Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Dư Luận . . .2



Đà Nẵng: Đài truyền thanh phường không bị nhiễu sóng Trung Quốc

(Xã hội) - Cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra hệ thống loa truyền thanh được cho là bị chèn, nhiễu sóng của Trung Quốc nhưng không phát hiện điều bất thường.

Đà Nẵng: Đài truyền thanh phường không bị nhiễu sóng Trung Quốc
Tối 18-7, Tổ Thông tin báo chí – Sở Thông tin truyền thông TP Đà Nẵng, cho hay Sở Thông tin truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã phối hợp xác minh sự việc “đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn bị chèn sóng tiếng Trung Quốc”.
Theo đó, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cụm loa được cho là bị nhiễu sóng, chèn sóng tiếng Trung Quốc được đặt tại số nhà 28 đường Trương Văn Hiến thuộc địa bàn phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn).
“Đây là 1 trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ thu sóng do Đài truyền thanh không giây của phường Khuê Mỹ phát trên tần số 97,5MHz. Tần số này đã được Cục Tần số Vô tuyến điện cấp giấy phép.
Tại địa điểm đặt cụm loa nói trên từ lúc 16 giờ đến 16 giờ 30, khi đoàn kiểm tra cho cắm điện cụm thu và phát sóng thì loa hoạt động bình thường, không bị nhiễu”, Tổ thông tin báo chí cho biết.
Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III cho hay từ khi nhận được thông tin nhiễu sóng vào sáng 18-7 thì từ 12 giờ đến 19 giờ 30 cùng ngày, hệ thống kiểm soát tần số chưa phát hiện có hiện tượng nhiễu sóng tại tần số tần số 97,5MHz của Đài Truyền thanh phường Khuê Mỹ.
Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, trên địa bàn quận hiện có 78 cụm loa trong các khu dân cư thuộc Đài 4 phường; Khuê Mỹ, Mỹ An, Hòa Hải và Hòa Quý.
Các Đài phường thực hiện tiếp âm và phát sóng từ Đài Truyền thanh quận từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30 buổi sáng, buổi trưa từ 11 giờ đến 11 giờ 30 và buổi chiều từ 17 giờ đến 17 giờ 30 hàng ngày.
UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi Đài truyền thanh phường Khuê Mỹ để xác định nguyên nhân gây nhiễu và xử lý nếu có.
Trước đó trong sáng ngày 18-7, thông qua trang Facebook Quản lý Đô thị Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp, một thành viên đã phản ánh hiện tượng Đài truyền thanh phường Khuê Mỹ xuất hiện bản tin tiếng Trung Quốc.
Ngay sau đó, thông tin này lan rộng cũng nhiều suy đoán khiến dư luận vô cùng bức xúc.
(Theo Soha News)


>>>>>>>>>>>>>>>>>


Lễ tân nhà nghỉ tại Đà Nẵng kiên quyết không cho du khách Trung Quốc thuê phòng vì hộ chiếu in hình "lưỡi bò"!

Chuẩn, công lý phải được thực thi... Nếu người Việt Nam ai cũng được thế này thì chúng ta chẳng ngán khách Trung Quốc. Phải để cho họ thấy thế là là lẽ phải, không thể làm càn trên đất Việt được!

Sự việc xảy ra ngày 16/7. Hai du khách người Trung Quốc đặt nhà nghỉ thuộc dạng gia đình trên website. Chỉ vài chục phút sau khi đặt, họ đã xuất hiện tại nhà nghỉ để xin nhận phòng. Anh Huy Dũng, cho biết: “Tôi chưa kiểm đơn đặt phòng, họ đã xuất hiện. Tôi yêu cầu được xem hộ chiếu”.

Hai khách Trung Quốc đưa giấy thông hành được cấp tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), và cuốn hộ chiếu. Anh Dũng kiểm tra và thấy “đường lưỡi bò” được in trong hộ chiếu. “Vừa nhìn thấy, tôi chỉ tay vào vị trí có hình lưỡi bò, và nói cái này không đúng. Họ ngập ngừng vài giây, sau đó tức tối rời khỏi nhà nghỉ”.




Anh Dũng cho biết, anh phụ trông coi nhà nghỉ của gia đình. “Nhà nghỉ kinh doanh quy mô nhỏ, thỉnh thoảng có khách Tây, còn khách Trung Quốc chỉ tới khoảng 2-3 lần. Họ nói được tiếng Anh nhưng không nói, chỉ sử dụng tiếng Trung. Họ mang theo trà nước... để dùng”.

Lễ tân nhà nghỉ tại Đà Nẵng kiên quyết không cho du khách Trung Quốc thuê phòng vì hộ chiếu in hình

Khi được hỏi có e ngại hành động từ chối khách sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, anh Dũng cho biết không nhất thiết phải nhận khách Trung Quốc, vì họ chiếm tỷ lệ rất thấp trong lượng khách thu nhập của nhà nghỉ.

“Tôi nghĩ hành động không nhận khách Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện, để tỏ rõ cho họ thấy rằng người Việt Nam có thái độ và hành động cụ thể. Gia đình tôi kinh doanh nhỏ nên làm theo kiểu nhỏ, còn những khách sạn lớn hơn sẽ có cách riêng để không ảnh hưởng đến việc làm ăn”, anh Huy Dũng chia sẻ.

Lễ tân nhà nghỉ tại Đà Nẵng kiên quyết không cho du khách Trung Quốc thuê phòng vì hộ chiếu in hình





>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>

Philippines từ chối đề nghị đàm phán của Trung Quốc về Biển Đông




Philippines từ chối đề nghị đàm phán của Trung Quốc về Biển Đông
Đường chín đoạn (đường lưỡi bò) phân định biên giới trên Biển Đông (màu đỏ) mà Trung Quốc vô lý áp đặt. (Nguồn: UNCLOS/CIA)

Đài TNHK đưa tin, Philippines đã từ chối lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị Manila hủy vụ kiện bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) của Bắc Kinh ở Biển Đông ra Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA) và bắt đầu các vòng đàm phán song phương.

Truyền thông Philippines ngày 16/7 dẫn lời Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Heminio Coloma nhấn mạnh một khi đã đưa vụ việc ra PCA, Manila nhất quyết theo đuổi đến cùng.
Ông Heminio Coloma cho biết thêm Philippines dứt khoát tôn trọng luật pháp quốc tế và tìm kiếm một giải pháp dựa trên luật lệ cho các tranh chấp ở Biển Đông.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hối thúc Philippines "trở lại đúng đường hướng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và tham vấn."
Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc "sẽ không bao giờ chấp nhận các nỗ lực đơn phương cầu viện một bên thứ ba để giải quyết tranh chấp."
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận bất kỳ phán quyết nào của tòa liên quan đến vụ kiện do Philippines khởi xướng./.
theo VietnamPlus


>>>>>>>>>>>>>>>>>>>


“Không có chuyện hạ cánh an toàn, kể cả là lãnh đạo về hưu nhiều năm!”

Dân trí Không có vùng cấm trong Đảng. Về xử lý nội bộ, Đảng không phân biệt một ai, kể cả là đã về hưu nhiều năm nhưng nếu có liên quan đến những sai phạm trong thời kỳ công tác thì cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn”! – ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định.
 >> Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về ông Trịnh Xuân Thanh
 >> Chạy thành tích, chạy “tội”, chạy chức lộ rõ qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh
 >> Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương vô hiệu vì ông Trịnh Xuân Thanh ?

Xung quanh kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với ông Trịnh Xuân Thanh (Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), liên hệ đến những trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước gây ra thua lỗ nhưng sau đó vẫn được cất nhắc làm cán bộ quản lý Nhà nước, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương:
Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh: LĐ)
Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh: LĐ)
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh “rất nghiêm trọng”
Thưa ông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) vừa ra thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với ông Trịnh Xuân Thanh. Ông có bình luận gì về vụ việc này?
Đây là một sự việc rất nghiêm trọng trong công tác phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng, giám sát, đào tạo cán bộ. Tôi cho rằng, đây cũng là bài học để các tổ chức rút kinh nghiệm về việc sử dụng cán bộ.
Từng có thời gian lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) và để lại di sản là khoản lỗ hơn 3.200 tỷ đồng tại doanh nghiệp này (giai đoạn 2011-2013), nhưng ông Thanh vẫn được cất nhắc lên những vị trí cao hơn ở Bộ Công Thương rồi tỉnh Hậu Giang, thậm chí được giới thiệu để bầu và đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Vậy ai chịu trách nhiệm cho những khoản lỗ trên?
Việc này chúng ta nên chờ vài hôm nữa khi ngành dầu khí xác định xem trách nhiệm cụ thể của từng người một đến đâu. Nhưng như UBKTTƯ đã kết luận, là người đứng đầu thì ông Trịnh Xuân Thanh phải có trách nhiệm.
Tất cả những người liên quan đến quá trình sử dụng, đề bạt, cất nhắc, luân chuyển ông Thanh cũng phải kiểm điểm để làm rõ như yêu cầu của UBKTTƯ.
Theo như tôi được biết, UBKTTƯ đã lập một đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với tổ chức Đảng của Bộ Công Thương, Tổ chức Đảng của Tập đoàn Dầu khí, Tổ chức Đảng của Tỉnh ủy Hậu Giang… Song trách nhiệm đến đâu, cụ thể như thế nào vẫn còn chờ kết luận của đoàn kiểm tra.
Ở đây có 2 vấn đề mà chúng ta quan tâm là trách nhiệm của tổ chức Đảng ở đơn vị và trách nhiệm của người đứng đầu, sau đó là những cá nhân khác có liên quan.
Tôi hoan nghênh việc UBKTTƯ đã công khai thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và những yêu cầu được Uỷ ban đưa ra là cần thiết và đúng nguyên tắc.
Không có “vùng cấm” trong Đảng
UBKTTƯ đã ra quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015. Việc hồi tố trách nhiệm đối với các nguyên lãnh đạo về hưu đã có tiền lệ chưa, thưa ông?
-Tôi xin nói luôn để nhà báo yên tâm là trong lịch sử của Đảng, đã có nhiều trường hợp như thế. Tôi không tiện kể tên họ những người ấy ra. Về xử lý nội bộ, Đảng không phân biệt một ai, kể cả là đã về hưu nhiều năm nhưng nếu có liên quan đến những sai phạm trong thời kỳ công tác thì cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn”!
Và theo nguồn thông tin tôi nắm được thì lần này chỉ đạo của Trung ương, khi xem xét khuyết điểm của cán bộ thì không hề có bất cứ vùng cấm nào, bất luận người đó đương chức hay đã về hưu, ngay cả đương chức thì dù ở bất cứ chức vụ nào cũng phải bị xem xét.
Vậy việc xử lý trách nhiệm sẽ tiến hành thế nào?
Phải đối chiếu các quy định của Đảng, quy định của pháp luật cũng như quy định của chính quyền trong xử phạt hành chính.
Thông thường, khi xử lý cán bộ là Đảng viên, cấp ủy viên, thì trước tiên Đảng và cấp chính quyền phải xem xét. Nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì áp dụng hình thức kỷ luật theo điều lệ Đảng, sau đó là luật công chức, viên chức. Còn nếu như đã vi phạm pháp luật thì phải chuyển cơ quan điều tra.
Chúng ta đang sống trong một Nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quy định đã có, vấn đề là các cơ quan đó có làm đúng theo những điều trong quy định hay không.
Nhiều trường hợp đã từng có trong lịch sử của Đảng, nghĩa là Đảng đã thực hiện được việc đó. Hoàn toàn không có vùng cấm trong Đảng, sai phạm đến đâu xử lý đến đó: Sai phạm về mặt tổ chức, sinh hoạt Đảng thì phải xử lý, chịu hình phạt kỷ luật - cao nhất là khai trừ khỏi Đảng. Nếu người đó có giữ chức vụ nào đó trong chính quyền thì phải cách chức, đuổi ra khỏi cơ quan Nhà nước. Nặng hơn nữa nếu vi phạm pháp luật thì phải chuyển cơ quan pháp luật xem xét.
Riêng với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, chúng ta cần đợi kết quả cuối cùng khi mà các cơ quan chức năng đã hoàn tất khâu kiểm tra.
Những điều tôi nói ở đây không phải theo ý muốn của tôi mà theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Phải bài trừ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển
Ông đánh giá như thế nào về việc ông Trịnh Xuân Thanh tự đề nghị để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức năng lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang dù rằng bản thân không đủ tiêu chuẩn, theo như kết luận của UBKTTƯ?
-Trên thực tế, muốn làm việc gì, đi đâu thì bản thân cán bộ đó có thể chủ động đề nghị. Một người nếu muốn gánh vác những việc nặng nề hơn thì đó là điều đáng hoan nghênh, chỉ có điều, với những người không đủ phẩm chất, năng lực mà cứ muốn “leo cao, chui sâu” thì không được.
Tôi thấy rằng, những người có tính xung phong, thích nhận việc nặng nhọc không phải là nhiều, cho nên nếu có những người tự đứng ra đảm đương những việc khó khăn thì nên khuyến khích. Còn những kẻ chỉ mon men tìm mọi cách nhằm lợi dụng chức quyền thu vén lợi ích cá nhân thì cần loại bỏ.
Bây giờ xã hội chúng ta đang tồn tại nạn “chạy”: chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy cả huy chương, thành tích… Có những con người giả dối làm những chuyện bịp bợm và có cả những kẻ kinh doanh chức quyền, bằng cấp. Những điều xấu xa đó chúng ta phải mạnh mẽ lên án, bài trừ.
Công tác tổ chức cán bộ là một công tác nhạy cảm. Theo ông, làm sao để công tác này được trong sạch?
-Yêu cầu quan trọng đối với công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ là phải trong sạch. Những cơ quan làm tổ chức nhân sự phải là nơi trong sáng.
Đảng và Nhà nước đã có đủ các quy định từ tuyển chọn, cất nhắc đến đề bạt, bổ nhiệm…, tất cả đều phải qua quy trình chặt chẽ. Quy định có thừa nhưng anh có thực hiện nghiêm chỉnh hay không mà thôi.
Vấn đề đặt ra là vì sao vẫn còn tình trạng “buông lỏng”? Có nhiều nguyên nhân: thứ nhất là do hời hợt, quan liêu; thứ hai là nể nang; thứ ba là do bị đồng tiền mua chuộc, v.v…
Trường hợp bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh chúng ta hãy chờ xem các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến việc bổ nhiệm, tạo điều kiện cho ông Thanh sẽ tự kiểm điểm và bị kiểm điểm như thế nào. Nhưng tôi mong rằng các cơ quan tổ chức Đảng được yêu cầu kiểm điểm nên thành khẩn, chân thành, nghiêm túc kiểm điểm để rút kinh nghiệm và tiến bộ. Còn những cơ quan, những cá nhân tham gia vào công tác rà soát, kiểm điểm thì phải hết sức khách quan, trung thực, nghiêm túc; phân tích rõ đúng - sai, phải - trái một cách phân minh; không nể nang hay bị chi phối bởi bất cứ áp lực nào.
Bổ nhiệm con cháu, người quen là rất nguy hiểm
Vừa rồi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu phải dẹp nạn bổ nhiệm cán bộ “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ”. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông điều đó có dễ dàng?
-Xu hướng vì vụ lợi trong công tác cán bộ là có. Có người nói “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ”, nhưng cũng có người nói “thứ nhất tiền tệ”.
Chúng ta không câu nệ về ngạn ngữ đó, nhưng phải lên án, phải vạch rõ để mọi người thấy rằng, đưa cái cung cách ấy vào để đào tạo con cháu con mình, đào tạo lớp cán bộ trẻ là rất nguy hiểm. Nguy hiểm trước hết là cho bản thân những gia đình, những cán bộ làm việc đó.
Nâng đỡ như vậy làm tổn hại cho chính con cháu họ. Những con người có được chức quyền chỉ nhờ vào đồng tiền, quan hệ mà không phải vì đức tài thì trước sau họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ, họ sẽ tự xấu hổ. Chức càng cao mà không hoàn thành nhiệm vụ thì tổn hại càng lớn.
Bản thân những người đó sẽ bị xã hội khinh rẻ, nhưng nghiêm trọng nhất là gây tổn hại cho quốc gia. Cho nên, chọn cán bộ mà theo kiểu chọn con cái hoặc bị mua chuộc là không thể chấp nhận được!
Tôi đề nghị báo chí lên án thật mạnh mẽ. Từ đó cảnh báo những ông bố, bà mẹ rằng, “đào tạo” con cái theo lối đó là hại con chứ không phải thương con đâu! Bao nhiêu tỷ phú trên thế giới có tài sản kếch xù nhưng thậm chí họ còn tuyên bố sẽ không để tài sản lại cho con.
Đảng không bao che cho những kẻ xấu xa. Đây là cơ hội để những người sai lầm, những đồng chí chưa bị lộ nên thành khẩn, không tiếp tục đi sâu vào vực thẳm của sự ô uế và trở lại với con đường sáng. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân sẽ trở nên gắn bó hơn và tin cậy lẫn nhau.
-Xin chân thành cảm ơn ông!
Bích Diệp thực hiện

>>>>>>>>>>>>>>>

​Không khởi tố lãnh đạo Vinaconex là trái pháp luật

19/07/2016 09:07 GMT+7
TTO - Một trong những nguyên tắc tố tụng hình sự nước ta là “không làm oan người vô tội nhưng cũng không được bỏ lọt tội phạm, dù đó là tội phạm ít nghiêm trọng”.
"Nghe đọc bài: Không khởi tố lãnh đạo Vinaconex là trái pháp luật"
​Không khởi tố lãnh đạo Vinaconex là trái pháp luật
Đường ống nước sạch sông Đà trong một lần vỡ - Ảnh: Lâm Hoài
Hành vi sai phạm của lãnh đạo Vinaconex đã được cơ quan điều tra xác định là “không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng.
Việc lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm không đảm bảo chất lượng… đã khiến công trình liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nếu nói đúng ra thì phải là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo điều 229 Bộ luật hình sự (BLHS) thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (khoản 3 điều 229 BLHS có khung hình phạt từ 8 đến 20 năm tù). 
Nhưng không hiểu sao kết luận điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” lại “tha”, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo Vinaconex.
Lý do đưa ra như “khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng.
Mặt khác, kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi; người chịu trách nhiệm chính trong các quyết định trái pháp luật của hội đồng quản trị nêu trên là ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên tổng giám đốc, ủy viên hội đồng quản trị - đã mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu”.
Những lý do này chẳng có điều nào được BLHS năm 1999 cũng như BLHS năm 2015 cho phép được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cả! Có chăng chỉ là những tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt. 
Vụ án này không chỉ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về vật chất. Chỉ tính từ ngày 4-2-2012 đến 26-9-2015, dự án đã 14 lần xảy ra việc vỡ tuyến ống với 18 cây ống sợi thủy tinh, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn đến tài sản doanh nghiệp với chi phí sửa chữa, thay thế bằng tiền của doanh nghiệp là 13,458 tỉ đồng.
Các lần vỡ ống nước đã ngừng cung cấp nước sạch cho 177.000 hộ dân với thời gian dừng cấp nước là 343 giờ.
Thiệt hại như vậy mà đại diện Công ty CP nước sạch Vinaconex chỉ cho rằng gây hậu quả nghiêm trọng thì đúng là không ai nghe được.
Ngoài hậu quả “khiêm tốn” như Công ty CP nước sạch Vinaconex khai báo thì hậu quả phi vật chất trong vụ án này có ai xác định được không?
Hàng trăm ngàn hộ dân không có nước sạch dùng trong thời gian dài, gây dư luận bức xúc với những việc làm tắc trách của một số lãnh đạo Vinaconex.
Nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự những cấp dưới của Vinaconex thì liệu nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” có còn đúng không? 
Tòa án thành phố Hà Nội chưa đưa vụ án ra xét xử mà dư luận, báo chí, các chuyên gia pháp luật, trong đó có cả những người công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, đều lên tiếng về việc bỏ lọt tội phạm đối với lãnh đạo Vinaconex.
Liệu người dân cả nước nói chung và người dân thủ đô Hà Nội nghĩ gì khi cơ quan điều tra không truy cứu các lãnh đạo Vinaconex phạm tội đặc biệt nghiêm trọng!
Thiết nghĩ các cấp lãnh đạo trung ương và thành phố Hà Nội nên vào cuộc để vụ án được xét xử đúng người đúng tội.
ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét