Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Một số bài thơ ......tt 02



Trăng hạ tuần

Khuya rồi trên chốt gác dưới trăng
Ngước mắt nhìn xem dáng chị hằng
Hôm trước vừa xuân nay đã hạ
Nghĩ đời sao ngắn quá ơi trăng

Mải miết đùa vui nơi phố thị
Núi rừng hiu quạnh nhớ mà chi
Chắc giờ nơi ấy đà hoang vắng
Nên mới ngại ngùng bước chân đi

Làm lính tiền đồn yêu mến trăng
Yêu từng giọt sáng ánh vàng trong
Giận trăng vì cớ gì đền trễ
Cho núi đồi mê mải chờ trông.
Tà Nghẽn, 10-10-1979


Chuyện con đường

Anh không về quê hương kể em nghe
Chuyện con đường in bóng hàng tre
Con đường nhỏ như nụ cười tươi trẻ
Dấu bàn chân che bóng anh qua
Quê hương ta...
Đâu thiếu những con đường
Nhuộm lá yêu thương
Đêm trăng về hai đứa mình mơ ước
Bên em anh kể chuyện ngày xưa
Em mỉm cười mái tóc đong đưa

Hôm nay anh kể chuyện con đường
Anh đã đi qua em chưa lần đến
Con đường nhỏ nhuộm màu lá đẹp
Ghi lòng anh trên những bước chân
Có lá có hoa ngát hương thơm dào dạt
Có chú nai tơ nhìn ánh mắt ngỡ ngàng

Đâu phải đường Trường Sơn
                     nhuộm nắng ban mai
Con đường dẫn đến tương lai
Anh đang đi và đang đi mãi
Con đường không tính bằng cây số
Đi bằng ngày đường in nét kẻ bản đồ
Ô nối tiếp ô
Vạch bút chì cắt từ ô nhỏ
Trinh sát đi đầu cỏ tre gục xuống
Tranh nghiêng người né bước chân qua
Suối róc rách chào anh chiến sĩ
Chim rừng vui hót chúc người đi
Vượt núi băng sông
Con đường dẫn anh đi tìm cuộc sống
Cho đất người nở cánh hoa tươi
Cho dân Campuchia thoát vòng diệt chủng
Em nhé! Anh sẽ hẹn một ngày xa tới
Về quê hương anh kể em nghe
Chuyện con đường có bóng hàng tre
Anh đi qua bằng bước quân hành tuổi trẻ.
Chốt Tà-nghèn,16-10-1979.
Xa chốt

Chào chốt nhé ta đi
Chào tất cả những gì
Trong căn nhà hầm ta dựng nên
Mai này ta lại đến
Nơi ta chưa một lần đến
Nơi ấy cũng rừng núi cũng đồi cao
Nóng bỏng thay đoạn giao thông hào
Chiếc áo giáp che từng viên đạn địch
Mai đây giã biệt
Nghe lòng mình xao xuyến bước chân
Đời lính chiến buồn vui trên vạn nẻo quân hành
Xa rồi ta nhớ...
Ghi lòng ta bao kỷ niệm nên thơ
Sáng mai chốt rồi
Lưỡi cuốc mang theo lật thêm màu đất mới
Đất xa ta nhưng ta vào đất lạ
Bên ta đất che chở cho ta
Ta giữ đất đất nuôi ta sống
Đất nuôi đời ươm lá mầm non
Ta sẽ đến nơi đâu còn bóng giặc
Biên giới này biên giới quê hương
Đẹp sao như những con đường
Màu đất đỏ dẫn ta vào chốn mới
Ta đứng vững vì ta chiên thắng
Ta sẽ vui và đang đi tới
Đất nước này đẹp những cánh hoa tươi
Đêm xa chốt, 18-10-1979.


Tình đồng đội

Này bạn, này đồng chí tôi ơi!
Nhanh lẹ vào đây vui với tôi
Một mẩu thuốc tàn vừa kiếm được
Bên trong đống rác ở ven đường
Đồng chí làm hơi, tôi làm hơi
Hút cho quên lãng cả đất trời
Cho bay tâm trí cho quên hết
Quên hết mộng mơ, quên hết đời
Ta chỉ còn đây ta với ta
Quạnh hiu giữa chốt tháng ngày xa
Lúc ghiền bươi rác tìm mẩu thuốc
Nhớp nhúa vi trùng ta cho qua
Trên chốt B6 14-4-1980.

Nhật ký mang theo
Xa quê hương đánh giặc tận trăm miền
Bút mực nào kể hết chuyện hôm nay
Nhật ký mang theo là những gốc cây
Ghi bao kỷ niệm mến thương đời lín
Đường hành quân xuyên qua từng giấc ngủ
Vo ve nhạc muỗi ngỏ lời ru
Lưỡi lê súng bỗng dưng thành bút sắt
Viết vào đây dòng nhựa đỏ chảy ra
"Kỷ niệm một chiều tháng ba..."
Bao nhiêu ấy cũng làm tôi nhớ mãi
Bóng mẹ hiền vào trận chiến hôm nay
Phút giải lao cũng vội vàng để lại
Kỷ niệm tháng ngày hai tiếng "Mẹ ơi!"
Mẹ ơi! Con nhớ mẹ đêm này...
Lúc leo dốc xung phong vào đồn giặc
Súng địch im rồi đi vào chiến thắng
Buổi sáng phục kích

Mặt trời còn ngủ say
Đã thức dậy vội vàng
Bao xe đạn gọn gàng
Chúng tôi đi phục kích
Trên con đường tĩnh mịch
Dấu mòn bước chân qua
Rừng xanh ru tiếng lá
Vui vui con chim nào
Tiếng hót thánh thót cao
Chim vui chim có hay
Những chàng trai chiến sĩ
Không quê hương nơi đây

Chim vui chim có hay
Lũ bạo tàn Pôn-pốt
Không một chút nương tay
Giết người không gớm tay
Đập đầu thiêu tro đốt
Tàn ác hơn Hít-le
Chim vui chim có nghe
Tiếng người dân vô tội
Rên xiết khắp đất trời
Chúng muốn biến Ăng-ko
Xinh tươi thành địa ngục
Cái mưu đồ diệt chủng
Đã hai triệu người dân
Thành tro than bón ruộng
Chim vui chim có hay
Nghìn em bé "chăn thay"
Tuổi đầu vừa lên bảy
Bơ vơ khắp mọi miền
Cha mẹ bị chúng giết
Búa đập đầu máu rơi
Giờ ta nói chim ơi!
Cuộc vui thôi hãy tạm
Theo ta làm cách mạng
Quét sạch lũ hung tàn
Cho đất nước ngàn năm
Trời xanh tươi thế kỷ
Muôn hoa thơm đua nở
Lung linh bóng Ăng-ko
Cho trăm nghìn em nhỏ
Tung tăng dưới mái trường
Mùa xuân về trở lại
Đất nước đẹp ước mơ
Việc cách mạng còn nhiều
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Chim bay chim dẫn dường
Ta đi vào phục kích
Chim bay trên đầu địch
Chim báo hiệu cho ta
Đường dài đường còn xa
Ta đi thôi chim hỡi
Lào xào lá dưới chân
Điểm phục đã đến gần
Mìn địch giăng ta gỡ
Nắng hồng đẹp nên thơ
Ta như người thợ săn
Đang rình mồi thằng địch
Bên gốc cây im lìm
Chờ nghe tin chiến thắng...
Tình đồng chí

Cơm ăn chung, chiếu ngủ chung
Bót kem khăn mặt vẫn dùng đôi ba
Thuốc rê một điếu phì phà
Tới năm bảy miệng có là sao đâu
Lúc công tác lúc ốm đau
Lúc thương, lúc bệnh giúp nhau từng giờ
Tình đồng chí là bài thơ
Dệt vần tha thiết dưới cờ tự do.
Ngày 11-7-1980


Mẹ có biết không?

Mẹ có biết không đêm nay trời trở lạnh
Đứa con trai đang ngủ giữa rừng xanh
Chiếc võng tấm tăng không ngăn nổi gió mùa
Cơn rét buốt mưa ngày chưa ngớt
Mỗi bước chân đi đất nhầy trơn trợt
Bộ chiến y thấm ướt bốc lên mùi

Đường hành quân đi nối bước cha ông
Con lớn lên trong dạn dày mưa nắng
Mang chí căm hờn trên đôi vai nặng
Đi diệt thù giữ đẹp giữ màu xanh
Cho đất nước Ăng-ko tươi đẹp yên bình
Đường thốt nốt ngọt ngào đoàn kết
Điệu múa lăm thôn thêm tha thiết dịu hiền
Con của mẹ đã lớn lên từ chiến trường lửa khói
Bởi đoạn đường đi có thấm máu rơi
Có trong tim tình yêu bất diệt muôn đời
Yêu tổ quốc yêu những người cùng khổ
Lòng ấm lại trên đoạn hào biên giới
Con đi theo lời Đảng gọi
Tự do, áo ấm cơm no
Cho những ai còn khổ
Tuổi thanh xuân con xin dâng trọn
Cho Tổ quốc mình, cho Đảng quang vinh
Dù mưa tuôn, dù đất nhầy trơn trợt
Lắm muỗi rừng lắm vắt lẫn máu rơi
Dù phong ba bão táp đầy trời
Đi theo Đảng con nguyện lòng đi tới

Con của mẹ đã lớn lên rồi trong ấy
Khói lửa chiên trường mẹ chưa lần trông thấy
Đêm nay trời lạnh gió đông
Nơi quê nhà mẹ có biết không?
9-7-1980
Thư gởi mẹ

Con gởi mẹ lá thư viêt từ biên giới
Nơi chiến trường nơi lửa khói máu rơi
Súng nổ rền vang từng giờ từng phút
Đồng chí của con vừa ngã xuống rồi
Quê hương mình giờ có nắng mẹ ơi?
Giữa đỉnh Pai-lin chiều nay mưa vội
Áo trận ướt mềm con ngồi phục kích
Bên kia biên giới thằng địch
Biết chiều nay chúng có lội sang?
Khẩu súng bao xe con đã sẵn sàng!

Gió thổi mạnh không xua tan bầy muỗi đói
Con vắt thật nhiều hút máu chảy đỏ tươi
Lòng mênh mang nhìn chiếc lá vàng rơi
Nơi đây là vùng biên giới
Điểm chốt trên đồi cao lắm mẹ ơi!
Ngày nắng mòn lưng theo gùi nước
Đất khô đâu thấy bóng cải trời
Bữa canh rau phải từ xa đem tới
Ăn quá ngon hơn mọi thứ trên đời

Con vẫn khỏe mẹ ơi con nhớ!
Tháng ngày xưa như những giấc mơ
Áo ướt chiều mưa tan trường nghịch nước
Mẹ thay cho con chiếc mới vội vàng
Đâu rồi một khoảng thời gian
Con của mẹ lớn lên đi làm chiến sĩ
Mưa ướt áo hoài vạn nẻo quân hành đi
Đâu có mẹ bên chiều nay thay áo mới
Nhớ thương ơi, cao ngất đất trời.
Con nhớ mẹ nhưng mẹ ơi có nhớ
Có thương con xin hãy yên lòng
Đất nước thanh bình nhiệm vụ làm xong
Ngày trở lại quê hương sum họp
Con sẽ kể thật nhiều chuyện trên đỉnh chốt
Có vắt có muỗi rừng nhiều lắm mẹ ơi!
Có súng nổ đạn rền và có máu rơi
Đất khô không có cải trời
Nhưng tình yêu có trăm nơi chất chồng
Điểm cao B6, 9-9-1980


Viết cho em

Anh việt cho em giữa đất này
Pai-lin-biên giới nắng ngày đêm mưa
Anh viết cho em vào lúc ban trưa
Lửa khói chiến trường còn vương mùi khen khét
Thằng địch bò vào tập kích
Đất đá tung trời những quả đạn B40
Vội vàng ôm cây súng ra công sự
Đồng đội anh đã dừng lại giữa chiến hào
Nghe đau thương căm giận nghẹn ngào ~

Anh viết cho em giữa trời biên giới
Nơi đây nhiều cạm bẫy giết người
Đi cải thiện vướng mìn máu chảy
Thịt người còn lủng lẳng cành cây
Và viết cho em bên gốc cây
Trong rừng thẳm anh ngồi phục kích
Đâu rồi dấu chân thằng địch
Lén lút từng nơi đi phá yên lành

Anh viêt cho em giữa trời li loạn
Miền biên thùy sương gió đời trai
Nhớ thương cao vút trời mây
Em ơi hãy đợi đến ngày đoàn viên
13-7-1980

Đất kim cương

Ngồi trông xa vùng trời Pai-lin
Mảnh đất cuối cùng của đất nước bạn
Mảnh đất cuối cùng chứa chất đầy bom đạn
Bẫy chông, mìn giăng khắp đó đây
Ai bảo kim cương trên chốt đất này?
Chỉ thấy máu hoà cùng máu chảy
Núi chất chồng cao lên vun vút
Xanh um rừng rậm cỏ cây
Mỗi bước chân đi gập ghềnh chiếc bẫy
Mìn nổ vang rền, thịt nát xương bay
Kim cương đâu trên mảnh dết này?
Trên con đường đỏ ngầu máu chảy!

Anh chưa về thăm em
Anh chưa về thăm em
Khi chiến trường ngập lửa từng đêm
Đạn réo bom rơi súng nổ vang rền
Máu vấy máu trong những giờ xung trận

Anh chưa về thăm em
Lúc chiều sương thấm ướt mềm
Phục kích từng đêm tròn xoe đôi mắt
Cái rét run run nhưng thêm bầy muỗi vắt

Giữa rừng khuya anh nhớ đến em
Kỷ niệm nào thật đẹp những đêm trăng
Dối cha hai đứa vờ đi học tổ
Có ai biết mình mang theo sách vở
Để ghi chuyện tình và chuyện lứa đôi
Trao nhau từng ánh mắt bờ môi
Nghe trái tim yêu thương

Đêm nay ngồi phục kích giữa mùa trăng
Bỗng vang bên tai lời em dặn
Nhớ về thăm em, ôi thương quá
Màu áo học trò em gái phương xa

Anh chưa về thăm em
Khi chiến trường đạn bom réo gọi
Máu vẫn chảy giữa rừng biên giới
Khi mảnh đất còn khét mùi thuốc súng
Anh chưa về thương quá em ơi!
14-7-1980
Bạn hy sinh

Trưa hôm nay
Con chim rừng không hót
Mây buồn ôm kín núi non
Tin anh mất bay vội về trên chốt
Tôi ngẩn ngơ như kẻ mất hồn
Anh ơi! Đồng chí!
Giọt lệ nhoà thương tiếc người đi


Sáng hôm nay

Cục cơm vắt và khẩu súng trong tay
Anh đi vào trận tuyến
Nơi phục kích là nơi nhận diện
Quân thù kia có mặt giữa rừng xanh
Tiếng xung phong vang dội âm thanh
Anh xông tới quân thù bạt vía
Anh xông tới anh là người chiên thắng
Anh ngã xuống rồi cho đẹp mãi đêm trăng
Anh ơi anh! Ơi người đồng chí
Vội vàng sao một sớm ra đi
Tuổi thanh xuân anh tô thắm đất trời
Mãi nhớ trong tôi tên anh người chiến sĩ


Nghĩ về cái chết

Đời người ai không một lần chết
Chết sao cho rạng rỡ thanh danh
Chết ốm đau, cái chết đã đành
Chết vì già yếu là trời định
Chết trước quân thù mới chết vinh
Chết không khúm núm không sợ sệt
Trước súng giặc thù vẫn đứng lên
Chết như thế ta không tiếc chết
Chết để cho đời mãi nhớ tên
Chết rủi ro ấy trời đã định
Chết vì tự tử chết đáng khinh
Cho thiên hạ suốt đời mai mỉa
Nhục nhã nghìn thu tiếng để đời
Đời chỉ một lần chết ai ơi
Chết sao cho xứng với cuộc đời
Ta hãy hiên ngang dù phải chết
Để người mãi nhớ sử ghi danh.
Réo gọi

Tôi réo gọi từng lời trong nhịp thở
Trả lại đây ngày ấy còn thơ
Tuổi rong chơi tôi lỡ lần đánh mất
Tiếc thương sao cho mãi đến bây giờ
Trả lại đây áo học trò trong trắng
Bên bạn, bên thầy, bên tấm bảng đen
Hè vội đến ve sầu gọi nắng
Tiếng chia ly phượng nở đỏ sân trường

Trả lại đây dòng sông bao mến thương
Với cây đa che bóng bên đường
Buổi đi học về vui mải đánh bi
Quên cả cơm trưa mẹ phải đi tìm

Trả lại tôi tiếng cười vô tư ấy
Không vướng buồn khi nhìn dải mây bay
Mùa xuân đến mẹ may áo mới
Lỡ một lần đánh mất tuổi thơ

Ôi thời gian xin một lần dừng lại
Quay ngược về chốn cũ xa xưa
Ôi nàng tiên huyền diệu ngày xưa
Cho tôi trở lại tuổi thời niên thiếu.
16-7-1980


Tôi đi

Tôi đi vào ngày ấy
Hồn theo gió xa bay
Trong khung trời xanh thẳm
Nhìn nắng xuống cuối ngày

Tôi đi vào cõi ấy
Mùa thu nghe lá bay
Một lần ôm kỷ mềm
Vùi chôn thoáng dâu đây

Tôi đi vào chốn cũ
Chiều mây đến âm u
Thôi rồi tan vỡ mộng
Vào một ngày cuối thu

Tôi đi vào cõi chết
Mang theo nhiều dấu vết
Người yêu nhỏ quay lưng
Tan rồi bao mộng dệt

Tôi đi vào nẻo vắng
Nhìn lá úa băn khoăn
Một lần mơ lá chết
Hồn thấm lạnh cô đơn

Tôi đi vào biển hát
Một chiều rơi nắng vàng
Hàng dương mờ bóng dỗ
Ngoảnh mặt nhớ bàng hoàng

Tôi đi vào dĩ vãng
Dư hương rộn tiếng vang
Con đường yêu đã chết
Chân bước mau vội vàng

Tôi đi vào kỷ niệm
Khơi nhịp đập con tim
Nhìn con thuyền lờ lững
Gió lặng sóng im lìm

Tôi đi vào chiều hẹn
Đầy trời mây nhuộm trắng
Hồn vương bao nỗi nhớ
Gió đưa nắng xuống thềm

Tôi di vào trong mơ
Nhìn thấy em đứng chờ
Bên kia dòng sông vắng
Tôi chợt thấy bơ vơ

Tôi đi vào quên lãng
Mùa xuân phơi nắng vàng
Con đường nhuộm bóng mơ
Qua rồi bao dĩ vãng!
Tặng vật quý giá của một thời lịch sử

Lời bạt của nhà thơ
Phạm Tiến Duật


Qua nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng và anh Trần Duy Dũng, em trai liệt sĩ Trần Duy Chiến, tôi được cầm trên tay tập nhật ký của một trong những người con của Đà Nẵng anh hùng. 

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, tôi đã nhiều lần đến với các tỉnh miền Tây Cam-pu-chia, và ở chặng đường sau, chặng đường tình nguyện quân giúp bạn chống lại bọn Pôn-pốt diệt chủng, tôi lại có dịp trở lại Cam-pu-chia. Áy là năm 1986, khi đó Trần Duy Chiến đã hy sinh 6 năm rồi. 


Năm 1986 là năm nhân dân Cam-pu-chia đã gần như làm chủ được vận mệnh của mình, đội quân của Pôn-pốt đã tan tác thành các tốp phỉ trôi dạt trong các cánh rừbg bên kia biên giới phía Tây của họ. Thế mà tôi còn thấy bao mất mát, còn thấy bao gian lao. Năm 1986 còn thế, huống hồ những năm 1978 - 1980, những năm Trần Duy Chiến trực tiếp chiến đấu. 


Với riêng tôi, cuốn nhật ký và thơ sáng tác tại trận này trở nên hấp dẫn lạ thường, bởi phải lần theo bàn chân người chiến sĩ để nhớ lại những năm tháng lạ lùng, không thể gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới này, không thể lặp lại ở bất kỳ thời gian nào. 


Tại Nông Pênh, đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia (chặng đường sau đồng chí là Chủ tịch nước) và đồng chí Đoàn Khuê, Tham mưu trưởng (chặng đường sau là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đều cùng đặt câu hỏi với tôi là tại sao, tại sao, tại sao bọn Pôn-pốt lại có thể giết hại đồng bào của chúng tàn ác đến thế 


Trong nhật ký ngày 15-9-1979, có đoạn Trần Duy Chiến ghi: "… Hôm ở Long-cóp, khi đi truy quét qua một khu rừng, tôi có dịp chứng kiến những cảnh tượng ghê rợn: Người bị chết dưới hục nước chưa tan, có kẻ thịt đã bấy ra như mắm. Con nít có, người lớn có, chín mười xác người bị chất chồng lên nhau để đốt. Có người chỉ cháy cái đầu, cái mình còn lại khô queo và vàng cháy như một khối thịt quay. Nhiều lắm, cả một khu rừng chớ đâu phải ít. Đi ngang khu rừng, cả đơn vị như chạy. Cái khăn ướt luôn che kín mũi, tuy thế mùi thối nồng nặc vẫn xông lên tận óc". 


Đất nước ấy đã trải qua những năm tháng rùng rợn của nạn diệt chủng nhưng cũng không làm mất đi cảnh sắc hùng vĩ của một mảnh đất văn hoá dày dặn. Đọc nhật ký, tôi bắt gặp cảnh tượng Trần Duy Chiến đứng ngạc nhiên trước các con đê khổng lồ của đất nước ấy. 


Vâng, tôi đã nhiều ngày bay trên trực thăng dọc dài biển hồ Tông-lê-sáp và đã trông thấy hệ thống thuỷ lợi của Cam-pu-chia. Biển hồ của đất nước ấy cho người dân bao nhiêu là cá, là đất mùm phì nhiêu, nhưng cũng gây họa không ít. Mỗi khi Biển Hồ dâng nước ngập đến các tỉnh miền Tây. Khi nước rút, để lại một vùng đất phèn mênh mông. Múc bát nước ở bất kỳ nơi nào, để một lát đã thấy đầy cặn vàng. Và muỗi, sốt rét ác tính dữ dội. 


Trong nhật ký, ngoài cái bệnh đau bụng, chính Trần Duy Chiến cũng bị các cơn sốt hoành hành. Trần Duy Chiến còn phải băng qua những gì của những tháng ngày gian nan ấy? Anh và đồng đội phải băng qua một vùng đất bị gài mìn khắp nơi. Có một thời, Cam-pu-chia là bãi mìn rộng nhất và dày đặc nhất thế giới. 


Năm 1986, tôi sang lại, năm mà bộ đội tình nguyện của ta sắp rút về nước mà tôi không thể nào thăm được Ăng-ko-thom. Chỉ có thể bay trực thăng xung quanh mà ngắm. Bộ đội không cho tôi vào: Xung quanh đền tháp đầy mìn! Tôi đã đặt chân vào Ăng-ko-vát, hiểu được một phần về các triều đại Gia-y-a Vác-man và Xu-ri-a Vác-man; hiểu một phần về các phiếm đá khổng lồ của các đền mộ táng mà không hiểu được cái tai hoạ ghê gớm mà nhân dân Cam-pu-chia phải chịu đựng mà những người chia sẻ là biết bao người con ưu tú của Việt Nam ta, trong đó có Trần Duy Chiến. 


Cũng như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm, Hoàng Kim Giao, Hoàng Thượng Lân, Trần Minh Tiến... và bao người con ưu tú khác của Đất nước, Trần Duy Chiến mãi mãi tuổi 20, mãi mãi đồng hành cùng tuổi trẻ và nhân dân cả nước. Những câu văn chưa kịp sửa, những dòng thơ chưa kịp chiết, dường như còn lấm đất chiến hào của Trần Duy Chiến sẽ là tặng vật quí giá của một thời lịch sử gửi tới bạn đọc 

Hà Nội, tháng 12-2005
P.T.D
 Logged

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét