Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Báo . . . Báo . . . SOS




Thế này mà gọi là pháp luật ư?

Hoàn toàn tôi chả muốn thả chữ nào về vụ án xử mấy cô gái bán dâm và môi giới bán dâm bữa qua. Chẳng qua tôi không muốn dính vào trò xử đó. Nhưng báo chí thì cứ lồng lộn lên, báo in báo mạng, đài phát thanh, truyền hình, cả chính thống lẫn không chính thống. Vậy mà cuối cùng cầm lòng chẳng đậu. Nhưng dứt khoát không nói chi về "tội" của mấy cô gái đó, chỉ nói chuyện tòa, chuyện báo.

Xứ ta hầu như ngày nào cũng mở tòa, ngày nào cũng kết án. Tội phạm nhiều, luật hình lắm nên tòa bận rộn. Tuyên đúng người đúng tội là đương nhiên, nhưng oan sai cũng chả thiếu. Cái cần xử kín thì hở toang toác, vụ cần công khai thì lại dấm da dấm dúi. Nhìn vào chỗ thần công lý ngự trị nhiều khi thấy cũng nực cười.

Giở lại vụ xử mấy cô gái trên. Tất nhiên các cô ấy phạm luật, mà đã vi phạm thì phải chịu sự phán xét của pháp luật, nên tôi không có ý bênh họ (phải nói trước ra như thế). Xứ ta cấm hành nghề mua bán dâm. VN chứ không phải Hà Lan hay nước Đức. Không có phố đèn đỏ, chỉ luật đỏ thôi, vượt lằn ranh thì ráng chịu. Nhưng...

Đối với người đàn bà, hầu hết khi chọn sự bán dâm để sống tức là đã chả còn cách nào khác phù hợp với chính mình. Chấp nhận sự khinh rẻ của cộng đồng, xã hội. Vì tham tiền, muốn hưởng thụ, lười lao động, ham muốn thân xác, bị đẩy vào bước đường cùng... thôi thì đủ thứ lý do. Muốn lên án họ thế nào cũng được. Những cô bán dâm nhưng vẫn cố ý giấu diếm tức là trong họ vẫn còn chút mong muốn quay trở lại cuộc sống bình thường. Vậy mà tòa nỡ lòng nào, báo chí truyền thông nỡ lòng nào phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật. Ừ thì để cảnh báo, để làm gương, để rút ra bài học, để kẻ khác thấy mà chừa. Nhưng liệu có hồ hởi hăng hái tàn nhẫn thái quá chăng khi chưa xử đã công bố ngày này ngày nọ lôi ra tòa, khi xử thì mở cửa không khác gì tháo khoán cho người đến coi mặt bọn "đĩ" (dư luận kháo như thế), mời đủ cơ quan báo chí truyền thông, muốn quay phim chụp ảnh phỏng vấn cứ thoải mái. Phòng xử chật ních. Nhà báo đông hơn kiến cỏ. Có cảm giác nếu xử trùm phát xít Hitler cũng không đến nỗi thế. Mấy "cô gái sông Hương" ấy co ro nhưng con giun con dế giữa tòa, trong vòng vây trùng điệp của những người có nhân cách hơn họ. Dù tòa có tuyên án nhẹ, án treo, thậm chí trả tự do ngay sau đó thì cũng đã phăng một nhát dao tàn nhẫn chặt nốt đường về của họ. Phụ giúp đắc lực cho tòa là những anh chị nhà báo hăng hái kia, những người từng đọc leo lẻo truyện Kiều "chữ trinh còn một chút này/Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan". Lôi người đàn bà đang mắc nợ nhân phẩm ra trước chợ người, liệu tòa có chút băn khoăn nào không nhỉ? Dí cái ống kính máy ảnh vào tận mặt người ta trong giới hạn cuối cùng của lương tâm, thử hỏi các nhà báo có cảm thấy đắng chát lòng không nhỉ?

Giá như xử "mấy tên phản động" Hà Vũ, Điếu Cày, tòa lôi ra công khai thế này, cho báo chí tung hoành tác nghiệp thế này để dân tình thấu hiểu "tội lỗi của chúng" có phải hợp lý hợp tình không. Và ngược lại, với mấy cô gái ấy, lôi toẹt vào cái phòng kín, cấm tiệt bọn báo chí, ngắt điện tivi, thì dù án tuyên thế nào chăng nữa cũng vẫn có chút tình người.

28.6.2013
Nguyễn Thông

Ghi chú: Ảnh của mạng kênh14.vn


Mại dâm

Văn Công Hùng 

Võ Thị Mỹ Xuân, từng đoạt giải Hoa hậu Nam Mê Kông 2009
Mấy hôm nay đề tài mại dâm đang Hot trên các báo và cả trong dư luận vỉa hè. Sáng ngồi nhẩn nha ly cà phê liếc báo thì mới thấy hôm nay xử em hoa hậu Mỹ Xuân bán dâm. Tối qua thì tv trung ương đưa 1 phóng sự về mại dâm Đồ Sơn, đưa chi tiết, cận cảnh, tuốt tuột, mà người làm phóng sự là một em phóng viên nữ. Mình đã sởn da gà khi xem cái phóng sự ấy. Đến thế là cùng, nhân phẩm của con người...


Báo Tuổi Trẻ cũng đang chơi Fơi a tông mấy kỳ mại dâm, mà là mại dâm nam, đủ nam phụ lão ấu mua bán trên ấy.

Dư luận sôi lên là bởi một bác nào đấy ở cái cục  có nhiệm vụ chống mại dâm nói rằng ở Đồ Sơn và Quất Lâm không có mại dâm. Báo hại bao nhiêu người cười khẩy, chứng minh cái câu của người Nam "Nói dzậy mà không phải dzậy" là đúng.

Nó chứng minh một điều rằng: Mại dâm là cái món không thể chống được, kể cả các bác hô hào to nhất là chống thì có khi các bác ấy cũng thừa biết là không thể chống theo kểu hành chính mệnh lệnh cấm đoán được. Nó sinh ra và tồn tại từ khi có loài người. Thời phong kiến thối nát bỏ rọ trôi sông thế mà còn chả chống, chả cấm được, huống gì bây giờ. Nàng Kiều vĩ đại trong văn học Việt đấy, dẫu nàng thốt lên "Thân lươn bao quản lấm đầu/ chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa" thì nàng vẫn 15 năm lưu lạc, nhưng rồi nàng vẫn ngời ngời sáng, vẫn bắt biết bao sĩ tử học trò từ phổ thông tới tiến sĩ phải chứng minh là nàng trong sạch...

Thế thì hà cớ gì chúng ta bây giờ, cứ bắt chị em làm cái nghề ấy, phải là tội phạm, phải là xấu xa bẩn thỉu.

Tôi có nghe một vài chị em phụ nữ, có chức hẳn hoi, bảo nếu công nhận mại dâm là 1 nghề là xúc phạm, là hạ cấp nhân cách phụ nữ. Xin thưa chính cái kiểu cấm không xong, bắt không xong, lâu lâu lại lôi ra một ít chị em làm vật tế thần, bêu riếu họ, xỉ nhục họ... mới là xúc phạm, là hạ cấp nhân cách chị em.

Xưa thời Pháp sài lang đô hộ, nó cho mở nhà Săm, chị em muốn vào đấy phải làm thủ tục rất đàng hoàng, có nhân thân, có phiếu khám sức khỏe, chịu sự quản lý, và như thế tất nhiên có... đóng thuế. Chị em nào không có môn bài đi vạ vật ngoài đường đón khách là a lê hấp, về đồn. Rành mạch và nhân đạo, và an toàn và không xỉ nhục nhau kiểu như tối qua tivi chiếu 2 anh chị ấy ngồi thổn thện trên giường, xấu hổ không chịu được.

Bây giờ ví dụ nhé, ở mỗi thành phố, chọn chỗ nào khuất khuất tí, cho xây ở đây một khu nhà, màu vàng chẳng hạn. Chị em vào đấy  được chăm sóc sức khỏe, được tư vấn, được bảo vệ, được nộp thuế... tôi đố các anh chàng nào ở thành phố ấy dám láng cháng vào đấy, ngược lại, dân nơi khác đến, nếu bí, vào mua vé đàng hoàng, được bảo hộ, ngẩng cao đầu mà vào chứ không phải như bây giờ lén lén lút lút, chỉ béo mấy anh cò chăn dắt...

Chính khi ấy, chị em được tôn trọng, được bình đẳng, nghề ấy cũng như mọi nghề khác- tất nhiên đấy là nghề có điều kiện.

Chứ như những gì báo chí nước ta đang đưa, chao ơi, mại dâm cả nam cả nữ, cả nửa nam nửa nữ nó... rầm rộ như hội thế, nhà cầm quyền lâu lâu mở một cú chiến dịch, một vài em lên thớt, nhục nhã ê chề, rồi đâu lại vào đấy.

Như cô bé Mỹ Xuân đang đứng trước tòa kia, rồi tương lai của cô ấy như thế nào khi thanh thiên bạch nhật xử như thế? Liệu đấy có phải là hành vi nhân đạo... Còn bao nhiêu người chưa bị bắt, chưa bị lộ... mà thực ra, đấy có phải tội không nhỉ?

Theo như những gì tôi hiểu, và đọc trên báo- như loạt bài trên Tuổi Trẻ chẳng hạn- thì đấy là một nhu cầu- của nhiều người, cả nam và nữ. Cấm nó vẫn xì, mà lại tốn người thực hiện lệnh cấm, mà lại bất ổn xã hội vì không quản lý được, vậy có nên xem lại không?

Là nhà cháu uống cà phê vào, đọc mấy tờ báo xong gõ chơi vậy, coi như phát chào buổi sáng, nghe thì nghe không nghe thì... thôi,...
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>

24-06-2013


Gửi Thủ Tướng Ba Dũng

NGUYỄN TRỌNG TẠO

 Tôi có gặp Thủ tướng Dũng một lần dịp động thổ nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh) và ấn tượng về câu nói của ông lúc đó: “Hà Tĩnh rất giàu truyền thống cách mạng, nhưng kinh tế thì rất nghèo”. Tôi ấn tượng vì chưa ai nói như thế, nghĩ như thế.
Trước đó, tôi xúc động khi ông mới lên chức vào Vinh quê tôi tìm gặp cho được người đồng đội cũ và thăm nhà anh ấy với bao tình cảm sâu sắc.


Rồi một lần anh Trương Đình Tuyển (bộ trưởng) mời tôi uống rượu với anh Tư Kiên (thượng tướng,  Anh hùng lực lượng vũ trang), và tôi nghe anh Tư Kiên kể là đã chở thương binh Ba Dũng bằng cối giã gạo (làm bằng gốc cây mù u) giữa rừng U Minh Hạ. Tư Kiên còn nói “Tôi thấy anh Dũng một tay ôm súng, tay kia ôm bắp chân máu chảy ướt đẫm ống quần”. Người lính thế hệ chúng mình là thế đó. Tôi cảm động lắm.

Hôm 19/6 có người trong đoàn anh Tư Sang từ Trung Quốc điện cho tôi bảo đã có danh sách 20 blogger có thể bị bắt. Tôi nói vui: Bắt hết nhân dân đi, xem họ sống với ai.

Hôm qua, tôi xem một Video clip thấy một bà mẹ Anh hùng cầm cây gậy chống ngồi trước cửa nhà cản xe xúc nhà mẹ. Tôi ấn tượng về cánh tay nổi gân của một thanh niên dành chiếc gậy của Mẹ, và Mẹ cố giữ lại cây gậy chống. Và tôi đã khóc. Tôi nghĩ, nếu Thủ tướng biết chuyện này chắc ông cũng khóc.
Tôi không muốn Thủ tướng khóc. Năm 1978 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khóc khi họp với các Bộ trưởng, vì dân không đủ ăn; và tôi đã viết câu thơ: “Nước mắt không thể thay mưa ngày nắng hạn”. Bài thơ sau đó được tạp chí Văn Nghệ Quân Đội chọn là “bài thơ hay nhất trong năm”.

Tôi viết bài này không có mục đích làm Thủ tướng Ba Dũng khóc, nhưng ông nên biết hình ảnh bà Mẹ anh hùng đang không khóc trước những người Nhà nước đang thi hành “công vụ” cưỡng chế Mẹ như thế nào qua Video clip hôm qua. Nếu Thủ tướng bận nhiều thì tôi cũng muốn ông dành mươi phút xem Video clip này để có cách thương dân hơn, như ông đã thương những “ân nhân” của mình thời chiến tranh. 
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
......................................
Ảnh: Cảm xúc dâng trào khi đồng chí Nguyễn Tấn Dũng gặp lại người đồng chí, đồng đội năm xưa sau 24 năm bặt tin tức.

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét