Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Chiến Dịch C 81 - 4


Biên Giới Tây Nam (tt) 4

Vâng ! Chúng ta đang ở thời điểm tháng 5 năm 1979, tại ga Bâmnak và các vùng phụ cận quanh thung lũng A3. Kể từ đây, thời gian bị nhoè đi theo cuốn nhật ký bởi những trận mưa rừng xối xả. Nhưng những câu chuyện của đời lính không thể nào quên vẫn tươi nguyên trong ký ức, trong từng trang thiếu xé ra từ cuốn sổ để hút thuốc rê. Đôi khi , một mảnh cỏ khô giắt lại, một vết cháy do tàn thuốc cũng nhắc lại được rất nhiều điều… Vào một ngày mưa như thế, chúng tôi được lệnh hành quân ra Bâmnak. Suốt mấy tháng sống giữa rừng già, nay được quay trở ra đường sắt nên ai cũng thấy phấn khởi. Tiểu đoàn 4 hành quân trước. Trung đoàn bộ và tiểu đoàn 5 đi sau. Tiểu đoàn 6 chốt ở phum “Cà” (vì có một nương cà dái dê) sẽ rút ra sau cùng. Chúng tôi đi giữa rất nhiều đám dân bạn được giải phóng, cũng đang lục tục trở ra đồng bằng. Rừng thưa dần. Đã thấy những khung nhà sàn không có người ở cắm chân bên những ruộng lúa nước. Gọi là ruộng lúa thôi chứ làm gì có lúa, toàn cỏ dại mọc lấn um tùm. Rừng chen ruộng. Ruộng lại chen rừng. Địa hình thoải và tầm mắt được mở rộng dần. Lúc đó, hướng phum “Cà” tiểu đoàn 6, tiếng hoả lực bỗng vọng lại rền rền. Tiểu đoàn 4 được lệnh dừng lại, bỏ trang bị nặng chuẩn bị đánh vận động. Đơn vị ngoặt hướng chưa được nửa cây số lại có lệnh trở ra đường tiếp tục hành quân. Chuyện này nghe thằng Bình “cáo” và thằng Bình “ghẻ” ở khẩu đội đại liên đại đội 12 kể lại là khi toàn tiểu đoàn chuẩn bị lên đường thì địch đánh ập vào. Bọn này hẳn là rất thiện chiến và giàu kinh nghiệm nên chọn thời điểm tấn công hết sức nham hiểm. Khi chuẩn bị hành quân, đương nhiên các loại hoả lực sẽ phải tháo súng, bộ đội sẽ rời công sự và tâm lý thường là mất cảnh giác hơn. Khẩu đại liên đại đội 12 vừa tháo xong thì chúng nó khai hoả. Quả B.40 dũi tung bờ công sự, kẹt vào cái gốc cây hai chạc nhưng không nổ. Hai thằng trợn mắt nhìn cái đuôi đạn đen nhám còn bốc khói, bỏ khẩu đại liên đang tháo dở rồi lăn ra quạt AK vào bựng khói đen đầu nòng bên kia suối. Anh Thắng “chàm”, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 lệnh cho các đại đội từ phương án đánh địch tại chỗ chuyển sang đánh vận động. Yếu tố bất ngờ không khai thác được, lại bị đại đội 11 đánh bọc sườn nên bỏ chạy sau mươi phút giao tranh, bỏ lại xác 4 thằng. Bên ta chỉ có một bị thương và thằng Kính, lính Hải phòng hy sinh. Tôi nhớ thằng Kính hồi huấn luyện ở Phủ lý, Hà nam ninh nó là cán bộ khung - tiểu đội trưởng. Vào đơn vị chiến đấu cùng đoàn, tuổi thì sàn sàn thì gặp nhau mới mày tao chứ thời huấn luyện thì phải gọi bằng anh bỏ mẹ! Ra đến đường, đi thêm quãng nữa, một cảnh tượng hết sức phẫn uất bày ra ngay dưới mắt đơn vị. Một thằng lính B3 hậu cần trung đoàn bộ (không biết tên) nằm trên một vũng máu, đầu lìa khỏi cổ. Nó bị một nhát chém chí tử từ đằng sau bằng dao quắm vào gáy. Khi tiểu đoàn tư vận động đánh địch lúc nãy, đội hình trung đoàn bộ đã vượt qua chúng tôi đi trước. Thằng này có lẽ mệt, vừa đi vừa nghỉ, có ý chờ tiểu đoàn 4 nên bị mấy thằng địch trong dân xử ngọt. Nó không còn gì trên người ngoài bộ quân phục đang mặc. Chết bom chết đạn thì không sao chứ chơi nhau kiểu hèn hạ ấy làm lính tiểu đoàn 4 như phát cuồng. Chúng nó cứ hằm hè nhìn đám dân, thấy người nào có vác dao quắm là xô lại túm ngực lôi đến cái võng tử sỹ ấn đầu vào hỏi. Đoàn người khốn khổ sợ hãi xanh mét cả mặt. Lúc nãy còn tử tế xin thuốc xin nước nhau là thế mà bây giờ tình thế đổi khác hẳn. Cơn giận làm mờ mắt cả lương tri. Chính trị viên tiểu đoàn hò hét khản cả giọng, rút K.59 ra bắn chỉ thiên mới dập nguội được những cái đầu nóng ấy. Từ đó cho đến tối, vượt qua một đoàn dân bạn nào , tôi chỉ chăm chăm nhìn xuống chân xem có ai đi đôi dép giống kiểu dép mà hậu cần vừa phát cho đơn vị không? Tiếc thay! Hoặc may thay! Họ toàn đi đất. Những người dân thoát từ rừng ra cũng không dám trụ lại những phum bám quanh nhà ga Bâmnak vì nơi đây vẫn còn hoang vu và nằm trong vùng chiến sự. Một cái nhà ga hoang, như ga Rômeas, đúng nghĩa. Ban đêm, lợn rừng vào ủi tận những mảnh ruộng sát mép đường sắt. Còn ban ngày, vịt trời và các loài chim nước tụ đàn trên những đầm nước ven đường. Cầu đường sắt bắc qua con suối Damrei (trung đoàn gọi là suối tiểu đoàn 4) chưa bị địch phá nhưng cầu đường bộ, vốn làm bằng những cây gỗ lớn, đã bị chúng nó đốt nham nhở. Trở lại cùng với mùa mưa là các hoạt động tăng cường của địch. Những hoạt động tuy nhỏ lẻ nhưng thường xuyên gây khó khăn cho chúng tôi. Công tác hậu cần bị chậm trễ. Từ Bâmnak ra lộ 5 chỉ có hai con lộ đất. Lộ 28 chạy từ ga Kâmrenh (ga phía trên Bâmnak), qua kẹp núi Tuk S’ra, gặp lộ 5 tại Kra Ko. Lộ không tên, vốn là con đường bò lớn chạy từ ga Th’may, ga dưới ga Bâmnak ra thị trấn Ponley. Đi đường nào lộ trình cũng tương đương 30 km toàn rừng thưa và đồng hoang không một bóng người. Đường sắt chưa khôi phục hoạt động. Tất cả trông chờ vào xe vận tải sư đoàn và trung đoàn. Mỗi lần chốt đường thông xe là mỗi lần đổ máu. Tuy ít nhưng cứ lai nhai kiểu “kê cân” rất khó chịu. Nước mưa xuống, rừng nhiệt đới sinh sôi phát triển mãnh liệt. Có những khoảng rừng thưa khẳng khiu khi đơn vị đi qua mới non một tháng. Khi trở lại vòm lá đã trở nên thẫm tối. Những con đường bò mùa khô đầy bụi. Bây giờ cỏ dại đan ken che lấp hai vệt bánh, phải khó khăn lắm mới nhận ra. Còn trên những bình độ dốc, nước mưa chảy ào ào trên đường bò, xói đi đất đá. Lúc đó con đường bỗng trở thành con suối một mùa. Mùa mưa đến cũng có nghĩa mùa sốt rét bắt đầu tác quái. Đơn vị bắt đầu có những thằng sốt nằm li bì. Quân số tác chiến bắt đầu giảm đi. Riêng trung đội thông tin chưa bị dính ca nào. Y tá tiểu đoàn và các đại đội bắt đầu phát thuốc Nivaquin, bắt phải uống trước mặt vì sợ chúng nó vứt thuốc đi. Không hiểu sao hồi ấy lại có tin đồn là uống thuốc này (lính gọi là viên phòng 3) thì sẽ chẳng thể có con được. Buổi sáng hoặc buổi trưa những ngày nghỉ truy quét, chúng tôi thường ngủ lu bù trên võng. Anh Nhương phải đến lùa từng thằng dậy, bắt vận động đi lại cho nó tỉnh người. Ngủ nhiều rất dễ bị sốt rét. Nhưng mà địch thì không bị sốt rét (đó là do tôi nghĩ thế) vì nó bâu bám đơn vị rất sát. Tại bình độ 100 trong kẹp núi Pean Sas, khi đại đội 1 rời đi lùng sục, địch mò hẳn vào chỗ đóng quân lúc sáng. Có một cái chum sứt lớn, lính đại đội 1 thái măng ngâm chua với ớt rừng để ăn dần. Bọn nó vớt hết sạch măng, sau đó cũng đập tan cái chum, hệt như cách chúng tôi cư xử với những chum muối của chúng nó. Vừa tức vừa buồn cười! Quân số hao hụt trong chiến đấu, nay càng hao hụt thêm vì sốt rét. Đại đội 1 mà tôi đi máy lúc này chỉ còn khoảng gần 30 người, kể cả thông tin đi phối thuộc. Có những trung đội chỉ còn 6 tay súng. Đại đội lại phải san bớt người ở các trung đội khác sang. Ban đêm, mỗi B gác 2 vọng từ chập tối. Chỉ huy sở và cối 60 cũng phải gác, trừ cán bộ đại đội. Nhưng thấy anh em vất vả quá, các anh ấy cũng chia phần thức đêm với lính. Đi truy quét, chúi rừng rậm ngủ thì ù xoẹ gác thế nào cũng xong. Còn dừng chân tại các phum cũ, các giao lộ đường bò, không thằng nào dám bỏ gác. Có buổi sáng thức dậy, đang lào xào thu võng thì chúng nó bắn rát vào đơn vị. Đại đội chia cánh vận động lên thì địch đã chạy. Tại chỗ địch bắn vào đội hình lúc nãy đếm được 12 cái cọc phụ mắc võng. Đêm hôm qua, đã có 6 thằng địch ngủ cạnh đại đội 1, cách có 40m, cứ như một B phối thuộc vậy. Anh Chính “tréc” thè lưỡi trợn mắt, hất hàm dọa bọn tôi :”Thấy chưa?!”. Một đêm, đúng ca gác của tôi, gần hết ca tự nhiên đau bụng quá. Tôi lần về võng, lục ba lô lấy vội mấy cái phong bì thư. Để làm gì chắc các bạn đã biết. Bên phải là B2 , bên trái là B3. Lò mò sang hai hướng ấy chúng nó tưởng địch quất cho bỏ mẹ! Thế là tôi cứ thẳng hướng gác của mình tiến lên. Qua khỏi đội hình chừng 15m, nhớ lại chuyện ngủ chung với địch hôm trước. Tôi không dám mò lên nữa, ngồi luôn xuống làm công việc giải thoát đại tràng. Xong xuôi khoan khoái, rờ quanh thấy một nửa cái vỏ dừa tươi. Tôi vớ lấy, úp lên cái sản phẩm cuối cùng của bộ máy tiêu hoá. Hết ca! Về bấu thằng Căn liên lạc dậy thay rồi chui vào võng. Nằm được một lát, chưa kịp ngủ lại thấy thằng Căn mò về bấu anh Chính “tréc” đại đội trưởng :” Anh ơi! Dậy! Địch ở rất gần!”. “Sao mày biết?”. “Có mùi phân tươi, anh ạ!”. Quả đúng là trong không khí cuối gió, mùi phân người thoang thoảng. Ông Chính dậy ngay, bảo thằng Căn luồn xuống các B báo động. Tôi nằm im re, không dám nói gì! Đến sáng, đội hình thận trọng bung ra. Vẫn không thể phát hiện được cái mùi đặc biệt ấy từ đâu? Dòm ngó loanh quanh một lúc, thằng Dung cối quả quyết vung chân đá tung cái vỏ dừa. Nó vênh mặt nhìn quanh, đắc ý hệt Colombus tìm ra châu Mỹ. Bên trong cái vỏ dừa, kèm theo những thứ không tiện nói là cả một cái phong bì. Hàng chữ nắn nót trên đó tố cáo ngay chủ nhân của nó : “ To Xuân Tùng – Hòm thư 4R……”. Vâng! Tôi tên là Tùng thưa các bạn! Phải giới thiệu tên mình trong cái hoàn cảnh đặc biệt như thế này quả là không tiện lắm! Nhưng nó cũng là sự thật, như tất cả những sự kiện tôi đã kể với các bạn trong trang viết này! Cho đến tận bây giờ gặp nhau, bọn tôi vẫn nhắc lại rồi không nhịn được cười. Do địch chơi kiểu du kích như thế nên chúng tôi cũng thay đổi cách đánh để chơi lại. Những trận đánh cấp tiểu đoàn, trung đoàn như hồi mùa khô không còn nữa. Bây giờ chủ yếu là những trận phục kích, bao vây cấp đại đội. Tiểu đoàn hành quân giải toả hoặc chốt đường xong, khi rút qua một địa điểm thuận lợi đã chọn sẵn liền bí mật để lại một trung đội cứng và một máy 2W nằm phục. Còn đơn vị cứ hành quân như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí đi được một lúc còn bắn bậy sang hai bên đường, ra cái điều thông báo chúng ông đã về đến đây rồi. Mấy thằng địch bâu bám tưởng bở, tênh tênh mò ra đường hoặc theo dấu đơn vị lập tức ăn đòn đủ, thường là bị tiêu diệt gọn. Đơn vị về đến vị trí đứng chân, nghe ở hướng trung đội phục kích rầm rầm B.40, B41 và đạn nhọn rộ lên là kể như chắc ăn. Mấy thằng có võng cũ chạy ngay ra hóng để xin hoặc đổi võng. Bọn nằm phục về, lỉnh kỉnh súng đạn thu được, còn trên tay thỉnh thoảng lại lấp lánh cái đồng hồ tự động chiến lợi phẩm hiệu Orient, Rado…Nhưng chiến thắng nào mà chẳng có cái giá của nó! Tiểu đoàn 4 có tiếng sát địch thì cán bộ tiểu đoàn và cán bộ đại đội cũng thay như thay áo. Mới có 3 tháng đầu năm 1979, chỉ tính riêng hàng ngũ cán bộ đại đội trở lên đã hy sinh và bị thương 5 người. Anh Thoan đại đội phó đại đội 3 hy sinh tháng 3. Đến tháng 4 thì anh Sơn tiểu đoàn trưởng, anh Quang, anh Tuy đại đội 1, anh Đạt đại đội 3 bị thương. Vào một buổi trưa, anh Tiến mới nhận tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 thay anh Quảng (bệnh – đau dạ dày cấp), cùng tổ trinh sát 27 sư đoàn trèo lên cái tháp nước trên sân ga. Cái tháp nước này cao khoảng 15m. Trong khi đang quan sát địa hình bằng ống nhòm thì bị địch bắn tỉa. Phải nói thằng địch này rất thiện xạ. Từ khoảng cách có đến vài trăm mét, viên đạn có lẽ bắn từ khẩu K.63 xuyên qua bụng (chắc chắn hồi đó địch không có súng bắn tỉa ống ngắm quang học dùng đạn K.53). Chúng tôi thấy anh ấy ôm bụng gục ngay trên tháp nước. Hai thằng trinh sát 27 vội nằm ngay xuống kêu ầm lên. Anh Thào tiểu đoàn phó hô lính vận động, chủ yếu là để đuổi địch thôi chứ biết nó bắn từ đâu trong cái ngàn xanh bao bọc sân ga này. Mọi người đưa anh Tiến xuống. Cũng may là viên đạn không phá nhiều. Khoảng 2h đồng hồ sau, trực thăng đáp xuống sân ga đưa anh ấy cùng mấy thằng sốt rét ác tính đi viện luôn. Tôi bây giờ cũng không biết là có qua khỏi hay không! Anh ấy là người thứ 6 trong danh sách cán bộ mà tôi vừa kể trên. Từ đó, ngoài cái tiếng là sát địch, tiểu đoàn 4 còn có tiếng là sát cán bộ. Lính nói nam nam, chuyện gẫu bá láp thế thôi chứ tôi chưa thấy ai từ chối nhiệm vụ chỉ huy mà trung đoàn giao cho bao giờ. Ngay chiều tối hôm ấy, theo lệnh trung đoàn, anh Thào dẫn tiểu đoàn càn vào hướng địch bắn tỉa lúc trưa, tiến đến dãy núi “thằn lằn”- (tên trên bản đồ là Ph’nom Lang T’beng). Đơn vị bỏ đường lớn, cặp theo suối Damrei rẽ rừng tiến bước. Qua phum Th’may, trời đã nhập nhoạng tối. Phum Th’ may là một phum lớn, còn nguyên vẹn nhưng cũng là một cái phum hoang như hầu hết các phum trong khu vực. Những ngôi nhà sàn lừng lững, mái ngói đã lên rêu phủ bóng tối xuống mảnh sân mà cỏ dại đã lấn vào. Trên sân, mấy cái cối, dùng để giã gạo hoặc cốm dẹt trong Tết mừng cơm mới đã mục, nằm chỏng trơ. Xoài tượng rụng vàng cả gốc, bốc lên mùi men rượu chua nồng. Khi ta bước lên thang, những bậc gỗ cũ kẽo kẹt như sẵn sàng rụng xuống. Trong những ngôi nhà rộng rãi và tăm tối đó đầy mùi ẩm mốc và tử khí. Đôi khi gặp những xác người đã phân huỷ, dưới lớp áo quần đã mủn là những bộ xương rã rời. Tóc rụng quanh sọ không tiêu huỷ được, xếp thành một lớp chằn chặn dưới sàn. Và dơi! Dơi quạ ở đây to khủng khiếp. Sải cánh mỗi con phải đến 1.2m. Cả đàn hàng trăm con đến ăn xoài chín, quạt cánh phần phật tối cả hoàng hôn. Những con dơi xao xác bay làm lộ vị trí nghỉ đêm của chúng tôi. Địch nó tập kích ngay. Nó có chừng một tiểu đội với khẩu đại liên Mỹ, tha đi hết góc này đến góc khác bắn vào đội hình. Đàn dơi hoảng sợ lại càng bay tợn. Nghỉ đêm tại cái phum ma này quả là ngán! Bố trí đội hình xong, mấy thằng chúng tôi lên mấy căn nhà, đạp vách gỗ xuống triển khai công sự nổi. Tôi vẫn đi với đại đội 1 như truyền thống. Thằng Căn, thằng Đồng Huế xúc đất đắp vào các tấm ván mà tôi với anh Lược chính trị viên phó xếp ốp vào các chân cột nhà sàn. Chỉ một lát, cái “chiến luỹ” đã hoàn thành. Bọn thằng Tào, thằng Lại anh nuôi đại 1 cũng triển khai cơm nóng cho anh em trong cái công sự ấy. Địch bên ngoài thấy khói chỗ nào bắn bắn liên hồi vào chỗ đó. Có những viên đạn xuyên trúng mép cột, tước gỗ xơ ra rồi văng lung tung. Bọn tôi cứ phớt lờ. Kệ cụ mày! Bắn chán thì thôi! Đạn tiểu đoàn đang thiếu. Ăn cơm xong thậm chí còn kịp uống ấm trà chót mà thằng Đồng ém được. Đội hình bố trí hơi gom, gần như lọt thỏm giữa các B nên quan sát sở không cần gác. Bây giờ mắc võng tụt xuống hơi thấp một chút là có thể ngủ ngon. Trời tối đen như mực rồi bắt đầu đổ mưa. Phía dưới B2, thằng Tám khoẻ và Minh đen bò vận động lên cái bụi um tùm có cây thốt nốt độc lập, trước trung đội chúng nó khoảng 30m. Rình thấy loé lửa đầu nòng khẩu đại liên của địch rồi kéo một điểm xạ dài RPD. Sau đó lại rút êm về đội hình trung đội. Đòn giang hồ kiểu dùng kỳ binh ấy của Tám khoẻ thì tôi không có lạ. Bộc lộ lực lượng ở vị trí ảo để vị trí thật an toàn hơn. Đêm đã về khuya. Trời vẫn cứ mưa, mỗi lúc một sậm hạt. Tiếng súng địch vẫn cứ oăng oẳng hết hướng này đến hướng khác suốt. Vào thì chẳng dám vào, rút thì cũng không chịu rút. Mưa rừng thế này sao không kiếm cái chỗ nào ngon mà mắc võng ngủ đi con! Về nhà mà cày ruộng hay đánh cá. Kiếm một con vợ ngực đầy hông nở trong cái đám gái phum vẫn múa lăm-thôn dưới trăng rằm hồi trước ấy. Rồi ghen tuông đấm đá, rồi sinh con đẻ cái đi…! Theo ba cái thằng vác cuốc đập đầu ấy làm gì…? Mẹ kiếp! Mưa đầu mùa cữ này cá rô đồng đang rạch lên phải biết! Tự nhiên, không biết là có mất quan điểm hay không, tôi thấy ái ngại cho chúng nó. Giấc ngủ đến trong tiếng súng địch và tiếng mưa rơi đều đều… Và trong giấc mơ đêm ấy, tôi cũng mơ thấy tôi được trở về nhà. Tháng 8/1979, tiểu đoàn 4 hành quân xuôi từ ga Bâmnak về ga Th’may, sau đó rẽ ra thị trấn Ponley ngoài lộ 5. Địch có vẻ như đã xây dựng được một tuyến giao liên tiếp vận từ biên giới Thailand vào các vùng sâu trong nội địa ngoài biển Hồ. Nhiệm vụ của đơn vị là bước đầu hỗ trợ xây dựng chính quyền cơ sở non trẻ của dân bạn, truy quét triệt phá các căn cứ nội địa ven biển Hồ. Dọc đường hành quân cạp theo đường sắt trước khi rẽ trái sang lộ không tên, ở mấy chỗ đất mới trên lộ, chúng tôi phát hiện mấy quả mìn chống tăng địch mới chôn. Bọn này làm ăn cẩu thả. Cơn mưa lớn đêm qua đã rửa trôi đất cát, làm lộ ra cạnh mấy quả mìn đĩa. Chúng tôi gỡ lên, lấp đất lại như cũ rồi kẹp thêm vào mấy quả mìn ấy những trái lựu đạn tức thì M.26. Sau đó lại đem cài lại vào mấy lùm cây ven đường tại đúng vị trí đó. Thằng địch nào đi kiểm tra mìn mà dính phải chưởng ấy thì đơn vị nó chắc sẽ phải báo mất tích. Loại M.26 tức thì (có chấm đỏ) này lấy được ở kho súng trong Ăm leng. Lính các C chịu khó tha đi để gài trước đội hình khi nghỉ đêm. Sáng hôm sau lại ra thu về. Nói chung loại này dùng tiện hơn mìn, khi cần có thể xài ném cá được. Có điều trước khi ném phải cuốn quanh mỏ vịt mấy vòng dây nịt (cao su) cho nó nhả ra từ từ. Ra đến cái đập nước lớn cách Ponley khoảng 15 km, tiểu đoàn dừng chân nghỉ lại một ngày. Cái đập này nằm tại hợp lưu của gần chục con suối lớn trong khu vực. Trên đập, nước tràn chảy ồ ồ. Cá trắng từng đàn lách phe phé. Trên mặt hủm nước sâu xanh thẫm nơi chân đập, những con lóc bông lớn cả chục ký thỉnh thoảng lại trồi lên ngáp bóng. Cái viền mép vàng nhạt ngoác ra, thân mình chùn chũn vằn vện, oai vệ lắc khẽ một cái rồi lại từ từ chìm xuống. Bọn lóc bông này hẳn là no mồi. (Sau này, tại tổ đánh cá cải thiện do trung đoàn tổ chức đóng ở Sóc Tu ru - biển Hồ, tôi đã thấy những con cá lóc bông nặng hơn 20 kg). Ở rừng lâu toàn ăn măng muối, lâu lâu mới có miếng thịt rừng nên lính ta không bỏ qua cơ hội cải thiện này. Đánh cá thì quá đơn giản rồi! Chỉ một loáng là tất cả các món cá tươi chế biến theo truyền thống của từng vùng miền đã xong. Nhưng ngon nhất vẫn phải kể đến canh chua cá lóc nấu kèm lá giang. Cây lá giang là loại thân leo, lá hình trái tim, có vị chua rất thanh mà tôi tin là các anh em chiến trường K không thể nào quên được. Cá lóc đen tầm ký rưỡi, hai ký sau khi đánh sạch vảy, khía chéo thân, ướp bột gia vị, ớt giã và những thứ lá lẩu gia vị gì đó kiếm được rồi để nguyên con. Bọc kín bằng bẹ chuối hột mọc hoang đầy bờ đập. Tống vào giữa đống củi đang rừng rực. Bao giờ cháy đến hết lớp bẹ chuối phía ngoài thì lôi ra. Vừa ăn vừa thổi phù phù. Những con cá lóc lớn quá, chúng tôi quăng bỏ thịt đi, chỉ lấy mỗi bộ lòng. Những bộ lòng cá lớn như lòng gà. Sau khi làm sạch lăng vào nồi canh đang sôi, vừa chín tới, vớt ra chấm muối ớt, ăn nóng giòn tan thì thằng nào dẫu có hy sinh cũng phải sống lại…Suỵt…! Gõ đến đây thì tự nhiên lại thấy đói ! Chiều tà, tiểu đoàn nhích đội hình lên khỏi đập nước 300m, bố trí đội hình nghỉ đêm tại phum “rừng thị”. Một cái phum có đúng 3 cái khung nhà. Cạnh phum là một rừng toàn cây thị đang mùa trái. Cây thị trong truyện cổ tích Tấm Cám của bọn trẻ con đó, sinh sôi thành một quần thể xanh thẫm cao vọt lên hẳn so với rừng chồi thấp phía dưới. Cây cao cây thấp chen nhau mọc. Có những cây thị cổ thụ vòng gốc một người ôm mới hết. Trên vòm lá, đủ các loại chim to chim nhỏ chòe choẹt kêu điếc hết cả tai. Kêu chưa tệ hại bằng việc chúng nó oanh tạc vào đầu chúng tôi. Đi gần như chạy qua cái rừng chết tiệt ấy tới phum nhưng thằng nào cũng bị dính vài bãi phân chim vào đầu. Còn dưới gốc, quả thị rụng nhoe nhoét. Muỗi bọ bay vần vụ. Trong phum, trên nền vườn cũ, đậu đen cạnh tranh với các loài cỏ dại, vươn dài thành ra giống như một loại thực vật thân leo khác. Tuy vậy vẫn ra trái như thường. Thằng Căn và tôi chịu khó đi hái một lúc, chà ra cũng được một ca inox để tối nấu chè. Nhưng chuyện đó không có gì đặc biệt bằng những điều tôi thấy buổi đêm trong ca gác của mình. Đêm hôm ấy trăng mờ vì mây vẫn chưa kịp tan sau cơn mưa buổi chiều. Đang ngồi ôm súng ngáp ngắn ngáp dài vì đã gần hết ca của mình, tôi bỗng tỉnh cả ngủ khi thấy trên cây thị gần vọng gác có mấy con chim lạ. Dứt khoát không phải dơi mà là chim đến ăn trái vì tôi nhận ra cái đuôi của chúng rất dài. Sải cánh loài chim này rộng khoảng 0,4m, vẫy rất nhanh và êm ru, hầu như không phát ra tiếng vỗ gió. Ba bốn con quạt cánh mềm mại, gần như bay đứng, lặng phắc giữa không trung. Chỉ thấy những đầu cành cây thị nơi chúng đang rỉa quả (hay hút mật quả) khẽ rung rung. Tôi có đọc trên một số tạp chí nghiên cứu tự nhiên sau này. Trong đó các nhà khoa học khẳng định trên thế giới chỉ có loài chim ruồi Nam Mỹ, với kích thước nhỏ bé mới có khả năng bay đứng và bay giật lùi. Tôi phản đối cái kết luận này vì chính tôi đã chứng kiến kiểu bay và hành tung lạ kỳ của loài chim đêm không biết tên kể trên. Nếu ai không tin, xin mời đến vùng rừng ven biển Hồ kiểm chứng. Sáng hôm sau kể lại câu chuyện hồi đêm. Ông Chính bình luôn một câu :” Đ…lo gác! Lo đi ngắm chim thì có ngày nó vào oánh cho chạy tụt cả chim như hồi tháng tư đó!”. Riêng anh Ky khẳng định đấy là chim bắt muỗi chứ không phải chim ăn trái. Trời đất! Với kích cỡ thân hình như thế, mỗi đêm chắc nó phải xơi đến cả tỷ con muỗi mới tạm lửng diều. Hôm sau, đơn vị ra đến thị trấn Ponley. Dân bắt đầu định cư tại thị trấn ven lộ 5 này. Lúa đã xanh đồng nhưng đang kỳ giáp hạt. Dân đói và gạo thóc khan hiếm. Thị trấn bắt đầu họp chợ và vật ngang giá chung không phải là tiền mà là gạo, thuốc chữa bệnh và vàng. Với năm kg gạo người ta có thể đổi lấy một chỉ vàng. Một hộp nhỏ thuốc Sunfamit, Đa-zi-năng cũng có giá trị tương đương. Một hai lon gạo bớt ra trong khẩu phần lính cũng đủ để đổi cá tươi ăn thoải mái. Thậm chí có những em gái trẻ rao bán mình với cái giá ”pi loong” (hai lon). Trong hoàn cảnh như thế, liệu có ai trong chúng ta chấp nhận cuộc mua bán bi thương mà kẻ mua chắc chắn sẽ khốn nạn hơn người bán ấy không? Chiến tranh, với những hệ lụy mà nó mang đến không chỉ là chết chóc hoang tàn. Tệ hại hơn cả cái chết, nó giày xéo không thương tiếc lên nhân phẩm con người. Trong đó, kể cả kẻ chiến thắng cũng phải ngậm ngùi. Đau xót lắm! Một lần khi ra chợ đổi cá cho trung đội thông tin, tôi gặp một bà mẹ cứ xoắn lấy. Bà ấy đòi đổi vàng lấy thuốc kháng sinh péniciline tiêm. Thuốc này chống nhiễm trùng cho các vết thương, chỉ có trạm phẫu tiền phương mới có. Hỏi đổi làm gì thì trả lời ngay là con trai bà ấy sắp chết. Rồi bà ấy khóc lóc gần như ăn vạ ngoài chợ. Quân y tiểu đoàn mang túi thuốc đến túp lều nát sát rạch – nơi trú ngụ của hai mẹ con thì đã thấy một mùi khẳn thối xộc lên. Trong lều, đứa con trai đi lính Pôn pốt (bà mẹ nói rõ ràng như thế) đang nằm thiêm thiếp. Nó bị thương vào chân. Cái đùi đang bị hoại thư sinh hơi, phồng lên như bắp chuối tỏa ra mùi xác chết. Vạch mắt ra thấy đồng tử đã giãn đờ như mắt cá, thằng quân y lắc đẩu rồi tiêm cho nó một liều giảm đau chiếu lệ. Chúng tôi để lại lều hai lon gạo rồi trở về... Đến ngay cả bọn địch cũng đói, cứ đêm đêm mò vào các phum, sục vào các nhà dân, vét đi những hột thóc cuối cùng. Chiến tranh giải phóng gì cái bọn thổ phỉ ấy! Ngày thì chúng tôi vào phum dân vận. Nhưng đến đêm lại gom về đóng độc lập gần phum như đội hình chiến đấu. Mấy đêm trước, tiếng chó sủa rộ lên trong các phum Chay Rum, Khon Roong. Khả năng lần này sẽ đến lượt phum Cho Long sát đội hình tiểu đoàn đóng quân. Thóc ở đâu mà vét mãi! Ngay từ buổi chiều mấy hôm trước, tiểu đoàn đã triển khai mấy tổ phục kích ngoài rìa phum nhưng vẫn chưa thấy chúng nó vào. Đến lần này, tổ phục của trung đội vận tải tiểu đoàn bộ gặp may. Mới có sẩm tối, địch đã mò vào phum. Bảy tên địch nghênh ngang xếp hàng một đi trên đường. Qua suối sát phum, chúng nó dừng lại kỳ cọ chân cẳng rồi chụm lại hội ý. Gom quá! Chọn đúng thời điểm đó, thằng Nghĩa - Bạch Đại Nghĩa, trung đội phó trung đội vận tải siết cò khẩu B.41. Quả đạn nổ quét bờ suối thoải, hất ngược lên một vầng lửa da cam hình rẻ quạt. Sau tiếng nổ dữ dội nhưng trầm vọng ấy là sự im lặng hoàn toàn. Chẳng còn gì trên bờ suối ngoài những mảnh thịt người. Khẩu RPD và năm khẩu AK trung đội vận tải không có lý do khai hỏa. Chúng nó ào lên thu súng nhưng hầu như cũng chẳng còn khẩu nào nguyên vẹn, toàn bị cong queo vỡ báng gần hết. Lại còn phải lấy que gợt gợt đi những thứ dính vào rồi mang xuống suối rửa. Hôm sau, trưởng phum Cho Long huy động bà con ra suối, đào một hố lớn rồi gom tất cả những gì còn lại quy tập vào một hố chôn chung. Riêng thằng Nghĩa đi báo cáo thành tích trên Quân đoàn rồi được thưởng phép. Mấy tháng sau nó mới mò vào đơn vị. Sau trận phục kích kinh hồn táng đởm đó, suốt một dải từ Ponley lên đến K’ra Ko trên địa bàn hoạt động của trung đoàn 2, địch nín im thin thít. Một số gia đình vào rừng vận động con em họ mang súng ra đầu hàng. Chính quyền phum sóc do dân bầu bắt đầu hoạt động. Tất nhiên làm gì có trụ sở, dấu má với xà cột. Ông trưởng phum hằng ngày vẫn đánh xe bò vào rừng đốn gỗ hay ra ruộng làm cỏ lúa. Thỉnh thoảng tạt qua tiểu đoàn bộ đem cho mấy ống thốt nốt chua. Trung đoàn tách ra một đơn vị giúp dân xây dựng chính quyền, lấy tên là tiểu đoàn 4B do anh Lộc làm chính trị viên. Tiểu đoàn dân vận hỗ trợ dân bạn đủ thứ, từ thuốc chữa bệnh đến lúa giống. Cho đến cả đẻ đái bệnh xá quân y K.23 cũng phải xắn tay vào…Thời gian này, hội Chữ thập đỏ quốc tế, Tổ chức Lương thực thế giới (F.A.O) cũng đã bắt đầu nhảy vào viện trợ cứu đói cho nhân dân Campuchia, bất kể thuộc phe nào. Tiếng là thế nhưng thực ra dân Kh’mer X’rây, Kh’mer Đỏ… bên các trại tị nạn vùng biên giới Thailand mới hưởng phần lớn sự hỗ trợ đó chứ còn trong nội địa, chúng tôi vẫn cứ phải san gạo cho dân. Nghĩ thấy tội! Hồi đó nước mình cũng đói bỏ xừ. Trước khi đi bộ đội, tiêu chuẩn học sinh trung học như tôi nhà nước cấp cho 17 kg lương thực cả gạo lẫn mỳ sợi trong sổ. Đấy là còn được ưu tiên vì đang tuổi lớn, là tương lai đất nước đấy! Chứ còn bác sỹ giáo viên như bố mẹ tôi mỗi tháng có 13 ký chẵn. Vào lính chiến mới được ăn gạo không chứ lúc huấn luyện vẫn phải ăn kèm ngô, bo bo rát mồm. Ở đơn vị huấn luyện, tôi đã từng bị phạt đi làm cỏ lúa giữa trưa nắng vì cái tội dám bịa lời bài hát Hạ Trắng của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn :” Tuyệt quá..! Bữa cơm chúng mình, toàn rau muống xanh… bát cơm ngô vàng, đệm cho món canh… mắm khô hôi rình, ngửi sao thấy tanh….”. Thôi thì con không chê cha mẹ khó, chó chẳng chê chủ nghèo! Đã khổ đến như thế rồi lại phải san sẻ gánh thêm nỗi khổ của người khác nữa mà mấy thằng thối mồm vẫn chõ vào bảo mình là tàn sát, là xâm lược. Nghĩ muốn điên cả ruột! (Ngôn ngữ lính binh nhì bỗ bã tý! Anh em thông cảm! Mai tôi tự sửa bài mà!). Nhưng chó cứ sủa, còn đoàn người thì cứ tiến! Buổi tối hôm chính quyền phum Chay Rum ra mắt, dân tổ chức múa lăm thôn. Trên khoảng đất rộng giữa phum, từ chập tối, tiếng trống đã vang lên bập bùng. Rìa sân, ba chú nhỏ xếp bằng tròn trên nền đất ngồi vỗ trống. Những chiếc trống dài chừng 40 cm, tiện hơi thắt ở đoạn giữa. Một đầu bịt da trăn, một đầu hở để có thể xòe bàn tay bịt hơi vỗ, điều chỉnh sắc độ. Tiếng trống lúc đầu còn rời rạc, nhưng càng về sau càng thôi thúc. Nào! Bắt đầu đến tiết tấu :” Tình tinh, tạ, tinh-tinh-tình”. Một đen, một liên ba, lặng đơn…Hây! Lại tiếp một đen- liên ba- lặng đơn… cứ thế mà giật boòng ơi! Như nhịp Chachacha điển hình. Nào! Hai bước tiến, một bước lùi lại. Thế! Đúng rồi…! Các cháu nhỏ hồn nhiên nhất, mình trần đen sạm, xương sườn phơi ra dưới ánh lửa, nhập vòng bằng những bước linh hoạt đầy nhạc cảm. Cứ như thể chúng nó đã biết múa từ trong bụng mẹ vậy! Ngập ngừng đôi chút, các chị, các em cũng bắt đầu bước vào. Những bước vũ thật uyển chuyển, những cử động thật nhịp nhàng. Nhiều em gái với cái áo đen vá và chiếc khăn cà ma duy nhất, còn ướt đẫm vì mới giặt ngoài suối, vừa múa vừa nghiêng đầu làm duyên. “ Oh! S’vai chăn ti, nịa ri on ơi! Bê mêc xa kha…Cùm a jô p’đây. Chằm boong thơ thây, boòng tinh lan c’bây oi s’rây bợ liêng…!” – Ôh trái điều (đào lộn hột) đã chín kìa em gái!..Da thịt em trắng ngần. Đừng có lấy chồng vội nhé! Chờ anh mua cái xe trâu anh đưa em đi chơi…! Lời bài dân vũ tuyệt hay! Tiếng trống tan trong ánh lửa, trở thành một chất men thôi thúc xóa nhòa mọi khoảng cách. Không hiểu tôi cũng đã vào vòng từ lúc nào. Ông trưởng phum ngồi vỗ trống thay cho mấy cháu, nhe răng cười trắng lóa. Cả phum Chay Rum phần lớn là gái góa (mêmai), gia đình đã tan nát hay thất lạc trong chiến tranh. Nhưng trong đêm ấy, khổ đau, đói khát dường như không tồn tại. Những gương mặt ngời lên trong ánh lửa, những cái lắc hông mềm mại, những đụng chạm cố tình…Phút thăng hoa ấy, đã chắc gì một ông hoàng lưu vong hạnh phúc bằng một thằng bé không áo cởi trần…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét