Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Nhật ký LS Trần Duy Chiến -p2

Phần thứ hai
Vùng đất đỏ cao nguyên Buôn Mê Thuột

“Thị xã Buôn Mê Thuột này có lẽ lớn hơn Hội An đôi chút. Ở đây thôi thì đủ thứ, có quốc doanh, có điện, có rạp xi nê, có nước đá nữa. Rẻ nhất là chuối, gói chuối ép cỡ 1 kg chỉ hai đồng ăn no đến chết… Nhưng ở đây lại thiếu đi một thứ, anh đố Trực biết là thứ gì đó? Thôi để anh nói hộ cho, đó là cá tươi! Thứ này mà thắp đèn đi tìm cả tháng trời ở cái thị xã Buôn Mê Thuột này thì cuối cùng chỉ xách giỏ về không! Có lúc ăn cơm, anh tưởng mình là nhà sư chớ, vì bữa ăn nào cũng chỉ có món chay thôi”.
(Trần Duy Chiến, 3-11-1978)


29-10-1978

Thế là tôi lại phải rời xa mảnh đất Đà Thành nơi đã cho tôi bao kỷ niệm…

Tôi có cảm tưởng giờ đây đang ngồi trong mảnh đất Quảng Nam nhưng không, tôi đã nhầm. Hiện giờ tôi đang đứng trên một vùng đất đỏ của quê hương tôi, vùng đất mang tên Buôn Mê Thuột.

Đây là một dịp để tôi được nhìn rõ quê hương tôi qua đôi mắt. Cứ lần lượt những vẻ giàu đẹp của Tổ quốc tôi lại hiện ra dưới tầm mắt. Tôi cố gắng nhìn và nhìn thật kĩ để rồi đừng quên. Kia là rừng dừa bạt ngàn, những cây dừa cao có, thấp có đang cố mang những chùm quả nặng trĩu. Còn kia là rừng cà phê xanh ngút, kéo dài ra xa tít đến nỗi tôi không nhìn thấy được. Rừng cao su mới đẹp làm sao, những thân cây cao su thẳng tắp hàng ngay ngắn kéo dài ra như không bao giờ dứt, không biết ai trồng, sao mà nó thẳng như giăng dây vậy đó.

Tôi được bổ sung vào đơn vị truyền tin mới khoái chứ, lại càng khoái hơn là được ở với cậu Hồng. Kể ra ở đây cũng không có gì gọi là buồn, chỉ cách thị xã Buôn Mê Thuột chưa đến 500 mét, lại có điện và có xinê nữa.


30-10-1978

Ở đây kể cũng vui vui.

Hôm nay trời mừa suốt, lạnh-cái lạnh buốt xương của Tây Nguyên mới ớn. Ai đã ở đây thì mới biết, sáng chẳng muốn dậy, mắc tiểu cũng chẳng muốn đi. Ớn cái nữa là đất đỏ, hở đâu là dính đó. Trời nắng là bụi bay tứ tung, hít vào mũi đỏ lòm, nhưng hễ mưa xuống là chẹt chẹt. Càng đi ta có cảm tưởng như càng cao lên. Mà thật sự cũng thế, đất nó bám vào giày dép dữ tợn, giống như nó chực sẵn, hễ mình đặt chân xuống là nó bám vào ngay.

Ở đây có đặc điểm rất hay, nó trái ngược với cái quan điểm thường tình của dân gian là “làm gì ăn nấy”. Đây là sản xuất ra cà phê, nhưng chẳng có quan nào bán cà phê cả. Không hiểu sao Nhà nước lại cấm bán cà phê?

Phải nói đất ở đây tốt thiệt, cỏ mọc quá đầu là thường. Mới đặt chân về đây, tôi có cảm tưởng như chung quanh đây đều là rừng cả. Nhưng thật ra đâu phải thế, cỏ mọc tốt quá mình tưởng là rừng đó.

Phải nói đất ở đây tốt thiệt, cỏ mọc quá đầu là thường. Mới đặt chân về đây, tôi có cảm tưởng như chung quanh đây đều là rừng cả. Nhưng thật ra đâu phải thế, cỏ mọc tốt quá mình tưởng là rừng đó.



3-11-1978

Vùng đất đỏ Buôn Mê Thuột…

Trực thân!

Đang ngồi thảo luận chính trị “Tình hình và nhiệm vụ mới”, anh thấy nhớ quê hương, nhớ Đà Thành, nhớ chợ chiều, nhớ nhà, nhớ đến Trực, nên anh viết thư cho Trực đây!

Trực thân! Thế là chẳng bao giờ anh được trở về Đà Thành, về Chợ Chiều quê ngụ để anh được gặp Trực một lần, dù chỉ dăm ba phút.

Lúc này, cái tên Chợ Chiều, tên Trực chỉ là giấc mơ trong anh, anh biết ngồi đây hồi tưởng lại rồi thầm gọi tên chứ chẳng bao giờ anh lại được bước chân về nơi đó.

Giờ đây đối với anh là súng đạn, là núi rừng, là những tiếng nổ ghê hồn vậy thôi. Anh đang mang nặng trên mình nhiệm vụ thật là to tát và thiêng liêng mà Tổ quốc đã giao cho anh. Tổ quốc đã cho anh bộ quân phục màu xanh với chiếc quân hàm đỏ chói. Anh không lấy thế làm buồn. Anh tự hào hãnh diện cho mình là đã trực tiếp cầm súng đứng bên lề biên giới, để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc mình.

Đôi lúc ngồi một mình, anh cảm thấy nhớ, nhớ những ngày xa xưa, nhớ nhà, nhớ Trực. Những gì có thể nhớ anh đều nhớ, cũng như hôm nay.

Nãy giờ anh nói dóc quá phải không Trực? Thôi kệ, cố gắng thông cảm cho bộ đội xổ chút chính trị cho vui. Giờ để anh kể chuyện Tây Nguyên cho Trực nghe nhé!

Anh đặt chân đến thị xã Buôn Mê Thuột này hôm 29-10-1978 (Chủ nhật), đến nay cũng được sáu ngày rồi. Hôm mới đặt bước chân đến, anh tưởng đây là rừng chứ. Nhưng không, đây là thị xã Buôn Mê Thuột. Nơi đây chỉ cách thị xã cỡ cây số, bằng chỗ Chợ Chiều mình đến Sơn Trà.

Vừa lên đến nơi, anh và Chính chuồn ngay ra thị xã làm một chầu “quốc doanh” vui ghê.

Thị xã Buôn Mê Thuột này có lẽ lớn hơn Hội An đôi chút. Ở đây thôi thì đủ thứ, có quốc doanh, có điện, có rạp xi nê, có nước đá nữa. Rẻ nhất là chuối, gói chuối ép cỡ 1 kg chỉ hai đồng ăn no đến chết… Nhưng ở đây lại thiếu đi một thứ, anh đố Trực biết là thứ gì đó? Thôi để anh nói hộ cho, đó là cá tươi! Thứ này mà thắp đèn đi tìm cả tháng trời ở cái thị xã Buôn Mê Thuột này thì cuối cùng chỉ xách giỏ về không! Có lúc ăn cơm, anh tưởng mình là nhà sư chớ, vì bữa ăn nào cũng chỉ có món chay thôi.

Tây Nguyên về mùa này lạnh lắm.

Mưa cứ rơi mãi. Nếu Trực xem sách thì hẳn biết cái lạnh Buôn Mê Thuột này. Sáng dậy không muốn đánh răng rửa mặt đâu. Lại thêm cái đất màu đỏ au này thì càng ớn. Nếu sáng ra mặc chiếc áo trắng đi, thì chiều về chiếc áo lại là màu đất. Nhưng hễ mưa xuống là nó lại nhão nhẹt ra, đụng đâu là nó dính dẻo đeo vào đó.
Bây giờ kể về anh nhé! Anh với Chính ở chung một đơn vị, được vào truyền tin. Hiện giờ thì đang học nghiệp vụ truyền tin, chưa đi chiến đấu. Sức khoẻ vẫn bình thường, chỉ thấy nhớ nhà thôi. Còn Trực dạo này vẫn khoẻ chứ? Chợ Chiều mình kỳ rày có gì thay đổi không? Có mưa có lạnh lắm không?

Thư đến, Trực nhớ kể rõ nhé, kể dài như anh vậy! Sắp đến giờ nghỉ thảo luận, anh xin dừng bút. Chúc Trực và gia đình được khoẻ, vui.


Địa chỉ của anh:
Trần Duy Chiến
H.T: 5A.2029
Buôn Mê Thuột-Đắk Lắk.
Anh gởi lời thăm Tuân-Trực-Diệu-Hải.
Chúc vui+khoẻ



3-11-1978

Cậu Thưởng Thân!

Thế là chẳng có bao giờ tớ được gặp lại cậu, tán gẫu cùng cậu một lúc, dù là ngắn ngủi chỉ dăm ba phút. Giờ đây giữa tớ và cậu cách nhau 700 cây số. Tớ thấy nhớ cậu thật! Nhớ những lần tớ cùng cậu lang thang nơi phố chợ. Bộ thường phục ngày nào tớ mặc, nay nó đã xa lánh tớ rồi và cả cuộc sống nữa nó cũng đã khác luôn.

Tớ cũng thấy luyến tiếc ghê, nhưng làm sao bây giờ? Nó đã vụt khỏi tầm tay của tớ mất. Tớ không tài nào giữ nó lại được. Thôi tớ cho luôn cậu đó! Bộ thường phục đắt tiền với những đêm lang thang tán gẫu, tớ cho cậu hết. Tớ chả cần dù chỉ một tí. Tớ đã có cái mới rồi, bộ quân phục, chiếc quân hàm, khẩu súng, kỷ luật gò bó, giờ giấc cộng với chiếc đầu húi cua trông ngô ngố ra làm sao. Thế thôi, cái mới của tớ đó cậu ạ!

Tớ còn nhớ bữa hôm trước vui hết sức. Tớ cùng cậu Chính ra phố Buôn Mê Thuột chơi, gặp mấy cô ả. Cậu Chính chọc mấy câu gì đó. Họ chả cần nói lại, chỉ sờ sờ cái đầu của nó rồi xúm nhau cười. Tớ và cậu Chính quê ra mặt. Cậu biết sao không? Ý họ bảo là tớ và cậu Chính đều là “carê ba phân” cả. Đó, cậu thấy không, tớ thiệt ớn đó cậu.

Còn cậu mấy kì này khoẻ không? Vẫn đi làm đều chứ, đủ tiêu hay phải chĩa thêm? Từ ngày tớ đi đến giờ, cậu có hay “bang” xuống phố chợ đẻ chơi, để lướt sang nhà mà cậu muốn vào nhưng lại chẳng dám? Có ghé mua thuốc ở đó không? Nếu không thì cố lên, chẳng có thời gian nào gọi là thuận lợi đâu, bỏ mất dịp may thì ân hận về sau đấy!

Mấy lời thăm cậu, chúc cậu khoẻ vui, can đảm nhiều hơn, đạt thắng lợi nhất! Tớ dùng bút.

Duy Chiến

Địa chỉ H.T: 5A.2029
Buôn Mê Thuột-Đắk Lắk.


4-11-1978

Vùng đất đỏ Buôn Mê.

Cái đất Buôn Mê Thuột này lạnh thiệt, tháng này đâu đã phải mùa lạnh mà sao nó lại lạnh ghê. Chiều xuống thì sương cũng xuống dày đặc. Hôm qua lúc chiều, mặc dù lệnh cắm trại nhưng tôi cũng liều chuồn ra phố Buôn Mê Thuột chơi. Vui thiệt, mấy cô dân tộc quá xinh, ôm cặp đi học lại càng xinh hơn, không khác gì người Kinh. Nhưng có cái dễ nhận ra là mấy cô ả còn mặc váy. Chơi chán gần đến giờ sinh hoạt tôi về. Bị cậu Hai-Tiểu đội trưởng chửi. Kể cũng vui, thà là ra phố chơi rồi bị chửi, còn hơn ngồi nhà cù rũ như cu đất. Bằng mọi giá phải giải phóng tầm nhìn của tôi một tí.

Sáng nay ngồi thảo luận, tôi cảm thấy nhớ nhà ghê. Không biết ngày nào tôi được về lại quê hương, để nhìn lại ngôi nhà thân yêu đã từng che nắng che mưa cho tôi? Để tôi gặp lại mấy đứa em dễ thương suốt ngày đùa giỡn, để gặp lại cu út mới bập bẹ luôn mồm kêu “anh Hai!”, để gặp lại mẹ tôi-người mẹ hiền mà tôi luôn yêu mến đã nuôi tôi lớn khôn, đã thuốc men săn sóc cho tôi những lúc tôi ốm đau? Bây giờ giữa tôi và mẹ có một khoảng cách quá xa, gần 700 cây số, tôi không thể nào vè thăm lại mẹ. Tôi nhớ mẹ, nhớ em! Ngồi nơi đây tôi viết thư về mẹ!



4-11-1978

Mẹ thân yêu của con!

Nơi quê lạ, xứ người con viết thư về mẹ đây! Mẹ thương yêu của con! Con luôn cầu mong mẹ khoẻ và trẻ mãi. 

Mẹ ơi, con xa quê hương xa mẹ, con thấy nhớ và thương mẹ ghê. Con chẳng biết làm sao về để được nhìn mẹ, xem mẹ có già đi tí nào không? Giờ đây đứa con thân yêu của mẹ đã không còn ở bên mẹ nữa, nó đã có đôi cánh cứng, nó đã bay đi, bay xa… Nhưng không một lúc nào nó quên được hình bóng và gương mặt mẹ hiền của nó!


Mẹ thương yêu! Chắc là mẹ cũng hiểu, đâu phải nó bay đi để xa mẹ, để tìm một cái gì sung sướng, khoái lạc cho bản thân nó. Nó đi để làm nhiệm vụ của nó. Mẹ ơi! Nhiệm vụ của nó thật là thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân đã giao cho. Nó không thể nào rời bỏ nhiệm vụ để trở về với mẹ được.


Mẹ kính yêu! Rồi mai đây trên vạn nẻo đường đất nước, lúc đứng bên lề biên giới, lúc ngoài biển khơi, lúc trên hải đảo xa xôi, lúc đứng trước mặt quân thù. Hay lúc con gục xuống trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc… con đều thầm gọi tên mẹ. Lúc đó mẹ sẽ hiện ra trước mặt con như một bà mẹ tiên hiền dịu, an ủi con, khuyên nhủ con. Thế là con lại có đầy đủ nghị lực, xông ra phía trước tiêu diệt quân thù, hay đứng vững trước gió mưa lạnh buốt.


Mẹ thân yêu của con ơi! Mẹ đừng buồn đừng nhớ và đừng khóc nghe mẹ. Ngày mai đây, khi dân tộc mình đã thoát khỏi vòng điêu linh chết chóc, đất nước mình thoát khỏi nạn ngoại xâm. Lúc đó, con sẽ về bên mẹ, để mẹ được nhìn kỹ đứa con của mẹ sinh ra.


Mẹ ơi! Giờ đây, đứa con thân yêu của mẹ đang đứng trên mảnh đất của Tổ quốc, gần biên giới Tây Nam, đó là Thị xã Buôn Mê Thuột, Tỉnh Đắk Lắk. Về mùa này trời lạnh, cái lạnh của Tây Nguyên thì ớn lắm mẹ ạ! Đất nước mình nếu không nói tới ngoài Bắc, kể từ Cà Mau đến Đà Nẵng thì nơi đây là lạnh nhất.


Hôm trước con ra phố Buôn Mê Thuột chơi, con gặp bà dì nào đó, sao mà giống mẹ ghê. Thoạt nhìn con tưởng mẹ, con mừng hụt! Mẹ ơi, làm sao con nói hết được những tình thương con dành cho mẹ! Mẹ ơi! Mẹ là những gì quí báu nhất của đời con… “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào”…

Mẹ thân yêu của con! Con xin dừng bút. Con cầu mong mẹ sẽ hạnh phúc mãi trong cuộc sống!

Hôn mẹ!

Con trai của mẹ.


Địa chỉ của con
H.T.5A2029
Buôn Mê Thuột-Đắk Lắk.



5-11-1978

Chủ nhật này là một ngày đáng nhớ!

Một ngày mà trong suốt thời gian 30 ngày mới có ngày hôm nay. Một ngày mà tôi vui và thanh thản nhất. Một ngày trí óc tôi vô cùng thoải mái kể từ khi tôi bước chân vào đời quân ngũ.

Sáu giờ sáng tôi đã có mặt tại thị xã Buôn Mê. Tôi đi mãi, đi hoài trên đường phố. Đi cho biết tất cả, đi để được nhìn những gì đẹp và dễ thương của phố núi, đi cho hết ngày. Phố Buôn Mê Thuột càng lúc càng thu ngắn lại dưới đôi chân tôi: Quốc doanh, hàng quán, chợ, rạp chiếu bóng… hiện ra trước mắt tôi. Đi khuất rồi lại hiện ra, cứ thế tôi đi mãi. Phố Buôn Mê Thuột không rộng, không lớn như Đà Thành, nhưng tôi đi hoài không hết, bởi vì tôi cứ đi vòng qua, rồi vòng lại. Phố Buôn Mê Thuột không đẹp, không giàu như Đà Thành, nhưng tôi vẫn thấy đẹp hơn nơi nào hết.


Những cô gái Tây Nguyên, con người mà tôi đã từng ấn tượng bởi những điều “xấu xí”, thì hôm nay lần lượt hiện ra trước mặt tôi. Tôi không ngờ họ lại xinh và dễ thương đến thế!

Trong bọn chúng tôi gồm năm đứa: tôi, cậu Chính, cậu Hồng, cậu Hải, cậu Trung. Cứ thế, bọn tôi đi mãi, đi chán lại rúc vào rạp xinê.

Cũng may cậu Hải có chị quen ở Đà Nẵng lên đây sinh sống. Thế là cả bọn ùa vào đó, “đá” bữa trưa vui ghê. Suốt một tháng trời trong quân đội, trưa hôm nay mới được ăn một bữa cơm trắng không ghế, thật không gì ngon bằng!

Đến 4 giờ chúng tôi về đến đơn vị.


7-11-1978

Thế là hôm nay tôi lại biết thêm một nghề nữa-nghề gọi máy. Tôi ham quá, những mật hiệu cứ lộn xộn trong đầu, sao mà rắc rối thế!

Lúc chưa học, tôi cứ tưởng là học xong cách sử dụng thì sẽ gọi được ngay chứ, không ngờ càng học càng thấy khó. Cái gì cũng dùng bằng số cả, mà số thì dễ lộn lắm. Tôi ngó vào số, tôi đọc mà còn lộn, huống chi là nhớ mà đọc. Khó thì khó thật, nhưng tôi tin tưởng là sẽ thành công. “Ở đời không có việc gì khó, chỉ em lòng ta ngại khổ”-Nghĩ thế, nên tôi càng cố gắng.

Ngày đầu học gọi máy sao mà rắc rối thế. Những con số không chỉ rắc tối mà còn lộn xộn. Nhưng tôi vẫn phải thuộc lòng, nhẩm đi, nhẩm lại, thế mà vẫn lộn, vẫn quên! Lúc nào và bất cứ lúc nào cũng phải nhẩm học thuộc những số 189-130-161-223-234-244-284 v.v… còn nhiều, nhiều vô kể. Nói chung cái gì cũng bằng số cả. Cứ chấp chới, chập chờn trước mắt tôi, không lúc nào không nghĩ đến những số, thật là rắc rối.

Kể từ ngày tôi nhập ngũ đến nay đã một tháng. Một tháng mà sao tôi thấy lâu, có cảm tưởng như là đã 2 hay 3 tháng qua rồi. Mới một tháng trôi qua mà biết bao nhiêu là điều đổi thay trong tôi. Từ một cậu thanh niên sống tự do thoải mái ngoài đời, đổi qua nếp sống khuôn khổ kỷ luật làm tôi trở nên nhanh nhẹn lạ thường. Những cái chậm chạp trong tôi biến đâu mất hết, sáng dậy nghe kẻng, dù trời rất lạnh nhưng không thể thiếu tôi được. Có lúc tôi muốn báo ốm để ngủ tí nữa, nhưng sao tôi lại không thể nào làm thế được. Mỗi sáng tôi không tập thể dục là tôi như thiếu một thứ gì, cứ ray rứt tôi mãi.



8-11-1978

Truyền tin-cái danh từ thông dụng, bất cứ ai khi nhắc đến cũng biết được cái nghĩa của nó nhưng nó lại rất khó, khó với những ai muốn đi sâu vào nó. Và nó thật là khó đối với tôi. Giờ đây, đầu óc tôi không còn nhớ gì ngoài những chữ đúc. Chao ôi sao nó lại xộn quá vậy. Cả mấy trang dài mà tôi phải thuộc.

Thật là một điều quá mệt óc đối với tôi. Mấy cậu cùng đơn vị thường đùa “mòn quần chai đít-thưởng ít phạt nhiều” thật là đúng. Tôi không một tí nào gọi là ý kiến về cái câu nói đùa ấy.

Lúc chiều, tôi được biết là sẽ hành quân vào sáng nay, tôi vội viết thư cho mẹ.


9-11-1978

Mẹ kính yêu của con!

Mẹ ơi! Khi mẹ nhận được cánh thư này của con thì con đã không còn có mặt ở Ban Mệ nữa. Con tiếp tục đi và tiếp tục xa mẹ hơn. Con cũng chẳng biết đi đâu, chỉ biết là sáng mai cả đơn vị con hành quân. Con đoán là lên biên giới mẹ ạ!

Con nói thế để mẹ được biết, chứ mẹ đừng lo cho con nghe mẹ. Bây giờ con như cánh chim, cứ bay, dừng rồi lại bay, bay cho hết vạn nẻo đường.

Trên đất nước mình hễ nơi đâu có bóng quân thù là con sẽ đến đó.

Con xin dừng bút để sắp xếp hành trang ba lô.

Đứa con của mẹ.

Trần Duy Chiến

Khi nào đến nơi con sẽ biên thơ về mẹ.
Ân, Hưng cố gắng viết thư cho anh với nhé!


11-11-1978

Đăk Cơ, Gia Lai-Kon Tum.

Đây là Đăk Cơ, tôi đã đến đây, không phải đề thưởng thức vẻ đẹp của núi rừng. Tôi đến đây không phải để tìm một món thuốc quý, tôi đến đây với trách nhiệm thật là cao cả là bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Giờ đây, quanh tôi chỉ có núi rừng, muỗi độc, sốt rét và súng đạn. Tôi nằm đây trên chiếc võng đu đưa với nhiều suy nghĩ miên man mà chính tôi cũng không sao hiểu được.

Tôi giở lại những trang đã viết trong quyển nhật ký ra xem, từng quãng đời lại hiện về. Vui có, buồn có, đau khổ có. Bất chợt một trang nhật kí cũ mà mình viết vào một chiều lòng mình buồn nhất, mình ghi lại vào đây gọi là để nhớ!


10-11-1978

Hoà Nhơn, Đà Nẵng.

Đoản văn không tên!

Tôi viết những dòng mà tim tôi không muốn viết. Tôi đọc những lời mà chính tôi không muốn đọc. Tôi đang nghĩ những lời mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi đã nói những lời mà hình như không phải tôi nói. Tim tôi còn đó hay đã mất rồi người ơi, tôi đang là tôi chăng?!

Trái tim đang đập là tim của tôi chăng? Tôi không được biết nữa. Tôi đang sống cho người khác. Thân xác tôi không còn là của tôi. Đôi mắt tôi không còn nhìn thấy chung quanh. Mắt thấy chỉ còn là mắt người. Giờ đây tôi không còn là tôi nữa!

Không tôi không còn là tôi nữa. Tôi đã chết rồi, người ơi!

Người ơi! Sao người đến như giấc mơ, rồi ra đi cho sụp đổ cả lâu đài tình ái trong tôi? Người ác quá! Tôi không hận thù, người ghét người. Tôi vẫn là tôi, ô hay-sao thế nhỉ? Tôi đã và đang làm gì cũng không biết. Quanh tôi chỉ có tôi, bầu trời, sự vắng lặng quạnh quẽ khiến tôi phải ghê sợ!

Tim tôi giờ đây còn hay mất? Nó đang đập thôi thúc hay đã chết lịm từ lâu? Tôi cố quên những điều mà tôi không muốn quên, cố nhớ những điều mà tôi không cần nhớ tới. Tôi quên người tôi không bao giờ quên. Tôi quên tiếng nói ngọt ngào mà tôi đã nhớ. Tôi quên và thật quên dáng người trong mắt tôi. Tôi không còn nhớ gì nữa!

Người ơi! Cứ đi thật xa, đừng bao giờ trở về, dù chỉ một phút giây để cho tôi chết, chết thật tình cờ, chết như cơn mơ, chết vật vờ bên thung lũng hun hút buồn phiền, đìu hiu và vắng lặng.

Người ơi! Cứ đi.

Một chiều Hoà Vang.



12-11-1978

Buôn Loók, Đăk Cơ, Gia Lai.

Tôi bắt đầu đi từ lúc sáng, đến trưa tôi mới về nhà. Tôi đi tìm mua ít nải chuối về ăn nhưng đi mãi vẫn về không. Ở đây tôi chẳng thấy một cây chuối nào, rốt cuộc nhịn đói về không. Cậu Dũng mua có 5 hào mướp. Tôi với cậu khiêng mệt đừ, vì nó nhiều quá, gần 1 bao 50 kg.


13-11-1978

Đêm!

Tôi cùng mấy cậu lội xuống buôn tìm mua rượu, chuối về ăn cho vui. Đến nơi hỏi nhà nào cũng chẳng có thứ gì, chúng tôi liền tạt vào trung đoàn nữ đi làm kinh tế ở đây chơi. Ở đây toàn là nữ khoảng từ 30 tuổi trở lại. Có nhiều cô xinh ghê! Họ lên đây từ năm 1975, sau khi đất nước được giải phóng. Qua ít phút trò chuyện thăm hỏi, tôi cũng biết ít nhiều về họ. Có cô từ lúc xa gia đình lên xây dựng ở đây chưa có một lần về thăm nhà.

Càng hiểu về họ, tôi càng thấy thẹn cho tôi. Họ là nữ mà sao họ lại như vậy? Còn tôi thì lúc nào cũng nhớ nhà, nhớ cuộc sống cũ của tôi. Vậy là tôi hèn quá. Tôi nghĩ như vậy và sẽ cố gắng khắc phục.

Đến chín giờ tôi mới về tới doanh trại, nhận được cái tin không làm tôi hài lòng tí nào: Tôi được điều sang quay viên cho 15W. Buổi 15 phút…

Anh quay viên thì nhàn thật, súng đạn khó mà hỏi thăm. Thế nhưng chả thích tí nào. Thà ra ngoài chiến trường cầm súng bắn thẳng vào mặt quân thù, còn sướng hơn là làm cái anh quay viên này. Phải chi tôi được ở 2W như cũ thì khoái thật. Mang máy ra chiến trường phục vụ cho bộ binh để tôi được nhìn thấy rõ hơn về cuộc sống của người lính ngoài mặt trận. Tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ trong suốt quãng đời bộ đội của tôi sẽ chẳng bao giờ được cầm súng bắn thẳng vào mặt quân thù, được nhìn quân thù gục xuống, được thấy tận mắt súng nổ, đạn reo…


14-11-1978

Rừng biên giới.

Gia đình 15W này gồm 3 người, cậu Trung lính mới như tôi, cậu Tải, cậu Ngợi lính cũ, cộng thêm 2 người mới điều sang (cậu Lệ và tôi) nữa là 5. Tôi, cậu Lệ, cậu Trung-3 tay quay phim (quay máy nguồn để phát ra điện, tụi tôi đặt là “quay phim” cho oai một tí), 2 tay kia là tín hiệu viên quê ở Bắc. Nói chung đều vui tính cả.

Đêm. Tôi phải thức đến gần 12 giờ để quay nguồn cho cậu Tài đánh điện. Tôi quay không quen nên rất mau mệt, nhưng chẳng biết đổi cho ai, vì các cậu kia đều ngủ cả. Tôi ráng quay cho xong, bức điện sa dài quá, đôi tay tôi rã rời, miệng thở dốc. Người tôi bây giờ rõ mệt, đầu óc cũng quay cuồng theo tay, chẳng biết làm thế nào để được nghỉ đôi chút. Giá như việc này là của tôi, làm cho tôi thì tôi đã ngừng tay từ lúc nãy, đằng này không phải làm việc cho tôi mà nghỉ thì chả được nên tôi đành chịu. Tôi vẫn quay túi bụi. Đến một lúc nào đó nghe cậu Tải bảo “Thôi!”, tôi liền buông tay quay ra. Người tôi lúc này ướt cả, mồ hôi tuôn ra như tắm. Tôi vớ vội chiếc khăn lau mấy giọt mồ hôi sắp rơi xuống trên trán, trên cằm.

Tôi bước ra khỏi ghế quay, ngước mắt nhìn trăng qua khe hở của lá. Trăng nơi rừng cao nguyên đẹp thật. Trăng đứng ngay đỉnh đầu tôi. Mấy cụm mây lại hiện ra. Trăng soi sáng cảnh rừng núi âm u, tĩnh mịch. Những giọt trăng vàng yếu ớt, như tâm sự cùng tôi. Tôi thấy lòng tôi lại rộn lên nhớ tới những mùa trăng sáng mà tôi yêu…

Đang thả hồn theo trăng, nghe cậu Tải gọi:

-Đi ngủ chứ, thất tình hả cậu?

Tôi giật mình, phân bua vài câu cho đỡ thẹn, rồi quay về ngủ với hiện tại: chiếc tăng, cái võng, cái mùng, chiếc ba lô và cả cuộc đời chinh chiến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét