Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Chiến Dịch C 81 -Chiến Trường K (1 )


Biên Giới Tây Nam    1

TRẬN ĐÁNH MỞ MÀN Cán bộ tiểu đoàn đi họp quân chính về vào những ngày cuối cùng của năm 1978. Các đại đội cho người lên tiếu đoàn bộ nhận thêm một cơ số đạn. Hữu tuyến tổ chức thu dây ngay trong trưa 31/12/1978. Thông tin 2W nhận pin mới rồi xuống các đại đội nhưng cấm lên sóng. Mọi thông tin tạm thời dùng tiểu đội truyền đạt chạy bộ cho đến khi có lệnh mới. Kiểm tra toàn bộ vũ khí trang bị toàn tiểu đoàn trước 14h. Đúng 16h30, toàn tiểu đoàn rời chốt hành quân theo dọc bờ đê về vị trí quy định. Tiểu đoàn 6 chủ công, tiểu đoàn 5 dự bị tấn công hướng chính dọc theo lộ 1, con lộ từ Saigon đi Pnom Penh. Tiểu đoàn 8 (trung đoàn 3 - trung đoàn Hoa Lư) với tiểu đoàn 4 chúng tôi hộ công luồn sâu vu hồi cánh trái. Tại vị trí tập kết, sau khi ăn tối, anh nuôi phát cho mỗi người một vắt cơm và gói bột gia vị là khẩu phần ăn ngày mai. Bữa tiệc tất niên năm 78 hoành tráng như thế đấy. Lính nằm ngồi thao thức hoặc gà gật dưới tán cây ô môi cổ thụ chờ lệnh xuất phát. Một cán bộ tác chiến sư đoàn được phái xuống đi cùng với mũi của chúng tôi. Lính bâu vào hỏi: "Thủ trưởng ơi! Năm nay ăn Tết ở đâu đây?" "Có thể sẽ ở tây S'vay Riêng!". Anh ấy có cái đài bán dẫn mở nho nhỏ, đang phát đi bản tin báo gió mùa đông bắc...Chao ôi là nhớ nhà. Những giờ khắc cuối cùng của năm này, những người thân yêu của tôi đang làm gì? 2h30 sáng 1/1/1979, anh Ky tiểu đội trưởng vỗ mọi người dậy.Thì ra tôi cũng ngủ được một lúc. Tiểu đoàn 8 đang vượt qua đội hình chúng tôi. Kế đó đến đại đội 2 , đại đội 1.....Im lặng ! Lầm lũi đi ! 2W mở máy nhưng chỉ thông tin ám hiệu bằng cách bóp công tắc.. Bùn lép nhép dưới chân. Thỉnh thoảng đội hình dừng lại. Trinh sát đang bám địch. Lại tiếp tục đi xuyên vào một rừng tràm non cao đến ngực. Lá tràm toả mùi thơm hăng hắc. Nhưng rẽ tràm nhọn hoắt mọc ngược, đâm vào đế dày đau điếng. Chả hiếu sao quân nhu hồi đấy sản xuất loại giày chết tiệt mỏng như vỏ trứng như thế ! Tiểu đoàn 8 đã sát địch rôi. Lệnh dừng lại, triển khai công sự tại chỗ. Đằng đông, sao Mai đã mọc. ...Đất bùn yếu nên chỉ sau 10 phút là tôi và thằng Thiệu "mù" - quê Đông anh , Hà nội đã khoét được một cái hố cho hai thằng nằm. Trời sáng dần. Đã quan sát rõ trước mặt chúng tôi là một cái phum rộng. Trong phum thấp thoáng mấy mái ngói đỏ khuất sau hàng cây ngoài rìa.5h30- Phía bên lộ 1 hướng D6,D5, pháo 105mm của sư đoàn bắt đầu bắn chuẩn bị. Bên này, cối 82 (4 khẩu) của D8 và D4 cũng lập tức lên tiếng. Địch giã lại ngay. Cối 60 nổ vài quả giữa đội hình tiểu đoàn tôi rồi thu tầm theo hướng phát triển của D8. Trinh sát đã cắt nhầm hướng. Đáng lẽ phải vòng qua sau phum này thì chúng tôi lại đâm đầu đúng vào nó. Bộ đội tiểu đoàn 8 không lên nổi vì sát phum là bãi mìn chống bộ binh dày đặc. Đạn 12.8mm và đại liên quất ràn rạt. Đại đội 2 tiểu đoàn 4 được lệnh xuất kích đánh vào sườn nhưng cũng bị vướng mìn không phát triển nổi. Địch mới được trang bị loại mìn KP.2 ( còn gọi là K.978 ) hình trụ. Đường kính khoảng 8 cm, cao 15 cm. Dây bẫy vướng nổ sơn màu xanh lá cây nên lẫn hoàn toàn với cỏ cây. Khi vướng dây tụt chốt, liều phóng phía dưới đẩy mìn nhảy cao lên ngang ngực mới phát nổ. Văng nhiều mảnh nên gây sát thương rất lớn. Đã thế mấy thằng lính mới lại nhảy lung tung mới bỏ mẹ. B trưởng gào khản giọng: " Chạy đi đâu...? Nằm xuống... ! Chết mẹ bây giờ !". Lúc bắt đầu nổ súng, tay tôi tự nhiên run bắn, nhưng một lúc thì cũng hết sợ. Bấy giờ thằng Thiệu mù tư dưng dở chứng bảo tôi dịch ra cho nó đi ỉa. Tôi bảo nó bò ra đằng kia mà làm cái việc không đúng lúc ấy, chứ ai lại bĩnh vào cái công sự chung của tao với mày. Nhưng nó cứ phớt lờ đề nghị của tôi, lóng ngóng tụt quần. Tôi tức quá bò ra chỗ khác đào một lỗ nông choèn rồi nằm xuống. Thương binh, tử sĩ bắt đầu được cáng về. Thương vong khoảng gần 3 chục, chủ yếu do mìn. Cũng may hoả lực địch ở hướng này không mạnh. Cả đơn vị nằm cứng giữa rừng tràm non. Lá tràm che phủ chúng tôi. Địch cũng thôi không bắn nữa. Hướng D5,D6 cũng không chọc thủng được tuyến phòng ngự của địch. Xế chiều có lệnh rút quân. Tiểu đoàn 4 đi sau rút trước nhưng lính tiểu đoàn 8 cứ chạy tràn qua đội hình chúng tôi. Địch phát hiện nên đồng loạt khai hoả hoả lực các loại. Nghe rõ lính nó gào truy kích : " Trô..! trô.. ! trô..!." Anh Sơn hô 2 khẩu đội 12.8mm giá súng đứng, kiểu bắn phòng không, bắn thẳng vào đội hình địch. Nó chỉ hô thế thôi chứ bố bảo cũng không dám đuổi theo. Thế là D4 đâm ra rút sau cùng. Chúng tôi về lại đúng vị trí xuất phát. Tập hợp đội hình xong rôi hành quân về đội hình trung đoàn ngay trong đêm... ...Đêm ấy nằm sau đội hình trung đoàn nên lần đầu tiên không phải gác. Mặc kệ quần áo toàn bùn khô đóng vảy, tôi quay ra kiếm mấy cái cọc đóng 4 góc rồi giăng mùng ngủ một mạch. Hôm sau mở mắt trời đã sáng rõ. Kiếm được một con lạch mùa khô nước lờ lờ đục, bộ đội ào xuống tắm giặt. Lại có mỳ tôm và rau cải xanh mới chở từ bên nhà sang nên lính tráng được một bữa nóng sốt tỉnh cả người. Chiều cán bộ đi nhận nhiệm vụ về phổ biến mai đánh tiếp hướng lộ 1. Không còn hồi hộp gì nữa, kể cả trận ngày hôm qua, như nó đã xảy ra nghìn lần trong đời. Tinh mơ ngày 03/01/79, trung đoàn tiếp cận mục tiêu xong. Lữ đoàn pháo 71 (thuộc quân đoàn) tăng cường hướng trung đoàn 2 hai khẩu 85mm đẩy tay lên sát tiền duyên trực xạ. 5h30 sáng, pháo chiến dịch khai hoả. Màn mở đầu quá ấn tượng. Pháo 155mm quân đoàn, 105mm của sư đoàn và các cỡ cối trung đoàn, tiểu đoàn thi nhau trút đạn xuống đầu địch. Nằm nghe đạn cầu vồng rít qua đầu mà khoan khoái cả con người. Chết mẹ mày đi! Cho bõ tức ngày hôm qua. Địch phản pháo yếu ớt rồi câm luôn. Hai khẩu 85mm nòng dài đi cùng trung đoàn không đào công sự, nằm ngay trên mặt ruộng khô rạp nòng xuống quất. Mỗi lần giật cò lại nảy lên cầng cẫng. Tiếng 85mm đanh lọng óc, hơi đạn thấp đi phần phật. Tiểu đoàn 6, tiểu đoàn 4 bắt đầu xung phong. Bộ binh phát triển đến đâu, pháo 85mm kéo lên đến đấy. Trên tuyến phòng ngự của địch, những bựng khói đen dựng lên liên tiếp. DK.75 địch mới đầu còn "cùng - x..éo.o" vài quả sau cũng tịt luôn. Loe loé đầu nòng độc nhất một khẩu 12.8mm, toang toác chừng được vài phút thì bị DK tiểu đoàn 6 xơi ngay. 11h30 trung đoàn đã đánh qua lớp công sự thứ nhất. Ở mấy hầm tiền tiêu còn mấy quả bom bay đen trũi bọn lính Miên chết pháo, không kịp gí. Đến 12 h, chịu không nổi, địch bắt đầu tháo chạy. Phát triển truy kích đến chiều tối, tiểu đoàn 4 dừng lai trước một con lạch nhỏ chảy vào sông S'vay Rieng. Bên trái có lẽ là trạm phẫu tiền phương của địch. Bông băng, dụng cụ y tế quăng bừa bãi. Mùi máu tanh nồng lẫn mùi hăng của thuốc tê...Những chiếc võng còn dính đầy máu chăng ngang dọc dưới chân cột nhà sàn. Đêm ấy tiểu đoàn bộ nằm lẫn luôn với đội hình đại 1. Trung đoàn 3 phát triển sườn phía bắc đường. Các đơn vị nhận nhau ngoài vô tuyến điện còn bắn bắt liên lạc, cộng tròn bằng 7. Đêm đầu tháng, như để bù lại cho buổi ban ngày, cực kỳ yên tĩnh. Sáng sớm ngày hôm sau, có lệnh tiếp tục tiến. Đồng ruộng trống trải. đội hình hàng dọc đi trên mặt lộ như một buổi hành quân dã ngoại mỗi lúc một rảo bước. Thị xã S'vay Rieng đã hiện ra trước mặt. Trên cây cầu sắt bắc qua sông phía xa, một đoàn quân đang vượt tới. Triển khai ngay đội hình và bắn bắt liên lạc. Ba phát AK vang lên. Bên kia trả lời đĩnh đạc bốn phát. Ta rồi ! Thì ra lính tiểu đoàn 7 trung đoàn 3. Trong chiến đấu, không gì vững lòng bằng lúc gặp đơn vị bạn đang cùng hướng, cùng nhiệm vụ. "Cho xin hớp nước bạn ơi!"." Này! Dốc sang một nửa bi đông!" 9h30 sáng ngày mùng 4 tháng một năm 1979, trung đoàn chúng tôi vào thị xã S'vay Riêng không tốn một phát súng nào. Mãi về sau này mới biết lúc đó Quân đoàn 3 đã vượt qua Kômpong Chàm, đánh lên Kômpng Thom ở phía bắc. Quân khu 9 và Hải quân đánh bộ đã chuẩn bị giải phóng cảng Kompong Som ở hướng nam. Nó sợ bị bao vây tiêu diệt chiến lược lớn nên bỏ chạy tiệt. Cả tháng trời nằm hầm, nằm đất, bây giờ khoan khoái ngả lưng trên nền đá hoa mát rượi. Đã đời ghê! Anh Nhương (lại anh Nhương) túm đâu được con lợn khoảng 25 kg vẫy tay gọi Toàn cồ hữu tuyến. Hai người lôi nó vào trong toilet làm thịt, phân công tôi đứng ngoài canh...tiểu đoàn. Có lệnh cấm tuyệt đối không được vi phạm tài sản của nhân dân bạn và chiến lợi phẩm. Ông Thưởng - chính trị viên tiểu đoàn biết là toi ngay. Ở thị xã này lấy quái đâu ra dân, Lợn của địch thì có - thế thì thịt thôi. Một bao dứa đầy gio bếp chụp vào đầu nó, thế là con lợn Pôn Pốt chỉ còn "hập ! hập" được mấy cái là xong đời. Gia vị chỉ có mấy gói ngũ vị hương tống vào nhưng cứ thơm phức. Anh nuôi nhọ đít chia xong là mấy thằng vội vác chậu cơm về. Một nửa trung đội ăn trước, một nửa ăn sau. Nhớn nha nhớn nhác nhưng ngon miệng không chịu được. Chén xong, thằng Ban trố đi rửa chậu về trả anh nuôi. Bố Nhương giằng lấy khịt khịt ngửi đi ngửi lại rồi bắt nó mang xà bông đi rửa lại. ...Chiều tối hôm ấy, lại tiếp tục hành quân thẳng tiến hướng tây. Lúc đi, lúc nghỉ mải miết. Bàn chân tôi dần sưng phồng mọng nước như bị bỏng. Mắt nhắm mắt mở thỉnh thoảng lại đụng thằng đi trước vì buồn ngủ. Hễ có lệnh nghỉ giải lao là hạ ba lô nắm ngay trên mặt lộ ngủ ngay được. Đến khi bị đá dậy còn càu nhàu, tưởng là mình vừa mới ngả lưng xong. Khốn khổ nhất là hoả lực cối đại 4. Mỗi thằng một gánh đòn tre kẹp 8 quả cối 82. Thằng Văn râu đỏ đồng hương Hà nội lặc lè với cái mâm đế cối. Tướng người đậm thấp, khoác cái mâm đế trông không khác gì con rùa. Bù trừ thôi mày! Lúc bộ binh xung phong thì các bố chỉ mỗi việc nằm sau ung dung thả đạn. Mãi gần trưa hôm sau mới đến Kômpong T'rabêk. Có lệnh dừng lại, nấu cơm ăn rồi chờ xe của trung đoàn. Hai dãy nhà sàn xếp hàng thẳng tắp hai bên đường. Trong lúc chờ cơm, trèo lên một căn nhà lục lọi, tôi bỗng thấy trong bao thóc đổ có mấy cuốn truyện của Duyên Anh (trước năm 75). Chắc chủ nhân ngôi nhà này là Việt kiều chăng? Không biết còn sống hay đã chết? Nghỉ ngơi vài tiếng thoải mái cho đến chiều thì bắt đầu sốt ruột. Mãi không thấy xe trung đoàn đâu. Kiểu này lại hành quân bộ quá. Y như rằng có lệnh lên đường. Quá ít xe nên trung đoàn sẽ chuyển tăng bo dần từng đơn vị. Lại mải miết đi...Bỗng nhiên ai cũng ngẩng lên nhìn trời. Dường như có hàng trăm con diều sáo đang lên tiếng cùng một lúc, rồi phía đằng sau lưng, rộ lên một loạt đề pa như sấm ầm ì. Tiếng hú gió của đạn pháo 130mm bay qua đầu chúng tôi, nổ bên kia phà Niek Luong. Thê thiết thay cái dàn hơi chết người ấy... ...Rồi xe sư đoàn cũng đón chúng tôi. Tất cả leo ào lên thùng xe, duỗi đôi chân đã quá rã rời cho khoan khoái. Tôi ngồi ngó nghiêng cảnh vật thay đổi hai bên đường. Đi trận mà như thế này quả là dễ chịu. Xe chạy chừng hơn 1 tiếng. Một làn gió mát rượi hơi nước ào tới. Phà Niek Luong đây rồi! Mêkong đây rồi! Tôi - một học sinh trung học vừa rời ghế nhà trường đi lính, trong hồn còn đầy những xúc cảm học trò. Thấy bỗng nhớ Mêkong của Nguyên Hồng: ...Mê Kông chảy cây lao đá đổ. Lan hoang, dứa mật, thông nhựa lên hương. Có những trưa ngun ngút nắng Trường Sơn. Ngẫm nghĩ voi đi. Thác Khôn cười trắng xoá... Và cuộc chiến đã cuốn tôi đến đây, tới bờ sông này, trước khi đẻ chín nhánh Cửu long trên đất Việt. Chúng tôi chạy ào xuông dốc phà, khoả nước lên mặt. Mê Kông loang loáng chảy. Gió lồng lộng. Trên sông, đoàn tàu há mồm LCU chở quân lùi lũi ngược sóng. Hộ tống hai bên sườn là bốn chiếc khinh hạm loại nhỏ. Ba chiếc LCU khác cập bến thả cầu đón đơn vị sang sông. Sư đoàn 7 đã sang sông trước. Thật là lạ, đến một thằng binh nhì như tôi cũng không thể hiều nổi vì sao nó không lợi dựng cái chiến hào thiên nhiên vĩ đại này để tổ chức phòng ngự? Chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho quân ta. Đêm ấy, đơn vị dừng chân ngay bến phà, bờ hữu ngạn... ...Ngày 05/01/79, ai cũng yên trí rằng sẽ tiến dọc lộ 1 vào Ph’nom Penh thì trung đoàn lại lệnh xuống cho tiểu đoàn 4 xuôi cặp bờ Mekong truy quét địch. Từ Niek Lương, đơn vị ngoặt theo hướng nam, hành quân trên con đường đất dọc bờ sông. Khu vực này bắt đầu gặp dân bạn. Họ đứng trên sàn nhà, nhìn đoàn quân đi. Không vồ vập cũng chẳng sợ sệt. Dân mà…cốt yên bình sống là đủ. Cán bộ dân vận cùng trinh sát hỏi thăm một cụ già về tình hình địch. Ông cụ cười nhe lợi: “ Ruột tằng o hơi!” ( chạy hết sạch rồi!). Chúng tôi đi qua một nông trường lớn với những con mương thẳng tắp. Cái nhà ăn tập thể lợp lá thốt nốt rộng mênh mông. Mấy cái nồi gang to đùng chúng nó bắn thủng hết đáy, chắc không để cho ta sử dụng được. Bọn này đúng là thực hiện tốt việc tiêu thổ kháng chiến. Các dãy nhà sàn đứng cách nhau đều như xếp hàng duyệt binh. Lại còn gà nữa mới đau. Thằng Cầm anh nuôi nghịch gõ một tiếng kẻng đầu nhà ăn, gà bỗng nhiên ở đâu đổ về đông nghịt. Giữa ban ngày ban mặt, không có vật che khuất nên không đứa nào dám ho he. Anh Nhương đi cùng tiểu đoàn, nhìn đám gà cứ như nhìn thấy kẻ thù giai cấp, nuốt nước bọt ừng ực. Thỉnh thoảng lại liếc anh Thưởng chính trị viên, rồi lại thở dài nhìn lên trời …xanh mây trắng. Trưa hôm ấy, chúng tôi hạ trại nghỉ nấu cơm ngay tại nông trang. Thực đơn bữa trưa gồm cá khô mang từ bên nước sang và món gà “ngó” trứ danh ấy. Mâm tiểu đoàn cũng cá khô như lính. Nhưng có thêm chút me thằng Điệp liên lạc hái về dầm vào cho dịu vị . Bố Nhương vẫn còn hậm hực quay sang kháy liên lạc tiểu đoàn: “Điệp à! Me này mày cũng ém mang từ nước sang đấy à? “. Tôi thì tự nhủ thầm: chiến tranh đúng là cực kỳ phi lý ! Một con gà trống, như tán thưởng tư duy hàn lâm ấy, cất tiếng gáy o o… Quá trưa ngày 07/01/79, chúng tôi nhận được tin quân ta đã vào được Phnom Penh. Cả đơn vị vui sướng tột cùng , dù vẫn còn chút tiếc nuối nho nhỏ vì vẫn phải loanh quanh tìm địch ở bến phà này. Cánh lính cũ được dịp ôn nghèo kể khổ. Thôi hết nhé những ngày mưa nằm chốt cầu Prasot, ngã tư Nhà thương, giành giật với địch từng met đường 24…Tôi thì tưởng tượng cảnh trung đoàn sẽ tiến vào thủ đô trên những chiếc xe thiết giáp đầy bùn đất. Lá Quân kỳ ám đen khói súng và lỗ chỗ vết đạn sẽ phủ bóng trên những gương mặt kiêu dũng của binh đoàn tình nguyện. Chúng tôi sẽ mỉm cười với nhân dân ra đón. Và nếu như có cô gái nào đó tặng hoa tôi, thì tôi sẽ ôm hôn cô ấy. Hệt như những nụ hôn không biên giới khi Hồng quân tiến vào Budapet mà tôi đã được xem trên phim…Than ôi! Thương thay cho những tưởng tượng huy hoàng ấy. Gần một tuần sau, trung đoàn tiến vào Phnom Penh không một bóng người. Chỉ có tiếng léc chéc đạn nhọn của mấy thằng lính ta đi lục lọi kiếm ăn bắn bậy. Tiểu đoàn 4 lộn lại nam cầu Sài gòn khoảng 6 km chốt lại bên sông Mê kông. Chốt đằng đít vì mình đánh nhanh quá, sợ những đơn vị lẻ của địch bây giờ mới chạy đến thủ đô đánh tập hậu - (hồi đó gọi là đánh bọc đít - sở trường của bon Miên). Đơn vị nằm giữa vườn sa bô chê (hồng xiêm) rậm rạp, cạnh một trại nuôi gà (lại gà). Đời lính của tôi chưa bao giờ có những ngày hạnh phúc đến thế. Mắc võng giữa vòm cây xanh mát. Trên đầu, sóc đi tìm quả chín chạy loạt soạt. Những quả sóc ăn làm rụng ngọt đến nhức răng. Ban ngày, tôi vào nhà một ông già sống độc thân chơi. Ông già đãi tôi món khô cá lìm kìm nướng nhậu với nước thôt nôt chua. Để làm được thức uống trứ danh này (được mệnh danh là bia Pochentong) là cả một kỳ công. Đầu tiên, người ta đi chặt những cây tre già có gióng rất đều, tỉa cành đi rồi buộc áp vào thân cây thôtnôt. Có những cây có thể cao hơn 20m nên phải hai, ba cây tre mới leo đến ngon cây. Hoa thôt nôt ra buồng. Người ta dùng hai thanh tre cứng kẹp lấy cuống hoa. Ngày nào cũng kẹp cho đến khi cuông hoa thôt nôt mọng lên, ứa ra nước là cắt cuống, treo ống lố ô vào. Sáng hôm sau đã đầy ống nước ngọt, dùng để nấu đường. Còn muốn làm nước thôt nôt chua, bỏ thêm vào ống mấy mảnh vỏ cây có tác dụng lên men (tôi không biết là vỏ cây gì), là có bia Pochentong uống ngay. Thứ nước này sinh ga rất mạnh. Tôi đã chứng kiến có lần lính ta mang một can 20 lit nước thôt nôt chua ra sân phơi nắng để uống cho thêm bốc. Một lát sau, cái can nhựa từ từ phồng lên hết cỡ rồi nổ cái bùm. Mấy thằng không biết gì xách súng chạy toé ra, tưởng địch tập kích. Thế là công toi…nghỉ uống. Ngồi uống một vài bát, mặt tôi đã thấy nong nóng. Anh Ky, với thứ ngoại ngữ bằng tay, hỏi cụ già công nghệ chế tác mồi nhậu. Cụ già dẫn chúng tôi ra sông. Một con thuyền nhỏ, một cái te bằng tre đan gióng trước mũi thuyền. Đàn cá kìm đang ve vẩy ngược sóng. Thân hình chúng trông giống như quả tên lửa, gần như trong suốt với cái mồm dài ngoằng. Một con to nhất đàn đang cặp ngang một con cá nhỏ bằng cái miệng đặc biệt ấy. Te từ từ nâng lên. Xong rồi ! Mang về làm sạch, phơi qua một nắng và đưa lên gác bếp xông khói. Không còn gì phải bàn nữa…! Đã gần Tết Nguyên đán. Gió chướng lao rao trên các vòm lá. Buổi đêm lạnh nên hay ngót bụng thèm ăn. Dường như không chịu được nữa, anh Tuấn còi trung đội phó thông tin sai tôi với thằng Tường lé mò xuống trại gà. Vừa sờ lườn được vài con thì hướng tiểu đoàn thấy có ánh đèn pin loang loáng đi xuống. Bỏ mẹ ! Tôi với thằng Tường vội trèo ngay lên sàn gà đậu, nằm im không dám thở. Anh Thào, tiểu đoàn phó cùng thằng Điệp liên lạc đang xuống kiểm tra. Tay vung vẩy khẩu K.59, anh ấy quát hú hoạ: “ Mấy thằng mò gà đâu ra ngay! Tao bắn bể sọ !” Im lặng đến nghẹt thở. Đám gà mé bên kia tự nhiên loác quác. Ánh đèn rê theo hướng ấy, quét đi quét lại vài lần . Có cái gì buồn buồn ngang lưng. Tôi rờ rẫm chạm phải cái gì lành lạnh bỗng rủn người hất xuống. “ Xoạch! Phì… phì ì …!” Thằng Điệp quay ngoắt lại, lia đèn vào chỗ phát ra tiếng động. Một con rắn hổ mang đang lắc lư trên nền đất. Nó lia đèn loanh quanh một chút rồi chĩa thẳng vào mặt tôi. Hai thằng im lặng nhìn nhau nửa giây rồi ánh đèn chĩa ra hướng khác. “ Rắn! Thủ trưởng ạ! Nó vào mò trứng gà thôi!”. Tiếng chân bước xa dần. Tôi và thằng Tường tụt xuống. Đêm lạnh nhưng mồ hôi ra ướt đẫm cả người. Hai thằng bóp cổ chết năm con gà mái tha về trung đội. Nước đã sôi sùng sục. Tuấn còi chửi “ Làm chó gì mà lâu thế?” Tôi nói không ra hơi, chỉ tay về hướng tiểu đoàn. Anh Hoạch chồm dậy, dụi bớt lửa. Bố Nhương lấy tấm liếp thôt nôt che chắn xung quanh rồi sai thằng Vỹ ra gác. Lông gà và lòng mề chôn ngay. Một lát sau, nồi cháo thịt gà nhiều hơn gạo đã ngấu. Cả trung đội đang sì sụp ăn vụng bỗng giật nảy mình. Thằng Điệp liên lạc, không biết bằng cách nào, đã đứng lù lù trước đống lửa. Nó nhe răng cười và chìa bát sắt ra. Hú hồn ! Mẹ thằng này khôn thật ! Cả về sau này, có lẽ chẳng còn bát cháo gà nào với tôi, ngon như thế nữa. Sáng hôm sau, tôi được phân công xuống trực máy đại đội 1. Mừng hú, vì dưới đại đội sinh hoạt có phần thoải mái hơn nằm ở tiểu đoàn bộ. Gần lửa thì rát mặt. Cán bộ đại đội có anh Khanh, đại phó, anh Síu chính trị viên. Đại đội 1 có mấy thằng lính cùng đoàn với tôi, chơi với nhau cũng hợp tính như thằng Căn liên lạc, Thằng Đặc trung đội 3…Xuống đến nơi thì chúng nó đi đâu cả.Tôi hỏi thì ông Khanh nháy mắt:” Cho chúng nó đi cải thiện!”. Gần trưa, hai thằng lặc lè khoác ba lô về. Mở ra thì toàn rượu Napoléon loai lâu năm thượng hạng. Còn ba lô kia toàn sữa hộp Neslé và thuốc lá thơm Ara. Trong thành phố Phnom Penh lúc đó có rất nhiều kho dự trữ của địch. Chắc hai thằng này may mắn vớ đúng kho Sở ngoại vụ rồi. Chiều ra sông tắm, quăng xuống quả US da láng (M.26). Nổ đánh ục một cái, cá nổi trắng nước. Lao vội ra vớt những con to nhất quăng lên bờ. Thêm hai con gà luộc nữa là bữa tối trở nên hoành tráng. Thằng Tuý 2W xì ra một lố pin PRC.25 đã thải, đấu vào cái bóng 12V. Lúc này, cái nhà sàn ban chỉ huy đại đội bỗng thành nơi dốc bầu tri kỷ. Cha con anh em ngất ngưởng nâng bát. Lưng chừng cuộc vui, anh Khanh lúc ấy đã tây tây rồi, đòi đục sữa hộp ra pha vào rượu. Bố ai chịu được loại coctail ấy. Thế mà anh ấy ực một hơi hết bát B.52 rồi ra vịn lan can …ói. Chưa ai kịp ra đỡ thì từ từ gục xuống , cắm đầu rớt qua thành lan can rơi xuống hồ. Thằng Căn lao xuống lôi lên. Bố ấy vẫn còn lè nhè : “Đ…mẹ ! Tao rớt ngọt như quả mít! “ Nói tiếng Đan mạch (Đ…m) một lúc nữa rồi cha ấy nằm thẳng cẳng. Tôi cũng say quá. Tự nhiên thấy nhớ nhà kinh khủng. Nước mắt giàn giụa không kìm đươc, tôi bật khóc hu hu ! …Những ngày yên tĩnh như thế rồi cũng nhanh chóng trôi qua. Trưa ngày 25/01/79, tức là ngày 27 Tết Kỷ Mùi, đơn vị nhận lệnh hành quân gấp. Tiểu đoàn 4 đi dọc con đường ngược sông về Ph’nom Penh. Đến mũi đất phía nam sông Bốn mặt (gần cầu Sài gòn), chúng tôi leo xuống bờ sông dốc đứng. Ở đó đã có mấy chiếc tàu LCU đang chờ sẵn. Tiểu đoàn xuống tàu, lùi lũi ngược Tonle Sap. Sông bốn mặt rộng mênh mông. Thủ đô Ph’nom Penh trải dài ven bờ phía trái tầm mắt chúng tôi. Những mái vàng của Hoàng cung lấp lánh trong nắng. Từng vòm cây xanh ngắt ôm ấp những khu nhà ngói đỏ xinh xắn. Trước mũi tàu rẽ sóng, thỉnh thoảng những đàn cá linh thấy động vụt nhảy rào rào trắng xoá. Ph’nom Penh lùi dần lại sau lưng. Chạy được khoảng 2 giờ, bỗng có tiếng đạn nhọn rộ lên bên sườn bờ bên tay phải. Chúng tôi ngồi thụp xuống lòng tàu, không bắn trả. Đoàn tàu né sang bờ hữu ngạn, tăng tốc phả khói đen mù mịt tiếp tục tiến . Chạy thêm 1 tiếng nữa, hải quân cập bờ trái. Đơn vị đổ bộ lên bến phà Preck Đam, tiếp tục tiến theo mé sông hướng bắc lên Ô Đông. Địa hình ven bờ toàn những bụi cây dại lúp xúp. Con đường đất chạy giữa một bên sông, một bên là đầm lầy. Trời đã mờ mờ tối. Tiểu đoàn dừng lại ở một cái xưởng cưa ven sông, triển khai đội hình chiến đấu. Trên mặt sông, mấy chiếc giang hạm nhỏ đen trùi trũi đi phối thuộc với chúng tôi đang buông neo gần bờ. Anh Ky và tôi được lệnh kéo dây xuống đại đội 1 ở phía trước. 20h30, liên lạc hữu tuyến đã thông suốt. Đêm cuối tháng tối như mực. Im lặng đến rợn người. Máy điện thoai để mức chuông nhỏ nhất. Cấm đốt lửa, chúng tôi đổ nước lạnh vào bịch gạo sấy hoặc xé mỳ tôm sống ra trệu trạo nhai. Đến nửa đêm, tổ trinh sát tiểu đoàn 3 người vượt qua đại đội 1 lên bám địch. Qua đội hình trung đội 3 tiền tiêu, anh Sơn tiểu đội trưởng trinh sát còn lào thào dặn với :”Chút nữa bọn tao về ! Nhớ hỏi mật khẩu không có bắn nhầm đấy!”. Gà gật đến 2h30 sáng 26/01 (28 Tết), đạn nhọn rồ lên phía trước mấy loạt rồi im bặt. Gần sáng, hầm tiền tiêu thấp thoáng bóng người. Tiếng nói nhỏ:” Trinh sát đây! Sơn đây! Đừng bắn!”. “Mật khẩu?” “ Mật khẩu đ… gì? Mấy thằng lính mới trung đội mày gác giật mình ngoéo cò thì bố mày lên nóc tủ à?”. Trinh sát đã về qua đại đội. Mọi người xúm vào hỏi. “ Còn thằng nữa đâu?” “Chắc tiêu rồi! Sát họng đại liên, không kéo về được!”. 5 h30, trời bắt đầu sáng. Chỉ huy tiểu đoàn triển khai nhiệm vụ cho đại đội 1 qua máy điện thoại xong, 2W lên máy. Anh Nhương dặn tôi qua máy:” Chúng mày không phải thu dây, tao cho chúng nó thu từ dưới này lên!”. Cả đội hình tiểu đoàn từ từ tiến. Dưới sông, tàu hải quân cũng tiến song song. Trước mặt có một cái cồn nổi lớn chia Tonle Sap thành hai nhánh. Bốn chiếc khinh hạm của ta phát hiện địch trước. Đại liên 50 hai nòng trên các tàu bắt đầu khai hoả. Lính đại 1 bám từng bờ cây, bụi cỏ phát triển dần lên. Địa hình hẹp bề ngang, nhiều vật che khuất chỉ có một đường tiến. Cối 82 tiểu đoàn được yêu cầu bắn trước đội hình 60 m nên đại 4 gần như dựng nòng lên thả đạn. Dưới sông, bốn chiếc khinh hạm yểm trợ nhau lần lượt quay đuôi về phía địch thụt cối 81 (thằng cối 81 dưới tàu Mỹ bắn bằng điện nên góc bắn có khi nhỏ hơn 45 độ). Trên cái cồn (giồng) giữa sông, địch có một cái tăng PT.85 chôn âm, nguỵ trang đầy lá thôt nôt gióng nòng pháo bắn săn tàu chiến. Do tàu cơ động liên tục, và khoảng cách cũng xa nên nó nã hơn chục phát cũng không chiếc nào dính đạn. Mấy khẩu 85mm đi tăng cường cho tiểu đoàn 4 không bắn được do địa hình bị che khuất bởi cây cối. Trước mặt là cái trảng , rồi đến con mương thuỷ lợi rộng khoảng 20m ăn thông với sông . Một cây cầu nối hai bờ mương. Bộ binh cứ thò ra ngoài trảng là đại liên bên kia mương nó quất ngay. Địch tựa vào bờ sông và cồn bên kia làm thế ỷ giốc gây khó khăn lớn cho ta. May là nó không bắn cối chứ đường độc đạo như thế, nó cứ thả cối dọc theo đường thì cha con khiêng nhau mệt.Tử sỹ đã được chuyển về. Trong số đó có thằng Thành quê Hà Nam Ninh, thằng Thái người Quảng Bình, thằng Thư ở Bắc Ninh là mấy đứa cùng bổ sung cùng đợt 1978 như tôi. Mấy chiếc tàu quân ta hùng hổ được một lúc, bắn hết đạn cối rồi quay đuôi chuồn thẳng. Bộ binh cũng nằm luôn, không tiến nữa. Buổi trưa yên tĩnh trở lại, như chưa hề có điều gì vừa xảy ra. Trên mặt công sự của tôi, những con kiến đang chăm chỉ tha những cọng mỳ tôm vương vãi. Mặc kệ! Ai có việc của người ấy phải không? Tớ bận kiếm ăn, còn loài người các cậu thì bận giết nhau. Cũng thế cả thôi! Tự nhiên tôi bỗng nhớ tới nụ cười Bayon mà chúng tôi đã gặp rất nhiều trên đất nước này. Đôi mắt lim dim, nụ cười đá nhếch mép thoang thoáng, nửa như chia sẻ, nửa như giễu cợt :”Thôi đi nào! Kể cả sự Sống cũng như cái Chết ! Chỉ có Thời gian mới là vĩnh cửu!”. Cái đất nước bí ẩn và quái quỷ này… Pháo 105mm sư đoàn bắt đầu giã vào ngã ba chùa sau lưng địch. Tiểu đoàn 5 từ Ô Đông đánh bọc đít tuyến chốt này, quyết bao vây tiêu diệt gọn. Trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn 4 xung phong phối hợp. Đại đội 4 còn bao nhiêu đạn cối 82 mang ra xài hết. Đẩy khẩu DK.82 duy nhất của tiểu đoàn lên sát đại 1 thổi thẳng vào những bụi cây ven bờ mương. Địch vỡ trận bắt đầu tháo chạy. Phía bên kia cồn, tiếng động cơ rồ lên. Cái tăng PT.85 lùi ra khỏi ụ lủi đi thật nhanh. DK82 bắn đuổi với nhưng không trúng. Bộ đội đã vượt qua được cầu. Ngay trước hầm địch 5m là xác thằng Năm trinh sát hy sinh hồi đêm. Súng đã bị địch thu mất, thi thể găm đầy vết đạn. Tôi thấy đôi dép cao su đúc của nó còn tốt liền tháo ra xỏ vào chân, quăng ngay đôi giày thối xuống sông. Trên sân chùa, đoàn xe bò chở gạo và thương binh tử sỹ địch trúng pháo văng tung toé. Một con bò què cẳng rống lên thảm thiết. Có ngay một phát đạn nhân đạo dành cho nó. Anh nuôi các đại đội đi qua mỗi thằng xẻo một miếng tướng trước mặt ban chỉ huy tiểu đoàn nhưng cũng chẳng ai nói gì. Không thế lấy sức chó đâu ra mà đánh nhau. Đến chiều tối thì hai tiểu đoàn gặp nhau. Trận này không kể bị thương trung đoàn hy sinh 11 người. Anh Thạnh trung đoàn trưởng (đi cùng mũi với tiểu đoàn 5) phần thì xót lính, phần thì tức tối vì sổng mất cái xe tăng, luôn mồm chửi rủa. Đúng lúc ấy, hai trong số bảy thằng tù binh to vật vã đang ngồi dưới gốc cây bỗng lao vào giật súng của vệ binh định ăn thua đủ. May mà lính ta ra tay kịp thời. Đạn cày nát cái sân đất trước mặt. Trận ấy trung đoàn 2 không bắt sống được tù binh, nhưng đã xoá sổ gần một tiểu đoàn địch. Mai đã là 30 Tết rồi ! Chiều ba mươi Tết (năm ấy tháng thiếu, 29 là ngày ba mươi), đơn vị dừng chân ở một phum trù phú ven bờ Tonle Sap. Tôi bị Tào Tháo đuổi có lẽ do món thịt bò hầm bằng thùng đại liên trộn với nước lã uống đại dọc đường oánh nhau trong bụng. Đêm mắc võng cạnh anh Thịnh 2W, nghe Thu Phương (không phải Thu Phương bây giờ) hát qua cái radio chiến lợi phẩm mà lòng quặn lên nỗi…đi ngoài. Bài hát này tôi thuộc và rất thích :” Em ơi mùa xuân đến rồi đó! Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời…”.(Bây giờ thằng con giời đánh của tôi nghe chúng bạn đâu đó sửa lại thành:” Em ơi đừng nghe nó lừa đấy! Nó ở nhà quê mấy vợ rồi…!”). Gà lợn đầy phum và đã có lệnh được phép sử dụng thực phẩm thu được của địch một cách hợp lý. Nhưng các bạn biết đấy,với mấy thằng lính chiến thì giới hạn của sự hợp lý là vô hạn. Thôi thì đủ các món trên trời dưới bể : kho, xào,nướng, tái…Anh Hồng đại trưởng đại 4 còn thể hiện món tiết canh chó. Các đại đội đóng quân tương đối xa nhau nên hữu tuyến được nghỉ không phải dải dây. Đến giao thừa, tất cả các cỡ súng đồng loạt rộ lên. Tiếng đạn nhọn giòn như bắp rang điểm nhịp trầm trầm của hoả lực. Đạn vạch đường AK, đại liên, 12.8 từ hướng các tiểu đoàn bay vạch ngang vạch dọc bầu trời. Thậm chí còn có thể nhận ra những vệt đỏ lừ của đạn chống tăng M.72 . Anh Lộc người Hà Tây mới về nhận nhiệm vụ chính trị viên phó tiểu đoàn 4 định kêu 2W gọi xuống các đại đội thì mọi người gạt đi :”Gọi làm gì ! Địch tập kích ấy mà!”.“ Mẹ chúng nó ! Tập kích đường không hay sao ấy nên toàn bắn lên trời thế kia ! Mai trung đoàn hỏi thì ăn nói thế nào ?”.” Ấy đừng lo ! Chắc bây giờ trung đoàn bộ cũng đang bị tập kích thôi !”- Chính trị viên Thưởng khoái trá. Thực ra từ hồi chiều chỉ huy tiểu đoàn đã lệnh cho các đại đội cấm cho lính bắn bậy. Nhưng giờ phút thiêng liêng này, ai nỡ ngăn cản những xúc cảm con người. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương xa xót, lòng hy vọng ở một ngày mai yên bình, lời vĩnh biệt thằng bạn cùng ra lính sáng nay ngã xuống, niềm cô đơn bất tận của đoàn người tha hương...Tất cả, tất cả những ẩn ức dồn nén ấy đã bật ra trong tiếng súng. Bi tráng và day dứt hơn bất cứ dàn giao hưởng nào. Phải chăng con sói của Jack London cũng đã từng tru lên như thế trong đêm lạnh dưới vầng trăng vùng cực? Trong tận cùng cô độc, nhìn sâu vào lòng mình, con người trưởng thành hơn và thấy thương con người hơn. Tất nhiên chúng tôi hiểu Đất nước và Nhân dân luôn bên cạnh, nhưng trong khoảnh khắc ấy, với tôi là những giờ phút rất riêng tư. Sau Tết được vài hôm, anh Ky, tôi và thằng Tuý 2W (hy sinh năm 1980) được lệnh đi độc lập với đại đội 2 (đại đội anh hùng) cùng sở chỉ huy nhẹ tiểu đoàn ra Ô Đông phối thuộc với trung đoàn 3 . Địch bâu bám, quấy rối và đánh cắt giao thông lộ 5 đi Kompong Ch’nang, đẩy tiểu đoàn 8 trung đoàn 3 ra sát rìa lộ. Ở ngã tư gần thị trấn Ô Đông còn thấy năm sáu chiếc xe tăng T.54, M.113 của ta bị nó phục kích bắn cháy đen thui. Địa hình ruộng khô xen lẫn rừng thưa nên rất khó quan sát. Được tăng viện, trung đoàn 3 quay lại đuổi địch dạt vào phía rừng. Nhưng bọn này thuộc địa hình, cứ dạt ra chỗ này lại bâu chỗ khác rất khó chịu. Đã ba ngày liền, tiểu đoàn 8 và đại 2 tiểu đoàn 4 quần nhau với bọn này. Rình rập nhau từng xó rừng, bờ ruộng. Mùa khô lính khát nước gần chết. Phía trong rừng thưa lẫn ruộng chỉ có độc nhất một cái hồ nhỏ, không hiểu sao lại gọi tên là hồ Thiên nga. Đại 2 đánh lên rồi nằm trấn ngay bờ hồ ấy, cứ thằng nào mò ra lấy nước là bắn tỉa. Gần 2 chục thằng phơi xác. Có lần địch bắn rát hô xung phong nhưng anh Hải (người Quảng ninh – hy sinh năm 1981) đại trưởng quát lính nằm im không thèm bắn. Bọn này biết ngay là gặp thành phần không dễ chơi nên lại dạt ra phía lộ. Trên máy PRC.25 nó dò được tần số liên lạc của ta liền chửi :”chuây me Duôn!” nhặng xị. Có thằng biết chửi cả bằng tiếngViệt. Thằng Tuý chửỉ lại mỏi mồm, bảo chúng nó có khát thì chịu khó đái ra mà uống chứ đừng dại dột lại gần cái hồ này rồi chuyển tần số theo quy định. Gần tối, đại đội 2 lại được lệnh quay ra lộ 5 đánh bọc đít. Đi đến đâu địch dạt ra đến đấy. Trên mặt lộ, anh Nguyễn Năng Nguyễn – trung đoàn trưởng trung đoàn 3- dàn cả 5 khẩu DK.75 táng đạn xuyên vào bìa rừng chúng nó mới tháo lui. Lộ 5 đã thông, đại đội 2 và chúng tôi trở về đội hình tiểu đoàn bằng xe tải. Từ Ô Đông lên thẳng Kampong Ch’nang rẽ phải xuôi ra bờ Tonle Sap. Tiểu đoàn 4 (thiếu) đã cùng tàu hải quân lên Kampong Ch’nang trước bằng đường thuỷ. Đại đội 2 qua sông bằng thuyền của dân bạn, về đội hình tiểu đoàn ở Bongbang, bên kia thị xã Kampong Ch’nang. Ban chỉ huy tiểu đoàn đóng tại cái chùa lớn. Trung đội thông tin nằm trong cái nhà đúc 2 tầng cách BCH khỏang 100m. Về đến nơi, tôi và anh Ky được phân công xuống đại đội 1 ngay. Phải nói là sau những đòn mãnh liệt và nhanh chóng của ta, địch bắt đầu hồi lại và tổ chức phản kích. Các đơn vị nhỏ lẻ bâu bám cầm chân chủ lực ta để các đơn vị cấp sư đoàn gom quân, vũ khí, khí tài rút vào địa hình hiểm trở hòng kháng chiến lâu dài. Chiến tranh có vẻ kết thúc sau khi Phnom Penh được giải phóng. Nhưng với chúng tôi, nó mới thực sự bắt đầu. Đêm vừa xuống đến đại đội 1, địch tập kích ngay. Tiếng súng rộ lên khắp các đại đội. Nó đánh cả vào ban chỉ huy tiểu đoàn. Đại đội 1 nằm cạnh một gò núi nhỏ mọc đầy tre tầm vông, chẹn ngang con đường đất đi về phía rừng thưa. Đại 2, đại 3, đại 4 nằm liền kề bố trí hình vòng cung lõm. Ban ngày yên tĩnh. Cánh đồng trống trải nhìn rõ những gò cây khô trơ trụi do cháy và rụng lá mùa khô. Lính tráng đi lại kiếm ăn cải thiện khá thoải mái. Sơn “ba tai” hữu tuyến còn kiếm đâu được con ngựa liền cưỡi ra bờ sông sang thị xã Kampong Chnang kiếm rau ăn. Chiều tối cả người cả ngựa bơi vượt sông về. Tôi cũng thử tập làm kỵ sỹ. Dù lót cả cái bao tải làm yên nhưng cũng trợt cả da mông vì mồ hôi ngựa. Một lần vào buổi trưa, thằng Đồng Huế liên lạc phát hiện một con trâu đang xồng xộc chạy trên đồng, hướng địch hay vào tập kích . Tôi và nó nằm ngay trên cái phản trong lều đại đội vớ ngay AK cứ thế tương. Con trâu đã loạng choạng lảo đảo thì lại thấy bóng người đang đuổi theo nó. Ah! Địch rồi! Thằng này tợn thật, dám tiếc con trâu à!. Thế là lại quay sang tỉa nó. Thằng Gia “cà bây”(trâu) bên cối 60 hét lên:” địch đâu mà địch! Ông Khanh đấy!”. Xung lực ngưng bắn ngay lập tức. Bố Khanh -(Quê Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá - đại trưởng) – đúng là bố Khanh thật, từ từ đứng dậy quan sát rồi bình tĩnh tiến đến con trâu đã chết. Sau một hồi hì hục giải phẫu, xách về một cái lưỡi trâu, một quả tim lừ lừ đi thẳng vào lều hỏi: ”Thằng nào vừa bắn đấy?” Thằng Đồng im lặng. Còn tôi đứng ngay dậy :” Em bắn đấy! Em tưởng…”. Thế là veo một cái, cả cái lưỡi trâu trên tay cha Khanh bay thẳng vào mặt tôi. Phản ứng cực lẹ, tôi né được phát thứ nhất. Chưa định thần thì bụp, cả quả tim trâu đầy máu đập ngay vào bụng tôi rồi lăn ra đất. Dường như đã hả tức, anh ấy chửi rủa vài câu nữa rồi thôi. Thằng Đồng len lén đi nhặt chiến lợi phẩm bất đắc dĩ ấy đi rửa để chiều làm bữa. Còn tôi cởi áo (cái áo duy nhất), ra sau bụi le đái vào vò sạch máu trâu rồi đi giặt. Đấy là ban ngày, còn ban đêm các trung đội căng ra gác. Kể cả các trung đội thông tin, trinh sát và vận tải tiểu đoàn. Đêm nào địch cũng tập kích quấy rối. Bọn nó nằm ngoài bờ hoặc bìa rừng khô lia đạn nhọn vào đội hình chứ cũng không dám xáp vô. Thỉnh thoảng cóc oành quả M.79. Hồi đầu, khẩu DK.75 đi phối thuộc với đại 1 cứ thấy loé lửa đầu nòng chỗ nào lại phụt một trái vào đấy. Lâu ngày thành quen, ta chán không bắn lại nữa. Bọn nó đâm sợ bị ta dâng đội hình phục kích nên dãn ra xa. Đêm mùa khô thật lạnh. Địch tập kích đã thành quen. Có những hôm không có tiếng súng bọn tôi không thể ngủ được. Tất nhiên,đừa nào gác cứ gác,đứa nào ngủ cứ ngủ. Bây giờ là khoảng giữa tháng hai năm 1979. Qua radio, tôi biết bọn Khựa đang tiến công ta trên toàn tuyến biên giới. Dường như để phối hợp ,bọn Miên cũng tăng cường hoạt động. Có lần, giữa đại đội 1 và đại đội 3, có hai thằng phụ B.40 lọt hẳn vào đội hình. Lính ta thấy mặt hơi bị lạ túm lại hỏi :"Mày ở B nào?". Nó chỉ loằng ngoằng một lúc rồi phọt ra cánh đồng. Mất cơ hội bắt sống hoặc diệt địch. Đêm khuya thanh vắng. Bầu trời quanh vị trí đứng chân của tiểu đoàn bỗng rền rĩ nức nở những tiếng than ai oán. Tôi nằm nghe cũng rợn hết cả da người. Súng đây! Đồng đội cũng ngay đây! Ông Khanh đại trưởng đại 1 đánh nhau thì hay nhưng hoá ra cũng sợ ma. Ông ấy hô thằng Dung "kỳ đà" bắn cối. Cả đại đội nhỏm dậy. Điện thoại tiểu đoàn gọi xuống hỏi tại sao các anh dùng hoả lực. Thì ra là tiếng kêu của bày công đất đi ăn đêm (thịt công đất tuyệt ngon-đúng là nem công chả phượng. Chuyện này tôi sẽ kể với các bạn sau). Hướng trung đội 2 tiếng trung liên của thằng Cự kéo hai loạt ngắn trước. Tiếng AK của địch đáp trả rất gần. Một lát sau nổ thêm 3 phát nữa nhưng xa hơn. Sau đó tất cả lại im lặng. Bình thường địch bao giờ cũng nổ súng trước nhưng đêm nay như thế thì quả là lạ. Anh Khanh nhỏm dậy gọi thằng Đồng cùng xuống trung đội 2 kiểm tra tình hình. Một lát sau trở về kêu các trung đội tổ chức thêm vọng gác. Cả BCH đại đội và cối 60mm vì nằm gần nhau nên cũng phải tổ chức chung một vọng gác nữa. Cái linh cảm là lạ này bắt đầu ở đâu nhỉ? Ah! Thì ra là từ sự im lặng bất thường ấy, Rồi đêm cũng dần qua. Buổi sáng, trước hầm gác của thằng Cự trung đội 2 lù lù một cái xác Miên to vật. Nó nằm sấp úp mặt xuống đất. Lính ta định lật xác nó lên thì anh Khanh cản lại. Săm soi một lúc nữa mới phát hiện thêm một vệt máu nữa cách đấy một chút rồi mất dấu. Trở lại xác thằng địch chết, thận trọng lật lên (vì đề phòng chúng nó gài mìn) thu khẩu M.79 với rất nhiều đạn và lựu đạn. Bộ ka ki màu xám, cái túi mìn claymo bên trong có một cái võng nilon (cái võng này tất nhiên thuộc về thằng Cự). Một cuốn sổ ghi chép linh tinh chữ loằng ngoằng như giá đỗ. Ở moi quần còn phụt ra cả một đám tinh dịch loang lổ, chắc do mất kiểm soát hành vi trước khi về nước Chúa. Khẩu M.79 đã bắn nhưng đạn mới ra khỏi nòng đượcmột nửa vì ngã sấp. Trinh sát tiểu đoàn khi dịch cuốn sổ cho biết đây chính là bọn đặc công, đêm qua định xơi tái đại 1. Thật may là đàn công đất đã báo động cho chúng tôi. Khi đại đội bắn cối nó tưởng là bị lộ nên rút ra. Có thể hình dung tổ ba người của thằng trinh sát này đen đủi mò vào đúng họng RPD của trung đội 2. Chết 1, bị thương 1 vì vẫn còn dấu máu khi rút lui. Tiếng AK bắn 3 phát sau từ phía xa có thể là hiệu lệnh tập hợp đội hình của địch. Hú vía! Từ đó bố có bảo cũng chẳng thằng nào dám bỏ gác. Thường thì cán bộ đại đội khi chọn liên lạc bao giờ cũng chọn những thằng nhanh nhẹn tháo vát, nhỏ người trong số quân mới bổ sung. Ngoài nhiệm vụ liên lạc với các trung đội, nó còn là cả một cái kho di động, chuyên ém những nhu yếu phẩm cần thiết. Chẳng hạn có giai thoại là khi bắt đầu buổi họp quân chính đại đội. Khi đại trưởng hoặc chính trị viên muốn khao các B thì hỏi liên lạc:” Này thằng em! Thuốc rê còn hay hết?” Thế là liên lạc nhanh nhảu ngay:” Còn anh ạ!” rồi mang ra tất cả phì phèo. Còn nếu hỏi ngược lại rằng” hết hay còn?” thì câu trả lời bao giờ cũng là “Dạ đã hết!”. Tất nhiên trong bồng bao giờ cũng phải còn một bịch nữa dành cho những lúc anh em nhà nó lên cơn vật. Tôi cũng tập toẹ hút thuốc từ dạo đó. Hồi đầu mỗi tháng được hai gói thuốc Mai, Đà lạt, Lao động hay Vàm cỏ, tôi đều cho đi hết. Sau này đến cả thuốc rê Tây ninh đắng nghét hôi xì cũng chẳng từ. Điếu thuốc rê sâu kèn, quận bằng báo Quân đội nhân dân hoặc bằng lá cò ke còn một tý tóp cũng giắt lên vách, phòng khi cơ nhỡ mang ra xài tạm. Mỗi lần có nhu yếu phẩm ở nước sang là cả một ngày hội đúng nghĩa. Trà B’lao (lính gọi là trà Bố láo), thuốc lá bao các loại, đường và sữa…Đục mấy hộp sữa ra, láng chảo một ít mỡ, tiếp thêm một chút đường. Bắc lên bếp ngoáy đều cho đến khi quánh lại. Đổ ra vung xoong quân dụng cán phẳng rồi dùng dao cắt thành những miếng vuông đều nhau. Thế là xong món kẹo. Ca inox Mỹ cho trà vào,số lượng không hạn chế sau đó úp ngược cái bình tông nhựa vừa khít đầy nước sôi lên trên. Thế là xong món trà quắt lưỡi. Quanh cái bàn dã chiến với những món “ thời trân” đó, những câu chuyện của lính bất tận liên tu…Trà trong bát hết lại nhấc bình toong lên một chút, Nước lại chảy xuống ca. Chuyện chán thì quay ra bôi bác nhau hoặc bôi bác tỉnh nọ tỉnh kia. Những câu chuyện vui về các miền quê trên khắp đất nước truyền từ đời lính nọ sang đời lính kia, mà chắc bây giờ vẫn lưu truyền trong quân ngũ. Lính Hải hưng chê lính Thanh Hoá “ăn rau má, phá đường tàu- khu 4 đuổi ra- khu 3 đuổi vào - đuổi sang nước Lào- Lào không thèm nhận- biết thân biết phận - lập quốc gia riêng- thủ đô thiêng liêng – là vùng Nông Cống –bài ca truyền thống- dô tá dô tà….”. Lính tỉnh Thanh đốp lại dân Hải Hưng là loại đội nón cho chó. “Nước lụt tháng 3, ngồi trên nóc nhà hát bài ca hy vọng…”. Chuyện này bắt đầu là vì hồi nước lụt năm 1971. có gia đình ở Hải hưng leo lên nóc nhà. Khi trực thăng bay qua thả bánh mỳ cứu trợ thì ông bố nhanh trí giằng nón đội cho con chó để lấy thêm một suất nữa…Những chuyện vô thưởng vô phạt như thế mà đôi khi máu đồng bào nổi lên là quay ra táng nhau ngay. Tỉnh nào cũng có ”thành tích” nhưng khốn khổ nhất vẫn là Nghệ an và Thái bình…Ghét nhau tức nhau lúc ấy thôi nhưng khi lâm trận mới thấy liền như ruột thịt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét