Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

SOS . . . . . . SOS . . . . . . .



CHAO ƠI CHUYỆN TUỔI CỦA CÁC VUA HÙNG

Anh Mai Thanh Hải vừa đưa câu chuyện chết cười về tuổi của các vua Hùng, khi người ta gắn biển đồng hẳn hoi, giới thiệu tuổi của từng ngài ở khu đền thờ Vua Hùng công viên Đồng Xanh, Pleiku.

Nếu cứ theo đúng truyền thuyết như thế thì trung bình mỗi ngài thọ đến mấy trăm năm...

Nước ta ấy, đến giờ vẫn lẫn lộn khá nhiều giữa truyền thuyết và lịch sử, giữa chính sử với dã sử... nên nhiều khi cứ tréo ngoe. Lâu dần không ai giải thích, không ai chứng minh, hoặc biết mà... không dám nói ra, sợ này sợ kia... nên càng tù mù.

Mình cho rằng, những người gắn biển lên tượng các ngài cũng chưa chắc đã sai, bởi họ cứ lấy số năm chia cho đời các cụ, ra tuổi, làm gì nhau, bởi bây giờ, có bác nào oách nói ra cho dân chúng biết rằng thì là tại sao 18 đời Vua Hùng lại kéo dài thế đâu, vậy nên cứ là loanh quanh luẩn quẩn. May mà hình như chưa có năm nào có đề thi là: em hãy cho biết tuổi thọ của các Vua Hùng là bao nhiêu???

Dưới đây là bài của Mai Thanh Hải mình cop từ blog của hắn về, và bài của mình, hồi mấy cái tượng này đang làm:

LẠY CON CHÁU VUA HÙNG

Mai Thanh Hải - Đến Pleiku (Gia Lai) đúng mấy ngày mưa nên đến đâu cũng mịt mù sương mây và ướt lướt thướt, đúng chất "Phố núi cao phố núi đầy sương", chẳng thăm thú được chỗ này chỗ khác, mang tính chất cao nguyên.

Thấy mình thở dài thườn thượt, bác Văn Công Hùng mách: "Thôi thì ra công viên Đồng Xanh mà xem mấy cái thứ na ná Tây Nguyên" khiến mình à nhớ ra cái khu vui chơi tổng hợp nằm ở xã An Phú, cách Pleiku khoảng 10 km, trên đường xuống Quy Nhơn - Bình Định.

Công viên này của Cty Cổ phần Gia Lai CTC và được giới thiệu trên website rất hoành tráng, đại loại:

"Nguyên là khu đất cằn cỗi và là sân phơi Hợp tác xã An Phú, công viên được đầu tư xây dựng từ năm 1998 với diện tích 14 ha. Qua nhiều năm vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác kinh doanh, đến nay công viên là công trình mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc Tây Nguyên. Hàng năm tiếp đón hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Công viên gồm nhiều khu vực: khu văn hóa tâm linh, khu văn hóa các dân tộc thiểu số, khu vườn thú mi ni, khu vui chơi giải trí thiếu nhi, khu dịch vụ ẩm thực nhà hàng tiệc cưới…"

Đặc biệt, việc giới thiệu rất nhấn mạnh đến: "Khu Văn hóa tâm linh nơi có Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây theo kiến trúc truyền thống với mái nhà Rông cách điệu cao 18m. Trong điện thờ, tượng Vua Hùng cao 6m, nặng gần 3 tấn gỗ mít sơn son thiếp vàng, kiến trúc văn hóa Việt bố trí sắp đặt hài hòa được thực hiện bởi các nghệ nhân từ thủ đô Hà Nội. Trước điện thờ là tượng 18 Vua Hùng uy nghi. Cạnh đó, chùa Một Cột -“Tây Thiên Nhất Trụ” được xây dựng theo đúng nguyên mẫu của Chùa Một Cột Hà Nội gợi nhớ về kiến trúc tâm linh thiêng liêng bậc nhất của Thủ đô. Xung quanh quần thể văn hóa Việt còn có lầu Thần tài, tượng Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, cổng Tam Quan bằng đá Ninh Bình; các loại cây quý được bố trí hài hòa, tạo ấn tượng và sự trân trọng đối với du khách khi đến nơi này"...

Mình lọ mọ mua vé 20.000 VND vào thăm Công viên Đồng Xanh vắng ngắt cũ kỹ xuống cấp và dĩ nhiên phải tìm đến Khu Văn hóa tâm linh để tìm đến Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu dưới đế chân tượng 18 Vua Hùng không có những tấm bảng chú thích rành mạch về tên, húy, số tuổi, số năm làm vua, số vợ con cháu chắt...

Mọi lời bình, xin dành cho người đọc.

Mình chỉ nói rằng: Việc đưa số liệu (dù mãi khi xem hết các chú thích, phải thật chú ý mới phát hiện tấm biển "Ghi chú" quay ngược phía sau như đánh đố du khách "Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, con, cháu của 18 Vua Hùng ghi chú trước bức tượng được trích từ nguồn tài liệu Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng của tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn do Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản 2006") cho dù có trích từ nguồn nào, cũng nên giải thích cặn kẽ, kẻo sự đánh đồng huyền thoại sự tích và đời thực, không chỉ gây thắc mắc khó chịu mà còn tạo tác dụng ngược, rất phản cảm với không chỉ du khách nước ngoài, mà ngay với người Việt.

Người xem, khó có thể tin một người sống được vài trăm năm, thậm chí gần 1.000 năm, cho dù đó là vua cháu ngày xưa và cho dù những lời chú thích này được ghi rành mạch bằng tiếng Việt, trong công viên "chính thống", chứ không phải công viên nhà của những người... "khác người" tự lập lên.

Người xem không dám trách các nhân vật trong lịch sử bởi huyền thoại thì luôn là huyền thoại, sự nghiên cứu - sưu tầm có chăng cũng chỉ gói gọn lại trong cứ liệu lịch sử.

Và người xem, chỉ biết lắc đầu: "Lạy con cháu Vua Hùng", khi đọc những dòng ghi chú sưu tầm từ huyền thoại, được ghi rành mạch giữa thanh thiên bạch nhật, ở ngay nơi đang phấn đấu "đến năm 2015 khi xây dựng hoàn chỉnh đây sẽ là một công viên hiện đại, hấp dẫn bậc nhất của khu vực", mà thôi..

Thờ phụng Vua Hùng là điều rất đáng làm, không thể phủ nhận được. Nhưng thờ phụng kèm những chú thích không cần thiết, gây sự hoài nghi - phản tác dụng như ở Công viên Đồng Xanh Gia Lai như thế này, thì có khi cả nước có duy nhất ở TP Pleiku, nên mình cũng đành: "Xin lạy con cháu Vua Hùng!"..
-----------------------------------------------------------------------

Bài của mình, not ảnh:



RƯỚC VUA HÙNG VÀO TÂY NGUYÊN

          Một cú điện thoại từ Đà Lạt kéo tôi từ nhà chạy xuống công viên Đồng Xanh Pleiku lúc chiều đang non.  Gió hây hẩy và nắng mưng mưng. Cái tên họa sĩ  Hà Trí Dũng thì tôi nghe lâu rồi. Cái việc ông Đinh Vạn Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần văn hóa du lịch Gia Lai làm nguyên cái chùa Một cột và đền Hùng thu nhỏ ở công viên văn hóa Đồng Xanh tôi cũng biết rồi, nhưng việc ông Dũng Gia Lai mời ông Dũng Hà Nội vào làm mười tám ngài Hùng Vương thì quả thật bây giờ tôi mới nghe, và đấy chính là lý do khiến tôi sấp ngửa chạy xuống lúc chiều nhuôm nhuôm này.

          Theo tư liệu lịch sử thì 18 đời Vua Hùng bắt đầu từ Kinh Dương Vương, đến Hùng Hiền Vương tức Lạc Long Quân thì có truyền thuyết mẹ Âu Cơ với bọc trăm trứng. Tôi cho rằng ý nghĩa của sự tích bọc trăm trứng nó vô cùng vĩ đại. Chả phải ngẫu nhiên mà bây giờ trong ngôn ngữ Việt có từ "đồng bào". Đồng bào chính là cùng trong một bọc. Năm mươi con ở lại dưới biển, năm mươi con theo mẹ lên rừng làm nên non sông cẩm tú hôm nay. Qua đời Hùng Quốc Vương thì có sự tích Tiên Dung Chử Đồng Tử, một trong tứ bất tử của dân tộc Việt. Đến Hùng Hồn Vương thì lại sinh ra Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng, nhân vật thứ hai của Tứ bất tử mà hôm qua đúng ngày trùng cửu cả dân tộc cùng hướng về Sóc Sơn chiêm bái việc đúc tượng đồng ngài. Ngài là nhân vật mang triết lý "Công thành thân thoái" rất đẹp của dân tộc Việt. Đến đời Hùng Chiêu Vương thì có sự tích Lang Liêu và sự tích bánh chưng bánh dày. Đến đúng đời 18, tức đời Hùng Duệ Vương thì sinh ra các sự tích Sơn Tinh Thủy tinh, An Dương Vương xây thành Cổ Loa và tình yêu Mỵ Châu Trọng Thủy. Sơn Tinh chính là Tản Viên Sơn thánh là nhân vật thứ ba trong tứ bất tử. Vị thánh cuối cùng trong tứ bất tử là một thánh nữ, là bà Liễu Hạnh. Như thế, 18 đời vua Hùng đã sinh ra ba trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đưa nước ta từ tên Xích Quỷ (2 đời) qua Văn Lang (15 đời) và cuối cùng là Âu Lạc (1 đời).

          Đền Hùng thu nhỏ đã được làm xong tại công viên Đồng Xanh từ mấy năm trước, nhưng tượng 18 Vua Hùng thì họa sĩ Hà Trí Dũng mới bắt tay làm từ tháng 10/ 2008. Công việc khá công phu. Trước hết là phải lên Đền Hùng ở Việt Trì lấy tư liệu, sau về làm phác thảo, duyệt rồi đổ tượng tại xưởng của Hà Trí Dũng tại Hà Nội, rồi sau đó xếp lên xe tải xuôi Nam. Hà Trí Dũng kể: Hôm ở Hà Nội vừa rước các ngài lên xe xong thì trời mưa. Vào đây vừa hạ các ngài xuống thì trời lại mưa, như là các ngài "tẩy trần" vậy. Tôi ngồi với Hà Trí Dũng trong một chiều Pleiku tuyệt đẹp nói chuyện lan man từ lịch sử cho đến nghệ thuật và cảm nhận ở anh một tình yêu chân thành và đắm đuối với lịch sử. Ngắm 18 vị Hùng Vương ở mọi tư thế trước cửa đền, trong lòng cứ lâng lâng niềm tự hào thiêng liêng khó tả. Hà Trí Dũng là một họa sĩ điêu khắc có tiếng của Việt Nam, 20 tuổi anh có tác phẩm tham gia triển lãm tại Cộng hòa dân chủ Đức. Ba mươi tuổi được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bốn mươi tuổi giải nhất mẫu tượng đài Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, và sau đấy được chọn để dựng tại tỉnh Hải Dương, là bức tượng đá lớn nhất Việt Nam lúc ấy, khi hô thần nhập tượng rất nhiều lãnh đạo cấp cao của đất nước đã có mặt. Năm mươi tuổi làm tượng đài Sóc Trăng cao 28 mét, lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long bây giờ. Gần đây nhất là làm tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi...

          Và bây giờ là 18 vị vua Hùng.

          Thực ra thì kích cỡ 18 vị này không lớn, không hoành tráng và cũng không tốn kém như các tượng đài khác. Nhưng nó mang một ý nghĩa tâm linh và cả chính trị rất lớn. Cùng "Đồng bào" trong cộng đồng 54 dân tộc, hậu duệ nhiều đời của 50 người con của mẹ Âu Cơ vĩ đại lên rừng khai sơn phá thạch, nhưng đến bây giờ chúng ta mới được chiêm ngưỡng 18 vị vua lập quốc uy nghiêm đầu đội lông chim, uy dũng trong một dáng vẻ đậm đặc chất Giao Chỉ. Họa sĩ Hà Trí Dũng kể anh phải xử lý rất kỹ để các tượng ra chất Giao Chỉ. Muốn thế phải nghiên cứu. Ấy là người Giao Chỉ cổ chỉ cao không quá một mét năm sáu. Các cụ săn bắt hái lượm nên phần trên cơ thể phát triển hơn. Ngón chân Giao Chỉ đặc trưng là tõe ngón cái ra nằm gần như ngang. Khi sáng tạo vào tượng, anh đã xử lý để tôi chỉ lướt qua một vòng đã thấy ngay rằng... đúng là các cụ, dù đây là loại tượng huyền sử, không có mẫu, cũng chưa ai thấy bao giờ, không lưu lại ảnh tranh, mỗi người có một mẫu của mình, thế mà nhìn vào, ta thấy ngay đấy chính là các cụ tổ...

          Tôi đã dăm bảy lần được lên núi Nghĩa Lĩnh ở thành phố Việt Trì viếng Vua Hùng, ấy cũng là nhân các cuộc công cán, chứ nếu đằng thằng ra, dẫu rất thành tâm cũng khó mà tự nhiên bỏ ra một chuyến để đi như thế. Bây giờ, các cụ về đây, quây quần trên đất Tây Nguyên, có cả đền và tượng, con dân toàn vùng tha hồ có dịp chiêm bái ngưỡng mộ. Đấy chính là ý nghĩa tích cực của việc dựng Đền và tượng các ngài ở công viên Văn hóa Đồng Xanh Gia Lai, nó sẽ thỏa ước mơ của biết bao người con Tây Nguyên mong một ngày được tự tay thắp hương kính cẩn nghiêng mình trước các tiền hiền của dân tộc...
         
                                                                                      VCH



ĐÒ LÊN THẠCH HÃN... TÊN ĐỤC BỎ

Hôm qua ngồi ở sân bay Pleiku, mình ngớ người khi đọc cái tin Tỉnh Quảng Trị đã... đục bỏ tên tác giả Lê Bá Dương ra khỏi 4 câu thơ nổi tiếng của anh, khắc vào đá ở thành cổ Quảng Trị. 4 câu thơ ấy là: "Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ có tuổi hai mươi thành sóng nước/ vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm". Không tin được, mình điện ngay cho anh Lê Bá Dương và một người bạn đang làm ở báo Quảng Trị...
Tên Lê Bá Dương đã được kỳ khu thay bằng một bông hoa



Ông Dương xác nhận việc này và người bạn làm báo thì... ớ ra không biết.

Dù gì thì mình cũng coi đây là một việc làm khuất tất, một ứng xử rất kém của những người mang tầm văn hóa rất vịt. Mà Quảng Trị thì mình đầy ngưỡng mộ và trân trọng, cả nhân dân và cán bộ ở đấy, khá đông là bạn mình (mình không dám nói là em dù họ học cùng trường mình, nhưng ra sau).  Tấm bia ấy đã khắc 4 câu thơ trên với tên tác giả ở dưới, giờ ở chỗ tên tác giả là một... bông hoa hay cái hoa văn gì đấy. Phải là một chủ trương lớn của một cấp lớn người ta mới dám làm một việc tày đình như vậy. Trong khi chờ xác minh lý do mình đăng lại bài mình đã viết về 4 cấu thơ của Lê Bá Dương:
-------------
Mưa và gió, những cây nhang cứ run lên bần bật trong chiều. Nghĩa trang liệt sĩ ở đâu mà chả giống nhau, những tấm bia tăm tắp, những ngôi sao đỏ, những cuộc đời, số phận... giờ lạnh lùng là những dòng chữ tên tuổi quê quán ngày nhập ngũ ngày hy sinh... chao ơi, những chàng trai căng tràn nhựa sống, hừng hực tuổi hai mươi, giờ chỉ còn có thế thôi sao. Rất nhiều, tuyệt đại bộ phận trong ấy, những người con ưu tú của dân tộc kia, ra đi khi chưa biết cái mùi tóc con gái nó mềm mại thế nào, nó mỏng manh mời gọi bí ẩn hấp dẫn ra làm sao... thế mà lại vẫn còn những người chỉ đơn sơ dòng chữ: liệt sĩ chưa biết tên- ngày xưa còn lạnh lùng hơn với tấm biển liệt sĩ vô danh.


Một con người bình thường thì ngồn ngộn nghênh ngang như thế, nói cười đi đứng như thế, hoành tráng như thế... thế mà giờ, mỗi bác mỗi ô, im lìm dưới mưa, trong bàng bạc khói hương và nhòe nhoẹt nước mắt chúng tôi. Cái nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn này khác hàng ngàn nghĩa trang khác trên khắp đất nước ta bởi nó là nghĩa trang của các nghĩa trang, là nơi quy tụ đông nhất các liệt sĩ từ mọi miền đất nước, và vì thế mà gần như tỉnh nào cũng có một khu riêng, với một cái nhà thờ theo phong cách văn hóa tỉnh ấy. Hẳn sẽ ấm lòng hơn khi giữa nơi heo hút này, các liệt sĩ như được nằm giữa quê nhà. Cũng phải tỏ lòng trân trọng với ai đấy, tác giả của việc thiết kế nghĩa trang này ra từng khu, để nghĩa trang có vẻ nhỏ lại, ít đi, tầm nhìn gần lại, không thấy dằng dặc miên man hàng chục cây số mộ liệt sĩ mà ớn lạnh, mà hoang mang. Cảm giác gần gụi khá rõ khi các khu ngăn nhau bởi các lối đi và cây xanh...



   
    Quảng trị nổi tiếng cả nước bởi mấy tiêu chí, là gió lào, là con sông Bến Hải với cầu Hiền Lương... và 2 cái nghĩa trang cấp quốc gia. Chắc chả ai tự hào vì tỉnh mình lại có 2 cái nghĩa trang to thế, nhưng lịch sử đã chọn Quảng Trị để giao phó việc này, vậy thì phải nhận thôi. Một đồng nghiệp và là đàn anh của tôi cũng để lại dấu ấn của mình ở Quảng Trị. Anh nhập ngũ lúc 15 tuổi, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ và suýt được phong anh hùng ngay sau đấy một năm. Là người đầu tiên khởi xướng việc thả hoa trên sông Thạch hãn vào mỗi dịp 27/7 hàng năm. Năm nào cũng thế, ngày này, từ Nha Trang anh lại nhảy tàu ra Quảng Trị, bỏ tiền túi mua hết hoa ở các chợ gần đấy, thả xuống sông Thạch Hãn viếng đồng đội. Từ cái việc đầy ân tình ban đầu của cá nhân ấy, giờ đây, tỉnh Quảng Trị đã chính thức lấy ngày 27/7 để toàn dân thả hoa xuống sông Thạch Hãn viếng các liệt sĩ. Con sông hiền hòa bây giờ trở thành dòng sông hoa ngày nay, thời chiến tranh nó là dòng sông máu. Lê Bá Dương, vâng, người cựu chiến binh mà tôi đang nhắc ấy là Lê Bá Dương, còn có 4 câu thơ, mà theo tôi là rất hay, hay không kém một câu thơ hay nào của các nhà thơ chuyên nghiệp: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm... Vào thành cổ Quảng Trị bây giờ vẫn nguyên nỗi xúc động thiêng liêng khiến cho ai cũng như khe khẽ bước chân, như sẽ làm động giấc ngủ của các liệt sĩ, bởi ai dám nói dưới xanh rờn cỏ kia không còn di hài liệt sĩ. Cũng như thế, Lê Bá Dương dặn người chèo đò hãy nhẹ tay bởi dưới lòng sông Thạch Hãn kia vẫn còn những người lính, mà phải là người trong cuộc mới khiến chàng cựu chiến binh thốt ra những câu thơ dứt ruột kia được.




Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.



 


Trước hết nói một chút về tác giả.


          Anh Lê Bá Dương hiện nay là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội viên hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, là nhà báo, phóng viên thường trú của báo Văn Hoá tại Nha Trang. Quê chính của anh ở Nghệ An, nhập ngũ năm 15 tuổi, và ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà) khi 15 tuổi “cộng” 49 ngày, anh đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ. Những năm tiếp theo từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh nổi tiếng trên chiến trường Quảng Trị, anh đã được tặng nhiều danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt cơ giới, dũng sỹ diệt máy bay… và người chiến sỹ với hơn chục vết thương trên người ấy cũng đã hai lần được đề nghị tuyên dương anh hùng nhưng rồi vết thương chồng vết thương, việc hoàn tất hồ sơ mấy lần dở dang không thành. Hồi ấy, trên mặt trận B5 (đường 9, Quảng Trị) từng đã dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dươngg, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường khói lửa mà mắt cứ trong văn vắt, môi mím chặt mà cứ thấy phảng phất một nụ cười. Hồi ấy, chiến trường Quảng Trị, mỗi ngày hao hụt quân số hàng trăm, hồi ấy, máu và lửa, xác ta và xác địch lộn tùng phèo, đất đá không đủ để che quân... 



          Bây giờ ở Quảng Trị, vào tháng 7, có một phong trào rất đẹp là toàn dân kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn, con sông đang chứa trong lòng nó hàng trăm linh hồn liệt sĩ đã lặng lẽ chìm trong những ngày đỏ lửa hào hùng ấy. Nhưng trước khi nó thành phong trào như bây giờ, vào hồi đang còn khó khăn nhất của thời bao cấp, người cựu chiến binh Lê Bá Dương ấy đã dồn lương và nhuận bút mỗi năm làm một chuyến tàu chợ vào tháng 7, từ Nha Trang ra Quảng Trị, anh mua hết hoa ở chợ Quảng Trị rồi mang ra sông thả. Ban đầu nhiều người ngạc nhiên, có người còn bảo: ông khùng. Hàng chục năm như thế, đến thời ông Vũ Trọng Kim làm bí thư thì ông mới phát động nó thành phong trào rầm rộ như ngày nay... 




                           Lê Bá Dương là người đang kẹp AK 



Trở lại bài thơ



          Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1987, sau khi thả hoa cho đồng đội, anh ngồi lặng trên bờ sông ngắm những chiếc thuyền nặng nề ngược dòng Thạch Hãn. Thanh bình quá thể, vô tư quá thể, nhưng ai biết, ai nhớ, dưới đáy sông kia còn bao nhiêu đồng đội của anh đang nằm lặng lẽ. Bất chợt những câu thơ vụt ra: 



Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Tan chợ chiều xuôi đò có vội

Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.



          Sau này khi công bố trên Tạp chí Khoa học Công Nghệ Khánh Hòa năm 1990, nhà văn Đỗ Kim Cuông (giờ là phó chủ tịch LHVHNTVN) khuyên anh sửa lại. Và bài thơ được hoàn chỉnh là: 



Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.


          Nhưng vấn đề là, với bài thơ 4 câu, bài thơ duy nhất của Lê Bá Dương, hiện nay có khá nhiều dị bản, kể cả khi nó được khắc rất trang trọng trong nhà lưu niệm nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị lẫn khi được trích dẫn rất nhiều trên báo chí trong dịp 27/7 vừa qua. 



          Trước hết là chữ “lên”, phần lớn đều ghi là “Xuôi”. Xin thưa, nếu “xuôi” thì không phải chèo, mà chỉ “lái” thôi. Chèo đò và lái đò là hai động tác khác nhau. Tiếp đến là chữ “ơi”, nhiều người dùng là “xin”. Bản thân Lê Bá Dương khi sửa từ "xin" thành “Ơi” là thán từ gọi đò – ơi đò… bớ đò…đò ơi theo đúng phương ngữ Quảng Trị, nghe thắt thẻo và có tiếng đồng vọng lênh lan trên sóng nước. Thêm nữa, ở bản gốc thì câu thứ 4 đã có từ "xin" rồi. Nhưng theo chúng tôi, trong trường hợp này dùng “Xin” hay “ơi” cũng đều khả dĩ. Câu dưới dị bản mới nặng, ấy là “còn đó” thành “còn có”. Chữ “còn đó” hay hơn, mênh mang hơn, phổ quát hơn, mở hơn. Lê Bá Dương không phải nhà thơ chuyên nghiệp nhưng anh đã sử dụng chữ rất hợp lý và chính xác. Hai câu dưới thì có một dị bản là “bờ bãi” và “bờ mãi”, thì theo chúng tôi, dùng từ nào cũng được, dẫu “mãi mãi” hay hơn, vĩnh cửu hơn. “Bờ bãi” vừa cụ thể, vừa hẹp, chữ “bãi” như một từ láy phái sinh… 



          Có lẽ do bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người, đặc biệt là bài thơ còn được gắn với việc một người lính hàng năm một đôi lần về thắp hương thả hoa cho đồng bào, đồng đội, vì vậy, từ khi xuất hiện trên báo bài thơ đã được mọi người chú ý. Người này nhớ  một vài  câu, người khác nhớ cả  bài 4 câu, nhưng thường thì mọi người nhớ và thuộc hai câu đầu trong cả bài thơ 4 câu… Và ngay cả 2 câu đầu đó cũng vẫn có vài từ khác nhau như đã dẫn. Chúng tôi thống kê có các dị bản như sau: 



      Dị bản 1: 



Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.


      Dị bản 2 khác với DB1 ở từ ơi thay cho từ xin trong câu đầu 



Đò xuôi Thach Hãn ơi  chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm


      Dị bản 3 khác với dị bản 2 ở từ "Có" thay cho từ "Đó":


Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn  bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm... 



      Cũng có bản từ hai mươi trong câu thứ 3 được đổi thành từ đôi mươi… 



Tuy nhiên không chỉ có dị bản. Xung quanh bài thơ cũng xuất hiện nhiều giai thoại. 



          Do bài thơ là tiếng lòng lại  được viết và xuất hiện từ mảnh đất thiêng, nhạy cảm là Quảng Trị nên được rất nhiều người trên cả nước biết đến. Hiện tại bình quân mỗi ngày tác giả cũng có một cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí khách hàng tại Phú Yên còn gọi lên tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin bài thơ, tên, số điện thoại tác giả… Ngay cả tựa bài thơ “Lời người bên sông” cũng là một trong những giai thoại đó. Do là một cảm xúc được biểu đạt như một lời thỉnh cầu, bởi vậy lúc đầu bài thơ không có tựa  đề, cho dù chỉ là cái tựa “vô đề “ như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí đưa bài thơ đi nhà in, thấy  thiếu cái tựa bài liền gọi điện hỏi xem tựa bài thơ thế nào? Nghe hỏi vậy, tác giả giải thích: Đó chỉ là lời người bên sông… Không ngờ người biên tập cứ nghĩ đó là câu trả lời của tác giả và thế là “lời người bên sông” bỗng thành tên bài thơ… 



          Ngoài ra, Lê Bá Dương còn một bài thơ 2 câu được viết trong một tình huống khác. Hôm chuẩn bị vào sâu về phía nam mặt trận, cô bé trong nhà dân chợt hỏi: Chú ơi, tại sao lại gọi là quân giải phóng Bắc Quảng Trị. Vội quá, anh lấy bút viết vội vào trang sách học trò của cô bé hai câu thơ và cũng là hai vế đối: 



Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc

Một dấu chân in màu đất hai miền.


          Mãi gần đây, nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị, "cô bé" bây giờ đã là cựu du kích trao lại cho Lê Bá Dương  tờ giấy kẻ ngang đã úa vàng nhưng vẫn nguyên nét chữ viết 2 câu thơ. Hôm đi cùng đồng đội lên cao điểm 544, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã đề nghị một nhà thư pháp viết hai câu thơ mà anh nói là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ về quân giải phóng Bắc Quảng Trị của Lê Bá Dương. 






                    Lê Bá Dương hiện nay (ảnh chụp tại Trường Sa)




          Chia tay Quảng Trị trong một ngày mưa lạnh, tôi vẫn nhẩm mấy câu thơ của Lê Bá Dương: Đò lên Thạch hãn ơi chèo nhẹ... Con sông ấy, giờ yên bình thao thiết chảy sau xe chúng tôi...


----------
Và đây là bài của nhà văn Xuân Đức, nguyên là giám đốc sở Văn hóa thông tin Quảng Trị sau khi đọc bài viết của VCH:
---------
Nhà thơ Văn Công Hùng có kể trên trang Blog của mình về nguồn gốc lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn ( Quảng Trị) nhân bài viết hiệu đính lại bốn câu thơ của Lê Bá Dương. Tôi đã đọc bài viết này một lần trên một tờ báo viết, nay được dịp đọc lại trên mạng, vừa thêm quý trọng Lê Bá Dương, lại vừa cảm kích tấm lòng bạn thơ VCH. Công bằng mà nói, văn trên mạng thời buổi này quá hiếm những bài bàn luận về chuyện ấy. Đọc văn là hiểu người. Nếu Lê Bá Dương là một điển hình đặc biệt của  một cựu chiến binh với chiến trường xưa và đồng đội, thì VCH cũng là một nhà thơ có cái tâm như vậy, và cũng không còn được nhiều nhà văn như thế đâu, kể cả một số người đã trực tiếp kinh qua những năm tháng ấy.

     Qua trao đổi với nhau trên mạng, VCH có đề nghị tôi viết một bài " nói lại cho rõ". Tuy nhiên tôi thấy cũng chẳng có gì phải nói lại cả, chỉ xin kể thêm vài chi tiết nhỏ thôi.

     1/ Về 4 câu thơ của Lê Bá Dương, phần hiệu đính như vậy là chính xác. Tôi và LBD cũng là bạn rất thân với nhau nên có biết thêm vài chuyện. Hiện nay, rất nhiều thư của các bạn trẻ Việt nam ở nước ngoài gửi về bằng Email hỏi về xuất xứ bài thơ. Năm ngoái, trong dịp đại lễ kỉ niệm 30/4, người ta đã phổ 4 câu thơ của LBD thành một hợp xướng, tôi đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần và rất xúc động. Hãy bình tĩnh mà nghĩ xem, vậy thì chân giá trị thơ ca nó ở chỗ nào, thước đo thành công của nó ở đâu, sao gần đây người ta lại tỏ ra ghẻ lạnh với thơ truyền thống đến vậy ?

     Xin đính chính một chi tiết nhỏ thế này, mấy câu thơ của LBD hiện lưu giữ tai Bảo tàng Thành cổ chứ không phải ở Nghĩa trang Quảng Trị. ( Nói cho đúng thì không có cái gọi là Nghĩa trang Quảng Trị. Hiện ở QT có 72 nghĩa trang, trong đó có hai nghĩa trang Quốc gia rất hùng vĩ là Nghĩa trang Trường Sơn và NT Đường Chín, mỗi nơi có trên 11 ngàn mộ. Có nghĩa trang của Thị xã QT nhưng nằm ngoài khu di tích Thành cổ)

    2/ Về lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn xin bổ sung như sau.

    Đúng là người đầu tiên khơi mào cho nghĩa cử này là Lê Bá Dương. Rất nhiều năm, anh từ Nha Trang ra QTrị, lặng lẽ một mình mua hoa ở chợ, hái hoa dại trên các bãi sông thả xuống dòng Thạch Hãn, dòng Bến Hải và nhiều đoạn sông khác nữa để tưởng nhớ đồng đội. Sau vài lần thì nhiều người nhận ra nghĩa cử của anh và làm theo, nhất là dân ở Thị xã Quảng Trị và Triệu phong. Tuy nhiên đến đó thì vẫn âm thầm, chưa thật nhiều người biết kể cả bản thân tôi.

     Người có công đưa sự kiện ấy để nhân dân toàn tỉnh biết lần đầu tiên chính là phóng viên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh QT. Họ đã làm một phóng sự ngắn có tên " Người thả hoa trên sông". Khi xem phóng sự đó xong, tôi cũng như nhiều anh em làm công tác văn hoá ở Quảng Trị rất xúc động. Mấy hôm sau, tôi đi vào Thị xã Quảng Trị để tìm hiểu kỹ thêm.( Xin lưu ý với bạn đọc nào chưa quen với địa bàn Quảng Trị là, thị xã Quảng Trị không phải tỉnh lị, tỉnh lị Quảng trị đóng ở thị xã Đông Hà ) Tôi bàn với anh em phụ trách 2 phòng văn hoá Triệu phong và Thị xã Quảng Trị là làm sao để đưa nghĩa cử này thành một lễ hội mới, lễ hội cách mạng. Vào thời điểm này, Bộ VHTT và Ban Tư tưởng VHTW lấy Quảng Trị làm nơi thí điểm việc xây dựng mô hình các loại lễ hội mới. Vì vậy trong một cuộc giao ban, Lãnh đạo sở Văn hoá quyết tâm chỉ đạo để hình thành lễ hội thả hoa trên sông.Vào năm đó QT chuẩn bị kỷ niệm 30 năm giải phóng quê hương ( 1/5/1972-1/5/2002 ), với trách nhiệm của mình, tôi đã dự thảo kế hoạch và kịch bản cho lễ kỉ niệm, theo đó, ngoài lễ mét tin, sẽ có lễ hội quần chúng mang tên : Ngày hội  thống nhất non sông. Ngày hội thống nhất non sông được tổ chức thành 2 địa điểm. Tại khu di tích Đôi bờ Hiền lương sẽ tổ chức lớn do Ban tổ chức cấp tỉnh chủ trì. Thời gian vào ngày 30/4. Tại thành cổ Quảng Trị giao cho Ban tổ chức thị xã chủ trì thẹơ chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh. Trong kịch bản của cả 2 điểm hoạt động đều có lễ thả hoa. Tại di tich Đôi bờ hiền lương, trước khi thả hoa có đọc văn tế. Tôi là người chấp bút và cũng trực tiếp đọc bài văn tế đó. ( Có dịp nào đó sẽ gửi tặng riêng VCH nhé ! ) Còn ở Thị xã Quảng Trị tổ chức vào đêm sau (1/5), thả hoa cùng hàng vạn đèn của bà con phật tử. Lần đó chính Lê Bá Dương cũng ra dự.Ngày hội thống nhất non sông năm đó có rất nhiều đại biểu Trung ương như ông Trần Hoàn cùng với các vụ của Ban VHTT TW, lãnh đạo Bộ VHTT và nhiều khách các nơi nữa, vì vậy mà ảnh hưởng của nó rất lớn. Ngay sau năm đó , có cuộc liên hoan văn nghệ của các Nhà văn hoá băc miền trung tại Hà tĩnh với tiêu đề là Nối những câu hò, Ban tổ chức đã ra một đề bài cho tiết mục dự thi của các tỉnh rất hóc búa là, tiết mục phải kết nối với nhau thành một màn sân khấu xuyên suốt, có ý tưởng độc đáo và đặc biệt là..chỉ được dùng các điệu hò, không được sử dụng bất kì làn điệu dân ca khác. Thêm nữa trong đó bắt buộc phải hò một điệu hò của tỉnh bạn.( Tôi nghi đó là mẹo vặt của nhà thơ Đức Ban, GĐ sở VH Hà tĩnh để làm khó các tỉnh bạn? ) Giám đốc nhà văn hoá tỉnh tôi phát hoảng, buộc phải cầu cứu tôi. Thế là tôi phải viết một màn sân khấu đúng theo cách ra đề của ban tổ chức mà nội dung là kể lại hình ảnh Lê Bá Dưong thả hoa trên sông Thạch Hãn. Vở hoạt cảnh có tựa đề là Dòng sông hoa đỏ. Không ngờ một tác phẩm văn nghệ quần chúng mà lại có tiếng vang lớn đến như vậy. 3 lần đoạt giải nhất ở 3 cuộc liên hoan khác nhau, sau đó rất nhiều đội văn nghệ quần chúng đã dựng và biểu diễn. Tôi khoe chuyện này là để nhấn mạnh một ý. Nghĩa cử của Lê Bá Dương, tự nó có một sức lay động lớn. Và việc thả hoa trên sông ở Quảng Tri đựợc kích hoạt bởi rất nhiều duyên cớ hội tụ với nhau. Từ đó đến nay việc thả hoa xuống sông Thạch Hãn, sông Bến Hải đã trở thành một nghĩa cử thường xuyên của nhân dân Quảng trị mỗi lần có lễ trọng. Riêng về lễ hội cách mạng ở Quảng Trị thì sau khi tổ chức thành công một loạt các kịch bản lễ hội như : Ngày hội thống nhất non sông lần 1 và 2; Lễ hội Nhịp cầu xuyên á ; Lễ hội Huyền thoại Trường sơn và Tri ân tháng bảy..Sở VHTT đã tổ chức hội thảo để giúp UBND tỉnh ban hành quy định chính thức về tên gọi, hình thức, thời gian tổ chức các lễ hội ở Quảng Trị. Theo đó hiện nay Quảng Trị duy trì các hoạt động lễ hội sau : Ngày hội thống nhất non sông tổ chức 5 năm một lần vào ngày 30/4 năm chẵn và năm tròn ngày giải phóng hoàn toàn Miền nam, thống nhất đất nước. Lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn được tổ chức lớn vào ngày 1/5 năm chẵn và năm tròn ngày giải phóng tỉnh Quảng Tri 1972. (Đương nhiên hàng năm vào dịp có các hoạt động lễ tưởng niệm liệt sĩ thì địa phương vẫn có việc thả hoa đèn ) Lễ hội Văn hoá-du lịch Nhịp cầu xuyên á, được tổ chức 3 năm một lần. Lễ hội Tri ân tháng bảy được tổ chức lớn vào năm chẵn và tròn kỉ niệm ngày thương binh liệt sỹ.
                                                                                   XUÂN ĐỨC 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét