Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Góp Nhặt . . . Suy . . . Gẩm . . .



Kể chuyện thả hoa đăng cho liệt sĩ Trường Sa (viết tiếp)

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


.



Những dấu hiệu tốt lành

Trong chương trình thả hoa đăng cho các liệt sĩ Gạc Ma, có những sự việc diễn ra vượt qua cả mong muốn của chúng tôi. Theo kế hoạch, buổi trưa ngày 13 xuất phát từ nơi tập trung nhưng cả ngày 12 mưa lai rai suốt ngày cho đến tận tối, qua đêm, khí hậu se se lạnh. Chúng tôi nhắn tin cho nhau, ai cũng tỏ ra lo lắng, dẫu vẫn khẳng định rằng dù thời tiết xấu như thế nào cũng cứ tiến hành theo đúng kế hoạch. Nhưng bỗng dưng, sáng 13, trời tạnh rồi đến trưa thì hửng nắng. Tiết trời thật đẹp đủ để chúng tôi "diện" mẫu áo phông mới mgang biểu tượng sự kiện Gạc Ma trên tinh thần NO-U mà không cần thêm áo khoác.

Khi đi in biểu ngữ, cửa hàng ra giá là 150 nghìn. Thế nhưng đến khi đọc nội dung, biết băng rôn này phục vụ cho việc tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, chủ cửa hàng chỉ lấy có 50 nghìn đồng, lại còn dặn sau này có làm gì liên quan đến chủ quyền đất nước, chống Trung Quốc xâm lược thì cứ đến đây.

Giữa đường, xe dừng lại cho chị em vào chợ. Phương Bích kể:

Trong khi tôi cũng lượn lờ vào chợ, ngắm nghía hàng quán thì bỗng một chị trong đoàn bảo:

- Này! Dân ở đây họ biết cả đấy. Chị nghe thấy họ xôn xao bảo nhau: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đấy. Thế là chị hỏi: sao các bác biết? Họ chỉ, cái áo chị kia mặc áo in những chữ Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam đấy còn gì?

Tất cả chúng tôi cùng a lên thích thú, cảm thấy hân hoan và ấm lòng. Vậy là người dân ho đã biết và không thờ ơ, dù chỉ với những dòng chữ trên một chiếc áo phông bình thường của khách qua đường.

Một cô còn lo lắng hỏi:

- “Nó” sắp lấy hết đảo của mình chưa ạ?

Bà bên cạnh gắt:

- Lấy là lấy thế nào?

Có một chuyện khá thú vị mà anh em trong đoàn ai cũng vui và nhớ mãi. Khi chúng tôi đang tản bộ từ khách sạn ra bến, có một cậu thanh niên cao lớn cứ vè vè chạy xe máy bên cạnh chúng tôi. Cậu ta hỏi cô chú có cần cần thuê ca nô không để cháu giúp. Đến khi cậu ta giới thiệu là an ninh đồn biên phòng Đồ Sơn, chúng tôi hoảng thực sự, đoán rằng họ cho người thăm dò để phá chúng tôi đây.

Ra tới bến, mặc cả tàu xong, lại thấy cậu ấy xuất hiện. Tôi nghĩ, vậy là họ tìm cách phá chúng tôi đến cùng. Đến khi hỏi, biết chúng tôi thuê tàu để thả hoa đăng cho liệt sĩ Gạc Ma, cậu ta nói, thế thì để cháu chịu cho một nữa, các cô chú chỉ thanh toán 500 nghìn đồng thôi nhé. Cậu ta còn hỏi chúng tôi đã thuê khách sạn chưa và bảo thủ trưởng của cháu có nhã ý lo chỗ nghỉ cho đoàn. Chúng tôi cảm ơn và nói rất tiếc là các cô chú đã thuê phòng nghỉ rồi, cho các cô chú gửi lời cảm ơn thủ trưởng và đơn vị của cháu. Khi hai bên quen và hiểu nhau rồi, chúng tôi chân thành giải thích tại sao lúc đầu chúng tôi lảng tránh, xua đuổi cậu ta. Hai bên cùng vui vẻ.

Tuyến - tên cậu thanh niên đã giúp chúng tôi rất nhiều việc như đi mua hương, tiền, vàng, mang vòng hoa to tướng lên tầng trên, làm lễ xong lại mang xuống tầng dưới để thả, đỡ phụ nữ leo lên cầu tàu...

Trước khi ra bến, khách sạn cho chúng tôi mượn một phòng họp, có cả hoa để bàn và nước uống đầy đủ để làm lễ tưởng niệm và tặng quà cho hai gia đình liệt sĩ cùng đi. Tuy nhiên, lễ tưởng niệm chính thức thức sẽ diễn ra trên tàu sau đó.

Lễ tưởng niệm

Thời gian diễn ra lễ tưởng niệm là những giờ phút cảm động nhất. Chúng tôi chọn bến Nghiêng rồi thuê tàu ra xa bờ để thả hoa. Mang được vòng hoa to tướng lên tàu rồi, bắt đầu gắn tên, đốt nến. Mỗi một bát đèn gắn một ngọn nến, cài tên một liệt sĩ, Việc gắn đủ 64 bát đèn như thế cũng mất khá nhiều thời gian. Công việc được chia ra nhiều bộ phận, người thắp nến, gắn tên, người thắp nhang, cầu nguyện cho các liệt sĩ. Chúng tôi làm cả thủ tục cầu nguyện cho các liệt sĩ theo nghi thức công giáo do Vien Nguyen chủ trì.

Đèn hoa hương khói đã đầy đủ, tất cả quỳ xuống sàn tàu bái vọng. Xuân Diện đọc văn tế. Tôi nhìn những ngọn nến lung linh, khói hương nghi ngút mà lòng không khỏi bùi ngùi.

Tình cảm của anh em chúng tôi đối với các liệt sĩ Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài sự thương tiếc khôn nguôi, lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh của các anh, còn có những xúc cảm khác nhau. Các anh đều ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Thế nhưng, nếu thương các liệt sĩ Hoàng Sa chưa được vinh danh, công nhận thì thương các liệt sĩ Trường Sa hy sinh trong trường hợp vô cùng đau xót. Các anh được lệnh không chống trả, chịu cho quân Trung Quốc xâm lược chủ động tấn công, nhả đạn. Nhiều người nuối tiếc giá mà hôm ấy, các anh được quyền đánh trả thì có lẽ các anh không hy sinh nhiều như thế, hoặc là quân xâm lược phải trả giá đắt hơn. Và biết đâu, Gạc Ma được giữ vững bởi sự chống trả của những tay súng dũng cảm và thiện chiến Việt Nam.

Tôi ngẩng lên nhìn bao quát thấy nhiều khuôn mặt đã giàn giụa nước mắt từ khi nào. Không khí lúc này quá nghiêm trang và thiêng liêng. Sương mù mờ mịt. Những ngọn đèn điện trên bờ không còn tỏ như trước. Trời gió, dù nhẹ. Thỉnh thoảng một vài ngọn nên tắt nhưng lập tức được thắp lại. Hương khói nghi ngút, tỏa ra một mùi thơm tạo cảm giác âm dương hòa trộn. Không một nén hương nào bị tắt, không một điếu thuốc nào cháy dở. Bất chợt, có gì gai gai, lành lạnh chạy dọc sống lưng làm tôi rùng mình. Tôi tin là các anh đã về cùng chúng tôi và thấu hiểu nỗi lòng của chúng tôi. Dù cố nén, cuối cùng tôi cũng phải bật lên tiếng nấc.

Lễ tưởng niệm đã xong, vòng hoa được đưa xuống biển. Con tàu nổ máy vào bờ. Chúng tôi bám vào thành tàu nhìn theo, nhìn theo mãi. Xin gửi vào vòng hoa trắng tất cả lòng thương tiếc và biết ơn của chúng tôi đối với những người lính đã anh dũng hy sinh ngày này cách đây 25 năm về trước. Dù các anh, người đã được đưa về đất liền, người còn trôi dạt đâu đó trên biển cả, mong các anh hãy yên nghỉ. Dù có ai đó cố tình quên nhưng những người yêu nước chân chính không bao giờ quên các anh - những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng mạng sống của mình vì chủ quyền của Tổ Quốc.



.
26/3/2013


Kể chuyện thả hoa đăng cho liệt sĩ Trường Sa

NGUYỄN TƯỜNG THỤY



Cho đến khi thả hoa đăng xong, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và vui mừng khôn xiết. Như vậy, việc thả hoa đăng, gửi gắm tấm lòng mình đến hương hồn các liệt sĩ Gạc Ma đã diễn ra suôn sẻ. Ngày mai, chúng tôi chỉ còn việc tiếp tục đi thăm các gia đình liệt sĩ ở Thái Bình, điều đó chỉ phụ thuộc vào công sức và thời gian mà thôi.



Đến giờ, các thành viên trong đoàn như Xuân Diện, Sông Quê, Phương Bích, Bà Còng, Gió Lang Thang đều đã có bài và ảnh. Tôi nghĩ thế là đủ và định không viết gì nữa. Thế nhưng L.N gọi điện nhắc:

- Anh phải viết cái gì đi chứ. Một chuyến đi ý nghĩa và thành công như thế mà không có ấn tượng gì với anh sao? Hay việc anh đi chỉ là vì thích chứ không vì liệt sĩ?

Khổ quá. Hôm trước họ bảo tôi qui chụp họ theo kiểu cộng sản. Bây giờ họ lại qui chụp tôi cũng theo kiểu ấy.

- Thì bài đã có người viết rồi, bao nhiêu ảnh cũng tương hết lên mạng rồi, "thế lực thù địch" phỏng vấn, anh cũng giả nhời liên tiếp đến 3 đài rồi. Bây giờ mà còn đi tường thuật á? Ai người ta đọc.

Cãi vậy là theo thói quen, vì tính tôi bướng, không cãi không chịu được chứ thực ra, lòng tôi tràn ngập cảm xúc. Nửa tháng nay, cũng như các thành viên khác trong nhóm, mọi diễn biến từ tính toán đến việc làm không ai có thể quên được.


Một quyết định khó khăn


Ý tưởng thả hoa đăng cho các liệt sĩ Gạc Ma xuất phát từ một giấc mơ của Sông Quê. Sông Quê kể mình nằm mơ gặp các liệt sĩ Gạc Ma rất cảm động. Tất cả nhóm đều nhất trí. Nhưng địa điểm ở đâu lại chia làm hai phe. Phe thiểu số thì muốn thả ở Sông Hồng cho tiết kiệm chi phí và phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Phe đa số thì muốn thả ngoài cửa biển, vì thả ở biển, sẽ gần gũi các anh hơn. Về tâm linh, các anh dễ cảm nhận được tấm lòng của người tri ân hơn. Không phe nào chịu phe nào, thế là chia làm hai tốp, một tốp ra biển còn một tốp thả hoa đăng ở Sông Hồng, chọn một khúc sông đã khảo sát, còn tốp kia sẽ thả ở Đồ Sơn.

Đã tưởng hình thành 2 tốp như thế, tốp này ủng hộ, hỗ trợ tốp kia, đặc biệt về mặt tài chính. Tuy vậy, phe đa số không nản, đưa thêm lý do rất thuyết phục là nhân dịp thả hoa đăng cho các anh thì tại sao không đi thăm và tặng quà cho gia đình các anh luôn. Ý nghĩa của việc làm sẽ thiết thực hơn rất nhiều. Liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma quê ở Hải Phòng và Thái Bình lại nhiều hơn cả. Cuối cùng, một ngày trước khi đi, Phương Bích, nhân vật ngoan cố nhất phe thiểu số đã bị thuyết phục hoàn toàn. Vỗ tay (nếu có)


Chuẩn bị


Ý là vậy nhưng chưa ai xác định được địa điểm thả hoa cụ thể, chưa xác định được các gia đình liệt sĩ ở những đâu. Thế là đi lục tìm danh sách. Không thể đến thăm tất cả các gia đình liệt sĩ nên phải chọn gia đình nào tương đối thuận lợi cho một lộ trình, không đi trái đường nhiều quá. Trước khi đi 3 ngày, chúng tôi phải cử 2 nhóm đi khảo sát, một nhóm tìm địa điểm thả hoa, đặt vòng hoa, tìm nơi nghỉ, một nhóm lần theo địa chỉ trong danh sách liệt sĩ để liên lạc với gia đình, tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình một để có quà tặng cho hợp lý, hợp tình.

Để tiết kiệm tối đa chi phí, điều đó đồng nghĩa với việc quà tặng cho các gia đình liệt sĩ tăng lên, chúng tôi bàn nhau mang đi nhiều thức ăn làm sẵn: mua gà rang lên, mua chân gà công nghiệp thay đồ nhậu cho rẻ, mang mì tôm thay ra quán ăn sáng ... Tôi phải can: keo vừa vừa thôi. Vào quán mà chỉ gọi tô cơm, tô canh, rồi mang đồ ăn của mình ra uống với rượu của mình, coi chừng người ta "mời" đi chỗ khác chứ chẳng chơi. Cuối cùng thống nhất mang đồ ăn ở nhà đi một nửa, gọi tại quán một nửa. Phòng nghỉ 2 giường thì nhét vào 4, nằm trở đầu đuôi hoặc thay nhau ngủ. He he. Cái gì cũng mặc cả, từ tiền thuê xe, thuê tàu, mặc cả cả phòng ngủ ... Rồi cũng giả vờ bỏ đi tỏ ra không cần, y như ngoài chợ. Mặc cả giỏi nhất, cũng có nghĩa là lắm thủ đoạn nhất phải nói là Liberty Nguyen, đến mức tôi phải tặng cho nàng danh hiệu "con phe có hạng"

Trương Ba Không được cử đi Hải Phòng, Thái Bình 2 ngày, lặn lội đi tìm các gia đình liệt sĩ, khảo sát toàn bộ đường đi, đường về, được cấp 500 nghìn đồng nhưng chi không hết, nộp lại 110 nghìn đồng. Như vậy tiêu hết có 390 nghìn bao gồm xăng xe đi lại, ăn và thuê trọ trong 2 ngày. Cả đoàn bái phục.


Công tác bảo mật


Bất kể hoạt động gì được cho là "nhạy cảm", công việc đảm bảo bí mật đều được đặt lên hàng đầu. Tưởng niệm liệt sĩ, nếu là liệt sĩ hy sinh vì đánh nhau với Mỹ thì không sao nhưng đây là liệt sĩ chống Trung Quốc, nói đúng hơn là bị Trung Quốc tàn sát, quả là to gan. Ban điều hành chỉ cho phép có 4 người, lập một nhóm chat. Những người được phân công việc chỉ biết thực hiện chứ không biết để làm gì, tại sao. Có người đến sát ngày đi mới huy động. Có người chỉ khi lên xe mới biết đi đâu và để làm gì.

Bí mật được đến phút chót.

Tôi đề nghị khi đi, làm một cái băng rôn treo ngang thành xe nhưng lập tức bị phản đối quyết liệt.

Tễu giễu:

- Thế thì làm 2 cái, treo 2 bên thành xe, mang theo Cassette và loa thùng nữa, cho nó hoành tráng.

L.N phụ họa:

- Ừ, hay đấy, cho nó giống gánh xiếc rong.

Câu giễu cợt của đứa cháu gái làm tôi bị cô lập hoàn toàn. Nó là đứa tôi tin cậy nhất, thường xuyên được cử đưa cơm cho tôi những khi có một mình mà không tiện ra ngoài :) . Vậy mà lúc này, nó cũng phản đối bác.

Biết cô thế, tôi không nói gì nữa. Mặt khác, tôi nghĩ đến vụ hôm 17/2 vừa rồi, chúng tôi phải mang vòng hoa tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược đầu năm 1979 chạy vòng quanh đến 3 nơi nên tôi cũng có phần lung lay. Tôi chỉ bảo:

- Các chú các cô đừng đánh hội đồng bác nhé.

Chẳng phải là tôi muốn phô trương gì, chỉ muốn cho nhiều người biết đến sự kiện Gạc Ma năm 1988. Nhưng càng nghĩ càng ức. Mình làm việc thiện, lại quá chính đáng thế mà cứ phải vụng vụng, trộm trôm như quân ăn trộm. Ở cái xã hội này, người lương thiện sợ kẻ gian là như vậy. Có nơi nào, công dân tưởng niệm liệt sĩ bỏ mình vì Tổ Quốc mà phải lén lút như thế không.

Tới Đồ Sơn, đến khách sạn nhân phòng rồi, những người quan tâm vẫn không biết là tôi đã đi. Bà xã ở nhà chắp máy cho tôi nói chuyện với cậu phó chủ tịch xã khi ấy đang ở nhà tôi. Cậu ta nói đại ý rằng, ngày mai có "phái đoàn" đến Bờ Hồ, chúng tôi khuyên bác đừng đi. Tôi chỉ trả lời quấy quá rằng, tôi không có ở nhà, có lẽ phải mấy hôm nữa mới về. Một "cơ sở" của tôi cho biết, có mấy nhân vật quan trọng đang dò hỏi xem tôi có ở nhà không (hay là đã "dạt vòm" rồi)

Hôm sau về, bà xã tôi kể chiều tối hôm qua có đoàn cán bộ của địa phương gồm 4 người đến vận động tôi đừng ra Bờ Hồ (vì chương trình tưởng niệm liệt sĩ ở Vườn hoa Chí Linh có công khai trên mạng, còn chương trình của nhóm chúng tôi hoàn toàn giữ được bí mật). Họ nói với vợ tôi là chị nên khuyên anh ấy. Vợ tôi chỉ bảo tôi khuyên thế nào được anh ấy. Các anh gặp anh ấy mà khuyên, để tôi chắp máy cho mà nói chuyện. Thế nên mới có cuộc nói chuyện qua điện thoại khi tôi đang ở Đồ Sơn như vừa kể.

Lại nghe nói cả đêm hôm ấy có 2 người, sáng hôm sau có 4 người canh nhà tôi. Mãi đến khi có điện thoại nói "quân ông Thụy" kéo lên Bờ Hồ 30 người rồi, họ mới chịu giải tán chốt canh. Tôi phì cười vì mấy chữ "quân ông Thụy". Người ta cứ làm như tôi tuyển mộ quân để chống lại chính quyền không bằng.

Sự thật thì ngay từ 0h9 phút đêm, Nguyễn Xuân Diện đưa bản tin đầu tiên lên mạng về việc thả hoa đăng cho liệt sĩ ở Gạc Ma, có đầy đủ hình của mọi người trong đó hình tôi nhiều nhất. Chẳng lẽ, cả một lực lượng an ninh, mật vụ hùng hậu như thế, không có ai đọc tin ấy.

15/3/2013

(Đang kể dở)



WHAT’S ON YOUR MIND ?


Võ Trung Hiếu
questionTháng Sáu …
Lại một ngày cuối tuần
Nằm và nghe mình mục ruỗng
Trong căn phòng bỗng chợt mênh mông
Giữa một thành phố nghiêng ngả và chênh vênh
Tại một quốc gia bé nhỏ và chơi vơi
Ngoài kia là muôn vẻ cuộc đời
Có tất cả mà như không hồn vía
Thừa sách vở, diễn từ, ebook, iphone, nhưng không hề rõ nghĩa
Thừa sáo rỗng, rập khuôn đến mức bọn MC hoạt ngôn có thể dùng những lời huyên thuyên tại đám cưới tối qua thành điếu văn đọc ngoài nghĩa địa
Thừa đại biểu, hội đồng, uỷ ban và những danh xưng trang nghiêm, nhưng thiếu lương tri, sự phục thiện, thật thà
Không hiểu vì lẽ gì mà năm tháng đi qua
Bao người lớn không còn cảm thấy đớn hèn khi soi mình trong đôi mắt trẻ
Cả chục triệu người lạnh lùng lướt vội qua nhau
Sự vô cảm vốn luôn không mùi vị, không màu
Ngày ngày lại kết tủa thành những tin buồn trên mặt báo
Cái thực không có fan club
Không lung linh sexy bằng cái ảo
Nên đành ngậm ngùi đi chỗ khác chơi
Các hot boy hot girl lên tivi nói chuyện, ” Sống ở đời … “
Nghe mà lợm giọng …
Giữa những cơn thức tỉnh u mê
Những ảo vọng phù du như bong bóng xà phòng
Ai cắt nghĩa được cho mình lẽ sống ?
16.6.2012
VTH
Tác giả gửi QC




Xương máu Trường Sa và sự…hổ thẹn


tc6b0e1bb9fng-nhe1bb9b-ge1baa1c-maTrong hồn người có ngọn sóng nào không? Câu hỏi đó bỗng dưng giờ được hỏi cho rất nhiều người đang sống.
Hoàng Sa- Trường Sa mãi mãi là vết thương nhức buốt với mọi con tim người dân Việt, dù  25 năm đã trôi qua, kể từ cái ngày14/3/1988 đẫm máu ấy.
 Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc…
Cái ngày mà 64 người lính Việt, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, và lòng yêu Tổ quốc, đã lần lượt ngã xuống trước súng, lưỡi lê, đại liên và pháo 37 li cùng mưu đồ xâm chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa- Việt Nam) của phía Trung Quốc.
Và những ngày này- tháng 3/2013, máu từ vết thương Trường Sa lại rỉ.
Không chỉ thế, mà còn có nước mắt chảy ngược vào trong của bao người thân và đồng đội họ, của những con dân Việt luôn khắc khoải nỗi đau Trường Sa, tại buổi lễ tưởng niệm lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng sáng ngày 14/3 mới đây…
Còn nếu ai có dịp xem clip được phát đi trên YouTobe, chứng kiến những giây phút cuối cùng của những người lính Việt trên đảo, cùng chiếc tàu HQ 604 dần chìm xuống…, sẽ hiểu vì sao hàng ngàn bài viết trên các báo, trên các trang mạng xã hội như tiếng thét bi thương, bi phẫn trước chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm.
Ám ảnh xa xót nhất với người viết bài là câu chuyện vòng tròn bất tử Gạc Ma, câu chuyện lá cờ Tổ quốc.
Đó chính là khí phách nước Việt khổ đau.
Không nổ súng, để tránh “bị kiếm cớ” leo thang xung đột, ngày 14/3 năm ấy, họ- những người lính Việt đã phải nắm tay nhau tạo thành vòng tròn giữ đảo. Cái “vòng tròn người” đơn độc thật mong manh và bất lực, trước những kẻ xâm chiếm hung hãn, vũ khí trang bị đầy đủ.
Lần nào viết bài về Hoàng Sa- Trường Sa, người viết bài cũng  viết trong sự nghẹn ngào. Khi thấy những người lính can đảm quá, mà cũng cô đơn quá…
Nhưng cái vòng tròn đó mãi mãi bất tử trong lòng những người đang sống.
Mục tiêu của kẻ xâm lược, còn là cướp lá cờ Tổ quốc được cắm trên rạn đá san hô của đảo, biểu tượng chủ quyền nước Việt. Một phát đạn bắn xuyên qua đầu Trung úy Trần Văn Phương- người cầm cờ. Anh gục xuống.
Nhưng,“tay vẫn cầm chắc ngọn cờ Tổ quốc, lá cờ phủ lên thi thể anh, bồng bềnh trong nước loang máu. Anh Lê Hữu Thảo lao tới ôm thi thể đồng đội đang cuộn trong lá Quốc kỳ.
Thấy thế, lính Trung Quốc xông vào cướp cờ. Nhanh như cắt trung sỹ Nguyễn Văn Lanh giành được lá cờ.
Một tay anh giương cao ngọn cờ, một tay anh cầm xà beng chống đỡ đối phương. Thấy không thể chiến đấu trực diện với người lính kiên cường Việt Nam, lính Trung Quốc đã đâm lén từ phía sau và nã đạn vào anh Lanh”.
Cuộc chiến không cân sức, thì kết quả trận chiến nghiêng về kẻ mạnh.
Nhưng khí phách anh hùng, xả thân vì đất nước, của những người lính Việt tuổi đời quá trẻ, còn mạnh hơn tất cả.
Biển Đông từ ngày ấy như càng mặn đắng. Nước mắt những người đang sống. Và “nước mắt” cả những người đã khuất…
Bỗng nhớ tới hai câu thơ của bà Huyện Thanh Quan: Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Những “linh hồn” chim cuốc cuốc dưới biển sâu vẫn đang đau lòng nhớ đảo, nhớ nhà…
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Lanh, và tất cả những người lính trên con tàu HQ 604 đã xả thân đến giây phút cuối cùng để giữ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước. Đâu phải để 25 năm sau, một lá cờ “lạ” bé tí tẹo, cắm vô duyên trong những cuốn sách giáo dục cho trẻ em Việt, khiến dư luận xã hội nổi giận thực sự.
Ở đây là lá cờ Trung Quốc cắm ở cổng trường học, trong cuốn sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của NXB Dân trí, loại sách tham khảo dành cho trẻ mầm non, được biên dịch từ tài liệu nước ngoài.
Đây cũng không phải vụ việc đầu tiên. Trước đó, đã hai lần, những lá cờ xa lạ được trưng lên, lạc lõng, khiến xã hội hết sức phẫn nộ.
Và cũng không phải chỉ riêng cuốn sách phát triển thông minh một cách…u tối kiểu này, mới đây, trước áp lực dư luận, Bộ GD và ĐT đã phải có công văn, yêu cầu các NXB kiểm tra các nội dung “không phù hợp”. Mới hay một loạt sách cho trẻ em (của nhiều NXB) bị phát hiện biên soạn cẩu thả từ sách Trung Quốc.
Thậm chí có cuốn, như bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” (NXB Mỹ thuật, tập 2), có câu Tổ quốc của chúng ta là Việt Nam. Quốc kỳ của chúng ta chính là lá cờ đỏ sao vàng. Phần minh họa có hình lá cờ Việt Nam để trẻ tô màu, nhưng ngay bên cạnh là hình lá cờ …Trung Quốc. Hay những người biên tập nhận thức rằng, cả hai cờ là …một, đều là cờ đỏ, có sao vàng?
Điều đáng hổ thẹn, việc phát hiện cờ Trung Quốc trong cuốn sách của NXB Dân trí, lại có cả em bé mới 5 tuổi, tức là lứa tuổi mới kịp làm quen để phân biệt được cờ Việt Nam và cờ nước khác. Trong khi người lớn như bà Bùi Thị Hương, Giám đốc NXB này thì thanh minh, thanh nga:
Hình ảnh trong sách là hình ảnh trường của Trung Quốc thì phải treo cờ Trung Quốc chứ không thể treo cờ Việt Nam được. Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì… nặng nề.
Có thể, hình ảnh đó thật…nhẹ nhàng với những người kinh doanh sách tham khảo, mà đồng tiền luôn là mục tiêu cao nhất. Nhưng nó rất nặng nề, vì làm tổn thương đến tình cảm của người dân, nhất là trong những năm tháng này, chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước bị đe dọa xâm lấn. Vì nó không phải, trước hết là về đạo lý thông thường.
Nhà giáo Phạm Toàn đã nhận xét: Những người làm cái đó (in bộ sách có cờ Trung Quốc) là thiếu cả nhạy cảm về chính trị, và thiếu cả cái tình cảm về dân tộc nữa.
Chưa nói là những điều… u tối khác của cuốn sách, như ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VH- GD- TTN và NĐ của Quốc hội đã vạch ra, khi trả lời phỏng vấn báo SGGP: Cái sai của cuốn sách này khiến dư luận bất bình, đó là sự thiếu minh bạch, nhập nhèm trong giới thiệu nội dung. Nếu đã tuân theo bản quyền, NXB (Dân trí) phải nói rõ cuốn sách dựa trên nội dung của Bộ GD Trung Quốc, được giới thiệu bởi các tác giả Trung Quốc, như thế mới sòng phẳng.
Đáng chú ý nữa, theo Bộ chủ quản, qua kiểm tra hợp đồng, thấy phía đối tác (Trung Quốc) cho phép NXB (Dân trí) được điều chỉnh nội dung.
Tất cả những sai sót muôn vẻ của các NXB khiến xã hội có quyền đặt câu hỏi: Đó là sự thiếu hiểu biết, sự vô cảm, hay vô trách nhiệm? Hay là tất cả? Chả lẽ câu hỏi cũng chính là câu trả lời!
Lại chợt nhớ bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, viết về sinh tử của những người lính Việt trước linh thiêng của lá cờ Tổ quốc, trước linh thiêng chủ quyền biển đảo, có câu thơ- câu hỏi đau nhói lòng:
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Sự hổ thẹn nhân danh…đủ thứ danh?
Trong hồn người có ngọn sóng nào không? Câu hỏi đó bỗng dưng giờ được hỏi cho rất nhiều người đang sống.
Một trong số đó, có lẽ là ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế, người được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang từ năm 2010, đang trở thành “nhân vật hot” của một vụ khiếu nại- vì bị tố là khai man thành tích.
Gian dối lâu nay đã trở thành chuyện thường ngày ở…xã hội. Mà cái gốc của nó luôn gắn liền chữ lợi (tiền).
Chả thế, trong câu chuyện với phóng viên báo Songmoi.vn, dịp kỷ niệm 12 ngày đêm chiến thắng B52 năm 2012, cựu phi công Vũ Đình Rạng, đã bộc bạch rằng, để được phong anh hùng, chi phí cho việc này tốn khá nhiều tiền khiến ông từ chối (?)
Có điều trong vụ ông Hồ Xuân Mãn, “đối tượng” tố cáo sự gian lận, lại chính là những người… đồng chí của ông, từng giữ các chức vụ chủ chốt của huyện Phong Điền. Cũng là địa bàn ông Hồ Xuân Mãn hoạt động trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Như ông Lê Văn Uyên- Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy (1967-1975); ông Hồ Văn Nghĩa, Trưởng ban An ninh huyện (1969-1973), Hoàng Văn Phận, Trung đội trưởng Công binh LLVT huyện (1969-1973), Hoàng Tiến Dũng, Đội phó LLVT huyện (1967-1975), Hoàng Phước Sum, Đội trưởng An ninh huyện (1970-1975)…và nhiều người nữa.
Họ bức xức vì báo cáo thành tích của ông Hồ Xuân Mãn khai man tới 17 điểm.
Tỷ như, ông Mãn khai từ 1969 đến 26.3.1975, ông tổ chức đơn vị đánh gần 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 150 tên Mỹ ngụy, phá hủy 1 máy bay, 37 xe quân sự. Theo tố cáo, từ 1969 đến tháng 11.1971, ông Mãn ở Quảng Bình và làm cần vụ nên không thể tổ chức đánh trận. Mặt khác, từ 1972 – 1975, các xã Phong An và Phong Sơn chỉ đánh hơn 20 trận chứ không có chuyện đánh tới 100 trận…
Ngoài ra, những người tố cáo còn đưa ra một số dẫn chứng nói rằng, ông Mãn đã kê khai thành tích có yếu tố “cướp công” đồng đội.
Tỷ như, trận đánh ở Bù Mạ, thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn (giết chết tên ác ôn Nguyễn Công Đẳng) là do ba du kích xã này đánh mìn, hiện hai người còn sống, một người đã hy sinh. Đâu phải do ông Hồ Xuân Mãn..v.v…và v.v…
Chưa kể, ông Hồ Xuân Mãn kê khai trận ““giết ấp trưởng ác ôn” Hoàng Sớm, tự hào là “làm quần chúng nức lòng”, trong khi có tới gần chục người dân thường, trong đó có cả trẻ em, chết oan vì trận đánh này. Chiến tranh vốn có những đau xót, rủi ro. Nhưng liệu quần chúng có thực nức lòng được không, nếu có tới gần chục lương dân thiệt mạng. Cái nhìn về “thành tích” của ông sao lạnh băng và khốc liệt vậy?
Đáng chú ý, đơn khiếu nại gửi đi, và những người khiếu nại, trước sự việc “quá tam ba bận” vẫn không nhận được sự trả lời sòng phẳng, rõ ràng, mới đây, họ lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần thứ tư, lên tới những cấp cao hơn. Những đồng đội của ông còn đề nghị Tỉnh ủy mở cuộc đối chất với ông Hồ Xuân Mãn. Thậm chí họ đề nghị được kiện ra tòa án binh hoặc toà án dân sự.
Chưa rõ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế sẽ giải quyết vụ việc này ra sao, thì mới đây, báo Dân Việt đưa tin, một số cựu chiến binh trong vụ tố cáo này như ông Hoàng Phận, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, họ nhận được một số cuộc gọi của người lạ dọa dẫm sẽ thuê xã hội đen xử, hoặc đến tận nhà …khuyên nhủ không nên khiếu nại.
Nếu đúng vậy, thì chả lẽ, thay cho tình đồng đội sống chết có nhau trong chiến tranh, bây giờ, người ta dám giơ ra tình…xã hội đen.
Nếu như những người tố cáo ông Hồ Xuân Mãn phạm tội nói sai, vu khống, chắc chắn họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tòa án lương tâm.
Còn nếu họ đúng, thì liệu ông Hồ Xuân Mãn có xứng danh Anh hùng nữa không? Nếu không, trong đội ngũ này, vong linh những Anh hùng đã khuất, và những Anh hùng chính trực còn sống, sẽ rất tủi hổ. Dư luận xã hội đang chờ câu trả lời…
Chợt nhớ, cách đây ít lâu, Nghệ nhân dân gian hát xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu đã qua đời. Số phận một người đàn bà tài hoa, dù được phong là nghệ nhân, vẫn khổ cho tới lúc từ biệt cõi đời. Khổ như những làn điệu xẩm rút ruột, tài hoa đấy nhưng cũng bi ai đấy.
Những làn điệu xẩm của kiếp người “hành khất”, nương nhờ vào lòng từ thiện của đồng loại. Cái khổ đó như Trời định.
Còn ông Hồ Xuân Mãn đang phải khổ do … “nhân định”. Ông khổ bởi lòng tham cái danh, cái lợi lớn quá, cho dù ông đã từng đứng dưới ít người, đứng trên triệu người.
Những ngày này, Trường Sa sống trong tâm thức của hàng triệu con tim nước Việt.
Xương máu Trường Sa, hay xương máu những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến vì tự do, độc lập chủ quyền Tổ quốc, đều linh thiêng. Xin đừng vô tình, vô cảm, và vô nghĩa – với họ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét