Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Chiến Dịch C 81 - 5 -/-


Biên Giới Tây Nam 5



   Mùa mưa đang độ sung mãn nhất. Ngày nào cũng mưa, triền miên xối xả. Buổi sáng trời còn loe nắng, nhưng độ hai, ba giờ chiều là mây đen kéo kín chân trời. Gió như ngựa lồng cuốn theo những cơn mưa trắng trời trắng đất. Tấm nilon lính chỉ khoác lên mình cho chiếu lệ và ngăn gió quất thôi chứ nhằm nhò gì! Áo quần hầu như lúc nào cũng ẩm ướt. Lại trộn lẫn mồ hôi, bùn đất lúc hành quân tỏa ra cái mùi thật khó chịu. Tấm tăng, mà có nhà thơ ví như cái “bầu trời vuông” của lính hồi đó cũng mỏng quẹt, gió giật một lúc là các tai buộc đứt bung ra ngay. Chúng tôi lấy dây điện thoại hoặc dây rừng buộc túm lại những góc đứt, chằng đụp cho xong chỗ nghỉ đêm. Tăng thiếu hay rách quá, có thằng sáng kiến kiểu nằm chung. Tức là hai đứa mắc võng cùng một chỗ, thằng trên thằng dưới như kiểu giường tầng của sinh viên nội trú. Một tấm tăng lành che chung. Còn tấm tăng rách kia buộc che hướng gió tạt. Thằng trên đang nằm thì chép miệng, bảo quê tao tháng này sắp đến cữ gặt. Tao với con em gái vác cái vợt nilon ra đồng, cứ thấy thửa nào chưa gặt là nhào tới quơ ngang quơ dọc một lúc là đầy châu chấu. Mang về rút đầu vặt cánh, thêm chút lá chanh thái chỉ, cho vào chảo mỡ rang giòn nhậu hết sảy…Thằng nằm dưới im lặng thở dài. Nỗi nhớ dường như cũng ngấm nước mưa, làm nhạt nhòa những gì xa xôi hoành tráng, nhưng làm hiển hiện long lanh đến từng chi tiết những gì tưởng chừng bé nhỏ. Cái biển số nhà quăn mép của cô bạn học chung một lớp, mảng tường tróc ngoài cổng do bọn trẻ con đánh đáo Tết búng xu, cũng có thể là cái cành đa cụt đầu đình. ”Chiều chiều ra đứng lầu tây. Thương cô gánh nước tưới cây ngô đồng…”. Bài dân ca quê Việt thiết tha từ cái radio ngân lên nho nhỏ trong buổi phát thanh dân ca và nhạc cổ truyền như cào thêm vào nỗi nhớ. Tôi bắt đầu yêu và cảm dân ca từ buổi chiều mưa xa nhà ấy. Thương gì nữa, tưới gì nữa em? Mưa rừng đã tưới đẫm hồn bọn anh rồi…!
   Thú thực với các bạn là hồi đó tôi cũng mong dính thương phần mềm, như thằng Hiệp híp chẳng hạn. Bị thương nhẹ thôi, chứ đừng bị nặng, và nhất là đừng có hy sinh! Sẽ được đưa đi viện, sẽ được nghỉ mấy tháng…Mưa sẽ bay ngoài cửa kính. Còn trong phòng ấm áp, sẽ thoảng mùi thơm dịu của quả cam do cô y tá xinh như mộng đang gọt dở…Nhưng như tôi đã nói với các bạn, đôi khi chết được cũng khó, huống hồ bị thương. Trên đường vào Ăm leng, có lần quả cối 60 nổ ngay trước mặt bọn tôi, cách có gần chục thước. Có bốn đứa thì ba đứa dính miểng. Còn tôi cố vạch vòi sờ soạng nhưng cũng chẳng sơ sướt gì. Không phải chỉ vì muốn bỏ đồng đội hay lui bước cầu an gì mà với cái tư tưởng của tôi lúc đó, một vết sẹo chiến trường còn hơn tỷ lần một tấm huân chương. Các em gái thường muốn khoe sự xinh đẹp kiều diễm hiểu (không hiểu lắm, chắc thế!), còn những thằng trai lính như tôi thời đó, có nhu cầu phô trương sự dày dạn và lòng dũng cảm. Mà chắc thời nào cũng vậy thôi, đấy là đặc thù giới tính mà! Một vết sẹo là một khẳng định bằng vàng cho những câu chuyện chiến chinh mà chiến thắng phi thường bao giờ cũng thuộc về người sở hữu tấm ”huân chương” đó(!)
   Cuối tháng chín năm 79, trung đoàn hoạt động ở khoảng giữa Kra Ko và Ponley. Tiểu đoàn 4 truy quét địch phía tây đường 5. Có khi sục vào sát chân sườn phía đông núi Tuk S’ra nằm kẹp giữa đường 5 và đường sắt. Cũng giống như ta hồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ - Kh’mer Đỏ cũng triển khai trồng trọt nương rẫy, giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ. Đơn vị càn rừng hôm ấy phát hiện trong hốc một cây dầu lớn, lửa đốt cho dầu ra còn đang cháy. Vậy là vùng rừng này có người ở. Tiểu đoàn lặng lẽ bám dần lên đến một khoảnh rừng thưa. Một nương sắn rộng hiện ra, cây mới cao ngang tầm ngực. Hai mũi khép vào, chuẩn bị xung phong…Rồi điều gì đến đã đến! Hoàn toàn chẳng giống như tôi hình dung. Mà hầu như trong cuộc sống chẳng cái gì đến như tôi tưởng tượng cả. Thế mới tệ hại! Kể cả trường hợp bị thương của tôi lần này nữa. Không có pha ngã xuống tuyệt đẹp sau chớp lóe của đạn cầu vồng trong một trận tấn công cấp chiến dịch, có xe tăng và không quân yểm trợ. Trong khi đang vận động cùng đơn vị đuổi theo toán địch hủi (có cả phụ nữ nữa) tăng gia ở nương sắn     này, tôi bị sụp hầm chông. Thế mới bầy hầy! Ngã sấp mặt, mồm vập vào rễ cây giập cả môi, tôi vẫn kịp ôm cái gốc cây đằng trước để khỏi bị tụt xuống. Thằng Phụng với anh Ky chạy đến lôi lên. Một mũi chông tre xuyên rìa gót, chọc thẳng vào xương mắt cá rồi gãy gập tại đó. Chúng nó rút mũi chông gãy ra, rửa qua quấn băng chặt lại, nhưng chưa đến mức phải ga rô. Lúc ấy không thấy đau lắm, tại chỗ đó chỉ thấy nó giật giật tức tức một chút. Chống gậy vẫn lết đi được chứ không cần cáng. Định thần lại, nhìn xuống hố bây giờ mới thấy kinh. Toàn phân người nhoe nhoét quện lấy từng mũi chông tua tủa. May mà tôi bám kịp cái gốc cây chứ còn rơi hẳn xuống, chưa nói dính bao nhiêu mũi, chỉ cần dầm mình trong cái hố đấy cũng đủ ốm ba tháng. Chúng nó dùng “vũ khí sinh học” tự nghiên cứu, tự sản xuất ghê quá! Thằng Quỳnh “xe lôi” và thằng Thống truyền đạt võng tôi về phía sau. Ra đến đường bò lớn gần lộ 5, gặp xe bò của dân đi rẫy về, chúng nó tống tôi lên xe rồi theo đi luôn. Đến cứ tạm thời của tiểu đoàn ở gần thị trấn Ponley, hai đứa rẽ vào rồi gửi tôi theo xe bò về trạm phẫu K.23 của trung đoàn.  Đúng là đồ vô trách nhiệm! Khi còn lại một mình giữa đám dân tôi mới nhận ra tình thế của mình và rủa thầm chúng nó như thế. Cả đoàn xe chừng hơn chục chiếc vẫn lọc cọc chậm rãi lăn bánh trên đường. Các lão nông dân bạn đen trũi, kẻ ngồi trên xe im lặng rít thuốc rê, người vác dao quắm lừ lừ đi bộ. Từ cứ tiểu đoàn đến trạm phẫu khoảng 1,2 km, hai bên cũng toàn rừng thưa. Nhớ lại chuyện thằng lính B3 bị chém bay đầu mấy tháng trước trên đường ra Bâmnak. Tôi không dám nằm nữa mà ngồi nhỏm dậy trên xe. Nỗi sợ làm cảm giác đau dưới chân tan biến. Dưới gót, máu lại thấm qua lớp băng chảy nhều nhệu. Tôi mặc kệ, mải nhìn quanh quất kiếm cái gì phòng thân hoặc ước lượng đường chạy khi có biến. Mà làm gì có cái gì? Chân cẳng thế này chạy đi đâu? Thấy tôi máu chảy nhiều và không chịu nằm, mấy người đàn ông đi bộ vác dao quắm xúm lại. Thôi lần này mình tong rồi! Lúc đó tôi choáng thực sự. Hoa hết cả mắt nhưng vẫn còn kịp thấy hai người quay lại chiếc xe cuối rút một cây tầm vông rồi trở lại. Một người tháo chiếc võng nilon đen đeo ở thắt lưng (đúng loại võng địch hay dùng) buộc vào cây tầm vông làm đòn khiêng. Họ đỡ tôi sang võng rồi cáng thẳng đến trạm phẫu. Khi nhìn thấy mấy thằng lính thông tin trung đoàn bộ đi nối dây trên đường, tôi mới dám thở phào! Thì ra thấy tôi ngồi dậy, mặt thì tái mét, họ tưởng xe xóc làm tôi đau nên mới chuyển phương tiện cho êm. Đến nơi, giao tôi cho quân y xong, người đàn ông còn nhe răng cười với tôi rồi đi giặt máu dính vào võng. Một cái võng nilon hồi đó đổi được một chỉ vàng.

   Thời gian nằm ở K.23 là khoảng nghỉ ngơi thật dễ chịu. Ở đây toàn những thằng bị thương nhẹ, bị sốt rét chưa đến mức phải chuyển lên quân y tuyến trên. Sau khi điều trị hơn chục ngày, vết thương của tôi đã khép miệng và có thể đi lại được. Anh em đại đội phẫu có một cây guitar còn khá tốt. Đúng là tuyến sau có khác! Hồi còn đi học ở nhà, giống như nhiều chàng trai Hà nội hay Sài gòn khác, tôi cũng khoái tập guitar. Trình độ còi nhưng cũng đủ chơi những bản nhạc thịnh hành thời ấy ở mức phổ thông. Cũng có thể so hợp âm đệm theo nhiều bài hát, thỉnh thoảng máu lên còn chêm vào một đoạn list học mót…Tự nhiên xuất hiện một “nhạc công” sạch nước cản tại đơn vị nên lính chuyên môn ở K.23 rất khoái. Cứ sau bữa cơm chiều là chúng nó xúm lại, pha một ấm trà thật se lưỡi rồi hát nghêu ngao. Thôi thì đủ các loại trên trời dưới bể. Hết nhạc Nga ra nhạc Trịnh. Sau nhạc trẻ lại lạng quạng bẻ sang nhạc “vàng”. Những bài hát truyền thống của quân ta như “Vì nhân dân quên mình”, “Tiến bước dưới quân kỳ”…chắc chỉ được hát chính thức khi hội họp. Còn những buổi sinh hoạt “văn hoá văn nghệ” như thế này thì nhạc “vàng” chiếm đa số. Mấy cha lính cũ thời đánh Mỹ trên trung đoàn bộ là cả một kho tàng phong phú về thể loại nhạc này. Thằng em đệm cho anh bài “Xuân này con không về”, thằng em cho anh bài “Anh nằm xuống…”… “ Thành phố buồn đi mày!”… Đôi khi mấy anh trợ lý chính trị bên ban 2 cũng sang bên phẫu chơi. Ngồi uống trà nghe lính tráng hát những bài như thế cũng chẳng nói năng gì. Thây kệ, hồn ai nấy giữ! Mai về lại đơn vị đánh nhau ngón tay hẳn vẫn quen hơi cò súng, lại lội rừng băng ruộng tăm tối mặt mày…Thế thì cứ hát đi! Cao trào nhất phải kể đến bài “Thư của lính”. Hai cái thìa nhôm được mang ra. “Nghệ sĩ” phụ trách bộ gõ kẹp đôi thìa giữa hai ngón tay, miết xuống mặt bàn. Tiếng phách giòn tan, hoạt như những bước claket điêu luyện. Ba bốn cái miệng gào lên:” Từ khi anh thôi học, và từ khi anh khoác áo t’râyzi…Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây…Uh oa ùh oà…”. Có tốp vocal cẩn thận, Thanh Lam có khi phải gọi bằng cụ.
-   Dừng lại! Chúng mày hát bài gì lạ thế các em? Ai sáng tác?
-   Báo cáo anh! Bài “Tình thư của lính” của nhạc sỹ Xuân Hồng ạ!
-   Ừ! Ngon heng! Ta sáng tác thì được! Đừng có hát tầm bậy mấy bài lá xa cành anh xa em! Nghe hông!
    Thủ trưởng đi khỏi, cuộc vui lại tiếp tục. Ngày xưa cối nhỏ chày to, bây giờ cải tiến cối to hơn chày – Mời các bạn thưởng thức bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo do Vũ Hựu biên soạn lại : “Lấy xà beng đập đầu con cá lóc, nấu canh chua bỏ ớt cho thật cay…”. Lúc này, các em-xi (MC) thi nhau thể hiện. Đảm bảo Long Vũ, Diễm Quỳnh bây giờ chạy mất dép! Hai con dê cùng qua một chiếc cầu hẹp. Chẳng con nào chịu nhường con nào. Chúng húc nhau, cả hai đều lăn tòm xuống…Nhưng may mà :” Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua…”. Trường sơn sớm nắng mưa chiều, anh đi nhớ chị Vân kiều… ấy…to. Sau đây là bài Tiếng đàn ta lư :” Đi chiến trường, mùa khô năm 71. Vào trong Vinh, mới biết cấp trên đưa mình sang Lào. Hành quân bằng xe hơi…Hú…!”. Cứ thế! Hầu như các bài hát của các nhạc sĩ đều bị biên tập lại. Chắc để cho vừa với kích cỡ tâm hồn giản dị và tếu táo của người lính. Chiến trường ác liệt và nhọc nhằn, có vẻ các món ăn tinh thần nhẹ và vui được tiêu hoá nhanh hơn. 

   Sau hơn một tháng nằm viện, tôi trở về đơn vị. Đấy là đã được anh em trạm phẫu ưu tiên nghỉ ngơi thêm một tuần. Tiểu đoàn 4, trong thời gian tôi nằm viện vẫn đứng chân gần thị trấn Ponley. Tôi vừa về được một hôm là có lệnh hành quân ngay. Cứ như là đơn vị chỉ chờ mỗi tôi lành là lên đường. Lại vào ga Bâmnak, nhưng lần này không theo lộ 28, cũng chẳng theo lộ không tên qua phum “rừng thị”. Nhằm thẳng hướng dãy núi Tuk S’Ra, đơn vị cắt rừng tiến bước. Dãy núi này điểm cao nhất chỉ khoảng 400m, còn toàn bình độ 200,300 nên vượt qua nó chẳng khó khăn gì. Địa bàn hoạt động quen thuộc đây rồi. Qua phum Chùa, phum Th’may, những cái công sự nổi của chúng tôi mấy tháng trước chỉ còn những đống đất. Ván thành, kể cả các vách gỗ trên các nhà sàn trong phum đã biến đi đâu gần hết. Có thể là dân ngoài lộ 5 đánh xe bò vào lấy, cũng có thể là địch lấy. Những lốt xe bò rất mới lăn ngang lăn dọc ven rừng. Vào đến ga Bâmnak, nhìn thấy ngay cây cầu gỗ trên con lộ song song với đường sắt dã bị địch phá hủy hoàn toàn. Chúng nó đốt quãng giữa cho cháy sập xuống. Đại đội công binh 19 phải hì hụi mấy ngày liền mới làm xong một cái cầu tạm tại vị trí cũ. Trong khi khắc phục nối liền giao thông, đại đội công binh này đã phát hiện và gỡ được rất nhiều mìn. Ban Tác chiến phổ biến xuống các đơn vị  loại mìn kiểu mới của địch tên gọi là K.58. Mìn này có vỏ cấu tạo bằng chất dẻo để chống máy dò mìn. Hình dạng giống như một hộp         nhựa vá ruột xe đạp. Chỉ cần một lực rất nhẹ tác dụng lên bề mặt là mìn phát nổ. Hơi nổ sẽ tuốt đi bàn chân vô tình dẫm phải. Nếu ga rô tốt, cấp cứu kịp thời thì cũng coi như đi đứt một giò. Ý tưởng của kẻ phát minh ra loại mìn này rất thâm độc. Nó làm cho người lính không chết, nhưng đương nhiên bị loại khỏi vòng chiến đấu. Khi trở về hậu phương có thể sẽ gây hoang mang, chán nản cho cộng đồng. Xã hội sẽ phải gánh thêm cái gánh nặng vật chất lẫn tâm lý ấy…Chúng tôi đặt tên cho loại mìn này là mìn “xin một chân!”. Bên tiểu đoàn 5 đã có hai trường hợp dính phải loại mìn này. Đã có tư tưởng ngại đi đầu vì sợ dính mìn. Các đại đội thì không có chuyện đó, chứ dưới các trung đội bắt đầu tị nạnh nhau về việc đi đầu đi cuối. Một hai lần được chỉ định đi trước thì không sao chứ đến lần thứ ba thể nào trung đội đó cũng thắc mắc thẳng thừng rằng tại sao đại đội cứ ”gí” trung đội em thế? Biết là quân lệnh như sơn, nhưng dần dần cán bộ đại đội cũng phải sử dụng chính sách xoay vòng. Còn lính ta thằng đi sau cố đặt bàn chân vào vết chân thằng đi trước. “Sao y bản chính không có đùng rầm!” là một câu nói vui phổ biến thời đó, nhưng nó cũng thể hiện tư tưởng ngại mìn địch trong bộ đội. Để tránh mìn, đơn vị hành quân truy quét thường phải né đường bò, cắt rừng đến mục tiêu quy định. Nhiều thằng đi đầu một lúc, thấy quãng nào nghi nghi liền đứng lại tạt vào bụi mặc dù không mót đái. Thằng đi sau kế bên vượt qua một tẹo rồi cũng dừng lại làm cái công việc y hệt. Dần dần cả tiểu đội, trung đội thực hành bài “đái cuốn chiếu”. Tốc độ hành quân chậm, nhiều lần Chính “tréc” đại đội trưởng phát khùng, cứ băng băng vượt trước đội hình đại đội 1. Mặt mũi cứ hầm hầm không thèm nói câu nào. Các trung đội và anh em thấy thế cũng ngượng nên cố gắng hơn. Quả tình cán bộ nói được làm được thì đơn vị mới mạnh được…
  Đại đội 1 đặt chỉ huy sở ở căn nhà gác ghi đường sắt đầu ga. Ban ngày bung đội hình đi sục từ sáng sớm, ban đêm lại co về. Mé trong núi, đôi lúc nghe tiếng mìn nổ vọng lại. Có thể là thú rừng vướng mìn địch cài. Tôi mới đi viện về nên anh em cũng ưu tiên cho được nghỉ ngơi. Trời đang chuyển mùa. Mưa nhỏ hơn và thường xuất hiện vào nửa đêm về sáng. Gần sớm thức giấc, còn nửa mơ nửa tỉnh, nghe đơn vị lịch kịch súng đạn trở dậy đi càn. Còn mình thì kéo cái tấm đắp trùm qua đầu co mình trên võng. Ngoài trời đang mưa lắc rắc…Cái cảm giác được nghỉ trong khi những người khác vẫn phải làm việc thực thà mà nói cũng dễ chịu. Bảnh mắt ra mới lò dò trở dậy, mấy thằng ốm dở xuống bếp anh nuôi. Nếu còn dầu ăn thì rang cơm cho thật săn. Chén xong rồi tổ chức đi kiếm cá cải thiện cho anh em tối về có cái ăn tươi. Hai thằng anh nuôi ở lại trông cứ. Ba bốn đứa còn lại vác súng đi loanh quanh. Tìm được một đoạn suối nhỏ nước chảy chậm một chút là cả nhóm bắt tay ngay vào việc. Cành cây và đất lấp ngay dòng chảy ở       chỗ lòng suối hẹp nhất. Lúc này mé trên “đập”, nước không còn chảy nữa. Chúng tôi mang hàng bó cây “say”- một loại cây rừng có vỏ nhiều nhựa màu đỏ ra đập vào đá cho xơ ra. Hai thằng đập, một thằng mang xơ vỏ và cả lá loại cây đó vò nát, khỏa đều khắp. Một lát sau, cá bị say bắt đầu ngoi lên mặt nước lờ đờ ngáp. Cá ngựa là yếu nhất, gần như ngoi ngay lập tức. Giống cá này trông như con cá chép. Đuôi cũng đỏ như thế nhưng nhỏ hơn, mình thuôn và tròn hơn và không có đôi râu. Tiếp đến là cá mè vinh đuôi vàng. Những con yếu thì không nói làm gì. Chỉ việc bụm tay hất lên trên bờ. Còn những con to và còn khỏe thì chúng tôi lấy cây nhè đầu mà đập rồi vớt. Cá lăng, cá kết (giống cá thác lác), cá bò bị say luồn ra khỏi hang trú ngụ. Vây ngạnh vây lưng duỗi ra đờ đẫn. cứng đơ rất nguy hiểm. Lúc này phải thật khéo, lội suối bao giờ cũng phải đưa ngón chân xuống trước để thăm dò chỗ đặt bàn chân nếu không muốn ăn cả cái ngạnh trên kỳ lưng nó. Thủng chân vì ngạnh cá này thì sưng và phát sốt ngay. Trơn trơn, mềm mềm, dài dài đây rồi! Nào, từ từ luồn hai bàn tay xuống. Tránh cái vây ra. Và cả bộ râu đẹp của nó nữa! Thật nhẹ nhàng vừa phải tha thiết thôi, đẩy nó dần dần cặp bờ thoải. Đã thấy cái lưng cá bóng nhẫy. A lê hấp! Hất thẳng lên bờ. Có những con cá lăng dài đến nửa mét. Cá bò lên bờ đổi màu vàng ươm hoặc loang lổ trông như bộ ngụy trang của cánh đặc công nhà ta. Lên bờ rồi mà răng vẫn nghiến kèn kẹt èn ẹt nghe rất vui tai. Mỗi chuyến như thế bắt được cả tạ cá là chuyện bình thường. Trên đường khiêng về tiện tay hái nắm lá giang hay lá bứa nữa là kể như đủ vị. Những chuyện bắt cá bên này có thể kể cả ngày không hết. Còn cái loại cây say ấy là cây gì? Tên latinh, tên khoa học là gì anh em nào trên diễn đàn biết nên phổ biến trên trang kinh nghiệm để lính ta cải thiện. Tôi chỉ biết Toàn cồ người Thái gọi nó là cây say thôi!
  
  Tháng 11 năm 1979, không quân trinh sát báo phát hiện địch tại vùng núi phía nam ga Th’May . Ga này nằm dưới ga Bâmnak 12 km về hướng Ph’nom Penh, nơi con lộ không tên cắt từ đường sắt ra thị trấn Ponley. Vùng núi này cũng thuộc hệ thống Ủrăng S’vai nhưng có độ cao thấp hơn. Trên các đỉnh với bình độ tương đối bằng phẳng như một cao nguyên nhỏ, địch phá rừng làm rẫy, xây dựng lán trại. Tham mưu trung đoàn gọi tên khu vực đó là cao điểm 701. Lại lên đường! Thấm thoắt bây giờ đã là những tháng cuối năm. Một năm có lẽ đáng nhớ nhất, gian khổ nhất và cũng vinh quang nhất trong thời gian tác chiến bên K của đơn vị. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…! Trong năm đó, không kể hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, chỉ tính riêng quãng đường hành quân, những người lính trung đoàn đã vượt quãng đường hàng ngàn cây số, chủ yếu là đi bộ…Đã đi qua biết bao những đồng rộng sông dài, những đỉnh núi mịt mờ mây phủ, những thành phố thị xã hoang tàn lửa khói, những nẻo rừng heo hút không một dấu chân người…Nhưng những con đường vô định của chiến tranh vẫn cứ còn thăm thẳm. Để rồi một chiều cuối năm như chiều nay, ngồi thõng chân bên bờ suối hoang vu… Nghe bản tin đài báo gió mùa đông bắc, lòng lại cồn lên nỗi nhớ nhà. Như con ngựa xứ rợ Hồ, chợt phồng mũi lên ngửi thấy mùi cỏ quê hương cách xa hàng ngàn dặm qua hơi gió Bấc. Đi ngược lại những hành trình cơ học, hành trình tác chiến trên bản đồ là hành trình của trái tim người lính viễn chinh. Hoặc còn sống, hoặc đã tử trận nhưng luôn trở về với những mái nhà xưa cũ, với mẹ hiền… Ơi Nước Việt thương yêu của chúng tôi ơi!
   Càng vào đến chân cụm cao điểm 701, rừng càng rậm rạp và ẩm ướt. Trong những quãng rừng le, vắt nâu, vắt xanh quăng mình theo bước chúng tôi rào rào. Đi một lúc, thấy trầy trượt dưới chân. Cúi xuống nhìn thấy dép mình đã nhoe nhoét máu. Vén ống quần lên, ba bốn con vắt to kềnh no máu rời ra. Trong các loại hút máu người thì tôi kinh con này nhất. Cũng như mìn của địch vậy! Cái gì ta không biết, không phát hiện được thì lại càng đáng sợ. Sợ hơn cả đỉa trâu, đỉa hẹ đồng trũng ở Hà nam thời huấn luyện. Đặt một cành le khô cho con vắt bám vào rồi quan sát. Nó lập tức         biến thành một màu vàng cùng với cành khô bạn đang cầm. Giác chân quặp chắc vào cái que. Còn cái đầu huơ đi huơ lại cuống quít đánh hơi người trông rất hung hãn. Tăm tối và háu ăn một cách kỳ dị, bị một nhát kéo cắt đôi người mà phần đầu vẫn bám chặt lấy cẳng chân thằng Thư quân y. Qua được quãng rừng vắt ấy, tiểu đoàn dừng chân tại khoảng rừng thưa hơn, nơi có một vệt đường mòn cắt qua để chờ tiểu đoàn 5 lên kịp mũi hiệp đồng. Ngày hôm đó sẽ là một ngày bình thường nếu như không xảy ra chuyện có 5 tên địch nữ đi xồng xộc thẳng vào đội hình của đại đội 2. Lính ta phát hiện thì nó đã vào rất gần. Thậm chí vừa đi vừa nói chuyện rất to. Cho dù là địch đi chăng nữa thì phụ nữ vẫn có nhu cầu buôn chuyện. Tài thật! Đến khi cả năm đứa nhìn thấy mấy cái võng không của lính mình, đờ người ra định quay đầu chạy thì đã nghe tiếng hô bắt sống và những nòng súng chĩa xung quanh. Đồ đạc phụ tùng trên người rơi lịch bịch xuống khi tay đưa lên trời. Kiểm tra “quân tư trang” thì thấy không có gì đặc biệt. Vài củ mì, vài quả bí ngô non, võng, với mấy thứ đồ lặt vặt khác… Hoàn toàn không có vũ khí. Tù binh lập tức được đưa ngay về tiểu đoàn bộ. Cái vốn tiếng K bập bẹ của Bình “cháo’’ chỉ để hiểu được rằng các “chị ấy” thuộc một đơn vị tăng gia của địch. Đêm ấy, tiểu đoàn giao họ cho trung đội vận tải canh gác. Họ cũng căng võng ngủ như lính ta và hoàn toàn không bị trói.
    Sớm hôm sau, tiểu đoàn 4 lại tiếp tục hành quân, mang theo cả tù binh. Rừng thì chỗ nào chả giống chỗ nào? Nhưng khi đi được khoảng gần 4 tiếng đồng hồ vã mồ hôi hột, tôi thấy khu rừng này là lạ. Nó là lạ ở chỗ trông nó…quen quen (!) Hình như tiểu đoàn đã trở về đúng vị trí dừng chân đêm qua. Tôi đưa cái nhận xét này ra và anh Ky cũng đồng tình ngay lập tức. Anh Thào tiểu đoàn trưởng mắng át đi :”Mẹ chúng mày! Lệnh đi thì cứ biết đi! Kêu ca gì? Đi đến đâu chả là đi?” Quá chí lý! Đang nghỉ giải lao, tôi quyết tìm ra chứng cứ chứng minh cho nhận xét của mình. Tất nhiên không phải chống lại anh Thào nhưng cái ý muốn biết mình đang ở đâu thôi thúc tôi lò dò tìm quanh. Đây rồi! Cái bếp anh nuôi đại đội 1 nấu cơm ban sáng lù lù cạnh cái gốc cây mục rành rành. Tôi kêu toáng lên và chúng nó đổ xô lại. Có đứa còn nhận ra mình vừa dẫm phải cái “hố mèo” của chính mình ban sáng. Không cái dại nào giống cái dại nào! Lập tức tôi ăn hai cái đá đít của ông Thào vì cái phát hiện vừa rồi. Bọn tù binh dường như cũng nhận ra tình thế. Chúng nó là ma xó vùng rừng này nên lạ gì! Đã thế lại còn bụm miệng cười khúc khích khiến ông Thào càng cáu tợn. Tiểu đoàn phó của tôi đánh nhau thì không thể chê được nhưng khoản tham mưu bản đồ có vẻ có vấn đề. Sau hai chưởng mà anh ấy giành cho tôi, không thằng nào dám ý kiến ý cò gì nữa. Mẹ đời! Đúng là dây phải “giặc cái” thì đen thế đấy!
    

  Mà đúng là đen thật! Chiều tối, tiểu đoàn 5 đã đến điểm hẹn trên núi mà chúng tôi vẫn loanh quanh dưới chân. Cả một rừng dây mây giăng thành chắn mất lối lên. Còn con đường bò lớn vẽ trong bản đồ lúc nãy vẫn thấp thoáng bên cạnh (chúng tôi không dám đi trên đường) bây giờ tự nhiên mất tích. Lên sóng 2W nghe tiếng tiểu đoàn bạn rất rõ, chứng tỏ cự ly thật gần mà mãi vẫn chưa đến được vị trí hiệp đồng. Tham mưu trung đoàn khỏi dùng bảng mật danh luôn. Cứ cầm trực tiếp tổ hợp nói chuyện thẳng với tiểu đoàn hỏi rằng có thấy cái đỉnh núi nhọn độc lập nào bên tay trái không? Cho trinh sát cắt hướng 45 xem có gặp cái đìa nước nào không??? Có đến một tá câu hỏi, gấp hai lần như thế để hướng dẫn nhưng mò vẫn hoàn mò. Sọt sẹt một lúc thì gần hết pin, phải lắp lố pin dự trữ. Tối mù thế này thì trông thấy cái gì? Lại nói chuyện ban sáng. Anh Sơn trung đội trưởng trinh sát (không phải anh Sơn “big” D trưởng đang đi viện) cũng là một tay kỳ cựu đi đầu đội hình. Địa bàn cầm tay, hướng cắt đúng, các vật chuẩn địa hình lần lượt xuất hiện như dự tính. Ấy thế mà đi cả buổi lại lộn về vị trí cũ. Điều này không giải thích được! Cứ như bị ma làm. Một con cú lớn đến giờ kiếm ăn, lừ lừ liệng qua đầu chúng tôi lặng phắc, không một tiếng động, để lại một mùi hôi tanh lợm giọng. Tướng với quân lúng túng như gà mắc tóc, lao xao hết cả lên. Trung đoàn sốt ruột không chờ nữa, lệnh tiểu đoàn 5 đụng địch thì đánh ngay. Vừa dứt câu lệnh thì tất cả giật mình vì tiếng súng 12,8 nổ ầm ầm. Đạn vạch đường, chớp B.40 nhoang nhoáng sáng một góc rừng. Tiểu đoàn 5 đã nổ súng. Chúng nó ở ngay trên đỉnh đầu chúng tôi, hai đơn vị chỉ cách nhau chưa đầy một km. Một thằng ngu nào đó không chờ lệnh thống nhất qua thông tin, bắn ba phát đạn vạch đường lên núi bắt liên lạc. Do quá gần nhau nên bọn tiểu đoàn 5 tưởng chúng tôi là địch đánh từ dưới lên. Lập tức, hai khẩu 12,8 quay nòng bắn thốc xuống chân núi. Đạn lửa chớp cứ giần giật. Có những viên xuyên qua cây văng lung tung hình chữ chi phụt lửa lằng ngoằng Cũng may là sườn dốc, chúng tôi chúi cả vào sát chân nên không ai bị dính. Lính tiểu đoàn 4 hét lên như di nhưng mấy thằng điếc ấy đâu có nghe tiếng. Bọn DK đại đội 4 nổi xung đòi giá súng bắn “bắt liên lạc” lại vài trái chắc chắn bọn trên núi nhận ra ngay! Ai còn lạ gì tính khùng của thằng Mẫn A trưởng khẩu đội này. Không can có khi nó làm thật! Đã có lần ở phum dừa cụt nó đã định ăn thua đủ với thằng Dung cối cũng vì chuyện bắn nhầm. Ta với ta mà còn điên với nhau như thế huống chi là địch. Trong chiến trận, đôi khi bản năng mách bảo hành động. Thế đấy! Được trung đoàn thông báo, bọn tiểu đoàn 5 thôi bắn xuống. Nhưng tiếng súng trên đỉnh núi vẫn đùng đùng đến khuya.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét