu với những đứa trẻ mà sau này lớn lên, các em sẽ là những người lính đầu tiên cầm súng bảo vệ cột mốc, bảo vệ bản làng của mình-và điều ấy cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ bình yên cho chúng ta, những người vốn đang sống ở “tuyến sau”!
Vì thế, nhắc nhớ và tưởng niệm, khi ngày hôm nay gọi đích danh tên kẻ thù “Trung Quốc xâm lược” là điều đáng trân trọng. 
Nhưng càng trân trọng hơn khi chúng ta dành nhiều hơn nữa sự chăm sóc cho những đời dân đang sống nơi biên ải, bởi với những người lính đã không tiếc gì tuổi trẻ của mình, cuộc đời của mình , có lẻ, với các anh, chỉ một cành hoa sim gói gém trĩu nặng tấm lòng thành thật biết ơn với máu xương đổ xuống là đã đủ. 
Không ai phủ nhận rằng nhiều năm qua, chúng ta đã dồn nhiều công sức cho cuộc sống dân sinh nơi biên ải, nhiều bản làng có điện, có đường, có trường, có trạm…nhưng dường như những đầu tư ấy không tương xứng với sự hy sinh của chính những người dân nơi đây cho đất nước.
Chỉ cần có được một phần rất nhỏ , cỡ chừng 1% trong số tiền thất thoát, lãng phí , nợ nần của các tập đoàn kinh tế “nắm đấm thép” được thống kê và nêu ra, hẳn các em bé vùng cao đã có một môi trường học tập khác, bữa cơm khác…Chỉ 30% con số ấy, hệ thống giao thông vùng cao biên giới sẽ không thua kém hệ thống giao thông phía làng giềng đối diện bên kia sông Hồng, và chỉ cần 50%…Mà thôi, “nếu” làm gì khi “với những chữ nếu người ta có thể bỏ Paris vào lọ”!…
Chuyện quan trọng nhất là phải làm cho những bản làng biên ải ấy ấm no hơn.
Bữa cơm mỗi ngày của các em có nhiều cơm và nhiều thịt thay cho nồi mèn mén. 
Tấm áo ấm mùa đông sẽ đủ ấm thay cho bếp lửa sưởi khói mù chống rét.
Chỉ vậy thôi, và đấy chính là sự tưởng niệm cần thiết! 
Đừng nói chi mấy chuyện xa xôi với thiên đường mộng ảo thi ca “Núi rừng có điện thay sao/Nông thôn có máy làm trâu thay người ” hay hứa hẹn “….Ngày mai về lại thôn hương /Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về/ Ngày mai rộn rã sơn khê/ Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng…”
Lòng dân vốn bao dung nên hay tin vào những hứa hẹn.
Lòng dân cũng dễ hứng khởi, đôi khi chỉ vì một nụ hoa mà không để ý cả một mùa giá rét đang còn!
Vậy thôi, bạn ạ!
  Theo FB của LĐD 







Người Hèn


Phạm Chuyên*
Thiếu tướng công an Phạm Chuyên ( trái) và nhà thơ Thi Hoàng
Thiếu tướng công an Phạm Chuyên ( trái) và nhà thơ Thi Hoàng
Nhà văn Phạm Đình Trọng: “Trước đây khi biết ông Phạm Chuyên là ông tướng, giám đốc công an Hà Nội, tôi cũng chỉ coi ông Chuyên như ông Nguyễn Văn Ninh, trung tá công an đã nhẫn tâm vung dùi cui đánh gãy cổ dẫn đến cái chết thê thảm của ông Trịnh Xuân Tùng, chỉ vì ông Ninh vu cho ông Tùng ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm. Hoặc tôi coi ông Chuyên cũng chỉ như ông Tuấn công an Sài Gòn đã lạnh lùng, sắt đá giữ tôi suốt một ngày ở đồn công an phường Bến Thành chỉ vì tôi đến tòa án Sài Gòn dư phiên tòa công khai xử Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do. Tôi coi ông Chuyên chỉ như ông Tuấn công an Sài Gòn đã xăng xái, quyết liệt ngăn chặn tôi đi biểu tình chống Trung Quốc cướp biển, cướp đảo của ta, bắn giết dân ta, đã lì lợm chặn cửa nhà tôi gần suốt một ngày chủ nhật.
Nhưng khi rời nhiệm sở công an, trút bỏ bộ hàm cấp tướng công an, ông Phạm Chuyên xuống Hải Phòng, đến thăm ngôi nhà gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị viên đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc công an Hải Phòng đập phá chỉ còn đống gạch vụn, thì tôi có chút cảm tình với ông Phạm Chuyên. Bây giờ đọc bài thơ Người Hèn của ông Phạm Chuyên, tôi mới thực sự vui mừng nhận ra phần Người chân chính vẫn còn ở ông tướng công an Phạm Chuyên.
Tôi rất muốn được gặp, nắm bàn tay ông Phạm Chuyên còn ấm áp nhịp đập trái tim con Người. ”.
 Người Hèn
Thơ Phạm Chuyên:
Đất nước ngàn năm
Hiếm kẻ bán nước
Có nhiều nhặn gì đâu,
Một Trần Ích Tắc
Một Lê Chiêu Thống
Một Hoàng Văn Hoan.
 Đất nước ngàn năm
Quá lắm người hèn
Hèn vì quyền cao chức trọng
Hèn vì nhà cao cửa rộng
Hèn vì miếng cơm manh áo
Hèn vì vợ dại con thơ
Hèn vì danh hão danh hờ.

Hèn mà còn nhận ra
mình là thằng hèn
Là hèn tử tế.
Hèn ngậm miệng ăn tiền
hèn nhơ bẩn
Hèn ngậm miệng ăn tiền
hèn bất nhân
Hèn bán đất bán nước
Trời tru đất diệt
Hèn ơi! Đất nước ơi! 
 P.C.
 —
* Tướng Phạm Chuyên, nguyên là Giám đốc Công an Hà Nội.
.
3








“Máu xương của nhân dân sao mà rẻ mạt vậy?”


Gò Cỏ May
12-chot-d372cĐó là lời than cay đắng của một độc giả với BBC tiếng Việt. Khi thấy, “Không hề có một lời nhắc nhở nào trên các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam trong ngày 17/2 này…”.
Trên BBC ngày hôm nay (17.02) còn đưa tin: “… một đoàn các nhân sỹ, trí thức và quần chúng có sự hiện diện của một cựu bộ trưởng và một cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắcđã không được phép mang vòng hoa với băng đen tưởng niệm vào hành lễ ở một đài tưởng niệm quốc gia ngay trước lăng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh…. không được phép chụp hình lưu niệm ở tượng đài với băng tưởng niệm ghi dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ chống Trung Quốc xâm lược” và “Tưởng niệm các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên mặt trận chống quân Trung Quốc xâm lược”. Bởi lý do (như lời một nhân viên an ninh), những việc như thế là phải “đăng ký trước” và “qua thủ tục kiểm tra vòng hoa”…
Trên trang Anh Ba Sàm cũng có đôi lời về chuyện này như sau:
“Cách nay đúng 34 năm, vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc xua quân tràn qua biên giới Việt – Trung để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Cuộc chiến đó đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người lính Việt, vừa là lính vừa là thường dân, biến nhiều khu vực ở biên giới phía Bắc thành bình địa… 
Chỉ có một điều đáng để ý, vì chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Việt Nam là sau đó, những người lính, người dân Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc ở biên giới Việt – Trung, đã cố tình bị vùi chôn vào quên lãng do Đảng CSVN muốn thực thi “tinh thần 4 tốt”, đề cao “16 chữ vàng”.
Nghĩ mà đượm buồn. Lại nhớ câu nhận xét rất chí lý của nhà báo Huy Đức: “báo chính thống đưa tin ba sàm. Báo Ba Sàm lại đưa tin chính thống”. Nên độc giả nào còn ưu tư tới vận nước, nhờ các trang phi chính thống (như Trang Ba Sàm là ví dụ) lại được ôn lại những âm hưởng hào hùng của các nhạc phẩm: Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới và Những đôi mắt mang hình viên đạn của hai nhạc sỹ tài danh Phạm Tuyên và Trần Tiến đã một thời như tiếng kèn xung trận cho cả dân tộc đứng lên bảo vệ non sông bờ cõi.
516410Thế mà nghe nói, có dạo người ta đã yêu cầu nhạc sỹ Phạm Tuyên sửa lại lời bài Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Cũng may, dù được đề nghị với số tiền thù lao khá cao, người nhạc sỹ già trọng danh dự đã dứt khoát khước từ. Để chúng ta còn được nghe lại (dù chất lượng âm thanh còn khiêm tốn) cái khí thế của một thời khó quên.
Tối hôm qua (và cả ngày hôm nay) thấy VTV4 phát sóng tiết mục ”Mười hai con Giáp” (do VTV3 dàn dựng) khá hoành tráng. Trong các khách mời tên tuổi trong làng showbiz nổi tiếng, thấy có nhạc sỹ Trần Tiến, tôi đã mừng thầm.
Nhưng cái bài mà Trần Tiến trình bày lại là một bài về ẩm thực vỉa hè  Hà Nội (cái gì cũng rẻ, chỉ có đặt nhất bạn bè anh-1thôi,… tình người thôi”) chứ tuyệt không hề có bóng dáng về cái đoàn quân… đi về biên giới” phía Bắc đánh giặc giữ nước mang đầy khí phách tráng ca trong sáng tác để đời của nhạc sỹ, ca khúc  ” Những đôi mắt mang hình viên đạn“, vào đúng ngày này của 34 năm về trước?
Cũng chả thể trách cá nhân anh Trần Tiến làm gì cho phải tội. Vì khi Lại Văn Sâm (phụ trách VTV3) và Trần Bình Minh (Tổng GĐ VTV) mà không đồng ý thì một Trần Tiến chứ mười Trần Tiến cũng đành bótay.com thôi.
Chỉ tội nghiệp cho những người lính, người dân lành nơi biên ải. Khi máu xương của họ nói riêng, của nhân dân cả nước nói chung đã không được trân trọng. Cho dù nhờ đó mới góp phần tạo dựng nên non sông gấm vóc này. Nhưng một khi cái đất nước chung ấy đã biến thành vật thế chấp cho những chiếc ghế quyền bính để vinh thân phì gia cho một nhóm người. Thì máu xương của người dân trở thành ”rẻ mạt” là điều ai cũng có thể cảm nhận được trong cái ngày đau thương này!










Chúng tôi tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Trung Cộng


Hoàng Hưng
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Tối qua, được cú phôn của Lưu Trọng Văn: “Ngày mai 8 giờ tại tượng Trần Hưng Đạo…”. Cảm ơn anh đã nhắc. Không phải ai cũng nhớ ngày này 34 năm trước (17/2/1979) triều đình Trung Cộng đã xua nửa triệu quân bất thần xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta. Không nhớ ngày ấy, tôi cũng đáng trách y như nhiều người chúng ta đã bị những chuyện vụn vặt hàng ngày che lấp mối nguy vẫn đe dọa độc lập, chủ quyền của đất nước trong suốt ngàn năm. Vô cùng cảm ơn các vị nhân sĩ, trí thức luôn ý thức nhắc nhở toàn dân về mối nguy đó, cũng như về lòng tri ân các liệt sĩ, lòng yêu thương những đồng bào đã ngã xuống trong các cuộc chiến mà bọn Trung Cộng tham tàn gây ra chống lại nhân dân ta. Chỉ vì sự quên lãng này mà những người lãnh đạo quốc gia đã đưa cả dân tộc dấn sâu từng bước vào cái thòng lọng “16 chữ vàng” đang ngày càng siết chặt cổ họng mình. Chỉ vì sự quên lãng này mà bao nhiêu người dân chỉ vì món lợi nhỏ mọn trước mắt đã vô tình tiếp tay cho bọn bành trướng áp đảo nền kinh tế non yếu, thôn tính cả đời sống văn hóa của nước nhà.
Nhà tôi ghé chợ Tân Mỹ chọn kỹ lưỡng hai bó hoa thật đẹp. Sau một lúc tự hỏi vì sao hai bó, tôi chợt hiểu. Nhà tôi nhớ đến hai người em trai út của mình đã hy sinh, một em ở biên giới phía Nam năm 1978, một em ở biên giới phía Bắc năm 1984. Đều là tội ác trực tiếp và gián tiếp của Trung Cộng.
Gần 8 giờ mà khu vực tượng Trần Hưng Đạo trên bến Bạch Đằng không thấy bóng ai. Điện thoại hỏi lại Văn. Thì ra mọi người lác đác tới nhưng đều “ém” trong các quán cà phê quanh đấy, để đúng 8 giờ 30 mới bất ngờ tập hợp và trưng ra các vòng hoa tưởng niệm. Thật xót xa cay đắng. Có thể nào trên một đất nước độc lập, lòng yêu nước lại phải hoạt động bí mật thế này?

clip_image004
clip_image006
Ngồi chờ đến giờ G
Quán “Vườn Kiểng” bên sông là nơi tập kết cuối cùng. GS Tương Lai chống gậy bước vào cùng với GS Chu Hảo vừa từ Thái Lan về đêm qua. Rồi các cựu lãnh tụ sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu; luật sư Trần Quốc Thuận, nhà văn Phạm Đình Trọng, PGS TS Vũ Trọng Khải, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng Kha Lương Ngãi, TSKH Phạm Văn Đỉnh, kỹ sư Tô Lê Sơn, nhà văn Bùi Bình Triết, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thị Khánh Trâm, nhà giáo Lê Khánh Đắc, PGS TS Hoàng Dũng… Đây rồi, anh Cao Lập và các anh các chị đem vào những vòng hoa và bắt đầu cài lên những bảng chữ được giấu kỹ trước đó: “Tưởng nhớ đồng bào chiến sĩ đã hy sinh chống Trung Quốc xâm lược”, “Đời đời nhớ ơn anh hùng liệt sĩ chiến tranh biên giới phía Bắc 1979”, đầy đủ nhất là “Tưởng nhớ những người con yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại biên giới phía Bắc, biên giới phía Nam, tại Hoàng Sa, Trường Sa”. clip_image008
Chuẩn bị khẩu hiệu
clip_image010
Bắt đầu đi
Đúng 8 giờ 30, mọi người từ quán kéo ra, sang vườn hoa Đức Trần Hưng Đạo. Được biết, mấy hôm trước, mấy anh khởi xướng bàn nhau xem nên tập họp ở đâu. Thoạt có người muốn đến tượng Hồ Chí Minh ở trung tâm thành phố, nhưng đa số phản đối, muốn tìm một biểu tượng của cả dân tộc trong lịch sử chống xâm lăng Trung Quốc (nếu là nhân vật đương đại, thì Lê Duẩn xem ra có thể được, nhưng… không ai từng thấy có tượng ông này ở đâu!). Cuối cùng Đức Thánh Trần, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là biểu tượng oai hùng bậc nhất của chiến thắng Bắc xâm, cũng là tiêu biểu cho triều đại (nhà Trần) của tinh thần Diên Hồng toàn dân một lòng Sát Thát.
clip_image012
Đến tượng đài Trần Hưng Đạo
clip_image014
clip_image015
Trước tượng đài Đức Thánh Trần
Các vòng hoa, các bó hoa tươi thắm như tấm lòng của chúng tôi tưởng nhớ đến các cô chú, các anh chị, các em, các cháu hiền lành vô tội đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn… năm ấy dưới hòn đạn, lưỡi dao hung bạo của bọn lang sói mặt người, tưởng nhớ đến các anh các chị dân quân địa phương đã anh dũng chống trả một lực lượng lấy thịt đè người, tưởng nhớ đến anh em chiến sĩ đã lấy máu mình giữ từng tấc đất tấc biển của ông cha ở Vị Xuyên (Hà Giang), Tràng Định (Lạng Sơn), biên giới Cao Bằng, các đảo Cô Lin, Gạc Ma… (Trường Sa), đảo Hoàng Sa, biên giới Tây Nam. Xin các cô chú, anh chị em, các cháu nhận lấy lòng thành của chúng tôi và hãy tin rằng sự hy sinh của các vị không bao giờ bị quên lãng, xin hãy tin rằng sẽ đến một ngày sự hy sinh cao cả ấy được vinh danh công khai long trọng trên toàn đất nước một khi những kẻ hèn nhát và vô ơn phải cúi đầu trước uy vũ của toàn dân.
clip_image017
clip_image019
clip_image021
clip_image023
Đúng lúc mọi người xếp hàng bên các vòng hoa chụp ảnh kỷ niệm thì bất ngờ tất cả các cột nước ở bể nước dưới chân tượng Đức Trần tung lên cao trắng xóa như hưởng ứng! Đây là sự ủng hộ ngầm của những người phụ trách công viên hay sự tình cờ tuyệt đẹp, hay có gì mang yếu tố tâm linh?
Cũng là lúc mấy tay chụp ảnh quay phim lạ mặt xông vào “tác nghiệp”, đồng thời từ xa xa tiến lại mấy khuôn mặt, những kẻ “ai cũng biết là ai”.
GS Tương Lai tiến lên trước, dõng dạc tuyên bố ngắn gọn lý do buổi tưởng niệm: “17.2.1979 là ngày quân xâm lược Trung Quốc theo lệnh của Đặng Tiểu Bình, trắng trợn trở mặt, phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng đã huy động 9 quân đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng phụ trợ khác ước tính hơn nửa triệu quân với hơn 500 xe tăng, hơn 2000 khẩu pháo, tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, sát hại dân lành, đốt phá nhà cửa, cầu, đường, cướp bóc tài sản. Quân và dân ta đã ngoan cường chiến đấu, chống trả quyết liệt, đánh những đòn quyết định buộc chúng phải tuyên bố rút quân, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược nhục nhã, hàng chục ngàn chiến sĩ ta đã dũng cảm hy sinh…”. Và ông đề nghị mọi người để một phút cúi đầu tưởng niệm đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống trong các trận chiến đấu chống xâm lược Trung Quốc suốt từ 1979 đến cuối thập kỷ 1980.
clip_image024
GS Tương Lai dõng dạc tuyên bố lý do buổi tưởng niệm
clip_image026
Một phút mặc niệm
clip_image028
Luật sư Trần Quốc Thuận
clip_image029
Từ trái qua: Cao Lập, vợ chồng nhà văn Hoàng Hưng, Hoàng Dũng
Mọi người lại kéo nhau sang quán chuyện trò sau lễ tưởng niệm. Tôi ở lại xem diễn biến “hậu tưởng niệm”. Nhận ra ngay một “người quen” ở an ninh thành phố, từng “làm việc” với mình mấy buổi, từng đi theo mình suốt buổi sáng một cuộc biểu tình không thành ở trung tâm thành phố. Tôi chủ động hỏi: “Các anh có tính dẹp những vòng hoa này không?”. Anh hỏi lại tôi: “Theo anh thì sao?”. Tôi đáp ngay: “Sao lại dẹp? Đây là lòng dân, người dân làm cái việc mà nhà nước không làm được, thế là giúp nhà nước đấy!”. Nhưng trong lúc ấy, một anh bảo vệ đã tiến đến gỡ tấm giấy lớn nhất trên vòng hoa ở chính giữa. Đang đứng chụp cận cảnh các vòng hoa, nhà tôi lấy ngay lại và cắm lại, anh không phản ứng. Nhưng hai thanh niên ăn mặc kiểu “tay chơi” nhanh nhẹn tiến đến giằng lấy rồi gỡ tất cả các bảng giấy khác, cuộn lại và bỏ đi ngay lập tức. Người cán bộ an ninh đứng nhìn như vô can. Trước khi bỏ đi, anh còn nói như phân bua: “Chúng ta đều là người Việt Nam mà!”.
clip_image031
“Lực lượng chức năng” quan sát từ xa
clip_image033
Rồi tiến tới tượng đài Đức Thánh Trần
clip_image035
Gỡ những băng giấy ghi khẩu hiệu
clip_image037
Hội ý
clip_image039
Đem băng giấy đi
Chúng ta đều là người Việt Nam. Nhưng có một lằn ranh giữa người Việt Nam yêu nước và người Việt Nam không yêu nước. Tôi thầm chúc cho anh và những đồng nghiệp của anh không vì bất cứ lý do gì để mình vô tình bước qua lằn ranh ấy!
H. H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét