Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Truy tìm nguồn gốc tượng Phật "lạ"



Loạt ảnh phơi bày sự thật về tượng Phật “sắc dục”


Thông báo khẩn: Trang Ba Sàm bị tin tặc phá.
Hồi 9h20′ sáng nay, 8/3/2013, tin tặc đã đánh phá trang Ba Sàm, độc giả không thể truy cập được. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục. Mong độc giả thông cảm. Kính nhờ các blogger và độc giả loan báo dùm. Xin cám ơn.
Dưới đây là bản tin hôm nay được đưa tạm sang  TRANG VIỆT SỬ KÝ ( tại đây!)
Sự thật đã rõ ràng: Bức tượng Phật khiến nhiều người Việt Nam “đỏ mặt” có nguồn gốc từ… dãy núi Himalaya. Hình ảnh cô gái khỏa thân trong bức tượng Phật “nhạy cảm” đã gây nên những cuộc tranh cãi nảy lửa trong cộng đồng mạng VN. Nghi vấn về nhân vật này đã có câu trả lời.
“Cô gái” đó chính là Shakti – tên tiếng Phạn của một lực lượng siêu nhiên đại diện cho năng lượng vũ trụ sơ khai, khởi nguồn của sáng tạo, sự sinh sản và mang bản chất nữ tính.
Shakti có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo, đôi khi còn được hiểu như “Mẹ thiên chúa vĩ đại” trong thế giới quan của Ấn Độ giáo.
Thuật ngữ Shakti được du nhập vào Phật giáo Mật Tông sau khi tông phái này ra đời.
Nepal và Tây Tạng, những vùng đất nằm trên dãy Himalaya là nơi Mật Tông phổ biến nhất. Tại đây, hình tượng Shakti ôm Phật được gọi là Hoan Lạc Phật.
Trong Ấn Độ giáo cũng có một hình ảnh tương tự Hoan Lạc Phật, đó là thần Shiva – tượng trưng cho sự hủy diệt – kết hợp với Shakti – sự sáng tạo (như trong ảnh).
Khi được đưa vào Phật giáo, Shakti không còn mang ý nghĩa nguyên bản là sự sáng tạo và sinh sản. Thay vào đó, Shakti trở thành biểu tượng của trí tuệ.
Sự “âu yếm”, “ôm ấp” giữa Đức Phật và Shakti chính là sự kết hợp viên mãn giữa thể xác và trí tuệ, trong đó thể xác tìm kiếm sự giải thoát thông qua trí tuệ.
Sự “hoan lạc” trong Hoan Lạc Phật là sự hoan lạc của một con người đã khai mở trí tuệ chứ không phải sự hoan lạc dục tính giữa nam và nữ.
Có thể ví von, nếu thành tựu cao nhất trong mối quan hệ nam nữ phàm tục là “lên đỉnh”, thì thành tựu của mối quan hệ giữa Đức Phật và Shakti chính là cõi Niết Bàn.
Bên cạnh cách giải thích như trên, còn có nhiều quan niệm khác về ý nghĩa của hình tượng Hoan Lạc Phật.
Một quan điểm cho rằng người phụ nữ không mảnh vải che thân với những động tác gợi tình tượng trưng cho sự quyến rũ trần tục.
Trong khi đó sự bình thản của Đức Phật là minh chứng cho cái tâm đã được giải thoát khỏi bụi trần.
Chính sự giải thoát này là niềm hoan lạc vĩ đại nhất mà một con người có thể đạt được trong kiếp sống của mình.
Một thuyết khác coi người phụ nữ khỏa thân là tượng trưng cho tín đồ dị giáo. Thái độ của người phụ nữ này chính là biểu hiện sự hàng phục giáo lý nhà Phật.
Trở lại với bức tượng “gái khỏa thân ôm Phật” làm xôn xao dân mạng Việt Nam. Dù không thể xác định bức ảnh được chụp ở đâu, nhưng chắc chắn những bức tượng như vậy có thể được tìm thấy dễ dàng tại Tây Tạng, Nepal và một số vùng khác ở Nam Á, nơi có Phật giáo Mật Tông.
Việc dư luận Việt Nam đưa ra những suy diễn “không lành mạnh” về bức tượng Hoan Lạc Phật mà không tìm hiểu về ý nghĩa cao quý của bức tượng này thực sự là một điều đáng tiếc.


Truy tìm nguồn gốc tượng Phật "lạ"

Một tượng Phật bị “ném đá” trên mạng vì tạo hình được cho là quá sắc dục. Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, tượng không những không phạm sắc giới mà còn vô giá nếu quả thực là tượng cổ VN. 

Một người nữ khỏa thân ngồi trong lòng, choàng tay ôm lấy vị Phật. Ngay lập tức bức tượng này khiến nhiều người cảm thấyđạo Phật bị xúc phạm. Theo tờ Bangkok Post, tấm ảnh lấy từ Facebook cá nhân này được cho là chụp tại VN đã khiến phật tử Thái Lan vô cùng giận dữ. Không chỉ có thế, nhiều cư dân mạng VN cũng chia sẻ nỗi bất bình vì hình ảnh này.
Mặc dù vậy, phản ứng của TS Nguyễn Minh Ngọc, người nghiên cứu Phật giáo tại Viện Tôn giáo - Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, lại khác hẳn. “Đây là một bức tượng Mật tông”, TS Ngọc nói. Bà Ngọc không “nói chơi” mà minh chứng điều đó bằng cuốn sách Đồ giải Tây Tạng Mật tông, của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thiểm Tây. Đây là cuốn sách bà Ngọc mua tại Hồng Kông, nơi những cuốn sách có hình ảnh tương tự như bức tượng “sexy” trên không khó kiếm. 
Truy tìm nguồn gốc tượng Phật "lạ"
Hình bức tượng bị cư dân mạng cư xử bất công - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại từ tư liệu
Ý nghĩa triết học
“Nếu coi đây là bức tượng mô tả Phật đang quan hệ tình dục với một người nữ thì hoàn toàn không đúng. Cái không đúng này bắt nguồn từ việc chúng ta đang nhìn bức tượng rồi áp đặt cho nó cách suy nghĩ hiện đại. Trong khi nguồn gốc văn hóa của nó - vốn là triết học phương Đông lại rất khác”, bà Ngọc nói. Theo bà, gốc văn hóa của tượng chính là quan điểm triết học trong âm có dương, trong dương có âm. Trong từng con người cũng chứa đủ cả âm lẫn dương. Bức tượng “lạ” cũng nói lên triết lý âm dương như vậy. Do đó, nó không hề bậy bạ như nhiều người suy nghĩ.
Trong cuốn Đồ giải Tây Tạng Mật tông nói trên có rất nhiều hình vẽ các tượng Phật tương tự bức tượng đã làm nhiều phật tử Thái Lan lẫn VN bức xúc. Bức Phổ hiền phật mẫu (tượng âm khởi, có tượng chính là nữ) mang ý nghĩa Trí tuệ. Bức Phổ hiền phật phụ (tượng dương khởi, có tượng chính là nam) mang ý nghĩa Từ bi. “Rõ ràng, biểu đạt của nó không phải quan hệ nam nữ như nhiều người nhìn nhận. Nếu suy luận từ hai bức này, bức tượng bị ném đá sẽ có nghĩa là Từ bi”, bà Ngọc nói.
Nếu quả thực đây là một bức tượng cổ của VN thì nó sẽ là một phát hiện lớn đối với khảo cổ học, mỹ thuật và tôn giáo. Nó viết thêm vào những trang sử Mật tông hiện còn đang trắng tư liệu, đang còn phải tìm kiếm của nước ta
TS Nguyễn Minh Ngọc
Bà Ngọc còn cho biết, quan hệ tình dục như hiện nay chúng ta hiểu chỉ là một phần trong triết học phương Đông cổ là sự hòa hợp âm dương. Khi hợp nhất âm dương chúng ta đạt đến tình trạng sáng suốt, sức khỏe, minh mẫn. Chính vì thế, triết học phương Đông có thể coi là khởi nguồn của nghệ thuật tính dục. Những cuốn sách về tình dục hiện đại tại Mỹ giờ đây cũng quay trở về với những nguyên lý triết học phương Đông này.  
Lấp khoảng trống lịch sử Mật tông
Việc không được mắt thấy tay sờ, lại chỉ được nhìn từ một góc khiến các nhà khoa học rất khó đưa ra nhận định kỹ lưỡng về tượng. Màu sắc của ảnh chụp (trên mạng) cho thấy đây nhiều khả năng là tượng sơn son thếp vàng. Nếu đúng vậy, nhiều khả năng đây là tượng VN. Tuy nhiên ngay cả màu sắc tượng cũng phụ thuộc nhiều vào người chụp, sửa ảnh. “Nếu được tiếp xúc, chúng ta mới có thể so sánh với các tượng Phật khác, để tìm ra thời kỳ qua các yếu tố như chất liệu, cách thức tiếu tượng (tạc tượng). Nếu nó ở trong chùa, có thể nghiên cứu tương quan vị trí đặt tượng”, TS Ngọc nói. Tuy nhiên, nhìn vào bức ảnh, với hậu cảnh của tượng, nhiều khả năng tượng không còn ở trong chùa mà đang thuộc một bộ sưu tập.
“Tôi từng thấy một số bức tượng tương tự trong một triển lãm của nhà sưu tập Dương Phú Hiến, từng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Tượng có kích cỡ rất nhỏ. Theo tôi đó không phải tượng VN”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung, Viện Mỹ thuật nói. Cũng theo ông Trung, hiện có người mua loại tượng này về bộ sưu tập và coi như một tác phẩm nghệ thuật, không phải như đồ thờ tự.
Về việc sưu tập loại tượng này, Thanh Niên điện thoại liên hệ song nhà sưu tập Dương Phú Hiến cho biết hiện đang đi công tác và sẽ có cuộc gặp sau khi trở về.
“Những tượng như thế này có thể thấy nhiều ở một số nước có Phật giáo Mật tông, chẳng hạn như Nepal. Gần đây cũng nhiều người ra nước ngoài rồi mang tượng Mật tông về. Có thể đây là một trong những bức tượng được mang về như thế. Tôi chưa từng nhìn thấy một bức tượng thế này của VN”, PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, cho biết.
Trong trường hợp như nhiều người nói ở trên: được mang từ nước ngoài về, tượng cũng có ý nghĩa. Nó chỉ báo sự thịnh hành của Phật giáo Mật tông trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. “Theo đó, các chùa Mật tông đang nổi lên, thu hút được nhiều phật tử. Chẳng hạn chúng ta có chùa Quang Ân ở Hà Nội, chùa Tây Thiên ở Vĩnh Phúc”, bà Ngọc  nói.
Tuy nhiên, nếu đây là một  bức tượng cổ của người Việt, điều này lại rất có ý nghĩa với việc viết lịch sử phát triển Mật tông tại VN. Theo nghiên cứu của TS Ngọc, Phật giáo VN là sự hòa nhập của ba dòng phái Thiền Tịnh Mật. Nhưng hiện không xác định được chính xác thời điểm du nhập của Mật tông vào VN cũng như dòng phái Mật tông nào từng tồn tại ở VN.
Chứng cứ lịch sử cho thấy vào thời Lý, Mật tông đã có mặt tại VN. Nó thể hiện ở các nhân vật có liên quan tới Mật tông, với phép thần thông (một chỉ báo của Mật tông) như Từ Đạo Hạnh, Minh Không. “Có điều hiện chưa hề tìm thấy tượng Mật tông tại VN. Chúng ta mới chỉ thấy một vài yếu tố Mật tông - chẳng hạn các ấn chuẩn đề (thế tay của tượng) để định vị Mật tông mà thôi”, bà Ngọc cho biết.
Bản thân sử sách trong nước cũng chưa thấy ghi chép, vẽ về một loại tượng tương tự. Chính vì thế, nếu quả thực đây là một bức tượng cổ của VN thì nó sẽ là một phát hiện lớn đối với khảo cổ học, mỹ thuật và tôn giáo. “Nó viết thêm vào những trang sử Mật tông hiện còn đang trắng tư liệu, đang còn phải tìm kiếm của nước ta”, TS Ngọc nói.
Về phản ứng của phật tử Thái Lan trước bức tượng, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do Thái Lan là đất nước của Phật giáo tiểu thừa, một dòng tu khác, nên tạo hình này rất dễ gây sốc. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cũng phải nói thêm từ TK8-TK12, Phật giáo Mật tông có ảnh hưởng lớn ở Đông Nam Á.

Phản ứng khác nhau tại Thái Lan
Bangkok Post dẫn lời một cư dân mạng gọi người đúc tượng là “quỷ dữ”, muốn làm ô uế thanh danh của Đức Phật. Một người sử dụng mạng xã hội Facebook còn kêu gọi giới chức Thái Lan can thiệp bằng đường ngoại giao để phá hủy bức tượng. Tuy nhiên, thực tế thì bức ảnh này chỉ được lan truyền giữa các công dân mạng ở Thái Lan và chẳng rõ do ai chụp, được đưa lên internet khi nào. Thậm chí không ai biết nó được chụp ở đâu. Thế nhưng, tờ Bangkok Post vẫn đăng lại trên trang web của mình hồi cuối tháng 2.2013.
Trong khi đó, có người lại xem bức tượng là bình thường. Một công dân mạng ở Thái Lan gọi đó là bức tượng nghệ thuật, không có gì gọi là ô uế, dâm dục. “Các bạn không nên nhìn bức tượng với cái nhìn trần tục, vật chất”, người này viết. Một số công dân mạng hiểu biết thì bình luận khá điềm tĩnh. Họ bảo đã từng thấy bức tượng trong tư thế tương tự, tức Đức Phật ngồi trên đài sen với các cô gái ngồi trong lòng ở các ngôi đền ở Tây Tạng. Một công dân mạng ở Thái Lan nói rằng bức tượng nói trên ở Campuchia, chứ không phải ở VN. Nhiều người chia sẻ rằng đây là phần của đạo Phật đại thừa của người Tây Tạng. Người theo đạo Phật ở Tây Tạng và cả ở Ấn Độ, Nepal, Butan thường tạc tượng theo tư thế Yab - Yum (bố - mẹ) phối ngẫu. Đây là biểu tượng của tính dục, được các phật tử thờ cả ngàn năm nay.
Minh Quang (Văn phòng Bangkok)
Trinh Nguyễn


Tượng Phật trên đỉnh núi Cấm lớn nhất châu Á

(TNO) Ngày 5.3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa thông tin cho biết vào ngày 2.3.2013 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã có văn bản công nhận pho tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên) là "Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi" lớn nhất châu Á.

Tượng phật Di Lặc có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu của tượng là 33,6 m, diện tích bệ tượng 27x27 m, tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép, tọa lạc trong khuôn viên tượng Phật rộng 2,2 ha đặt trên đỉnh núi Cấm.
Trước đó, đầu năm 2006, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập đây là tượng Phật kỷ lục Việt Nam.
Tượng phật trên núi Cấm lớn nhất Châu Á
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm
Tượng phật trên núi Cấm lớn nhất Châu Á 1
Rất đông người lên núi Cấm viếng tượng Phật
Hằng năm, lượng khách hành hương, du lịch lên núi Cấm rất đông, hầu như ai lên đến đỉnh núi Cấm đều tranh thủ chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc, chụp hình lưu niệm, thắp nhang cầu an…
Tin, ảnh: Thanh Dũng


Mất trộm 3 tượng Phật

Hôm qua 4.1, Công an H.Tuy Phước, Bình Định đã nhận đơn trình báo của ông Trần Ngọc Anh (74 tuổi, pháp danh Đồng Hùng, trụ trì chùa Diêu Phong, thị trấn Diêu Trì, H.Tuy Phước) về việc lợi dụng lúc ông đi vắng, kẻ gian đã cạy cửa phía sau chùa vào lấy trộm 3 bức tượng Phật bằng đồng, gồm: 1 tượng Thích Ca cao 60 cm, nặng 30 kg; 1 tượng Quan Âm cao 26 cm, nặng 5 kg và 1 tượng Di Lặc cao 20 cm, nặng 5 kg.

Công an đang điều tra làm rõ.
Lê Minh



Nghi án tượng Phật thiên thạch giả mạo

(TNO) Sau khi nổi tiếng như cồn trên toàn thế giới, bức tượng Phật có nguồn gốc Tây Tạng và làm bằng đá thiên thạch có thể chỉ là một trò lừa đảo tinh vi, theo phân tích mới nhất của các chuyên gia.

Trong khi đáng lẽ ra phải được làm từ thế kỷ thứ 11, dựa trên văn hóa Bon của Tây Tạng và sau đó rơi vào tay một tên Đức Quốc xã của thể kỷ 20, bức tượng trên có những điểm đầy nghi vấn, cho thấy đây dường như là món đồ cổ giả mạo có xuất xứ từ châu Âu.

Bức tượng gây tranh cãi - Ảnh: Reuters
Báo Guardian dẫn lời chuyên gia về Phật giáo Achim Bayer của Đại học Seoul (Hàn Quốc) cho hay, bức tượng cao tầm 25 cm có đến 13 điểm đáng ngờ so với các nguyên bản thật, từ giày, áo và tư thế của bàn tay, đến phần râu của tượng.
Chuyên gia Bayer cho hay ông nghĩ rằng bức tượng phải là đồ giả cổ được làm trong khoảng thời gian từ năm 1910 - 1970.
Tuy nhiên, phần vật liệu thiên thạch lại là thật, do bức tượng được làm từ một dạng sắt hiếm chứa hàm lượng cao nickel, vốn thường chỉ có trong thiên thạch.
Phi Yến

Tượng Phật pha lê cao 2 mét

(TNO) Một nhà điêu khắc Đài Loan đã tạc một bức tượng Phật nghìn tay bằng pha lê cao 2 mét, lấy cảm hứng từ một bức tranh 800 năm tuổi thuộc thời nhà Nguyên, theo hãng tin AP.

Bà Loretta Yang cho biết bức tượng này cao gấp hai lần bức tượng mà bà đã chế tác vào năm 2006 vốn được công nhận là tượng Phật bằng pha lê cao nhất thế giới.
Tượng Phật cao 2 mét bằng pha lê
Một số tác phẩm tượng Phật của nhà điêu khắc Loretta Yang - Ảnh: jaxstumpes
Bà cho biết bức tượng Phật mới của bà có một ít đường nứt nhỏ và không hoàn hảo như bức tượng trước đó, nhưng nó đã hoàn thành ý nguyện của bà gìn giữ bằng pha lê những hình ảnh Phật đang bị phai mờ được vẽ trên các thành động Dunhuang nổi tiếng ở miền tây Trung Quốc.
Yang là giám đốc mỹ thuật và là đồng sáng lập Công ty thủy tinh Liuli Gongfang. Bà là một Phật tử và đã tạo tác tượng Phật và nhiều tác phẩm khác bằng thủy tinh theo các phong cách truyền thống và hiện đại.
Các tác phẩm của bà Yang hiện đang được triển lãm ở thành phố Đài Bắc.
Trùng Quang

Tượng Phật Di Lặc vào tay giới buôn đồ cổ ?

Sau khi Thanh Niên đăng bài Nghi án tượng Phật Di Lặc bị bán, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện nhiều tượng cổ được tôn trí tại chùa Phổ Minh cũng bị lấy đi, nhiều người nghi ngờ đã rơi vào tay những người buôn cổ vật.

Thầy dùng pháp danh giả ?
Ngày 19.10, tiếp xúc với PV Thanh Niên, đại diện Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh Quảng Bình cho biết vì đó là bức tượng Phật Di Lặc rất quý nên sau khi có thông tin tượng mang đi ngoại tỉnh, hội đã yêu cầu ông Đặng Ngọc Tám (pháp danh Lê Chánh, thành viên ban quản tự chùa và làm nhiệm vụ bảo vệ) báo cáo sự việc. Trong bản tường trình, ông Tám viết: “Sau khi tôi đi chơi về thấy có tượng vị Phật Di Lặc mới để ở chánh điện. Tôi hỏi trong gia đình thì vợ bảo thầy (ông Mẫn, pháp danh Siêu Minh) cùng với thầy chùa ở Đông Hà mang ra. Lúc đó, tôi nhìn lại thì tượng vị Phật Di Lặc cũ không còn. Tôi tin chắc thầy tôi đã cho thầy ở Đông Hà thỉnh đi vì trước thầy Siêu Minh có nói sơ là đưa vào trong đó để tu sửa lại… Tóm lại, ý đồ của thầy ở Đông Hà là buôn bán đồ cổ, còn thầy Siêu Minh thì tin vào sự tân trang lại vị Phật đó”.
 Tượng Hộ Pháp suýt nữa cũng bị lấy
Tượng Hộ Pháp suýt nữa cũng bị lấy - Ảnh: T.Q.N
GHPG tỉnh đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đề nghị xác minh sự việc và thu hồi bức tượng. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng rằng tượng đã bị bán cho giới buôn đồ cổ, hiện không biết lưu lạc ở đâu, cũng có thể đã bị bán ra nước ngoài và khả năng thu hồi là rất thấp. Ông Hoàng Gia Hy - thư ký của GHPG tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Theo xác minh ban đầu, vị thầy ở Đông Hà đã lấy tên, địa chỉ giả. Như lời ông Mẫn nói thì thầy đó là Thích Tâm Thuận, ở chùa Phước Tuệ, nhưng chúng tôi liên lạc với GHPG Quảng Trị thì được biết chỉ có chùa Phước Huệ và không có thầy nào tên như vậy ở chùa cả”.
Bà Liên (nhà ở gần chùa Phổ Minh, người chứng kiến sự việc) kể lại: “Lúc đó tôi đang tụng kinh nên không để ý, nghĩ trong bụng tụng rồi sẽ tới xem nhưng khi xong thì họ lấy tượng đi mất. Tôi cứ nghĩ chắc thầy đã bàn bạc, hỏi ý kiến mọi người, chứ ai ngờ ra vậy; bán tượng Phật đi thì phải tội lắm”.
Nhiều tượng cổ không còn
Chùa Phổ Minh lưu giữ khá nhiều pho tượng Phật cổ trong đó có các pho tượng của tổ đình sắc tứ Minh Đức - một ngôi cổ tự do 12 dòng họ làng Đức Phổ đứng ra thành lập từ đầu thế kỷ 17. Anh M.Q, người từng làm luận văn tốt nghiệp đại học với đề tài về chùa Phổ Minh, cho biết đến năm 1998, chùa vẫn còn lưu giữ nhiều tượng cổ bằng đồng, sứ, gỗ như: A Di Đà, Thế Chí Bồ Tát, Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc, Quan Âm, Ngọc Hoàng, Hộ Pháp, Quan Bình.
Thế nhưng, theo ghi nhận của ông Hoàng Gia Hy cũng như ông Đặng Ngọc Tám thì hiện chùa chỉ còn duy nhất pho tượng Hộ Pháp cổ. Ông Tám nói: “Số tượng cổ kia đều do ông thầy ở Đông Hà lấy đi. Nếu vụ tượng Phật Di Lặc không bị lộ thì ông đó chắc cũng lấy nốt cái còn lại. Bình lục giác cổ tôi đã giấu sau chánh điện nhưng ông cũng lấy. Chắc chắn ông đó buôn đồ cổ vì có lần tìm đến nhà bà Liên hỏi đồ”.
Ông Hy cho hay sắp tới sẽ bàn cách giao chùa cho địa phương quản lý, tránh những mất mát tương tự.

Cuốn Địa chí Đồng Hới ghi chùa Phổ Minh được xây dựng khoảng từ năm 1920 - 1927 (không phải những năm 1883 như thông tin ban đầu), do sư thầy Phổ Minh (1889 - 1962) trụ trì. Theo một số tư liệu khác, từ năm 1948 - 1952, chùa Phổ Minh được chọn làm nơi đặt trụ sở của Chi hội Phật giáo và Hội Phật học Quảng Bình.
Trương Quang Nam 


Nghi án tượng Phật Di Lặc bị bán

Một bức tượng Phật Di Lặc ước đoán có niên đại trên 100 năm đặt tại chùa Phổ Minh (P.Đức Ninh Đông, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) bỗng dưng biến mất, khiến Phật tử hoài nghi rằng bức tượng đã bị bán.  

Sự việc bắt đầu từ ngày 30.9, ông Hoàng Gia Hy - hội viên Hội Di sản tỉnh Quảng Bình có đơn gửi các cơ quan chức năng như: Sở VH-TT-DL, Giáo hội Phật giáo tỉnh, Chủ tịch Hội Di sản tỉnh, UBND TP.Đồng Hới, Công an TP, UBND P.Đức Ninh Đông về việc bức tượng mà ông cho rằng đã bị thầy chùa trao đổi đi ngoại tỉnh. Theo ông Hy, bức tượng bằng kim loại, cao khoảng 0,8 m, rộng khoảng 0,6 m, nặng từ 500-600 kg. Hiện chưa ai xác minh được nguồn gốc chính xác của bức tượng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì tượng có từ thời nhà Nguyễn, cùng thời với một quả chuông quý đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Tượng đặt ở chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh (xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh; đã được xếp là di tích), sau đó được đưa về thờ ở chùa Phật Học (Đồng Hới). Bom đạn chiến tranh tàn phá chùa Phật Học nên tượng được đưa về đồi Giao tế làm chứng tích tội ác chiến tranh. Năm 1972, các thầy ở chùa Phổ Minh xin về tôn trí tại chùa cho đến ngày nay. Ông Hy, người am hiểu về sử, Hán học, thư pháp đã đánh giá đó là vật quý vô giá của tỉnh Quảng Bình và kiến nghị phải thu về theo luật Di sản.
 Nghi án tượng Phật Di Lặc bị bán
Tượng Phật Di Lặc (to nhất) ở trên gian thờ của chùa cũ lúc chưa cải tạo lại - Ảnh: T.Q.N chụp lại tư liệu
Sau khi nhận được kiến nghị trên, Hội Di sản văn hóa VN tỉnh Quảng Bình đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, thu hồi pho tượng Phật Di Lặc cổ. Nhưng chiều 18.10, ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch hội cho biết vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ những đơn vị ông gửi đơn là UBND tỉnh Quảng Bình và Sở VH-TT-DL. Ông Lợi nói: “Chúng tôi rất bức xúc vì không biết việc đó đã xử lý đến đâu. Bức tượng có giá trị di sản quan trọng, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an và ngành văn hóa xem xét giải quyết vấn đề này, điều tra tìm ra và thu hồi bức tượng”. Về giá trị bức tượng, ông Lợi cho rằng cần phải có nghiên cứu, đánh giá khoa học đầy đủ, nhưng ít nhất bức tượng cũng có trên 100 năm.

Chùa Phổ Minh có từ những năm 1883, năm 1968 bị bom đánh hỏng đến năm 2005 được tôn tạo lại. Hiện chùa chỉ nhỏ như một nhà thờ họ, không có sư thường trực ở chùa mà do các thầy tu tại gia ở xung quanh cùng nhau cai quản.
Nhiều ý kiến cho hay bức tượng được mạ đồng lớp ngoài và lõi bằng đồng đen nên rất nặng, phải 8 người khiêng trong khi kích cỡ không phải lớn. Vì thế người nhà chùa đã mang bán bức tượng. Tuy nhiên, ông Minh Mẫn, Trưởng quản tự chùa Phổ Minh cho biết: “Đã trao đổi cho chùa Phước Tuệ ở Đông Hà (Quảng Trị) vì nó lâu rồi, bị sứt tay mẻ chân, cồng kềnh thờ không tiện nên đổi để họ giúp tu bổ chùa và đổi lại cho một số tượng Phật khác. Họ đã đưa một tượng Phật bằng đồng mới ra thay và mang tượng đó vào”. Về vấn đề này, ông Lợi hoàn toàn không đồng tình vì không thể đặt ngang hàng giá trị hiện vật của từng thời điểm khác nhau, không thể đổi cái cũ để lấy cái mới trong giá trị văn hóa, bảo tồn.
Ông Mẫn thừa nhận khi trao đổi đã không thông qua các Phật tử và Giáo hội Phật giáo tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Đình Hà - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT-DL Quảng Bình nói: “Chùa Phổ Minh không phải là di tích nên nằm ngoài sự quản lý của ngành VH-TT-DL. Còn việc đổi cũ lấy mới là sai và đứng về mặt địa danh là không được đổi. Đó là tượng cũ, nếu đúng nguồn gốc từ chùa Kim Phong thì phải trả về chùa Kim Phong. Việc trao đổi giữa các chùa khi vật đó cùng niên đại, cùng thể loại và có sự thỏa thuận đồng ý của các Phật tử trong chùa, có ý kiến của Hội Phật giáo các tỉnh. Nếu không thì có vấn đề mua bán đổi chác trong đó”.
Lãnh đạo Công an TP.Đồng Hới cho biết, sau khi nhận được thông tin kiến nghị đã vào cuộc xác minh, kết quả ban đầu cho biết đúng là có sự thay đổi tượng ở chùa nhưng bản chất sự việc thế nào thì đang xác minh tiếp.
Chiều 18.10, chúng tôi đến chùa Phước Tuệ ở Đông Hà để xác minh bức tượng có ở đó không nhưng người trông chùa thông báo các thầy đi cúng hết, không có ai ở nhà nên không biết gì.
Trương Quang Nam



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét