Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến



« vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2008, 10:19:51 PM »


Tác giả: Nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến
Biên soạn: Đặng Vương Hưng
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Năm xuất bản: 2005
Số hoá: ptlinh

Có một người lính xa Đà Thành “Tây tiến”, mang tên Trần Duy Chiến

Lời tựa của nhà thơ
Đặng Vương Hưng

Xin được nói ngay rằng: Trần Duy Chiến không phải thế hệ những người lính cùng thời với nhà thơ Quang Dũng - tác giả của bài “Tây tiến" bất hủ. Bởi Quang Dũng viết "Tây tiến" trong kháng chiến chống Pháp, còn nhật ký của Trần Duy Chiến được viết trong Cuộc chiến tranh giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Cam-pu-chia. Cuộc chiến đấu của họ cách nhau gần 30 năm, nhưng lại có một điểm chung, đó là: Cùng hành quân về phía Tây, cùng chiến đấu xa Tổ quốc, cùng tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế cao cả và bảo vệ quê hương yêu dấu... Vì thế, chúng tôi xin được mượn tứ của bài thơ để làm đề tựa cho cuốn sách này. 


Trần Duy Chiến sinh năm 1957, quê gốc tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhưng sinh trưởng tại, thành phố Đà Nẵng, (trong những trang viết của mình, Chiến rất thích gọi là “Đà Thành"). Chiến không phải là người lính của Cuộc kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ cứu nước. Nhưng anh được kế thừa và sinh trưởng từ hai cuộc kháng chiến đó, được ấp ủ bởi những giấc mơ và niềm tự hào của một dân tộc anh hùng. Và cuối cùng, anh đã trở thành một trong hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, tham gia “Cuộc chiến tranh bắt buộc" với tất cả tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh và ý nghĩa cao cả của nó. 
Những trang nhật ký của Trần Duy Chiến trong cuốn sách này mờ ra từ ngày 7-10-1978, khi anh mới nhập ngũ, huấn luyện tại Quân trường Mỹ Thị (Đà Nẵng) và khép lại vào ngày 25-6-1980, (trước khi anh hy sinh gần một tháng) tại vùng biên giới cực tây của đất nước Cam-pu-chia. 


Đọc nhật ký của Trần Duy Chiến, ta bắt gặp một con người lạ, một giọng điệu lạ, không khiên cưỡng trong một thể loại văn học hay nghệ thuật gì và cũng chẳng gò bó trong một cái khuôn khổ hay một sự chi phối nào,... tất cả cứ hồn nhiên mà giãi bày cảm xúc, nghĩ suy của cá nhân mình với cây cỏ, với thiên nhiên và với con người của một thời... 


Có thể nói qua những trang nhật ký của Trần Duy Chiến, lần đầu tiên bạn đọc hiểu được những tâm trạng, suy nghĩ, hành động rất thật của một người lính đã từng sống, chiến đấu và ngã xuống tại mặt trận 479 năm xưa. Hãy nghe anh tâm sự từ những ngày đầu nhập ngũ: "Có lắm lúc tôi muốn vụt bay ra khỏi quân trường này, nhưng liền sau đó lại thôi. Tôi không thể làm như thế được. Mọi người thanh niên đều nghĩ rồi làm như tôi, thì lấy ai đứng ra cầm súng giữ nước? Tôi không phải là cách mạng, nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu mình không trực tiếp cầm súng đứng lên để bảo vệ Tổ quốc, thì mình cũng sẽ chết sau khi giặc ngoại xâm chiếm được Tổ quốc mình."


Trần Duy Chiến đã quyết định ra đi chiến đấu từ những suy nghĩ giản đơn nhưng rất ý nghĩa như thế. Tuy anh chưa thật sự hiểu hết tính chất của cuộc chiến mình đang sắp tham gia. Không sục sôi như những tình khúc của tuổi trẻ một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai...”, nhưng sự ra đi của lớp thanh niên lúc bấy giờ mà Trần Duy Chiến là một đại diện vẫn chứa đựng nhiều chất bi hùng...


Xuyên suốt nhật ký của Trần Duy Chiến, là nỗi nhớ quê hương da diết đến khắc khoải - cái tâm trạng của những người đi xa... Những ngày đầu từ giã gia đình đến Tây Nguyên, thiên nhiên và con người nơi đây đã để lại trong anh những ấn tượng đẹp, nhẹ nhàng, bởi anh luôn nghĩ rằng đâu cũng là quê hương, là đất nước thân yêu của mình. Song từ trong sâu thẳm trái tim của người lính trẻ vẫn khôn nguôi day dứt khi nhớ về Đà Thành - nơi chôn rau cắt rốn, nơi tuổi thơ anh trôi qua thật êm đềm và đầy ắp kỷ niệm... 


Đến khi đã thật sự rời xa Tổ quốc, sống trong những khu rừng biên giới của Cam-pu-chia, nỗi nhớ ấy càng nhân lên đến xót xa, thậm chí có lúc còn tạo nên tâm lý u uất, chán chưởng không thể diễn tả được... Nhưng cũng như đồng đội, Trần Duy Chiến luồn xác định được vị trí và nhiệm vụ vẻ vang: Chiến đấu tiêu diệt kẻ thù cho bạn cũng chính là bảo vệ hòa bình cho quê hương Tổ quốc mình. Cho dù cuộc sống của người lính viễn chinh vô cùng gian khổ, khó khăn và thiếu thốn trăm bề. Ở những nới ấy, các anh hầu như không còn ý niệm về thời gian, mà dường như chỉ còn chỉ nhớ mang máng về những thời điểm, thời khắc, những đoạn đường mình đã đi qua, những ấn tượng ban đầu... Và tất cả những điều đó được Trần Duy Chiến diễn tả rất tự nhiên, rất sống động trong nhật ký.


 Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn

Ngày đầu ngồi gác trong đêm, giữa rừng sâu, lúc nào anh cũng nơm nớp lo sợ địch (trong nhật ký, anh thường ghi tắt là "K" - tức lính Pôn-pốt) mò đến phục kích. Chỉ cần một con sóc, con chồn lướt trên lá khô cũng làm anh giật mình thảng thốt... Cái chết luôn rập mình và nằm trong gang tấc: "Cứ mỗi chiều, khi chút nắng vàng còn đậu lại trên chóp đầu cây thốt nốt trước nhà, là tôi lại một lần lo lắng: không biết đêm nay địch có tập kích vào nơi tôi ở không? Đó là câu hỏi thường hiện lên trong tôi vào những lúc trời chập choạng tối. Để đến lúc ông mặt trời ló chiếc đầu đỏ hói từ phương đông nhìn sang, thì câu hỏi của tôi mới được trả lời - đêm qua địch không tập kích tôi vẫn còn sống và tiếp tục một ngày mới. Cứ thế ngày này nối ngày kia trôi nhanh qua trong sự lo lắng khiến tôi chẳng nhớ rõ ngày nào là ngày nào cả." (2-8-1979). 


Vậy mà sau những ngày dài hành quân truy quét địch mệt mỏi, tận mắt chứng kiến những xác người bị lính Khơme đỏ giết một cách man rợ trong những khu rừng, người lính ấy chai dạn dần, tự đặt ra những tình huống xấu sẽ xảy ra với mình, đón nhận những điều đau thương nhất một cách bình tĩnh... Chiến tranh dường như đã giết đi một phần tâm hồn của người lính trẻ. 


Tuy nhiên, không phải vì thế mà Trần Duy Chiến thôi không suy nghĩ, thôi không ước mơ. Những lúc rãnh rỗi, vắng tiếng súng địch, thậm chí ngay cả lúc đang đi truy quét hay phục kích anh vẫn đều đặn ghi nhật ký. Nhiều trang viết của anh thật sự là những trang ghi chép văn học với những cảm nghĩ đẹp lạ lùng: "Tôi như cánh cò hoang dưới chiều nhạt nắng, lang thang tìm chút dư hương trên đồng vắng lững lờ, không nơi trú ẩn. Cò bay mãi cho tôi được nhìn quê hương qua đôi mắt nhỏ. Tôi không mơ bạc vàng hay châu báu. Tôi chỉ giữ lại trong tôi một buổi chiều khi nắng vàng len lén vướng hồn tôi”. (11-12-1978). 


Một phần lớn những trang sổ ghi nhật ký của Trần Duy Chiến dành để chép những bài thơ do anh sáng tác. Bài ngắn chỉ có 4 câu, bài dài nhất "Một cuộc tình" anh viết ngày 8-2-1979 "để kỷ niệm mối tình tan vỡ" của mình dài tới 140 câu! Hơn 70 bài thơ như thế đã được Chiến làm trong khoảng thời gian hơn một năm. Rất tiếc, vì khuôn khổ số trang có hạn, nên trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ giới thiệu được 40 bài thơ của anh. Nhưng chừng ấy cũng đủ để chứng minh phẩm chất thi sĩ trong con người anh lính trận Trần Duy Chiến. 


Tôi có cảm giác Chiến làm thơ rất dễ dàng: Đi nướng sắn trong rừng, bỏ quên chiếc khăn tay, bị chỉ huy đơn vị phê bình, đi phục bị muỗi đốt... Hình như nỗi buồn vui nào cũng có thể khiến anh viết thành thơ. Tôi không vội vàng khi khẳng định rằng: nếu như không hy sinh, rất có thể Trần Duy Chiến sẽ trở thành một nhà thơ tài danh của đất nước! Những bài thơ có trong phần phụ lục của tập sách này chỉ là hé mở tài năng của anh - Một tâm hồn thi ca có thật, đã mãi mãi ra đi cùng hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Cam-pu-chia ngày ấy. 


Vì là người thích làm thơ, nên nhiều đoạn nhật ký của Chiến cũng viết như thơ văn xuôi. Đó chính là những trang "đoản văn" có rất nhiều trong nhật ký này. Và điều đó đã giúp cho những trang sách mềm mại, có không ít những giọt nước mắt và cả những nụ cười: "Tôi viết những dòng mà tim tôi không muốn viết. Tôi đọc những lời mà chính tôi không muốn đọc. Tôi đang nghĩ những lời mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi đã nói những lời mà hình như không phải tôi nói. Tim tôi còn đó hay đã mất rồi người ơi, tôi đang là tôi chăng?! 
Trái tim đang đập là tim của tôi chăng? Tôi không được biết nữa. Tôi đang sống cho người khác. Thân xác tôi không còn là của tôi. Ai đó đã lấy mất trái tim tôi, cướp mất hơi thở tôi. Đôi mắt tôi không còn nhìn thấy chung quanh. Mắt thấy chỉ còn là mắt người. Giờ đây tôi không còn là tôi nữa!" (10-11-1978). 


Để bạn đọc dễ theo dõi, tham khảo, chúng tôi đã dành toàn bộ phần phụ lục của cuốn sách để trân trọng giới thiệu một số bài thơ của Trần Duy Chiến. 

Có thể nói mà không sợ quá lời rằng những trang hồi ức xúc động và hay nhất có trong cuốn nhật ký này chính là những trang Trần Duy Chiến viết về mẹ. Và người mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của anh - nơi anh muốn chia sẻ những cảm xúc thật của lòng mình nhiều nhất: "Mẹ ơi! Con bắt đầu sợ cái bộ chiến y màu lá thắm mà con đang mặc. Nó là cái gì làm ngăn cách giữa con và mẹ? Nó ôm kín và dìu con vào những nơi có tiếng súng nổ, có sự chết chóc. Con sợ nó lắm mẹ ơi! Con muốn cởi trả nó lại cho đất nước để được về gần bên mẹ. Lúc mẹ ốm đau có đứa con trai bên mình cơm cháo thuốc thang, để chiều mưa không làm con ướt, để chiếc ba lô và khẩu súng không đè nặng mãi hồn con và lẽo đẽo theo con suốt cả tháng trời hành quân. Để đêm đêm con được yên lành trong giấc ngủ, để cánh rừng rậm không phủ kín được ước mơ của con... 


Tôi tin rằng những trang chữ ấy, đã được Trần Duy Chiến viết bằng cả trái tim và tấm lòng kính yêu mẹ, bằng tình ruột thịt mẫu tử mà không phải người mẹ nào cũng hạnh phúc có được "Mẹ kính yêu! Rồi mai đây trên vạn nẻo đường đất nước, lúc đứng bên lề biên giới, lúc ngoài biển khơi, lúc trên hải đảo xa xôi lúc đứng trước mặt quân thù. Hay lúc con gục xuống trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc... con đều thầm gọi tên mẹ. Lúc đó mẹ sẽ hiện ra trước mặt con như một bà tiên hiền dịu, an ủi con, khuyên nhủ con. Thế là con lại có đầy đủ nghị lực, xông ra phía trước tiêu diệt quân thù, hay đứng vững trước gió mưa lạnh buốt. 


Mẹ thân yêu của con ơi! Mẹ đừng buồn đừng nhớ và đừng khóc nghe mẹ. Ngày mai đây, khi dân tộc mình đã thoát khỏi vòng điêu linh chết chóc, đất nước mình thoát khỏi nạn ngoại xâm. Lúc đói con sẽ về bên mẹ, để mẹ được nhìn kỹ đứa con của mẹ sinh ra". (4-11-1978).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét