Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

38 năm qua . . .Nhìn lại . . . Con đường trước mặt . . .




Lấy đâu ra “con người XHCN” để xây dựng thành công CNXH?

Ls Trần Ngọc Phong
connguoixhcnCopy5Ngày 30/4 này là đã 38 năm đất nước thống nhất, dồn lực xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Thế mà tới nay chúng ta vẫn chưa xây dựng xong chế độ XHCN như “Bác Hô và nhân dân đã chọn” ( lời của Đảng). Một xã hội cái gì cũng hay, cũng đẹp, không còn giai cấp lãnh đạo hay bóc lột, mọi người hưởng thụ theo nhu cầu, ai cũng ấm no, hạnh phúc … thì ai mà chẳng muốn. Nhưng chưa bao giờ thấy, dù chỉ thoảng qua, vì sao?
Tôi bèn lên Google đánh câu : “ Vì sao chưa xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội?”. Kết quả là … không có trả lời nào !
Suy nghĩ một lát, tôi liền nhớ Bác Hồ có nói: “muốn xây dựng thành công CNXH thì phải có những con người XHCN”. Ngày còn đi học ở trường Đại học kinh tế TP.HCM, tôi được giảng và nhớ đại khái con người XHCN rất là hay, và phải là người: vô sản (không có tài sản riêng), luôn sẵn sàng hy sinh vì mọi người, có lý tưởng cao đẹp, có tri thức …vv.
Tôi ngồi nghĩ hoài, chẳng thấy ai trong số những người mình quen, hoặc biết xứng đáng là con người XHCN cả. Tôi lại tự hỏi: vậy lấy đâu hay từ đâu mà có được những con người XHCN?
Thế là tôi lại tiếp tục tìm trên mạng internet. Thì vừa may, tìm được bài “ Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới”. (tại đây)
Trong phần “Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người và chiến lược trồng người”, chỉ ra rõ là “Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người XHCN”. Và giải thích thế này: “Con người XHCN đương nhiên phải do CNXH tạo ra”. (Xin nói rõ : Đây là tài liệu chính thống đang được giảng dạy ở các trường Đại Học. Khoảng những năm 1990, khi tôi đang học đại học thì chưa có môn “tư tưởng Hồ Chí Minh” này).
Đến lúc này và theo đó, tôi mới vỡ lẽ là: Thì ra lâu nay chúng ta chưa có những “con người XHCN” là vì chúng ta chưa có CNXH. Cương lĩnh, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam tới nay đều khẳng định là chúng ta đang xây dựng, chứ chưa có CNXH.
Thế nhưng, Bác Hồ lại dạy là “muốn xây dựng CNXH thì trước hết cần phải có con người XHCN”. Thế mới khó chứ. Việc này sao thấy cứ như là đánh đố theo kiểu: con gà có trước hay quả trứng có trước.
Chợt nhớ cách nay cũng chưa lâu, ở TP.HCM có qui định là muốn có hộ khẩu thành phố thì phải có nhà ở thành phố. Mà muốn có nhà ở TP thì phải có hộ khẩu ở TP. Làm người dân, trong đó có tôi, phải kêu trời ! May quá, sau đó có Luật cư trú, nên mới thoát được cảnh “thách đố” nhau như vậy.
Quay lại chuyện xây dựng CNXH ở nước ta. Theo tôi được học, thì chính chủ nghĩa Mác – Lê Nin cũng chỉ đưa ra mô hình XHCN dựa theo trí tưởng tượng của mình. Còn trên thực tế chưa từng có. Và khoảng 200 quốc gia trên toàn thế giới hiện nay, hình như cũng chỉ có duy nhất Việt Nam mình là chọn con đường XHCN.
( Có người nói là Trung Quốc, hay Triều Tiên, Cu Ba cũng chọn con đường XHCN. Nhưng thực ra không phải. TQ là nước đa đảng, còn Triều Tiên và Cu Ba thì giống như phong kiến thì đúng hơn, chế độ cha truyền con nối, hoặc anh nhường cho em…).
Như vậy, nói túm lại, thắc mắc của tôi là : chúng ta chưa có CNXH, thì làm sao có con người XHCN ? Mà chưa có con người XHCN thì làm sao có thể xây dựng CNXH được? Bác nào biết vui lòng giải thích dùm !
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


Chính trị của quân đội chính là ” Vì nước, vì dân”


Thư ngỏ kính gửi thiếu tướng Bùi Phan Kỳ
Trung voi Nuoc2 Tôi là Lương Minh Châu, 87 tuổi đời, 67 tuổi Đảng, cũng là quân nhân đã nghỉ hưu. Như vậy tôi với thiếu tướng vừa là đồng niên vừa là đồng đội, đồng Đảng. Tuy không quen biết và cũng không có vinh dự cùng làm việc với nhau thời gian trong quân ngũ, nhưng chiều ngày 13-3-2013, tôi được nghe đồng chí phát biểu trong buổi tọa đàm về phi chính trị hóa quân đội (qua TV), tôi thấy có đôi điều muốn trao đổi với đồng chí, rất mong đồng chí tha thứ cho sự mạo muội này và để tâm nghe nhé.
Trong buổi tọa đàm góp ý vào bản hiến pháp sửa đổi, tôi nghe thiếu tướng nói: “Nếu phi chính trị hóa, quân đội sẽ là đội quân phi chính nghĩa, thiên lôi chỉ đâu đánh đó hay là thứ robot vũ lực chứ không phải quân đội có đầu óc nữa”.
Theo tôi, nếu có cái thứ quân đội như đồng chí nói thì chỉ là bọn lính đánh thuê, bọn ‘lê dương’, chứ không phải là quân đội. Đã là quân đội của một quốc gia thì không bao giờ có loại quân đội phi chính trị cả. Quốc gia nào cũng vậy, lập ra quân đội là để chống ngoại xâm, bảo vệ và giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc, đó là mục đích và nhiệm vụ thiêng liêng nhất của quân đội. Chính phủ và đảng cầm quyền phải có trách nhiệm chăm lo giáo dục cho quân đội tinh thần yêu nước và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc. Đảng cầm quyền cũng phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc. Một quân đội không có tinh thần yêu nước, không tuyệt đối trung thành với Tổ quốc thì quân đội ấy không thể có tinh thần chiến đấu cao, chiến đấu dũng cảm được, đó là nguyên lý. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Quân đội nhân dân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu“, chứ không phải phục vụ cho một đảng phái chính trị hay một nhóm, một tập đoàn lợi ích nào. Cho nên, chính trị của quân đội chính là tận trung vơi nước, tận hiếu với dân.
Thiếu tướng nói: “Quân đội phải tuyệt đối trung thành với chủ thể đã lập ra nó, điều đó đã được lịch sử khẳng định từ thời phong kiến”(!!!)
Thời phong kiến, để bảo vệ ngai vàng của vua chúa và cả dòng họ, chúng đề ra giáo lý tam cương:
Quân thần cương (đạo vua tôi)
Phụ tử cương (đạo cha con)
Phu phụ cương (đạo vợ chồng)
Đặc biệt chúng đề cao ‘quân thần cương’: “Vua bảo chết thì bề tôi phải chết, bề tôi không chết là bất trung” (Quân xử thần tử / Thần bất tử bất trung).
Chế độ phong kiến coi tam cương là mẫu mực của đạo đức nên đã giáo dục rất sâu sắc và thực hành rất triệt để nội dung đó. Nó đã ăn sâu bám rễ vào toàn xã hội thời phong kiến. Đất nước là của Vua, nhân dân là con dân của vua,đất đai, rừng núi sông ngòi…tất cả đều là của vua.
 thiếu tướng Bùi Phan Kỳ
Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ
Cái giáo lý ấy đến nay vẫn còn phảng phất tồn tại trong một số cái đầu cổ hủ, có khi họ còn coi đó là đặc trưng văn hóa Phương Đông, nhưng dân tộc Việt Nam ta, ngay trong thời phong kiến đã có rất nhiều tấm gương không ngu trung như vậy. Tôi xin nêu vài ví dụ: Lý Công Uẩn là một vị tướng triều tiền Lê, từng phò Lê Đại Hành đánh thắng quân xâm lựơc Tống, nhưng khi Lê Ngọa Triều (là con đẻ Lê Đại Hành, nối ngôi đúng theo luật lệ đương thời) mà hoang dâm tàn ác, sát hại trung lương, trở thành ‘hôn quân’, thì Lý Công Uẩn đã lật đổ triều tiền Lê, lập ra triều Lý. Hay như tướng quân Trương Định, khi triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng Pháp, ra lệnh bãi binh, tướng Trương Định vì yêu nước,quyết không chịu bãi binh, mà nêu khẩu hiệu “tham quan mãi quốc, triều đình khi dân ”(nghĩa là: bọn tham quan bán nước, triều đình khinh dân) và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đó là những tấm gương sáng, chỉ phục tùng và chịu sự lãnh đạo chỉ huy khi chủ thể ấy còn một lòng vì dân vì nước. Khi họ đã thoái hóa biến chất trở thành lực cản sự phát triển của dân tộc thì không thể phục tùng một cách mù quáng được, đó là thời kỳ phong kiến đấy. Tôi chỉ xin nêu vài ví dụ thế thôi, tôi không có ý kết luận thiếu tướng nói như vậy đúng hay sai, xin thiếu tướng đại xá cho.
Trong buổi tọa đàm ấy, thiếu tướng nói: “Nếu quân đội chỉ trung thành với tổ quốc là phi chính trị hóa quân đội, là tự hạ thấp mình thành thiên lôi chỉ đâu đánh đấy”(!!!).
Một quân đội có tinh thần yêu nước và chỉ trung thành với TỔ QUỐC mà bị đồng chí đánh giá như vậy ư? Tôi không nhận xét đồng chí nói như thế đúng sai ra sao, tôi chỉ xin nêu một ví dụ: Hồng quân công nông do Lênin và đảng Bolchevik sáng lập, đã chiến đấu lật đổ chế độ Sa Hoàng và đập tan bọn Bạch vệ, rồi sau đó đã cùng nhân dân Liên Xô ,dưới sự lãnh đạo của đảng CS Liên Xô, đã chiến đấu vô cùng anh dũng, tieu diệt hoàn toàn chủ nghĩa phát xít ở tận hang ổ của chúng, không những cứu Liên Bang Xô Viết mà còn cứu cả nhân loại…Hồng quân Liên Xô, KGB, lực lượng cảnh sát LX đều do đảng cộng sản Liên Xô lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện; tất cả sỹ quan từ cấp thiếu úy đến cấp tướng, nguyên soái đều là đảng viên đảng CSLX, thế mà trong những năm 1989-1990-1991, do một bộ phận không nhỏ đảng viên ở cấp cao thoái hóa biến chất, nội bộ đảng mâu thuẫn bè phái chia rẽ sâu sắc, mất hết lòng tin của nhân dân, Gorbachev đã tuyên bố giải tán đảng,khiến đảng CSLX tan rã, mất hết quyền lãnh đạo nhưng Hồng quân LX, KGB, cảnh sát đều án binh bất động.Các nước thuộc Liên Xô cũ thì lấy ngày LX tan rã làm ngày quốc khánh của mình, còn quân đội của nước nào trở về nước đó, tiếp tục làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình là bảo vệ Tổ quốc.
Tại sao cùng một quân đội do đảng tổ chức và lãnh đạo, khi sự yên bình và lợi ích nhân dân bị chà đạp, khi giặc ngoại xâm đe dọa đất nước, khi Tổ quốc lâm nguy thì chiến đấu ngoan cường như vậy,dù phải hi sinh cả tính mạng cũng không sờn lòng nản chí. Nhưng khi đảng thoái hóa biến chất trở thành lực cản sự phát triển của quốc gia dân tộc thì quân đội không bảo vệ, mặc dù đảng đó đã tổ chức ra nó? Như vậy rõ ràng quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc và chỉ chịu sự chỉ huy lãnh đạo của đảng khi đảng cũng trung thành với tổ quốc và không thoái hóa biến chất…Một quân đội biết phân biệt đúng sai, chỉ kiên quyết ủng hộ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, không đồng tình ủng hộ cái sai có hại cho quốc gia dân tộc là một quân đội chân chính, một quân đội không hề thiếu tính chính trị, đúng không thưa thiếu tướng? Chúng ta đều biết quân đội liên bang Nga ngày nay có một bộ phận lớn là nòng cốt của quân đội Liên Xô trước đây. Hầu hết sỹ quan tướng lĩnh đều được đào tạo từ thời Liên Xô. Quân đội Nga ngày nay không còn chịu sự lãnh đạo của đảng CS Nga, chỉ phục tùng sự chỉ huy của chính phủ mà trực tiếp là Tổng thống. Quân đội Nga ngày nay là đối thủ đáng gờm nhất của quân đội Mỹ và khối NATO. Vậy theo thiếu tướng, quân đội Nga ngày nay có phải là robot vũ lực không? Có phải là quân đội không có đầu óc không?
Trung voi Nuoc3
Trong buổi tọa đàm do báo QĐND tổ chức, đồng chí nói: “Nếu quân đội trung thành với tổ quốc thì tổ quốc ở đây là của ai, vì ai, do ai? Không bao giờ có tổ quốc chung chung cả, tổ quốc phải gắn liền với chế độ ”Xin thưa, Tổ quốc là của toàn thể nhân dân, Tổ quốc VN ngày nay là của 90 triệu đông bào các dân tộc cùng chung sống trên đất nước VN, chứ không phải là của riêng ai hay một nhóm người nào. Do ai ư? Xin thưa: do tổ tiên, ông cha ta biết bao thế hệ, dầy công khai phá, bồi đắp xây dựng và bảo vệ bằng mọi giá, của hàng triệu triệu anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu hy sinh mới có ngày nay cho chúng ta thừa hưởng. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng, như Bác Hồ nói với các cán bộ chiến sỹ đại đoàn Quân tiên phong (F 308): “ Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Còn nói rằng: tổ quốc phải gắn liền với chế độ? Xin thưa, tổ quốc dân tộc là phạm trù vĩnh cửu không bao giờ thay đổi, chế độ là phạm trù lịch sử. Chế độ này thoái hoá trở thành lực cản trở sự phát triển của xã hội thì có chế độ khác tiến bộ hơn thay thế, đó là lẽ tự nhiên. Nó đúng với quy luật phát triển của xã hội. Ngay cả Mác và Ăng ghen cũng từng nói: xã hội phát triển và tiến bộ không ngừng kia mà? Khi anh (chế độ) còn một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì nhân dân tin theo, nhưng khi anh đã thoái hóa biến chất trở thành hôn quân bạo chúa thì dân không tin nữa, dù anh đưa hết luật này luật nọ ra thuyết, dân vẫn không tin theo.
Thiếu tướng đã yêu cầu khán giả truyền hình: “Hãy chỉ cho tôi, có quốc gia nào trong số 200 quốc gia trên thế giới, quân đội không phục tùng một chính đảng?” Thưa thiếu tướng, nhiều lắm ạ, không thể kể hết! Đó là những quốc gia có đa đảng đối lập. Chỉ xin nêu vài ba nước: nước Mỹ lúc thì đảng Dân chủ cầm quyền, lúc thì đảng Cộng hòa cầm quyền, quân đội chỉ chịu sự chỉ huy của chính phủ mà trực tiếp là Tổng thống. Nước Pháp lúc thì đảng Dân chủ, lúc thì đảng Xã hội cầm quyền, quân đội cũng chỉ phục tùng sự chỉ huy của chính phủ mà trực tiếp là Tổng thống. Ngay trong khối ASEAN như Indonesia, Philipines cũng thế.
Xin đừng quên sự kiện lịch sử: ngày 26-5-1946 nhân dịp trường võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là trường sỹ quan lục quân 1) khai giảng khóa đầu tiên, Bác Hồ tới dự và đã trao tặng cho hơn 300 cán bộ học viên nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng “TRUNG VỚI NƯỚC HIẾU VỚI DÂN”. Bác đã nói: “Trung với nước hiếu với dân là bổn phận cao cả thiêng liêng nhất và cũng vinh dự nhất của anh em”. Năm 2011, nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản cuốn sách tựa đề “ 65 năm dưới lá cờ Trung với Nước Hiếu với Dân” do đồng chí Võ Hợp chủ biên nhân kỷ niệm khai giảng khóa 1 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Cũng xin đừng quên nhạc hiệu buổi phát thanh Quân đội nhân dân vẫn là bài VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH.
 Chào thân ái
Lương Minh Châu
(Đại tá Q Đ về hưu, Nhà T1 phố Phương Mai
Quận Đông Đa Hà Nội – ĐT: 04 38528029)




Con đường trước mặt


Nguyễn Khoa Điềm
images640364_Nha_tho_Nguyen_Khoa_Diem_Toi_song_cung_nguoi__chet_vi_nguoi_phunutoday.vn_1NQL: Bác Nguyễn Khoa Điềm vừa gửi cho Quê Choa bài thơ mới, viết trong tháng tư này. Cảm ơn bác rất nhiều.
Những ai đã đọc trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm sẽ hiểu Con đường trước mặt hôm nay cũng chính là Mặt đường khát vọngnăm xưa nhưng ở một tâm thế khác, tậm thế của một người cộng sản sau nửa thế kỉ chiêm nghiệm về con đường mình đã chọn: Trăm năm rồi ta đếm bước sông Hương/ Vẫn soi thấy niềm đau và nổi giận
Chúng ta phải thay đổi tất cả
Kể cả từng chiếc cúc áo
Miễn là Tổ quốc phải thật sự độc lập
Nhân dân được tự do
Con em ta lớn lên
Làm người vinh dự
Tôi không tin
Trước khi bảo vệ chủ quyền ta phải bảo vệ chính ta
Trước khi ban bố dân chủ tự do ta phải dựng pháo đài
Mà chính là phải bảo vệ người ngư dân đơn thân trên biển
Bảo vệ từng đồng tiền trong ngân khố
Bảo vệ từng ngọn núi không bị chặt phá, mồ côi
Bảo vệ từng ngôi mộ tổ tiên
Bảo vệ từng người dân cày đang khát đất
Trước khi bảo vệ mình ta phải làm tất cả
Cho Tổ quốc, nhân dân
Như người cộng sản năm 30
Bị đày lên rừng, bị đưa ra bể
Chúng ta vẫn sinh sôi, tồn tại

Tôi không tin cộng sản là mớ lý thuyết
Mỗi người phải thuộc
Mà tôi tin điều tốt chúng ta làm được
Tôi tin điều tốt trong mỗi người
Được nhìn nhận
Không kể ai
Có thể làm một điều gì cho dân, cho nước
Tôi chán ghét
Những vàng bạc chúng ta cấp phát cho mọi người
Kể cả đức tin và kim chỉ
Không hề làm nên sức mạnh

Niềm hy vọng,
Luôn luôn là niềm hy vọng
Phải thay đổi
Cho dù cái chết rình rập chúng ta
Nhân dân muôn đời làm ra lịch sử
Và chúng ta, người cộng sản
 4.2013






38 năm- Nhà nước của một nửa


544353_147668422072585_1248067284_nNhiều đêm tôi không tài nào ngủ được. Cứ nghĩ đến đất nước từ sau năm 1975 đến nay, đã 38 năm gọi là “thống nhất” nhưng thực tế lòng người chưa về một mối. Thực tế vẫn tồn tại hai loại người: Người phe của cách mạng và người thuộc phe “ngụy quân ngụy quyền”. Hai “loại người” cùng sống trong một làng, ấp, xã này khác biệt nhau từ ý thức hệ đến những chế độ chính sách cụ thể hàng ngày. Những phân biệt đối xử như vậy khiến người dân liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền” cứ nghĩ: Nhà nước này là nhà nước của những người cách mạng, không phải nhà nước của mình. Nghĩa là NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA. Cụ thể như thế nào ?
1.Từ sau năm 1975 đến nay, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã thi hành chính sách bắt những người có chức vụ trong chính quyền Sài Gòn và sĩ quan quân lực Sài Gòn, sĩ quan anh ninh, tâm lý chiến đi cải tại các trại tập trung. Thực chất là đi tù. Cải tạo lâu đến nỗi nhiều người vợ ở nhà lấy chồng khác. Khi ra khỏi trại thành kẻ lạc loài. Rồi chính sách cải tạo công thương nghiệp làm cho nhiều người điêu đứng phải vượt biên.. Rồi trấn áp, bắt bớ người vượt biên. Một số địa phương ven biển còn lợi dụng “bắt vượt biên” để trấn vàng, trấn của. v.v..Nhà nước lúc đó không hề có một chính sách nào hướng dẫn, giúp đỡ những người gọi là “ngụy quân ngụy quyền và con em của họ” ổn định đời sống tinh thần và vật chất. Giả sử có một chính sách nhân đạo, hòa giải từ đầu thì đã không có chuyện hành trăm ngàn người vượt biên bỏ xác trên đại đương, gây nên một mối hận lớn trong xã hội, vì thế Nhà nước không phải của họ, mà nhà nước là của những người cách mạng.
2. Trên TuầnViệt NamNet có in bài báo kể chuyện một anh lính Sài Gòn .”Anh tên Ngô Công Vò, quê xã Thủy Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế, đi lính cho chế độ Sài Gòn năm 1970. Anh bị thương trong ngày cuối cùng của chiến tranh. Bây giờ dù tàn tật vẫn phải lao động vất vả để nuôi con vừa phải đối mặt chiến tranh khi chiến tranh đã đi qua, và về tình người. Anh kể :”So với nhiều anh em lính chế độ cũ, tôi còn may mắn hơn nhiều. Nhưng cuộc sống vẫn vất vả lắm. Anh em thương binh phía Bắc còn có chế độ, chứ chúng tôi chẳng có gì, làm việc quần quật mà chẳng đủ nuôi vợ con“. Đáng lẽ Nhà nước XHCN phải có một giải pháp nào đó đối với những người “thương binh của quân đội Sài gòn”, bằng những trợ cấp dưới góc độ nào đó, hoặc đàm phán với Chính phủ Mỹ để giải trợ cấp cho họ, để họ có đường sống. Nghe nói Chính phủ Mỹ đề nghị được trợ cấp cho thương phế binh quân đội Sài Gòn (cũ), nhưng Nhà nước Việt Nam không thống nhất (?). Ở Huế tôi thấy rất nhiều trí thức học hành tử tế, kiến thức về văn hóa xã hội uyên bác, là viên chức, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn thời chính quyền Sài Gòn cũ, nhưng sau năm 1975 , bị ném ra đường, thành NHỮNG NGƯỜI ĐẠP XE THỒ, ĐI RÀ SẮT VỤN kiếm sống. Đối với anh em trí thức này, mặc cảm xã hội của họ là rất lớn. Phân biệt đối xử tới mức cho đén tận hôm nay, vẫn có nhiều người trong qhính quyền , khi nhắc tới con em những người làm việc dưới chế độ cũ là :”Con em bọn ngụy quân ngụy quyền”. Nhiều nhà văn, nhà thơ, đạo diễn điện ảnh đã cố gắng , bằng sáng tác của mình để rút ngắn sự cách biệt này, như bộ phim “Sống trong sợ hãi“, là bộ phim truyện nhựa đầu tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Phim kể về cuộc sống của một cựu chiến binh Việt Nam cộng hòa phải sống cuộc đời vất vả mạo hiểm là đào bom mìn còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh đem bán; và cuộc sống căng thẳng của ông với hai người vợ, trong đó có một người là em gái một sĩ quan Bắc Việt Nam. Bộ phim cảm động làm cho mọi người Việt hiểu thêm rằng dù ‘bên này’ hay ‘bên kia’, nỗi đau đều giống nhau. Nhưng những cố gắng đó đều bị chính sách phân biệt đối xử của NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA làm cho tiêu tan.
3. Ngay trong chính sách tuyển dụng, biên chế, chính sách xét tuyển đại học, chính sách trợ cấp xã hội ở nông thôn.vv.v.. Nhà nước XHCN cũng phân biệt đối xử rất ngặt nghèo. Chính sách ban hành chỉ dành cho một nửa, tức là “con em những người cách mạng”. Còn những người dính líu đến “bên kia chiến tuyến” thì lúc nào cũng nằm ngoài sự quan tâm đó. Ví dụ có ông giáo ( thời cũ) sống rất nhân văn, lại có trình độ để xử lý công việc nhanh nhạy, chính xác, nhưng khi bầu “Tổ trưởng dân phố” liền bị trên gạt đi vì “ngụy quyền cũ”. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc với dân thì chỉ tiếp xúc với “thành phần cốt cán” được chọn trước. Lãnh đạo đảng, nhà nước về thăm thì chỉ thăm Bà me VN anh hùng, thăm gia đình cách mạng, không bao giờ ngó ngàng tới loại “phó thường dân hạng hai” ấy. Thời bao cấp hơn 15 năm sau năm 1975, con em lính và công chức Sài Gòn cũ không bao giờ được vào các trường đaị học, dù điểm thi rất cao. Mãi đến đầu thế kỷ XXI, sau gần 10 năm “đổi mới”, con em của “một nửa không chính quyền” mới được đi học các trường Quốc tế, trường Dân lập và một số trường Đại học chính quy. Mấy năm nay, người từ 80 tuổi trở lên có chính sách trợ cấp hàng tháng, may mà các cụ già “ngụy quân ngụy quyền” được nhớ tới. Ở làng xã các tỉnh miền Nam, “chế độ đối với người có công với cách mạng” là tốt, nhưng nó cũng như cơn dao hai lưỡi, cứa sâu thêm vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc.
4. Vướng vào chiến tranh là số mệnh đau thương của đất nước. Gần chục triệu người Việt Nam hy sinh vì cuộc đọ sức giữa hai phe trong cuộc chiến tranh lạnh. Người còn sống đau khổ, người chết vẫn chưa yên . Nhà thơ Nguyên Duy có câu :” Bên nào thắng thì nhân dân vẫn thua”. Quá đúng. Hàng trăm ngàn hài cốt “con em miền Bắc” vẫn còn nằm trong đất Việt Nam – Lào-Cămphuchia, chưa tìm về được. Hàng triệu hài cốt chiến binh Sài Gòn tử trận giờ không ai hương khói vì người thân của họ đi di tản ra nước ngoài. Ngay cái nghĩa trang 16.000 binh sĩ Sài Gòn tử trận ở Dĩ An, Biên Hòa 38 năm nay cỏ hoang mọc lút. Tháng 11 năm 2006, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 1568/QD-TTg “đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa…sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế – xã hội” và “chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa địa Bình An bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật.”. Khu nghĩa trang đã không được trùng tu từ lâu vì là khu vực quân sự “nhạy cảm”. Vì để “sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế – xã hội” nên chính quyền địa phương đã có kế hoạch mở một con đường dân sinh đi ngang qua nghĩa trang này. Theo Hội Việt Mỹ, Vietnamese American Foundation, tổ chức đang vận động với chính phủ Việt Nam để trùng tu và tôn tạo Nghĩa Trang Biên Hòa, vừa thông báo Sở Giao Thông Vận Tải huyện Dĩ An đã cho người cắm cọc gọi là giải phóng mặt bằng để làm một con đường xuyên qua nơi an nghĩ của 16.000 binh sĩ miền Nam .Không có gì độc ác hơn kế hơạch này. Người bại trận rồi, chết rồi, vẫn bị “căm thù” đến mức mồ mả không yên, là một nỗi đau lớn. Đây là một thông tin làm cho NHÀ NƯỚC CÀNG TRỞ THÀNH NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA, ngay cả trong tâm linh.
5. Ở trên tôi nói đến NHÀ NƯỚC MỘT NỬA từ ý thức hệ “ta-địch” . Có một loại NHÀ NƯỚC MỘT NỬA khác là Nhà nước ra tay ủng hộ bọn cướp đất của dân, điều động cảnh sát , quân đội trấn áp nhân dân để cho bọn cướp đất làm giàu như ở Tiên Lãng, Văn Giang. Ở Tiên Lãng, người nông dân bị hại đứng lên chống lại bọn cướp thì bị xử tù nặng hơn bọn cướp. Nghĩa là Nhà nước là NHÀ NƯỚC MỘT NỬA, nhà nước của quan chức tham nhũng.
38 năm, giang sơn đã thu về một mối, nhung lòng người vẫn chia đôi. Sự phân chia này một phần do mặc cảm xã hội ăn sâu trong lòng người “bên này, nên kia”. Nhưng phải nới thẳng rằng, 38 năm qua , Nhà nước cầm quyền đã không có được một chính sách xã hội thích đáng để hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, tạo nên sự hòa họp, hòa giải dân tộc, mà nhiều khi còn làm \cho tình trạng bất hòa tăng lên. Tôi cứ nghĩ, nếu cứ tiếp tục quản lý đất nước theo ý thức hệ “địch – ta” như thế này thì đến trăm năm nữa người Việt cũng không hòa giải dân tộc được. Phải có cái tâm , cái tầm lớn mới tạo ra được một Nhà nước của 90 triệu dân Việt Nam, chứ như bây giờ mới chỉ là NHÀ NƯỚC CỦA MỘT NỬA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét