Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Ai bảo vệ . . .????



12-07-2013

Chặt cờ và treo cờ…

Hà Văn Thịnh 

Tàu cá  QNg 36382 TS bị bắn cháy rụi ca bin tại ngư trường HS ngày 20/3/2013
Một người bạn được mời dự Hội thảo về Biển Đông ở Quảng Ngãi cách đây ít lâu có kể với tôi rằng, điều đau đớn và nhục nhã nhất là khi biết chuyện ngư dân ta, mỗi lần đi đánh bắt xa bờ,muốn sống, an toànPHẢI treo cờ Tàu (!)? Tôi hỏi lại tại sao chẳng thấy báo chí nói gì thì “bị” ngộ tiếp là Hội thảo đó có cho báo chí tham dự đâu mà tin với tức!


Câu chuyện khó tin ấy cứ ám ảnh, làm tôi băn khoăn mãi cho đến ngày đọc thấy trên BBC, 9.7.2013: Tàu cá Việt Nam “bị tấn công, chặt cờ”. Thì ra, cái sự thật kinh hoàng đó bị bưng bít, để hóa thành “đối tác chiến lược toàn diện” với kẻ láng giềng tham lam, độc ác, tráo trở rất có thể là chuyện thường ngày…

Bài báo của BBC cho độc giả biết thuyền trưởng tàu QNg 96787 TS, ông Võ Minh Vương, nói tàu của ông bắt đầu ra khơi từ ngày 4/7 và đến ngày 9/7 thì dừng lại gần đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa… Ông Vương cho biết khi tàu của ông đang neo đậu thì một chiếc tàu trắng xuất hiện và thả ca nô xuống bám theo tàu của ông.

Sau 15-20 phút truy đuổi, những người này đã “leo lên tàu và dùng dùi cui điện để đánh thuyền trưởng và thủy thủ trên tàu, đồng thời đập phá tàu và tịch thu toàn bộ số cá mới đánh bắt được”.

Khi được hỏi những người này nói tiếng gì, ông Vương cho biết là họ “nói tiếng Trung Quốc”.

Ông Vương cũng cho biết thêm những người này mặc đồ “sỹ quan hải quân”, và một số khác thì mặc “đồ lính rằn ri”.

“Họ chỉ hướng Việt Nam nhưng không nói là Việt Nam”, ông Vương nói.

“Tôi không chịu thì họ mới chặt hai cây cờ [treo trên tàu], vứt xuống nước“.

“Tôi chạy tới lấy cờ lên thì họ đánh tôi ngất xỉu”.

           Chắc chắn, không một lương tri nào của Trái tim Việt, Hồn Việt có thể chịu nổi sự thật kinh hoàng về nỗi đau đớn nhãn tiền: Muốn đánh cá trên biển trời của ta thì phải hạ cờ ta, treo cờ Tàu; không hạ thì bị chặt, vứt xuống nước; muốn không bị sỉ nhục để lấy cờ lên thì thân tàn, ma dại!

Có còn gì để nói nữa không về cái đểu cáng, thâm độc của 4 tốt, 16 chữ vàng; về sự im lặng lì lợm của các quan chức có tránh nhiệm trước vận nước, lòng dân?

Làm sao có thể biện minh nổi khi sự thật đắng cay rành rành như thế mà vẫn khua mép, cong môi bảo vệ cho cái gọi là “tình hữu nghị”; vẫn đàn áp bất cứ ai dám đau nỗi đau quốc thể bị sỉ nhục, hiểm hỏa mất biển, mất nước cận kề?

Nếu nối các sự kiện từ việc TQ chiếm Hoàng Sa ngày 19.1.1974, chiếm một phần Trường Sa, đảo Ba Bình, 1956; Gạc Ma, 14.3.1988; thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, 24.7.2012; chuyện hạ cờ ta, treo cờ tàu trên Biển Đông…, thì ngay một đứa trẻ cũng biết rõ rằng âm mưu xâm lược, cướp bóc nước ta của nhà cầm quyền TQ (và Đài Loan) là bản chất, không bao giờ thay đổi. Làm sao có thể thay đổi được bản chất của kẻ thù truyền kiếp hàng ngàn năm?

Sự thâm độc, tinh vi của “Tàu khựa chết đi” (cách diễn đạt của Phương Uyên, Nguyên Kha) thì không bút nào có thể tả nổi. Joseph Needham (1900-1995) – người bỏ cả đời để nghiên cứu TQ có nói rằng dù có sống thêm vài trăm năm nữa cũng không thể hiểu hết cái thâm hiểm đến mức huyền bí của “tư duy Tàu”. Cái “tư duy Tàu” ấy đang “chơi” nước cờ tàn độc nhất: Làm cho tư duy Việt coi việc hạ cờ ta, treo cờ Tàu là chuyện… bình thường! Một khi quốc thể, lòng tự tôn dân tộc bị vô cảm hóa, hèn hạ hóa, câm lặng hóa trước lợi ích của cá nhân hay một nhóm người mà vẫn chưa coi đó là hiểm họa sao?

Xin bày tỏ sự tri ân và khâm phục trước lòng dũng cảm của ông Võ Minh Vương và các thuyền viên của tàu QNg 96787 TS. Chính chiếc tàu cá bé nhỏ ấy cho chúng ta thấy rõ vẫn còn đó những con người yêu Tổ Quốc hơn cả tính mạng và của cải của mình. Họ sẵn sàng đương đầu với nguy hiểm, mất mát để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu không còn những người như thế, thử hình dung Biển Đông đang tràn ngập cờ Tàu?

Huế, 11.7.2013

H.V.T.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


12-07-2013

Ai bảo vệ ngư dân?

Nguyễn Văn Tuấn 

Cứ mỗi lần ngư dân của mình bị bọn hải giám của Tàu tấn công và cướp bóc, câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi: chẳng lẽ chẳng có ai bảo vệ ngư dân? Mới ngày hôm kia, một đám hải quân trong chiếc tàu gọi là “hải giám” của chúng đánh đập ngư dân ta, đập phá và ăn cướp ngư cụ, và còn chặt cột cờ. Hành động chặt cột cờ rõ ràng là một sự khiêu chiến. Chợt nhớ hôm nào có ngư dân bảo vệ lá cờ và sau này được trao huy hiệu. Không biết những người theo chủ nghĩa hình thức (trao huy hiệu đó) sẽ làm gì khi kẻ thù ngang nhiên khiêu chiến chặt quốc kì? Vậy mà cho đến nay, sau hai ngày sự việc xảy ra, Chính phủ chẳng hề có một phát biểu chính thức. Chỉ có “Hội nghề cá” lên tiếng một cách yếu ớt.


Những hành động đó của quân Tàu chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: cướp biển. Bọn cướp biển này có tổ chức và được Chính phủ Tàu bảo trợ. Tiếng Anh có một chữ dành cho những kẻ này: state-sponsored piracy. Cũng có thể xem cướp biển là khủng bố, nên chúng ta cũng có thể dùng chữ state-sponsored terrorism – khủng bố do Nhà nước bảo trợ.

Điều đáng nói là những hành động cướp biển / khủng bố này xảy ra chỉ vài tuần sau chuyến viếng thăm Tàu của ngài Chủ tịch Nước và đoàn quân sự Việt Nam. Chắc có lẽ chúng ta không bao giờ biết được những gì được bàn luận và thoả thuận trong chuyến viếng thăm, cũng như chẳng bao giờ biết được những gì được thoả thuận trong cuộc gặp gỡ Thành Đô trước đây. Những gì viết trong thông cáo báo chí chỉ là “phải đạo” thôi. Nhưng những gì xảy ra trong thực tế cho thấy hình như những hội nghị đó chẳng đem lại lợi ích và an toàn gì cho ngư dân Việt Nam.

Hành động cướp biển / khủng bố mới nhất có lẽ chưa phải là lần sau cùng. Chúng ta còn nhớ trước đây Tàu đã 2 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Vài tuần trước, chúng manh động đến độ bắn cháy cabin tàu đánh cá của Việt Nam. Còn những vụ chúng rượt đuổi, cho tàu đụng phá tàu của ngư dân Việt Nam thì đếm không xuể. Có khi chúng ngang nhiên vào tận bờ biển của Việt Nam để gây sự. Tất cả những hành động này cho thấy chúng chẳng xem chủ quyền biển của Việt Nam ra gì (chứ chưa nói đến tôn trọng).

Và hình như chúng có lí do để hành xử lưu manh như thế. Lí do chính là sự khiêm cung của phía VN. Cứ mỗi lần sự việc xảy ra thì phản ứng của phía VN có thể nói là rất “truyền thống” và có thể đoán được. Đầu tiên là các lực lượng chức năng xác minh (làm rõ) sự việc. Phải mất một ngày thậm chí vài ngày thì mới xác minh được thủ phạm “lạ” đó chính là Tàu – kẻ thù của VN. Kế đến là người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu những câu chữ mà có lẽ chúng ta đã nghe qua nhiều lần đến độ nhàm (nên không cần lặp lại ở đây). Sau đó thì bên Tàu chúng nó phản bác lại phát biểu của phía VN. Thế là kết thúc. Hậu quả là ngư dân mất của, tổn hại tinh thần. Những ngư dân khác thì ái ngại hơn, suy nghĩ đôi ba lần trước khi đi biển. Dần dần chúng ta mất chủ quyền biển.

Song song với những hành động cướp và khủng bố, chúng còn gia tăng cường độ xâm lấn. Chúng xua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, tàu cá xuống vùng biển VN để đánh bắt. Chúng cho tàu hải quân theo để hộ tống cho đoàn tàu ăn cướp. Thật khó hình dung nổi còn hành động nào du côn hơn? Hành động du côn đó xuất phát từ một chính quyền tự gắn (hay trói) những chữ “tốt” và “vàng” với Việt Nam!

Ngư dân VN chắc ước mong được như ngư dân Tàu. Ngư dân Tàu được quân đội Tàu bảo vệ dù họ cũng chỉ là cướp biển. Còn ngư dân VN thì chẳng có ai bảo vệ họ. Mới tháng 5/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sau khi nhận định rằng việc Tàu hành hung ngư dân VN là nghiêm trọng, ông tuyên bố rằng “Nếu có những vi phạm vào vùng biển của Việt Nam thì các lực lượng chức năng của ta sẽ có trách nhiệm bảo vệ.” Thế nhưng sự việc xảy ra ngày hôm qua thì chúng ta mới biết chẳng có ai bảo vệ ngư dân ta cả. Người bình thường nhất, bàng quan nhất nhất cũng phải đặt câu hỏi: lực lượng hải quân VN ở đâu và đã làm gì trong khi ngư dân lâm nạn?

Hiện nay, Việt Nam có 4 lực lượng có chức năng bảo vệ ngư dân: Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng, và Hải quân. Nhưng như chúng ta thấy trong thời gian qua, mỗi khi ngư dân lâm nạn là chẳng thấy bóng dáng các lực lượng này ở đâu. Thật ra, những người đi đánh cá cho biết họ “Bảo vệ gì đâu! ra đó làm sao mà đụng được với Trung Quốc mà bảo vệ? Chỗ đó đâu có ra được chỉ có dân ra chứ bên quân sự đâu có ra được. Khu vực đó thằng Trung Quốc nó quản lý hết làm sao mà ra. Đánh cá thì đánh chui ở Hoàng Sa chớ cảnh sát biển không tới mép nước nữa, do cũng chưa thấy nó. Cảnh sát biển của Trung Quốc thì có. Nếu bảo vệ thì bảo vệ một khúc nào đó thôi, ở vùng nhất định thôi chứ làm sao vô khu vực Hoàng Sa bảo vệ được? Khu vực san hô mới có cá còn ngoài khu vực đó thì nước nó sâu, có rạng không có san hô cho nên đâu có cá.” (trích lời của một ngư dân trả lời phỏng vấn báo chí). Thế thì đã rõ, các lực lượng chức năng chẳng bảo vệ gì được ngư dân cả. Nhưng khi ngư dân có một hành động dũng cảm bảo vệ chủ quyền thì đại diện của các lực lượng chức năng xuất hiện trong đồng phục đẹp và chụp hình trao cái gì đó làm vật lưu niệm.

Không bảo vệ được, nên có lúc người ta nghĩ đến chuyện trang bị vũ khí cho ngư dân. Thật là một ý tưởng lạ lùng và nguy hiểm! Ý tưởng này biến ngư dân thành "món mồi" cho hải quân của kẻ thù vì một khi ngư dân có súng thì chúng càng có thêm lí do để nổ súng. Thật là điên rồ!

Chúng ta nói Hoàng Sa là của Việt Nam và điều đó thì chắc chắn là sự thật. Nhưng giặc Tàu đã chiếm Hoàng Sa và đó cũng là sự thật. Ngày nay chỉ có ngư dân đánh bắt chung quanh ngư trường Hoàng Sa, thì chính những người này mới là “lực lượng” bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam. Vậy mà không ai bảo vệ được họ! Cũng chẳng có chính khách nào đến thăm hỏi và biểu dương họ. Thật là trớ trêu. Nghĩ đến đây tôi càng thấm và chua xót khi đọc cái tít của báo chí “Ngư dân thả trôi tính mạng trên Biển Đông”.

Tôi nghĩ đơn giản rằng nếu mình không chống trả nổi sự tấn công của một tên du côn to con thì ít ra mình cũng có thể la lớn để gây chú ý. Tương tự, nếu các lực lượng chức năng không đương đầu được với kẻ thù và giới chức ngoại giao không nói gì, thì chính quyền cũng phải cho phép người dân có tiếng nói để thế giới chú ý. Trong khả năng của mình, tôi chỉ biết mỗi khi thấy cái bản đồ 9 đoạn trên các tập san khoa học thì lập tức phản đối, và phản đối phải kèm theo những thông tin cụ thể về sự khủng bố của Tàu. Có lẽ chúng ta nên làm một database để hệ thống hoá những hành động khủng bố của Tàu chống ngư dân Việt Nam từ trước đến nay. Tôi nghĩ các bạn ở nước ngoài cũng có thể lên tiếng phản đối hành động khủng bố của Tàu đến ngư dân Việt Nam, những người thực sự đang bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Việt Nam.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét