Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

HAI CHỊ EM _ KIM THANH


Hai chị em suýt soát tuổi nhau vì mẹ sanh năm một, con chị cầm tinh chó thì thằng em ẩn mạng heo, chị ra đời tháng tám thì mẹ sanh em tháng chín, sinh nhật chị hai mươi thì hai mốt đến em. Ngẫm lại cái gì chị cũng hơn em một tí, chỉ duy nhất tình yêu của Bố thì đành chịu thua, bởi vì em là con trai đích tôn mà.
Lúc nhỏ con chị đã ra dáng chỉ huy rồi, lúc nào cũng lăm lăm thanh gỗ dẹt khuấy cám heo, chỉ cần thằng em có ánh nhìn chống đối là gõ liền, em sợ chị một phép vì Bố dạy nghiêm lắm ” Trong nhà phải có tôn ty trật tự”. Nói vậy thôi chứ con chị thương thằng em lắm, bằng chứng là chị luôn hát để em tập gõ nhịp lóc cóc bằng hai cái muỗng cà phê vào lòng bàn tay nghe phát chán, mà có bài gì hay đâu, lúc nào cũng Hội Nghị Diên Hồng và Bạch Đằng Giang được in trong sách Sử Ký. Sau này khi tay nghề gõ muỗng của thằng em nâng cao thành gõ trống thì con chị không còn được hát vì đã có mấy em gái nhỏ thế chân rồi.
Lúc vào cấp hai, chị và em học chung một trường, cùng buổi sáng, Bố bảo “vậy cho tiện, hai chị em đèo nhau đi học, nhớ để mắt đến em”, thằng em đề nghị luôn ” sáng em chở chị, trưa chị chở em” , cứ ngỡ thằng em sợ trễ học vì chị mình hay ngủ quên nhưng vài hôm là biết ngay thâm ý, em trai điệu chảy nước, sợ đen bởi cái nắng cháy da xứ Quang Trung, nó chữa thẹn ” vì chị có áo dài, tay dài’, mà con chị đã đen nhẻm rồi còn sợ gì nữa, Bố bảo phải chăm em kia mà. Ở nhà nó còn ủ nước vo gạo cho em trai rửa mặt mong cải thiện làn da đầy mụn cám tuổi dậy thì. Thằng em học giỏi lắm, chị nó hãnh diện lây, cứ lén lút ngắm trước một bạn gái xinh xinh cùng chạng với nó và mong em mình sẽ vừa ý với sự lựa chọn kỹ càng của chị ( mơ hồ quá )… Vậy đó, chúng nó lớn cùng nhau, con chị lo cho tiền đồ thằng em nên gánh hết việc nặng, từ quay nước dưới giếng lên để tắm heo, đi vác cơm heo xin bên trại Nông Mục về nhà chị đều lãnh việc để em lo học, thằng em đổ lười, ngoài lúc học em nó miệt mài bên bộ  trống tự chế bằng các vật thải như thùng xăng QĐ, nồi niêu thủng,nắp vung … linh tinh, lang tang nhưng kết hợp lại thì thằng em lại làm nên kỳ tích, nó gõ hăng say cho các em nó hát ” Đây Bạch giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, Nam Bắc Trung. Trên trời cao, muôn sắc đua chen bóng ô, dưới đáy dòng nước….”
Thế rồi vận nước thay đồi, vì mưu cầu sự sống chị em nó dẫn nhau ra Long Thành làm rẫy trên đất bỏ hoang. Thằng em vào rừng đốn cây thì chị kéo phụ, em làm nhà thì chị đánh tranh, em cuốc rẫy thì chị tỉa đậu…cuộc sống khốn khó, đùm bọc lẫn nhau, yêu thương em càng nhiều nhưng đành bất lực . Khi thấy không thể sống còn với những kinh nghiệm và sức lực của những đứa con nít, chị em đành kéo nhau về TP mang theo căn bệnh ghẻ lở kèm nỗi chán chường, thất vọng và hoài nghi!!!
Khi đã bình phục, những đứa con trai lại lên Tây Nguyên lập nghiệp, chị nó ở lại TP tìm việc làm để hổ trợ kinh tế cho các em, những tháng lương đầu mà con chị cầm trên tay, nó nghĩ ngay tới hai em trai đang tuổi thanh niên, cần một bộ vó chỉnh tề để có thể đường hoàng đi chơi với bạn gái, Chị gái tâm lý mua hai áo sơ mi trắng cổ cồn gởi ra cho hai em. Nhưng vận số dun rủi, thằng em nhỏ bệnh lạ, chốn rừng thiêng ,nước độc,nó sốt cao, máu trào ra hết tai đến mũi, thằng anh mang hai áo mới ra chợ Hòa Bình đổi máu tiếp cho em. Khi tận mắt thấy sự ra đi của em trên tay, thằng anh từ đấy đâm hận thế giới vô hình, nó cau có nghĩ anh em nó không làm gì nên tội mà nhận lấy một kết quả bi thương là thế, thì đời này làm gì có trời phật, vì nếu có thì đã cứu em nó rồi.
Trong tâm hồn thằng em hình thành một vết sẹo lồi vì chấn động tâm lý dạo đó, vết sẹo không mờ mà lớn dần theo thời gian. Nó sống khép kín,luôn tự ti, cứ nghĩ nghèo là hèn, không lối thoát. Dạo sau thằng em kết nối lại được với quá khứ, nó như sống lại thời niên thiếu, nó hồ hời trải lòng ra bởi vì chỉ có quá khứ mới chứng nhận nó là một nam nhân chính nghĩa. Nhưng chị nó đau đớn nhận ra rằng vết sẹo tâm hồn của thằng em mình đang nhăn nhúm, méo mó và biến dạng trầm trọng. Vì sao ư? Vì thằng em không còn nhận ra tình thương mà gia đình vẫn dành cho. Vì tự ti mà cố chấp . Vì nông cạn mà thiển cận nên mới có những lời nhận xét về chị mình như sau: ” Bà ấy nói muôn lời đều đúng vì bà ấy có tiền”. Con chị đau điếng, đau vì làm mất thêm một thằng em nữa! Tim chị nó nhoi nhói khi nghĩ lỗi tại mình… Làm sao đây? làm sao đây???
KIM THANH
( Cận Sinh nhật , nghĩ tới buồn thêm )


  1. Yamaha
    18/08/2012 at 2:43 Chiều
    Cái vụ này là chuyện thường xuyên ở trong các gia đình đông con, bà buồn làm gì cho tàn tạ chút nhan sắc còn sót lại. Xin lỗi mấy bạn nam trước nhen, thường lúc nào các cụ cũng cười vui vẻ khi có con trai nhưng khi tuổi già bóng xế các cụ nương nhờ bầy vịt trời.
    Đám con trai của ba Ya cũng vậy, luôn nghĩ mình thấp cổ bé họng vì ít tiền hơn để gậm nhấm lòng tự trọng của chị em gái bằng những lời lẽ đáng cho mấy cái đá. Suy cho cùng chỉ là để lấp liếm cái khoản không lo cho cha mẹ vì ham chơi hơn ham làm và vì một lẽ rất thường tình là làm chủ hộ nhưng không phải chủ nhà.
    Buồn thì cứ buồn nhưng hãy cầu xin cho con dâu dù làm chủ nhà nhưng còn chút tình người để tháo lồng cho chồng chăm cha mẹ lúc về già. Tốt hơn hết len lén gởi clip người đàn bà thứ hai vào email của con dâu cho nó hiểu từ bây giờ. Mấy hôm nay Ya đã thấy bóng dáng con dâu lạng qua lạng lại trong nhà. Nhìn nó Ya tự hứa cố gắng sống sao để sau này nó cho chồng về thăm nuôi lúc Ya hết chống gậy nỗi, (khổ ghê biết vậy hồi đó sinh hai cô con gái…) không biết có làm được không, cố lên, cố lên.
    Bà viết hay lắm Mập, thấy thấp thoáng trong đó bóng hình từng người trong nhà bà, thấy thằng em cầm tinh con lợn đọc bài của bà mà nước mắt đầm đìa…

  2. KIM THANH
    18/08/2012 at 8:44 Chiều
    Gần tới kỷ niệm ngày sinh mà buồn ghê, vì nó không hiểu tình cảm của một tập thể chị em gái đều dồn cho nó…
    Không biết dùng lời nào để diễn đạt hết ý bây giờ.

    • Yamaha
      18/08/2012 at 10:17 Chiều
      Kinh nghiệm của Ya mấy đứa này biết thừa là như vậy nhưng vẫn cứ hành động và phát ngôn bừa bãi. Bà chỉ còn hai đứa em trai còn nhà Ya có hai anh hai em mà như bốn đứa em, Bây giờ còn hai đứa em mà như tám đứa. Hỏng lẽ trên đời này mấy ông anh, thằng em giống nhau hết sao ta?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét