Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Góp Nhặt . . . Còn có những điểm sáng . . . Và . ....


Đĩa mài sừng tê giác bày bán tràn lan tại làng gốm

Buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác đã bị cấm nhưng sức nóng và niềm tin vào loại "biệt dược" có thể chữa bách bệnh này càng trở nên nóng hơn bao giờ hết với những người lắm tiền nhiều của theo kiểu "phú quý sinh lễ nghĩa". Để phục vụ cho những người tin vào sự diệu kỳ của nó, một loại đĩa chuyên dụng để mài sừng tê giác được sản xuất rầm rộ và bày bán la liệt ở làng nghề gốm cổ truyền.

Mua bao nhiêu cũng có
Tin vào sự kì diệu của sừng tê giác có thể chữa bách bệnh từ đau đầu đến bệnh gút, bệnh nan y và thậm chí cả ung thư, tăng cường sức mạnh đàn ông, nhiều đại gia, những người lắm tiền nhiều của không tiếc tay, vung cả trăm triệu đồng để sở hữu khoảng 100 gam sừng tê giác. Thực chất, công cụ chế biến loại "thần dược" này khá đơn giản, thông thường chỉ cần mài sừng tê giác thành dạng bột pha với nước để uống là có thể chữa bách bệnh. Để mài được sừng tê giác chỉ cần một đĩa chuyên dụng, làm sao khi mài sừng không bị lẫn với các tạp chất khác. Vì thế mà một số làng gốm cổ truyền đã bắt tay vào sản xuất đĩa chuyên dụng để mài sừng tê giác phục vụ cho các bậc "đế vương" thời hiện đại. Những người thợ ở làng gốm, họ nắm bắt thị trường, nhu cầu của đại gia rất nhanh.
Tê giác có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn trộm lấy sừng
Nắm bắt được xu hướng đó cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều thợ gốm làng gốm Bát Tràng cổ truyền ở huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội đã bắt tay vào sản xuất đĩa mài sừng tê giác.  Tại chợ gốm ở Bát Tràng, chỉ nhìn qua các cửa hàng bày bán sản phẩm của họ là phát hiện ra, ki-ốt nào cũng có hàng bày bán sẵn. Dù không được bày bán ở những vị trí bắt mắt, nhưng là mặt hàng khá được "chuộng" trong thời gian gần đây nên chỉ cần hỏi mua là quý khách được đáp ứng nhu cầu ngay. Chúng được đặt ở vị trí sâu bên trong bởi những người biết và mua loại đĩa này phần lớn là đại gia, người thật sự giàu có hoặc những người bị bệnh thập tử nhất sinh, coi uống sừng tê giác là cơ hội cuối cùng để sống sót. Tuy nhiên, cũng có cửa hàng treo hẳn một biển nhỏ ghi rõ, có bán đĩa mài sừng tê giác.
Qua khảo sát của PV, những chiếc đĩa mài sừng tê giác được chia làm bốn cỡ, có đường kính khác nhau, loại 14cm, 16cm,  20cm và 22cm. Trong đó cỡ trung bình 20cm được nhiều người tìm mua nhất. Mặt trong của đĩa thô giáp, thành đĩa được tráng mem xanh hoặc trắng bóng láng có in hình một con tê giác với cái sừng dài hoặc chữ thọ, mặt dưới đĩa được in chữ "đĩa mài sừng" và hình con tê giác kèm theo địa chỉ nơi sản xuất "Bát Tràng - Việt Nam".
Chị Loan, chủ cửa hàng Loan Tuấn (kiot 76 chợ gốm Bát Tràng) cho biết: "Đĩa mài loại nhỏ, giá chênh nhau ít nhưng loại to thì chênh nhiều hơn. Với chất liệu gốm loại hai có màu xám hơn, loại kích cỡ nhỏ nhất có giá 40.000 đồng, tương ứng các kích cỡ tiếp theo là 60, 70, 80.000 đồng/ chiếc. Trong khi đó, đĩa mài gốm có màu trắng được bán với giá đắt gấp rưỡi đến gấp đôi. Nếu mua nhiều có thể giảm hơn một chút nữa".
Trò chuyện với ông chủ cửa hàng Đạt Hải (kiot 63 chợ gốm), chúng tôi được ông tiết lộ: "Cửa hàng của tôi chỉ bán cỡ 22cm, các loại cỡ khác, khách hàng ít mua lắm. Giá bán tùy thuộc vào chất liệu gốm sứ. Đĩa mài sừng được làm bằng chất liệu gốm tốt, được nung ở 1.350 độ nên có thể mài thoải mái và rất bền. Nếu chất liệu gốm nhẹ, kém, không đạt tiêu chuẩn về độ nung, sau khi mài xong sẽ không đảm bảo mùn của sứ có bị lẫn vào trong nước hay không". Theo ông chủ Đạt Hải, đĩa mài sừng tên giác, lượng tiêu thụ cũng ít, khách chỉ mua một đến hai cái, ai mua nhiều mới đến năm cái, chứ chưa có ai mua đến mấy chục cái liền một lúc. Cũng vì thế mà ở các cửa hàng, trữ lượng đĩa mài sừng tê giác không nhiều. Muốn mua số lượng lớn, khách phải đặt hàng trước thì chủ lò gốm mới sản xuất.
Chị Lan Anh ở cửa hàng Lan Anh (kiot 19) thì chia sẻ: "Cùng là loại chất liệu gốm sứ nhưng loại hàng sứ trắng nhiệt độ nung cao hơn, đất đẹp và khó làm hơn nên giá cao hơn. Còn hàng nhìn như men ngọc (hàng ôxi) thì giá thấp hơn một chút. Về cơ bản giá của loại đĩa này ở các cửa hàng như nhau, chênh lệch không đáng kể. Với lại lượng khách tìm mua không nhiều, toàn là khách đại gia, nhiều tiền nên họ không quan tâm nhiều đến giá cả mà họ quan tâm đến chất xứ và thẩm mỹ". Cũng theo bà chủ Lan Anh, nhiều mối lấy đĩa mài của chị còn ngỏ ý hỏi chị có nhu cầu mua sừng không để cung cấp nhưng chị không dám mua. Vì một miếng sừng giá hàng trăm triệu đồng, hơn nữa không biết thật, giả thế nào.
Bộ đĩa mài sừng tê giác có bốn loại kích cỡ khác nhau
Giá c đa dạng
Nằm ở vị trí lối vào cổng chợ nên cửa hàng của bà chủ hiệu Tâm Thuận có phần đắt khách, người ra người vào tấp nập. Khi chúng tôi đặt vấn đề mua đĩa mài sừng tê giác với số lượng lớn, bà Thuận không ngần ngại cho biết: "Hiện, đĩa mài sừng tê giác cũng khá nhiều người tìm mua. Cửa hàng của tôi có bốn kích cỡ khác nhau, từ nhỏ cho đến lớn và được làm từ hai loại chất liệu là loại đẹp và loại thường. Loại đẹp thì chất men trắng và mịn hơn, còn loại thường thì chất mem đen hơn. Vì thế, giá của sản phẩm phụ thuộc vào kích cỡ và chất liệu. Cùng một kích cỡ nhưng loại đẹp đắt gấp đôi loại thường. Hàng có sẵn không nhiều, nhưng nếu khách đặt thì bao nhiêu cũng có. Cỡ nhỏ nhất, loại thường có giá 35.000 đồng, loại to hơn chút có giá 70.000 đồng. Cứ tăng dần lên thế theo kích cỡ và loại đẹp thì gấp đôi lên. Nếu mua buôn với số lượng lớn thì sẽ được giảm giá từ 10.000 - 15.000 đồng/ đĩa".
Trong khi đó, tại cửa hàng gốm sứ Dũng Mai, bà chủ cửa hàng đưa ra mức giá khá hấp dẫn. Chị Mai cho biết: "Loại đẹp, cỡ lớn nhất có giá 120.000 đồng, nhỏ hơn 85.000 đồng, nhỏ hơn nữa là 70.000 đồng và nhỏ nhất là 50.000 đồng. Cả bộ bốn chiếc là 325.000 đồng, nhưng nếu mua nhiều sẽ được giảm còn 310.000 đồng/bộ, không thể thấp hơn. Cửa hàng sẽ đóng gói cẩn thận, đảm bảo an toàn hàng cho khách. Giá này là giá đã đóng gói và giao tại cửa hàng, chưa bao gồm công vận chuyển, nếu khách hàng có yêu cầu, cửa hàng sẽ chuyển đến tận nơi và người mua chịu chi phí vận chuyển".
Quy luật có cầu ắt có cung, điều này cho thấy dù ít hay nhiều thì xu hướng ngày càng nhiều người tìm đến loại "thần dược" sừng tê giác ngày càng đáng báo động. Trong khi đó, hội nghị lớn nhất hành tinh vừa diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) để thảo luận các biện pháp đối phó với nạn săn bắt trộm tê giác, Việt Nam bị liệt vào "tầm ngắm" và được coi là trung tâm tiêu thụ và sử dụng sừng tê giác của thế giới.
Như vậy, liệu việc sản xuất và buôn bán đĩa mài sừng tê giác có bị coi là một hành vi cổ súy, tiếp tay cho hoạt động buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng thiết nghĩ, việc buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác trái phép cần lên án và hình phạt cũng cần nghiêm khắc hơn. Đặc biệt cần tuyên truyền để mọi người hiểu rõ, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh "ghê gớm" như nhiều người vẫn nghĩ.    
Không thể xử phạt
Luật sư Lê Minh Trường, công ty Tư vấn luật Sunlaw cho rằng: "Buôn bán đĩa mài sừng tê giác, về mặt pháp lý, chưa có tiết chế nào để xử phạt việc sản xuất và buôn bán loại đĩa này. Và một thực tế hiển nhiên là không phải cứ cấm sản xuất và buôn bán đĩa mài sừng thì việc buôn bán trái phép sừng tê giác sẽ giảm. Hai điều đó không có mối liên hệ nào, xét về mặt kinh tế hay khoa học. Hơn nữa, đĩa mài sừng tê giác sản xuất ra không chỉ là để phục vụ vào việc mài sừng tê giác mà có thể mài sừng các con vật khác.
Kể cả khi họ để hình tê giác hay in chữ trên đĩa mài sừng tê giác thì đó cũng chỉ là một biểu trưng chứ không phải chứng cớ để khép tội. Hiện tại, về mặt pháp lý việc buôn bán tràn lan loại đĩa này không ảnh hưởng gì, vì nó có nguồn gốc xuất xứ và nhà sản xuất rõ ràng nên ta không thể cấm việc sản xuất. Còn nếu nghĩ rằng đó là việc tiếp tay hay cổ suý cho hành vi săn bắt và buôn bán sừng tê giác thì là hiểu dưới góc độ suy diễn. Không có cơ sở nào chứng minh việc một người thợ sản xuất ra 1.000 chiếc đĩa mài sừng thì sẽ có 1.000 con tê giác bị giết chết lấy sừng. Các nhà quản lý có thể xử phạt khi hành vi này bất hợp pháp, còn việc sản xuất kinh doanh là theo cung cầu của thị trường và đương nhiên không có lý do gì để cấm vấn đề này cả".  
Theo Người đưa tin





'Cá thần' trăm tuổi được nuôi làm thịt ở Hà Giang

Nghe nhiều lời đồn ở Hà Giang có những con “cá thần” kỳ lạ, sống lâu cả trăm năm tuổi, nặng ngót nghét trăm kg, đang được người dân nuôi làm thức ăn và cúng lễ, chúng tôi tìm về để mục sở thị.
Ông Nguyễn Văn Giằng nhẹ nhàng kéo cánh cửa gỗ có mái che phía trước ngôi nhà sàn rộng rãi, mời khách vào nhà. Thôn Hạ Thành (xã Phương Độ, TP.Hà Giang) vốn đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nên việc khách lạ đến tham quan sinh hoạt người dân là chuyện khá bình thường. Tuổi ngoài 80, ông Giằng vẫn rất khỏe mạnh, quắc thước. Ông đang tự mình nấu cám làm thức ăn cho đàn gà, đàn lợn của mình. Thấy khách hỏi thăm đàn cá lạ, người đàn ông dân tộc Tày vui vẻ chỉ xuống cái ao trong xanh.
Ao cá được đồn là có cá trăm năm tuổi.
“Cả ao này có chừng 2 - 3 tạ cá, nhưng chỉ có rất ít cá bỗng (giống "cá thần" ở Cẩm Lương, Thanh Hóa) thôi. Các anh đợi chút, tôi đem ngô ra nhử chúng lên ăn, tha hồ xem”, vừa nói, ông Giằng vừa nhanh nhẹn chui vào gầm sàn, hào phóng đem ra gần nửa chậu ngô. Cái ao của gia đình ông Nguyễn Văn Giằng được tận dụng gần như triệt để diện tích đất của gia đình. Ao "chui" cả vào nền bếp và gầm ngôi nhà sàn. Nước ao sạch nhưng khá sâu nên không nhìn thấy đáy.
Mặc dù ngô khô nổi lềnh bềnh trên mặt nước, nhưng không thấy một con cá bỗng nào ngoi lên đớp mồi. Ông Nguyễn Văn Giằng giải thích: “Có thể chúng sợ rét nên chui hết vào gầm bếp, không ra chăng?”. Chúng tôi nhòm qua khe nứt rộng của nền bếp, săm soi kỹ những chuyển động dưới nước. Ai cũng reo lên khi thấy có một con cá khá to đang lượn lờ. Thân nó cũng có nhiều màu đỏ ở đầu, vây và đuôi như loài “cá thần” ở suối cá Cẩm Lương.
Ông Nguyễn Văn Giằng đem ngô ra nhử cá.
Mọi người bắt đầu bàn tán về trọng lượng của con cá. Tôi khăng khăng cá chỉ tầm 10kg là hết cỡ, mặc dù anh cán bộ xã đi cùng cứ quả quyết nó nặng không dưới 20kg. Chủ nhà phân giải: “Đây là một trong 8 con cá lớn nhất của thôn Hạ Thành này. Trước đây chúng đều ở trong ao của tôi, nhưng gần đây tôi chia bớt 2 con cho người nhà. Từng nuôi chúng cả chục năm nay, đã quá quen thuộc nên dù chúng ở trong ao nào thì tôi vẫn dễ dàng nhận ra. Thực ra, trước đây thôn này nhiều cá to như vậy lắm. Cá biệt có những con nặng ngót 40kg. Còn nặng cỡ 20 - 30kg thì nhiều, vài chục con như thế. Cá này đều được bắt từ sông Lô, đem về thấy nhỏ thì thả vào ao nuôi cho lớn dần. Nhưng những năm chiến tranh, cư dân biên giới phía Bắc này phải đi sơ tán, không có ai nuôi và chăm sóc chúng, nên mất dần đi. Tám con cá lớn nhất hiện nay là số cá cỡ 7 - 8kg còn lại từ khoảng năm 1980. Nuôi lâu nhưng lớn chậm, nay chúng chỉ tầm 12kg thôi”.
Rất khó khăn để nhìn thấy cá lạ ở Phương Độ.
“Có nghĩa rằng chúng không phải là những “cụ” cá 100 năm tuổi?”, tôi hỏi. “Tôi sống hơn 80 tuổi đời rồi, chưa từng thấy ở Hà Giang này có con cá bỗng nào già như vậy. Nhiều nhất cũng chỉ là những con cá trong ao nhà tôi thôi, nhưng chưa con nào đến 40 tuổi cả”, ông Nguyễn Văn Giằng trả lời.
Chưa nhìn thấy kỹ càng những con cá lạ, chúng tôi lại ngược đến nhà ông Nguyễn Văn Đoàn để xem. Nhà ông Đoàn không có ai ở nhà. Đàn cá bỗng thấy bóng người thì chạy rẽ sóng trong ao cạn trước ngõ. Cái ao bé như một vũng nước, sâu độ vài gang tay, có đám bèo non cho cá bỗng trú ẩn. Dùng cây sào chọc cho động nước, đám cá lại phóng vụt đi, không con nào dám lại gần.
Nhưng từ trên bờ có thể nhìn thấy rất rõ đàn cá, gần 10 con. Chúng có những chiếc vây hồng, môi hồng, đuôi hồng rất đẹp. Con to nhất đàn nặng chừng 6 - 7kg. Chủ nhà đi vắng, nên dù rất muốn nhưng chúng tôi không thể dùng lưới xúc cá lên để xem cho rõ chúng có giống cá ở Thanh Hóa không?
Cá bỗng ở nhà ông Nguyễn Văn Đoàn.
Tôi cũng từng nhiều lần xem đàn “cá thần” ở suối Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), nhận thấy chúng có những điểm gần giống nhau, đều có nguồn gốc ở các con sông lớn (sông Lô, sông Mã). Màu sắc, hình dáng khá tương đồng, có lượng màu đỏ hồng ở những bộ phận nhất định. Dù người Hà Giang gọi là cá bỗng, nhưng người xứ Thanh gọi là cá dốc, nhưng có vẻ chúng đều cùng một chủng loại.
Điểm khác biệt cơ bản ở đây chính là “thái độ” của loài cá với người. Cá ở suối Cẩm Lương (và nhiều suối khác mới phát hiện ở Thanh Hóa) khá gần gũi thân thiện, không sợ người. Kể cả hàng chục người xung quanh chuyện trò, chỉ chỏ huyên náo chúng vẫn cứ bơi lững lờ nhưng chẳng cần bận tâm.
Cá bỗng giống với "cá thần" ở Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa).
Thậm chí, một số người cầm chiếc lá, cọng cỏ giơ sát mặt nước, chúng có thể nhảy lên đớp gọn. Không như ở Phương Độ, cá trốn chạy rất nhanh khi có người đến gần. Thức ăn thả đầy mặt nước, nhưng có tiếng động chúng cũng không dám nổi lên.
Vén lớp màn bí ẩn của những con “cá thần”, người ta biết, hàng chục năm trước, nhiều người đã từng ăn cá ở Cẩm Lương mà chẳng ai bị thần linh “quở phạt” gì cả. Nhưng có một sự thực là tín ngưỡng lâu đời thờ các vật linh của người Mường địa phương (cụ thể ở đây là đàn cá và thần rắn) luôn được tôn trọng.
Nhưng dù gì đi nữa, chuyện con cá bỗng (dốc) có thể sống cả trăm năm, nặng cả tạ thì thực phi lý. Chúng cũng có vòng đời bình thường như những loài cá khác. Nhưng nếu tôn trọng, bảo vệ chúng, những hiệu quả khác đem lại cho người dân là rất nhiều, như những gì suối cá Cẩm Lương đang đem lại.

Theo Zing





Một 'địa ngục' không thể hình dung nổi ở Việt Nam



Những hình ảnh được tạp chí Spiegel Online của Đức ghi nhận bằng camera bí mật ở Việt Nam khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng trước thảm trạng của các loài linh trưởng ở nơi đây.

Việt Nam là nơi sinh sống của nhiều loài linh trưởng đặc hữu và quý hiếm bậc nhất trên thế giới. Đáng buồn thay, đây cũng là nơi mà sự tồn tại của các loài vật họ hàng gần với con người này bị đe doạ nặng nề nhất. Nguyên nhân chính của thực trạng này chính là thói quen ăn thịt khỉ của một bộ phận người dân và sự hoạt động của hệ thống nhà hàng bán thịt khỉ.

Cảnh báo: Nội dung dưới đây có nhiều hình ảnh nhạy cảm.


Do người nước ngoài không thể thâm nhập được vào những nhà hàng bán thịt khỉ, Spiegel Online đã cử một cộng tác viên người Việt đóng vai một khách hàng đang tìm nguồn cung cấp thịt khỉ cho nhà hàng ở Hà Nội. Người này đã được tiếp cận nhà bếp và kho trữ của nhà hàng và ghi lại những hình ảnh vô cùng kinh khủng.


Trong gian phòng tối, con khỉ còn sống bị trói quặt tay ra sau lưng. Người đầu bếp dúi nó xuống sàn. Một người phụ nữ xối nước nóng vào nó để người kia vặt lông. Con khỉ không kêu la, nhưng nó giẫy giụa mãnh liệt. Người đầu bếp dùng con dao to đập nhiều nhát vào cái đầu trọc của con khỉ. Khi đã chết hẳn, người ta bắt đầu phanh thây nó.


Người phụ nữ hứng máu khỉ vào một cái túi nilon. Con khỉ được đưa sang trong phòng bên cạnh. Ở đó có hai xác khỉ đã được làm lông và loại bỏ nội tạng. Sẽ không có phần nào của những con khỉ bị bỏ sót. Chúng sẽ được chế biến thành món ăn hoặc các vị thuốc theo kiểu truyền thống Trung Quốc. Bà chủ quán cho biết có thể cung cấp hàng trăm con khỉ trong ít tuần. Mặc dù không được pháp luật cho phép nhưng thịt khỉ vẫn được phục vụ bán công khai tại nhiều nhà hàng.


Tại một vùng gần biên giới Việt Nam, nhà hoạt động bảo vệ môi trường Karl Ammann đã mua từ người dân một con cu li, một loài thuộc họ linh trưởng.


Con cu li này kém may mắn hơn nhiều. Nó đã bị hành hạ đến chết tại một ngôi làng miền núi gần biên giới Lào - Việt Nam. Sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện cơ sở hạ tầng chỉ khiến cho số phận của các loài linh trưởng trở nên thê thảm hơn. Con người đã có thể xâm nhập những vùng hẻo lánh nhất của Đông Nam Á, trong khi việc ăn thịt thú hiếm trở thành một thứ mốt thời thượng.

Những bộ xương của cu li tại một khu chợ ở Mong La, Myanmar, gần biên giới Trung Quốc. Thịt nhiều loài linh trưởng được coi là một món ăn ngon, cũng như vị thuốc quý tại một số khu vực của châu Á.


Ông Kloeble George, chuyên viên hỗ trợ phát triển của Đức và nhóm kiểm lâm đã giải thoát cho nhiều cá thể cu li tại vùng rừng thuộc tỉnh Thanh Hoá, Việt Nam. "Ở khắp mọi nơi trong khu vực này đều có các nhà hàng phục vụ thịt khỉ", ông cho biết.


Kloeble và các cán bộ kiểm lâm Việt Nam bên một con khỉ vừa được tịch thu từ những kẻ nuôi giữ trái phép. Cuộc đấu tranh chống lại sự tàn sát khỉ trong các nhà hàng là cuộc đấu tranh rất gian nan. Cần có cả một hệ thống “tình báo” để có thể tìm ra các nhà hàng đó. Những nhà hàng mới thì mọc lên ngày càng nhiều.


Ở nhiều nơi, săn khỉ được coi là một môn thể thao giải trí. Vào cuối tuần, cánh thanh niên chạy xe máy vào rừng để săn bắt lũ khỉ. Những con khỉ sẽ được đem bán ở chợ để làm thịt, làm thuốc, hoặc cũng có thể là làm vật nuôi trong nhà.


Tương lai của các loài linh trưởng ở khu vực Đông Nam Á rất bấp bênh. Việc bảo vệ và phục hồi chúng sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng không thể không làm điều đó.


Hiện tại, George Kloebles đang làm việc tại một trạm kiểm lâm ở Thanh Hoá dưới sự phân công của một tổ chức viện trợ phát triển Đức nhằm bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh này.


Các cán bộ kiểm lâm Việt Nam vừa tịch thu được hai chú gấu đen còn nhỏ. "Chúng được nuôi bằng thức ăn trẻ em và các loại hoa quả, với chi phí lên tới 1.500 Euro cho mỗi con gấu một năm," Kloeble nói. Hiện tại, trạm kiểm lâm của ông đang nuôi 17 con khỉ, gấu đen và hai chủ tê tê nhỏ. Với việc ngày càng nhiều động vật được tịch thu, trong tương lai trạm kiểm lâm có thể sẽ trở thành một vườn thú nho nhỏ.


Chỉ có một tỉ lệ rất ít động vật rơi vào tay thợ săn được kiểm lâm giải cứu. Đại đa số không được may mắn như vậy. Trong ảnh là một con cầy sắp bị xẻ thịt taị một ngôi làng ở Lào, gần biên giới Việt Nam. Nhiều cánh rừng đã bị chặt phá đến mức trống rỗng tại khu vực này.
Theo Người đưa tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét