Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Bài thơ Ông Đồ của VŨ ĐÌNH LIÊN: THÁI TRI




  ONGDOBài thơ :  ÔNG ĐỒ  của VỦ ĐÌNH LIÊN
                Mỗi năm hoa đào nở
                Lại thấy ông đồ già
                Bày mực tàu giấy đỏ
                                                          Bên phố đông người qua

                                                  Bao nhiêu người thuê viết
                                                  Tấm tắc ngợi khen tài
                                                  Hoa tay thảo những nét
                                                  Như phượng múa rồng bayhoa-dao-2

                                                  Nhưng mỗi năm mỗi vắng
                                                  Người thuê viết nay đâu
                                                  Giấy đỏ buồn không thắm
                                                  Mực đọng trong nghiên sầu
            
                                                 Ông  đồ vẩn ngồi đấy
                                                 Qua đường không ai hay
                                                 Lá vàng rơi trên giấy
                                                 Ngoài trời mưa bụi bay
                                             Năm nay đào lại nở
                                             Không thấy ông đồ xưa
                                            Những người muôn năm củ
                                            Hồn ở đâu bây giờ .
Ngày xưa hồi còn học phổ thông, trong chương trình việt văn đã học qua tác phẩm : Ông Đồ – thơ của Vủ Đình Liên chỉ nhớ được 4 câu đầu, nay lục tìm trên mạng. Đọc xong nghe buồn, buồn như là đã đánh mất một điều gì đã từng có , đã từng xảy ra nhưng bây giờ chỉ còn là hoài niệm như nhà thơ Vủ Đình Liên  mượn bài thơ Ông ĐỒ để nói lên những tiếc nuối của mình. Đành rằng cuộc sống luôn vận động theo hướng tích cực ;ngày hôm nay thay ngày hôm qua cái mới xuất hiện thay thế cái củ.Trong  xã hội loài người bao đời nay cuộc sống vẩn vận hành,thoạt nhìn tưởng chẳng có gì thay đổi ,nhưng trong đó cái mới manh nha xuất hiện và theo thời gian sẻ lần hồi thay thế . Để rồi một lúc  nào đó khi nhìn lại mới thấy ngở ngàng tiếc nuối.
          Cuộc sống là thế ,luôn vận động luôn mới không duy trì điều gì quá lâu. Qui luật khách quan tác động tới nhận thức và hành vi chủ quan trong mỗi chúng ta ,và ta trở thành tác nhân chính tạo ra mọi sự biến đổi dù vô tình hay cố ý .
Ở đây,tôi không đi sâu vào ý nghĩa của toàn bài thơ  chỉ đồng cảm về một khía cạnh,một nét đẹp trong ngày tết cổ truyền dân tộc đã bao đời ,trở thành ý nghĩa tâm linh và mỹ quan trong nhiều gia đình Việt mỗi độ xuân về tết đến. Từ những năm 30 của thế kỷ trước ,đời sống âu hóa đã lần hồi tác động đến đời sống tinh thần của một bộ phận người Việt nhất là ở khu vực thành thị. Trong đời sống tâm linh của người Việt xưa,một năm mới đến là một hy vọng mới nên mỗi độ xuân về nhà nhà đều tìm tới các cụ đồ nho để xin chử , để cám ơn  chỉ là lạng trà gói thuốc hay chai rượu,đem về để nơi trang trọng nhất trong nhà mong là năm mới gặp nhiều may mắn, phúc lộc tràn trề . Nhưng rồi mỗi cái tết qua đi những nét đẹp xưa mất dần chỉ còn lại rất  ít gia đình còn lưu giữ  những câu đối ,những chử viết bằng mực tàu giấy đỏ của các cụ đồ nho thay thế vào đó là những chử , những câu đối được sản xuất bằng máy in công nghiệp! Các cụ đồ mất dần đi theo tuổi tác và con người ngày càng quay lưng dần với những gì xưa củ. Xu hướng đổi mới trong cảm thụ củng khác : Nhanh hơn ,gọn hơn,đẹp bóng bẩy hơn .Cần thì chạy ra cửa hàng văn hóa phẩm- thứ gì củng có.Bây giờ nếu có ai đó muốn tìm lại không khí ngày xưa thì chỉ biết ngậm ngùi nuối tiếc như  Vủ Đình Liên đã tiếc :
                                  Năm nay đào lại nở
                                  Không thấy ông đồ xưa       
                                  Những người muôn năm củ
                                  Hồn ở đâu bây giờ.               
Tôi có cái may mắn hơn nhiều người la có hai cụ một là cha ruột, một là cha vợ ,hai vị cũng là hai ông đồ nho còn sót lại nhưng lại vượt xa cái tuổi “cổ lai hy” cần xin chử khỏi phải đi đâu xa. Cha ruột thì đã mất rồi,cha vợ cũng già lắm mai đây cụ không còn nữa ,biết xin chử ai đây !
p0701487
Nhìn lại sáu mươi năm cuộc đời, đã qua năm mươi chín mùa xuân,đã ăn năm mươi chín cái tết.Đã chứng kiến bao thay đỗi, bây giờ nhìn lại nay khác xưa nhiều quá. Tôi cảm thấy tiếc,tiếc những cái tết truyền thống theo đúng nghĩa của nó,ngày xưa mỗi cái tết đi qua để lại trong lòng người bao ấn tượng tốt đẹp.
Tôi được sinh ra ở một huyện miền núi cú tỉnh Quãng Nam ( Quế  Sơn) ở một xã mới nghe qua cũng biết là miền núi :Sơn Trung làng Nghi Hạ. Tuổi thơ của tôi ở tại quê củ không nhiều .sanh năm 1954 năm 1962 theo cha mẹ di dân vào Bình Thuận nơi ở của tôi bây giờ . Nhưng trong thời gian ngắn đó-từ khi có nhận thức , và quan sát sự vật chung quanh dù với con mắt trẻ thơ  (   khoản sáu đến tám tuổi ),nhưng thời gian đó những cái tết ở quê củ để lại trong tôi  dù trong trí nhớ trẻ thơ nó không rành mạch , nó lộn xộn không đầu không đuôi nhưng trở thành ký ức khó quên. Trong dịp xuân về tết đến các cụ ngày xưa đã làm nên hai câu đối như một sự tổng kết về một cái tết với đầy đủ ý nghĩa :
                    Thịt mở ,dưa hành ,câu đối đỏ
                    Cây nêu ,tràng pháo, bánh chưng xanh
                                                           (không rỏ tác giả)
Có lẻ vùng đất Quãng Nam bây giờ là vùng đất được lưu dân xứ Bắc vì nhiều lý do đã từ phía bắc miền Trung  đất Nghệ An –Hà Tỉnh vào sinh cơ lập nghiệp và họ đã mang cái phong hóa ,cái tập tục cổ truyền đã bao đời ở xứ Bắc vào đất Quãng và trong mấy trăm năm định cư đã có ít nhiều  chọn lọc  thay đổi để dần phù hợp với thổ nhưỡng ,thời tiết khí hậu và điều kiện sinh hoạt của vùng đất mới .Tuy nhiên cái gốc của tập củ vẩn còn lưu giữ, lâ  dần trở thành tập tục ngày tết riêng của xứ Quãng. Để đón tết ,dù giàu hay nghèo nhà nhà đều có những chuẩn bị  rất kỹ,như sửa soạn bàn thờ tổ tiên,quét dọn nhà cửa vườn tượt,chặt tre về làm cây nêu,làm bánh trái,nuôi heo gà vịt trước đó hàng sáu tháng để có trước là dâng lên tổ tiên sau là để con cháu vui ba ngày tết, vì vậy nên có câu:Đóicũng ba ngày tết, hết cũng ba ngày mùa .
Cách chưng bày bàn  thờ ngày xưa tuy mộc mạc đơn sơ,không đẹp như bàn thờ bây giờ nhưng tất cả những vật phẩm trên đó đều do công sức của con cháu tự làm ra .Trái cây thì 3 nãi chuối mốc xanh được lấy từ vườn nhà sau tết đã chín nẩu đem xuống để chia cho con cháu chút lộc tổ tiên,hoa thì chủ yếu có 2 loại hoa vạn thọ và cúc  được gieo hạt và trồng vào giữa tháng 10 âm lịch trong vườn  đến tết là kịp trổ bông, còn bánh cũng tự làm lấy có mấy loại như bánh in, bánh tổ, bánh nổ, bánh tét tất cả cũng từ gạo nếp được trồng từ ở ruộng nhà .Bàn thờ tổ tiên bây giờ đẹp hơn nhiều,hào nhoáng hơn nhiều,màu sắc đủ cả : Nến điện,nhang điên, đèn điện ,thêm giây điện tử được treo lên sáng rực xanh đỏ vàng tím chớp nhá loạn cả mắt !!! không hiểu làm sao,thì cứ cho là thành tựu khoa học kỹ thuật có phát triển,nền văn minh ở dương thế từ thành thị đến nông thôn nhà nhà, người người được hưởng thụ nên con cháu ở dương gian cũng phải bày biện nơi thờ cúng tổ tiên đẹp, sáng hơn,lộng lẩy hơn ;Đèn điện thay bằng đèn dầu tù mù,nến điện thay bằng nến thường cháy sáng hơn để bao lâu cũng được,còn nhang điện thì sao?không chút hương thơm, không có khói trầm nghi ngút thì làm sao các cụ nhận được lời khấn nguyện của con cháu mà phù hộ !Trái cây cũng thế ,Ngày xưa dịp lể tết bày lên bàn thờ là từ những hoa quả cây nhà lá vườn,nếu ai không có thì ra chợ mua của người khác cũng được hái từ vườn nhà tuy đơn sơ mộc mạc nhưng không có thuốc trừ sâu bệnh ,không có  chất bảo quản. Còn bây giờ thì các loại bơm ,lê,nho ,táo…. đủ chủng loại, đủ màu sắc,đủ xuất xứ-Trung Quốc,Thái Lan,Việt Nam dù ở đâu cũng đều có tẩm hóa chất độc hại trông rất bắt mắt,nhưng dâng cúng xong đem xuống bỏ sọt rác vì ăn sợ bệnh ung thư! Còn nữa trái cây chưng bàn  thờ , ngoài cầu may mắn còn nặng tính chất mê tín dị đoan như cầu vừa đủ( trái mảng cầu,trái dừa, trái đu đủ,hay cầu đủ xài(xoai),có nhà còn phải chọn cho được 5 loại trái cây đủ 5 màu gọi là ngủ quả hay ngủ sắc tượng trưng cho ngủ hành : kim, mộc,thủy, hỏa, thổ !!!Bản thân các vật dụng dược trưng bày trên bàn thờ như bài vị tổ tiên hay di ảnh Ông Bà cha mẹ,nhang, đèn  hoa quả ,nước đã tượng trưng cho ngủ hành rồi cần gì phài đưa thêm cho đủ 5 loại trái cây phải dủ 5 màu mới có ngủ hành.Ôi,  chỉ còn thiếu : Bát Quái,  Âm dương – Tứ Tượng – Lưởng Nghi là đủ cả vủ trụ. Và cái vật phẩm người trần gian không dám ăn lại đem dâng các cụ. Chắc là ở trên trời các cụ đã miễn nhiễm ?Còn có nhà ra chợ mua mấy nãi chuối nhựa ,trái cây nhựa,mâm ngủ quả nhựa mà bày lên bàn thờ cho được tươi lâu nhìn thấy mà chẳng biết nói sao ! có người còn bê nguyên chùm Sung xanh lên bàn thờ. Ôi, bàn thờ tổ tiên sao giống cái cửa hàng tạp phẩm qúa vậy. Bánh bày lên bàn thờ ngày tết đây là cái dịp cho các nhà sản xuất bánh kẹo làm giàu, họ tung ra thị trường đủ loại mẩu mã lại quá đẹp có nhiều giá từ thấp lên cao,tùy theo túi tiền của mỗi nhà cứ ra cửa hàng hay chợ muốn gì có nấy đem về chưng lên bàn thờ,vừa nhanh vừa gọn lại vừa đẹp. Không giả dối như trái cây nhưng lại vỏ nhiều ruột ít- giấy nhiều bánh ít. Thôi thì cứ chấp nhận như vậy đi cho nó nhàn cái bản thân chị em phụ nữ . Không như ngày xưa phải chuẩn bị trước hơn nữa tháng ngày tết mới có bánh để thờ cúng tổ tiên. Tuy có thành tâm đó nhưng cực. Còn hoa chưng bàn thờ  chỉ cần trồng vài khóm hoa Cúc hay Vạn thọ là tết có hoa tươi để chưng vì loại này dể trồng vùng nào trồng cũng được. Đời sống vật chất bây giờ khá hơn nhu cầu thẩm mỹ cũng cao hơn thay vào đó là các loại hoa đắt tiền như hoa Ly,Lay ơn,Huệ,Cẩm Chướng được đem từ Đà Lạt về.Còn hoa cảnh để trang trí ngoài hiên, trong nhà chỉ có Mai vàng là chính .Từ khoảng trước sau 2o tháng chạp là mọi người vào rừng tìm đến những cây Mai già mà tha hồ chọn lựa những cành ưng ý đem về lặt lá để vào bình là xong. Bây giờ thì hết rồi, vì các cội mai tự nhiên được người ta đào cả gốc rể đem trồng ở vườn nhà hoặc để bán hoặc chưng ba ngày tết khỏi phải đi đâu xa. Nhà nào không có Mai 28 tết xuống chợ tùy theo túi tiền tha hồ chọn lựa.
Tôi vốn gốc quê –Tuổi thơ ở Quãng Nam cũng quê,vào Bình Thuận cũng quê, trước giải phóng vào Sài gòn đến giải phóng không có cơ hội ở lại ,lại về quê. Vì vậy nên tôi chứng kiến những cái tết và  sự thay đỗi rỏ nét  hơn các bạn ở đô thị,xin ghi vài dòng để cùng suy nghĩ về một cái tết cổ truyền xưa và nay ở một vùng quê.
imagesCA41N30P
Ngày xưa, để đón một cái tết cổ truyền với đầy đủ hương vị và đầy đủ ý nghĩa người vùng quê tôi lo toan và chuẩn bị nhiều thứ. Đầu tiên phải nói là bánh , vì bánh là loại lể vật không thể thếu trên bàn thờ ngày tết có các loại như bánh in, nguyên liệu chủ yếu là nếp và đường tán,có 2 loại là nếp Bò và nếp Mường là loại nếp dài ngày trồng từ 4 tháng rưởi đến 6 tháng mới thu hoạch loại nếp này khi làm bánh không thêm hương nhưng vẩn thơm được lâu mùi đặc trưng của loại nếp địa phương. Nếp vỏ phơi khô bỏ vào cối xay tre xay bóc vỏ,xong đem giã lại bằng cối đá hay cối gổ,giã bằng chày tay hay chày đạp tùy điều kiện mỗi nhà rồi sàng,dần bỏ thóc còn sót  hạt nát và cám.Sau này khi có máy xay xát thì đở vất vả hơn.Gạo nếp được đem rang lên cho chín hơi vàng đều sao cho không cháy mà không sống,công đoạn tiếp theo xay gạo nếp đã rang bằng một loại cối bằng đá cho thật mịn, thật nhuyễn miết tay không thấy cợm là được. Bột nếp khô được đổ ra một cái mâm ( gổ hoặc nhôm hay đồng),gọt đường tán thật mỏng trộn đều sao cho vừa đủ ngọt là được ,dùng cây gổ thật tròn, có chai thủy tinh càng tốt cán nhiều lần sao cho thật mịn đến khi đường và bột có độ kết dính với nhau, khi đem in bánh không bị bể hoặc sức cạnh thì bánh mới đẹp.Bánh in được làm từ đường tán vì chưa được rút mật nên có màu vàng trông không được đẹp mắt,sau này có đường cát trắng nên bánh đẹp hơn.Bánh được in bằng khuôn gổ, có nhiều mẩu lớn, nhỏ,vuông tròn ,hoa văn thì đủ loại ; Có hình tứ linh: Lân-ly-quy-phụng, hoa cảnh,chim cá…có khuôn in được 4 chiếc bánh, có khuôn 3 chiếc,2 chiếc và 1 chiếc,khi để vào dĩa đưa lên bàn thờ trông rất đẹp bánh lớn ở dưới nhỏ dần lên như hình cái tháp. Không phải nhà nào cũng đủ khuôn in bánh,muốn có nhiều mẩu bánh phải trao đổi với hàng xóm. Khuôn bánh in không phải ông thợ chạm khắc gổ nào cũng làm được,nó rất tinh tế phải có bí quyết riêng nếu không bánh in ra bể là bỏ khuôn không dùng được.Trước khi bỏ bột vào khuôn để in phải bỏ vào khuôn  một ít bột áo cũng là loại bột nếp được để riêng không trộn lẩn với đường trước đó và đảo khuôn sao cho bột áo dính đều trong khuôn, xong bỏ bột bánh vào khuôn dùng tay nén chặc rồi dùng dao cạo bỏ phần bột bánh dư  rồi dùng chén hay đĩa liết mạnh cho bánh mịn mặt, đưa bánh ra khỏi khuôn phải dùng thanh gổ đánh nhẹ đều chung quanh khuôn ,phần bành sẽ hở ra khỏi thành khuôn đến khi úp khuôn bánh vào nong phơi bánh rời ra nguyên vẹn không bị bể hay sức cạnh bánh mới đẹp. Loại bánh thứ 2 là bánh tổ ( chắc là bột bánh được bỏ vào trong một cái rổ đan bằng tre hình cái tổ chim nên gọi như thế hay còn có ý nghĩa nào khác tôi không được biết ).Cũng là loại gạo nếp được ngâm qua nước cho mềm đem xay bằng cối đá,khi xay pha với nước thành ra một loại bột nước. Loại bánh này ít người làm vì trải qua nhiều công đoạn phức tạp và nặng tính chất dị đoan nhất là lấy trùng bánh khi nấu bột nước pha với đường thành một chất nước sền sệt sao cho vừa trùng trong con mắt của các cụ bà là được. Nếu không khi đổ bánh ra rổ để đem phơi,bánh sẽ không ráo mà nhão,hoặc bánh bị nứt,cứng không dẻo dai. Không biết như thế nào ,chẳng có gì để chứng minh điều này, nều bánh tổ làm mà bị hư thì gia đình năm đó sẽ không gặp may mắn.Vì vậy nên ít người biết làm,ít người dám làm. Bánh tổ được làm ngon , sau tết để dành ăn cả tháng giêng , nhất là thái mỏng nướng qua lửa ăn rất thơm và ngon. Xin nói thêm là cái rổ bánh tổ được đan bằng tre,hình tròn kính khoảng 15 phân bên trong lót lá chuối để khi đổ bột bánh vào sẽ không bị chảy ra ngoài. Loại bánh thứ 3 là bánh Nổ(bánh cớm). cũng được làm từ nếp hạt đem rang trên lò lửa sao nổ đều vỏ trấu bay ra,phần gạo nếp nở to và trắng – Đến nhũng ngày giáp tết tiếng rang nổ vang lên khắp xóm ( có lẻ vì vậy mà ở quê tôi gọi là bánh Nổ chăng ?).Nếp rang xong phải sàng và lượm cho sạch trấu. Nấu đường và nước cho tới ( cũng gọi là thắn đường ),muốn biết đường tới hay chưa khi nấu đường phải có chén nước lạnh bên cạnh ,khi nhìn thấy nước đường đã dẻo lấy vài giọt bỏ vào chén nước để một chặp mà đường không tan lẩn trong nước là được. Nước đường để nguội có trộn lẩn gừng được giả nhỏ cho có mùi thơm. Để bánh được ngon hơn có người còn thêm vào đậu phụng rang,me chín,thơm(khóm) xắt nhỏ.Bánh Nổ(bánh cớm) cũng được in bằng khuôn gổ cũng nhiều kích cở,in xong được phong lại bằng giấy rồi đưa ra nong phơi. Loại bánh thứ tư là bánh tét,do điều kiện kinh tế gia đình có thể thiếu một vài loại bánh khác nhưng không thể thiếu bánh tét trên bàn thờ trong ba ngày tết. Bánh tét được chuẩn bị và gói cũng đơn giãn hơn so với các loại bánh khác. Trươc đây mấy năm khi chưa có người nấu bánh để bán tết gia đình tôi tự gói ,vợ gói chồng buột giây,thức đêm cùng canh lửa, thay nước sao cho bánh xanh mà chín đều để đến sáng mồng một có bày lên bàn thờ tổ tiên.
imagesCAD3N705
Là một vùng quê thuần nông, trước đây thời gian nông nhàn vào dịp cuối năm âm lịch kéo dài nên mọi nhà ở nông thôn đều có thời gian để chuẩn bị cho cái tết chu đáo hơn. Từ 20 tháng chạp âm lịch,ngoại trừ bánh tét các loại bánh khác được mọi người ở nông thôn bày ra nong,nia để phơi cho khô,nhìn trong khắp thôn xóm đã thấy hơi hướng của ngày tết..Đến ngày 23 tháng chạp là ngày đưa ông Táo về trời thì không khí càng rộn rả nôn nao hơn khi tiếng pháo lẻ nổ đì đùng khắp xóm ,sau này chính phủ có chỉ thị cấm đốt pháo thì không khí đón tết có phần yên ắng hơn. Đến ngày 25 là dựng nêu, đây là tập quán không biết có tự bao giờ, cây nêu được dựng lên trước sân trên đầu cây nêu có gắn lá cờ phướng nhằm trấn yên gia trạch và xua đuổi ma quỷ,trước đây cũng không mấy nhà có ,hiện nay ở quê tôi hầu như không còn dựng nêu trong ba ngày tết vì đây là tập tục mang tính chất dị đoan. Sau tết ngày mùng 7 là ngày hạ nêu,có người mùng 8 hoặc mùng 9. Ngày dựng nêu, hạ nêu (đưa nêu) đều phải có lể. Càng về cận tết thì không khí tết càng rộn rả hơn nhất là cúng tất niên,cúng rước ông bà tiếng pháo vang lên khắp xóm làng. Vùng quê nông thôn vốn yên ã nhưng vào những ngày cuối mới thấy được cái không khí rộn rả,đủ thứ âm thanh pha lẩn: Nơi này tiếng nói cười của bửa tiệc tất niên hay tiệc cúng rước ông bà,nơi kia từng tràng pháo nổ nơi nọ tiếng heo gà kêu vì bị giết thịt mọi thứ âm thanh đều rộn lên trong ngày cuối năm tạo nên một cảm giác rất khó tả,nhất là dám trẻ con vì chúng mong tết trước đó hàng tháng để được cha mẹ, anh chị mua cho manh quần tấm áo mới và được tha hồ ăn kẹo bánh. Ẩm thực xưa nay chẳng có gì thay đổi nhiều,cũng nồi măng, trứng kho với thịt heo, một xâu nem gói bằng lá vông gai và mấy khỗ thịt heo luột thì nhà nào cũng phải có vì đây là món không thể không có trong 3 ngày tết của dân xứ Quãng. Ngày xưa các cụ có câu: Mùng một tết cha,mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy,đây là dịp con cái về thăm cha mẹ hai bên,cháu về  thăm nội ngoại để tỏ lòng hiếu thuận trong dịp xuân về tết đến. Cũng là dịp để bà con xa gần,,lối xóm thăm nhau,mọi hiềm khích mâu thuẩn cũng được gạt bỏ để năm mới sống được tốt hơn hòa thuận hơn.Ở quê tôi ngày xuân ngoài việc đến thăm và dùng những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau còn thắp một nén nhang trên bàn thờ các cụ để tỏ lòng thành kính và mừng tuổi các cụ,tôi nghĩ đây là một nét đẹp nên gìn giữ và duy trì mối quan hệ cộng đồng dân cư nơi thôn xóm đã được gìn giử bao đời nay.
Sau những ngày tết, là hội Làng thường là kéo dài trong nhiều ngày vì thời gian sau tết là thời gian nông nhàn kéo dài. Ngày trước ở các vùng nông thôn thuần nông cây trồng chủ yếu là lúa một vụ và khoai sắn là chính, đập thủy điện và hệ thống thủy lợi chưa có, chưa có cuộc cách mạng xanh để giải quyết nhu cầu lương thực cho con người và cũng chưa có giống lúa ngắn ngày một năm 3 vụ. Có thể do tính đặt thù thời tiết khí hậu và điều kiện sản xuất của mỗi vùng có khác nhau. Riêng vùng đất Quãng Nam quê tôi,không biết tự bao giờ đã có các câu ca dao như sau :
                                   Tháng chạp là tháng trồng khoai
                              Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà
                    Còn có câu khác:
                                    Tháng giêng là tháng ăn chơi
                               Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà
Tuy là vùng nông thôn nghèo, nhưng hàng năm cứ sau tết là các lể hội được các cụ trong làng tổ chức theo truyền thống để nhân dân vui chơi trong tháng nông nhàn chưa vào vụ. Khi còn nhỏ ở quê xứ Quãng,trong đầu óc non nớt của mình tôi còn nhớ người ta tổ chức các trò vui như: Chơi bài chòi(cũng gọi là bài ghế),nấu cơm thi,đánh đu,kéo co và hát bội còn nhiều trò vui nữa nhưng tôi không nhớ hết.
 Bài chòi  hay cũng gọi là bài ghế: Tôi không còn nhớ rỏ nên có tham khảo thêm một cụ Phan Quang trong làng nhưng cũng không được đầy đủ. Khi tổ chức chơi bài chòi, trước đó người ta dựng lên 10 cái chòi cao cho 10 người tham dự chơi vào ngồi trong đó. Cũng tùy vào số lượng người đăng ký,nếu đông và theo yêu cầu ban tổ chức hô kết quả 6 hay 8 lần  kết thúc ván chơi sớm hơn để đến lượt ván chơi khác . Sau này ,để khỏi tốn công sức làm chòi mà chỉ bày ghế để chơi. Số tiền trích lại trong ván chơi đó nhằm trang trải chi phí. Không như bây giờ chơi bài, chơi xong một ván chủ chứa mới lấy xâu, cụ thể là trong một ván chơi 10 quân bài được bán ra 30 ngàn một quân vị chi là 300 ngàn( đây là con số thí dụ),nhưng chỉ hô 6 hay 8 lần như đã nói ở trên, trong 10 người chơi chỉ có 6 hay 8 người được. Bài chòi được chia làm 10 pho, mỗi pho được ghi trên l tấm bảng gồm có 3 con và có hình vẽ để minh họa được gọi tên như sau :
                    Pho nhứt: Nhứt nọc – nhứt gối – nhứt trò
                    Pho nhì   : Nhì nghèo – Nhì bí – Bánh hai
                    Pho tam  : Ba gà – tam quăng  – bánh ba
                    Pho tứ     : Tứ cẳng – Tứ gióng – Tứ gói
                    Pho ngũ  :  Ngủ trưa – ngủ trợt – ngủ dày
                    Pho lục   :  Lục bườn – lục rế – tiền sáu
                    Pho thất  :  Thất nhọn – thất liểu – thất sưa
                    Pho bát   :  Tám tiền – bát nức – bát bồng
                    Pho cửu  :  Cửu chùa – cửu vân –? (không còn nhớ con thứ 3 pho cửu ).
                    Pho thập :   Ông ầm – thế tử – bạch huê .
Khi được hỏi ý nghĩa của tên gọi cho mỗi pho bài như vậy thì chính cụ cũng không rỏ chỉ biết gọi theo cách gọi của người đi trước đã gọi. Cách chơi như sau: Mỗi người chơi chỉ chọn một pho bất kỳ  rồi về vị trí ngồi chờ kết quả của người xướng bài,người xướng bài phải biết cách hô theo điệu Hô thai ( hay bài chòi ) chỉ có vùng Quãng Nam mới có điệu này, và đây cũng là một trong những làn điệu dân ca khu 5 mà sau này được dàn dựng thành nhũng vở ca kịch liên khu 5 ( hay cũng gọi là cải lương khu 5) người hô phải không dị miệng phải biết cách hô sao cho có bài bản và dẩn dắt câu chuyện sao cho phù họp với con bài mình sắp đưa ra ,cách hô như hô lô tô của các đoàn hội chợ sau này. Người hô bài trên tay cầm một cái ống tre lớn, trong đó có chứa các con bài của 10 pho trên một thẻ tre ,mỗi con một thẻ không viết thành một pho như của người tham gia chơi. Trước khi hô phải xóc cho đều thẻ và rút ra một con và hô,người chơi phải có con bài trùng tên với kết quả của người hô là đưa tay kêu tới, khi tới được trao một lá cờ cờ nhỏ,lúc đó trống chầu, trống chiến, thanh la và tiếng cổ vủ của người xem vang lên liên hồi làm rộn rã cả sân đình,ai tới được 3 lần trong pho sẽ được trao cho lá cờ lớn phần trúng thưởng sẽ được lớn hơn. Cũng có cách chơi hơi khác là mỗi con bài được viết riêng trên một thẻ tre không chung một pho  như cách chơi trước,chơi theo cách này cơ hội trúng thưởng được chia đều cho nhiều người hơn.
Trò vui thứ hai là đi xem nấu cơm thi, ây là một trò vui không kém phần náo nhiệt. Riêng trò vui này hiện nay dường như không nơi nào tổ chức, lúc đó tôi còn quá nhỏ chỉ nhớ  mang máng hỏi các cụ thì cũng không ai còn nhớ cụ thể như thế nào. Hội thi được tổ chức ở một bãi đất trống trong làng, người tham gia chơi cũng là người trong làng, tôi không còn nhớ là có bao nhiêu người tham gia. Những người tham gia chơi tự mình phải chuẩn bị các thứ như nồi niêu soog chảo,nước, gạo,củi lửa, tham gia trong cuộc còn có các thành phần khác như:người buôn bán, có ăn mày (đây là thành phần phá hoại) vì là cái hội nên đủ thứ hạng người như trộm cắp, thằng Ngô( chắc là để gọi đám giặc Tàu triều đình nhà Ngô xâm chiếm nước ta ngày trước) con đĩ. Đứng xem thấy khói lửa mù mịt,người thì xôn xao,tiếng la hét dậy đất,người nấu thì cố gắng giử bếp lửa cho cháy đều làm sao cho cơm chín không được sống hay khê nên phải giử cho bếp lửa không tắt vì bị tạt nước của mấy thằng du côn phá hoại,hoặc bị ăn mày chọc gậy làm bể nồi đổ cơm vì thi nấu cơm là phải nấu bằng nồi đất,cho nên phải la hét thật lớn để đuổi chúng nó đi,còn thằng Ngô và con đĩ nhởn nhơ đi xem hội. Thôi thì đủ cảnh đủ trò,đủ thứ âm thanh pha tạp ồn ào, đúng là cái chợ ! Khi thi xong ban tổ chức sẽ xem kết quả chất lượng cơm của các đội để chấm điểm và trao giãi. Còn các trò vui khác như Đu tiên (đánh đu)trò này dành cho các cặp trai gái trong làng tham gia, cũng như kéo co thì các trai tráng trong làng tranh tài.
imagesCAWVXO2I
Cái nao nức sau các trò chơi do làng tổ chức là chờ xem hát Bội,hát bội được các cụ chức sắc của làng xã mời về từ nơi khác và được tổ chức hát ở sân trường tiểu học của xã,những vở hát được dàn dựng từ tuồng tích cổ của Trung Quốc như: Ngủ Hổ Bình Tây, Tiết Đinh San, San Hậu, Phụng Nghi Đình…lủ trẻ chúng tôi có biết gì mà xem chỉ đến sân hát để chơi đùa,rượt đuổi trốn tìm mãi đến khi giãn hát mới về cùng người lớn. Ngày xưa nhà tôi ở cạnh con đường chính của làng, tuy là đường làng nhưng là trục giao thông chính từ quận và các xã khác đi ngang qua nên mọi sinh hoạt đi đến, qua lại trên đường đều bị lủ trẻ chúng tôi phát hiện đầu tiên. Thường là sau tết là gánh hát bội về diển đều đi ngang đường làng dẩn về sân trường học, hồi đó làm gì có xe chở đoàn hát,chủ yếu là gồng gánh đạo cụ đi bộ,nhất là mũ mão của vua,quan,tướng được treo trên đầu gánh để vào trong đôi bầu sợ hư,dẹp không dùng được và cũng chính vì thế nên dể bị chúng tôi biết được đoàn hát đã về. Đến bây giờ ngồi nghĩ lại chợt nhớ 2 câu trong bài thơ Mưa Xuân của nhà thơ Nguyễn Bính:
                               Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
                               Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay.
Thường thì một vở diển phải hát nhiều đêm mới xong,không như phim nhiều tập như bây giờ nhưng cũng kéo dài từ 5 đến 10 đêm. Xẻm hát chủ yếu là người lớn và các cụ già còn trai gái là dịp để hẹn hò, cũng là cơ hội cho lủ trẻ chúng tôi vui đùa thỏa thích.
Trong tết và sau tết ở quê tôi là như thế, từ khi biết quan sát sự vật chung quanh dù với cái nhìn trẻ thơ nhưng để trong tôi những ấn tượng không bao giờ quên. Đến năm 1962 theo gia đình di dân vào Nam và bỏ lại những náo nức của mùa xuân quê củ. Trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, những ngày vui trong tháng giêng được nhắc lại chẳng qua chỉ để nhớ lại những kỹ niệm êm đềm của một thời đã qua.
Tôi xin mượn trang viết này để nói lên nỗi lòng của mình,để tiếc nhớ nhũng ngày vui quê củ,nơi mình đã sinh ra, đã chứng kiến bao nét đẹp truyền thống mà bao đời ông cha đã chắc lọc và truyền lại cho con cháu,đến bây giờ có nhắc như kể về câu chuyện cổ tích. Có thể có ai đó nói rằng tôi hoài cổ,tôi bảo thủ, tôi cố chấp, không biết tiếp cận cái mới, phải bỏ cái củ đi đưa cái mới vào cho phù hợp với đời sống hiện đại hơn, coi như một tàn tích đã hoang phế. Muốn vui xuân thiếu gì nơi, hảy đến các khu du lịch trò vui nào cũng có hiện đại hơn,khoa học hơn, nhớ làm gì ba cái trò chơi dân giã đó ,đã lạc hậu lâu lắm rồi
Tiến trình phát triển của xã hội không ngừng cái mới luôn xuất hiện để thay thế cái củ,nói như lý luận : Ưu điểm nếu kéo dài sẽ trở thành khuyết điểm. Điều đó là tất yếu trong một xã hội phát triển. Còn truyền thống thì sao? Sau lủy tre làng là nơi một cộng đồng dân cư sinh sống, cái cổ hủ,cái lạc hậu vẩn còn tồn tại đáng lên án nhưng đồng thời cũng là nơi gìn giữ được bao truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên bao đời để lại biết bao đạo lý gắn chặt những con người say lủy tre làng ấy lại với nhau. Mối quan hệ giữa người với người trong cộng đồng dân cư, của truyền thống gia đình giữa chồng với vợ,giữa cha mẹ và con cái,anh em với nhau trong họ hàng thân tộc,trong bà con nội ngoại xa gần…và như thế cứ mỗi dịp xuân về tết đến qua những cuộc vui trong hội hè đình đám, ma chay cưới hỏi làm người ta gần lại nhau hơn và bỏ quên đi những hiềm khích mâu thuẩn củ.      
Đó là tính nhân văn bên trong lủy tre làng và cũng là kết tinh văn hóa riêng lâu đời của một dân tộc, có đáng để những thế hệ mai sau trân trọng ?

                                                                             THÁI TRI
480657_430612863675517_50786208_n

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét