Trung tướng Trần Bá Thiều - Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an đã trao đổi với Thanh Niên về vấn đề làm thế nào giữ “uy” cho công an, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Tướng Thiều cho biết qua tổng hợp báo cáo các địa phương từ năm 2000 đến tháng 8.2012, tình trạng chống người thi hành công vụ (THCV) đã khiến 43 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh và 2.218 cán bộ, chiến sĩ công an khác bị thương. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 toàn quốc xảy ra 422 vụ, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2011. Địa bàn xảy ra nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu…
|
Ông đánh giá thế nào về tình trạng chống người THCV trong lực lượng công an thời gian qua?
Do đặc thù nghề nghiệp, tính chất công việc nên lực lượng CAND, trong quá trình làm việc đã gặp phải nhiều vụ chống người THCV. Trong đó, chống lại CSGT thi hành công vụ chiếm khoảng 60% với nhiều hành vi như lăng mạ, mạt sát, giật mũ, số hiệu, lao xe gây thương vong. Các vụ chống cảnh sát hình sự thường do những đối tượng có hành vi phạm tội nghiêm trọng, có tiền án, tiền sự, bị truy nã, khi bị truy bắt những đối tượng này thường chống đối quyết liệt, cả bằng vũ khí nóng... Chống lại cảnh sát kinh tế chủ yếu là các đối tượng có hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, khi bị phát hiện thì chống trả bằng mọi giá, tẩu tán tang vật, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Chống lại lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp khi tham gia bảo vệ các phiên tòa là việc la hét, xô đẩy bàn ghế, giật mũ, áo, phù hiệu.
Một dạng khác là khi lực lượng CAND tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, các đối tượng chống đối thường cản trở, thậm chí dùng gạch, đá, gậy gộc tấn công cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Tình trạng này đã và đang gây ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng công an, thưa trung tướng?
Chống người THCV không chỉ gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự của một số cán bộ, chiến sĩ CAND, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh người chiến sĩ CAND, thể hiện sự coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.
Một trong những nguyên nhân chống người THCV là có nguyên nhân chủ quan từ một số cán bộ chiến sĩ; trung tướng đánh giá việc này ra sao?
Trước hết phải thấy rằng, một số đối tượng phạm tội, muốn trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật đã tìm mọi cách chống lại lực lượng CAND khi bị phát hiện, bắt giữ. Một số trường hợp do thiếu hiểu biết về pháp luật, bị lôi kéo, một bộ phận thanh thiếu niên khi vi phạm các quy định của pháp luật bị lực lượng CAND phát hiện xử lý nên đã chống đối... Đồng thời, cũng phải thấy rằng một số cán bộ, chiến sĩ CAND chưa tuân thủ đúng, đầy đủ quy trình, quy chế công tác, thái độ ứng xử với người vi phạm chưa đúng mực. Một số thiếu linh hoạt, bình tĩnh, khả năng thuyết phục chưa cao dẫn đến để người dân hiểu lầm, hiểu sai và quay sang ủng hộ người vi phạm, gây căng thẳng, phản ứng từ phía người dân.
Lực lượng công an ở cơ sở thường xuyên tiếp xúc với dân, tuy nhiên năng lực, trình độ của một bộ phận còn hạn chế, trang bị phương tiện còn thiếu và chưa đồng bộ. Trong một số trường hợp cụ thể, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, kịp thời, công tác vận động hiệu quả chưa cao nên người thi hành nhiệm vụ còn đơn thương độc mã, nhất là khi giải quyết các vụ tập trung đông người, gây rối trật tự công cộng.
![]() Trung tướng Trần Bá Thiều |
Không khuyến khích cán bộ dùng súng
Bộ Công an đang soạn thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV, trong đó quy định công an được nổ súng trực tiếp vào người chống đối. Việc này khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lạm quyền, khó kiểm soát?
Nghị định này đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến người THCV và Bộ Công an đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện chứ chưa chính thức. Quy định được nổ súng không phải là mới do Bộ Công an tự ý đưa vào mà chỉ làm rõ hơn những quy định đã có trước đây. Việc nổ súng chỉ xảy ra trong những tình huống cấp thiết, có ảnh hưởng đến sinh mệnh của người THCV và của người dân. Trước đối phương hung hãn, mình mà gục ngã thì còn bảo vệ được ai, cho nên tôi ủng hộ biện pháp nổ súng. Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét để có những quy định cụ thể hơn như nổ vào đâu để vô hiệu hóa đối phương làm mất khả năng gây thảm họa cho xã hội. Nổ súng không phải để tiêu diệt mà còn khai thác xem xét ý đồ mục đích của người ta. Không phải cán bộ THCV nào cũng được cấp súng, và trước khi nổ súng còn phải giải thích vận động, bắn chỉ thiên… Quan điểm của Bộ Công an trong việc giải quyết tình trạng chống người THCV là sử dụng nhiều biện pháp mà súng chỉ là phương cách cuối cùng. Bộ Công an không khuyến khích cán bộ dùng súng, càng ít sử dụng súng mà công việc đạt hiệu quả thì mới là tốt.
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng chống người THCV, cần phải làm gì?
Theo tôi, cần phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, có sự tham gia của các ngành, các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, tạo dư luận lên án hành vi chống người THCV và xử lý nghiêm minh.
Đối với lực lượng CAND, cần giáo dục chính trị tư tưởng, trước hết là thái độ và phong cách ứng xử của cán bộ chiến sĩ. Phải thật sự tôn trọng và lễ phép với nhân dân, xử lý các tình huống thật khéo léo, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, không để các đối tượng xấu lợi dụng. Đồng thời, phải nâng cao nghiệp vụ, sắp xếp những cán bộ có năng lực, có cách ứng xử văn minh ở những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với dân. Nâng cao phẩm chất đạo đức, kỷ luật, kỹ năng phòng chống hành vi chống đối, đặc biệt là kỹ năng tránh thương vong cho dân và cho chính những người THCV.
Thái Sơn(thực hiện)
Bên cạnh những phản ứng tiêu cực, quá khích của một bộ phận người dân thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật, hành vi chống người thi hành công vụ còn do một số nhân viên công lực hách dịch, lạm quyền...
![]() CSGT túm áo tài xế xe tải trên đường Trần Hưng Đạo, TP.Ninh Bình - Ảnh cắt từ clip |
Dư luận đã từng bức xúc vụ việc xảy ra ở xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng cách đây chưa lâu. Hôm đó, nhận được tin báo người dân ở thôn Phước Thuận tổ chức chặn đoàn xe vận chuyển đất san lấp mặt bằng gây ô nhiễm môi trường, công an xã cử công an viên Nguyễn Văn Tám và Đỗ Hữu Xuân xuống giải quyết. Nhưng sự việc không được giải quyết ổn thỏa mà còn ồn ào hơn khi ông Nguyễn Văn Tám tát vào mặt một người dân là bà Nguyễn Thị Hà (50 tuổi).
Hách dịch, làm chết người...
Trưa 10.6.2012, một xe tải chở gỗ vượt đèn đỏ tại một ngã tư trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Ninh Bình) và bị thiếu tá CSGT Hoàng Văn Trọng ra lệnh dừng xe, kiểm tra. Khi tài xế đánh lái đưa xe vào lề đường thì quệt nhẹ vào đuôi xe máy của CSGT. Tức giận, anh CSGT này đã túm cổ, tát, đẩy và dùng gậy hướng dẫn giao thông đánh tài xế. Sau đó, anh CSGT này bị kỷ luật cảnh cáo, chuyển công tác nhưng đã để lại hình ảnh phản cảm về người thi hành công vụ trong mắt nhân dân.
Đặc biệt đáng nói là vụ việc liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Mậu Thuận (54 tuổi, trú tại thôn Đoài, xã Kim Nỗ, H.Đông Anh, TP.Hà Nội). Cụ thể, sau khi say rượu và nảy sinh mâu thuẫn với một vài người trong thôn, 13 giờ 30 ngày 30.8.2012, ông Thuận được đưa về trụ sở Công an xã Kim Nỗ để làm việc. Tại đây, Nguyễn Trọng Kiên, Hoàng Ngọc Thức và Đoàn Văn Tuyến (đều là công an viên) đã còng tay ông Thuận ra phía sau. Bị chửi bới, 3 công an viên này còng luôn hết tay chân ông Thuận vào chân ghế, sau đó còn có thêm Hoàng Ngọc Tuyên (Phó công an xã) tham gia phủ trận đòn dùi cui vào đùi ông Thuận. Khi ông Thuận không ký biên bản, Tuyên và Kiên tiếp tục đánh. Đến 16 giờ 45 phút, thấy ông Thuận có biểu hiện khó thở họ mới chịu tháo còng đưa đi cấp cứu thì ông Thuận đã chết. Ngày 1.9.2012, Công an H.Đông Anh đã quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người và tạm giữ hình sự đối với Tuyên, Kiên, Tuyến và Thức để điều tra làm rõ.
Trong một vụ việc khác, lúc 16 giờ ngày 10.12.2012, lực lượng Công an H.Yên Thế (Bắc Giang) tổ chức phá trường gà tại nhà một người dân ở phố Thống Nhất (thị trấn Bố Hạ, H.Yên Thế). Trong quá trình khám xét, ông Bùi Văn Lợi (45 tuổi) - một trong 30 người bị bắt giữ đã bất ngờ bỏ chạy ra ngoài cánh đồng ở phía sau sới gà. Trong khi truy đuổi, thượng sĩ Nguyễn Duy Tùng đã dùng súng quân dụng K54 bắn chỉ thiên. Tuy nhiên, do súng bị cướp cò nên viên đạn đã găm trúng vai trái của ông Lợi. Ông Lợi được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong. Ngày 13.12.2012, Cơ quan CSĐT - Công an Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tùng để điều tra về hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ theo điều 97 bộ luật Hình sự…
Nhục hình
|
Không ít vụ án hình sự khi đưa ra tòa xét xử, bị cáo phản cung kêu oan, cho rằng “bị đánh nên khai đại”. Tuy nhiên, như một thẩm phán chia sẻ: "Bị cáo chỉ khai vậy thôi chứ không có chứng cứ”.
Thế nhưng gần đây đã có một số vụ việc cho thấy mọi chuyện không dừng lại ở đó. Đơn cử, trong quá trình xác minh nguồn tin tố giác tội phạm, Trần Bá Tuấn (nguyên đại úy, điều tra viên Công an TP.Nha Trang) và Nguyễn Đình Quyết (nguyên trung úy) đã khám xét nơi nghi can Trần Thị Lan và đưa bà về trụ sở Công an TP.Nha Trang để thẩm vấn. Tại đây, Tuấn và Quyết đã nhiều lần dùng tay chân, roi điện, dùi cui đánh bà Lan để ép nhận tội lấy cắp 7 triệu đồng và 1.750 USD của gia chủ nơi bà Lan giúp việc. Bị tra tấn đến ngất xỉu, bà Lan phải cấp cứu và điều trị gần một tuần tại bệnh viện tỉnh. Sau đó, Tuấn và Quyết phải ra tòa lãnh án về tội “dùng nhục hình”.
Trước đó, nguyên trung úy CSHS Công an TP.Nha Trang, Lang Thành Dũng bắt nhầm và tra tấn anh Nguyễn Trường Vũ (hành nghề chạy xe ôm), đến mức phải cấp cứu cũng bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 9 tháng tù (án treo) về tội dùng nhục hình. Lê Khắc Sáu (nguyên cán bộ điều tra Công an TP.Phan Rang - Tháp Chàm) cũng bị phạt 5 năm tù về tội “dùng nhục hình” với hành vi dùng gậy cao su, dùng tay đánh vào người, mặt, đạp chân lên người, đầu khi đối tượng đang bị còng dẫn đến tử vong.
Chưa hết, ngày 17.8.2012, Cục Điều tra - Viện KSND tối cao tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Quyền (nguyên đại úy, Công an tỉnh Phú Yên) và Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thiếu úy, Công an TP.Tuy Hòa) để điều tra về việc hai người này đã dùng nhục hình đối với Ngô Thanh Kiều (30 tuổi, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên, nghi can trong một vụ trộm cắp tài sản) làm anh này tử vong.
Cản trở luật sư
|
Một thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Hiện nay, trong lúc nguồn đầu vào của tòa, của Viện KSND, của cơ quan thi hành án bắt buộc phải là đại học thì có tới 30% điều tra viên đã bổ nhiệm chưa có trình độ đại học. Tính chung cả điều tra viên và các cán bộ khác có tới 80% chưa tốt nghiệp đại học, cao đẳng”. Vị này nói thêm: “Theo tôi, một điều tra viên đụng đến quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng tới 1/3 chưa có trình độ đại học thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều tra, vi phạm tố tụng là điều dễ hiểu”.
Nhiều ý kiến luật sư cũng than rằng, dù đã có bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư 70 của Bộ Công an công khai hoạt động điều tra, cho luật sư tham gia ngay từ đầu nhưng thực tế tình trạng hạn chế luật sư tham gia từ quá trình điều tra vẫn phổ biến. Việc hạn chế, cấm cản luật sư tham gia vào quá trình điều tra cũng làm gia tăng sự nghi ngờ của dân chúng đối với một trong những hoạt động của ngành công an, làm phát sinh những phản ứng tiêu cực không đáng có và gia tăng sự lạm quyền của công an trong hoạt động điều tra. (Còn tiếp)
Hà An - Thái Sơn - Lê Nga - Thiện Nhân
Nhìn ở góc độ nào thì việc gia tăng tình trạng chống người thi hành công vụ cũng cho thấy luật pháp chưa nghiêm, nhất là qua những trường hợp cụ thể đã đưa ra xử lý trong thời gian gần đây.
Vụ lái xe vi phạm tại ngã tư Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội), định phóng ô tô bỏ chạy trong khi người nhà xông ra đường tìm mọi cách kéo, đẩy viên CSGT chặn trước đầu xe để mở đường là một minh chứng. Bởi vì kết cục người xô đẩy CSGT chỉ bị cảnh cáo, còn lái xe chỉ bị xử phạt 1,6 triệu đồng.
![]() Đối tượng chống trả lực lượng thi hành công vụ bị trấn áp tại Hà Nội - Ảnh: Hà An |
Xử quá nhẹ
Trần Trọng Thanh (27 tuổi, ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) lái xe tải chở xăng đến đường liên xã Mễ Trì - Đại Mỗ va quệt vào chiếc ô tô 4 chỗ mà không dừng xe và có lời lẽ thách thức, lăng mạ, chửi bới CSGT. Cấp sơ thẩm xử phạt Thanh 7 tháng tù giam nhưng tại phiên tòa phúc thẩm cuối năm 2011, TAND TP.Hà Nội lại tuyên giảm hình phạt xuống còn 4 tháng tù.
Giữa tháng 9.2012, TAND TP.HCM cũng tuyên y án sơ thẩm 1 năm tù đối với Trần Đình Thương (35 tuổi, quê Nghệ An) vì điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, tăng ga bỏ chạy khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe và buông lời lăng mạ rồi dùng tay đánh, đạp CSGT...
Theo dõi vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, đối với những hành vi chống người thi hành công vụ bộc phát nhất thời như trên chỉ có thể xử lý theo khoản 1 điều 257 bộ luật Hình sự. Theo đó, hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Có lẽ do ràng buộc về mặt pháp lý như trên nên vụ án nặng nhất ngày 27.2.2012, TAND TP.Cần Thơ tuyên cũng chỉ là 15 tháng tù đối với Huỳnh Thanh Thắng, sau khi y điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép, chửi bới, lao vào túm áo, giật đứt cầu vai của thiếu úy Phan Vĩnh Minh và định “tước” luôn khẩu súng ngắn của cảnh sát này. Thậm chí khi lực lượng Cảnh sát 113 đến hỗ trợ áp giải Thắng về Công an phường Ba Láng, Thắng tiếp tục có lời lẽ khiếm nhã với cán bộ công an, cởi phăng áo định “giáp lá cà” với lực lượng làm nhiệm vụ.
Trung tá Hoàng Văn Đạo, Đội trưởng Đội CSGT số 11 (CSGT Hà Nội), nói thẳng nguyên nhân khiến các vụ chống người thi hành công vụ trong thời gian gần đây gia tăng là do xử lý lỗi hành vi này quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Thua cả... lấn chiếm lòng lề đường
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho hay trong số các vụ chống đối lực lượng CSGT có rất nhiều vụ đặc biệt nguy hiểm và đã cấu thành tội danh giết người.
Như vụ CSGT huyện Từ Liêm là Nguyễn Hồng Sơn bị tài xế Nguyễn Văn Chưởng điều khiển taxi 31F-5235 của Hãng taxi Sao Thủ đô hất lên nắp capo rồi tăng ga để xe ô tô chạy hơn 30 km. Và chiếc taxi trên chỉ dừng lại khi có sự tham gia truy bắt “như trong phim hành động” của lực lượng chức năng cùng người đi đường.
Kế đến là vụ trung úy Nguyễn Mạnh Phan, CSGT thuộc Công an huyện Ba Vì. Khi đó trung úy Phan bị chiếc xe khách 39 chỗ 29B-023.04 do Phùng Hồng Phương (37 tuổi, trú tại xã Thái Hòa, H.Ba Vì, TP.Hà Nội) điều khiển đâm trực diện. Để bảo toàn tính mạng, trung úy Phan phải nhảy lên bám vào cần gạt nước. Tuy nhiên, sau đó Phương chỉ bị khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ”.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được thì cho tới thời điểm hiện tại, chưa có vụ chống đối lực lượng CSGT nào bị xử quá 6 tháng tù giam. Chia sẻ thêm về vấn đề này, thiếu tướng Trần Thùy thẳng thắn cho biết, không ít trường hợp “quen biết này nọ” nên sẽ rất khó cho lực lượng chức năng. “Tuy nhiên, nếu mạnh tay xử lý theo đúng tính chất và hành vi phạm tội của đối tượng trong từng vụ việc cụ thể thì sẽ dễ dàng lập lại trật tự”, ông Thùy nói.
Luật sư Nguyễn Văn Tài (Văn phòng luật sư Mai Trung Tính, TP.HCM) cũng nói thẳng, mức phạt 4 triệu đồng cho hành vi chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông lâu nay là quá nhẹ. Ngay cả dự thảo mới đây cũng chỉ đưa ra mức phạt cao nhất là 5 triệu đồng; phạt 1,4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày đối với hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Trong khi đó hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh mức phạt đến 20-30 triệu đồng… Theo ông, việc Bộ Công an đề xuất cho sử dụng súng bắn trả những hành vi chống đối là cần thiết, nhằm giữ nghiêm kỷ cương.
Nhiều luật sư đồng quan điểm cho rằng, cần sửa luật, tăng nặng hình phạt của tội chống người thi hành công vụ và tăng mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính.(Còn tiếp)
Công an phường ngại mang súng?
Trả lời thắc mắc của PV trước việc một số cán bộ chiến sĩ khi thi hành công vụ không mang theo vũ khí, một cán bộ công an phường ở TP.HCM cho biết việc quản lý, sử dụng súng do trưởng công an phường chịu trách nhiệm và thường ủy quyền thêm cho cấp phó thay nhau quản lý, sử dụng khi trực chỉ huy. Mỗi chỉ huy phường và trực ban đều có chìa khóa kho vũ khí nên bất cứ tình huống nào cũng đều có đầy đủ vũ khí để chiến đấu. Theo quy định, khi lực lượng công an đi làm nhiệm vụ đều được trang bị vũ khí, kể cả đi kiểm tra hành chính nhà dân. “Còn trong một số trường hợp bất ngờ gặp tội phạm, gặp đối tượng chống đối manh động, công an không có công cụ để trấn áp có thể là do ngoài ca trực không được mang theo vũ khí, hoặc khi phân công anh em đi kiểm tra hành chính, xuống địa bàn... đúng là có phường ngại phát súng cho anh em”, vị này nói.
|
Lê Nga - Đàm Huy - Hà An
Tình trạng gia tăng tội phạm chống người thi hành công vụ hiện nay đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh, đồng bộ để bảo đảm công bằng cho lực lượng thực thi pháp luật. Trên thực tế, bảo vệ người thi hành công vụ cũng là bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng
Trả lời phỏng vấn trong chương trình truyền hình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, từng nhìn nhận: tội phạm chống người thi hành công vụ đang gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là chống lại công an trong khi làm nhiệm vụ. “Thời bình nhưng máu của cán bộ chiến sĩ công an cũng đổ xuống. Đây cũng là sự mất mát hy sinh to lớn, cũng là sự đau đớn đối với chúng tôi, và cũng có thể nói là đối với nhân dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vào các trang mạng hiện nay không khó để bắt gặp những thông tin, hình ảnh, clip quay lại cảnh CSGT bị xúc phạm. Chẳng hạn như tối 9.10.2011, tổ công tác đặc biệt 141 - Công an Hà Nội chặn xe Nguyễn Văn Dũng (không đội mũ bảo hiểm) tại ngã tư Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng. Lúc đó, Dũng lớn tiếng quát: “Chúng mày tuổi gì mà đòi giữ xe tao?”. Thấy tổ công tác cương quyết, Dũng cởi áo và lớn tiếng mạt sát, văng tục, chửi bậy, thách thức: “Có giỏi thì lấy súng bắn đi”.
Chiều 13.12.2011, tại khu vực nút giao thông đường Yên Phụ - Thanh Niên - Âu Cơ (TP.Hà Nội), tổ công tác Y4 tiến hành kiểm tra hành chính xe ô tô BMW X6 không mang biển số do Nguyễn Thanh Quang (ngụ Q.Hai Bà Trưng) điều khiển thì Quang không xuất trình được các giấy tờ liên quan mà còn có những lời lẽ thách đố, thiếu văn hóa. Thậm chí Quang còn thản nhiên… nhổ nước bọt trước mặt tổ công tác. Trước đó, khi làm nhiệm vụ tại ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, trung úy Quách Anh Tuấn (công tác tại Đội CSGT số 3, Hà Nội) cũng bị Nguyễn Trình Thanh Phương (33 tuổi, ở Q.Ba Đình) điều khiển xe không gương chiếu hậu xúc phạm, nhổ nước bọt vào mặt.
Ngày 4.6.2012 trên quốc lộ 5 ở khu vực ngã tư Hanel - Sài Đồng (Q.Long Biên), Đàm Ích Thuận (quê quán H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội) điều khiển xe ô tô 29A-210.11 vượt đèn đỏ. Khi bị CSGT Đội 5 ra tín hiệu dừng xe, Thuận tăng ga, cho xe đâm trực diện khiến chiến sĩ CSGT Phan Văn Thuận phải nhảy lên nắp ca pô tránh.
Tết dương lịch 2013 nhiều người đi đường còn kinh hãi chứng kiến chiếc taxi đánh võng, phóng như bay trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội) trong khi cần gạt nước mưa quạt liên tục để hất CSGT Nguyễn Hồng Sơn đang đu bám trên đó…
![]() Một trường hợp chống đối lực lượng 141 đang thi hành nhiệm vụ tại Hà Nội - Ảnh: Nam Anh |
Không còn là hành vi chống đối thông thường
Lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra trên mặt đường, điều tiết giao thông… tiếp xúc với người dân nhiều nhất và cũng là đối tượng của nhiều vụ chống người thi hành công vụ nhất. Đặc biệt là khi xử lý những trường hợp quậy phá trên đường phố, như một CSGT chỉ huy tổ chống đua xe tâm sự: “Các thanh niên đua xe còn cá cược với nhau bằng cách đứng trước mũi mô tô đặc chủng thách thức CSGT rượt đuổi. Nếu bị bắt sẽ thua độ, chạy thoát sẽ thắng độ… Bản thân tôi nhiều lần bị tụi đua xe tông thẳng vào, tấn công bị thương; xe bị bể cốp, đèn liên tục”.
Mới đây, tại ngã tư Vành Đai Trong - đường số 1 (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM), 4 thanh niên quê Long An đi trên một xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm tăng ga bỏ chạy khi gặp CSGT. Bị đuổi đến đường số 1 (khu dân cư tiểu khu 3, P.Bình Trị Đông B), cả 4 vứt xe xông vào tấn công 2 CSGT. Một người giật mũ bảo hiểm chuyên dụng của CSGT làm hung khí đánh trả; 3 người còn lại lấy đá ném. Sau đó, Công an Q.Bình Tân hỗ trợ truy bắt được 4 người này.
Người đi đường ở TP.HCM cũng từng một phen hú vía khi chứng kiến người đàn ông trạc 42 tuổi đập phá mô tô, ô tô đặc chủng của lực lượng CSGT, gây náo loạn cả một đoạn đường dài. Lúc đó sáng sớm, tại giao lộ Ba Vân - Trương Công Định, 2 CSGT của Công an Q.Tân Bình phát hiện người đàn ông này điều khiển xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, không dừng xe khi CSGT yêu cầu. Khi CSGT truy đuổi, người đàn ông này vứt xe bỏ chạy bộ. CSGT mang xe về công an phường tạm giữ, rồi quay ra chốt làm nhiệm vụ. Sau đó, người này cầm khúc gỗ đến đập bể kính đèn mô tô đặc chủng, rồi chạy đến trước trụ sở Công an P.14 tiếp tục đập bể đèn báo hiệu và kính trước xe Jeep của công an phường. Công an dùng xe gắn máy đuổi theo cũng bị người này dùng cây đập bể đầu xe. Thậm chí bị bắt đưa về đến trụ sở công an phường người này vẫn tiếp tục chống cự quyết liệt…
Trong dịp lễ, Công an P.Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú, TP.HCM) tuần tra bắt giữ một xe gắn máy vi phạm chở 3, không xuất trình được giấy tờ và mang xe về phường tạm giữ. Sau đó, 3 người này gọi thêm 4 người khác cầm theo 2 cây tầm vông làm hung khí đến trước trụ sở công an phường định cướp lại xe vi phạm. Khi trực ban hình sự công an phường ngăn chặn thì những người này dùng cây tầm vông tấn công lại...
(Còn tiếp)
Chém công an giữa đường
Tại Đà Nẵng, trong lúc làm nhiệm vụ tại ngã tư đường Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám, thượng sĩ Nguyễn Văn Nhơn và trung sĩ Dương Minh Trung (Cảnh sát chống tội phạm cướp giật và các loại tội phạm khác, thuộc PC65 - Công an TP.Đà Nẵng) phát hiện hai thanh niên điều khiển xe máy có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu dừng xe thì hai người này phóng xe bỏ chạy. Đuổi theo đến ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương, bất ngờ các anh bị một nhóm thanh niên khoảng 8 tên dùng mã tấu, dao găm tấn công. Anh Nhơn bị đâm 4 nhát vào lưng và 1 nhát chém vào ngón tay. Anh Trung cũng bị chém 3 nhát vào chân, tay.
|
Lê Nga - Hà An - Đàm Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét