Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

30/4 lại đến rồi!



Có một giờ G khác vào năm 1974

"Đến giờ này tôi vẫn ân hận, tiếc là không được chết vì Hoàng Sa. Ngày 18.1.1974, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Hoàng Sa..." - Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung.

35 năm hoạt động, trên vai áo ông từng đeo quân hàm không quân hai bên là đối thủ của nhau. 22.000 giờ bay với nhiều loại phi cơ chiến đấu và dân dụng hiện đại nhất từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu. Những nếm trải cuộc đời, dường như Nguyễn Thành Trung chẳng thiếu thứ nào. Người ta thường nói vinh quang đi cùng cay đắng. Còn ông, sống chết, tù tội chẳng màng, nhưng những giây phút cô đơn trong cuộc sống hoà bình, ngay trong lòng đồng đội thì thật dài và khó quên. Tháng tư đến rồi lại đi cùng ký ức...
Chặng đường lịch sử dài 38 năm có quá nhiều biến cố, sự kiện ném bom dinh Độc Lập ngày 8.4.1975 đối với ông có ý nghĩa gì? Bây giờ nghĩ về giây phút ấy ông cảm thấy thế nào?
Đối với cá nhân tôi, ngày 8.4.1975 là một bước ngoặt lịch sử quan trọng nhất trong cuộc đời. Lái chiếc máy bay F-5E ném hai trái bom xuống dinh Độc Lập, sau đó quay lại dùng súng phóng lựu vào kho xăng Nhà Bè, là hành động mà tôi ấp ủ trong một quá trình dài, ngay từ thời trai trẻ.
Đối với tôi, chấm dứt chiến tranh để người Việt Nam không còn đổ máu là một việc lớn phải làm. Đó không phải là cảm hứng nhất thời, hay bất chợt, liều lĩnh. Sự nỗ lực cá nhân suốt bao nhiêu năm ở khoa toán - lý đại học Khoa học Sài Gòn, trong vỏ bọc sĩ quan không lực Việt Nam Cộng hoà, hay tại các trung tâm học lái máy bay chiến đấu ở Hoa Kỳ từ năm 1969 - 1972 tôi vẫn chuyên chú cho hành động ấy. Tôi âm thầm luyện tập hạ cánh ở cự ly gần 1.000 mét (trong khi máy bay F-5E phải đáp trên đường băng dài tối thiểu 3.000 mét) đến độ hư hai máy bay và phải chịu kỷ luật hạ lương, giáng chức, suýt nữa là bị lộ tại sân bay Biên Hoà. Nhờ vậy mà ngày 8.4 năm ấy tôi đã hành động chính xác, đáp xuống an toàn tại sân bay dã chiến Phước Long vừa giải phóng. Có thể gọi đó là sự chính xác của lý trí và khoa học. Bước ngoặt 180 độ đó cho tôi được chính danh là tôi - Nguyễn Thành Trung như ngày hôm nay.
Nhưng báo chí cả hai phía lúc đó chạy những dòng tít lớn gọi ông là "phi công phản chiến"?
Đúng vậy, cấp trên nói với tôi là cần tuyên truyền như vậy để kêu gọi những người trong lực lượng không quân Sài Gòn tiếp tục phản chiến. Tôi nghĩ nói sao cũng được, vấn đề là tôi có làm được nhiệm vụ không? Có còn sống để trở về không? Từ năm 1969, tôi đã là đảng viên.
Thời khắc đó ông có nghĩ đến sự an toàn của vợ và hai con còn quá nhỏ đang sống ở thành phố Biên Hoà? Có khi nào ông cảm thấy khổ tâm hay hối hận về hành động của mình mang lại nỗi vất vả cho vợ con?
Trước khi ném bom dinh Độc Lập ngày 8.4.1975, lãnh đạo đề nghị đưa vợ con tôi ra vùng giải phóng để tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Nhưng lúc đó, tôi bị nghi kỵ nhiều, nguy cơ lộ rất cao nên chuyện đó là không thể. An ninh quân đội theo sát gia đình tôi từng giờ, nếu vợ con tôi vắng nhà không rõ lý do thì tôi sẽ bị bắt ngay tức khắc. Cũng có thể trên đường ra vùng giải phóng, vợ con tôi cũng sẽ bị bắt, tình thế đó sẽ nghiêm trọng hơn. Rất lo lắng cho tính mạng vợ con, nhưng việc mà tôi đã tính trước mười năm đến thời điểm này là không thể dừng. Mặt khác, thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới năm tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn. Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán.
Ngày 2.5.1975, tôi lái máy bay từ Phan Rang về sân bay Biên Hoà. Vợ con tôi cũng vừa được giải thoát khỏi số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi gặp lại nhau trong ngôi nhà nhỏ của mình.
phi công Nguyễn Thành Trung, Hoa Kỳ, không quân Sài Gòn, dinh Độc Lập
Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Trần Việt Đức
Sau ngày thống nhất đất nước, đối diện với bao khó khăn của cuộc sống thường ngày do nền kinh tế bao cấp áp đặt, những lúc ngột ngạt, mệt mỏi ông nghĩ gì?
Tôi là người được học hành tử tế trong những ngôi trường khá lý tưởng của Sài Gòn và tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau, tôi biết rõ những sai lầm trong chính sách kinh tế của miền Bắc nước ta. Bi kịch cải cách ruộng đất còn nguyên đó, công nghiệp chẳng có gì. Khu gang thép Thái Nguyên còn thô sơ lắm, Dệt Nam Định, Sứ Hải Dương chỉ sản xuất được những mặt hàng tiêu dùng cấp thấp, đặc biệt là hạn chế về trình độ của cán bộ quản lý. Sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai miền, nhất là do đặc thù của nền kinh tế tự cung tự cấp, cho tôi nhìn rõ sau khi Việt Nam thống nhất, kinh tế sẽ cực kỳ khó khăn ít nhất là mười năm. Tôi chuẩn bị tinh thần đối phó với những khó khăn chung, và cả những khó khăn về mặt cá nhân, nghi ngờ, hay có những phân biệt đối xử này nọ... Tôi chấp nhận đối diện thực tế đó và nghĩ điều quan trọng nhất mình có được là dân tộc Việt được sống trong hoà bình.
Thực tế mười năm khó khăn như ông nói cũng đã được tháo gỡ bởi bước chuyển đổi mới. Nhưng tới bây giờ, người ta lại tiếp tục đưa ra dự báo mình lại đang hụt hơi, tụt đà. Ông nghĩ thế nào?
Thực ra đổi mới một phần vì khi mình tiếp xúc với thế giới mới ngộ ra một điều là đang bị co trong vòng luẩn quẩn, không tìm ra lối thoát trong khi thế giới ào ào tiến lên. Từ ảnh hưởng đó đồng thời tác động mạnh của cuộc khủng hoảng Đông Âu tới mình và cả Trung Quốc, bắt buộc phải một phần nào đó chấp nhận cách làm ăn mới, có sự tư hữu. Tư hữu của thế giới mình không chấp nhận, nhưng con người có quyền tư hữu từ hàng ngàn năm về trước. Mình luẩn quẩn trong khi thế giới đang tiến lên bởi mình không chấp nhận dân làm giàu. Cho nên bắt buộc mình phải công nhận, phải chấp nhận tư hữu ở một mức độ nào đó để dân thở được. Khi đó dân bắt đầu làm ăn được. Cải cách vì vậy là do dân. Cuộc cách mạng này do dân và do lịch sử thế giới tác động. Nếu muốn không tụt đà thì phải nương vào sức dân, dân giàu thì nước mới mạnh.
Sau ngày 30.4, ông có thường gặp lại đồng nghiệp trong những phi đội cũ? Tình cảnh và và tâm thế lúc gặp lại như thế nào?
Bẵng mười năm sau giải phóng, tôi không gặp lại ai trong nhóm những đồng nghiệp cũ. Sau đổi mới, từ năm 1986 trở về sau này, các đồng nghiệp cũ của tôi lần lượt về mới có dịp gặp lại. Lớp tôi có 23 đứa, chết hết bốn, 18 đứa qua Mỹ, chỉ còn mình tôi ở lại. Những lần gặp cũng dễ nói chuyện vì họ đã hiểu rõ mọi chuyện. Tôi cũng hoàn toàn hiểu và tôn trọng họ. Đa phần những đồng nghiệp của tôi đều ở Mỹ. Lúc mới về, tâm lý chung mấy người bạn đều ngại gặp tôi. Tôi thì chả ngại gì, tôi vẫn xem họ là những người bạn. Khi gặp cũng tâm sự nhiều, cũng so sánh chuyện cũ, chuyện bây giờ. Ai cũng công nhận việc tôi làm là góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh, chấm dứt cảnh chết chóc, đổ máu. Nhưng điều họ chia sẻ là họ không dám có những quyết định như vậy.
Những người bạn lựa chọn khác tôi lúc qua Mỹ còn trẻ nên ai hội nhập được, sống khá giả. Năm nào mấy ổng cũng ngồi lại với nhau, chuyện nói nhiều nhất là về tôi. Nhiều anh em bảo quyết định của tôi hơi dại dột, vì sau giải phóng sống kiểu gì cũng bị nghi ngờ, đói khổ... Tôi trả lời đó không phải là quyết định bậy bởi tôi ý thức được việc cần làm. Cái gì cũng vậy, làm thì phải trả giá nhưng tôi chấp nhận việc đó. Nhưng qua những thăng trầm của đất nước, nhiều kinh nghiệm cuộc đời đúc kết lại, tôi thấy việc tôi làm càng ngày càng đúng. Còn hỏi tôi có lăn tăn hay không, tôi trả lời thật là thánh mới không lăn tăn, nhưng những cái lớn nhất át những lăn tăn nhỏ đi, nên hàng đêm tôi ngủ yên vì biết tôi đang ngủ trên đất nước mình, chứ qua Mỹ sướng thật nhưng ngủ không yên bởi lúc nào cũng đau đáu một quê hương chỉ còn trong ký ức. Nhiều đứa bạn nói thẳng: "Đến bây giờ mới nghe được một người nói điều đó là mày". Chúng tôi gặp nhau trao đổi thẳng thắn, không giấu giếm điều gì, nói đến tận cùng suy nghĩ của mỗi người.
Với ông, quê hương là thế nào?
Tôi có tới hai quê hương. Một Bến Tre nơi tôi sinh ra, nơi đó là dòng tộc máu mủ, nơi đó cha mẹ tôi đã nằm xuống cho chúng tôi trưởng thành. Vốn là xứ học, địa linh nhân kiệt, nhiều tên tuổi trí thức lớn Việt Nam xuất phát từ đây. Những Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Đình Chiểu... là những tấm gương của nhân - nghĩa - lễ - trí - tín mà tôi từng học được.
Còn một quê hương khác, Sài Gòn đối với tôi là máu thịt, là tình yêu, là gì đó không thể lay chuyển được dù cho năm tháng trôi qua, nhìn góc phố thay đổi, cũng nhiều lúc buồn vui hờn giận, tiếc nuối...
phi công Nguyễn Thành Trung, Hoa Kỳ, không quân Sài Gòn, dinh Độc Lập
Sau khi ném bom Dinh Độc Lập, phi công Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay F5E hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Ảnh: T.L.
Ông đã bước ra khỏi vỏ bọc của một điệp viên, lái máy bay trên bầu trời hoà bình, và làm công việc đào tạo, hết lòng với một thế hệ phi công trẻ Việt Nam. Điều đọng lại trong ông sau thời gian dài gắn bó với công việc đào tạo, huấn luyện ấy là gì?
Giã từ cuộc chiến, tôi thấy mình làm khá nhiều việc mà những việc đó chắc không phải ai cũng làm được. Hồi còn sống, anh Hai Trung (tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn) nói nửa đùa nửa thật: "Việc ông ném bom dinh Độc Lập, Nhà nước phong ông anh hùng thì tôi không nói làm gì, còn công việc ông làm sau này nếu được, tôi phong ông hai lần anh hùng nữa". Anh Hai Trung hiểu về công việc đặc thù của tôi. Khi giải phóng, cả một bề thế không quân chế độ cũ bỏ lại, tôi là người làm sống lại phi đội A37 sau này tham gia đánh Tân Sơn Nhất vào ngày 28.4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. F5 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ mà Mỹ bỏ lại mấy phi đoàn nhưng không có người bay. Giá trị vậy nhưng bỏ lại quá lâu bị hư hại nhiều, có chiếc bị bắn phá thủng lỗ chỗ. Nhiều chiếc còn bị bộ đội tiếp quản tháo đi những tiện nghi nội thất hay linh kiện quan trọng... Sau khi thành lập bộ phận tiếp quản, tôi nhận nhiệm vụ làm sống lại những chiếc máy bay này. Khi sửa xong, tôi là người bay thử. Phi công bay thử của người ta điều kiện bảo hiểm ngặt nghèo lắm, còn tôi thì như con thiêu thân. Gần 50 lần bay như thế, tôi luôn sẵn sàng tình huống nhảy dù khẩn cấp bởi máy bay có thể hư bất cứ lúc nào. Mỗi lần bay, nhiên liệu chỉ cung cấp đủ phân nửa cơ số. Vốn là người nhạy cảm trong cuộc sống, con ruồi bay qua tôi phân biệt ruồi đực hay ruồi cái, huống chi chuyện nhiên liệu chỉ đủ bay một vòng trong bán kính hẹp. Điều lăn tăn mà tôi kể trên là như vậy đó.
Tháng 8.1975 sau khi hồi phục xong rồi, tôi huấn luyện cả một phi đội, bay thành thục F5 để thành lập trung đoàn không quân 935, sau này trở thành trung đoàn anh hùng.
Đã quá cái tuổi lục thập nhi nhĩ thuận, còn điều gì ông thấy hối tiếc, hoặc món nợ nào ông chưa trả được?
Đến giờ này tôi vẫn ân hận, tiếc là không được chết vì Hoàng Sa. Ngày 18.1.1974, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Hoàng Sa, phía Việt Nam Cộng hoà khi đó có một đại đội địa phương quân chốt trên đảo Phú Lâm. Hai bên đánh nhau, cùng có thương vong về con người nhưng quân số Trung Quốc đông quá, 51 lính địa phương quân của ta bị bắt đưa về Trung Quốc. Việt Nam Cộng hoà lên tiếng phản đối việc Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để chiếm đảo của Việt Nam một cách phi pháp. Đây là sự kiện lớn, dư luận thế giới cũng phản đối việc đó.
Lúc này hải quân của Việt Nam Cộng hoà không thể đổ bộ chiếm lại đảo được. Ngày 19.1.1974, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu điều năm phi đoàn F5, bốn ở sân bay Biên Hoà, một ở sân bay Đà Nẵng, mỗi phi đoàn có 24 máy bay và 120 phi công ra Đà Nẵng chuẩn bị đánh lấy lại Hoàng Sa. Mọi người rất phấn khởi, tụi tôi đi ra với tư thế là đi lấy lại một phần lãnh thổ đất nước. Sĩ quan cấp tá ở các phi đoàn 520 - Nguyễn Văn Dũng, 536 - Đàm Thượng Vũ, 540 - Nguyễn Văn Thanh, 544 - Đặng Văn Quang, 538 - Nguyễn Văn Giàu đều đã lên kế hoạch tác chiến kỹ lưỡng.
150 phi công thuộc sáu phi đoàn F5 của không lực Việt Nam Cộng hoà khi đó đều ký tên chung vào một lá đơn tình nguyện "Xin được chết vì Hoàng Sa".
Hàng ngày, máy bay RF5 có nhiệm vụ bay và chụp ảnh các toạ độ từ nhỏ nhất ở Hoàng Sa, xem có thay đổi gì, tàu chiến Trung Quốc di chuyển ra sao, bố trí các cụm phòng thủ thế nào... đưa về chiếu ra cho tất cả phi công theo dõi. Tụi tôi đếm từng tàu một, thậm chí đếm được cả số ghi trên tàu, chia bản đồ ra làm bốn, mỗi góc tư giao cho một phi đoàn, phi đoàn thứ năm bay bảo vệ trên không. Họ có 43 tàu tất cả và quyết tâm của tụi tôi là đánh chìm tất cả 43 tàu đó trong vài giờ.
Về không quân, vào thời điểm đó chúng tôi có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc. Bay từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa bằng cự ly từ đảo Hải Nam ra. Ưu thế của phi đội tụi tôi là máy bay bay ra, đánh nửa tiếng vẫn thừa dầu bay về còn Trung Quốc chỉ có Mig 21, bay ra đến Hoàng Sa thì không đủ dầu bay về. Khí thế phi công lúc đó hừng hực, mấy anh chỉ huy trưởng từ đại tá trở xuống đòi đi đánh trước. Tất cả háo hức chờ đến giờ G là xuất kích. Nhưng giờ G ấy đã không đến. Hạm đội 7 của Mỹ trên biển không cứu các hạm đội của đồng minh Việt Nam Cộng hoà bị bắn chìm và bị thương trên đảo. Dường như vì lợi ích của mình, các quốc gia lớn có quyền mặc cả và thương lượng bất chấp sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác.
Một mảnh đất dù nhỏ cũng là tổ quốc mình, cha ông ta đã đắp xây nên bờ cõi, là con dân của đất nước ai cũng có nghĩa vụ thiêng liêng gìn giữ lấy. Tụi tôi háo hức sẵn sàng tất cả nhưng cuối cùng không được chết cho Hoàng Sa. Tới bây giờ tôi vẫn ân hận. Sau này bạn bè tôi gặp lại nhau cũng cùng một tâm trạng: đáng lẽ tụi mình chết cho Hoàng Sa thì vinh dự hơn!
Hiện nay ông có bằng lòng với cuộc sống của mình?
Thời nào tôi cũng bằng lòng với hiện tại. Thời khó khăn nhất cũng như khi đất nước đổi mới đến nay, tôi bằng lòng với những cái mình hiện có. Đó là hạnh phúc tự tạo. Nếu để làm giàu tôi sẽ đi đường khác và tôi biết cách làm giàu, nhưng tôi đã không lựa chọn như vậy. Tôi vẫn nghĩ "tri túc tiện túc hà thời túc", mình biết đủ thì lúc nào cũng đủ, còn ham muốn, lúc nào cũng thấy thiếu thì không bao giờ đủ cả. Tôi bằng lòng với cuộc sống con cái học hành đàng hoàng, lễ phép với cha mẹ. Hiện tôi vẫn chưa nhàn được, tôi vẫn đi làm thuê, nhưng làm để vui, chứ làm để buồn thì tôi không bao giờ làm.
Cảm ơn về cuộc trò chuyện chân tình và thẳng thắn của ông.
TheoTrung Dũng - Minh Nguyễn/ SGTT

>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>


Ngày 30/04


30-04-1975_1 (FILEminimizer)NGÀY 30/04
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt  đã từng nói về ngày 30-4-1975: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.Trước đó, khi đi về các tỉnh miền Tây ông Kiệt chỉ trích nặng nề tuyên giáo và báo đài nhà nước 30-4 nào cũng đưa khói lửa, súng ống lên truyền hình(theo FB Huy Đức)
“Triệu người buồn” ấy cũng là giống nòi Việt. Họ hoặc đã rời đất nước này ra đi, hoặc vẫn đang ở lại trong lòng mang ít nhiều ấm ức. Nỗi ấm ức ấy có lẽ bởi những tổn thương hậu chiến quá lớn,bởi cuộc sống khó khăn kéo dài gần cả đời người…Bao giờ cũng vậy, ngày chiến thắng là sự hả hê của một bên và nỗi thất vọng của bên còn lại. Nhưng nếu nỗi thất vọng chỉ dừng lại ở đó, có lẽ, đã không có “triệu người buồn”. Ký ức chiến tranh tưởng đã biến mất nhưng thật ra vẫn ẩn sâu trong tâm thức, để có khi nhân một chuyện gì đó, tâm thế bên này bên kia ở họ sẽ vô tình bộc lộ, nhói đau như chọc phải cái răng sâu lâu nay nằm im chưa gây nhức nhối.
30 tháng 4 rồi, vậy bạn đang buồn hay vui…
tumblr_mj6o2b3fqV1qdki6xo1_500
Đã 38 năm, vì những điều không mong muốn mà ngày 30/4 năm nay vẫn là ngày đất nước có “triệu người buồn”. Nỗi buồn ấy nếu chỉ nằm trong một số gia đình như tôi như bạn cũng sẽ chẳng thấm vào đâu. Nhưng khi nỗi buồn ấy kéo dài đến những thế hệ sinh ra sau cuộc chiến thì đó là nỗi bất hạnh cho cả dân tộc…
Và không ít người đang trăn trở ước mong :
tôi có một mong muốn
bên thắng cuộc sướng hoài
đừng treo khẩu hiệu nữa
chỉ treo cờ rũ thôi

bao nhiêu người Việt chết?30-04-1975_1
bao nhiêu phần bị thương
bao nhiêu mìn còn lại?
bao nhiêu trẻ bất thường?
bao nhiêu đảo bị mất?
bao nhiêu đất bị dâng?
bao nhiêu nợ phải gánh?

nếu bạn thấy ngày vui
sao lòng còn thù hận?
nếu bạn thấy giờ buồn
xin hãy buồn vô tận

người Mỹ đã xuống đường
hát bài ca phản chiến
Người Việt mở cửa chào
đón nhận người Mỹ đến

bên thắng cuộc hân hoandaxuly15
dĩ nhiên bên thua uất
thắng & thua thì sao
tổ quốc này mất mát
nhân dân này thương đau

tôi chẳng treo cờ đỏ
tôi chẳng giăng cờ vàng
tôi treo vành khăn trắng
xua hận thù trôi nhanh
(theo FB My Lăng)
Gần 40 năm rồi vì sao chúng ta vẫn chưa thực sự ra khỏi cuộc chiến…?

>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>



Lơ mơ


Võ Trung Hiếu
questionThành phố lơ mơ đợi mưa tháng Tư
Mùa hè lờ đờ lơ mơ ngủ gật

Các nhà thơ lơ mơ trên Facebook
Lơ mơ cãi nhau thế nào là thơ
Lơ mơ không biết thơ đực hay cái
Lơ mơ thơ tồn tại đến bao giờ
Lơ mơ nhân sinh, lơ mơ nghệ thuật
Lơ mơ nên viết bằng tim hay đầu
Lơ mơ sứ mệnh, lơ mơ bản ngã
Lơ mơ không biết gieo vần vào đâu

Các sử gia lơ mơ trước sự thật
Thời buổi thông tin lan trong tích tắc
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi
Lịch sử càng lúc càng thêm minh bạch
Đây đó xuất hiện ngã ba ngã tư
Đâu là giả thiết, đâu là mệnh đề ?
Đứng trước lịch sử hưng thịnh – suy vong
Đâu là sự thật nghĩ mà ngao ngán ?

Các nhạc sỹ đang lơ mơ thăng giáng
Thời buổi nhạc viết theo đơn đặt hàng
Thời buổi nhạc đạo không bằng đạo nhạc
Thời buổi nghị quyết hát bằng nhạc rap
Nhạc đỏ cau có nhìn nhạc thị trường
Lơ mơ giận hờn nhớ thương vu vơ
Lơ mơ ca tụng những điều vụn vặt

Các nhà giáo dục lơ mơ gà gật
Giáo sư, tiến sỹ càng ngày càng nhiều
Mà sách giáo khoa bao lần cải cách
Vẫn lỗi chính tả, bàn dân xì xào
Vẫn phí hàng đống tiền của đất nước
Vẫn chưa sánh kịp bạn bè năm châu

Các kinh tế gia lơ mơ gãi đầu
Giá cả loạn tăng, dân tình ta thán
Chứng khoán đóng băng cùng bất động sản
Giá vàng bỗng dưng đắt nhất hành tinh
Mặc những nào là bình ổn, cứu trợ
Mặc những tuyên ngôn trên đài truyền hình
Mặc những chính sách “kịp thời, đúng lúc”
Những tréo ngoe ấy từ đâu mà nên ?

Thành phố lơ mơ đợi chiều vào đêm
Ve sầu lơ mơ đợi hè thoát xác
Tôi lơ mơ viết bài vè lơ mơ
Tặng cho một thời lơ mơ ngơ ngác …
 29.4.2013
 VTH
Tác giả gửi Quê Choa

>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>





30/4 lại đến rồi!


Viết theo lời thương của hai vợ chồng bà má Nam Bộ
Đặng Huy Văn
209000_338116992929912_25277236_nLời Tác Giả: Nhân mừng thọ tuổi 70 của tôi lại vào dịp nghỉ 30/4, các con tôi đã quyết định cho bố một chuyến đi dối già vào Sài Gòn và Miền Tây Nam Bộ. Tình cờ, tại vùng sông nước cuối cùng của Tổ Quốc, tôi đã được đến thăm nhà má Năm ngay gần bờ sông. Rồi má đã kể cho chúng tôi nghe những tháng năm trước 30/4/1975, ba má đã cưu mang cán bộ và bộ đội như thế nào. Má còn kể về một đứa con nuôi của má nay đang “làm vua” ở Hà Nội, đứa mà ngày xưa má đã suýt chết vì che dấu nó dưới hầm bí mật ra sao. Trời ơi, má Năm nay đã ngoài 90 mà vẫn còn minh mẫn lắm.Má cười, ba má chỉ tội nghèo nhưng nhờ sống thoải mái nên giữ được sức khỏe. Câu chuyện về đứa con nuôi “làm vua” của má nghe thật lạ! Má vừa kể vừa lau nước mắt hình như sau 38 năm biền biệt xa đứa con mà nay má vẫn thương yêu và lo cho tính mạng của nó như hồi còn trong Bưng vậy. Má nói, tình hình này thể nào cũng sẽ có một cuộc 30/4 nữa! Má sợ lúc đó ba má sẽ không còn đủ sức để cưu mang được nó. Rồi bỗng má thở dài: “Ôi sao nó không về trước đi! Cứ dại dột ngồi mãi đó lại như cái ông “Ca” gì đó ở bên Li-bi thì khổ!” Tôi chưa kịp hỏi họ tên đứa con nuôi “làm vua” của má là gì thì đã phải lên ca nô để đi sang vùng khác. Bài viết này chỉ ghi lại những lời thương của má để nhắn nhủ đứa con nuôi một thời ba má đã yêu thương như con ruột, xin được trân trọng sẻ chia cùng quí vị.
Từ ngày 30/4/1975 con chào ba má về thành phố
Ba mươi tám năm trôi qua ba vẫn sống kiếp cơ hàn
Các em con lớn lên nay vẫn chưa có việc làm ổn định
Má che chở con ngày xưa giờ vẫn sống lầm than!

Hồi trong Cứ con thưa, rồi má ba sẽ thay đời đổi kiếp
Độc lập rồi dân sẽ ấm no hơn, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn!
Vậy mà nay các đồng chí của con đang làm dân chết khiếp
Khắp nơi nơi đâu cũng thấy người dân đang phỉ nhổ căm hờn!

Ngày còn ở trong Bưng má thấy con hiền lành như thế
Mỗi lần về làng gặp du kích con thỏ thẻ với má ba
“Con đi chiến đấu quên thân để cứu dân cứu nước
“Đưa lại Độc Lập, Tự Do cho tổ quốc, quê nhà!”

Nay Độc Lập có rồi nhưng Tự Do đâu chưa thấy
Chỉ thấy ai nói hơi trái ý con là con bắt nhốt tù rồi
Người dân muốn nói thật để cho đất nước mau tiến tới
Vì họ đã từng đổ máu xương để giờ con hưởng đó con ơi!

Má biết con đã sớm phải vô Bưng nên học hành lởm khởm
Lẽ ra nay làm vua, con phải biết khiêm tốn lắng nghe dân
Dân thật thà góp ý giúp con thì con kêu “bầy phản động”
Còn mấy đứa nịnh hót tâng bốc thì con lại chơi thân

Sao dưới triều đại con, người có tài thì con không trọng dụng?
Chỉ bổ nhiệm một lũ cúi luồn bằng cấp có, kiến thức không
Làm đất nước lộn tùng phèo người mù lại đi dắt người sáng
Người tâm huyết tài năng lại phải về cày ruộng nuôi tôm!

Mà nuôi tôm, các đồng chí của con cũng không cho yên sống
Anh em Đoàn Văn Vươn hai mươi năm trời đã lấn biển quai đê
Xây đầm nuôi tôm bằng chính sức mình làm giàu cho đất nước[1]
Các bạn con lại dùng bộ đội công an định cưỡng cướp mang về!

Má ba chưa thấy lịch sử nước nhà có thời đại nào như thế
Mồm “lấy dân làm gốc” tay lại cướp bóc và đàn áp dân lành
Chuyện ba ngàn công an đánh một ngàn nông dân năm ngoái[2]
Cướp đất Văn Giang xây “thiên đường” là một “trang sử liệt oanh”

Dân đóng thuế được bao nhiêu thì bọn nịnh thần vơ vét hết
Rồi cố tình đẻ thêm ra chước quỷ mưu ma để trấn lột tiền dân
Hết bày đặt nào thuế xăng xe, thuế đường bộ, thuế ô tô xe máy…
Bệnh viện nằm bốn người một giường cũng phải nộp thuế thân!

Ba má muốn gặp tận mặt con để nói cho con nghe sự thật
Nhưng từ ngày con làm quan rồi làm vua đâu ló mặt về thôn
Má ba đã ngoại cửu tuần rồi không thể ra thăm con được nữa
Sợ ít nữa dân phẫn uất lên, má ba không còn cơ hội để cứu con!

Ba ruột con danh tính là gì và ở đâu má ba không được biết
Chỉ thấy má đẻ con một mình lam lũ nuôi con nên má ba thương
Có phải “ông ấy” nhận ra con không mà nâng con lên nhanh thế?
Làm vua mà không được học hành sao con có thể đảm đương?

Ba má đã sống hơn nửa đời người trước 30 tháng Tư nên hiểu
Thời trước người ta biết trọng nhân tài nên xã hội văn minh
Người giàu biết thương yêu người nghèo, tạo việc làm cho họ
Chứ không như bọn tư bản đỏ bây giờ làm dân ghét, dân kinh

Thời trước Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là của ta tất cả
Ngư dân ta đánh cá ngoài khơi có ai dám trấn giết cướp tàu
Thời nay ngày nào Hán tặc cũng bắn giết ngư dân trên biển
Mà ba má đã bao giờ được nghe con lên tiếng cứu dân đâu?

Má ba cùng đồng bào đã 20 năm cưu mang con trong lửa đạn
Hôm con chui xuống hầm cạnh bồn cầu, má cứ phải “ngồi” coi
Nếu không có nhân dân hi sinh thì 30/4 các con sao thắng được
Mà nay các đồng chí của con đối xử với dân tàn ác thế con ơi!
 Sài Gòn, 28/4/1013
Tác giả gửi Quê Choa
……………………………………..
 [1]- Ngày 5/1/2012, chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã dùng hơn 100 công an và bộ đội có trang bị vũ khí đến đập phá nhà và định cướp trắng đầm tôm của gia đình anh em ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, Tiên Lãng một cách trái pháp luật.
 [2]- Ngày 24/4/2012, hơn ba ngàn công an và đầu gấu được UBND huyện Văn Giang, Hưng Yên thuê để đàn áp cuộc biểu tình của hơn một ngàn nông dân tại xã Xuân Quan, Văn Giang để giữ ruộng đất và mồ mả tổ tiên của bà con đang bị giải tỏa mặt bằng để xây dựng “Thiên đường Ecopark”của một chủ đầu tư giấu mặt. Cuộc biểu tình của bà con Văn Giang đã bị đàn áp dã man trong đó có rất nhiều người dân và hai phóng viên VOV đã bị đánh trọng thương.
>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>




Giải Phóng


373111_513382712014083_581802536_nNăm 1991, khi thăm chính thức Thái Lan ông Võ Văn Kiệt nói: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng 3 đế quốc to”. Thủ tướng Thái Lan đáp lời: “Chúng tôi tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả”.
Chính quyền Thái Lan từng bị chỉ trích vì chính sách “ngoại giao cây tre” nhưng đổi lại người dân Thái đã tránh được bao cảnh đầu rơi, máu chảy. Không chỉ có người Thái, cho đến trước Thế chiến thứ II người Nhật cũng đã từng khôn ngoan tránh đối đầu với phương Tây. Nhật là một dân tộc thiện chiến, nhưng năm 1853, khi Đề đốcPerry đưa tàu chiến Mỹ tới Edo, người Nhật nhận ra họ đang đối diện không phảivới một “mandi” mà là một đế quốc. Thay vì “tuẫn tiết”, Thiênhoàng Minh Trị, bên ngoài thì cho mở cửa giao thương, bên trong thì canh tân. Nước Nhật vừa giữ được độc lập vừa trở nên hùng mạnh.
Tinh thần độc lập cũng vô cùng cao cả. Nhưng, như Hồ ChíMinh nói: “Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa”. Năm 1999, người Úc đã từng trưng cầu dân ý về việc họ có nên thay thế quan toàn quyền của Nữ Hoàng Anh bằng một chế độ cộng hòa tổng thống (độc lập) hay không, kết quả là đa số dân Úc đã nói không. Bởi, điều quan trọngnhất là hạnh phúc và tự do thì người dân đã có.
Ngày 30-4-1975, cũng có thể coi là ngày chiến thắng nhưng nó chỉ mới là chiến thắng của những người cộng sản. Cho dù đã sau 38 năm, theo tôi, vẫn có thể tạm gác lại chuyện đánh giá bản chất của cuộc chiến tranh. Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo “lời dạy của Hồ Chí Minh”, thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc.
Cái ngày mà đảng cộng sản Việt Nam làm được điều đó xin cứ gọi là ngày giải phóng và chắc chắn sẽ có không ít người dân cũng coi đó là ngày chiến thắng.
<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<<









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét