Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Góp nhặt , , , Suy , , ,Gẩm . . .




Đạo đức = Suy thoái – (Điển hình + Tấm gương)

imagesMình chẳng lạ gì ông Hồ Xuân Mãn và từ lâu đã không màng tới những người cùng loại với ông ta.
Lẽ ra mình sẽ tiếp tục cười khẩy và im lặng, nếu như bác Nguyễn Phú Trọng không cảnh cáo những người góp ý “sửa đổi Hiến pháp”, đụng đến sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức”. Ở thời điểm này, có lẽ chuyện ông Hồ Xuân Mãn là ví dụ tốt nhất để cùng ngẫm nghĩ về việc có nên im lặng, chấp nhận nghe bác Trọng phê phán đó là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức”…
1.
Hôm 4 tháng 3, tờ Dân Việt đăng bài “Anh hùng bị tố khai man thành tích” (1), cho biết, hàng chục đảng viên, từng là cán bộ, chiến sĩ đã sống và chiến đấu với ông Hồ Xuân Mãn, cùng lên tiếng tố cáo nhân vật vốn là cựu Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, ngụy tạo thành tích để được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trước đó hai ngày, nội dung tương tự cũng được tờ Công an TP.HCM đề cập trong bài “Nguyên Bí thư Tỉnh ủy nói gì khi bị tố cáo?” (2).
Các tác giả của hai bài báo đã gặp nhiều nhân chứng, dẫn nhiều ý kiến, dữ kiện, khẳng định, cả 17 “chiến công” mà ông Hồ Xuân Mãn đã “lập” trong giai đoạn từ 1964-1975, nhằm “báo công” và trở thành “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” đều là… gian dối.
Ông Mãn trở thành “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2010. Năm 2012, tờ Cựu Chiến binh, số ra tháng 11 đăng bài “Về lại Phong Điền”, chính thức nêu nghi vấn về các thành tích của “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hoàng Xuân Mãn. Bài này được cán bộ và dân chúng Thừa Thiên – Huế copy, chuyền nhau đọc.
Đầu năm nay, tờ Đại Đoàn Kết đăng hai bài (3), kế đó, An ninh Thế giới – một phụ bản của tờ Công an nhân dân – nhồi tiếp hai bài nữa (4), cùng giúp ông Mãn giải độc dư luận từ bài “Về lại Phong Điền”.
Tới đầu tháng này thì cả Công an TP.HCM lẫn Dân Việt cùng xới lại vấn đề, theo hướng, đứng về phía những người tố cáo, phản bác thông tin của Đại Đoàn Kết và An ninh Thế giới.
Thật ra, chẳng phải tới bây giờ ông Hồ Xuân Mãn mới được công chúng quan tâm…
2.
Cuối năm 2005, tờ Lao Động gây xôn xao dư luận khi đăng “Đất cố đô có vua” (5) – một bài viết ngắn, kể chuyện viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế bị một nữ tiếp viên bạt tai vì đã sàm sỡ với cô. Chuyện chưa ngừng ở đó, sau khi bị bạt tai, viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ra lệnh cho chủ nhà hàng phải đuổi nữ tiếp viên muốn bảo vệ phẩm giá của cô, ngay lập tức. Đồng thời còn dọa sẽ cho đóng cửa nhà hàng có cô tiếp viên “to gan” này và các nhà hàng lân cận!?. Tác giả “Đất cố đô có vua” kể thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên, viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế sàm sỡ với các nữ tiếp viên dù họ chỉ đáng tuổi con, cháu ông ta giữa thanh thiên bạch nhật, đó là một thứ thói quen, một loại “chuyện thường ngày” mà viên quan to nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế hay làm. Theo tác giả, viên quan to nhất tỉnh bị tát vì “đi đêm có ngày gặp ma”. Thế thôi!
Tuy “Đất cố đô có vua” được viết theo kiểu phiếm chỉ nhưng dân Thừa Thiên – Huế và giới thạo tin biết rất rõ, viên quan to nhất tỉnh là ai. Họ không lạ gì tư cách, tính cách của “đồng chí” Hồ Xuân Mãn…
Đến năm 2008, thiên hạ thêm một lần phải để ý tới ông Hoàng Xuân Mãn, khi tận mắt mục kích hoặc đọc, nghe tường thuật về Lễ tế Nam Giao trong Festival Huế. Nhà báo Trương Duy Nhất kể như thế này qua “Không phải là vua nhưng mộng ước cũng như… vua!”, ở blog Một góc nhìn khác (6): “Trong nhóm quan chức phưỡn bụng trên thượng đàn trong lễ tế có một vị khoác… hoàng bào. Đó là ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên- Huế. Sao ông Mãn dám… liều thế nhỉ? Hay ông nghĩ mình là… Vua?”…
Đầu năm 2010, một lần nữa ông Hồ Xuân Mãn gây xôn xao dư luận vì được công nhận là một trong những “những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước đã có nhiều thành tích trong học tập và nhất là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Việc công nhận ông Hồ Xuân Mãn là “điển hình” về “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, khiến nhà giáo Hà Văn Thịnh, giảng viên Đại học Huế, viết bài “Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy” (7), đề nghị ông Mãn nói rõ hơn về “thành tích” giảm tỷ lệ người nghèo từ 28% xuống còn 8%. Bài “Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy” xuất hiện trên báo điện tử VietNamNet một vài ngày rồi biến mất. Ông Mãn không trả lời, những người phát động việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng không thèm bận tâm.
Rồi ông Mãn được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
3.
Mình viết tới đây thì thấy, vừa có thêm tờ Tuổi Trẻ tham gia vào vụ lật lại hồ sơ “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hoàng Xuân Mãn.
Trong bài “Anh hùng khai man thành tích?” (8), phóng viên tờ Tuổi Trẻ cho biết, họ có gặp ông Lê Sáu, cựu bí thư Huyện ủy Phong Điền, giai đoạn 1969-1971 để hỏi thăm về “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hoàng Xuân Mãn.
Ông Lê Sáu nhận định, không thể xem chuyện ngày xưa, ông Mãn giết ông Hoàng Sớm –trưởng ấp Phò Ninh là “thành tích” vì dù giết được ông Hoàng Sớm nhưng “trận đánh” này đã làm chín thường dân, trong đó có cả trẻ em chết.
Đáng chú ý là sau bài viết kể trên, một blogger có nickname là “anhmanxx”, tiếp tục cung cấp thêm một số thông tin trên blog của blogger này (9). Theo đó, trong “trận đánh” để “khử” ông Hoàng Sớm, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Hồ Xuân Mãn đã thản nhiên xả súng vào đám giỗ, dẫu cho ông nội ông Mãn và nhiều bà con của chính ông ta đang ngồi tại đó. Ngoài 9 thường dân vô tội thiệt mạng, “trận đánh” này còn làm cho 8 thường dân khác bị thương. Bây giờ, cứ tới ngày ấy, thôn Phò Ninh, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế có đến 10 đám giỗ.
4.
Với Đảng, với bác Nguyễn Phú Trọng, bác Nguyễn Sinh Hùng, một kẻ như ông Hồ Xuân Mãn là một “đồng chí” vừa “vững vàng về lý tưởng”, vừa “kiên định về lập trường”.
Đảng, tất nhiên, đã, đang, sẽ chỉ tín nhiệm những người như ông Mãn. Sự tín nhiệm này thể hiện ở những chức vụ mà ông ta đã đảm nhận: Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, những danh hiệu mà ông ta được tặng: “Điển hình của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Bạn có muốn làm “người tốt”, có “đạo đức”, “điển hình”, “anh hùng” theo kiểu ông Hồ Xuân Mãn? Ông Hồ Xuân Mãn không phải là cá biệt, có không ít người giống hệt ông ta. Họ bảo họ là ưu việt, họ có quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, quyết định mọi thứ liên quan đến số phận, tương lai, không chỉ của chính bạn mà còn làm như thế với cả con, cháu bạn. Không chấp nhận điều này, bạn sẽ là “kẻ xấu”, bị “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức”.
Bạn sẽ “dạ” thật to hay nói “không”?
……………………………………………..
Chú thích:
(1) Anh hùng bị tố khai man thành tích
http://danviet.vn/126616p1c24/anh-hung-bi-to-khai-man-thanh-tich.htm
(2) Nguyên Bí thư Tỉnh ủy nói gì khi bị tố cáo?
http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=942&id=490204
(4) Anh hùng LLVTND Hồ Xuân Mãn: Người con ưu tú của đất Phò Ninh
Bài 1
http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2013/1/79997.cand
Bài 2
http://antg.cand.com.vn/vi-VN/tulieu/2013/2/80020.cand
(6) Không phải là vua nhưng mộng ước cũng như… vua!
http://motgocnhinkhac.blogspot.com/2008/06/khong-phai-la-vua-nhung-mong-uoc-cung_11.html
(9) Hữu Thu… tự bán rẻ nhân cách với một giá bèo
http://anhmanxx.blogspot.com/2013/03/huu-thutu-ban-re-nhan-cach-voi-mot-gia.html


Cái khốc hại của độc đảng


130226131543_nguyen_dac_kien_304x171_bbc_nocreditKhi tôi gửi những bài viết đầu tiên cho Ban biên tập Cùng Viết Hiến Pháp, tôi có nhắn gửi rằng, tôi hiểu việc ký tên vào bản Dự thảo Hiến pháp của nhóm 72 trí thức, cũng như việc tham gia trang Cùng Viết Hiến pháp, không đơn thuần chỉ là để có một bản Hiến pháp tốt, mà cái quan trọng hơn là để thức tỉnh người dân về quyền và trách nhiệm công dân của mình.
Khi bài viết “Vài lời…” của tôi được lantruyền, nhiều người, có cả những đảng viên ở cấp cao đã nhắn gửi tôi rằng, họ khâm phục, họ kính trọng việc làm của tôi, rằng họ hèn…
Chuyện người dân không ý thức hết về quyền công dân của mình, hay chuyện những người bạn tôi nhận họ hèn mới nhìn qua thì không có gì nghiêm trọng. Nếu có ai đó coi là chuyện thường tình, nhỏ nhặt thì cũng chẳng đáng ngạc nhiên.  Nhưng ít người biết rằng, những sự tệ hại xấu xa nhất mà xã hội con người có thể tạo nên lại có thể xuất phát từ những “thường tình, nhỏ nhặt” đó.
Gần đây, người ta quay lại tranh luận về chuyện độc đảng hay đa đảng. Có những lý lẽ xem chừng rất thuyết phục được đưa ra, như lý lẽ của Thiếu tướng Lê Văn Cương. Tại sao Trung Quốc độc đảng vẫn phát triển vượt xa một Ấn Độ đa đảng? Hay tham nhũng, suy thoái kinh tế nước nào chẳng có, đâu cứ nước độc đảng… quan trọng là cách thiết kế bộ máy, cách kiểm soát để hạn chế tham nhũng, lũng đoạn.
Nếu chỉ nhìn ở góc độ một nhà nước để cai trị, rất khó để phủ nhận lập luận của Thiếu tướng Cương. Emmanuel Poisson còn chỉ ra rằng, bộ máy quan lại trong chế độ quân chủ phương Đông là một thiết kế đáng ngạc nhiên về độ hiệu quả và ổn định khi nó đã tồn tại hàng nghìn năm, các triều đại thay nhau, nhưng thiết kế bộ máy thì không mấy thay đổi(*). Hay là chúng ta quay trở lại chế độ vua quan?
Có lẽ chẳng ai thèm đếm xỉa đến câu hỏi ngớ ngẩn này. Nếu chỉ đặt mục tiêu cai trị thì thiết kế của nhà nước quân chủ phương Đông thật đáng tham khảo, nhưng nếu đặt mục tiêu phát huy phẩm giá, nhân cách con người, quyền làm chủ của nhân dân thì chúng ta sẽ phải suy nghĩ khác.
Độc đảng hay đa đảng khác nhau căn bản không phải hình thức tồn tại của nó mà ở phương thức để nó duy trì sự tồn tại của mình. Nhà nước độc đảng, cũng giống như nhà nước quân chủ chuyên chế và thực dân, muốn tồn tại và hợp thức hoá sự lãnh đạo của mình, không thể không viện đến một hệ thống áp chế về tư tưởng, nô dịch về văn hóa và trói buộc về tư duy. Một cách tự nhiên, trong hệ thống đó, mọi sự khác biệt đều không được khuyến khích, thậm chí bóp nghẹt. Nếu nhà nước có thể biến tất cả những thần dân thành những chú cừu ngoan ngoãn thì càng tốt. Những chú cừu ngoan ngoãn đó vẫn có thể sản xuất ra thật nhiều của cải, để làm đẹp các con số thống kê, nâng cao bảng thành tích. Cuối cùng, chính những bảng thành tích đó lại có thể dùng làm bằng cớ cho sự ngụy biện của giới cai trị. Nhưng có một điều bất biến, những chú cừu đó chẳng bao giờ được khuyến khích để có thể tự ý thức như những con người.
Vì thế có những người thừa nhận với tôi là họ hèn như một sự hiển nhiên không cần phải giấu giếm. Sự đó có thể vô hại trong trường hợp này, nhưng hãy tưởng tượng, một xã hội toàn những con người mà những phẩm giá bị giũ bỏ, coi khinh như một lẽ thường tình thì xã hội đó sẽ như thế nào?
Người ta dễ dàng tránh xa và lên án những tội ác hiển nhiên như giết người, cướp của, nhưng không mấy ai biết xã hội ngày càng tồi tệ đi, không thể cứu chữa nổi là từ những cái tội khó quy thành tội, từ những cái ác khó quy thành ác được dễ dàng thoả hiệp và diễn ra hàng ngày.
Tôi tin rằng, nếu ĐCS VN có được đội ngũ lãnh đạo tốt, một cơ chế kiểm soát  quyền lực đủ mạnh, họ có thể dẫn dắt đất nước đạt nhiều thành tích đáng kể về kinh tế, nhưng để phát huy quyền làm chủ và phẩm giá con người Việt Nam, họ sẽ không thể nào làm được nếu không tự rút súng bắn vào chân mình.
………………………………………………………….
(*) Xem thêm: Emmanuel Poisson, Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam – một bộ máy hành chính trước thử thách (1820 – 1918), NXB Đà Nẵng, năm 2006



Lý do thật


thamnhung1+ Những lập luận ủng hộ và phản bác việc phá giá tiền đồng đều có tính thuyết phục như nhau, nghe bên nào nói cũng hay cả. Tuy nhiên một điều mà cả hai bên đều thấy là tỷ giá cứ để nguyên như vậy trong khi lạm phát nhiều năm qua lại cao như thế là không ổn. Ví dụ, GDP năm 2012 tính theo giá so sánh chỉ tăng 5,03% nhưng tính theo giá thực tế tăng đến 16,3%. Nói cách khác, thu nhập đầu người nước ta khi đã khử lạm phát thì không tăng bao nhiêu cả – đúng với thực tế một năm làm ăn nhiều khó khăn cho tất cả; thế nhưng tính theo đô-la Mỹ thì tăng vọt từ 1.386 đô-la/người lên đến 1.609 đô-la/người!
Cái khoản tăng thêm ấn tượng ấy rơi vào tay ai chưa biết nhưng rõ ràng không rơi vào tay người dân bình thường – nói cách khác tỷ giá giữ cố định như hiện nay đang mang tính bao cấp và một số người hưởng lợi, đa phần dân số thì không.
Lô-gích bình thường là NHNN không nên điều chỉnh tỷ giá đột ngột một lần năm ba phần trăm gây biến động, nhất là về mặt tâm lý mà nên điều chỉnh từ từ, để cả năm tỷ giá sẽ được điều chỉnh trong khoảng 3%.
Tại sao chuyện này không diễn ra? E rằng do việc điều chỉnh dần dần như thế đòi hỏi sự chủ động của một bộ máy điều hành cấp vụ – một sự chủ động hiện nay đang thiếu vắng.
*                      *                      *
+ Cái đề xuất đánh thuế lên tiền gởi tiết kiệm nhằm chuyển hướng dòng tiền của dân thay vì chảy vào ngân hàng nay chảy vào sản xuất, kinh doanh là đề xuất phi lý đến nỗi không cần đưa ra nhiều lập luận để phản bác làm gì. Chỉ cần nhớ nguồn vốn cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế chủ yếu đến từ ngân hàng, dân không gởi tiền vào thì ngân hàng lấy gì cho vay – lúc đó ngành nghề nào cũng đổ vỡ chứ không riêng gì bất động sản. Chuyện đó thôi không nói nữa.
Vấn đề là vì sao giới bất động sản đưa ra một kiến nghị như thế?
Giám đốc một công ty địa ốc cho biết giới kinh doanh bất động sản hiểu rất rõ, Luật Đất đai sắp được sửa đổi ít nhất cũng làm cho việc giải tỏa đất đai của người dân sẽ khó hơn bội phần. Dù Luật có thể chưa công nhận quyền sở hữu đất đai nhưng đất của dân sẽ khó lấy hơn trước vì ai cũng biết đấy là đầu mối của những căng thẳng kiến kiện khắp nơi. Khó hơn có nghĩa quỹ đất sẽ cạn kiệt, giá đất sẽ tăng chứ không thể nào giảm. Vấn đề là bắt đầu tăng vào thời điểm nào mà thôi.
Giới bất động sản hiểu rõ điều đó nên đang tìm mọi cách trụ lại thị trường. Một trong những cách đó là liên tục kiến nghị để nhà nước giải cứu, mong cầm cự thêm ít lâu, chờ giá đất phục hồi như họ kỳ vọng. Đánh thuế kiểu như kiến nghị cũng là một cách giải cứu.




Thằng cu Trọc và cái thắt lưng


image00141Ngày mình từ Ba Đồn sơ tán lên làng Đông, vào học lớp 3 mình ngồi cùng bàn với thằng Trọc. Tên nó là Đình, con trai cả lớp đứa nào cũng cạo trọc đầu riêng nó có tên là Trọc, kể cũng hơi lạ. Mình vừa ngồi xuống nhét cặp vào hộc bàn, nó liền lôi cái cặp của mình ra, nói có chi không? Mình giật cái cặp lại, nói có chi mô! Nó cười hiền lành, nói tưởng có chi ăn được.
 Ngồi gần thằng Trọc lâu ngày mình phát hiện ra thằng này có cái tật lạ nữa, nếu nó chăm chú nhìn lên bảng chừng nửa tiếng thế nào nó cũng ngủ gật. Thành ra suốt buổi học nó toàn cúi gầm mặt nhìn vào sách. Tai nghe cô giáo giảng, mắt theo dõi sách giáo khoa chỉ thỉnh thoảng nó mới ngước lên bảng. Lúc đầu cô giáo buộc nó phải nhìn lên bảng, sau thấy hễ nó nhìn lên bảng là nó ngủ gật nên cô cũng không ép nó nữa, mặc nó muốn làm gì thì làm.
Thằng Trọc học với cái hộc bàn, nó chúi mũi trong hộc bàn suốt buổi, lục soát cặp của mấy đứa cùng bàn xem có gì ăn không, gạ gẫm hết đứa này đến đứa kia chơi cờ ô rô với nó, không có đứa nào chơi thì nó chơi ô rô một mình. Cứ thế nó lúi húi duới hộc bàn cho đến khi tan học.
Gần tết anh Mỹ mình đi học Liên Xô về cho mình nhiều thứ, thích nhất là cái thắt lưng nhỏ. Cái thắt lưng nhựa mềm mại trắng tinh, viền bằng hai đường màu hồng phớt, rất vừa bụng. Sau này ra Hà Nội thấy người ta bán đầy loại thắt lưng nhựa này, có đồng mốt một chiếc, rất rẻ. Nhưng khi đó nghe  nói thắt lưng Liên Xô mình sướng rêm, mũi phồng to để lọt hai quả cà. Bảo đảm cả huyện này không có đứa nào có thắt lưng Liên Xô như mình.
 Quê mình thắt lưng gọi là nịt. Chỉ khi đi học mới được mặc quần dài, chỉ khi mặc quần dài mới thắt lưng bằng cái nịt Liên Xô. Hôm nào cũng vậy, mình chỉ mong sáng để mặc quần đeo nịt. Rất muốn bỏ áo vào quần để khoe cái nịt nhưng sợ chúng nó trêu đĩ trai, con nít giả đò làm người lớn, thành thử cứ phải buông áo ngoài quần. Ngồi trong lớp lâu lâu mình lại cúi xuống vén áo ngắm cái nịt. Thằng  Trọc phát hiện ra cái thắt lưng, nó trợn mắt há mồm nói oa chà oách rứa bay.
Suốt buổi nó cứ cúi gầm mặt vén áo mình lên xem cái thắt lưng, lâu lâu lại ngẩng lên hỏi, nói nói ai cho mi ri? Mình vênh mặt nói anh tao, anh tao học trường Lô mô nô xốp tề, ở Liên Xô tề. Thằng Trọc chẳng quan tâm Liên Xô ở đâu, Lô mô nô xốp là cái gì, suốt buổi nó chỉ chúi mũi vào cái thắt lưng của mình. Nó nhìn cái thắt lưng với vẻ thèm khát bốc cháy, nước dãi chảy ra ướt cả cổ áo. Lâu lâu nó lại hỏi ai cho mi ri nhưng hỏi chỉ để mà hỏi, nó không cần có câu trả lời.
Cuối buổi học nó nhìn mình van xin, nói cho tao đeo thử cái coi. Nó năn nỉ nhiều lần, mình động lòng tháo ra đưa cho nó đeo thử, nói tan học trả lại cho tao nghe chưa. Nó nói ừ, tất nhiên rồi. Tan học ngoảnh lai không thấy thằng Trọc đâu. Mình vọt ra sân thấy nó đã chạy trên đường làng. Mình ráng sức đuổi theo vừa chạy vừa gọi, nói vơ Trọc nời, trả cái nịt cho tao. Nó ngoảnh lại nhìn mình tươi cười, nói  rồi rồi, mai tao đưa cho. Nói xong nó vọt rất nhanh về ngõ nhà nó.
Mình nghĩ mai đòi lại cũng được, bèn quay lui về nhà mình. Sáng mai gặp thằng  Trọc ở sân trường, mình nói cái nịt của tao mô rồi? Nó vén áo lên chỉ cái thắt lưng, nói đây nì, mi sợ tao giấu mất à? Mình nói tháo ra trả cho tao. Nó cười tươi, nói chi mà nôn rứa hè, tí tao trả cho. Vào buổi học, cứ lúc lúc mình lại cấu nó, nói trả cái nịt cho tao. Nó nhăn mặt nhìn mình, nói thằng ni chi lạ rứa hè, đang học làm chi ồn ào mất trật tự. Sợ cô mắng mình cũng thôi không đòi nữa. Tan học nó lại biến đâu mất tiêu. Mình vọt ra sân nó đã chạy trên đường làng.
Lần này không nhân nhượng nữa, mình rủ thằng Diệp đuổi theo thằng cu Trọc về tận nhà nó. Thằng Diệp rất nhiệt tình, nó bỏ cả buổi thả trâu cùng đi với mình về nhà thằng Trọc. Thằng Trọc không trốn đi đâu, cứ ngồi ăn thản nhiên mặc kệ mình và thằng Diệp chạy vòng quanh mâm đòi nó cái nịt, nói đưa cái nịt cho tao… đưa cái nịt cho tao. Thật lạ, thằng Trọc như điếc cắm cúi ăn như là không nghe ai nói gì, nó cũng như thằng mù như là chẳng thấy mình với thằng Diệp đang vè vè quanh nó. Lạ quá lạ quá!
 Lạ nhất là bọ thằng Trọc, ông cũng như mù như điếc, cứ thản nhiên ăn cơm, mặc kệ mình với thằng Diệp đang xấn xổ bên con ông. Nếu ông trừng mắt lên, nói chuyện chi thì tụi mình sẽ kể đầu đuôi cho ông nghe, đằng này không, ông nhìn hai thằng mình như nhìn hai con ruồi vậy.  Ông ăn xong phủi đít quần vào buồng ngủ. Thằng trọc cũng phủi đít quần vào buồng ngủ với ông. Mình và thằng Diệp đứng trơ giữa nhà, hai thằng hò hét một lúc mỏi mồm rồi lủi thủi bỏ về.
Mình bàn với thằng Diệp, nói để mai tao lên báo cáo thầy hiệu trưởng. Thằng Diệp cười nhạt, nói è he, không ăn thua chi mô, để hắn đó tao trị cho.  Rồi thằng Diệp rủ mình  phục ngay cổng trường, đè cổ thằng Trọc ra lấy cái thắt lưng. Thằng Trọc chống cự rất dữ chửi cũng rất dữ, cứ như tụi mình ăn cướp cái thắt lưng của nó không bằng. Khi cái thắt lưng được tháo ra thằng Trọc khóc rú lên chạy ù vào phòng giám hiệu khóc lóc tùm lum với thầy Khuông.
 May thầy Khuông không phải con nít, mười phút sau thầy đã làm cho cu Trọc đuối lý, nó thừa nhận cái thắt lưng của mình, nó chỉ mượn đeo chơi thôi.  Vui nhất là nó nói bạn Lập hứa cho em mượn một tháng, chưa được một ngày đã đòi lại. Mình với thằng Diệp tức nhưng chẳng biết nói sao, chỉ nhao nhao lên, nói ê ê nói láo… nói láo!
 Thằng Trọc ra khỏi phòng giám hiệu mặt vác lên trời, nó nhìn mình cười cười, nói tao cho mi mượn tạm cái nịt đó nha, mai mốt tao đòi lại. Mình trương gân cổ lên, nói đòi cu tao… nịt tao chứ nịt mi à. Nó cười nói như không, nói nịt tao chớ, thầy hiệu trưởng nói rồi. Sôi máu lên mình lao vào tính sống mái với nó. Thằng Diệp ngăn lại, nói mi để thằng Trọc tao trị cho, không cần nghe nó nói thối tai.
Vừa vào lớp, tụi nó xúm lại hỏi răng rứa răng rứa. Mình không buồn kể ngồi yên. Thằng Trọc cười tươi, nói có chi mô, thằng Lập đòi mua cái nịt của tao, tao không bán, nó rủ thằng Diệp đập tao. Thầy hiệu trưởng xử huề, bảo tao cho nó mượn một tháng. Mình lại điên lên xông vào cấu chí nó, nói cha tổ mi đồ nói láo. Thằng Trọc  vẫn bình tĩnh ngồi yên cười rất tươi, như là chân lý thuộc về nó rồi không phải bàn cãi. Tức thế chứ.
Thuở bé đến giờ mình mới hiểu thế nào là sự trơ. Chẳng ngờ nửa thế kỉ sau lại gặp lại cái sự trơ ấy, vẫn là thằng cu Trọc không ai khác, chuyện này kể sau.
Kỳ sau: Thi sĩ Lưu Ly và thơ Hữu Thỉnh
NQL





Vài câu hỏi gửi ông Thiếu tướng Ts Nguyễn Xuân Mười


hiếu tướng Nguyễn Xuân Mười – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dânThưa ông Nguyễn Xuân Mười
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Mười – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Cand
Đọc trên tờ Công an Nhân dân bài viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội phải là nguyên tắc hiến định” mới thấy buồn cho trình độ của ông Tiến sĩ mang lon Thiếu tướng của “nhà nước ta”. Định bỏ đi, đọc vào thêm rác tai, những bài viết kiểu bịt tai và trùm chăn gào lấy được này thì nhan nhản trên báo chí giai đoạn qua, chẳng qua là vì chức tước, quyền lợi mà bán rẻ tri thức và lương tâm. Nhưng đã mất công đọc thì không thể không có vài lời với ông Nguyễn Xuân Mười, đành mất đi buổi tán gẫu về chân dài, về mại dâm, về tai nạn giao thông vậy. Dù tôi chẳng có cái mác Tiến sĩ, cũng không biết quân hàm Thiếu tướng là cái gì.
Thưa ông Nguyễn Xuân Mười
Chưa cần nói đến việc hơn 80 năm qua, đảng đã đưa đất nước ta vốn là một nước được chính HồChí Minh miêu tả: “Nước ta ở vào xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu. Nhân dân dũng cảm và cần kiệm, các nước anh em giúp đỡ nhiều” nay đã đi đến đâu. Chỉ cần nói đến lịch sử đất nuớc ta luôn tự hào là có 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, vậy mà ngay câu đầu tiên trong bài viết, ông chỉ cắt một đoạn ngắn có “hơn 80 năm qua” để khẳng định cho cái mà ông gọi là “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử, là nguyên nhân thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam”. Vậy thì với 4000 – 83 năm kia, cả đất nước này, dân tộc này  tiến hành hàng loạt cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước thắng lợi mà không có cái  Đảng cộng sản của ông, thì khi đó đảng cộng sản có “là tất yếu lịch sử, là nguyên nhân thắng lợi” hay không? Những năm dài lịch sử kia, cha ông ta dựng nước, giữ nước có phải là sự nghiệp cách mạng không? Nếu không phải thì có nhất thiết phải cần có cái “sự nghiệp cách mạng” để đưa đất nước đến nông nỗi ngày hôm nay không?
 Ông viết: “…Hiến pháp và pháp luật nước ta chính là sự thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; thực chất của việc tuân thủ nghiêm minh Hiến pháp, pháp luật chính là sự thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng trong mọi hoạt động của Nhà nước, trong đời sống xã hội và như vậy mới bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Nếu “Hiến pháp và pháp luật nước ta là sự thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, chủ trương của đảng”thì cần quái gì phải sinh ra Hiến Pháp để làm gì? Chỉ cần phố biến cái Cương lĩnh, đường lối của Đảng và những quy định để thực hiện cương lĩnh đó là xong. Dù cương lĩnh đó có đưa cả nước đi vào cơn hoang tưởng “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc lên Chủ Nghĩa xã hội” hoặc có đưa cả nước đi theo “16 chữ vàng, 4 tốt” thì cũng mặc kệ đời và mặc kệ đất nước. Để thực hiện đường lối của Đảng Cộng sản thì đã có muôn vàn văn bản, nào là Nghị Quyết Đại hội Đảng, rồi đề cương, truyên truyền, vận động, chủ trương, nội chính, kinh tế, đối ngoại, nội vụ… đủ các loại ban bệ. Mỗi ban bệ hàng hà sa số người ăn lương của dân sản sinh ra hàng đống văn bản, nghị quyết, công văn… việc quái gì phải sinh ra cái Quốc hội mang tiếng “của dân, do dân, vì dân” kia làm gì cho cách rách.
Đã là chỉ để thể chế hóa cương lĩnh đường lối của Đảng, thì cần gì một đám nghị sĩ quốc hội hàng năm cũng họp hành, cũng đủ thứ biểu diễn cho tốn tiền tốn cơm nhân dân? Hàng năm hai ba Hội nghị của Đảng tiêu tiền dân chưa đủ hết sao lại còn bày ra Quốc hội? Đại hội Đảng còn bí mật giữ như từ giữ oản, còn đã là Quốc Hội thì phải có màn trình diễn “công khai, chất vấn…” Để rồi ông nghị này chửi ông nghị kia một cách thiếu văn hóa như phường hàng tôm hàng cá ngoài chợ cho người dân tím cả mặt vì mang oan trên danh nghĩa là ông ta đang “đại diện” cho mình? Để rồi nhỡ vô tình có những đại biểu của dân lỡ miệng tiết lộ bí mật quốc gia về trình độ của các ông nghị Việt Nam như “Nghị rau muống, nghị Luật nhà thơ, nghị Lăng Tần”… thì có phải muối mặt sĩ diện quốc gia ra không?
Dù rằng ai cũng biết cái gọi là Quốc Hội mà trong đó đảng viên chiếm tới cỡ 90% thì con số này là rõ ràng là “một bộ phận không nhỏ” – nói theo cách của lãnh đạo hay dùng để chỉ đảng viên, quan chức tham nhũng trong đảng – nên Quốc Hội cũng chỉ là công cụ của Đảng. Nhưng nói huỵch toẹt ra rằng nào là Hiến Pháp hay Pháp luật, hay gì gì đi nữa thì cũng chỉ là để “thể chế hóa cương lĩnh của Đảng” và nhằm để “bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng” thì quả là ông có hàm cấp tướng nên dám mạnh miệng. Ông đã không chừa nốt cái lá nho còn lại cho Đảng đang hô hào xây dựng “Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa” và hàng loạt câu khẩu hiệu nhan nhản “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp Luật” đã bị ông bóc mẽ là có thể thay tất cả bằng “Sống, làm việc theo cương lĩnh và chủ trương của Đảng” cho nó gọn.
Nếu chỉ để thực hiện chủ trương đường lối của Đảng thì chẳng cần bày vẽ ra nào là Quốc Hội, Hiến pháp, Hội đồng nhân dân, Mặt trận với văn bản nọ, nghị quyết kia, luật này luật khác làm gì cho rách việc… Chẳng hạn đường lối kinh tế như làm Boxit Tây Nguyên, Cảng Dung Quất v.v… được đơn giản hóa bằng câu nói “Đó là chủ trương lớn của Đảng, phản đối vẫn làm” thế là xong. Mặc dù kết quả là mỗi năm, dân ta è cổ bù lỗ vài trăm triệu đôla cũng có sao. Nhân dân cứ cắn răng mà chịu, bấm bụng mà lo trả nợ cho “Chủ trương lớn của Đảng” chứ ai dám hé răng nếu không muốn vào nhà đá.
Tuy nhiên, đọc hết câu thì cũng hiểu được điều ông muốn nói, tất cả những điều ông đưa ra để lý luận cùn như trên bất chấp mọi thứ chỉ vì “như vậy mới bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”. Thưa ông, ông nói với mấy cái ông đảng viên cộng sản của ông thì được, có thể họ cũng cùng duộc với ông, cố bám lấy những luận điệu đó nhằm bào chữa cho việc bám trụ chiếc ghế trên đầu trên cổ thiên hạ vì lợi ích cá nhân, phe nhóm của ông. Còn chúng tôi thì không, cả thế giới này chắc cũng không nốt. Cái cách bóp méo khái niệm về Hiến Pháp, dùng làm công cụ của Đảng chỉ để nhằm “giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng” tức là bất chấp tất cả, miễn giữ được cái ghế của mình thì ai cũng hiểu, không cần nói nhiều thêm buồn cười. Phải chăng đây mới chứng minh được lời bà Doan “Nước ta có nền dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản” là ở đây?
Ông nên nhớ rằng đó là cách nghĩ của riêng ông và là cách nghĩ quái gở, còn cái định nghĩa chung về Hiến pháp mà cả thế giới thừa nhận thì đó là: “Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một Nhà nuớc,nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng tồn tại ở trong hoặc ngoài nhà nước đó,nhưng vẫn là dân thuộc về nhà nước đó”. Ý chí và nguyện vọng của “Tuyệt đại đa số dân chúng” chứ không phải chỉ của mấy đảng viên nhà ông, thưa ông Mười.
Đọc đến câu văn sau nghe vừa lủng củng, khiên cưỡng, cố tình nói lấy được “Nội dung Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng qua việc xác định tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…” Nó lủng củng ở chỗ: Đã là “của cả dân tộc” lại còn tách giai cấp công nhân, nhân dân lao động ra thành một vế khác. Nghĩa là công nhân và nhân dân lao động không thuộc vào dân tộc này mà chỉ là giai cấp riêng của Đảng? Còn cái vế “trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” hay không thì chẳng cần nhìn, chỉ nghe cũng đủ biết. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đang là những con lừa, càng ngày càng chở nặng gánh nợ quốc gia sau những chủ trương lớn của Đảng, ngày càng bị bần cùng hóa, bị bóc lột bởi chính bọn tư bản giãy chết nước ngoài ngay trên quê hương mình. Một phần đất nước đang dưới gót giày quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh là người bạn lớn của Đảng với phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt. Nguy cơ mất nước đang hiển hiện trong khi lãnh đạo đảng và nhà nước lo cùng bạn vàng “đi lên chủ nghĩa xã hội”. Ông có thấy không thưa ông?
Nực cười ở chỗ ông viết tiếp như sau: “Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như trên đã nói, với 4000-83 năm còn lại không có đảng CS, thì ai là người lãnh duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam? Hay ngay cả Quang Trung, Lê Lợi hoặc cả 18 đời vua Hùng kia cũng thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam? Hay ông lại đánh tráo khái niệm khi dùng từ “cách mạng nước ta” để chỉ nói về giai đoạn 83 năm ấy?
Thưa ông Tiến sĩ, theo định nghĩa Tiếng Việt, thì “Cách mạng là xóa bỏ cái cũ và thay thế cái mới tiến bộ hơn, là một thay đổi sâu sắc, thường là xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn. Hoặc là“cuộc biến đổi xã hội – chính trị lớn và căn bản, thực hiện bằng việc lật đổ một chế độ xã hội lỗi thời, lập nên một chế độ xã hội mới, tiến bộ” (Theo Wikipedia và Từ Điển Tiếng Việt). Vậy trong lịch sử nước ta đã có bao cuộc Cách mạng đã xảy ra. Chỉ cần đọc lại vài dòng lịch sử đất nước như sau:
“Năm 542, Lý Bí khởi nghĩa thành công, giành lại đuợc độc lập từ tay nhà Lương, xưng là Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân với mong muốn đất nước mãi mãi trường tồn. Năm 905, Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa giành được chính quyền. Nhà Đường công nhận chính quyền tự chủ của ông.
Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ cướp quyền lãnh đạo. Ngô Quyền là con rể Dương Đình Nghệ khởi binh trừng phạt. Kiều Công Tiễn cầu cứu nước Nam Hán. Năm 938, quân Nam Hán do thái tử Hoằng Tháo kéo sang nước ta theo đường thủy định phối hợp với Kiều Công Tiễn đánh bại Ngô Quyền. Nhưng Hoằng Tháo chưa đến nơi thì Ngô Quyền đã diệt được Kiều Công Tiễn và bố trí trận địa chờ sẵn. Khi quân Nam Hán lọt vào trận địa mai phục của Ngô Quyền ở cửa sông Bạch Đằng thì bị đánh cho tan tác. Hoằng Tháo chết trận, quân Nam Hán tháo chạy về nước. Vua Nam Hán bỏ mộng xâm lược.
Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, dựng kinh đô tại Cổ Loa. Mở ra thời kỳ độc lập tự chủ hòan toàn cho nước ta sau hơn 1000 năm bị đô hộ bởi phong kiến phương bắc”.
Chỉ có một giai đoạn đó thôi, thì đất nước ta đã có bao lần “cách mạng” bởi đúng nghĩa là sau mỗi cuộc cách mạng nhanh chóng đó, đã lập nên những nhà nước tiến bộ hơn trước. Đâu có phải chỉ khi nào “đảng của giai cấp tự nhận là vô sản” nhưng sở hữu hàng đống tài sản lãnh đạo thì mới được gọi là “cách mạng”.  Vậy thì đó có phải là những cuộc cách mạng trong lịch sử nước ta? Hay theo trình độ của ông thì chỉ có cách mạng kể từ khi có Đảng CS? Hay ông lại cho rằng ngay cả những cuộc cách mạng trước đây từ thế kỷ thứ 10, thứ 11 đều “chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Bản chất gian dối tranh công, đổ lỗi vẫn thường thấy ở Việt Nam nhưng chẳng lẽ ở đây cũng xảy ra chuyện này?
Còn nếu ông chỉ lấy cái đoạn 83 /4000 năm lịch sử để cố chứng minh điều ông nói, thì quả là buồn cười hơn trẻ con. Với một chế độ cộng sản độc đảng, độc trị mà nghe nói rằng “Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội” thì quả là không khác gì khi bác sĩ dốt mổ cho bệnh nhân chết nhăn răng, để chạy tội thì bệnh viện báo cáo “Thực tiễn việc điều trị của bệnh nhân đã chứng minh rằng bác sĩ này là người duy nhất mổ cho bệnh nhân trong bệnh viện” mà không nói rằng: Cuối cùng thì bệnh nhân đã chết.
Thưa ông Nguyễn Xuân Mười, tiến sĩ, thiếu tướng.
Đọc bài viết của ông, mới thấy sự đau đớn cho nền giáo dục Việt Nam, mới thấy khá lo ngại cho hàng tướng lĩnh Việt Nam. Một Tiến sĩ mà chỉ duy nhất viết được những điều con vẹt có thể làm tốt hơn, một người mang lon Thiếu tướng mà chỉ có một tư duy là cố bằng mọi cách giữ lấy sự độc quyền, độc trị để bảo vệ lợi ích phe nhóm.
Thì thử hỏi xã hội sao không đến chỗ suy đồi và vận nước sao không đến chỗ nguy cấp.
Kỷ niệm 34 năm Ngày quân Bành trướng Trung cộng xâm lược phải ôm đầu máu rút chạy về bên kia biên giới.
Hà Nội, ngày 5/3/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét