Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Bên trong Trại Davis



Trại Davis ở góc tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, khởi đầu là doanh trại quân đội Mỹ lấy tên sĩ quan tử trận tại VN James T. Davis. Khi Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973, trại Davis trở thành nơi ở và làm việc của hai đoàn đại biểu quân sự Chính phủ VN dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN từ tháng 1-1973 đến 30-4-1975.

Bên trong Trại Davis - Kỳ 1:  Đường đến Davis

26/04/2013 12:50 (GMT + 7)
TT - “Đó là cuộc hành quân đặc biệt. Cuộc hành quân không phải để tiến vào vùng lửa đạn chiến đấu như bao cuộc hành quân khác mà chỉ có tay không đi vào giữa lòng đối phương”. 40 năm đã trôi qua kể từ khi rời khỏi trại Davis, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn nhớ mãi con đường vào Sài Gòn của mình.

Xe chở tướng Trần Văn Trà đi trên đường phố Sài Gòn năm 1973 - Ảnh: vnmilitaryhistory


Vượt rừng vào Davis
Vị tướng, trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN ở lâu nhất và cho đến ngày cuối cùng của trại Davis Hoàng Anh Tuấn nay tóc đã bạc trắng ở tuổi 88, nhưng vẫn nhớ tường tận từng chi tiết đường vào cuộc chiến đặc biệt của mình. Ông kể đầu tháng 2-1973, đang công tác ở Cục tham mưu Quân khu 5 thì Bộ tư lệnh quân khu thông báo Hiệp định Paris đã được ký kết, chuyển sang giai đoạn đấu tranh với hình thức mới. Ban đầu ông được cử đến đoàn đại biểu quân sự ở Pleiku, nhưng nằm chờ mãi ở căn cứ Trà My, Quảng Nam vẫn không thấy lệnh. Đến gần cuối tháng 3-1973, ông lại nhận chỉ thị nhanh chóng chuyển hướng sang đường dây 559, đi vào Lộc Ninh. Ông đi liên tục gần một tuần mới đến binh trạm 34, vui mừng gặp lại bạn chiến đấu từ thời kháng Pháp là đại tá Nguyễn Lang.
Từ đây tướng Hoàng Anh Tuấn chuyển hướng vào quốc lộ 13 trên đất Campuchia để đi tiếp. 3 giờ sáng một ngày, ông đặt chân đến trạm 559 đặt tại Stung Treng. Chưa kịp nghỉ ngơi, bảo vệ đã đưa ngay ông vào phòng khách để gặp cấp trên, vì đã có lệnh phải báo liền cho lãnh đạo bất cứ khi nào Hoàng Anh Tuấn đến. Gần như ngay sau đó, cả hai ông Sáu Dân, tức Võ Văn Kiệt, và Mười Khang, tức trung tướng Hoàng Văn Thái, vui vẻ vào phòng. Ông Mười Khang nói nhanh  quân Mỹ sắp rút hết, ban liên hợp quân sự bốn bên cũng sắp hết hạn, trên chỉ đạo rút tướng Trần Văn Trà đang ở trại Davis về chỉ huy lại chiến trường, Hoàng Anh Tuấn vào thay. Thời gian rất gấp, cần đi suốt ngày đêm cho sớm...
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhận lệnh, lên đường ngay. Từ đây, ông được đi chuyến xe “ôm” đầu đời do Cục Hậu cần Miền sắp xếp. Ông cùng một cần vụ và quân y sĩ đi với tổ dẫn đường, bảo vệ trên sáu chiếc Honda. Tại đây, ông đành luyến tiếc gửi lại cây gậy chiến trường đã theo sát cuộc đời binh nghiệp của mình. Đến gần biên giới VN, một tổ Honda khác lại được thay. Xe băng rừng, vượt biên giới đến Lộc Ninh. Ông đến căn cứ Miền ở Tà Thiết thì gặp tham mưu phó Miền Lương Văn Nho và Chín Vinh là phó chính ủy Miền.
Nhiều năm đã trôi qua, tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn cười nhớ lại mình từ một tướng trận bạc màu bom đạn và bụi đường đã được anh em khẩn cấp “tút” lại thành một nhà ngoại giao. Cặp kính mát che con mắt bị thương, rồi quần áo, giày vớ, cặp táp, khăn mùi xoa, cái gì cũng phải chạy vạy vì cái có cái không, đồ cũ đồ mới. Không có quân phục vừa sẵn, Lương Văn Nho phải tặng luôn bạn hai bộ quân phục mới may của mình. Cũng may là nó chỉ phải sửa bóp lại một chút ở bụng cho vừa người. 9 giờ sáng 23-3-1973, ông lên trực thăng UH1 của quân đội Sài Gòn bay ra Lộc Ninh để đón về trại Davis. Cả đời trận mạc, tướng Hoàng Anh Tuấn chưa bao giờ nghĩ có ngày những kẻ hai bên chiến tuyến lại ngồi chung một chuyến bay. Đến Tân Sơn Nhất, cả rừng phóng viên lẫn mật vụ đã chờ sẵn ông - vị tướng trận độc nhãn đã lẫy lừng từ thời đánh Pháp.
Thoát hiểm
Đoàn VN Dân chủ Cộng hòa đến trại Davis: từ hội nghị Paris do đại tá Lưu Văn Lợi phụ trách, từ Hà Nội do thiếu tướng Lê Quang Hòa dẫn đầu.
Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đến trại Davis: từ Paris do đại tá Đặng Văn Thu phụ trách, đến từ Hà Nội do đại tá Võ Đông Giang và trung tá Nguyễn Đôn Tự (sau là thiếu tướng) dẫn đầu, đoàn từ khu căn cứ ra do trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn và về sau là thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.
Vào trại Davis sớm từ ngày 1-2-1973, nhưng con đường đến Sài Gòn của trung tướng Trần Văn Trà cũng đầy trắc trở. Ông giờ không còn nữa nhưng sĩ quan trợ lý theo sát ông từ chiến khu ra là đại tá Nguyễn Bạch Vân vẫn không quên kỷ niệm đặc biệt này.
“Tướng Trà rất nhạy cảm chiến trận. Ông như có giác quan đặc biệt phán đoán được trước tình hình ...”- đại tá Vân kể ông đang làm nhiệm vụ nghiên cứu địch tình ở Bộ chỉ huy Miền thì được gọi sang làm trợ lý cho trung tướng Trà giai đoạn ở Davis vì biết tiếng Anh. Lẽ ra từ sân bay Thiện Ngôn, Tây Ninh đoàn đã đến Davis từ cuối tháng 1-1973 nhưng phải trễ lại một vài ngày vì tình huống mà chính tướng Trà đã dự đoán trước.
Điểm hẹn theo quy định để máy bay quân đội Sài Gòn đón đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN được chọn là Thiện Ngôn nằm bên quốc lộ 22, bắc Tây Ninh. Nhưng sáng hôm đó, thay vì là những chiếc trực thăng không vận thì lại bất ngờ xuất hiện các máy bay chiến đấu giội bom xuống Thiện Ngôn. Nhưng lúc đó ông cùng đoàn của mình không đến Thiện Ngôn như hẹn mà vẫn ém lại ở cánh rừng nằm giữa Lộc Ninh và Thiện Ngôn.
Hôm sau, đoàn đại biểu của tướng Trà bình thản chuyển đến Lộc Ninh để đợi máy bay Sài Gòn ra đón ở địa điểm mới. Một cuộc mittinh đông đảo được công khai tổ chức để tiễn đoàn. Khoảng 14 giờ chiều, các tốp trực thăng UH1 xuất hiện ở Lộc Ninh để đón đoàn.
Đại tá Vân cùng bác sĩ Liễn và cận vệ lên ngồi chung chuyến bay với tướng Trà. Người hai bên chiến tuyến ngồi chung một chuyến bay không ai nói với ai một lời nào. Tướng Trà và đại tá Vân chỉ lặng lẽ nhìn xuống mặt đất đỏ chi chít lỗ bom đạn như vết thương tứa máu. Hai tháng sau, con đường vị tướng này trở lại chiến trường cũng đầy thử thách. Phía Sài Gòn không muốn “hổ về rừng”.
QUỐC VIỆT
_______________________





“Tổng hành dinh” bất khả xâm phạm

27/04/2013 10:35 (GMT + 7)
TT - “Chỉ thị cho cấp dưới được quyền sử dụng các biện pháp sau đây với trại Davis mà không cần xin ý kiến của bộ tổng tham mưu, chỉ cần phát hiện có tiếng súng từ trại Davis bắn sang sân bay: 1/ Bắn pháo và cối vào trại Davis. 2/Cho xe tăng và bộ binh tấn công. 3/ Ném bom. 4/ Rải chất độc hóa học với điều kiện gió không thổi về phía thành phố”.
Đoàn công tác của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN hành quân về trại Davis năm 1973 - Ảnh tư liệu




Đó là một tài liệu đặc biệt mà đại tá Nguyễn Văn Bổ, phụ trách bảo vệ đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH), tìm thấy trên bàn làm việc của đại tướng Sài Gòn Cao Văn Viên. Tờ lệnh này về sau cũng được chính thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự, nguyên trưởng đoàn đại biểu quân sự VNDCCH, xác thực trong một bài viết kỷ niệm về trại Davis.
Cuối cùng điều này đã không xảy ra. Nhưng ngay từ những ngày đầu của trại Davis đã nổ ra những cuộc đụng độ đặc biệt.
Ngồi hai ngày trên máy bay
Ngoài mặt trận phản gián, đoàn đại biểu trong trại Davis còn trù liệu những chuyện khác. Điện dù có hay bị cắt, những người lính đi ra từ rừng cũng không ngán ngại. Nhưng nước là thứ không thể thiếu được và rất nguy hiểm nếu chỉ trông chờ vào nguồn nước máy Sài Gòn. Một cái giếng đã được đào ngay trong trại, cho chất lượng nước rất tốt. Lương thực ngoài mua từ nhà thầu Sài Gòn, còn chở vào từ miền Bắc theo các chuyến bay C130 mỗi tuần. Những khoảng trống trong trại cũng được tăng gia rau xanh và cây ăn trái để đảm bảo sức khỏe. Trước mỗi bữa ăn đều có bác sĩ kiểm tra độc tính thực phẩm, an toàn mới sử dụng. Tất cả đều đã được dự phòng...
40 năm đã trôi qua nhưng đại tá Nguyễn Văn Lâm, sĩ quan liên lạc của đoàn VNDCCH, vẫn không quên sự kiện đầu tiên khi vừa từ Hà Nội đặt chân xuống Tân Sơn Nhất cuối tháng 1-1973. Chuyến bay C130 do chính phi công Mỹ lái chở đoàn đại biểu quân sự Hà Nội từ sân bay Gia Lâm vào Tân Sơn Nhất khá êm ả. Tuy nhiên, ngay khi vừa đến sân bay Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn đã yêu cầu tất cả thành viên đoàn Hà Nội phải làm thủ tục nhập cảnh theo đúng quy thức của Việt Nam cộng hòa. Lập tức thiếu tướng Lê Quang Hòa, trưởng đoàn Hà Nội, bác bỏ ngay tức khắc. Đại tá Nguyễn Văn Lâm được cử ra tuyên bố không đồng ý với yêu cầu của Sài Gòn. Hai bên giằng co, không phía nào chịu nhượng bộ. Đoàn Hà Nội kiên quyết ngồi trên chiếc C130 suốt từ ngày 28 sang ngày 29-1 để phản đối. Cuối cùng, chính phía Mỹ sốt ruột, ép đồng minh Sài Gòn phải nhượng bộ, để đưa đoàn Hà Nội vào trại Davis.
Sau đó, một chuyện thử thách nữa lại xảy ra với các nhà quân sự Hà Nội đi làm nhiệm vụ ngoại giao. Đoàn xe, do Mỹ và chính quyền Sài Gòn bố trí, ban đầu định cắm cờ Việt Nam cộng hòa. Bị phản đối, lại chuyển sang cắm cờ trắng. Chính quyền Sài Gòn lấy lý do màu trắng là trung gian, không phải cờ bên nào.Tướng Lê Quang Hòa phản ứng quyết liệt. Ông chỉ thị cho cấp dưới tuyên bố với Sài Gòn đây là đoàn đi thực thi Hiệp định Paris, không phải đầu hàng. Và cuối cùng việc này phải hủy bỏ.
Tiếp đó là chuyện nơi ở của đoàn: trại Davis. Nhắc lại nơi này, đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên trợ lý của tướng Trần Văn Trà, trầm ngâm: “Chúng tôi yêu cầu phải chuyển các đoàn đại biểu về trụ sở trong nội thành, nhưng phía Sài Gòn không chịu. Họ nói không có điều kiện đáp ứng và chỉ có ở đây mới bảo đảm an toàn”. Trước đó trại Davis là nơi ở của một đơn vị viễn thám Mỹ. Tuy được xây dựng tạm theo tiêu chuẩn lính thường, nhưng cơ sở vật chất cũng tạm đủ với khu nhà ở, làm việc, nhà ăn, sân thể thao, tháp nước... trên diện tích khoảng 33.000m2. Trại có khoảng 45 căn nhà để ở rộng 5m, dài 15m, mái lợp tôn ximăng, được thiết kế theo kiểu nhà sàn gỗ cách đất khoảng nửa mét. Ngoài ra còn có một số nhà chuyên dụng.
Toàn trại bao quanh bởi mấy lớp hàng rào kẽm gai với khoảng 20 chòi canh, lô cốt với súng máy của quân đội Sài Gòn thường xuyên chĩa nòng vào trại. “Tuy nhiên, đó mới chỉ là vòng trong, vòng ngoài còn khắc nghiệt hơn - đại tá Vân kể - Ngay sát nơi ở của đoàn là trại lính dù khét tiếng nhất. Đặc biệt, khu vực sân bay quân sự cũng ngay sát bên thường xuyên gầm rú đinh tai bởi các phi đội không vận, tác chiến lên xuống liên tục. Người có thần kinh không vững vàng rất dễ mệt mỏi với tiếng ồn kinh khủng này”.
Chống “trộm” và đào giếng
Ôn lại mấy trăm ngày ở trại Davis, đại tá Vũ Nam Bình - nguyên phó cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, lúc ấy là trưởng ban bảo vệ nội bộ bên trong trại Davis - kể ngay từ đầu mọi người đã xác định phải biến nơi đây thành “tổng hành dinh” bất khả xâm phạm. Hai căn nhà đầy đủ tiện nghi, dành cho hai trưởng đoàn đại biểu quân sự VNDCCH và Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã được kiểm tra cẩn trọng. Ban an ninh của đoàn dò từng centimet vuông và phát hiện mấy thiết bị nghe trộm được gắn giấu rất tinh vi trong tường.
Để đảm bảo bí mật, đội an ninh phải sử dụng thiết bị từ Hà Nội đem vào kiểm tra thật kỹ một căn nhà làm việc và thiết kế bảo mật lại. Có những thứ đệm, mút, vải màn đem từ Hà Nội vào. Có những thứ tận dụng tại chỗ lại của căn cứ lính Mỹ. Nền nhà, tường, trần phòng bảo mật đều được bít kín, chống bị thiết bị điện tử nghe trộm. Sau đó, căn phòng đặc biệt này trở thành phòng họp nội bộ quan trọng, kể cả làm việc với những đoàn ngoại giao thân thiện như Ba Lan, Hungary.
Theo đại tá Bình, ngay từ đầu Cục Bảo vệ an ninh quân đội Hà Nội đã rất quan tâm đến trại Davis. Nhiều sĩ quan, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm từ Hà Nội và các chiến trường được cử vào trại. Công tác phản gián, bảo vệ nội bộ được đặc biệt chú ý. Do ở giữa trung tâm đối phương nên việc điện đài thông tin từ trại ra Hà Nội và vào căn cứ liên tục bị tấn công phá sóng, nghe trộm, giả liên lạc. Phía Sài Gòn có thiết bị hiện đại, sử dụng gần 90 tần số vây quanh trại Davis, kể cả máy phát toàn tần 3-16 megahertz gây nhiễu sóng.
Tuy nhiên, trận địa phức tạp nhất chính là con người. Đại tá Bình kể phía Sài Gòn chụp ảnh từng người để dò la lý lịch. Thậm chí tình báo còn cử người về quê liên lạc với gia đình các sĩ quan trong trại để đánh đòn tâm lý. Trong đó có cả mẹ đại tá Bùi Thanh Khiết, phó đoàn Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Các cuộc hội nghị, họp báo, nhiều mật vụ giả dạng tiếp cận thành viên trong trại Davis. Nhiều trường hợp còn vào vai lực lượng thứ ba, bất mãn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu để lấy cảm tình với cách mạng. Đặc biệt, tình báo Sài Gòn cũng sử dụng cả mỹ nhân kế, đưa các cô gái đẹp vào làm lái xe, tiếp phẩm để “cưa” sĩ quan, chiến sĩ trẻ trong trại...
QUỐC VIỆT
____________
Nằm cô lập giữa Tân Sơn Nhất, đường di chuyển của những người trong trại Davis chủ yếu là máy bay của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Đó quả là những chuyến bay đặc biệt...
Kỳ tới: Những chuyến bay đặc biệt



Những chuyến bay đặc biệt

28/04/2013 10:35 (GMT + 7)
TT - “Những anh lính Bắc Việt được không vận cơ hạng nặng C130 của Mỹ chở... về quê thăm vợ ngay trong lúc chiến tranh vẫn còn ác liệt. Chuyện như đùa nhưng là sự thật hoàn toàn, mà chính tôi cũng mấy lần được ngồi ghế bay từ Sài Gòn ra Hà Nội đoàn tụ vợ con” - nhắc kỷ niệm những chuyến bay đặc biệt từ trại Davis, đại tá Hà Cân bật cười.

Nón cối và mũ tai bèo xuất hiện trên trực thăng do phi công quân đội Sài Gòn lái - Ảnh: vnmilitaryhistory


Tuy nhiên, ông cũng tâm sự đó chỉ là một phần “vui nho nhỏ” của trận chiến đặc biệt giữa lòng đối phương. Đa số chuyến bay ông và đồng đội tham gia đều thực hiện những nhiệm vụ nặng nề, căng thẳng, thậm chí có thể không trở về...
“Cầu không vận” C130
Có hai loại máy bay thường xuyên được Mỹ và Sài Gòn sử dụng chuyên chở đối phương ở trại Davis là C130 và trực thăng UH1. Không vận cơ hạng nặng C130 làm cầu nối vận chuyển giữa Sài Gòn và Hà Nội. Còn trực thăng UH1 chủ yếu để bay các chặng ngắn trong miền Nam. Đường từ Hà Nội đến trại Davis của đại tá Hà Cân vòng qua hơn nửa đường bay Trái đất, cuối cùng mới đáp xuống được Tân Sơn Nhất.
Hồi tưởng kỷ niệm này, ông cười kể chặng bay đầu tiên của mình đến Sài Gòn bằng IL18 của hàng không Liên Xô Aeroflot, hạ cánh ở Matxcơva, Paris, rồi mới lên Boeing 707 Air France để qua Thái Lan.
Quá cảnh ở sân bay Bangkok, đại tá Hà Cân chạm mặt trực diện với quân đội Sài Gòn khi chuyển sang chiếc C47 do phi công sư đoàn 5 không quân Việt Nam cộng hòa lái. Ở trại Davis suốt từ đầu năm 1973 đến cuối tháng 4-1975, đại tá Hà Cân và đồng đội còn nhiều dịp ngồi khoang “hạng nhất” C130 do chính phi công Mỹ lái. Đây là chuyến bay được thực hiện mỗi tuần vào sáng thứ sáu để nối liên lạc giữa trại Davis và Hà Nội. Đó cũng là phương tiện tiếp tế công khai chủ yếu của Hà Nội cho người của mình đang ở đất đối phương. Nhân “cầu không vận” đặc biệt này, nhiều sĩ quan, chiến sĩ ở trại Davis đã quá giang ra thăm Hà Nội. Ngược lại, một số sĩ quan, mật vụ, phóng viên của Sài Gòn cũng ra tìm hiểu thủ đô Hà Nội.







Đại tá Hà Cân kể do C130 là máy bay quân sự chỉ có băng ghế dọc nên có những chuyến bay ông đã ngồi sát vai với sĩ quan Sài Gòn. Ông vẫn nhớ mãi đại tá Tiến, gốc Hà Nội, đeo huy hiệu nhảy dù với dáng phong trần của người từng trải trận mạc. Ngồi bên ông suốt chuyến bay, nhưng tay sĩ quan dù trầm ngâm ít nói, chỉ nhìn qua cửa sổ ngắm quê hương thuở nào của mình. Ở Hà Nội từ sáng đến chiều, đến lúc về đại tá Tiến có vẻ còn trầm ngâm hơn.
Tuy nhiên, với những người “quá giang” chuyến bay đặc biệt này như đại tá Hà Cân thì niềm vui mong đợi dưới đường băng Gia Lâm chính là đoàn tụ vợ con. Ông kể: “Chỉ được gặp ba giờ ngắn ngủi nhưng ý nghĩa lắm! Nhiều cặp vợ chồng xa cách nhau bao năm đã kịp có giọt máu thiêng liêng trong khoảnh khắc ít ỏi mà vô giá này”. Ba giờ vàng tính sít sao từng phút. Các cặp vợ chồng được chuẩn bị sẵn chăn gối trong một căn phòng “chiêu đãi sở” của sân bay Gia Lâm. Anh em về lại trại Davis thường đố vui trần phòng sơn màu gì, vì lúc ấy đâu ai còn tâm trí nào ngó lên trên ngoài gương mặt vợ. Đại tá Hà Cân đi C130 ra Hà Nội năm chuyến, chỉ ba chuyến hạ cánh được, hai chuyến phải vòng về vì lý do thời tiết. Trong đó có một chuyến tết mà họ nhận định có thể tổ bay đối phương cố tình không hạ cánh để cắt quà xuân Hà Nội chuyển vào. Họ biết điều này, vì ngay trước đó máy bay Hãng Aeroflot vẫn lên xuống an toàn ở Gia Lâm.
Dưới cánh UH1
Nếu như bay C130 thường khá êm đềm với những người trong trại Davis vì được nối liền với Hà Nội thì dưới cánh trực thăng UH1 thường căng thẳng hơn. Đại tá Nguyễn Bạch Vân, trợ lý tướng Trần Văn Trà, người tham gia trại Davis từ thời đầu cho đến ngày 30-4-1975, vẫn nhớ mãi ông đã có những chuyến bay “khá xóc” bằng UH1. Tuy nhiên, không phải do kỹ thuật của phi công hay máy bay trục trặc mà là sự biểu lộ thái độ với đối phương.
Nhắc kỷ niệm UH1, đại tá Nguyễn Quang Biểu, nguyên sĩ quan phiên dịch trại Davis, kể chính mình đã dính đạn phòng không quân giải phóng khi phi công bay sai hành lang an toàn. Để những chuyến bay nối liền trại Davis với các vùng căn cứ, đường bay an toàn được quy định. Nếu bay ra khỏi hành lang đó đồng nghĩa gây chiến và dưới mặt đất có quyền bắn hạ. Đường bay dày nhất là Sài Gòn - Lộc Ninh phải bám sát quốc lộ 13. Có chiếc bay trật khỏi đường đã bị bắn hạ. Ngày đại tá Biểu bay trên UH1 với các sĩ quan Sài Gòn từ Pleiku đi Đức Cơ, Tân Cảnh, giám sát trao trả tù binh bị mây mù. Tổ lái đã bay quá điểm hạ cánh quy định, lạc vào vùng giải phóng. Ông đang ngồi trên máy bay thì nghe đạn phòng không nổ lụp bụp bên dưới và có cả tiếng đạn xuyên vào thân máy bay. Phi công hốt hoảng lái ngược ra khẩn cấp.
Tuy nhiên, ngoài những chuyến đi đầy nặng nề, căng thẳng dưới cánh trực thăng UH1, đại tá Hà Cân cũng có các kỷ niệm xúc động với chuyến bay này. Ông từng được bay từng chặng dọc suốt bờ biển miền Trung để rung động với cảnh đẹp quê hương. Đặc biệt, trong một chuyến ngồi UH1 do phi công Sài Gòn cầm lái đi trao trả tù binh ở Thiện Ngôn, Tây Ninh, ông đã gặp được người em trai bao năm xa cách của mình. Hoàn cảnh nhà ông cũng như bao gia đình khác trên đất nước này phải ly tán vì chiến tranh. Cha con ông ngược ra Bắc, mẹ và em ông xuôi vào Nam. Máy bay hạ cánh xuống Thiện Ngôn, ông tận dụng thời gian nghỉ trước giờ trao trả tù binh để đi tìm em trong vùng giải phóng.
Ông gặp được cả em trai, em dâu và cháu. Vui mừng hội ngộ mà nước mắt cứ rơi xuống tán rừng...
QUỐC VIỆT
Những ngày ở giữa Sài Gòn, tướng Trà đã thể hiện cái tầm và tâm của mình. Chính ông đã quyết định cuộc đoàn tụ đặc biệt cảm động của hai anh em ở hai bên chiến tuyến ngay trong trại Davis.
Vào làm việc với trại khi ấy có Bùi Thiện Khiêm, thiếu tá công binh quân đội Sài Gòn, chuyên lo điện nước. Mỗi lần vào trại Davis, viên sĩ quan này luôn quan sát như tìm kiếm ai đó. Cán bộ an ninh của đoàn liền tiến hành theo dõi, rà soát danh sách trong trại, phát hiện có một cán bộ phiên dịch của đoàn tên Bùi Thiện Hùng.
Một hôm, thiếu tá Bùi Thiện Khiêm nhìn thấy anh Bùi Thiện Hùng đi ngang qua, đã lao lên ôm chặt và bật khóc: “Anh Hùng ơi. Em là Khiêm đây!”... Sự việc vỡ ra là khi anh Bùi Thiện Hùng tập kết ra Bắc, người em trai 10 tuổi Bùi Thiện Khiêm kẹt lại và sau đó vào quân ngũ Sài Gòn.
Đại tá Vũ Nam Bình, trưởng ban bảo vệ nội bộ trại Davis, báo cáo tướng Trà. Tướng Trần Văn Trà xúc động khi nghe chuyện và trả lời: chuyện này cũng bình thường trong chiến tranh, đất nước bị chia cắt, biết bao gia đình phải phân ly mà. Cứ để cho anh em họ được gặp nhau thêm...
Chính nhờ vậy, hai anh em ruột thịt, hai người lính hai bên chiến tuyến, đã tiếp tục được gặp gỡ nhau, hàn huyên chuyện gia đình...
(Theo lời kể của đại tá VŨ NAM BÌNH)
____________





Trao trả tù binh

29/04/2013 10:30 (GMT + 7)
TT - “Gần 9 giờ sáng, thiếu tướng Mỹ Woodward sốt ruột nhìn đồng hồ, gằn giọng: Các ông không giữ đúng hẹn. Thống nhất trao đổi tù binh 8 giờ, sao chưa thực hiện?”. Đại tá Nguyễn Bạch Vân, trợ lý tướng Trần Văn Trà, vẫn nhớ gương mặt đỏ lên của tướng Mỹ trong ban liên hợp quân sự bốn bên ở Tân Sơn Nhất tháng 2-1973.

Lính Mỹ xách vali về nước (ảnh chụp tháng 3-1973 tại Tân Sơn Nhất) - Ảnh: AP
PrevNext


Nội dung quan trọng của Hiệp định Paris là trao trả tù binh và Mỹ rút quân. Đây là đợt trao trả 27 tù binh Mỹ đầu tiên ở Lộc Ninh...
Tướng Trà và Woodward
“Đề nghị ông giữ bình tĩnh. Thông tin có thể trục trặc. Hãy để sĩ quan trợ lý của tôi ra Lộc Ninh xem xét”. Tướng Trà khéo léo “hạ hỏa” viên tướng Mỹ. Lúc ấy, tướng Trà đang làm trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN. Tướng Lê Quang Hòa làm trưởng đoàn VN dân chủ cộng hòa. Cả hai đoàn cùng ở và làm việc tại trại Davis. Hai đoàn còn lại trong ban liên hợp quân sự bốn bên là đoàn Mỹ do thiếu tướng Woodward làm trưởng đoàn, và trung tướng Ngô Du dẫn đầu đoàn VN cộng hòa (sau thay bằng tướng tư lệnh dù Dư Quốc Đống).
Tướng Mỹ lệnh điều trực thăng UH1 ngay cho đại tá Vân. Đây là máy bay tác chiến, nhưng nó đã được dỡ hỏa lực khi bay thực thi Hiệp định Paris. Chuyến bay bám sát quốc lộ 13, hành lang bay an toàn từ Sài Gòn ra Lộc Ninh. Đại tá Vân đăm chiêu nhìn xuống các vạt rừng bị bom đạn chiến tranh quật tung. Đến nơi, ông gặp ngay đại diện quân giải phóng để nắm tình hình. Nguyên nhân chậm trả tù binh Mỹ do phía Sài Gòn trả tù binh trễ kế hoạch. Sự trao đổi không có, nên phía quân giải phóng chưa giao 27 tù binh Mỹ.
Đại tá Vân bay về, báo cáo tướng Trà. Tướng Mỹ cũng gọi điện thoại xác nhận tình hình. Nở nụ cười nhẹ nhàng, tướng Trà làm dịu không khí căng thẳng. Ông yêu cầu đại tá Vân thực hiện ngay chuyến bay nữa ra Lộc Ninh, truyền đạt chỉ thị anh em tỏ thiện chí trước. Việc trao đổi tù binh hai bên chắc chắn sẽ được thực hiện. Hãy mềm dẻo để phía Mỹ nhận người của họ và rút quân khỏi VN.
Đại tá Vân lại lên UH1 bay ra Lộc Ninh. Quân giải phóng thực hiện đúng chỉ thị của tướng Trà. Tướng Mỹ nhận đủ 27 người của mình, chuyển từ nóng nảy sang vui vẻ. Tối đó, tướng Trà cũng tổ chức họp trong trại Davis. Ông nói đại cuộc là quan trọng, để Mỹ nhanh rút quân về nước. Nguyên tắc trao trả tù binh hai phía phải được trao đổi trong cùng ngày. Anh em thực hiện nhiệm vụ trao trả tù binh cũng cần mềm dẻo, còn việc đấu tranh giờ giấc, sai phạm, cách thức này nọ để trưởng đoàn lo.
Nhân chứng lịch sử
Suốt tháng 2 và tháng 3-1973, việc giám sát trao trả tù binh là nhiệm vụ chủ yếu của các sĩ quan trong trại Davis. VN dân chủ cộng hòa trao trả 426 phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm đúng như danh sách đã báo ở Paris. Phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN trả 127 tù binh Mỹ ở Lộc Ninh, sau bổ sung thêm một người còn sót lại ở Trà Vinh. Các cuộc trao đổi tù binh hai phía người Việt được tổ chức nhiều nơi như Lộc Ninh (Bình Phước), Bồng Sơn (Bình Định), Thiện Ngôn (Tây Ninh), Tam Kỳ (Quảng Nam), Đức Nghiệp (Gia Lai)... Quân giải phóng nhận lại 26.492 quân nhân, 5.075 nhân viên dân sự, và trả lại cho phía Sài Gòn 6.063 người.
Nhiều cuộc trao trả tù binh phía Nam trục trặc do nằm ở vùng giải phóng, máy bay lạc tọa độ, hoặc trong vùng “xôi đậu” giữa hai phía bị chiến sự. Có những vụ nghiêm trọng dẫn đến phải hủy bỏ trao trả như ở Đức Phổ, Quảng Ngãi... Cựu đại sứ VN tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Ngọc Dung, từng tham gia trại Davis với quân hàm thiếu tá ban trao trả, kể có lần bay trên trực thăng Sài Gòn đến Minh Hòa, Bình Long. Phi công lái UH1 đến tọa độ đã hẹn nhưng không tìm thấy bãi đáp. Chẳng dấu hiệu gì ngoài khói đốt rơm rạ mù mịt. Bà bảo phi công bay thêm ra vùng giải phóng, nhưng họ quyết liệt phản đối vì “đi nữa là chết”. Tưởng bế tắc, thì may nhìn xuống có anh em chạy ra. Bà kêu hạ cánh, hỏi người dưới mặt đất thì nghe trả lời: “Trời đất ơi. Người ta đã rút đi mấy ngày hôm nay rồi. Đây đang đánh nhau thì làm gì có trao trả!”.
Ngoài thực hiện trao trả tù binh, các sĩ quan trong trại Davis còn giám sát việc rút quân Mỹ. Đại tá Vũ Nam Bình kể lễ hạ cờ Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở VN cũng có quân nhạc, nhưng không khí trầm buồn, kết thúc nhanh chóng. 10 giờ sáng 29-3-1973, Mỹ tuyên bố hệ thống điện thoại quân sự Mỹ chấm dứt hoạt động ở miền Nam VN. Và cũng ngày lịch sử này, các sĩ quan giám sát ở trại Davis đã đứng bên đường băng Tân Sơn Nhất chứng kiến quân nhân Mỹ cuối cùng rút khỏi VN.
2.501 lính Mỹ cất súng, lặng bước qua đối phương đang đứng giám sát. Chuyến bay cuối cùng của chiếc DC9 lăn bánh sẽ rời đường băng vào 16g25. Một thượng sĩ Mỹ lên máy bay sau cùng, nhưng bất ngờ cửa lại mở. Đại tá Mỹ David O’Dell bước xuống, khui chai champagne uống với các sĩ quan Sài Gòn đang đứng tiễn. Không hiểu có sắp đặt hay ngẫu hứng, sĩ quan Mỹ này lại trở thành quân nhân cuối cùng rút khỏi VN ngày 29-3-1973. Ly rượu chia tay cũng trở thành ly rượu “đắng” kết thúc những ngày cùng một chiến hào của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Lặng nhìn chuyến bay Mỹ hôm ấy còn có đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân lực VN cộng hòa. Ánh mắt ông ta đắm chìm suy tư cho một hồi kết đang đến.
Đại tá Vũ Nam Bình, trưởng ban bảo vệ nội bộ trại Davis, kể: “Nhiều lần quân giải phóng lại trở thành người đưa thư cho quân Sài Gòn”. Những lần tiếp xúc với phía bên kia, anh em trại Davis tìm hiểu họ có người thân ở miền Bắc và chủ động liên lạc giúp.
Như trường hợp trung tá Vỵ của quân đội Sài Gòn. Ông ấy còn cha ở phố Hàng Đào, Hà Nội và một người anh đang đi kháng chiến. Sĩ quan quân giải phóng trại Davis chủ động nói cho Vỵ biết vừa gặp một ông cụ tên X ở Hà Nội. Trung tá Vỵ thần người, nói đó chính là cha mình và nhờ tìm hiểu thêm tình hình mẹ thế nào. Chỉ nửa tháng sau, Vỵ nhận thư từ và cả hình ảnh cha mẹ gửi vào từ Hà Nội. Lá thư được sĩ quan quân giải phóng trại Davis bí mật trao cho trung tá Vỵ trong giờ giải lao một cuộc họp ở Tân Sơn Nhất. Viên trung tá rất xúc động, viết thư lại cho cha mẹ và tiếp tục nhờ “kênh” này gửi ra quê...

QUỐC VIỆT

______________________

Tháng 4-1975 cũng là lúc trại Davis trở nên căng thẳng. Có kế hoạch đặc công đột nhập đưa họ ra vùng giải phóng. Nhưng họ đã chọn ở lại và sẵn sàng chiến đấu...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét