Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

SUY GẨM . . .




Cụ Tổng còn trách ai?

 nguyen_phu_trongBáo lề Đảng đua nhau đưa lời cụ Tổng than phiền: “Một bộ phận thanh niên ít quan tâm đến tình hình đất nước” ( tại đây).  “Một bộ phận” này là một bộ phận không nhỏ, ấy là không muốn nói đại bộ phận thanh niên, có vậy cụ Tổng mới than.
Tại sao thanh niên lại thờ ơ đến tình hình đất nước? Thưa cụ là vì thế này: Đất nước có hai vấn đề nổi cộm nhất là  bọn tham nhũng và lũ bành trướng, chính quyền đều khuyến cáo đã có Đảng và nhà nước lo, cấm không được manh động… thử hỏi còn gì mà lo nữa?
Xin diễn đạt bằng hình để cụ xem cho dễ hiểu.
B90E4BD4-6A8D-4BF3-AAC3-EBF0BA9170B2_mw1024_s
Biểu tình chống bành trướng bị coi là tụ tập gây rối, bị khuyến cáo “đừng yêu nước bằng máu người khác”
triduc
Và biểu tình chống bành trướng TQ bị chính quyền trấn áp thẳng tay.  Người bị đạp vào mặt là một đảng viên trẻ- anh Nguyễn Chí Đức. Thất vọng về việc chính quyền trấn áp biểu tình yêu nước, anh Chí Đức đã xin ra khỏi Đảng
154663_121762171320048_464686748_n
Biểu tình chống bọn tham nhũng  cũng bị coi là tụ tập gây rối, bị khuyến cáo “đừng lợi dụng chống tham nhũng để chống chế độ”.
Đây là hình ảnh diễn tập  đoàn biểu tình chống bọn tham nhũng  bị coi là tụ tập gây rối.
Cuộc diễn tập cho thấy công an thẳng tay trừng trị lũ biểu tình chống bọn tham nhũng bằng vòi rồng, lựu đạn cay và chó nghiệp vụ.
Hoan hô! Chính quyền đã đánh tan bọn chống lũ bá quyền và lũ chống bọn tham nhũng!
Đúng là mọi việc đã có Đảng và nhà nước lo, thế thì thanh niên cần gì mà lo nữa?
Chỉ xin hỏi nhỏ cụ Tổng hai câu:
1. Một chính quyền đánh tan bọn chống lũ bá quyền, ngăn không cho dân biểu tình chống xâm lược, chính quyền đó là chính quyền cho ai?
2. Một chính quyền đánh tan lũ chống bọn tham nhũng, quyết không cho dân biểu tình chống tham nhũng, chính quyền đó là của ai?



Về cái gọi là ” thực tế” của ông Nguyễn Thế Kỷ


Tâm Sự Y Giáo
tmlgg07Được biết tại buổi giao ban báo chí ngày 11-12-2012, Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu:
Về vụ đứt cáp tàu Bình Minh 2: Đại diện Bộ ngoại giao đến buổi giao ban cung cấp đầy đủ, cụ thể và chính xác để báo chí có thông tin… Thực tế, khi bị lực lượng của ta đuổi, hai tàu cá TQ bỏ chạy nên làm đứt cáp tàu BM2. Các đồng chí đều nắm rõ, thông tin như vậy đều được các đồng chí nắm rõ, nhưng có những báo vẫn cố tình đưa là cắt cáp. Hai sự việc này là khác nhau hoàn toàn…
Thưa với ông Nguyễn Thế Kỷ,
Cái gọi là “thực tế” của ông, mà ông đã dùng để chỉ đạo cũng như hăm dọa kỷ luật báo chí, nó khác xa với những “thực tế cuộc sống” dồn dập trong những ngày gần đây mà người dân gọi là sự thật:
Sự thật là, “Thời gian gần đây, có rất nhiều tàu cá TQ xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản với số lượng rất lớn, tập trung ở khu vực Cồn cỏ đến Nam Tri Tôn, có ngày lên tới hơn 100 lần chiếc. Các tàu chấp pháp của Việt Nam đã yêu cầu các tàu cá Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên nhiều tàu cá Trung Quốc vẫn cố tình quay trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam… Việc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, không những xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam và làm ảnh hưởng đến hoạt động trên biển của PVN” (Theo Petrotimes, ngày 3-12-2012). Sự thật này, sao ông không nói ?
Sự thật là, tại thời điểm tàu BM2 bị cắt cáp, có hơn 20 tàu TQ đang bủa vây quanh tàu BM2, theo bức chụp màn hình rada lúc 4h19’ ngày 30-11-2012 của tàu BM2 với lời chú thích của Petrotimes: các chấm tròn màu sáng là biểu thị hàng mấy chục tàu cá Trung Quốc “bủa vây” Bình Minh 2 . Ông nói tàu của ta đuổi tàu TQ, nhưng với số lượng tàu của bọn chúng đông đảo như thế đang bủa vây tàu ta thì ai mới là đuổi ai ?  Đây chính là sự khiêu khích cố tình của Trung Quốc nhằm gây ra một sự cố nào đó, ảnh hưởng đến hoạt động của tàu BM2, và sâu xa hơn nhằm chứng tỏ chủ quyền thực tế của bọn chúng trên toàn bộ Biển Đông. Sự thật này, sao ông lờ tịt đi ?
Ngay30_11_2012_2
 Các chấm tròn màu sáng là biểu thị hàng mấy chục tàu cá Trung Quốc “bủa vây” Bình Minh 2 ( Ảnh: Petrotimes)
Sự thật là, “Ngày 3-12-2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội đến để phản đối vụ tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 2” (Theo VietnamNet, ngày 6-12-2012). Điều này nói lên mức độ nghiêm trọng của một vụ việc chưa từng xảy ra kể từ khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ, vậy mà đồng loạt báo chí VN chỉ đăng nhẹ nhàng: Đại diện Bộ Ngoại giao VN gặp đại diện sứ quán TQ trao công hàm ?  Sự thật này, sao ông cũng bỏ qua luôn ?
1Untitled
Ảnh chụp màn hình VietnamNet ngày 6-12-2912
Và còn một sự thật nữa là: có những kẻ đang cất công điều tra về nguyên nhân thông tin vụ cắt cáp bị rò rỉ nhằm đối phó với những vụ việc tương tự trong tương lai. Ông có biết chăng ?
  
Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ khó mà hy vọng sẽ được trả lời. Chỉ biết chắc chắn một điều rằng, với cung cách xào nấu, chế biến thông tin theo chỉ đạo, định hướng như thế, thì sẽ ngày càng đánh mất lòng tin của người dân. Bởi lẽ trong những thông tin ấy, hàm lượng “sự thật” quá thấp mà hàm lượng “nô dịch cho Tàu” lại quá cao !



Đừng Vu Khống.


Người Buôn Gió
question[1]NQL: Mình thích những nhận xét sắc sảo, đáo để và hóm hĩnh của anh chàng NBG này, hi hi
Đó là tin nhắn vào hộp thư của mình. Lần đầu tiên mình bị nhắc nhở về tội vu khống. Nói thì oan cũng đúng, không oan thì cũng đúng.
 Chuyện là thế này, mình nghe trên facebook đồn anh Hồng Thanh Quang chính là Quý Thanh tác giả bài báo đánh Cù Huy Hà Vũ.
 Mình bèn vào facebook của anh ấy nhắn rằng.
 - Nghe nói anh là Quý Thanh, tác giả bài báo vạch mặt tên phản động Cù Huy Hà Vũ, kẻ đã dám kiện thủ tướng xuất sắc nhất châu Á của nước ta. Chúc anh và gia đình anh hạnh phúc.
 Ngay lập tức mình nhận tin nhắn của Hồng Thanh Quang khô khốc đầy cáu giận.
 - Đừng Vu Khống.
 Mình định trả lời, nhưng anh HTQ chặn nhau không thể liên hệ nữa.
 Có lẽ tin đồn không đúng, mình nghiêng về giả thiết không đúng hơn. HTQ là một nhà thơ, nhà văn, xưa nay chém gió về văn học, nghệ thuật hay dạng đại loại như thế khá hay. Mình cũng chưa thấy khi nào HTQ bàn lấn sang chuyện dân chủ, đấu tranh, phòng chống diễn biễn gfi cả. Thế nên khi nhận được tin đồn, mình cũng còn cẩn trọng – Nghe nói anh là….
 Nhưng chuyện không liên hệ với nhau thì chả quan trọng gì, anh ấy là nhà báo lớn, mình viết blog lôm côm. Không nhìn thấy nhau thì cũng là chuyện thường chứ đừng nói là có câu đụng chạm đến nhau.
 Chuyện là về Quý Thanh và bài báo đó cơ.
 Một bài báo đăng đĩnh đạc trên tờ báo lớn, hợp với chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, một bài báo đầy tính chiến đấu.
 Thế mà chả rõ ai viết. Người ta tưởng một người nào đó viết, khi được hỏi đến, lẽ thường không phải thì anh ta sẽ nhẹ nhàng nói – nhầm rồi không phải tôi viết bài đó. Hoặc nếu anh ta sẽ à ừ nửa nọ nửa kia .
 Dù anh ta từ chối nhẹ nhàng hay ừ à không rõ ràng, nhưng chắc chắn trong lòng anh ta sẽ vui khi có người nghĩ nhầm mình viết một bài báo xã luận chính trị đăng trên báo lớn như vậy.
 Nhưng người ta dẫy nảy, thậm chí cáu thực sự như bị vu khống nếu như ai đó nghĩ anh ta viết bài báo đó. Thế mới là chuyện lạ đời.
 Thế phải xem bài báo đó có nội dung tử tế hay là khốn nạn. Mà đến mức độ người bị nghĩ nhầm là tác giả bài báo đó phải phản ứng gay gắt như vậy.?
 Chúng ta thấy những bài báo dạng này toàn ký một cái tên ất ơ, hoặc lờ mờ như là ” nhóm phóng viên”.
 Chúng ta cũng thấy khi bắt bọn ” gây rối trật tự ở Hồ Gươm ” nhiều chiến sĩ công an thường phục giơ tay, ngoảnh mặt tránh ống kính.
 Chúng ta cũng không thấy phóng viên nào khoe công khai rằng – tao viết bài đánh bọn tôn giáo, bọn biểu tình, bọn dân chủ…
 Cũng không thấy chiến sĩ công an nào đi khoe hôm nay, hôm qua lập thành tích giải tán , bắt bớ bọn biểu tình Hồ Gươm.
 Mình đứng bên ngoài cổng trại Lộc Hà, nhìn những chiếc xe con ra về chở những người an ninh làm việc với những người biểu tình bị bắt. Nét mặt những người trong xe có vẻ mệt mỏi, chán nản, khó chịu. Họ không hân hoan mãn nguyện như vừa lập chiến công. Còn những người bị bắt vì tội biểu tình ra khỏi cổng trại mặt mũi tươi hơn hớn, lại tiếp tục cười vang và hô khẩu hiệu, căng băng rôn, chụp ảnh lấy luôn cổng trại làm nền.
 Nhưng vẫn có những bài báo lớn tiếng phê phán người bị bắt , bị cầm tù. Đả kích, mạt sát những người biểu tình Hồ Gươm bằng những bút danh không rõ là ai, được đậy như bí mật quốc gia. Những cuộc phỏng vấn hình mà không thấy phóng viên đâu, kể cả giọng nói. Chỉ có mấy loại cán bộ khu phố quèn, về hưu , bị đời quên lãng. Thấy cơ hội ngoi mặt lên ti vi là háo hức trả lời chỉ trích này nọ, phơi mặt ra để rồi được khoe là hôm nay lên truyền hình. Còn thực sự những kẻ đứng ra tổ chức ghi hình, viết bài, đưa tin….hầu như đều né mặt không muốn nhận với thiên hạ mình đã làm những việc được gọi là ” chính nghĩa ” ấy.
 Nói đi thì cũng nói lại.
 Đến cả cái công văn giải tán biểu tình của uỷ ban NDTPHN còn chả ai ký tên nữa là nói chi đến bọn phóng viên nội chính quèn.
 Ô hay ! Nhưng ” chính nghĩa ” ngày hôm nay là gì mà không ai dám nhận.? Người ta ra rả về chính nghĩa, về đúng đắn khi xử tù những tên tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, những tên biểu tình phá hoại quan hệ hữu nghị Việt- Trung. Nhưng chỉ thấy ” chính nghĩa ” còn ” chính danh” thì ở đâu đâu.
 Thái độ của Hồng Thanh Quang với mình, chung quy cũng là thái độ của anh ta với bài báo của tác giả Quý Thanh.
 Nếu mình hỏi có phải anh là tác giả bài thơ ” Quê Hương ” không. Anh là tác giả ” Bên Kia Sông Đuống ” hay ” Màu Tím Hoa Sim “‘ ? Chắc sẽ không bị mắng là”‘ vu khống ” như vậy.



Lời vàng ngọc và quả trứng gà


209000_338116992929912_25277236_nTại kỳ họp thứ 5, HĐND TP.Đà Nẵng vừa qua, kì họp được báo chí nhắc tới rất nhiều về những phát ngôn vì dân của ông Nguyễn Bá Thanh. Khi nghe đại biểu Thái Thanh Hùng cho biết “Giá đền bù đất nông nghiệp ( tại Đà Nẵng) quá thấp, thấp hơn so với nhiều nơi”, ông Nguyễn Bá Thanh đã khẳng định:”đừng để ai bị giải tỏa đền bù mà có cuộc sống khó khăn hơn trước”. Làng báo Việt rất phấn khởi khi nghe những lời vàng ngọc đó, càng phấn khởi khi chính người đứng đầu thành phố Đà Nẵng khẳng định: “nếu tính cả các khoản chi hỗ trợ thì giá bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp ở Đà Nẵng cũng khá cao, sắp tới sẽ còn tăng thêm 30% nữa.”
Thế nhưng tin từ báo Thanh niên cho biết: “Thu hồi đất để phục vụ cho dự án xây dựng sân golf nhưng Ban Giải tỏa đền bù số 1 TP Đà Nẵng chỉ áp giá hỗ trợ về đất có 3.000 đồng/m2 – vừa đúng bằng một quả trứng gà công nghiệp”!
Dân tình quá sốc khi chuyện này xảy ra tại Đà Nẵng, thành phố nổi tiếng về công tác giải tỏa mặt bằng và đền bù cho dân, nơi có một bí thư dám nói dám làm với câu nói nổi tiếng: “ Nếu sai mà có lợi cho dân thì vẫn cứ làm.”
Càng đi sâu vào câu chuyện đền bù ở Hòa Vang- Đà Nẵng càng bị sốc, cũng báo Thanh niên cho biết: “Rất nhiều quyết định thu hồi đất, kiểm định, áp giá đền bù được ban hành kèm theo, nhưng phần lớn đều không đền bù, hỗ trợ về đất…”
Bà Trần Thị Hậu một giáo viên đã bị kỉ luật buộc thôi dạy vì khiếu kiện đất đai. Bà Hậu khiếu kiện vì mảnh đất 4.312 m2 do gia đình bà canh tác từ năm 1991 bị thu hồi cho dự án sân golf “nhưng không bồi thường, hỗ trợ tiền đất mà chỉ bồi thường vật kiến trúc, cây cối hoa màu với số tiền hơn 31,5 triệu đồng.” Sự khiếu kiện hoàn toàn xác đáng này đã bị Trưởng phòng GD-ĐT H.Hòa Vang cho rằng “làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục” và thẳng tay cho bà thôi việc.
Hóa ra câu chuyện đất đai ở Hòa Vang- Đà Nẵng cũng chẳng khác gì ở Tiên Lãng, Văn Giang và hàng trăm hàng nghìn nơi khác. Không rõ chuyện này đã đến tai ông Nguyễn Bá Thanh chưa? Nếu biết, trên mảnh đất “ đi đầu đánh Mỹ”, mảnh đất “nặng nghĩa ân tình” lại có giá một quả trứng gà công nghiệp cho một mét đất thì ông Nguyễn Bá Thanh sẽ nghĩ thế nào?
Câu nói nổi tiếng nhất vì nó hay nhất của ông Nguyễn Bá Thanh, là: “Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai”. Với việc thu hồi đất không bồi thường, không hỗ trợ tiền đất. Giá bồi thường một mét đất chỉ bằng giá một quả trứng gà công nghiệp và người dân khiếu kiện bị đuổi việc làm ở công sở thì thưa ông Nguyễn Bá Thanh, Đà Nẵng là thành phố đáng sống hay chán sống?
Cũng trên báo Phụ Nữ Tp HCM, người viết bài này đã hoan hô ông Nguyễn Bá Thanh vì “ông đã chấp nhận cái sự mất lòng quan để đi đến tận cùng sự thật, bất chấp luật lệ phép tắc chốn nghị trường miễn sao lời ông nói, điều ông làm là có lợi cho dân.” Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh rất thích câu nói quyết liệt của ông: “Tôi mà có quyền để làm thì tôi đảm bảo…” vì nó thể hiện rõ nhất tính cách Nguyễn Bá Thanh, tính cách một ông quan vì dân và cho dân.
Giờ đây tại Hòa Vang- Đà Nẵng, nơi mà ông Nguyễn Bá Thanh hoàn toàn “có quyền để làm”, người dân đang khổ đau vì mất đất, dân chúng cả nước đang chờ xem ông sẽ giải quyết thế nào để những phát ngôn của ông vẫn là những lời vàng ngọc chứ không phải là những quả trứng gà rẻ mạt.
NQL




Kinh tế Việt Nam đi về đâu? Nhìn sao cũng đúng

Nguyễn Vạn Phú
ganh_giaNhiều người ắt hẳn rất ngạc nhiên khi thấy các chuyên gia kinh tế của các tổ chức kinh tế, tài chính thế giới, kể cả các ngân hàng khi phân tích tình hình kinh tế Việt Nam đều tỏ ra lạc quan theo kiểu mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp, không có gì phải lo lắng. Ngạc nhiên là bởi cùng lúc đó phản ánh từ giới kinh doanh trong nước là một bức tranh u ám, một tình hình bi đát của hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp gia đình.
Thật ra hai nhận định này không mâu thuẫn nhau là mấy, cái khác biệt là góc nhìn, là cách lượng giá các con số và các xu hướng.
Ví dụ lạm phát, từ chỗ lên đến 18,6% năm 2011, năm nay lạm phát đã được kéo về dưới một con số (dự báo cả năm chừng 9,2%), ắt hẳn các chuyên gia kinh tế sẽ đánh giá đây là một thành tựu đáng kể. Và những biện pháp được áp dụng để kiềm chế lạm phát sẽ được coi là đúng đắn như nâng lãi suất lên cao, thắt chặt tín dụng. Cũng những cụm từ đó nhưng nhìn từ góc độ doanh nghiệp lại là những hòn đá tảng, đè nặng lên vai họ: lãi suất cao, tức chi phí tài chính cao làm họ kiệt quệ, thắt chặt tín dụng đồng nghĩa ít có cơ hội cho họ vay vốn làm ăn dễ dàng như những năm trước.
Ở đây, phải thừa nhận công luận đôi lúc đảo chiều một cách thiếu nhất quán. Những năm trước, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng quá cao, có năm như năm 2007 tăng đến 51%, kéo theo lạm phát phi mã, dư luận ai nấy đều đòi hỏi phải siết lại việc cho vay dễ dãi của hệ thống ngân hàng. Nay tăng trưởng tín dụng thấp, chính là hệ quả của việc các ngân hàng thận trọng trở lại, từng bước giải quyết nợ xấu, các doanh nghiệp từng bước giải quyết việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá đáng, lại bị mọi người chỉ trích như một chỉ tiêu không đạt yêu cầu. Có lẽ việc công luận đảo chiều trong trường hợp này là do mức thay đổi quá lớn, tín dụng tính cho đến cuối tháng 11 chỉ tăng 4,15%.
Hay chuyện tính toán cán cân thương mại, lần đầu tiên trong nhiều năm Việt Nam xuất siêu thay vì nhập siêu (mới năm ngoái đây thôi, Việt Nam nhập siêu đến gần 10 tỷ đô-la), không thể không xem đây là một thành tích đáng kể. Báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài đều tô đậm yếu tố này bởi nó góp phần quyết định trong việc ổn định tỷ giá. Nhưng đó là góc nhìn vĩ mô; nhìn từ doanh nghiệp thì thấy tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước hầu như không tăng xuất khẩu. Còn nhập khẩu không tăng mạnh như mọi năm đồng nghĩa doanh nghiệp bế tắc, không thể nhập nguyên vật liệu về để sản xuất hoặc không bán được hàng nên không dám nhập hàng nhiều như các năm trước.
Một yếu tố khác cũng nhận được sự đánh giá khác nhau giữa hai góc nhìn vĩ mô và vi mô là chuyện nợ xấu. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì lạc quan tin rằng Việt Nam sẽ xử lý được vấn đề nợ xấu. Đó là bởi tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam, dù còn bất nhất nhưng cứ lấy theo tỷ lệ cao nhất là 10% trên tổng dư nợ tín dụng mà có lần Thống đốc Ngân hàng Nhà nước buộc miệng công bố trên diễn đàn Quốc hội thì vẫn còn rất thấp so với tỷ lệ này ở các nước lúc xảy ra khủng hoảng nợ xấu. Theo một nghiên cứu của McKinsey, sau cơn khủng hoảng tài chính năm 1997, nợ xấu của các nước châu Á tăng vọt, lên khoảng 30% GDP, ví dụ nợ xấu tính đến cuối năm 2001 của Trung Quốc là 44-55% GDP, của Malaysia là 36-48% GDP hay của Thái Lan là 36-41% GDP. So sánh như thế thì nợ xấu Việt Nam dù có lên đến 15% GDP vẫn có thể giải quyết được.
Thế nhưng nhận định này không tính đến hai chuyện. Thứ nhất, ngay sau khủng hoảng tài chính 1997, các nước nhảy vào quyết liệt giải quyết nợ xấu còn ở Việt Nam, bàn thì nhiều, phát biểu thì hăng say trong khi bắt tay vào giải quyết nợ xấu, cho đến giờ đề án tổ chức công ty mua bán nợ xấu vẫn chưa có! Thứ hai, vì chưa có hướng giải quyết triệt để, nợ xấu làm giới ngân hàng không muốn cho vay ra nữa, tiền chỉ đổ vào trái phiếu chính phủ và có lẽ sắp tới là trái phiếu chính quyền địa phương.  
Như thế nhìn từ góc độ vĩ mô, tình hình kinh tế Việt Nam, theo các tổ chức tài chính quốc tế, dường như đang đi vào thế dần ổn định, thời điểm khó khăn nhất đã qua và các nguy cơ nổ ra khủng hoảng cán cân thanh toán hay khủng hoảng tài chính đã được giải quyết.
Tuy thế, nhìn từ góc độ doanh nghiệp các rủi ro khác vẫn có khả năng xảy ra. Đó là sự vỡ nợ dây chuyền từ doanh nghiệp này lây lan sang doanh nghiệp khác rồi từ doanh nghiệp đến ngân hàng hay từ doanh nghiệp đến người lao động. Ví dụ người ta chỉ chú ý đến hai bên trong tranh chấp bảo lãnh phát hành trái phiếu giữa Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex – Viettel và ngân hàng SeABank mà quên đi nhân vật chính, Công ty Vina Megastar, nơi phát hành trái phiếu và nay không trả được nợ. Dự báo sẽ còn nhiều vụ như thế, nhất là các khoản nợ có liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước.
Đây là cái giá phải trả trong quá trình trở lại những giá trị kinh doanh căn bản chứ không chạy theo các loại bong bóng tài sản như trước. Tái cơ cấu một doanh nghiệp là đã tốn kém, huống gì phải tái cơ cấu cả nền kinh tế. Điều đáng băn khoăn là chi phí của quá trình này, nhất là khi liên quan đến khối doanh nghiệp nhà nước hay hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, lại đang được chia đều ra cho người dân ai cũng phải gánh. Dọn dẹp hậu quả của lòng tham thì lẽ ra thủ phạm chạy theo lòng tham phải gánh chịu trước tiên chứ không phải là người dân bình thường.

Theo blog NVP

5 câu hỏi gửi tới ông Nguyễn Thế Kỷ


Có phải ông Nguyễn Thế Kỷ chỉ thích làm báo kiểu này?
Có phải ông Nguyễn Thế Kỷ chỉ thích làm báo kiểu này?
Theo BBC ( tại đây) :”Cơ quan phụ trách báo chí hàng đầu của Đảng đã nặng lời chỉ trích các báo khi đưa tin Trung Quốc cắt cáp và dọa sẽ có hình thức ‘kỷ luật’. Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã dành phần đáng kể thời gian trong cuộc họp giao ban kéo dài khoảng 90 phút hôm 11/12 để khiển trách các báo vì đã không chấp hành chỉ thị về việc đưa tin liên quan tới Trung Quốc.”… “Ông Kỷ cũng nói “vấn đề không phải là sợ ai” mà là “họ [Trung Quốc] sai đến đâu mình nói đến đó”.
  Hôm qua Anh Ba Sàm cũng đã đưa tin ( tại đây): “Sáng qua, trong cuộc Giao ban báo chí hàng tuần, tại Ban Tuyên giáo TƯ, dưới sự chủ trì của lãnh đạo ban này và bộ 4T, các báo đã được nghe “lên lớp”, đại ý là tại sao đã có chủ trương chỉ nói là tàu TQ lỡ làm đứt cáp thôi, mà có một số báo lại đưa là nó cố tình cắt cáp, để gây ra kích động nhân dân biểu tình. Trong số các báo này có mấy báo bị phê nặng là Lao động, Pháp luật TPHCM, Tuổi trẻ …”.
Chán không buồn nói nữa, cũng bận việc không có thời gian để chỉ ra sự lên lớp rất bậy của ông Nguyễn Thế Kỷ. Chỉ xin đưa lại 5 câu hỏi của một độc giả gửi tới Anh B a Sàm ( tại đây):
1. “Tàu cá” không có thiết bị chuyên dụng không thể cắt được cáp. Một tàu cá bình thường chỉ có lưới, không thể “vô tình” làm đứt cáp được. Anh Ba hỏi các nhà chuyên môn dầu khí thì rõ. Người có mặt hôm ấy trên biển biết rõ là tàu hải quân TQ giả làm tàu cá, có vũ khí và thiết bị chuyên dụng, hơn 100 chiếc, có chiến thuật rõ ràng, đánh lạc hướng, bao vây 3 tàu bảo vệ nhỏ của ta và có hai tàu chuyên dụng đi về phí sau, cắt cáp 1 cách chuyên nghiệp, thành thạo. Nói “vô tình gây đứt
cáp” là cố ý nói dối dân và tự dối mình. Khổ nhục kế như vậy có hạ nhiệt Tàu không? Chắc chắn là không … 
2. Từ 1.1.2013 Hải Nam sẽ khám xét tàu thuyền trong vùng lưỡi bò. Lúc đó sẽ nói là “vô tình khám xét” hay sao? Có phương án đối phó gì chưa? 
3. Không biết “đường dây nóng” do Mạnh Mượt ký để làm gì, có bao giờ sử dụng không?
4. Sự việc tàu cá Trung Quốc làm “đứt cáp” xảy ra trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam (xem bản đồ của PetroVietnam công bố) là một vi phạm trắng trơn, nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm đó nhẽ ra phải bắt giữ và phạt hành chính thì lại kỷ luật anh em mình!
Câu hỏi cuối cùng là đây, thưa ông Nguyễn Thế Kỷ:
Báo Trung Quốc: VN nói bị tàu TQ quấy rối rồi lại đổi sang nói là vô tình - 越南称遭中国船只骚扰 又改口称属意外. Thế là thế nào, TQ nó có vô tình lỡ làm đứt cáp không?
Đã thấy nhục chưa ối ông Nguyễn Thế Kỷ ôi!






TUYÊN BỐ CỦA 5 NHÂN SĨ TRÍ THỨC PHẢN ĐỐI HÀNH VI TRẤN ÁP THÔ BẠO VI PHẠM PHÁP LUẬT


384689_508572339169518_1134843707_nChúng tôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng, những người ký tên vào Thông báo TỔ CHỨC MÍT TINH PHẢN ĐỐI NHỮNG HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC được tổ chức vào ngày 9.12.2012 tại quảng trường Nhà hát Thành phố, cực lực phản đối những hành vi thô bạo vi phạm pháp luật của các lực lượng công an và chính quyền địa phương tại những Phường và Quận nơi chúng tôi cư trú và nơi tổ chức mít tinh.
Việc tổ chức mít tinh phản đối hành động gây hấn ngày càng nghiêm trọng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, nhằm biểu thị ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia về lãnh thổ và lãnh hải là một việc hết sức cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ trí thức và thế hệ trẻ Thành phố. Đó là hành động yêu nước quang minh, chính đại. Chúng tôi đã công khai nêu rõ mục đích của cuộc mít tinh, khẩu hiệu đấu tranh, ngày giờ và địa điểm trong THÔNG BÁO ngày 7.12.2012. Thông báo này cũng đã gửi đến ông Bí thư Thành ủy, ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chỉ đạo các ngành hữu quan hỗ trợ để cuộc mít tinh phản đối hành động gây hấn và những thủ đoạn nham hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc diễn ra trong trật tự, tạo thành một sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Nhà nước.
Trong buổi tiếp chúng tôi, thay mặt cho lãnh đạo Thành phố, ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Trí đã nghe chúng tôi trình bày rõ ràng, minh bạch lý do chúng tôi thực hiện quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp và đã nêu rõ trong Đề nghị của 42 nhân sĩ trí thức gửi đến lãnh đạo Thành phố ngày 27.7.2012 về việc tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện quyền công dân, biểu tình biểu tỏ ý chí kiên quyết chống hành động gây hấn, lấn chiếm, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Ông Phó Chủ tịch đã hiểu rõ mục đích, nội dung, khẩu hiệu, địa điểm và ngày giờ tổ chức cuộc mít tinh và cũng đã có thái độ chia sẻ với chúng tôi.
Đáng tiếc là, thay vì hỗ trợ chúng tôi thì chính quyền lại ra sức ngăn cản để không cho cuộc mit tinh biểu thị lòng yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược được tiến hành một cách ôn hòa và trật tự. Nhiều thủ đoạn không quang minh chính đại đã được diễn ra theo một kịch bản trấn áp được thực thi một cách thô bạo. Nghĩ rằng, tóm bắt những người đề xướng cuộc mít tinh không cho họ đến quảng trường Nhà hát Thành phố thì cuộc mít tinh sẽ tan. Hoàn toàn không phải vậy.
Diễn biến của tình hình cho thấy, nếu không có năm chúng tôi thì cuộc mít tinh vẫn diễn ra với một khí thế mạnh mẽ, biểu thị sức mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thành phố, đặc biệt là của thanh niên và giới nhân sĩ, trí thức, không một thế lực đen tối nào ngăn cản được. Điều này cho thấy nếu vẫn cứ trấn áp, bắt bớ, đe dọa và khủng bố thì sẽ chỉ như lửa đổ thêm dầu, làm cho tình hình Thành phố mất ổn định, hình ảnh cả đất nước xấu thêm lên trước con mắt công minh của bạn bè quốc tế.
Theo kịch bản trấn áp để phá bỏ cuộc mít tinh, cả năm chúng tôi đều bị lực lượng công an, dân phòng và chính quyền địa phương nơi chúng tôi cư trú bao vây từ sáng sớm. Chỉ có Huỳnh Tấn Mẫm là thoát khỏi sự vây bắt của công an và chính quyền địa phương đến được quảng trường Nhà hát Thành phố, bốn người còn lại đều bị ngăn chặn, trong đó ba người bị ép buộc không được ra khỏi nhà, một người bị chặn bắt một cách thô bạo trên đường đi, áp tải về trụ sở Phường và đã có Tuyên bố phản đối ngay trong ngày 9.2.2012 với những dẫn chứng cụ thể.
Nhiều người khác ngoài năm chúng tôi cũng đã bị vi phạm quyền tự do công dân như ông Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều người khác nữa, bị ép buộc không được ra khỏi nhà hoặc bắt phải quay về nhà khi đang đi trên đường mà không có bất cứ một văn bản pháp luật nào được công bố ngoài việc tùy tiện bắt giữ, ngăn cản, tùy tiện xông vào nhà án ngữ không cho ra khỏi nơi cư trú.
Các hành động trên đã vi phạm trắng trợn quyền công dân được ghi trong Chương V của Hiến pháp, Điều 68: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”. Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Điều 71: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”. Điều 73: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”.
Chà đạp lên luật pháp, các hành vi thô bạo nói trên cần phải bị trừng trị và cần phải chấm dứt. Chúng tôi yêu cầu ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra và có giải pháp thích đáng đối với những cán bộ phạm pháp, vi phạm quyền công dân đối với chúng tôi.
Chúng tôi kêu gọi công luận trên cả nước hãy lên án hành động trấn áp người biểu tình khi họ thực hiện quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp để biểu tỏ lòng yêu nước, phản đối hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh gây hấn lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải thuộc chủ quyền của ta.
Kiên quyết đấu tranh chống lại hành động gây hấn và mọi thủ đoạn thâm hiểm, lừa mị của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Phát huy truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc, mỗi người Việt Nam hãy đứng lên chống lại bọn xâm lược, cảnh giác trước mưu mô của chúng.
Tổ quốc trên hết và trước hết!
TP Hồ Chí Minh ngày 10.10.2012
Huỳnh Tấn Mẫm
Tương Lai
Hồ Ngọc Nhuận
Lê Công Giàu
Lê Hiếu Đằng

Theo NLG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét