Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Góp Nhặt ...Một Thời Hoa Lửa....03


Tôi khâm phục và trân trọng trí nhớ của ducthao , mô tả rất chi tiết tuyến đường từ Nimit vào cao mê lai và độ khốc liệt của nó , dù tôi đã ra quân rời khỏi con đường ấy hơn 30 năm . Nhưng khi bất cứ ai nhắc lại con đường ấy nó có tác động rất mạnh đến cãm xúc trong tôi , nó luôn dâng trào một nổi niềm đau thương nhớ về 2 đồng đội của tôi đã nằm xuống nơi con đường đó . Dù ngày ấy sự gian khổ và khốc liệt nơi con đường ấy làm cho tôi chai lì cãm xúc đau thương chấp nhận nuốc nước mắt vào trong khi vuốt mắt đồng đội với lời nguyện cầu hãy ra đi thanh thản hoặc khi nhận được hung tin đồng đội đã hy sinh nhưng không được nhìn thấy mặt và để rồi sau đó khi nhận nhiệm nơi tuyến đường ấy cứ lầm lủi thực hiện nhiệm vụ , đôi lúc sự mệt nhọc căng thẳng lấn át cả sự sợ hãi ... rồi mặc cho số phận đời người lính chiến nơi xứ người sống nay chết mai . Tôi xin thành thật chia sẽ một vài cãm xúc yêu thương ( cả đau thương ) với những người từng là đồng đội nơi chiến trường mà chúng ta có một thời như thế ! 



  VIẾT THEO CÂU CHUYỆN CỦA CHỊ HƯƠNG RỪNG VÀ ANH D32 F5.
     Để tiếp câu chuyện của chị Hương Rừng, và đoạn cuối của anh d32f5 ( có lộn không, d23f5 mới đúng chứ), duc thao xin tham gia vài dòng về con đường dẩn từ ngã ba con voi vào cao điểm Cao mê lai cho rõ hơn một chút.

     Quãng thời gian trước đó, khi ta mới vừa giải phóng đến các khu vực cận biên Thái_Cam xong, các đơn vị được chia địa bàn để chốt giữ, truy quét, ngăn chặn địch quay trở lại chống phá ta và bạn. Hướng sư 5 cũng vậy, trong đó có khu vực gọi là cao điểm Cao mê lai, một vị trí giáp Thái, một cao điểm cao 322m so với mực nước biển, tên quân sự còn gọi là cao điểm X12, lính khu vực quen gọi tắt là Mê lai cho dễ. Lúc nầy xung quanh khu vực cao điểm là rừng nguyên sinh nhiều tầng, rừng rất rậm và khí hậu khá khắc nghiệt.

    Thời điểm 1979 đến 1980, chỉ ngay tại ngã ba con voi,ở Ni mit là có dân cư sinh sống , còn từ đó đi vào Cao mê lai, khoảng 30km là một con đường rừng, càng đi sâu vào càng rậm rạp. Đầu tiên xuất phát từ Ni mit , con đường chạy dài theo hai bên trảng trống, có lẻ là ruộng lúa của dân ngày xưa, nay không còn canh tác, nên thay vào đó là các đám cỏ tranh chạy dài đến phum Kôp (lớn) khoảng 4km. Phum Kôp vốn là một vườn cây ăn trái khá lớn, có nhiều cây xoài, cam, táo...cổ thụ, được lấy nước bởi một con suối khá sâu, đầu nguồn có lẻ từ mỏ vẹt (cứ pot bên Thái) chảy qua, rồi xuôi về hướng Tà'kông K'rao... Con suối nầy có nhiều đoạn khá sâu, quanh năm có nước. Nước dưới suối lạnh lắm, và đặc biệt là cá rất nhiều, có những con thác lác nặng đến hơn 20 ký. Tại con suối nầy, thói quen đánh cá bằng chất nổ cũng làm mất đi của tiểu đoàn chúng tôi mấy tay súng, cả thương lẩn tử, khi tiểu đoàn chúng tôi nhận chốt vào khoảng năm 1983. Nói chung từ ngã ba con voi vào khu vực Kôp thời đó địa hình khá trống trải, an toàn.

     Bắt đầu qua cầu Kôp, một cây cầu cây do công binh ta xây dựng, tiểu đoàn chúng tôi quen gọi theo địa danh quân sự là cầu 30, địa hình bắt đầu rậm hơn. Tuy nhiên chỉ là rừng dầu thưa xen kẻ trảng tranh, thỉnh thoảng có các gò cao trên mọc các giống cây tạp, và ụ mối lúp xúp. Con đường bắt đầu từ đây vào Cao mê lai là một con đê chắn lũ, không biết đào đắp từ lúc nào, nhưng khá kiên cố và chắc chắn, có nơi cao cách phía dưới chân khoảng 3m, và mặt đê cũng dầy tầm cở độ cao nầy, nên xe cơ giới chạy trên mặt đê cũng dể dàng. Tuy nhiên, có nhiều đoạn không biết do thiên nhiên hay con người tác động, con đê bị đứt quảng, chứ không liên tục, nhất là đoạn vào tới cầu 20. Đoạn đường nầy mùa khô thì dể đi, nhưng mùa mưa nước lớn, cộng thêm phía Thái xả đập, nước tràn ngập lên tới ngực, chảy xiết rất khó di chuyển, nhất là khi làm nhiệm vụ tải tử và thương. Về tác chiến thì sợ nhất là vừa chớm đầu mùa khô, khi nước vừa rút, cỏ tranh lên rậm rạp che phủ đường đi, rất dể bị vướng mìn và bị địch phục kích gài giật.

    Đi tầm 4km thì vào tới cầu 20, một vị trí chiến lược để vào căn cứ phòng ngự Mo hơn. Vị trí cầu nầy được đánh dấu bởi trục giao nhau giữa hai con đê chắn lũ. Một trục từ Kốp vào Mo hơn và một trục từ điểm giao nhau chạy dài về hướng mỏ vẹt. Địa hình khu vực nầy có rậm hơn một chút nhưng cơ bản hai bên đường vẩn là trảng tranh xen kẻ rừng dầu. Một số nơi gần sát đường có các bụi trâm bầu khá lớn. Do nằm trên độ cao, nên tầm quan sát từ cầu 20 ra xung quanh là khá rộng, nhất là về hướng chủ yếu địch hay vào tập kích, hướng bắc. Bên nam cầu có một hồ nước khá lớn gần bao hết địa hình nên chốt cầu không sợ địch tiếp cận về hướng nầy. Nhưng nếu địch bao vây đánh mạnh ép ta về hướng nầy, ta sẻ gặp khó khăn vì khó có đường rút. Còn lại hai trục đường đê thì có chính diện hẹp, nên địch cũng khó triển khai đội hình đánh vào. Khi mới rút bỏ Cao mê lai lùi về Mo hơn, mặc dù trước đó công binh trung đoàn chốt giữ bị pot từ mỏ vẹt đưa lực lượng qua đánh bức, nhưng tiểu đoàn chúng tôi cũng chỉ đưa ra chốt cầu nầy có 7 tay súng, vì thực tình mặt đê cầu khá hẹp, không có chổ để triển khai. Sau nầy trước sức ép của địch từ hướng mỏ vẹt ngày càng mạnh, cao điểm có lúc ta đóng chốt nơi nầy đến hơn 20 tay súng, tăng cường cả đại liên, cối 60 và máy thông tin PRC mà vẩn bị địch dùng lực lượng lớn đánh bứt một bên cầu (hướng Kốp vô), gây cho ta thương vong cũng đáng kể dù bọn chúng cũng trả giá đắt.

    Lại đi tiếp từ cầu 20 về hướng Mo hơn, theo trục đê 2 km thì bờ đê chấm dứt. Đoạn nầy ta đi ở trên cao, địa hình hai bên khá thấp, nên tầm nhìn cũng thoáng. Nhưng sau nầy rất nhiều anh em lính ta đã hy sinh ngay cái đoạn được cho là trống trải nầy, kể cả D2 của duc thao lẩn c 19 của E. Đoạn đứt ngang về Mo hơn 2 km nửa chúng tôi quen gọi là dốc. Địa hình lúc nầy do xuống thấp rồi nên bắt đầu rậm rạp đến rợn người vào mùa mưa. Bên hướng bắc đường có một bụi trâm bầu khá lớn, nơi mà sau nầy ròng rã suốt nhiều tháng trời, tiểu đoàn phải cử ra một bộ phận chốt đường gồm 2 tổ 6 tay súng. Có lúc hết người cũng phải 1 tổ 3 tay súng, để chống địch ra gài mìn, phục kích, nổ mìn phá đường chặn viện để bao vây ta.

    Vào đến căn cứ Mo hơn, thời gian đầu đây gần như là nơi trung chuyển, tiếp liệu cho cao điểm Cao mê lai. Có thể có rất nhiều đơn vị đã đi qua, nghĩ ngơi hoặc hoạt động tại khu vực nầy. Có thể lúc đó nơi đây chưa gọi là Mo hơn hay nhiều anh em không quan tâm đến tên gọi của nó nên không nhớ. Chẳng có đặc điểm địa hình gì nổi trội, chỉ là bên phải đường cận mí rừng nên tương đối rậm rạp. Bên trái thì thoáng hơn bởi những vạt cỏ tranh. Quan trọng nhất có lẻ là cái hồ nước có sẵn của nó. Nằm ở khoảng 1/3 địa hình vào bên phải đường, hồ nước đào nầy dè sẻn có thể cung cấp tối thiểu để sinh hoạt cho một D thiếu. Ngoài ra còn có một số hồ nước nhỏ một mùa xen kẻ xung quanh. Tầm giữa và cuối năm 1980, trung đoàn 2 CAVT (688BP) chúng tôi được điều về đây thay chân E4 chuyển qua hướng khác, thì Mo hơn là nơi E bộ đứng chân cùng D3 chuẩn bị vào Cao mê lai thay cho D2 rút ra cũng cố để nằm lại chốt giữ Mo hơn lâu dài theo kế hoạch. Riêng D1 thì được bố trí tại rừng tre, cách Mo hơn về hướng Cao mê lai gần 10km, để bảo vệ trục đường. Đây cũng là đoạn trục đường mà các đơn vị đã từng hoạt động gọi là đại lộ kinh hoàng ngày đó. Lúc nầy cơ giới không vào tiếp tế được nữa, do địch hoạt động khống chế con đường rất mạnh, bằng cả chiến thuật gài mìn lẩn phục kích. Địa hình thì quá rậm, mìn trái giăng đầy, địch thì tăng cường phục kích, trong khi ta thì bị động quá nhiều, không đủ lực lượng để vừa bảo vệ đường, vừa hoạt động đánh trả.

   Khó khăn lớn nhất của sư đoàn lúc đó chắc có lẻ là 2 khẩu pháo bị kẹt lại khu cầu cháy và 1 tiểu đoàn của Q 16 ở lại bảo vệ. Rồi D2 E 2 đang nằm chốt trên cao điểm với điều kiện tiếp liệu, chi viện vô cùng khó khăn. Đường bộ thì bị cắt từ cầu cháy ra D1, vì có những đoạn pot ở bên Thái đặt ống nhòm quan sát được ta đang di chuyển liền kêu pháo bắn chặn, còn nếu không, các tổ phục kích dầy đặc của chúng bố trí cũng không cho ta cơ hội tải thương tử bằng đường bộ ra ngoài. Có trường hợp ta tải thương ra bị phục kích giật mìn đến 3 lần, thương vong lớn, phải quay trở vô. Sự đối phó lúc nầy của những đơn vị kẹt lại là vô cùng căng thẳng, nhưng nếu ta bung ra hoạt động không khéo sẻ vướng mìn thương vong nhiều hơn.

    Gần như ngày nào cũng có thương tử vì mìn. Tiểu đoàn chúng tôi cứ ba chuyến tải bộ tiếp tế cho bộ phận chốt trên cao điểm, thì có đến hai chuyến bị vướng mìn rồi, nhiều khi chỉ bước lạc có vài bước chân. Mà đường mòn khúc gần cao điểm thì như mạng nhện, cứ ta đông tây, pot bắc nam xen kẻ, mỗi ô chừng vài mét, nằm trong rừng dây leo cây lúp xúp chằng chịt. Nhiều khi cứ bước đại mà đi chứ không có thời gian dò dẩm, phát hiện mìn nửa. Cứ như thế, các đơn vị chúng tôi cứ xoay vòng chống tập kích, trinh sát đội hình, tiền tiêu xa gần, cáng thương tử, thông đường tải đạn nước cho cao điểm và chờ đợi những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, khi pot có quyết tâm đánh lớn.
[/quote]

H3Hung : theo như DucThao nêu trên. MơHon có phải là "Phum Khong Ten" như lúc đầu E4 vào Cao Mê Lai không? Vì từ Kop đi sâu vào 5-6 km theo đường chỉ có đìa chứa nước ở phía bên phải (còn bên trái đường đối diện đìa có mấy căn nhà đã cháy chỉ còn trơ mấy cột cháy), nơi mà chiếc xe 'Vọt Tiến' của anh Hữu lái bị mìn phải không anh? 



Chào phumtoken : Cho tôi hỏi thăm , hình như đ/c là lính xe tăng ? lại nhớ rất rõ đường từ ngã ba con voi đi vào CML , phumtoken có tham gia trận Nongchan ? Kongtorao ? Nếu có thì cho tôi hỏi tin tức về đoàn xe tăng, ngày thì tôi ko nhớ chính xác  nhưng tôi nhớ thời điểm đó là tết năm 82  ,trong khi  moi người ăn tết còn chúng ta sư 5 thì vô chiến dịch , đánh , đánh trận lớn , quy mô nhiều đơn vị phối thuộc lắm . Ngay trong đêm giao thừa  _ phẩu tiền phương sư 5_ nhận mấy cas trọng thương, TB nằm mê man , để động viên nhau vượt qua những giây phút khốn khó và không ai bảo ai , chúng tôi đã thay phiên nhau hát cho TB nghe , hát miên man từ bài này qua bài khác , không phải tiếng hát át tiếng bom như ngày xưa mà là " tiếng hát át cơn đau "...như có một sức mạnh thần kỳ các anh TB trên băng ca  ko còn rên rĩ nữa ..mấy anh cũng hòa giọng theo chúng tôi . Bấy giờ ko chỉ là vài tiếng ca đơn lẻ mà là cả phẫu tiền phương hát , hát giữa chiến trường ,giữa làn đạn, giữa khốc liệt  hát quên đi cái chết và sống đang cận kề ,hát nghẹn ngào nhớ về Mẹ , về quê hương về gia đình ngay trong đêm giao thừa , hát thương cho các anh em ta ngoài kia đang chiến đấu kiên cường bảo vệ an toàn cho chúng tôi .... 
Sức chịu đựng chúng tôi to lớn lắm , manh mẽ lắm ..tiếng hát cũng thế , ko được hát rền vang như trên sân khấu , chẳng được hít hơi dài căng lồng ngực để giọng mình ngân cao to vang ..chúng tôi hát từ trong trái tim ,giọng hát chúng tôi cứ rì rầm khe khẽ ...lan tỏa ...nước mắt dua nhau rơi trên từng khuôn mặt vàng nghét, khắc khổ thiếu ăn , thiếu mặc, thiếu hơi ấm bàn tay Mẹ chăm sóc trong đêm giao thừa.....
Triền miên hát như người mộng du, trước mắt chúng tôi là quê hương Việt Nam, có lũy tre , con trâu , nồi bánh chưng bánh tét lửa rừng rực, những dãy nhà phố san sát nhau  bàn thiêng cúng giao thừa bày ra trước cửa ,hoa thơm, khói nhang nghi ngút , pháo đỏ treo từ trên cao đổ xuống nổ ì đùng .. ..cô bé Nở  ốm tong teo chênh vênh trên cổ , trên lưng Ba mải miết chạy theo mấy đoàn múa lân , tiếng trống rộn rã , ông địa tươi cười phe phẩy quạt lại hiện về trong ký ức ..
Năm nay , ở đây , chỉ có đồng đội đang kề vai sát cánh ngoan cường chiến đấu , tiếng súng léo réo thay cho tiếng pháo , tiếng trống ,Giờ này . chắc hẳn mọi người thân yêu ở Việt Nam đang nghĩ về chúng tôi , Mẹ chúng ta có lẻ giây phút này cũng đang lén lén chùi  nước mắt thương thằng con trai bé bỏng đi lính xa nhà ..

Riêng Nở , Nở thấy Ba Má đang đứng trước mặt mình nói : " con gái Ba giỏi lắm , cố lên con ...!"

« Sửa lần cuối: 21 Tháng Một, 2013, 08:33:27 AM gửi bởi thị nở 78 »


Theo ký ức của tôi Phum không tên nằm hai bên đường đất đỏ cách đìa nước khá xa (vì tôi từng đi lấy nước đi về mất gần cả đêm). Bên phải đường đất đỏ (tính từ hướng của ta đi lên) địa hình rừng cây rậm rịt là nơi bố trí đội hình phòng ngự của c13, bên trái đường đất đỏ là nơi bố trí đội hình phòng ngự của c11 và c12 - trên hướng phòng ngự này phía trước là đồng trảng. Kho đạn của tiểu đoàn đặt dưới căn nhà sàn khá là kiên cố nằm ven đường đất đỏ.

Trận Phum không tên của tiểu đoàn 3 chúng tôi diễn ra vào đầu tháng 5/79 mà chứng nhân của trận đánh đó còn nằm đây, trong lòng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương

Tui xin trích ra đây 1 đoạn văn kể về lính sư 5 ơ K, các bác xem và cho y kiến:
======================================================
Tháng 5-1986, Thượng úy Trần Hữu Long, đang là giáo viên quân sự ở trường 
Quân chính Quân khu VII,  được điều sang chiến  trường Campuchia  làm đại  đội 
trưởng Đại đội 11, Trung đoàn 4, Sư 5, Mặt trận 479. Long kể: “Đơn vị đóng ở nơi 
ác liệt nhất, nhưng vũ khí vẫn rất thiếu thốn. Đại đội tôi có 110 người mà chỉ còn 
chín mươi khẩu súng; theo lý thuyết thì hỏa lực phải được trang bị tới tận phân đội 
nhưng tiểu đội thì có B40, trung liên, tiểu đội không”. 
Đóng quân ở bìa rừng, nơi lực lượng Khmer Đỏ thường từ Thái Lan vượt biên giới 
vào bên trong đất Campuchia. Long kể: “Chiến tranh như trò đùa, chúng tôi thì cứ 
phơi mặt ra, trong khi Khmer Đỏ lại lẩn khuất trong bóng đêm, trong dân. Từ biên 
giới luồn qua, tụi lính Pol Pot lại dừng lại đánh nhau với tụi tôi một chặp, sau đó 
đi về  lại  bắn nhau thêm một chặp nữa.  Chúng tôi  phải  đắp  tường và đào hào vây 
quanh doanh trại theo kiểu pháo đài. Loại pháo đài tường đất với những ngôi nhà 
tranh tre chỉ cần một phát B40 là cháy rụi”. 
Sự ác liệt mà những người lính ở Campuchia đã phải trải qua là không thể định 
lượng. Đánh chiếm một căn cứ của Khmer Đỏ thì có vẻ như rất dễ, nhưng tiêu diệt 
lực lượng Pol Pot thì rất khó. Có những đơn vị Quân Tình nguyện Việt Nam đã từng 
bị “xóa sổ”. Thượng úy Long kể: Đầu mùa khô năm 1986, trung đoàn tổ chức truy 
lùng địch, đại đội tôi được giao ở nhà giữ cứ. Tối, tôi qua Đại đội 13, anh em kêu 
ngồi   vào   uống   ly   rượu  tiễn.  Đang  ăn,  Đại   đội   trưởng  Thụ  hỏi:   “Còn  đạn  K54 
không?”. Tôi rút nguyên băng đạn từ khẩu K54 bên hông đưa cho Thụ. Trưa hôm 
sau ra phum, thấy mấy người già Khmer ngồi khóc, nói: “Bộ đội ông Thụ chết hết 
rồi”. 
Toàn bộ lực lượng Đại đội 13 tham gia trận đánh bị hy sinh, chỉ còn một người 
lính vác chân đại liên sống sót. Đêm ấy, gần 300 lính Khmer Đỏ bị Trung đoàn 4 
bao vây, dồn đánh. Chúng buộc phải mở đột phá khẩu. Nơi chúng chọn nằm trong 
phạm vi chốt chặn của Đại đội 13. Những tên lính Khmer Đỏ hung hãn nã B40 như 
vãi xuống những người lính đang phơi lưng giữa đồng trống. Người lính sống sót về 
kể rằng, trước khi chúng đến, anh kịp nằm sấp xuống, kéo xác đồng đội đè lên. 
Lính Khmer Đỏ lần lượt bắn bồi vào những cái xác bộ đội Việt Nam, nhưng không 
hiểu sao anh sống sót. Sáng hôm sau, người dân đưa xe bò vào rừng chở về bốn 
mươi xác bộ đội trong đó có cả “Đại đội trưởng Thụ”.
Sau trận ấy, Thượng úy Long triệu tập đơn vị nói, lực lượng mỏng, chúng ta có 
thể bị đánh bất cứ lúc nào. Rồi ra lệnh mở kho đạn, nâng cấp báo động, đặt đơn vị 
trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đầu năm 1987, một tiểu đoàn Pol Pot xuất hiện 
trong khu vực đại đội Long đóng quân. Lúc này, Long đã chuyển sang chỉ huy Đại 
đội 12. Người dân trong phum nói: “Ông Long ơi, nó chuẩn bị đánh bộ đội 12 đó”. 
Nguôn, tiểu đoàn trưởng Khmer Đỏ, nhắn qua dân: “Nói  ông Long chỉ cần ra 
khỏi doanh trại, bước qua bìa phum là tôi bắn”. Thượng úy Long nhắn lại: “Nói ông 
Nguôn có giỏi thì cứ đưa quân về đây”. Khmer Đỏ không đánh ngay mà cứ dấm dứ 
hàng tháng trời hòng đặt bộ đội của Thượng úy Long trong trạng thái căng thẳng 
kéo dài cho đến khi mệt mỏi. Bộ đội của Long vẫn thường nghêu ngao hát: 
“Pot ở đầu phum / Ta cuối Phum / Uống chung dòng nước thối um um / Lên đây đã trải 
bao mùa lúa / Pot vẫn đầu phum ta cuối phum”564
.
Thượng úy Long kể: “Đêm Campuchia tối tới mức ngửa lòng bàn tay ra đưa lên 
trước mặt cũng không nhìn thấy. Khi hành quân đêm, chúng tôi phải bắt con sâu 
đất có ánh lân tinh quệt lên ba lô của người lính trước mặt để bám theo nhau. Đêm 
đi qua trảng trống, nếu lỡ tụt lại phía sau phải nằm sát mặt đất may ra mới nhìn 
thấy bóng những người lính hành quân in trên nền trời”. Những khoảnh khắc hay bị 
phục kích nhất là ở thời điểm trăng vừa lên, Khmer Đỏ phục sẵn chỉ chờ có ánh 
sáng nhận rõ mục tiêu là bắn. Khi tiểu đoàn Khmer Đỏ của Nguôn vẫn thập thò 
ngoài rừng, Long kể: “Cứ hai tiếng một lần, tôi lại phải dậy đi một vòng đốc gác. 
Tiền đồn tối như mực mà không có lấy một trái hỏa châu. Khmer Đỏ áp sát hàng 
rào cũng khó lòng nhìn thấy”. 
Sau bốn ngày bị bao vây, “bộ đội 12” căng như dây đàn nhưng đám lính Khmer 
Đỏ vẫn chưa khởi chiến. Trung đoàn 4 lúc đó cũng không còn khả năng chi viện vì 
lực lượng đã bị dàn mỏng. Tiểu đoàn nhắn xuống: “Tập trung phòng thủ cho tốt”. 
Khoảng 4:30 sáng, Thượng úy Long đi đốc gác lần cuối, thấy anh em chấp hành 
nghiêm, anh trở về lán. Long kể: Vừa đặt lưng, tôi nghe tiếng AK nổ phát một bụp, 
bụp. Chưa kịp nhảy ra thì quả B40 thứ nhất nổ sát nóc nhà sở chỉ huy. Tôi phóng 
xuống hầm. 
Nghe đạn của tụi Pol Pot bắn hết cỡ mà không thấy tiếng súng bắn trả của anh 
em mình. Tôi nói với cậu liên lạc: không ra đánh là chết hết. Vừa dợm chân ra thì 
một trái B40 nổ ngay cửa hầm hất mình trở lại. Nhìn thấy miệng cậu liên lạc mấp 
máy,  tôi  hét lên: “Tao còn sống,  đánh!”.  Ra khỏi  hầm,  thấy hàng chục nóc nhà 
đang bốc lửa. Một nhóm bộ đội đang vác khẩu cối 82 chạy ra phía sau. Long hét: 
“Dựng nòng, bắn cấp tập”. Hô xong vẫn không nghe tiếng cối, Long quát: “Không 
bắn, tao bắn tụi bây bây giờ”. Quát xong nhìn lại, thấy miệng khẩu cối chớp liên 
tục, anh em không kịp gá chân, cứ thế dựng nòng, thả đạn. Khi ấy, Long mới biết 
tai mình đã điếc. 
Chạy xuống Trung đội 1, thấy một chiến sỹ bị thương lòi ruột, anh em đang lấy 
bát úp bụng băng lại. Ở Trung đội 2, Trung đội trưởng Nê bị một viên đạn xuyên 
qua ngực, chết trong khi tay ôm chặt một chiếc gối hồng. Đại đội trưởng Long giật 
mình. Chỉ hai ngày trước, khi nhìn thấy chiếc gối, Long đùa: “Ai tặng đây?”. Nê tự hào: 
“Người yêu em tặng. Có chết em cũng sẽ ôm theo chiếc gối”. Người yêu của 
Nê là một cô gái người Khmer mới quen. Người lính có mặt trong giờ phút trung đội 
trưởng Nê hy sinh kể: “Anh ấy đang chỉ huy thì khựng lại, máu rỉ ra từ một vết nhỏ 
trên ngực. Ngay lập tức anh ấy bảo em vào hầm lấy chiếc gối, rồi ra lệnh: Bắn! Anh 
ấy ôm chặt chiếc gối cho đến khi mặt tái lại và lịm dần”. 
Trời sáng, lực lượng Khmer Đỏ rút  lui.  Ở Trung đội 3, hai người lính đang cố 
gắng để nâng xác một đồng đội bị B40 xé nát một mảng lưng. Lửa vẫn cháy ở gần 
như tất cả những ngôi nhà của đại  đội.  Ba người   lính hy sinh,  ba người khác bị 
thương. Xác anh em được đưa về Sở Chỉ huy. Long lấy khăn lau mặt cho từng tử sỹ 
rồi đợi xe bò của người Khmer vào đưa xác những bộ đội xấu số lên trung đoàn. 
“Đêm khô như tiếng mõ trâu / Rừng khô như tờ bánh tráng / Trời không một tia gió 
thoảng”565
. Mùa khô ở Campuchia, đất sắt lại, phải hai ba người đào một ngày mới 
được một cái huyệt để chôn đồng đội. 
Ngay cổng chính, xác một lính Khmer Đỏ bị bắn chết khi đang vác khẩu B40 với 
viên đạn đã sẵn sàng nhưng chưa kịp bắn. Trên lưng hắn ta còn sáu quả đạn. Tiếng 
AK
“bụp” phát một mà Long nghe khi vừa trở về chỗ nằm là của người lính mà anh 
vừa gặp khi đi đốc gác. Nếu anh bộ đội để cho tên lính Khmer Đỏ mang bảy quả 
B40 ấy lọt qua hàng rào thì thế trận có nguy cơ vỡ. Đêm ấy, lực lượng Pol Pot chỉ 
tấn công ba mặt, chừa một mặt để, nếu “bộ đội 12” bỏ chạy, sẽ rơi trọn vào bẫy 
phục kích của chúng. Đấy là trận tập kích khốc liệt nhất của Khmer Đỏ vào nơi đóng 
quân của “bộ đội 12” nhưng không phải là trận đánh duy nhất. Thượng úy Long đến 
Mặt trận 479 tháng 5-1986, từ đó cho tới giữa năm 1987 anh chỉ huy đơn vị phản 
công, phục kích và truy kích Khmer Đỏ tổng cộng sáu mươi tám trận.

 Trong khi chờ dợi chị Hương Rừng hồi tưởng về ký ức để mọi người được nghe về một khía cạnh khác của người lính chiến trường K, duc thao xin tạm có vài dòng để cùng các anh em E4 xác định lại phum không tên trong câu chuyện ngày đó.

   Qua những gì anh H3 Hùng và anh phumkoten lược kê ra, duc thao có thể xác định phum không tên mà các anh đề cập nó nằm ở hướng bắc khu vực đoạn dốc đi vào gần Mo hơn, cách Mo hơn theo đường chim bay khoảng tầm gần 4 km về hướng bắc, đông bắc, gần mỏ vẹt hơn.

    Về địa chất, đoạn đường từ Kôp vào Mo hơn_ Cao mê lai là đất thịt, mùa mưa đi rất dính, một vài chổ xen lẩn đất cát pha thịt, nên màu đất đa phần là đen hoặc trắng. Tuy nhiên, tính từ dốc đi vào như trên đã nói, có một con đường sỏi đỏ bỏ hoang khá lâu. Khả năng con đường nầy được làm từ thời Si ha nuc hoặc trước đó, nhằm thông thương với Thái lan hoặc khai thác lâm sản. Dọc theo con đường nầy hai bên có nhiều hồ nước nhân tạo, vuông vức mỗi bề có chổ hàng trăm mét. Đất được be bờ xung quanh. Địa hình khu vực nầy rậm về hướng tây và bắc, còn hướng đông, đông bắc có một trảng tranh khá rộng, chạy dài gần đến mỏ vẹt, tiếp giáp với con đê cầu 20 chạy ra. Nếu cắt về tây bắc một chút nữa, ta sẻ bắt gặp một rừng cây dầu do con người trồng rất thẳng hàng từ thời Si ha nuc, xen kẻ bên trong là nhiều cây bằng lăng ổi cổ thụ, mùa ra hoa tím cả một vùng rất đẹp. Khu vực nầy đúng là có một phum bỏ hoang với rất nhiều chén dỉa kiểu bể nát, nên chúng tôi còn gọi là phum chén.

   Có thể những ngày đầu mới giải phóng, các đơn vị của ta phải hoạt động truy quét khắp khu vực nên E4 mới lùng sục quanh khu vực nầy. Còn sau nầy do không đủ quân, ta chỉ co cụm về bảo vệ trục đường chính, khu vực nầy không đơn vị nào đóng quân.

   Đối với tiểu đoàn chúng tôi, khi rút khỏi Cao mê lai về đứng chân tại Mo hơn, khu vực nầy cũng là một trọng điểm về tác chiến. Các toán xâm nhập của pot làm nhiệm vụ ra cài mìn, phục kích dọc trục lộ, tập kích cầu 20... thường tập kết tại khu vực nầy trước khi hành động. Đây là nơi mà tiểu đoàn chúng tôi thường xuyên chạm địch trong những lần hoạt động phục kích, diệt được vài chục tên địch. Nhưng có lúc do quân số chúng quá đông, cả đội hình phục bị chúng truy đuổi ra đến tận trục đường.


Truyện của thượng úy Long c trưởng c11 e4 kể theo tôi là chính xác. Chính xác đến từng chi tiết như chuyện anh kể về trận c13 bị xóa sổ: 40 tay súng tham chiến chỉ sống sót duy nhất 1 người. Người đó tên là Châu quê Tân Uyên, Bình Dương. Anh này mắt lúc nào cũng đỏ chực khóc khi nhắc lại chuyện xưa. Tôi gọi là Châu mắt đỏ. Trận đó có nhắc đến tên anh Thụ. Thụ nguyên đại đội trưởng c13 từng là lính của poipet1979. Năm 1983 khi poipet1979 phục viên thì thì đôn Thụ lên chỉ huy cấp trung đội, đến năm 1986 lên làm c trưởng c13 là đúng trình tự thăng tiến trong quân ngũ rồi. Đại phó c13 trận đó là Nguyễn Văn Bé Tám, lính Đồng Tháp nhập ngũ 82, là lính trong trung đội tôi và ông Thư già. Sau một thời gian ngắn làm lính trong trung đội, Bé Tám được rút lên làm liên lạc đại đội, sau được cho đi học sỹ quan, năm 1986 làm c phó c13. Đại phó Nguyễn Văn Bé Tám cùng đại trưởng Thụ và 37 cán bộ chiến sỹ nữa hy sinh trong trận đánh Pốt ở huyện Phnum Xroc.

 VIẾT THEO CÂU CHUYỆN CỦA CHỊ HƯƠNG RỪNG VÀ ANH D32 F5 (TT). 

   Gần thời điểm cái tết 1980 bước qua 1981, lúc nầy lệnh trên là ta phải tiết kiệm nguồn nước tối đa, một nguồn nước vốn đã rất thiếu thốn, được ngăn bằng một khúc suối để giữ nước lại sinh hoạt cho cả tiểu đoàn, bây giờ đã sắp cạn. Lính mới chúng tôi bây giờ không còn nói chuyện ưu tiên 3 ngày được tắm 1 xô nước nữa, mà phải tập sống như các đàn anh. Vì vậy bắt đầu anh em bức rức quá mới nghĩ ra cách tắm khô, cách tắm mà không biết có đơn vị nào giống hay không. Tắm khô đúng nghĩa, là không có giọt nước nào. Đợi nắng lên cao ngang đầu, kiếm một chỗ trống ra ngồi phơi một chút. Khi nào thấy nóng nóng mới bắt đầu trùm ni lon đi mưa lên toàn thân. Cứ vậy mà ngồi cho mồ hôi trong người chảy ra, xong tung ni lon lấy vải lau khắp một lượt cho bớt cáu bẩn, dĩ nhiên là tư thế người tắm phải giống như lúc mẹ mới sinh ra. Tuy nhiên không phải ai cũng tắm được kiểu tắm nầy, bởi vậy căn bệnh lác bắt đầu hoành hành dữ dội, người ai từ quan đến lính lúc nào cũng bốc ra một mùi đặc trưng, tanh tanh rất kỳ cục. Cái mùi nầy cứ tăng nặng lên theo số lượng người có mặt đang ngồi với nhau.

   Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước uống, môi trường lại khắc nghiệt, ban đêm phải chịu đựng một cái lạnh khủng khiếp của khu vực núi đá, căn bệnh sốt rét lại có điều kiên hoành hành. Quân số ốm trong đơn vị ngày càng tăng, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đơn vị, chỉ có cái là nếu sốt thường vẩn phải cố gắng gác đêm nên mặt nầy cũng đỡ. Có lúc chợt nhìn trong đội hình đơn vị như một trung tâm an dưỡng, với những thân hình tái xanh, chống gậy đi khật khưởng như muốn té. Thỉnh thoảng nghe tin có một ai đó bị cơn sốt ác tính cướp đi. Hoạt động bung ra của ta trở nên yếu, đồng nghĩa với hoạt động bu bám của địch tăng lên. Chúng tăng cường tập kích liên tục, khi hướng nầy, khi hướng khác. Nhưng hoạt động nầy của chúng thật ra không gây thương vong cho ta nhiều, chỉ làm cho tư tưởng lính ta thêm căng thẳng mà thôi. Sợ nhất những lần anh em đi hoạt động ngoài địa hình, bắt đầu xuất phát cho đến khi trở về an toàn mới thấy yên chí. Còn anh em đi khỏi một chập, nghe tiếng mìn nổ, rồi tiếng súng bắn liên lạc xin chi viện là thấy lên ruột liền, dù không biết anh em vướng mìn thương vong ra sao. Vậy mà có lúc một chút sau lại nghe tiếng anh em vướng mìn tiếp tục.

    Nhưng tất cả những gì phải chịu đựng lúc nầy cũng không sợ bằng những bế tắc về đường ra vô, cơ động chi viện khi cần thiết. Vì địch bắt đầu tiếp cận ngày càng gần, cường độ quy mô các trận tập kích tăng dần lên, mìn bẩy bắt đầu được chúng cài dầy đặc. Ngay cả máy bay ta vào chuyển thương tử cũng không thể dể dàng, khi mà tất cả mọi đường bay chúng đều bố trí súng phòng không 12 ly 7 bắn đón. Thời điểm nầy tất cả chúng tôi chiều tối đều phải ra ngủ rải rác ngay tại chiến hào, đề phòng địch bất ngờ đánh lớn. Mọi người bổng trở nên ít nói chuyện với nhau hơn, khuôn mặt ai cũng trở nên căng thẳng.

   Bất ngờ bước qua khoảng gần giữa tháng đầu năm 1981, đơn vị chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị bàn giao cho D3 vào thay, rồi rút ra Mo hơn bằng cách cắt rừng. Lệnh nầy chỉ triển khai đến chiến sĩ trước đó một ngày, nhưng chỉ cần bao nhiêu đó cũng đủ cho chúng tôi hoàn thành xong mọi công tác chuẩn bị.

   Buổi sáng hôm đó ngay từ rất sớm, khi sương mù còn chưa tan hết, từ hướng Mo hơn chúng tôi bắt đầu nghe từng tràng 37 ly bắn liên tục trên trục đường. Tin trên thông báo sư đoàn đưa cơ giới vào để kéo 2 khẩu pháo ra. Mở đường là 2 xe thiết giáp M113 kéo theo 2 khẩu pháo 37 bắn liên tục suốt về hướng bắc trục đường. Lực lượng bộ binh nghe phổ biến có 1 D đặc công của sư đoàn theo yểm trợ. Ngoài ra các lực lượng trên suốt trục đường phải bung ra thông đường, chốt phục liên tục. Riêng đơn vị chúng tôi nằm lại chờ D3 hành quân vào thay và các lực lượng rút ra hết mới được xuất phát.

   Cuối cùng thì đơn vị chúng tôi cũng được xuất phát, rời xa vùng đất nhiều ấn tượng nầy. Công tác bàn giao giữa hai đơn vị rất nhanh. Đã có tin thiệt hại đầu tiên bởi vài vụ bị phục kích trên đường, trong đó nặng nhất là đơn vị đặc công của sư. Một đồng chí đang hành quân trên đường thì bị địch giật mìn bị thương nặng. Do đồng chí nầy rên la lớn quá, một chỉ huy tiểu đoàn liền chạy lên bị địch giật tiếp trái thứ hai hy sinh tại chỗ. trước đó D3 chúng tôi thông đường hay bị địch áp dụng kiểu giật nầy, cũng là kiểu phục giật sau nầy D2 chúng tôi hay gặp phải. Ngoài ra khi vừa xuất phát có 7 đồng chí D7, Q16 từ cầu cháy chạy vào hành quân cùng đội hình chúng tôi. Những đồng chí nầy làm nhiệm vụ đốt nhà trong khi đơn vị đang rút. Nhưng khi đốt xong đơn vị rút mất rồi, nên họ không dám chạy theo đội hình mà chạy ngược vào hướng chúng tôi, đủ thấy con đường đó gây nên nổi sợ hải cho lính ta cỡ nào. Rất nhiều khó khăn, gian khổ phía trước khi phải cắt rừng rời khỏi Mê lai, nhưng trước mắt cứ rời xa nó càng xa càng tốt cái đã.

CÂU CHUYỆN VIẾT TIẾP....

     Hơn mười cây số đường chim bay theo bản đồ, mà đơn vị phải cắt rừng ròng rả hai ngày mới tới điểm. Trinh sát đi đầu cứ phải cắt tránh các đường mòn mới hoạt động của địch và các bãi mìn nên càng ngày càng đi về hướng nam khá xa. May cho các đơn vị hỏa lực chúng tôi là lúc nào cũng đi giữa đội hình, nên dẫu sao con đường hành quân phía trước đã được anh em đi đầu mở ra khá rộng. Nhưng với độ rậm rạp của rừng Cao mê lai lúc đó, có nhiều đoạn gần như phải trườn qua chứ không tài nào đi thẳng lưng. Các bộ phận hỏa lực thì người trước quay ngược lại kéo, người sau thì dùng hai tay đẩy lên, trong cự ly đến hàng trăm mét. Thế nên qua được rồi bộ binh phía trước đã vận động khá xa, lại dắt díu nhau chạy lên để bắt kíp đội hình phía trước. Mệt không tả nổi, thở không ra hơi, nhưng chẳng ai còn sức đâu mà than vãn, chỉ nghĩ làm sao nhanh chóng về được Mo hơn. Đây lại là một cuộc hành quân chuyển cứ, tất cả đều phải mang theo không bỏ lại gì. Tốp lính hỏa lực chúng tôi ngoài quân tư trang, vũ khí cá nhân còn phải vác theo một bộ phận hỏa lực của b mình nữa. Định lượng nước uống vì thế cũng không mang được nhiều, trung bình chỉ được thêm tối đa một can bốn lít. Với thời tiết khô hanh và tốc độ hành quân khẩn trương trong địa hình rậm rạp, lượng nước tiêu thụ ngày đầu đã muốn hết cơ số mang theo, vì đa phần anh em không có phương tiện đựng nước, chỉ mang theo được chừng 2 lít. Nên bắt đầu ngày hành quân hôm sau đã có những anh em xin xỏ nước uống lẩn nhau rồi. 

    Rừng Cao mê lai là như vậy, với ai đến với nó bằng hình thức cắt rừng tránh trục lộ, cũng sẻ có hai lần phải chịu đựng tình huống nầy. Nhưng rồi nếu cố gắng dìu dắt nhau, anh em sẻ qua khỏi. Sợ nhất là cắt lạc rừng, nếu xảy ra tình huống nầy, một sư đoàn cũng sẻ chết khát hết vì đuối sức, do cả một diện tích rừng mênh mông vào mùa khô không tìm đâu ra nguồn nước.

   Cuối cùng mờ chiều ngày thứ hai đơn vị chúng tôi đã về đến chốt c5. Từ đó, chúng tôi theo trục lộ 2 km nữa là về đến Mo hơn để nhận cứ. Thấy anh em cắt ra ai cũng đuối sức vì khát nước, chốt c5 liền mang ra mấy thau nước liền. Duc thao thấy vậy liền dừng lại chờ xin ngụm nước cho đỡ khát. Nhiều bậc đàn anh khuyên nên đi tiếp vì về gần đến cứ rồi, uống nước nhiều sẻ đi không nổi. Nhưng lúc nầy những thau nước mát vẩn hấp dẩn hơn. Phía sau anh em vẩn lầm lủi hành quân lên. Bất ngờ nghe một tiếng nổ khô khốc vang lên, một chớp lửa ngay trong đội hình b cối duc thao đang đi trên đường, cách chốt c5 chừng 300m. Đã vậy chúng tôi còn nghe tiếng thằng pot vừa mới giật mìn rú lên khoái trá trong mí rừng hướng bắc lộ. Lập tức các loại súng của ta thi nhau nả đạn về hướng đó, sáng rực trong ánh hoàng hôn. Bắn vì hốt hoảng có, vì tức giận có và vì nhẹ bớt lượng đạn cũng có, tạo thành một chuỗi âm thanh chát chúa kéo dài, náo động vang dội trong rừng, cho đến khi tiểu đoàn ra lệnh dừng bắn. Trước sự phản ứng nầy, bọn pot lập tức nín khe. Kết quả một đàn anh lính 78 mang chân súng cối 82 hy sinh tại chổ.

   Đây có thể là trường hợp đầu tiên đơn vị chúng tôi hy sinh trên trục lộ nầy khi mới về đảm nhiệm địa bàn nầy. Đây cũng là lần chạm trán đầu tiên của cả hai đối thủ, nhưng trên hết là tín hiệu báo cho đơn vị chúng tôi biết trước những hy sinh, ác liệt mà cả tiều đoàn chúng tôi sẻ phải chịu đựng suốt thời gian còn lại cho đến cuối năm 1984 ở địa bàn nầy.



CÂU CHUYỆN VIẾT TIẾP...

    Đây là một phần mà duc thao và nhiều anh em ngày đó muốn quên đi, nên trong những bài viết trước chỉ đi phớt qua chứ không đi vào chi tiết. Giờ cũng đang trong thời điểm của ngày xưa, phút giao mùa từ mưa sang khô, ký ức lại ùa về khó quên được. Duc thao cũng đã làm tròn tâm nguyện, cùng đồng hương Chánh tìm gặp hầu hết nơi yên nghĩ của những anh em đồng đội hy sinh trong thời kỳ nầy, từ khắp các nghĩa trang Liệt sĩ thành phố, Bình dương, đồng nai, Vũng tàu...để thắp cho anh em một nén nhang tưởng niệm một trong những thời điểm thương vong, ác liệt nhất của đơn vị của mình.

   Sau một thời gian di chuyển thay đổi đội hình và cũng cố lại, đội hình E2 CAVT (688BP) F5 được bố trí như sau : E bộ chuyển ra phum Diêng, ngã ba con voi thay chân cho E bộ E4 chuyển sang khu vực khác. D2 chúng tôi đảm nhiệm khu vực Mo hơn, D1 vẫn bố trí ngay rừng tre, D3 đứng chân tại Cao mê lai như củ. Như vậy E2 chúng tôi phải đảm nhiệm đội hình trên suốt tuyến biên giới, từ mỏ vẹt đến Cao mê lai, dài trên 30 km, mỗi đơn vị cách nhau trung bình trên dưới 10km.

   Cũng đang trong thời điểm điều chỉnh đội hình nầy, trong phiên họp đầu triển khai nhiệm vụ, toàn tiểu đoàn chúng tôi phải quyết tâm cũng cố cho được căn cứ Mo hơn thành điểm phòng ngự vững chắc để đối phó với tình hình mới. Nhiệm vụ thứ hai cũng không kém quan trọng là đảm nhiệm thông suốt và chốt giữ toàn bộ tuyến trục lộ từ Mo hơn đến địa bàn D1, đảm bào an toàn đường vận chuyển cơ động cho các đơn vị đứng chân phía trên, nói gọn lại là phải đảm nhiệm thông đường, chốt giữ toàn bộ cái gọi là "Đại lộ kinh hoàng".

   Bây giờ chỉ còn lại mỗi E2, các đơn vị trước đây hoạt động chung đã được điều động sang các hướng khác. Cho nên dù còn mơ hồ về tình hình nhiệm vụ đối với anh em chiến sĩ, cả đơn vị vẩn tích cực lao vào công tác cũng cố trận địa cho thật hoàn chỉnh và vững chắc, để chuẩn bị đối phó với tình hình địch ngày càng mạnh lên thêm.

  Mo hơn trước đây vốn dĩ là một căn cứ nằm ở phía sau, rất ít khi bị pot tập kích, thậm chí ban đêm còn xài máy phát điện để thắp sáng đến 9, 10 giờ đêm. Chính gì thế đội hình cũng chưa hoàn chỉnh, hầm hố, trận địa khá sơ sài. Giờ để đảm bảo hầm hố, công sự phải đảm bảo chịu được pháo 105 mm như trên quán triệt, chúng tôi biết rằng đơn vị phải bỏ sức ra rất lớn và mất nhiều thời gian để hoàn thiện mọi thứ theo yêu cầu. Vì thế cho nên những ngày nầy bắt gặp cả cán bộ c phải xoay trần ra cưa cây, vác gổ, đào đắp với lính là không hiếm. Khối lượng đất đào là rất đáng kể, ngay cả cây làm hầm, mới đầu vừa về, mí rừng ở sát bên, mà chỉ thời gian ngắn sau, đã lùi xa ra khỏi tuyền duyên chúng tôi gần trăm mét. Đặc điểm mùa mưa ở Mo hơn nước thường lên quá gối, nên các hầm trú ẩn ở đây phải làm kiểu nửa nổi, nữa chìm theo hình chữ A. Nổi cho mùa mưa, chìm cho mùa khô, nên lượng đất đào đắp ở mỗi hầm rất lớn. Nhất là như ở c hỏa lực của duc thao, phải xây dựng các trận địa và một số nhà ở, trận địa mới cho phù hợp với địa hình. Chỉ có mỗi chuyện vận chuyển ra E là còn khá thuận lợi, vì đầu sao xe E và Sư còn vào được để chuyển tử thương và tiếp liệu, công việc bình thường tốn sức người rất nhiều.

    Việc phải song song tiến hành là thông đường và chốt chặn từ Mo hơn lên D1. Kể từ khi các lực lượng khác rút hết khỏi khu vực, mức độ đi lại trên đường cũng giảm nhiều, chỉ còn từ D1 thỉnh thoảng mới có đoàn tải thương tử, hay hội họp đi về phía sau. Nhưng đánh hơi sợ ta nghi binh mở chiến dịch, pot lại tăng cường gài mìn, phục kích, đưa những đoàn cắt ngang thâm nhập về phía sau để thăm dò đánh phá. Chính vì thế, thương vong dù có ít hơn do ta hạn chế đi lại, nhưng mật độ mìn gài bẩy của chúng ngày càng trở nên dầy đặc, các toán nhỏ phục kích của chúng trên trục đường có vẻ cũng nhiều hơn.

    Quán triệt nhiệm vụ ban đầu của tiểu đoàn là 3 c bộ binh sẻ phải bung ra trinh sát thực địa, hoạt động phục kích, bám nắm địch đề phòng chúng áp sát từ những căn cứ nằm ở hướng bắc, tây bắc bất ngờ đánh ta. Còn nhiệm vụ thông đường sẻ do c8 hỏa lực và D bộ đảm nhiệm, thay phiên nhau một ngày từ 5 đến 7 tay súng công tác.

     Thú thật đã từng công tác ở khu vực mìn trái nhiều như Cao mê lai, nơi có núi rừng trùng điệp. Tầm quan sát hạn chế, chúng tôi ai cũng sợ mìn. Nay về khu vực nầy công tác, dù cũng có chỗ rừng khá rậm tiếp cận, nhưng nhìn quảng đường thoáng, rộng trước mặt chúng tôi có phần nào chủ quan. Và chính vì thế, những ngày đầu làm nhiệm vụ thông, chốt đường,chính chúng tôi phải trả giá chứ không ai khác.



CÂU CHUYỆN VIẾT TIẾP...

   Không nhớ rỏ lắm hôm đó là ngày bao nhiêu, nhưng khung cảnh của một buổi sáng đầu mùa khô cận tết yên bình, sương giăng nhè nhẹ, man mát rất dể chịu làm lòng người khó quên được. Sau một đêm ngủ ngon, cái mệt mõi của cả ngày đào đắp hôm qua dường như tan biến hết, đúng là sức thanh niên thật mạnh mẻ.

   Sáng hôm nay tổ thông đường đầu tiên làm nhiệm vụ bắt đầu. Kể ra thì dài dòng, nhưng thời điểm nầy cả đơn vị mới đứng chân chưa lâu lắm. Lực lượng đi gồm 7 tay súng, mang theo 2 hỏa lực, do cán bộ c8 chỉ huy chung. Vừa tranh thủ cơm sáng xong, số anh em làm nhiệm vụ tranh thủ tập trung ra trục đường để nghe quán triệt và triển khai công tác. Mọi việc rất nhanh chóng vì chúng tôi đã quen làm nhiệm vụ trên tinh thần tự giác của mình. Hôm đó không rớt vào lượt duc thao, nhưng căn cứ vào quân số phân công thường xuyên, chừng 3, đến 4 lượt thì sẻ đến lượt của mình. Buổi sáng đó anh em đi công tác với tinh thần thoải mái lắm, còn cười đùa trêu chọc nhau loạn cả lên. Tinh thần là thông đường xong, tìm vị trí nào thuận lợi chia ra 2 tổ để chốt quan sát đến chiều rút về, nên mỗi người được anh nuôi chuẩn bị cho một nắm cơm vắt và nước uống. Khi tổ thông đường bắt đầu xuất phát đi, còn lại đơn vị anh em theo sự phân công lại làm công tác cũng cố hầm hào tiếp tục. Từ ngang D bộ lên cuối đội hình, chỗ giáp nhau giữa c5 và c6 là tầm 600m. Qua đoạn chiến hào cuối cùng về hướng tây 2 km nữa là đến chốt c5, đoạn nầy có thể đi nhanh một chút, mặc dù không mấy an toàn, nhưng thông thường cũng mất trên 30 phút. Bắt đầu qua khỏi chốt c5  đi về hướng tây, chốt D1 là bước vào đại lộ kinh hoàng, tốc độ đi sẻ rất chậm do bắt đầu bước vào khu vực nguy hiểm, thì tùy theo các đoạn trống trải hay rậm rạp, mà người đi đầu sẻ quyết định tốc độ đi để làm sao thông hết tuyến đường đảm nhiệm trong thời gian ngắn nhất, rồi chọn điểm phục chốt lại quan sát, bảo vệ. Một nữa tuyến đường phụ trách của chúng tôi thường là 5 km. Có một số đoạn mí rừng cách trục lộ khá xa, cả 200m, nhưng nhiều đoạn chỉ cách biên giới Thái chừng chưa đến 1 cây. Phân biệt ra thì để trấn an về tâm lý gần xa, nhưng thật sự toàn bộ tuyến biên giới nầy ngoài trục đường có quân ta chốt chặn, còn lại là bỏ ngỏ toàn bộ do không có quân nên nơi nào pot cũng có thể thâm nhập được.

   Chừng mặt trời lên hơi cao cao một chút, giữa lúc toàn đơn vị ai cũng tập trung vào công việc của mình, bất chợt chúng tôi nghe một tiếng nổ "oành" về hướng anh em đi thông lộ. Không ai bảo ai, tất cả đều ngừng công việc nhìn về hướng đó đầy lo lắng, chờ đợi tiếng súng báo hiệu vướng mìn.Năm, rồi mười phút trôi qua không nghe thấy. Tưởng chừng như có thể thở phào lại nghe tiếp tiếng "oành"thứ hai. Lần nầy tiếp theo sau là ba tiếng bắn tắc cú quay về hướng chúng tôi. "Đ...mẹ, vướng mìn rồi...", tiếng ai đó la lên, cả đội hình nhốn nháo. Tiếng chỉ huy vang lên :" Tất cả bình tỉnh, mỗi b cử 3 đồng chí, do cán bộ b ... chỉ huy, mang theo võng, dao vận động lên chi viện". Anh em lập tức chạy rần rần về nhà, cán bộ b phải ra lệnh cắt cử mọi người mới chịu dừng lại theo sự phân công. Nói thật nghe thấy mìn nổ, tâm lý ai cũng hoang mang, lo sợ. Nhưng tình cảm anh em với nhau sâu đậm quá, ở nhà nghe ngóng tin tức thì nóng ruột, ai cũng không cam lòng. Nên khi anh em chi viện đi rồi, số còn lại tiếp tục công việc, nhưng chẳng ai còn khí thế.

    Gần 2 tiếng đồng hồ sau, anh em mới khiêng 2 cả tử về đến đội hình. Hai thân hình lặc lè trên võng thấm đẫm máu. Chúng tôi bỏ hết công việc để ra xem, một việc mà hiện tại còn làm được, do địch chưa nống xuống tập kích dưới nầy. Còn sau nầy, cơ hội đó gần như là không thể. Theo lời anh em kể lại, tổ thông đường sau khi qua chốt vẩn an toàn. Nhưng đi thêm 1 km nữa thì bất ngờ ngang giữa đội hình, ngay vị trí đồng chí vác B40 bị địch giật một trái, hy sinh ngay tại chỗ. Đội hình lập tức dừng lại quan sát, chừng không thấy gì một đồng chí phía sau vận động lên xem tình hình thì địch lại giật tiếp một quả, lại hy sinh tiếp tục.

    Thời điểm đó bọn pot cũng chưa thật sự cứng cỏi lắm. Dường như chúng vẩn sợ ta phản ứng, hoặc truy đánh nên thường chúng chỉ dám gài giật hai trái rồi rút lui, chứ nếu không thì thiệt hại có lẻ nhiều, Do là anh em ta cũng mang tâm lý chờ đợi như vậy. Hể cứ thấy chúng giật đủ hai trái là vận động lên bình thường, giống như mìn đã mở sạch cửa mở rồi vậy.

    Chưa hết, khi chúng tôi còn đang bàn tán với 2 ca tử, thì phía trên lại nghe thêm một tiếng "oành" khô khan và 3 phát súng nổ nữa. Bộ phận còn lại 5 đồng chí tiếp tục thông đường lại bị mìn thương vong tiếp tục một đồng chí nữa. Ngày hôm đó với 3 ca tử sĩ, chúng tôi loay hoay vừa chi viện lên cáng về, vừa khâm liệm đưa đi đến gần quá trưa mới xong, tất cả mọi công việc còn lại bị đình trệ hết. Thật là một ngày khởi đầu đáng buồn. Đây cũng là sự kiện báo hiệu đơn vị chính thức nếm trãi trên cái gọi là "Đại lộ kinh hoàng " như tên gọi của nó.

CÂU CHUYỆN VIẾT TIẾP...

  _ Ngày thứ hai : 1 ca tử của c8 vì bị giật mìn khi thông đường, 2 ca thương của các c bộ binh hoạt động chạm địch hướng bắc gần sát biên giới Thái...

  _Ngày thứ ba : 2 ca tử do bị giật mìn khi thông đường...

   Thời điểm nầy chưa thấy xuất hiện mìn 652 a, hướng chúng tôi cũng ít gặp mìn K58 đạp nổ, bọn địch hầu như chỉ sử dụng một loại mìn KP2 cho cả gài giật, vướng và đạp nổ. Nên hầu như anh em trúng mìn đều bị hy sinh, ít có trường hợp bị thương lắm. Vài trường hợp bị thương nặng, thì cũng không ra được đến phẫu trung đoàn. Chính vì lẻ đó nhà xác tiểu đoàn lúc nào cũng có khách. Cao điểm có lúc nằm trong đó đến 6 anh em.

  _Ngày thứ tư :

    Rồi cũng đến lượt duc thao làm nhiệm vụ. Lần nầy quân số rút lại chỉ còn 5 tay súng, chứ không được 7 như những ngày đầu, do đơn vị bắt đầu phân tán vì các khẩu đội phối thuộc và trên xét lại thấy không cần thiết phải đi đông. C8 phụ trách chung với 4 tay súng, còn D bộ 1 đồng chí ở a thông tin hữu tuyến do ít người. Riêng b cối 82 thì duc thao được phân công mang theo hỏa lực B40 làm nhiệm vụ.

   Lúc nầy thú thật là anh em chúng tôi đều biết là làm nhiệm vụ thông đường đồng nghĩa với việc làm bia cho pot giật chứ không có nghĩa gì khác. Và nếu cứ như thế nầy thì đến chừng nào tới lượt mình bị giật mà thôi. Không hiểu cấp trên tính toàn thế nào, chứ ta thì gần như hoàn toàn bị động. Rừng thì mênh mông, tất cả những vị trí địch ẩn nấp hầu như không quan sát được. Kể cả lúc chúng giật ta thương vong rồi, còn chưa biết chúng đang nằm đâu. Trong khi đó toàn bộ đội hình ta đều bị bộc lộ trên đường, và thằng pot nắm dây mìn, tùy hứng muốn giật ai thì giật. Đường giới hạn vận động của ta thì gần như dọc sát trục lộ. Thông thường các vị trí chúng ra gài được chúng gài phong tỏa mìn hai bên rất nhiều, chỉ cần ta nống vào một chút là vướng mìn ngay lập tức. Đã vậy thông thường hướng bên kia đường chúng cũng gài bẩy không cho ta dạt vô. Nói chung, làm nhiệm vụ thông đường đối với chúng tôi lúc nầy chẳng khác nào đi vào cỏi chết.

   Dù đã tính trước lượt của mình, thú thật chiều hôm đó nghe giao ban phổ biến nhiệm vụ, tai duc thao như ù đi không nghe được gì hết. Một chút sau bình tỉnh trở lại, hỏi lại khẩu đội trưởng một lần nữa duc thao mới chắc chắn mình không nghe lầm. Đi vào chỗ chết, có thể dựa vào yếu tố may rủi để tồn tại, khi hy vọng thằng địch sẻ ít chú ý đến mình. Nhưng nếu mang hỏa lực, sự hy vọng gần như còn bằng không, vì đó là mục tiêu địch hay giật nhất. Cho nên, giờ mình chỉ còn tin vào bản lỉnh của mình là tốt nhất. Nhận nhiệm vụ xong, việc đầu tiên là duc thao kiểm tra toàn bộ cơ số B 6 trái trong giàn và trong súng. Trái nào có hiện tượng hạt lửa ẩm mốc, liều phóng bong tróc là duc thao tìm cách đổi ngay. Để đảm bảo nếu phải nổ súng thì không trái nào bị lép cả. Cũng cần nói thêm, là từ lúc vô lính đến giờ, duc thao chưa hề được bắn một trái B nào cả. Trước đó chỉ học sơ qua lý thuyết ở quân trường, nên chưa hình dung bắn B sẻ ra sao. Nhưng duc thao lại có tính mạnh dạn học hỏi, nên sau đó lập tức gặp mấy đàn anh thường xử dụng thành thục loại hỏa lực nầy để hỏi những gì mình chưa biết và xem các anh thực hành một số thao tác để nắm thêm. Đêm đó duc thao được phân công gác ca đầu, lại được chính đàn anh b trưởng ra ngồi cùng nho nhỏ hướng dẩn một số kinh nghiệm mà anh đã trãi qua.

   Sáng hôm sau, với một chút tự tin học hỏi được, duc thao bắt đầu cùng anh em tập trung nghe quán triệt để làm nhiệm vụ. Một yếu tố xui rủi nữa là do có 5 người, nên cán bộ phụ trách phân công hỏa lực và AK đi xen kẻ với nhau. Trong đó khẩu B40 của duc thao đi vị trí thứ 2, vị trí hay bị giật nhất. Có thể lúc đó có ai để ý sẻ thấy khuôn mặt duc thao tái xanh, duc thao thầm nghĩ như vậy. Nhưng rồi cũng phải lên đường, không còn thời gian suy nghĩ về điều gì khác nữa. Năm con người, còn đi trong đội hình an toàn chắc là mang năm suy nghĩ, tâm trạng khác nhau. Cố đi chầm chậm để kéo dài thời gian bước vào tử địa. 

   Nhưng rồi chậm cở nào thì cũng đến lúc bước đến tuyền duyên, chuẩn bị ra khỏi đội hình. Đồng chí phụ trách bắt đầu la lên :"  Tất cả chú ý, quan sát cẩn thận, đi thật thưa ra". Lệnh lúc nầy có vẻ hơi thừa, vì không có mọi người cũng tự giác làm như vậy. Duc thao còn nhớ người chỉ huy hôm đó là anh Giang, cán bộ b DKZ. Anh là một người có tính khá kỷ lưởng và cẩn thận, nên miệng cứ nhắc thường xuyên, sợ anh em chủ quan không quan sát. Lúc nầy bắt đầu duc thao thực hiện theo lời b trưởng chỉ dẩn. Đầu tiên lấy ra chiếc áo rời đã chuẩn bị khoác lên toàn bộ liều b trên dàn. Sau đó quay đầu quả B40 trong nòng chỉa xuống đất, súng cặp sát hông. Như vậy với khoảng cách từ 100 đến 200m, pot có thể không phân biệt là người đang mang AK hay B40. Quy định không bắt buộc phải mang vác B trong tư thế nào, chỉ cần khi chạm địch là phải bắn được, nên không ai làm gì khi thấy như vậy cả. Bắt đầu qua chốt c5 ngay cả anh phụ trách cũng trở nên yên lặng, cứ liên tục quan sát hai bên. Mà lúc nầy anh có nhắc thì chưa chắc anh em nghe được, vì giản cách cự ly của anh em chúng tôi đã khá xa rồi. Địa hình rậm, mỗi người cách nhau 50 m, thưa gần 100m. Cho nên, dù chỉ 5 người nhưng đ/c đi đầu cách đ/c đi sau cũng khá xa.

   Quy định của đơn vị là tuyệt đối không được cho lính mới (1980) đi đầu, mà phải từ lính 1979 về trước cho đảm bảo trong việc phát hiện dò gở mìn. Nên đ/c đi đầu là một đàn anh thuộc b 12 ly7. Anh cứ vừa đi, vừa cầm cây thông đường dò mìn vướng, đôi lúc anh dừng lại quan sát mặt lộ một chút rồi nhìn qua hai bên. Thỉnh thoảng anh lại nhìn phía sau về hướng duc thao ra hiệu đừng nhìn anh mà hãy quan sát ra hai bên trục lộ. Khi thấy duc thao gật đầu hiểu ý, anh lại tiếp tục bước đi.

   Bắt đầu anh phát hiện được mìn, nên giơ tay ra hiệu cho đội hình dừng lại. Do khoảng cách hơi xa nên chẳng biết anh phát hiện ra mìn địch cài kiểu gì. Chỉ thấy anh loay hoay một chút, rồi giơ lên một quả KP2, vứt qua một bên rồi lại đi tiếp. Nhưng chỉ chừng mươi bước chân, anh lại dừng lại ngồi xuống. Lúc nầy chúng tôi không ai nói với ai lời nào, mọi thứ trở nên khá căng thẳng vì ai cũng hiểu rằng đã bước vào khu vực có mìn. Hít vào mấy hơi thật sâu, duc thao bắt đầu ngóc khẩu B lên cao một chút và nhè nhẹ lên búa đập, mắt tăng cường quan sát ra hai bên. Lần nầy khá lâu anh mới bước lên tiếp, để lại một quả mìn đã bị vô hiệu hóa giữa đường. Chỉ mới vừa chuẩn bị bước theo anh, duc thao lập tức nhìn thấy một cụm khói xám bốc lên bên hông phải của anh kèm một tiếng nổ chát chúa. Sức nổ làm anh bật qua trái đường gần cả mét. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng duc thao, làm duc thao bất giác quỳ thụp xuống ngay tại chỗ. Kinh nghiệm của các đàn anh phổ biến, khiến duc thao không dám lên tiếng kêu anh, vì sợ địch phát hiện ra vị trí của mình. Một sự thật tàn nhẫn nữa là chúng tôi ai cũng biết là khi vướng mìn KP2 thì thường là khó ai qua khỏi, nên đừng bao giờ vận động lên liền, mà chờ xác định xem đồng đội mình bị vướng hay bị giật để tìm cách đối phó. Lúc nầy chắc có lẻ chỉ có duc thao nhìn thấy anh bị giật rỏ nhất, còn lại anh em ở sau thì không thấy gì. Phản ứng đầu tiên là duc thao dùng tay chỉ về hướng bắc cho anh em biết để phản ứng. Và vì nguyên tắc hỏa lực không được lên giải quyết hậu quả, mà chờ AK lên, nên tạm thời duc thao chỉ ngồi yên quan sát phía trên.

   Có lẻ anh đã bị thương rất nặng, nhưng chưa chết hẳn. Trong khi phía bên dưới anh em đang nổ súng giòn giã qua bắc đường, thỉnh thoảng nhìn thấy cánh tay bên trái anh giơ lên rồi đặt xuống như một phản ứng của người sắp ra đi. Chừng vài lần như vậy thì thấy anh nằm yên không nhúc nhích gì nữa, khi mà khói súng bắt đầu bốc lên mùi khét nghẹt ở xung quanh. Phía địch không thấy phản ứng gì, bên ta sau khi bắn dồn dập một hồi không thấy gì cũng ngưng lại. Tất cả trở nên yên lặng một cách lạ kỳ. Cho đến khi đơn vị cho người chi viện lên để giải quyết hậu quả.

  Trưa hôm đó tổ thông đường chúng tôi được lệnh nống lên trên một đoạn rồi chốt lại, chờ bắt tay D1 thông xuống. Ngồi nhìn về hướng đồng đội hy sinh, suy nghĩ thật nhiều. Không hiểu sao chúng tôi ngày nào cũng bắt buộc phải làm nhiệm vụ như vậy, dù có đoàn qua lại hay không. Thậm chí nếu địch chưa giật mìn, mà nghi ngờ nổ súng không thấy địch phản ứng còn bị kỷ luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét