Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

SUY GẨM . . . . . .





Nhìn vào năm tới – 2013.

  ĐOÀN NAM SINH
 question[1]Chỉ mươi hôm nữa phải thay lịch. Nhìn quanh thấy người lo đón Noel, người lo chuyện Tết Tây nghỉ những 4 ngày, thị dân thì lo vật giá trượt ầm ào, nông dân sợ không có gì để ăn Tết… Trên Chính phủ cứ lòng vòng tự trọng với tự sướng, Nhà nước tìm những lời có cánh và Đảng quay qua trách cứ trẻ con vô tâm. Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản,…kéo nhau đổ như trò chơi domino. Thử nhìn vào năm tới – 2013 và dự đoán cái gì sẽ đến.
1. Trung Cộng sẽ làm gì ở biển Đông của ta:
Động thái quân sự hóa Ngư chính và Hải giám sẽ hỗ trợ cho việc xét tàu vào vùng lưỡi bò (do chúng vẽ ra) kể từ 01-01-2013, nhưng việc chính lại là bảo đảm cho việc thực thi tuyên bố không phận của cái gọi là Tam Sa bất hợp pháp sắp sửa ra đời. Như vậy, trên biển Đông ngư dân ta hết cơ hội tìm đất sống ngay trên ngư trường của tổ tiên bao đời. Tiếp đó toàn bộ vùng Trường Sa do Hải quân của ta trú đóng sẽ bị cô lập, thiếu thức ăn và nhu yếu phẩm,…
Công cuộc xây dựng căn cứ quân sự Tam Sa của Trung Cộng, xây kho nhiên liệu tại Hoàng Sa của ta và các cuộc diễn tập vượt rào, bắn thi, bắn đạn thật của bộ binh; tập bắn đêm của Không quân; hợp đồng tác chiến với Hải quân trên biển Đông cả tháng qua, đồng thời cũng là dịp chuyển quân, bố trí lực lượng,… chính là điều mà Tập Cân Bình mong muốn khởi đầu “cơ nghiệp quân vương” của mình khi xuất hành thăm Quảng Châu và Hải Nam: Bất ngờ dùng vũ lực bao vây và chiếm lĩnh toàn bộ các đảo cũng như bãi đá trong vùng nước nội thuộc đường 9 đoạn.
Sử dụng bài ruột cây roi và củ cà rốt, Trung Cộng đã xúc tác làm rệu rã khối ASEAN, lợi dụng tình trạng kinh tế đang suy thoái của Mỹ, Nhật Bản,… đồng thời tăng khả năng gây sự trên vùng Kashmir để kiềm chế Ấn độ (Trong lúc Nga đã là đối tác chiến lược của Trung Cộng) thì thời cơ trong vòng nửa tháng- từ tuần cuối năm đến hết tuần đầu năm mới- đã chín muồi để “thu hồi lãnh thổ”, thực chất là ăn cướp nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” mà Hồ Cẩm Đào mong muốn trở thành cường quốc biển. Thời đoạn này các nước đồng minh cố cựu là Nhật và Hàn cũng đang bận lo việc củng cố nội các mới cùng với nước Mỹ đàn anh. Khối EU đang đối mặt với mùa đông kinh tế ảm đạm với dự kiến còn suy trầm cho đến 2015.
“Chuỗi ngọc trai” của Trung Cộng đã và đang xây dựng trải dài từ Maldive ngoài Ấn độ dương qua Srilanca vào tận nút cổ chai eo biển Malaca là Myanma nhằm bảo đảm cho việc vận chuyển nhiên liệu lâu dài về Bắc Kinh, đã khiến Ấn độ và những nước ASEAN phải sớm ngổi lại với nhau bàn cách đối phó. Việt Nam muốn xây dựng đối tác chiến lược với Ấn độ nhưng có vẻ không còn kịp nữa. Trung Cộng đã gián tiếp gây hoãn cuộc họp của 4 nước có tranh chấp biển đảo với họ trong những ngày gần đây là một ví dụ.
Trung Cộng đang hung hăng thực hiện kế hoạch “ngoại giao pháo hạm” đúng như kịch bản của Mỹ trước đây khi vươn lên mức siêu cường: Phủ sóng lên toàn Trung Mỹ và Nam Mỹ để xây dựng một sân sau vững chãi. Địa chính trị của Việt Nam với Trung Cộng hiện nay không khác gì Mỹ với Mexico thời ấy. Trong khi Mỹ tuyên bố tăng cường binh lực về Thái bình dương, xây dựng tam giác Đông bắc Á, chọc vào Myanma,… nhưng tuyên bố không can dự gì vào các vụ việc tranh chấp biển đảo của các nước liên quan đến Trung Cộng, đúng với cam kết từ 1972: ta không đụng đến người thì người cũng không động đến ta.
Cuộc phân chia miếng bánh toàn cầu đã rõ như ban ngày, Mỹ mong muốn Trung Cộng hòa điệu vào kinh tế thế giới và phải bắt đầu gánh vác trách nhiệm siêu cường với cộng đồng quốc tế. Trung Cộng hiển nhiên đề kháng lại sự hòa nhập kinh tế chính trị theo truyền thống dân chủ Âu-Mỹ và muốn thiết lập trật tự thế giới mới theo xu thế riêng của mình: dùng đồng Nhân dân tệ khuynh loát tất cả. Người Hoa hải ngoại và đạo quân thứ 5 là những vọng gác tiền tiêu, là những mũi nhọn tiến quân thực hiện kế sách này.
Do đó, cuộc “cất vó” của Trung Cộng ở biển Đông tạo “cửa mở” xuống phía Nam lần này không loại trừ đảo Ba Bình mà Đài Loan đã cưỡng chiếm của ta ở vùng biển Trường Sa, trước nhất là thử thách thái độ của Mỹ và dập tắt mong muốn Mỹ bán vũ khí và trang cụ kiểm soát biển cho Đài Loan mà Mỹ lừng khừng không thể thực hiện từ bao lâu nay.
Như vậy , nếu kịch bản đánh chiếm hoàn thành, Trung Cộng sẽ thách thức toàn cầu và Việt Nam chính là nước chịu sự tổn thất ghê gớm nhất- trước khi Việt Nam kịp trang bị đủ thực lực khả dĩ tự vệ; Nga chưa vào Cam Ranh vì cam kết “tốt vàng” của “hai Đảng”; Mỹ chưa chịu bán vũ khí tấn công chiến lược vì chậm “cải thiện nhân quyền”; Ấn Độ hùng hổ tuyên bố nhưng chưa động binh,…- là mất trọn vẹn biển Đông.
2.  Việt Nam chúng ta đang ở đâu và sẽ đi đến đâu trên tiến trình lịch sử:
Môn địa lý dạy cho ta biết mình đang ở đâu và địa chính trị, địa kinh tế- văn hóa,…cho thấy vai trò vị trí của đất nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Thế nhưng, Việt Nam đang tự đưa mình vào thế cô lập, không có đồng minh, khi các nước “anh em” thân thiết đang bị siết vào vòng kim cô phiên thuộc của ông lân quốc cựu thù truyền kiếp. Ông mãnh này đang dương gọng há mồm vơ cả phương Nam vào âm mưu đại bá mà các ông chủ nhỏ đang ngoan ngoãn tuân phục- siết cổ bất kể thần dân nào dám động đến dù chỉ sợi lông chân ông “bạn vàng”.
Môn sử học cũng dạy chúng ta ôn cố tri tân để biết được mình đang đi đến đâu và phải ứng xử hợp thời thế như thế nào với mọi người cũng tương tự như quốc gia với công đồng quốc tế. Thì ta đang thụt lùi về tất cả các mặt, trong lúc những nước trước đây vốn không hơn gì chúng ta mà chỉ mấy chục năm đã hóa rồng như Hàn, Mã hay Thái. Vì sao ? Không thể nói gì khác hơn là do cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa trên toàn quốc thất bại đã phá hoại mọi tiềm lực của đất nước, của dân tộc. Nay “lãnh đạo” ta lại muốn làm một anh học trò tồi của Trung Quốc trong xây dựng thể chế, trong kiến thiết kinh tế dưới danh hiệu nửa vời- phe xã hội chủ nghĩa, mà thực chất chẳng ai- kể cả giảng viên chính trị cho đến đảng viên thường- mong muốn thành công vì ám ảnh bóng ma tội ác trong quá khứ của chính chế độ chính trị xã hội này đã gây ra từ Nga, Tàu cho tới nước Việt.
Kết cục, một vị Đại tá quân đội- PGS. TS. NGƯT.-  mới đây đã nói toạc ra cho đội ngũ “máy cái” của nền giáo dục thủ đô một phiên bản: Bảo vệ tổ quốc XHCN thực chất là bảo vệ cái sổ hưu cho người đã và sẽ hưởng hưu bổng. (Một dị bản còn đảng còn mình hay vinh thân phì gia, bàng quan tọa thị, vô cảm trước nổi đau bị bắt làm nô lệ của nhân dân, nổi nhục bị vong thuộc của đất nước).
Những ngày tới, tàu biển của ta sẽ phải đi vòng quanh “lưỡi bò”, nếu không chịu nhượng bộ thêm và sẽ thêm nữa. Còn đường bay quốc nội và quốc tế, chiếm hơn phân nửa số phi vụ bay vào “không phận Tam Sa” sẽ bay như thế nào ?
Những đườngbay vào vùng “lưỡi bò”.
Những đường bay vào vùng “lưỡi bò”.
Hồ Chí Minh khi kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã tóm gọn lại một quy luật:…ta càng nhân nhượng địch/ giặc càng lấn tới,… Thử hỏi chúng ta còn phải làm gì ?
Dân đang rất nghèo khi sự phân cực giàu nghèo ngày càng cách biệt. Tiềm lực quốc gia đang cạn kiệt, các bộ ngành đang ra sức tận thu tận vét những đồng chinh tiết kiệm của đại bộ phận dân chúng vào kế sách nuôi bộ máy vốn kém hữu hiệu để thể chế tồn tại.
Chỉ có thể, một lần duy nhất và càng sớm càng tốt, những ai đó đang đại diện quốc gia nếu còn có chút lòng thành- nên long trọng tuyên bố: Nước chúng tôi từ bỏ những con đường không gắn bó được với độc lập dân tộc. Ngay lập tức, Việt Nam ta sẽ thêm bạn bớt thù, sẽ vững bước trên con đường độc lập tự do mà 3 thế hệ liền đã đổi cả xương máu để có được. Lúc ấy cũng sẽ có mọi nguồn lực đáng kể giúp cứu nguy cho đất nước- trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc mà bao lâu nay chúng ta chưa có được.
Sài gòn, ngày 20/12/2012.
Tác giả gửi cho Quê choa


Nếu có ai làm nhục đảng, làm mất niềm tin vào đảng, thi đó chính là Đại tá, PGS-TS, nhà giáo ” u tối” Trần Đăng Thanh


Minh Diện
h319Tôi không có vinh hạnh được nghe buổi lên lớp về Biển Đông của ông đại tá phó giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo ưu tú Trần Đăng Thanh cho các lãnh đạo đảng ủy khối, lãnh đạo đảng, tuyên giáo, cộng tác chính trị, quản lý sinh viên, đoàn, hội thanh niên các trường đại học cao đảng tại Hà Nội, ngày 16-12-2012, mà chỉ được nghe qua một băng ghi hình của con trai một người đồng đội. Những gì nghe nhìn được, làm  tôi vô cùng thất vọng vì quân đội ta lại có một vị đại tá với những học hàm như vậy, mà hành vi ứng xử thiếu văn hóa, cách nói năng bỗ bã, tùy tiện và nhố nhăng hết chịu nổi.
               Thái độ hách dịch, bề trên, thái độ trịch thượng võ biền của Trần Đăng Thanh, thể hiện khi ông ta chỉ tay xuống dưới nói: “Đồng chí kia cất cái báo đi, cất kính đi. Tôi nói như vậy mà vẫn đọc báo, không nên như vậy !”. Ông là sĩ quan quân đội, đến nói chuyện với các cử tọa có trình độ cả, đâu phải cha người ta, người ta đâu phải là lính của ông?
Xin nói để ông Thanh biết, mọi diễn giả không có quyền bắt mọi người phải lắng nghe mình nói, dù là Tổng thống. Anh nói hay, nói đúng, người ta chăm chú nghe và vỗ tay. Anh nói dở người ta huýt sáo, thậm chí bỏ về, có khi còn ném cà chua trứng thối.  Một người nổi tiếng hùng biện và đầy quyền lực như Fidel Castro trong một lần nói chuyện ở Cung đại hội đảng cộng sản Cu Ba năm 1981, có người huýt sáo, ông đã ngừng nói, và xin lỗi đám đông thay vì đe nẹt người huýt sáo.
              Sự trịch thượng, tự đề cao mình của đại tá Trần Đăng Thanh còn bộc lộ một cách lộ liễu khi ông khoe khoang : “Đời người có nhiều hạnh phúc, hôm nay là một ngày hạnh phúc,  vì tôi đi giảng, đi nói tới 4 hội nghị Phật giáo Đại cửu viện, và bây giờ nói với đội ngũ trí tuệ nhất của đất nước”.  Và “Tôi rất tự hào vì đội ngũ trí thức của chúng ta có tâm có tầm, như hiệu trường đại học y  luận văn giỏi này, bắn súng giỏi này!”.
Chỉ là một đại tá ở Học viện chính trị Bộ quốc phòng mà vênh vang hơn cả một lãnh tụ không bằng? Nhưng nhìn nhân tướng học và khẩu khí như ông mà làm lãnh đạo thì nổi máu độc tài là cái chắc! Sự uyên thâm về học vấn, sự mẫn tuệ liệu đã đạt tới đâu mà Trần Đăng Thanh đi giảng cho 4 Đại cửu viện Phật giáo? Không biết ông hiểu được bao nhiêu về Phật pháp, đã bước ra khỏi chốn mê tâm để giác ngộ bổn đạo chưa mà đòi đi giảng đạo cho các bậc đại thừa? Sự huênh hoang ấy,  Khổng Tử đã nói cách đây hàng ngàn năm: “Tiểu nhân trí đoản bất kiến thâm sâu!” mà ông không  hiểu, chưa đạt tới ngưỡng tri  hay sao?
                Cái sự huyên thuyên khoác lác ấy với người chưa thông đạt học vấn, trẻ người non dạ có thể tha thứ, nhưng một kẻ bạc đầu lại mang hàm đại tá sỹ quan chính trị như ông thì khó coi quá. Nhưng đó chưa phải quá tệ, đại tá Trần Đăng Thanh còn tỏ ra rất nông cạn và thiếu logic khi nói về Nga, Iran, Triều Tiên , Trung Quốc…
              Người Nga có câu thành ngữ: “nhe khraso govarit za spinoi!”, có nghĩa là nói sau lưng người khác là không tốt. Khi Trần Đăng Thanh nói xấu nguyên Tổng thống Boris Enxin, mà không hề biết rằng, không có ông thì không có Putin. Hơn nữa đánh giá nước Nga kiệt quệ do Boris Enxin là hết sức phiến diện. Phải nói rằng, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Liên xô đã kiệt quệ trước khi Gorbachev  lên làm Tổng bí thư, và Boris Enxin phải làm cái gì cần phải lảm, để mở đường cho một nước Nga hiện nay. Tôi không biết đại tá Trần Đăng Thanh đã  khi nào đặt chân lên nước Nga xưa và nay chưa, đã hỏi người  dân Nga xem họ có luyến tiếc cái quá khứ xã hội chủ nghĩa không mà ông lại căm thù Boris Enxin và luyến tiếc thay cho họ?
                Về Iran thì ông Trần Đăng Thanh tỏ ra là một người không hiểu biết gì về đạo Hồi ở xứ sở này. Giáo chủ S.R.M Khomeini không phải tầm thường như ông Thanh hiểu mà tham vọng lớn hơn nhiều. Người lãnh đạo “cuộc cách mạng vĩ đại thứ ba” trong lịch sử loài người có tham vọng lãnh đạo toàn thế giới Hồi giáo.
                Đại tá Trần Đăng Thanh ba hoa để giấu giếm sự nông cạn, hay cố tình áp đặt tính định hướng chính trị vào bài giảng của mình khiến gượng ép, không trung thực.
                Trước một đám đông được chính bản thân ông xác nhận là đội ngũ trí tuệ nhất đất nước mà ông chỉ phô ra một thứ kiến thức tạp nham xà bần nát, như rắc tấm vãi cám cho gà con như vậy thì quả là rất coi thường đối tượng diễn thuyết. Phải biết mình là gì, nói với ai, nói ở đâu, nói trong bối cảnh nào? 
                Với một cách nhìn thiển cận, phi logic, ông Trần Đăng Thanh bảo rắng Triều Tiên là một đất nước mà Việt Nam phải tập. Ông chứng minh sự tốt đẹp cùa chế độ xã hội chủ nghĩa Triều Tiên bằng việc người dân nước này tuyệt đối tin tường và kính trọng lãnh tụ của họ. Ông lấy ví dụ một vận động viên được Huy chương vàng Olimpic nói: “Tôi giành được Huy chương vì luôn nghĩ tới công ơn chủ tịch Kim Chang-in và lời dạy của Chủ tịch Kim Chang-un?”. 
                Thưa ông Thanh ‘cấp bậc cao văn bằng bự’, có thật ông tin lời nói của vận động viên kia, cũng như  nước mắt hàng triệu người Triều Tiên nhỏ xuống khi Kim Chang- -in chết có thực sự xuất phát từ trái tim họ không?
                Ông thừa biết đó là cách nói của một người Triều Tiên, họ phải nói, phải khóc nếu muốn miếng bánh mì ăn và không muốn vảo tù. Đó là thứ sản phẩm đặc sệt chất độc tài của Trung Quốc tràn sang, bắt đầu từ thời hồng vệ binh Trung Quốc giơ quyển sách bìa đỏ có mấy chữ: “ Mao chủ xi y lủ”- Trước tác Mao Chủ tịch- và nói có thể biến sắt vụn thành vàng! 
               Ông là người biết phân biệt giả chân mà ca ngợi như vậy không sợ thiên hạ cười cho?
              Đại tá Trần Đăng Thanh bảo Triều Tiên nghèo tới mức cán bộ đi nước ngoài phải mượn nhà nước từ cái cà vạt đến bộ áo véc. Đại tá ạ, bản thân người viết bài này và rất nhiều người khác đã từng phải ký giấy mượn một đôi giày hở mõm, một chiếc vali không còn khóa, một chiếc áo véc sờn cổ, nhàu nát của Bộ tài chính trước khi lên máy bay sang Liên Xô học. Đó lả sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chính thống mà bây giờ Triều Tiên còn duy trì, chưa chịu xóa quan liêu bao cấp để đổi mới.
                  Triều Tiên nghẻo đói như vậy, nhưng tổ chức lễ quốc tang cho Kim Chang-in tốn kém bao nhiêu triệu đô-la ông có biết không, và liên tiếp phóng tên lửa tốn kém thế nào ông cũng không hay à?
                 Tôi cảm thấy thương hại một bộ óc u mê, một tâm hồn què quặt, cái đầu kém nơron thần kinh mà đi cất lời ca ngợi việc Triều Tiên phóng tên lửa: “Họ làm các nước lớn mất ăn mất ngủ, rất lo lắng vì quả tên lửa của họ, cái điều mà chúng ta phải học tập”. Thế là thế nào? Học cái gì? Dân đang đói nghèo, tiền đang thiếu, lạm phát còn nhiều nguy cơ mà đi đổ tiền vào “chạy đua vũ trang” à?
                 Đảng ta, nhân dân ta không bao giờ muốn đe dọa bất kỳ một nước nào, một dân tộc nào bằng vũ lực. Tại sao ông lại bảo phải học Triều Tiên, bắt dân đói khổ, lấy tiền chế tạo tên lừa bắn lên trời cho các nước lớn sợ “ăn không ngon ngủ không yên?”. Tại sao ông có tư tưởng hiếu chiến như vậy? Quân đội ta đâu có thế? Thế mà ông huấn thị rằng “mục tiêu tối thượng là giữ được môi trường hòa bình!?”.  Vậy ông giữ môi trường hòa bình với ai? Làm cho ai mất ăn mất ngủ?  Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”, sao ông lại nói bừa nói ẩu như vậy. Có lẽ ông tiến thân bằng đe dọa bạn bè, chơi trội thiên hạ quen rồi hay sao? Một đại tá quân đội, một người trí thức, nhân danh đảng đi giảng bài, truyền đạt chủ trương chính sách của đảng về chủ quyền biển đảo mà tư tưởng bệnh hoạn như vậy sao? Việc này, tôi chưa hiểu là Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị đã biết hay chưa?
                  Trần Đăng Thanh đã nói trắng ra là cái “môi trường hòa bình” chỉ giành cho Trung quốc, chỉ Trung Quốc mà thôi. Dù ông ta viện dẫn mối quan hệ Việt – Trung  phức tạp thế nào, Việt Nam từng đánh thắng Trung Quốc ra sao từ trước công nguyên đến giờ, cũng chỉ để chứng minh mối quan hệ của đảng cộng sản Việt Nam với đàng cộng sản Trung Quốc là tốt đẹp, và truyền đạt mệnh lệnh “Không được làm mếch lòng Trung Quốc!”.
             Tôi là một người lính, và chắc chắn  từng trải chiến trận hơn ông Thanh, tôi cảm thấy bị sỉ nhục khi nghe ông Thanh nói: “Đối với Trung Quốc, điều không được quên: họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xe áo cho chúng ta. Ta không thể là người vô ơn bội nghĩa!”. Cũng như ông đã làm cho tôi mất công đọc bài diễn thuyết dài dằng dặc, lại mất công viết bài cảnh báo cảnh tỉnh ông. Nhưng dù sao ông cũng giúp cho mọi người thêm một năng lực và ý thức ảnh giác với những cán bộ có bệnh nói sảng, ba xạo; như trong một bài viết mới đây tác giả Bùi Văn Bồng gọi họ là thứ cùng mã vạch, mô-típ “cướp cò mồm”!
             Tôi cũng đã viết bài báo về ân oán đối với Trung Quốc  đăng trên một số trang mạng khẳng định rằng, chính Trung Quốc phải mang ơn Việt Nam chứ Việt Nam không mang ơn Trung Quốc.
                Trung Quốc từng rêu rao Việt Nam vong ân bội nghĩa nên “dạy cho Việt Nam một bải học” bằng cuộc xâm lược 17-2-1979. Bây giờ một ông đại tá Trần Đăng Thanh lại đạp lên xương máu đồng đội mình mà hùa theo kẻ xâm lược ư? Đau quá!
                Ông Trần Đăng Thanh  bảo rằng người Mỹ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta và “tội ác của Mỹ trời không dung đất không tha”? Vậy thử hỏi Trung Quốc đã bao giờ tốt thật với chúng ta chưa, và tội ác của Trung Quốc từ thời bà Trưng bà Triệu đến giờ, từ biên giới phía Bắc, phía Nam đến Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, trời có dung đất có tha không?
                Là một người làm chính trị mà ăn nói mách qué, hồ đồ như vậy thỉ nên đốt sách đi!
                Ông Trần Đăng Thanh ra lệnh: “Trước mắt chúng ta phải tin tưởng vào sự lãnh đạo  của  đảng chúng ta?”. Với ngôn từ và diễn đạt tiếng Việt, “phải” thế này, “phải ” thế kia là một mệnh lệnh, là sự ép buộc. 
              Niềm tin chỉ được xác lập một khi lẽ phải được tôn trọng, trở thành chân lý rọi sáng vào tâm hồn con người. Không ai có thể  bắt tôi phải tin một người như ông, cũng như một bộ phân không nhỏ đã thoái hòa biến chất trong đảng.
              Ông Trần Đăng Thanh nói dai nói dài, cuối cùng lòi cái đuôi cáo ra: “Tôi đi giảng cho tất cả các đối tượng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa hiện nay có rất nhiều nội dung, một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta, đó là bảo vệ cái sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu” (?!). Thế là ông khuyên mọi người hãy “ngậm miệng ăn tiền!”. Người dân yêu nước Việt mà chỉ thực dụng nhỏ hẹp thế thôi ư?
            Ông đại tá Thanh nói sai cả đường lối đối ngoại và phanh phui cả những bí mật an ninh-quốc phòng, phê phán những người nói thẳng nói thật với Đảng, Nhà nước, mạt sát những người yêu nước. Thế mà lại ra lệnh cho mọi người phải tin vào sự lãnh đạo của đảng, của những người như ông ta, với cái tâm và cái tầm như vậy đấy. Tôi xin mượn ý của Giáo sư Ngô Bảo Châu để kết thúc bài báo này: Nếu có  ai làm nhục đảng, làm mất niềm tin vào đảng, thỉ đó chính là Đại tá, PGS,TS, nhà giáo “u tối” Trần Đăng Thanh. Cha mẹ đặt cái tên cho ông xem ra cũng rất văn hóa và ý nghĩa, với sự kỳ vọng cho tương lai, danh vọng của ông: Đăng Thanh-lẽ ra tiếng nói phải thanh cao, như chuông khánh, ý tứ phải sáng như đèn. Nhưng, qua cuộc diễn thuyết rất “sảng” này, làm thiên hạ mất “khoái” mà sinh bực bội, coi thường ông hết cỡ. Thế nên, Đăng Thanh mà lại bị chửi tục do sự u tối phát ra đầu lưỡi từ một nhân cách và nguồn tư duy quá lùn! Đáng tiếc thay!
     M D
Theo blog BVB, đầu đề của QC      




Tin giờ chót: HOÃN NGÀY TẬN THẾ


Nguyễn Minh
68599_273359162787273_1590976703_nTheo tin giờ chót thì ngày tận thế định diễn ra vào ngày mai 21.12.2012 vào lúc 0h giờ Mexico đã được hoãn lại vô thời hạn. Nguyên nhân của việc trì hoạn ngày tận thế là phái đoàn đại diện Việt Nam đã thuyết phục thành công Xa tăng về đề án “Ngày tận thế mới”.
 Các chuyên gia kinh tế của Xa tăng đã xem xét tính khả thi của đề án “Ngày tận thế mới” qua các đề án Văn Giang, thủy điện sông Gianh, Bau xít Tây Nguyên và nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận. Họ đã rút ra kết luận là Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực thi những công trình vĩ đại như vậy và việc thi công Ngày Tận Thế trên mặt đất sẽ rẻ hơn rất nhiều xo với thi công dưới lòng đất.
 Một yếu tố quan trọng khiến đại diện của Xa tăng chấp nhận hoãn ngày tận thế là lần đầu tiên các vị đại diện lãnh đạo đã cùng cam kết sẽ hoàn thành tốt đề án đúng thời hạn, không để tình trạng lãng phí thời gian, nhân vật lực như Vinashin, Vinaline. Khác với vấn đề Trung Quốc và Biển Đông, đề án “Ngày tận thế mới” của Việt Nam đã được sự đồng thuận rộng lớn của rất nhiều nhân sĩ, trí thức và những người đã tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc. Nhà thơ Đỗ Trung Quân tuy đang đang phải chiến đấu một tay cũng cương quyết tuyên bố sẽ không nhảy vào cùng vạc dầu với bọn “nị, ngộ”.* Điều này sẽ gây ra một khó khăn rất lớn cho các cán bộ của Xa tăng vì lượng vạc dầu có hạn và nguồn dầu mỏ đã cạn kiệt. Nhà báo Hồ Ly Tiên thì kiện Xa tăng bất công vì ông mới nghỉ hưởng lương hưu được có mấy tháng thôi. Nhiều người cũng như ông sẽ cương quyết bảo vệ sổ hưu đến hơi thở cuối cùng, chứ nhất quyết không cho Xa tăng ném sổ hưu của họ vào vạc dầu. Thẩm phán Vũ Phi Lông, người đã chủ trì phiên tòa xử các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, thì nói về thắng lợi này của Việt Nam như bước tiến tất yếu của lịch sử. “Chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trì hoãn các phiên tòa cho nên việc trì hoãn này chỉ là việc vặt.”
 Nghe nói tại Hà Nội, Huế, Sài gòn và nhiều thành phố khác của Việt nam sẽ diễn ra ăn mừng trong ngày mai. Xin chúc mừng thành công của Việt Nam đã trì hoãn được ngày tận thế cho thế giới!
……………………………
*Thơ Đỗ Trung Quân
ngày mai tận thế rồi à ?
gặp nhau địa ngục cứ là tay đôi.
vạc dầu này của ta thôi.
những thằng ” nị ngộ ” qua ngồi vạc kia.





Vấn đề nằm ở dòng tiền!


Nguyễn Vạn Phú
110326062422-410-20Trước khi bàn chuyện giải cứu bất động sản, cần chẩn bệnh cho đúng tình thế khó khăn của khu vực này, nếu không các đề xuất giải cứu chỉ là chuyện viển vông.
Dòng tiền, chứ không phải là lời lỗ, mới là yếu tố quyết định trong nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh. Một doanh nghiệp, dù ngồi trên đống tài sản khổng lồ, làm ăn vẫn đang có lãi nhưng gặp vấn đề với dòng tiền cũng có thể lâm vào cảnh phá sản về mặt kỹ thuật. Chuyện này càng đúng với ngành bất động sản.
Một doanh nghiệp có trong tay 30 tỷ đồng, vay ngân hàng thêm 70 tỷ đồng để làm một dự án xây căn hộ trị giá 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp này trông chờ vào dòng tiền thu về khi bán các căn hộ, tính ra có thể bán được với giá 150 tỷ đồng để trả tiền cho ngân hàng, thu hồi vốn và lãi. Nay bỗng dưng thị trường căn hộ đóng băng, bán không ai mua, ắt dòng tiền bị thắt nghẽn, nợ vay ngân hàng thành nợ xấu, nguy cơ phá sản gần kề dù tài sản vẫn còn đó.
Bức tranh này, cũng là bức tranh tương tự của hiện tượng bong bóng bất động sản ở nhiều nước, đang là tình trạng phổ biến của nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Nhưng dòng tiền bất động sản ở Việt Nam có những đặc điểm khác các thị trường khác – và đây chính là nút thắt của thị trường.
Ở các nước, mỗi khi làm dự án bất động sản, người ta tính toán với dòng tiền dự tính thu về trong 20, 30 năm hay dài hơn nữa. Cho dù sau này chủ đầu tư bán dự án lại cho ngân hàng thì kỳ vọng về dòng tiền luôn gắn với một thời gian rất dài.
Ở Việt Nam, vào thời kỳ “người, người, nhà nhà” nhảy vào kinh doanh bất động sản, người ta xây dựng dự án rất lạc quan, rất ngắn hạn, vòng đời dự án ngắn, dựa trên lượng cung ảo, tỷ suất hoàn vốn nội bộ cao ngất; họ kỳ vọng vào một dòng tiền nóng hổi chảy nhanh về túi ngay sau khi hoàn thành dự án. Bởi thực tế lúc đó cho thấy kỳ vọng như thế không có gì quá đáng. Dự án còn trên giấy đã bán thu tiền. Nhà chỉ mới đổ xong móng, đã có hàng ngàn người chen nhau mua. Người mua hầu như là người đầu tư, mong tìm chênh lệch giá khi mua bất động sản nên mua bằng tiền của chính họ, mua trả hết chứ không có chuyện trả dần trong 20, 30 năm. Nay thị trường đóng băng, chênh lệch giá không còn, lập tức dòng tiền nóng này biến mất, chủ đầu tư lâm vào bế tắc ngay. Nếu họ xây dựng dự án với tầm nhìn 20, 30 năm chưa chắc đã khó khăn như hiện nay.
Chính vì đặc điểm này nên trước đây thị trường bất động sản Việt Nam sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao – người ta liều lĩnh vay tiền và ngân hàng liều lĩnh cho vay làm dự án trong khi vốn của chủ đầu tư là không đáng kể bởi ai nấy đều nghĩ sẽ thu hồi vốn rất nhanh. Bong bóng vỡ, tiền không về nhanh như mong đợi trong khi lãi suất cao đang đè nặng thị trường và đồng thời đe dọa luôn sức khỏe của các ngân hàng thương mại.
Nhiều doanh nghiệp rót tiền từ lãnh vực kinh doanh chính của mình, có thể là chế biến thủy sản, đóng tàu, làm đồ gỗ… vì cứ nghĩ đẩy một dòng tiền ổn định, chắc chắn vào nơi sẽ tạo ra dòng tiền thu hồi nhanh, lãi cao gấp mấy lần là chuyện khôn ngoan. Nào ngờ, dòng tiền thu hồi nhanh không tồn tại mà dòng tiền ổn định của ngành nghề kinh doanh chính cũng bị ảnh hưởng theo.
Gom những yếu tố này lại, chúng ta thấy ngay đặc điểm nữa của thị trường bất động sản Việt Nam: đó là sự dắt đây, sự dính líu của thị trường đến nhiều khu vực khác của nền kinh tế. Dòng tiền bất động sản cạn kiệt làm ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều dòng tiền khác. Bất động sản từng là nguồn cơn của khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ. Ở Việt Nam bất động sản cũng đang và sẽ là ngòi nổ nhiều cơn chấn động khác. Trước tiên là các ngân hàng, liên quan trực tiếp khi cho vay kinh doanh bất động sản hay liên quan gián tiếp khi nhận tài sản thế chấp là bất động sản – tất cả thể hiện thành vấn nạn nợ xấu đang là gánh nặng cho cả nền kinh tế. Thứ đến là các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành, ở đây là vào bất động sản, với những khoản thiệt hại khổng lồ, khó giải quyết. Báo chí đang đăng tải những câu chuyện liên quan đến nút thắt dòng tiền bị nghẽn ở mọi nơi, mọi lãnh vực. Từ chuyện doanh nghiệp thủy sản vỡ nợ vì đổ vốn vào bất động sản đến chuyện ngân hàng phát mãi nhiều dạng nhà dưới giá thị trường; từ chuyện tồn kho các sản phẩm liên quan đến xây dựng đến doanh nghiệp nợ nần lẫn nhau vì bất động sản.
Nếu không giải quyết dòng tiền cho bất động sản, chính ngân sách nhà nước cũng sẽ khó khăn. Ví dụ thu tiền sử dụng đất năm 2011 lên đến trên 50.000 tỷ đồng trong khi 9 tháng đầu năm 2012, khoản thu này chỉ còn 23.000 tỷ đồng. Ngân sách nhiều địa phương trông chờ vào khoản thu tiền sử dụng đất này, nay không có để thu thì mất cân đối ngân sách đương nhiên sẽ xảy ra.
Trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ thấy ngay sự phi lý của nhiều đề xuất giải cứu bất động sản. Ví dụ có nơi đề nghị nhà nước bỏ ra vài ngàn tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho người mua nhà. Ngân sách đang cạn kiệt lại trông chờ tiền bù lãi suất từ két sắt nhà nước! Càng phi lý hơn với đề xuất địa phương bỏ tiền ra mua nhà, sau này bán lại cho dân! Các địa phương đang tính chuyện phát hành trái phiếu để trang trải chi tiêu, lấy đâu ra tiền mua nhà?
Các đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, chia nhỏ căn hộ cho dễ bán cũng khó lòng có tác dụng vì nhắm đến người mua có nhu cầu thực sự trong khi đối tượng mà nhiều dự án nhắm đến là người mua đầu cơ, trả tiền ngay để tạo ra dòng tiền như đề án nguyên thủy của họ. Các đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất e rằng chẳng có hiệu quả gì nhiều so với kỳ vọng dòng tiền nóng thu hồi nhanh của nhiều chủ đầu tư.
Giải pháp cho thị trường bất động sản, do những yếu tố nói trên, ắt phải đến từ bản thân các doanh nghiệp bất động sản: thay đổi hoàn toàn những tính toán tài chính cho dự án, dựa vào dòng tiền, nay phải kéo dài ra 20, 30 năm, để trang trải vốn vay, thu hồi vốn. Thay đổi đó có thể sẽ thể hiện bằng nhiều hình thức. Giảm giá bất động sản mạnh hơn nữa, đến 30% như nhiều phân tích, để chuyển đổi được đối tượng người mua, là người thật sự có nhu cầu. Từ đó các giải pháp nhắm đến việc kích thích sức mua như giảm thuế mới có tác dụng. Bán lại dự án cho các định chế tài chính có khả năng lập kế hoạch với dòng tiền dài hơi hơn. Dĩ nhiên mức chiết khấu phải cao mới bán được. Hợp tác thật sự với các ngân hàng để tính toán lại dòng tiền qua cơ chế mua trả góp như các thị trường bất động sản nước ngoài.
Dù sao, các bên liên quan trên thị trường bất động sản phải nhận ra một thực tế: đã nhiều năm họ đã có những ảo tưởng về sự bền vững của thị trường nên góp sức thổi bong bóng ngày càng to và cũng đã có lúc thu lợi lớn. Nay họ phải gánh chịu phần chính khi bong bóng xẹp bằng cách tự điều chỉnh. Không thể bắt ngân sách nhà nước gánh chịu qua các biện pháp như giảm thuế vì như thế sẽ không công bằng với người dân. Càng không thể đòi chuyển các dòng tiền đang lành mạnh sang bù đắp cho dòng tiền bất động sản, như một số đề xuất, bởi đó chính là thể hiện rõ nhất của tác hại từ nhóm lợi ích.






Điếm vườn bàn ân nghĩa


Dong Phung Viet
430041_10151104992663359_1881741336_nHóa ra chuyện kêu gọi bảo vệ Nhà nước XHCN để “bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu” của Đại tá được dán nhiều nhãn “Phó Gíáo sư –Tiến sĩ – Nhà giáo Ưu tú – Giảng viên Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng” Trần Đăng Thanh, làm nhiều người phẫn nộ hơn tôi tưởng.
 Trong số này có cả bác Nguyễn Quang Lập. Bác Lập mới post entry “Khổ thân Tổ quốc XHCN” trên blog “Quê Choa”. Đọc xong, tôi muốn thưa với bác Lập vài điều.
 Trên đời này không có cái gọi là “Tổ quốc XHCN” chỉ có “Nhà nước XHCN” thôi. Không trước thì sau, chẳng sớm thì muộn, “Nhà nước XHCN” sẽ tiêu vong như nhiều thể chế chính trị khác đã ra ma trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Đó là quy luật, chẳng ai cưỡng được quy luật cả. Còn Tổ quốc của chúng ta thì cả tôi lẫn bác và mọi người phải ráng mà bảo vệ sự trường tồn của nó thôi! Tôi tin một người như bác Lập dư sức phân biệt “Nhà nước XHCN” và “Tổ quốc” khác nhau ra sao nhưng nghe Đảng đánh đồng “Nhà nước XHCN” với “Tổ quốc” mãi rồi thành quen nên đôi lúc lịu lưỡi, nói lộn thành “Tổ quốc XHCN”! Chẳng riêng bác, tôi cũng có lúc như vậy!*
 Ngặt ở chỗ, không giống như tôi, bác và nhiều người khác (khi biết mình sai thì ráng sửa, biết nói lộn thì xin lỗi và nói lại cho rõ), xứ mình có nhiều “thằng”, nhiều “con” (xin lỗi vì lối gọi thô lỗ này nhưng vốn liếng tiếng mẹ đẻ có hạn, tôi không tìm được đại từ nhân xưng nào chính xác hơn để diễn đạt ý mình), trước bàn dân thiên hạ vẫn nói láo dẻo quẹo, tỉnh bơ, không hề biết ngượng.
Thiệt ra, xứ nào cũng có những “thằng”, những “con” như vậy nhưng ở xứ mình, chuyện đó trở thành bi kịch cho cả xứ sở vì những “thằng”, những “con” đó đã láo, còn ngu, lại có quyền sinh sát trong tay, định đoạt mọi chuyện.
 Người Việt mình hay dùng từ “điếm” để chỉ những kẻ lừa gạt người khác nhằm trục lợi. Tuy nhiên “điếm” có nhiều loại. Nếu tôi không lầm, việc phân loại “điếm” thường dựa vào “tri thức, khả năng tư duy, trình độ… lừa đảo”. Đứng đầu hình như là “trí thức lưu manh”, kế đó là “điếm qúy tộc”, “điếm hạng sang”, rồi tới điếm, hạng xoàng”… Riêng dân Nam bộ còn một từ khác để chỉ thứ “điếm” mạt hạng, ai cũng biết là “điếm”, nên làm “điếm” mà chẳng gạt được ai, đó là… “điếm vườn”.
 Theo lối phân loại này, có thể xếp những “thằng”, những “con” mở miệng ra là nói láo, nhưng nói láo rất ngu, chẳng gạt được ai ở xứ mình vào hạng “điếm vườn”.
 Bác bức xúc vì tay Đại tá Trần Đăng Thanh bảo rằng, làm gì thì làm, không được “vong ân bội nghĩa” với Trung Quốc, rõ ràng là không sai nhưng trách làm chi, tranh luận làm gì cho hao hơi, tổn sức, khi tay đại tá đó và nhiều tay khác, kể cả đám lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều thuộc loại nhai lại (ăn xong, ụa ra, nhai tiếp, nuốt lại theo bản năng).
 Vì cái “sổ hưu” và cả vì ưu thế có quyền sinh sát, định đoạt mọi chuyện, đám này đâu thèm quan tâm đến tính hợp lý, khả năng thuyết phục của luận điệu. Nếu thực sự thuộc loại thủy chung, “có trước, có sau”, nghĩ tới “ân nghĩa” thì theo logic, trước tiên, họ phải nghĩ tới chuyện “đền ơn” tiền nhân, “báo đáp” khát vọng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” mà vì nó cả triệu người bỏ mạng trong các cuộc chiến từ 1954-1975, bảo vệ biên giới phía Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc chống chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc chứ. Tại sao họ không làm mà chỉ quan tâm tới chuyện ghi nhớ công ơn Trung Quốc, ráng giữ để không trở thành “vong ân, bội nghĩa” với đám đã dạy cho họ không chỉ một mà rất nhiều bài học? Đảng Cộng sản Trung Quốc có phải là ông cố nội của họ không? Câu trả lời chắc chắn là không! Họ nói láo chỉ để giữ cái gọi là “ổn định chính trị”, sâu xa hơn là đừng để mất “sổ hưu”. Có ai tin họ không? Tôi tin là không. Họ biết điều đó không? Tôi tin là có. Vậy tại sao họ không nói kiểu khác, sang hơn? Tôi nghĩ là họ cũng muốn nhưng nghĩ không ra vì họ là… “điếm vườn”. Sức nghĩ, khả năng tư duy của họ chỉ tới đó thôi.
 Xét cho đến cùng xã hội đảo điên, nhân tâm ly tán cũng vì “Điếm vườn” làm cha! Có thể cũng tại vậy, cách nay cả chục năm, Bùi Chí Vinh – một gã thuộc giới văn nghệ sĩ nhà bác – đã từng than: Ta sinh ra nhằm buổi nhiễu nhương. Bất lương bàn luận chuyện hiền lương…
………….
* NQL: Thực ra khi gọi Tổ quốc XHN là bọ Lập đang nhại theo cách gọi Tổ quốc của đại tá Thanh








PHỤC …


Vũ Trung Hiếu
questionNQL: Bây giờ mới biết Vũ Trung Hiếu là tác giả bài thơ Có nhiều thứ đã từ lâu tận thế. Tác giả vừa gửi cho QC bài thơ Phục... Đọc Phục… rất phục, cảm ơn Vũ Trung Hiếu
Tôi phục những nàng luôn tươi như hoa
Suốt ngày sắm sửa áo quần giày dép
Suốt ngày thẩm mỹ, spa, làm đẹp
Báo thì chỉ đọc ” Điện ảnh “, ” Ngôi Sao “
Tôi phục những chàng ăn mặc bảnh bao
Suốt ngày kiếm tiền và tán phụ nữ
Chẳng mấy quan tâm tình hình thời sự
Chỉ biết quan tâm phụ nữ và tiền
Tôi phục những người sống như thánh hiền
Ai muốn nói gì làm gì mặc kệ
Thong thả đi làm, cơm ngày ba bữa
Không ai thương mình bằng mình tự thương
Tôi phục những người nói như loa phường
Nói mãi những điều vài mươi năm trước
Nói mãi những điều ai ai cũng biết
Nói mãi mà không hề thấy ngượng mồm
Tôi phục những người chỉ biết chuyên môn
Công nghệ thế này, quy trình thế nọ
Cần gì quan tâm Hoàng Sa – Trường Sa
Làm mệt tối về ăn xong là ngủ
Đất nước là do nhân dân làm chủ
Tôi phục những người chủ hiền và ngoan
Họ không thắc mắc cái quyền làm chủ
Ai sao tôi vậy, làm gì thì làm
Đất nước nhiều những  ”ông chủ ” kiểu ấy
Cho nên mặc kệ, ra sao thì ra
Chả ai ý kiến ý cò, phản biện
Cứ sống nhàn nhạt đến ngày về già
Một ngày đất nước rơi vòng nguy khốn
Lúc ấy tỉnh ra thì chuyện đã rồi
Lúc ấy chẳng biết ai cười ai khóc
Hay lại ” nắng mưa là chuyện của trời … ” ?
Bốn ngàn năm qua bao lần dậy sóng
Đất nước là di sản của tiền nhân
Đất nước không phải của riêng ai cả
Mà của chúng ta, con Lạc cháu Hồng
Tôi phục tôi rảnh nói chuyện bao đồng
Nói mà chẳng biết có người nghe không …
17.12.2012
Tác giả gửi cho QC









Lòng dân


15489_345027022271579_168362279_n
Luôn luôn có sẵn những khẩu hiệu muôn năm và đả đảo cho dân hô, nhưng lòng dân thế nào là chuyện khác. Nhìn khẩu hiệu trên bức tường đổ nát nhà anh Vươn, các quan nghĩ gì? Họ có nghĩ đó là tiếng của lòng dân hay không? Không, không bao giờ. Họ cho đó là lời lẽ xuyên tạc của bọn xấu, bọn phản động. Nếu họ nghĩ đó là tiếng của lòng dân thì sao? Xin thưa, thì Đất nước đã không ở bên bờ vực thẳm…











Của hơi bị hiếm thời sâu bọ nhiễu nhương


Oanh Yến Thị Phạm
603990_4708086101624_845338314_nHiện tại, Việt Nam có một nền chính trị “cực kỳ ổn định” nhưng lại song hành với một nền kinh tế tiềm ẩn nhiều yếu tố nội tại “cực kỳ bất ổn”.
Từ những cuộc đình công, “tụ tập đông người” vì khiếu kiện đất đai của dân oan, đòi hỏi quyền lợi của người lao động cho đến “thể hiện tình cảm cá nhân” (1) của nhiều người trước những hành động Bá quyền của Trung quốc, thậm chí tọa kháng một mình trong nhà, luôn”được” dập tắt từ trong trứng nước bởi lực lượng tinh nhuệ của đủ các thành phần từ An ninh, cơ động, cảnh sát, thanh tra đô thị, thanh niên xung phong cho đến dân phòng…dĩ nhiên dưới sự lãnh đạo thiên tài Đảng ta.
Chính trị tại Việt Nam có thể nói cực kỳ ổn định.
Với “Đổi mới” Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện “bình đẳng” để các thành phần kinh tế phát triển, đóng góp vào sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước, từng bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Mặc dù có những bước phát triển đáng kể trong nhiều năm qua, nền kinh tế Việt Nam, hiện vẫn đối mặt với những thách thức nội tại.
Đó là sự phổ biến của việc Đô-la hóa, vàng hóa, sử dụng tiền mặt trong thanh toán, giao dịch. Những hiện tượng này đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác điều tra, thống kê, chính sách tiền tệ, hoạch định kế hoạch cho kinh tế vĩ mô vì những số liệu thiếu độ tin cậy và không thể kiểm chứng được. Đồng thời cũng tạo ra mãnh đất màu mỡ cho tham nhũng và hối lộ.
Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước đã phối hợp và đưa ra nhiều biện pháp để từng bước xóa bỏ những hiện tượng trên bằng những biện pháp cụ thể:
Bằng thông tư 129/2008/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định những hóa đơn thanh toán, có giá trị trên 20 triệu, hoặc mua nhiều lần trong cùng một ngày của một đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ mà tổng giá trị thanh toán hơn 20 triệu, phải có chứng từ thanh toán qua Ngân hàng mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT). Và sắp tới đây sẽ được hạ xuống định mức 10 triệu và ngày xuất hóa đơn phải trùng khớp với ngày trên chứng từ thanh toán qua Ngân hàng.
Quy định này đã không phù hợp với tập quán và thông lệ quyết toán, thanh toán vào cuối tháng hoặc định kỳ của các đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa và người sử dụng, các tổ chức kinh tế. Do đó đa số đã lách luật bằng cách chẻ nhỏ gói hàng hóa, dịch vụ để xuất hóa đơn tài chính và vẫn thanh toán với nhau bằng tiền mặt, USD, vàng theo thời hạn đã thỏa thuận, bất chấp quy định không được quy đổi, niêm yết bằng ngoại tệ hoặc vàng trong các hợp đồng, bảng giá mà Bộ Tài chính và Ngân hàng đã ban hành.
Bằng chỉ thị 05/CT-NHNN 27/04/2012 Ngân hàng nhà nước đã nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, kể cả các chi nhánh tổ chức tín dụng nước ngoài không được huy động, giữ hộ vàng từ tổ chức và cá nhân. Các khoản huy động cũ chỉ được duy trì đến 30/06/2013. 03/12/2012 Ngân hàng nhà nước có công văn yêu cầu các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trả lãi, lợi tức, phí và các hình thức khác khi thực hiện dịch vụ “giữ vàng hộ”. Ngược lại, khi triển khai dịch vụ giữ hộ vàng Ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải thu phí dịch vụ.
Kết quả của chủ trương chống vàng hóa này của Ngân hàng nhà nước nhằm huy động số vàng theo ước lượng từ 300-500 tấn trong dân là người dân rút vàng đã gửi đem về… chôn, dấu (2).
Tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội chiều 13/12/2012, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã tán thành dự thảo Pháp lệnh ngoại hối (sửa đổi) do Thống đốc Nguyễn Văn Bình đệ trình, cho rằng cần sửa đổi các quy định theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân, nhằm chống tình trạng Đô-la hóa trong nền kinh tế.
Nếu hiểu theo dự thảo sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối do Thống đốc Nguyễn Văn Bình đệ trình và Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thì người dân có ngoại tệ phải gửi ở Ngân hàng, không được cất giữ trong người???
Dự thảo trên không chỉ vấp phải sự phản đối của người dân có ngoại tệ mà ngay đến cả những ông nghị, bà nghị yêu Benjamin FlanKlin hơn yêu Bác Hồ cũng phản đối vì tính gọn nhẹ của đồng USD khi nhận và dấu của hối lộ!!!
Việc dòng ngoại tệ, chảy từ các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng Việt Nam sang các chi nhánh tổ chức tín dụng nước ngoài như HSBC, CITY, ANZ… hoặc chảy ngược trở về hệ thống ngân hàng tại Mỹ, mặc dù lãi xuất cực thấp 0.5%/năm.
Việc người dân vẫn sử dụng tiền mặt, đem vàng về cất dấu hoặc chuyển đổi thành các loại ngoại tệ và đem gữi tại các chi nhánh, tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam thậm chí tại các ngân hàng tại nước ngoài, đã nói lên sự thất bại của các mệnh lệnh hành chính của Ngân hàng nhà nước khi can thiệp vào nền kinh tế mà không xây dựng được một sự khả tín, là nền tảng, sự sống còn của hoạt động tín dụng của hệ thống Ngân hàng.
Thế hệ 8X, thậm chí 9X chắc chắn đã được truyền đạt lại những bài học xương máu của của cha ông, những U70, U60, U50 về những chiến dịch cải tạo Công thương nghiệp, đánh Tư sản mại bản, X1, X2, X3, những lần đổi tiền mà họ đã từng học được bằng những thực tế đắt giá.
Cố Tổng Bí Thư Lê Duẫn, tối ngày 13/09/1985 còn phát biểu trên hệ thống phát thanh, phát hình, nhân danh người đứng đầu hệ thống Chính trị, nhà nước, cam kết rằng sẽ không có đổi tiền… và thực tế, sáng hôm sau từ tinh mơ người dân đã nghe loa phường thông báo địa điểm, tỷ lệ quy đổi đối với các đơn vị kinh tế nhà nước, hộ gia đình, cá nhân… mỗi hộ được đổi 2000đ tỷ lệ 10đ tiền cũ đổi 1đ tiền mới. Số tiền vượt quy định phải nộp vào trương mục ngân hàng và đợi nhà chức trách xét sau và thường là hóa thành bùn. Nhưng ngay sau khi đổi tiền xong, Chính phủ lại quyết định nâng giá lên trở lại 10 lần. Đổi tiền 14/09/1985 và chính sách giá lương tiền đẩy lạm phát lên đến 700% đã xóa sổ vốn tích lũy của nhiều người.
Cố Tổng Bí Thư Lê Duẫn là người đã có công khởi xướng nền văn hóa “nói zậy mà không phải zậy” và cách hành xử “đùng một phát” của các cấp chính quyền Nhân dân, coi người dân như kẻ thù, như lực lượng thù địch, cần phải bí mật sáng tạo đánh thắng trong mọi tình huống.
Xem ra nỗ lực chống Đô-la hóa, vàng hóa, sử dụng tiền mặt của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước nói chung và của Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói riêng khó khả thi.
Vì Thống đốc Nguyễn Văn Bình, kể cả các vị Tổng Bí Thư kế nhiệm sau này cho đến các vị Chủ tịch nước, Thủ Tướng, có ai có uy tín sánh bằng cố Tổng Bí Thư Lê Duẫn? Chẳng có ai.
Niềm tin của người dân vào Đảng, Chính phủ thời nay quả là của…hơi bị hiếm.
Ngày nay người dân, đọc báo nghe tin, xem đài là biết  sắp giở trò gì rồi!!! Làm ngược lại là chắc ăn như bắp.
Thực tế đã như zậy nhiều rồi mà. Chớ có sai.
Houston 18/12/2012
Tác giả gửi cho Quê choa
………..
1-lời của Phó ban Tuyên giáo Trung Ưowng Nguyễn Thế Kỷ trong cuốc họp giao ban báo chí 11/12/2012.
2-Báo Thanh Niên thứ sáu 30/11/2012.











Không ai khác!


Bùi Hoàng Tám
trach-nhiem-b628eTP. Hồ Chí Minh, thành phố của những người dân cần cù, chất phác, trung thực, hiền lành đang đứng trước nguy cơ bị trộm cướp làm hoen ố hình ảnh. Đó là điều không và một ngàn lần không thể chấp nhận.
Vào GOOGLE chiều ngày 15/12/2012, đánh dòng chữ “cướp giật ở TP HCM”, bạn sẽ có 7.500.000 kết quả trong vòng 0,20 giây. Đó là: Cướp giật “đại náo” đường phố Sài Gòn; Những thủ đoạn khó tin của cướp giật Sài Gòn; Rùng mình vì nạn cướp giật công khai ở Sài thành; Nhiều khách nước ngoài bị cướp giật tại TPHCM; Vấn nạn cướp giật đường phố ở TP Hồ Chí Minh; Cướp laptop: đủ chiêu táo tợn; Cướp giật giữa chốn thanh bình ở Sài Gòn; Những thủ đoạn cướp giật tàn bạo ở TP HCM; Chưa đến đã sợ “cướp Sài Gòn”; Những vụ cướp tàn bạo ở TP HCM; Chùm ảnh: Kinh hoàng những “con đường cướp giật” tại Sài Gòn; Bắt “tập đoàn” cướp giật lộng hành ở TP HCM; Rùng mình những thủ đoạn cướp giật tàn bạo ở TP HCM…
Dẫn những dòng tít trên, dù rất đau lòng nhưng không thể không bức xúc. Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP vừa qua, ĐB Võ Văn Sen còn cho rằng tính chất táo tợn của những kẻ cướp giật không chỉ nguy hại cho người dân mà còn nguy hại cho khách du lịch quốc tế và đầu tư quốc tế ở TP.HCM. Báo Vietnamnet trong bài “Những thủ đoạn cướp giật khó tin ở Sài Gòn” phản ánh:  Hai du khách trước khi rời Việt Nam, Yan Kit Kay nói với PV báo chí rằng: “Tôi đã đến nhiều nước, nhưng phải nói thẳng, nạn cướp giật ở TP.HCM ghê gớm quá!”.
TP. Hồ Chí Minh, thành phố của những người dân cần cù, chất phác, trung thực, hiền lành đang đứng trước nguy cơ bị trộm cướp làm hoen ố hình ảnh.
Đó là điều không và một ngàn lần không thể chấp nhận.
Lý do được viện dẫn theo lời của Phó  Giám đốc Công an TP HCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh tại Kỳ họp HĐND TP vừa qua là bởi thất nghiệp, có việc làm tự do không ổn định, thu nhập không ổn định, liên quan đến ma túy, có tiền án tiền sự…
Nhưng “Đói cho sạch, rách cho thơm” không chỉ là truyền thống mà là phương cách sống, là qui chế sống, là luật pháp. Dù có nghèo túng, rách rưới cũng không được đi ăn trộm. Dù có chết đói cũng không được đi ăn cướp.
Thời gian qua đã có nhiều giải pháp của cơ quan quản lý an ninh trật tự xã hội ở TPHCM được thực thi song cũng không thể nói đã đủ mạnh khi mà nạn cướp giật vẫn đang hoành hành một cách trắng trợn.
Trước tình hình này, Trung tướng Phạm Quý Ngọ – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Bộ sẵn sàng tăng cường cho TP 1-2 trung đoàn cảnh sát cơ động từ Hà Nội vào để cùng Công an TP.HCM tập trung trấn áp tội phạm, kéo giảm tình trạng tội phạm nhức nhối hiện nay”.
Tuy nhiên, đối với nạn trộm cắp, cướp giật ở TP HCM hiện nay không ai khác chính quyền TP HCM vẫn là lực lượng chịu trách nhiệm chính. Nói như lời ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Đà Nẵng: “Nói là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhưng thực ra trách nhiệm chính vẫn là công an… Ở Hàn Quốc, Singapore đâu có hô “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” mà họ vẫn làm rất tốt… Công an phải quản lý chứ không thể bắt cả xã hội phải ngó chừng”. Và “Vấn đề là phải có người chịu trách nhiệm cá nhân chứ không thể cuối cùng rồi hòa cả làng. Ở các nước nếu xảy ra cướp giật nhiều như thế thì tư lệnh cảnh sát phải từ chức. Không từ chức không xong với các nghị sĩ đâu. Không có chuyện đổ lung tung, cứ từ họ Nguyễn, họ Lê chuyển sang… họ Đỗ (ông Thanh chơi chữ “Đỗ = Đổ – đổ lỗi… theo ngữ âm của người miền Trung) hết!”.
Vâng, không ai khác!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét