Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Góp Nhặt . . . Suy . . . Gẩm . . .




Nga: những tin tức hợp tác với Việt Nam

Новости сотрудничества с Вьетнамом 

Новости сотрудничества с Вьетнамом


Nguồn: topwar.ru

Kichbu posted on 09.03.2013

Vào ngay đầu tuần này,  phái đoàn của bộ quốc phòng Nga do bộ trưởng Sergei Shoigu dẫn đầu đã đến thăm Việt Nam. Trong các cuộc đàm phán đã thảo luận một số vấn đề hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa hai nước, và ngoài ra, bộ trưởng đã thông báo một số tin tức thú vị. Từ lời nói của ông thấy rằng sự hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Nga và Việt Nam trong tương lai không chỉ sẽ không dừng lại, mà còn sẽ tăng lên. Các phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Việt Nam hoàn toàn xác nhận việc tiếp tục hợp tác cùng có lợi.

Người đứng đầu bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói rằng sự hợp tác tiếp tục, và đất nước của ông từ này về sau sẽ tiếp tục mua vũ khí và thiết bị quân sự của Nga. Đồng thời mối quan hệ hai bên cùng có lợi sẽ không giới hạn chỉ cung cấp vũ khí. Một trong những vấn đề được thảo luận trong các cuộc đàm phán là đào tạo quân nhân Việt Nam trong các trường học Nga. Có lẽ ở Nga sẽ đào tạo không chỉ các sĩ quan, mà còn các tướng lĩnh của lực lượng vũ trang Việt Nam. Dự kiến rằng điều này sẽ góp phần quan trọng nâng cao trong thấy kỹ năng của họ, và cuối cùng, tác động tích cực đến tình trạng của toàn bộ quân đội Việt Nam.

Về các thiết bị quân sự mới, thì trong lĩnh vực này, ưu tiên cao nhất đối với Việt Nam hiện nay là xây dựng và phát triển hạm đội tàu ngầm hoàn chỉnh. Khoảng ba năm trước, lãnh đạo của các bộ quốc phòng Nga và Việt Nam đã đi đến một thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực này. Các chuyên gia Nga cần xây dựng ở Việt Nam các căn cứ tàu ngầm. Việc xây dựng này cũng như lắp ráp các tàu ngầm mới sẽ nhờ khoản tín dụng của Nga. Không lâu trước khi công bố các kế hoạch xây dựng các căn cứ, Nga và Việt Nam đã ký một hợp đồng cung cấp sáu tàu ngầm điện-diesel project 636 "Varshavyanka". Sắp đến chính chúng sẽ trở thành hạt nhân của hạm đội tàu ngầm Việt Nam.


 Новости сотрудничества с Вьетнамом


Tàu ngầm đầu tiên trong số đó, được gọi là "Hà Nội", vào tháng Mười Hai năm ngoái đã chạy thử nghiệm. Nếu không có bất kỳ những vấn đề khó khăn nào, thì bên đặt hàng sẽ tiếp nhận nó vào đầu mùa thu năm nay. Tàu ngầm cuối cùng trong số các tàu ngầm "Varshavyanka" đã được đặt hàng sẽ đi vào hoạt động  vào năm 2018-19. Cho đến nay, Việt Nam không có tàu ngầm và bây giờ với con tàu mới  lớp này sẽ có thể nâng cao rõ rệt tiềm năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang của mình. Trong bối cảnh của xu hướng gần đây của lực lượng vũ trang các nước Đông Nam-Á các tàu ngầm mới chắc chắn sẽ không thừa.

Còn một vấn đề hợp tác quốc tế liên quan đến các căn cứ hải quân, gần như đã được giải quyết và trong tương lai gần sẽ được khẳng định bởi hợp đồng. Trong năm nay, bộ quốc phòng của Nga và Việt Nam có ý định ký thỏa thuận, theo đó các tàu chiến của Nga sẽ ghé cảng Việt Nam  tiếp nhiên liệu, bổ sung lương thực và v.v … Do đó, các cảng của Việt Nam sẽ thực hiện một loạt chức năng chủ yếu đảm bảo hậu cần. Nhắc lại, trước đây, trong một vài thập kỷ, căn cứ như vậy đã hoạt động tại Cam Ranh, nhưng sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, nó bị suy giảm, và vào đầu những năm của thế kỷ XX, đã bị đóng cửa hoàn toàn. Cùng với cơ sở hậu cần của hải quân, Nga bị mất cả căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài. Bây giờ những điều kiện trước đây, rõ ràng, sẽ dần dần được phục hồi. Liệu trong vài năm tới tại Việt Nam sẽ xuất hiện một căn cứ quân sự hoàn chỉnh của Nga, nhưng các thủy thủ của chúng ta trong mong vào sự hỗ trợ hậu cần này.

Điều đáng chú ý, rằng ngay cả khi thiếu cơ sở của một căn cứ quân sự mới, người Nga sẽ có thể đến thăm Việt Nam. Trong những năm gần đây, bộ quốc phòng Việt Nam thường xuyên tổ chức các tour du lịch cho các cựu chiến binh Nga của chiến tranh Việt Nam. Như bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh nói, bằng điều đó đất nước của ông thể hiện lòng biết ơn và cám ơn sự giúp đỡ của họ, và ngoài ra cho thấy sinh động rằng những nỗ lực của các cựu cố vấn và các chuyên gia quân sự của Nga đã mang lại điều gì.


 Новости сотрудничества с Вьетнамом

Không khó khăn để nhận thấy rằng hầu hết những tin tức về sự hợp tác Việt-Nga liên quan đến Hải quân. Trong những năm gần đây, các nước đã cùng nhau tích cực hoạt động theo phương hướng này và đã đạt được những thành công nhất định. Chẳng hạn,  trong năm 2011, hai tàu tuần tiễu đầu tiên dự án 11.661 đã được bổ sung vào biên chế của Hải quân Việt Nam. Theo các thông tin hiện có, chỉ vài tháng sau khi đưa vào vận hành chiếc thứ hai trong số đó, bộ quốc phòng Việt Nam thể hiện mong muốn mạnh mẽ mua thêm chiếc hai tàu như vậy. Năm ngoái, Hải quân đã được bổ sung hai tàu tuần tiễu dự án TT400TP, được xây dựng tại Việt Nam với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia Nga. Sắp đến, có thể, sẽ chế tạo thêm một số tàu chiến như thế.


Nhìn chung, tất cả các tin tức mới nhất từ ​​Việt Nam khẳng định rằng sự hợp tác với đất nước này là một trong những khuynh hướng ưu tiên hàng đầu đối với Nga. Trong suốt nửa thế kỷ, Việt Nam là đồng minh có lợi cho Liên Xô và Nga, và, chắc chắn, sẽ vẫn như vậy trong tương lai.









Bài liên quan:



Thư kính gửi Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt Nam


733763_10151435788603808_1867610347_nKính thưa Ông
Tôi là một công dân Việt Nam, không phải là Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam xin phép xưng hô với Ông theo quan hệ xã hội vì Bố tôi đã 93  tuổi, Ông thuộc thế hệ anh chị của tôi, nhưng xưng em với Chủ tịch nước thì có lẽ không bình thường. Vậy xin được phép xưng gọi Ông-Tôi.
Tôi xin thưa với Ông hai việc, đó là việc thứ nhất khi có rất nhiều Tướng lĩnh Quân đội và thành viên Chính phủ đang thực hiện buộc Quân Đội Nhân Dân Việt Nam phải trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông cũng là Đảng viên, nghe qua chắc cũng khoái như vậy lắm, nhưng Tôi xin Ông hãy suy nghĩ lại vấn đề này. Đây là một tư tưởng rất nguy hiểm cho Tổ Quốc và dân tộc Việt Nam  khi buộc Quân Đội phải trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trước hết, cho tôi chia sẻ về khái niệm “Trung thành” .
Trước kia, trong xã hội phong kiến, người ta phải “trung thành” với Vua, Vua bảo chết thì phải chết để tỏ ra trung thành. “Quân xử Thần tử, Thần bất tử bất trung”.
Bây giờ, trong xã hội dân chủ văn minh, mọi người  phải “trung thành” với Tổ Quốc, Tổ Quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, Tổ Quốc kêu gọi, mọi người sẵn sàng hy sinh để bày tỏ sự trung  thành. Phản Quốc là tội lớn nhất.
 Như vậy, “trung thành” là một đặc tính của ai đó chỉ dành cho một chủ thể thiêng liêng, bất khả xâm phạm trong một Quốc Gia. Trong xã hội phong kiến thì chủ thể đó là Vua, chủ thể đứng trên thiên hạ. Trong xã hội dân chủ văn minh thì chủ thể đó là Tổ Quốc và nhân dân trung thành với Tổ Quốc.
 Về đời thường, Quân Đội phải trung với nước, hiếu với dân, nhưng  khi nghe các tướng, tá sĩ quan cao cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam bằng mọi cách chứng tỏ Quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, có nghĩa là Quân Đội phải sống chết với Đảng và phải là Đội quân của Đảng Cộng Sản. Tôi rất bất an về sự nhu nhược của các sỹ quan, tướng lĩnh này. Họ dùng lối lập luận  Đảng CSVN không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ Quốc, phụng sự nhân dân nên Quân Đội trung thành tuyệt đối với Đảng CSV thì cũng là trung thành và phụng sự Tổ Quốc, nhân dân. Tôi cho rằng lối lập luận này không ổn. Bởi vì lập luận theo kiểu ủy thác gián tiếp sẽ thành tam sao thất bản và mất gốc một cách khó chấp nhận.
 Ông sẽ hình dung thế nào khi họ đem từ “trung thành” dùng vô tội vạ theo ví dụ sau: buộc  C trung thành  D, D trung thành với B, B trung thành với A thì suy ra C trung thành với A.
 Chắc Ông không thể kết luận giống như họ.
Vậy mà Chủ nhiệm chính trị học viện Quốcphòng Thiếu tướng Mạch Quang Lợi, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ươngPGS-TS Nguyễn Viết Thông và hàng bao nhiêu người khác cứ bám theo kiểu lập luận đó. Không những vậy sự lạm dụng từ “trung thành” còn tràn lan trong các văn bản như:  Quân Đội trung thành với Đảng, Đảng là Đại biểu trung thành với giai cấp Công nhân, nhân dân lao động. Giai cấp công nhân, nông dân, nhân dân lao động trung thành với Tổ Quốc. Tai hại hơn về mặt lý luận thì việc buộc Quân Đội phải trung thành với đầy tớ của nhân dân, hay đầy tớ mà cứ bắt ai đó phải trung thành cũng là một việc hoàn toàn bất ổn.
 Trong khi đó, nhân dân trung thành với Tổ Quốc, nhân dân nuôi dưỡng và có quyền bắt buộc Quân Đội phải trung thành tuyệt đối với Tổ Quốc là một việc hoàn toàn phải đạo trời, nghĩa đất. Quân Đội nhân dân là Quân Đội của toàn dân chứ không phải là Đội quân của Đảng Cộng Sản Việt Nam. ChỈ có nhân dân và Tổ Quốc mới đủ quyền hạn đòi hỏi sự trung thành của Quân Đội như việc bắt Quân Đội phải hy sinh vì Tổ Quốc và Quân Đội phải sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Trong khi đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể tước quyền của nhân dân và Tổ Quốc để buộc Quân Đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng để phòng khi Đảng cần, Đảng bảo chết thì Quân Đội cũng phải chết . Đó là một tư tưởng phi lý và nguy hiểm.
Thưa Ông
Như Ông đã biết, trong Đảng Cộng Sản Việt Nam không phải chỉ có những thành phần thoái hóa, biến chất mà chúng không còn là người mà là những con sâu bọ. Ông cũng biết hiện tại trong Đảng Cộng Sản Việt Nam các “nhóm lợi ích” đang hiện hữu và sẵn sàng loại bỏ nhau. Tham nhũng tràn lan, đạo đức suy đồi đã tạo thành một lũ giặc chính trong Đảng Cộng Sản. Khó mà tin rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam không có lúc chia rẽ và lâm chung. Nếu Quân Đội Nhân dân Việt Nam thành một Đội quân phải tuyệt đối trung thành với Đảng CS thì lúc đó chắc phải chung cảnh lâm chung. Vậy trước tham vọng thường trực của láng giềng khổng lồ Trung Quốc, Tổ Quốc Việt Nam sẽ sao đây, có còn tồn tại nữa hay không khi có một Đội quân duy nhất đã lâm chung với Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tôi viết đến đây, có thể Ông lại cho rằng không có bao giờ như vậy đâu. Nhưng Ông lấy gì để chứng minh và đảm bảo ? Nếu xảy ra thì sao ? Ông chắc lại không dám bảo đảm cho điều đó không xảy ra vì ông cũng đâu có biết đâu thịnh, suy thời vận của chúng.  Nếu chúng ( giặc nội xâm)  thịnh thì Đội quân tuyệt đối trung thành với chúng sẽ thành ác quỷ với dân tộc, nếu chúng suy thì dễ gì mà biết  chúng ngấm ngầm làm gì với vũ khí trong tay. Chẳng lẽ khi Đảng suy thì cũng buộc kẻ tuyệt đối trung thành phải nã đạn tắm máu nhân dân khi Đảng hết thời? Ông sẽ nghĩ gì khi Đảng Cộng Sản Việt Nam lúc nào đó suy đồi và Đội quân tuyệt đối trung thành lại tắm máu nhân dân?
Tôi có đọc một bài báo trên Tạp chí Cộng Sản ngày 1-3-2013 mà tôi hiểu rằng bài đó hợp với chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bài đó muốn nói rằng : Khi chế độ cũ đã hết thời thì Quân Đội phải tắm máu nhân dân để không cho chế độ mới ra đời.
 Như vậy là ác với nhân dân quá, Ông ạ.
Tôi hiểu ngày nay, chế độ phong kiến đã được chính nhân dân xóa bỏ, người dân là chủ nhân của đất nước và chẳng ai dám bắt người dân phải trung thành với họ mà chỉ có Tổ quốc Việt Nam mới là chủ thể xứng đáng để người dân tự nguyện trung thành. Như vậy, Tổ Quốc Việt Nam cần người dân hoặc người lính phải chết để Tổ Quốc tồn tại trường kỳ thì những người đó vẫn sẵn sàng chết và được Tổ Quốc ghi công.  Nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn trường tồn mà buộc ai đó phải chết thì sẽ không hợp lý, thậm chí đó là hành vi tội phạm có tổ chức và bị nghiêm trị.  Nhân tiện, Tôi xin kể với Ông rằng mấy năm về trước, Tôi có hân hạnh được đi biểu tình cùng những người yêu nước chống các hành vi gây hấn và xâm lược của Trung Quốc. Tôi cùng mọi người trước khi chia tay, đã tập trung tại tượng đài “ Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh”.Tôi rất tự hào vì Tổ Quốc Việt Nam có hằng hà sa số những chiến sĩ cảm tử (Cố Hoàng Minh Chính,Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam cũng là một chiến sĩ cảm tử, nhưng đánh xong mà vẫn sống và qua câu chuyện mà Cố Hoàng Minh Chính kể lại thì những chiến sĩ cảm tử cho Tổ Quốc, họ được làm lễ truy điệu trước khi đánh trận đa số không phải là Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam). Họ đã làm tấm gương cho sự trung thành với Tổ Quốc ( chứ không phải cảm tử vì trung thành tuyệt đối với Đảng CSVN). Đa số họ ra đi mà không trở về và họ hãnh diện nơi chín suối vì họ đã thể hiện lòng trung tình với Tổ Quốc, hy sinh vì Tổ Quốc. Không có lý do gì để hạ thấp sự hy sinh của họ vì họ đã trung thành tuyệt đối với Tổ Quốc chứ không phải hoặc chưa từng trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam.
 Viết đến đây, Tôi tin chắc rằng Ông không thể có ý tưởng phá các bia “Tổ Quốc ghi công” ở các nghĩa trang để Đảng Cộng Sản Việt Nam tự coi mình cần hơn Tổ Quốc, cao hơn Tổ Quốc để kẻ nào đó ghi lại bia “Tổ Quốc ghi công” thành  “Đảng Cộng sản Việt Nam ghi công” tại các nghĩa trang liệt sĩ với quyền hạn tự cho là tối cao của mình.
Tôi đã và đang sống ở Nga hơn 20 năm, tôi đã tiếp xúc với nhiều  người ở Nga, trong số đó có cảnh sát, an ninh, binh lính thì họ cũng cho tôi thấy ở Nga, phản bội Tổ Quốc là tội nặng nhất, với Tổng Thống thì bị truất phế, với binh lính sĩ quan thì có thể phải chết bất đắc kỳ tử. Qua đó, Tôi cũng xin Ông hiểu lại cho khi dùng chữ “trung thành”, sự trung thành hoặc tuyệt đối trung thành có nghĩa là không cho phép phản bội, sự sống của người trung thành nằm trong chủ ý của bề chủ. Theo quy định thì Ông đang giữ cương vị Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhưng tôi cũng mong Ông đừng bắt Quân Đội hay ai đó phải trung thành với Ông mà chỉ bắt họ chỉ phải tuyệt đối tuân mệnh lệnh cụ thể nào đó của Ông trong một tình huống cụ thể. Thực ra quan hệ giữa người với người thì không nên buộc nhau phải tuyệt đối trung thành trong xã hội văn minh.
  Quân Đội nhân dân Việt Nam không thể thành một đội quân trung thành với một Tổ chức và mong Ông với cương vị của mình đừng cho ai hạ thấp vai trò của Quân Đội. Tôi cũng thử tìm trong luật định để mong ông cách chức toàn bộ sĩ quan cao  cấp và tướng lĩnh muốn hạ Quân Đội Nhân dân Việt Nam trung thành tuyệt đối với Tổ Quốc xuống thành  Đội quân trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng không thấy quyền hạn này của Ông vì Ông chỉ có quyền phong hàm cho họ chứ không có quyền hạn tước hàm hoặc cách chức họ và không tìm ra quy định cách chức cấp tướng, sỹ quan cao cấp. Với bằng chứng suy thoái tư tưởng của tướng, sỹ quan cao cấp như hiện nay thì chắc chỉ có đề nghị bãi chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng là hợp lý vì cấp dưới của ông ta đã bị suy thoái tư tưởng trầm trọng.
Theo ý kiến của tôi trong việc này, khi trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đang có những sai lầm nghiêm trọng do các nhóm lợi ích cai trị tạo ra, Đảng Cộng Sản Việt Nam không còn đủ tư cách là đại biểu trung thành của giai cấp Công Nhân, nhân dân lao động nữa vì tôi cũng tâm đắc với lời nhận xét của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: “công nhân, người lao động Việt Nam được bóc lột đến mức tối đa, không thể bóc lột hơn được nữa” thì đau lòng lắm, bất công lắm. Nếu buộc Quân Đội chỉ tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam thì sẽ có thể đại họa ác đến với dân.
 Ông nên sử dụng quyền hạn có thể của mình của mình để có thể dẹp sự giả dối của Đảng Cộng Sản, đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội cho Đảng Cộng Sản Việt Nam chấn chỉnh, thành lập lại theo quy định của pháp luật (sẽ ban hành sau khi Hiến Pháp 2013 công bố).
Và việc thứ hai khi Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp gia hạn việc lấy ý kiến nhân dân.
Tôi cho rằng việc gia hạn là cần thiết, nhưng cách phát “Phiếu xin ý kiến” đến từng nhà trong khi các đài báo Đảng cứ ra rả các tư tưởng, lập luận một chiều thì kết quả sẽ tồi tệ hơn, đó là chưa kể những nhóm đưa, gom Phiếu xin góp ý kiến nhắc hộ theo ý của mình được nhồi nhét bởi “Hội đồng lý luận Trung ương”. Trong lúc này, những ý kiến, kiến nghị tâm huyết của các khối, nhóm trí thức cũng cần được phổ biến để toàn dân tham khảo. Tôi mong Ông hãy tin vào người dân, họ đã đủ lý trí để tiếp nhận và xử lý thông tin, kiến thức. Thật là bất công khi những thông tin, kiến thức của nhiều nhà trí thức, nhiều nhóm trí thức có tâm huyết với nhân dân chỉ ở trên Internet phải hàng ngày hàng giờ lưu giữ những kiến thức, góp ý bổ ích cho khoảng vài ngàn người truy cập biết đến thì Đảng Cộng Sản Việt Nam lại sử dụng mọi phương tiện truyền thông từ loa thôn, đài tỉnh, phát thanh, truyền hình toàn quốc đến từng ngang cùng ngõ hẻm của gần 90 triệu dân  với những tư duy áp đặt và kiến thức phản khoa học.
 Trong việc này, cần phải minh bạch và công bằng. Đó là việc tạo mọi điều kiện để các kiến thức thông tin đa dạng được phổ biến đến từng người dân. Các nhân sĩ, trí thức được sử dụng các phương tiện truyền thông của Nhà nước để đem kiến thức về Hiến pháp cho mọi người và khi mọi người dân đã hiểu thấu thì lúc đó sẽ tổ chức thu gom Phiếu góp ý kiến ( tôi phản đối lối dùng chữ “Phiếu xin góp ý kiến” trong Công văn số 250/UBDTSDHP vì Phiếu này phát cho người dân là chủ thể, người dân muốn góp ý thì ghi góp ý đó vào chứ không phải xin xỏ gì trong phiếu này. Không nên hạ thấp tư cách của người dân trong lá phiếu này). Việc gom Phiếu góp ý kiến cần phải tổ chức thống nhất, công khai, minh bạch như một cuộc bầu cử: Lập ra ban thu gom, kiểm phiếu, bảo quản phiếu, nghiên cứu tổng hợp phiếu, công bố kết quả tổng hợp.
 Như vậy tuy gia hạn, nhưng phải  có chương trình thực hiện hợp lý chứ không như theo cách đã đưa ra trong công văn 250/UBDTSDHP.
 Tôi đã hỏi nhiều người và tôi có nhận xét rằng trong gần 2 tháng qua, nhiều nơi có đến 99% dân chẳng hề đọc bản dự thảo và cũng chẳng muốn góp ý kiến gì  cũng chỉ vì biết gì đâu mà góp mà góp thì cũng không hy vọng. Với kiểu này, Hiến Pháp sẽ ghi những ý chí của nhóm nào đó chứ không phải là ý chí và nguyện vọng của đại đa số toàn dân Việt Nam.
Đó là điều tồi tệ nhất mà có lẽ Tôi cần phải nói với Ông. Tôi hy vọng Ông là người sẽ Công bố Hiến Pháp mới vì từ nay đến lúc đó ông vẫn ở cương vị Chủ tịch nước, nhưng vì tương lai lâu dài của Việt Nam và các thế hệ mai sau, Tôi mong Ông giám sát việc hình thành Hiến Pháp này và nếu phát hiện sự gian lận, ngụy danh nhân dân để ghi những điều trong Hiến Pháp thì Ông sẽ dùng quyền của mình phản đối Hiến pháp mà họ đưa cho Ông để công bố.
Kính thưa Ông, người dân như tôi sẽ chờ những hành động tích cực mà ông sẽ thể hiện trong tương lai.
Trân trọng kính chúc Ông sức khỏe và sáng suốt.
Công dân Việt Nam:  Phạm văn Điệp




Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh gửi thư cho TBT Nguyễn Phú Trọng


2Thư ngỏ kính gửi Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư đã đúng khi trong Nghị quyết Trung ương IV nhìn thẳng vào sự thật, đã nêu “Bộ phận không nhỏ Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Bộ phận không nhỏ nghĩa là khá nhiều, mà phần lớn là những Đảng viên có chức có quyền, kể cả ở cấp cao, như thế cũng có nghĩa là Đảng cũng suy thoái. Cùng với sự sa sút nghiêm trọng về kinh tế xã hội làm cho đời sống đại đa số nhân dân khó khăn, chật vật, để cho Trung Quốc hoành hành thao túng, Đảng đã tự đánh mất lòng tin vào vai trò lãnh đạo của chính mình. Đâu còn thời kỳ huy hoàng, quang vinh như thời kỳ cách mạng tháng 8 và 2 cuộc kháng chiến vì độc lập thống nhất thắng lợi, nhân dân tự nguyện theo sự lãnh đạo của Đảng, Đảng vẫn lãnh đạo được nhân dân mà không có điều nào trong Hiến Pháp ghi quyền Đảng được lãnh đạo. 
Nhưng Tổng bí thư đã sai khi phát biểu ở Vĩnh Phúc, đồng thời tự mâu thuẫn với mình. Quốc hội cũng như Tổng bí thư đều kêu gọi nhân dân góp ý kiến vào sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. Đã là đông đảo người góp ý kiến, thì ý kiến rất đa dạng, có người tán thành điều này, có người muốn sửa đổi điều kia, có người đồng ý với dự thảo, có người có ý kiến khác với dự thảo, đó là điều bình thường, sao Tổng bí thư lại chụp cho những người đó là “suy thoái” lại còn yêu cầu phải “xử lý” (nghĩa là đàn áp hoặc trả thù như đối với Nguyễn Đắc Kiên). Nếu chỉ cho phép góp ý kiến chỉ được đồng ý với dự thảo của Ủy ban Soạn thảo… thì nêu ra lấy ý kiến của nhân dân làm gì cho mọi người thấy là “dân chủ hình thức, giả dối”. Còn chỉ đạo “phải xử lý” thì xử lý sao được khoảng trên 6.000 người đã ký vào “Kiến nghị 72” trong đó có nhiều nhà khoa học, trí thức có tên tuổi cả trong nước và trên quốc tế, các thương binh đã hy sinh một phần cơ thể cho đất nước, các lão thành cách mạng đã bị tra tấn, tù đầy và đã cả đời phục vụ Tổ quốc?!  
Nhân đây, tôi nói thêm là tôi đề nghị sửa điều 70 trong dự thảo: “lực lượng vụ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản” thành câu “lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam”, điều đó không phải là “phi chính trị hóa” quân đội. Tôi nghĩ rằng quân đội ta sinh ra chủ yếu là để chống xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam dù là Đảng lãnh đạo, cũng là một bộ phận trong Tổ quốc và trong nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang bảo vệ được Tổ quốc thì cũng bảo vệ được Đảng Cộng sản, nếu nước mất thì Đảng cũng không còn, cần gì Đảng phải giữ quân đội làm của riêng của mình.
Năm 1944 khi còn ở trong rừng Việt Bắc, Cụ Nguyễn Ái Quốc (lúc ấy nhân dân thường gọi là “Ông Ké”, Cụ chưa lấy tên là Hồ Chí Minh) lập ra “Đội võ trang tuyên truyền giải phóng quân”, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Người không nhân danh Đảng Cộng sản. Và khi đã thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người nói “quân đội trung với nước, hiếu với dân”, sau này phát triển thành câu hoàn chỉnh trong các văn kiện và báo chí là “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, trung với nước hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Tôi đọc trong tuyển tập Hồ Chí Minh không thấy chỗ nào Người nói là “quân đội trung với Đảng…” như mấy ông phát biểu trên ti vi bịa ra nói bừa và còn nói bừa là “quân đội do Đảng Cộng sản lập ra…” hòng vào hùa giữ cho được câu “lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam” ghi trong Hiến Pháp.
Hà Nội, 7/3/2013.  
Nguyễn Trọng Vĩnh




Kiến nghị 72, tín hiệu vui và dấu hiệu buồn


2-chot-78eadDANH SÁCH NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 (TỪ ĐỢT 1 ĐẾN ĐỢT 23) (BoxitVN). Đã có 8.959 người ký. Lại có một kỷ lục mới, hơn 1.000 chữ ký chỉ trong một ngày. Lần này, tại “quê hương cách mạng”, lại đã có ngót 800 chữ ký.
Như vậy là sau bức Thư của Hội đồng Giám mục VN, đại diện cho một tôn giáo có tới 7 triệu tín đồ trên cả nước, tiếp đến là Tuyên bố của Đức tăng thống Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất Thích Quảng Độ, người có ảnh hưởng rất lớn tới hàng triệu Phật tử không chấp nhận một giáo hội Phật giáo “quốc doanh”, những đòi hỏi phải có một bản Hiến pháp thực sự của dân đã trở nên hết sức mạnh mẽ. Đáng chú ý khi trong tuyên bố của mình, Đức tăng thống đã chính thức ủng hộ, đề cao hai văn kiện là bản Kiến nghị 72 do các nhân sĩ trí thức khởi xướng (được cả Tổng giáo mục Ngô Quang Kiệt ký tên) và Lời tuyên bố của các Công dân tự dodấy lên sau sự kiện Nguyễn Đắc Kiên.
Đó là cả một khối đoàn kết rộng rãi, nhiều thành phần khác nhau, được dẫn dắt bởi những nhân vật có ảnh hưởng lớn cả trong lẫn ngoài nước, lại nhắm trúng thời cơ, vừa phù hợp với pháp luật nhưng vẫn không trái với những thứ quy định “ngoài luật” của nhà cầm quyền, nhắm trực diện vào lô-cốt cố thủ cuối cùng của những thế lực bảo thủ muốn cố níu giữ quyền lực độc tôn, áp đặt lên trên quyền lợi của toàn dân và tương lai đất nước.
Nỗi sợ hãi trong hàng chục triệu người dân yếu hèn sẽ nhanh chóng bớt dần, đi liền đó sẽ tiếp tục có ngàn vạn chữ ký ủng hộ những tuyên bố, kiến nghị nêu trên. Ngược lại, nỗi sợ hãi trong một nhúm chính giới nắm quyền sinh sát lại dâng cao, được đo bằng hàng loạt những biện pháp đối phó lúng túng, vội vã, bộc lộ những sơ hở chết người.
Sơ hở rõ nhất là những lời “chỉ thị” của TBT Trọng tại Vĩnh Phúc mà sự vắng mặt dài ngày ngay sau đó của ông, rồi sắp tới sẽ cho chúng ta hiểu thêm. Lúng túng rõ nhất cũng liền đó là vụ kỷ luật vội vã Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.
Và mới đây nhất, một biểu hiện chưa biết nên liệt vào loại gì (có lẽ phải gọi là “hèn hạ”!?) khi trong phần điểm báo của VTV1 5h30’ sớm nay có nhắc tới một bài báo mới ra trên Đại đoàn kết, tờ báo mang tiếng là của tổ chức lớn nhất của người dân – Mặt trận Tổ quốc VN, nhưng lại thực hiện một cuộc “truy sát” những người dân ký tên vào bản Kiến nghị 72. Không còn phải che đậy, bài viết cho biết đã dùng “tư liệu thu thập được của cơ quan an ninh” để “điều tra độc lập” tới những nông dân ký tên trong bản Kiến nghị 72 rồi khẳng định là có những sự ngụy tạo mạo danh họ. Quá dễ để biết được rằng nếu như họ thực hiện cuộc gọi là “điều tra” đó, chắc chắn sẽ có rất nhiều người dân bị đặt vào vòng theo dõi, tra khảo, đe dọa của chính quyền, công an địa phương, buộc phải nói dối để yên thân. Thực hiện biện pháp hèn hạ này, tờ báo của Đinh Đức Lập có phải đang minh họa cho chính sách “dân chủ”, qua lời kêu gọi toàn dân góp ý vào sửa đổi Hiến pháp của đảng, nhà nước, không có “vùng cấm nào cả”, nhưng kỳ thực thì âm thầm đi theo sau đó là những chiếc còng số tám được các phóng viên tờ báo “của dân” này mang theo?
Ngay trước đó, ngày hôm qua, độc giả của trang Ba Sàm đã gửi tới những tài liệu đầu tiên được gọi là lấy ý kiến nhân dân tới tận hộ gia đình thông qua tổ dân phố. Liệu họ có sử dụng những biện pháp tinh vi để ép buộc người dân phải có ý kiến, không được “bỏ phiếu trắng”, mà phải ký xác nhận trên “giấy trắng mực đen”, để nếu như không theo ý chính quyền sẽ đồng nghĩa với vô vàn những phiền toái trong cuộc sống sau đó? Vội vã vung ra hàng trăm tỉ đồng cho một “sáng kiến” mà không cần có hướng dẫn, chuẩn bị chu đáo để đảm bảo nó là một phương pháp dân chủ, phải chăng Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang diễn một trò hề “trưng cầu dân ý” có một không hai trên thế giới?
Một dấu hiệu đối phó vội vã nữa là hàng loạt những hành động ngăn chặn người dân tiếp cận thông tin trên Internet. Như chúng ta đều biết, trong thời gian diễn ra cuộc “chỉnh đốn” có một không hai trong Hội nghị TW6, hàng loạt hệ thống blog như WordPress, Blogspot đã bị nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet VN chặn, cho tới sau hội nghị. Thế nhưng, cách đây 2 ngày, mạng VNPT (chưa rõ toàn bộ hay chỉ một số khu vực), vốn ít khi dựng tường lửa với khách hàng, thì nay đã chặn hệ thống Blogspot và cả  ít nhất là địa chỉ boxitvn.net.





Phi chính trị hóa quân đội” nghĩa là gì hả ông Nguyễn Phú Trọng?


imagesĐài truyền hình Việt Nam, các báo Nhân dân và Quân đội Nhân dânđang dấy lên phong trào đả phá những người chủ trương phi chính trị hóa quân đội.
Phi chính trị hóa quân đội nghĩa là gì hả Ông Trọng?
“Nhiệm vụ chính trị” là một cụm từ các Ông hay dùng mà tôi không thích nhưng đành dùng vì nó có thể giúp Ông hiểu dễ hơn.
Nhiệm vụ chính trị cao nhất của quân đội là đánh tan mọi kẻ thù xâm lược và phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân.
Hiểu theo nghĩa đúng đắn ấy, thì những người đòi “lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất cứ tổ chức hay cá nhân nào khác” chắc chắn là những người “chính trị hóa” quân đội ở mức cao nhất! Tôi không ưa cả cụm từ “chính trị hóa” này nhưng đành dùng để Ông dễ hiểu.
Còn những kẻ bắt quân đội trung thành với mình và tổ chức của mình là những kẻ thực sự “phi chính trị hóa quân đội” phải không Ông Trọng?
Ai ai đã nhắc đến cụm từ “phi chính trị hóa quân đội” đầu tiên kể từ ngày 22-1-2013, ngày công bố Kiến nghị 72, đến nay (8-3-2013)? Hóa ra đấy chính là Ông, tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 25-2-2013 tại Vĩnh Phú, ông Trọng ạ. Trước đó các báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hẳn là dưới ảnh hưởng của Ông, cũng đã có nói chuyện này, thí dụ báo Nhân dân ngày 4-10-2012. Nhưng từ 22-1-2013 đến nay thì chính Ông mới là người đầu tiên.
Hưởng ứng ông Trọng, hàng loạt bài của các “học giả” đã tấn công tới tấp với những lời lẽ đanh thép: “phi chính trị hóa quân đội” là luận điệu phản động, là âm mưu của các thế lực thù địch, vân vân và vân vân. Người ta muốn chống và đàn áp những người ký Kiến nghị 72 và Tuyên bố của các Công dân Tự do nhưng họ không có can đảm nói toẹt ra như vậy.
Hãy xem Kiến nghị 72 viết gì liên quan đến chuyện này?
Kiến nghị thứ năm viết “Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Khoản 4 Điều 6 của Dự thảo Hiến pháp 2013 đính kèm Kiến nghị 72 như một tài liệu tham khảo thì viết, “các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Như thế, chẳng hề có chuyện “phi chính trị hóa quân đội” nào cả trong Kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến pháp 2013 đính kèm! Ông Nguyễn Phú Trọng đã gán cho những người đòi “các lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào” là những người đòi “phi chính trị hóa quân đội” hay đấy chính là cách hiểu của Ông về “phi chính trị hóa quân đội.”
Đáp trả việc ông Nguyễn Phú Trọng hô hào chống và xử lý những người đòi “phi chính trị hóa quân đội” – cụm từ mà ông Trọng đã gán cho họ – ngày hôm sau nhà báo Nguyễn Đắc Kiên trong “Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng” đã viết “Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào”. Cũng trong ngữ cảnh đó cụm từ “phi chính trị hóa quân đội” xuất hiện trongTuyên bố của các Công dân Tự do mà ban đầu để ủng hộ nhà báo Nguyễn Đắc Kiên. Có thể thấy cụm từ “phi chính trị hóa” mà ông Kiên và những người ký Tuyên bố của các Công dân Tự do sử dụng lại có nghĩa đúng như từ “chính trị hóa” mà tôi đành dùng ở trên. Tôi hy vọng ông Gs. Ts. Nguyễn Phú Trọng cũng hiểu được sự thực đơn giản, dẫu có vẻ mâu thuẫn về từ ngữ này.
Có thể kết luận, cụm từ “phi chính trị hóa quân đội” là của ông Nguyễn Phú Trọng.
Không thừa khi nhắc lại chuyện trong công văn trả lời ngày 7-2-2013 ông Phan Trung Lý đã gán cho ông Nguyễn Đình Lộc việc “đề nghị Ủy Ban dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 công bố dự thảo Hiến pháp do Ông và một số công dân soạn thảo” trong khi tại Văn phòng Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 4-2-2013 ông Nguyễn Đình Lộc chỉ nói “mong Ủy ban Dự thảo cho công bố với báo chí tóm tắt tinh thần Bản Kiến nghị này của chúng tôi.
Việc “chẻ chữ” ở trên với “phi chính trị hóa quân đội” cho thấy một nét tương đồng nào đó giữa trả lời của ông Phan Trung Lý ngày 7-2-2013 và phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng ngày 25-2-2013. Thực ra, đấy là “thủ thuật” quá quen thuộc và khá hiệu quả, có thể đánh lừa nhiều người nhẹ dạ cả tin, thí dụ như việc đánh đồng đòi hỏi đa sở hữu về đất đai (có đất thuộc sở hữu nhà nước, tập thể, cộng đồng và tư nhân) với tư nhân hóa đất đai. Thủ thuật tinh vi này còn nguy hiểm hơn sự xuyên tạc rõ ràng hay chuyện “gắp lửa bỏ tay người” dễ bị phát hiện.
VTV, báo Nhân dânQuân đội Nhân dân và một số tờ báo ăn theo đang ráo riết và hung hăng chống lại những người chủ trương “phi chính trị hóa quân đội” theo cách hiểu của Ông Trọng, đòi xử lý, trấn áp họ. Một trò đánh tráo khái niệm, rồi “gắp lửa bỏ tay người” rất không đàng hoàng và là không thể chấp nhận được. Tuy vậy, những người ký Kiến nghị 72 và Tuyên bố của các Công dân Tự do vẫn nên cảm ơn các phương tiện truyền thông đại chúng này vì chúng đã “vô tình” quảng bá hộ và đã thông báo đến hàng chục triệu người dân Việt Nam về nội dung (dù đã bị bóp méo) của Kiến nghị 72 và Tuyên bố. Nhiều người không còn tin vào các phương tiện truyền thông này nữa và sẽ tò mò tìm hiểu để biết sự thật.
Cách phỉ báng, chụp mũ như đang được tiến hành chẳng dọa được ai, không có hiệu quả và chắc chắn “gậy ông” sẽ “đập lại lưng ông”. Cho nên ngày 7-3-2013 Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải hô hào “cần bày tỏ rõ quan điểm, có cơ sở lý luận phản bác lại” việc đòi đa nguyên chính trị, đa đảng, xóa bỏ điều 4, “phi chính trị hóa quân đội,” tư nhân hóa đất đai.
Hy vọng được nghe và có tranh luận sòng phẳng về những phân tích “có cơ sở lý luận” ấy.







Suy ngẫm về “Tâm thư gửi bác Nguyễn Phú Trọng”

của Hiếu Dân


question[1]Thân gửi anh Hiếu Dân,
 Đọc bức thư của anh gửi TBT Nguyễn Phú Trong (viet-studies 2-3-13), tôi suy ngẫm rất nhiều! Tôi năm nay cũng đã trên 80 tuổi và cũng đã trên 60 năm tuổi đảng. Khi còn ở tuổi thiếu niên, theo tiếng gọi của cụ Hồ, tôi đã hăng hái tham gia vào đội du kích và chống giặc Pháp trong vùng tạm chiến, sau đó, tôi trở thành anh bộ đội cụ Hồ, tham gia cac chiến dịch Cao, Bắc, Lạng chống giặc Pháp và được vào Đảng. Lúc bấy giờ, khi vào đảng, tôi chỉ ý thức được rằng mình được đứng trong hàng ngũ những người yêu nước, kiên quyết chống lại áp bức bóc lột, chống lại giặc ngoại xâm, dành độc lập cho tổ quốc. Các đồng ngũ của tôi cũng nghĩ vậy và đã không tiếc máu xương chiến đấu dưới lá cờ của đảng. Biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi đã là sỹ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mặc dù gia đình tôi và bản thân tôi cũng gặp biết bao bĩ cực trong đợt chỉnh huấn chỉnh quân, và đặc biệt là trong đợt cải cách ruộng đất, bố tôi lúc bấy giừ cũng bị bắt giam nhiều ngày chỉ vì có mấy mẫu ruộng mà đa số các mùa thu hoạch đều ủng hộ kháng chiến nuôi quân, nhưng tôi vẫn một lòng theo cụ Hồ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi đã hai lần bị thương và nhận được rất nhiều huân huy chương của quân đội và khi giải phóng miền Nam, tôi được phong hàm tướng. Một trong ba con trai của tôi đã hy sinh trong chiến dịch Quảng Trị.
 Thưa anh Hiếu Dân,
 Chắc là ở độ tuổi của anh, anh chưa có điều kiện tham gia vào bất cứ cuộc chiến tranh nào, nhưng đọc thư của anh, tôi cảm thấy anh có cùng nỗi trăn trở, nỗi đau của những người thuộc thế hệ chúng tôi đã đổ biết bao xương máu cho tổ quốc Việt Nam anh hùng này. Chúng tôi đau vì cơ đồ đất nước đang bị hủy hoại bởi một đội ngũ lãnh đạo tha hóa, biến chất, cầu an, hèn nhát. Đau xót hơn nữa là những kẻ hủ bại hèn nhát này lại mang chính sự hy sinh của các đảng viên chân chính để che đậy cho sự hủ bại, độc ác của họ nhằm duy trì sự thống trị độc tài xấu xa phản dân hại nước!
 Thưa anh Hiếu Dân,
 Mặc dù đã ở tuổi gần đất xa trời, nhưng với tư cách một người đảng viên chân chính, một công dân chân chính, tôi và nhièu đồng ngũ của tôi cũng tự kiểm điểm là đội ngũ lãnh đạo đất nước hiện nay cũng là hệ quả của cả một quá trình chủ quan, ngạo mạn, ấu trĩ của những người lãnh đạo thuộc thế hệ chúng tôi. Thế hệ chúng tôi đã đi theo một thứ chủ nghĩa mà đúng như anh nói, chẳng biện chứng và cũng chẳng lịch sử. Đã hơn một thế kỷ nay, lý luận về chủ nghĩa xã hội hầu như vẫn giậm chân tại chỗ, mọi người tùy tiện suy diễn về CNXH theo cách hiểu của mình, nguy hiểm hơn nữa là theo lợi ích của mình! Lẽ phải luôn thuộc về lực lượng cầm quyền! Điều tệ hại là nhiều thế hệ lãnh đạo không bao giờ chịu thừa nhận sự ấu trí, thậm chí sự ngu dốt, sai lầm mà trước tiên là sai lầm về tư tưởng, về nhận thức trong công cuộc xây dựng đất nước đã gần 40 năm nay. Cùng với những sai lầm về tư tưởng, nhận thức, dẫn đến các thế hệ lãnh đạo ngày càng có biểu hiện xuống cấp về đạo đức và tác phong. Các hiện tượng dối trá, trục lợi, sống trên pháp luật ngày càng trở nên phổ biến và diễn ra trắng trợn mọi cấp mọi nơi.
 Chúng tôi ý thức được rằng những vấn đề của ngày hôm nay cũng là do bắt nguồn từ những vấn đề của ngày hôm qua, mà thế hệ chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Thế hệ chúng tôi đã phạm phải không ít sai lầm trong đó có các căn bệnh như đã nói ở trên, điều này đã dẫn tới những tai ương cho đất nước, cho dân tộc, đó là sinh ra một đội ngũ lãnh đạo của miệng thì luôn hô hào CNXH, nhưng đầu thì suy nghĩ theo kiểu tư bản hoang dại, sơ khai, hành động thì cơ hội, chụp giật, đạo đức thì băng hoại!!!
 Thưa anh Hiếu Dân,
 Tôi rất cảm kích với tinh thần kiên quyết, sẵn sang hy sinh của anh và của những bạn đồng ngũ của anh vì đất nước, vì dân tộc, nhằm chống lại vấn nạn này. Nhưng thế hệ các anh hãy để cho thế hệ chúng tôi, dù tuổi cao sức yêu, vẫn sẽ siết chặt đội ngũ những người trung kiên, đang còn sống, quyết không để hổ thẹn với những tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội và đồng bào của mình. Những người lính già chúng tôi, nguyện sẽ hiến dâng phần đời còn lại của mình để vạch mặt và loại trừ những kẻ hủ bại, tham lam và giả dối đang là thủ phạm trực tiếp gây ra những điều đáng hổ thẹn cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Nếu chúng tôi có phải hy sinh cả mạng sống của mình thì xin các thế hệ kế tiếp hãy lấy chúng tôi làm những bài học xương máu, để tránh cho đất nước, dân tộc rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chúng tôi tin vào thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.
 Nhân đây, tôi cũng xin gửi tới TBT Nguyễn Phú Trọng những yêu cầu sau:
 1. Không lấy những thành quả mà do sự hy sinh của hàng triệu con người Việt Nam nói chung và của những đảng viên trung kiên nói riêng để biện minh cho các quyết định đi ngược lại với lòng dân. Còn thế nào là lòng dân, thì với tư cách TBT, ông phải có đủ tâm và trí để xác định một cách trung thực và chính xác.
 2. Không được để cho những kẻ xấu trong đảng và trong bộ máy chính quyền chèn ép và đàn áp người dân.
 3. Cần phải biết lắng nghe các ý kiến phản biện, và phải duy trì sự bình đẳng trong trao đổi ý kiến giữa các tầng lớp nhân dân. Không dùng mọi hình thức quy chụp, áp đặt lên những ý kiến phản biện.
 4. Phải sớm đưa ra khỏi đảng những kẻ tham nhũng, đặc biệt là cấp cao trong thời gian sớm nhất, để cứu lấy hình ảnh của đảng khi chưa quá muộn!
 5. Phải sớm xây dựng cho được bộ máy công quyền sống được bằng đồng lương mà không bị phụ thuộc vào phong bì, phong bao, và tiền hối lộ – Căn nguyên của tệ quan liêu, cường hào trong bộ máy cầm quyền ở cấp cơ sở.
 Những người lính già chúng tôi sẽ không đứng khoanh tay nếu ông không nghiêm túc thực hiện những yêu cầu tối thiểu này.
 Thân ái,
Trung Kiên
7-3-13







Anh em sâu đừng sợ, cứ mạnh dạn đục khoét đi, Đảng đã chuyển mục tiêu rồi!


Sâu Róm
42(2)Trong khoảng 4 thập niên gần đây, anh em sâu tham nhũng chúng ta luôn bị coi là mục tiêu chỉ trích trong văn kiện của tất cả các đại hội Đảng, đặc biệt kể từ sau Đổi mới (1986), trong các Đại hội lần thứ VI đến XI,[1] với nội dung thể hiện và mức độ đả kích ngày càng tăng. Tôi dẫn chứng một tác giả: “Từ ngày thống nhất đất nước tới nay, Đảng đã qua 6 kỳ đại hội, kỳ nào cũng đề cập đến vấn nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí…; nghị quyết đại hội sau bao giờ cũng phê phán gay gắt hơn đại hội trước, tới mức liệt quan liêu, tham nhũng, lãng phí là quốc nạn, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”.[2] Trong những phát biểu gần đây nhất, các lãnh đạo cấp cao của Đảng tiếp tục nhấn mạnh tham nhũng là “quốc nạn”, “giặc nội xâm”, là mối nguy cơ nghiêm trọng nhất với sự tồn vong của chế độ.[3]
 Liệu chúng ta có xứng đáng bị lên án bất công như thế hay không? Chúng ta lấy công sản và tài nguyên của đất nước – những của ‘trời ơi’ không thuộc vào sở hữu cá nhân của người nào – để nuôi con cháu chúng ta – những “con dòng, cháu giống”, “tinh hoa” của dân tộc Việt Nam – để chúng “xứng danh với giới nhà giàu Tầu, Tây” về sự xa hoa, giàu có. Như thế, chúng ta giàu là do chúng ta giỏi đục khoét đấy chứ, dân chúng đói nghèo thì kệ họ thôi – không biết đục khoét thì đói nghèo là phải, còn kêu ca cái gì. Ấy vậy mà Đảng gọi chúng ta là “suy thoái về tư tưởng và đạo đức”, còn dân thì thậm chí gọi chúng ta là “ăn cắp”. Tôi kịch liệt phản đối!
 Để chống lại anh em sâu chúng ta, từ Đổi Mới đến nay, Đảng đã ra sức chỉnh đốn nội bộ, trong đó tiêu biểu là việc thông qua và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII năm 2003 (gọi tắt là Nghị quyết trung ương 6(2)).[4] Nghị quyết này yêu cầu toàn bộ đảng viên, trong đó có chúng ta, phải học, nắm vững các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tổ chức kê khai tài sản; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai hóa chế độ, tiêu chuẩn sử dụng xe, nhà đất…của cán bộ. Toàn những điều vô bổ, dài dòng. Ấy vậy mà nó cũng gây ra một số thiệt hại, cụ thể như trong những vụ Minh “nhớp” ở Hà Tĩnh, vụ Thủy cung Thăng Long ở Hà Nội, vụ Trương Văn Cam, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ án xăng dầu Tiền Giang, vụ kho cảng Thị Vải, vụ án đất đai Đồ Sơn, vụ quota dệt may tại Bộ Thương mại, vụ PMU18… [5] Một số anh em sâu chúng ta đã phải vào tù rồi đấy. Rõ khổ cho họ! Oan ức quá!
 Mặc dù vậy, do Nghị quyết Trung ương 6(2), “..chưa ngấm xuống toàn Đảng”[6], hay nói cách khác, chưa động đến lãnh đạo cấp cao, nên anh em sâu chúng ta nhìn chung vẫn an toàn. Thượng vẫn bất chính thì hạ chúng ta vẫn có thể tắc loạn.
 Tuy nhiên, vào tháng 1/2012 vừa rồi, trong Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (khóa XI) tiếp tục thông qua Nghị quyết số 12-NQ/TW về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng.[7] So với Nghị quyết Trung ương 6(2), nội dung của Nghị quyết mới này được một số chuyên gia cho là mạch lạc, cô đọng, tập trung, rõ ràng hơn và bao gồm các nhóm giải pháp khá cụ thể[8], do đó đã gây những áp lực khá lớn với anh em sâu chúng ta. Thêm vào đó, ngay trước khi ra Nghị quyết 12, ngày 1-11-2011, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 47-QÐ/TU về 19 điều đảng viên không được làm, trong đó hơn một nửa (các điều từ 7-16) liên quan trực tiếp đến tham nhũng.[9] Những động thái này được cho là “..thổi luồng sinh khí mới, hi vọng mới Đảng gột rửa, sửa chữa những yếu kém trong cơ thể mình – việc đã làm trong nhiều khóa mà chưa đạt kết quả mong muốn”,[10] và chứng tỏ Đảng CSVN một lần nữa quyết tâm tiêu diệt “bầy sâu tham nhũng” là anh em ta (lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang).
 Tuy nhiên, anh em cũng đừng lo lắng quá, vì ngay từ đầu cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng việc chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết 12 chỉ là “chuyện cũ chép lại”,[12] sẽ không tạo ra chuyển biến gì đáng kể đâu. Còn Quy định số 47 thì “cũng thế thôi và không có gì thay đổi cả”, vì “trước kia khi còn ở trong Đảng, quy định ra như thế nào thì Đảng viên phải chấp hành như thế nhưng trong bụng họ làm khác và họ nghĩ khác”.[13] Một số người thì cảnh báo về hậu quả của việc chỉnh đốn Đảng bất thành, cho rằng việc này chỉ có thể thành công nếu Đảng tiến hành “dân chủ hoá” thực sự, còn nếu không sẽ chỉ là việc làm của một vài người và sẽ chỉ dẫn đến việc “chia phe, chia phái”. Tôi cho rằng ý kiến đó đúng đấy. Hà hà. Lãnh đạo Đảng càng chia phe đánh nhau thì anh em sâu chúng ta càng thuận lợi. Mà tiến tới dân chủ thì họ chưa dám đâu. Nếu dân chủ thì con cháu, họ hàng hang hốc của họ phải cạnh tranh bình đẳng với đám dân đen à?
 Thực tế đã cho thấy sự lạc quan kể trên của tôi không phải không có cơ sở. Mặc dù được đặt rất nhiều kỳ vọng là sẽ có sự đột phá trong việc xử lý cán bộ tham nhũng, song Hội nghị trung ương 6 (họp tháng 10/2012) đã không đi đến được quyết định kỷ luật đảng viên nào, với sự giải thích của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “kỷ luật sinh ra thù oán”, và “không phải kỷ luật nhiều mới là tốt, mới là đúng”.[15] Chính vì vậy, cho đến nay, sau hơn một năm cuộc chỉnh đốn này được phát động, dù trong Đảng có “một bộ phận không nhỏ suy thoái” (lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) nhưng vẫn chưa có đảng viên nào bị xử lý, nói cách khác là chưa có ai trong họ hàng sâu chúng ta bị “sờ gáy”. Điều này cho thấy dấu hiệu khá rõ ràng là cuộc chỉnh đốn nội bộ mới do Đảng phát động đang rơi vào tình trạng ‘đánh trống buông dùi” như các lần trước, mặc dù để xoa dịu sự bức xúc của đám dân chúng đói nghèo vì không biết đục khoét nhưng lại đố kỵ với sự giàu có xa hoa của chúng ta, gần đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa đề cập đến Nghị quyết này (qua trả lời phỏng vấn của TTXVN) rằng nó sẽ không dẫn đến “hoà cả làng”.[16] Tuy nhiên, tôi nghĩ là Tổng Bí thư cũng thấy rõ việc này sẽ chẳng đi đến đâu rồi, nên để “mở đường” biện bạch cho những kết quả nghèo nàn chắc chắn tới đây, ông đồng thời lập luận: “Nghị quyết 4 về chỉnh đốn Đảng “chủ yếu là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn”, “nếu ai không chịu nhận khuyết điểm, không chịu sửa thì mới kỷ luật, xử lý”.
 Thật tuyệt là sự việc đã diễn ra như trên. Nhưng còn tuyệt hơn nữa là vào một ngày đẹp trời cuối tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư đã lớn tiếng quy kết đám trí thức “rách việc” và số dân chúng đố kỵ với chúng ta mà đã hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi bày tỏ ý kiến góp ý về một số nội dung về thể chế chính trị của Dự thảo là “suy thoái về tư tưởng và đạo đức”, đồng thời “nhẹ nhàng” (nhưng sắc lẻm) yêu cầu “xử lý” họ. Hay quá. Tổng Bí thư thật tuyệt vời!
 Một ngày sau thì Chủ tịch Quốc Hội “hoà cùng một giọng” với Tổng Bí thư. Ý Đảng đã chuyển thành ý chí của chính quyền. Trên cả tuyệt vời!
 Tiếp đó, những ngày gần đây, một số lãnh đạo cấp cao khác của Đảng, Nhà nước, cùng một số nhà ‘lý luận kiêm chức sắc’, trong đó nhiều người rất quen thuộc hoặc là đồng đội, họ hàng của chúng ta, đã đăng đàn trên truyền hình, phát thanh hoặc công bố, tuyên bố trên một số báo “lề phải” đả kích, răn đe những đối tượng mà Tổng Bí thư cho là “”suy thoái về tư tưởng và đạo đức”.
 Xâu chuỗi những diễn biến kể trên, tôi khẳng định Đảng đã chuyển mục tiêu rồi. Anh em sâu tham nhũng chúng ta hiện nay đã không còn trong tầm ngắm, mà chính những kẻ đang lên tiếng hiến kế cho Đảng về một thể chế có thể giúp tiêu diệt chúng ta đã vừa bị Đảng vừa đưa vào tầm ngắm. Một sự hoán đổi mà chúng ta có nằm mơ cũng không thấy. Đây chắc chắn là phúc đức ngàn đời của tổ tiên họ hàng sâu chúng ta để lại. Anh em hãy thắp hương cúng tạ ơn tổ tiên đêm nay nhé. Ai chưa xây mộ cho ông bà, cha mẹ đã khuất thì hãy xây thật to, như cung điện ấy.
 Tóm lại, hỡi anh em sâu, đừng sợ nữa, cứ mạnh dạn đục khoét đi, Đảng đã chuyển mục tiêu rồi! Hãy nhanh chóng cùng Đảng tiêu diệt những kẻ thù của chúng ta – đám chỉ thức “rách việc” hay chỉ trích và bọn dân đen bất tài đục khoét lại hay đố kỵ. Tụi này yếu, không có gì tự vệ, nhưng rất nguy hiểm vì kiên quyết chống chúng ta, và chúng đang cố vận động cho một thể chế không có đất sống cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải tranh thủ thời cơ mượn tay Đảng tiêu diệt chúng để trừ hậu hoạ.
 Sâu mọt ở mọi xó xỉnh trên đất Việt hãy liên hiệp lại!
 Vùng lên, hỡi tất cả sâu mọt ở Việt Nam!
 Vì con sâu ( tức con của sâu) ) quên mình, vì con sâu hy sinh, anh em sâu ơi, vì con sâu quên mình!
Tác giả gửi Quê Choa
………………………………………
1] Xem văn kiện các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam tại http://www.cpv.org.vn/cpv/index.html.
[2] ” Xem Trần Đình Huỳnh, Thư gửi Đại hội, Vietnamnet, 3/8/2011, tại http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/4754/thu-gui-dai-hoi.html
[3] Ví dụ, xem phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 7/5/2012, tại http://www.cpv.org.vn/cpv/index.html.
[4] Thông qua vào ngày 23/12/2003, với tiêu đề: “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Xem toàn văn (bản tiếng Việt) tại http://www.cpv.org.vn/cpv/index.html.
[5] Xem loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lát cắt 13 năm, tài liệu đã dẫn.
[6]Tài liệu trên.
[7] Xem toàn văn (bản tiếng Việt) văn kiện này tại http://www.cpv.org.vn/cpv/index.html.
[8]Xem loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lát cắt 13 năm, tài liệu đã dẫn.
[10]Xem loạt bài Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lát cắt 13 năm, tài liệu đã dẫn.
[11] Xem, ‘Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy’, VietnamNet, 7/5/2011, tạihttp://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/19800/-mot-con-sau-da-nguy-hiem-huong-gi-mot-bay-.html
[12] Xem BBC Vietnamese, 28/2/2012, Chính đốn Đảng là “chuyện cũ chép lại”, tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/02/120228_tranlam_party.shtml, truy cập ngày 15/1/2013.
[13] Xem BBC Vietnamese, 29/2/2012, Nhấn mạnh lại 19 điều cấm đảng viên, tạihttp://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/02/120229_cpv_members_regulation.shtml, truy cập ngày 15/1/2013.
[14] Xem BBC Vietnamese, 2/1/2012, Chỉnh đốn Đảng để tránh sụp đổ, tạihttp://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120102_party_meeting_analysis.shtml, truy cập ngày 15/1/2013.
[15] Xem BBC Vietnamese, 2/12/2012, Ông Trọng: “Kỷ luật sinh ra thù oán”,http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121202_trong_public_remarks.shtml,truy cập ngày 15/1/2013.
[16] Xem BBC Vietnamese, Nghị quyết 4 chủ yếu để răn đe,tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/01/130121_nguyenphutrong_inv.shtml, , truy cập ngày 25/1/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét